You are on page 1of 3

Quang Dũng quê ở Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội), ông là một

nghệ sĩ đa tài, vừa là nhạc sĩ, vừa là họa sĩ chính vì thế thơ ông rất giàu chất
nhạc và chất họa. Quang Dũng còn là một người lính ưu tú, tham gia nhiều
chiến trường khác nhau, nên những vần thơ của ông về người lính rất chân
thật và sống động, với sức truyền cảm mạnh mẽ, phong cách thơ ông gói gọn
trong mấy từ: Phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Bài thơ “Tây
Tiến” là một bài thơ như thế. Khổ cuối bài thơ được coi là khúc vĩ thanh độc
đáo:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Binh đoàn Tây Tiến được thành lập vào đầu năm 1947, thành phần chủ
yếu là những thanh niên Hà thành, nhận nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để
bảo vệ biên giới Việt- Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp. Địa bàn
hoạt động trải rộng suốt từ vùng Sơn La, Hòa Bình, đến Sầm Nứa (Lào), rồi
vòng về vùng phía tây Thanh Hóa, phải hành quân nhiều lần, điều kiện chiến
đấu vô cùng gian khổ. Tây Tiến sáng tác cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh,
Quang Dũng hồi tưởng lại về những ngày tháng ở binh đoàn Tây Tiến. Cảm
xúc bao trùm bài thơ là nỗi nhớ - Nỗi nhớ ấy về một chặng đường hành quân
dọc miềnTây Bắc, từ đó tác giả giúp ta hoài niệm về những kỉ niệm thắm thiết
tình quân dân, chiêm ngưỡng bức tượng đài người lính Tây Tiến bằng thơ,
bằng nhạc, bằng họa. Nỗi nhớ được hiện hình qua từng chi tiết sống động, ám
ảnh lạ thường. Từng chi tiết trong bài thơ là rất thực, là những gì nhà thơ
chứng kiến trong cuộc hành binh Tây Tiến, song cái thực ấy được “nhớ” lại,
lắng qua tâm hồn lắng sâu của Quang Dũng.
Khổ thơ cuối tô đậm không khí chung của những người lính, của thời
Tây Tiến. Nhịp thơ chậm, giọng thơ buồn, nhưng linh hồn của đoạn thơ thì
vẫn toát lên vẻ hào hùng. Cái tinh thần “nhất khứ bất phục hoàn” thấm nhuần
trong tư tưởng và tình cảm của cả đoàn quân Tây Tiến : “Tây Tiến người đi
không hẹn ước” là ra đi chiến đấu không ước hẹn ngày về, là tinh thần hi sinh,
xả thân vì nước. Bởi lẽ, “Đường lên thăm thẳm một chia phôi” - Mỗi bước
chân hành quân đi lên, dốc đèo thì những bản làng mờ sương lùi lại phía sau.
Hoàn cảnh chiến đấu rất khắc nghiệt, có bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn nên
hành trình chiến đấu là những hi sinh tiếp nối, càng khó có hi vọng trở về.
Cũng giống như những chàng vệ quốc “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi. Nào
có sá chi đâu ngày trở về”. Lính Tây Tiến dù biết “Đường lên thăm thẳm một
chia phôi” nhưng vẫn quyết dấn thân. Đó phải chăng là lời thề “Cảm tử cho
Tổ quốc quyết sinh” của chiến binh Tây Tiến?
Hai dòng thơ khép lại là tình cảm gắn bó của người đi còn lưu lại mãi
với vùng đất:
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Có thể thấy “mùa xuân” có nhiều nghĩa. Đó là mùa đẹp nhất trong năm.
Đây cũng là thời điểm thành lập đoàn quân Tây Tiến - là mùa xuân năm 1947,
khi "Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông" (Hồ Chí Minh), đoàn binh
Tây Tiến xuất quân. Họ đã tiến ra sa trường với khí thế của một thế hệ "Chiến
trường đi chẳng tiếc đời xanh". “Mùa xuân ấy” còn là tuổi xuân, tuổi trẻ của
các anh - các anh đã giã biệt quê hương xông pha vào chiến trận. Nó cũng ẩn
dụ cho tuổi trẻ của người chiến sĩ đã một đi không trở lại. Họ mang theo sức
trẻ nhiệt huyết cháy bỏng của mình lên đường hành quân chiến đấu. Những ai
còn ai mất sau những tháng ngày đầy máu lửa? Bạn bè, đồng đội thân yêu,
những ai đó "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi". Nhưng quê hương vẫn đời đời
ôm ấp bóng hình anh, người chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến. Người lính khi
sống đã chiến đấu anh dũng cùng đồng đội, khi chết vẫn muốn theo đồng đội “
về Sầm Nứa”, tiêu diệt kẻ thù, tiến sang nước bạn, giúp nước bạn. Cả tuổi trẻ
của họ chỉ với mục tiêu chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Họ vẫn rong ruổi chiến đấu
trên suốt cuộc hành trình khó khăn ấy của mình. Phải chăng tình yêu quê
hương đất nước của họ sâu đậm thấm nhuần vào máu thịt đến nhường nào mới
có thể bất diệt như vậy? Đó có phải là tinh thần quốc tế vô sản cao cả của
người lính Việt? Tính sử thi thấm đẫm trong câu thơ này.

Những vần thơ lột tả lí tưởng chiến đấu cao cả của anh bộ đội cụ Hồ,
làm nổi bật phẩm chất yêu nước anh hùng của họ. Do tinh thần bi tráng ấy mà
mùa xuân thành lập đoàn quân trở thành một mốc lịch sử ghi nhận công lao to
lớn của những con người anh hùng bỏ mình vì nước. Những trái tim và linh
hồn ấy còn ở lại với Sầm Nứa, tan vào với núi sông nên sẽ bất tử với thời
gian. Cách nói “chẳng về xuôi” thể hiện thái độ bất cần, khinh bạc, thể hiện
chất lãng tử kiêu hùng nên tinh thần hi sinh mang vẻ đẹp lãng mạn. Nghệ
thuật dùng từ rất dứt khoát “không hẹn ước, chia phôi, hồn về” kết hợp với
giọng thơ nhẹ nhàng mềm mại nên đoạn thơ nói về sự hi sinh lại thấm đượm
chất lãng mạn của các chiến sĩ Tây Tiến. Đoạn thơ cũng như bài thơ nói về cái
chết nhưng không gieo vào lòng người đọc sự bi ai mà gợi tinh thần bi tráng.

Đoạn thơ cuối này sử dụng bút pháp lãng mạn để nhấn mạnh vẻ đẹp tinh
thần hi sinh vì lí tưởng mang màu sắc lãng mạn của đoàn quân Tây Tiến. Vẻ
đẹp chân dung của một tập thể anh hùng tiêu biểu cho một thời kì lịch sử bi
tráng được khắc họa bởi bút pháp tài hoa sẽ còn sống mãi trong lòng người
đọc. Đoạn thơ cũng bộc lộ tình đồng chí, đồng đội thắm thiết của Quang
Dũng. Từ sự kết hợp một cách hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng
lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người
lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức
mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc
kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp.

Có thể nói, với giọng điệu trữ tình đằm thắm da diết, bốn câu thơ cuối
được viết như những dòng chữ tạc trên bia mộ của những người chiến sĩ gan
dạ Tây Tiến. Đó là hình ảnh những người chiến sĩ dũng cảm, nhiệt huyết, đến
lúc ngã xuống vẫn giữ trọn lời thề với quê hương Tổ quốc. Họ là những con
người đau thương nhưng không bi lụy, tràn đầy niềm tin và tinh thần sôi sục
nhiệt huyết căng tràn sức sống của tuổi trẻ. Bức tượng đài được kết tinh từ âm
hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Đó là bức tượng đài được khắc tạc
bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối với những người đồng đội, đối với đất
nước của mình. Vì thế từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà
thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng một thời hoa lửa.
Hơn bảy mươi năm qua, bài thơ Tây Tiến vẫn còn sức quyến rũ với
người đọc hôm nay, gợi ta nhớ về những năm tháng không thể nào quên trong
giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Bằng bút pháp vừa hiện thực vừa lãng
mạn, có sự kết hợp hài hòa với khuynh hướng sử thi, hình ảnh đa dạng, ngôn
ngữ trang trọng, vừa cổ kính, vừa độc đáo, mới lạ, phong phú, giàu chất nhạc,
chất họa, Quang Dũng diễn đạt tài tình nỗi gian khổ trên những con đường
hành quân của binh đoàn Tây Tiến, dựng lên được hình tượng vô cùng đẹp đẽ
về người lính với hào khí ngất trời trong chiến đấu và nét hào hoa, lãng mạn
trong tâm hồn, đẹp trong quyết tâm chiến đấu và lời thề quyết tử. Bức tượng
đài người lính Tây Tiến được khắc tạc bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối
với những người đồng đội, đối với đất nước của mình.

You might also like