You are on page 1of 8

Chương VIII: KIỂM TRA

MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG


Sau khi đọc xong chương này sinh viên có khả năng:
- Trình bày được được khái niệm và vai trò của kiểm tra.
- Mô tả được các nguyên tắc để xây dựng cơ chế kiểm tra.
- Giải thích được quy trình kiểm tra.
- So sánh được ưu nhược điểm của các loại hình kiểm tra
- Phân tích được vai trò của quản trị thông tin.

I. KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ


1. Khái niệm
Kiểm tra (hay còn gọi là kiểm soát) là quá trình áp dụng những cơ chế và phương
pháp để đảm bảo rằng các hoat động và thành quả đạt được phù hợp với các mục tiêu, kế
hoạch và chuẩn mực của tổ chức.
Có thể hiểu đơn giản hệ thông kiểm tra nội bộ là hệ thống của tất cả những gì mà
một tổ chức cần làm để có được những điều muốn có và tránh những điều muốn tránh Hệ
thống kiểm soát nội bộ thực chất là sự tích hợp một loạt hoạt động, biện pháp, kế hoạch,
quan điểm, nội quy chính sách và nỗ lực của mọi thành viên trong tôt chức để đảm bảo tổ
chức đó hoạt động hiệu quả, đạt được mục tiêu đặt ra một cách hợp lý.
Khi triển khai một kế hoạch, cần phải kiểm tra để dự đoán những tiến độ để phát
hiện sự chệch hướng khỏi kế hoạch và đề ra biện pháp khắc phục. Trong nhiều trường
hợp, kiểm tra vừa tạo điều kiện đềra mục tiêu mới hình thành kế hoạch mới, cải thiện cơ
cấu tổ chức nhân sự và thay đổi kỹ thuật điều khiển.
Những công cụ kiểm tra trong quản trị là những tỷ lệ, tiêu chuẩn, con số thống kê
và các sự kiện cơ bản khác,có thể được biểu diễn bằng các loại hình đồ thị, biểu bảng
nhằm làm nổi bật những dữ kiện mà các nhà quản trị quan tâm.
Những biện pháp kiểm tra hiệu quả phải đơn giản, cần tạo sự tự do và cơ hội tối đa
cho người dưới quyền chủ động sử dụng kinh nghiệm, khả năng và tài quản trị của mình
để đạt kết quả cuối cùng mong muốn về những công việc được giao.
Mục đích của hoạt động kiểm tra
- Đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định quản trị.
- Nhằm phát hiện ra các sự sai lệch.
- Bảo đảm cho các hoạt động của tổ chức đi đúng theo mục tiêu đã định.
- Sử dụng các nguồn lực của tổ chức hợp lý và hữu ích nhất.
- Xác định và dự đoán sự thay đổi để điều chỉnh kịp thời.
- Phát hiện kịp thời sai lầm, thiếu sót để hạn chế rủi ro.
2. Vai trò
Kiểm tra là chức năng của mọi nhà quản trị, từ nhà quản trị cao cấp đến các nhà
quản trị cấp cơ sở trong một đơn vị. Mặc dù qui mô của đối tượng kiểm tra và tầm quan
trọng của sự kiểm tra thay đổi tùy theo cấp bậc của các nhà quản trị, tất cả mọi nhà quản
trị đều có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, do đó chức năng kiểm tra là một
chức năng cơ bản đối với mọi cấp quản trị.
- Nhờ có chức năng kiểm tra mà nhà quản trị nắm được kịp thời mọi diễn biến
đang xảy ra trong tổ chức của mình. Là công cụ để theo dõi, giám sát những người thừa
hành và cũng là để kiểm soát hoạt động của chính nhà quản trị để kịp thời nhận ra những
thiếu sót của bản thân để khắc phục và sửa chữa kịp thời.
- Kiểm tra giúp phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm của các thành viên.
- Đảm bảo cho các thành viên, các bộ phận trong toàn tổ chức có ý thức về việc
chấp hành các thể lệ, quy định, nguyên tắc của tổ chức, xác định rõ trách nhiệm mỗi cá
nhân trong việc thực hiện mục tiêu.
- Giúp đánh giá đúng kết quả công việc của từng cá nhân, từng bộ phận từ đó
khuyến khích các thành viên hăng hái, tạo động cơ thi đua tăng năng suất, chất lượng,
hiệu quả.
II. CÁC NGUYÊN TẮC ĐỂ XÂY DỰNG CƠ CHẾ KIỂM TRA
Tất cả các nhà quản trị đều muốn có một cơ chế kiểm tra thích hợp và hữu hiệu để
giúp họ trong việc duy trì các hoạt động trong tổ chức diễn ra theo đúng kế hoạnh và đạt
được mục tiêu đã đề ra. Vì mỗi tổ chức đều có những mục tiêu hoạt động, những công
việc, và những con người cụ thể riêng biệt, cho nên các biện pháp và công cụ kiểm tra
của mỗi xí nghiệp đều phải được xây dựng theo những yêu cầu riêng.
Giáo sư Koontz và O'Donnell đã liệt kê 7 nguyên tắc mà các nhà quản trị phải tuân
theo khi xây dựng cơ chế kiểm tra. Đó là các nguyên tắc:
1. Theo kế hoạch hoạt động của tổ chức
Cơ sở để tiến hành kiểm tra thường là dựa vào kế hoạch. Do vậy, nó phải được
thiết kế theo kế hoạch hoạt động tổ chức. Mặt khác, kiểm tra còn cần được thiết kế căn cứ
theo cấp bậc của đối tượng được kiểm tra.
Ví dụ: như công tác kiểm tra các hoạt động và nội dung hoạt động của phó giám
đốc tài chánh sẽ khác với công tác kiểm tra thành quả của một cửa hàng trưởng. Sự kiểm
tra hoạt động bán hàng cũng sẽ khác với sự kiểm tra bộ phận tài chánh. Một doanh
nghiệp nhỏ đòi hỏi cách thức kiểm tra khác với sự kiểm tra các xí nghiệp lớn.
2. Theo đặc điểm cá nhân của nhà quản trị
Điều này sẽ giúp nhà quản trị nắm được những gì đang xảy ra, cho nên việc quan
trọng là những thông tin thu thập được trong quá trình kiểm tra phải được nhà quản trị
thông hiểu. Những thông tin hay những cách diễn đạt thông tin kiểm tra mà nhà quản trị
không hiểu được, thì họ sẽ không thể sử dụng, và do đó sự kiểm tra sẽ không còn ý nghĩa.
3. Phải thực hiện tại những điểm trọng yếu
Khi xác định rõ được mục đích của sự kiểm tra, chúng ta cần phải xác định nên
kiểm tra ở đâu? Trên thực tế các nhà quản trị phải lựa chọn và xác định phạm vi cần kiểm
tra. Nếu không xác định được chính xác khu vực trọng điểm, như kiểm tra trên một khu
vực quá rộng, sẽ làm tốn kém thời gian, lãng phí về vật chất việc kiểm tra không đạt được
hiệu quả cao.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào những chỗ khác biệt thì chưa đủ. Một số sai
lệch so với tiêu chuẩn có ý nghĩa tương đối nhỏ, và một số khác có tầm quan trọng lớn
hơn. Chẳng hạn, nhà quản trị cần phải lưu tâm nếu chi phí về lao động trong doanh
nghiệp tăng 5% so với kế hoạch nhưng sẽ không đáng quan tâm lắm nếu chi phí về tiền
điện thoại tăng 20% so với mức dự trù. Hậu quả là trong việc kiểm tra, nhà quản trị nên
quan tâm đến những yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, và
những yếu tố đó được gọi là các điểm trọng yếu trong doanh nghiệp.
4. Phải khách quan
Quá trình quản trị dĩ nhiên là bao gồm nhiều yếu tố chủ quan của nhà quản trị,
nhưng việc xem xét các bộ phận cấp dưới có đang làm tốt công việc hay không, thì không
phải là sự phán đoán chủ quan.
Nếu như thực hiện kiểm tra với những định kiến có sẵn sẽ không cho chúng ta
được những nhận xét và đánh giá đúng mức về đối tượng được kiểm tra, kết quả kiểm tra
sẽ bị sai lệch và sẽ làm cho tổ chức gặp phải những tổn thất lớn.
Vì vậy, kiểm tra cần phải được thực hiện với thái độ khách quan trong quá trình
thực hiện nó. Đây là một yêu cầu rất cần thiết để đảm bảo kết quả và các kết luận kiểm
tra được chính xác.
5. Phải phù hợp với bầu không khí của doanh nghiệp
Để cho việc kiểm tra có hiệu quả cao cần xây dựng một qui trình và các nguyên
tắc kiểm tra phù hợp với nét văn hóa của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phong cách
lãnh đạo dân chủ, nhân viên được độc lập trong công việc, được phát huy sự sáng tạo của
mình thì việc kiểm tra không nên thiết lập một cách trực tiếp và quá chặt chẽ. Ngược lại,
nếu các nhân viên cấp dưới quen làm việc với các nhà quản trị có phong cách độc đoán,
thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ, chi tiết và nhân viên cấp dưới có tính ỷ lại, không có khả
năng linh hoạt thì không thể áp dụng cách kiểm tra, trong đó nhấn mạnh đến sự tự giác
hay tự điều chỉnh của mỗi người.
6. Cần tiết kiệm và đảm bảo tính kinh tế
Mặc dù nguyên tắc này là đơn giản nhưng thường khó trong thực hành. Thông
thường các nhà quản trị tốn kém rất nhiều cho công tác kiểm tra, nhưng kết quả thu hoạch
được do việc kiểm tra lại không tương xứng.
7. Phải đưa đến hành động
Việc kiểm tra chỉ được coi là đúng đắn nếu những sai lệch so với kế hoạch được
tiến hành điều chỉnh, thông qua việc làm lại kế hoạch, sắp xếp lại tổ chức; điều động và
đào tạo lại nhân viên, hoặc thay đổi phong cách lãnh đạo. Nếu tiến hành kiểm tra, nhận ra
cái sai lệch mà không thực hiện việc điều chỉnh, thì việc kiểm tra là hoàn toàn vô ích.
Kiểm tra là chức năng quản trị rất quan trọng, có liên quan mật thiết với các chức
năng hoạch định, tổ chức nhân sự. Về cơ bản, kiểm tra là một hệ thống phản hồi, là bước
sau cùng của tiến trình quản trị. Với quan niệm quản trị học hiện đại, vai trò của kiểm tra
bao trùm toàn bộ tiến trình này.
III. QUY TRÌNH KIỂM TRA
1. Quy trình kiểm tra
Quy trình kiểm tra gồm 3 bước:
- Bước 1: Xây dựng các tiêu chuẩn.
- Bước 2: Chọn phương pháp đo lường việc thực hiện.
- Bước 3: Điều chỉnh các sai lệch.

Hình 8.1: Quy trình kiểm tra

1.1. Xây dựng các tiêu chuẩn


Kiểm tra là quá trình nhà quản lý tiến hành đo lường kết quả thực hiện kế hoạch để
đối chiếu với mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, bới vậy bước đầu tiên trong quy trình
kiểm tra là xác định các tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn là những chỉ tiêu của nhiệm vụ cần được thực hiện. có thể biểu thị
dưới dạng đính tính hay định lượng (chi tiêu tài chính, chỉ tiêu số lượng, sản phẩn…). Để
tốt nhất cho việc kiểm tra, các tiểu chuẩn để ra phải hợp lý và có khả năng thực hiện
được. Tránh xây dựng tiêu chuẩn vượt quá khả năng so với thực tế rồi lại quay sang điểu
chỉnh hạ thấp bớt tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn kiểm tra là những điểm được lựa chọn mà tại đó người ta đặt các phép
đo để đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
1.2. Chọn phương pháp đo lường việc thực hiện
Dựa trên các tiêu chuẩn kiểm tra, các nhà quản lý đo lường việc thực hiện kế
hoạch (thực hiện các chỉ tiêu trên) tại các điểm đã được lựa chọn trong chương trình.
Nếu những tiêu chuẩn được vạch ra một cách thích hợp và nếu có các phương tiện
để xác định một cách chính xác rằng cấp dưới đang làm gì, các nhà quản trị có thể đánh
giá thành quả thực tế của những nhân viên dười quyền của họ. Tuy nhiên, sự đánh giá đó
không phải bao giờ cũng được thực hiện.
Trong quá trình đo lường các nhà quản lý có thể phát hiện ra các sai lệch giữa kết
quả thực hiện thực tế với các chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch.
Những sai lệch đó có thể là tích cực (kết quả tốt hơn so với kế hoạch đề ra) hoặc
tiêu cực (kết quả kém hơn so với kế hoạch đề ra). Trong cả 2 trường hợp, nhà quản lý đề
cần tìm hiểu nguyên nhân để đi đến bước 3 đó là điều chỉnh các sai lệch.
1.3. Điều chỉnh các sai lệch
Điều chỉnh các sai lệch có thể coi là mục đích của việc kiểm tra vì điều này đảm
bảo cho việc hoành thành được các mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.
Khi phát hiện ra sự sai lệch, người quản trị cần phải tập trung phân tích và tìm ra
nguyên nhân của sai lệch.
Các nhà quản lý có thể điều chỉnh các sai lệch bằng cách như sau:
- Sử dụng các chức năng khác nhau của quản lý như phân công lại công việc, tổ
chức lại cơ cấu quản lý, nhân sự, đào tạo lại nhân sự, thay đổi phong cách lãnh đạo…
- Xem xét lại kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch hoặc sửa đổi các mục tiêu.
Ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nhờ hoạt động kiểm tra thường xuyên người
ta có thể biết số hàng tồn kho, số lượng bán được, doanh số, các sai lệnh khi chúng mới
xuất hiện.
2. Các hình thức kiểm tra
Kiểm tra có vai trò quan trọng, bao trùm toàn bộ quá trình quản trị và được tiến
hành khi thực hiện các công việc đã được lên kế hoạch.
2.1. Kiểm tra lường trước
Kiểm tra phòng ngừa được thực hiện nhằm giảm các sai lầm. các hoạt động của
kiểm tra phòng ngừa bào gồm việc ban hành các quy định và nguyên tắc, các tiêu chuẩn,
các thủ tục tuyển mộ và tuyển chọn nhân lực. kiểm sát phòng ngừa được tiến hành trước
khi hoạt động thực sự. các chương trình huấn luyện và phát triển nguồn nhân lực. Kiểm
tra phòng ngừa được tiến hành trước khi hoạt động thật sự.
Các nhà quản trị học hiện đại rất chú trọng đến loại hình kiểm tra này. Harold
Koontz phân tích rằng thời gian trễ trong quá trình kiểm tra quản trị chỉ ra rằng công việc
kiểm tra cần phải hướng về phía tương lai nếu như nó cần có hiệu quả.
Các nhà quản trị cần hệ thống kiểm tra lường trước để có thể nắm chắc những vấn
đề nảy sinh nếu không tác động kịp thời. Nhiều nhà quản trị thông qua những dự đoán
cẩn thận và được lập lại khi có những thông tin mới để tiến hành đối chiếu với kế hoạch
đồng thời thực hiện những thay đổi về chương trình để có thể dự đoán tốt hơn.
Sau đây là một số các kỹ thuật kiểm tra hướng tới tương lai:
- Dự báo mại vụ kết hợp với kế hoạch xúc tiến bán hàng (sales promotion) nhằm
tăng cường doanh số kỳ vọng của công ty đối với một sản phẩm hay một đơn vị kinh
doanh chiến lược (SBU: Strategic Business Unit) nào đó.
- Phương pháp sơ đồ mạng lưới còn gọi là kỹ thuật duyệt xét và đánh giá chương
trình (PERT: Program Evaluation and Review Technique), giúp nhà quản trị lường trước
các vấn đề phát sinh trong các lãnh vực chi phí hoặc phân bổ thời gian, và có biện pháp
ngăn chặn ngay từ đầu các hao phí về tài chánh hoặc về thời gian.
- Hệ thống các đầu vào để kiểm tra lường trước về tiền mặt, hoặc về mức dự trữ
hàng hóa.
- Kiểm tra lường trước trong kỹ thuật công trình. Thí dụ kiểm tra nhiệt độ trước
khi luồng nước chảy ra vòi.
- Kiểm tra lường trước trong các hệ thống phản ứng của con người.Thí dụ người
thợ săn sẽ luôn luôn ngắm đoán trước đường bay của chú vịt trời để điều chỉnh thời gian
giữa lúc bắn và lúc viên đạn trúng đích. Hoặc một người đi xe máy, muốn giữ tốc độ
không đổi thì thường không đợi cho đồng hồ báo tốc độ giảm mới gia tăng tốc độ khi
đang lên dốc. Thay vào đó, khi biết rằng đồi dốc chính là một đại lượng gây nên sự giảm
tốc độ, người lái xe đã điều chỉnh tốc độ bằng cách tăng ga để tăng tốc trước khi tốc độ
giảm xuống. Ví dụ: Dự báo thương mại, kỹ thuât duyệt xét và đánh giá chương trình…
Các hoạt động này có tác dụng định hướng và giới hạn đối với tất cả mọi hành vi
của nhân viên và các nhà quản trị.
2.2. Kiểm tra đồng thời
Kiểm tra đồng thời là loại kiểm tra được tiến hành trong khi hoạt động được diễn
ra. Hình thức kiểm tra đồng thời tốt nhất là giám sát trược tiếp. Khi một quản trị viên xem
xét trực tiếp các hoạt động của một thuộc viên, thì ông ta có thể đánh giá trược tiếp việc
làm của thuộc viên đó, và điều chỉnh ngay sai sót nên mức độ trì hoãn hoặc chậm trễ
thường chiếm thời gian ngắn nhất.
Các thiết bị kỹ thuật thường được thiết kế theo phương thức kiểm tra đồng thời.
Thí dụ: Hầu hết các máy vi tính đều có thể báo cho ta biết ngay khi một phép tính hay
một thuật toán vượt ngoài khả năng thực hiện hoặc cho ta biết nhập liệu là sai. Máy tính
sẽ từ chối thực hiện lệnh của ta và báo cho ta biết tại sao lệnh đó sai.
2.3. Kiểm tra phản hồi
Kiểm tra phản hồi là loại kiểm tra được thực hiện sau khi hoạt động đã xảy ra.
Kiểm tra phản hồi tập trung vào những kết quả đã thực hiện, xác định những trục trặc đã
phát sinh để sửa chữa những trục trặc đó hoặc đề ra những biện pháp phòng ngừa trong
tương lai. Vì vậy thường có độ trễ khá lớn về thời gian. Tuy vậy, nhưng kiểm tra hiệu
chỉnh đem lại hiệu quả phù hợp với những tiêu chuẩn hay nguyên tắc đã được vạch ra.
Ưu điểm của loạt hình kiểm tra phản hồi này hơn hẳn kiểm tra lường trước và
kiểm tra đồng thời:
- Nó cung cấp cho các nhà quản trị những thông tin cần thiết cho quá trình hoạch
định. Giúp các nhà quản trị cái tiến động cơ thúc đẩy nhân viên hoạt động tốt hơn.
- Cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhân viên để nâng cao chất lượng các
hoạt động của mình từ đó cải tiến động cơ thúc đẩy nhân viên làm việc tốt hơn.

Hình 8.2: Vòng phản hồi kiểm tra

TÓM LƯỢC CHƯƠNG VIII


Kiểm tra là một tiến trình đo lường kết quả thực hiện so sánh với những điều đã
được hoạch định, đồng thời sửa chữa những sai lầm để đảm bảo công việc đạt được mục
tiêu theo như mục tiêu đã được đề ra.
Kiểm tra là chức năng của tất cả các cấp bậc quản trị chỉ khác nhau về qui mô của
đối tượng kiểm tra và tầm quan trọng của sự kiểm tra. Mục tiêu của tổ chức chính là trách
nhiệm của tất cả các nhà quản trị nên chức năng kiểm soát là chức năng cơ bản đối với
các cấp quản trị.
Tiến trình kiểm tra gồm các bước là xây dựng các tiêu chuẩn và chọn phương pháp
đo lường việc thực hiện, và điều chỉnh các sai lệnh. Người ta phân biệt các loại hình kiểm
tra gồm kiểm tra lường trước, kiểm tra đồng thời, kiểm tra phản hồi. Việc kiểm tra phải
tuân thủ các nguyên tắc nhất định, Koontz và O'Donnell đã liệt kê 7 nguyên tắc mà các
nhà quản trị phải tuân theo khi xây dựng cơ chế kiểm tra. Đó là các nguyên tắc:
- Kiểm tra phải được thiết kế căn cứ trên kế hoạch hoạt động của tổ chức và căn cứ
theo cấp bậc của đối tượng được kiểm tra.
- Công việc kiểm tra phải được thiết kế theo đặc điểm cá nhân các nhà quản trị.
- Sự kiểm tra phải được thực hiện tại những điểm trọng yếu.
- Kiểm tra phải khách quan.
- Hệ thống kiểm tra phải phù hợp với bầu không khí của doanh nghiệp.
- Việc kiểm tra cần phải tiết kiệm và bảo đảm tính hiệu quả kinh tế.
- Việc kiểm tra phải đưa đến hành động.
Kiểm tra là chức năng quản trị rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến các chức
năng khác, và về cơ bản, kiểm tra là một hệ thống phản hồi, là bước sau cùng của tiến
trình quản trị và không thể thiếu được đối với nhà quản trị giỏi.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Khái niệm và vai trò của công tác kiểm tra?
2. Bản chất của kiểm tra?
3. Những yêu cầu đối với hệ thống kiểm tra hiệu quả?
4. Các hình thức kiểm tra? Trình bày đánh giá của bản thân về ưu nhược điểm của
các loại hình thức này?
5 Kiểm tra phải dựa theo các nguyên tắc nào? Nguyên tắc nào là quan trọng nhất?

BÀI TẬP TÌNH HUỐNG CHƯƠNG VIII


Đặng Lê Nguyên Vũ – Tôi chiến đấu vì thương hiệu Việt. Xuất thân là một sinh
viên Y khoa nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ khoái cà phê hơn là cầm dao mổ. Năm 1996 Vũ
tự làm ra những gói cà phê và tự bán. Tám năm sau Vũ tạo ra việc làm cho gần 15.000
nhân công.
Vượt qua nhiều ứng viên khác trong nước Đặng Lê Nguyên Vũ được hiệp hội các
nhà doanh nghiệp trẻ Asean chọn là nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất Asean. Đây là
một trong những danh hiệu được trao 5 năm một lần cho những doanh nhân có thành tích
kinh doanh xuất sắc, đóng góp nhiều cho xã hội.
Vào thời điểm hiện tại Trung Nguyên cũng đang tạo cho mình một vị thế cách biệt
với các hãng cà phê trong nước. Nhưng không bằng lòng với điều đó nhà quản trị trẻ đầy
bản lĩnh này còn thể hiện sự quyết tâm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Trung
Nguyên đã thể hiện được sức mạnh của mình trong một “ cuộc chiến” với một “đại gia”
nước ngoài vốn khuynh đảo thị phần đóng gói ở Việt Nam – một cuộc chiến mà theo
Đặng Lê Nguyên Vũ là không hề giấu diếm. Và chỉ với một thời gian ngắn sản phẩm G7
của Trung Nguyên đã làm cho đối tác rơi vào tình thế khó khăn.
Thành công của G7 ngày nay là một điều không thể phủ nhận được, ấy vậy mà
không mấy ai biết rằng khi bắt đầu “cuộc chiến” với những công ty đa quốc gia Đặng Lê
Nguyên Vũ có mời hai công ty quảng cáo tới.
Khi nghe Vũ trình bày ý định một người nói “Gậy vông mà đòi chơi với xe tăng,
thiết giáp!”.
Người kia kể: ” ở nhà tôi có nuôi hồ cá. Thả miếng bánh vào, con cá lớn táp trước.
Những mẩu bánh vụn vung vãi dành cho lũ cá nhỏ.”
Nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ không chấp nhận suy nghĩ đó.
“Tại sao tôi không thắng một kẻ mạnh hơn tôi ngay trên đất nước mình? Mục tiêu
của chúng tôi đầy tham vọng: không chỉ chiếm thị phần mà còn đánh bại “đại gia” đó tại
Việt Nam trước đã. Đã đến lúc chủ động “chơi” chứ không đợi người ta “đánh” rồi mới
loay hoay phản kích.
“Đứng lên “chơi” với tập đoàn đa quốc gia. Tại sao không?”
Đúng là khí phách của một doanh nhân trẻ đất Việt – nhanh nhạy, sáng tạo và tràn
đầy niềm tin chiến thắng!
Câu hỏi
1. Qua câu chuyện này bạn thấy được ở Đặng Lê Nguyên Vũ những phẩm chất
nào của nhà quản trị?
2. Hãy đưa ra một vài quan điểm về thế hệ “Nhà quản trị trẻ tuổi Việt Nam” hiện
nay? Theo bạn lợi thế của họ là gì?
3. Để trở thành “Nhà quản trị” thành công trong tương lai, bản thân bạn cần tích
luỹ cho mình những hành trang gì?

You might also like