You are on page 1of 21

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

I, Khái niệm

- Thờ cúng tổ tiên là một hoạt động có ý thức của con người, là tình cảm biết ơn,
tưởng nhớ, hướng về nguồn cội, quá khứ.

+ Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, đồng
thời cũng là sự thể hiện niềm tự hào, che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên.

+ Cúng là yếu tố mang tính lễ nghi, là sự thực hành một loạt động tác dưới dạng
hành lễ và được quy định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng
dân tộc.

=> Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt –
đó là sự thờ phụng tổ tiên.

- Thờ cúng tổ tiên là 1 tín ngưỡng.

+ Thờ cúng tổ tiên được hình thành trực tiếp từ trong cuộc sống phong phú, đa
dạng, có kết cấu đơn giản mang tính dân gian đời thường.

+ Trong việc thờ cúng tổ tiên yếu tố đạo lý giữ vai trò quan trọng hàng đầu chứ
không phải là niềm tin tôn giáo, đó là việc làm tưởng nhớ tới tổ tiên, cội nguồn.

+ Thờ cúng tổ tiên thiếu những tiêu chí cơ bản của một tôn giáo như người sáng
lập, hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, lễ nghi.

+ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bộ phận của ý thức xã hội, là một loại hình
tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời nguyên thủy với niềm tin thiêng liêng
rằng tổ tiên đã chết sẽ che chở phù giúp cho con cháu được thể hiện thông qua nghi
lễ thờ phụng. Nó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người đứng đầu thị
tộc phụ hệ gia đình phụ quyền được duy trì và phát triển trong xã hội có giai cấp sau
này, là sự biết ơn tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành tạo dựng
bảo về cuộc sống như cụ kỵ ông bà cha mẹ tổ sư tổ nghề thành hoàng làng và tổ
nước.
tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

II, Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

1. Nguồn gốc nhận thức và tâm lý

- Con người ta từ thuở hồng hoang nguyên thủy, khi bắt đầu có ý thức, chúng ta
đã có những nhận thức và suy nghĩ về thế giới bên kia. Chúng ta đã có niềm tin, sự
kính trọng, mong muốn bât tử hóa và lưu giữ những hình ảnh, ký ức của những
người ta yêu thương, kính trọng nhất lưu giữ mãi với thời gian. Điều đó phần nào
thể hiện qua những bức vẽ trên nền của những hang động người Tiền sử dù rất sơ
khai, song ta có thể nhận ra đó là miêu tả cho khuôn mặt con người, qua đó ta thấy
ở họ đã bắt đầu có những hành động thờ cúng, tôn vinh tổ tiên.

- Trong xã hội nguyên thủy, ý thức về Tổ tiên là một ý thức của xã hội nguyên
thủy, phản ánh sự bất lực của con người trước sức mạnh tự nhiên. Về sau cùng với
sự áp bức của thiên nhiên, là sự áp bức của những lực lượng mang tính xã hội, luôn
áp bức thống trị cuộc sống con người, khiến họ tìm sự giải thoát trong đời sống
tinh thần. “Tổ Tiên” trong xã hội nguyên thủy có nguồn gốc là tổ tiên Tô-Tem giáo
của thị tộc, bộ lạc. Tổ tiên Tô-Tem giáo thời kì thị tộc mẫu hệ là những vật có mối
quan hệ mật thiết với con người được thần thánh, thiêng liêng hóa thì được coi là
Tô-Tem (vật tổ) của Thị tộc bộ lạc. Thời kì thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người
đứng đầu thị tộc, bộ lạc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự đầy quyền uy. Đối tượng
thờ cúng thời kì này chuyển từ Tô‐Tem sang tổ tiên thật, người cùng huyết thống
đã chết. Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm Tổ tiên được mở rộng và
phát triển. Nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống dòng tộc, mà còn mở
rộng ra phạm vi cộng đồng xã hội. Sự hình thành phát triển của các quốc gia
thường gắn liền với tên tuổi của những người đã có công tạo dựng, giữ gìn cuộc
sống cộng đồng, xã hội. Họ là những anh hùng doanh nhân mà khi sống được tôn
thờ kính nể và khi mất được thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam
họ là những tổ sư, tổ nghề, thành hoàng làng và các anh hùng dân tộc, danh nhân
văn hóa, tổ nước,…
- Cùng với đó, nhận thức của con người cũng là nguồn gốc quan trọng trong quá
trình hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Bởi người nguyên thủy
tin rằng sau khi chết, linh hồn con người vẫn tiếp tục tồn tại. Chính ý niệm về sự
tồn tại của linh hồn là những yếu tố cơ bản nằm trong những phức hợp về biểu
tượng về tổ tiên và là một đặc trưng của hoạt động thờ cúng tổ tiên. Một yếu tố tư
tưởng khác, có phần xa xưa hơn với ý niệm về linh hồn, có ảnh hưởng tới sự phát
triển các biểu tượng tổ tiên là hình ảnh tổ tiên Tô-Tem giáo, hình ảnh thần che chở
cho thị tộc.

- Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở tâm lý là
“niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên”. Chúng bắt nguồn từ ước muốn mang
tính bản năng - ước muốn trường thọ của con người. Chính con người đã thiêng
liêng hóa tình cảm tiếc thương, thái độ kính trọng với người có công tạo dựng cuộc
sống. Trong cuộc sống con người không chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu, mà còn tiếp
xúc với cái hiện hữu, mà còn được tiếp xúc với cái vô hình trừu tượng, mông lung,
chỉ được cảm nhận, linh cảm chứ không thể lý giải bằng lý trí. Niềm tin vào sự hiện
tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, nhiều khi còn là cứu cánh, sự
giải tỏa nỗi cô đơn bất hạnh của con người trước cái chết. Thông qua nghi lễ thờ
cúng tổ tiên, con người thể hiện một cách suy nghĩ về cái chết và cuộc sống sau khi
chết, giải tỏa nỗi sợ khi phải đối mặt với nó.

- Trong chế độ phụ hệ, quyền hành của gia trưởng, tộc trưởng còn làm phát sinh
ở con cháu cảm giác sợ hãi quy thuận. Cảm giác này được nuôi dưỡng, di truyền
thông qua các thế hệ và thậm chí được truyền sang thế giới bên kia với quan niệm
rằng người chết vẫn có thể truyền phạt con cháu, vì thế cần phải kính trọng, thờ
cúng thường xuyên thì tổ tiên mới không làm hại và che chở, bảo vệ, phú giúp.

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn bắt đầu từ lòng hiếu thảo của con cháu. Quan
hệ giữa bố mẹ đang sống với con cái là hiện thân mối quan hệ giữa tổ tiên và con
cháu sau này. Sự kính hiếu cha mẹ được tiếp nối bằng sự tôn thờ, sùng bái tổ tiên.
Bổn phận kính trọng báo hiếu, đền công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ
cũng là bổn phận báo hiếu, ơn đền tổ tiên. Thờ phụng tổ tiên vì vậy là thể hiện lòng
hiêu thảo, biết ơn các bậc sinh thành, nuôi nấng và tác thành cho mình. Tuy nhiên
con cháu được tổ tiên bao dung, che chở khi sống xứng đáng với ước nguyện tổ
tiên. Mặt khác con cháu chỉ tôn kính, quy thuận, thờ phụng tổ tiên khi tổ tiên là
tấm gương sáng để con cháu noi theo. Nếu ai, trong quá khứ, có hành động đi
ngược lại với lợi ích cộng đồng, họ tộc và gia đình thì chẳng những được tôn thờ
mà còn bị nguyền rủa, trừng phạt.

2. Nguồn gốc xã hội

- Có thể nói, nguồn gốc xã hội sâu xa mang tính khách quan của tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên là ở tình trạng hạn chế của lực lượng sản xuất và kèm theo đó là sự tù
túng trong quan hệ kép giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con
người trong xã hội. Còn nguồn gốc trực tiếp, mang tính xã hội của nó là do sự phân
hóa xã hội mà hệ quả của sự phân hóa đó là việc đề cao vai trò của người đứng đầu
trong gia đình – thị tộc. Những người này đã dựa vào tầm ảnh hưởng, uy tín của
mình để củng cố và thiêng liêng hóa sự thờ cúng tổ tiên đã có manh nha trong đời
sống thị tộc mẫu hệ. Trong xã hội có giai cấp, sự áp bức, sự bóc lột giai cấp đã
khiến cho con người không còn lối thoát hiện thực, phải đi tìm sự trợ giúp của tổ
tiên cũng là nguồn gốc quan trọng làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

III, Bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

- Đây là một loại niềm tin.

- Là sự phản ánh sai lệch hiện thực, là “sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc con
người – của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ”.

- Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ,
hiện tại và tương lai.

- Là sự thiêng liêng hóa, thần thánh hóa bắt nguồn từ quan niệm về sự bất diệt
của linh hồn.

- Xét về mặt đạo đức, ý thức tổ tiên mang giá trị nhân văn sâu sắc, phát khởi mối
thiện tâm ở mỗi con người trong cộng đồng xã hội.
- Xét về mặt nhận thức luận, chủ thể nhận thức và phản ánh là người sống, khách
thể được nhận thức và phản ánh là tổ tiên đã mất.

- Xét và mặt xã hội, đó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia
trưởng, là kết quả tất yếu của quá trình phân hóa xã hội, từ chế độ mẫu quyền sang
chế độ phụ quyền.

=> Đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hình thái ý thức xã hội
đặc biệt, một hiện tượng lịch sử - xã hội và văn hóa thuộc lĩnh vực đời sống tinh
thần là sự phản ánh tồn tại xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội, có tính độc lập
tương đối, được hình thành rất sớm và còn tồn tại lâu dài trong xã hội.

IV, Đối Tượng Và Lễ Nghi Thờ Cúng Của Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên

1, Đối tượng :

Thuỷ tổ (người sáng nghiệp ra dòng họ), gia tiên (bố mẹ, ông bà,…), có thể là
bà cô ông mãnh, các vị tiền chủ, tiên sư (gia đình sản xuất thủ công), thờ mẫu hoặc
đức thánh Trần (tuỳ theo gia chủ có căn đồng).

2, Cách bài trí không gian thờ tự :

- Lớp trong:

+ Chiếc rương thật lớn, cao khoảng 1m, dài và rộng 2m. Mặt trước gồm ba ô,
mỗi ô khắc một chữ đại tự (大佀). Đôi khi, chiếc rương được thay bằng chiếc bàn to,
kê trên 2 chiếc mễ (1m).

+ Đặt long khám của thần chủ (ngai hoặc ỷ, tượng trung cho ngôi vị của tổ tiên)

+ Bộ đồ thờ để đặt hộp trầu, chén nước, đĩa hoa quả.

+ Có hai chiếc mâm đặt phía trong bàn thờ gọi là mâm bồng. Mâm to bày cỗ,
mâm bé bày ngũ quả trong ngày giỗ; hoặc một mâm để bày ngũ quả, một mâm nhỏ
để bày một quả. Chiếc thứ hai bé hơn chiếc thứ nhất.
+ Bên trong đặt bài vị của tổ tiên bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn
năm) hoặc bằng sứ ghi tên tuổi các vị tổ, có thể thay thế bằng ảnh chân dung người
mất được treo lên tường sau hoặc đặt trên mặt bàn thờ.

- Lớp ngoài:

+ Hương án thật cao.

+ Bình hương lớn bằng sứ hoặc đồng, trong đó có để cát hoặc tro ở trong, ở giữa
cắm trụ sắt cao để đặt hương vòng.

+ Hai bên có hai cây đèn và bật khi cúng lễ.

+ Hai cây đồng để thắp nến, có thể thay thế bằng hai con hạc đồng. Đồng có thể
thay bằng sứ.

+ Có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi ở bên trên, câu đối ở hai bên được
sơn son thếp vàng.

- Ngăn cách giữa lớp trong và lớp ngoài là y môn bằng vải che phủ.

- Nếu mang nặng tính tổng kết, phô trương và tôn vinh dòng họ để làm giường
cho hậu thế thì hoành phi câu đối ở bàn thờ gia tiên thường được viết với nội dung
bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, lời hứa của con cháu đối với tổ tiên.

- Một số gia đình khá giả, đồ thờ phụng là bộ tam sự hoặc ngũ sự hay thất sự. Bộ
ngũ sự gồm bát hương, hai cây đèn nến, lọ lộc bình, mâm bồng ngũ quả, cái kỷ hay
còn gọi là tam sơn (gồm bộ đài ba chiếc, giữ đặt chém rượu)

- Mâm bồng để đựng hoa quả, có hoa có quả thể hiện ước vọng thịnh đạt

=> Một số mẫu câu đối

VD1: 德 大 教 傢 祖 宗 盛,

功膏開地後世長

Đức đại giáo gia tổ tiên thịnh,

Công cao khai địa hậu thế trường.

Dịch Nghĩa:
Công cao mở đất lưu hậu thế,

Đức cả rèn con rạng tổ tông.

VD2: 德 大 教 傢 祖 宗 盛,

功膏開地後世長

Đức đại giáo gia tổ tiên thịnh,

Công cao khai địa hậu thế trường.

Dịch Nghĩa:

Công cao mở đất lưu hậu thế,

Đức cả rèn con rạng tổ tông.

3, Lễ nghi trong thờ cúng tổ tiên

a, Thờ cúng tổ tiên trong gia đình (thờ cúng gia tiên)

- Thắp hương: Theo quan niệm dân gian số chẵn là số tử số lẻ là số sinh , chính vì
vậy mà khi thắp hương ta thường thắp theo số lẻ, hương có 2 loại khác nhau là
hương nén và hương vòng . Khi thắp hương ta cần lưu ý là phải cắm nén hương
thẳng không được cắm xiên hay nghiêng, bởi dân gian quan niệm rặng ném hương
là công cụ để ta giao tiếp với người âm với gia tiên tiền tổ nén hương nó thể hiện
được tấm lòng của người thắp hương hay cũng chính đang thực hiện đạo lí “uống
nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

- Ngày tuần tiết cúng lễ trong năm: Trong một năm có rất nhiều ngày tuần tiết
(ngày rằm mùng 1), ngày lễ (lễ tất niên, giao thừa, tết nguyên tiêu,...), ngày cúng giỗ
khác nhau. Trong những ngày này các con cháu thường dâng những lễ vật lên tiên tổ
nhằm thể hiện lòng biết ơn kính trọng, thành kính tới gia tiên. Lễ phẩm thì tuỳ, to,
sang thì dùng bò lợn, dê (lễ tam sinh), nếu không có thì sửa soạn mâm cỗ hoặc thủ
lợn, mâm xôi, đơn giản thì cũng đủ lục cúng( hương, hoa, đăng, trà, quả, thực) tuỳ
thuộc vào gia cảnh hoặc nội dung ngày lễ, những điều thiết yếu là đồ lễ phải là
những thứ thanh khiết và được dành riêng.

- Ngày tuần tiết (ngày rằm mùng một)


+ Theo quan niệm trong dân gian, ngày rằm mùng một (ngày sóc) là những ngày
tuần tiết khá quan trong trong một tháng như các cụ có câu “mùng một sớm mai
mùng hai đầu tháng” mùng 1 là sự khởi đầu cho một tháng, nhân dân ta thường
mong cầu được một tháng thuận lợi và suôn sẻ trong gia đình công việc.

+ Ngày rằm (ngày vọng) theo quan niệm dân gian thì là ngày chuyển giao giữa
âm và dương chính vì vậy mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người vì vậy mà ta
thường hay mong cầu được những điều lành những điều tốt đẹp tìm tới ta.

+ Trong những ngày này ta thường bao xái không gian thờ tự hay các đồ thờ tự
cho sạch sẽ và chuẩn bị những đồ lễ thanh tịnh để dâng lên tổ tiên để mong cầu
rằng sự tốt lành và mọi điều thuận lợi đều đến với ta.

- Ngày cúng giỗ

+ Trong tục thờ cúng tổ tiên , người Việt coi trọng việc cúng giỗ hàng năm vào
ngày mất (hay ngày kỵ nhật) thường tính theo lịch âm hoặc là những ngày lễ trong
năm (ngày tết nguyên tiêu, ngày tết nguyên đán,...), những ngày này người Việt
thường sắm sửa lễ vật trước để tưởng nhớ đến những người quá cố sau để mong
cầu người quá cố ấy phù hộ cho mọi người trong gia đình được nhiều điều tốt lành.

+ Trong ba ngày, kể từ ngày đầu tiên đến hết ngày giỗ chính, trên bàn thờ không
được tắt khói hương.

+ Người ta nghĩ rằng suốt thời gian này bố (mẹ) hoặc ông (bà) và tổ tiên được
mời đã về dự cùng con cháu vẫn ngự trên bàn thờ.

+ Cỗ giỗ thường ăn vào bữa trưa, mâm cỗ tuỳ theo từng gia đình, nhưng theo
truyền thống của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ (và người Mường), trong mâm cỗ
bao giờ cũng phải có chai rượu và đĩa xôi trắng.

+ Khách tới gia chủ phải có người túc trực chào đón, khách mang lễ đến gia chủ
thường phải đón lễ đặt lễ lên bàn thờ và đắp lễ lại gia chủ, sau đó gia chủ mời khách
ăn trầu, uống nước, hút thuốc rồi gia chủ là người đứng ra làm lễ khẩn cáo tổ tiên
mời các vong linh về chứng giám và hưởng lễ vật, con cháu có thể tuỳ tâm đến trước
bàn thờ các cụ để cầu mong theo ý nguyện của mình.
+ Cuối cùng là gia chủ dọn cỗ mời khách, trong giỗ cổ họ không chỉ ăn mà còn
trò chuyện về người quá cố ấy hoặc trò chuyện về tương lai và những mong cầu về
mai sau của họ. Sau khi tiệc đã tàn gia chủ cúng thêm tuần hương nữa rồi hoá vàng.

- Trong ngày Tết Nguyên đán bàn thờ được quét dọn sạch sẽ và hương khói nghi
ngút trong mấy ngày tết, cho đến khi đến ngày hoá vàng

b, Thờ cúng tổ tiên trong dòng họ

Về cách thắp hương hay về phong trong ngày tuần ngày tiết hay ngày cúng giỗ
cũng giống như vậy tuy nhiên tục thờ cúng trong một dòng họ được thức hiện tên
quy mô của 1 nhà thờ họ và có trình tự rõ ràng chặt chẽ hơn việc thờ gia tiên.

- Nhà thờ họ

+ Là ngôi nhà thờ thuỷ tổ của từng dòng họ, hoặc còn gọi là từ đường, trong đó
thờ vị thuỷ tổ và các vị tổ phân chi, hay ở những nơi sung túc và có những dòng họ
to, nhiều đinh, có nhiều chi thì mỗi chi lại cố gắng xây một nhà thờ riêng gọi là nhà
thờ chi. Ngoài ra những gia đình phong lưu khá giả và muốn tăng phần âm đức cho
con cái cũng lập nhà thờ riêng thờ từ ông tổ đời thứ 4 trở xuống, nhà thờ to hay nhỏ
tuỳ thuộc vào họ lớn hay bé.

+ Kiểu dáng nhà thờ tổ to thường xây mô phỏng ngôi đền thờ Thành hoàng

• Phía trước có sân, qua sân đối diện là nhà đại bái.

• Thông thường, ngôi nhà ở gồm 3 gian có hàng hiên, bước xuống sân, đi qua
sân là một bình phong cuốn thư (giới hạn khu thờ tự) hoặc đắp ông hổ nổi ngồi ở
giữa.

+ Bàn thờ được bài trí cũng giống như thờ cúng gia tiên tuy nhiên không gian
thờ tự trong nhà thờ có sự khắt khe chặt chẽ hơn.

• Nếu thuỷ tổ của dòng họ đó là người khoa bảng hoặc có phẩm tước vua ban,
thì đồ thờ cúng còn có hai giá cắm đồ lỗ gồm 2 thanh mác trường, 2 ngọn cờ tiết, cờ
mao, 2 truỳ đồng, 2 phủ việt hoặc 2 biển gỗ có khắc chữ tĩnh túc, hồi tỵ, 2 gươm
trường, 2 tay văn, võ.

• Trong nhà thờ tổ có thể có thêm lọng ,tàn, tán hoặc sập gỗ, bát bửa.
=> Trông vào đồ thờ của một dòng họ ta có thể biết được dọng tộc đó thuộc tầng
lớp nào trong xã hội.

+ Nhà thờ tổ được giao cho gia đình trưởng họ trông nom, hương khói trong cả
một số lễ tiết chung phụ thuộc vào trưởng họ không bắt buộc.

- Ngày cúng giỗ

+ Các ngày tuần tiết thì trong một nhà thờ cũng giống như thờ gia tiên, cũng sẽ
dọn dẹp bao xái chu toàn và chuẩn bị lễ vật để mong cầu những điều tốt đẹp tới
mình.

+ Tết nguyên đán, nhà thờ được quét dọn sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói
hương nghi ngút, các con cháu đem trầu cau, rượi, lễ vật đến tết tổ. Sớm mồng một,
trưởng họ dâng mâm cỗ cúng (cỗ tết) để dâng lên tổ tiên, còn lễ vật thì của ai mang
về nhà nấy để thụ lộc.

+ Ngày giỗ tổ là dịp mà cả dòng họ họp mặt đông đủ tại nhà thờ, dự tế lễ và
hưởng lộc

• Lễ vật dâng có thể là lễ tam sinh (bò, dê, lợn hoặc lợn, dê, gà) tuỳ theo dòng
họ đó và tuỳ theo mùa vụ đó con cháu làm ăn có tốt hay không.

• Tế tổ là một việc làm đã rất quen đối với một dòng họ, tuy nhiên các trưởng
chi trước 1 tháng vẫn sẽ họp nhau về việc phân vai tế và thông báo các khoản dự chi
để chuẩn bị cho ngày giỗ chạp đấy được chu toàn nhất có thể.

V, Vai Trò Và Ý Nghĩa Của Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên

1, Vai trò

Hiện nay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn tồn tại ở nhiều quốc gia, dân tộc. Tuy vậy,
vai trò cũng như ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần của con người ở mỗi nơi
mỗi khác. Ở một số quốc gia, thờ cúng tổ tiên có vai trò mờ nhạt trong đời sống tinh
thần cộng đồng, nhất là những quốc gia và dân tộc đưa một tôn giáo thành độc tôn,
nhất thần. Nhưng ở những quốc gia đa, phiếm thần nói chung thì thờ cúng tổ tiên có
vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở
Việt Nam nói riêng, hầu hết mọi người đều thờ cúng tổ tiên kể cả những tín đồ của
một số tôn giáo. Mọi người quan niệm tín ngưỡng này vừa như là một phong tục
truyền thống, vừa như một đạo lý làm người, lại vừa như một hình thức sinh hoạt
tâm linh.

- Thờ cúng tổ tiên là phương tiện tác động mạnh mẽ vào tư tưởng tín đồ. Nhờ có
các lễ nghi thờ cúng mà các tổ chức tôn giáo đưa được tư tưởng tôn giáo dưới hình
thức tình cảm cụ thể vào ý thức quần chúng giáo dân, duy trì, củng cố những tư
tưởng đó.

- Thờ cúng tổ tiên còn là phương tiện để củng cố sự thống nhất tín ngưỡng của
một tôn giáo nào đó. Trong quá trình hoạt động thờ cúng đã tăng cường mối quan
hệ giao tiếp của những người cùng tín ngưỡng, củng cố sự liên kết trong tôn giáo.

- Thờ cúng tổ tiên đóng một vai trò không nhỏ trong việc duy trì môi trường liên
kết gia tộc và môi trường làng. Trong lịch sử dân tộc, vai trò của làng/xã rất ổn định.
Nhiều quy định của chính quyền trung ương cũng khó có tác dụng tới làng xã. Bởi
vậy mới có hiện tượng “phép vua thua lệ làng”. Trong tâm thức người Việt, khó có
thể tách gia đình, làng xóm và quốc gia. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên ông bà, cha
mẹ thì ngày nay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đã được mở rộng ra, họ
thờ cả những người có công với đất nước, có công với làng xã, những người không
chung xuất thân nhưng danh tiếng nhân hậu từ ái. Sự thay đổi của tín ngưỡng cho
thấy sự hòa nhập của tín ngưỡng song hành cùng sự phát triển của thời gian, nhờ
vậy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mới có thể duy trì qua nhiều thập kỉ, trở thành nét
đẹp văn hóa biểu trưng của dân tộc Việt Nam cả xưa và nay.

2, Ý nghĩa

- Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng
đồng trong xã hội truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tồn tại ở ba cấp độ: gia
đình – làng xóm – quốc gia với mức độ đậm nhạt khác nhau. Sống trong xã hội, xét
theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo
trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà – cha mẹ –
bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng,
tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng
giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết Nhà –
Làng – Nước. Với tư cách một tập thể – gồm cả người đang sống và người đã chết
gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, có sức mạnh đảm bảo giá
trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng – nước.

- Cũng chính vì vậy, ý nghĩa, tục lệ này thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam để bày tỏ
lòng biết ơn, lòng thành kính đến đấng sinh thành, nuôi dưỡng của con người, cội
nguồn của dân tộc. Đồng thời gìn giữ và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
đến thế hệ sau. Có thể nói, việc thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa lớn lao trong văn hóa
người Việt, giúp gìn giữ lối sống đẹp, nhân văn, coi trọng tình nghĩa, đạo lý, hướng
thiện, nhớ về tổ tiên, cha ông đã khuất.

VI, Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Ở Các Dân Tộc (Tày, Nùng)

- Người Tày, Nùng là dân tộc có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt là văn
hóa tâm linh trong thờ cúng tại gia. Bàn thờ người Tày, Nùng mang cả nền văn hóa
của dòng họ. Khách vào nhà, nếu đọc được chữ Hán - Nho nhìn lên bài vị trên bàn
thờ thì biết nhà đó mang họ gì, thờ cúng vị thần gì.

- Đối với người Tày, Nùng Cao Bằng nói riêng và người Tày, Nùng cả nước nói
chung, trên bàn thờ đều có một bài vị (người Tày, Nùng gọi là Dàm Ham) gồm một
mảnh vải đỏ hoặc một tờ giấy đỏ với chiều rộng khoảng gần 1 mét, chiều dài 1 mét
tùy thuộc vào cách bài trí bàn thờ, được viết bằng chữ Hán - Nho đem vào trong
khung kính dựng lên hoặc treo lên tường sau các bát hương (người Tày, Nùng gọi là
Ăn Ham hoặc Ăn Thản).

- Bài vị (Dàm Ham) được chia thành 3 phần rõ rệt: Phần trên là nội dung thờ, hai
bên là câu đối, phần ở giữa là tên họ và thêm hai câu nhỏ cho từng nội dung ngợi ca
dòng họ, thường viết câu đối tùy theo từng dòng họ: “Nghìn năm phúc lộc an khang
thái/Vạn đại con cháu đắc hưởng chừ” (Nghìn năm phúc lộc an lạc thái bình/Vạn đại
con cháu được hưởng chia)

- Thông thường tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng là bàn thờ có 3
bát hương, vị trí từ trái sang phải có ý nghĩa như sau: Bát thứ nhất thờ thánh mẫu;
bát thứ hai (chính giữa) thờ tổ tiên, dòng họ; bát thứ ba thờ thần nông, nhà không
làm nông thì thờ tổ sư. Nhà đặt 4 bát hương thì bát hương thứ 4 từ phải sang trái
thờ thánh mẫu bên ngoại; nhà đặt 5 bát hương thì bát thứ 5 từ trái sang phải (dưới
nhìn lên) thờ tổ sư (nhà có người làm thầy tào, bụt, làm thầy thuốc, làm nghề mộc).
Ngoài ra, ở cửa đi vào nhà bên phải hoặc ở góc sân có một bát hương thờ cúng nhà
có người chết ở ngoài do tai nạn hoặc hy sinh trong chiến tranh.

- Vị trí đặt bàn thờ được bài trí ở nơi trang trọng, đối với người Tày đặt ở gian
giữa nhà, người Nùng đặt ở gian bên phải từ hướng cửa đi vào nhà (nhà ba gian).

- Lễ vật cúng tổ tiên người Tày, Nùng được cúng bằng thịt lợn, thịt gà, thịt vịt
(rằm tháng Bảy) vào các ngày lễ, Tết của dân tộc trong năm như: Tết Nguyên đán,
đắp nọi (người Nùng gọi đắp mạ), mùng 3 tháng Ba, mùng 5 tháng Năm, mùng 6
tháng Sáu, rằm tháng Bảy, mùng 9 tháng Chín. Người Tày, Nùng không cúng hoa quả
vào các ngày sóc (mùng 1), ngày vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng. Tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên là tập tục mang đậm nét văn hóa không chỉ đối với người Tày, Nùng
mà của cả người Việt.

VII, Liên Hệ Với Một Số Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo Khác

1, Đạo Công Giáo

Chữ “thờ” chỉ dùng để tôn kính Thiên Chúa là Đấng trên hết mọi sự, Ngài dựng
nên con người để cho họ được thông phần hạnh phúc của Ngài. Còn đối với tổ tiên
thì người Công giáo dùng từ “tôn kính” hoặc “kính nhớ”. Con người luôn hướng về
niềm tin cội nguồn mà đối với người Công Giáo là Thiên Chúa, ngay từ khi tạo dựng
loài người Thiên Chúa đã dạy dỗ con người và những lời dạy dỗ đó được ghi lại
trong Thánh Kinh. Thánh Kinh là sách ghi chép lại lời Thiên Chúa nói với mọi người
về những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ (cứu thoát con người khỏi tội lỗi). Lời
Chúa đã dạy mỗi người luôn quan tâm đến cha mẹ mình khi già yếu, chính lòng hiếu
thảo được Thiên Chúa chúc phúc và ban cho sống lâu, điều này còn được Thánh
Tông đồ Phao-lô khẳng định lại trong thư gửi cộng đoàn Ê-phê-xô. Hãy tôn kính cha
mẹ. Điều đó cho thấy Công Giáo vẫn luôn tôn trọng giá trị của gia đình con người.
a, Nghi thức:

Để hiểu về nghi thức tôn kính cha mẹ trong đạo Công giáo thì trước hết phải
hiểu được quan niệm về linh hồn và sự tồn tại của linh hồn sau khi qua đời. Theo
sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo từ số 1023 đến 1037 dạy rằng “Khi chết thì
linh hồn lìa khỏi xác để chịu phán xét riêng tùy theo đời sống của mình trong tương
quan với Đức Kitô, linh hồn phải trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc được hưởng
phúc trên trời hoặc sa hỏa ngục vĩnh viễn…Bởi tình trạng khả thể của linh hồn bất
tử, do đó là Thiên Đàng, Luyện Ngục, hay Hỏa Ngục….Những ai sạch và làm việc lành
thì vào Thiên Ðàng, và người Công Giáo gọi các vị ấy là “các đẳng linh hồn””. Thiên
Chúa dựng nên con người có hồn và xác qua việc dựng nên ông Adam và bà Eva. Sau
khi chết, linh hồn lìa khỏi xác trải qua cuộc phán xét kẻ lành lên thiên đàng kẻ dữ sa
hỏa ngục đời đời. Các tín hữu Công Giáo tin rằng các Thánh trên Thiên đàng, những
người đang sống tại thế và những linh hồn dưới luyện ngục có mối liên hệ mật thiết
với nhau qua lời cầu nguyện. Các tín hữu còn đang sống trên dương thế làm việc
lành phúc đức, đọc kinh, dâng lễ để lập công phúc và với lời cầu bầu của các Thánh
dâng lên Chúa cho các linh hồn còn đang thanh tẩy nơi luyện ngục. Nhờ những công
phúc đó, các linh hồn ấy đền được những tội đã phạm khi còn sống. Sở dĩ phải nhờ
người còn sống lập công phúc thay bởi vì khi qua đời các linh hồn không tự làm việc
đền tội được nữa, khi đền đủ sẽ được lên Thiên đàng. Từ niềm tin này mà trong đạo
Công Giáo vẫn có các nghi thức kính nhớ đến ông bà cha mẹ anh chị em đã qua đời
như đọc kinh cầu nguyện, cử hành thánh lễ, làm việc lành phúc đức,…

b, Lễ nghi:

Người Công Giáo cũng có ngày giỗ cho tổ tiên, vào những ngày giỗ con cháu
đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên, cử hành Thánh lễ giỗ cho tổ tiên. Đặc biệt, vào ngày
Mồng Hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ, linh mục cử hành thánh lễ nhắc
nhở tín hữu có bổn phận với ông bà cha mẹ và làm việc lành phúc đức để cầu
nguyện cho các ngài. Người công giáo luôn dành tháng 11 để cầu nguyện cho các tín
hữu đã qua đời, nhờ lời cầu nguyện của những người còn sống mà các linh hồn mau
chóng được lên Thiên đàng cùng với Thiên Chúa. Trong tháng này, ngày mùng 2
được cử hành long trọng tại “Đất Thánh-Nghĩa Trang” với ý cầu nguyện cho các tín
hữu đã qua đời.

2, Đạo Phật

Khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam thì đã có sự giao thoa tiếp nối có
chọn lọc với các tín ngưỡng bản địa đặc biệt là phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên cũng không ngoại lệ, tín ngưỡng ấy vẫn được trân trọng, trân quý , phát triển
trong đời sống tâm linh của người Phật tử việt từ xưa đến nay,chính tín ngưỡng tâm
linh này của ng Việt ,hay truyền thống tốt đẹp này của ng việt đã làm nổi bật lên một
khía cạnh trong giáo lí của đức Phật Thích Ca là chữ "hiếu". Bấy giờ người Phật tử
vẫn thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng với cái nhìn mới, đa dạng ,đa văn hoá vừa phù
hợp với truyền thống dân tộc lâu đời ,vừa thuận hợp với quan điểm Phật giáo.

- Trước hết, Phật tử không xem bàn thờ gia tiên là “nơi ở” của ông bà, tổ tiên,
những người thân đã khuất nói chung (vì biết rõ chư vị đã theo nghiệp tái sinh trong
lục đạo). Bàn thờ gia tiên được lập ra để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng
của tổ tiên, ông bà; biểu trưng cho cội nguồn huyết thống (song hành với cội nguồn
tâm linh - bàn thờ Phật). Kính thờ tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện tâm nhớ
ơn và hoài nguyện đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, chính điều này đã hun đúc và hình
thành nên truyền thống hiếu nghĩa quý báu của người Phật tử.

- Người Phật tử biết rõ, nếu ông bà tổ tiên tái sinh ngoài cõi ngạ quỷ - quỷ thần thì
không thể ăn uống hay thọ dụng những lễ phẩm dâng cúng. Nhưng hầu hết chúng ta
lại không thể biết người thân của mình chết rồi tái sinh về đâu nên lễ phẩm dâng
cúng ông bà tổ tiên chủ yếu nhằm thể hiện lòng thành, là bổn phận của con cháu,
còn thọ dụng được hay không thì tùy nhân duyên của các vị.

- Phật giáo khuyến khích làm phước để hồi hướng cho người thân đã khuất, dầu họ
tái sinh vào đâu cũng nhận được phước đức do con cháu hiếu thảo hồi hướng đến
nên người Phật tử không quá chú trọng đến mâm cao cỗ đầy rồi thù tạc linh đình
trong những ngày tưởng niệm, giỗ chạp và cũng khuyên con người không nên đốt
tiền vàng gây lãng phí mà chủ yếu là tạo phước để hồi hướng, trao truyền hiếu đạo
cho người sau.
3, Đạo Tin Lành

- Cơ đốc giáo cần phải có cái nhìn tích cực với tín ngưỡng thờ cúng ông bà tiên
tổ,không nên quá khắt khe,tìm cách loại bỏ tất cả những gì tồn tại trong suốt mấy
nghìn năm văn hiến.

- Nhiều người tin chúa tiên phong trong vài chục năm về trước đã tìm cách loại
bỏ truyền thống cúng bái tổ tiên ông bà, để áp dụng triệt để theo cách thức của
phương Tây lấy điều răn 1,2 làm tiêu chuẩn thờ phượng cho tất cả.Trong ngôn ngữ
Do Thái chữ thờ cha kính mẹ có nghĩa là tôn vinh cha mẹ ,vì hình ảnh cha mẹ là thiên
chúa.Mỗi dân tộc đều có hình thức bày tỏ lòng tôn kính này, người phương Tây ôm
hôn, người châu Á chấp tay vái lạy làm cho nhiều người bị dị ứng xem thái độ này
như sự tôn thờ nên tìm cách bài xích.

- Những người theo Tin lành còn giữ truyền thống thờ cúng ông bà bị lên án là
làm sai lời kinh thánh .Bị coi là thờ ma lạy quỷ. Những người tin chúa đơn độc,khi
đối diện với ngày lễ giỗ gia đình ,cũng không dám dự phần tài chính vì sợ tham gia
cúng tế hình tượng.

- Có người theo đạo Tin Lành không cúng giỗ nhưng tổ chức lễ kỉ niệm ngày qua
đời của cha mẹ,rồi nguyện cầu chúa ban ơn cho cha mẹ về hầu việc chúa,rồi mời
bạn hữu đến dự và nghe chia sẻ phúc âm rồi tin chúa.

3, Một số tín ngưỡng khác

a, Giống nhau :

- Đều tin vào các loại hình tín ngưỡng do truyền dạy, mặc dù họ không hề được
trông thấy Chúa Trời, đức Phật hay cụ kỵ tổ tiên hiện hình ra bằng xương bằng thịt
và cũng không được nghe bằng chính giọng nói của các đấng linh thiêng đó.

- Đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các cá thể với nhau, giữa cá
thể với xã hội, với cộng đồng, giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình trên cơ
sở giáo lý tôn giáo và noi theo tấm gương sáng của những đấng bậc được tôn thờ
trong các tôn giáo, các loại hình tín ngưỡng đó

b. Khác nhau:
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

+ Trong gia đình, họ tộc (dòng họ),Với niềm tin thiêng liêng rằng, đó là sự biết
ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành như: cha mẹ, ông bà, cụ,
kỵ, …Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục trong đời sống tâm linh
của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm
người

+ Đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt
Nam chứng minh đề cao chữ hiếu .

- Còn các tín ngưỡng khác (tín ngưỡng tiêu biểu)

+ Tín ngưỡng Thờ Tổ nghề :Tổ nghề là một hoặc nhiều người có công lớn đối
với việc sáng lập và truyền bá một nghề nào đó. Do đó được các thế hệ sau tôn
trọng và suy tôn là làm người sáng lập vì đã có công tạo nghề

+ Tín ngưỡng thờ Mẫu tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần
phải do người nữ thực hiện, tuyệt đối không là người nam, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu
tam phủ, tứ phủ . Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ
thần, Thánh Mẫu, Mẫu tam phủ, tứ phủ Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín
ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc
tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở
cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của
người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải
thoát của mình.

VIII, Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Xưa Và Nay

1, Tín ngưỡng sơ khai

- Tín Tôn giáo sơ khai – là những tín ngưỡng xuất hiện đầu tiên , được con người
tin theo trên khắp toàn cầu, sau này trở thành nền tảng cho sự phát triển tôn giáo
hiện đại. Một vài tín ngưỡng sơ khai hiện vẫn còn tồn tại.
- Với những tổ tiên chuyên nghề săn bắt hái lượm của chúng ta, thế giới tự nhiên
đầy rẫy các thế lực siêu hình. Họ cho rằng động vật, cây cỏ, vật chất và các hiện
tượng thiên nhiên, tất thảy đều có linh hồn như người. Trong cái nhìn duy linh này,
con người là một phần không thể tách rời của môi trường, nên phải sống sao cho
thuận hòa và biết tôn trọng vạn vật.

- Đời cổ, nhiều người giải thích hiện tượng tự nhiên bằng cách gán cho chúng
những đặc tính thần linh. Chẳng hạn, tại sao mặt trời lại mọc mỗi ngày? Là do một vị
thần thả nó lên từ trong bóng tối. Tương tự như thế, chu kì mặt trăng, và bốn mùa
trong năm, mỗi hiện tượng đều có một vị thần chủ tể. Cùng với việc xây dựng vũ trụ
quan để giải thích sự vận hành vũ trụ, các nền văn hóa cổ đều đưa chuyện sáng lập
thế gian vào trong hệ thống tín ngưỡng của mình. Thế gian thành lập cũng giống
cách con người chào đời, tức là do một thánh mẫu sinh ra. Một số thần thoại kể
rằng thánh mẫu được thụ thai bởi một nam thần. Nam thần đấy lúc là thú, khi là
thực thể tự nhiên như sông hoặc biển. Lại có chuyện kể: mẹ đất, cha trời sinh hạ
nhân gian.

- Nghi thức tế lễ:

+ Hầu hết các tín ngưỡng sơ khai đều tin vào cõi âm, cho rằng ngoài thế giới hữu
hình này còn một cõi khác, nơi cư ngụ thánh thần và linh thú, cũng là nơi người chết
sẽ trở về. Vài tín ngưỡng cũng tin vào khả năng liên lạc với thế giới bên kia, nhờ đó,
con người có thể tìm gặp tổ tiên, xin được hướng dẫn, phù hộ. Chỉ những người có
khả năng siêu phàm, gọi là thầy mo, mới đến được cõi âm. Thần thánh hay các linh
hồn ban cho thầy mo năng lực chữa bệnh phi thường, và đôi khi còn nhập vào họ.

+ Người thượng cổ đánh dấu những giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời, cũng
như như những dịp giao mùa, bằng những nghi thức tế lễ gắn liền với các vị thần
linh. Tế lễ nhằm mục đích vui long thánh thần, để thánh thần phù hộ cho mùa màng
được tốt, săn bắn được nhiều. Vì thánh thần cho con người sự sống, nên trong
nhiều nền văn hóa, khi làm lễ, phải tạ ơn bằng cách hiến tế sinh mạng.

+ Biểu tượng giữ vai trò quan trọng trong hành vi tín ngưỡng của những nền
văn hóa cổ. Mặt nạ, hình tượng, và các loại bùa chú được dùng khi tế lễ. Người ta tin
tưởng thần linh ngự trong những thứ ấy. Một số khu vực mang ý nghĩa tín ngưỡng
đặc biệt. Có những cộng đồng dành hẳn các khu đất thiêng dành cho việc thờ phụng,
mai táng; những cộng đồng khác thì xây nhà, dựng làng mô phỏng theo hình ảnh vũ
trụ. Vài tín ngưỡng sơ khai vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ, nơi những bộ tộc chưa
tiếp xúc với văn minh Tây Phương. Số lượng những bộ tộc này ngày một ít dần. Hiện
ở đôi nơi, bản thân thổ dân đang cố gắng khôi phục lại những nét văn hóa ngày xưa
đã mất.

+ Nhìn qua lăng kính hiện đại, tín ngưỡng sơ khai có vẻ như mông muội. Tuy
thế, vết tích của chúng vẫn rơi rớt trong các tôn giáo lớn ngày nay, và trong phong
trào Thế Hệ Mới tìm về các giá trị tâm linh.

2, Tín ngưỡng ngày nay:

- Đã có những quy định về pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới
có ý nghĩa quan trọng trong việc nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm của
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và
các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng
được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện
nay.

- Bên cạnh đó từ xưa đến nay vẫn có nhiều người hiểu sai giữa tín ngưỡng với mê
tín dị đoan dẫn đến ứng xử không phù hợp, gây bất hòa trong đời sống.

- Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng;
tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân
gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

- Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi
truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Cơ sở tín ngưỡng là
nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ
dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người; tôn
trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, truyền thống thờ cúng
tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh
thần của Nhân dân; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng và tài sản hợp pháp của cơ sở tín
ngưỡng.

- Trong khi đó, mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù
phiếm, mơ hồ, không căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan là tin vào những
điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (như là tin vào bói toán, chữa
bệnh bằng phù phép...) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, hao
tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản.

- Suy cho cùng, việc mê tín quá đà ở một bộ phận không nhỏ người dân đã gây ra
những tác động tiêu cực trong nhận thức, làm xấu đi hình ảnh chốn liêng thiêng, là
vấn nạn chung khó giải quyết của toàn xã hội vì mỗi năm nó lại diễn tiến khác đi. Xã
hội càng văn minh hiện đại, nhận thức của con người cũng càng tiến bộ theo thời
gian. Tín ngưỡng cũng vì vậy mà phát triển theo hướng tích cực được công nhận,
phát triển rộng rãi trên toàn thế giới.

IX, Tài Liệu Tham Khảo

1, Trần Đăng Sinh – Đào Đức Doãn, Giáo Trình Tôn giáo học, Nhà xuất bản đại học
Sư Phạm.

2, Dẫn theo Nguyễn Kiến Giang “Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người
Việt”, Tạp chí Xưa và Nay, số 23, tháng1/1996, Tr.17.

3, Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa Thông
tin, 2003, Tr.18.

4, Lê Đức Hạnh, Về nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt.

5, Chùa Phật học Xá Lợi, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.

6, Bàn về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.

7, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam - Quyển thượng 

You might also like