You are on page 1of 34

Bài 2

GIỚI THIỆU MỘT SỐ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM VĂN HỌC

THIẾU NHI VIỆT NAM

I. TÁC GIẢ VÕ QUẢNG

1. Tiểu sử

Võ Quảng sinh ngày 01 tháng 3 năm 1920 trong một gia đình nhà nho trung
lưu ở Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam và mất ngày 15 tháng 6 năm 2007
tại Hà Nội.

Năm 15 tuổi, Võ Quảng rời quê ra học trường Quốc học Huế. Năm 17 tuổi,
ông tham gia phong trào học sinh yêu nước, gia nhập Đoàn thanh niên dân chủ. Năm
19 tuổi, ông gia nhập Đoàn thanh niên phản đế, làm tổ trưởng, hoạt động bí mật ở
Huế. Năm 21 tuổi, ông bị Pháp bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ… Sau đó được điều
về quản chế ở quê cho đến cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Sau cách mạng tháng Tám, ông được giao làm phó chủ tịch Ủy ban kháng
chiến Đà Nẵng; phó chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam; Hội thẩm nhân
dân tòa án nhân dân Liên khu V.

Sau năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc và đi theo nghề viết văn cho thiếu nhi;
là một trong những người đặt nền móng cho văn học trẻ em dưới chế độ mới; là tổng
biên tập đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng dành cho thiếu nhi (1957 - 1964).

2. Sự nghiệp sáng tác

* Những tác phẩm thơ tiêu biểu

- Gà mái hoa (1957)

- Thấy cái hoa nở (1962)


- Nắng sớm (1965)

- Anh Đom Đóm (1970)

- Măng tre (1971)

* Những tác phẩm truyện tiêu biểu

- Cái thăng (1961)

- Chỗ cây đa làng (1964)

- Cái mai (1967)

- Những chiếc áo ấm (1970)

- Quê nội (1973)

- Bài học tốt (1975)

- Tảng sáng (1976)

3. Mảng thơ Võ Quảng sáng tác cho thiếu nhi

3.1. Nội dung

3.1.1. Thế giới thiên nhiên mới lạ hấp dẫn

- Những cảnh vật thiên nhiên: Vườn thơ của Võ Quảng có những bức tranh
lộng lẫy về cảnh vật thiên nhiên. Dường như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều được
ông thâu tóm những nét điển hình nhất để đưa vào thơ. Đây là cảnh hồ sen mùa thu
được vẽ bằng những nét bút cổ điển, gợi một không khí yên tĩnh, thoáng đãng trong
lành:

Hoa sen sáng rực

Như ngọn lửa hồng

Một chú bồ nông


Mãi mê đứng ngắm

Nước xanh thăm thẳm

Lồng lộng trời mây

Một cánh sen rơi

Rung rinh mặt nước

(Có một chỗ chơi)

Trong con mắt của nhà thơ, mỗi mùa đều có những đặc trưng, những vẻ đẹp
riêng. Và Võ Quảng đã dí dỏm gọi bốn mùa như bốn người chăm chỉ, đầy trách
nhiệm để giữ gìn cho đất nước luôn luôn mới mẻ:

Thay ca đổi kíp

Đổi mới non sông:

Xuân, Hạ, Thu, Đông

Mỗi người một vẻ.

- Thế giới loài vật và cây cỏ: Nhà thơ Ngô Quân Miện đã có nhận xét: “Trong
thơ anh có môt mảng vườn bách thú và bách thảo mà những đứa nào có may mắn
được vào đều say mê và yêu thích”.

Trong thơ của Võ Quảng là cả một tập hợp các loài thú và chim chóc, đông vui,
ríu rít, inh ỏi như thế giới trẻ thơ đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát. Võ Quảng
đã gắn cho những con vật của mình những nét hồn nhiên ngây thơ, ngộ nghĩnh của
trẻ thơ. Đó là hình ảnh một con trâu mộng “trợn tròn đôi mắt” (Con trâu mộng);
một chú chó vàng tinh nghịch thấy cái gì cũng sủa, chọc cả vào tổ ong và bị ong đốt
sưng cả mặt (Một chú chó vàng); những chú vịt háu ăn, cứ xếp hàng xung quanh
chuồng lợn mà kêu “Mau chia cám! Chia cám!”; hay chú thỏ con nhìn thấy những
rừng bàng trong tiết thu rực đỏ lại hốt hoảng kêu la “Ô kìa! Cháy lớn!” và giục họ
hàng chạy trốn (Thỏ con):

“Thỏ con run rẩy

Hoảng hốt kêu la:

“Ối mẹ! Ối cha!”

Ôi! Quá ghê rợn

Lửa cháy lan tràn

Mau mau họ hàng

Phải lo chạy trốn!”.

Những bài thơ Võ Quảng viết về cây cỏ là những vườn xuân rực rỡ sắc màu,
mà ông gọi là “Các màu sắc quý... Đủ sắc trời mây”:

Cứ vào độ tết

Vườn em trổ đẹp Hoa ớt trắng phau

Không lúc nào bì? Xanh lơ hoa đỗ

Hoa cải li ti Cà chua vừa độ

Đốm vàng óng ánh Đỏ mọng trĩu cành

Hoa cà tim tím Xanh ngắt hàng hành

Nõn nuột hoa bầu Xanh lơ cải diếp...

(Ai cho em biết)

Đó cũng có thể là Con đường nhỏ với bụi ngải hoang mọc chen bồm bộp; là
Một chỗ chơi với “hoa sen sáng rực như ngọn lửa hồng”, hay một Mầm non khi mùa
xuân tới bỗng bật dậy “khoác áo màu xanh biếc” ...
Nhìn chung, những bài thơ của Võ Quảng viết về loài vật, cây cỏ là những
món ăn tinh thần quí giá mà nhà thơ đã trân trọng đem tới không chỉ bồi dưỡng cho
tâm hồn thêm phong phú mà còn giáo dục các em tình yêu thiên nhiên đất nước.

3.1.2. Những bài học đầu tiên về cuộc sống

Võ Quảng quan niệm: “Văn học cho thiếu nhi còn đặt ra những vấn đề chính
yếu thứ hai. Đó là vấn đề giáo dục: giáo dục cái hay, cái đẹp cho thiếu nhi. Người
viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các
em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi”.
Với quan niệm như vậy, ông luôn có dụng ý rất rõ là mỗi bài thơ phải giáo dục cho
các em điều gì. Ta thường gặp trong thơ ông một ý nghĩa giáo dục, cụ thể là hướng
các em vào những việc làm tốt như chăm học, chăm làm, giúp mẹ, dậy sớm, sạch sẽ,
tập thể dục... Đây là ý nghĩa triết lí và bài học giáo dục đươc rút ra từ việc dậy sớm
(Ai dậy sớm)

Ai dậy sớm Ai dậy sớm Ai dậy sớm

Bước ra vườn Đi ra đồng Chạy lên đồi

Hoa ngát hương Cả vừng đông Cả đất trời

Đang chờ đón! Đang chờ đón! Đang chờ đón!

Phần thưởng của người dậy sớm, của em bé dậy sớm là hoa, là ánh bình minh,
là cả đất trời.

Bên cạnh việc giúp các em phát hiện ra cái đẹp xung quanh, cái đẹp của thiên
nhiên, Võ Quảng còn giúp các em hiểu sỡ dĩ có được cái đẹp ấy là nhờ bàn tay lao
động của con người:

Vườn em trở đẹp

Đẹp vào độ tết


Đẹp chẳng nào ngờ?

Có phải đẹp nhờ

Mẹ em vun xới?...

(Ai cho em biết)

Bằng cách thủ thỉ tâm tình, Võ Quảng từng bước dắt các em vào cuộc sống
với những bài học đầu tiên bổ ích. Đó là bài học về tình đoàn kết, về sức mạnh của
tập thể. Để có được một mùa xuân đầy đủ hương sắc các con vật phải biết “góp
chung màu lại”:

Muốn vẽ nên tranh

Phải chung màu lại!

Tiếng reo: “Phải, phải!”

Vang cả núi rừng

Các chim vui mừng

Pha chung màu sắc

Như một điệu nhạc

Năm đó mùa xuân

Nghìn sắc tưng bừng

Vào tranh tuyệt đẹp!

(Phải chung màu lại)

Ngoài ra, qua thơ, Võ Quảng còn hướng các em tới những tình cảm yêu
thương tốt đẹp, những rung động thẩm mĩ trong sáng của niềm vui lao động và cống
hiến:
Làm xong mọi việc tốt

Đến lúc nghỉ xả hơi

Nắng sớm vào ngồi chơi

Giữa nụ cười quả đỏ...

Hay hình ảnh Anh đom đóm, dù chỉ là một đóm sáng, một sinh thể phát sáng
nhỏ nhoi cũng cống hiến hết mình:

Đêm đêm chuyên cần

Lên đèn đi gác.

Chị chổi tre thì cần mẫn quét dọn nên:

Nhà mát sáng

Cả trong ngoài

Gió khoan thai

Bay vào cửa...

3.2. Nghệ thuật

3.2.1. Nghệ thuật miêu tả loài vật của Võ Quảng rất tinh tế. Chỉ bằng vài chi tiết
chọn lọc, ông đã khắc họa con vật một cách sống động.

Con trâu mộng:

Da đen bóng loáng

Ức rộng thênh thênh

Đôi sừng vênh vênh

Chóp sừng nhọn hoắt.

(Con trâu mộng)


Con lợn thì:

Lưng mày múp míp,

Mắt mày béo híp,

Đuôi mày ngúc ngoắc,

Miệng mày nhóp nhép.

(Được! Được!)

Còn con gà mái nhảy ổ thì:

Bỗng mái hoa đổi nết

Cái đầu nó nghếch nghếch,

Cái cổ nó thót thót,

Nó kêu: Tót, tót, tót,..

(Gà mái hoa)

Nhiều bài thơ của ông giống như một hoạt cảnh, một câu chuyện biến đổi linh
hoạt đem đến cho trẻ một cảm giác mới lạ, thú vị:

- Cốc, cốc, cốc,

- Ai gọi đó?

- Tôi là Thỏ

- Nếu là Thỏ

Cho xem tai.

- Cốc, cốc, cốc,

- Ai gọi đó?
- Tôi là Nai

- Thật là Nai

Cho xem gạc...

3.2.2. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Võ Quảng cũng rất đặc sắc. Ông thường
phát hiện ra những vẻ đẹp thiên nhiên gần gũi mà kì diệu. Đọc thơ của ông, các em
sẽ có cảm giác như được dạo chơi trong một công viên kì lạ.

3.2.3. Ngôn ngữ và nhạc điệu

Ngôn ngữ trong thơ Võ Quảng giản dị, dễ hiểu. Ông thích dùng những câu
thơ ngắn và rất sành sử dụng vần trắc, tạo nên không khí vui tươi, nghịch ngợm,
khỏe khoắn hợp với tâm hồn trẻ thơ. Thơ Võ Quảng cũng rất giàu nhạc điệu. Có
những bài đọc lên thấy linh hoạt, tự nhiên như một bài đồng dao quen thuộc (Chị
chổi tre, Mời vào), có những bài êm dịu, hài hòa như Thuyền lướt, Anh đom đóm, lại
có bài tiết tấu luôn thay đổi như Gà mái hoa, Báo mưa...

3.3. Giới thiệu một số bài thơ của Võ Quảng

Ai dậy sớm

Ai dậy sớm Có vầng đông

Bước ra nhà Đang chờ đón!

Cau ra hoa *

Dang chờ đón! Ai dậy sớm

* Chạy lên đồi

Ai dậy sớm Cả đất trời

Ai ra đồng Đang chờ đón!


Kêu rét

- Rét quá! Rét quá - Rét quá! Rét quá

- Ai kêu đó hả - Ai kêu đó hả

- Tôi là mèo đây! - Tôi là chim đây!

- Đi bắt chuột ngay - Vỗ cánh tung bay

Mày sẽ hết rét. Mày sẽ hết rét.

- Rét quá! Rét quá!

- Ai kêu đó hả

- Tôi là chó đây!

- Đuổi trộm gâu, gâu...

Mày sẽ hết rét.

4. Văn xuôi của Võ Quảng viết cho trẻ em

Có thể nói đề tài bao trùm trong văn xuôi Võ Quãng là bức tranh quê và cách
mạng, bởi vì ngoài truyện đồng thoại như Cái mai và Những chiếc áo ấm, những
truyện còn lại đều nói về quê ông. Đó là một vùng quê đẹp và trù phú với dòng thu
bồn xanh ngắt, những bãi dâu bạt ngàn, những làn quê xanh tươi cây trái và quanh
năm lách cách tiếng thoi đưa bên những vạn chài san sát ghe thuyền buôn thuyền
buôn bán và đánh cá. Những con người của mãnh đất này thật chất phác, cần cù, yêu
quê hương tha thiết. Đọc Quê nội và Tảng sáng, hầu như ai cũng ít nhiều tìm gặp lại
được một chút tuổi thơ của chính mình, đó là những ước mơ, là khát vọng làm được
một việc tốt; là những cái tinh nghịch và sự ham say chơi đùa, có khi vô cùng vụng
dại.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày ngắn gọn nội dung của thơ Võ Quảng viết cho các em.

2. Phân tích đặc điểm nghệ thuật của thơ Võ Quảng.

3. Võ Quảng từng quan niệm: "Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi là một công
trình sư phạm. Người viết cần cân nhắc nói cái gì, nói như thế nào để có lợi cho
tâm hồn các em mà không ảnh hưởng đến sự thể hiện nghệ thuật"
(Một số ý nghĩ chung quanh vấn đề viết sách cho thiếu nhi)

Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

II. TÁC GIẢ PHẠM HỔ

1. Vài nét về tiểu sử

Phạm Hổ còn có bút danh là Hồ Huy. Ông sinh ngày 28 - 11 - 1926 tại xã
Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và mất ngày 4 - 5 - 2007.
Thuở nhỏ, Phạm Hổ học ở trường làng, sau đó học ở Tam Kì, Huế, rồi học
Trung học tại trường Quốc học Quy Nhơn.

Năm 1943, ông đỗ Thành Chung, sau đó ông đi theo cách mạng và hoạt động
văn nghệ.

2. Sự nghiệp sáng tác

Phạm Hổ sáng tác nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và
phê bình văn học… cho cả người lớn và trẻ em. nhưng nói đến Phạm Hổ trước hết
phải nói đến sự đóng góp của ông cho nền văn học thiếu nhi nước nhà.

Riêng về thơ, Phạm Hổ là một nguồn thơ dồi dào với 20 tập thơ xuất hiện đều
đặn từ: Lúa non (1951), Những ngày xưa thân ái (1957), Chú bò tìm bạn (1970),
Những ô cửa những ngả đường (1976), Những người bạn im lặng, Những người bạn
nhỏ, Những người bạn thích nhảy…

Ngoài ra ông còn sáng tác 9 tập truyện và 4 vở kịch cho các em, tiêu biểu như:
Chuyện hoa, chyện quả (6 tập truyện cổ tích mới), Nàng tiên nhỏ thành ốc (bộ 3 vở
kịch)…

Phạm Hổ còn là dịch giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện thiếu nhi. Năm 1992,
ông tổ chức triển lãm tranh của mình (gồm 72 bức). Triển lãm tranh của ông đã để
lại ấn tượng khá sâu sắc cho người xem, mặc dù ông quan niệm học vẽ chỉ cốt để
làm thơ hay hơn mà thôi.

Phạm Hổ được trao nhiều giải thưởng văn học như:


- Tặng giải thưởng loại A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (1957 -
1958), tập thơ Chú bò tìm bạn.
- Tặng giải thưởng loại A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (1967 -
1968), tập thơ Chú vịt bông.
- Giải chính thức về thơ viết cho thiếu nhi của hội đồng Văn học thiếu nhi,
hội nhà văn Việt Nam (1985), tập thơ Những người bạn im lặng.

- Giải thưởng cuộc thi sáng tác kịch bản cho thiếu nhi do Hội nghệ sĩ sân khấu
tổ chức (1986), vở kịch Nàng tiên nhỏ thành ốc.

Ngoài ra, Phạm Hổ còn có một số tập thơ, bài thơ và truyện được dịch và giới
thiệu ở nước ngoài như: Nga, Trung quốc, Pháp, Đức.

Năm 2001, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1

3. Mảng thơ của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi

3.1. Nội dung

Nội dung chủ đạo, xuyên suốt trong thơ Phạm Hổ viết cho các em là Chủ đề
tình bạn. Trong khoảng 20 tập thơ viết cho các em, đã có 6 tập ông viết về tình
bạn: Chú bò tìm bạn, Bạn trong vườn, Những người bạn im lặng, Những người bạn
nhỏ, Ai kêu đấy? Bạn nào thích nhảy. Phạm Hổ đã tái hiện thế giới trẻ thơ qua hình
ảnh những người bạn đặc biệt, đáng yêu và gần gũi mà các em vẫn tiếp xúc hàng
ngày.

Trước hết, những người bạn trong thơ ông là những con vật ngộ nghĩnh đáng
yêu - Những người bạn nhỏ mà các em vẫn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Đó là một chú bò khao khát có bạn đến nỗi nhìn bóng mình dưới nước lại ngỡ gặp
người bạn mới. Khi nước bật cười, làm bóng bò tan biến thì chú ta lại tưởng bạn đi
đâu nên:

Cứ ngoái trước nhìn sau

“Ậm ò” tìm gọi mãi…

(Chú bò tìm bạn)


Một chú bê nũng nịu và háu ăn, rối rít đòi bú mẹ:

- Nhanh cho con bú tí

Đói, đói rồi mẹ ơi…

- Gì mà nhặn lên thế

Mới nhả vú đấy thôi

- Nhả vú là đói rồi

Mẹ ơi, con bú tí!!!

(Bê đòi bú)

nhưng khi bú no nê rồi lại thắc mắc:

- Mẹ uống sữa lúc nào

Mà sữa đầy vú mẹ

Còn con bú nhiều thế

Sữa lại chạy đi đâu?...

(Bê hỏi mẹ)

Có khi là một chú ngựa con ngây thơ và đáng yêu:

Ngựa cha đi móng sắt

Bật lửa đá dưới chân

Ngựa con thấy kêu ầm:

“Bố ơi, chân bố cháy!”

Ngựa con)

Hay một chú thỏ đa nghi ngốc nghếch, nói chuyện qua điện thoại mà cứ đòi
phaỉ nhìn thấy người ở đầu dây bên kia thì mới tin:
- Thỏ đây! Ai nói đấy?

Mèo à? Mèo thế nào?

Mình không trông thấy cậu

Nhỡ đứa khác thì sao ?

(Thỏ dùng máy nói)

Bài Chơi ú tim kể lại cuộc chơi của mèo và chó. Đến lược chó trốn, mèo đi
tìm. Chó nấp sau tủ nhưng lại thò đuôi ra phe phẩy, mèo tìm ra chó ngay. Thế
nhưng:

Chó vẫn thú vị lắm

Cứ nhe răng ra cười

"Không mình nấp giỏi thật

Lỗi chỉ tại cái đuôi!"


Mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ, một tiếng cười dí dỏm. Thế giới của Những
người bạn nhỏ hiện lên ngộ nghĩnh, đầy nhầm lẫn tog mò và thắc mắc như chính
cuộc sống của các em.

Bạn trong vườn là thế giới cỏ cây, hoa lá hiện hữu xung quanh các em. Đó là
cây lựu với "Hoa như lửa bay, quả sơn vàng óng" (Lựu); là quả dứa đầu đội mũ vua,
mình mặc áo giáp, có một trăm con mắt (Dứa) hay quả mít xù xì như da cóc (Mít);
những quả ổi "Đã chín trắng lại mập tròn" (Ổi), những cây mía "Đốt ngắn, đốt dài
- Như rồng uốn khúc" (Mía)...

Bạn trong vườn không chỉ là những loại hoa thơm trái ngọt mà còn là những
loại rau củ rất bình thường - những thứ rất ít có mặt trong thơ, nhưng dưới ngòi bút
của Phạm Hổ lại hiện lên rất sinh động với một vẻ đẹp riêng. Củ cà rốt giống như
một cậu bé hiếu động và tinh nghịch:
Lá xanh Nhảy lên

Củ đỏ Đẹp thật

Lớn nhỏ Tên em

Bên nhau Cà rốt

Đất đội Củ đỏ

Ngập đầu Lá xanh

(Củ cà rốt)

Còn Bắp cải xanh thì như một cô bé dịu dàng, ngoan ngoãn:

Bắp cải xanh

Xanh mát mắt

Lá cải sắp

Sắp vòng tròn

Búp cải non

Nằm ngủ giữa...

Qua những người Bạn trong vườn, tác giả không chỉ giới thiệu cho các em biết
về đặc tính, công dụng của mỗi loài cây, quả mà còn gợi cho các em lòng yêu cuộc
sống, yêu bạn bè, quê hương...

Những người bạn im lặng chính là những đồ vật khiêm tốn và tốt bụng xung
quanh các em. Những đồ vật vô tri như cái đinh, cái chổi, cái thùng thư, bảng chỉ
đường hay cái thước kẻ, cái rế... được Phạm Hổ nhìn bằng con mắt của trẻ thơ trở
nên sống động, có hồn.

Tấm bảng chỉ đường giống như một con người từng trải và chín chắn:
"Nơi này tàu thường qua!"

"Trước mặt có trường học!"

Suốt đời nói mỗi điều

Một điều thật có ích!

(Bảng chỉ đường)

Còn cái đinh lại giống một cậu bé tinh nghịch nhưng tốt bụng, luôn giúp đỡ
người khác:

Chân nhọn đầu tà

Thân hình thẳng tuột

Chôn mình vào cột

Chôn mình vào tường

Cho chị treo gương

Cho em treo ảnh

Xong rồi, hóm hỉnh

Đinh ta tươi tỉnh

Nhô đầu nhìn quanh

(Đinh)

Cái chổi chẳng khác gì một cô bé nhí nhảnh, thích làm đỏm nhưng chăm chỉ:

Thích buộc nhiều thắt lưng

Cả đời không đi dép

Chổi múa dạo một vòng

Rác trong nhà biến sạch


(Chổi)

Đó là tất cả những người bạn lặng lẽ quanh các em, khiêm nhường đóng góp
một phần nhỏ bé của mình để làm đẹp cho cuộc sống.

Như vậy, trong cái nhìn của Phạm Hổ vạn vật xung quanh hiện lên sống động,
có hồn như thế giới của con người và tất cả đều là bầu bạn của thế giới trẻ thơ. Ông
khéo léo mượn các con vật, đồ vật và cả cây cối để nói với các em một điều thật giản
dị mà vô cùng sâu sắc: Tình bạn thật cần cho cuộc sống của con người, hãy sống với
nhau bằng tình thân ái, bé sẽ có nhiều bạn tốt và nhiều niềm vui.

Bên cạnh chủ đề tình bạn, trong thơ Phạm Hổ còn có những chủ đề khác như
tình anh em, mẹ con (Mẹ ốm, Bé ốm, Tôi yêu em tôi...), tình yêu đối với lãnh tụ và
đất nước (Đôi dép thần kì, Em yêu Tổ quốc Việt Nam...), thế giới trẻ thơ với những
khám phá bất ngờ, thú vị (Thuyền và cá, Vịt, Mười quả trứng tròn, Rình xem mặt
trời, Học chữ...)...

3. 2. Nghệ thuật

Phạm Hổ sử dụng yếu tố dân gian trong việc sáng tác thơ cho các em. Trước
hết, là lối nhại đồng giao và ông thành công ở cách viết này. Các bài thơ của ông
viết thường ngắn, câu thơ cũng ngắn (từ 2,3 đến 4,5 chữ/ câu), kết hợp với cách ngắt
câu, gieo vần ở những tiếng nhất định làm cho câu thơ giàu nhạc điệu, dễ thuộc, dễ
nhớ. Bởi theo ông “Tuổi càng bé, các em chủ yếu càng tiếp thu văn học nghệ thuật
như con tàu chạy qua tai nghe và mắt nhìn”. Ông thường mô phỏng tiếng kêu của
những vật được miêu tả, tạo không khí tươi vui, rộn rã: Xe chữa cháy, Chiếc máy
khâu…

Yếu tố dân gian trong thơ Phạm Hổ còn thể hiện ở màu sắc cổ tích, huyền thoại
trong các tứ thơ: Hình ảnh quả thị gợi liên tưởng về cô Tấm (Thị), hình ảnh “Khế
chín đầy cây, Vàng treo lóng lánh” (Khế) rất gần gũi với truyện cổ tích Cây khế...
Lại có những bài thơ mang dáng dấp một câu đố dân gian, chẳng hạn:

Hoa như lửa bay Đầu xanh mũ vua

Quả sơn vàng óng Mình vàng áo giáp

Hạt nằm như ong Một trăm con mắt

Từng bọng từng bọng Nhìn quanh bốn bề

(Lựu) (Dứa)

Một đặc sắc khác trong thơ Phạm Hổ viết cho các em là cách tạo kết cấu làm
nổi bật sự bất ngờ:

Gà mẹ hỏi gà con:

- Đã ngủ chưa đấy hả?

Cả đàn gà nhao nhao:

- Ngủ cả rồi đấy ạ!

(Ngủ rồi)

Ở nhiều bài thơ, ông đã dùng lối thơ hỏi đáp, khơi gợi trí tưởng tượng, tư duy
và nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh bởi “Trước thế giới bao la ngày càng
mở rộng lí thú, các em hăm hở và băn khoăn trước vô vàn câu hỏi, không thể tính cả
cuộc đời có bao nhiêu câu hỏi” (Phong Lê). Đây là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của bé
trước mùi thơm kì diệu của hoa hồng:

Ai đã xức nước hoa

Mà hoa hồng thơm thế?

- Mẹ hoa hồng đấy thôi

Xức cho hồng từ bé. (Hoa hồng)...


4. Văn xuôi Phạm Hổ viết cho thiếu nhi

Tập sách gồm 5 truyện: Ngựa hồng từ đâu đến, Lửa vàng, lửa trắng, Cất nhà
giữa hồ, Chú sẻ con và bông hoa bằng lăng, Bê và Sáo. Ba truyện đầu là truyện cổ
tích mới. Ngựa hồng từ đâu đến thuật lại lai lịch con ngựa Thánh Gióng đã cưỡi để
đi đánh giặc; Lửa vàng, lửa trắng giống như phần 2 của truyện Trí khôn, kể lại cuộc
đọ sức giữa đứa con người nông dân và con của con hổ (hai nhân vật trong truyện
Trí khôn). Lần này tuy hổ con được cha chuẩn bị chu đáo hơn nhưng cuối cùng cũng
vẫn bị sập hầm và bị bỏng vôi - hổ con gọi đấy là lửa trắng. Dáng tạo ra ngọn lửa
trắng, Phạm Hổ đã viết một truyện hay có sức chinh phục lớn đối với bạn đọc nhỏ
tuổi.

Cất nhà giữa hồ kể lại lòng tham, cách đối xử tàn bạo của tên chúa làng đối với
bé Mây. Nhờ sự giúp đỡ của các con vật sống dưới hồ, Mây đã dựng được tòa lâu
đài giữa hồ chỉ trong một đêm, trở lại cuộc sống tự do cùng dân làng.

Hai truyện còn lại là hai truyện viết theo bút pháp đồng thoại mang đậm chất
thơ. Đó là những bài ca đẹp về tình bạn.

Truyện của Phạm Hổ viết cho các em không nhiều chi tiết, có kết cấu chặt chẽ, luôn
hướng tới cái đẹp trong cuộc sống.

5. Giới thiệu một số bài thơ của Phạm Hổ

Chơi ú tim Khế

Rủ nhau chơi ú tim Hoa từ cành cao

Giờ đến phiên chó trốn Rủ nhau xuống giếng

Méo đảo mắt nhìn quanh Tắm xong hoa tím


Chó trốn đâu giỏi gớm! Theo gầu nước lên.

Bỗng kìa dưới khe tủ Ai nặn nên hình

Chó để lộ cái đuôi Khế chia năm cánh?

Mèo rón rén đến nơi Khế chín đầy cây

Òa! Chộp ngay lưng bạn. Vàng treo lóng lánh...!

Chó vẫn thú vị lắm Con cua con hến

Cú nhe răng ra cười Giữa ruộng, ven sông

- “Không! Mình nấp giỏi thật! Nấu chung sao khế

Lỗi chỉ tại cái đuôi”. Cơm canh ngọt lòng...

Đàn gà mới nở
Lông vàng mát dịu Con mẹ đẹp sao
Mắt đen sáng ngời Những hòn tơ nhỏ
Ôi! Chú gà ơi! Chạy như lăn tròn
Ta yêu chú lắm! Trên sân, trên cỏ.

Mẹ dang đôi cánh Vườn trưa gió mát


Con biến vào trong Bướm bay dập dờn
Mẹ ngẩng đầu trông Quanh đôi chân mẹ
Bọn diều, bọn quạ. Một rừng chân con.

Bây giờ thong thả


Mẹ đi lên đầu
Đàn con bé tí
Líu ríu chạy sau.
(Tiếng Việt 2, tập1, Nxb Giáo Dục).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày nội dung của thơ Phạm Hổ viết cho các em.

2. Trình bày những đặc điểm tiêu biểu về phương diện nghệ thuật trong thơ
Phạm Hổ.

3. Qua một số bài thơ mà anh (chị) đã học, đã đọc, hãy chứng minh tình bạn là
chủ đề xuyên suốt trong thơ Phạm Hổ viết cho các em.

4. Phân tích một số bài thơ của Phạm Hổ trong chương trình tiểu học.

III. TÁC GIẢ TRẦN ĐĂNG KHOA

1. Giới thiệu tác giả

Trần Đăng Khoa sinh ngày 26 - 4 - 1958 tại làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn,
huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Trần Đăng Khoa làm thơ từ lúc còn nhỏ và đã có nhiều bài thơ được đăng báo
ngay ở tuổi thiếu niên. Năm 1975, Trần Đăng Khoa xung phong vào bộ đội, tham
gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử rồi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và
trở thành người lính bảo vệ Trường Sa.

Tháng 8 năm 1975, trường ca Khúc hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa
được giải thưởng của Bộ Thương binh và Xã hội, Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1982:
giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ.
Sau khi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khóa IV, Trần Đăng Khoa theo
học tại Học viện văn học thế giới mang tên Gorki (Cộng hòa liên bang Nga) rồi trở
về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội . Tác phẩm Chân dung và đối thoại (1998)
của anh đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới lí luận phê bình và sáng tác văn học.

2. Sự nghiệp sáng tác

* Những tác phẩm chính

- In ở trong nước

+ Từ góc sân nhà em (1968)

+ Thơ Trần Đăng Khoa, tập 1 ( tuyển 1966 - 1969, in năm 1970)

+ Góc sân và khoảng trời (1973)

+ Khúc hát người anh hùng ( trường ca -1975)

+ Kể cho bé nghe (1979)

+ Thơ Trần Đăng Khoa, tập 2 ( tuyển 1969-1975, in năm 1983)

- In ở nước ngoài

+ Tiếng hát còn tiếp tục ( Pháp, 1971)

+ Góc sân và khoảng trời của tôi (Cuba, 1973)

+ Cánh diều no gió ( CHDC Đức, 1973)

+ Con bướm vàng ( Hunggari, 1973)

Trong chương trình Tiếng Việt tiểu học, Trần Đăng Khoa là một tác giả quen
thuộc với các em học sinh với các bài: Ò ó o..., Kể cho bé nghe (lớp 1); Tiếng võng
kêu, Cây dừa (lớp 2); Khi mẹ vắng nhà (lớp 3); Trăng ơi...từ đâu đến?, Mẹ ốm (lớp
4); Hạt gạo làng ta (lớp 5).

3. Nội dung thơ Trần Đăng Khoa viết cho thiếu nhi
Trong thơ Trần Đăng Khoa, thế giới thiên nhiên, loài vật và con người hiện lên
vô cùng sống động. Đến với thơ Trần Đăng Khoa, độc giả được sống trong một bầu
không khí rất riêng - không khí của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Khi lí giải “cái
mầm thơ Trần Đăng Khoa đã lớn lên từ miếng đất nào”, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh
đã khẳng định: “làng quê đã tạo nên thơ Khoa từ màu sắc đến linh hồn”. Ông gọi
Trần Đăng Khoa là “nhà thơ mục đồng”, là “một cây bút chuyên môn thực sự” viết
về nông thôn.

3.1. Thiên nhiên nông thôn

Thiên nhiên nông thôn là mảng nội dung nổi bật nhất trong thơ Trần Đăng
Khoa. Tuổi thơ của tác giả gắn bó với nông thôn và đồng ruộng. Thế giới thơ Trần
Đăng Khoa bắt nguồn từ những cảnh vật sinh hoạt quen thuộc của làng quê: Từ cảnh
“Ngoài sân lội mấy chú gà liếp nhiếp, Đi tìm mồi cùng mẹ bắt giun sâu” đến “Vườn
em có một luống khoai, Có hàng chuối mật với hai luống cà”… Đó là những hình
ảnh vô cùng quen thuộc nhưng khi đi vào thơ Trần Đăng Khoa vẫn gây được nhiều
ngạc nhiên thú vị cho người đọc.

Đọc những bài thơ Khoa viết về làng quê, trước hết, người ta như được cảm
nhận sự phóng khoáng, ngất ngây, trong lành của hương đồng gió nội. Hương vị
đồng quê như đã thấm sâu vào con người Khoa và thơ Trần Đăng Khoa:

“Đồng ẩm trăng non

Luống cày sực nức

Mưa rào bữa trước

Nắng nồng chiều nay

Mùi bùn đang ngấu

Mùi phân đang hoai


Vôi chưa tan hẳn

Còn hăng rãnh cày”.

(Hương đồng)

Thiên nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa là một thiên nhiên trong trẻo, kì diệu và
đầy chất thơ. Trong bài Trăng sáng sân nhà em, Khoa viết:

“Ông trăng tròn sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

Trăng khuya sáng hơn đèn

Ơi ông trăng sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em…”.

Ánh trăng vằng vặc chan hòa khắp mọi nơi. Cả cây lá, chim, sâu đều lặng đi
trước sự huyền diệu của thiên nhiên:

“Hàng cây cau lặng đứng

Hàng cây chuối đứng im

Con chim quên không kêu

Con sâu quên không kêu

Chỉ có trăng sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em…”

Thơ Trần Đăng Khoa luôn gợi cho người đọc hình ảnh về một thiên nhiên nông
thôn thuần nhất, tinh nguyên và hết sức thơ mộng. Đấy là thiên nhiêm trong khoảnh
khắc giao mùa với ngọn gió heo may nhè nhè, vài hạt mưa lưa thưa, những hoa cau
rơi rãi:
“Nửa đêm nghe ếch học bài

Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây

Nghe trời trở gió heo may

Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”.

Thiên nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa không chỉ trong lành, thơ mộng mà
còn đầy sức sống, luôn vận động và phát triển. Trong bài Ò ó o…, Buổi sáng nhà
em…, khung cảnh những buổi sáng nông thôn được Khoa miêu tả thật náo nhiệt. Đó
là những buổi bình minh của nhà nông. Cảnh vật muôn thuở mà vẫn mới lạ, hấp dẫn.

Một trận mưa rào cũng được anh miêu tả hết sức sinh động, đem lại cho người
đọc những thú vị bất ngờ:

“Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận.

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm.

Kiến hành quân

Đầy đường…”.

(Mưa)

Tóm lại: thế giới thiên nhiên nông thôn trong thơ Trần Đăng Khoa thật phong
phú sinh động và trong sáng. Tác giả đã thể hiện một năng lực quan sát hết sức nhạy
bén tinh tế, đặc biệt là khả năng cảm nhận thiên nhiên bằng mọi giác quan, bằng sự
mở rộng tâm hồn và trí tưởng tượng phong phú. Qua đó, Trần Đăng Khoa đã bộc lộ
một tình yêu quê hương sâu sắc và truyền cho người đọc tình yêu ấy.
3.2. Hình ảnh người nông dân

Viết về con người, thơ Trần Đăng Khoa chủ yếu nhắc tới người nông dân ở
làng quê, người nông dân ấy trước hết là bố anh, mẹ anh. Trần Đăng Khoa nhắc tới
họ với tất cả lòng biết ơn và sự cảm thông sâu sắc. Mới 9 tuổi, khi được mẹ khen,
Trần Đăng Khoa đã liên tưởng ngay tới nỗi nhọc nhằn của mẹ:

“Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Mẹ ngày đêm khó nhọc

Con chưa ngoan, chưa ngoan”.

(Khi mẹ vắng nhà)

Bài Hạt gạo làng ta như là một bài ca về người nông dân. Bài thơ được viết với
những cảm xúc mạnh mẽ về sự cảm thông, thương xót và lòng biết ơn người lao
động:

“Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy”.

Trở lại bài Mưa ta thấy hình ảnh người nông dân, một nắng hai sương đương
đầu với nắng mưa, lúc nào cũng ung dung, dũng cảm:

“Bố em đi làm về

Đội sấm

Đội chớp
Đội cả trời mưa”.

Tác giả đã cảm hiểu rất sâu sắc niềm vui của người nông dân là niềm vui được
lao động, được cống hiến và được gặt hái những thành quả lao động của mình:

“Nơi này mấy bác cày

Đầu nghiêng nghiêng chiếc nón

Tiếng trâu và tiếng người

Vang ruộng dài lõm bõm

Nơi kia là mấy chị

Thì thòm tát gàu dai

Nước reo theo lòng máng

Bọt tung trắng hoa nhài

Nơi ấy mấy cô cấy

Ngửa tay phía mặt trời

Mạ bén hàng đứng thẳng

Hồn nhiên trong tiếng cười”

(Cánh đồng làng Điền Trì)

Và niềm vui được mùa:

“Chị chủ nhiệm rũ rơm

Anh dân quân đập lúa

Thóc nở bung như sao

Nhuộm vàng cau trời cao”.

(Vào mùa)
Qua những suy tư về người mẹ nói riêng và người nông dân nói chung, Trần
Đăng Khoa lại một lần nữa bộc lộ tình cảm sâu nặng đối với quê hương, con người
và cảnh vật.

4. Những đặc sắc về nghệ thuật của thơ Trần Đăng Khoa

4.1. Tâm hồn trẻ thơ qua cách nhìn, cách tả cảnh vật

Trong cái nhìn của tác giả, tất cả thế giới xung quanh đều như có tâm linh, đều
là bầu bạn. Anh thường sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả cảnh vật. Buổi sáng
nhà em với những nhân vật thật sống động: ông trời, bà sân, cậu mèo, mụ gà, cái na,
cu chuối, chị tre, bác nồi đồng… làm nên một thế giới đầy hấp dẫn với sự nhộn nhịp,
đông vui của một buổi sáng, một ngày mới bắt đầu:

“Ông trời nổi lửa đằng đông

Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay

Bố em xách điếu đi cày

Mẹ em tát nước nắng đầy trong thau

Cậu mèo đã dậy từ lâu

Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng

Mụ gà cục tác như điên

Làm thằng gà trồng huyên thuyên một hồi

Cái na đã tỉnh giấc rồi

Cu chuối đứng vỗ tay cười vui sao

Chị tre chải tóc bên ao

Đàn mây áo trắng ghé vào soi gương

Bác nồi đồng hát bùng bong


Bà chổi loẹt qoẹt lom khom trong nhà.”

Cũng với lối nhân hóa như vậy, anh viết về cây dừa khi thì như người bạn hào
phóng “Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”, khi thì như người lính:

“Đứng canh trời đất bao la

Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”.

4.2. Trí tưởng tượng phong phú bay bổng và sự liên tưởng, so sánh kì diệu

Không bao giờ Khoa nhìn thấy sự vật trong sự đơn nhất, trần trụi mà luôn phát
hiện ra mối quan hệ của chúng hoặc liên tưởng đến những hình ảnh tương đồng khác
để từ đó khái quát lên một cái gì đó cao hơn.

Từ một cái diều khi thì Khoa tưởng tượng ra:

“Sao trời trôi qua

Diều thành trăng vàng”.

Khi lại thấy:

“Diều hay chiếc thuyền

Trôi trên sông ngân...”

“Diều là hạt cau

Phơi trên nong trời...”.

(Thả diều)

Hay từ một vầng trăng, có lúc anh thấy:

“Trăng như cái mâm con

Ai treo ông cao thế

Ông nhìn đàn em bé


Khoe ông cái mặt tròn”.

(Trông trăng)

Trong bài Trăng ơi từ đâu đến, Khoa lại hình dung ra:

“Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà”

“Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi”

Và táo bạo hơn nữa là:

Trăng bay như quả bóng

Đứa nào đá lên trời...”

Tóm lại, với tâm hồn thơ phong phú, nhạy cảm và tinh tế, cùng khả năng sáng
tạo tuyệt vời, thơ Trần Đăng Khoa đã chiếm được sự yêu thích của bạn đọc trải qua
nhiều thế hệ. Đó là một hiện tượng thơ đặc biệt có vị trí xứng đáng trong nền văn
học thiếu nhi nói riêng và trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung.

5. Giới thiệu một số bài thơ của Trần Đăng Khoa trong chương trình tiểu học

Trăng ơi... từ đâu đến


Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh đồng xa.
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà.

Trăng ơi… từ đâu đến ?


Hay biển xanh diệu kì.
Trăng tròn như mắt cá,
Không bao giờ chớp mi.

Trăng ơi… từ đâu đến?


Hay từ một sân chơi,
Trăng bay như quả bóng,
Bạn nào đá lên trời
….

Cây Dừa

Cây dừa xanh toả nhiều tàu

Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng

Thân dừa bạc phếch tháng năm

Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao

Đêm hè hoa nở cùng sao

Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh

Ai mang nước ngọt nước lành

Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa

Tiếng dừa làm dịu nắng trưa

Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo

Trời trong đầy tiếng rì rào

Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra...

Đứng canh trời đất bao la


Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.
(Tiếng Việt 2, tập 2, Nxb Giáo dục).

Dặn em
Mẹ cha bận việc đêm ngày
Anh còn đi họ, mình e ở nhà
Dặn em đừng có chơi xa
Máy bay Mĩ bắn không ra kịp hầm
Đừng ra ao cá trước sân
Đuổi con bươm bướm, trượt chân, ngã nhào
Đừng đi bêu nắng nhức đầu
Đừng vầy nghịch đất, mắt đau, lấm người
Ốm đau là mất đi chơi
Làm cho bố mẹ mất vui trong lòng
Mẹ cha bận việc ngày đêm
Anh ngồi trong lớp, lo em ở nhà.

Hạt gạo làng ta

"Hạt gạo làng ta Hạt gạo làng ta Quang trành quết đất.
Có vị phù sa Những năm bom Mĩ Hạt gạo làng ta.
Của sông Kinh Thầy Trút lên mái nhà Gửi ra tiền tuyến,
Có hương sen thơm Những năm khẩu súng Gửi về phương xa.
Trong hồ nước đầy Theo người đi xa Em vui em hát
Có lời mẹ hát Những năm băng đạn Hạt vàng làng ta.
Ngọt bùi hôm nay... Vàng như lúa đồng Em vui em hát
Bát cơm mùa gặt Hạt vàng làng ta…".
Hạt gạo làng ta Thơm hào giao thông
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba Hạt gạo làng ta
Giọt mồ hôi sa Có công các bạn
Những trưa tháng sáu Sớm nào chống hạn
Nước như ai nấu Vục mẻ miệng gầu
Chết cả cá cờ Trưa nào bắt sâu
Cua ngoi lên bờ Lúa cào rát mặt
Mẹ em xuống cấy... Chiều nào gánh phân

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa.

2. Tìm hiểu hình tượng người nông dân trong thơ Trần Đăng Khoa.

3. Tìm hiểu hình tượng trăng trong thơ Trần Đăng Khoa.

4. Khi lí giải “cái mầm thơ Khoa đã lớn lên từ miếng đất nào”, nhà phê bình
văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định: “Làng quê đã tạo nên thơ Khoa từ màu
sắc đến linh hồn”.

Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

You might also like