You are on page 1of 6

ĐỀ SỐ 10

I- ĐỌC HIỂU (3 điểm)


`Nhà thơ Đặng Hiển có một bài thơ viết về mẹ trong tình huống đặc biệt -
mẹ vắng nhà ngày bão:
Mấy ngày mẹ về quê Nhưng chị vẫn hái lá
Là mấy ngày bão nổi Cho thỏ mẹ, thỏ con
Con đường mẹ đi về Em thì chăm đàn ngan
Cơn mưa dài chặn lối. Sớm lại chiều no bữa
Bố đội nón đi chợ
Hai chiếc giường ướt một Mua cá về nấu chua....
Ba bố con nằm chung
Vẫn thấy trống phía trong Thế rồi cơn bão qua
Nằm ấm mà thao thức. Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Nghĩ giờ này ở quê Sáng ấm cả gian nhà.
Mẹ cũng không ngủ được
Thương bố con vụng về
Củi mùn thì lại ướt.

(Mẹ vắng nhà ngày bão - Tiếng Việt 3)


Câu 1. (0.1 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính và Thể loại thơ của
văn bản trên.
Câu 2. ( 0.5 điểm) Theo tác giả, tại sao “Ba bố con nằm chung - Vẫn thấy
trống phía trong - Nằm ấm mà thao thức”?
Câu 3.( 1 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được
sử dụng trong khổ thơ cuối.
Câu 4. (0.5 điểm) Kể tên một văn bản (nêu rõ tên tác giả) thuộc chương
trình Ngữ văn THCS, trong đó có hình ảnh người mẹ.
II- Tự Luận (7 điểm)
Câu 1: (2 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về vai trò của Gia đình
trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2: ( 5 điểm)
Phân Tích bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh hải
Câu 1:
*Phương pháp: Đọc, xác định phương thức biểu đạt
*Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm, Thơ 5 chữ
Câu 2:- Vì thiếu vắng bóng dáng quen thuộc, hơi ấm của mẹ.
Câu 3:
- Khổ thơ cuối sử dụng phép tu từ so sánh: “Mẹ về như nắng mới”
- Tác dụng:

+ Hình ảnh mẹ về sau cơn bão được so sánh với “nắng mới”, xua tan đi u ám của
những ngày giông bão, làm “sáng ấm cả gian nhà”. Nắng là ánh mặt trời nhưng cao
hơn là hơi ấm tình yêu thương tỏa ra từ lòng mẹ.

+ Lời thơ cũng là lời kể, lời tâm sự của người con khi mẹ trở về, cũng là lúc cơn
bão qua đi.

=> Biện pháp so sánh giúp tác giả vừa thể hiện niềm vui khi mẹ về; tình cảm yêu
quý của con với mẹ và đề cao vai trò của người mẹ trong cuộc sống của con.

Câu 4:- Cổng trường mở ra (Lý Lan)- Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng)

Phần II- Tự luận


câu 1: (2 điểm)
Gia đình là tế bào của xã hội. Đó là nơi để mọi thành viên có thể chung sống, sinh
hoạt cùng nhau. Một gia đình đầy đủ khi có tình yêu thương và sự chăm sóc của
cha mẹ, sự sẻ chia và đồng cảm giữa các thành viên với nhau. Gia đình là nơi đem
lại sự bình yên cho mỗi người sau những bộn bề lo toan của cuộc sống. Gia đình
đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Đó là một môi trường tốt giúp cho trẻ
nhỏ phát triển về thể chất và tư duy. Trẻ em chính là mầm non của xã hội, là tương
lai của đất nước. Được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, các em sẽ được sống
đầy đủ về mặt tình cảm. Hơn thế nữa, dưới sự giáo dục của cha mẹ, các em sẽ có
những định hướng tích cực trong tương lai. Cha mẹ vừa là người giáo viên, vừa là
người bạn để các em sẻ chia, tâm sự. Mỗi khi gặp khó khăn trong đời, gia đình
chính là nơi để chúng ta trở về và được an ủi, động viên. Gia đình là chỗ dựa tinh
thần và thể xác tốt nhất khi ta suy sụp. Đồng thời, ở ngoài kia vẫn còn rất nhiều trẻ
em lớn lên thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, gia đình. Có thể là do các em từ
nhỏ đã mất cha mẹ, hoặc cũng có thể là do hôn nhân tan vỡ, … Các em chịu nhiều
thiệt thời so với những người bạn đồng trang lứa, đôi khi cảm thấy tủi thân khi bị
bạn bè chế giễu, bắt nạt. Lúc nào các em cũng kháo khát tình cảm gia đình. Không
có gì đẹp và đáng quý hơn là được sống trong mái ấm gia đình. Bởi vậy, mỗi người
trong chúng ta cần biết nâng niu và trân trọng mái ấm gia đình của chính mình.

Câu 2(7 điểm)


1. Dàn ý phân tích Mùa xuân nho nhỏ chi tiết
a) Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
+ Thanh Hải (1930-1980) là một nhà thơ hiện đại yêu nước, yêu cách mạng, có công
xây dựng nền văn hóa cách mạng ở Miền Nam trong giai đoạn đầu
+ Mùa xuân nho nhỏ (1980) là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của ông được
viết khi ông đang nằm trên giường bệnh.
- Dẫn dắt vấn đề.
b) Thân bài
* Khái quát về hoàn cảnh sáng tác bài thơ
- Bài thơ được Thanh Hải viết vào tháng 11 mùa đông năm 1980, khi còn nằm trên
giường bệnh, một tháng trước lúc qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
- Bài thơ là nỗi lòng của tác giả về yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn
cống hiến góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, dân tộc.
* Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời (khổ thơ 1)
- Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp:
+ Cảnh thiên nhiên nhẹ nhàng, nên thơ, màu sắc hài hòa gợi cảm : hoa tím, sông xanh,
bầu trời cao rộng,...
+ Âm thanh : tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long
lanh”
-> Nghệ thuật đảo từ “mọc“ và từ “một” tạo sự đột ngột để nói lên được vẻ đẹp và sức
sống của hoa.
Cảm xúc và tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
+ "Giọt long lanh" - hình ảnh thơ đa nghĩa, ở đây được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển
đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận
bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”.
-> Diễn tả cảm xúc say mê, ngây ngất, sự nâng niu trân trọng vẻ đẹp đất trời.
* Cảm xúc trước mùa xuân của đất nước (khổ thơ 2, 3)
- Sáng tạo của tác giả thể hiện qua việc dùng từ “lộc” và hình ảnh “người cầm súng”,
“người ra đồng”, “lộc giắt quanh lưng”, “lộc trải dài nương mạ” -> Sức sống mạnh mẽ,
khí thế đi lên của dân tộc.
+ Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ” là hình ảnh đẹp về cuộc sống lao động kiến thiết
đất nước của lực lượng sản xuất
+ Hình ảnh người cầm súng trên đường ra trận mang trên vai cành lá ngụy trang, và
niềm tin vào ngày mai hòa bình
-Các từ láy “hối hả”, “xôn xao”, điệp từ “tất cả” với nhịp thơ nhanh, gấp, để chỉ nhịp
sống lao động khẩn trương, tưng bừng, niềm vui rạo rực lòng người.
- So sánh “Đất nước như vì sao”: nâng đất nước lên tầm cao mới đẹp đẽ, kì vĩ khẳng
định sự trường tồn bền vững
-> Nhà thơ tin tưởng và tự hào vào tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt
trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
- Tác giả không quên nhắc nhở mọi người nhớ về những tháng ngày gian khổ trong
chiến đấu, cách mạng
- Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên
phía trước dù khó khăn gian khổ.
-> Niềm tự hào đối với quê hương, đất nước mình, lạc quan tin tưởng vào sức sống, sự
vươn lên mạnh mẽ của đất nước, dân tộc.
* Ước nguyện chân thành, giản dị được cống hiến của tác giả (khổ 4 và 5)
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
- “Ta làm” : khẳng định sự tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời.
- “Ta làm con chim hót”, "làm cành hoa”, “một nốt trầm”: tác giả khao khát hóa thân
thành những thứ bình dị để làm đẹp cho cuộc đời.
- Đại từ “Ta”: vừa chỉ số ít, vừa chỉ số nhiều: vừa diễn tả niềm riêng và cái chung.
-> Đó vừa là tâm niệm chân thành của nhà thơ và cũng là khát vọng cống hiến cho đời
chung của nhiều người, muốn góp sức mình làm nên mùa xuân đẹp tươi của thiên
nhiên, của tạo vật của đất nước.
- Các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống
cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc một cách âm thầm và
lặng lẽ.
- Mùa xuân nho nhỏ là một ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ khi thể hiện thiết tha, cảm
động khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa.
- Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ trở nên thiết tha, lắng đọng:
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
-> Sự cống hiến không kể tuổi tác.
=> Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn tha thiết với cuộc đời, tâm niệm
tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn sống đẹp và hữu ích, tận hiến cho cuộc đời chung.
* Ngợi ca quê hương đất nước qua điệu hát dân ca Huế (khổ cuối)
- Cách gieo vần "bình, minh, tình" : thể hiện chất nhạc dân ca xứ Huế.
- Cách gieo vần phối âm khá độc đáo : câu đầu và câu cuối kết thúc bằng hai thanh trắc
hát, Huế.
-> Cả bài thơ giống như làn điệu dân ca Huế mượt mà, trữ tình và sâu lắng
- Bài thơ khép lại với điệu Nam ai, Nam bình của xứ Huế để ca ngợi vẻ đẹp và nỗi niềm
của người con xứ Huế
- Khúc ca còn ngân vang mãi từ tâm hồn của người lạc quan, yêu đời, khát khao sống
có ích.
* Đánh giá về đặc sắc nghệ thuật
- Thể thơ năm chữ, gần với các làn điệu dân ca.
- Bài thơ giàu nhạc điệu, âm hưởng nhẹ nhàng, thiết tha
- Hình ảnh tự nhiên, giản dị kết hợp với hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng khái quát.
- Câu từ chặt chẽ, sự phát triển tự nhiên của hình ảnh mùa xuân với các phép tu từ đặc
sắc.
c) Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

2. Luận điểm phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
 Luận điểm 1 (khổ thơ đầu): Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời.
 Luận điểm 2 (khổ thơ 2, 3): Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của đất nước.
 Luận điểm 3 (khổ thơ 4, 5): Ước nguyện chân thành được cống hiến của tác giả.
 Luận điểm 4 (khổ thơ cuối): Lời ca ngợi quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ
Huế.
3. Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ngắn nhất
Mùa xuân với sức sống của thiên nhiên đất trời luôn là nguồn cảm hứng của thi ca.
Nhắc đến xuân trong kho tàng thi ca Việt Nam ta đã từng biết đến “Vội vàng” của Xuân
Diệu, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính… Và trong
rất nhiều tác phẩm viết về mùa xuân ta không thể không nhắc đến “Mùa xuân nho nhỏ”
của Thanh Hải.
Bài thơ được viết vào năm 1980, khi tác giả đang phải chống chọi từng phút giây để có
được sự sống. Mùa xuân là lúc thiên nhiên đất trời đang chuyển mình để đón chào sự
sống mới vậy mà lúc này nhà thơ đang phải gồng mình trước cơn đau bệnh tật. Nói
đến đây tự nhiên chúng ta lại nhớ đến “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử bởi bài thơ
cũng được viết khi tác giả đang sống trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời
mình. Thanh Hải cũng vậy. Dường như nhà thơ đang dành trọn từng phút giây để được
cống hiến, để được sống với văn chương.
Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế với gam màu tươi sáng, âm
thanh trong trẻo, bừng sức sống.
“Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bông hoa tím biếc”.
Động từ “mọc” xuất hiện ngay đầu câu thơ khiến người đọc vừa có cảm giác giật mình,
vừa gợi sự vui mừng, ngạc nhiên, thích thú. Câu thơ càng hiện lên đẹp hơn ở những
hình ảnh tiếp đó. Sắc tím của bông hoa thật nổi bật giữa màu xanh bát ngát của dòng
sông rộng lớn. Câu thơ đã gợi được sức sống, sự vươn mình trỗi dậy của thiên nhiên,
đất trời. Bút pháp chấm phá đã giúp tác giả tạo nên điểm nhấn cho bức tranh. Dù bông
hoa xuất hiện một mình nhưng nó lại không hề cô độc, lẻ bóng. Nó có sức sống, có
màu sắc, có sự thu hút người nhìn, khác hoàn toàn với “Củi một cành trôi lạc mấy
dòng” (Tràng giang – Huy Cận). Có màu sắc ắt phải có âm thanh. Tiếng chim chiền
chiện hót vang trời đã mang đến sự náo nhiệt, tươi mới cho cả không gian. Tiếng chim
ngân vang, rung động, kéo theo mùa xuân về. Không khí tươi vui của mùa xuân đất trời
đã khiến nhà thơ không khỏi bồi hồi, xúc động mà viết nên những vần thơ đầy hứng
khởi:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Một hình ảnh thơ rất nhẹ nhàng, lãng mạn. Hành động “đưa tay”, “hứng” bản thân nó
đã thể hiện được sự trân trọng, nâng niu. Ở đây tác giả đang hứng lấy “từng giọt long
lanh rơi” đủ để thấy ông yêu khoảnh khắc này biết nhường nào. Nhà thơ đã cất bút đầu
tiên cho bức tranh nhẹ nhàng là thế với dòng sông xanh, với bông hoa tím, với tiếng
chim hót và với tất cả tình yêu mà ông dành cho nơi đây, cho những ngày tháng còn lại
của mình.
Khổ thơ thứ hai vẫn là bức tranh thiên nhiên mùa xuân những tác giả gửi vào đó với
niềm tin về tương lai rộng mở và sự vững chãi của đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng,
Lộc giắt đầy quanh lưng.
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”.
Đọc bốn câu thơ ta thấy mùa xuân dường như là mùa của sản xuất, của chiến đấu.
“Lộc” là chỉ mầm non, là nói đến sự đâm chồi nảy lộc, căng tràn sức sống. Như vậy
người lính ở đây đang mang vác trên vai những cành lá ngụy trang xanh biếc hay đang
mang theo sứ mệnh về một đất nước được độc lập, tự do? Dù hiểu theo cách nào thì ý
nghĩa của câu thơ vẫn mang những vẻ đẹp của nó. Cùng với sự gian khổ của người
chiến sĩ, người nông dân cũng dùng mồ hôi, sức lao động của mình để tô điểm cho quê
hương bằng màu vàng của nương mạ. Như vậy, máu và mồ hôi như đang cùng nhau
lao động, cùng nhau chiến đấu để tô điểm, gìn giữ và bảo vệ quê hương, đất nước. Tất
cả mọi người bước vào mùa xuân với khí thế vui tươi, phấn khởi và đầy náo nhiệt:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Hai từ láy “hối hả”, “xôn xao” khiến người đọc vừa thấy khẩn trương, gấp gáp lại vừa có
cảm giác ồn ào, náo động. Hai câu thơ như bừng lên sức sống khiến cho cả bài thơ
như khúc ca mùa xuân vui vẻ và hứng khởi.
Từ không khí đó, nhà thơ đã thể hiện tâm niệm tràn đầy nhiệt huyết nhưng cũng đầy
triết lý nhân sinh của mình. Trước hết nhà thơ muốn hóa thân thành “con chim hót” để
mang đến âm thanh trong trẻo, tươi vui. Rồi ông lại muốn thành “một cành hoa” để tô
sắc thêm cho đời. Và cuối cùng ông muốn được trở thành “một nốt trầm”, nhập tâm hồn
mình vào “bản hòa ca” tươi vui của đất nước. Có thể thấy cả ba ước nguyện của nhà
thơ đều là những ước nguyện bình dị nhưng ẩn sâu trong nó là khát vọng sống mãnh
liệt của nhà thơ. Để rồi từ khát vọng đó nhà thơ muốn hiến thân cho cuộc đời:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
“Nho nhỏ” và “lặng lẽ” ở đây là cách nói khiêm tốn ẩn chứa đầy chân thành. Tố Hữu
từng viết “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” và “dâng cho đời” ở đây là lẽ sống cao
cả như thế. Ông cống hiến cho Tổ quốc từ khi còn trẻ cho đến tận những ngày tháng
cuối cùng trên giường bệnh. Nhà thơ dường như muốn dành cả đời mình để hiến dâng
cho đất nước. Khổ thơ giống như một lời chiêm nghiệm nhà thơ dành cho chính mình
Ở khổ thơ cuối cùng, từ tình yêu thiên nhiên nhà thơ đã nâng lên thành khúc ca ca ngợi
Tổ quốc:
“Mùa xuân tôi xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
“Nam ai”, “Nam bình” là khúc hát quen thuộc của người dân xứ Huế còn “phách tiền” là
một loại đạo cụ dân tộc để làm nhạc đệm cho khúc hát này. Như vậy, Thanh Hải đã sử
dụng chất liệu dân gian quen thuộc để viết nên câu thơ nhẹ nhàng, tình cảm. Đoạn thơ
đã diễn tả được tình cảm mà nhà thơ dành cho xứ Huế, đó là “ngàn dặm mình”, “ngàn
dặm tình” dành cho xứ Huế thân thương.
Có thể nói, với “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải đã đóng góp một phần không nhỏ làm
nên thành công của thơ ca dân tộc. Bài thơ không chỉ thể hiện được sự tinh tế cũng
như những chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả mà còn truyền đến cho người đọc tình
yêu quê hương đất nước mình.

You might also like