You are on page 1of 12

A.

Đặt vấn đề
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Một trong những
yêu cầu của nhà nước pháp quyền là phải xây dựng cho được hệ thống pháp luật
thống nhất, chặt chẽ và đồng bộ bảo vệ quyền con người. Pháp luật tố tụng hình sự
(TTHS) cũng cần đáp ứng yêu cầu đó. Bởi lẽ, TTHS là lĩnh vực hoạt động đặc biệt
của nhà nước, ở đó, xuất hiện quan hệ bất bình đẳng giữa một bên là các cơ quan
tiến hành tố tụng với sự hậu thuẫn của quyền lực nhà nước và bên kia yếu thế hơn
là những người bị buộc tội. Cũng từ đó, nguy cơ xâm phạm đến quyền con người là
cao nhất và hậu quả cũng nặng nề nhất và đòi hỏi bảo vệ quyền con người trong
TTHS cũng là yêu cầu bức thiết nhất.
Pháp luật tố tụng hình sự đáp ứng các đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, trước
hết thể hiện ở chỗ hệ thống nguyên tắc của nó với tư cách là những quan điểm chỉ
đạo làm nền tảng và xuyên suốt các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động
tố tụng hình sự cần được thể hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ. Các nguyên tắc đó
một mặt cần ghi nhận những giá trị chung của nhân loại mặt khác cần có sự cụ thể
hóa trong kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trong hệ thống các nguyên tắc của
TTHS , nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng và đây được
thừa nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản và là trụ cột chính kiến tạo nên hệ
thống pháp luật TTHS của các nhà nước văn minh. Suy đoán vô tội cũng là một
trong những nội dung của nguyên tắc (quyền) xét xử công bằng (right to a fair trial)
theo tiêu chuẩn quốc tế. TTHS Việt Nam cũng đã ghi nhận và thể hiện nguyên tắc
này. Suy đoán vô tội có thể được tiếp cận từ phương diện là sự thể hiện của quyền
con người trong lĩnh vực TTHS mà nhà nước phải ghi nhận, bảo đảm thực hiện và
bảo vệ. Suy đoán vô tội từ phương diện là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa làm
nền tảng, chỉ đạo và xuyên suốt quá trình TTHS từ lập pháp đến thực tiễn thực hiện
trong đó chủ yếu tập trung vào đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này trong TTHS
Việt Nam. Vì vậy em chọn đề tài: “Phân tích nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố
tụng hình sự Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu.
B. Nội dung
1. Lý luận chung về nguyên tắc suy đoán vô tội
1.1; Khái niệm:
- Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội
trong tố tụng hình sự:
‘‘Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo
trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ
tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
phải kết luận người bị buộc tội không có tội.’’
1.2: Sự ra đời của nguyên tắc vô tội
Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được ứng dụng rộng rãi
trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được
nhiều Nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ
đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người.
Nguyên tắc này đã được công nhận trong tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc,
đó là: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho
đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định
bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào
chữa của người đó”.
Pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nguyên tắc trên
và coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của tố tụng hình
sự của quốc gia mình.
1.3: Nội dung:
+ Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu
lực của TA. Ở đây, khẳng định chỉ có tòa án mới có quyền tuyên một người nào đó
phạm tội và áp dụng trách nhiệm hình sự đổi với họ. Khi chưa có có bản án kết tội
của tòa án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án thì người bị giữ, bị can, bị cáo vẫn
chưa bị coi là có tội và không được đối xử với họ như người đã có tội.
+ Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ buộc tội, kết tội thì phải kết luận
người đó không có tội
+ Mọi nghi ngờ đều phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác
thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo
đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được
sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải
thích theo hướng có lợi cho họ.
1.4: Ys nghĩa
- Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong
quá trình giải quyết vụ án nói chung và quá trình chứng minh nói riêng; giúp hoạt
động chứng minh được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục
nhất định và loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội. Các
quy định liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong các giai
đoạn TTHS, tạo thành hệ thống các quy phạm ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ
quyền con người của người bị buộc tội, bởi lẽ: việc ghi nhận quyền chứng minh của
người bị buộc tội sẽ  đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động TTHS giữa một bên là
nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền
lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Đảm bảo người bị buộc
tội không bị phân biệt đối xử khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của
Tòaán và là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực TTHS.
- Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và
thực hiện pháp luật TTHS; tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các
quan hệ giữa các chủ thể tố tụng, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho việc phát huy,
bảo đảm các quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan. Không chỉ là quyền của
người bị buộc tội và nghĩa vụ của bên buộc tội, suy đoán vô tội còn phù hợp với
quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: một người luôn vô tội khi nhà nước
không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có
tội. Như là một điều luật bảo vệ bên yếu thế, chống lại sự xâm hại quyền con người
từ phía công quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của
pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu
cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: cơ
quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội
song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Đề cao trách nhiệm của các
cơ quan THTT, người THTT trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền
lợi của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội là “lá chắn thép” bảo vệ quyền của
người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phòng chống oan sai – yếu tố căn bản, thể hiện rõ
nhất việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người.
-Suy đoán vô tội có nội dung quan trọng và trọng tâm là bảo vệ chính sách nhân
đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự,
phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu
căn cứ. Do vậy, trong quá trình tiến hành tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng
cũng như người tiến hành tố tụng phải nghiêm túc tuân thủ, tôn trọng và chấp hành
theo nguyên tắc này để tránh việc oan sai đối với những công dân vô tội[11].
Nguyên tắc mở ra một định hướng tích cực hơn và được coi là nguyên tắc “vàng”
trong hoạt  động điều tra, truy tố, xét xử hiện nay.
Là nguyên tắc, tư tưởng pháp lý tiến bộ và văn minh – thành tựu lớn của khoa
học pháp lý trong chứng minh và bảo vệ quyền con người trong TTHS; suy đoán
vô tội là một nguyên tắc có ý nghĩa chính trị to lớn, vượt ra ngoài phạm vi và nội
dung pháp lý của nó nhằm ghi nhận địa vị của con người, tự do và dân chủ, ghi
nhận mối liên hệ giữa tự do và trách nhiệm, dân chủ và pháp luật trong xã hội. Vì
thế, việc ghi nhận cụ thể, đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội như là nguyên tắc cơ
bản là đòi hỏi cấp thiết của luật TTHS trong nhà nước pháp quyền. Suy đoán vô tội
được quốc tế thừa nhận như giá trị chung của văn minh nhân loại phải được nghiên
cứu và ghi nhận vềmặt lập pháp, đã và đang được nhiều quốc gia xác định là
nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS.
2. Thực trạng và biện pháp bảo đảm thực thi của nguyên tắc suy đoán vô tội
2.1: Thực trạng
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật hình sự của các nước không có gì xa lạ cả.
Và ngay ở BLTTHS Việt Nam cũng có qui định về điều này. Tuy nhiên những qui
định này mới chỉ thấp thoáng, chưa rõ lắm vì thế việc thể hiện điều đó trong các qui
định cụ thể cũng chưa được đảm bảo. Lâu nay nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn được
mệnh danh là nguyên tắc vàng trong TTHS. Vì, nguyên tắc này khẳng định chỉ có
tòa án mới có quyền tuyên một người nào đó phạm tội và áp dụng hình phạt đối với
anh ta. Và, khi chưa có bản án kết tội của tòa án thì một người chưa bị coi là có tội
và không được đối xử với người ta như một người có tội.  Thêm vào đó, một nội
dung quan trọng và rất hay là mọi nghi ngờ về chứng cứ và pháp luật phải được
giải thích có lợi cho người bị tình nghi.
Ví dụ: Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, cơ quan điều tra đã áp dụng nội dung này
của suy đoán vô tội. Khi không chứng minh được nạn nhân chết trước hay chết sau
khi bị ném xuống sông (nghi ngờ) thì
phải giải thích có lợi cho bị can tức là nạn nhân chết sau khi bị ném. Chính vì thế,
nên Nguyễn Mạnh Tường bị điều tra, truy tố về tội Vi phạm các quy định về khám
chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng chứ không phải là giết người.
Trong vụ án Đinh La Thăng, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị áp dụng ‘suy đoán
vô tội’ với ông Đinh La Thăng, bởi theo ông “Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp,
nguyên tắc suy đoán vô tội đã bị ‘quên’ ở vụ án này. Tất cả những xem xét đều
mang tính buộc tội”. Ông Thiệp nói pháp luật quy định nghĩa vụ chứng minh bao
gồm cả chứng minh bị can không phạm tội. Song ông “không tìm thấy bất kỳ chi
tiết nào” cho thấy cơ quan công tố đã thẩm tra chứng minh bị can không phạm tội.
Theo ông Thiệp, thân chủ bị cho là vi phạm trong việc quyết định đầu tư tiền vào
Oceanbank khi chưa họp HĐQT trước khi ký thỏa thuận và chưa xin ý kiến Thủ
tướng trước khi ký nghị quyết góp vốn. Nhưng ông Thiệp cho rằng chưa có văn bản
nào quy định quy trình đúng là phải ký nghị quyết sau khi xin ý kiến Thủ tướng.
Như vậy, nguyên tắc này được xem xét dưới hai góc độ chứng minh và đối xử.
Về chứng minh nó là phương pháp chứng minh phản chứng. Thay vì cho rằng nghi
can có tội, người ta đặt giả thiết ngược lại, họ không có tội. Trong quá trình chứng
minh khẳng định nghi can không có tội không có cơ sở tồn tại thì khẳng định đầu
tiên là người này có tội mới được chứng minh.
Những thành tựu: Có thể nói việc Nghị quyết  08/NQ/TW và Nghị quyết 49-
NQ/TW của Bộ chính trị định ra mục tiêu cơ bản của cải cách tue pháp là bảo đảm
xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã chứng tỏ Nhà nước Việt Nam luôn
bảo vệ những người vô tội, kể cả những người chưa có quyết định của cơ quan tư
pháp nhưng đang bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi đang ở tình trạng đang
bị buộc tội. Theo BLTTHS, các quy định liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội
được thể hiện trong các giai đoạn TTHS, tạo thành hệ thống các quy phạm làm cơ
sở cho việc bảo vệ quyền con người nói chung, nguyen tắc suy đoán vô tội nói
riêng. Thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS của nước ta liên quan đến nguyên tắc suy
đoán vô tội cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người THTT đã có nhiều cố
gắng tuân thủ những quy định của nguyên tắc này, bảo đảm quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vưới tính chất là người chưa có tội. Hằng
năm, trong số các vụ án đã giải quyết ở tòa án các cấp đã có những vụ án giải quyết
ở tòa án các cấp đa có những bị cáo được tuyên vô tội( năm 2009 có 41 bị cáo, năm
2010 có 17 bị cáo, năm 2013 có 15 bị cáo . Như vậy, việc thực tiễn liên quan còn
nguyên tắc suy đoán đã được thể hiện qua những kết quả tiến bộ vượt bậc như việc
ban hành những chính sách lớn có tính định hướng đường lối như Hiến pháp 2013,
đã hoàn thiện hơn nội dung nguyên tắc này tại điều 31.
Những hạn chế: Thực tế cho thấy, những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô
tội chưa được tuân thủ ttriệt để và nhất quán trong hoạt động lập pháp của nước ta
cũng như hiện nay. Việc giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam trong nhiều năm qua
vẫn còn tồn tại tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho người dân, cụ thể là quyền và
lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Một số vụ án gây chấn động như: Vụ Trần Văn Chiến ở Tiền Giang, ở tù oan 16
năm 3 tháng về tội giết người; vụ Phạm Thị Út ởTP. Hồ Chí Minh ở tù oan 12 năm
về tội giết người, vụ Ông Nguyênc Thanh Chấn ở Bắc Giang tù oan hơn 10 năm về
tội giết nugời; hay vụ  Nguyễn Hoàng Hà ở Đà Nẵng bị tạm giam oan 15 tháng 10
ngày về “ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ án “ Vườn điều” ở Bình Thuận
kéo dài 12 năm vẫn không tìm được hung thủ giết người.
Như vậy, mặc dù số lượng vụ án xét xử oan sai không phải là lớn so với những  vụ
án đã xét xử hằng năm nhưng hậu quả do các vụ án oan sai để lại thì không thể xác
định và khắc phục được, bởi nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm, uy tín và các quyền tự do khác của con người.
2.2: Nguyên nhân:

+ Có thể BLTTHS  Việt Nam hình như vẫn có e dè nào đó. Hình như suy đoán vô
tội có gì hơi nhạy cảm một chút. Chính sự e dè này nên nguyên tắc này vẫn chưa
được thể hiện cụ thể trong các qui định. Lúc thì thấp thoáng, lúc thì mất hút. Và có
một vấn đề là có người cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ làm ảnh hưởng đến
qua trình điều tra vụ án hình sự. Nói nôm na là nhiều khi nó làm bó tay các cơ quan
tiến hành tố tụng hình sự.

+ Nhiều quy định đang bị coi là rào cản khiến nguyên tắc suy đoán vô tội chưa
được vận dụng tốt. Hiến pháp Việt nam 2013 đã quy định đảm bảo tranh tụng trong
tố tụng hình sự. Muốn tranh tụng thì tiền đề là đảm bảo quyền bào chữa. Về cơ bản,
Luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định nguyên tắc đảm bảo quyền chữa. Tuy
nhiên:

+ Các qui định của BLTTHS về quyền bào chữa vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ: Liên
quan đến người bào chữa đó là thủ tục để người bào chữa tiếp cận nghi can hiện
nay. Luật tố tụng hình sự qui định rồi nhưng vẫn còn vướng mắc. Khi mà người ta
có quyền bào chữa mà không có luật sư ở đó, về mặt tâm lý người ta đã không yên
tâm. Luật sư là những người nắm được luật, có thể tư vấn cho nghi can.

+ BLTTHS hiện nay chưa quy định đầy đủ quyền của người bào chữa khi tham gia
bào chữa. Ví dụ: Hiện nay BLTTHS chỉ quy định về chứng cứ thì chỉ cho người
bào chữa được thu thập tài liệu đồ vật, liên quan đến việc bào chữa của mình.
Những tài liệu đồ vật đấy có được sử dụng làm chứng cứ hay không thì lại phải nộp
cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Nếu các cơ quan đó bảo đó là chứng cứ
thì mới được chấp nhận là chứng cứ.

+ Sau khi có sự kiện phạm tội xảy ra, do thỏa mãn với lời nhận tộ của bị can, đồng
thời không xem xét toàn diện hệ thống chứng cứ. Hình sự hóa các quan hệ dân sự,
kinh tế, sau khi khởi tố, điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội. Áp
dụng các văn bản pháp luật và giải thích pháp luật không chính xác nên dẫn đến
việc khởi tố bị sai

+ Việc nghiên cứu vụ án và xác định tội danh để truy tố của VKS trong một số
trường hợp không căn cứ vào những chứng cứ khách quan, kết quả điều tra của cơ 
quan điều tra, hoặc căn cứ vào những bằng chứng không xác thực, những bút lục
không hợp pháp, thiếu khách quan của cơ quan điều tra dẫn đến việc truy tố sai, xác
định tội danh nặng hơn cho bị can so với tình tiết khách quan của vụ án

+ Trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, còn nhiều bất cập liên quan đến quyền của
bị cáo và vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội như: Sai lầm trong việc xác định
khung hình phạt, tình tiết tăng nặng; sai lầm trong việc căn cứ vào các giả định,
phán đoán về tình tiết vụ án hoặc các chứng cứ không xác thực, vẫn còn tình trạng
“ án bỏ túi” hay “ án tại hồ sơ” mà không xem xét đến  chứng cứ được đưa ra tại
phiên tòa; vi phạm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2.3: Biện pháp bảo đảm thực thi:


Trong TTHS chưa lúc nào quyền lực nhà nước mạnh như thế, bằng một hệ thống
cơ quan cưỡng chế tác động người phạm tối để phát hiện xử lý tội phạm.
Khi quyền lực nhà nước mạnh như thế dẫn đến hệ quả là phía bên kia của cuộc chơi
tức là người bị tình nghi người ta rất yếu đuối. Một bên mạnh, một bên yếu dễ dẫn
đến quyền của bên yếu sẽ bị xâm phạm. Chính vì vậy để “quân bình” lực lượng thì
phải tăng quyền cho bên người bị buộc tội, có phương pháp, có cơ hội bảo vệ
quyền của mình, đó là quyền tối thiểu của con người.

Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát
hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương
thiện: Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Ngay từ thời La mã đã có một nguyên lý rất hay là trách nhiệm chứng minh thuộc
về bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Ông nào đi kiện, mời ông chứng
minh trước. Như vậy, trong tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng là người
khẳng định ông này có tội hay không thì ông phải đi chứng minh được rằng người
là thực sự là có tội. Chính vì vâỵ,  cảnh sát Mỹ họ luôn áp dụng câu nói: “anh có
quyền im lặng đến khi có luật sư” có nghĩa là họ cảnh báo rủi ro, nếu anh khai
trong lúc anh bối rối nhiều khi sẽ đem lại sự bất lợi cho anh. Họ rất sòng phẳng
trong tố tụng hình sự.

Trước hết, những người có trách nhiệm bảo đảm thực thi luật pháp:

Trong phần lớn trường hợp, những người bị cơ quan chức năng đặt vào diện tình
nghi cao rốt cuộc là người phạm tội đích thực. Nhưng không thể từ đó đánh đồng
tất cả người bị tình nghi với tội phạm. Sự quy kết sớm và nghiệt ngã dễ tạo định
kiến đối với người trong cuộc, đồng thời tạo điều kiện bộc phát tâm lý chủ quan,
dẫn đến thái độ làm việc tùy tiện, tắc trách của người có thẩm quyền.

Vì vậy, phải nhận thức được tầm quan trọng của công việc, đặc biệt là tác động trực
tiếp của nó đối với cuộc sống, sự nghiệp, danh dự, nhân phẩm và cả tính mạng của
con người. Từ nhận thức đó, người ta dễ dàng nhận ra yêu cầu số một đối với công
việc của những người này, đó là phải tôn trọng sự thật khách quan. Phải bắt cho
đúng người, quy cho đúng tội. Trong thực tiễn, ngoại trừ trường hợp phạm pháp
quả tang, các vụ vi phạm pháp luật chỉ bị phanh phui sau khi đã xảy ra. Nói khác
đi, có nhiều vụ phạm pháp mà sự thật về nó không bộc lộ một cách hiển nhiên, cần
được dựng lại. Chính những người giữ các vị trí tương ứng với các giai đoạn trong
quá trình tố tụng, chứ không phải ai khác, chịu trách nhiệm trong việc khôi phục
toàn bộ bức tranh diễn biến thật của câu chuyện. Có được bức tranh hoàn hảo,
không chỉ người có thẩm quyền mà toàn xã hội sẽ có điều kiện thẩm định, đánh giá
bản chất của sự việc một cách đúng đắn, trên cơ sở đó có kết luận chính xác về việc
một người có tội hay không có tội. Giảm thiểu oan trong tố tụng Song có những
câu chuyện không thể được dựng lại do dấu vết, manh mối cơ bản không còn đầy
đủ. Nghĩa là có những vụ vi phạm pháp luật bị bỏ lọt, tạm thời hoặc vĩnh viễn, bất
chấp các nỗ lực của con người. Xã hội phải chấp nhận thực tế đó: Suy cho cùng cả
việc phát hiện, cũng như việc bỏ sót các vụ vi phạm pháp luật, đều là những điều
bình thường. Lý do là hệ thống quản lý, tư pháp, cũng như những người trong hệ
thống đó, không phải là thần thánh, không hoàn hảo tuyệt đối về nghiệp vụ, phẩm
chất đạo đức.

Đối với người giữ trọng trách trong hệ thống, việc cần làm mỗi khi xảy ra trục trặc
là phải rà soát lại quy trình, xem chỗ nào, người nào là nguyên nhân. Sau đó họ
phải có biện pháp chấn chỉnh, tránh để tái diễn những chuyện tương tự. Điều quan
trọng là khi cơ quan tố tụng không thu thập được chứng cứ buộc tội thì nghi can
phải được chính thức suy đoán là vô tội. Đối với xã hội, đó phải được coi là sự vô
tội hoàn hảo, chắc chắn, không nghi ngờ, không tì vết. Nó cho phép người thụ
hưởng tiếp tục sống, làm việc, giao tiếp trong những điều kiện bình thường. Có thể
với nguyên tắc suy đoán vô tội, nhà chức trách, xã hội buộc phải chứng kiến kẻ bị
cho là thủ ác nhởn nhơ trước mắt mình mà không làm được gì. Tuy nhiên, nếu sự
thất bại trong việc buộc tội một người có thể khiến một gia đình phải chịu mất mát
không thể bù đắp thì việc kết tội oan cho một người có thể làm tan nát cả hai gia
đình, chưa kể những hệ lụy xã hội tiêu cực kéo theo

Coi trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự:

Cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng
minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Suy đoán vô tội
hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi
trong nền khoa học pháp lý hiện đại trong việc bảo vệ quyền con người và được
quy định trong Hiến pháp.

Cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện song song hai công tác này mới có thể
không để lặp lại lỗi thường được cơ quan điều tra mắc phải là không chú ý đến các
tình tiết gỡ tội, chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc bị can phải chịu tội, chịu
trách nhiệm cho một vụ việc, nên có thể dẫn đến oan sai mà vụ án oan của ông
Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là ví dụ điển hình.

Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành
tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. “Nguyên tắc suy đoán vô tội là phải nghĩ
đến việc tìm chứng cứ gỡ tội cho người ta. Pháp luật các nước quy định cơ quan
điều tra ngoài việc đưa ra chứng cứ buộc tội thì cũng phải đưa ra chứng cứ ngoại
phạm cho bị cáo”,

Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, minh bạch trong quá trình hỏi cung, các ý
kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt
động hỏi cung là cần thiết, để vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo
vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.
Trong điều kiện hiện nay, việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động
hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi.

Suy cho cùng,nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người bị tình
nghi, bị can, bị cáo. Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm hai nhiệm vụ: Bảo vệ xã
hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội
chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Suy đoán vô tội còn
đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là Nhà nước với
bộ máy điều tra, truy tố, xét xử được hậu thuẫn bằng quyền lực Nhà nước với một
bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Như vậy, không chỉ là quyền
của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, mà còn thể hiện giá trị của văn
minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội còn phù hợp với
quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: Một người luôn vô tội khi Nhà nước
không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có
tội.

C. Kết luận
Suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân
đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là
khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán
theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao
hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.
Vì vậy, việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự
Việt Nam cần được coi là một trong những nguyên tắc trụ cột và là một nhu cầu
cấp thiết nhằm thực hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà
nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tài liệu tham khảo
Bộ luật tố tụng hình sự 2015
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/thuc-hien-nguyen-tac-suy-
doan-vo-toi-trong-to-tung-hinh-su-viet-nam
https://hinhsu.luatviet.co/nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-trong-to-tung-hinh-su/
n20161028120824024.html
https://www.luatquanghuy.edu.vn/blog/bai-tap-luat/luat-to-tung-hinh-su/
nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-2015/
https://kiemsat.vn/nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-trong-bltths-nam-2015-
47100.html
https://hocluat.vn/nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-
2015/

You might also like