You are on page 1of 6

ĐẶC ĐIỂM NHÂN CÁCH NGƯỜI CAO TUỔI

Nhóm M.V.P

1. Những biến đổi về môi trường – xã hội


Có những biến đổi về môi trường và xã hội đặc trưng cho người già.
_ Sự nghỉ hưu: Việc về hưu thường bao giờ cũng là đột ngột, khó thích nghi vì có
nhiều thay đổi đồng thời: thời gian biểu, môi trường giao tiếp, trách nhiệm, quyền lực,
thu nhập, ...
_ Điều kiện kinh tế: Khi nghỉ hưu, thu nhập của người già giảm đột ngột đúng vào
lúc họ cần tiền để bồi dưỡng sức khỏe và bảo đảm một cuộc sống không lệ thuộc. Khi
đối mặt với những thiếu thốn về vật chất và phải sống dựa vào con cháu, ở người già
dễ nảy sinh nhiều mặc cảm, dễ tủi thân, tự ti. Đó là những yếu tố kích thích tiêu cực có
hại cho sức khỏe khi tuổi đã cao, khả năng hồi phục đã suy giảm.
_ Sự cô đơn: Trạng thái sống cách biệt của người già không phải do bản thân
người già mong muốn và gây ra, mà thường do những yếu tố bên ngoài như sự không
quan tâm, thái độ không muốn hoặc không tìm cách giao tiếp với người già của những
người xung quanh, ...
_ Lối sống: thể hiện qua việc sống với gia đình hoặc không có gia đình. Ở xã hội,
con cái khi lập gia đình thường tách khỏi bố mẹ. Ông bà thường không sống cùng nhà
với con cháu. Do vậy, người già trong những xã hội này có nguy cơ phải sống cảnh hai
vợ chồng già hoặc độc thân, không có người chăm sóc, không có giao tiếp xã hội khi
đã về hưu, không còn quan hệ nghề nghiệp và xã hội nữa.

2. Các đặc điểm nhân cách người cao tuổi


Quan điểm truyền thống của các nhà tâm lý học phát triển cho rằng nhân cách
được hình thành trong tuổi thanh thiếu niên và sau đó trở nên ổn định trong tuổi trưởng
thành. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu xuyên lứa tuổi và xuyên thời gian gần đây cho
thấy nhân cách có những nét ổn định và đồng thời cũng có những nét thay đổi trong
tuổi trưởng thành.
Ở người già có xu hướng đậm nét hóa những đặc điểm tính tình trước vẫn có. Ví
dụ: tính cẩn thận đôi khi biến chứng thành tính hay xét nét quá mức hoặc đa nghi; tiết
kiệm đôi khi thành keo kiệt; chan hòa, hoạt bát đôi khi thành ba hoa, nói năng không
cân nhắc.
Đáp ứng cảm xúc và tình cảm cũng khác lúc trẻ; khả năng tự kiểm soát giảm, đôi
khi chỉ một kích thích khó chịu nhỏ cũng gây phản ứng quá mức; ứng xử kém linh
hoạt trước những tình huống thay đổi.

2.1. Hội chứng về hưu


Khái niệm: Khi chuyển từ trạng thái làm việc tích cực, khẩn trương hằng ngày
sang trạng thái nghỉ ngơi, tâm lí con người có những biến động đáng kể. Nhiều người
cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống mới. Người ta cho rằng đây là những năm
tháng dễ gây ra các “hội chứng về hưu” ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân của hội chứng về hưu có nhiều, trong đó những nguyên nhân có tính
tâm lí - xã hội là đáng quan tâm hơn cả: xa rời công việc, nếp sống bị đảo lộn, quan hệ
xã hội bị thu hẹp, thu nhập bị hạn chế…
Biểu hiện: Buồn chán, trống trải, thiếu tập trung, dễ cáu gắt, dễ nổi giận. Một số
người cảm thấy không được tôn trọng như trước, thiếu tự tin, nghi ngờ người khác
v.v…
Cá biệt có người sa sút rõ rệt và sinh ra bệnh tật. Hội chứng này thường xảy ra
trong năm thứ nhất của thời kỳ nghỉ hưu và mức độ biểu hiện rất khác nhau, tuỳ thuộc
vào những yếu tố và những điều kiện cụ thể khác nhau của từng người. Nó có thể kéo
dài một năm, thậm chí hai, ba năm. Người ta quan sát thấy: những người có tính cách
nóng nảy, cố chấp, thời gian thích nghi thường kéo dài; những người từ tốn, bình tĩnh
dễ thích ứng hơn. Đa số sau một năm có thể hồi phục trạng thái bình thường. Nữ giới
thường thích ứng nhanh hơn nam giới.
Hậu quả: Tác động của hưu trí có nhiều khía cạnh.
_ Trước hết, về hưu có nghĩa là nghỉ các hoạt động nghề nghiệp, làm cho người
già không còn điều kiện sử dụng những khả năng còn lại, dẫn tới những khả năng làm
việc này sẽ giảm đi và mất dần. Đồng thời, người hưu trí cũng phải từ bỏ những thói
quen nghề nghiệp đã gắn bó suốt cuộc đời.
_ Về hưu cũng có nghĩa là thôi giữ một vị thế xã hội, một vai xã hội và do đó đánh
mất quyền hạn kèm theo vị thế cũng như hoạt động của vai đó. Người về hưu luyến
tiếc đời hoạt động đã qua, dễ sinh ra mặc cảm, trăn trở suy nghĩ về sự thay đổi trong
đối xử và biểu hiện tình cảm của người quen biết, đồng nghiệp và xã hội.
_ Trong một vài trường hợp, về hưu còn kéo theo sự thay đổi chỗ ở; điều này có
nghĩa là từ bỏ nếp sống cũ, thói quen cũ và thậm chí rời bỏ các kỷ niệm gắn với nơi ở
cũ.
Tóm lại, về hưu đối với người già có nghĩa là tạo ra một khoảng trống lớn không
thể bù đắp hoàn toàn trong đời sống vật chất và tinh thần.
Khắc phục: Chuẩn bị trước về mặt tâm lí:
+ Nhận thức được việc nghỉ hưu là quy luật tất yếu.
+ Sống và làm việc tốt suốt trong thời kì đương chức. Nghĩa là trong thời gian dài
làm việc, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, con người cũng sống có đạo đức, có
lương tâm, làm.việc với tinh thần trách nhiệm đầy đủ, thì lúc về hưu sẽ cảm thấy thanh
thản, không có gì hối tiếc.
+ Chuẩn bị cơ sở vật chất trong điều kiện cho phép. Ví dụ: chuẩn bị nhà ở, sổ tiết
kiệm để sinh sống, chi tiêu lúc cần thiết trong giai đoạn nghỉ hưu (ở Nhật Bản và
Singapore nhiều thanh niên đã chú ý gửi tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu).
+ Nuôi dạy con cái tốt và góp phần chuẩn bị nghề nghiệp và việc làm cho con cái.
+ Gia nhập các tổ chức xã hội phù họp để tiếp tục hoạt động trong điều kiện mới
như các hội đồng hương, hội khoa học kỹ thuật, hội cựu chiến binh, hội làm vườn,
chăn nuôi v.v.... Kinh nghiệm của những người trường thọ đã chỉ rõ: người về hưu vẫn
cần tiếp tục làm việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình; sau khi
nghỉ không nên cắt đứt mọi quan hệ với công việc mà cần duy từ hoạt động theo một
nhịp độ, nề nếp sinh hoạt hợp lý như đọc sách, báo, xem tivi, viết kinh nghiệm, viết
hồi ký, tham gia những công việc ở thôn xóm, phường xã, giúp đỡ con cháu những
việc nhẹ nhàng v.v... Những việc làm này giúp người cao tuổi chuyển sang một vai trò
mới, thích ứng dần với vai trò tuổi già và tiếp tục khẳng định niềm tin vào bản thân,
sống vui vẻ vì họ thấy mình vẫn có ích, vẫn đóng góp được cho xã hội và thế hệ mai
sau theo sức lực của mình.
+ Duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lí. Như ăn, ngủ, làm việc, tập thể dục, thư giãn
hợp lý, giữ được các mối giao lưu rộng rãi với bạn bè, đồng nghiệp và những người
thân yêu trong gia đình để đảm bảo cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
2.2. Hướng về cội nguồn tổ tiên:
a. Biểu hiện:
Khi bước vào giai đoạn cao tuổi, con người thường gắn bó hơn với đời sống tâm
linh, với dòng họ, gia đình và con cháu. chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh nhiều cụ
ông, cụ bà thường đi thăm viếng lễ bái ở các đền, chùa, di tích nổi tiếng của đất nước,
họ cũng tích cực tham gia các lễ hội của làng, xã. Những hoạt động này vừa mang tính
thư giãn, giải trí, vừa thỏa mãn tâm lý muốn được trở về cội nguồn ở người cao tuổi.
Các cụ ông thường quan tâm đến lịch sử, gia phả của dòng họ, của gia đình, dành
nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu, hoàn thiện những vấn đề mà trước đây có lẽ là
vì bận công việc họ chưa làm được. Điều này đem lại niềm vui, niềm tự hào cho chính
họ, vừa có ý nghĩa răn dạy con cháu rất tốt.
b. Nguyên nhân:
Với sự suy nhược về thể chất và sức khỏe, người lớn tuổi dần dần ý thức được
hiện trạng “mong manh” của “kiếp người” và đồng thời càng lớn tuổi sự lão hóa càng
diễn ra nhanh chóng và rõ rệt hơn. Người lớn tuổi hiểu rằng chuyện tuổi tác nằm ngoài
sự kiểm soát của họ. Vì vậy mà nhu cầu cần có một điểm tựa siêu nhiên nào đó được
nhen nhóm và ngày một phát triển mạnh ở những người lớn tuổi.
2.3 Mối quan tâm đặc biệt đối với con cháu - những người sẽ tiếp nối họ trong
tương lai
a. Biểu hiện:
Quan tâm đến việc nuôi dạy con cháu, mong con cháu trưởng thành, có ích cho xã
hội.
Điều hạnh phúc nhất đối với người già là thấy con cháu mình trưởng thành, tiến
bộ, hữu ích cho xã hội. Họ coi đây vừa là tài sản quý báu nhất mà họ để lại cho gia
đình, xã hội, vừa là phần thưởng tạo hóa dành cho họ. Chính vì vậy, nhiều bậc ông bà
đã góp phần đắc lực vào việc nuôi dạy con cháu mình trưởng thành và coi đó là niềm
vui, niềm hạnh phúc lớn.
b. Nguyên nhân:
- Một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của người
già đó chính là sự cô đơn, họ luôn kiếm tìm sự ấm áp, hạnh phúc bên con cháu của
mình.
(Này là ví dụ thôi nhen:Một cuộc điều tra tại Paris, thủ đô nước Pháp, cho thấy
22% người già không tiếp xúc với ai, ngoài những người trong nhà; 23% có tiếp xúc
với một số người xung quanh nhưng chỉ tại nhà; 8% thỉnh thoảng có ra khỏi nhà để
tiếp xúc với người khác; 47% có quan hệ với xã hội, ít nhất một tuần tại nhà hoặc ra
khỏi nhà. Ở Anh, 16% người già sống cô đơn, cách biệt với xã hội. Ở Mỹ, tình trạng
cũng tương tự.
Ngay ở Việt Nam, tình trạng này cũng rất phổ biến trong những gia đình thành
phố, nơi mà con cái ban ngày đi làm, tối về tranh thủ làm thêm, các cháu đi học và đi
học thêm. Mặc dù sống trong gia đình ba thế hệ nhưng người già vẫn cô đơn và bị
cách biệt vì các thành viên trẻ trong gia đình hầu như không có thời gian để giao tiếp,
quan tâm săn sóc họ).
- Quan tâm đến sự duy trì nòi giống, con cái chính là người nối tiếp họ trong
tương lai khi họ già và chết đi.
2.4. Hình thành sự toàn vẹn cái tôi
a. Khái niệm:
Sự hình thành toàn vẹn cái tôi của người già nghĩa là sự nhìn nhận lại quá khứ và
cảm thấy thỏa mãn vì mình đã làm mọi thứ có thể, cho phép con người thấy được ý
nghĩa trong cuộc sống của mình.

b. Các thuyết liên quan:

➢ Theo lý thuyết của E. Erikson: giai đoạn tuổi già là gđ của sự xung đột tâm lý
giữa tính toàn vẹn và tính tuyệt vọng. Theo Erikson, người cao tuổi thường hay nghĩ
về cuộc sống và những kỳ vọng của họ thời tuổi trẻ đã qua, đây là lúc họ hồi tưởng, tự
đánh giá về quãng đời đã qua của mình để đạt đến sự toàn vẹn cá nhân (cái tôi).
Trong giai đoạn này, con người thường hồi tưởng, tự xem xét, đánh giá về quãng
đời đã qua của mình. E.Erikson cho rằng: nhiệm vụ ưu thế của giai đoạn chót này là
hình thành sự toàn vẹn của cái tôi. Nó:
- Cho phép con người thấy được ý nghĩa trong cuộc sống của mình, họ có xu
hướng thích viết hồi kí…
Ví dụ: các nhà chính trị gia, các nhà quân sự, ngoại giao, xã hội,... thường thích
viết hồi ký, hệ thống lại quãng đời đã đi của mình, nhằm để lại cho con cháu và hậu
thế những trải nghiệm của cuộc đời mình.
- Khi những người già làm cái việc "tự kiểm điểm, tự đánh giá" này thường xảy
ra hai trạng thái tâm lý khác nhau.
+ Nếu những người già tự thấy rằng họ đã sống và làm được những điều tốt đẹp
trong hoàn cảnh của mình, họ sẽ tự tin, yên tâm vui sống với con cháu. Những người
này chấp nhận cái chết như là sự kết thúc của cả quãng đời đầy ý nghĩa.
+ Trái lại, cũng có người sẽ cảm thấy hối tiếc vì những cơ hội mà mình đã bỏ qua,
chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội cũng như sự lựa chọn sai lầm của
mình. Những người này thường dễ bi quan, tuyệt vọng, và dễ mắc nhiều bệnh tật của
tuổi già. Họ khó khăn trong việc chấp nhận cái chết và vẫn mong muốn: giá có cơ hội
làm lại. Phải chăng vì như vậy mà người ta hay nói: "sống sao, chết vậy" hoặc "sống
tốt để có được một cái chết thanh thản (câu này cũng dui, thích thì cho lên ppt hen)
học thuyết thứ 2 mà nhóm mình tìm hiểu được là học thuyết của Robert Peck

➢ Theo Robert Peck, để đạt được sự toàn vẹn cái tôi, người già cần phải vượt qua
được 3 tiểu cơn khủng hoảng: để cho ý thức về toàn vẹn có thể phát triển một cách
đầy đủ:
- Cơn tiểu khủng hoảng 1: bao gồm sự tái xác định cái tôi ngoài vai trò nghề
nghiệp vốn là điều quy chiếu chủ yếu của nhiều người cho đến khi về hưu.
- Cơn tiểu khủng hoảng 2: gắn với sự chấp nhận thời tàn của sức khỏe và sự hóa
già của cơ thể mang đến cho họ một sự dửng dưng, thanh thản cần thiết làm cho ta có
thể có sự dửng dưng cần thiết.
- Cơn tiểu khủng hoảng 3: cuối cùng phải dẫn người già đến thôi bận tâm đến cái
tôi của mình, sự dửng dưng, thản nhiên, bình thường hóa này chính là điều kiện cơ bản
để người già có thể nhẹ nhàng trong việc chấp nhận, đối diện và không lo sợ về cái
chết.
Trong sự đổi thay của thế giới toàn cầu hóa, những biến động của cơ chế thị
trường đã khiến cho lớp người cao tuổi gặp không ít những khó khăn, đặc biệt là ở
những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa. Sức khỏe và những trạng thái tâm lý
của người cao tuổi không chỉ phụ thuộc vào chính bản thân họ mà còn phụ thuộc vào
môi trường sống của xã hội, vào thái độ cư xử của con cháu, của các thế hệ kế tiếp họ.
Sự kính trọng, biết ơn của xã hội, của các thế hệ con cháu là niềm động viên khích lệ
rất lớn đối với người lớn tuổi.
Phần trình bày của của mình đến đây cũng đã khép lại bài thuyết trình của nhóm,
bọn mình có chuẩn bị một số các câu hỏi củng cố, các bạn truy cập kahoot để tham gia
cùng nhóm mình nha.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Đồng (2004). Tâm lý học phát triển. NXB Chính trị Quốc gia.
2. Vũ Thị Nho (2008). Tâm lý học phát triển. NXB Đại học quốc gia Hà Nội
3. Trần Thị Thu Mai (2013). Giáo trình Tâm lý học người trưởng thành. NXB Đại
học Sư phạm Tp.HCM.
4. Erikson, E. H., & Erikson, J. M. (1998). The life cycle completed (extended
version). WW Norton & Company.

You might also like