You are on page 1of 117

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài nghiên cứu 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 1
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi và nội dung nghiên cứu 6
4. Nguồn tư liệu 6
5. Phương pháp nghiên cứu 7
6. Đóng góp của luận văn 7
7. Cấu trúc của luận văn 7
Chương 1 VỀ NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ CHIẾN TRANH 8
1.1. Nước Pháp và mục tiêu tái chiếm Đông Dương 8
1.1.1. Đông Dương dưới ách thống trị Nhật - Pháp 8
1.1.2. Quan điểm thực dân của tướng De Gaulle về vấn đề Đông Dương 10
1.1.3. Tướng De Gaulle ráo riết chuẩn bị tái chiếm Đông Dương 12
1.2. Thực dân Pháp bước đầu tái xâm lược Đông Dương (9.1945 – 19
12.1946)
1.2.1. Thực dân Pháp gây chiến ở Nam bộ 19
1.2.2. Âm mưu và hoạt động của Pháp ở miền Bắc. Hiệp định Sơ bộ 24
6.3.1946
1.2.3. Pháp ngăn cản và phá hoại việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 31
(6.3.1946 - 19.12.1946)
Chương 2 VỀ QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN CỦA CHIẾN TRANH 43
2.1. Hoạt động quân sự và chính trị của Pháp trong giai đoạn 1946-1950 43
2.1.1. Thực dân Pháp lao sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương 43
2.1.2. Về chiến dịch Việt Bắc năm 1947 47
2.1.3. Về giải pháp Bảo Đại 50
2.1.4. Về chiến dịch Biên Giới 54
2.2. Những cố gắng không thành công của Pháp trong những năm 1951-1953 58
2.2.1. Về những nỗ lực giành lại quyền chủ động trong thời kỳ nắm 58
quyền của tướng De Lattre (1951 - 1952)
2.2.2. Pháp nỗ lực bình định vùng chiếm đóng và đối phó với các 63
cuộc tiến công của quân đội Việt Nam (1952 - giữa 1953)
2.3. Về chiến dịch Đông - Xuân (1953 - 1954) 68
2.3.1. Sự điều chỉnh chiến lược mới của Pháp - Kế hoạch Navarre 68
2.3.2. Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược 70
2.3.3. Về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ 74
2.3.4. Về ý nghĩa, tác động của Điện Biên Phủ 76
Chương 3 VỀ QUAN HỆ QUỐC TẾ CỦA PHÁP VÀ SỰ KẾT 80
THÚC CHIẾN TRANH
3.1. Quan hệ giữa Pháp và các cường quốc về vấn đề Đông Dương 80
3.1.1. Quan hệ Pháp – Mỹ. 80
3.1.2. Quan hệ Pháp – Anh 84
3.1.3. Quan hệ Pháp - Trung Quốc 86
3.2. Hội nghị Genève về việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương 88
3.2.1. Vấn đề Đông Dương trong tính toán của các cường quốc 89
3.2.2. Nước Pháp và Hội nghị Genève về Đông Dương 90
3.2.3. Về kết quả, ý nghĩa của Hiệp định Genève 92
3.3. Về nguyên nhân thất bại của Pháp trong chiến tranh Đông Dương 94
3.3.1. Chính phủ Pháp không có đường lối thống nhất điều hành 94
cuộc chiến
3.3.2. Binh lực Pháp không đủ, nhất là không quân và sự thiếu quan 95
tâm của Chính phủ Pháp đến đội quân viễn chinh
3.3.3. Quân đội Pháp đã buộc phải chiến đấu trong những điều kiện 97
và theo chiến thuật cũng như chiến lược do phía Việt Nam đặt ra
3.3.4. Đánh giá không chính xác và coi thường đối phương 98
3.3.5. Tính chất xâm lược phi nghĩa của cuộc chiến đứng về phía Pháp 99
3.4. Về tác động của cuộc chiến tranh Đông Dương đối với nước Pháp 101
3.4.1. Tác động đến tình hình chính trị và sự phát triển kinh tế của 101
nước Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai
3.4.2. Tác động của chiến tranh Đông Dương đến quá trình tan rã hệ 103
thống thuộc địa của đế quốc Pháp
PHẦN KẾT LUẬN 107
TÀI LIỆU THAM KHẢO 110
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài nghiên cứu
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam mà người nước
ngoài thường gọi là chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954) là một
cuộc chiến kéo dài, ác liệt, chịu tác động và có ảnh hưởng không nhỏ đến quan
hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tranh Đông Dương không chỉ
là cuộc xung đột của hai bên tham chiến trực tiếp trên chiến trường mà đã trở
thành cuộc đối đầu giữa hai thế lực phản ánh một phần tương quan lực lượng
của hai hệ thống xã hội đối lập, “hai cực” trong trật tự thế giới được xác lập sau
đại chiến. Cuộc chiến đã kết thúc cách nay hơn nửa thế kỉ, nhưng vẫn để lại
những dư âm, vẫn được nhắc đến như một thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa thực dân ở nửa sau của thế kỉ XX.
Chiến thắng của nhân dân Việt Nam (và nhân dân Đông Dương) đối với
chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược (có sự giúp sức của đế quốc Mỹ) để lại
nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây
cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Về phía bên kia, những người Pháp nghĩ gì, họ đánh giá như thế nào về
cuộc chiến tranh của nước Pháp ở Đông Dương? Đã có không ít công trình
nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu và nhiều người Pháp từng tham
gia chiến đấu ở Đông Dương. Họ sưu tầm và khai thác nhiều nguồn tài liệu,
phân tích, đánh giá từ nhiều quan điểm khác nhau, cung cấp cho người đọc
nhiều thông tin và cách nhìn từ phía bên kia về cuộc chiến.
Với mong muốn tìm hiểu một cách toàn diện về cuộc chiến tranh Đông Dương
(1945-1954), tôi đã lựa chọn đề tài “Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) qua
một số công trình của người Pháp” làm đề tài luận văn cao học chuyên ngành
Lịch sử thế giới.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trên thế giới viết về cuộc
chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), nhiều cuộc hội thảo ở trong
và ngoài nước có chủ đề liên quan đến vấn đề này. Các công trình này đã đề
cập một cách khá đầy đủ các khía cạnh của cuộc chiến.

1
Về phía người Pháp, nhà sử học Ph.Devillers đã dành nhiều thời gian
nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu để xác định nguyên nhân thực sự của cuộc
chiến tranh Đông Dương. Tác phẩm “Paris - Sài Gòn - Hà Nội” dựa trên nhiều
nguồn tư liệu phong phú, nhất là những tư liệu mật lần đầu tiên được công bố ở
Pháp năm 1987, đã chỉ ra nguyên nhân thực sự của cuộc chiến không phải do
ngẫu nhiên, mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai lầm” của giới
chính trị và quân sự cao cấp của Pháp. Đồng thời, qua đây tác giả cũng đi tới
kết luận về tính chất của cuộc chiến tranh Đông Dương thực tế là một cuộc chiến
tranh xâm lược của Pháp.
Cuốn kỷ yếu Hội thảo “Géneral De Gaulle et L’Indochine 1940-1946”
(Tướng De Gaulle và Đông Dương 1940-1946) tập hợp nhiều bài viết liên quan
đến mối quan hệ Việt - Pháp trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai cho tới
đầu năm 1946. Các bài viết phần nào chỉ ra những quan điểm, đường lối của
nước Pháp trong vấn đề Đông Dương dưới thời De Gaulle. Qua đó cũng cho
thấy quá trình chuẩn bị và bước đầu quay trở lại xâm lược Đông Dương của
quân đội Pháp.
Cuốn “Sự mù quáng của tướng De Gaulle đối với cuộc chiến tranh Đông
Dương” của tác giả P. Quatrepoint góp phần làm sáng tỏ quan điểm sai lầm của
chủ nghĩa thực dân Pháp.
Trong tác phẩm “Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ” tác giả Sainteny
đã kể lại nhiều sự kiện về mối quan hệ Pháp - Việt trong thời gian từ chiến
tranh thế giới thứ hai đến khi cuộc xung đột nổ ra trên toàn Đông Dương. Là
một nhân vật cao cấp của Pháp trong tiến trình dẫn tới cuộc chiến, Sainteny
không tránh khỏi những nhận định thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc sự
thật, song dẫu sao cũng là một tài liệu tham khảo cần quan tâm.
Tướng Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (1953-
1954), đã cho xuất bản 2 tác phẩm: “Đông Dương hấp hối” và “Thời điểm của
những sự thật”. Mặc dù viết ra với mục đích chủ yếu nhằm biện hộ trách nhiệm
và những thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng đã cung cấp cho
người đọc nhiều tư liệu, cách đánh giá tình hình, những khó khăn và sự bất
đồng trong chính giới Pháp về vấn đề Đông Dương. Qua đó, Navarre đưa ra ý
kiến về nguyên nhân thất bại của Pháp. Những nội dung này cũng được đề cập

2
trong cuốn “Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ” của Jean Pouget - sĩ quan
tuỳ tùng của Tổng chỉ huy Navarre ở Đông Dương.
Cuốn “Cao-Bang la tragique épopée de la colonne Le Page” (Cao Bằng -
Sự nghiệp bi thảm của đại tá Le Page) của Marcel Le Page và cuốn hồi ký
“Con đường tử địa RC4-1950” của Charles Henri De Pirey là hai tác phẩm có
giá trị viết về những trận chiến diễn ra ở khu vực biên giới đông bắc Việt Nam.
Là những người trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu, các tác giả đã thuật lại
một cách khá chi tiết và sinh động nhiều trận đánh trên đường số 4, nhất là
những trận ác liệt ở vùng núi Cốc Xá trong chiến dịch Biên giới thu đông 1950;
nêu lên những nhận định, đánh giá của họ về đối thủ, những suy ngẫm về thất
bại của quân Pháp ở Biên giới Đông Bắc, về ý nghĩa và ảnh hưởng của sự kiện
này đối với toàn bộ cuộc chiến tranh Đông Dương.
André Teulieres trong cuốn “L’Indochine - Guerres et paix” (Đông Dương -
Chiến tranh và hoà bình) dành phần đầu thuật lại sự cai trị của Pháp ở Đông
Dương, sự xâm nhập của phát xít Nhật vào Đông Dương, việc giành chính
quyền của nhân dân Việt Nam, mối quan hệ Việt Nam - Pháp giai đoạn 1945-
1946, về cuộc chiến tranh Việt - Pháp (1946-1954) đặt trong bối cảnh hai cực
“giữa Đông và Tây”.
Tác giả Gilles Férier đã dành phần I cuốn “Les trois guerres d’Indochine”
(Ba cuộc chiến tranh Đông Dương - Chiến tranh Đông Dương (1945-1954),
Chiến tranh Việt Nam (1960-1975), Chiến tranh ở Campuchia hay chiến tranh
Đông Dương lần thứ ba (1975-1989)) viết về cuộc chiến tranh xâm lược của
Pháp (1945-1954). Trong 63 trang sách, tác giả đã trình bày một cách ngắn gọn
về lịch sử nền thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương từ năm 1858, sự thất
bại của Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai, sự quay trở lại Đông Dương của
quân đội Pháp, diễn biến của chiến tranh và sự ra đi của Pháp để nhường chỗ
cho đế quốc Mỹ nhảy vào Đông Dương năm 1956.
Một tác phẩm không thể không nhắc tới là cuốn sách của Françoise Joyaux
“Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất”.
Với nguồn tư liệu phong phú, tác giả đã thuật lại khá chi tiết, đưa ra những
đánh giá sắc sảo về những mối liên hệ chằng chéo giữa các bên tham chiến
(Pháp - Việt Nam) với những “đồng minh” của mỗi bên, nhất là với các nước

3
lớn. Người đọc có thể nhận thấy tính chất phức tạp, tính quốc tế hoá ngày càng
bộc lộ rõ trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhất là trong cuộc đấu tranh
ngoại giao ở Genève để đi tới chấm dứt cuộc chiến này.
Ngoài các công trình nêu trên, còn có thể kể tới các tác phẩm: “Đông
Dương nền thực dân nước đôi” của P.Brocheux và D.Hémery, “La guerre en
Indochine 1945-1954” (Chiến tranh Đông Dương 1945-1954) của G.Pleury,...
và nhiều cuốn sách khác.
Một số học giả người nước ngoài (không phải người Pháp) cũng có các
công trình viết về cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954). Có thể kể tới
cuốn “Cuộc chiến dài ngày của nước Mỹ và Việt Nam (1950-1975)” của C.G.
Herring, cuốn “Tại sao Việt Nam?” của L.A. Patti, “Điện Biên Phủ cuộc đối
đầu mà nước Mỹ muốn quên đi” của R.Simpson, “Điện Biên Phủ một góc địa
ngục” của B.Fall, cuốn “Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon” của
P.A.Poole. Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi khai thác các cuốn sách
này để làm rõ hơn cách nhìn nhận của thế giới đối với người Pháp trong chiến
tranh Đông Dương.
Về phía Việt Nam, trước hết phải kể đến những nghị quyết của Đảng, những
bài nói và viết, những cuốn sách của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như
Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn,... và
nhiều nhà chỉ huy quân sự. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc kháng
chiến chống Pháp (1945-1954).
Cuốn “Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954” trình
bày một cách khá đầy đủ, chi tiết về cuộc chiến, từ nguyên nhân, tính chất, diễn
biến và những bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo của Đảng đưa đến
thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Với nguồn tư liệu phong phú, cuốn
sách đã cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện về cuộc chiến tranh xâm
lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương giai đoạn 1945-1954.
Tác phẩm “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và
bài học” là một bản tổng kết sâu sắc về sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của
Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh đối với thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Tác phẩm rút ra

4
những bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời cũng thẳng thắn thừa nhận một
số thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến.
Tác giả Trần Trọng Trung có nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu về
cuộc chiến Đông Dương, trong đó phải kể đến tác phẩm “Lịch sử một cuộc
chiến tranh bẩn thỉu”. Với nhiều tài liệu phong phú, nhiều trích dẫn từ các sách
báo nước ngoài, tác giả đã phân tích, trình bày về các hoạt động của thực dân
Pháp ở Đông Dương từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ; Phác hoạ quá
trình trở lại xâm lược Đông Dương của Pháp và diễn biến các trận đánh tiêu
biểu, chỉ ra những nguyên nhân thất bại của thực dân Pháp.
Các tác giả Lưu Văn Lợi - Nguyễn Hồng Thạch trong cuốn “Pháp tái chiếm
Đông Dương và chiến tranh lạnh” tiếp cận cuộc chiến tranh Đông Dương trong
bối cảnh chiến tranh lạnh. Cuốn sách đã chỉ ra quá trình Pháp quay trở lại Đông
Dương và đế quốc Mỹ dính líu vào cuộc chiến, tính chất quốc tế của cuộc
chiến, những ảnh hưởng của chiến tranh lạnh đối với Đông Dương. Chín bản
phụ lục về các hiệp định, hiệp ước giữa Pháp và các nước Đông Dương, tuyên
bố của Tổng thống Mỹ và phái đoàn Mỹ ở Genève, Hiệp ước phòng thủ tập thể
Đông Nam Á (SEATO)... là những nguồn tư liệu tham khảo có giá trị.
Tác giả Nguyễn Đình Bin chủ biên công trình nghiên cứu “Ngoại giao Việt
Nam 1945-2000” dành hai chương đầu để phân tích cuộc đấu tranh trên mặt
trận ngoại giao của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà,
đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực nghiên cứu về mặt trận
ngoại giao trong kháng chiến chống Pháp còn phải kể tới cuốn “Ngoại giao
Việt Nam 1945-1995” của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi.
Ngoài ra, còn có rất nhiều bài nghiên cứu của nhiều tác giả viết về các khía
cạnh của cuộc chiến.
Nhiều bài viết, các tham luận trong các hội thảo về cuộc chiến tranh Đông
Dương, về chiến thắng Điện Biên Phủ được tập hợp trong hai cuốn “Điện Biên
Phủ hợp tuyển công trình khoa học” và “Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của các
nhà khoa học Việt - Pháp”.
Trong luận văn này, những tài liệu trên được sử dụng như những đối
chứng làm rõ đúng sai trong quan điểm của người Pháp như đề tài của luận văn
đã xác định.

5
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi và nội dung nghiên cứu
- Mục đích của luận văn: Thực hiện đề tài luận văn, tác giả mong muốn tìm
hiểu sâu hơn về cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954), qua đánh giá của
những người Pháp về cuộc chiến tranh này. Cách nhìn nhận của họ, tuy có nhiều
điểm không phù hợp nhưng cũng là nguồn tài liệu nên khai thác để thấy được
những khía cạnh của cuộc chiến.
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn: Là các công trình của người Pháp viết
về chiến tranh Đông Dương và cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương
chống Pháp, bảo vệ nền độc lập.
- Phạm vi nghiên cứu:
Về mặt thời gian, chủ yếu tập trung vào thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh
Đông Dương (1945-1954), song có mở rộng từ đầu những năm 1940 để thấy
được mưu đồ và quá trình chuẩn bị tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp,
đồng thời kéo dài đến đầu những năm 1960 để thấy được những tác động của
cuộc chiến đối với sự tan rã hệ thống thuộc địa của Pháp.
Về mặt không gian, là chiến trường Đông Dương, luận văn tập trung vào
chiến trường Việt Nam, nơi diễn ra những sự kiện chủ yếu trong cuộc chiến
tranh. Ngoài ra, ở đôi chỗ giới hạn không gian được mở rộng để thấy được
những mối quan hệ quốc tế phức tạp ảnh hưởng đến diễn biến và kết cục của
cuộc chiến.
- Nội dung nghiên cứu: Luận văn phân tích cách nhìn nhận, đánh giá của
các nhà nghiên cứu Pháp về các vấn đề nguồn gốc, diễn biến, kết quả và tác
động của cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) qua đó có sự phê phán
theo quan điểm của Việt Nam.
4. Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu chính là các công trình nghiên cứu của các tác giả người
Pháp (chủ yếu là các công trình đã được dịch sang tiếng Việt), bao gồm các
cuốn sách, các bài báo, các tham luận tại các hội thảo về cuộc chiến tranh Đông
Dương. Ngoài ra còn tham khảo một số công trình nghiên cứu của các tác giả
nước ngoài có đề cập đến các khía cạnh của cuộc chiến trên bình diện quốc tế.

6
Nguồn tài liệu của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng góp phần định
hướng, đối chiếu để thấy được những điểm khác biệt trong cách nhìn của hai
bên về cuộc chiến.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chủ yếu sử dụng để thực hiện luận văn là thông qua các công
trình của các tác giả người Pháp viết về chiến tranh Đông Dương (đã được
công bố, chủ yếu là các công trình đã được dịch sang tiếng Việt) để thấy được
những quan điểm nhận định, đánh giá của họ đối với các vấn đề liên quan đến
cuộc chiến tranh Đông Dương. Dựa trên quan điểm duy vật lịch sử và đường
lối cách mạng của Đảng, đồng thời sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu tư
liệu để luận văn có sự phê phán và đưa ra ý kiến của tác giả về các vấn đề được
bàn tới.
6. Đóng góp của luận văn
- Góp phần nghiên cứu cuộc chiến tranh Đông Dương thông qua việc khai
thác tài liệu và phân tích quan điểm đánh giá của những người ở phía bên kia
về cuộc chiến.
- Luận văn có thể được sử dụng làm một tài liệu tham khảo cho việc nghiên
cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chính
của luận văn được chia thành 3 chương:
Chương 1. Về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh: trình bày những quan
điểm của người Pháp về tình hình Đông Dương trong thời gian chiến tranh thế
giới thứ 2 và quá trình chuẩn bị trở lại xâm lược Đông Dương của Pháp.
Chương 2. Về quá trình diễn biến của chiến tranh: Nêu lên cách nhìn
nhận của người Pháp về những diễn biến chủ yếu của cuộc chiến.
Chương 3. Về quan hệ quốc tế của Pháp và sự kết thúc chiến tranh: Trình
bày những nhận định của người Pháp về các vấn đề liên quan đến sự quốc tế
hoá chiến tranh Đông Dương, những mối quan hệ giữa các bên tham chiến với
các nước lớn trên thế giới, về giải pháp kết thúc chiến tranh cũng như những
đánh giá về tác động của cuộc chiến đối với nước Pháp.

7
Chương 1
VỀ NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ CHIẾN TRANH

1.1. Nước Pháp và mục tiêu tái chiếm Đông Dương


1.1.1. Đông Dương dưới ách thống trị Nhật - Pháp
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức nổ súng xâm lược Ba Lan, mở đầu
cho chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi chiếm đóng Ba Lan, Bỉ, Luxembourg,
phát xít Đức tấn công Pháp. Ngày 4 tháng 6 năm 1940, Paris thất thủ. Ngày 22
tháng 6 năm 1940, Pháp đầu hàng Đức. Đức chiếm đóng miền bắc nước Pháp.
Ở miền nam, một chính quyền thân Đức được dựng lên, do Pétain cầm đầu,
đóng trụ sở tại Vichy. Chỉ có một bộ phận nhỏ do De Gaulle chỉ huy chạy ra
nước ngoài tổ chức lực lượng, mua sắm vũ khí, tiếp tục chống phát xít Đức.
Lợi dụng sự thất bại của Pháp ở châu Âu, phát xít Nhật từng bước nhảy vào
xâm lược Đông Dương. Tháng 6/1940, Nhật đòi Pháp cắt đứt đường thông
thương qua Vân Nam (và cả nước Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch) và đe doạ
sẽ dùng vũ lực can thiệp vào Đông Dương nếu Pháp không chấp thuận. Chính
phủ Pháp sợ rằng thái độ cứng rắn của Toàn quyền Catroux sẽ khiến quân Pháp
phải đương đầu với cuộc tấn công của Nhật ở Đông Dương. Ngày 26.6.1940,
chính phủ Vichy cách chức Toàn quyền Đông Dương của Catroux, thay vào đó
là đô đốc Decoux theo phái Pétain.
Sau khi tấn công Trân Châu Cảng (7.12.1941), mở đầu chiến tranh Thái
Bình Dương, chỉ trong ba tháng, phát xít Nhật đã chiếm gọn cả miền Đông
Nam Á và quét sạch các hệ thống cai trị của Mỹ (ở Philippin), Anh (tại Malai,
Singapore, Miến Điện) và Hà Lan (tại Indonesia). Chỉ duy nhất còn lại Đông
Dương vẫn dưới quyền cai trị của nước Pháp.
Toàn quyền Decoux và các cộng sự của ông ta nuôi hy vọng có thể giữ
vững được tình thế (tức nắm quyền kiểm soát hành chính trên danh nghĩa) cho
đến khi kết thúc chiến tranh bằng cách hành động khéo léo, tránh khiêu khích
Nhật. Do sự nhân nhượng của Decoux ở Đông Dương cùng đường lối thân Đức
của chính phủ Vichy, phát xít Nhật cho rằng chưa cần thiết phải ra tay đối với
quân Pháp ở Đông Dương. Vì thế, “trong cuộc đại chiến khủng khiếp ở Thái
Bình Dương kéo dài tới 44 tháng đó, Đông Pháp (tức Đông Dương thuộc Pháp)

8
vẫn là một khu vực không hoạt động. Nó như một hải cảng yên tĩnh giữa một
cơn bão táp” [34, tr.274]. Để có được sự “yên tĩnh” đó, chính quyền Pháp phải
trả bằng hàng loạt hiệp ước nhân nhượng Nhật về kinh tế và quân sự.
Ngày 22.9.1940, chính quyền Pháp ở Đông Dương phải “kí hiệp ước đầu
tiên về quân sự, cho phép các đơn vị quân Nhật có thể đi qua lãnh thổ Đông
Dương” [52, tr.47]. Cụ thể, hiệp ước này “đã đặt 3 sân bay dưới quyền sử dụng
của không quân Nhật Bản và cho phép 5000 đến 6000 lính Nhật được đồn trú
tại phía bắc sông Hồng” [65, tr.413]. Ngày 16.5.1941, chính phủ Vichy kí với
Nhật Bản “văn bản đầu tiên về kinh tế, chấp nhận cung cấp cho Nhật lương
thực thực phẩm và các sản phẩm khai mỏ với giá rẻ” [52, tr.49]. Ngày
14.7.1941 Nhật đòi được quyền đi lại một cách dễ dàng ở miền Nam. Tiếp đó,
ngày 29.7.1941, chính quyền Pháp phải kí hiệp định “phòng thủ chung” (Hiệp
định Kato-Darlan), cho phép quân Nhật được đóng trên toàn bộ lãnh thổ Đông
Dương. Như vậy, phát xít Nhật đã chiếm được Đông Dương, biến nơi đây
thành căn cứ đóng quân và tiền đồn quan trọng để tiến xuống khu vực Đông
Nam châu Á trong khi vẫn duy trì quyền cai trị của thực dân Pháp.
Đối với chính quyền Pháp, “nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất, theo ông
Decoux là giữ cho được quyền uy của nước Pháp và tôn trọng những điều đã
cam kết trong các thoả ước Pháp - Nhật”. Vì thế, “đô đốc và những cộng sự
thân cận nhất của ông, như G.Gautier và C.De Boisanger, tiến hành một trò
chơi tế nhị bằng cách thử giữ những cái mà các ông coi là quyền lợi của nước
Pháp, trong khi vẫn tôn trọng các thoả ước đã ký với chính phủ Nhật Bản, nghĩa là
nhượng bộ đến mức tối thiểu cho phép những yêu sách của Nhật” [65, tr.415].
Như thế, sự yên tĩnh ở Đông Dương trong thời gian này chỉ là lớp phủ bên
ngoài của những mâu thuẫn và đấu tranh quyết liệt. Cả hai bên, Pháp và Nhật,
đều lợi dụng nhau để đạt được mục tiêu của mình, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn
sàng các điều kiện để loại bỏ đối thủ. Nhật Bản ra sức lôi kéo các tầng lớp trí
thức nhằm tuyên truyền cho tư tưởng Đại Đông Á. Chính quyền thực dân Pháp
cũng đưa ra một số cải cách, như sử dụng nhiều hơn các công chức bản xứ,
tăng lương và giảm bớt bất bình đẳng giữa công chức người Việt và người
Pháp, tổ chức các hoạt động văn hoá, xuất bản nhiều ấn phẩm nhằm tuyên
truyền tinh thần đoàn kết Pháp - Việt,...

9
Cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt. Nhu cầu về
lương thực, thực phẩm và các hàng hoá phục vụ cho chiến tranh của Nhật ngày
càng cao. Để đáp ứng những đòi hỏi đó của quân Nhật, chính quyền thực dân
Pháp đã thi hành ở Đông Dương chính sách kinh tế chỉ huy, thu mua lương thực
của nhân dân với giá rẻ. Chúng còn bắt nhân dân ta nhổ bỏ diện tích lương thực
chuyển sang trồng thầu dầu, lạc, bông để cung cấp dầu và quân trang cho quân
đội Nhật1. Gánh nặng cuộc chiến tranh đổ lên đầu nhân dân Đông Dương, đưa
tới nạn đói khủng khiếp vào năm 1945. Chỉ với một câu ngắn gọn, P.Brocheux
và D.Hémery đã đánh giá một cách đầy đủ nguyên nhân và mức độ của sự kiện
này: “nạn đói miền Bắc cung cấp một tư liệu lý tưởng để tố giác sự thiếu trách
nhiệm của chế độ thuộc địa và cả sự thông đồng Pháp - Nhật nhằm thanh toán
bớt dân số Việt Nam”2 [65, tr.427]. Đó cũng chính là hình ảnh khái quát nhất về
đời sống của nhân dân Đông Dương dưới ách thống trị Nhật - Pháp.
1.1.2. Quan điểm thực dân của tướng De Gaulle về vấn đề Đông Dương
Đông Dương là một trong những thuộc địa quan trọng nhất của đế quốc
Pháp. Vì thế, trong mọi tình huống, nước Pháp không bao giờ có ý định từ bỏ
việc nô dịch vùng đất này.
“Phong trào nước Pháp tự do”3 của phái De Gaulle mặc dù đang bị chi phối
bởi nhiều nhiệm vụ cấp bách vẫn rất quan tâm đến số phận tương lai của xứ
Đông Dương thuộc Pháp.
Trái ngược với biện pháp thoả hiệp của chính quyền Pétain và Decoux, De
Gaulle cho rằng nước Pháp chỉ có thể giữ được vai trò và bảo vệ được lập trường
của mình trước mặt các Đồng minh nếu Pháp tham gia chiến tranh chống Nhật,
lập lại chủ quyền toàn vẹn với tất cả quyền hành của mình trên đất Đông Dương
bằng quân sự.

1
Diện tích trồng thầu dầu và lạc tăng “từ 17.500 ha năm 1939 lên tới 59000 ha năm 1942 và 68000 ha năm
1944”, còn “diện tích dành để trồng bông từ 7000 ha năm 1939 lên tới 19000 ha năm 1942 và 52000 ha năm
1944”. Số tiền mà chính quyền Pháp ở Đông Dương phải cung cấp cho quân Nhật cũng ngày càng lớn (58 triệu
đồng năm 1941, 117 triệu đồng năm 1943, 363 triệu đồng năm 1944) [65, tr.425].
2
Theo P.Brocheux và D.Hémery, trong 7 tháng đầu năm 1944, chỉ có 8600 tấn gạo được bốc lên ở Sài Gòn để chở ra
Bắc kỳ (năm 1940 là 80000 tấn). Vụ thất thu gạo mùa đông 1944-1945 đã dìm Bắc kỳ và Bắc An Nam vào một nạn đói
khủng khiếp, số người chết ước chừng 1 triệu (thực tế là khoảng 2 triệu). Tháng 9.1945 khi quân Anh kiểm kê những
kho gạo ở Chợ Lớn, họ đã đi đến những con số đánh giá như sau: 60.000 tấn trong các kho gạo của Nhật thuộc công ty
Mitsui, 66.000 tấn tại các cửa hàng của uỷ ban lúa gạo. Còn tại các kho của Nhật ở các tỉnh Nam kỳ, Cao Miên và Bắc
An Nam thì con số là 25.000 tấn; các kho gạo tư nhân Nam kỳ được ước lượng có 100.000 tấn, ở Cao Miên là 50.000
tấn. [65, tr.426-427]
3
Là tên gọi tổ chức kháng chiến lưu vong của Pháp được thành lập ở London (Anh) bởi tướng De Gaulle
6.1940. Tập hợp những đội quân theo tổ chức này được gọi là Quân đội nước Pháp tự do (Forces français libres
- FFL). Ngày 14.7.1943, tổ chức này đổi tên thành “Nước Pháp chiến đấu”.

10
Ngày 18.6.1940, từ London, De Gaulle phát đi lời kêu gọi phải bảo vệ
Đông Dương trước tham vọng xâm lược của phát xít Nhật.
Ngày 8 tháng 12 năm 1943, nhân kỉ niệm lần thứ hai ngày xảy ra cuộc
chiến tranh Thái Bình Dương, Uỷ ban giải phóng dân tộc Pháp (C.F.L.N) công
bố một bản thông cáo về Đông Dương. Bản thông cáo với nhiều lời lẽ hoa mỹ
đã đưa ra dự định về việc ban hành một quy chế chính trị mới với những quyền
tự do rộng rãi hơn cho Đông Dương. Theo đó, De Gaulle hứa sẽ nới lỏng thể
chế thuộc địa ở Đông Dương, nhưng đồng thời cũng khẳng định tái lập những
quyền lợi của nước Pháp tại thuộc địa này.
Ngay sau đó, C.F.L.N (đóng trụ sở tại Alger) gửi qua con đường Trung
Quốc những chỉ thị cho mạng lưới quân sự kháng chiến Pháp tại Hà Nội. Trong
bức thư ngày 29.2.1944 gửi cho tướng Mordant, khi đó là chỉ huy tối cao quân
đội Đông Dương, De Gaulle xác định rằng “chỉ có sự tham gia một cách thiết
thực của chúng ta và bởi quân đội cho nền tự do của Đông Dương mới có thể
phục hồi lại một cách trọn vẹn những quyền lực của chúng ta”. De Gaulle cũng
khẳng định “thời điểm đã tới để Đông Dương phụ thuộc vào quyền lực của Uỷ
ban giải phóng quốc gia”. De Gaulle yêu cầu Mordant nghiên cứu đề xuất tất cả
những vấn đề liên quan đến cách tổ chức, chỉ đạo kháng chiến và đệ trình lên
C.F.L.N. Cuối cùng ông ta nói: “Kết quả chủ yếu nhất của cuộc kháng chiến
này ở bên trong Đông Dương tuỳ thuộc sự quay trở lại một cách không bàn cãi
của Đông Dương vào Đế chế Pháp”[52, tr.59].
Có thể nói, cho tới lúc này, những người theo phái De Gaulle cũng như
những người theo chính phủ Vichy dường như vẫn đặt niềm tin tưởng trọn vẹn
vào “sự trung thành của người dân Đông Dương” đối với đế chế Pháp. Quan
điểm đó đã tồn tại ở Pháp từ cuối thế kỉ XIX, xuất phát từ tư tưởng “nước Pháp
là trung tâm”, cho rằng nước Pháp có một sứ mệnh vừa là giải phóng vừa là khai
hoá văn minh cho nhân dân Đông Dương. Họ cho rằng “Các dân tộc Đông
Dương không có lý do chính đáng nào để mong muốn tách ra khỏi nước Pháp,
đòi hỏi độc lập dân tộc, bởi vì độc lập sẽ làm cho các dân tộc ấy lại rơi vào
“những bóng tối của bên ngoài”… Người ta đòi hỏi người Annam phải tin tưởng
(một cách mù quáng) vào nước Pháp, bởi vì nước Pháp, theo định nghĩa, chính là

11
sự độ lượng, sự trật tự và sự tiến bộ, và người ta chỉ có thể ngưỡng mộ nước
Pháp hơn tất cả các nước khác, có nghĩa là đi với Pháp mãi mãi” [63, tr47- 48].
Trong Hội nghị các nước châu Phi thuộc Pháp diễn ra từ ngày 1- 8.2.1944
tại Brazzaville, mọi tư tưởng giải phóng các dân tộc thuộc địa sau chiến tranh
đều bị gạt bỏ. Pleven, đại diện chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp tuyên bố
không úp mở rằng “Trong khuôn khổ đế quốc Pháp, không hề có vấn đề dân
tộc để giải phóng, cũng không hề có vấn đề phân biệt chủng tộc để thủ tiêu. [...]
Các dân tộc hải ngoại (thuộc địa) không hề biết đến nền độc lập nào khác ngoài
nền độc lập của nước Pháp”. Tại Hội nghị này, De Gaulle cũng tuyên bố “Vị trí
của nước Pháp ở Đông Dương rất đơn giản, nước Pháp có ý định thu hồi chủ
quyền của mình trên toàn xứ, dĩ nhiên là sự khôi phục sẽ kéo theo một thể chế
mới, nhưng đối với chúng ta, chủ quyền của nước Pháp là vấn đề hàng đầu”
[Dẫn theo 17, 8].
Như thế, De Gaulle không hề nhận thấy những điều kiện ở Đông Dương đã
hoàn toàn thay đổi và những quan điểm của ông ta về vấn đề Đông Dương đã
trở nên hết sức lỗi thời so với những gì đang diễn ra tại vùng đất này.
1.1.3. Tướng De Gaulle ráo riết chuẩn bị tái chiếm Đông Dương
Từ năm 1943, vấn đề đặt ra cho De Gaulle và Uỷ ban giải phóng dân tộc
Pháp ở Alger là làm thế nào để giải phóng Đông Dương. “Giải phóng Đông
Dương” ở đây có nghĩa là giành lại Đông Dương từ tay phát xít Nhật để đặt lại
ách thống trị của Pháp; “Giải phóng” còn có nghĩa là dùng bạo lực để buộc
nhân dân Đông Dương phải chấp nhận những “quyền tự do theo kiểu Pháp”
như hồi trước chiến tranh. Nhưng lúc này trong tay phe kháng chiến Pháp
không có lực lượng gì đáng kể. Chỉ có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của các
Đồng minh (cụ thể là Mỹ và Anh). Nhưng việc này không hề dễ dàng. Nước
Mỹ của Roosevelt đang lộ rõ ý muốn biến Đông Dương thành một vùng “quản
thác quốc tế” mà thực chất là sẽ trở thành một vùng đặt dưới quyền kiểm soát
của Mỹ. Mối quan hệ Anh-Pháp cũng đang rất căng thẳng trong vấn đề Trung
Đông. Cuối cùng, De Gaulle đã quyết định nhượng bộ Anh ở Trung Đông, đổi
lại Anh sẽ giúp Pháp chuẩn bị trở lại Đông Dương. Tuy thế việc chuẩn bị lực
lượng cho Pháp trở lại Đông Dương vẫn rất khó khăn. Do đó, De Gaulle càng
nhận thức rõ cần phải dựa vào các “Nhóm kháng chiến” và lực lượng có sẵn

12
của Pháp ở Đông Dương (khoảng 60.000 lính Pháp và lính thuộc địa chính quy
đang có mặt tại Đông Dương). De Gaulle đặt hy vọng thực sự vào số quân này.
Vấn đề nhanh chóng bắt liên lạc trực tiếp với Mordant dần dần trở thành nhiệm
vụ cấp thiết và phương sách duy nhất để tránh cho Pháp khỏi bị gạt ra rìa, tụt
hậu và khỏi lỡ thời cơ may mắn khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương.
Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, một số sĩ quan tình báo Pháp lần
lượt được thả dù xuống vùng biên giới bắc Việt Nam. Họ lẻn về Hà Nội, bí mật
liên lạc với Mordant và “Nhóm kháng chiến” để truyền đạt chỉ thị hành động
của De Gaulle. Để chỉ đạo kịp thời, ngày 26.12.1944, De Gaulle quyết định tổ
chức “Ban hành động”, đặt trụ sở tại Calcutta, dưới quyền chỉ huy của
Crèvecoeur, nhiệm vụ trước mắt là tổ chức mạng lưới thu lượm tin tức về Đông
Dương và làm cái cầu liên lạc giữa người Pháp ở Đông Dương với Paris. Khi
thời cơ đến, tức là khi đã có điều kiện tiến hành “các chiến dịch quy mô lớn”,
Ban này sẽ do Blaizot trực tiếp chỉ huy để tiến hành các kế hoạch đưa quân đội
Pháp trở lại Đông Dương. Thông qua Ban hành động ở Calcutta, De Gaulle
không ngừng chỉ thị cho Mordant phải chuẩn bị “sẵn sàng chiến đấu phối hợp”
khi quân Pháp từ ngoài theo quân Anh – Mỹ đổ bộ vào. De Gaulle đã nhiều lần
nhấn mạnh với Mordant rằng trong bất kì trường hợp nào cũng không để quân
đội Pháp bị loại khỏi vòng chiến.
Từ năm 1943, De Gaulle đã dự định thành lập “Đội quân viễn chinh Pháp ở
Viễn Đông” (CEFEO). Tháng 9.1944, De Gaulle và giới cầm quyền Pháp trù
tính việc tổ chức lại hai sư đoàn bộ binh thuộc địa Viễn Đông (1ere DICEO và
2eDICEO) để đưa sang chiến trường châu Á. Nhưng do những khó khăn quá
lớn của nước Pháp, nên ý định này chưa thể thực hiện. Tại Calcutta, chừng 600
lính biệt kích được tổ chức thành binh đoàn ứng chiến nhẹ (CLI). Đây là những
tên lính đầu tiên để tổ chức thành trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 5 (5e RIC)
sau này. Tại Madagascar, từ cuối năm 1944 Lữ đoàn Viễn Đông được tổ chức,
với thành phần hầu hết là lính thuộc địa.
Như vậy, đến cuối năm 1944, lực lượng quân Pháp dự định dành cho Viễn Đông
bao gồm:
- “Lực lượng quân đội Pháp dành cho Viễn Đông” (gồm khoảng 15.000
người) dưới sự chỉ huy của tướng Blaizot. Lực lượng này đã được gửi đến

13
Ceylan (Srilanca), nơi đặt Tổng hành dinh của quân Anh, chịu trách nhiệm
chiến trường Đông Nam Á, và “Lữ đoàn hạng nhẹ Viễn Đông”, đến đầu năm
1945 được bổ sung thêm hai Lữ đoàn bộ binh;
- “Binh đoàn ứng chiến nhẹ” gồm các chuyên viên kĩ thuật và khoảng 20
viên chức chuyên môn Viễn Đông, sẽ đến Ceylan vào tháng 5 – 6.1945;
- “Nhóm đồng hoá đặc biệt cho Viễn Đông” bao gồm các nhân viên quân sự
và dân sự dành cho “sự hợp tác hành động của các cơ quan đại biện lâm thời để
chuẩn bị các biện pháp an ninh chính trị và quân sự ở Đông Dương (và) bảo
đảm ... việc đặt lại địa vị hành chính của Pháp và giải quyết tất cả các vấn đề về
lợi ích của dân chúng trong khi tác chiến”[52, 29].
Đầu năm 1945, trước sự chuyển biến của chiến trường Thái Bình Dương,
Paris tăng cường đẩy mạnh những sự chuẩn bị quy mô lớn: gấp rút thành lập
“đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông” (CEFEO) đặt dưới quyền chỉ huy của
tướng Blaizot; thêm vào đó là những đơn vị ở Trung Hoa dưới sự điều khiển
của tướng Alessandri (sau đó là tướng Sabattier). Vấn đề đặt ra lúc này là cần
phải chuyển ngay đạo quân ấy sang Viễn Đông, bằng con đường Thái Bình
Dương và tất nhiên là với sự giúp sức của Mỹ. Đây là hai sư đoàn quân mà
người ta hy vọng có thể trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng chống lại quân
Nhật. Với De Gaulle, đạo quân ấy phải có mặt khắp mọi nơi. Chỉ có tham gia
tích cực vào cuộc chiến cùng với các Đồng minh, nước Pháp mới mong có cơ
hội được dự “bữa tiệc chiến thắng”. Sau này J.Sainteny cũng khẳng định với
toán quân của đại tá hải quân Commentri ở vịnh Hạ Long: “…Chúng ta phải có
mặt ở khắp mọi nơi, ở bất cứ chỗ nào mà nhóm nhỏ nhất trong chúng ta có may
mắn được chiến đấu. Sẽ là những tài khoản ghi trong ngân hàng tín dụng của
Pháp khi xảy đến thời điểm bắt bọn xâm lược (tức chỉ Nhật Bản) phải trả nợ”,
bởi trên thực tế như Saiteny nói “các Đồng minh đã chiến đấu hoàn toàn không
có chúng ta (nước Pháp)”[37, tr51]
Ngày 15 tháng 6 năm 1945, GPRF (Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp,
thành lập ngày 10.9.1944) ấn định tổ chức “Đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn
Đông” (CEFEO), đồng thời cử tướng Leclerc làm Tư lệnh CEFEO thay
Blaizot. Sau khi ổn định tổ chức, biên chế, chính phủ Pháp liền báo tin đặt
CEFEO dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ Mac Arthur - Tư lệnh lực lượng Đồng

14
minh ở Viễn Đông - để cùng tham gia chiến đấu chống Nhật. Khi nhận được
thông báo này, Chính phủ Mỹ chấp nhận trên nguyên tắc nhưng không cung
cấp cho Pháp các phương tiện để chở quân. Nhận thức rõ việc nước Pháp đang
bị các Đồng minh bỏ rơi, nhất là tại các hội nghị quan trọng như Cairo,
Teheran, Potsdam đều không có đại diện Pháp, De Gaulle càng xúc tiến mạnh
mẽ việc cử đội quân viễn chinh tham gia chống Nhật. Do Mỹ cố tình trì hoãn
việc cung cấp phương tiện chở quân, De Gaulle phải cầu cứu Anh. Lời đề nghị
của Pháp được Anh chấp nhận. Đô đốc Mounbatten - Tư lệnh lực lượng Anh ở
Viễn Đông - đồng ý tiếp nhận lực lượng CEFEO của Pháp. Một kế hoạch tác
chiến được vạch ra: “lực lượng CEFEO của Pháp sẽ tập kết ở Ấn Độ, sau khi
Anh chiếm lại Singapore, lực lượng này sẽ được “ưu tiên” đổ bộ lên bán đảo
Đông Dương”[Dẫn theo 42, tr.80].
Kế hoạch của Pháp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề vận chuyển số
quân khoảng 70.000 lính từ Pháp sang Đông Dương, trong khi hầu hết các tàu
của Pháp đều đang được trưng dụng để vận chuyển quân đội Đồng minh.
Điều quan trọng nhất lúc này là, nước Pháp không thể hy vọng vào sự phối
hợp hành động của các lực lượng kháng chiến của Pháp ở Đông Dương khi
quân Pháp ở bên ngoài cùng quân Anh đổ bộ vào đây. Ngày 9 tháng 3 năm
1945, nhằm ngăn chặn một cuộc tập kích của lực lượng Pháp ở Đông Dương
đồng thời với cuộc tấn công của quân Đồng minh có thể xảy ra, phát xít Nhật
đã quyết định loại bỏ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Trước cuộc tấn công
mạnh mẽ, đồng loạt của quân Nhật, toàn bộ lực lượng Pháp ở Đông Dương
hoặc bị giết, bị bắt hoặc chạy trốn sang bên kia biên giới Trung Quốc (khoảng
6000 tên do Alessandri và Sabattier chỉ huy).
Cuộc đảo chính ngày 9.3.1945 của Nhật đưa đến tác động vô cùng to lớn.
Nó tước bỏ hoàn toàn quyền cai trị của người Pháp trên toàn lãnh thổ Đông
Dương. Đây “là sự trừng phạt muộn mằn nhưng có tính chất quyết định đối với
sự suy tàn của nước Pháp với danh nghĩa là sức mạnh của đế chế”[65, tr.428].
Bất chấp sự thật ấy, ngày 24 tháng 3 năm 1945, nửa tháng sau cuộc đảo
chính của Nhật, De Gaulle lại tung ra một bản tuyên bố về Đông Dương với
những lời lẽ và nội dung mang nặng tính bảo thủ, ngoan cố. Theo đó “... Liên
bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp và những nước khác của cộng đồng

15
lập thành một “Liên hiệp Pháp” mà lợi ích bên ngoài sẽ do nước Pháp đại diện.
Đông Dương sẽ được hưởng, trong phạm vi Liên hiệp, một quyền tự do riêng
của nó. [...] [Dẫn theo 63, tr.84-85]
Nhà sử học Ph.Devillers nhận xét về bản Tuyên bố 24.3.1945 của De
Gaulle là đã “lỗi thời về mặt chính trị. Không những nó chỉ lạc hậu vài tuần lễ,
mà đã lạc hậu chừng 15 năm rồi”. Cựu Toàn quyền Đông Dương – Albert
Sarraut, cũng tỏ ra không đồng tình với quan điểm của De Gaulle và khẳng
định: “…Bản tuyên bố đó vừa nói đến chính sách mới về thuộc địa của Pháp lại
vừa xác nhận một cách ảo tưởng về chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, cứ
như trên mảnh đất đó, từ năm 1939, không hề có sự thay đổi nào đã diễn ra”
[Dẫn theo 75, tr.36].
Ngày 8.4.1945, “đại diện những người Đông Dương ở Paris đã lên án một
cách mạnh mẽ quan điểm của De Gaulle về quy chế tương lai Đông Dương”.
Cũng ngày đó, “De Gaulle ra lệnh cho Sabattier phải giữ vững dù chỉ một phần
nhỏ bé đất Đông Dương bằng bất cứ giá nào” [52, tr.65].
De Gaulle không nhận thấy (hay cố ý không nhận thấy) những thay đổi lớn
lao đang diễn ra ở Đông Dương. Bởi ngay sau ngày Nhật làm cuộc đảo chính,
Mặt trận Việt Minh cùng với việc xác định kẻ thù của nhân dân Đông Dương
lúc này là phát xít Nhật, đã đưa ra lời kêu gọi “nước Pháp Mới” cùng hợp tác
chống Nhật. Lời kêu gọi này của Việt Minh đã được Sainteny gửi cho D.G.E.R
ở Calcutta và sau đó được chuyển về Paris.
De Gaulle và “nước Pháp Mới” tỏ rõ là không hề có bất kì một sự “nhượng
bộ” nào đối với Đông Dương, càng không muốn để tuột khỏi tay một trong
những “vùng trù phú và có thanh thế nhất” của đế chế Pháp. Lúc này, mặc dù đất
nước đã được giải phóng, nhưng nước Pháp đang gặp vô vàn khó khăn do hậu
quả của chiến tranh. Vị thế quốc tế với tư cách một cường quốc của Pháp đang
ngày càng giảm, thậm chí bị các Đồng minh “coi thường”. Nước Pháp chỉ có thể
khôi phục địa vị cường quốc của mình bằng cách chiếm lại những vùng thuộc
địa đã mất trong chiến tranh. Bởi “không có đế chế, nước Pháp chỉ là một nước
được giải phóng, nhưng với đế chế nó sẽ trở thành một cường quốc”[65, tr.411].
Mong muốn tham gia vào trận đánh cuối cùng của Pháp không được thực
hiện, do những khó khăn của Pháp. Lúc này, trừ một trung đoàn đóng quân ở

16
căn cứ Srilanca, các tiểu đoàn đóng ở Trung Quốc và vài ba toán Commando,
trong tay Pháp không hề có một đơn vị nào sẵn sàng sang Đông Dương; không
có phương tiện vận chuyển. Hơn nữa, sau Hội nghị Potsdam (17.7 - 2.8.1945)
Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật ngày 8.8 và chỉ trong một tuần (8-14.8) Hồng
quân Liên Xô đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông gần một triệu tên của Nhật, góp
phần buộc phát xít Nhật phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Chiến tranh
kết thúc. Việc phát xít Nhật đầu hàng (15.8) khiến Pháp “hoàn toàn bất ngờ”4,
đồng thời cũng làm nước Pháp trở nên quá chậm.
Trước diễn biến bất ngờ, ngày 16.8.1945 De Gaulle quyết định cử d’Argenlieu
làm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương và cử tướng Leclerc làm Tổng chỉ huy đạo quân
viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (thay thế tướng Blaizot). Chỉ thị bổ nhiệm của De
Gaulle đã chỉ rõ quyền hạn và trách nhiệm của Cao uỷ và Tổng chỉ huy là dùng
mọi biện pháp để khôi phục chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.
Ngày 18.8, De Gaulle hối thúc Leclerc lên đường sang Đông Dương, giao
cho ông ta được toàn quyền dùng mọi phương sách quân sự để đem bằng được
lá cờ ba sắc trở lại Đông Dương.
Ngay sau khi Leclerc lên đường, ngày 19.8.1945, trong khi cuộc Tổng khởi
nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đang giành được thắng
lợi quan trọng ở Hà Nội, thì De Gaulle gửi một bức điện sang Đông Dương với
giọng điệu vừa đầy vẻ bề trên, vừa sặc mùi thực dân, lừa bịp: “Kẻ thù đã đầu
hàng. Ngày mai Đông Dương sẽ được tự do. Trong giờ phút quyết định này, Mẫu
quốc (!) gửi đến những đứa con trong Liên bang Đông Dương niềm hân hoan và
lòng biết ơn... Những đứa con Đông Dương đã tỏ ra xứng đáng với một thực thể
quốc gia rộng rãi hơn và tự do hơn, do thái độ của họ trước đây đối với quân thù,
do lòng trung thành của họ đối với nước Pháp (!)...”[Dẫn theo 52, tr.67].
Tiếp đó, ngày 22.8.1945, De Gaulle bay sang Washington để thuyết phục
Truman thừa nhận cho Pháp có vị trí trong việc tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật
Bản và yêu cầu Mỹ can thiệp để quân đội Pháp được trở lại bán đảo Đông
Dương. Đề cập đến số phận của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, De Gaulle
nói “thế kỉ 20 phải là thế kỉ của nền độc lập của họ... Nhưng các dân tộc thuộc
địa phải tiến tới độc lập cùng với phương Tây, chứ không được chống lại

4
Các nhà chiến lược Mỹ-Anh đều dự đoán phải đến năm 1946, Chiến tranh thế giới mới kết thúc.

17
phương Tây...”. Về vấn đề Đông Dương, De Gaulle nói rằng lúc này ông ta
chưa xác định được chế độ tương lai của Liên bang Đông Dương, nhưng ý định
của nước Pháp là “sẽ dàn xếp với các nước Đông Dương, miễn sao thoả mãn
được ý nguyện của dân chúng các nước đó”[Dẫn theo 52, tr.68].
Hoàn toàn không phải De Gaulle không nắm được sự thay đổi sâu sắc trong
tình hình chính trị ở Đông Dương. Ngay sau cuộc đảo chính của Nhật, ngày
11.3.1945 Bảo Đại đã phát đi một bản tuyên ngôn nêu rõ: “Căn cứ tình hình thế
giới và đặc biệt trên tình hình châu Á, chính phủ nước Việt Nam tuyên bố công
khai rằng kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ kí kết với nước Pháp bị xoá bỏ
và nước Việt Nam khôi phục lại quyền độc lập của mình...”[Dẫn theo 63,
tr.89]. Tuy nhiên, nền độc lập đó chỉ là giả tạo do phát xít Nhật bày đặt ra.
Vậy mà tới lúc đó, nước Pháp vẫn “chưa xác định được chế độ tương lai
của Liên bang Đông Dương”(!). Tất nhiên, nhân dân Đông Dương không cần
chờ, cũng như không cho phép nước Pháp có quyền xác định, áp đặt chế độ
tương lai cho mình. Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông
Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã đứng lên tự quyết định vận mệnh tương lai
của mình. Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, nhân dân ta đã đánh đổ
phong kiến, phát xít Pháp – Nhật, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Lúc này, De Gaulle vẫn hy vọng, với bản tuyên bố 24.3 cùng các “quan cai trị”
được thả dù xuống và nhất là với đạo quân viễn chinh đang được cấp tốc đưa
sang, ông ta có thể nhanh chóng “lập lại trật tự” ở Đông Dương. De Gaulle và
chính quyền thực dân Pháp vẫn giữ thái độ ngoan cố, không chấp nhận đứng nhìn
các dân tộc thuộc địa trước đây tuột khỏi sự thống trị của mình, càng không muốn
mất đi cơ hội trở lại vị trí một “cường quốc thứ tư”. Vì thế, trong buổi họp báo ngày
24.8 sau khi hội đàm với Truman tại Washington, De Gaulle khẳng định: “Quan
điểm của nước Pháp về Đông Dương rất đơn giản. Nước Pháp khẳng định thu hồi
lại chủ quyền của mình ở Đông Dương” [52, tr.68].
Trong lúc đó, khi đến Viễn Đông, Leclerc thực sự nhận thấy những tin tức
mà Paris nhận được hồi giữa tháng 8 nay đã trở nên “những chuyện hoang
đường”. Leclerc cho người về Pháp báo cáo với De Gaulle “tình hình Đông
Dương trở nên rất nghiêm trọng... Nước Pháp không thể cố gắng làm những gì
để trở lại Việt Nam như xưa” và đề nghị De Gaulle “phải bổ sung vào những

18
thông điệp đã ban hành, bằng những lời hứa hẹn chung chung về độc lập, cũng
không cần nói rõ từ độc lập. Nhưng lời hứa hẹn phải vượt xa tầm của những lời
tuyên bố ngày 24.3”. Nhưng De Gaulle khẳng định sẽ “không đi xa hơn, mọi
tuyên bố khác sẽ làm yếu đi thế của nước Pháp”. Thậm chí ông ta tỏ rõ sự bức
mình “Nếu chỉ có những người như Leclerc, thì chúng ta sẽ mất Đông Dương”
[Dẫn theo 67, tr.109-110].
Thái độ thực dân bảo thủ, ngoan cố của De Gaulle thể hiện một cách rõ ràng.
Nhà nghiên cứu Henri Azeau đặt vấn đề: “phải chăng so với năm 1944, De
Gaulle chưa hiểu thêm được điều gì và cũng chưa hề quên đi điều gì vì ông ta đã
cố tình khoác cho quá khứ trọng trách của tương lai...”[Dẫn theo 75, tr.52].
Như thế có thể nhận thấy, mặc dù tình hình đã thay đổi rất nhiều, song thực
dân Pháp vẫn không hề thay đổi về nhận thức đối với vấn đề thuộc địa, trong
đó có Đông Dương. Các giới cầm quyền Pháp vẫn luôn theo đuổi ý định đặt lại
ách thống trị ở Đông Dương. Họ hy vọng nhờ vào việc tăng cường bóc lột
thuộc địa, bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra, tạo đà cho nước Pháp
trở lại tư thế của một cường quốc.
1.2. Thực dân Pháp bước đầu tái xâm lược Đông Dương (9.1945 – 12.1946)
1.2.1. Thực dân Pháp gây chiến ở Nam bộ
Ngày 19.8.1945 Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23.8 ở Huế và
ngày 25.8 ở Sài Gòn. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn
Độc lập, long trọng thông báo cho toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà. Kể từ đây, trên trường chính trị châu Á đã có một nước
Việt Nam mới - Chính phủ Việt Nam đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Phối hợp cùng với cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, nhân dân Lào đã nổi
dậy giành chính quyền và ngày 12.10.1945, nước Lào tuyên bố độc lập. Ở
Campuchia, Chính phủ Sơn Ngọc Thành thân Nhật tiếp tục tồn tại cho tới tháng
10.1945.
Cùng lúc đó, nước Pháp vẫn ráo riết chuẩn bị cho việc trở lại chiếm đóng
Đông Dương. Cao uỷ d’Argenlieu và Tổng tư lệnh Leclerc đang trên đường
sang Đông Dương. Các phái viên khác (Cédile, Messmer, Pignon) được thả dù
xuống Đông Dương và Sainteny đã tới Hà Nội ngày 22.8.1945. Những người
này trong tay chỉ có bản Tuyên bố Brazzaville và Tuyên bố ngày 24.3.1945 của

19
De Gaulle, với ý định dựng nên một “chế độ mới” cho Đông Dương là Liên
bang Đông Dương. Đó là những quan điểm, theo chính Messmer, đã lỗi thời,
không phù hợp với những biến động chính trị ở Đông Dương, giờ đây đã là
những nước độc lập.
Cédile, Messmer, Pignon ngay sau khi nhảy dù xuống đã bị bắt và chỉ riêng
Cédile sau đó được người Nhật thả ra. Trong khi đó ở Hà Nội, sau khi hạ cánh
xuống sân bay Gia Lâm chiều 22.8, Sainteny được đưa về ở trong Dinh Toàn
quyền cũ. Trên đường từ Gia Lâm về đây, Sainteny đã cảm nhận được những khó
khăn mà ông ta cũng như nước Pháp sẽ gặp phải trong cuộc “khôi phục lại chủ
quyền” mà họ sắp thực hiện. Sainteny đã nhận được những “lời chào mừng
vượt quá mức bình luận (!)”5. Ông ta còn giật mình hơn khi nhận thấy “chỗ nào
cũng chỉ có cờ đỏ sao vàng. Tuyệt đối không thấy một lá cờ duy nhất nào tiêu
biểu cho đế quốc Pháp” [37, tr.98]. Trong bức điện đầu tiên gửi đi Calcutta sau
khi tới Hà Nội, Sainteny cho biết: “Tình hình chính trị Hà Nội xấu hơn dự kiến.
Đã nhìn thấy Hà Nội chỉ treo một lá cờ duy nhất của Mặt Nạ (tức Mặt trận Việt
Minh)...” [37, tr.106].
Trong bức điện ngày 28.8, Sainteny tỏ rõ sự lo lắng. Ông ta cảnh báo:
“Cuối cùng phải làm cho mọi người hiểu rằng, Bắc Đông Dương trong giờ phút
này không còn là của Pháp nữa”[37, tr.124] (chúng ta cũng cần nói thêm, thực
tế toàn bộ Đông Dương đã không còn là “của Pháp” từ sau ngày 9.3.1945).
Ngày 2.9.1945, Sainteny được chứng kiến khí thế của nhân dân ta trong một
sự kiện trọng đại – nước Việt Nam tuyên bố độc lập. Sự kiện này đã khẳng định
chủ quyền hoàn toàn của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là sự kiện sẽ giữ
vị trí quan trọng bậc nhất trong mối quan hệ Việt – Pháp thời gian tới.
Không chịu nhìn nhận tất cả những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam,
nước Pháp vẫn tiếp tục theo đuổi quyết tâm chiếm lại Đông Dương.
Ngay từ ngày 2.9.1945, trong cuộc mít tinh chào mừng nền Độc lập của
nhân dân ta ở Sài Gòn – Chợ Lớn, những tên thực dân Pháp đã núp trong một
nhà thờ bắn lén vào đoàn người, làm “5 người chết và nhiều chục người bị
thương” [35, tr.29].
5
Sainteny cho biết: “Các đại lộ, các khu phố, tường dày đặc những băng rôn, khẩu hiệu thể hiện ý chí của nhân
dân Việt Nam “Độc lập hay là chết – Nước Việt Nam của người Việt Nam – Tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc Pháp -
đả dảo chủ nghĩa thực dân Pháp...” bằng đủ các thứ tiếng Anh, Hoa và đôi khi cả tiếng Pháp”[37, tr.104].

20
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam, ngày 11.9.1945, tướng Lư Hán dẫn
theo hai mươi vạn quân Trung Quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở Bắc
Đông Dương, đã tiến vào Hà Nội. Ở phía Nam vĩ tuyến 16, ngày 6.9.1945 phái bộ
quân sự Anh đến Sài Gòn, mang theo 150 tên biệt kích thuộc Trung đoàn thuộc
địa số 5 (5e RIC) của Pháp mặc quân phục Anh. Đây là số quân viễn chinh Pháp
đầu tiên đưa tới Đông Dương nhằm thực hiện sứ mệnh tái lập “chủ quyền” của
nước Pháp. Ngay sau đó, quân Pháp được Anh cho thay thế quân Nhật chiếm
đóng một số vị trí quan trọng: cảng, xưởng đóng tàu, kho thuốc súng…
Ngày 12.9.1945 tướng Anh Gracey cùng Lữ đoàn Ấn Độ (thuộc Sư đoàn
20) đến Sài Gòn, thì hành động can thiệp của Anh nhằm giúp quân Pháp càng
trắng trợn hơn. Chúng cho thêm hai đại đội thuộc Trung đoàn 5eRIC đổ bộ lên
Sài Gòn và cho bọn này chiếm đóng thêm nhiều vị trí quan trọng. Chúng trang
bị cho kiều dân Pháp và dung túng cho bọn này khiêu khích ngoài đường phố.
Theo P.Brocheux và D.Hémery, “Những hành động có tính chất cảnh sát” mà
người Pháp thực hiện tại Sài Gòn với sự trợ giúp của người Anh đã thể hiện rõ
ý đồ không hề che dấu của Chính phủ Đệ Tứ Cộng hoà là giành lại quyền kiểm
tra Đông Dương”[65, tr.434].
Ngày 22.9.1945, Cédile đã thuyết phục được tướng Anh- Gracey, cho phép
tái vũ trang số 1400 cựu tù thuộc trung đoàn 11 bộ binh Pháp đang bị giam giữ
trong trại lính trên đại lộ Norodom ở Sài Gòn.
Với một tiểu đoàn lính biệt kích thuộc trung đoàn 5eRIC, 1400 tù binh được
Anh thả ra, hàng ngàn kiều dân được Anh trang bị súng (tổng số khoảng 4000
người), được sự dung túng của Gracey, bọn Pháp liên tiếp khiêu khích ngày
càng trắng trợn trên các đường phố Sài Gòn.
Những hành động khiêu khích của quân Pháp và thái độ của quân Anh đã bị
nhân dân ta phản đối kịch liệt. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình yêu nước đã diễn
ra ở Sài Gòn, tiêu biểu là ngày 20.9.
Sau khi trang bị lại cho bọn tù binh vừa được Anh thả ra, Cédile cho rằng có
thể nhanh chóng “vãn hồi trật tự, khôi phục chủ quyền của Pháp” và sau đó tập
hợp bọn tay sai để lập lại chế độ cai trị của chúng. Chúng cho rằng “dân An nam
chỉ là những kẻ hèn nhát ... Khi Pháp tỏ ra cương quyết, khi chiếc gậy đã được
giơ lên thì chúng (chỉ người Việt Nam) sẽ tan tác như đàn chim sẻ”(!) [Dẫn theo

21
75, tr.56]. Cédile quả thực vẫn giữ cái nhìn thiển cận, lệch lạc và bảo thủ không
khác cái nhìn của bọn thực dân ở Paris, vẫn không hề nhận thấy hoặc cố tình
không thừa nhận (dù đã được chứng kiến tận mắt) những sai lầm đó. Vì thế,
ngay sau khi trang bị cho bọn cựu tù, quân Pháp đã lợi dụng tình trạng giới
nghiêm được đưa ra một cách bất hợp pháp của Anh trong thành phố, nổ súng
chiếm thêm một số công sở và bị lực lượng vũ trang Việt Nam chống lại.
Cédile quyết định dựa vào quân Anh để nhanh chóng làm chủ thành phố Sài
Gòn. Từ 4 giờ sáng 23.9 quân Pháp đánh chiếm Sở cảnh sát, kho bạc, trụ sở Uỷ
ban hành chính lâm thời. Tác giả Devillers khẳng định: “Ngày 23.9, nhờ vũ khí
của Anh, người Pháp ở Sài Gòn đã giành lại quyền kiểm soát thành phố. Tất cả
cháy bùng lên. Chiến tranh” [63, tr.140]. Vậy là, từ ngày 23.9.1945, cuộc chiến
tranh xâm lược trở lại của Pháp ở Việt Nam chính thức bắt đầu.
Thực dân Pháp đã tìm mọi cách để đánh lừa dư luận. Chúng tung tin vu
khống rằng quân đội Việt Nam đã tấn công người Pháp. Nhưng những gì đưa ra
sau đây sẽ bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc đó.
Thiếu tá Patti, chỉ huy OSS (Cục công tác chiến lược - tiền thân của Cục tình
báo trung ương Mỹ - CIA) ở Đông Dương, trong cuốn “Tại sao Việt Nam?” cho
biết: “Sáng sớm ngày 22, Anh lặng lẽ thay thế quân Nhật tiếp quản khám lớn và
thả một số lính tù Pháp đã bị bắt giữ trong các cuộc rối loạn tuần lễ trước. Số này
đi thẳng tới trại 11RIC và tổ chức mười bốn ngàn (có lẽ là 1400 - HVT) tù binh
Pháp phần lớn là lính lê dương thành đơn vị chiến đấu, rồi đưa về các địa điểm
đã được quy định để chờ lệnh. Nhưng để chứng tỏ giá trị và lòng trung thành với
“nước Pháp mới”, số lính này toả ra khắp trung tâm thành phố và chộp lấy bất kỳ
người Việt Nam vô tội nào mà chúng bắt gặp”[40, tr.515-516].
Có lực lượng vũ trang trong tay, Cédile thực hiện kế hoạch lợi dụng đêm tối
22 rạng ngày 23 đánh chiếm cơ sở hành chính thành phố: các đồn cảnh sát, kho
bạc, nhà bưu điện, toà thị chính (nơi Uỷ ban hành chính lâm thời đóng).
Ph.Devillers đã dành nhiều công sức nghiên cứu và khẳng định rằng cuộc
chiến ấy bắt nguồn “do tội lỗi”, “do sự vụng về” hoặc “tính toán sai lầm của một
vài người ... một nhóm nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã
châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp” [63, tr.31].

22
Chính thực dân Pháp là thủ phạm đã gây ra cuộc chiến tranh, âm mưu đặt
lại ách cai trị thực dân của chúng lên đất nước ta. Đó là sự thực khách quan
không thể chối cãi được.
Cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của Pháp không dễ dàng như chúng
tưởng. Ngay từ sáng sớm ngày 23.9, nhiều tên lính Pháp đã phải đền tội. Suốt
hạ tuần tháng 9, các trận đánh liên tiếp diễn ra ở nhiều nơi.
Những gì diễn ra đã đập tan mọi ảo tưởng của Cédile và quân Pháp. Trong
khi đó, những hành động của quân Anh – Pháp đã gây phản ứng trong dư luận
thế giới. Vì thế, ngày 1.10, Gracey phải đứng ra làm trung gian cho một cuộc
ngưng chiến tạm thời nhằm xoa dịu dư luận, đồng thời giúp quân Pháp thoát
khỏi tình trạng bị bao vây trong thành phố. Chính Leclerc đã phải thừa nhận
tình hình khó khăn của Pháp lúc đó. Trong một bức thư ngày 15.10.1945,
Leclerc khẳng định: “Sài Gòn đã được cứu nguy nhờ tài giải quyết của tướng
Anh - Gracey, người đã sử dụng mọi quyền lực cần thiết trong tay để đưa
chúng ta đến (Sài Gòn)”[52, tr.161].
Ngày 5.10.1945, Leclerc đến Sài Gòn. Ông ta cho rằng chừng nào người Việt
Nam chưa ý thức được sức mạnh của Pháp thì sẽ chẳng có chuyện gì thành. Trong
bức thư gửi De Gaulle (ngày 13.10), Leclerc bày tỏ: “sẽ là một điểm sai lầm tuyệt
đối nếu chúng ta điều đình với đại diện Việt Minh trước khi chỉ cho họ thấy sức
mạnh của chúng ta”. Ngay sau đó (27.10), Leclerc nhận được trả lời của De
Gaulle: “Bạn thân mến, chúng ta chẳng có gì phải kí kết với người dân bản xứ,
chừng nào chúng ta không có sức mạnh. Cho đến lúc đó chúng ta có thể, thận
trọng và tuỳ thời cơ thuận lợi mà có vài cuộc tiếp xúc với họ nhưng chỉ vậy thôi
[…]. Những người Pháp ở Đông Dương phải ở lại đó” [26, tr.27].
Các cuộc thương lượng giữa Việt Nam và Pháp diễn ra trong thời gian ngưng
chiến, vào các ngày 2, 6 và 8.10, không đạt được kết quả do quan điểm trên của
Leclerc và lập trường của hai bên rất khác nhau. Hơn nữa, “rõ ràng là người
Pháp và người Anh đã không nghiêm chỉnh trong việc tìm kiếm một cơ sở cho
việc thoả thuận với người Việt. Họ tiến hành thương lượng chỉ nhằm một mục
đích trong đầu: lấy lại sự yên ổn và làm giảm nhẹ cuộc phong toả Sài Gòn, duy
trì cuộc ngừng bắn cho đến khi quân tiếp viện tới...”[40, tr.528-529].

23
Trong thời gian đó, sư đoàn Ấn Độ của Gracey đã được bổ sung đầy đủ số
quân, tàu Triomphant của Pháp đã lặng lẽ cho đổ bộ xuống 10.000 người (ngày
3.10). Ngày 9.10, Anh và Pháp đã ký hiệp ước, theo đó Anh ủng hộ Pháp trong
việc cai trị toàn miền Đông Dương, nam vĩ tuyến 16. Vì vậy, Leclerc đã cắt đứt
các cuộc thương lượng. Ông ta muốn chỉ cho người Việt Nam thấy sức mạnh
của nước Pháp. Cuộc chiến lại tiếp tục.
Ngày 23.10, binh đoàn xe bọc thép Massu đến Sài Gòn. Những đơn vị đầu
tiên của sư đoàn 9eDIC cũng sắp cập bến. Dựa vào binh lực tăng viện, địch ra
sức phá vây, trước hết là trên các hướng bắc và đông bắc thành phố. Tuy nhiên,
quân Pháp đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân ta. Ngay trong Sài
Gòn, quân Pháp đã bị đánh mạnh ở nhiều nơi.
Cuộc chiến đấu của quân dân Nam bộ đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Điều này
được chính Leclerc nêu ra trong bản báo cáo của ông ta gửi chính phủ Pháp ngày
27.3.1946. Trong báo cáo này, sau khi trình bày ngắn gọn tình hình Nam kỳ từ
20.10.1945 đến 25.3.1946, ông ta đưa ra các con số cho thấy những khó khăn của
Pháp thời kì này: “- Số chết trong 5 tháng: 620 …; Số bị thương (không kể bị
thương nhẹ): 1600; Số trận đánh trung bình: 3 trận một ngày; Khoảng cách trung
bình mỗi tiểu đoàn phải đảm nhiệm: 80 Km” [26, tr.17-18].
1.2.2. Âm mưu và hoạt động của Pháp ở miền Bắc. Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946
Ở miền Bắc, quân Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Miền Bắc là khu vực do lực
lượng quân đội Tưởng Giới Thạch làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Quân
Tưởng (phía sau là Mỹ) không ưa gì Pháp, thậm chí xung đột với Pháp về
quyền lợi. Đặc biệt, đây là nơi phong trào quần chúng có điều kiện phát triển
mạnh. Chúng ta đã sớm giành được chính quyền và xây dựng được lực lượng
quân sự khá mạnh.
Nếu như ở Sài Gòn Cédile tự do hoạt động dưới cái ô bảo trợ của quân Anh
và lớn tiếng khẳng định rằng có thể nhanh chóng vãn hồi trật tự, lập lại chủ
quyền của Pháp thì tại Hà Nội, Messmer, ngay sau khi nhảy dù xuống vùng Tam
Đảo đã bị bắt giam. Đại diện cho nước Pháp lúc đó chỉ có J.Sainteny - chỉ huy
Phái đoàn 5 của Pháp, và một số tên vừa đến Hà Nội từ 22.8, nhưng đang bị
giam chân trong “lồng vàng”- tức trong phủ Toàn quyền trước đây và bị cách ly
với bên ngoài. Cho dù dưới cái nhìn hằn học của tên thực dân đang âm mưu đặt

24
lại nền thống trị lên đất nước ta, Sainteny cũng phải thừa nhận thực tế không thể
nào chối cãi: miền Bắc Đông Dương không còn là thuộc Pháp nữa.
Nước Việt Nam vừa mới ra đời đã phải đứng trước muôn vàn khó khăn,
trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Chính phủ đã ứng phó nhanh chóng và hiệu quả. Ngay sau khi nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính
phủ và nhân dân ta gửi tới những người đứng đầu các nước lớn, đề nghị công
nhận nền độc lập của Việt Nam. Đối với nước Pháp, Người khẳng định, nước
Việt Nam sẵn sàng nhân nhượng, nhất là về kinh tế, nếu nước Pháp công nhận
nền độc lập của Việt Nam. Đáp lại những lời kêu gọi đầy thiện chí đó, Chính
phủ Pháp vẫn ngoan cố giữ lập trường thực dân, muốn đặt lại ách thống trị ở
nước ta. Họ cho rằng nhân dân Đông Dương vẫn luôn giữ lòng trung thành
không hề lay chuyển đối với nước Pháp, rằng cuộc cách mạng tháng Tám của
nhân dân ta chỉ là một hành động phiến loạn, gây rối và Việt Minh không đại
diện cho toàn dân Việt Nam mà chỉ là “một phe phái ngổ ngáo nhất của dân
chúng” [Dẫn theo 63, tr.135]. Chúng phủ nhận hoàn toàn thực tế là nước Việt
Nam giờ đây đã độc lập. Vì thế, De Gaulle chỉ thị cho d’Argenlieu về cách
hành xử đối với Việt Nam: “đừng cam kết và đừng để ai cam kết bất cứ điều gì
đối với người của Việt Minh”[Dẫn theo 63, tr.137]. Với De Gaulle, chỉ có một
chủ trương: “Phải đánh tan mọi sức kháng cự của đối phương trước khi thương
lượng, trước khi đạt được mục đích chính trị” [Dẫn theo 67, tr.106].
Tuy nhiên, những diễn biến ở Hà Nội hoàn toàn không giống với những gì
mà De Gaulle và các quan chức cao cấp Pháp tưởng tượng. Các đại diện của
nước Pháp ở đây đã buộc phải tiến hành những cuộc thương lượng với Chính
phủ Việt Nam. Ngày 28.8.1945, Alessandri và Pignon gặp Chủ tịch Hồ Chí
Minh, họ nhận thấy “đó là một nhân vật hùng mạnh và được kính nể”[37,
tr.219]. Sau khi gặp d’Argenlieu và được chính thức chỉ định làm Uỷ viên
Cộng hoà Pháp ở Bắc Đông Dương, Sainteny đã tiến hành các cuộc tiếp xúc
với lãnh tụ của Việt Quốc, Việt Cách và nhận ra rằng họ là những con người
hoàn toàn “không có uy thế nào mà cũng chẳng có lực lượng nào” [37, tr.220].
Vì thế, Sainteny phải tiếp tục duy trì các cuộc thương lượng với Chính phủ Việt
Nam và Hồ Chí Minh, “nhân vật hàng đầu nhanh chóng nổi bật rõ nét trên sân

25
khấu chính trị châu Á, không ai sánh kịp”[37, tr.221]. Sainteny khẳng định:
“Những lời nói của ông (HCM), những cử chỉ của ông, thái độ của ông, con
người thật của ông, tất cả đều khẳng định ông không muốn giải quyết vấn đề
bằng biện pháp bạo lực” [37, tr.225]. Trong các cuộc gặp ấy, Hồ Chí Minh đã tái
khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng giành cho nước Pháp một quy chế đặc biệt và
rộng rãi, nhất là về kinh tế, với điều kiện Pháp phải công nhận nền độc lập của
Việt Nam.
Các đại diện của Pháp phải thừa nhận uy tín và sức mạnh của Hồ Chí Minh
cũng như phải thừa nhận một thực tế “chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt
Minh là đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam” [63, tr.162]. Song họ lại cho
rằng Chính phủ ấy khó lòng mà đứng vững, sẽ nhanh chóng bị đánh đổ do sự
chống phá của các phe phái đối lập (Việt Quốc, Việt Cách) dưới sức ép của
người Trung Quốc. Vì thế trong khi tiếp xúc, thương lượng với Chính phủ Việt
Nam, người Pháp vẫn tìm kiếm ở các phe phái nói trên nhằm thành lập một
đảng thân Pháp. Họ hy vọng đảng này sẽ gây ảnh hưởng để làm giảm sức mạnh
của Chính phủ Việt Nam và Việt Minh.
Trong khi tiến hành thương lượng với Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc thì
ở phía Nam quân đội Pháp tiếp tục đẩy mạnh các cuộc hành binh để mở rộng
địa bàn chiến sự, tích cực chuẩn bị cho việc đưa quân ra miền Bắc. Leclerc cho
rằng ông ta chỉ có thể kết thúc nhiệm vụ của mình sau khi đã chiếm lại toàn bộ
phần lãnh thổ Đông Dương ở phía bắc vĩ tuyến 16 và chủ yếu là chiếm lại Hà
Nội. Nhưng Leclerc cũng hiểu rõ những mối nguy nếu đưa quân ra Bắc. Vì thế
ông ta thúc giục Sainteny phải đẩy mạnh các cuộc thương lượng để tạo điều
kiện thuận lợi cho quân Pháp.
Cuộc thương lượng ở Hà Nội tiếp tục lâm vào bế tắc do thái độ ngoan cố
của Pháp. Phía Pháp “do không hiểu biết gì và do đánh giá quá thấp sự phát
triển về mặt tinh thần và về mối tương quan lực lượng, nên từ Độc lập, ngay cả
khi nó phải mất một thời gian dài mới được thực hiện, chưa bao giờ được nói
tới” [65, tr.437]. Cái “cẩm nang” duy nhất chỉ dẫn họ vẫn là bản Tuyên bố ngày
24.3 của De Gaulle. Trước sau họ vẫn không chịu từ bỏ quyền lực ở Đông
Dương và dự định sẽ làm cho Đông Dương trở thành một Liên bang các quốc
gia tự trị.

26
Một trong những nguyên do lý giải cho cách xử sự trên đây của phía Pháp
chính là thái độ ngoan cố thực dân. Họ cố tình không chịu hiểu, không chịu
chấp nhận thực tế cũng như quyết tâm xâm chiếm lại nước ta. De Gaulle và các
quan chức Pháp đã không hiểu được sức mạnh của dân tộc Việt Nam vừa mới
đứng lên làm cách mạng, giành được quyền làm chủ về tay mình. P.Quatrepoint
nhận xét rằng “De Gaulle đã phạm sai lầm trên hai mặt: một là ông không hiểu
gì về ý chí chống xâm lược của nhân dân Việt Nam; hai là lòng quyết tâm của
Hồ Chí Minh...” [67, tr.106].
Đối với người Pháp (cả ở Pháp và ở Đông Dương) lúc đó, điều làm cho họ
lo lắng nhất, không phải là chính quyền Việt Nam, mà là đội quân Trung Hoa
Quốc Dân của Tưởng Giới Thạch. Dưới nhãn quan của kẻ thực dân, quân
Tưởng mới là người nắm được quyền kiểm soát miền bắc Việt Nam (cũng như
bắc Đông Dương), mới là “người chủ thực sự” ở đây. Sự nhận thức ngoan cố
và sai lầm đó đã dẫn đến những hành động ngoan cố và sai lầm. Trong hồi ký
của các tướng tá, các nhân vật người Pháp trong thời kì này ở Đông Dương, họ
luôn nhấn mạnh những khó khăn do quân Tưởng gây ra, đồng thời lại luôn đánh
giá thấp vai trò, khả năng của chính phủ Việt Nam. Vì thế, trong cuộc họp ngày
17.12.1945 ở Sài Gòn, bộ chỉ huy Pháp nhận định rằng trở ngại lớn nhất cho việc
đưa quân ra Bắc vẫn là sự có mặt của quân Tưởng.
Vấn đề đầu tiên đặt ra với Pháp là phải tiến hành thương lượng ngay để
quân Pháp có thể thay thế quân Tưởng vào cuối tháng hai đầu tháng ba năm
1946. Salan được cử sang Trùng Khánh để thực hiện nhiệm vụ này. Ngày
8.1.1946, Salan có cuộc gặp đầu tiên với đại diện Tưởng. Cuộc mặc cả giữa
Pháp và Tưởng về chủ quyền Việt Nam bắt đầu. Trong cuộc gặp đầu tiên này,
Salan đưa ra các đề nghị với phía Tưởng: Cho số lính Pháp ở Vân Nam trở lại
Đông Dương qua hướng Lai Châu; Quân Pháp được phép trang bị cho số tù
binh hiện đang bị giam giữ ở Hà Nội..; Cho phép quân đội Pháp được thường
xuyên sử dụng các sân bay ở Bắc Đông Dương...
Ngày 16.1 phía Tưởng trả lời chấp nhận cho phép số quân Pháp ở Vân Nam
trở về Thượng Lào qua hướng Lai Châu. Các vấn đề khác chưa chấp nhận.
Phía Pháp nhận định quân Tưởng sớm muộn cũng phải rút về nước nhằm
đối phó với lực lượng của Đảng cộng sản. Vì thế, Pháp quyết định để đại tá

27
Crépin làm đại diện Pháp ở lại Trùng Khánh tiếp tục thương lượng. Cuối cùng,
ngày 28.2.1946, hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Theo đó, Tưởng chấp nhận
để quân Pháp ra miền Bắc Đông Dương làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật
thay thế quân Tưởng, đổi lại Pháp chấp nhận trả lại cho Tưởng các vùng đất
trước đây là nhượng địa của Pháp ở Trung Quốc, cam kết nhường cho Tưởng
một số quyền lợi ở Đông Dương,...
Ngày 27.2.1946, Leclerc bắt đầu chiến dịch H (chiến dịch Bentré), cho quân
tiến ra miền Bắc bằng đường biển. Lực lượng này bao gồm: tập đoàn quân
Massu của 2e DB và 9e DIC của tướng Valuy. Đội quân này sẽ tới ngoài khơi
Hải Phòng vào sáng ngày 5.3.1946. Theo dự tính, do vấn đề thuỷ triều, quân
Pháp chỉ có thể đổ bộ lên Hải Phòng vào 5.3 hoặc 6.3.1946.
Tuy Tưởng đã chấp nhận cho quân Pháp thay thế quân Trung Hoa, song cả
hai phía đều không dám đơn phương thực hiện việc này khi chưa có sự đồng ý
của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Họ đều hiểu rằng, Việt Nam sẽ
không thể làm ngơ, để mặc cho quân Pháp tiến vào miền Bắc. Nhận thức được
điều đó, nên ngay từ đầu, Leclerc đã đưa ra điều kiện để cuộc đổ bộ có thể thực
hiện được là tiến hành song song hai cuộc thương lượng với Trung Quốc và với
chính phủ Việt Nam ở Hà Nội.
Từ ngày 6.1.1946, trả lời nhà báo P.M. Dessinges, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã khẳng định: “Chúng tôi không hề thù ghét gì nước Pháp và nhân dân Pháp.
Chúng tôi rất khâm phục họ và chúng tôi không muốn cắt đứt những mối quan
hệ chặt chẽ nối liền hai dân tộc chúng ta... Nhưng ông nên biết rằng: Chúng tôi
quyết tâm chiến đấu đến cùng, nếu người ta bắt chúng tôi phải chiến đấu”[Dẫn
theo 63, tr.179 - 180].
Ngày 8.2.1946 Salan gặp Hồ Chí Minh, định dùng áp lực để buộc chúng ta
chấp nhận cho Pháp đổ bộ lên miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời thẳng
thắn rằng Việt Nam muốn giữ mối quan hệ hữu nghị và bình đẳng với nước
Pháp. Nhưng Việt Nam cũng quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyết
không lùi bước nếu phía Pháp muốn dùng vũ lực... Người khẳng định: “... dù
cho cả thế giới có chống lại chúng tôi, chúng tôi cũng quyết không trở lại đời
nô lệ” [Dẫn theo 67, tr.134].

28
Thái độ thẳng thắn của Hồ Chí Minh khiến Leclerc và quân Pháp hiểu rằng:
nếu muốn dùng sức mạnh vũ khí để khôi phục lại chủ quyền Pháp thì phải sẵn
sàng đương đầu với một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn. Nhưng nước Pháp
hồi đó liệu đã có những phương tiện “để lao vào một cuộc phiêu lưu có nguy cơ
dẫn nước Pháp “định cư” trong một cuộc chiến tranh kéo dài vô tận?”[63, tr.235].
Đạo quân của Leclerc sẽ gặp phải sự chống cự quyết liệt và sẽ phải trả giá
đắt nếu đổ bộ lên Hải Phòng mà không có sự đồng ý của chính phủ Việt Nam.
Cho nên, Leclerc đã yêu cầu Sainteny nhanh chóng ký kết một hiệp định với
Chính phủ Hồ Chí Minh, vì ngày đổ bộ đã được ấn định và không thể thay đổi
được, trong khi quân Tưởng vẫn không dám đơn phương cho Pháp đổ bộ.
Về phía Việt Nam, nhận rõ ngay từ đầu kẻ thù chính của nhân dân ta vẫn là
thực dân - đế quốc Pháp đang quyết tâm trở lại xâm lược nước ta, chúng ta đã
tạm hoà hoãn với Tưởng để tập trung kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Song
lúc này (sau 28.2), Pháp và Tưởng đã câu kết với nhau. Do đó, nếu chúng ta
không đồng ý thì cũng không thể ngăn quân Pháp đổ bộ. Trong khi đó, thực lực
của chúng ta còn chưa đủ mạnh để cùng lúc đối phó với cả quân Pháp và quân
Tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương đã đi đến quyết định
ký hiệp ước với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước và tranh thủ thêm thời
gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Cuối cùng, vào chiều ngày 6.3.1946, Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết tại Hà
Nội giữa một bên là Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đại diện cho Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà với một bên là J.Sainteny đại diện cho Cộng hoà Pháp.
Bản Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946 là bước ngoặt trong mối quan hệ Việt –
Pháp. Tuy thế nó cũng đưa đến nhiều nhận định, đánh giá và phản ứng khác
nhau. Sau khi biết tin Sainteny ký hiệp định với chính phủ Việt Nam, nhiều
người Pháp đã khẳng định đó là một thắng lợi lớn của nước Pháp. Một bức điện
từ Paris tỏ rõ nỗi vui mừng: “Được khởi đầu ngày 18.6.1940 sự nghiệp giải
phóng toàn bộ Liên hiệp Pháp đã hoàn tất ngày 7.3.1946” [63, tr.227].
D’Argenlieu thì điện về cho Thủ tướng Félex Gouin (Chính phủ De Gaulle
đã đổ từ 20.1.1946): “Chúng tôi đã ký với chính phủ Hà Nội, với sự quan tâm
không bỏ lỡ mất một cơ hội thuận tiện, một bản Hiệp định đã được chuẩn bị từ
bốn tháng nay và ngày càng trở nên cần thiết” và nhấn mạnh rằng “Cân nhắc

29
kỹ, tôi thấy đây là một hiệp định tốt nếu nó được đánh giá về cả ba phương diện
quốc tế [...], khu vực [...] và quốc gia...”[Dẫn theo 63, tr.228].
Tướng Leclerc, người phải chịu trách nhiệm việc đổ bộ quân Pháp vào Hải
Phòng, đánh giá rất cao “thắng lợi” này của nước Pháp. Trong bản báo cáo của
ông ta gửi cho chính phủ Pháp ngày 27.3.1946, thậm chí ông ta khẳng định
Sainteny, với sự trợ giúp đắc lực của Salan, đã “đánh lừa” được Hồ Chí Minh.
Vậy có phải Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã bị Sainteny “đánh
lừa”? Thực tế lịch sử đã chứng minh việc ký Hiệp định Sơ bộ là một chủ
trương đúng đắn, sáng tạo, một mẫu mực về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng
ngũ kẻ địch và sự nhân nhượng có nguyên tắc của Hồ Chí Minh và Chính phủ
Việt Nam. Hiệp định đã tạo điều kiện để nhân dân ta củng cố thành quả cách
mạng đã giành được, chuẩn bị điều kiện đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc
tiến lên bước phát triển mới. Ký hiệp định là tạo thêm cơ sở pháp lý quốc tế
buộc quân Tưởng phải rút nhanh khỏi miền Bắc. Đối với miền Nam, trước tình
thế cuộc kháng chiến đang đứng trước những thử thách gay gắt, Hiệp định tạo
điều kiện cho lực lượng kháng chiến trở lại bám trụ thôn xã, tạo thế tạo lực để
cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc với tư thế và sức mạnh
mới. Điều này đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong cuộc nói chuyện với
nhân dân ta ngày 7.3.1946: “Chúng ta trên thực tế đã độc lập từ tháng 8.1945,
nhưng cho đến nay chưa có cường quốc nào công nhận nền độc lập của chúng
ta. Bản hiệp định ký với nước Pháp này mở đường cho sự công nhận của quốc
tế. Bản Hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng,
và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao...”[Dẫn theo 63, tr.218].
Điều quan trọng nữa là đi kèm theo văn bản Hiệp định còn có một bản thoả
thuận phụ quy định về thể thức của việc thay quân. Thoả thuận phụ nêu rõ việc
thay quân sẽ do một lực lượng gồm 10.000 quân Việt Nam và 15.000 quân
Pháp tiến hành, và “những quân đội này sẽ được quân đội Việt Nam thay thế
mỗi năm 1/5 trong vòng năm năm”. Phải chăng Sainteny đã “đánh lừa” Hồ Chí
Minh ở điểm này! Sainteny và các đại diện Pháp chắc chắn không nghĩ tới việc
sẽ thi hành những điều khoản này, song dẫu sao cũng gây nên sự nghi ngại về
việc rút quân. D’Argenlieu đã ghi trong nhật ký: “Hiệp định sơ bộ: ấn tượng
tốt. Trái lại hết sức dè dặt về hiệp định phụ[...]

30
“Hiệp định này, đến cuối cùng, tôi coi như chứa chất bao nhiêu ràng buộc
quân sự đã đè nặng lên nước Pháp và có lợi cho cái “Quốc gia tự do” trẻ tuổi
(tức VNDCCH)... Chúng ta đứng trước một “việc đã rồi”. Làm sao ta lại lâm
vào tình trạng này nhỉ? Sự việc khá nghiêm trọng...” [Dẫn theo 63, tr.228].
D’Argenlieu cũng không dám báo cho Chính phủ Gouin biết ngay về bản
thoả thuận phụ cùng với bản Hiệp định chính thức, mà phải quyết định “tiến
hành một cuộc điều tra cấp tốc trước khi nó được phổ biến” [63, tr.228].
Leclerc trong bức điện ngày 8.3 gửi cho d’Argenlieu thì khẳng định: “... Tôi
không nói đến Hiệp định sơ bộ, nó chẳng phải là trách nhiệm của tôi. Ngược
lại, hiệp định phụ về các vấn đề quân sự thì rõ ràng là chưa hoàn hảo chút nào”
[Dẫn theo 63, tr.229].
Đó là những phản ứng của những người đại diện Pháp ở Sài Gòn và Hà
Nội. Còn ở Paris, người ta “vô cùng ngạc nhiên và dần đi tới giận dữ” khi được
biết thêm về bản thoả thuận phụ này6.
1.2.3. Pháp ngăn cản và phá hoại việc thi hành Hiệp định Sơ bộ (6.3.1946 -
19.12.1946)
Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946, Chính phủ Việt Nam tập trung mọi
cố gắng nhằm đấu tranh để cùng phía Pháp thi hành những điều khoản hai bên
đã thoả thuận và chuẩn bị điều kiện tiến tới cuộc đàm phán chính thức tổ chức
ở Paris.
Trong khi đó phía Pháp cho rằng, sau khi quân đội của Leclerc đổ bộ lên Bắc
kỳ thì cuộc tái chiếm Đông Dương đã giành thắng lợi. Giờ đây, người Pháp sẽ
“nói chuyện” với người Việt Nam bằng xe tăng và máy bay! Vì thế, khi bản hiệp
định vừa ký còn chưa ráo mực, thì phía Pháp, tiêu biểu nhất là d’Argenlieu và
Valluy, đã tìm đủ mọi cách để xuyên tạc và phá hoại những điều đã cam kết7.
Ngày 12.3.1946 (chưa đầy 1 tuần sau khi ký hiệp định), d’Argenlieu đã
tuyên bố: Hiệp định 6.3 “chỉ có tính chất địa phương” và còn trắng trợn nói
rằng “Nó được ký bởi ông Uỷ viên Cộng hoà (Pháp) tại Bắc kỳ với Chính phủ
Việt Nam đóng tại Hà Nội; nó ghi rõ ràng bằng văn bản là việc thống nhất ba
kỳ sẽ do nhân dân Nam kỳ và Trung kỳ quyết định”. Ông ta đi đến một kết luận

6
Xem thêm: Ph.Devillers, sđd, tr.234-237
7
Theo Réne Liégeas, một sĩ quan Pháp thuộc Sư đoàn 2 đã tiến vào Hà Nội sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, trong
khi Leclerc muốn thi hành thoả thuận với Chính phủ Việt Nam, thì trái lại, tướng Valluy lại tìm cách để kích
động tình hình [35, tr.34]

31
mang đầy sự lừa lọc: “Do bản chất của nó, nó chẳng khác biệt gì so với bản
hiệp định đã ký kết với chính phủ Campuchia (trong tháng 1)8” [Dẫn theo 63,
tr.232]. D’Argenlieu và Cédille cũng tiết lộ thêm rằng, trong thời gian tới Nam
kỳ cũng sẽ có một chính phủ riêng, quốc hội riêng, tài chính riêng...
Vậy là, như nhận xét của Ph.Devillers, “ngay từ ngày 12.3, ý định của ông
đô đốc (d’Argenlieu) đã bộc lộ rất rõ ràng” [63, tr.233].
D’Argenlieu tìm mọi cách để ngăn không cho chính phủ Việt Nam điều
đình thẳng với Paris. Mặc dù Sainteny và Leclerc lo lắng, yêu cầu d’Argenlieu
chấp nhận chọn Paris làm nơi tiến hành hội nghị để cách ly chính phủ Việt
Nam, Cao uỷ đã không chấp nhận. Trong bức điện ngày 18.3 gửi Paris, ông ta
cho rằng địa điểm tốt nhất cho cuộc Hội nghị là Đà Lạt - nơi mà theo ông ta, đã
được dự tính chọn làm thủ đô của Liên bang Đông Dương.
Ý đồ của d’Argenlieu tìm cách trì hoãn cuộc đàm phán ở Paris nhằm có thời
gian tiếp tục những “việc đã rồi”, đồng thời giúp Sài Gòn có thời gian tìm những
tên tay sai đứng ra cầm đầu “chính phủ tự trị” mà họ dự định nặn ra ở Nam kỳ.
Được sự khuyến khích của Paris, ngay sau cuộc hội kiến ở vịnh Hạ Long
với Chủ tịch Hồ Chí Minh (24.3) trở về, d’Argenlieu đã quyết định: tại Nam
kỳ, cứ phải tiến mạnh lên phía trước. Ngày 26.3, Hội đồng tư vấn Nam kỳ đã
chỉ định Nguyễn Văn Thinh đứng đầu “Chính phủ lâm thời Cộng hoà Nam kỳ”
và ngày 30.3, d’Argenlieu thông báo cho Hội đồng biết về dự án thành lập một
chính phủ lâm thời Nam kỳ gồm những thành viên bản xứ.
Ngày 7.4.1946, d’Argenlieu chỉ thị cho Valluy - tạm thay Sainteny: “Trong
tương lai gần kề, một chính phủ lâm thời của Nam kỳ sẽ thành lập... Tôi dự
đoán trước một tình hình phản kháng quyết liệt sẽ xảy ra ở Bắc kỳ... Dứt khoát
không thể nào tránh khỏi một sự lên án gay gắt việc vi phạm hiệp định của
chúng ta”. Ông ta nói thêm: “... Để giảm bớt khó khăn cho ngài (Valluy), tôi
nghĩ nên đợi ngày họp Hội nghị trù bị tại Đà Lạt hoặc ngày các nhà đàm phán
lên đường đi Paris để cho phép tuyên bố ra mắt Chính phủ lâm thời Nam kỳ...”

8
Ngày 7.1.1946, Pháp và Campuchia đã kí một Tạm ước (Modus-vivendi), đặt lại quyền lực của Pháp ở
Campuchia, đồng thời thiết lập chế độ tự trị nội bộ của Campuchia [1, tr.115-116].

32
Trong bức giác thư ngày 26.4 với tựa đề “Bước ngoặt chính trị tại Đông
Dương” của Cao uỷ gửi về Paris, ông ta khẳng định “Mục đích chính sách của
chúng ta, mục tiêu đầu tiên và xác định của sứ mệnh của tôi là lập lại chủ
quyền của nước Pháp [...]
“Đối với Nam kỳ thì nguy cơ của cuộc trưng cầu dân ý đang đè nặng. Khả
năng may mắn đạt được đa số tán thành chế độ tự trị – chủ yếu sẽ phụ thuộc, tại
xứ này, vào sự minh bạch trong đường lối chính trị của chúng ta...” Nhưng “từ
ngày 6.3, sự minh bạch ấy không còn nữa”. Từ đó ông ta đi đến kết luận rằng:
“Nếu như sau một cuộc trưng cầu dân ý không được chuẩn bị cẩn thận theo một
chính sách rõ ràng, quyền lực của nước Pháp bị loại bỏ ra khỏi Nam kỳ, thì thế
là cả Liên bang Đông Dương, và nói gọn là Đông Dương “đi đời”...” [Dẫn theo
63, tr.263-264].
Như thế, ngay từ đầu, Cao uỷ và cả chính phủ Pháp đã thực hiện nhiều biện
pháp để phá hoại hiệp định 6.3. Chính d’Argenlieu đã thừa nhận điều đó.
Ở miền Bắc, ngày 10.4, Valluy ban hành một chỉ thị, trong đó yêu cầu chỉ
huy trưởng các đơn vị đồn trú phải vạch ngay kế hoạch hành động nhằm “thay
đổi dần và biến dần cái màn kịch của một hành vi thuần tuý quân sự lúc đầu
thành màn kịch của một cuộc đảo chính” [63, tr.253]. Họ không thực hiện việc
ngừng chiến, không thực hiện tổ chức trưng cầu dân ý về việc thống nhất ba kỳ
ở miền Nam. Mưu đồ mở cuộc hội nghị trù bị ở Đà Lạt, trước khi tiến hành hội
nghị chính thức ở Paris, nhằm đặt cuộc thương lượng chính thức vào “việc đã
rồi”. Song âm mưu đó của thực dân Pháp đã bị phía Việt Nam bóc trần. Vì thế,
Hội nghị trù bị Đà Lạt đã hoàn toàn tan vỡ.
Ở Đông Dương, các hành động vi phạm, phá hoại hiệp định 6.3 của Pháp
diễn ra trắng trợn và ngày càng gia tăng. Tiếp tục âm mưu tách Nam kỳ ra khỏi
Việt Nam, ngày 1.8, trong khi Hội nghị Fontainebleau đang tiến hành, thì tại
Đà Lạt, d’Argenlieu triệu tập Hội nghị với sự tham gia của các đại biểu Lào,
Campuchia, Cộng hoà tự trị Nam kỳ.
Trước sự phản ứng của phái đoàn Việt Nam, chính phủ Pháp trở nên lúng
túng. Ngày 3.8, Bidault gửi điện yêu cầu d’Argenlieu “nên tránh quan trọng
hoá công việc của Hội nghị Đà Lạt”. Nhưng ngay từ ngày 2.8, d’Argenlieu đã
gửi thư cho chính phủ Pháp và một vài nhân vật khác, trong đó “ông bắt đầu

33
bộc lộ những mưu kế của mình”. Ông ta biện bạch rằng phải củng cố thêm lòng
tin ở nước Pháp của “những đám dân chúng Pháp và thổ dân Đông Dương”,
bởi vì, theo ông ta, “một khi lòng tin tưởng đó bị lung lay hoặc mất đi, thì
chúng ta chỉ còn việc là sửa soạn cuốn gói hoặc nghĩ đến một cuộc chinh phục
mới bằng vũ lực”. D’Argenlieu đề nghị “nếu Chính phủ (Pháp) thấy không thể
nào đảo ngược một cách cương quyết tiến trình sự việc, thì tốt hơn là nên tạm
ngưng công việc của Hội nghị Fontainebleau...”[Dẫn theo 63, tr.287].
Trong khi đó, các phái viên của d’Argenlieu ở Paris đẩy mạnh việc phá hoại
Hội nghị. Ngày 5.8, Torel trình bày trước Uỷ ban Liên bộ Đông Dương bản báo
cáo của Pignon, trong đó kết luận rằng: Việt Minh chuyển thành chính phủ Hà
Nội, không phải là một người đối thoại đủ tầm cỡ và nên giữ gìn, không nên
cam kết gì với họ.
Những báo cáo, kèm những lời “cảnh giác” của d’Argenlieu và các phụ tá
của ông đã chinh phục được các lãnh tụ chính trị tại Paris.
Hội nghị Fontainebleau không đem lại kết quả do những bất đồng về quan
điểm giữa hai bên. Sự bất đồng đó thể hiện ở chính sách thuộc địa của thực dân
Pháp luôn nhấn mạnh đến sự đồng hoá, sự phụ thuộc hoàn toàn của Việt Nam
vào Pháp.
Mặc dù đã căn bản đồng ý với d’Argenlieu, nhưng chính phủ Pháp cũng nhận
thấy việc cắt đứt mọi thương lượng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Trong bức thư cá nhân gửi d’Argenlieu, Moutet khẳng định: “... một sự đình chỉ
hội nghị có thể mang lại những hậu quả đáng sợ trong tình hình hiện nay. Mọi tin
tức đều chỉ ra cho tôi thấy tình thế của chúng ta hiện nay chẳng sáng sủa gì cho
lắm...”[63, tr.302]. Vì thế, Thủ tướng Bidault và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Moutet
đồng ý với gợi ý của Pignon về việc ký kết với Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó
đang ở Pháp) những hiệp định hạn chế giải quyết một vài vấn đề cấp bách.
Để cứu vãn tình hình, nhằm có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng
chiến chắc chắn sẽ xảy ra, Hồ Chí Minh đã ký với Moutet bản Tạm ước
14.9.1946, nhân nhượng cho Pháp một số điểm về kinh tế và các vấn đề khác.
Đó cũng là giới hạn nhân nhượng cuối cùng của Việt Nam.

34
Sau khi ký Tạm ước 14.9, phía Việt Nam cố gắng thực hiện một cách nghiêm
túc. Điều này đã được chính d’Argenlieu thừa nhận trong báo cáo gửi Moutet
sau cuộc gặp Hồ Chí Minh ở vịnh Cam Ranh (18.10). Ông đô đốc nhận xét: “...
Dù sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong
một thời gian, sẽ tìm thấy ở sự giao hoà với nước Pháp một sự củng cố lại các
kết quả đã giành được và bước đầu của những tiến bộ mới”[Dẫn theo 63, tr.321].
Ngày 6.11, d’Argenlieu nhấn mạnh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công
khai xác định lập trường của mình là thực hiện Tạm ước và sự cần thiết phải
đổi mới và củng cố tình hữu nghị Pháp – Việt.
Chính phủ Pháp, do những khó khăn ở trong nước và Đông Dương, đã chấp
nhận ký Tạm ước, thấy rõ những lợi ích từ việc ký kết này9, nên đã chỉ thị cho
d’Argenlieu thi hành. Chỉ thị ngày 21.9 của Moutet cho D’Argenlieu cũng nói
rõ thêm vì sao cần phải thi hành Tạm ước: “Thực tế, chúng ta không được phép
tính đến một chính sách vũ lực với hy vọng thành công vì khả năng quân sự
hiện nay và sau này của ta có hạn”[ Dẫn theo 45, tr.98].
Dù Paris đã quyết định tạm thời hoà hoãn, nhưng đô đốc và êkíp của ông ở
Đông Dương vẫn không chịu chấp nhận. Ngày 14.10, tướng Valluy gửi báo cáo
cho d’Argenlieu, đề nghị: “... đừng bằng lòng với việc chế ngự các cuộc tấn
công của bọn phiến loạn (chỉ VNDCCH), mà trái lại phải thực hiện một áp lực
thật căn bản đối với bọn phiến loạn ấy bằng cách chủ động mở những chiến
dịch quy mô tại Hà Nội và tại Trung kỳ”[Dẫn theo 63, tr.323].
Đề nghị của Valluy được d’Argnlieu đồng tình và ngay ngày 19.10 liền gửi
cho Bidault và tướng Juin một bức điện mật. Ông nêu giả thiết về một hành
động bạo lực của chính phủ Hà Nội, từ đó yêu cầu chính phủ Pháp cần chuẩn bị
phương tiện (thành lập sư đoàn 10.000 người) để sẵn sàng một sự “trả đũa” tức
thời tại Hà Nội và Trung kỳ [Dẫn theo 63, tr.325-327].
Được sự đồng ý của Cao ủy, Valluy cấp tốc bắt tay vào chuẩn bị thực hiện
cú “trả đũa”. Ngày 21.10.1946, tại Hải Phòng, quân Pháp lợi dụng buổi tiếp
đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về và sự thiếu cảnh giác của ta, bất ngờ
chiếm đóng các công sở, mặc dù lực lượng quân đội Việt Nam đã được lệnh đề
phòng để tránh xảy ra khiêu khích.

9
Xem: Ph.Devillers, sđd, tr 317 - 320

35
Ngày 25.10, d’Argenlieu gửi một bức thư cho các chỉ huy của Pháp tại
Đông Dương, nói rõ không che dấu mưu đồ của ông ta: “Chúng ta hãy chuẩn bị
sẵn sàng để đối phó khi cần, kể từ tháng giêng năm 1947, với một sự tái diễn
chiến sự, bằng một hành động bạo lực nhằm vô hiệu hóa Chính phủ Hà Nội về
chính trị cũng như về tinh thần, và nhờ đó tạo thuận lợi cho công cuộc bình
định miền Nam”[Dẫn theo 63, tr.329].
Ngày 30.10, một “đặc lệnh” của chỉ huy Trung đoàn thuộc địa Maroc (RICM)
tại Bắc kỳ nêu rõ: “Tình hình vẫn không ổn định, nên chúng ta có thể bắt buộc
phải can thiệp một cách khẩn trương và chủ động bất cứ lúc nào” [63, tr.328].
Kết quả bất lợi của cuộc bầu cử ở Pháp càng thúc đẩy d’Argenlieu và êkip của
ông ta đẩy mạnh hành động nhằm chi phối được chính phủ mới, buộc chính phủ
phải nhúng tay vào vấn đề Đông Dương và tránh khỏi bị khiển trách, đồng thời
phải hành động làm sao để tạo ra được ở Việt Nam một sự “căng thẳng tích cực”.
Nói cách khác là tạo ra cái cớ để “trả đũa” Việt Nam và đặt chính phủ mới của
Pháp vào thế đã rồi. Màn kịch “cuộc đảo chính” được các giới chức Pháp ở Đông
Dương cấp tốc thực thi, mở đầu bằng kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng.
Ngày 20.11 xảy ra vụ xung đột thuế quan ở Hải Phòng. Các nhà nghiên cứu
Pháp đều có đề cập đến sự kiện này. Hầu hết trong số họ đều giữ quan điểm
cho rằng vụ rắc rối ấy là do việc tự vệ Việt Nam đã nổ súng vào một tàu tuần
tra của Pháp đang bắt giữ một thuyền buôn lậu của Trung Quốc, và quân Pháp
đã nổ súng đánh trả.
Sự thực, đó là một chiếc tàu của Trung Quốc đã được phía Việt Nam cấp
phép hoạt động. Hành động của quân Pháp (khám xét tàu) là vi phạm trắng trợn
chủ quyền thuế quan của Việt Nam cũng như những điều khoản đã ghi trong
Hiệp định 6.3 và Tạm ước 14.9.
Ngay khi sự việc xảy ra, phía Việt Nam đã thi hành mọi biện pháp để thực
hiện việc ngừng bắn. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trưởng ban liên kiểm Việt – Pháp,
Hoàng Hữu Nam - đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Lami (Cố vấn chính
trị của Morlière) và sau đó là đại tá Heckey (Chỉ huy khu vực Hà Nội). Tuy
nhiên, những cố gắng đó của phía Việt Nam đã bị phá tan bởi đại tá Dèbes, chỉ
huy quân Pháp ở Hải Phòng, có sự hậu thuẫn của Valluy và d’Argenlieu.
P.Devillers khẳng định rằng: “người ta sẽ điều đình và khó khăn lắm mới đạt
tới một quyết định ngừng bắn. Nhưng việc thi hành lệnh ngưng bắn tỏ ra khó

36
lòng thực hiện do thái độ rất láo xược của viên sỹ quan chỉ huy căn cứ Hải
Phòng, đại tá Dèbes... Ông ta (Dèbes) cảm thấy được sự che chở của Sài Gòn,
tức là của tướng Valluy”[63, tr.345].
Tướng Morlière, quyền Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc kỳ, cũng thừa nhận
rằng trong sự kiện Hải Phòng, có mặt những kẻ “chuyên phát động những vụ
rắc rối”. Báo cáo của Morlière ngày 10 tháng giêng năm 1947, khi nói về vụ
việc ở Hải Phòng ngày 20.11.1946, đã khẳng định “Trong vụ này hình như
ngẫu nhiên người ta nhận thấy sự có mặt của ba nhân viên Phòng Nghiên cứu
và Tư liệu, một cơ quan không bao giờ không gây sự”[23, tr.47]. Điều đó cho
thấy, đây là một âm mưu có chuẩn bị của Pháp.
Rõ ràng quân Pháp đã khiêu khích, chủ động “gây rối” để chuẩn bị cho việc
chiếm lấy Hải Phòng. Những chỉ thị của Valluy sau đó, càng chứng tỏ điều này.
Valluy một mặt lớn tiếng vu cáo phía Việt Nam “khiêu khích”, rằng sự kiện Hải
Phòng “là một cuộc tấn công có mưu tính trước và chuẩn bị hết sức cẩn thận”
của Việt Nam. Mặt khác, ông ta chỉ thị cho Dèbes, ngày 22.11, “cần thiết phải
lợi dụng sự việc xảy ra để cải tiến vị trí của chúng ta ở Hải Phòng”, đồng thời chỉ
thị cho Morlière (và Dèbes) đòi “1- toàn lực lượng Việt Nam chính quy và bán
chính quy rút khỏi Hải Phòng; 2- quân đội Pháp được hoàn toàn tự do đóng trong
thành phố”[23, tr.52]. Điều kiện này, như chính Morlière khẳng định, là những
đòi hỏi quá mức. Trong bức điện của Morlière gửi Valluy ngày 22.11, ông ta
cảnh báo rằng, việc đó có nghĩa là “quyết xâm chiếm toàn thành phố, mà thôn
tính thành phố thì trước hết muốn tránh thiệt hại nặng nề, phải dùng trọng pháo
phá hủy một phần thành phố. Làm như vậy là đi đến chỗ hoàn toàn hủy bỏ hiệp
định 6.3 và tạm ước 14.9 và mở rộng gần như chắc chắn, chiến sự đến tất cả
mọi đồn bốt doanh trại của chúng ta trên đất Bắc kỳ” [23, tr.55].
Trước những lời cảnh báo đầy lo lắng của Morlière, Valluy chỉ thị thẳng
cho Dèbes: “Đã đến lúc phải dạy một bài học đích đáng cho những con người
đã phản bội tấn công chúng ta. Bằng mọi điều kiện có trong tay, ông phải hoàn
toàn làm chủ Hải Phòng”[23, tr.56].
Cũng trong ngày 20.11, quân Pháp gây hấn ở Lạng Sơn. Phía Pháp cho rằng
sự kiện này là do quân đội Việt Nam đã phục kích và làm hơn 10 người Pháp
thiệt mạng khi “một đơn vị có nhiệm vụ bốc hài cốt những binh lính Pháp bị

37
quân Nhật hành hình trong cuộc đảo chính”[67, tr.156]. Và “sự phản kháng của
quân Pháp đã dẫn tới kết quả là, cuối ngày hôm đó, họ đánh chiếm luôn mấy
điểm quan trọng ở Lạng Sơn và đuổi quân Việt Nam ra khỏi những điểm
này…”[Dẫn theo 63, tr.346]. Quả là một sự vu khống trắng trợn của bọn thực
dân đang mưu đồ cướp nước.
D’Argenlieu, khi đó đang ở Paris đã ra sức gây áp lực với chính phủ Pháp.
Ph.Devillers cho biết, sau khi về Paris, ông đô đốc đã thực hiện nhiều cuộc thăm
viếng. “Mục đích của ông ta giờ đây là che đậy về mặt chính trị, tại trung ương,
cuộc hành quân mà ông ta đã thoả thuận với Valluy sẽ tiến hành hôm nay đây, trước
khi chính phủ mới ở Pháp, được thành lập theo hiến pháp ngày 27.10, nhậm chức.
“Trong cuộc họp 23.11 của Uỷ ban Liên bộ Đông Dương, ông ta nhấn
mạnh sự do dự của chính phủ Pháp và gợi ý “Chính phủ hãy quyết định đình
chỉ việc thi hành Tạm ước 14.9”. Sau khi nghe d’Arrgenlieu báo cáo, Uỷ ban
Liên bộ Đông Dương đã đi đến kết luận: “ Nước Pháp quyết tâm ở lại Đông
Dương…”. Trong một cuộc họp sau đó, “Uỷ ban quyết định đáp ứng yêu cầu
của tướng Valluy và gửi viện quân sang Đông Dương với điều kiện là việc này
chỉ nhằm biểu hiện một cử chỉ sau những vụ rắc rối Hải Phòng. Trái lại, nếu nó
là bước giáo đầu cho một chính sách vũ lực ở Đông Dương, thì nó trở thành
đặc biệt nguy hiểm đấy”[63, tr.357].
Chính phủ Pháp vẫn không chấp thuận dùng “hành động vũ lực”. Tuy thế,
d’Argenlieu đã “bật đèn xanh” cho Valluy. Thi hành chỉ thị của Valluy, đại tá
Dèbes đã tiến hành thôn tính Hải Phòng. Ngày 23.11.1946, Dèbes phát động
cuộc đánh chiếm Hải Phòng. Đó là “cuộc oanh tạc nổi tiếng một cách đáng
buồn vào thành phố người bản xứ của trọng pháo hải quân và lục quân”[63,
tr.349]. Các dàn pháo đặt trên tàu chiến ngoài biển, pháo mặt đất, súng cối và
máy bay nã bom đạn vào khu phố người Việt ở nội thành và thị xã Kiến An,
phá trụi 1/3 nhà cửa khu phố Việt Nam và giết chết khoảng 6000 thường dân.
Tiếp đó, “Bộ chỉ huy Pháp cho chiếm toàn bộ Hải Phòng sau 5 ngày đánh
nhau”[64, tr.443]. Hải Phòng được coi như khúc dạo đầu cho việc quân đội
Pháp tái chiếm Bắc kỳ. D’Arrgenliieu – Valluy – Dèbes đã hoàn thành một
bước quan trọng trong việc chuyển từ “đối phó” thành màn kịch của cuộc “đảo
chính” mà họ đã dự định. Còn chính phủ Pháp, trước những thông tin sai lệch

38
do d’Arrgenlieu và Valluy báo cáo, cũng do quyền lợi thực dân của họ, đã đi
đến quyết định sử dụng mọi biện pháp, kể cả dùng sức mạnh, để thực hiện
quyết tâm ở lại Đông Dương. Chính phủ ấy, như nhận xét của Ph.Devillers, đã
“bị đánh lừa và mất phương hướng” [63, tr.350].
Quyết định dùng sức mạnh quân sự để chiếm toàn bộ Hải Phòng và Lạng
Sơn, Valluy (có sự hậu thuẫn của d’Arrgenlieu) chẳng thèm hỏi ý kiến của
chính phủ Pháp (hay đã đánh lừa được chính phủ Pháp), đã lao mình vào cuộc
phiêu lưu và lao cả nước Pháp theo mình. Chính Valluy sau này sẽ phải thừa
nhận, vào năm 1967, rằng ông ta “hối tiếc về những sai lầm phạm phải vào
tháng 11.1946”, và rằng “Tôi (Valluy) không bao giờ che dấu trách nhiệm của
tôi trong cái mà người ta gọi là vụ Hải Phòng tháng 11.1946… Nhưng những
quyết định mà ngày hôm nay với sự hiểu biết các sự kiện nối tiếp, với khoảng
thời gian lùi lại, tôi xem như là những sai lầm hoen ố”[Dẫn theo 78, tr.40]. Lời
“sám hối” ấy của Valluy, tác giả chính của kịch bản Hải Phòng 11.1946 đã giải
đáp rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai. Nhưng điều đó đã quá muộn. Vào thời
điểm cuối năm 1946, bộ ba d’Arrgenlieu - Valluy - Dèbes và những người
Pháp khác, đã bác bỏ hoàn toàn những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Chính phủ Việt Nam về việc nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết những rắc
rối đó. Họ đã quyết định dứt khoát: phải dùng sức mạnh vũ khí. Và việc Valluy
phái Sainteny ra Hà Nội (ngày 2.12) chắc chắn không nhằm mục đích dàn xếp
những bất đồng. Điều này phần nào bộc lộ rõ, dù nó được che dấu bằng rất
nhiều từ ngữ, trong chỉ thị của Valluy cho Sainteny khi ông này ra Hà Nội: “…
Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra cố chấp, không chịu nhượng bộ (thực chất
là chấp nhận sự đầu hàng theo những yêu sách của Pháp), thì hãy để cho ông ấy
chủ động cắt đứt…”[Dẫn theo 63, tr.368].
Một mặt, Valluy tìm mọi cách ngăn chặn, làm chậm lại, chỉnh sửa và xuyên
tạc nội dung những đề nghị mà Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ Việt Nam gửi
cho các nhà chức trách Pháp. Mặt khác, ông ta tiếp tục gây sức ép, đặt điều
kiện cho Paris để được “bật đèn xanh” cần thiết (tăng viện) cho việc tiến hành
chiến dịch quân sự ở Việt Nam. Bởi chính ông ta cũng nhận thấy, lúc này quân
số không cho phép Pháp giải quyết tại Bắc kỳ những vấn đề quân sự sẽ nảy sinh
cùng một lúc nếu như một cuộc xung đột chung xảy ra. Ông ta cho rằng cần phải
chờ cho đến khi quân đội tăng cường đến vào khoảng giữa tháng 1 năm 1947.

39
Cuộc khủng hoảng Nội các ở Pháp làm cho những sự kiện diễn ra nhanh
hơn dự kiến. Ngày 16.12, Léon Blum lập Nội các xã hội thuần nhất và ngày
17.12 được Quốc hội Pháp thông qua. Ngày 17.12, Blum tuyên bố sẽ tổ chức
một cuộc thảo luận về vấn đề Đông Dương. Tin này đã dồn các nhà chức trách
Pháp ở Sài Gòn vào chân tường. Theo họ, giờ quyết định đã điểm. Họ phải
hành động gấp để tránh nguy cơ một cuộc điều tra của Paris về cái mà người ta
gọi là cuộc âm mưu của bộ ba d’Arrgenlieu – Valluy – Pignon. Họ cho rằng giờ
đây không còn hy vọng được Paris bật đèn xanh nữa. Vì thế cần phải thúc
nhanh mọi chuyện lên để cho “những điều kiện của một cuộc đối phó”(tức là
cuộc tấn công của Việt Nam) xảy ra càng sớm càng hay. Phải cấp thiết gây ra
một vụ đổ vỡ trong quan hệ giữa hai bên, nhưng bằng cách nào để có thể quy
trách nhiệm gây ra cho phía Việt Nam. Để tìm giải pháp, ngày 16.12, Valluy đã
triệu tập một “cuộc họp bí mật của các quan chức cao cấp Pháp ở Đông
Dương” tại Cát Bi (Hải Phòng). Thành phần gồm có Sainteny, Morlière, Dèbes,
Borel và Moret [51, tr.39 - 42]. Về cuộc họp này, Ph.Devillers cho biết “không
có biên bản tổng kết gì về cuộc họp ngày 16.12 đó và các thành viên đã tham
gia cuộc họp cũng chẳng bao giờ nhắc nhở gì về nó cả. Nhưng kết quả thì ngay
hôm sau, 17.12, sẽ được nói đến. Vấn đề bây giờ là thúc ép Việt Minh đến mức
độ làm cho họ mất hết cả kiên nhẫn, lao vào một hành động bạo lực và như vậy
cung cấp cho chúng ta cái duyên cớ đang mong muốn. Vấn đề cũng còn là chuẩn
bị sự kiện về mặt chính trị bằng cách chứng minh rằng không còn có lối thoát nào
khác nữa” [Dẫn theo 63, tr.403].
Để làm cho Việt Minh phải hành động, Valluy đã tìm cách ngăn chặn mối
quan hệ trực tiếp của Chính phủ Hồ Chí Minh với Paris. Ngày 15.12, Hồ Chí
Minh nhờ Sainteny chuyển một bức điện quan trọng đến Chính phủ Pháp.
Nhưng Valluy đã giữ lại, đến 18.12 mới cho chuyển đi (kèm theo những lời
bình luận “tiêu cực” và “chua chát”), ngày 20.12 mới tới Paris.
Ngày 16.12 Valluy yêu cầu Morlière tìm cách dỡ bỏ các chướng ngại vật để
xe bọc thép có thể đi lại tự do. Ngày 17.12, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh dọn sạch
những chướng ngại vật10. Một xe tải của Pháp “bị tấn công” và quân Pháp đã

10
Tuy nhiên, theo báo cáo của Morlière, “trừ những cố gắng đắp ụ trong những ngày 17 và 18.12 (Tức sau khi
có các cuộc tấn công và thảm sát của quân Pháp ở khu Hàng Bún đã nói ở trên - HVT), ở Hà Nội chỉ có ụ đắp ở
khu người bản xứ (Việt Nam) và những ụ đó không gây khó khăn cho hành động của quân đội Pháp ở khu
người Pháp” [23, tr. 67].

40
“trả đũa”. Kết quả là “một đồn tự vệ (của Việt Nam) bị triệt hạ, truy quét ở khu
phố lân cận, sau đó là một loạt các vụ xung đột xảy ra trong thành phố”. Ngày
18.12, quân Pháp đã “phản công” làm “ngót 30 người Việt Nam chết và bị
thương” sau khi “một nhóm quân Pháp nhảy dù đi thăm dò tìm kiếm xác một
người bạn bị mất tích hôm 12 (?), đã bị ném lựu đạn”. Còn buổi chiều hôm đó
(18.12) thì “lệnh chiếm đóng Bộ Tài chính và Bộ Giao thông” là những nơi
“hình như có những tiếng súng bắn ra từ đó” [63, tr.405].
Sự thực là “Bộ chỉ huy Pháp từ ngày 17 cho bộ binh, cơ giới, lính dù đi các
khu cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, Cửa Đông, Yên Ninh,… ủi các ụ chiến
đấu, nhổ các hàng rào chướng ngại, đánh người cướp của, thậm chí càn quét
khu Hàng Bún, gây nên một vụ tàn sát người già, phụ nữ, trẻ em cực kì man rợ,
chiếm đóng cả Bộ Tài chính, Bộ Giao thông…” [45, tr.110].
Những nỗ lực của Hồ Chí Minh bị Sài Gòn xuyên tạc và ngăn cản hết mọi
sự đối thoại. Ngày 18, Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Blum nhưng bị Sài
Gòn chặn lại. Sainteny khước từ lời đề nghị của Hồ Chí Minh về việc trao đổi
với Hoàng Minh Giám vào chiều 19.12.
Ngày 19.12, Morlière gửi cho chính phủ Việt Nam một bản tối hậu thư yêu
cầu giải tán lực lượng tự vệ và trao quyền kiểm soát thủ đô cho Pháp. Việc
quân Pháp đòi Việt Minh giải tán lực lượng dân quân “chẳng khác nào một yêu
sách buộc họ phải đầu hàng”[69, tr.28]. Nhân dân Việt Nam không thể nhân
nhượng thêm được nữa.
Tối 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam đọc
lời kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Cuộc xung đột đã bùng
nổ trên phạm vi toàn quốc.

Tiểu kết
1. Đông Dương là một trong những thuộc địa có vai trò quan trọng đối với
nước Pháp. Vì thế, ngay trong khi chiến tranh thế giới đang diễn ra vô cùng ác
liệt, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, các giới cầm quyền Pháp vẫn luôn
quan tâm đến vấn đề Đông Dương. Qua các công trình của người Pháp có thể
nhận thấy cả chính phủ thân Đức do Pétain cầm đầu và lực lượng kháng chiến lưu
vong Pháp do De Gaulle đứng đầu đều tìm cách duy trì vị trí của Pháp ở Đông
Dương. Mặc dù có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, song ngay từ sớm, tướng De

41
Gaulle luôn sẵn sàng chuẩn bị cho việc tái khôi phục địa vị thống trị của Pháp tại
thuộc địa này. Trong các phát biểu của De Gaulle cũng như các nhân vật cao cấp
của Pháp khi đó, Đông Dương luôn là một bộ phận quan trọng, không tách rời
khỏi Liên hiệp Pháp. Đặc biệt, từ năm 1943, “Nước Pháp tự do” (sau đó là “Nước
Pháp chiến đấu”) đã trù tính việc thành lập các đạo quân viễn chinh chuẩn bị tái
chiếm Đông Dương khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Ngày 2.9.1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố độc lập. Phủ
nhận tất cả những gì đang diễn ra tại Việt Nam, chính quyền De Gaulle ngoan
cố tìm cách đặt lại nền thống trị ở Đông Dương. Với De Gaulle, chỉ có một
quan điểm duy nhất: “khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương”, bởi nước Pháp
luôn là “người mạnh nhất”. Vì vậy, ngày 23.9.1945, quân Pháp nổ súng tại Sài
Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, nhằm phục
hưng đế quốc thực dân Pháp. Tiếp sau đó, chính phủ Pháp và các đại diện của
họ ở Đông Dương từng bước phá hoại việc thi hành những hiệp ước đã ký kết
với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946 và Tạm
ước 14.9.1946). Họ luôn khiêu khích, gây hấn để tìm cớ thực hiện cuộc tấn
công quân sự, nhằm tiêu diệt Chính phủ Việt Nam và lập lại nền thống trị thực
dân của Pháp. Việc thành lập chính phủ Nam kỳ tự trị (1.6.1946), đánh chiếm
Hải Phòng (20.11.1946) và gửi tối hậu thư đòi chính phủ Việt Nam trao quyền
kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho Pháp (18.12.1946) là những hành động gây hấn
với mức độ ngày càng gia tăng của quân Pháp. Tất cả những hành động đó nằm
trong âm mưu của Bộ chỉ huy Pháp “thúc ép Việt Minh đến mức độ làm cho họ
mất hết cả kiên nhẫn, lao vào hành động bạo lực và như vậy cung cấp cho
chúng ta cái duyên cớ đang mong muốn”.
Dựa trên tư liệu lịch sử, nhất là những hồ sơ lưu trữ của Pháp, các nhà
nghiên cứu lịch sử (trong đó có nhiều người Pháp) đã lột bỏ tấm mặt nạ và bóc
trần những “tính toán”, mưu đồ của chính quyền thực dân Pháp. Họ đã chứng
minh và khẳng định rằng, cuộc chiến tranh Đông Dương “không phải do ngẫu
nhiên; mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai” của một vài người mà
sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan “cận thị” chưa từng có trong lịch sử nước
Pháp. Một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã châm
ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp...” [63, tr.31].

42
Chương 2
VỀ QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN CỦA CHIẾN TRANH

2.1. Hoạt động quân sự và chính trị của thực dân Pháp trong giai đoạn
1946-1950
2.1.1. Thực dân Pháp lao sâu vào chiến tranh Đông Dương
20 giờ ngày 19.12, tiếng súng ở Hà Nội mở đầu cho cuộc chiến tranh trên
toàn cõi Việt Nam. Những bức điện của Sài Gòn gửi Paris từ mờ sáng ngày
20.12 cho biết:
“1. Trong thành phố Hà Nội, hai phút sau khi tắt điện, cuộc tấn công có vũ
khí tự động và súng cối yểm trợ đã diễn ra khắp mọi khu vực;…
“2. 22 giờ 30, trại lính (Pháp) ở Hải Dương bị tấn công trong trường hợp
tương tự. 1h30 sáng, Phủ Lạng Thương bị tấn công. Bắc Ninh bị tấn công giữa
2h và 2h30; Cầu Ghềnh lúc 5h…
“Tại Hà Nội, cuộc chiến đấu đã trở nên rất ác liệt… Các cuộc chiến đấu vẫn
tiếp tục trong lòng Hà Nội, nơi quân Pháp có tiến nhưng tình thế vẫn mập mờ…”
Theo bức điện ngày 21 thì, “thương vong quân lính (Pháp) tính đến hết
ngày 20 là 30 người chết” [63, tr.223].
Vậy là âm mưu của thực dân Pháp tiến hành cuộc “đảo chính”, định bắt gọn
Chính phủ Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thất bại. Quân Pháp dù không hoàn toàn
bất ngờ nhưng vẫn lúng túng trước cuộc tấn công đồng loạt ở khắp các thành
phố lớn của quân dân Việt Nam. Chúng không thể nào thực hiện được việc “vô
hiệu hóa chính phủ Hà Nội về chính trị cũng như về tinh thần” bằng một hành
động bạo lực như đã dự tính. Hành động gây chiến của chúng đã được trả lời
bằng cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam.
Không chỉ ở miền Bắc, mà ở miền Nam – nơi quân Pháp cho là đã bình định
xong và dựng lên được một chính phủ bù nhìn Nam kỳ tự trị - tình hình cũng
không sáng sủa hơn. Quân dân Việt Nam vẫn luôn tiến hành các cuộc tấn công
quân Pháp ở khắp nơi. Tại đây, quân Pháp làm chủ tình hình vào ban ngày, còn
ban đêm thì ngược lại. Tác giả Jean-Marie d’Hoop cho biết, “ở miền Nam, sự
yên ổn ngự trị ban ngày, nhưng sự khủng bố bao trùm vào ban đêm”[52, tr.145].
Tình hình đó khiến cho Pháp không thể đưa lực lượng ở miền Nam ra tăng viện

43
cho quân đội ở miền Bắc. Theo tướng Salan “những tuần lễ khó khăn bắt đầu”.
Còn các ký giả Pháp và phương Tây có mặt tại Đông Dương cuối năm 1946 thì
cho rằng quân Pháp đã “đâm đầu vào một tổ ong bầu vẽ”. Đó là cuộc chiến tranh
tự vệ của cả một dân tộc, một cuộc chiến tranh “sẽ làm cho quân đội Pháp kiệt
sức, sẽ làm cho nước Pháp trải qua một thời gian dài không ngóc đầu lên được”
như tướng Leclerc đã từng dự đoán [Dẫn theo 75, tr.136].
Tình hình ở Đông Dương cuối năm 1946 đầu năm 1947 được tướng Leclerc
đánh giá khá đầy đủ và chính xác trong báo cáo của ông ta sau khi tiến hành
cuộc thanh tra quân sự tại Đông Dương: “với những phương tiện có hiện nay
[…], Bộ chỉ huy Pháp không thể đánh được một trận nào gọi là quyết định”
[63, tr.447]. Leclerc khẳng định: “mong muốn giải quyết đồng thời cả ở Trung
– Nam – Bắc là một điều ngông cuồng, một điều không thể làm được”. Ông ta
cho rằng, “không thể giải quyết được vấn đề Đông Dương chỉ bằng các cuộc
hành binh. Giải pháp quân sự phải gắn với các nỗ lực về chính trị”. Leclerc
nhận thấy “ở đây có nhiều người (Pháp) tưởng rằng cứ việc lấp đầy hố những
xác người là người ta có thể dựng lại nhịp cầu nối liền Việt Nam với Pháp”
[Dẫn theo 63, tr.446]. Về so sánh lực lượng, Leclerc cho rằng với quân số
đông, vũ khí nhiều và thường xuyên được cải tiến, đối phương có thể chiến đấu
lâu dài. Cuối cùng, ông ta đi tới kết luận: “đứng trước một tình hình như vậy,
thì giải pháp dĩ nhiên sẽ phức hợp và chắc chắn là phải kéo dài, chỉ có thể là
một giải pháp chính trị: Năm 1947, Pháp sẽ không dùng nổi vũ khí để nén một
tập hợp đông hàng 24 triệu người đang lớn mạnh lên…”[Dẫn theo 63, tr.447].
Rõ ràng, Leclerc đã phần nào thấy được những khó khăn của quân Pháp, thấy
được sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam đang một lòng tập hợp xung quanh
chính phủ Hồ Chí Minh. Tiếc rằng Chính phủ Pháp đã không có được những
giải pháp đúng đắn (thực thà công nhận Chính phủ Việt Nam và nền độc lập của
Việt Nam), mà trái lại, vẫn ngoan cố theo đuổi chính sách xâm lược của mình.
Tuy thế, ngay từ đầu, chính sách của Pháp về vấn đề Đông Dương đã luôn
thể hiện sự bất đồng sâu sắc, và người ta chưa bao giờ thống nhất được với
nhau về vấn đề này. Ở Sài Gòn, Cao ủy d’Argenlieu lo lắng theo dõi diễn biến
hoạt động quân sự ở miền Bắc. Trên bình diện quân sự, tình hình của Pháp
chưa được khôi phục rõ ràng. Họ còn đang phải vật lộn với cuộc chiến ở hầu

44
khắp các đô thị miền Bắc. Ông Cao ủy hiểu rằng, một cuộc tái chinh phục cuối
cùng sẽ không giải quyết được cái gì “vì chính quốc không cho kinh phí, vì dư
luận quốc tế sẽ lên án”. Ông ta cũng hiểu rằng “năm 1947, tái lập chế độ thuộc
địa của năm 1939 là điều bất khả. Sức mạnh của vũ khí, dù có sử dụng không
giới hạn, cũng không sao đạt tới được mục đích”[Dẫn theo 63, tr.465].
Vậy là, cần phải tìm giải pháp chính trị và phải tiến hành các giải pháp
chính trị song hành với việc đẩy mạnh hoạt động quân sự. Nhưng giải pháp
chính trị ở đây là gì? D’Argenlieu bác bỏ hoàn toàn ý định tiến hành các cuộc
thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh, theo ông, điều đình có nghĩa là một
sự đầu hàng. Bởi vì, mặc dù ông ta đã dùng nhiều biện pháp để xóa bỏ uy tín
của chính phủ ấy, thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng từ “Việt Nam”, thì ông ta
vẫn phải thừa nhận rằng, không chỉ ở miền Bắc mà cả ở miền Nam, uy tín của
chính phủ Hồ Chí Minh vẫn rất lớn. Theo d’Argenlieu, cần phải tìm được
những nhân vật có đủ khả năng làm đối trọng với Hồ Chí Minh và Việt Minh
để “chuyển cuộc xung đột của chúng ta (Pháp) với Việt Minh, thành cuộc xung
đột nội bộ của người Annam”[63, tr.457]. Nhưng khốn nỗi, ông ta tìm mỏi mắt
cũng không thể thấy một nhân vật nào có khả năng làm được điều đó, ngoài
một số nhân vật “có thể làm bộ trưởng”. Và rồi, ông ta cho rằng giải pháp tốt
nhất là quay lại chế độ quân chủ. Theo Cao ủy, “nếu nghiên cứu vấn đề đến nơi
đến chốn, chúng ta sẽ phải tự đặt cho mình câu hỏi: cái hình thức chính trị có khả
năng được hưởng thế đặc quyền của sự hợp pháp, phải chăng chính là chế độ
quân chủ truyền thống, cái chế độ trước ngày Nhật đầu hàng ấy?”. Theo ông “…
sự trở lại của nhà vua chắc chắn sẽ có tác dụng làm yên lòng những kẻ đứng về
phe chống đối Việt Minh và sợ bị lên án là những con người phản bội”[Dẫn theo
63, tr.469-470].
Vì thế, d’Argenlieu liên tục gửi các giác thư yêu cầu chính phủ Pháp chấp
nhận các giải pháp về vấn đề Đông Dương do ông ta đề xuất, thậm chí đe dọa
nếu chính phủ sắp tới hướng theo con đường tiếp xúc trở lại với Hồ Chí Minh
thì ông ta sẽ xin từ chức.
Ở Paris, chính phủ mới của Pháp (Chính phủ của Ramadier thành lập ngày
22.1.1947) nhận thấy những yêu cầu của d’Argenlieu “có thể sẽ bắt buộc chúng
ta (Pháp) phải tiếp tục vô tận một cuộc chiến tranh với chính nhân dân, chứ

45
không phải chỉ với một chính phủ, một cuộc chiến tranh mà sự kéo dài sẽ đem
lại bao nhiêu là tai họa” [63, tr.474 - 475]. Chính phủ Pháp cảm thấy bị “quấy
rầy” trước những yêu cầu liên tục của d’Argenlieu. Vì thế, những lời “đe dọa”
của Cao ủy đã được chính phủ Pháp coi như một lá đơn từ chức. Ngày
5.3.1947, Hội đồng Nội các Pháp đã thảo luận và quyết định cử Bolaert – một
quan chức dân sự - thay thế d’Argenlieu giữ chức Cao ủy Đông Dương.
Về phía Việt Nam, sau khi phát động cuộc kháng chiến toàn quốc
(19.12.1946) làm thất bại âm mưu đảo chính của quân Pháp, cơ quan Trung
Ương Đảng, Chính phủ đã rời lên Việt Bắc, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn để ngỏ khả năng
điều đình thương lượng với Pháp. Ngày 21.3.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu
cầu chính phủ Ramadier cho biết chính sách đối với Việt Nam và khẳng định
“Chỉ cần nước Pháp tuyên bố một lời (công khai và thẳng thắn tuyên bố thừa
nhận sự thống nhất và nền độc lập của Việt Nam và cam kết thi hành đường lối
chính trị đó - HVT) là chiến sự lập tức chấm dứt…”. Tiếp đó, ngày 19.4, Chính
phủ Việt Nam lại đề nghị cụ thể với Paris là hãy ngưng chiến và ngồi lại vào
bàn đàm phán.
Nhưng Chính phủ Pháp, như nhận xét của Devillers “có lẽ đã không chọn
chiến tranh, nhưng chắc chắn nó đã không chọn hòa bình. Nó dấn thân, gần như
một cách vụng trộm, trên cơ sở những thông tin không đầy đủ, tệ hơn nữa là
những thông tin giả mạo, vào một cuộc phiêu lưu hứa hẹn kéo dài, tước đoạt và
tốn kém”[63, tr.483]. Ramadier đã che dấu dư luận công chúng Pháp và cả
những Bộ trưởng cộng sản những đề nghị của Hồ Chí Minh. Ông ta đồng ý cho
Bolaert và Valluy đặt ra những điều kiện hết sức hà khắc cho cuộc ngưng chiến.
Bolaert đã cử Paul Mus lên “thăm dò” chính phủ Hồ Chí Minh, thực tế là đưa ra
tối hậu thư buộc chính phủ Việt Nam phải đầu hàng11. Trước những yêu sách của
Pháp, Hồ Chí Minh đưa ra một câu trả lời, đã đi vào lịch sử “Nếu chúng tôi chấp
nhận những điều kiện đó, chúng tôi sẽ là những kẻ hèn nhát. Trong Liên hiệp
Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát” [Dẫn theo 63, tr.486].
11
Trong cuộc gặp tại Thái Nguyên, Paul Mus đã chuyển thông điệp miệng của Cao uỷ Pháp, trong đó nêu 4
điều kiện để ngừng bắn: 1- Quân đội Việt Nam giao nộp vũ khí cho Pháp; 2- Quân đội Pháp được tự do đi lại
trên đất nước Việt Nam; 3- Chính phủ Việt Nam phải trao trả lại cho Pháp tất cả những người đã bị bắt; 4-
Chính phủ Việt nam phải trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang phía Việt Nam [Dẫn Theo
48, tr.101]

46
Cuộc gặp gỡ mà Paul Mus tiến hành thực chất chỉ là một hành động nhằm che
đậy cho âm mưu của thực dân Pháp, nhằm tránh sự lên án của dư luận. Ngay lập
tức phía Pháp đã lợi dụng lời từ chối “đầu hàng” của Hồ Chí Minh để một mặt tìm
kiếm những người thay thế, mặt khác đẩy mạnh việc chuẩn bị cho một cuộc tấn
công quy mô lớn nhằm bắt sống Hồ Chí Minh và chính phủ của ông.
2.1.2. Về chiến dịch Việt Bắc năm 1947
Cuộc chiến tranh lan rộng ra khắp cả nước Việt Nam khiến cho quân đội
Pháp ở Đông Dương ngày càng bị dàn mỏng và dễ bị tiêu diệt. Ở Paris, giới
cầm quyền Pháp nhận thấy những khó khăn chồng chất của nước Pháp không
cho phép họ kéo dài cuộc chiến tranh quá hao người tốn của. Tình hình nước
Pháp đòi hỏi họ phải nhanh chóng đánh một đòn quyết định nhằm tiêu diệt lực
lượng kháng chiến Việt Nam, kết thúc giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh
xâm lược cổ truyền – giai đoạn chiếm đóng, tạo điều kiện tập hợp bọn tay sai,
lập chính phủ bù nhìn, thực hiện giai đoạn thứ hai: giai đoạn bình định.
Để thực hiện mục tiêu này, cần phải có những người am hiểu Việt Nam. Vì
thế, tháng 5 năm 1947, chính phủ Pháp đã quyết định cử tướng Salan sang thay
Dèbes. Nhiệm vụ của Salan là đưa các đơn vị quân Pháp lên vùng biên giới Bắc
kỳ, nhằm đè bẹp lực lượng kháng chiến của Việt Minh và bịt kín biên giới với
Trung Quốc.
Tháng 7.1947, tướng Salan đã dự thảo một kế hoạch hành động với mục
đích “phá huỷ khu đầu não kháng chiến của Việt Minh được xác định ở trong
vùng Bắc Kạn, Chiêm Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên”[53, tr.320].
Mùa thu năm 1947, Valluy trình bày với Ramadier về sự cần thiết phải “gây ra
một thứ nội chiến giữa người Việt Nam với nhau”. Valluy cho rằng cần phát động
một cuộc tấn công đại quy mô "nhằm vô hiệu hóa, thậm chí bắt sống cả chính phủ
Hồ Chí Minh để có thể điều đình ở thế mạnh với Bảo Đại, và tiến hành thành lập,
dưới sự che chở của ông ta, một chính phủ Việt Nam được Pháp công nhận và
chống lại các lãnh tụ Việt Minh đã trở thành phản loạn” [Dẫn theo 63, tr.487].
Để thực hiện cuộc tấn công lên Việt Bắc, theo trù tính của Valluy và Salan,
cần phải dùng lực lượng khoảng 20.000 quân. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ
quan tham mưu Pháp, bước vào mùa khô năm 1947, toàn bộ lực lượng chiếm
đóng và cơ động chiến lược của Pháp trên chiến trường bắc Đông Dương chỉ gồm

47
khoảng 20 tiểu đoàn. Để tìm lối thoát, tháng 7.1947 Valluy về Pháp xin thêm quân
tăng viện. Nhưng do khó khăn, Chính phủ Pháp chỉ cho phép tập trung lực lượng
chừng 12.000 quân để tiến hành chiến dịch trong vòng 3 tháng, với điều kiện sau
khi kết thúc phải điều trả ngay về chính quốc lực lượng cần thiết để chính phủ gửi
sang Madagascar, là nơi đang bùng lên cuộc khởi nghĩa chống Pháp .
Trở lại Đông Dương, Valluy đành phải rút bớt lực lượng ở chiến trường
miền Nam để đưa ra Bắc nhằm đáp ứng yêu cầu của Salan.
Sau khi đã được bổ sung quân số, Salan đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch
tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc mang tên CloClo. Bộ chỉ huy Pháp dự định
mở màn chiến dịch vào 7.10.1947 và cho rằng chỉ cần thực hiện bước 1 của
chiến dịch (mang mật danh Léa) là có thể giành được mục tiêu đề ra.
Ngày 7.10.1947 kế hoạch diễn ra theo đúng dự định, mở đầu bằng việc
nhảy dù xuống Bắc Kạn vào sáng 7.10.
Về phía Việt Nam, từ tháng 6 và tháng 9.1947, các hội nghị quân sự của ta
đã đề ra công tác chuẩn bị tác chiến. Tuy nhiên, các hội nghị này đều nhận định
ít có khả năng Pháp chọn chiến trường Việt Bắc để tiến công. Vì vậy, khi Pháp
nhảy dù xuống Bắc Kạn, ban đầu đã gây cho ta bất ngờ nhất định12. Song ta đã
nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Quân dù Pháp nhảy xuống Bắc Kạn đã bị đánh
trả dữ dội, nhất là của học sinh trường võ bị, làm 80 tên giặc thiệt mạng.
Quân dân ta đẩy mạnh hoạt động phá hoại giao thông, tổ chức phục kích
đánh địch ở nhiều nơi, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngay từ đầu, âm mưu bắt
sống Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến của chúng đã bị phá sản.
Tiếp đó, các cánh quân địch ở khắp nơi đều bị đánh dữ dội và thiệt hại nặng.
Kế hoạch khép gọng kìm ở Đài Thị vào trung tuần tháng 10.1947 của Pháp
bị đập tan. Quân số địch bị dàn mỏng, cô lập ở những vị trí cách xa nhau và
thường xuyên bị tấn công. Bước 1 của kế hoạch CloClo đã bị thất bại. Tuy
nhiên, “Cần phải, bằng mọi giá, kế hoạch Léa và các kế hoạch nhỏ khác phải
theo tới cùng những thắng lợi!” [24, tr.264].
Salan quyết định bổ sung bằng bước hai kế hoạch CloClo (với mật danh
Ceinture) bắt đầu từ ngày 19.11. Song cuối cùng, kế hoạch của Pháp đã bị thất
bại. Ngày 19.12.1947, chiến dịch tiến công lên Việt Bắc kết thúc.

12
Xem thêm: Đặng Văn Việt, sđd, tr.17

48
Sau chiến dịch, Salan tuyên bố quân Pháp đã giành thắng lợi lớn. Trong báo
cáo gửi Paris, Salan đã đưa ra những con số13, những đánh giá hết sức lạc quan.
Theo đó chiến dịch này đã “- làm suy giảm mạnh tiềm lực của Việt Minh, ước
tính từ cuối tháng 10, bởi chính tướng Giáp, tới 2/3 số các kho vật chất của họ,
điểm thiết thực nhất của chiến dịch là làm vô hiệu “quân đội Việt Minh” đẩy đội
quân này co về giữ những vùng rất xa. Quyền lực tối cao của chúng ta đã được
khẳng định ở mọi nơi. Hồ Chí Minh sẽ không còn có thể tham vọng thực hiện
một hành động mạnh mẽ. Các trung đoàn của ông ta đã bị tiêu diệt, tan rã và
phân tán...; - Phá huỷ bộ máy Chính phủ Việt Minh ..., phá huỷ các trạm phát
sóng, Đài tiếng nói Bắc Việt Nam; [...]; - Đặt lại uy thế của chúng ta với những
người Trung Quốc mà sự kiểm soát của chúng ta gần như toàn bộ biên giới và
ngăn cản những liên hệ trực tiếp và dễ dàng với Việt Minh...” [53, tr.340].
Trái với những tuyên bố lạc quan như trên, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra
những minh chứng cho thấy đây là một thất bại mang tính chiến lược của Pháp.
Các tác giả P.Brocheux và D.Hemery khẳng định rằng “năm 1947, những cuộc
tấn công của quân đội Pháp nhằm tiêu diệt “căn cứ quốc gia” đã làm cho lực
lượng Việt Minh bị phân tán, gây cho họ (Việt Minh) nhiều khó khăn vì đã phá
hủy các cơ sở trú quân của họ nhưng vẫn chưa tiêu diệt được họ. Căn cứ vào số
quân (100.000 người) và phương tiện quân sự còn đưa vào sử dụng được, Bộ
chỉ huy Pháp từ đây không còn đủ khả năng tổ chức lại cuộc tấn công tương tự
chống lại phương tiện chính trị – quân sự trung ương của cuộc kháng chiến
Việt Nam được nữa…”[65, tr.446]. Mặc dù cho rằng Pháp đã giành được
những thắng lợi từ chiến dịch này, song cuối cùng các ông cũng phải đi tới kết
luận: “Từ năm 1947, mối tương quan lực lượng giữa những bên đối kháng đi
dần đến chỗ cân bằng theo nghĩa là không một bên tham chiến nào dám chiếm
lấy phần quyết định” [65, tr.447]. Nói cách khác, sau chiến dịch này, nước
Pháp không còn có khả năng “đứng trên thế mạnh” nữa.
Còn ở Pháp và phương Tây, ngay từ đầu đã có những đánh giá, nhận xét
khá chính xác về kết quả chiến dịch này của Pháp. Tờ nhật báo Genève chỉ ra

13
Trong tác phẩn của mình, G. Fleury cho biết, theo thông tin của Bộ chỉ huy Pháp đưa ra trong cuộc họp báo ở
khách sạn Métropole ngày 23.12.1947, Việt Minh bị tiêu diệt là gần 7000 người [24, tr.274].
Theo Báo cáo tổng kết của văn phòng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Đông Dương, phía Việt Nam có tới 7200
người chết, 1000 bị bắt và vô số bị thương [53, tr.341].

49
rằng thực dân Pháp đã thất bại, mặc dù họ đã trở lại những công thức cũ rích
từng được Galliéni và Lyautey áp dụng ở xứ này từ cuối thế kỉ trước.
Nhà sử học Pháp- Jean Chesneaux nhận xét: “chiến dịch Việt Bắc đã nhanh
chóng tỏ rõ sự thất bại của Pháp. Quân đội Pháp phải bỏ nhiều đô thị đã chiếm
được, triệt thoái trong những điều kiện chật vật, sau khi bị thiệt hại nặng nề về
người và phải bỏ lại nhiều vũ khí, quân dụng là những thứ cần thiết để tăng
cường trang bị cho lực lượng kháng chiến chiếm lại Việt Bắc”
Tướng Pháp Marshall cho rằng: Vì quy mô chiến dịch bị hạn chế, quân
Pháp không đánh được đòn quyết định tại Việt Bắc, không đạt được mục đích
và đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để chấm dứt tấn bi kịch tại Đông Dương [Dẫn theo
75, tr.190-191].
Cùng với cuộc chiến đấu chống lại cuộc tiến công lên Việt Bắc của Pháp,
quân và dân ta ở các chiến trường đã đẩy mạnh hoạt động, buộc địch phải dàn
mỏng lực lượng, không thể tập trung toàn bộ lực lượng ở Việt Bắc.
“Việt Minh đã phát động, trong đêm 18 ngày 19.12.1947, những hoạt động
chiến đấu trên toàn Đông Dương. Một bộ phận của họ đã tổ chức một trận phục
kích vào đội Commando của trung uý hải quân Pascalidis trên bờ rạch Ba Lang,
cách Cần Thơ vài km, nơi những lính gác đã được tăng gấp đôi...”[24, tr.273].
Ở miền Bắc, G. Fleury cũng phải thừa nhận rằng: “mặc dù tổn thất nặng nề,
ngay khi mà những lính dù và đại tá Beaufre rút về đồng bằng, Việt Minh đã
giành lại quyền trên những địa bàn chủ yếu từ vùng thượng du tới những ngôi
làng bị đốt phá, cho dù quân đồn trú Pháp vẫn duy trì vững chắc ở Lạng Sơn và
Cao Bằng” [24, tr.274].
Chiến thắng Việt Bắc là đòn quyết định làm thất bại hoàn toàn chiến lược đánh
nhanh thắng nhanh của Pháp, mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
2.1.3. Về giải pháp Bảo Đại
Người Pháp cho rằng, chiến dịch “đại quy mô” đánh lên Việt Bắc đồng thời
đã kết thúc bước 1 của giải pháp hành động theo cách quân sự để thực hiện
được giải pháp chính trị. Tiếp tục những chính sách của d’Argenlieu, giờ đây,
nước Pháp (đại diện là Cao ủy Bolaert) đang tìm kiếm một nhân vật xứng tầm
để lập một “tấm chắn lửa dân tộc chủ nghĩa” (tức lập một chính phủ bù nhìn) ở
Việt Nam. Người ta vẫn không nhìn thấy ai khác ngoài Bảo Đại - ông vua cuối

50
cùng của triều Nguyễn. Họ hy vọng sự trở lại của nhà vua (thực tế lúc này là
“ông vua hộp đêm” ở Hồng Kông) sẽ làm yên lòng những kẻ đứng về phe
chống đối Việt Minh.
Nhưng từ ngày 5.7.1947, khi ở Hồng Kông, Bảo Đại đã tuyên bố rằng ông
ta chỉ có thể là trung gian trong cuộc tranh chấp (Pháp – Việt). Các cuộc
thương thuyết Pháp – Bảo Đại không có tiến triển: Bảo Đại yêu cầu phải công
nhận nền độc lập và hợp nhất Nam kỳ vào với Bắc kỳ và Annam (Trung kỳ).
Theo Bảo Đại “đúng là người Pháp đã không hiểu được những gì đã xảy ra ở
Viễn Đông trong hai năm qua. Hẳn là chiến tranh là hủy hoại đối với một đất
nước đang hồi sinh như nước Pháp, nước Pháp cũng sợ những hậu quả của một
chiến thắng chớp nhoáng của những người cộng sản Trung Quốc, một chiến
thắng ngày càng tỏ ra là chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng chính người Pháp phải là
người làm biến mất vật đưa ra cầm cố là Việt Minh và để làm được điều đó chỉ
có một cách: giao cho tôi (Bảo Đại) cái mà họ không muốn giao cho Việt
Minh”[Dẫn theo 65, tr.448].
Những yêu cầu của Bảo Đại khó mà chấp nhận đối với Chính phủ Pháp bởi
theo họ “công nhận nền độc lập sẽ mang lại nhiều hậu quả không thể nào tránh
khỏi được đối với Cao Miên, Lào và phần còn lại của đế chế thuộc địa” [65,
tr.448]. Họ vẫn kiên trì với một nền tự trị nội bộ của Việt Nam trên cơ sở quy
chế của một quốc gia liên hiệp bình thường.
Đầu tháng 11.1947, Bolaert đề nghị một cuộc gặp với Bảo Đại. Cuộc gặp đã
diễn ra sau đó vào ngày 6-7.12.1947 tại vịnh Hạ Long. Theo Ph.Devillers, “Bảo
Đại vẫn thận trọng, nhưng ông ta yêu cầu nước Pháp đừng bao giờ điều đình
với ông Hồ nữa”[63, tr.489]. Trong cuộc gặp này, Bảo Đại cũng nhận ký tắt
vào một bản tuyên bố chung và một nghị định thư nêu lên những nguyên tắc
của quan hệ Việt – Pháp sau này. Theo đó, nước Pháp “long trọng công nhận
nền độc lập của Việt Nam mà nước Pháp hứa sẽ thực hiện một cách tự do sự
thống nhất của nó”[65, tr.448-449].
Tiếp đó, nhiều thỏa ước khác đã được ký kết để làm rõ thêm cho thỏa ước
Hạ Long. Theo P.Brocheux và D.Hémery thì “các bản thỏa ước ấy chỉ có
những mục tiêu hạn chế: nền độc lập nội bộ của Việt Nam được công bố,
nhưng sự thống nhất về tiền tệ, kinh tế, thuế quan với Lào và Cao Miên sẽ được

51
khẳng định lại trên lãnh thổ Việt Nam và công tác ngoại giao phải theo đúng
những chỉ dẫn của Hội đồng tối cao Liên hiệp Pháp”[65, tr.449].
Tháng 10.1948, Léon Pignon thay Bolaert làm Cao ủy, tiếp tục nối lại cuộc
đàm phán với Bảo Đại. Cuối cùng, hai bên cũng đi đến một hiệp định ký ngày
8.3.1949 giữa Vincent Auriol – Tổng thống nước Cộng hòa Pháp và Bảo Đại
tại điện Elysée. Ph.Devillers đánh giá: “về thực chất, nó chẳng khác gì mấy so
với cái mà người ta sắp sửa ký được với Hồ Chí Minh sau hội nghị
Fontainebleau vào hồi đầu tháng 9.1946. Nhưng gần 3 năm đã bị mất đi, và
nhất là chiến tranh đã xảy ra và đã phá hoại đi một phần rất lớn cái mà họ đã
từng muốn cứu lấy năm 1946”[63, tr.492].
Do Bảo Đại dọa sẽ không về Việt Nam nếu Nam kỳ không được trả lại cho
Việt Nam, nên Pháp buộc phải tiến hành các thủ tục “một cách bôi bác” để trao
trả Nam kỳ cho Quốc gia Việt Nam, như: Biểu quyết đạo luật thành lập một
Quốc hội cho lãnh thổ Nam kỳ, bầu cử đại biểu của Quốc hội này; biểu quyết
của Quốc hội theo yêu cầu của “quốc gia đại sự” và cuối cùng là chuyển Nam
kỳ cho Việt Nam (của Bảo Đại). Ngày 28.4.1949, Bảo Đại về nước với tư cách
“Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam” và sống ở Đà Lạt.
Một chính phủ bù nhìn do Bảo Đại làm Quốc trưởng và Nguyễn Văn Xuân
làm Thủ tướng của một Nội các 20 thành viên là “đại diện của những đảng ma”
được dựng lên. Song giải pháp Bảo Đại thực tế chỉ là một giải pháp của người
Pháp, Bảo Đại chỉ là một con rối trong tay Pháp. Còn chính quyền “Quốc gia
Việt Nam” chủ yếu bao gồm các điền chủ miền Nam giàu có và không hề đại
diện cho nhân dân. Pháp đã ra sức giúp đỡ cái “Quốc gia Việt Nam” tiến hành
bắt lính để thành lập “quân đội quốc gia”. Mưu đồ của Pháp là chuyển cuộc
chiến tranh tái chiếm của họ thành cuộc nội chiến của người Việt Nam. Nhưng,
đó là điều không tưởng, bởi bản thân quân viễn chinh Pháp còn không tiêu diệt
nổi quân đội Việt Nam thì các đơn vị lính ngụy vừa mới thành lập làm sao có
thể gánh vác được trọng trách này.
Từ sau cuộc tiến công lên Việt Bắc, quân Pháp không còn khả năng mở
những cuộc tấn công tương tự. Chúng đẩy mạnh chiến tranh tổng lực, đánh phá
các cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của ta. Cùng với việc thành lập
chính phủ bù nhìn Bảo Đại – Nguyễn Văn Xuân, chúng còn dựng lên một loạt

52
các xứ tự trị thuộc các dân tộc thiểu số ở Bắc bộ và Tây Nguyên, lôi kéo các tôn
giáo và sử dụng lực lượng vũ trang giáo phái (Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hòa
Hảo…) để chống lại lực lượng kháng chiến. Tăng cường xây dựng lực lượng
ngụy quân, đưa quân số ngụy lên 80.000 người (1948). Đồng thời chúng mở
nhiều cuộc càn quét vào vùng tạm chiếm và đánh vào căn cứ và vùng tự do của
ta, sử dụng chiến thuật “khóa then cửa” bằng hệ thống đồn bốt tháp canh nhằm
bao vây, chia cắt các chiến trường của ta. Tuy nhiên, chúng vẫn không sao ngăn
cản được cuộc chiến tranh du kích ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ ở
các vùng tự do, mà ngay cả trong những vùng địch tạm chiếm. Chúng phải đối
mặt với một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện của cả dân tộc Việt
Nam. Điều này được P.Brocheux và D.Hémery nói rất rõ: “Lúc khởi đầu, cuộc
chiến tranh này chỉ là một cuộc chiến chống lại du kích với những hình phạt và
hành quyết rất sơ sài những tù binh và con tin. Nó tiếp tục những cuộc hành quân
càn quét được tiến hành một cách dã man (đốt làng, cướp bóc và tàn sát)” có thể
cũng bởi vì “đối với quân đội Pháp, họ không thể nào phân biệt được đâu là Việt
Minh, đâu là người Việt Nam, đâu là người lính chiến đấu…” [65, tr.453]. Quân
Pháp thực hiện nhiều hành động cướp phá đối với người dân địa phương, mà đến
năm 1949, chính Cao ủy Pignon đã phải yêu cầu Bộ chỉ huy Pháp hạn chế để
làm cơ sở cho chính sách “tấm lá chắn lửa dân tộc chủ nghĩa” của chúng. Điều
này vừa nói lên tính chất tàn bạo của quân đội Pháp, vừa cho thấy sự bất lực của
chúng trong cuộc “tái chinh phục”, “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” này.
Bản “Tổng kết tình hình Đông Dương” của Navarre thì thừa nhận “Từ năm
1947 đến năm 1949, chúng tôi (quân Pháp) cố gắng chiếm lại những vùng mà
họ (Việt Minh) kiểm soát, nhưng không thành công... dần dần từng bước, trong
khi giữ vững ở miền Nam và miền Trung Đông Dương những vị trí mà chúng
tôi nhanh chóng giành ngay lại được sau khi đại chiến kết thúc, chúng tôi đã
tiến tới chiếm lại được những điểm trọng yếu ở đồng bằng Bắc bộ, nhưng
không sao diệt trừ được chiến tranh du kích của đối phương. Ở thượng du và
trung du, chúng tôi cũng thu được một số kết quả và chiếm được các cửa ngõ
thông với Trung Quốc. Song trên toàn Đông Dương, Việt Minh vẫn trụ được ở
các mắt lưới của một hệ thống được tạo thành bởi những thành phố, thị xã và

53
trục đường giao thông do chúng tôi kiểm soát, và chúng tôi cũng chỉ kiểm soát
được ở những nơi đó…
“…Vậy là, trong quá trình 3 năm ấy (1947 - 1949), trong khi Việt Minh
chưa bám rễ được vững chắc, thì chúng tôi cũng chưa biết đạt tới một kết quả
quyết định nào, cả chính trị lẫn quân sự và thời cơ đã đi qua” [28, tr.40-41].
Theo Ph.Devillers, đến giữa năm 1949, “trên thực tế và trên những nét đại
khái, quân đội Pháp chiếm đóng các thành phố, còn nông thôn thì nằm dưới
quyền của các lực lượng dân quân của Hồ Chí Minh”[63, tr.493].
Mặc dù hầu hết người Pháp đều không đề cập đến những thất bại thường
xuyên và liên tục của Pháp do các cuộc tấn công của quân đội Việt Nam trong
khoảng thời gian này, nhưng rõ ràng họ đều thừa nhận rằng sau 3 năm, quân Pháp
“vẫn giậm chân tại chỗ” trong khi lực lượng đối phương không ngừng lớn mạnh.
2.1.4. Về chiến dịch Biên Giới
Tình hình chủ quan của cả hai bên tham chiến và những tác động khách
quan của tình hình thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cuộc
chiến tranh ở Đông Dương.
Cuối năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi. Ngày 1.10.1949, nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc và
việc quân giải phóng Trung Hoa tiến xuống biên giới Việt – Trung tạo thuận lợi
cho Việt Nam mở con đường thông với Trung Quốc và thế giới bên ngoài. Ngày
15.1.1950 Việt Nam dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa. Đến ngày 18.1.1950, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công nhận nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30.1.1950 Liên Xô công nhận Việt Nam.
Tiếp đó hàng loạt nước Đông Âu và Triều Tiên công nhận Việt Nam.
Hầu hết các tác giả đều khẳng định rằng việc nối liền cách mạng Việt Nam
với cách mạng Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam vượt qua thời kỳ
chiến tranh du kích, chuyển sang một thời kỳ chiến tranh mới.
Navarre cho rằng “việc Cộng quân Trung Hoa của Mao Trạch Đông tràn tới
biên giới Bắc bộ đã mở ra một giai đoạn chiến tranh mới, bởi viện trợ về vũ
khí, phương tiện của Trung Quốc cho Việt Minh đã đặt chúng ta (quân Pháp)
trước một vấn đề mới. Tất cả sẽ thay đổi nếu Trung Quốc cung cấp cho Việt
Minh cái sức mạnh mà họ còn thiếu” [28, tr.41].

54
Theo Navarre, “đã đến lúc nước Pháp phải lựa chọn: hoặc giành chiến thắng
bằng cách chịu cung cấp cho nó những phương tiện cần thiết trước khi viện trợ
Trung Quốc trở nên có ý nghĩa quan trọng, hoặc là kết thúc chiến tranh bằng
giải pháp thương lượng” [28, tr.41]. Nhưng nước Pháp đã lựa chọn giải pháp
“trung gian”, tức là không chấp nhận thương lượng, nhưng cũng không có khả
năng cung cấp những phương tiện cần thiết để đạt tới chiến thắng.
Tháng 5 năm 1949, chính phủ Pháp cử tướng Revers – Tổng Tham mưu
trưởng quân đội Pháp, sang nghiên cứu tình hình Đông Dương. Sau khi nắm tình
hình, Revers nhấn mạnh nguy cơ cộng sản Trung Quốc tiến xuống phía Nam,
nên cần phong tỏa biên giới Việt – Trung, giữ vững miền Bắc, coi miền Bắc “là
ưu tiên số một”. Từ đó, ông ta đề ra một kế hoạch với các nội dung chủ yếu: Mở
rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc bộ, phong tỏa biên giới
Việt – Trung; Tăng cường xây dựng quân đội quốc gia (ngụy quân), dùng quân
đội quốc gia làm nhiệm vụ chiếm đóng, tập trung quân Âu – Phi để xây dựng lực
lượng cơ động, càn quét và mở những cuộc tiến công lớn; Củng cố và đề cao
chính quyền Bảo Đại làm công cụ thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh
người Việt”, tiến hành lập “nước Nùng”, “nước Thái”, lợi dụng đạo giáo…
Revers cho rằng, kế hoạch phòng thủ Đông Dương của Pháp nhằm ngăn
cản “làn sóng đỏ” từ Trung Quốc tràn xuống, là nằm trong kế hoạch chống
cộng chung. Vì vậy cần tích cực tranh thủ viện trợ Mỹ.
Cho đến mùa thu 1950, quân Pháp đã thực hiện được một phần kế hoạch
Revers: tăng ngụy quân, tăng viện binh, xây dựng hệ thống phòng tuyến bao
vây Việt Bắc… Điều này đã gây cho ta khá nhiều khó khăn.
Trước diễn biến mới, để tạo chuyển biến cho kháng chiến, tranh thủ mặt
thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, giáng một đòn nặng vào kế hoạch Revers,
Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Mục
đích chiến dịch là: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng
một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa,
mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Sáng 16.9.1950 quân ta tấn công cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch
Biên giới. Sau hai ngày chiến đấu, sáng 18.9, ta đã làm chủ được Đông Khê,
một vị trí chiến lược quan trọng trên con đường Lạng Sơn – Cao Bằng, tạo thế
uy hiếp đối với Thất Khê và cô lập Cao Bằng.

55
Bộ chỉ huy Pháp thấy rất rõ việc mất Đông Khê đã tạo nên một lỗ hổng
khiến cho toàn tuyến phòng ngự bị phá tung. Hệ thống cứ điểm ở biên giới
Đông Bắc mà Pháp đã bỏ ra biết bao tiền của xây dựng hòng cô lập Việt Minh
với Trung Quốc đã trở nên vô hiệu. Trước sự lớn mạnh của quân đội Việt Nam,
thể hiện qua trận đánh Đông Khê, Carpentier (Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông
Dương) kết luận rằng ném một vài tiểu đoàn xuống để cứu Đông Khê chỉ là
một cuộc hành binh tự sát.
Do phán đoán rằng sau Đông Khê, đối phương sẽ tấn công Cao Bằng và Lạng
Sơn, viên Tổng chỉ huy quyết định: gấp rút cho quân Pháp rút chạy khỏi Cao Bằng.
Ngày 20.9.1950, các giới chóp bu Pháp ở Đông Dương đã họp bàn và quyết
định kế hoạch rút chạy khỏi Cao Bằng mang tên Thérèse14.
Tuy nhiên, ý định rút chạy khỏi Cao Bằng bằng cuộc hành quân kép của
Pháp đã hoàn toàn thất bại. Trong khi cuộc tấn công lên Thái Nguyên (chiến
dịch Phoque-Hải cẩu) nhằm chia sẻ gánh nặng cho cánh quân ở biên giới,
không gây được phản ứng gì của Việt Minh, thì tại mặt trận đường số 4, hai
binh đoàn của Le Page và Charton đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trước thất bại của cuộc rút chạy khỏi Cao Bằng, các đồn bốt địch trên khắp
đường số 4 trở nên rối loạn. Địch đã phải nhanh chóng rút bỏ hàng loạt các cứ điểm:
Đồng Đăng, Na Sầm, Lạng Sơn. Thậm chí, đại tá Constan - chỉ huy phân khu biên
thùy ở Lạng Sơn, đã phải ra lệnh bỏ lại toàn bộ số quân trang, quân dụng “đủ cung
cấp cho 8 trung đoàn”15 để đảm bảo cuộc rút chạy khỏi Lạng Sơn an toàn.
Thất bại của Pháp trong chiến dịch biên giới là rất nghiêm trọng. Các tác
giả Pháp khi đề cập đến thất bại này đều có những nhận xét, đánh giá tuy ngắn
gọn nhưng đầy bi quan. Ph.Devillers cho rằng quân đội Việt Nam “đã đấm một
quả đấm đầu tiên ra trò” và việc quân Pháp rút khỏi Cao Bằng đã trở thành một
tai họa lớn, buộc người Pháp phải bỏ luôn Lạng Sơn và toàn bộ biên giới. Các
tác giả P.Brocheux và D.Hémery nhận xét “Thảm bại Cao Bằng, tiếp theo là

14
1. Binh đoàn “Bay- a”(Bayard) do trung tá Le Page chỉ huy sẽ đánh chiếm lại Đông Khê (dự kiến ngày 2.10);
2. Sau đó, Le Page sẽ đưa quân lên đón binh đoàn Charton tại ki-lô-mét 28 trước đồn Nậm Nàng; 3. Dưới
quyền chỉ huy chung của Le Page, cả hai binh đoàn yểm trợ lẫn nhau để rút về Thất Khê; Để thu hút lực lượng
đối phương, giảm sức ép trên đường số 4 và tạo điều kiện cho việc triệt thoái được dễ dàng, một cánh quân sẽ
từ Hà Nội theo đường số 3 lên đánh chiếm Thái Nguyên.
15
Số trang thiết bị mà Việt Minh thu được ở Lạng Sơn: 13 khẩu pháo, 125 súng cối, 940 súng máy, 1.200 súng
trường máy, 4.000 súng máy ngắn, 8.000 súng trường, 600.000 lít xăng, 10.000 quả đạn 75 và khoảng từng đó
quả đạn 105 và 155. [24, tr.396].

56
việc rút chạy khỏi Lạng Sơn tháng 10 năm 1950 đã tạo nên sự sợ hãi và hỗn
loạn trong quân đội Pháp … Sức mạnh và sức xung kích của quân đội nhân dân
Việt Nam … đã làm cho Bộ chỉ huy Pháp biết rằng đã qua một thời kỳ khác
của cuộc tranh chấp”. Các ông cho rằng, việc Bộ chỉ huy Pháp rút bỏ các cứ
điểm, mà “chính những điều kiện và phương pháp tiến hành (nỗi hoảng sợ, sự
vội vàng hấp tấp và sự phối hợp rất kém) của những hành động này đã biến một
cuộc rút quân thành một sự tan vỡ”[65, tr.454]. Các ông còn dẫn lời một nhà sử
học Pháp đánh giá về sự kiện này: “sự thảm bại trước hết là do yếu tố tinh thần
… Sự vang dội của một sự kiện như thế này còn vượt rất nhiều so với những
kết quả về mặt vật chất. Cao Bằng đối với cuộc chiến tranh Đông Dương cũng
như là Baillen trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, Valmy trong cuộc cách
mạng Pháp”[64, tr.456]. Với những phân tích ấy, các ông đi tới kết luận rằng
thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ sau này, xét về mặt quân sự, không nghiêm
trọng bằng thất bại ở Cao Bằng năm 1950 [65, tr.456].
Tác giả C.Herring dẫn lời Bernard Fall cho rằng, thất bại ở Cao Bằng là “một
thất bại trên xứ thuộc địa nặng nề nhất kể từ khi Montcalm chết tại Quebec”[22,
tr.33]. De Pirey khẳng định: “Với thảm hoạ Cao Bằng, mặc dù chúng ta đã bị
những tổn thất lớn: gần 5000 người bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh trên
toàn bộ Đường số 4. Chúng ta còn bị những ảnh hưởng xấu về chính trị, quân sự
ngoài tầm cỡ bình thường. Trong một khoảnh khắc, từ sau khi nước Pháp được
giải phóng, nước Pháp mới cảm nhận được sự đau khổ phải chịu đựng, những hy
sinh phải chấp nhận và những cố gắng vô ích...” [6, tr.255].
Chiến thắng Biên giới 1950 đã mở ra một thời kỳ mới của cuộc chiến tranh.
Tướng H.Navarre đánh giá về tác động của chiến dịch Biên giới đối với hai bên
tham chiến: “Trong khi Việt Minh ngày càng trở nên đông đảo, mạnh mẽ và cơ
động thì chúng tôi (Pháp) ngày càng lún sâu hơn vào tình trạng bất động. Trong
khi tinh thần của Việt Minh lên cao thì tinh thần chúng tôi sa sút nghiêm trọng.
Cân bằng lực lượng bắt đầu bị phá vỡ theo chiều hướng có lợi cho đối phương”
[28, tr.43]. De Pirey thì khẳng định “Cao Bằng chỉ là cú đánh thử, một ngày sắp
đến sẽ có cú đánh thực” [6, tr.254].
Thất bại ở Biên giới gây ra sự hoảng loạn cho quân Pháp không chỉ ở Đông
Dương, mà cả ở Paris. Không khí hoảng hốt bao trùm lên cơ quan Tham mưu

57
của Pháp ở Bắc Đông Dương. Nhiều người phán đoán rằng Hà Nội sắp bị tiến
công. Việc bố phòng được triển khai gấp rút để bảo vệ thành phố. Từng đoàn xe
nhà binh ngày đêm vội vã chuyển các hồ sơ và vật quý ra khỏi thành phố. Trong
các hội nghị ở đại bản doanh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, người ta còn
bàn tới chuyện “tổng rút chạy” khỏi Móng Cái, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hòn Gai.
Thậm chí có người còn tính đến cả việc rút khỏi Hà Nội. Họ hồi hộp lo lắng, chờ
đợi các đòn tiến công của Việt Minh. Tại Paris, “trận thất bại ở biên giới làm
chấn động cả dư luận nước Pháp” [6, tr.161]. Quốc hội Pháp họp nhiều phiên bất
thường. Chính phủ bị lên án, đả kích mạnh mẽ. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi
rằng nước Pháp có nên tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh (xâm lược Đông
Dương) hay không? Nhiều người đặt vấn đề rằng nếu cuộc chiến ở Đông Dương
chỉ là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống lại cộng sản, thì liệu nước
Pháp sẽ có những lợi ích gì trong việc tập trung mọi sức lực của mình cho các
vùng đất hải ngoại? Họ sợ rằng nếu nước Pháp cứ giữ một số lượng lớn quân đội
của nó ở xứ Đông Dương cách xa 12.000 ki-lô-mét, thì nó có thể sẽ bị yếu thế
trước đối thủ của nó ở châu Âu là Tây Đức, khi tiềm lực công nghiệp của Tây
Đức đã vượt xa Pháp và đang muốn xây dựng một quân đội hùng mạnh.
2.2. Những cố gắng không thành công của Pháp trong những năm 1951-1953
2.2.1. Về những nỗ lực giành lại quyền chủ động trong thời kỳ nắm quyền
của tướng De Lattre (1951 - 1952)
Ngày 15.10.1950, chính phủ Pháp cử một phái đoàn cấp cao sang điều tra tình
hình Đông Dương. Kết quả là hàng loạt các tướng lĩnh cao cấp ở Đông Dương,
những người “phải chịu trách nhiệm” về thảm bại vừa qua, bị triệu hồi. Sau đó,
Cao ủy Pignon cũng đệ đơn xin từ chức và nhanh chóng được chấp nhận.
Ngày 31.10.1950 tướng Juin đã có một bản báo cáo về tình hình Đông
Dương sau khi tiến hành cuộc điều tra. Theo Devillers, trong báo cáo này, sau
khi đánh giá tình hình Đông Dương, tướng Juin đề xuất: “... Còn một điều nữa
là tìm hiểu xem nước Pháp có còn cho rằng những con số tiêu phí to lớn về tiền
bạc và mạng người mà chúng ta đã phải chịu đựng từ năm năm nay, trong khi
nó gây tai hại cho nền an ninh của chúng ta ở phương Tây, có được đền bù qua
những lợi ích do việc sáp nhập Đông Dương vào Liên hiệp Pháp mang lại cho
chúng ta hay không. Nếu đất nước không nghĩ như vậy nữa, thì phải đặt nó đối
diện với hai giải pháp khả dĩ chấp nhận lúc đó, là:
58
“1/ Điều đình với Hồ Chí Minh.[…]
“2/ Đưa vấn đề lên bình diện quốc tế, tức là Liên Hiệp Quốc. […]
“Cái đó tùy thuộc nước Pháp lựa chọn.”[63, tr.496]
Nước Pháp đã “lựa chọn”, chắc chắn, không điều đình với Hồ Chí Minh,
bởi “một cử chỉ thăm dò hòa bình khác của Hồ Chí Minh vừa mới hình thành
đã vội vàng bị chính Vincent Auriol gạt đi (tháng 11.1950)” [63, tr.497].
Nhưng nước Pháp cũng không chọn giải pháp thứ hai – tức đưa vấn đề lên bình
diện quốc tế.
Tổng thống Vincent Auriol, Thủ tướng Pleven và các tướng lĩnh cao cấp
Pháp ở Paris đều cho rằng phải cử một viên tướng “có tài năng và uy tín nhất”
sang thay thế cặp Pignon – Carpentier đứng mũi chịu sào ở nơi đầu sóng ngọn
gió này. Sau khi hai vị tướng hàng đầu được đề cử (Juin và Koenig) từ chối
sang Đông Dương, tháng 12.1950 Chính phủ Pháp đã quyết định trao toàn
quyền cho một “danh tướng” khác, đó là đại tướng De Lattre de Tassigny. Lần
đầu tiên, toàn bộ quyền lực quân sự và chính trị ở Đông Dương được chính
thức giao cho một vị Cao uỷ. Chính phủ Pháp hy vọng rằng, với việc thực hiện
sự thống nhất lãnh đạo cả quân sự và dân chính, De Lattre có thể cứu vãn được
tình thế ở Đông Dương.
Ngày 18.12.1950, Pignon và Carpentier đã bàn giao lại quyền lực cho De
Lattre, sau khi đã để lại “một tình hình sáng sủa”- mà theo De Lattre, đó thực tế
là “cả một mớ bòng bong”.
Việc đầu tiên là phải “lên dây cót” lại cho sỹ quan và binh lính Pháp đang
vô cùng hoảng hốt sau thất bại thảm hại ở Biên giới. Ngày 19.12, De Lattre đã
tham dự một cuộc duyệt binh ở bờ hồ Gươm (Hà Nội), sau đó gặp gỡ các sỹ
quan và hạ sỹ quan. Ông ta tuyên bố: “Thời kỳ của những lộn xộn đã qua rồi.
Tôi xin cam đoan, thưa các ngài, các ngài sẽ được có sự chỉ huy”[Dẫn theo 6,
tr.163]. Tiếp đó là hàng loạt các cuộc đi thăm, động viên và cả những sự trừng
phạt đối với những kẻ vừa thoát chết từ đường 4 trở về.
Sau khi nhanh chóng và kịp thời ngăn chặn được việc rút quân một cách rối
loạn khỏi hành lang Đông Bắc, De Lattre đề ra kế hoạch để ổn định tình hình16.

16
Gồm các điểm chủ yếu: Gấp rút tập trung quân Âu – Phi xây dựng lực lượng cơ động mạnh và ra sức phát
triển quân ngụy; Lập tuyến phòng thủ bao quanh trung du và đồng bằng Bắc bộ nhằm đối phó với chủ lực và

59
Những biện pháp của De Lattre đã giúp Pháp bổ sung lực lượng nguỵ quân, gây
nhiều khó khăn cho phía Việt Nam, nhất là trong các vùng địch tạm chiếm.
Trong mùa xuân và mùa hè năm 1951, De Lattre tập trung tổ chức lực
lượng (cả quân Pháp và quân ngụy) để bảo vệ đồng bằng Bắc bộ nhằm có đủ
khả năng đương đầu với khối chủ lực của Việt Minh. Đi đôi với việc xây dựng
hệ thống boongke từ Hòn Gai - Đông Triều - Lục Nam - Bắc Giang - Bắc Ninh
qua Vĩnh Phúc - Sơn Tây - Hà Đông đến Ninh Bình, quân Pháp tiến hành hàng
loạt các cuộc càn quét lớn nhỏ để tạo các “vành đai trắng” song song với hệ
thống phòng tuyến.
Nhiều tác giả đánh giá cao về kết quả những biện pháp mà De Lattre đã tiến
hành. Ph.Devillers cho rằng “Bằng một hành động kiên quyết và tức thời, De
Lattre củng cố lại tinh thần quân đội, khích lệ binh lính…”, “ông ta cũng đã tạo
nên được một bước ngoặt quyết định..., là tạo ra một “quân đội quốc gia” đông
đến 200.000 người vào cuối năm 1952 do người Pháp huấn luyện và người Mỹ
vũ trang. Đây chính là “bước đầu Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm thay thế
quân đội Pháp trong cuộc chiến đấu chống Việt Minh cộng sản”[63, tr.497].
Theo Navarre, nhờ những cố gắng tập trung bảo vệ đồng bằng Bắc bộ –
“then chốt của khu vực Đông Nam Á”, De Lattre đã đẩy lùi được các cuộc tấn
công của Việt Minh vào khu vực này trong năm 1951. Việc tổ chức phòng thủ
đồng bằng Bắc bộ vừa để đương đầu với một cuộc tiến công (của Việt Minh) có
thể xảy ra, vừa để ngăn chặn Việt Minh liên hệ giữa các vùng lân cận [28, tr.44].
Những biện pháp mạnh mẽ của De Lattre đã giúp cho quân Pháp tạm thời
ổn định trở lại. Tuy nhiên, người ta nhận thấy những biện pháp ấy chỉ có ý
nghĩa nhất thời, thậm chí chính việc đó lại khiến cho quân Pháp gặp phải nhiều
khó khăn hơn trong giai đoạn sau. Đánh giá về việc xây dựng hệ thống phòng
tuyến quanh đồng bằng Bắc bộ, Navarre cho rằng, việc De Lattre quan tâm đặc
biệt tới đồng bằng Bắc bộ “đã làm mất đi cái nhìn tổng thể đối với các mặt trận
khác tại Đông Dương”[27, tr.42]. Mặt khác “Quyết định trên dẫn đến việc xây

ngăn chặn ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do; tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định cho được vùng tạm
chiếm; Đánh phá ác liệt căn cứ hậu phương và chuẩn bị tiến công ra vùng tự do của ta hòng gây thanh thế, lấy
lại tinh thần binh lính địch, làm cơ sở cho việc tăng cường viện trợ Mỹ với ý đồ giành lại quyền chủ động [Xem
2, tr.174-175; 45, tr.205 -206]

60
dựng một thứ “phòng tuyến Madinô” thu nhỏ mà kết quả là nó chẳng bao giờ
làm tròn hai nhiệm vụ được giao, không những thế nó còn giam chân một cách
vô ích khoảng 20 tiểu đoàn trong khi chúng tôi đang thiếu quân nghiêm trọng
để tổ chức lực lượng cơ động” [28, tr.44-45].
Ở phía bên kia, quân đội Việt Nam đang đẩy mạnh các cuộc tiến công sau
trận thắng trên đường số 4: chiếm được Bình Liêu (ngày 25.12.1950), uy hiếp
mạnh mẽ vùng duyên hải Đông Bắc; mở cuộc tấn công vào Vĩnh Yên
(12.1.1951). Quân Pháp “lần đầu tiên đã phải dùng đến cả bom Napal” [35,
tr.158] để “đẩy lùi” cuộc tiến công ở Vĩnh Yên, nhưng họ cũng bị tổn thất nặng
nề. Đối với người Pháp, đây được coi là thắng lợi, vì “đã bảo vệ cho Hà Nội”
và “được báo chí nêu nổi bật” [6, tr.163]
Từ tháng 12 năm 1950 đến tháng 6 năm 1951, quân đội Việt Nam đã mở
liên tiếp 3 chiến dịch (Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung) đánh
địch ở phòng tuyến trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Về các chiến dịch này, các tác giả Pháp và phương Tây đều cho rằng, quân
Việt Nam đã thất bại và đó là thắng lợi quan trọng của quân Pháp dưới sự điều
hành của De Lattre. Theo Ph.Devillers “quân Pháp đã giáng cho tướng Giáp
những tổn thất nặng nề và nhờ đó tạo ra được một thời gian nghỉ ngơi 13 tháng
cho tới trận Hòa Bình”[63, tr.497]. Tướng Navarre sau này thì cho rằng “tướng
Giáp đã phạm phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng... mạo hiểm đưa quân
vào một chiến trường trống trải thuận cho việc sử dụng thiết giáp và máy
bay”[28, tr.44].
Do đánh giá chưa đúng so sánh lực lượng và chọn hướng tiến công chiến
lược chưa hợp lý, nên mục đích chiến lược của các chiến dịch này không đạt
được. Nhưng qua các chiến dịch này chúng ta cũng đã tiêu diệt được một lực
lượng quân địch khá lớn (hơn 1 vạn tên), giải phóng một phần đất đai, tạo điều
kiện phát triển chiến tranh du kích ở một số địa phương.
Sau gần một năm củng cố thế phòng ngự, bình định, bổ sung lực lượng, De
Lattre cho rằng đã đến lúc giành lại quyền chủ động chiến lược. Từ mùa thu
năm 1951, De Lattre quyết định mở một cuộc tiến công nhằm tiêu diệt khối chủ
lực cơ động tác chiến của Việt Minh. Tuy nhiên, De Lattre cũng nhận thấy rằng
việc “tóm được” một đối thủ mà tính cơ động linh hoạt là con chủ bài chính là

61
một điều rất khó khăn. Cho nên, ông ta dự tính “giải quyết vấn đề này bằng
cách chiếm của họ (Việt Minh) một vị trí quan trọng tới mức họ không thể bỏ
được, và buộc họ phải chấp nhận giao chiến để chiếm lại” [Dẫn theo 27, tr.45].
De Lattre đã chọn Hòa Bình.
Ngày 9 tháng 11 năm 1951, De Lattre đưa 20 tiểu đoàn, bao gồm phần lớn lực
lượng cơ động chiến lược, đánh chiếm Hòa Bình. Mục tiêu của Pháp nhằm cắt đứt
đường liên lạc, tiếp tế, phá sự chuẩn bị tiến công của Việt Nam, thu hút chủ lực
của ta ra nơi chúng đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, giành lại quyền chủ động.
Trước cuộc tiến công với cả quy mô và mưu đồ lớn của quân Pháp, Ban
chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra chỉ thị về nhiệm vụ phá
cuộc tiến công Hòa Bình của địch. Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh quyết
định mở chiến dịch Hòa Bình.
Trận chiến quyết liệt ở Hòa Bình kéo dài ròng rã hơn 4 tháng, từ 9.11.1951
đến 2.3.1952. Tháng 12.1951, De Lattre phải về Pháp, rồi chết vào tháng Giêng
năm 1952 mà chẳng kịp nhìn đến bước kết thúc của trận đánh mà ông ta là tác
giả. Nhiều người sau này, nhất là các binh lính Pháp cho rằng, De Lattre đã
“đem con bỏ chợ”. Ông ta quyết định đưa một lực lượng lớn đội quân cơ động
chiến lược Pháp ném lên Hòa Bình rồi để cho họ tự xoay sở đối phó với quân
đội Việt Minh. Cuối cùng, quân Pháp đã phải “tổ chức cuộc rút lui trong sự bí
mật tuyệt đối”, và phải chịu những “thiệt hại nghiêm trọng”[6, tr.259].
Cuộc tiến quân của De Lattre ra Hòa Bình đã “bắt buộc đối phương (Việt
Minh) phải xuất quân” đúng như tính toán của ông ta. Tuy nhiên, kết quả của
trận chiến “có ảnh hưởng quốc tế lớn” hoàn toàn trái ngược với dự tính và bất
lợi đối với Pháp.
Ph.Devillers đánh giá, đó là trận chiến “không phân thắng bại”. De Pirey
cho rằng: “Đối với Hoà Bình, với họ (Việt Nam) là một thắng lợi chiến lược.
Quân đội Pháp tập trung lên hành lang của tỉnh Hoà Bình và Đường số 6, trong
khi ấy họ tung sư đoàn 320 và trung đoàn 174 vào vùng đồng bằng Bắc bộ, đã
giải phóng cho nhân dân lâu nay bị quân Pháp áp bức, đã phá tan hệ thống
phòng ngự của quân Pháp ở đồng bằng Bắc bộ. Sau đấy, quân Pháp phải rút bỏ
Hoà Bình nhưng ở đồng bằng thì không bao giờ củng cố lại được” [6, tr.153].
Tướng Navarre khẳng định “cuộc hành quân (đánh ra Hòa Bình) chấm dứt

62
bằng cuộc rút chạy của chúng tôi trong những điều kiện khó khăn mà không đạt
được kết quả chiến lược nào... Rủi thay, cuộc chiến ở Hòa Bình đã giữ chân lực
lượng cơ động của chúng tôi xa đồng bằng quá lâu, do đó tạo điều kiện cho Việt
Minh thâm nhập vào đây với số lượng lớn. Và từ đó bắt đầu tình trạng “ruỗng
nát” mỗi ngày một tăng, dần dần làm bất động đại bộ phận quân viễn chinh. Đối
phương đã giành được một thắng lợi cơ bản” [28, tr.46].
Sau cái chết của De Lattre và sau thất bại ở Hòa Bình, quân Pháp ở Đông
Dương lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Quyền hành về chính trị và quân
sự lại được tách ra. Bộ trưởng các Quốc gia liên kết – Letourneau - kiêm giữ
chức Cao ủy, còn tướng Salan giữ chức Tổng chỉ huy. Trong khi đó tại “chính
quốc”, ở khắp nơi, người ta ngày càng nói nhiều đến sự bất lực của quân đội
viễn chinh trong cuộc chiến tranh xâm lược đã kéo dài suốt “bảy năm mù
quáng” và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Dư luận tiến bộ ngày càng
công khai lên án mạnh mẽ đường lối của chính phủ Pháp tiếp tục cuộc chiến
tranh xâm lược Đông Dương. Vì thế, chính phủ của Pleven đã thất bại trong
việc thông qua ngân sách quân sự năm 195217, rồi sụp đổ vào tháng 1.1952.
2.2.2. Pháp nỗ lực bình định vùng chiếm đóng và đối phó với các cuộc tiến
công của quân đội Việt Nam (1952 - giữa 1953)
Sự sa lầy ngày càng sâu của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã
làm cho sự phân hóa trong chính giới Pháp ngày càng sâu sắc. Bầu không khí
chính trị ở Pháp thời kỳ này, theo Navarre thì, “thật là khủng khiếp”. Bên cạnh
sự chống đối thường xuyên của Đảng cộng sản Pháp, đã thể hiện công khai từ
khi chiến tranh mới bắt đầu, không khí còn bị đầu độc bởi “vụ án tướng lĩnh”,
rồi vụ buôn lậu tiền Đông Dương… Còn nói chung thái độ của các tầng lớp
nhân dân Pháp là sự thờ ơ. Những cuộc thảo luận lớn ở Nghị viện về tình hình
Đông Dương chỉ diễn ra với khoảng từ 50 đến 100 dân biểu. Một số nhà hoạt
động chính trị còn quan tâm đến chiến tranh nếu không phải vì hệ quả của nó
đối với các cuộc tuyển cử, thì lại mơ hồ hoàn toàn về mục đích của cuộc chiến
đang tiến hành ở Viễn Đông. Không khí bao trùm là một sự bi quan do sự thiếu
ý chí, tư tưởng chủ bại có hệ thống, và nhất là do sự quan tâm đến tình hình

17
Dự kiến ngân sách quân sự năm 1952 của Pháp là 1500 tỉ francs,, trong đó ngân sách dành cho Đông Dương
là 330 tỉ francs, chiếm tới hơn 20%

63
chính trị ở chính quốc hơn là sự đánh giá chính xác về các vấn đề ở Đông
Dương. Những việc diễn ra ở Đông Dương rất ít được biết đến, thậm chí bị
hiểu sai ở Paris.
Các nhà lãnh đạo chính trị và các vị chỉ huy quân sự hàng đầu ở Pháp biết
rõ tình hình thực tế ở Đông Dương. Giờ đây đối với họ, cuộc chiến tranh ở
Đông Dương đã lâm vào một ngõ cụt, một tổ ong, một mớ bòng bong. Họ
muốn đi ra khỏi nó nhưng chưa thống nhất được về chính sách, cũng như chiến
lược để có thể đi đến sự kết thúc. Một số người chủ trương kéo dài chiến tranh
thêm một thời gian ngắn nữa để thực hiện cố gắng cuối cùng và có giới hạn,
nếu sự giải quyết đó không quá tệ hại. Một số người khác cho rằng nên tiến
hành ngay lập tức và làm thế nào cũng được để rút khỏi chiến tranh.
Trong khi các lực lượng cánh tả, đứng đầu là đảng Cộng sản Pháp, đòi đàm
phán với chính phủ Hồ Chí Minh để tiến tới chấm dứt xung đột thì những phần
tử cực hữu lại chủ trương kéo dài và mở rộng chiến tranh. Người ta muốn chia
sẻ gánh nặng của cuộc chiến tranh Đông Dương với các nước khác, đồng thời
lại muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của nước Pháp trên bán đảo này. Để thực
hiện được mục tiêu đó, chính phủ Pháp đề ra đường lối mới với những nội dung
chủ yếu: 1. Buộc chính quyền ngụy phải đẩy mạnh hơn nữa thủ đoạn bắt người
tại chỗ để tăng cường lực lượng quân nguỵ, san sẻ bớt gánh nặng cho nước
Pháp; 2. Đẩy mạnh các cuộc hành binh bình định hòng khôi phục lại hình thái
chiến lược như cuối năm 1951 ở vùng mà Pháp chiếm đóng, nhất là trong vùng
châu thổ sông Hồng; 3. Trên cơ sở xin thêm viện trợ Mỹ, nhanh chóng phát
triển quân ngụy lên 6 – 8 sư đoàn do Pháp trực tiếp chỉ huy và sử dụng.
Những khó khăn của quân Pháp ở Đông Dương ngày càng thêm trầm trọng.
Chúng phải căng mỏng lực lượng nhỏ của mình để đối phó lại các cuộc tấn
công ở khắp nơi với cường độ ngày càng mạnh của quân đội Việt Nam. Tuy về
tổng số quân Pháp ở Đông Dương có tăng lên đôi chút do những cố gắng của
De Lattre và chủ trương “vàng hóa”18 đội quân này, song số quân viễn chinh
Pháp lại giảm sút do bị chính phủ Pháp khống chế. Quân đội viễn chinh Pháp ở

18
Tức là tăng cường xây dựng lực lượng nguỵ quân (da vàng) để thay thế quân viễn chinh Pháp

64
Đông Dương đã giảm 15.000 tên do phải “trả” cho chính quốc nhằm thực hiện
các nhiệm vụ cấp bách ở Bắc Phi, bù lại, số quân ngụy tăng thêm 38.000 người.
Do tỉ lệ nguỵ quân quá lớn khiến cho chất lượng quân đội ngày càng suy
giảm. Số lượng viện trợ lớn của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương19 một mặt đã
giúp Pháp đẩy mạnh việc hiện đại hóa quân đội, xây dựng ngụy quân, nhưng
mặt khác nó cũng gây cho Pháp những khó khăn không nhỏ, làm cho quân đội
Pháp lâm vào tình trạng nặng nề. Theo như Navarre, những trang bị của Mỹ “chỉ
thích hợp với một cuộc chiến tranh quy ước”, trong khi cuộc chiến mà Pháp
đang phải đối mặt ở Đông Dương lại là một cuộc chiến tranh linh hoạt, nhiều
biến dạng, với một quân đội nhân dân Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh
mẽ cả về quân số, tinh thần chiến đấu và tổ chức. Vì thế, tiếp nhận viện trợ Mỹ
càng lớn, càng làm cho quân đội Pháp mất đi tính năng động cũng như quyền
chủ động của mình, ngày càng lâm vào thế bị động so với quân đội đối phương.
Đồng bằng Bắc bộ tiếp tục được Pháp coi là địa bàn quan trọng, tập trung
tối đa lực lượng để bảo vệ. Theo Navarre, Pháp đã phải hy sinh mọi thứ để
phục vụ cho việc tổ chức phòng thủ ở đồng bằng này.
Năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp đã tập trung phần lớn lực lượng cơ động chiến
lược tiến hành hàng trăm cuộc càn quét trên toàn chiến trường Việt Nam. Rút
kinh nghiệm những năm trước đó, trong các cuộc càn quét lần này, ngoài việc
sử dụng binh lực lớn (thường mỗi cuộc càn quét, Pháp sử dụng từ 7 đến 10 tiểu
đoàn bộ binh, 2-3 tiểu đoàn pháo binh), càn đi quét lại nhiều ngày, Bộ chỉ huy
Pháp đặc biệt chú trọng kết hợp hành động quân sự với những thủ đoạn lừa mị
về chính trị. Đi theo các đơn vị Âu – Phi, chủ lực trong các trận càn, là những
đội quân hành chính lưu động (Groupement administratif mobile
opérationnel - GAMO) bao gồm bọn gián điệp, tề dõng, nhân viên chiêu hồi có
nhiệm vụ “khuyếch trương chiến quả”, hòng đạt mục tiêu cuối cùng của công
cuộc bình định, lung lạc tinh thần nhân dân vùng bị chiếm đóng.
Tuy vậy, quân Pháp “phải chiến đấu chống lại một lực lượng bộ binh vô
cùng linh hoạt, ẩn náu ngay trên lãnh thổ của chúng ta (tức đồng bằng châu thổ
sông Hồng, nơi quân Pháp đang chiếm đóng - HVT), được trang bị ngày càng
19
Theo thống kê của Salan, từ giữa năm 1950 đến đầu năm 1952, Mỹ đã viện trợ cho quân Pháp ở Đông
Dương 120.000 tấn dụng cụ chiến tranh gồm 178 máy bay, 170 tàu xuồng các loại, nhiều xe tăng, phương tiện
thông tin, quân nhu... [Theo 76, tr.90]

65
tốt hơn, ngày càng tinh nhuệ hơn. Lực lượng của ta (Pháp) thì ngày một bị thu
nhỏ về quân số. Lực lượng “cắm tại chỗ” bị tập trung vào những cứ điểm được
xây dựng chỉ đủ để chống lại quân du kích trang bị kém, và khó có khả năng
cầm cự lại một địch thủ được trang bị nhiều về súng bazoka và đại bác không
giật”[27, tr.46]. Nhưng điều quan trọng hơn, theo đánh giá của Navarre, đó là
“sự sa sút ngày càng nghiêm trọng hơn về tinh thần, tư tưởng thụ động đang lan
truyền hàng ngày trong quân lính, do những mặc cảm về sự thua kém, làm cho
họ ngày càng ít thực hiện được những cuộc tuần tiễu hơn vào ban đêm xung
quanh nơi đóng quân của họ”. Tình hình đó “đã tạo điều kiện cho đối phương
(Việt Nam) có được một sân trống – nhất là vào ban đêm - do họ hoàn toàn làm
chủ. Những cuộc hành quân “tảo thanh” liên tục và đầy thất vọng không giải
quyết được tình hình xấu đi này”[27, tr.47].
Những điều đó đã nói lên sự bất lực cũng như những khó khăn mà quân
Pháp đang phải đối mặt ở chiến trường Đông Dương, nhất là ở vùng đồng bằng
châu thổ Bắc bộ. Thế thua của thực dân Pháp đang ngày càng lộ rõ.
Phát huy những kết quả đạt được, phân tích rõ phương hướng tiến công
chiến lược có lợi cho ta lúc này là chiến trường rừng núi, tháng 9.1952, Trung
Ương Đảng ta chủ trương: tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở
của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Bắc.
Vào giữa tháng 10.1952, quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công vào căn cứ
Nghĩa Lộ, mở đầu cho chiến dịch Tây Bắc (14.10.1952 – 10.12.1952). Quân
Pháp hoàn toàn bị bất ngờ.
Để cứu nguy cho Tây Bắc, Bộ chỉ huy Pháp đã quyết định thực hiện một
cuộc hành quân đánh vào phía sau nhằm buộc Việt Minh phải điều chủ lực từ
chiến trường Tây Bắc về để đối phó. Cuộc hành quân mang tên Loraine được
coi là cuộc hành quân lớn nhất từ đầu chiến tranh với quân số tham gia là
30.000 người, mục tiêu lựa chọn là Phủ Đoan (Phú Thọ).
Cuộc hành binh Loraine (kết thúc ngày 1.12.1952) không đạt được mục tiêu
đề ra. Quân Pháp đã phải sử dụng phần lớn lực lượng cơ động chiến lược và
huy động không quân ở mức tối đa nhưng vẫn không buộc đối phương phải
thay đổi quyết tâm chiến lược của họ, tức là không cứu nguy được cho xứ Thái.
Cuối cùng quân Pháp “đã buộc phải rút lui trong những điều kiện vô cùng khó
khăn” [27, tr.47].

66
Quân Pháp ở Nghĩa Lộ và Tây Bắc nhanh chóng bị đánh bại. “Sau khi
chiếm được Nghĩa Lộ, phần lớn lực lượng Việt Minh (sư đoàn 308, 312, 316)
xuyên thủng một chiến tuyến nhỏ mà chúng ta (Pháp) định dựng lên dọc theo
sông Đà, chia quân đội chúng ta làm đôi, đẩy lui một nhóm chạy về Lai Châu,
nhóm kia chạy về Nà Sản. Lực lượng của chúng ta tổn thất và mệt mỏi, tập
trung về quanh các sân bay để có thể được tiếp tế và nhận thêm viện binh” [27,
tr.47 - 48]. Quân Pháp đã xây dựng một cách vội vã các căn cứ để chống trả lại
các đợt tiến công của quân đội Việt Nam.
Đêm 17.10, Salan được tin Nghĩa Lộ bị tấn công. Trưa 18.10, Salan cùng
De Chevigné (Bộ trưởng chiến tranh Pháp đang ở thăm Đông Dương) và
Letourneau vừa bay ra đến Hà Nội thì được báo tin Nghĩa Lộ bị tiêu diệt hoàn
toàn. Sau khi nghe De Linarès báo cáo, Salan kết luận: Nghĩa Lộ đã không
đứng được, thì các vị trí khác ở phía tây sông Đà sẽ tiếp tục trở thành những
mồi ngon cho đối phương. Ông ta quyết định rút tất cả về Nà Sản. Salan chỉ thị
cho De Linarès phải củng cố Nà Sản thành một tập đoàn cứ điểm với những
điểm tựa đủ sức chịu đựng được đạn pháo, nhằm ngăn chặn quân đội Việt Nam
giành lại xứ Thái và thâm nhập vào đất Lào.
Tháng 11.1952, sau khi tiêu diệt hàng loạt các vị trí quân Pháp bố trí cô độc
và xây dựng vội vã, chủ lực Việt Nam tấn công Nà Sản. Do Nà Sản được Salan
tăng quân lên tới 7 tiểu đoàn và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm kiên cố, cuộc
tấn công của quân ta vào đây gặp rất nhiều khó khăn, cũng như tổn thất về lực
lượng. Nhận thấy không có ưu thế về binh lực, nhất là về binh khí kỹ thuật,
không đảm bảo chắc thắng, ta đã ngừng cuộc tấn công. Một bộ phận ở lại tiếp
tục bao vây tiêu hao địch. Các đơn vị khác giúp đỡ địa phương củng cố vùng
mới giải phóng rộng lớn ở Tây Bắc và chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo.
Trước sự uy hiếp của quân đội Việt Nam, sau khi quân Pháp ở Lai Châu đã
bị loại bỏ, Salan đẩy mạnh tăng viện cho Thượng Lào, xây dựng Sầm Nưa
thành một tập đoàn cứ điểm đặt dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc
Đông Dương. Salan yêu cầu phải giữ bằng được Thượng Lào nhằm ngăn chặn
Việt Minh tiến về phía sông Mêkông, bởi theo ông ta, Mêkông chính là cái chìa
khoá chiến lược của bán đảo Đông Dương.

67
Tháng 4.1953, liên quân Việt – Lào phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào. Đại
bộ phận quân Pháp ở Sầm Nưa bị tiêu diệt. Tiếp đó, hàng loạt vị trí khác của Pháp
trên khu vực sông Nậm U cũng chịu chung số phận: Mường Ngòi, Bản Sẻ (25.4),
PacSeng (26.4), Nậm Bạc (27.4)... Cố đô Luông Pha Bang bị uy hiếp nghiêm trọng.
Theo Navarre, quân Pháp hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công của ta ở
Thượng Lào, bởi “chưa bao giờ chúng tôi (Bộ chỉ huy Pháp) dự kiến một cách
nghiêm túc rằng sẽ có một ngày Việt Minh lại có thể mở các chiến dịch lớn ở một
nơi nào khác ngoài đồng bằng Bắc bộ. Vì vậy, trong tất cả các lĩnh vực, chúng tôi
chẳng có một biện pháp nào để đề phòng: huấn luyện, trang bị cho binh lính, bảo
đảm hậu cần, giao thông đường bộ và đường không,…” [28, tr.49].
Cuộc tiến công của liên quân Việt – Lào đã gây cho Pháp những thiệt hại
nặng nề. Ở nhiều nơi, quân Pháp phải rút lui đến hàng trăm kilômét. Toàn bộ
tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lì với 400.000
dân được giải phóng. Căn cứ kháng chiến Thượng Lào được mở rộng và nối
liền với vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo thế uy hiếp mới đối với quân Pháp, đồng
thời mở ra một hướng mới cho sự phối hợp chiến trường giữa hai nước. Mặc dù
quân đội Việt Nam “chưa tiến đến được sông Mêkông nhưng đã ở rất gần và
đang chuẩn bị các căn cứ để tiến công tiếp. Chúng tôi (quân Pháp) đã bị dồn tới
chân tường. Thực tế đã chứng minh rằng, trong mọi trường hợp, đồng bằng Bắc
bộ không còn là chiếc then cửa của Đông Nam Á nữa bởi đối phương có thể
vòng qua một cách dễ dàng” [28, tr.49].
Vậy là chiến tranh đã thực sự mở rộng trên phạm vi toàn Đông Dương.
Quân Pháp giờ đây sẽ càng khó khăn hơn trong việc đối phó với các cuộc tiến
công của quân đội Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia, trong khi quân số
của Pháp ngày càng hao hụt.
2.3. Về chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954)
2.3.1. Sự điều chỉnh chiến lược mới của Pháp - Kế hoạch Navarre.
Những cuộc tấn công mạnh mẽ của quân đội Việt Nam và liên quân Việt -
Lào cuối năm 1952 đầu năm 1953 làm cho tình hình quân Pháp ở Đông Dương
rất khó khăn. Thêm vào đó, tình hình chính trị ở Pháp lại lâm vào khủng hoảng.
Khả năng tăng viện cho quân Pháp ở Đông Dương rất hạn chế. Những thất bại
ở Tây Bắc (cuối 1952) và Thượng Lào (đầu 1953) đặt ra trước chính phủ Pháp

68
yêu cầu cải tổ bộ máy chỉ huy quân đội ở Đông Dương, hoạch định lại chính
sách nhằm đưa cuộc chiến tranh ra khỏi con đường hầm không lối thoát.
Tháng 5.1953, chính phủ R.Mayer quyết định cử tướng Navarre sang thay
Salan giữ chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Mục tiêu
đặt ra cho Navarre là tìm giải pháp rút khỏi Đông Dương trong danh dự. Thủ
tướng R.Mayer đã khẳng định với Navarre “Đây không phải là vấn đề thuộc địa
nữa. Nhiệm vụ tôi giao cho ông không phải là để thiết lập lại chủ quyền nước
Pháp ở nơi này! Chúng ta đã sa lầy suốt 6 năm trong vụ Đông Dương, những
tài nguyên quân sự đang kiệt quệ, chính trị đang rối ren...”[28, tr.14]. Đồng thời
R.Mayer cũng luu ý Navarre “phải dè chừng đối với mọi yêu cầu tăng viện lớn
bởi sẽ không có khả năng đáp ứng được” [28, tr.19-20].
Sau một tháng sang nắm tình hình tại Đông Dương, với một bản tổng kết mà
Navarre cho là “xấu hơn nhiều so với những gì người ta trình bày với tôi
(Navarre) khi tôi mới đến,...”[28, tr.71], đầu tháng 7.1953, Navarre đã trình một
bản kế hoạch chính trị - quân sự mới, được gọi là Kế hoạch Navarre. Ông ta đề ra
những vấn đề về chính trị, về tổ chức lực lượng, kế hoạch tác chiến,.... nhằm đảo
ngược tình thế. Navarre tự xác định nhiệm vụ của mình là tạo những điều kiện
quân sự cho một giải pháp chính trị trong danh dự sẽ đề xuất khi thời cơ đến.
Bản kế hoạch của Navarre được Hội đồng quốc phòng Pháp tán thành về
nguyên tắc (có điều chỉnh một số điểm, chủ yếu là về dự kiến quân tăng viện).
Dư luận chính giới Pháp và Mỹ đều đánh giá cao bản kế hoạch chiến lược mới.
Ngoại trưởng Mỹ Dulles khẳng định, “kế hoạch Navarre trong 2 năm tới, nếu
không phải là một thắng lợi hoàn toàn thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất
định về quân sự”. Còn Thủ tướng Pháp J.Laniel thì nói trước Quốc hội Pháp
(ngày 22.10.1953) rằng: “Kế hoạch Navarre chẳng những được chính phủ Pháp
mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều”
[Dẫn theo 18, tr.61].
Ngay sau khi chính thức nhậm chức Tổng chỉ huy ở Đông Dương, Navarre
nhanh chóng triển khai các nội dung của kế hoạch mang tên mình. Việc đầu
tiên là tiến hành tổ chức lại Bộ chỉ huy20.

20
Tướng Bodel được cử làm phó cho Navarre, tướng Gambiez - Tham mưu trưởng, tướng Cogny - chỉ huy
chiến trường Bắc bộ thay tướng De Linarès, Đại tá Rovol được cử giữ chức Chánh văn phòng, tướng Laugin
thay tướng Chassin giữ chức chỉ huy không quân, tướng Bondis - chỉ huy các lực lượng lục quân Nam bộ.

69
Bước tiếp theo là tăng quân số bằng viện binh từ Pháp sang21, đồng thời đẩy
mạnh việc phát triển quân đội các quốc gia liên kết (quân nguỵ), thay thế và rút
bớt các lực lượng chiếm đóng của Pháp để xây dựng lực lượng chủ lực tác
chiến gồm những đơn vị lớn có khả năng đối chọi với các sư đoàn Việt Minh.
Mục tiêu của Navarre là “xây dựng một lực lượng cơ động gồm 6 sư đoàn
(trong đó có một sư đoàn không vận), tức 24 binh đoàn cơ động và 3 binh đoàn
không vận. Đợt đầu phải sẵn sàng vào 1.4.1954; đợt 2 vào 1.9; và đợt 3 vào đầu
năm 1955” [28, tr.128]
Từ ngày 7 đến ngày 12.8.1953, Navarre cho rút khỏi Nà Sản - một vị trí đã
không còn giá trị gì lắm đối với việc che chở cho Thượng Lào, để có thêm lực
lượng (6 tiểu đoàn) tăng cường cho việc bảo vệ đồng bằng Bắc bộ. Tiếp đó,
một bộ phận quân cơ động đang trấn giữ ở Thượng Lào cũng được lệnh rút về
châu thổ Bắc bộ.
Từ tháng 6.1953, nhiều cuộc hành quân có tính chất địa phương đã được
tiến hành trên toàn Đông Dương, chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ và miền trung
Trung bộ, gây cho ta không ít khó khăn.
Các cuộc hành quân càn quét của địch đã được thổi phồng về quy mô đạt
được của nó. Từ đó, theo Navarre, đã đưa đến hậu quả tai hại là Paris viện vào
đó để không tăng viện, thậm chí chính phủ Pháp còn chỉ thị cho Navarre không
nên tìm cách để thắng trong chiến tranh, mà chỉ hành động sao đủ để chứng
minh cho đối phương rằng họ không thể giành được thắng lợi trong chiến tranh
và phải chấp nhận một sự thoả hiệp [28, tr.411].
2.3.2. Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược
Navarre cho biết, từ đầu tháng 11.1953, Bộ chỉ huy Pháp đã nhận thấy có
nhiều dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy các lực lượng quan trọng của Việt
Minh (Sư đoàn 316 và nhiều đơn vị của 1 hay 2 sư đoàn khác) đang tiến về
Thượng du, nhằm vào mục tiêu đầu tiên là Lai Châu, sau đó là dựa vào Điện
Biên Phủ để tiến vào Bắc Lào. Nói cách khác chiến trường hoạt động chính của
quân đội Việt Nam trong Đông - Xuân 1953-1954 sẽ là Tây Bắc và Lào chứ
21
Lực lượng tăng viện theo yêu cầu của Navarre: Lục quân: 12 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo thả bằng dù
và 1 tiểu đoàn công binh (Pháp đã tăng viện 8 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh); Không quân: tăng số
máy bay vận tải từ 75 lên 100, máy bay ném bom từ 60 lên 120, một số lượng lớn trực thăng, tăng đủ số nhân
viên cần thiết (nhưng số tăng viện là không)
Xem thêm: J. Pouget, Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, sđd, tr.85-86.

70
không phải đồng bằng Bắc bộ như Navarre dự kiến trước đó. Sự thay đổi này
đặt ra cho Navarre những nhiệm vụ mới, đặc biệt là việc bảo vệ nước Lào. Sau
khi cân nhắc kỹ các phương án khác nhau để ngăn chặn cuộc tiến công của Việt
Minh, Navarre và Bộ chỉ huy Pháp đã chọn Điện Biên Phủ. Theo Navarre, “dù
cân nhắc tình hình một cách sơ đẳng nhất, không ai có thể chấp nhận phòng thủ
nước Lào chỉ tại Luang Phrabang hay Vientiane. Về mặt chính trị, cũng như ta
phòng thủ nước Pháp ngay tại Paris hoặc Orleans. Trên thực tế, Luang Phrabang
có tầm quan trọng về mặt chính trị rất lớn, trong khi Vientiane chỉ là thủ đô hành
chính, không có tầm quan trọng nào cả... Đứng về mặt quân sự, thì cả hai thành
phố này đều không thể được phòng thủ trong những điều kiện tốt, cả trên mặt đất
lẫn từ trên không...” [27, tr.267-268].
Sau khi cân nhắc, Navarre thấy “cứ điểm duy nhất có thể lập được một căn
cứ cho lục quân và không quân nằm cách Lai Châu 90 Km về phía Nam: Điện
Biên Phủ” [27, tr.270]. Vì thế, đầu 11.1953 Navarre đã quyết định “phải chiếm
giữ Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một căn cứ lục - không quân để bảo vệ
Lào” [27, tr.279].
Theo Navarre, ông ta đã chọn Điện Biên Phủ vì các lý do sau: Thứ nhất,
tướng Salan đã từng dự định xây dựng trung tâm đề kháng lớn ở đây; Thứ hai,
Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng, là bản lề của các trục đường
nối liền các vùng biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Tránh đi
qua điểm này là cực kỳ khó khăn vì chỉ có những con đường mòn dọc núi.
Những cánh đồng ở Điện Biên Phủ là những cánh đồng đông dân cư và giàu có
nhất vùng thượng du. Sản lượng gạo ở đây rất cao, đủ đảo bảo lương thực trong
nhiều tháng cho từ 20.000 đến 25.000 người. Sân bay có khả năng được nới
rộng ra một cách dễ dàng từ 2 đến 3 lần [27, tr.272-273]. Hơn nữa theo tính
toán của Navarre, “khoảng cách xa gây trở ngại cho không quân Pháp thì nó
cũng gây nhiều khó khăn cho Việt Minh về vận chuyển tiếp tế. Thực vậy, từ
Điện Biên Phủ tới các điểm đưa viện trợ vào biên giới Việt - Trung, khoảng
cách phải trên 300 cây số. Mọi đường dẫn đến các điểm nhận hàng ấy đều bị
phá. Muốn đánh Điện Biên Phủ, Việt Minh chỉ có thể giải quyết khâu vận
chuyển tiếp tế bằng lực lượng dân công mang vác, do đó để sử dụng sức mạnh

71
binh khí kỹ thuật, khả năng của họ rất hạn chế: trong một bản nghiên cứu tháng
5.1953, tướng Salan cho rằng, do vận chuyển khó khăn, Việt Minh không thể
sử dụng vũ khí nặng trên chiến trường rừng núi Thượng du với số lượng lớn”
[28, tr.169-170].
C.De Pirey cũng khẳng định: “Để bảo vệ xứ Lào, và để có thể sử dụng một
sân bay, đã đưa tướng Navarre chọn thung lũng Điện Biên Phủ” [6, tr.260].
Navarre quyết định tiến hành nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ - kế hoạch Castor.
Ngày 20.11.1953, 3 tiểu đoàn dù nhảy xuống Điện Biên Phủ. Ngày 21 và 22.11, 3
tiểu đoàn dù nữa được đưa lên Điện Biên Phủ cùng 1 tiểu đoàn pháo binh. Ngày
3.12.1953, Navarre ký một bản chỉ thị, khẳng định “Tôi quyết định chấp nhận
chiến đấu với Việt Minh trên chiến trường Tây Bắc” [Dẫn theo 36, tr.175]. Ngày
8.12, số quân chiếm đóng ở Lai Châu cũng được chuyển về đây. Đến giữa tháng
12.1953, Navarre đã quyết định tăng cường quân số chiếm đóng Điện Biên Phủ
lên tới 12 tiểu đoàn, sau đó là 16 tiểu đoàn.
Từ một cứ điểm chiến lược nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của quân đội
Việt Nam sang Thượng Lào, Điện Biên Phủ đã được xây dựng thành một tập
đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Từ chỗ không có tên trong kế hoạch
Navarre, Điện Biên Phủ được lựa chọn trở thành nơi sẽ diễn ra trận quyết chiến
chiến lược. Điều đó cho thấy sự lúng túng, bị động của quân Pháp.
Sau khi quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và tăng cường lực
lượng xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, ngày 6.12.1953, Bộ Chính
trị Trung ương Đảng đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm địa điểm tiến hành
cuộc quyết chiến chiến lược với quân Pháp. Bộ Chính trị quyết định mở chiến
dịch Điện Biên Phủ.
Vậy là, “đầu tháng 12 năm 1953, cả hai phía, tướng Navarre và tướng Giáp,
đều chấp nhận cùng giao chiến tại thung lũng lòng chảo, cùng chấp nhận những
rủi ro đã tính kỹ” [36, tr.232].
Nhằm phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện chuẩn bị mọi mặt cho trận
chiến quyết định ở Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam phối hợp với quân dân
Lào mở nhiều chiến dịch tấn công địch trên khắp các chiến trường. Navarre đã
phải tăng cường lực lượng để bảo vệ các vị trí quan trọng. Khối cơ động chiến

72
lược của Pháp ở đồng bằng Bắc bộ bị chia nhỏ, phân tán trên năm vùng cách xa
nhau: đồng bằng Bắc bộ, Điện Biên Phủ, Thượng Lào, Trung Lào, Tây
Nguyên. Như vậy, bước một của kế hoạch Navarre thất bại.
Trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, sau khi Bộ Chính trị quyết định
chấp nhận trận quyết chiến chiến lược ở đây, quân và dân ta đã đẩy mạnh công
tác chuẩn bị về mọi mặt.
Kế hoạch tác chiến ban đầu do Tổng quân uỷ Trung ương trình Bộ Chính trị
(ngày 6.12.1953) dự kiến thời gian tác chiến khoảng 45 ngày. Phương châm tác
chiến lúc đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tranh thủ thời cơ khi địch
chưa tăng thêm quân và củng cố công sự. Dự kiến thời điểm mở màn chiến
dịch là ngày 25.1.1954. Tuy nhiên, sau đó ta đã quyết định thay đổi kế hoạch,
chuyển sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc”, đồng thời lùi thời gian mở
màn chiến dịch vào trung tuần tháng 3.
Quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến của ta đã gây cho địch nhiều bất
ngờ, đồng thời cũng là quyết định có ý nghĩa lớn đến toàn bộ diễn biến của
chiến dịch sắp tới.
Theo hồi ký của Navarre cũng như nhiều sĩ quan cao cấp của Pháp trong
thời kì này, phía Pháp đã nắm được những thông tin quân đội Việt Nam sẽ nổ
súng đánh vào Điện Biên Phủ ngày 25.1. Việc tướng Giáp không tiến công vào
ngày 25.1, nhất là tin sư đoàn 308 rời Điện Biên Phủ sang Thượng Lào làm cho
nhiều người Pháp nghĩ rằng Việt Minh đã thoái chí và bỏ cuộc.
Việc quân đội Việt Nam không tấn công Điện Biên Phủ vào ngày 25.1.1954
càng làm cho các tướng lĩnh, binh sĩ và các quan chức Pháp-Mỹ tin tưởng vào
sự vững chắc của tập đoàn cứ điểm này. Thậm chí họ còn rải truyền đơn khiêu
khích, kêu gọi Việt Nam tấn công vào Điện Biên Phủ. Tất cả các nhân vật cấp
cao Pháp - Mỹ lên thăm Điện Biên Phủ “đều có ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần
lạc quan của các cấp, từ Bộ chỉ huy Hà Nội, Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm đến
các sĩ quan, binh lính trực tiếp chiến đấu ở đấy. Có thể hoặc họ nghĩ Việt Minh
sẽ không dám tiến công, hoặc có bị tiến công thì sẽ đánh lui được Việt Minh dễ
dàng...” [28, tr.198]. Navarre đã dẫn ra hàng loạt chứng cứ về sự lạc quan ấy.
Tuy vậy, chính Navarre cũng cho biết rằng đến lúc đó ông ta đã cảm thấy lo

73
lắng và không còn dám khẳng định sẽ giành được chiến thắng 100% như trước.
Còn P.Sergeant thì khẳng định rằng, không biết ai mong muốn được giao chiến
với Việt Minh chứ còn đội quân của ông đã được nếm mùi ngay từ khi nhảy dù
xuống đây và không hề mong muốn giao chiến. Họ chiến đấu chỉ vì đó là nghĩa
vụ của nhà binh [54, tr.970].
2.3.3. Về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
Giữa lúc sự lạc quan trong tướng tá Pháp đang tràn trề, chiều tối ngày
13.3.1954, quân đội Việt Nam nổ súng tấn công vào cụm cứ điểm Béatrice
(Him Lam) và Gabrielle (Độc Lập), mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Béatrice
nhanh chóng bị tiêu diệt.
Đêm 14.3, cứ điểm Gabrielle bị tấn công và bị tiêu diệt vào 4h30 sáng ngày
15.3. Quân Pháp tổ chức phản công để chiếm lại nhưng thất bại.
Việc mất hai cứ điểm quan trọng này là một thất bại lớn của Pháp. F.Joyaux
cho biết: “Cuộc tiến công căn cứ Điện Biên Phủ, bắt đầu từ ngày 13 tháng 3,
nhất là việc đánh chiếm nhanh chóng các đồn tiền tiêu của cứ điểm Điện Biên
Phủ từ những ngày đầu chiến sự, đã làm các giới hữu trách trong chính phủ
Paris ngạc nhiên. Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự, ở Pháp cũng
như ở Mỹ và ở Anh trải qua một cơn sốt đặc biệt” [21, tr.106].
Tướng Navarre khẳng định “việc thất thủ hai cụm cứ điểm vòng ngoài đã có
những hậu quả rất nghiêm trọng. Phía Bắc và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm bị hở
và đối phương đã có thể đưa một bộ phận pháo binh vào gần hơn... Nếu cho
rằng ta có thể thắng trận Điện Biên Phủ, thì qua những ngày đầy tai hoạ (14 và
15.3), mọi cơ may để thành công đã không còn nữa” [28, tr.211].
Sự thất bại này “đã gây ra một sự khủng hoảng hết sức nghiêm trọng. Trước
hết là sự khủng hoảng tinh thần, vì nhiều người được giao trách nhiệm bất ngờ
nhận ra rằng đối phương có sức mạnh mà họ không đánh giá đúng... Cú sốc về
mặt tâm lý này đã làm cho nhiều người cảm thấy có một sự bất lực và nghi ngờ
về khả năng kháng cự. Từ một sự tự tin quá đáng, người ta đột ngột chuyển
sang một sự mất tin tưởng dẫn đến bi quan ... Và khủng hoảng về mặt chiến
thuật. Sự sụp đổ một phần lực lượng của chúng ta, sự co cụm lại, hàng rào

74
phòng không và khả năng khống chế sân bay của pháo binh đối phương đã dự
báo trước sự chết ngạt của tập đoàn cứ điểm...” [27, tr.323].
Tiểu đoàn nguỵ Thái ở Bản Kéo “chứng kiến Him Lam và Độc Lập thất thủ
và hiểu rằng họ sẽ chịu chung số phận đó. Vào đêm 15.3, nhiều người thuộc
tiểu đoàn này đã đào ngũ, phần lớn số còn lại trốn về quê hoặc ra hàng vào đêm
17.3. Quân Pháp và một số lính Thái còn lại rút về Huguette. Giai đoạn một của
cuộc bao vây đã kết thúc” [54, tr.1034].
Chiến thắng Bản Kéo đã kết thúc đợt 1 chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 5
ngày (13-17.3) với hai trận đánh lớn then chốt, quân ta đã đập tan hệ thống
phòng ngự của địch trên hướng bắc và đông - bắc, xoá sổ phân khu bắc và một
bộ phận của phân khu trung tâm, tiêu diệt hai tiểu đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất
của địch, làm tan rã một tiểu đoàn khác, mở thông đường xuống vùng lòng
chảo, mở cửa vào phân khu trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch
tiếp tục phát triển. Thất bại này đã làm cho tinh thần sĩ quan và binh lính Pháp
dao động. Vì thế, “ở Paris, Sài Gòn, Hà Nội, từ Thủ tướng Laniel đến tướng
Navarre, Cogny đều mất lòng tin ban đầu và chuyển sang thái độ bi quan sâu
sắc”. Còn ở Điện Biên Phủ, “trong những ngày này, quân Pháp dường như chờ
đợi một thảm bại” [54, tr.1034].
Theo J.Pouget, “Cuộc chiến Điện Biên Phủ đã trở thành một lời giải thích
kín đáo giữa hai phía Việt và Pháp. Với người lính Việt Minh đó là nhưng
người không chịu khuất phục. Đối với phía Pháp, đó là những người lính thuộc
mọi chủng tộc, những người lính lê dương đủ mọi quốc tịch, những lính dù của
đủ mọi tỉnh thành nước Pháp, sát cánh chung quanh một địa điểm mà đôi lúc họ
đã quên và chỉ còn là sự tiêu biểu cho kỉ niệm của bổn phận đè nặng lên họ...
“Điện Biên Phủ đã trở thành một thách thức” [36, tr.298].
Chiều ngày 30.3.1954, quân đội Việt Nam bắt đầu đợt tấn công thứ hai,
đánh chiếm mặt phía đông của cụm phòng thủ trung tâm.
Sau 5 ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai của quân ta đã thu được thắng
lợi quan trọng. Ở phía đông, ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu, nhưng
địch vẫn giữ được điểm cao A1.
Trước những thất bại dồn dập ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp yêu cầu Mỹ
giúp đỡ. Một kế hoạch giải vây cho Biện Biên Phủ bằng sự can thiệp ồ ạt, theo

75
kiểu rải thảm của không quân Mỹ - kế hoạch Vautour, được thảo ra. Họ dự định sẽ
sử dụng một số lượng lớn máy bay Mỹ từ Philippin tới ném bom ồ ạt các vị trí
đóng quân của Việt Nam xung quanh Điện Biên Phủ. Nếu kế hoạch này không có
hiệu quả thì sẽ xem xét đến việc dùng bom nguyên tử [Dẫn theo 54, tr.1035].
Song kế hoạch này đã không được thực hiện do vấp phải sự phản đối của
nhiều tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Mỹ, cũng như không được Quốc hội
Mỹ thông qua. Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương cũng có kế hoạch dùng quân
“biệt kích” từ Lào để ứng cứu Điện Biên Phủ, mang tên kế hoạch Condor. Ngoài
ra họ còn dự kiến kế hoạch rút chạy khỏi Điện Biên Phủ - kế hoạch Albatros,
trong tình huống xấu nhất.
Giữa lúc Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp còn đang lúng túng chưa tìm ra
lối thoát cho Điện Biên Phủ thì quân đội của tướng Giáp mở đợt tấn công thứ
ba vào chiều ngày 1.5.1954. 17giờ30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, thiếu tướng De
Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.
Quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn, bao gồm “khoảng 16.000
người, trong đó có 1500 người chết, 4000 người bị thương. Tính đơn vị, thiệt hại
của chúng tôi (quân Pháp) gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn dù), 2 tiểu
đoàn pháo 105 và 1 đại đội 105 và 1 đại đội 155, 1 tiểu đoàn xe tăng và một số
đơn vị binh chủng và bảo đảm khác” [28, tr.223]. Những số liệu trên là do phía
Pháp đưa ra, thực tế như thế nào vẫn còn cần nghiên cứu để xác định.
2.3.4. Về ý nghĩa, tác động của Điện Biên Phủ
Trận chiến ở Điện Biên Phủ có tiếng vang lớn trên phạm vi toàn thế giới.
Đối với Pháp, ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8.5.1954 tướng Navarre
đã tổ chức một buổi họp báo ở Sài Gòn “để thông báo rằng ông ta không là
người đưa ra quyết định đầu hàng Điện Biên Phủ. Thất bại này một phần lớn là
do quan điểm quân sự từ quá khứ và sự lựa chọn chiến lược, nhưng cũng theo
đánh giá của tướng Navarre, do những khả năng của quân đội nhân dân Việt
Nam nhằm tập trung trọng pháo và vũ khí phòng không đã phá huỷ hai địa điểm
hạ cánh của máy bay và gây khó khăn cho hoạt động thả dù” [26, tr.62].
Sau này, trong các công trình của mình, tướng Navarre đã thừa nhận thất
bại ở Điện Biên Phủ là nghiêm trọng, thừa nhận những sai lầm của ông ta trong

76
việc điều hành cuộc chiến. Tuy nhiên, ông ta vẫn đưa ra rất nhiều lý lẽ để biện
minh cho các quyết định của bản thân. Navarre khẳng định rằng: “Dù thất bại,...
nhưng bù lại chúng tôi đã cứu nguy được cho Lào và tránh cho đồng bằng Bắc
bộ cũng như Nam Đông Dương những thất bại quan trọng hơn có thể dẫn đến
thảm hoạ” [28, tr.245-246]. Ông ta cho rằng, Điện Biên Phủ “trong một thời gian
ngắn đã khôi phục tinh thần quốc gia của người Pháp bị hao mòn từ lâu. Lẽ ra
một chính phủ xứng đáng với chức danh đó đã có thể tận dụng được sự bừng
tỉnh này” [27, tr.351]. Navarre tìm cách tránh trách nhiệm: “Nhưng cuộc chiến
tranh Đông Dương không như những cuộc chiến tranh khác. Đây là cuộc chiến
tranh mà đất nước không thấy có quyền lợi quốc gia, dân chúng đã quá mệt mỏi,
và người ta cũng để cho họ nghĩ là không còn ý nghĩa nào cả. Đây là cuộc chiến,
mà số đông các chính trị gia chỉ muốn tìm cớ để rút khỏi nó. Do đó, những hậu
quả của sự thất thủ Điện Biên Phủ đã được dự báo trước là sẽ nghiêm trọng hơn
nhiều so với ý nghĩa về mặt quân sự của thất bại này” [27, tr.353].
Tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp cho rằng: “Những người
bảo vệ Điện Biên Phủ đã viết một trang sử vẻ vang trong lịch sử quân đội ta...
Nhưng sự sụp đổ của Điện Biên Phủ là một thất bại... một thất bại rất nặng
nề...” [Dẫn theo 54, tr.1116].
Ở Pháp, tin Điện Biên Phủ thất thủ về đến Paris và lan nhanh như một vệt
thuốc súng. Ngay lập tức, Quốc hội Pháp họp để nghe Thủ tướng Lanien báo
cáo tình hình. Báo Paris Match ngày 8.5.1954 miêu tả: “Mặc quần áo tang đen,
nét mặt co rúm vì xúc động, ông Lanien nặng nề bước lên các bậc của diễn đàn.
Lanien bắt đầu bằng giọng đứt quãng “Chính phủ... vừa được tin... tập đoàn cứ
điểm Điện Biên Phủ... đã thất thủ”. Lanien nói chầm chậm, trong không khí của
hội trường rộng rãi âm vang, người ta nghe tiếng nói của Lanien như tiếng khóc
nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó” [Dẫn theo 18, tr.296]. Theo
F.Turpin, thảm hoạ này “đã gây ra cú sốc điện, cuối cùng làm thất bại bộ ba
Lanien - Bidaut - Pléven đồng thời cả chính sách Đông Dương mà êkip này
thực hiện. Trận Điện Biên Phủ, với tính chất khốc liệt của nó, sự xôn xao trong
giới báo chí và vị trí của nó trong niên đại, đã thực sự phá đổ bức tường thờ ơ
của người Pháp và buộc giới chính trị Pháp vén bức màn che đậy cuộc chiến
tranh này...” [54, tr.1145].

77
Báo Le Combat (Pháp) ngày 8.5.1954 bình luận: “Trên toàn thế giới, việc
thất thủ Điện Biên Phủ xuất hiện như một sự kiện hàng đầu trong những năm
gần đây...” [Dẫn theo 18, tr.318]
Theo R.Phrăng: “Tháng 5.1954, âm vang về Điện Biên Phủ như một tiếng
sấm trên bầu trời Pháp... những diễn biến trận đánh trong lòng chảo xa xôi này
lúc đầu khiến người ta chú ý, sau đó là lo âu, và cuối cùng thì sự thất bại bỗng
chốc khiến người ta rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Điện Biên Phủ
quả thực được xem như là một sự thất bại và cũng là sự phá sản của nước
Pháp” [55, tr.520]. Không dừng lại ở những tác động tức thời, R.Phrăng còn
khẳng định những tác động của Điện Biên Phủ trong thời gian sau đó, không
chỉ với nước Pháp mà trên phạm vi toàn thế giới. Theo ông, “Điện Biên Phủ là
một trong nhiều sự kiện của những năm 50 trong thế kỉ XX đã góp phần vào
việc lập nên một thế giới đa cực” [55, tr.528]
Các tác giả P.Brocheux và D.Hémery đánh giá: “Điện Biên Phủ...là trận
chiến đấu lớn nhất và có tính chất quyết định nhất trong cuộc chiến tranh ở
Đông Dương” [65, tr.456].

Tiểu kết
1. Các công trình của người Pháp viết về cuộc chiến tranh Đông Dương cho
thấy, trong giai đoạn đầu nhờ sự vượt trội về quân số và trang bị, quân đội Pháp
giành được thế chủ động. Bộ chỉ huy quân Pháp dự định sẽ nhanh chóng tiêu
diệt chính phủ kháng chiến và quân chủ lực của Việt Nam. Sau khi thất bại
trong âm mưu “đánh úp” ở Hà Nội cuối năm 1946, quân Pháp mở chiến dịch
lớn đánh lên Việt Bắc. Mục tiêu đặt ra là tiêu diệt chính phủ kháng chiến và
quân đội chủ lực của Việt Nam. Nhiều người đánh giá cao kết quả mà quân
Pháp giành được trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, tuy nhiên họ cũng thừa
nhận thực tế rằng đây là một thất bại mang tính chiến lược của Pháp. Hầu hết
các tác giả đều cho rằng, chiến dịch tấn công lên Việt Bắc đã kết thúc giai đoạn
một của cuộc chiến - giai đoạn dùng biện pháp quân sự, chuyển sang giai đoạn
bình định. Họ thừa nhận sự thất bại của quân đội Pháp trong chiến lược “đánh
nhanh thắng nhanh”, mong muốn lợi dụng sự vượt trội về quân sự để kết thúc

78
chiến tranh, loại bỏ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và quân đội nhân
dân Việt Nam. Từ sau chiến dịch Việt Bắc, nhiều nhân vật cao cấp trong chính
phủ và quân đội Pháp đã nhận thấy nước Pháp không thể giành thắng lợi bằng
biện pháp quân sự thuần tuý, mà phải kết hợp với biện pháp chính trị.
Các tác giả người Pháp cho rằng từ năm 1947 đến 1949 là thời kỳ thực hiện
kết hợp các giải pháp quân sự với chính trị. Họ đã lập ra chính phủ bù nhìn do
Bảo Đại đứng đầu, tăng cường xây dựng lực lượng nguỵ quân, mục tiêu là biến
cuộc chiến tranh xâm lược của họ thành cuộc nội chiến của người Đông
Dương. Tuy vậy, trong thời gian đó, họ cũng chẳng đạt được một kết quả nào,
cả chính trị và quân sự. Họ cũng không thể ngăn cản được sự lớn mạnh từng
ngày của quân dân Việt Nam.
- Giai đoạn từ năm 1950 đến 1953 là giai đoạn thực dân Pháp đẩy mạnh các
hoạt động quân sự nhằm giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường.
Tuy nhiên, các tác giả người Pháp đều đánh giá, những cố gắng của quân Pháp
không đạt được kết quả. Trừ một số đánh giá lạc quan về tình hình quân sự và
chính trị trong thời kỳ nắm quyền của tướng De Lattre, hầu hết đều có những
nhận xét khá bi quan. Họ không còn tin tưởng vào chiến thắng của quân Pháp.
2. Trận chiến đấu ở Điện Biên Phủ được rất nhiều người Pháp quan tâm và đề
cập đến trong các công trình nghiên cứu. Các tác giả đều đánh giá đây là trận
chiến đấu ác liệt nhất và có ý nghĩa quyết định đến kết cục của cuộc chiến
tranh. Chiến thắng ở Điện Biên Phủ được đánh giá là chiến thắng lớn nhất của
quân và dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là thất
bại đau đớn nhất của nước Pháp từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. “Trên toàn
thế giới, Waterloo ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đang gây ra một
sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây,
báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hoà. Tiếng
sấm của sự kiện vẫn còn đang âm vang” [38, tr.512].

79
Chương 3
VỀ QUAN HỆ QUỐC TẾ CỦA PHÁP VÀ SỰ KẾT THÚC CHIẾN TRANH

3.1. Quan hệ giữa Pháp và các cường quốc về vấn đề Đông Dương
3.1.1. Quan hệ Pháp – Mỹ.
* Chủ trương của Roosevelt về Đông Dương
Theo Gilles Férier, cho tới chiến tranh thế giới thứ hai, người Mỹ hầu như
không để ý nhiều lắm đến bán đảo Đông Dương, nhưng việc Nhật chiếm đóng
nơi đây đã khiến Mỹ nhận ra đó là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu
thô quan trọng, đồng thời là một tiền đồn chiến lược bảo vệ các con đường thuỷ
quan trọng trong khu vực Đông Nam Á [26, tr.21]. Một số quan chức Mỹ lo
ngại rằng những nỗ lực chiến tranh của Pháp nhằm giành lại sự kiểm soát Đông
Dương có thể làm nổ ra một cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu, dẫn tới sự
bất ổn định ở khu vực có tầm quan trọng cả về kinh tế và chiến lược này. Tổng
thống Mỹ Roosevelt cho rằng Pháp là “kẻ thực dân kém cỏi” đã “quản lí quá
tồi” Đông Dương, “Pháp đã có đất nước này gần một trăm năm, nhưng nhân
dân ở đó vẫn còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với trước khi người Pháp
đến...” [Dẫn theo 59, tr.46]. Roosevelt chủ trương đặt Đông Dương dưới sự
quản thác quốc tế, mục đích là dần thay thế ảnh hưởng của Pháp ở khu vực này.
Hầu hết các tác giả Pháp khi đề cập đến mối quan hệ Pháp - Mỹ thời kỳ này
đều khẳng định rằng nước Mỹ tìm mọi cách để ngăn cản việc Pháp quay trở lại
Đông Dương, thậm chí có người còn cho rằng chính quyền Mỹ ủng hộ chính
phủ Việt Nam. Trong cuốn “Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ”,
J.Sainteny cho rằng cơ quan OSS mà đại diện là thiếu tá Patti sợ để nhóm của
ông tới Hà Nội. Ông ta khẳng định rằng “đã lượm được những bằng chứng
không thể chối cãi về việc những người Mỹ đề nghị giữ tôi lại Côn Minh, cách
xa Hà Nội”[37, tr.114]. Cũng theo Sainteny, ngày 28.8.1945, Patti đến thăm
ông ta (khi đó đã ở Hà Nội, trong Phủ toàn quyền cũ) “mở đầu cho một chiến
dịch gièm pha chống lại những người Pháp và sự nghiệp của Pháp ở Đông
Dương” [37, tr.120]. Sainteny cho biết, ngày 11.9.1945 tướng Mỹ Gallagher đã
nói với ông ta rằng “... dù thế nào đi nữa thì cũng không có chuyện đặt lại nền
bảo hộ của Pháp ở Đông Dương” [37, tr.170]. Theo ông ta, người Mỹ coi

80
những người Pháp lúc đó ở Đông Dương “là những kẻ gây rối, rất cứng đầu,
muốn làm sống lại quá khứ thuộc địa mà Mỹ đang muốn chống lại bằng một
thứ chủ nghĩa ấu trĩ chống thực dân đang làm cho hầu hết bọn họ mù quáng”
[37, tr.171].
Tướng Navarre trong hai cuốn hồi ký của mình cũng cho rằng, thời kỳ đầu
khi Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương, họ đã gặp phải sự phản đối của Mỹ.
Trong cuốn “Đông Dương hấp hối”, Navarre khẳng định năm 1945, người Mỹ
cương quyết phản đối việc tái lập sự thống trị thực dân, sự trở lại của chủ nghĩa
thực dân của Pháp ở Đông Dương và đang hỗ trợ cho người Trung Hoa và Việt
Nam chống lại Pháp [27, tr.33].
Theo đánh giá của P.Brocheux và D.Hémery, đến cuối năm 1945 “chủ
trương chống lại thuộc địa của Roosevelt và những người quanh ông vẫn còn
mạnh mẽ, nhưng dù vậy vẫn không đi tới được việc ủng hộ chính phủ Hồ Chí
Minh, điều mà người Pháp luôn gán ghép cho họ” [65, tr.437].
* Chính sách của Mỹ từ trung lập đến can thiệp và viện trợ cho Pháp
Trên thực tế, sau khi lên thay Roosevelt (4.1945), Truman đã có những thay
đổi trong quan niệm về vấn đề Đông Dương cũng như về chủ nghĩa thực dân.
Do lo sợ ảnh hưởng của Liên Xô sau chiến tranh, Mỹ ưu tiên cho việc củng cố
các chính phủ ổn định và thân thiện ở Tây Âu nhằm tạo dựng một con đê chống
lại sự ảnh hưởng của Liên Xô. Trong kế hoạch mới này, Pháp giữ vai trò đặc
biệt quan trọng, nên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cần phải hàn gắn những vết
rạn nứt trong quan hệ với Pháp. Vì thế, mùa hè 1945, Truman đã cam kết chắc
chắn với De Gaulle rằng Mỹ không cản trở Pháp khôi phục lại chủ quyền tại
Đông Dương [73, tr.30-32].
Ba năm đầu của cuộc chiến, Mỹ giữ thái độ trung lập nhưng ủng hộ Pháp rất
rõ ràng. Trước khả năng Pháp thất bại, cùng lúc cách mạng Trung Quốc thắng lợi,
đầu năm 1950, Mỹ đã quyết định hỗ trợ Pháp tại Đông Dương. Đây là mốc đánh
dấu việc Mỹ dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.
Sau khi Mac Arthur phải rút khỏi sông Áp Lục (trong chiến tranh Triều
Tiên) và quân Pháp bị một đòn chí tử ở đông bắc Việt Nam, việc phòng thủ
Đông Dương ngày càng có tầm quan trọng hơn trong con mắt người Mỹ. Chính
quyền Mỹ bắt đầu thay đổi cách nhìn về chiến tranh Đông Dương. “Từ “chiến

81
tranh thực dân” trái với đạo lý, họ (Mỹ) đã đưa nó lên hàng chiến tranh chống
chủ nghĩa cộng sản. Để giúp chúng tôi (Pháp) thắng trận sau một thời gian dài
mong chúng tôi thua trận, họ đã bằng lòng viện trợ cho chúng tôi về tài chính
và phương tiện trang bị, tạo điều kiện cho chúng tôi hiện đại hoá một phần
quân đội viễn chinh và xây dựng thêm quân đội các Quốc gia liên kết (nguỵ)”
[28, tr.50]. Từ chỗ phản đối chính sách thực dân kiểu cũ của Pháp, chủ trương
thực hiện quản thác quốc tế ở Đông Dương, chính quyền Mỹ đã chuyển sang
ủng hộ Pháp, khuyến khích Pháp tiếp tục chiến tranh.
Trước những thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tại Đông Dương, nhận thức
rõ vai trò của Đông Dương đối với chính sách của Mỹ, người Pháp đã tăng
cường gây áp lực để buộc Mỹ viện trợ cho cuộc chiến của Pháp. Chính quyền
Pháp cũng lợi dụng điều này để đánh lừa dư luận, rằng cuộc chiến của Pháp ở
Đông Dương không phải nhằm đặt lại ách thống trị của Pháp ở đây, mà nó là
một bộ phận trong cuộc chiến của “thế giới tự do” nhằm chống lại chủ nghĩa
cộng sản trên phạm vi toàn cầu.
Nước Mỹ không thể bỏ rơi Pháp, nhất là từ 1952, thuyết Đôminô đã trở
thành một nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các nhà
hoạch định chính sách Mỹ sợ rằng Đông Nam Á sẽ “rơi vào tay chủ nghĩa cộng
sản” nếu Pháp thất thủ ở Đông Dương. Hơn nữa Mỹ đang muốn thuyết phục
Pháp tham gia cộng đồng phòng thủ châu Âu- khu vực được Mỹ dành ưu tiên
cao nhất. Vì thế, tháng 6.1952, chính quyền Mỹ đã phê chuẩn một khoản viện
trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Pháp. Thậm chí, Hội đồng An
ninh quốc gia Mỹ nhất trí rằng, nếu như Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào
cuộc chiến, Mỹ sẽ gửi các đơn vị hải quân và không quân tới Đông Dương.
Chính quyền mới của Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Eisenhower và bộ
trưởng ngoại giao Dulles tiếp tục đẩy mạnh sự ủng hộ và viện trợ cho Pháp ở
Đông Dương. Lo ngại tâm trạng mệt mỏi vì chiến tranh đang tăng dần tại Pháp
(từ cuối năm 1952 một số chính trị gia Pháp đã lên tiếng đề nghị Pháp rút quân
khỏi Đông Dương), Eisenhower và Dulles cam đoan chắc chắn tiếp tục viện trợ
cho Pháp. Chính quyền Eisenhower cũng yêu cầu Pháp cần bổ nhiệm một nhà
lãnh đạo mạnh mẽ và tinh thần phấn chấn, được trao các phương tiện và quyền
lực để có thể giành chiến thắng.

82
Trước gợi ý của Mỹ và dưới áp lực ngày một gia tăng phải hành động tích
cực hoặc rút khỏi Đông Dương, tháng 5.1953, Chính phủ Pháp đã bổ nhiệm
tướng H.Navarre22 làm Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương.
* Sự phá sản của chính sách can thiệp Mỹ ở Đông Dương
Sau khi Chính phủ Laniel (Pháp) thông qua bản kế hoạch mới do Navarre
đệ trình (7.1953), tháng 9.1953 chính quyền Mỹ đồng ý viện trợ quân sự thêm
cho Pháp 385 triệu USD. Phần kinh phí chiến tranh mà Mỹ đảm nhận trong
năm 1953 đã lên tới 45%. Cùng với các khoản viện trợ ngày càng tăng, người
Mỹ cũng muốn kiểm soát nhiều hơn các hoạt động ở Đông Dương. Đồng thời,
từ giữa năm 1953, chính quyền Mỹ đã tiến hành viện trợ trực tiếp cho quân đội
các “Quốc gia liên kết” không thông qua Pháp.
Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt và ngày càng xấu đối với
quân Pháp. Chính phủ Pháp đề nghị Mỹ can thiệp để cứu nguy cho Điện Biên
Phủ. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng không quân Mỹ ném bom các vị trí của quân
đội Việt Nam xung quanh Điện Biên Phủ không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn,
bởi “đề nghị này là bất khả thi về mặt chính trị”. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng
“mục tiêu hạn chế nhằm cứu vãn Điện Biên Phủ và nâng cao vị trí mặc cả của
Pháp ở Genève là chưa đủ. Ông ta muốn thuyết phục Pháp tiếp tục chiến đấu
với một liên minh chống cộng do Mỹ cầm đầu. Nói tóm lại, Dulles muốn quốc
tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương và đưa nó đến thắng lợi cuối cùng” [69,
tr.45-46]. Chính quyền Eisenhower cũng xúc tiến chuẩn bị tiến hành một
“Hành động phối hợp”, vận động thành lập một liên minh gồm Mỹ, Anh, Pháp,
Australia, New Zealand, Philippin, Thái Lan và các nước thuộc khối Liên hiệp
Pháp để bảo đảm an ninh cho Đông Nam Á.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nước Pháp rút ra khỏi cuộc chiến Đông Dương
bằng việc ký Hiệp định Genève. Mỹ đã phản đối mạnh mẽ việc ký hiệp định này,
đồng thời tuyên bố không bị ràng buộc bởi hiệp định. Mỹ đã dần gạt bỏ Pháp để
nhảy vào Đông Dương và rồi phải chịu chung một kết cục vào năm 1975.
22
Henri Navarre sinh ngày 31.7.1898 tại Villefranche de Rouergue (Pháp). Năm 1916 vào học trường Trung
học quân sự. Năm 1917 được bổ sung vào Sư đoàn 4 của Cavalerie, tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Năm 1919 theo học trường quân sự Saint - Syr. Từ 1920 đến 1936, tham gia vào các trung đoàn kị binh khác
nhau. Năm 1928-1930, học tại trường Cao đẳng Chiến tranh. Từ 1936-1940, tham gia Cơ quan tình báo, phụ
trách vùng Đức. Cuối 8.1940 sang Alger. Từ 1940 -1942, chỉ huy Ban 2 dưới thời tướng Weygant, sau đó là
tướng Juin. Năm 1945, chỉ huy một Binh đoàn bọc thép. Từ 1945-1953, ngày càng giữ những vị trí quan trọng.
Tháng 10.1952, trở thành Tham mưu trưởng, chỉ huy các hoạt động của NATO ở khu vực Trung Âu.

83
3.1.2. Quan hệ Pháp – Anh
* Anh ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương
So với mối quan hệ với Mỹ về vấn đề Pháp quay trở lại chiếm đóng
Đông Dương, quan hệ của Pháp với Anh có phần dễ dàng và ít phức tạp hơn.
Anh là một đế quốc có hệ thống thuộc địa rộng lớn nhất với nhiều thuộc địa
quan trọng ở khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Khi phát xít Nhật có ý định nhảy vào Đông Dương, nước Anh mặc dù rất lo
sợ việc đó sẽ ảnh hưởng đến các thuộc địa của mình ở Đông Nam Á, nhưng
không thể có hành động giúp đỡ Pháp vì còn phải đối phó với những cuộc tấn
công, uy hiếp của phe trục phát xít. Khi Đức chiếm đóng nước Pháp, phe kháng
chiến theo tướng De Gaulle đã chạy sang Luân Đôn (Anh) tổ chức lại lực
lượng, mua sắm vũ khí tiếp tục cuộc kháng chiến.
Chỉ trong ba tháng, Nhật đã xâm chiếm gọn cả Đông Nam Á và quét sạch
hết các hệ thống cai trị của Mỹ (tại Philippin), Anh (tại Mãlai, Singapore, Miến
Điện) và Hà Lan (Indonesia). Trong tất cả các thuộc địa của người da trắng chỉ
còn lại Đông Dương vẫn dưới quyền cai trị của Pháp.
Vậy là “số phận Đông Dương từ đây phụ thuộc vào kết quả cuộc chiến
tranh Anh – Nhật. Và, để giải phóng Đông Dương, chắc chắn là phải kết hợp
với Anh trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương” [63, tr.41]. Vì thế, ngay từ
đầu năm 1943, Uỷ ban Pháp tại Luân Đôn đã chuẩn bị tham gia vào mặt trận
Thái Bình Dương. Tháng 8.1943, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Pháp quyết định
xây dựng một đạo quân viễn chinh cho Viễn Đông do tướng Blaizot cầm đầu,
bộ chỉ huy sẽ được thiết lập tại Ấn Độ, cùng với quân Anh.
Như vậy có thể thấy rằng, ngay từ đầu, Pháp đã nhận được sự ủng hộ, giúp
đỡ của nước Anh cho vấn đề Đông Dương. Sau chiến tranh thế giới thứ hai,
Anh cũng phải đối phó với phong trào đấu tranh đòi độc lập của các thuộc địa.
Vì thế, Anh đồng ý chấp nhận việc Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương.
Nước Anh từng bước ủng hộ việc khôi phục chủ quyền của Pháp ở Đông
Dương. Ngay từ tháng 3.1943, một trung đội hành động của Pháp De Gaulle đã
được thành lập tại Ấn Độ nhờ sự giúp đỡ của tướng Anh Mounbatten, Tổng tư
lệnh các lực lượng Đồng Minh ở chiến trường Đông Nam Á. Trung đội này có
nhiệm vụ thu thập các tin tức tình báo và từ sau ngày 9.3.1945 dọn đường cho

84
việc quay lại Đông Dương của Pháp. Để giúp Pháp dễ dàng quay trở lại Đông
Dương, tại Hội nghị Potsdam, Anh đề nghị đưa Đông Dương vào chiến trường
Đông Nam Á do Anh quản lý. Do sự tranh chấp với Mỹ – Tưởng, cuối cùng
các bên đã thoả thuận chia Đông Dương thành hai vùng chiến trường: Anh
được phía nam vĩ tuyến 16. Với tư cách là lực lượng được Hội nghị Potsdam
trao cho nhiệm vụ tước vũ khí quân Nhật, quân đội Anh đã mang theo quân
Pháp vào Nam Việt Nam và sau đó bàn giao chính quyền cho Pháp.
Ngày 22.9.1945, tướng Anh Grarecy đã cho phép tái vũ trang 1400 tù binh
Pháp thuộc trung đoàn 11 bộ binh Pháp. Tiếp đó, Anh đã vũ trang cho hàng
ngàn kiều dân Pháp ở Sài Gòn, cho quân Pháp chiếm đóng nhiều vị trí quan
trọng, tạo điều kiện cho quân Pháp nổ súng chính thức xâm lược trở lại Đông
Dương vào 23.9.194523. Ngày 9.10.1945, hai nước ký hiệp định hành chính và
tư pháp về nam Đông Dương, đồng thời Chính phủ Anh công khai tuyên bố
ủng hộ Pháp tái chiếm Việt Nam, công nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn và
chuyển giao quyền cai trị Nam Đông Dương cho Pháp.
* Anh chủ trương “giải pháp thương lượng” về vấn đề Đông Dương
Sau khi giúp đỡ Pháp tái chiếm miền Nam, quân đội Anh rút khỏi Đông
Dương, trao lại cho Pháp việc giải giáp quân Nhật (1.1946). Trong quá trình
cuộc chiến Đông Dương sau đó, bản thân nước Anh cũng gặp nhiều khó khăn
về mọi mặt: khó khăn trong nước, phong trào đấu tranh đòi độc lập của các
thuộc địa,... nên Anh không có khả năng giúp đỡ nhiều cho Pháp. Song với tư
cách là một cường quốc, Anh vẫn luôn ủng hộ Pháp. Năm 1954, trước đề nghị
của Pháp về việc sử dụng không quân để cứu nguy cho Điện Biên Phủ, nước
Mỹ đã yêu cầu phải có sự phối hợp, thống nhất hành động của Anh. Tuy nhiên,
thời kỳ này nước Anh đã bác bỏ yêu cầu về “hành động chung”. Lúc này, Anh
cho rằng “một giải pháp thương lượng là cách tốt nhất để giữ được Đông Nam
Á trong vòng ảnh hưởng của phương Tây” [Dẫn theo 45, tr.245]. Vì thế, cùng
với Pháp, Anh đã chấp nhận việc sẽ họp hội nghị quốc tế để bàn về vấn đề
Đông Dương. Theo Anh, hành động chung có thể được tiến hành nhưng phải
chờ kết quả của giải pháp thương lượng. Nước Anh cũng đang muốn giảm bớt
những căng thẳng trong quan hệ quốc tế nhằm hạn chế bớt những ảnh hưởng

23
Xem Chương 1.

85
của nó tới “Khối thịnh vượng chung” của Anh ở châu Á. Chính Ngoại trưởng
Anh Eden đã đưa ra lời giải thích cho lập trường của Anh về vấn đề Đông
Dương là “Chiến dịch của chúng ta (Anh) chống du kích cộng sản ở Mã-lai
đang trải qua một giai đoạn gay go, làm chúng ta phải hết sức quan tâm đến
cơn lốc Đông Dương. Những nước Liên kết trong Khối thịnh vượng chung đặc
biệt là Ấn Độ cũng như bản thân chúng ta đều bị ảnh hưởng như vậy” [Dẫn
theo 21, tr.183]. Còn nhà sử học Pháp Paul Mus thì khẳng định: “Thực ra,
chính là các đầu nhọn của com-pa đặt ở Hồng-công và Sin-ga-po mà các ông
bạn của chúng ta đo đạc toàn vùng Viễn-đông” [ Dẫn theo 21, tr.183].
Trong hội nghị Genève về Đông Dương, với vai trò đồng Chủ tịch (cùng
với Liên Xô), Anh đã có nhiều cố gắng để đi tới giải pháp hoà bình. Anh trở
thành trung gian hoà giải các mối bất đồng giữa Pháp và Mỹ, trở thành người
phát ngôn của phương Tây về các vấn đề có liên quan đến giải pháp cho Đông
Dương.
Trong giai đoạn cuối cùng của hội nghị Genève, đoàn đại biểu Anh đã có
nhiều hoạt động nhằm rút bớt những bất đồng giữa hai bên, để đi tới việc ký
hiệp định vào ngày 21.7.1954.
Như vậy, trong suốt cuộc chiến Đông Dương, Anh và Pháp luôn gắn bó với
nhau, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Nước Anh có vai trò quan trọng đối với việc
giúp nước Pháp trở lại Đông Dương bằng quân sự (1945) và rút khỏi Đông
Dương bằng chính trị (1954).
3.1.3. Quan hệ Pháp - Trung Quốc
* Quan hệ giữa Pháp và Trung Hoa Dân quốc về vấn đề Đông Dương
Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, quan hệ với Trung Quốc luôn được
chính quyền Pháp quan tâm.
Theo sự phân chia tại hội nghị Potsdam, quân đội Trung Quốc của Tưởng
Giới Thạch được giao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật tại Đông Dương ở bắc
vĩ tuyến 16. Đó là một trở ngại trên con đường trở lại Đông Dương của Pháp.
Vì thế, ngay từ đầu, nước Pháp đã chú ý đến quan hệ với Trung Quốc, đẩy
mạnh việc thương lượng để đạt được sự thoả thuận với Trung Quốc cho phép
quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Quốc trong việc giải giáp quân đội
Nhật. Mục tiêu này của Pháp đã đạt được thông qua Hiệp định Trùng Khánh

86
ngày 28.2.1946. Tuy nhiên, nhân tố Trung Quốc vẫn luôn là mối lo lắng thường
trực của Pháp trong toàn bộ cuộc chiến này. Từ năm 1948, sau khi nắm quyền
Tổng chỉ huy ở Đông Dương, tướng Salan đã ra lệnh tổ chức lại Ban chỉ huy
biên giới do đại tá Vicaire đứng đầu.
* Quan hệ giữa Pháp và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về giải pháp Genève
Tháng 10 năm 1949 nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời. Ban đầu,
theo F. Joyaux, khi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới thành lập, “Paris cũng
như Wasington đã có một lập trường tương đối mềm dẻo, đương nhiên là
không loại trừ bất kì một sự bình thường hoá nào sau đó” [21, tr.207]. Theo
ông, “chỉ có mỗi một vấn đề có thể hướng chính phủ Pháp đến chỗ công nhận
ngoại giao đối với chế độ mới của Trung Quốc, đó chính là vấn đề Đông
Dương” [21, tr.208].
Tháng 1.1950 Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận Việt Nam Dân chủ
cộng hoà, làm cho mối lo của Pháp càng tăng lên. Đặc biệt, sau thất bại nặng nề
của quân Pháp ở Biên giới Đông Bắc, vùng kháng chiến của nhân dân Việt
Nam được nối liền với Trung Quốc, phá vỡ thế cô lập từ năm 1945. Từ đó,
Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và
Đông Dương. Đó là một nguy cơ đối với Pháp.
Trước những tổn thất lớn về người và của ở Đông Dương và lo ngại nguy cơ
Trung Quốc can thiệp, nước Pháp tìm cách kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ. Việc
Trung Quốc, Liên Xô và một số nước Đông Âu công nhận Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, sau đó Mỹ, Anh và một số nước khác công nhận chính quyền Bảo Đại
có thể được coi là bước đầu của quá trình quốc tế hoá cuộc xung đột Đông Dương.
Tuy nhiên, các quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc về vấn đề Đông Dương
chỉ thực sự mạnh mẽ từ cuối năm 1953. Năm 1953, cuộc chiến ở Triều Tiên
chấm dứt, cả Trung Quốc và Mỹ đều chú ý nhiều hơn đến cuộc chiến ở Đông
Dương. Chính quyền Mỹ thì lo sợ rằng nếu Pháp thất bại ở Đông Dương sẽ làm
cho toàn bộ Đông Nam Á có nguy cơ rơi vào ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng
sản, đã tăng cường viện trợ cho Pháp. Về phía Trung Quốc, “không thể không
lo ngại về sự phát triển của những mưu đồ xâm lược của chính phủ Mỹ chống
lại Việt Nam” [21, tr.122], nhất là khi Trung Quốc nhận thấy rằng có một bộ
phận trong cánh hữu của Pháp đang mong muốn Mỹ thay thế quân đội Pháp ở

87
Đông Dương. Trung Quốc lo ngại rằng cuộc chiến Đông Dương kéo dài, khiến
cho Mỹ sẽ nhảy vào Đông Dương, đe doạ biên giới phía nam của mình. Đó là
lý do thúc đẩy Trung Quốc từ giữa năm 1953 hướng về một giải pháp thương
lượng để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Trong khi đó, sau 8 năm, cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp chịu tổn
thất nặng nề, bị dư luận Pháp và nhân dân thế giới lên án mạnh mẽ. Vì thế, chính
quyền Pháp cũng mong muốn giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua thương
lượng. Nhưng người Pháp cho rằng “... không thể có một giải pháp vững bền cho
các cuộc xung đột ở châu Á nếu không có Trung Quốc tham gia” [21, tr.130].
Pháp tìm cách đàm phán với Trung Quốc, hoặc tìm một “khung cảnh quốc tế”
nhiều bên, để giải quyết vấn đề Đông Dương. Vì thế, Pháp đã chấp nhận đề nghị
của Liên Xô về việc sẽ tiến hành một hội nghị quốc tế ở Genève, có Trung Quốc
tham gia, để bàn về việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương.
3.2. Hội nghị Genève về việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương
3.2.1. Vấn đề Đông Dương trong tính toán của các cường quốc
Từ năm 1950, cuộc chiến tranh Đông Dương đã có nhiều chuyển biến cũng
như nhiều yếu tố mới tác động đến khuynh hướng phát triển của xung đột.
Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, cùng với thắng lợi của
quân đội Việt Nam ở biên giới, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và
Đông Dương đã nhận được nhiều sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Trung
Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Cũng từ năm 1950, cùng với việc
đưa quân trực tiếp vào tham chiến ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đẩy mạnh việc
giúp đỡ Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Viện trợ của Mỹ cho Pháp
ngày càng gia tăng: 1952 chiếm 40%, năm 1953 là 45 % và năm 1954 lên tới
72% tổng chi phí chiến tranh Đông Dương. Cuộc chiến tranh Đông Dương
“thoạt đầu chỉ là một cuộc chiến có tính chất quốc gia chống thực dân Pháp, tới
nay nó đã phát triển thành một cuộc xung đột có tầm cỡ quốc tế lớn” [22, tr.44].
Nó không đơn thuần là cuộc xung đột giữa hai bên Việt - Pháp, mà đã trở thành
một mặt trận trong cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ và phản dân chủ,
giữa hai hệ thống xã hội trên thế giới.
Sau 7 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, quân Pháp
ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn. Ở Đông Dương, phạm vi chiếm đóng

88
của quân Pháp ngày càng thu hẹp, họ chỉ còn kiểm soát được các thành phố lớn
và khu vực đồng bằng. Thậm chí ở vùng đồng bằng Bắc bộ, quân Pháp cũng
chỉ kiểm soát được vào ban ngày. Quân số thiếu hụt, lại phải liên tiếp đối phó
với các cuộc tiến công của quân đội Việt Nam ở nhiều địa bàn khiến cho lực
lượng Pháp bị phân tán và chiến đấu kém hiệu quả. Đã có 5 Cao uỷ và 6 Tổng
chỉ huy thay nhau cầm quyền ở Đông Dương, nhưng vẫn không giúp cho Pháp
có được bước tiến nào. Chính phủ Pháp ngày càng nhận rõ rằng không thể
chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.
Ở Paris, nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị. Nhân dân Pháp
ngày càng đấu tranh mạnh mẽ đòi chính quyền chấm dứt ngay “cuộc chiến tranh
bẩn thỉu” mà họ đang theo đuổi ở Đông Dương, đòi phải đàm phán ngay với
Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong giới chính trị Pháp cũng phân hoá thành hai
phái: phái chủ chiến đứng đầu là Thủ tướng J.Laniel và phái chủ hoà tập hợp
xung quanh M.France. Dù là chủ chiến hay chủ hoà thì mục tiêu của chính quyền
Pháp lúc này cũng là làm thế nào để rút nhanh ra khỏi cuộc chiến tranh, phải tìm
lối thoát ra khỏi ngõ cụt Đông Dương. Nhưng “lối ra đó không thể là một chiến
thắng quân sự. Lối ra này chỉ có thể là một giải pháp chính trị” [27, tr.106].
Vì thế, tháng 7.1953, cùng với việc bổ nhiệm tướng Navarre làm Tổng chỉ
huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương nhằm đạt đến một thoả hiệp trong
danh dự, chính phủ Pháp cũng bắt đầu tính đến những giải pháp chính trị cho
cuộc chiến. Trong cuộc hội đàm ở Wasington giữa ngoại trưởng ba nước Anh,
Pháp, Mỹ ngày 13.7.1953, Bidaut nói rõ: “Hoà bình sắp lập lại ở Triều Tiên,
cần làm sao cho Đông Dương cũng sớm đến giai đoạn hoà bình như thế”.
Chính quyền Pháp cho rằng “sẽ có nhiều cơ hội tốt nhất đi đến một giải pháp
thương lượng về vấn đề Đông Dương nếu nó được đem ra bàn bạc trong khuôn
khổ một cuộc hội nghị nhiều bên” [21, tr.131-132]. Ngày 27.10.1953, Thủ
tướng Laniel tuyên bố sẵn sàng nắm mọi cơ hội đi đến hoà bình ở Đông
Dương. Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ chính phủ trong việc đi tìm một giải
pháp thương lượng nhằm ra khỏi cuộc chiến.
Về phía Việt Nam, ngày 26.11.1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo
Expressen (Thuỵ Điển) nêu thiện chí hoà bình và quan điểm cơ bản của Việt
Nam về đàm phán.

89
Sau khi hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết tại Bàn Môn Điếm
(27.7.1953), Liên Xô đã đề xuất và kiên trì đấu tranh cho việc tổ chức Hội nghị
quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng ở Viễn Đông. Theo P.Asselin, Liên Xô đến
Hội nghị Genève với mong muốn kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh nóng
đang diễn ra trên thế giới sau khi ngọn lửa của chiến tranh Triều Tiên đã được
dập tắt. Mục đích của họ cũng là đưa đến những điều kiện thuận lợi để giảm bớt
tình trạng căng thẳng giữa các nước và quan hệ quốc tế [64, tr.49]. Hội nghị Tứ
cường tổ chức tại Berlin (từ 25.1 - 18.2.1954) đã đi đến thoả thuận cuối cùng:
“...Đề nghị triệu tập tại Genève, ngày 26.4, một Hội nghị các đại biểu Mỹ,
Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Triều Tiên,
Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và các nước khác có quân đội tham
chiến ở Triều Tiên mà muốn được tham dự, nhằm đi đến một giải pháp hoà
bình cho vấn đề Triều Tiên.
“Thoả thuận rằng vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem
xét tại hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng
hoà nhân dân Trung Hoa và các bên hữu quan khác...” [21, tr.140].
Như vậy là các nước lớn đã thoả thuận sẽ nhóm họp tại Genève để bàn về
việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương trên bình diện quốc tế.
3.2.2. Nước Pháp và Hội nghị Genève về Đông Dương
Hội nghị Genève về Đông Dương bắt đầu ngày 8.5.1954, kết thúc ngày
21.7.1954, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên
toàn thể và 24 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn.
Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận hội nghị Genève, vì “Công luận ở
Pháp sẽ không hiểu nếu chúng ta lẩn tránh cuộc họp. Hơn nữa một số thành
viên chính phủ đều muốn họp” [Dẫn theo 36, tr.269]. Jean Pouget dẫn lời Bộ
trưởng Pleven giải thích về lập trường của đoàn Pháp ở Genève “Trên thực tế,
chính Thủ tướng cũng cho rằng hội nghị này chẳng giải quyết được gì cả. Ta
phải đi họp thôi, dù chỉ để chứng tỏ rằng Việt Minh vẫn chưa sẵn sàng thương
lượng trong những điều kiện hiện nay” [36, tr.269-270]. Do thái độ ngoan cố
của đoàn Pháp, nên hội nghị lâm vào bế tắc.

90
Thái độ ngoan cố của Pháp đã bị các nước xã hội chủ nghĩa công kích quyết
liệt. Hơn nữa, tình hình quân sự nguy ngập ở Đông Dương và phong trào đấu
tranh của nhân dân tiến bộ Pháp đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Laniel ngày
12.6.1954. Ngày 14.6, Tổng thống Pháp trao cho M.France lập Nội các mới.
Phát biểu trong buổi lễ nhậm chức, ngày 20.6, M. France tuyên bố sẽ từ chức
nếu không chấm dứt được cuộc chiến tranh sau một tháng.
Ngay sau khi nhậm chức ngày 20.6, Thủ tướng Pháp M.France lên đường tới
Genève. M. France ra sức vận động Anh, Mỹ ủng hộ để gây sức ép đối với Việt
Nam trên ba vấn đề cơ bản: định giới tuyến chuyển quân tập kết; trì hoãn tối đa
thời gian tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam; kéo dài thời hạn rút quân Pháp khỏi
Việt Nam. F.Joyaux đi tới khẳng định: “Kể từ lúc này việc chia cắt Việt Nam trở
thành mục tiêu chính thức của đoàn đại biểu Pháp” [21, tr.273-274].
Từ ngày 24 đến ngày 29.6, tại Washington đã diễn ra cuộc họp giữa
Churshill, Eden, Eiseinhower và Dulles. Kết quả là “Mỹ và Anh đã gửi bức
điện mật cho chính phủ Pháp nói rằng, mỗi bên sẽ tôn trọng một hiệp ước
ngừng bắn ở Đông Dương” [56, tr.51] nếu nó đảm bảo các điều kiện đưa ra24.
Trong thời gian này, tại Genève, đã diễn ra nhiều phiên họp hẹp giữa đoàn
Việt Nam Dân chủ cộng hoà và đoàn Pháp, nhưng chỉ thu được một số kết quả
khiêm tốn. Còn tại Việt Nam, từ ngày 4.7.1954 bắt đầu diễn ra hội nghị giữa
hai đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đoàn đại diện Bộ
Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc
Sơn-Hà Nội). Nội dung chủ yếu của hội nghị là tập trung thảo luận về các vấn
đề quân sự do hội nghị Genève đề ra và các biện pháp thi hành những quyết
định của hội nghị Genève.
Thời gian một tháng của M.France đã sắp hết. Cuộc đàm phán về vấn đề
Triều Tiên thất bại dẫn đến nguy cơ căng thẳng quốc tế mới. Vì thế, các bên
tham gia hội nghị đều mong muốn đi tới một giải pháp hoà bình cho vấn đề
Đông Dương. Các cuộc hội đàm giữa các trưởng đoàn đã dần đi tới sự thống
24
Các điều kiện đó là: Bảo đảm có sự rút quân của Việt Minh ra khỏi Lào và Campuchia; ít nhất phải giữ phía
nam của Việt Nam (và nếu có thể duy trì một điểm chốt ở vùng đồng bằng sông Hồng); không áp đặt một hạn
chế nào đối với Lào, Campuchia và Việt Nam làm cản trở đến việc duy trì các chế độ không cộng sản; không
bao gồm bất kì một điều khoản chính trị nào làm cho Việt Nam rơi vào sự kiểm soát của cộng sản; không loại
trừ khả năng thống nhất Việt Nam bằng các biện pháp hoà bình; cho phép trao đổi một cách hoà bình và nhân
đạo, dưới sự kiểm soát quốc tế, những người muốn chuyển từ vùng này sang vùng khác của Việt Nam; có một
bộ máy quốc tế có hiệu quả để giám sát hiệp định [56, tr.51-52].

91
nhất về những vấn đề chủ yếu: về giới tuyến tạm thời, về thời hạn tổng tuyển
cử, về Uỷ ban kiểm soát quốc tế.
3.2.3. Về kết quả, ý nghĩa của Hiệp định Genève.
Đêm 20 rạng sáng 21.7.1954, ba hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam,
Lào và Campuchia được ký kết. Hội nghị họp phiên toàn thể cuối cùng chiều
21.7 và thông qua tuyên bố cuối cùng gồm 13 điều. Tuyên bố khẳng định việc
chia cắt Việt Nam là tạm thời, hai miền đất nước sẽ được thống nhất sau cuộc
tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Uỷ ban kiểm soát quốc tế, diễn ra vào mùa
hè năm 1956; khẳng định các quốc gia tham gia hội nghị sẽ nghiên cứu các giải
pháp cần thiết bảo đảm tôn trọng các hiệp định đình chỉ chiến sự đã được ký.
Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự và Tuyên bố cuối cùng do các bên tham gia hội
nghị thoả thuận, tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève về Đông Dương.
Có nhiều phản ứng, đánh giá khác nhau về Hiệp định Genève. Về phía
Pháp, “đại đa số các nghị sĩ tán thành các hiệp định đình chiến ký tại Genève”
[54, tr.1145]. Các tướng lĩnh cầm đầu đội quân Pháp ở Đông Dương tỏ ra rất
vui mừng khi nghe tin đình chiến được ký kết. Với họ, hiệp định đã cứu cho đội
quân viễn chinh đang kiệt quệ khỏi bị tiêu diệt. Chính tướng Ely - Cao uỷ kiêm
Tổng chỉ huy mới ở Đông Dương - đã gửi thư cảm ơn Thủ tướng M.France về
ý nghĩa và tầm vóc những hiệp định vừa được ký kết, vì những hiệp định đó đã
chấm dứt cuộc chiến tranh hao mòn mà một mình nước Pháp không thể theo
đuổi. Trong bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16.8.1954, Dury Daniel và
các tù binh Pháp khẳng định: “Với Hiệp định đình chiến - chiến thắng huy
hoàng của các lực lượng hoà bình trước bọn gây chiến, máu của nhân dân Việt
Nam cũng như của những người lính quân đội viễn chinh đã ngừng chảy...”
[Dẫn theo 7, tr.46].
Những người cộng sản và những người yêu hoà bình Pháp thì ca ngợi thắng
lợi của nhân dân Việt Nam anh hùng. Báo Le Figago ngày 22.7 đăng bài của
Raymond Aron phát biểu rằng: “ông M.France đã thắng cuộc trong những điều
kiện không thể làm đầu đề cho sự chỉ trích không phải vì các điều khoản trong
hiệp định là tốt đẹp, vì nó không tốt đẹp và cũng không thể tốt đẹp. Nhưng nó
phản ánh một cách đúng đắn cục diện chiến trường. Thành thực mà nói, chúng
ta không thể đòi hỏi cao hơn” [54, tr.1145]. Tướng De Castries tuyên bố sau

92
khi được trả tự do rằng: “Đó là sự kết thúc logic duy nhất... Hiệp định đình
chiến này đã kết thúc 8 năm chiến tranh kiệt quệ đối với cả hai dân tộc đã phải
chịu đựng những mất mát đau đớn” [Dẫn theo 7, tr.134].
Đoàn Mỹ ở Genève cho rằng hiệp định là “một thảm hoạ có thể dẫn đến
nguy cơ mất Đông Nam Á vào tay cộng sản”. Tổng thống Mỹ Eisenhower,
ngày 21.7, tuyên bố lập trường của nước Mỹ “không đồng tình với nghị quyết
của hội nghị Genève và không bị ràng buộc bởi những nghị quyết đó vì nó chứa
đựng những yếu tố mà chúng tôi không muốn” [Dẫn theo 76, tr.296]
Phía Trung Quốc tỏ ra rất vui mừng trước kết quả của hiệp định và khẳng định
rằng đó là “một thắng lợi mới vĩ đại của thương lượng hoà bình” [21, tr.312]
Đối với Việt Nam, “cũng có những điều chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của
ta, chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ
tuyến 13 hay 16 nhưng cuối cùng là vĩ tuyến 17; vấn đề thời hạn tiến hành tổng
tuyển cử là 6 tháng hay 12 tháng nhưng cuối cùng là 2 năm” [83, tr.201].
Tuy vậy, “thắng lợi của hội nghị Genève là điều đã được khẳng định và cần
phải khẳng định” [83, tr.201]. “Hiệp định đình chiến ở Đông Dương ký kết tại
hội nghị Genève không những có một ý nghĩa to lớn đối với Đông Dương và
Đông Nam Á, mà nó còn mở đường cho hoà bình lâu dài ở châu Á và làm cho
tình hình quốc tế bớt găng”[32, tr.328]. G. Pierre và các tù binh Âu - Phi khẳng
định: “Đình chiến ở Đông Dương tỏ rõ sức mạnh của nhân dân và quân đội nhân
dân Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ cao trào đấu tranh vì hoà bình thế giới và tính
hiệu quả của hoà bình mà Mặt trận dân chủ theo đuổi” [Dẫn theo 7, tr.50].
“Mặc dù có một số thiếu sót, nhưng trên thực tế, Hiệp định Genève là một
thành quả mang nhiều ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, vì nó đã bảo đảm
rằng nỗ lực phi quân sự đã có kết quả và quan trọng hơn cả là việc giải phóng
một nửa đất nước và một lời cam kết thừa nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam và rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương từ phía Pháp. Hơn
nữa, Hiệp định Genève báo trước sự chấm dứt của một cuộc xung đột, báo hiệu
sự cáo chung của một kỷ nguyên can thiệp và đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Kết
quả đàm phán ở Genève tạo ra một thắng lợi vĩ đại và đầy ý nghĩa đối với
phong trào đấu tranh chống thực dân. Sự nghiệp cách mạng không phải tự nó

93
đã hoàn thành trọn vẹn, nhưng Đảng Lao động Việt Nam đã đạt được một bước
tiến quan trọng qua việc kí kết Hiệp định Genève” [64, tr.51].
3.3. Về nguyên nhân thất bại của Pháp trong chiến tranh Đông Dương
Sau 9 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945-1954),
quân Pháp đã chịu những thiệt hại hết sức nặng nề. Hiệp định Genève ký kết ngày
21.7.1954 đã đánh dấu thất bại của nước Pháp trong cuộc chiến tranh. Nhiều nhà
nghiên cứu, các chính khách, các tướng lĩnh Pháp đã đưa ra những ý kiến để lý
giải nguyên nhân cũng như rút ra những bài học của thất bại này.
3.3.1. Chính phủ Pháp không có đường lối thống nhất điều hành cuộc chiến
Nguyên nhân được nhiều người nói tới là nước Pháp không có đường lối
chính trị điều hành cuộc chiến tranh nhất quán. Đây là quan điểm thường được
các tướng lĩnh Pháp đưa ra nhằm đổ lỗi cho giới chính trị. Tướng Navarre trong
cuốn “Đông Dương hấp hối”, cho rằng Chính phủ Pháp “chưa bao giờ có một
đường lối chính trị nhất quán”, thậm chí ông ta còn nhấn mạnh “nói cho chính
xác, chúng ta chẳng hề có đường lối nào” [27, tr.56].
Để chứng minh cho nhận định của mình, Navarre đưa ra hàng loạt dẫn
chứng. Ông ta khẳng định “nước Pháp trở lại Đông Dương, sau chiến tranh thế
giới lần thứ hai, mà không ý thức được những thay đổi đã diễn ra trong thời
gian chúng ta vắng mặt. Lúc ban đầu ta tìm cách tái lập, nếu không muốn nói là
chế độ thuộc địa, thì ít nhất cũng là một cái gì đó gần như vậy mà chúng ta
chưa xác định rõ ràng. Ý đồ đó, không đếm xỉa gì đến thực tế, đã sớm bị phá vỡ
trước những khó khăn về chính trị và quân sự, và trước thái độ “chống chế độ
thực dân” của người Mỹ.
“Vì thế chúng ta chuyển sang một khái niệm với một công thức quyến rũ:
“Độc lập của các Quốc gia Liên kết trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp”. Nhưng
đây mới chỉ là một công thức thôi” [27, tr.56-57].
P.Brocheux và D.Hémery cho rằng “Những chính phủ Pháp kế tiếp nhau từ
1950 đến 1954 trong một bầu không khí khủng hoảng thương thuyết diễn đi
diễn lại nhiều lần, tất cả đều lựa chọn cách không giải quyết vấn đề Đông
Dương nữa, để mặc một cuộc tranh chấp bị sa lầy, mà việc dẫn dắt cuộc tranh
chấp đó lại rơi vào Bộ chỉ huy quân đội Pháp mặc dầu Bộ chỉ huy này chẳng

94
được cung cấp thêm các phương tiện bổ sung và phương tiện chiến tranh nào
hết” [65, tr.453].
Tác giả A.Teulières khẳng định: “chưa bao giờ có một chiến lược tổng quát
của Pháp trên cấp bậc quốc gia đối với vấn đề Đông Dương mà chính là “nhóm
lóp-bi25” yêu đồng bạc đặt ra và quyết định chiến lược tổng quát theo mục tiêu
riêng biệt của mình...” [Dẫn Theo 71, tr.81].
Trên thực tế, trong suốt cuộc chiến tranh, chính quyền Pháp trước sau luôn
theo đuổi âm mưu tái lập “chủ quyền” của nước Pháp, trở lại vị trí “ông chủ” ở
Đông Dương. Song họ đã không thể đưa ra được một đường lối nhất quán khi
tình hình ở Đông Dương biến đổi từng ngày. Họ vừa phải gồng sức gánh chịu
những thất bại quân sự ở Đông Dương vừa phải đối phó với dư luận nhân dân
Pháp và nhân dân tiến bộ trên thế giới đang ngày càng nhận thức rõ và lên án
mạnh mẽ chính sách thực dân của Pháp. Nước Pháp không thể gánh chịu nổi
cuộc chiến “hao người tốn của” này một mình, mà phải cầu cứu sự giúp đỡ của
đế quốc Mỹ và nghĩ tới giải pháp quốc tế hoá cuộc chiến.
3.2.2. Binh lực Pháp không đủ, nhất là không quân và sự thiếu quan tâm của
Chính phủ Pháp đến đội quân viễn chinh.
Khi mới tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, người Pháp cho
rằng họ sẽ nhanh chóng tái chinh phục được vùng đất này. Nhưng sau khi
nghiên cứu tình hình tại chỗ, tướng Leclerc đã phải thú nhận rằng, “để chinh
phục được Đông Dương, cần phải gửi ngay cho quân đội viễn chinh Pháp ở
Viễn Đông (C.E.F.E.O) 500.000 người và phải đánh trong nhiều năm” [Dẫn
theo 1, tr.165].
Tuy nhiên, nước Pháp sau chiến tranh thế giới không còn là một cường
quốc hùng mạnh, mà đã trở thành một đế quốc “hạng hai”. Tiềm lực quân sự
hạn chế buộc Chính phủ Pháp chỉ có thể gửi sang Đông Dương những đơn vị
viễn chinh chắp vá, được tập hợp lại một cách vội vàng. Dù vậy, đội quân ấy
vẫn vượt trội hoàn toàn so với quân đội của nước Việt Nam non trẻ, trang bị
thô sơ. Quân đội viễn chinh ấy cũng không ngừng được bổ sung, tăng cường
với số lượng ngày càng lớn. Theo Navarre, số quân viễn chinh Pháp cuối năm
1953 là 175.000 người (chưa kể quân nguỵ) [27, tr.73]. Còn theo G.Férier,

25
Lobby: Những người “vận động hành lang” đối với các chủ trương, chính sách được thảo luận tại Quốc hội Mỹ

95
quân số Pháp vào năm 1953 lên tới 235.717 người [26, tr.57]. Như thế, cả về số
lượng và trang bị, quân đội Pháp ở Đông Dương đều lấn át so với đối phương.
Nhưng cuộc chiến tranh ở Đông Dương lại không đơn thuần là cuộc chiến đấu
của quân đội hai bên, nó là cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp chống lại
toàn bộ nhân dân Việt Nam và Đông Dương. Vì thế, quân đội Pháp không chỉ
phải đối phó với quân đội Việt Nam, mà là với toàn thể dân tộc Việt Nam (và cả
Đông Dương). Cho nên, dù có tới gần nửa triệu quân trên chiến trường Đông
Dương, nhưng hầu hết quân số Pháp lại phải chôn chân tại chỗ “để bảo vệ các
giao lộ, đường sắt, công trình, kho quân sự, sân bay và những “điểm nhạy cảm”
khác đủ loại - chưa kể đến các thành phố...” [27, tr.70-71]. Trong số gần nửa triệu
quân ấy, “chỉ một phần tư là có thể cơ động chiến thuật, chỉ một phần mười có thể
cơ động chiến lược”, trong khi chúng phải đối phó với lực lượng Việt Minh “hầu
hết không bị một hạn chế nào trong sự cơ động” [27, tr.73].
Tướng Navarre cho rằng bộ binh của Pháp, “sau một thời gian dài vượt trội
bộ binh Việt Minh, nay lại trở nên yếu kém hơn thấy rõ”. Sự suy giảm tinh thần
đã làm cho binh lính Pháp “mất đi sự tự tin vào khả năng chiến đấu, khiến họ
thường xuyên kêu gọi không đúng lúc sự chi viện của xe tăng, pháo binh và
không quân, làm họ ngại loại chiến tranh cơ động, tìm cách lui về cố thủ trong
các vị trí được tổ chức sẵn” [27, tr.77]. Navarre phải thốt lên rằng các đơn vị
của Pháp “đã trở nên quá tồi”.
Ngoài lực lượng bộ binh được coi là “quá ít” trên, ở Đông Dương quân
Pháp còn có lực lượng hải quân gồm 5.000 người và lực lượng không quân với
biên chế 10.000 người. Lực lượng đó lấn át tuyệt đối so với của Việt Minh khi
đó chưa có những binh chủng này. Nhưng với các tướng lĩnh Pháp ở Đông
Dương, số lượng này là không thể đáp ứng những nhiệm vụ mà họ phải thực
hiện. Tướng Navarre cho rằng “chúng ta cần đến một lực lượng không quân
mạnh hơn 10 lần mới có thể hoạt động một cách hiệu quả” [27, tr.346].
Theo Navarre, sự thiếu hụt quân số cũng như hoạt động kém hiệu quả của
quân đội viễn chinh là do Chính phủ Pháp không quan tâm đúng mức đến họ.
Ông ta đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo chính trị “đã không biết sắp xếp cho Đông
Dương một sự phân bổ hợp lý các lực lượng quân đội Pháp, không nâng các lực
lượng lên đúng tầm của các nhiệm vụ quân sự mà nước Pháp đã chấp nhận thực

96
hiện”. Navarre lên án chính phủ Pháp “đã không đòi hỏi ở đất nước những cố
gắng cần thiết”, rằng “những nhà chính trị này muốn tiến hành chiến tranh với
giá rẻ, bằng cách trang bị cho quân đội chỉ toàn là đồ thừa của Mỹ” [27, tr.78-
79]. Ông ta còn chỉ trích chính phủ Pháp đã không có biện pháp gì để ngăn cản
sự tiết lộ thông tin từ giới báo chí, đặc biệt đã không làm gì để chấm dứt “sự
phản bội” từ phía những người cộng sản Pháp... Navarre đi tới kết luận rằng
“Chính phủ đã không làm gì hết. Không một mục đích nào được vạch ra cho
cuộc chiến, không một chính sách nào được đề ra đối với những Quốc gia Liên
kết và với đồng minh Hoa Kỳ; không có một sự phối hợp nào giữa các bộ có
liên quan đến các vấn đề Đông Dương; tinh thần của quốc gia và quân đội đã bị
bỏ trống không được bảo vệ chống lại mọi âm mưu khuynh đảo; quân đội đã
không có được những thứ cần thiết...” [27, tr.167]. Tác giả C.De Pirey đánh
giá, nước Pháp “không bao giờ biết tiến hành chiến tranh. Chúng ta đã nuôi
dưỡng quân đội viễn chinh bằng người, bằng vật chất, bằng lương thực như
nuôi một kẻ hủi lở... để nó không bị phát ban. Chúng ta đã có những cố gắng
nhỏ bằng những “Viện trợ nhỏ giọt”, cách làm này khiến chúng ta tốn kém
nhiều về sức người, sức của hơn là dốc toàn lực ngay từ đầu” [6, tr.261].
3.3.3. Quân đội Pháp đã buộc phải chiến đấu trong những điều kiện và theo
chiến thuật cũng như chiến lược do phía Việt Nam đặt ra.
Chính tướng Navarre phải thừa nhận: “Cũng như việc họ áp đặt cho ta hình
thức chiến tranh của họ, Việt Minh còn buộc ta chấp nhận chiến lược của họ”
[28, tr.56].
Về hình thức chiến tranh, quân đội Việt Nam đã sáng tạo ra một hình thức
chiến tranh hoàn toàn mới mẻ và buộc quân Pháp phải tiến hành theo. “Hình
thái qua đó cuộc chiến tranh đã diễn ra có các đặc tính mà những người không
tham dự không thể tưởng tượng nổi. Nó không giống với bất cứ một cuộc chiến
tranh nào khác, chắc chắn là không giống với các cuộc chiến tranh ở châu Phi
và Triều Tiên mà các sĩ quan trong các Bộ Tham mưu lớn của Pháp và Mỹ đã
nghiên cứu”[27, tr.62]. Chiến tranh Đông Dương là “chiến tranh không giới
tuyến”, hoàn toàn khác với cuộc chiến tranh cổ điển. Navarre khẳng định:
“ngay nơi xảy ra các chiến dịch quân sự thật sự, cũng không phải là những trận
đánh theo kiểu chiến tranh cổ điển. Ta đã muốn áp đặt cho Việt Minh cách

97
đánh này, mà chúng ta nghĩ là mình có ưu thế hơn. Song Việt Minh lại không
áp dụng nó. Hành động của họ, dù rất là quan trọng, luôn luôn giữ được đặc
tính linh hoạt cơ động và kín đáo của chiến tranh du kích” [27, tr.64]. Bộ chỉ
huy Pháp “đã buộc phải tổ chức lại các phương tiện và trang bị cho quân đội
của ta một cách chuyên biệt phù hợp với việc tiến hành chiến tranh ở đồng
bằng. Nhưng lại không tự hỏi: liệu một ngày kia có thể sử dụng những đơn vị
này vào chiến đấu trên chiến trường rừng núi không. Chính vì thế nên từ mùa
thu năm 1952, chúng ta đã gặp những khó khăn không thể vượt qua khi Bộ chỉ
huy Việt Minh từ chối đưa binh đoàn tác chiến của họ, có khả năng tác chiến
trên mọi địa hình, vào vùng châu thổ sông Hồng để tiến vào các vùng có người
Thái, Thượng - Trung Lào và Tây Nguyên” [27, tr.65].
De Pirey, một trong số ít những sĩ quan Pháp sống sót sau “thảm hoạ” ở
Biên giới năm 1950, khẳng định: “Chưa bao giờ chúng ta (Pháp) thành công
trong việc bắt đối phương phải theo chiến lược của chúng ta. Chúng ta lại luôn
theo chiến lược của họ. Chúng ta phải chấp nhận chiến đấu trên những địa hình
mà đúng ra phải tránh xa...” [6, tr.261]. Vì thế, sự thất bại của quân đội Pháp
trong cuộc chiến này là không thể tránh khỏi.
3.3.4. Đánh giá không chính xác và coi thường đối phương.
Tướng Navarre thừa nhận “ở Đông Dương, các vị chỉ huy quân sự nối tiếp
nhau ít nhiều đã coi thường đối phương” [27, tr.433].
Trước hết, đó là sự coi thường về tinh thần chiến đấu của nhân dân Đông
Dương. Trong cuốn “Thời điểm của những sự thật”, Navarre một lần nữa
khẳng định: “Thật vậy, chúng tôi luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị
và quân sự. Uy tín ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng
động, những khả năng kinh tế, nguồn nhân lực, trình độ quân sự của các cấp chỉ
huy, tất cả của họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng tôi nghĩ” [28, tr.71].
Bộ chỉ huy Pháp cũng sai lầm khi coi thường khả năng, sức mạnh của quân
đội nhân dân Việt Nam cũng như không đánh giá đúng khả năng của chính
mình. Theo Jules Roy “Lỗi tại sự tự mãn của các vị chỉ huy, sự không hiểu biết
gì về kẻ địch, tại nhận định quá dễ dãi của họ về quân đội mình và phương tiện
của mình”. Ông khẳng định: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng
Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Pơgiô, thồ 200-300 kilôgam hàng và

98
đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới
đất trải tấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện,
mà là sự thông minh và ý chí của đối phương” [55, tr.1097].
De Pirey đánh giá: “Từ 1950 - 1954, từ Cao Bằng đến Điện Biên Phủ chúng
ta đã phạm vào những sai lầm trên mặt trận quân sự, chính trị, một cách ấu trĩ
kỳ lạ... chúng ta đã đánh giá thấp đối thủ...” [6, tr.261].
Dù liên tiếp phải nhận những thất bại cả về chiến thuật và chiến lược,
những người có trách nhiệm tiến hành cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương vẫn
không biết rút ra bài học. Họ lại tiếp tục mắc sai lầm. Từ Sài Gòn (1945), Hà
Nội (1946), Việt Bắc (1947), Biên giới (1950) đến Hoà Bình (1952) và đỉnh
cao Điện Biên Phủ (1954) là một chuỗi những sai lầm và thất bại liên tiếp với
mức độ ngày càng trầm trọng của Pháp.
3.3.5. Tính chất xâm lược phi nghĩa của cuộc chiến đứng về phía Pháp
Mặc dù các học giả người Pháp đều không dám khẳng định một cách công
khai, nhưng những gì mà họ nói đến cũng cho thấy, nguyên nhân quan trọng hàng
đầu phải kể đến đối với thất bại của quân Pháp trong cuộc chiến tranh này, đó là
tính chất phi nghĩa đứng về phía Pháp. Tác giả C.B. Currey dẫn lời của đại tướng
Võ Nguyên Giáp như một lời khẳng định về điều này: “...Quân Pháp không thiếu
vật chất cũng chẳng thiếu tướng tài. Nhưng cuộc chiến tranh của họ là phi nghĩa,
họ không và không thể làm chủ các quy luật chiến tranh” [55, tr.1033].
Vì sự phi nghĩa ấy mà các giới chính quyền Pháp đã không thể đưa ra được
đường lối thống nhất để điều hành cuộc chiến, không thể thông qua các khoản
chi phí chiến tranh lớn như mong đợi của các tướng lĩnh chỉ huy ở Đông
Dương. Cuộc chiến tranh Đông Dương đã trở thành một “cuộc chiến tranh bẩn
thỉu”, “cuộc chiến tranh đáng xấu hổ, nhục nhã” [28, tr.40]. Chính phủ Pháp
không bao giờ và không thể nào đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi của dân
chúng cũng như binh lính Pháp rằng họ chiến đấu vì mục đích gì? Tại sao họ
phải chết ở Đông Dương?
Chính vì tính chất phi nghĩa mà cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở
Đông Dương không bao giờ nhận được sự ủng hộ của dân chúng Pháp. Các tác
giả, nhất là các tướng lĩnh Pháp khi nhắc đến điều này đều cho thấy ở Paris,
bầu không khí “nói chung là thờ ơ” và cuộc chiến tranh ở Đông Dương chỉ là

99
cuộc chiến của chính quyền, của quân đội nhà nghề. Tướng Navarre khẳng định
“chiến tranh Đông Dương không phải là chiến tranh của quốc gia. Đó là công
việc xa xôi, do một đạo quân nhà nghề tiến hành, trong khi đất nước không
hiểu được ý nghĩa, cũng không dự vào”. Ông ta chua xót nhận ra “nếu ở Đông
Dương tôi gặp khó khăn nghiêm trọng, thì tôi sẽ không thể dựa vào, trong mọi
trường hợp, một hậu phương vững chắc ở Pháp” [27, tr.54]. Ở đây, Navarre cố
ý nhấn mạnh đến sự “thờ ơ” của đất nước để biện minh cho những khó khăn,
thất bại của quân Pháp dưới sự chỉ huy của ông ta. Song những gì Navarre nêu
ra cũng khẳng định thêm cho sự phi nghĩa của cuộc chiến mà giới chóp bu
Pháp, trong đó có ông ta theo đuổi.
Những người lính viễn chinh Pháp đã chỉ ra nguyên nhân, mục đích và tính
chất của cuộc chiến mà họ tiến hành ở Đông Dương. Trong bức thư gửi Chủ
tịch Hồ Chí Minh, trung sĩ F.Henri và các tù binh Pháp khẳng định: “chúng tôi
đã hiểu rằng chúng tôi chỉ phục vụ những lợi ích của những tên tư bản và thực
dân luôn hám lợi” [7, tr.33]. Trong một bức thư khác, G.Pierre và những người
lính lê dương nhận thức rằng: “... chúng tôi đã bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
lừa phỉnh và lôi kéo để tham gia các trận chiến và các cuộc càn quét. Nhiều
thanh niên Pháp, Sénégal, Bắc Phi,... đã chết một cách vô ích ở Đông Dương.”
[7, tr.49]. Trung sĩ F.Henry “tự mình nhận thấy rằng, cuộc chiến tranh xâm
lược phi nghĩa này là một sự vi phạm đến quyền của các dân tộc” [7, tr.58].
N.Roland và các bạn mình thì ân hận vì “bị thúc đẩy bởi một chính sách của
những tên thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn
Đông đã đến đây chiến đấu chống lại nhân dân của nước Việt Nam và gây nên
biết bao đổ nát và tang tóc khắp nơi” [7, tr.67].
Chính vì phải chiến đấu ở một nơi cách xa đất nước mình 12.000 Km trong
những điều kiện khó khăn, phải chết một cách vô ích để phục vụ cho quyền lợi
của một nhóm nhỏ tư bản tàn bạo, tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa bẩn thỉu,
đã làm cho tinh thần của quân đội Pháp trở nên bạc nhược. Vì thế, cho dù có một
đội quân đông đảo, tinh nhuệ, được trang bị vũ khí hiện đại nhưng cuối cùng quân
Pháp cũng bị đánh bại bởi đội quân xuất thân nông dân, quân đội nhân dân Việt
Nam chiến đấu cho độc lập, tự do và chính nghĩa. Đó chính là nguyên nhân sâu xa
và quyết định nhất dẫn đến sự thất bại của thực dân Pháp ở Đông Dương.

100
3.4. Về tác động của cuộc chiến tranh Đông Dương đối với nước Pháp
Cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) tác động mạnh mẽ tới mọi mặt
của nước Pháp. Nhà sử học người Pháp - Philippe Devillers đánh giá: “Trong
lịch sử ngắn ngủi của nền Đệ tứ Cộng hòa, ít có vấn đề nào đè nặng lên hơn là
vấn đề chiến tranh Đông Dương. Cuộc xung đột nảy sinh từ trong tình huống lập
lờ hai mặt và đã hoàn toàn có khả năng tránh được, đã phát triển lên sau năm
1946 như một bệnh ung thư gặm mòn dần cơ thể của nước Pháp đang trong thời
kỳ dưỡng bệnh... Nó đã bị thiệt hại nặng nề về người, về của và cuộc sống chính
trị của nó đã bị đầu độc vì những vụ “xcăngđan” vang dội gắn liền với cuộc
chiến tranh này. Sau đó, nền Đệ tứ Cộng hoà đã không hồi phục nổi” [63, tr.8].
3.4.1. Tác động đến tình hình chính trị và sự phát triển kinh tế của nước
Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài trong 9 năm đã có tác động không
nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị của nước Pháp.
Trước hết, cuộc chiến tranh đã tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi và phát
triển của nền kinh tế nước Pháp. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp rơi
vào tình trạng suy kiệt về kinh tế. Người dân Pháp, sau 5 năm sống ô nhục dưới
gót giày phát xít, đều ra sức cố gắng xây dựng lại đất nước từ đống đổ nát.
Nhưng những tên trùm thực dân lại hy vọng sẽ tiếp tục cướp đoạt các nguồn tài
nguyên, của cải của các nước vốn là thuộc địa của Pháp trước đây, để bù đắp
những mất mát do cuộc chiến gây ra.
Cuộc chiến tranh Đông Dương đã làm cho nền kinh tế vốn suy yếu sau thế
chiến hai của Pháp càng suy kiệt hơn. Trong khi nền kinh tế sau chiến tranh bị
tàn phá trầm trọng đòi hỏi số vốn lớn để phục hồi, phải nhận viện trợ của Mỹ
(theo kế hoạch Marshall), trong khi nhân dân Pháp ra sức lao động để trả nợ,
thì chính phủ Pháp lại phung phí tiền của cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa ở
Đông Dương. Càng lao sâu vào chiến tranh, nước Pháp càng gặp nhiều khó
khăn. Theo P.Quatrepoint, trong những năm đầu chiến tranh (từ 1945-1951), sự
gánh vác hàng năm của nước Pháp đối với Đông Dương chiếm tới một phần ba
ngân quỹ quốc gia của nước Pháp [67, tr.128].

101
Trong 9 năm chiến tranh, nước Pháp đã phải tiêu tốn một nguồn kinh phí
khổng lồ, với tổng số tiền lên tới 2385 tỉ phơrăng [65, tr.457]. Số kinh phí lớn
ấy khiến cho ngân sách của nước Pháp thiếu hụt mỗi năm thêm nghiêm trọng.
Cuộc chiến kéo dài khiến cho nước Pháp không thể tự mình gánh chịu
những tổn phí quá lớn. Chính phủ Pháp phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng
minh. Lúc này, chỉ riêng nước Mỹ có khả năng giúp đỡ Pháp, vì các nước khác
cũng đang phải vật lộn với những khó khăn do chiến tranh thế giới gây ra. Theo
G.Férier, tổng số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho Pháp là 853 tỉ francs [26, tr.69].
Số viện trợ của Mỹ đã giúp Pháp giảm bớt khó khăn, song nó lại khiến Pháp
phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và ngày càng mất đi vai trò ở Đông Dương. Theo
Navarre ngoài việc “khiến quân đội Pháp trở nên nặng nề”, thì “điều nguy hiểm
nhất của viện trợ Mỹ là về chính trị. Nó dẫn đến việc người Mỹ thò tay vào công
việc của chúng tôi và thay thế ảnh hưởng của chúng tôi đối với các Quốc gia liên
kết. Trong khi nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chúng tôi đã mất Đông Dương, ngay
cả khi viện trợ đó giúp chúng tôi thắng trận”[28, tr.51].
Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã bị nhân dân Pháp lên án mạnh
mẽ. Các phong trào phản chiến của nhân dân Pháp ngày càng lên cao. Từ năm
1950, “Đảng Cộng sản Pháp, Liên hiệp thanh niên cộng hoà Pháp và Liên hiệp
thiếu nữ Pháp tung ra các chiến dịch đấu tranh sôi nổi chống lại cuộc “chiến
tranh bẩn thỉu” và cho “hoà bình Việt Nam”. Các người biểu tình chống lại
những cuộc xuất quân của quân đội sang Đông Dương, các bến cảng Marseille,
La Rochelle đình công từ chối không chuyên chở phương tiện chiến tranh sang
Viễn Đông. Chiến dịch đòi thả người thuỷ thủ Henri Martin, đảng viên cộng sản
đã phân phát truyền đơn chống chiến tranh, có một quy mô to lớn”[65, tr.451].
Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp phản đối chiến tranh ở Việt Nam đã
khiến cho những khó khăn của Pháp càng gia tăng. Các tác giả P.Brocheux và
D.Hémery khẳng định: “Phần lớn dư luận Pháp không còn tán thành mục đích
của cuộc chiến tranh này nữa, trong cuộc chiến tranh này đội ngũ những người
được gọi nhập ngũ không phải là những người tình nguyện”26 [65, tr.485].

26
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin và Tư liệu Pháp, các cuộc điều tra dư luận từ năm 1947 đến tháng
2.1954 cho thấy: tháng 7.1947 số người tán thành chiến tranh xâm lược Việt Nam là 37%, tháng 10.1952 là
27%, tháng 5.1953 còn 21% và tháng 2.1954 chỉ còn 8% [Dẫn theo 81].

102
Cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp cùng với những thất bại của quân đội
Pháp trên chiến trường đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp
ngày càng gay gắt. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, đã có liên tiếp 20 lần
chính phủ Pháp bị đổ. Có những chính phủ chỉ tồn tại trong vài ngày, như chính
phủ của Thủ tướng R.Mayer tồn tại trong 7 ngày (từ 17 đến 24.10.1949) hay
chính phủ của Thủ tướng J.Moch chỉ kéo dài 12 ngày (từ 5 đến 17.10.1949).
Chỉ riêng trong năm 1949 đã có tới 4 lần chính phủ Pháp bị đổ [2, tr.440]. Cuộc
khủng hoảng nội các kéo dài liên miên đã làm cho nước Pháp ngày càng mất uy
tín trong nhân dân Pháp cũng như vị trí của Pháp đối với các cường quốc khác.
Khủng hoảng chính trị cùng những tổn thất quá lớn về người và của trong
cuộc chiến tranh Đông Dương đã khiến chính phủ Pháp phải chấp nhận giải
quyết nhanh chóng, tìm cách rút khỏi cuộc chiến bằng mọi giá. Sự thất thủ của
đội quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn ý chí của đội quân viễn
chinh và chính quyền Pháp, buộc chính phủ Pháp phải chấp nhận giải pháp
Genève, cam kết chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Chiến tranh Đông
Dương kết thúc đã thoả mãn nguyện vọng của nhân dân Pháp và những người
lính viễn chinh, “nhưng sự bất lực của nền Đệ tứ Cộng hoà (liên tiếp thế nhau
qua nhiều cơn khủng hoảng) làm cho cuộc tranh chấp này chấm dứt đã làm cho
thành viên chính phủ mất uy tín và bài học của chế độ: “Nước Cộng hoà đã chết
ở Điện Biên Phủ” hẳn là một công thức dùng cho văn bia và thật là giản dị,
nhưng được gọi là thảm bại hẳn đã lập tức đánh trúng vào Đế chế thuộc địa Pháp
và với thời gian nó đã làm lung lay nền cộng hoà đại nghị” [65, tr.485].
Như thế, cuộc chiến tranh Đông Dương không những không giúp cho nước
Pháp có thể phục hồi, mà còn làm cho nó trở nên khó khăn hơn. Cuộc chiến
tranh cũng làm cho nước Pháp ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đế quốc Mỹ,
cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Uy tín và địa vị của Pháp bị giảm sút cả ở
châu Âu và trên thế giới.
3.4.2. Tác động của chiến tranh Đông Dương đến quá trình tan rã hệ thống
thuộc địa của đế quốc Pháp
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với việc trở lại xâm lược Đông Dương,
nước Pháp tiếp tục duy trì nền thống trị của mình tại các thuộc địa cũ, chủ yếu là

103
các nước ở châu Phi. Cùng với nhân dân Đông Dương, nhân dân các thuộc địa
khác của Pháp cũng đấu tranh mạnh mẽ để giành độc lập, ủng hộ cuộc chiến đấu
của nhân dân Đông Dương, tạo thành một mặt trận chống Pháp rộng lớn, làm
giảm khả năng tăng viện của Pháp cho chiến trường Đông Dương, cũng như góp
phần làm tăng thêm sự khủng hoảng toàn diện của nước Pháp.
Cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương chống thực dân Pháp đã tác
động mạnh mẽ đến sự phát triển của phong trào đấu tranh chống Pháp ở các
thuộc địa khác. Sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đưa đến việc
Pháp phải ký Hiệp định Genève, rút quân khỏi Đông Dương ảnh hưởng sâu sắc
đến nước Pháp và quá trình phi thực dân hoá ở các thuộc địa Pháp. Theo
J.Pouget, Điện Biên Phủ chính là “ngày 14 tháng 7 của việc xoá bỏ thuộc địa”
của Pháp, mở đầu phong trào đấu tranh đòi xoá bỏ sự thống trị của Pháp ở các
thuộc địa của nước này. Tác giả R.Phrăng khẳng định: “Điện Biên Phủ xem ra
đã gây hậu quả tức thời cho việc thay đổi quan hệ giữa Pháp và nền đế chế của
nước này. M.France không chỉ chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương của
người Pháp bằng việc ký kết hiệp định Genève ngày 21.7.1954, mười ngày sau
ông còn đọc một bài diễn văn phát động một tiến trình phi thuộc địa hoá ở
Tunisie...” [55, tr.521-522].
Sự thất bại của Pháp ở Đông Dương với những tổn thất nặng nề về người và
của đã làm thay đổi phần nào quan niệm và nhận thức không chỉ trong chính
giới mà cả với giới chủ và thương gia Pháp. Với họ, giờ đây “Đế quốc không
còn là một cơ hội cho nền kinh tế, cho sự tăng trưởng, cho chủ nghĩa tư bản
Pháp, mà như một gánh nặng phải mang vác. Ngoài chết chóc và tốn kém tiền
của, các thuộc địa chẳng mang lại lợi lộc gì” [55, tr.522].
Cuộc chiến đấu bất khuất của nhân dân Đông Dương đã tác động mạnh mẽ
đến quyết tâm và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước
vốn là thuộc địa của Pháp. Nói như P.Brocheux và D.Hémery, thắng lợi của
nhân dân Đông Dương “như là một thứ thuốc chữa bệnh tâm thần vĩ đại, tạo
nên cho những người dân thuộc địa cái mà họ còn thiếu vào đầu thế kỉ: lòng tin
vào chính mình” [65, tr.461]. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, một phần
khá lớn của đội quân viễn chinh Pháp là những người lính Maroc, Algérie (năm
1953 có 34.000 người) và Sénégal (năm 1953 có 20.000 người). Trong quá

104
trình tham chiến ở Việt Nam, họ đã nhận thức được sự bạo tàn của chủ nghĩa
thực dân Pháp cũng như thấy được tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam,
trở thành những người sẽ đi tiên phong trong cuộc chiến đấu chống lại chủ
nghĩa thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc họ sau này. Vì thế, ngay sau khi
cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc, nước Pháp lại phải đương đầu với một
đợt sóng mạnh mẽ nổi lên ở châu Phi.
Theo R.Phrăng, “Mặc dù thất bại cay đắng năm 1954 ở Đông Dương được
cảm nhận rõ rệt như sự kiện đánh dấu hồi kết của thời kỳ thuộc địa, nhưng
những người Pháp vẫn không nhận thức được hết cái lôgic mới mẻ này”[55,
tr.523]. Sau thất bại ở Đông Dương, Chính phủ Pháp đã huy động một lực
lượng quân sự đông đảo với hy vọng có thể cứu vớt được tình thế ở Algérie và
các vùng khác ở châu Phi. Tuy nhiên nước Pháp lại tiếp tục phải hứng chịu
những thất bại. Năm 1956, Maroc và Tunisie giành được độc lập. Ngày
18.3.1962, chính phủ Pháp phải chấp nhận ký Hiệp định Êviăng công nhận nền
độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền mọi mặt của Angérie.
Thất bại ở Đông Dương (1954) và Algérie (1962) đã đặt dấu chấm hết cho
tham vọng đế quốc thực dân của nước Pháp. Cuộc chiến ở Đông Dương đối với
nước Pháp “chỉ còn cho những vụ gặt hận thù và thất vọng” đúng như lời báo
động của J.Jaurès từ năm 1911[65, tr.469].
Về những tác động của cuộc chiến tranh Đông Dương (1945 - 1954) đối với
nước Pháp, có thể dẫn lời của De Pirey thay cho lời kết: “Hãy có cam đảm làm
một tổng kết: nước Pháp để lại một xứ Đông Dương rách nát sau tám năm của
những trận chiến ác liệt, bị gián đoạn bởi một đình chiến đau đớn nhưng cần
thiết. Để đi đến kết quả trên, nó đã tiêu phí 2385 tỉ frăng, mất 92.000 sinh mạng
và bị mất mặt trên thế giới. Trước cái tài sản nợ đáng khủng khiếp ấy, tốt hơn cả
là không nên ghi gì trong khoản cho vay vì để bảo vệ danh dự: không ai tin nổi
những con số ấy - nó là một cái giá phải trả cho suốt một quá trình” [6, tr.261].

Tiểu kết
1. Cuộc chiến tranh Đông Dương (1945 - 1954) là cuộc chiến tranh của hai
bên Pháp - Việt. Tuy nhiên, cuộc chiến này diễn ra đồng thời với sự hình thành
trật tự thế giới hai cực, nên nó cũng chịu tác động của trật tự này. Từ chỗ là

105
chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, cuộc chiến này đã trở
thành một mặt trận trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng, cũng như thể hiện
sức mạnh và tiềm lực của hai hệ tư tưởng, hai hệ thống xã hội đối lập nhau. Các
nước lớn trong trật tự hai cực đã đứng đằng sau, ủng hộ cho các bên tham chiến
theo chiều hướng tư tưởng của mình. Vì thế, từ năm 1950, cuộc chiến này đã
dần từng bước được quốc tế hoá và chịu tác động của quan hệ quốc tế hồi đó.
2. Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, với những tổn
thất nặng nề về người và của, chịu nhiều thất bại trên chiến trường, nhất là
trong trận chiến Điện Biên phủ, chính quyền Pháp phải chấp nhận đi đến giải
pháp thương lượng để rút ra khỏi cuộc chiến, mở Hội nghị quốc tế ở Genève
bàn về vấn đề Đông Dương. Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán ở Genève diễn
ra vô cùng căng thẳng, quyết liệt. Cuối cùng, ngày 21.7.1954, Pháp đã phải ký
Hiệp định Genève công nhận nền độc lập, thống nhất, chủ quyền của các nước
Việt Nam, Lào, Campuchia.
Hội nghị Genève về Đông Dương diễn ra trong không khí căng thẳng của
cuộc chiến tranh lạnh. Lúc này, các nước lớn ở cả hai cực của cuộc chiến tranh
lạnh đều có xu hướng tìm kiếm giải pháp nhằm làm dịu bớt tình hình. Giải
pháp Genève về Đông Dương là sự phản ánh xu thế và mối tương quan lực
lượng của hai phe, đồng thời cũng phản ánh tương quan trên chiến trường Đông
Dương. Giải pháp Genève chỉ là một đợt nghỉ tạm thời, nhân dân Việt Nam sẽ
tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
3. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của thực dân Pháp trong cuộc
chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945 -1954) đã được các nhà sử học, các tác
giả người Pháp đưa ra. Tuy nhiên, họ vẫn không dám thẳng thắn thừa nhận một
nguyên nhân quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định nhất đến thất bại của
Pháp, đó là do tính chất xâm lược phi nghĩa của cuộc chiến đứng về phía Pháp.
4. Cuộc chiến tranh Đông Dương có tác động lớn tới mọi mặt của nước
Pháp, khiến cho nền kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn, nền chính trị Pháp lâm
vào khủng hoảng trầm trọng, uy tín và địa vị của nước Pháp trên trường quốc tế
suy giảm. Thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương cũng là mốc
mở đầu quá trình tan rã hệ thống thuộc địa của Pháp và trên thế giới.

106
KẾT LUẬN
Cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) là chủ đề được nhiều người
Pháp quan tâm. Các giới chính trị, quân sự, các học giả, các nhà nghiên cứu
lịch sử Pháp đã có nhiều công trình, bài viết đề cập đến cuộc chiến tranh này.
Qua các công trình nghiên cứu ấy, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
1. Đông Dương là một trong những xứ thuộc địa quan trọng bậc nhất của
nước Pháp. Vì thế, ngay khi nước Pháp còn nằm dưới ách thống trị của phát xít
Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, Chính quyền thân Đức của Pétain và lực
lượng kháng chiến lưu vong của De Gaulle đều rất quan tâm đến vùng đất này.
Cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) là cuộc chiến tranh xâm lược,
phi nghĩa của thực dân Pháp, xuất phát từ “tính toán sai lầm”, từ quan điểm
thực dân bảo thủ của chính quyền Pháp, đứng đầu là tướng De Gaulle. Với họ,
nước Pháp luôn là người mạnh nhất, nhân dân Đông Dương chỉ là những kẻ
nhà quê hèn nhát còn Chính phủ Việt Nam chỉ là một nhóm ngổ ngáo nhất của
dân chúng. Tướng De Gaulle và chính quyền Pháp trước sau đều khẳng định
quyết tâm tái lập quyền thống trị của nước Pháp ở Đông Dương. Mặc dù đã rút
khỏi chính phủ từ tháng 1.1946, những ý kiến và những chỉ dẫn về quan điểm
dẫn dắt vấn đề Đông Dương của De Gaulle vẫn là kim chỉ nam cho hành động
ngoan cố của các chính quyền Pháp sau đó.
2. Cuộc chiến tranh Đông Dương bắt đầu từ ngày 23.9.1945 tại Sài Gòn và
sau đó lan rộng ra toàn nước Việt Nam vào 19.12.1946. Nhiều người Pháp do
không hiểu biết về tình hình Đông Dương, lại chỉ dựa vào những báo cáo xuyên
tạc của các quan chức Pháp ở Đông Dương, cho rằng cuộc chiến này xuất phát
từ các cuộc tấn công của phía Việt Nam. Tuy nhiên, bằng sự lùi lại của thời
gian, với những tư liệu lịch sử mật được công bố, nhiều học giả Pháp đã khẳng
định dứt khoát rằng giới chính trị và quân sự cao cấp của Pháp là những người
đã gây ra cuộc chiến tranh này.
Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) là cuộc kháng chiến của nhân dân
Đông Dương chống lại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, nhưng sau đó,
trong bối cảnh trật tự hai cực, nó ngày càng mang tính chất của một cuộc xung

107
đột quốc tế. Cuộc chiến ở Đông Dương không chỉ là cuộc chiến của riêng nước
Pháp, mà đã trở thành cuộc chiến của “thế giới tự do” chống lại ảnh hưởng của
“chủ nghĩa cộng sản”. Chiến tranh Đông Dương, cùng với chiến tranh Triều
Tiên (1950-1953) là những “mặt trận nóng trong chiến tranh lạnh”, một bộ
phận của cuộc xung đột toàn cầu.
3. Thông qua các công trình của người Pháp có thể thấy được những khó
khăn của quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Đồng thời qua đó
cũng thấy được sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của quân đội nhân dân
Việt Nam cả về sức mạnh tinh thần lẫn khả năng chỉ đạo tác chiến. Quân đội
Pháp ngày càng sa lầy, thất bại nặng nề. Cuối cùng, chính phủ Pháp đã phải
chấp nhận giải pháp Genève công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào,
Campuchia và rút hoàn toàn quân đội khỏi Đông Dương vào năm 1956, đánh
dấu chấm dứt hoàn toàn 97 năm hiện diện quân sự của Pháp ở Đông Dương.
Thất bại này đã khiến cho nhiều người Pháp nhận thức được rằng không một
thế lực nào có thể đánh bại tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam (và
Đông Dương). Vì thế, trong những năm 60 của thế kỉ XX, khi đế quốc Mỹ đẩy
mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, tướng De Gaulle cho rằng người Mỹ sẽ
không thể giành được thắng lợi. Ngày 1.6.1961, trong chuyến thăm Pháp lần
đầu tiên của Tổng thống Mỹ mới đắc cử J.Kennedy, De Gaulle (lúc đó là Tổng
thống Pháp) đã khuyên Tổng thống Mỹ rằng vấn đề Việt Nam trước hết là vấn
đề chính trị, nếu Mỹ muốn giải quyết bằng chính trị thì Pháp sẽ giúp Mỹ tìm
một giải pháp trong danh dự. De Gaulle nói với Kennedy, nếu Ngài can thiệp
vào vùng này thì sẽ bị sa lầy vào cuộc chiến không lối thoát [Dẫn theo 81, tr.5].
Năm 1966, 21 năm sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ, De Gaulle
phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình là đã đưa nước Pháp và các dân tộc
Đông Dương vào một cuộc chiến tranh đau đớn. Trong bức thư gửi Chủ tịch
Hồ Chí Minh ngày 8.2.1966, De Gaulle viết: “… có thể khẳng định rằng nếu có
một sự hiểu biết tốt lẫn nhau giữa Việt Nam và Pháp sau chiến tranh thế giới
lần thứ hai thì đã có thể tránh được những diễn biến đau thương đã tàn phá
nước Ngài” [67, tr.178]. Trong bài diễn văn đọc tại Phnom Penh ngày 1.9.1966,

108
De Gaulle khẳng định ông không tin ở chiến thắng quân sự của người Mỹ ở
Đông Dương. Ông ta tuyên bố rằng nước Pháp lên án những gì đang diễn ra và
khuyên Mỹ nên theo gương Pháp chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự ở Đông
Dương. De Gaulle khẳng định: “Nước Pháp coi những trận đánh đang tàn phá
xứ Đông Dương này, không đem lại cho nước Pháp một lối thoát nào. Không
thể có hy vọng nào nói lên là các dân tộc của châu Á, chịu đặt mình dưới pháp
luật của ngoại bang đến từ bên kia Thái Bình Dương, mặc cho bất cứ ý đồ nào
của họ” [67, tr.179].
Những lời phát biểu của tướng De Gaulle sau hai thập kỉ đã phần nào nói
lên những suy ngẫm, đánh giá và nhận xét của người Pháp về cuộc chiến tranh
mà nước Pháp đã tiến hành ở Đông Dương từ năm 1945 đến năm 1954. Đó
cũng là bài học lớn mà người Pháp rút ra sau cuộc chiến này.

109
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. André Teulières (1985), L’Indochine - Guerres et Paix (Đông Dương-Chiến
tranh và hoà bình), Nxb Charles – Lavauzelle, Paris-Limoges.
2. Ban Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, HN.
3. Bernar Fall (2004), Điện Biên Phủ một góc địa ngục, (Vũ Tiến Thủ dịch),
Nxb CAND và Công ty văn hoá Phương Nam, HN.
4. Bộ Quốc phòng -Viện Lịch sử quân sự (1995), Lịch sử cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp1945-1954, Nxb QĐND, HN.
5. Cao Văn Lượng (1986), Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp, TC NCLS, số 5
6. Charles - Henry de Pirey (2004), Con đường tử địa, (Đặng Văn Việt dịch),
Nxb Đà Nẵng.
7. Cục văn thư lưu trữ nhà nước - Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (2004), Chiến
tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp, Nxb QĐND, HN
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb
CTQG, HN.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, Nxb
CTQG, HN.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 10, Nxb
CTQG, HN.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11, Nxb
CTQG, HN.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb
CTQG, HN.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 13, Nxb
CTQG, HN.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, Nxb
CTQG, HN.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb
CTQG, HN.

110
16. Đặng Văn Việt (1990), Đường số 4 con đường lửa, Nxb Giáo dục, HN.
17. Đinh Xuân Lâm (1987), Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những
hoạt động phối hợp đấu tranh của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, TC
LSQS, số 2.
18. Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh(1974), Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, HN.
19. Erwan Bergot (2004), Điện Bên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm, Nxb
CAND, HN.
20. Fran Kland (1989), Âm vang Điện Biên Phủ, TC LSQS, số 5.
21. Françoise Joyaux (1981), Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh
Đông Dương lần thứ nhất, (sách dịch), Nxb Thông tin lý luận, HN.
22. George C. Herring (2004), Cuộc chiến dài ngày của nước Mỹ và Việt Nam
(1950 - 1975), (Phạm Ngọc Thạch dịch), Nxb CAND, HN.
23. Georges Chaffar, Hai cuộc chiến tranh của Việt Nam từ Valuy đến Oet-mô-
rơ-len, (Hoàng Luyện Thuyết dịch), Bản dịch tại Tư liệu khoa Sử - Đại
học KHXH và NV, HN.
24. Georges Fleury (1994), La Guerre en Indochine 1945 – 1954 (Chiến tranh
Đông Dương 1945-1954), Nxb Plon, Paris.
25. Giăng Pôgét (2007), Giờ phút cuối cùng của Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên
Phủ, Sự kiện và Nhân chứng, số 5.
26. Gilles Férier (1993), Les Trois guerres d’Indochine (Ba cuộc chiến tranh
Đông Dương), Nxb Presses universitaires de Lyon, Lyon.
27. Henri Navarre (2004), Đông Dương hấp hối, (Phan Thanh Toàn dịch), Nxb
CAND, HN.
28. Henri Navarre (2004), Thời điểm của những sự thật, (Nguyễn Huy Cầu
dịch), Nxb CAND -Viện LSQS Việt Nam, HN.
29. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, HN, 1995.
30. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN, 1995.
31. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, HN, 1995.
32. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN, 1996.
33. Jacque Raphael (2004), Giờ phút Điện Biên Phủ, (sách dịch), Nxb CAND,
HN.

111
34. Jean Decoux, Trên tay lái Đông Dương, Bản dịch tại Tư liệu khoa Sử Đại
học KHXH và NV, HN.
35. Jean - Luc Einaudi (2002), Viêt-Nam! La guerre d’Indochine (1945-
1954)(Việt Nam! Chiến tranh Đông Dương (1945-1954)), Nxb La grand
livre du mois.
36. Jean Pouget (2003), Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ (Lê Kim dịch),
Nxb CAND, HN.
37. Jean Sainteny (2003), Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, (Lê Kim
dịch), Nxb CAND, HN.
38. Jules Roy (2004), Trận chiến Điện Biên Phủ, (Ngô Bình Lâm dịch), Nxb
Hà Nội, HN.
39. Jules Roy (1994), Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, (Bùi Trần
Phượng dịch), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
40. L.A.Patti (2008), Tại sao Việt Nam? (Lê Trọng Nghĩa dịch), Nxb Đà Nẵng.
41. Lê Kim (1990), Cơn hoảng loạn Lạng Sơn – Hà Nội – Paris, TC LSQS, số 3.
42. Lê Kim (1993), Về chủ trương thành lập đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn
Đông, TCLSQS, số 3.
43. Lê Trung Dũng, Thái độ của các nước Đồng minh đối với vấn đề Đông
Dương trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám (Trong: Cách mạng Tháng
Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.271-289)
44. Lưu Văn Lợi (2004), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995, Nxb CAND, HN.
45. Lưu Văn Lợi - Nguyễn Hồng Thạch (2002), Pháp tái chiếm Đông Dương
và chiến tranh lạnh, Nxb CAND, HN
46. Marcel Le Page (1981), Cao – Bang la tragique épopée de la colonne Le
Page (Cao Bằng sự nghiệp bi thảm của đại tá Le Page), Nouvelles
Editions Latines, Paris.
47. Minh Nam (1989), Có hay không có “Kế hoạch Vautour” năm 1954?, TC
LSQS, số 8.
48. Nguyễn Đình Bin (Chủ biên) (2002), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXb
CTQG, HN.

112
49. Nguyễn Khắc Huỳnh (2007), Từ trận Điện Biên Phủ đến Hội nghị Genève
Những cuộc vận động ngoại giao rộng lớn ở hậu trường, TC LSQS, số 7.
50. Nguyễn Mạnh Hà (2007), Nhìn lại kết quả Hội nghị Genève 1954, TC
LSQS, số 7.
51. Nguyễn Văn Sự (2007), Cuộc họp bí mật của các quan chức cao cấp Pháp
ở Đông Dương tại Cát Bi- Hải Phòng (16/12/1946), TC LSQS, số 2.
52. Nhiều tác giả (1982), Le Général De Gaulle et Indochine 1940 – 1946
(Tướng De Gaulle và Đông Dương 1940 - 1946), Nxb Plon, Paris.
53. Nhiều tác giả (1989), La Guerre d’Indochine 1945 - 1954. Textes et
Documents français et viêt - minh(Chiến tranh Đông Dương 1945-1954.
Văn bản và tư liệu Pháp và Việt Minh), Volume 2, Service Historique de
l’Armée de Terre, Vincennes.
54. Nhiều tác giả (2005), Điện Biên Phủ hợp tuyển công trình khoa học, Nxb
CTQG, HN.
55. Nhiều tác giả (2005), Điện Biên Phủ từ góc nhìn các nhà khoa học Việt –
Pháp, Nxb CTQG, HN.
56. Peter A. Poole (1986), Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon,
Nxb Thông tin lý luận, HN.
57. Peter Mac Donald (2004), Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương,
(Nguyễn Viết Quyền - Nguyễn Đình Cao dịch), Nxb QĐND, HN.
58. Phạm Hồng Tung (2006), Cuộc đàm phán Việt – Pháp 1945 – 1946 trong
bối cảnh quốc tế và khu vực, TC Nghiên cứu châu Âu, số 6.
59. Phạm Quang Minh (2007), Chính sách của Mỹ đối với Đông Dương và Đông
Âu trong giai đoạn đầu Chiến tranh lạnh (1947 - 1954), TC LSQS, số 7.
60. Phạm Xanh (1988), Đông Dương “lọt vào mắt xanh” của đế quốc Mỹ từ
bao giờ, TC LSQS, số 1.
61. Phan Ngọc Liên (1984), Ảnh hưởng và tác động của chiến thắng Điện Biên
Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc, TC NCLS, số 1
62. Phan Ngọc Liên- Nguyễn Đình Lễ (2007), Nguồn tài lực của Pháp trong
chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945 - 1954), TC NCLS, số 2.

113
63. Philippe Devillers (1993), Paris - Sài Gòn - Hà Nội (Hoàng Hữu Đản dịch),
Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
64. Pierre Asselin (2008), Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam và Hiệp định Pari
1973 - Ngoại giao và thành tựu của Cách mạng Việt Nam, TC NCLS, số 1.
65. Pierre Brocheux - Daniel Hémery, Đông Dương nền thực dân nước đôi
(1858-1954), Tư liệu khoa Sử - ĐHKHXH và NV, HN.
66. Pierre Pellissier (2005), Điên Biên Phu 20 Novembre 1953 - 7 mai 1954
(Điện Biên Phủ 20.7.1953 - 7.5.1954), Nxb Ferrin, Paris.
67. Pierre Quatrepoint (2008), Sự mù quáng của tướng Đờ Gôn đối với cuộc
chiến ở Đông Dương (Đặng Văn Việt dịch), Nxb CTQG, HN.
68. Pierre Sergeant (1994), Một trăm mười hai ngày trước trận đánh lớn, TC
LSQS, số 1.
69. R.Simpson (2004), Điện Biên Phủ cuộc đối đầu mà nước Mĩ muốn quên đi,
(sách dịch), Nxb CAND, HN.
70. Stein Tonesson (2007), Hiệp định Pháp – Việt ngày 6-3-1946, TC Xưa và
Nay, số 289, 290 tháng 8.
71. Thạch Sơn (1987), Tại sao và tại ai, (lược dịch: Andre Teulières (1978), La
guerre Viet Nam 1945 - 1975, Nxb Lavauzelle, Paris, chương 3), TC
LSQS, số 5.
72. Thuỷ Trường (2005), Những đảng viên đảng cộng sản Pháp và cuộc chiến
Đông Dương, TC LSQS, số 3.
73. Trần Lý (1989), Đông Dương - Cuộc ngã giá giữa De Gaulle và Truman
tháng 8 năm 1945, TC LSQS, số 8.
74. Trần Trọng Trung (2004), Hai bộ thống soái trước bàn cờ Điện Biên Phủ,
Nxb QĐND, HN.
75. Trần Trọng Trung (1979), Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, Tập 1,
Nxb QĐND, HN.
76. Trần Trọng Trung (1980), Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, Tập 2,
Nxb QĐND, HN.
77. Trần Trọng Vực (1993), Thương vong của đội quân viễn chinh Pháp trong
chiến tranh xâm lược Đông Dương (9.1945 - 7.1954), TC LSQS, số 2

114
78. Trịnh Vương Hồng (1992), Sự kiện Hải Phòng 11-1946 (Qua một số sách
báo nước ngoài), TC LSQS, số 6.
79. Võ Nguyên Giáp (1974), Những năm tháng không thể nào quên, Nxb
QĐND, HN.
80. Võ Nguyên Giáp (2004), Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Kim Đồng, HN.
81. Võ Văn Sung (2008), Những điều nói rõ thêm trong lịch sử quan hệ ngoại giao
giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, TC Nghiên cứu quốc tế, số 4 (12.2008).
82. Vũ Dương Ninh - Jan Pluvier - Nguyễn Văn Hồng (2005), Đông Nam Á Tháng
Tám năm 1945 (Đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước), Nxb Thế
Giới, HN.
83. Vũ Dương Ninh (2007), Việt Nam-Thế giới và hội nhập, Nxb Giáo Dục, HN.
84. Vũ Dương Ninh (2008), Mưu đồ tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp
(1940 - 1946), TC Lịch sử Đảng, số 6.
85. Vũ Kiên Định (1988), Hà Nội - Phôngtenơblô - Genève - Pari Những cột
mốc trên chặng đường đấu tranh chống xâm lược, TC LSQS, số 1.
86. Wijred Lulei (1989), Điện Biên Phủ 1954, thất bại có tính quyết định của
thực dân Pháp ở Đông Dương, TC LSQS, số 5.

115

You might also like