You are on page 1of 4

TÀI LIỆU ĐỌC TUẦN 3

1.4 Hình thức tổ chức dạy học


1.4.1 Khái niệm
Hình thức tổ chức dạy học là toàn bộ những cách thức tổ chức hoạt động của
giáo viên và người học trong quá trình dạy học ở thời gian và địa điểm nhất định với
những phương pháp, phương tiện dạy học cụ thể nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy
học.
Hình thức tổ chức dạy học giúp ta xác định được QTDH cụ thể sẽ được thực hiện
ở đâu?, quy mô như thế nào?, thành phần học sinh tham gia ra sao?.
Hình thức tổ chức dạy học có quan hệ chặt chẽ với mục đích, nội dung, phương
pháp và phương tiện dạy học, vì nó là một thành tố của quá trình dạy học.
Hình thức tổ chức dạy học hình thành và phát triển cùng với sự thay đổi điều
kiện kinh tế - xã hội và văn hóa - khoa học.
1.4.2 Các hình thức tổ chức dạy học ở trường phổ thông
Các hình thức tổ chức dạy học được xác định bởi các yếu tố:
- Sự chỉ đạo có tính trực tiếp hay gián tiếp của giáo viên đối với quá trình dạy
học.
- Số học sinh tham gia vào việc học tập.
- Nội dung chương trình được quy định trong thời khóa biểu.
Mỗi yếu tố nói trên trở thành một tiêu chí phân loại hình thức tổ chức dạy học
khác nhau.
- Xét theo sự chỉ đạo của giáo viên đối với quá trình dạy học có: hình thức dạy
học lên lớp, hình thức dạy học ngoại khoá, hình thức tự học
- Xét theo số người tham gia vào quá trình học tập, chúng ta có: hình thức học
tập cá nhân, học nhóm, học tập toàn lớp.
- Xét theo nội dung chương trình do nhà nước đưa ra được quy định chính thức
hay không chính thức trong thời khóa biểu, ta có: hình thức dạy học chính khóa, hình
thức dạy học ngoại khoá, hình thức dạy học qua mạng/trực tuyến và hình thức dạy học
kết hợp giữa học trực tiếp và học qua mạng.
Cách phân loại phổ biến nhất trong thực tiễn dạy học là phân loại căn cứ theo sự
chỉ đạo của giáo viên đối với quá trình dạy học. Đây là căn cứ phân loại dựa vào bản
chất của sự vật hiện tượng. Nếu giáo viên trực tiếp chỉ đạo quá trình dạy học ta có
hình thức dạy học lên lớp (còn gọi là bài - lớp), nếu giáo viên không trực tiếp chỉ đạo
quá trình dạy học ta có hình thức ngoại khóa và hình thức tự học.
a) Hình thức tổ chức dạy học lên lớp
Hình thức dạy học lên lớp hay còn gọi là hình thức dạy học bài – lớp là hình thức
tổ chức dạy học rất quen thuộc và phổ biến ở nước ta.
Dạy học lên lớp là một hình thức tổ chức dạy học có đặc điểm:
- Học sinh được tập hợp theo lứa tuổi và theo trình độ cho phép giáo viên tiến
hành công việc với cả lớp cùng một lúc. Giáo viên hướng dẫn và kiểm tra hoạt động
của tất cả học sinh không loại trừ ai, và đồng thời duy trì sự tác động và kiểm tra qua
lại giữa chính học sinh với nhau.
- Học sinh có thành phần cố định tạo điều kiện cho giáo viên duy trì và tiếp xúc
không những với toàn bộ lớp mà cả với từng nhóm học sinh, thậm chí từng học sinh
riêng lẻ. Điều đó tạo tiền đề cho tất cả học sinh nắm vững những cơ sở kiến thức, hình
thành những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết ngay trong tiến trình của việc dạy học.
- Tài liệu giáo khoa được phân chia theo lớp dựa vào lứa tuổi và trình độ đào tạo
làm cho sự học tập trở nên vừa sức hơn.
- Nội dung mỗi môn học lại được phân chia thành chủ đề/chương, bài, mang đến
cho quá trình dạy học tính kế hoạch và tính hệ thống.
- Việc thực hiện chương trình học tập ở mỗi môn học được giao cho một thầy
hoặc cô giáo (ngoại trừ bậc học tiểu học), tạo điều kiện cho thầy, cô giáo nắm vững
khả năng học tập của từng học sinh, tính tình của từng học sinh, nhờ đó có điều kiện
thực hiện có hiệu quả cao yêu cầu trí dục và đức dục.
- Việc học tập được tiến hành theo bài học. Tính chất này tạo điều kiện cho việc
tổ chức hoạt động của thầy cô giáo được dễ dàng hơn, sát sao hơn, dễ kiểm tra hơn.
- Các bài học trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng cần đạt được quy định
trong chương trình mang tính chất bắt buộc. Cần phân biệt các bài học này với các bài
học mang tính chất tự chọn của hình thức ngoại khóa hay phụ đạo.
Như vậy hình thức dạy học lên lớp là hình thức tổ chức dạy học theo tập thể lớp
và có tính chất chính khóa. Việc xác định thành phần lớp, do đó, có ý nghĩa rất quan
trọng trong việc đảm bảo kết quả dạy học.
Hình thức dạy học lên lớp được hiểu là hình thức tổ chức dạy học mà với hình
thức đó trong suốt thời gian học tập được quy định một cách chính xác và ở một địa
điểm riêng biệt, giáo viên chỉ đạo hoạt động nhận thức có tính chất tập thể ổn định, có
thành phần không đổi, đồng thời chú ý đến những đặc điểm của từng người học để sử
dụng các phương pháp và phương tiện dạy học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
người học nắm vững tài liệu học tập một cách trực tiếp cũng như làm phát triển năng
lực nhận thức và giáo dục họ tại lớp.
Tiết lên lớp trong trường phổ thông ở nước ta hiện nay bao gồm ba dạng tổ chức
làm việc. Ba dạng tổ chức làm việc này là dạy học chung toàn lớp, dạy học theo nhóm,
và dạy học cá nhân. Điều cần chú ý là ba dạng hoạt động này được thực hiện đan xen
nhau ngay trong một tiết học, bài học.
b) Hình thức hoạt động ngoại khóa
Hình thức hoạt động ngoại khóa cũng rất quen thuộc đối với các trường học ở
nước ta. Hình thức tổ chức dạy học này không mang tính bắt buộc như hình thức lên
lớp. Đó là hình thức được tiến hành dựa trên sự tự nguyện tham gia của học sinh.
Hình thức này tạo điều kiện cho học sinh khả năng mở rộng, đào sâu tri thức đã tiếp
thu được ở chương trình bắt buộc. Đồng thời nó cũng tạo thêm hứng thú học tập và
làm phát triển năng lực riêng của từng học sinh.
Những hình thức của hoạt động ngoại khóa có thể là: câu lạc bộ khoa học, câu
lạc bộ thể dục thể thao, dạ hội nghệ thuật, nhóm “các nhà khoa học trẻ tuổi”…
c) Hình thức tự học
Tự học là hình thức học sinh tự lực học tập ngoài giờ lên lớp dưới sự chỉ đạo
gián tiếp của giáo viên. Tự học được tiến hành ở nhà, tại thư viện hoặc trong các
không gian học tập khác như viện bảo tàng, xưởng sản xuất, khu bảo tồn... Học sinh tự
mình sắp xếp kế hoạch, sử dụng những điều kiện, tài liệu sẵn có để thực hiện những
nhiệm vụ học tập giáo viên giao cho.
Về bản chất tự học là sự tiếp tục một cách logic hình thức lên lớp. Hình thức tự
học khác với hình thức lên lớp ở chỗ thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của giáo viên, đồng thời
nó đòi hỏi học sinh phải có tính tự lực học tập cao.
d) Một số hình thức tổ chức dạy học khác ở trường phổ thông
Hình thức tham quan học tập
Tham quan học tập là hình thức tổ chức cho học sinh tiếp xúc với cuộc sống thực
tế sinh động trong thiên nhiên, trong xã hội, trong cuộc sống, trong sản xuất... Tham
quan có tác dụng nhiều mặt đối với học sinh:
- Về nhận thức: Tham quan tạo điều kiện để học sinh nhận biết và quan sát sự
vật, hiện tượng có liên quan mật thiết tới vốn sống, vốn hiểu biết của học sinh về cuộc
sống. Nó làm phong phú vốn hiểu biết, kể cả vốn ngôn ngữ của học sinh.
- Về tình cảm: Tham quan tạo điều kiện cho học sinh hòa mình vào cuộc sống xã
hội, nhờ đó mà khơi dậy được cảm xúc về cuộc sống. Từ đó học sinh cảm thấy yêu và
gắn bó với cuộc sống xã hội.
Hình thức phụ đạo (hình thức giúp đỡ riêng)
Trong quá trình dạy học không tránh khỏi sự phân hóa giữa các học sinh trong
một lớp, trong đó có những học sinh khá giỏi và những học sinh yếu kém. Hình thức
phụ đạo thường được tiến hành với hai loại đối tượng học sinh này.
Hình thức phụ đạo là hình thức tổ chức dạy học có sự giúp đỡ của giáo viên đối
với các học sinh giỏi và học sinh yếu kém.
Đối với học sinh yếu, hình thức này nhằm phát hiện và bù đắp lỗ hổng kiến thức
kịp thời, giúp những học sinh này theo kịp trình độ chung của lớp, tạo động lực thúc
đẩy họ học tập. Còn đối với học sinh giỏi hoặc học sinh có năng khiếu về một môn
học nào đó, hình thức giúp đỡ riêng giúp họ phát triển hơn nữa những năng lực sẵn
có, nghiên cứu sâu hơn về một vấn đề về khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật nào đó mà
những buổi học trên lớp không có điều kiện giải quyết.
Hình thức giúp đỡ riêng có thể tiến hành ngay trong khi dạy học chung cả lớp
hay được tổ chức riêng thành từng nhóm hoặc có tính chất cá nhân, có thể tổ chức
thường xuyên hoặc theo từng chủ đề, hoặc có tính chất tình huống như khi chuẩn bị
cho học sinh sát hạch, thi…
Như vậy, hình thức lên lớp là hình thức dạy học cơ bản trong nhà trường phổ
thông nhưng không phải là duy nhất. Các hình thức dạy học khác: ngoại khóa, phụ
đạo, tham quan… cần được phối hợp với hình thức lên lớp nhằm khắc phục những
nhược điểm của hình thức dạy học này. Do vậy, người giáo viên trong nhà trường phổ
thông cần vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học đó trong thực tiễn nhằm
đạt kết quả tối ưu cho quá trình dạy học.
Ngoài ra, còn có các hình thức tổ chức dạy học khác như:
- Hình thức dạy học vi mô (microteaching) (thường dùng trong đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên)
- Hình thức học tập kết hợp giữa học trên lớp và học qua mạng (blended –
learning) mà lớp học đảo ngược (flipped classroom) mà một phương thức kết hợp cụ
thể (thường áp dụng cho học sinh cấp THPT, sinh viên đại học, học viên SĐH, học
viên vừa học vừa làm).
- Hình thức tổ chức dạy học theo góc, dạy học theo trạm (station-based learning)
(thường dùng trong các lớp học sinh có không gian rộng hoặc sĩ số nhỏ).

You might also like