You are on page 1of 10

LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Trong đời sống thường nhật, dường như Nghiệp đã trở thành một thuật ngữ
quen thuộc trong đời sống của mọi người. Khi trải nghiệm một cảm giác nào đó, dù
hài lòng hay phật ý, tốt hay xấu, thành công hay thất bại, chúng ta thường có khuynh
hướng đem Nghiệp ra đỗ lỗi. Khi cảm giác hạnh phúc hiện hữu trong chúng ta, chúng
ta thường cho rằng, đó là do nghiệp tốt, thiện từ quá khứ của chúng ta. Ngược lại, khi
cảm nhận sự thất bại, bất an, hay khổ đau, chúng ta thường đổ lỗi cho nghiệp xấu, ác.
Điều đáng nói là, thậm chí không ít phật tử đã quy y Tam Bảo lâu năm vẫn cho rằng
đây là Nghiệp của Phật giáo. Từ đó dấy lên ý kiến cho rằng không nhiều người biết
chính xác Nghiệp là gì. Thực sự không khó lắm để nhận ra tại sao ít người hiểu tường
tận về nghiệp. Đó là bởi vì nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài. Trong khả năng hiểu
biết của người viết, tại Ấn Độ, có ba tôn giáo bàn đến thuyết Nghiệp: Bà La Môn giáo,
Kỳ Na Giáo, và Phật giáo. Bởi thế, chắc chắn rằng ý nghĩa của Nghiệp hẳn khác nhau
giữa ba tôn giáo này. Cách dùng từ Nghiệp của người bình thường cho chúng ta biết
rằng họ đánh đồng Nghiệp với thuyết định mệnh hay tiền định (determinism). Điều đó
hàm ý rằng họ không thể phân biệt Nghiệp của Phật giáo với hai tôn giáo kia. Và đó là
lý do con chọn so sánh Nghiệp trong Bà La Môn giáo và Phật giáo cũng như học
thuyết về Nghiệp được phát triển như thế nào bắt đầu từ Bà La Môn giáo và Phật giáo.
CHƯƠNG I:  Khái niệm và Phân loại về nghiệp:
Nghiệp chính là động cơ vẽ nên tiến trình Nhân quả, Luân hồi của con người.
Tìm hiểu về Nghiệp thực chất là tìm hiểu Nghiệp báo hay quả dị thục của
Nghiệp. Nói cách khác Nghiệp báo chính là quả dị thục của Nghiệp. Cho nên,
tuy chia thành Nghiệp và Nghiệp báo nhưng chúng thực chất chỉ là  một vấn đề
mà thôi. Nghiệp báo chính là hệ quả tự nhiên của nghiệp. Nghiệp báo ở đây gần
với vấn đề tái sanh mà các Học thuyết, Tôn giáo thường nhắc đến. Nghiệp báo
và Tái sanh là hai học thuyết liên hệ chặt chẽ với nhau, thuộc lãnh vực tinh thần
đạo đức luân lý.
            Trong Phật học, Nghiệp thường được chia làm 3 loại: Thân nghiệp,
Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Chính đức Phật đã trình bày tường tận và giải thích
đầy đủ giáo pháp cao siêu ấy. Giáo lý nghiệp đã tháo gỡ các nghi vấn về những
sự bất đồng của nhân loại và sự chênh lệch tựa hồ như bất công trong thế gian.
I. Định Nghĩa Nghiệp

            Tiếng Phạn là Karma, Tàu phiên âm là Yết-ma, dịch ý là Nghiệp, nghĩa là hành
động có tác ý (Volitional action) của thân, khẩu, ý. Nghiệp chỉ cho sự tạo tác, tức những
hoạt động của thân tâm như hành vi, ý chí, hoặc chỉ cho những sinh hoạt của thân tâm do
ý chí sanh ra. Nói chung Nghiệp là chỉ những cái sở tác thiện ác của thân, khẩu, ý. Khi
tạo tác thiện ác gọi là Nghiệp nhân, khi cảm thọ khổ vui gọi là Nghiệp quả. Nếu kết hợp
với Nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành do những hành vi từ quá khứ kéo
dài đến hiện tại và tương lai. “Ta là kẻ thừa hưởng kết quả của hành vi tạo tác của ta như
một di sản truyền lại”(Nikàya). Ngoài ra Nghiệp còn là nhân tố bao hàm tư tưởng Nhân-
quả báo ứng và luân hồi trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

            Đối với vấn đề Nghiệp, Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã nhấn mạnh trong kinh A-
hàm rằng : “Mỗi chúng sanh đều có cái nghiệp của mình”. Hoặc trong một số kinh khác
như Tăng Chi II hay Trung bộ III (Kinh Tiểu nghiệp phân biệt), Đức Phật cũng từng dạy
rõ: “Ta vừa là chủ nhân của Nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng,
Nghiệp là quyến thuộc,Nghiệp là điểm tựa. Phàm Nghiệp nào sẽ làm, thiện  hay ác sẽ
thừa tự nghiệp ấy.”   
           
            Một hành động được gọi là nghiệp, đó là hành động được sự tham gia của ý thức
hay nói cụ thể: nghiệp là hành động có tác ý. Một hành động mà không có tác ý thì không
thể tạo thành Nghiệp, đó là hành động của những vị vô thức, hành động của những vị đã
chứng ngộ quả vị A-la-hán, hành động này của những vị đã tu chứng quả vị này được gọi
là “duy tác”. Duy tác có nghĩa là làm mà không có sự manh nha ý nghĩa thiện hoặc bất
thiện, nhưng trong bản thân hành động vốn có  đầy đủ trí tuệ và công đức. Còn chúng ta
mỗi sự phân biệt còn đắn đo, suy lường của ý thức; vì thế mà “nhất cử nhất động” đều tạo
nên nghiệp chướng, không những không hành động thiện phước mà có khi còn hành động
độc ác. Mọi hành vi, ngôn ngữ  của chúng ta đều có sự sắp xếp của ý thức, vì thế mà
chiêu cảm thành Nghiệp; cho nên Phật dạy:

                             Ý dẫn đầu các pháp,

                             Ý chủ ý tạo tác.


                             Nếu với ý nhiễm ô,

                             Nói năng hay hành động

                             Khổ não bước theo sau

                             Như bánh xe theo chân con bò”.[1]


 

[1] Kinh Pháp cú - Phẩm Song Yếu -Kệ số 1 – HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN ấn hành
1999
 

hay
Ý dẫn đầu các pháp,

Ý chủ ý tạo tác.

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình”.[1]

            Trên đây đã nêu lên sự tác động của ý đến quá trình hình thành nghiệp và quả của
Nghiệp (Nghiệp báo). Chính sự thọ báo này mà chúng ta suy ra được một phần sự tác động
của ý thức vào hành động là thiện hay ác. Luận Thành Thật nói: “Nghiệp thiện thì được quả
báo tốt đẹp, Nghiệp bất thiện thì cảm quả báo không tốt đẹp”. Tuy nhiên, từ Nghiệp nhân đi
đến Nghiệp quả vẫn còn có nhiều yếu tố tác động, nhất là yếu tố tâm lý và tuệ giác (như đã
trình bày ở bài Nhân-quả), vì thế chúng ta không thể suy lường hết được tiến trình hình thành
từ Nghiệp nhân đến Nghiệp quả (Nghiệp báo) một cách rốt ráo. Chúng ta chỉ biết rằng; người
con Phật luôn luôn làm điều thiện, không làm những điều ác, nghiêm trì những giới điều mà
mình đã thọ, giữ tâm ý cho thanh tịnh thì nhất định sẽ được những kết quả tốt và đó cũng
chính là ý nghĩa chuyển Nghiệp mà mỗi Phật tử cần phải thực hành như châm ngôn: “TU LÀ
CHUYỂN NGHIỆP”.
 

[1] Kinh Pháp cú - Phẩm Song Yếu -Kệ số 2 – HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN ấn hành
1999

Phân loại Nghiệp

Giáo lý nguyên thủy cũng như Đại thừa đều chia Nghiệp ra làm rất nhiều loại, mỗi loại phù
hợp với một chức năng và phần lớn dựa theo ý nghĩa mà gọi tên chúng. Tuy nhiên, Nghiệp là
một vấn đề phức tạp nên ngôn ngữ và sự phân loại cũng rất phức tạp, chúng ta chỉ tìm hiểu
một vài sự phân loại tiêu biểu của Nghiệp để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của chúng.
Có hai loại Nghiệp cơ bản là Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp, thuật ngữ thường gọi là Hắc
Nghiệp và Bạch Nghiệp.

+ Hắc Nghiệp là Nghiệp đen, thường chỉ cho những Nghiệp xấu như giới cấm thủ Nghiệp
(giữ giới một cách sai lầm), thập ác Nghiệp, Nghiệp không tin Nhân quả... thọ Nghiệp này
thường sanh váo ác xứ, khổ xứ nên cũng có thể dùng để chỉ cho địa ngục Nghiệp, Ngạ quỷ
Nghiệp, Súc sanh Nghiệp...

+ Bạch Nghiệp là những thiện Nghiệp như Thập Thiện Nghiệp, Ngũ giới Nghiệp, Bồ tát
Nghiệp... thọ Nghiệp này thường được sanh vào thiện xứ, lạc xứ, nên có thể dùng để chỉ cho
Nhân Nghiệp, Thiện Nghiệp, Thanh văn... Còn hành động duy tác của các Thánh giả A-la-
hán được gọi là phi hắc phi bạch Nghiệp (Nghiệp không trắng cũng không đen).

Các Nghiệp cảm thọ riêng từng cá nhân gọi là Biệt Nghiệp, Nghiệp chung cho cả tập thể gọi
là Cộng Nghiệp. Nghiệp mà nhất định sẽ đưa đến kết quả gọi là Định Nghiệp, nghiệp có thể
đưa đến kết quả, cũng có thể không đưa đến kết quả gọi là Bất Định Nghiệp... Ngoài ra,
Nghiệp còn được phân loại theo công tác (Sanh Nghiệp, Trì Nghiệp, Chướng Nghiệp, Đoạn
Nghiệp) hoặc phân loại theo sức mạnh (Cực trọng Nghiệp, Cận tử Nghiệp, Tập quán Nghiệp,
Tích lũy Nghiệp)...
CHƯƠNG II SO SÁNH HỌC THUYẾT NGHIỆP TRONG BÀ LA MÔN
GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
1. Học Thuyết về Nghiệp trong Bà La Môn Giáo.
Học thuyết về Nghiệp khống chế nền triết học Ấn Độ trước, trong, và sau thời
đức Phật. Chúng ta không nghe tôn giáo nào khác bàn về Nghiệp ngoài ba tôn giáo:
Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, và Phật giáo. Trước hết, tôi muốn bàn về Nghiệp trong
Bà La Môn giáo. Theo triết học Ấn Độ, thể loại văn học sớm nhất của nước này là Vệ
Đà (Vedas), được sáng tác sớm nhất vào khoảng thế kỷ 15 trước tây lịch[1]. Có bốn
loại Vệ Đà: Rg Veda, Sāma Veda, Yajur Veda, và Athurva Veda. Giới nghiên cứu cho
rằng Rg Veda, Sāma Veda, Yajur Veda là những phiên bản gốc, còn Athurva
Veda được thêm vào thời gian sau này. Mỗi tác phẩm Vệ Đà được chia thành ba
phần: Saṁhitās, Brāhmanas, và Āranyakas. The Upanisads, vốn chứa đựng nhiều lĩnh
vực triết lý, tạo ra phần cuối của Vệ Đà (Āranyakas). Trong số bốn tác phẩm Vệ Đà,
phải nói rằng, Rg Veda có thẩm quyền và giá trị văn học hơn cả.

Điểm cơ bản đầu tiên trong thuyết nghiệp cùa Bà La Môn giáo được nói đến trong
phần Rta thuộc Rg Veda. Về mặt nghĩa đen, Rta là trật tự của vũ trụ, vạn vật[2].
Chính từ cái Rta này, người ta tin quy luật về Nghiệp trong tư tưởng Ấn Độ được phát
sinh. Quy luật này lan tỏa khắp vũ trụ. Nó điều khiển thiên nhiên một cách nhất quán.
Thượng đế hay con người đều phải tuân thủ quy luật Rta. Đây là quy luật đạo đức,
quy luật xã hội cũng như quy luật tế thần. Để mang lại kết quả tốt đẹp, mọi hành động
trong lễ tế thần phải tuân thủ quy luật của Rta. Theo những gì được đề cập trong Rg
Veda, tế thần được tin là một hình thức của Nghiệp, cái đem lại những kết quả như
trông đợi nếu hành động được thực hiện một cách “thích hợp”. Khi hành lễ tế thần,
người ta phải tuân thủ từng bước một cách tuyệt đối. Thậm chí những sai khác trong
từng chi tiết nhỏ nhặt lúc hành lễ cũng đủ làm hỏng tất cả khóa lễ tế thần. Nhưng nếu
lễ tế thần được thực hiện một cách thích hợp, kết quả tốt đẹp và được trông đợi chắc
chắn sẽ xảy ra. Không ai hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản được. Hay nói cách khác,
người ta tin chắc rằng tế thần được thực hiện theo giáo lý Vệ Đà tạo ra Nghiệp tốt đẹp;
nghiệp này sẽ đem lại kết như ý. Tế thần trong Bà La Môn giáo được cho là một loại
trách nhiệm duy nhất. Nó được gọi là hành động (Karma or Kriya) và là quy luật vĩnh
hằng, không thay đổi. Những buổi lễ huyền bí, dù tốt đẹp hay xấu ác, đạo đức hay phi
đạo đức, đều đã được sắp đặt để phát sinh những kết quả của nó. Do đó, cái Nghiệp
trong Bà La Môn giáo không liên quan gì đến tái sanh. Người ta nói đến tốt đẹp hay
xấu ác với ý nghĩa rằng, họ làm lễ tế thần đúng hay sai theo các bước đã quy định sẵn.
Sau khi chết, người ta sẽ được hỏa táng, trở về với tổ tiên, và sống ở trên mặt trời. Còn
khi trở lại mặt đất, họ sẽ có thân thể, đoàn tụ với gia đình. Điều này được hiểu rằng có
hai thế giới: thế giới này và thế giới bên kia (ngụ ý thế giới tổ tiên mà họ trở về sau
khi chết).
Trong giai đoạn phát triển về sau của Bà La Môn giáo được gọi là giai
đoạn Upanisads, học thuyết về Nghiệp có liên hệ đến tái sanh. Bṛhadāraṇyaka
Upaniṣads nói rằng sau khi chết, người ta có hai con đường để đi theo nghiệp mà họ
đã thực hiện trong đời hiện tại: (1) con đường về với thượng đế (devayāna) và (2)
đường về với tổ tiên (pitriyāna). Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads VI.2.15 nói rằng: “Những
ai biết tế thần và những ai trú trong núi rừng hoang vắng, tin tưởng, và vang vái thần
linh, họ sẽ đi xuyên qua ngọn lửa, từ ngọn lửa đi vào ngày, từ ngày đi vào mặt trăng
tròn, ở tại mặt trăng tròn sáu tháng khi mặt trời xoay về hướng bắc; trong sáu tháng
ở mặt trăng, người ta sẽ đi vào thế giới của thượng đế, từ thế giới của thượng đế đi
vào mặt trời, từ mặt trời đi vào vùng sấm sét; sấm sét sẽ đưa họ về với thế giới Phạm
Thiên (Brahman). Những người có địa vị cao sẽ ở lại thế giới Phạm Thiên thời gian
lâu nhất. Họ sẽ không trở lại nữa.” Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads VI.2.16 mô tả cũng
tương tự như vậy: “Hay nói cách khác, những ai đến được thế giới thiên đường bằng
cách tế thần linh, bằng cách ban thưởng, bằng cách tu khổ hạnh hành xác, họ sẽ đi
vào làn khói, từ làn khói đi vào đêm, từ đêm đi vào mặt trăng khuyết, ở lại mặt trăng
khuyết sáu tháng khi mặt trời xoay về hướng nam; trong sáu tháng ở mặt trăng, người
ta sẽ đi về thế giới tổ tiên; và từ thế giới tổ tiên, người ta sẽ đi vào mặt trăng. Đến mặt
trăng, người ta sẽ thành thức ăn. Tại đấy, họ sẽ trở thành thượng đế, khi họ nói với
vua Soma, mặt trăng: “Thăng! Giáng!” Khi kết thúc vòng này, họ sẽ đi vào bầu trời,
từ bầu trời đi vào gió, từ gió đi vào mưa, từ mưa đi về trái đất. Đến trái đất, họ lại trở
thành thức ăn. Một lần nữa, họ lại nương vào lửa của con người và tái sanh bằng lửa
của người phụ nữ. Rồi lên thế giới thiên đường một vòng nữa, họ lại luân chuyển
trong cái vòng tương tự”. “Tuy nhiên, những ai không biết hai con đường này sẽ trở
thành côn trùng, sâu bọ, và rắn rít.”

Như vậy, Nghiệp trong Upaniṣads không có liên hệ gì đến đạo đức, luân lý và sự chủ
ý bởi vì không có sự khác biệt giữa cá nhân và vũ trụ, giữa tiểu ngã và đại ngã
(microcosm và macrocosm). Trên cấp độ vũ trụ, Brahman và ātman được hiểu là
đồng nhất. Ngã ((Ātman) là thường hằng, bất biến, vì thế không thể thành bất cứ điều
gì khác. Dựa trên khái niệm về Ātman, cho dù tôi làm ác trong đời này, tôi vẫn sẽ
không bị tác động bởi hành động ác, bởi vì “cái tôi” là vĩnh hằng, không thay đổi. Nói
cách khác, theo học thuyết về nghiệp của Upaniṣads, ātman là người tạo nghiệp
(kartṛ) nhưng cũng là người thụ hưởng kết quả của nghiệp (bhoktṛ). Nghiệp trở thành
một hoạt động và tri nhận cái Ngã vĩnh hằng trong con người[3]. Chúng ta có thể
tuyên bố một cách chắc chắn rằng Nghiệp trong Rg Veda và Upaniṣads là một loại
tiền định bởi vì người tạo nghiệp không phải chịu một trách nhiệm đạo đức nào và sở
hữu một cái Ngã bất biến thường hằng.
2. Nghiệp Trong Phật Giáo.

Đức Phật thuyết giảng giáo lý về Nghiệp là để phản hồi lại nghiệp của Bà La Môn
giáo và Kỳ Na giáo. Đức Phật tuyên bố nghiệp là hành động cố ý (cētana). Trong cái
nghiệp của Bà La Môn, như đã nói ở phần trước, những người đạt đến giác ngộ
(gnosis) đi xuyên qua mặt trời vào vùng sấm sét khi họ chết; từ đó, họ sẽ đi vào thế
giới Phạm Thiên (brahma-lokān), trú ở đó, và sẽ không bao giờ tái sanh nữa. Phật
phản hồi điều này trong Kinh Tam Minh (Tevijja Sutta) rằng,[16] cho dù họ thấy mặt
trời và mặt trăng đi nữa, họ thậm chí cũng không biết lối vào, huống là lối vào thế giới
Phạm Thiên (Brahmā). Phật tranh luận với Bà La Môn rằng, người Bà La Môn tự cho
họ có đạo đức thanh tịnh, nhưng kỳ thực họ không có đạo đức, làm sao họ có thể vào
được thế giới Phạm Thiên? Sau đó, Phật nói với Bà La Môn Vāseṭṭtha rằng, ngài biết
lối vào thế giới Phạm Thiên và làm cách nào để đến được đó. Phương cách Phật nói
là, giả sử có người tình cờ gặp Phật, nghe giáo pháp của ngài, từ bỏ đời sống thế gian,
và thọ trì giới cấm. Về sau, người này xuất gia thành Sa Môn, quán từ, bi, hỷ, và xả
(brahma-vihāra). Theo Phật, đây là lối vào thế giới Phạm Thiên. Phật cực lực bác bỏ
quan điểm của Ba La Môn cho rằng, tế thần là thiện nghiệp đưa đến đời sống hạnh
phúc trong tương lai. Phật nói ngược lại điều này trong Kinh Tăng Chi (tập II, phẩm
42)[17]. Theo đó, một vị Sa môn phạm hạnh, đầy đủ giới đức sẽ đi vào thế giới Phạm
Thiên sau khi chết. Chết ở đây hàm ý là nhập Niết Bàn (Nirvāna) khi vị ấy chứng đắc
quả vị A-ha-hán, không phải chết theo nghĩa đen thông thường[18].

Phật cũng bác bỏ quan điểm nghiệp của Kỳ Na giáo; nghiệp ở Kỳ Na giáo là vật chất
hay bụi nghiệp; người ta không thể tránh khỏi nghiệp, vì nghiệp được tin là có mặt
khắp mọi nơi và có kết quả xấu bất kể có chủ ý hay không. Phật định nghĩa nghiệp
như sau: “Này các tỳ kheo, ta gọi điều cố ý (cetanā) là nghiệp (cetanāhaṃ bhikkhave
kammaṃ vadāmi), bởi chính sự cố ý chúng sanh tạo ra nghiệp qua thân, khẩu, và ý”
(Kinh Tăng Chi, tập 3, phẩm 414)[19]. Có người định nghĩa sự cố ý bao gồm động cơ
để làm một hành động nào đó, mục đích tức thời của nó (nhằm đến một đối tượng cụ
thể như là một phần để thoả mãn động cơ), tâm bị thôi thúc phải hành động ngay[20].
Để hành động phát sinh ra nghiệp quả, phải có sự cố ý. Do đó, giẫm đạp kiếng một
cách vô tình lúc đi đứng không tạo ra nghiệp quả như quan điểm của Kỳ Na giáo [21].

Thuyết nghiệp của Phật giáo cũng bác bỏ thuyết định mệnh về nghiệp của Bà La Môn
và Kỳ Na giáo. Phật nhấn mạnh rằng thuyết định mệnh (niyati) và nghiệp hoàn toàn
khác nhau. Quan điểm về nghiệp nhấn mạnh hành động của con người có tầm rất quan
trọng cùng kết quả của nó: tác nhân phải chịu trách nhiệm về hành động họ tạo ra.
Phật dạy con người có quyền tự do lựa chọn; hành động hiện tại của họ không phải là
kết quả của những hành động trong đời trước; không phải mọi thứ xảy đến với con
người đều được xem là do nghiệp. Những cảm giác không như ý hay bệnh tật mà
chúng ta trải nghiệm có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân: (1) từ mật, (2) đờm giải,
(3) gió, (4) từ sự thiếu cân bằng của ba tính chất này, (5) từ sự thay đổi thời tiết, (6) từ
những hành vi bất cẩn, (7) đến đột ngột (bởi hành động của người khác), (8) từ kết
quả của nghiệp (Kinh Tương Ưng, chương 36, phẩm 21)[22]. Lời Phật dạy cho chúng
ta biết rằng một kết quả nào đó xảy đến có tám nguyên nhân; và chỉ một trong tám
nguyên nhân là do nghiệp.

Phật cũng chế định giáo lý về nghiệp dựa trên tính chất nhân quả; theo đó, Phật bác bỏ
học thuyết tiền định của Kỳ Na giáo, rằng một hành động chắc chắn sẽ tạo ra một kết
quả. Kết quả của hành động hoàn toàn không cùng tính chất như chính hành động.
Điều Phật nhấn mạnh là, phụ thuộc vào bản chất của hành động và điều kiện mà hành
động được tạo ra, thì sẽ có kết quả hợp lý. Ngài nói trong Kinh Tăng Chi rằng: “Nếu
như một người gây ra một hành động, thực sự chịu cái quả của hành động ấy, thì
không có cơ hội để phát triển đời sống tâm linh, không có lối thoát khỏi ác nghiệp ở
đời trước (Kinh Tăng Chi, tập 1, phẩm 248-52)[23].

Phật giải thích rằng, đối với một người không tu tập giới, tâm, và tuệ, một điều ác nhỏ
có thể dẫn dắt họ bị đọa lạc dưới địa ngục, như bỏ nắm muối vào ly nước, ly nước sẽ
quá mặn, và không thể uống được. Đối với người tu tập giới, tâm, và tuệ, một hành
động tương tự như vậy chỉ khiến họ thọ cái quả nhẹ hơn rất nhiều ngay trong đời này;
và trong trường hợp nếu phải chịu quả báo ở đời tương lai, thì chỉ như bỏ nắm muối
vào sông hằng; nước sông hằng không phải vì nắm muối mà mặn đến nỗi không thể
uống được. Như vậy, hai tác nhân cùng thực hiện một hành động nhưng thọ quả bảo
khác nhau. Điều này hàm ý rằng, nơi người có tu tập và có phẩm hạnh, một sơ suất
nhỏ sẽ không để lại quả báo nguy hại lên họ, vì giới đức sẽ làm bão hòa cái quả báo
nhỏ ấy. Người không có giới đức phải thọ nhận quả báo xấu hơn.

Phật cũng dạy thuyết nghiệp liên hệ với tái sanh. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt
(Cūlakammavibhaṅga Sutta) chép rằng thanh niên Bà la môn đến gặp Phật và thỉnh
ngài giải thích tại sao giữa loài với nhau, có người đoản thọ, có người trường thọ; có
người xấu tướng, có người hảo tướng; có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế
lớn, có người có tài sản nhỏ, có người có tài sản lớn; có người sinh trong gia đình lạ
liệt, có người sinh trong gia đình cao quý? Phật trả lời như sau: “các loài hữu tình là
chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến
thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có
ưu”[24]. Lời Phật dạy ở đây phảng phất trách nhiệm đạo đức. Chân lý chung của vũ
trụ là, hành vi đạo đức, nhân ái sẽ trổ quả báo tốt đẹp trong thời gian dài; hành vi phi
đạo đức, không nhân ái sẽ trổ quả báo khổ đau. Bản chất của thiện nghiệp làm tăng ích
hạnh phúc tinh thần và vật chất cho loài người; nó phù hợp với nguyên lý chung, rằng
không ai có thể có hạnh phúc trên sự đau khổ của người khác.
CHƯƠNG III KẾT LUẬN

Nghiệp (Karma) được nói đến sớm nhất ở trong Rg Veda của Bà La Môn giáo; nghiệp
đó là một loại lễ tế thần. Để đạt kết quả như ý, người thực hiện phải tuân theo từng
bước trong tiến trình tế lễ. Thực hiện sai một bước đã tạo ra kết quả xấu. Sau khi chết,
người ta được tin là về với tổ tiên và sống ở trên trời, hoặc tái sanh làm người trong
thế giới này. Giai đoạn phát triển về sau của Ba La Môn được biết dưới
tên Upanisads, thuyết nghiệp được nói có liên hệ đến tái sanh. Người chết có hai con
đường để đi: đường về với thượng đế (devayāna) và đường về với tổ tiên (pitriyāna).
Nghiệp trong Bà La Môn không dính dáng gì giá trị đạo đức.

Như Bà La Môn giáo phát biểu nghiệp là quy luật bất di bất dịch và là thuyết tiền
định. Thuyết tiền định trong Bà La Môn giáo là bởi vì cái Ngã vĩnh hằng, bất biến
(Ātman)

Quan điểm của Phật về nghiệp khác hẳn quan điểm của Bà La Môn giáo. Ngược hẳn
với Bà La Môn, Phật dạy rằng, nghiệp là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân, và là
tiêu chí để đánh giá, xếp loại con người, chứ không phải tế lễ thần linh. Liên hệ đến
Kỳ Na giáo, Phật định nghĩa lại về nghiệp: nghiệp là sự chủ ý, không phải là hoạt
động vật chất đơn thuần. Phật giáo và Kỳ Na giáo gặp nhau ở điểm: cả hai đều đạo
đức hóa thuyết nghiêp và cổ xúy tinh thần bất bạo động. Khác nhau không đáng kể là,
Phật bác bỏ thuyết tiền định về nghiệp.
Đức Phật dạy: “Ngang với sức mạnh tâm trí, vật chất, sức mạnh của Nghiệp cũng là một sức
mạnh bất tư nghì”. Ngài dạy tiếp: “Hết thảy chúng sanh đều do nghiệp lực của mình làm sở
hữu, làm nhân duyên, làm thân thuộc, làm quy túc đời sống...”.
Tất cả các điều Ngài dạy, đều đặt con người vào tư thế tự chủ và nêu cao giá trị đời sống qua
ngôn ngữ và hành động. Chúng ta khi đã biết rằng đau khổ hay an vui, đọa lạc hay giải thoát
là do ở tự thân chứ không phải cầu bên ngoài, thì đã thấy được sức mạnh của Nghiệp. Phật tử
khi đã nhận thấy sức mạnh của Nghiệp thì cũng biết, đối với đời sống chỉ có ngôn ngữ, hành
động hợp lý mới có giá trị; giá trị trong sự chuyển bỏ đau khổ, kiến tạo hạnh phúc an lạc. Thế
nên, đã là

Phật tử thì phải sáng suốt nhận thấy sức mạnh của hành động và sự chi phối của ý thức vào
hành động, có như thế mới hành động như Chánh pháp, nói năng như Chánh pháp. Muốn tâm
ý luôn luôn hướng dẫn hành động một cách tốt đẹp thì mỗi người Phật tử phải thường xuyên
áp dụng ba đức tính Từ bi, Trí tuệ và Hùng lực. Đức tính Từ bi để tiêu diệt sự tàn ác, gian
hùng, phản bội lợi ích chung và bắt buộc chính mình luôn luôn hướng tới hạnh phúc chung
của mọi người. Đức tính Trí tuệ để tiêu diệt tà kiến, mê lầm và rèn luyện tâm trí hằng được
sáng suốt, hành động và nói năng hợp lý. Đức tính Hùng lực để tiêu diệt sự rụt rè, hèn nhát,
ngược lại thúc đẩy chúng ta hành động quả cảm đúng đắn để giúp đời.
            Kết cục bài học đem lại cho chúng ta một câu trả lời về chính mình trong đời sống
hiện tại:
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Sinha, Jadunath (1956). A History of Indian Philosophy, vol. I. Calcutta: Sinha Publishing House, trang
1.

[2] Dasgupta, S (1963). History of Indian Philosophy, vol. I. London: Cambridge University Press, trang
22.

[3] Kalupahana (1976). Buddhist Philosophy: A Historical Analysis. Honolulu: The University Press of


Hawaii, trang 76.

[16] Walshe, Maurice (1995). Digha Nikaya (The Long Discourses of the Buddha). Boston: Wisdom
Publication,trang 187-95.

[17] M.A, F.L. Woodward. (1973) (The Book of The Gradual Sayings (Anguttara-Nikāya) Vol II. London
and Boston: Pali Text Society, trang 49-51.

[18] Gombrich, Richard (2006). How Buddhism Began. London and New York: Routlege, Taylor &
Francis Group, trang 61.

[19] Hare, E. M (1973). The Book of Gradual Sayings (Anguttara-Nikāya). London and Boston: Pali Text


Society, trang 294.

[20] Keown, Damien. (1992). Nature of Buddhist Ethic. London: Macmillan, trang 213-8.

[21] Harvey, Peter (2000). An Introduction to Buddhist Ethics. New York: Cambridge University Press,
trang 17.

[22]Bodhi, Bhikkhu (2000). The Connected Discourses of the Buddha (Saṃyutta Nikāya). Boston:


Wisdom Pblications, trang 1278-9.

[23] M.A, F.L. Woodward (1973) (The Book of The Gradual Sayings (Anguttara-Nikāya), Vol I. London
and Boston: Pali Text Society, trang 227-30

[24] Nanamoli, Bhikkhu and Bodhi (1995) (dịch). Majjhima Nikaya (The Middle Length Discourses of the
Buddha). Sri Landka: Buddhist Publication Society, trang 1053-7.

You might also like