You are on page 1of 11

#0: Tổng quan về Phân tích cơ bản (PTCB)

Tới đây, chắc hẳn bạn đã có một cái nhìn cụ thể về PTKT rồi đúng không? Chắc hẳn
bạn đang rất tò mò về PTCB là gì? Để dễ hình dung, hãy đi qua một ví dụ sau đây nhé:
Để đưa ra một quyết định mua cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (HSX: HPG), nhà đầu
tư theo trường phái PTKT sẽ đọc biểu đồ giá, chỉ ra mối quan hệ giữa giá và khối lượng,
kết hợp các chỉ báo kỹ thuật (MA, EMA, RSI, MACD, Stochastic,…) nhằm đưa ra dự
báo giá trong tương lai (thường ngắn hạn) và quyết định mua/bán tại mức giá nào.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư theo trường phái PTCB, họ cần phải có hiểu biết nhất
định về ngành nghề mà công ty mình đang làm. Một nhà đầu tư có thể phân tích ngành
nghề thông qua: Lợi thế cạnh tranh (thông qua mô hình Porter’s Five Forces), phân tích
SWOT, các yếu tố ảnh hưởng, và mô hình kinh doanh của ngành nghề mình cần phân
tích.
Bên cạnh những hiểu biết nhất định về ngành nghề, nhà đầu tư cần phải tìm ra câu
chuyện đầu tư (catalyst) để bảo lưu quan điểm đầu tư của mình. Việc tìm ra những
catalysts sẽ giúp nhà PTCB “khai quật” ra những cổ phiếu bị dưới giá trị thực, ít được
thị trường chú ý tới.
Ngoài ra, hai kỹ năng quan trọng khác mà một nhà PTCB bắt buộc phải có, đó là kỹ
năng đọc hiểu BCTC và tư duy định giá.
Có 2 trường phái đầu tư chính trong PTCB, là trường phái đầu tư giá trị và đầu tư tăng
trưởng (và giáo trình này cũng chỉ hướng các bạn theo 2 trường phái chính này). Ngoài
ra, còn một số các trường phái khác như trường phái Net-Net, trường phái đầu tư theo
tâm lý thị trường,…
Các bạn có thể tham khảo sự đối lập giữa PTCB và PTKT qua bảng dưới đây:
PTCB PTKT
Định Các giá trị được tính bằng nhiều Dùng biến động và mô hình giá và
nghĩa yếu tố kinh tế khác nhau khối lượng trên biểu đồ để dự đoán
giá trong tương lai
Dữ liệu Báo cáo kinh tế, sự kiện tin tức, Biểu đồ
thống kê trong ngành
Mua/Bán Mua khi giá giảm xuống dưới Mua/Bán dựa theo biến động về giá
khi nào? giá trị cơ bản, Bán khi giá vượt và khối lượng.
quá định giá mục tiêu
Thời gian Thường là trung hạn (3 tháng - 6 Thường là ngắn hạn (Dưới 3 tháng)
giao dịch tháng) tói dài hạn (1 năm trở lên)
Khái niệm Báo cáo kỳ vọng so với kết quả Xu hướng, hỗ trợ, kháng cự (cung và
được sử thực tế, tin tức sự kiện ở hiện tại cầu), lý thuyết cơ bản, mô hình định
dụng so với lịch sử. giá.

1
Ngoài ra, cũng có 2 phương pháp PTCB, đó là phương pháp Top-Down (Phân tích từ
yêu tố bên ngoài doanh nghiệp như vĩ mô và ngành, rồi mới tới bên trong doanh nghiệp
là bản thân doanh nghiệp đó) và phương pháp Bottom-Up (ngược lại của Top-Down
thôi). Để giúp các bạn dễ tiếp cận, mình sẽ sử dụng phương pháp Top-Down để trình
bày (là phương pháp thông dụng hơn trong thực tế).
Nhiêu vậy thôi là dài rồi, bây giờ chúng ta hãy đi vào bài học đầu tiên về PTCB nhé!

#1: Phân tích vĩ mô & Phân tích ngành


Được rồi, bài đầu tiên, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu phân tích vĩ mô và phân tích ngành
là gì. Chắc các bạn đều học môn Kinh tế vĩ mô rồi đúng không? Bạn cảm thấy Kinh tế
Vĩ mô là một môn học hết sức bao la và thậm chí còn có sự trừu tượng không nhẹ phải
không nào?
Chắc bạn vẫn nhớ các yếu tố được đề cập trong bộ môn này tại trường: GDP, GNP,
CPI, Lãi suất, cung/cầu tiền, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ,…
Vậy vì sao phải phân tích vĩ mô?
Mục đích của phân tích vĩ mô là đánh giá tác động của những nhân tố kinh tế vĩ mô
(lạm phát, lãi suất,…) và nhân tố phi kinh tế (chính trị, xã hội,…) ảnh hưởng đến hoạt
động của ngành cũng như các công ty trong ngành.
Vai trò của phân tích vĩ mô trong việc lựa chọn cổ phiếu là đánh giá được tổng thể môi
trường kinh tế, dựa vào đó để đánh giá thực trạng và tiềm năng của thị trường chứng
khoán, đồng thời, thông qua phân tích vĩ mô, các bạn sẽ xác định được những ngành có
tiềm năng lớn trong môi trường kinh tế hiện tại.
Đối với phần phân tích vĩ mô, có một số điểm chính các bạn cần lưu ý khi phân
tích:
- Nền kinh tế đang ở pha nào: Tăng trưởng, Hưng thịnh, Khủng hoảng, Tiêu điều.

2
Các pha trong nền kinh tế. Đồ hoạ: Business Insider

Trough (Tiêu điều): Là khi nền kinh tế đã kết thúc pha suy thoái (hết
Contraction). Một nền kinh tế ở giai đoạn tiêu điều thường trải qua những thông
tin như sau:
o Nền kinh tế (GDP), sản lượng sản xuất, và các chỉ số đo lường của nền
kinh tế đi ngang một thời gian (sau khi trải qua giai đoạn suy giảm), và
bắt đầu đi lên.
o Tỷ lệ người có việc làm tăng chậm trở lại, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn
rất cao.
o Chi tiêu của người dân đã tăng trở lại, song chủ yếu cho nhà cửa, các sản
phẩm thiết yếu và các nguyên vật liệu/công cụ dụng cụ.
o Lạm phát đang giảm và có thể tiếp tục suy giảm.
Expansion (Tăng trưởng): Nền kinh tế sau khi trải qua giai đoạn tiêu điều và
hồi phục sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái tăng trưởng. Một nền kinh tế trải qua giai
đoạn tăng trưởng khi:
o GDP trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng
o Các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người làm việc full-time, thậm chí tỷ
lệ người làm việc quá giờ còn tăng lên. Tỷ lệ người thất nghiệp giảm.
o Chi tiêu của người dân tăng trưởng nhanh chóng, và trải rộng sang nhiều
lĩnh vực khác nhau chứ không dừng lại ở sản phẩm thiết yếu.
o Lạm phát bắt đầu chạm đáy và hồi phục.

3
Peak (Hưng thịnh): Sau pha tăng trưởng, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái tăng
trưởng nóng, hay còn gọi là giai đoạn hưng thịnh (Peak). Một nền kinh tế bước
vào giai đoạn hưng thịnh sẽ có:
o Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại (nhưng vẫn tăng trưởng dương)
o Tốc độ tuyển dụng nhân công mới ở các doanh nghiệp bắt đầu chậm lại.
Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, song tốc độ giảm dần.
o Chi tiêu của người dân tiếp tục tăng mạnh mẽ, song tốc độ tăng trưởng
chi tiêu của người dân đang chậm lại.
o Lạm phát tăng nhanh chóng.
Contraction (Khủng hoảng): Sau khi giai đoạn hưng thịnh xảy ra, nền kinh tế
sẽ bước vào pha giảm, mà bắt đầu của nó là pha suy thoái. Nền kinh tế sẽ rơi vào
khủng hoảng khi trải qua:
o GDP bắt đầu tăng trưởng âm, và tốc độ tăng trưởng âm bắt đầu tăng lên.
o Doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tốc độ tuyển nhân công
mới ở mức đình trệ và thậm chí còn cắt giảm nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp
bắt đầu gia tăng.
o Chi tiêu người dân suy giảm ở gần như tất cả các loại sản phẩm, kể cả các
sản phẩm thiết yếu.
o Lạm phát bắt đầu giảm.
- Thống kê lại GDP, CPI, PMI, Dự trữ ngoại hối, Tổng vốn đầu tư toàn xã hội,
Chính sách tiền tệ, Lãi suất, Tỷ giá.
- Ngành nào hưởng lợi / gặp bất lợi với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế?

Một phương pháp thường được sử dụng để phân tích vĩ mô, đó là mô hình PEST.
Mô hình PEST do Francis J. Aguilar, giáo sư ngành quản lý tại trường đại học Harvard
nghĩ ra. Ông phát triển mô hình PEST nhằm nghiên cứu sâu về sự ảnh hưởng của môi
trường kinh doanh tới một doanh nghiệp.
Mô hình PEST viết tắt cho 4 chữ cái: Politic (Luật pháp/Chính trị), Economic (Kinh tế),
Social (Văn hoá/Xã hội) và Technology (Công nghệ).
Chúng ta có thể đánh giá một số tiêu chí sau đây cho từng chữ cái:
- Politic:
o Sự ổn định của nền chính trị của quốc gia
o Hệ thống luật lệ, khung pháp lý liên quan tới ngành và doanh nghiệp các
bạn đang phân tích
o Các chính sách hỗ trợ/hạn chế của Chính phủ (đang và sẽ áp dụng) đối
với ngành nghề và doanh nghiệp các bạn đang phân tích.
- Economic:

4
o Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (thông qua việc dùng và/hoặc kết hợp
các chỉ tiêu như GDP, CPI, PMI,…)
o Mức chi tiêu của người dân
o Lãi suất và lạm phát của nền kinh tế
o Tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế
- Social:
o Yếu tố nhân khẩu học
o Trình độ học vấn của người dân
o Chỉ số phát triển con người
o Văn hoá xã hội
- Technology:
o Khả năng dễ dàng tiếp nhận thay đổi công nghệ của con người
o Yếu tố R&D của ngành/doanh nghiệp
o Hệ thống thông tin và truyền thông

Đối với phân tích ngành, các bạn cũng cần nắm bắt những thông tin sau:

Nguồn: Vinawealth
Trông hơi nhiều nhỉ? Mình có thể tóm tắt lại một số thông tin quan trọng các bạn cần
để ý nhé:
- Các sản phẩm đặc thù của ngành, cung cầu ngành cũng như thị phần của các
doanh nghiệp trong ngành.
- Cấu trúc kinh tế và các ngành thay thế
- Môi trường cạnh tranh
- Chuỗi giá trị trong ngành

5
- Triển vọng tăng trưởng, tổng nhu cầu của ngành nghề
- Lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành
- Các chính sách ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành
Một mô hình phân tích ngành thường được các nhà phân tích sử dụng là mô hình 5
lực lượng cạnh tranh (Porter’s Five Forces) của Michael Porter. 5 lực lượng cạnh tranh
Michael Porter chỉ ra bao gồm:
- Áp lực từ các đối thủ hiện tại trong ngành (Jockeying for position among
current competitors): Các đối thủ trong ngành có thể áp dụng một số chiến lược
về giá, về sản phẩm và quảng cáo để thiết lập áp lực cạnh tranh trong ngành. Áp
lực giữa các doanh nghiệp trong ngành được coi là căng thẳng (áp lực lớn) khi:
o Các doanh nghiệp có quy mô tương tự nhau và quyền áp đặt giá như
nhau.
o Ngành tăng trưởng chậm, kéo theo các doanh nghiệp (đặc biệt là các
doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất) cạnh tranh nhau về mặt thị phần.
o Các sản phẩm trong ngành ít có sự khác biệt về tính chất cũng như chi
phí.
o Chi phí cố định cao/sản phẩm dễ hư hỏng, tạo ra sức hấp dẫn mạnh để
giảm giá. Điều này thường xảy ra với ngành vật liệu xây dựng, khi nhu
cầu sụt giảm.
o Công suất sản xuất tăng mạnh => Thường làm mất cân bằng cung-cầu,
có thể dẫn tới dư cung và kéo theo giảm giá.
o Rào cản rời khỏi ngành cao => Kéo theo doanh nghiệp phải tiếp tục trụ
trong ngành dù có thể chính doanh nghiệp không ưa thích (chi phí cơ hội
của việc đánh đổi mối quan hệ, tài sản doanh nghiệp đã mua, thương hiệu
của doanh nghiệp,… cao hơn nhiều so với việc rời khỏi ngành)
o Các đối thủ trong ngành có sự phân hoá về chiến lược, tính chất hoạt
động.
- Áp lực từ các đối thủ tiềm ẩn sắp gia nhập ngành (Threat of new entrants):
Việc một doanh nghiệp mới gia nhập ngành có thể sẽ kéo theo sự suy giảm về
mặt thị phần của tất cả các doanh nghiệp hiện tại trong ngành. Bạn tưởng tượng
bạn có một cái bánh gato rất to với 10 người ăn. Đột nhiên, một người bạn của
bạn đến bữa tiệc và bảo “Ê cho tôi ăn với”, vậy là cái bánh vẫn vậy nhưng bạn
phải chia cho 11 người ăn, như thế là mỗi người được ít bánh hơn rùi :3.
Có 6 yếu tố chính tạo nên rào cản gia nhập ngành. Những yếu tố này néu doanh
nghiệp không kiểm soát tốt chi phí sẽ dẫn tới sự rời bỏ khỏi ngành:
o Lợi thế kinh tế theo quy mô (Economies of scale): Những doanh nghiệp
hiện có sẵn trong nền kinh tế sẽ ngăn cản các doanh nghiệp mới gia nhập
vào ngành thông qua việc:
 Chấp nhận tham gia ngành với quy mô lớn
 Hoặc chấp nhận bất lợi về mặt chi phí
o Sự khác biệt về sản phẩm (Product differentiation): Nếu doanh nghiệp
hiện tại trong ngành đã tạo được ấn tượng về sản phẩm với khách hàng,

6
thì một doanh nghiệp mới vào sẽ cần mất thời gian để tạo được một điểm
nhấn mới về sản phẩm với khách hàng hiện tại.
o Vốn đầu tư yêu cầu (Capital requirement): Nếu vốn yêu cầu để gia nhập
ngành (thường là các chi phí ban đầu để xây dựng doanh nghiệp) cao, đặc
biệt là các chi phí liên quan tới R&D (vốn đầu tư phát triển – Research &
Development), các doanh nghiệp mới tham gia ngành sẽ khó thu được
đồng lãi ngay trong những các năm đầu.
o Bất lợi về chi phí do quy mô (Cost disadvantages independent of size):
Những doanh nghiệp hiện tại (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn) đã có
những lợi thế nhất định về chi phí, ưu đãi của Chính phủ… (trong việc sở
hữu nguyên liệu, tài sản ở mức thấp), trong khi những doanh nghiệp mới
gia nhập thường không có tiếng nói, chưa đủ uy tín để nhận được các ưu
đãi này, nên chi phí sở hữu sẽ thường cao hơn.
o Khả năng tiếp cận kênh phân phối (Access to distribution channels):
Doanh nghiệp hiện tại nếu có các kênh phân phối riêng biệt, độc quyền,
cho các sản phẩm của mình, thì doanh nghiệp mới vào thường khó tiếp
cận tới các kênh này. Việc này sẽ kéo theo một trong hai hướng đi:
 Cố gắng bỏ nhiều chi phí để đi theo kênh phân phối của các doanh
nghiệp hiện tại
 Tự thành lập một kênh phân phối mới
Dù là cách nào, thì chi phí bỏ ra vẫn sẽ rất lớn, nên đó là cản trở cho các
doanh nghiệp gia nhập ngành.
o Chính sách của Chính phủ (Government policy): Chính sách của Chính
phủ có tác động rất lớn (thậm chí có thể trực tiếp tác động) lên hoạt động
của các doanh nghiệp trong ngành.
- Áp lực từ các sản phẩm thay thế: Nếu tất cả cửa hàng trà sữa đều chỉ sản xuất
ra một loại trà sữa, cả ngành trà sữa chắc chắn sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất
chậm (vì chỉ được bán loại trà sữa đó ở mức giá đã được các doanh nghiệp hiện
tại định sẵn, không bán cao hơn hay thấp hơn được), do vậy tới một lúc nào đó,
doanh nghiệp sẽ cảm thấy không hấp dẫn với lợi nhuận họ thu về. Vì vậy, các
sản phẩm thay thế (sữa, café, thức uống dinh dưỡng khác…) ra đời nhằm đáp
ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh
tranh của các sản phẩm bị thay thế.
Các sản phẩm thay thế đáng được quan tâm nhất về mặt chiến lược là những sản
phẩm (a) Có xu hướng kéo giá bán tăng lên so với mặt bằng chung của ngành
và (b) Được sản xuất bởi ngành thu được lợi nhuận cao hàng năm.
- Sức mạnh mua hàng từ khách hàng: Một khách hàng được coi là có ảnh hưởng
lớn khi:
o Các khách hàng này chỉ tập trung mua hàng với khối lượng lớn. Việc
mua hàng với khối lượng lớn sẽ khiến họ có quyền ép doanh nghiệp giảm
giá (và giảm giá một cách vô lý).
o Các sản phẩm của doanh nghiệp không khác biệt hay quá cơ bản
(không có tính sáng tạo) so với những doanh nghiệp khác => Khách hàng

7
có quyền đi sang doanh nghiệp khác để mua hàng, làm giảm doanh thu
của doanh nghiệp hiện tại.
o Khách hàng sử dụng chiến lược liên kết dọc, tức là cố gắng “tự cung, tự
cấp, tự sản, tự tiêu”, không/hạn chế nhập nguyên liệu từ bên ngoài.
o Khách hàng nắm rõ thông tin về giá, nhu cầu của nhà cung cấp, nhằm
gia tăng áp lực mặc cả.
- Sức ép từ nhà cung cấp: Nhà cung cấp có thể gây áp lực lên khách hàng (doanh
nghiệp) bằng việc tăng giá sản phẩm hoặc/và làm giảm chất lượng của sản phẩm.
Khi đó, các doanh nghiệp sẽ bị bóp nghẹt lợi nhuận (giá vốn tăng lên). Một nhà
cung cấp được coi là có ảnh hưởng lớn khi:
o Ngành hàng (cung cấp cho DN) ở thế độc quyền (một vài doanh nghiệp
nắm giữ với thị phần lớn).
o Sản phẩm của nhà cung cấp có tính phân biệt, thậm chí là độc tôn (chỉ
có nhà cung cấp đó mới sản xuất ra được). Ví dụ, HRC hiện nay chỉ có
Tập đoàn Hoà Phát (HSX: HPG) là doanh nghiệp nội địa trong nước sản
xuất được. Các doanh nghiệp làm tôn (sử dụng HRC làm nguyên liệu đầu
vào) buộc phải mua từ HPG hoặc phải nhập khẩu từ nước ngoài, do vậy
HPG có lợi thế đặt giá đối với các sản phẩm HRC.
o Khả năng thay thế của các sản phẩm đó là không có/ít.
o Nhà cung ứng có khả năng khép kín chuỗi sản xuất
o Sản phẩm của nhà cung ứng có tính chất quan trọng, quyết định tới
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
o Không có điều khoản ràng buộc hoặc bảo đảm trong các hợp đồng kinh
tế đã ký kết.
Chà, dài quá nhỉ? Nhưng hãy nhớ những phần bôi đậm nhé! Đó là cái tối thiểu bạn
cần nắm được sau khi đọc đó :3.

Một điều nữa bạn cũng cần tìm hiểu khi nghiên cứu về một ngành, đó là chuỗi giá trị
của ngành đó (Value Chain Model).

8
Hệ thống chuỗi giá trị của ngành và doanh nghiệp. Nguồn: Competitve Advantage
(1985), Michael E. Porter
Một chuỗi giá trị của một ngành/doanh nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động của
ngành/doanh nghiệp cần thực hiện để tạo ra giá trị cho khách hàng.
Theo Michael Porter, giá trị một tổ chức tạo ra càng lớn, lợi nhuận họ thu về càng cao.
Điều này có nghĩa là, nếu một doanh nghiệp có thể thực hiện được toàn bộ một chuỗi
giá trị (tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu), lợi nhuận họ thu về sẽ càng lớn. Ông cũng nói
thêm: “Nếu chuỗi giá trị của công ty bạn cung cấp nhiều giá trị hơn cho khách hàng,
bạn sẽ xây dựng được lợi thế cạnh tranh”.

Chuỗi giá trị tổng quát. Nguồn: Competitive Advantage (1985), Michael E. Porter

9
Một chuỗi giá trị tổng quát được chia làm hai loại chính: hoạt động sơ cấp và hoạt động
hỗ trợ. Với hoạt động sơ cấp, như các bạn có thể thấy ở hình trên, là hoạt động mang
tính vật chất liên quan đến việc tạo ra sản phẩm, bán và chuyển giao cho khách hàng
cũng như những công tác hỗ trợ sau bán hàng. Trong mọi doanh nghiệp, hoạt động sơ
cấp có thể chia ra làm 5 loại tổng quát như trong hình:
o Logistics đầu vào/Nguyên liệu đầu vào: Các hoạt động liên quan đến tiếp nhận,
tồn kho, phân phối các đầu vào của sản phẩm, chẳng hạn như quản lý nguyên vật
liệu, lưu kho và quản lý tồn kho, lập lịch trình hoạt động cho các phương tiện và
hoàn trả cho nhà cung cấp
o Vận hành: Các hoạt động liên quan tới chuyển hoá các đầu vào thành sản phẩm
sau cùng.
o Logistics đầu ra/Sản phẩm đầu ra: Các hoạt động liên quan tới thu gom, lưu trữ
và phân phối sản phẩm đầu ra tới người mua, như tồn kho thành phẩm, quản lý
vật liệu.
o Marketing và bán hàng: Các hoạt động liên quan tới cung cấp phương tiện để
khách hàng mua sản phẩm/thúc đẩy mua sản phẩm (như quảng cáo, khuyến mại,
lựa chọn kênh phân phối, bán hàng,…)
o Dịch vụ: Các hoạt động liên quan tới cung cấp dịch vụ nhằm tăng cường hoặc
duy trì sản phẩm (như lắp đặt, sửa chữa, huấn luyện, cung cấp phụ tùng, điều
chỉnh sản phẩm).
Bên cạnh các hoạt động sơ cấp, doanh nghiệp còn có một số hoạt động mang tính chất
hỗ trợ. Những hoạt động hỗ trợ này sẽ bổ sung cho hoạt động sơ cấp và tự chúng cũng
hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc cung ứng mua hàng đầu vào, công nghệ, nguồn nhân lực
và các chức năng khác trong toàn doanh nghiệp. Các đường đứt nét, thể hiện hoạt động
thu mua, phát triển công nghệ và quản trị nguồn nhân lực có thể kết hợp với các hoạt
động sơ cấp riêng biệt cũng như hỗ trợ toàn bộ chuỗi giá trị. Song cơ sở hạ tầng của
doanh nghiệp không liên kết với một hoạt động sơ cấp riêng nào, mà chỉ hỗ trợ toàn bộ
chuỗi giá trị.
o Thu mua: Là hoạt động thu gom các đầu vào để sử dụng trong chuỗi giá trị của
doanh nghiệp. Hoạt động này bao gồm: thu mua nguyên vật liệu thô, nguồn cung
ứng, sản phẩm tiêu thụ khác và tài sản cố định (máy móc, thiết bị thí nghiệm,
thiết bị văn phòng, nhà xưởng).
o Phát triển công nghệ: Hoạt động này có thể được gọi khác là hoạt động R&D.
Hoạt động này vô cùng quan trọng đối với lợi thế cạnh tranh trong toàn ngành,
thậm chí đóng vai trò quyết định trong một số ngành. Ví dụ, đối với ngành thép,
HPG có lợi thế về R&D khi các lò hoạt động là lò BOF (lò thổi), có công suất
cao hơn và lợi nhuận gộp cao hơn so với lò EAF (lò điện).
o Quản trị nguồn nhân lực: Bao gồm các hoạt động liên quan đến tuyển dụng,
thuê lao động, huấn luyện, phát triển và vấn đề thu nhập của tất cả các nhân sự.
Quản trị nguồn nhân lực ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong mọi doanh
nghiệp. Lấy ví dụ như tại FPT, chi phí chi trả cho nhân công IT tại Việt Nam rẻ

10
hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp công nghệ tương tự tại nước ngoài. Do
vậy, so với các công ty công nghệ tại nước ngoài, FPT có lợi thế về chi phí nhân
công.
o Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp: Liên quan tới nhiều hoạt động của doanh
nghiệp như quản trị tổng quát, lập kế hoạch, tài chính, kế toán, pháp lý, công tác
với cơ quan nhà nước, quản trị chất lượng.
Có thể, các bạn không phân tích được toàn bộ các thông tin trên của chuỗi giá trị. Nhưng
bạn cần tối thiểu đánh giá được yếu tố đầu vào, vận hành và đầu ra của một doanh
nghiệp. Việc phân tích chuỗi giá trị sẽ giúp các bạn tìm ra lợi thế chi phí và lợi thế
khác biệt của các doanh nghiệp trong ngành. Lợi thế chi phí xảy ra khi công ty có thể
mang lại lợi ích tương tự như đối thủ nhưng chi phí thấp hơn. Lợi thế khác biệt xảy
ra khi công ty có thể mang lại lợi ích vượt xa các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo phần Tổng quan PTCB, Phân tích vĩ mô và Phân tích ngành:
https://cutt.ly/ptcbbai0_1

11

You might also like