You are on page 1of 5

TRƯỜNG THPT ĐẶNG HUY TRỨ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỔ TOÁN ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC


-----oOo----- -----oOo-----
Hương Trà, ngày 24 tháng 10 năm 2019

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ


VỀ CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI
(CẤP TỈNH – KHÔNG CHUYÊN)

I. DẪN NHẬP.
Theo Điều 2, Luật Giáo dục, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam ban hành vào ngày 14 tháng 6 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm
2020, mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam là “nhằm phát triển toàn diện con người Việt
Nam”, “phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát
triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Như vậy, một mặt, mục tiêu của nền giáo dục là phát triển toàn diện con người,
nâng cao dân trí, tức là đảm bảo tính đại trà của xã hội; mặt khác, giáo dục phải hướng
đến phát hiện và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cá nhân, tức là đảm bảo tính cá
thể của mỗi con người. Không thể đối xử với một tập hợp học sinh như với một tập hợp
công cụ thuần nhất nào đó. Cứ nhìn vào một số lĩnh vực khá đặc thù thì rõ. Để trở thành
một vận động viên có thành tích cao trong các kỳ thế vận hội, người ta phải trải qua một
quá trình khổ luyện với những người thầy giỏi, trong một nhóm nhỏ chỉ vài ba người, chứ
không thể theo học trong một lớp đại trà, nơi mà thể dục, thể thao chỉ đề rèn luyện sức
khỏe hằng ngày. Cũng như vậy, một họa sĩ tài ba, một nghệ sĩ piano vĩ đại, cũng chỉ có
một vài học trò là cùng. Hơn nữa, những học trò này phải theo thầy học trong rất nhiều
năm. Đó là đối với những người vốn đã bộc lộ tài năng thiên phú. Còn đối với tuyệt đại đa
số mọi người nói chung, nếu xét một cách lý tưởng nhất, thì ai cũng cần được giảng dạy
riêng biệt với một chương trình thích hợp, vì mỗi người đều là những cá thể khác nhau.
Tuy nhiên, không có và không thể có một quốc gia nào có thể cung cấp cho mỗi người
một chương trình giáo dục riêng, một hệ thống giáo viên riêng, do đó, tất yếu phải có nền
giáo dục đại trà.
Trong nền giáo dục đại trà đó, để có thể thực hiện được việc “bồi dưỡng nhân tài”,
thì việc tập trung phát triển công tác “bồi dưỡng học sinh giỏi”, là việc làm tất yếu, là
bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
của nhà trường.
Về mặt tâm lý xã hội nói chung, rất nhiều phụ huynh hiện nay mong muốn con em
của mình theo học ở những trường “quốc tế”, trường “chất lượng cao”,… tức là mong
muốn có một môi trường tốt, có một “sân chơi”, để con cái của mình có khả năng phát huy
được tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn,
thì việc gởi con vào những ngôi trường như trên chắn chắc không thể (vì mức học phí quá
cao), do đó, để những em học sinh có tố chất tốt (trong ít nhất một môn học nào đó) lại

Trang 1
xuất thân từ những gia đình nghèo hơn có điều kiện được phát huy khả năng của mình, thì
việc duy trì và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là việc làm cần thiết, góp phần
đảm bảo công bằng xã hội. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, thông qua những kỳ thi học sinh
giỏi, đã tạo động lực phấn đấu cho nhiều em học sinh nghèo học giỏi, đồng thời những
thành tích đó cũng là một trong các cơ sở để các trường đại học trao học bổng cho các em,
góp phần giúp các em có điều kiện tốt hơn để thực hiện trọn vẹn ước mơ trên giảng
đường.
Ở những nước phát triển, nơi mà mặc dù hệ thống giáo dục đại trà đã đạt đến một
chất lượng rất tốt, thì việc tuyển chọn những học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đó để
bồi dưỡng vẫn được duy trì một cách thường xuyên. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn của
việc thi học sinh giỏi ở các quốc gia này và ở nước ta, đó là “rất ít quốc gia áp dụng đánh
giá trường gắn với thành tích học sinh giỏi. Nhiệm vụ của một trường, dù là chuyên,
không chỉ bó gọn ở đào tạo học sinh giỏi. Vì thế, thành tích thi học sinh giỏi không thể là
chỉ số quan trọng để đánh giá trường, sở giáo dục. Nếu có, nó chỉ nên chiếm 5% tỷ
trọng.”1

II. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN.


Để có thể đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học
sinh giỏi, giúp các em học sinh có thể phát huy được khả năng của mình, trước hết, chúng
ta cần nhìn nhận lại những thuận lợi và khó khăn của công tác này.
1. Thuận lợi:
- Được sự chỉ đạo, quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường. Tổ chuyên môn có
những kế hoạch cụ thể, lâu dài trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Giáo viên giảng dạy đã chú trọng nghiên cứu tài liệu, chủ động trong quá trình
giảng dạy.
- Có sự kết hợp giữa giáo viên phụ trách đội tuyển, giáo viên bộ môn và giáo viên
chủ nhiệm của các học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi.
2. Khó khăn:
- Đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải
hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm do đó sự đầu tư cho công
tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng có phần bị hạn chế.
- Học sinh ngoài việc học chương trình chính khóa thì phải học bồi dưỡng nhiều
môn và học thêm những môn khác nên rất hạn chế về thời gian tự học. Nhiều em học sinh
dù có năng khiếu trong các môn học những vẫn không muốn tham gia vào đội tuyển học
sinh giỏi, vì các em cho rằng chương trình học rất khó, mất nhiều thời gian mà lại không
hỗ trợ được cho việc thi trung học phổ thông quốc gia sau này.
- Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng chưa cố gắng nhiều nên kết quả thi học
sinh giỏi ở một số em chưa cao.
- Giáo viên dạy bồi dưỡng phải tự soạn chương trình dạy theo kinh nghiệm của bản
thân, theo chủ quan, tự nghiên cứu, tự sưu tầm tài liệu nên cũng có nhiều hạn chế trong
giảng dạy.

1
Trích từ bài viết của TS. Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trên báo điện tử Zing.vn
Trang 2
III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI.
1. Đối với cấp quản lý:
a. Cấp Sở:
- Thời gian tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cần được quy định cụ thể cố định
hằng năm, tạo sự thuận lợi cho học sinh ôn tập và dự thi.
- Ban tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nên công bố tên tác giả đề thi. Trong đề
thi đó, bài nào sưu tầm cần chỉ rõ nguồn. Việc công khai này làm cho tác giả có trách
nhiệm hơn với bài toán của mình, cũng như họ được tôn vinh. Từ đó, ban tổ chức dễ mời
thêm nhiều “cao thủ” tham gia đóng góp.
b. Cấp Trường:
- Dựa trên thời gian thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhà trường tổ chức kỳ thi học sinh
giỏi cấp trường để tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi cho các môn. Ngay sau kỳ thi, nhà
trường trao giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp trường và trao thưởng cho các em. Việc
làm này vừa đảm bảo tính đồng bộ trong công tác bồi dưỡng, vừa giúp học sinh tránh
được việc chồng chéo giữa các môn học, vừa tạo động lực để các em tham gia đội tuyển.
Cũng dựa trên thời gian thi học sinh giỏi cấp tỉnh do Sở giáo dục và đào tạo quy định, nhà
trường có kế hoạch tổ chức cho giáo viên dạy bồi dưỡng trong hè với các chế độ đãi ngộ
thích đáng.
- Nhà trường gặp gỡ các em học sinh trong đội tuyển trước khi bắt đầu công tác bồi
dưỡng mỗi năm. Việc làm này giúp tạo ra một tâm lý phấn khởi ở các em học sinh, giúp
các em nhận thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia đội tuyển học sinh
giỏi, từ đó tạo động lực để các em tham gia học tập chuyên cần hơn. Nhà trường có thể
tiến hành vinh danh và trao thưởng cho các học sinh đạt giải cấp tỉnh ngay trong lễ chào
cờ của tuần tiếp theo sau khi biết kết quả cuộc thi, đây được xem như là một hình thức
“thưởng nóng”, có tác dụng rất tốt trong việc động viên, khích lệ các thế hệ học sinh tiếp
theo phấn đấu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.
- Nhà trường và tổ chuyên môn cần lưu ý với giáo viên bộ môn và giáo viên chủ
nhiệm động viên, khuyến khích các em học sinh. Trong việc lựa chọn học sinh giỏi tham
gia đội tuyển, giáo viên đứng lớp đóng vai trò rất quan trọng, đó chính là người đầu tiên
phát hiện những học sinh có tố chất tốt, có năng khiếu trong môn của mình, bồi dưỡng
ngay trong quá trình dạy trên lớp, bằng nhiều hình thức khác nhau như giao thêm các bài
tập hay và khó, khuyến khích các em tìm đọc thêm các sách tham khảo, tham gia các diễn
đàn trên internet, từ đó giúp tạo nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi. Giáo viên bộ môn cần
có sự khuyến khích, hỗ trợ đúng mức để nâng cao tinh thần học tập của các em. Giáo viên
chủ nhiệm thường xuyên khích lệ, đồng thời liên hệ với gia đình các em trong các đội
tuyển để động viên gia đình quan tâm, tạo điều kiện để học sinh tham gia học tập tốt hơn.
- Nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặt biệt là phòng học thoáng mát để
hỗ trợ tốt cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

2. Đối với giáo viên phụ trách dạy đội tuyển:

Trang 3
- Giáo viên phụ trách đội tuyển, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phối hợp
chặt chẽ với cấp quản lý để làm thật tốt công tác tuyển chọn học sinh cho đội tuyển học
sinh giỏi.
- Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cần biên soạn chương trình, nội dung bồi
dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng khối, lớp, về từng chuyên đề kiến thức và rèn
luyện các kỹ năng theo số tiết quy định. Nhất thiết phải bồi dưỡng theo quy trình từ thấp
đến cao, từ dễ đến khó để các em học sinh bắt nhịp dần.
- Giáo viên cung cấp tài liệu cho học sinh, hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên
cứu, đây là một phẩm chất rất quan trọng cần phải rèn luyện cho các em học sinh giỏi.
Thực tế giảng dạy cho thấy rằng, dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên, những em học sinh
có khả năng tự học, tự nghiên cứu tốt sẽ có kết quả rất tốt khi tham gia các kỳ thi. Trong
quá trình giảng dạy, thường xuyên động viên, khích lệ và theo dõi mức độ hoàn thành bài
tập về nhà của các em; đặc biệt, giáo viên cần dành nhiều thời gian trên lớp để cho các em
lên bảng giải bài tập, từ đó đánh giá khả năng hiểu bài, vận dụng kiến thức và sáng tạo của
các em. Khuyến khích các em có cách giải hay, có ý tưởng mới và sáng tạo khi giải quyết
các vấn đề mà giáo viên đặt ra. Trong các năm học vừa qua, các bài tập về nhà dành cho
các em, chúng tôi đã cung cấp thêm phần giải chi tiết ở cuối tài liệu và khuyến khích các
em trước hết phải tự giải, sau đó, những bài nào nếu đã suy nghĩ nhiều lần mà không tự
giải (hết) được, thì có thể tham khảo đáp án, rồi từ đó tìm một cách giải cho riêng mình.
- Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên tránh tâm lý nóng vội, sợ học sinh thiếu
các kiến thức, dẫn đến việc dạy kiến thức quá nhiều, quá khó hoặc bỏ qua các bước cơ bản
dẫn đến học sinh không hiểu sâu sắc về bài toán và thiếu chặt chẽ trong quá trình làm bài.
Trong bối cảnh hiện nay, hình thức thi của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi trung học
phổ thông quốc gia có khác nhau, điều đó ảnh hưởng tương đối lớn đến việc trình bày bài
toán của học sinh. Nhiều học sinh có khả năng tư duy tốt, tìm được đáp số bài toán nhưng
không thể trình bày được một cách logic, chặt chẽ bài giải; do đó, giáo viên cần hướng
dẫn rất kĩ việc trình bày bài giải cho học sinh. 
- Giáo viên giảng dạy không áp đặt vấn đề thành tích cho học sinh. Đối với các em
học sinh đã tham gia đội tuyển với sự đam mê, nhiệt huyết thì chắc chắn các em sẽ phấn
đấu để có kết quả tốt nhất sau mỗi kỳ thi; do vậy, vấn đề quan trọng nhất đó là giáo viên
phải thường xuyên động viên, khích lệ để duy trì và phát triển sự đam mê, lòng nhiệt
huyết đó của các em.
- Giáo viên giảng dạy sử dụng mạng xã hội để tương tác với các em học sinh. Trên
các mạng xã hội (chằng hạn facebook), giáo viên thành lập nhóm (group) học sinh tham
gia đội tuyển để tăng cường việc trao đổi giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với
học sinh, cung cấp thêm các tài liệu trực tuyến cho các em.
- Cùng với nhà trường, giáo viên phụ trách đội tuyển tìm kiếm các học bổng có
những tiêu chí cao về học tập, về thành tích tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh để giới
thiệu đến các em học sinh.

IV. KẾT LUẬN.

Trang 4
Tóm lại, bồi dưỡng học sinh giỏi là một việc làm thường xuyên và cần thiết. Tất
nhiên công tác này cũng tạo ra nhiều áp lực cho cả giáo viên tham gia giảng dạy và học
sinh tham gia đội tuyển, nhưng không vì thế mà giáo viên tạo ra những áp lực lớn hơn cho
học sinh. Bồi dưỡng học sinh giỏi là một cách gọi vắn tắt cho quá trình bồi dưỡng, hun
đúc niềm đam mê, duy trì và phát triển khả năng tự học, tự sáng tạo ở những học sinh có
năng khiếu về một số môn học nào đó. Thông qua quá trình bồi dưỡng kiến thức bộ môn,
giáo viên xây dựng cho học sinh thói quen tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và giải quyết
vấn đề, để sau khi kỳ thi kết thúc rồi, các em vẫn tiếp tục tự bồi dưỡng được cho bản thân
mình, để các em thấy được rằng, “thi” để biết sức mình mà tiếp tục “học”, chứ không phải
“học” chỉ để “đi thi”.
Người viết

Trần Quang Thạnh

Trang 5

You might also like