You are on page 1of 12

SUY HÔ HẤP CẤP

1. Đại cương
Khái niệm: suy hô hấp cấp là tình trạng cấp cứu xảy ra khi hệ thống hô hấp đột
nhiên không đảm bảo chức năng trao đổi khí gây ra thiếu O 2 máu và/hoặc kèm theo
tăng CO2 máu.
Có hai nhóm suy hô hấp cấp: giảm O 2 máu (PaO2 < 60 mmHg) và tăng CO2 máu
(PaCO2 > 45 mmHg).
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh suy hô hấp cấp
2.1. Nguyên nhân
Hệ thống hô hấp: bơm hô hấp (trung tâm hô hấp, hệ thống dẫn truyền thần kinh,
cơ hô hấp và khung xương thành ngực) giúp cho quá trình thông khí (đưa không
khí đi vào và đi ra khỏi phế nang) và đơn vị hô hấp (đường dẫn khí, phế nang và
mao mạch phổi) là nơi trực tiếp xảy ra quá trình trao đổi khí.
2.1.1. Suy hô hấp cấp do bơm hô hấp (tổn thương ngoài phổi)
- Trung tâm điều hoà hô hấp ở hành não bị tổn thương:
+ Chấn thương sọ não, đột quỵ não, viêm não, viêm màng não…
+ Thuốc: an thần, gây ngủ, gây mê, quá liều ma túy…
+ Ngộ độc khí CO, chất gây Methemoglobin…
- Hệ thống thần kinh cơ:
+ Chấn thương cột sống tủy sống cổ (C1, C2).
+ Chấn thương hoặc mất chức năng thần kinh hoành.
+ Hội chứng Guillain Barré, nhược cơ, bại liệt, viêm đa cơ.
+ Thuốc và ngộ độc: ngộ độc botulium, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ…
- Lồng ngực và cơ hoành:
+ Chấn thương ngực kín: tràn khí màng phổi van, tràn khí màng phổi, tràn máu
màng phổi mức độ nặng, mảng sườn di động, gẫy nhiều xương sườn…
+ Vết thương thấu ngực, vết thương tháu ngực bụng…
+ Tăng áp lực ổ bụng: viêm tụy cấp…
2.1.2. Suy hô hấp cấp do tổn thương tại phổi
- Các tổn thương nhu mô phổi:
+ Viêm phổi: do vi rút, vi khuẩn, nấm, lao, kí sinh trùng
+ Tổn thương phổi do cơ học hoặc do sóng nổ.
+ Phù phổi cấp do huyết động, phù phổi cấp tổn thương.
- Mạch máu phổi:
+ Tắc động mạch phổi do huyết khối, khí…
+ Bệnh lý mạch phổi: tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát…
- Đường dẫn khí:
+ Đường hô hấp trên: dị vật, phù hoặc co thắt thanh môn…
+ Khí phế quản: co thắt khí phế quản do phản vệ, do cơn hen phế quản, do đợt
cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
2.2. Cơ chế bệnh sinh
2.2.1. Suy hô hấp cấp do giảm O2 máu
- Nối tắt (Shunt): là dòng máu đi từ tim phải sang tim trái mà không tham gia
trao đổi khí. Shunt giải phẫu: là shunt đi từ tim phải sang tim trái, không qua nhu
mô phổi nên hoàn toàn không được trao đổi khí (còn ống động mạch, thông liên
thất, thông liên nhĩ). Shunt mao mạch: là máu đi qua phế nang không được thông
khí và qua nối tắt động – tĩnh mạch tại phế nang. Là cơ chế của viêm phổi, xẹp
phổi, phù phổi cấp.
- Bất tương xứng thông khí – tưới máu: bình thường, nếu tính chung cho toàn bộ
hai lá phổi, thông khí phế nang khoảng 4lít/phút, lưu lượng máu đến phổi khoảng 5
lít/p. Tỉ lệ thông khí – tưới máu là tỉ lệ giữa thông khí phế nang (V) và lưu lượng
máu đến vùng phế nang đó (Q) (V/Q = 0.8). Bất tương xứng thông khí – tưới máu là
sự bất tương tương xứng giữa lưu lượng khí vào các phế nang và lưu lượng máu
qua các phế nang đó. V/Q > 0,8 thông khí vượt mức tưới máu, V/Q <0,8 tưới máu
vượt thông qúa thông khí. Là cơ chế của COPD, viêm phổi, tắc mạch phổi…
- Suy giảm khuếch tán khí:
+ Phương trình khuếch tán khí (Fick): Vx= (D×A×ΔP)/Δx
Vx: Tốc độ khuếch tán khí tại phế nang vào mao mạch; D: Hệ số khuếch tán; A:
Diện tích bề mặt trao đổi khí.; ΔP: Chênh lệch áp khí giữa phế nang - mao mạch;
Δx: Độ dày màng phế nang – mao mạch.
+ Suy giảm khuếch tán có thể do giảm diện tích bề mặt trao đổi khí, giảm chênh
lệch áp khí giữa phế nang - mao mạch, dày màng phế nang – mao mạch (như xơ
phổi).
2.2.2. Suy hô hấp cấp do tăng CO2 máu
- Công thức: PaCO2=K VCO2/VA=K VCO2/(VE-VD).
VCO2: là tốc độ sản xuất CO2.
VA: thông khí phế nang.
VE: thông khí phút.
VD thông khí khoảng chết.
- Tăng PaCO2 máu khi:
+ VE giảm (thông khí phút giảm): do tổn thương trung tâm hô hấp, ức chế trung
tâm hô hấp, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh lý về cơ.
+ VCO2 tăng (sản xuất CO2 tăng) do tăng chuyển hóa, sốt, nhiễm khuẩn, động
kinh…
+ VD tăng (thông khí khoảng chết tăng): gặp trong khí phế thủng, giảm cung
lượng tim, thuyên tắc động mạch phổi, căng giãn phế nang quá mức.
3. Triệu chứng suy hô hấp cấp
3.1. Triệu chứng lâm sàng
3.1.1. Khó thở
- Tần số thở: có thể nhanh (> 25 lần/phút) hoặc chậm (< 12 lần/phút).
- Biên độ thở: có thể nông hoặc sâu
- Co kéo, rút lõm cơ hô hấp phụ: có hoặc không.
- Ví dụ:
+ Nhịp thở nhanh, kèm theo co kéo, rút lõm cơ hô hấp phụ. Thường gặp trong
viêm phổi cấp tính, ARDS, tắc mạch phổi…
+ Nhịp thở chậm (< 12 lần/phút), biên độ thở sâu, không co kéo, không rút lõm
cơ hô hấp phụ. Thường gặp trong ngộ độc ma túy, boltulium, rắn hổ cắn, nhược cơ,
bại liệt, Guillain Barre…
3.1.2. Xanh tím
- Xuất hiện khi nồng độ Hb khử > 5g/dL, là biểu hiện của suy hô hấp cấp mức độ
nặng. Thường xuất hiện sớm ở môi, đầu chi (sớm) và toàn thân (muộn) trong suy
hô hấp cấp có giảm O2 máu.
- Không có xanh tím mà đỏ tía, vã mồ hôi nếu suy hô hấp cấp do ngộ độc khí
CO, thiếu máu nặng.
3.1.3. Rối loạn huyết động
- Nhịp tim: nhịp nhanh xoang, rung nhĩ hay cơn nhịp nhanh, rung thất và biểu
hiện cuối cùng là ngừng tim.
- Huyết áp: giai đoạn đầu huyết áp thường tăng cao, giai đoạn sau huyết áp tụt.
3.1.4. Rối loạn thần kinh
- Lo lắng, hốt hoảng, lẫn lộn, kích thích giãy dụa, rối loạn thần kinh thực vật,
giảm phản xạ gân xương, vã mồ hôi.
- Li bì, lờ đờ, hôn mê.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
3.2.1. Xét nghiệm khí máu động mạch
Các chỉ số của khí máu động mạch: pH (bình thường: 7,35-7,45), PaO2 (bình
thường: 80 -90 mmHg), PaCO2 (bình thường: 35 – 45 mmHg). Là chỉ số cần thiết
để chẩn đoán cũng như quyết định can thiệp điều trị.
3.2.2. Xét nghiệm thường quy
- Xét nghiệm sinh hóa, huyết học toàn bộ.
- Chụp X quang lồng ngực: Phát hiện nguyên nhân, lọai tổn thương tại phổi gây
SHHC; tình trạng tăng thông khí, phù phổi, viêm phổi, tràn khí màng phổi, tràn
máu màng phổi, gãy xương sườn, xương ức, khối u...
- Điện tim: Phát hiện các rối loạn nhịp.
- Siêu âm tim: Phát hiện bất thường mạch phổi, shunt trong tim, còn ống động
mạch và thuyên tắc phổi.
- Chụp CT, hoặc MRI: Bệnh khoảng kẽ phổi, u phổi, đột quỵ và các rối loạn thần
kinh khác.
4. Chẩn đoán suy hô hấp cấp
4.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và khí máu động mạch.
Bảng 1. Chẩn đoán xác định suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp giảm O2 máu Suy hô hấp cấp tăng CO2 máu
- Lâm sàng: - Lâm sàng:
+ Khó thở + Khó thở
+ Xanh tím + Xanh tím
+ Rối loạn huyết động + Rối loạn huyết động
+ Rối loạn thần kinh + Rối loạn thần kinh
- Cận lâm sàng: - Cận lâm sàng:
PaO2 < 60 mmHg, PaCO2 thấp hoặc PaCO2 > 45 mmHg kèm theo toan
bình thường. hóa máu (pH < 7,35).

4.2. Chẩn đoán nguyên nhân


Dựa vào các triệu chứng của nguyên nhân gây suy hô hấp cấp
- Nguyên nhân ngoại khoa (xuất hiện sau chấn thương): Liệt khu trú, đồng tử
giãn, liệt tứ chi, hạ liệt, mảng sườn di động, vết bầm dập, vết thương thành ngực…
- Nguyên nhân nội khoa:
+ Toàn thân: Sốt, phù gian bào, xuất huyết dưới da, vã mồ hôi, da xanh niêm mạc
nhợt
+ Tại chỗ:
. Liệt khu trú, hội chứng màng não, mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm rãi…
. Đau ngực, tiếng rít, khó thở thanh quản, ran rít, ran ẩm, ran nổ, hội chứng ba
giảm, đông đặc, tam chứng của tràn khí màng phổi…
. Dấu hiệu viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
4.2. Chẩn đoán mức độ
Bảng 2. Phân loại mức độ suy hô hấp cấp
Mức độ
Nặng Nguy kịch
Thông số
Glasgow 13 – 15 < 13, lờ đờ, hôn mê

Nhịp tim (lần/phút) 120 – 140 > 140

Nhịp thở (lần/phút) 30 – 40 > 40 hoặc < 10

Nói Câu ngắn -

Xanh tím ++ +++

Vã mồ hôi ++ +++

Huyết áp (mmHg) Tăng Giảm

pH 7,25 – 7,35 < 7,25

PaO₂ (mmHg) 55 – 60 < 55

PaCO₂ (mmHg) 55 – 60 > 60


Căn cứ mức độ suy hô hấp cấp để có thái độ xử trí cấp cứu điều trị.
5. Điều trị
5.1. Nguyên tắc điều trị
Nhanh chóng xác định mức độ suy hô hấp cấp, đồng thời đánh giá nhanh các
nguyên nhân cần can thiệp khẩn cấp để cứu sống tính mạng bệnh nhân.
Điều trị cấp cứu người bệnh suy hô hấp cấp phải kết hợp với điều trị nguyên
nhân.

5.2. Xử trí cấp cứu khẩn cấp, cấp cứu ban đầu và trong quá trình vận chuyển
5.2.1. Xử trí cấp cứu khẩn cấp
- Tràn khí màng phổi áp lực; Ngay lập tức chọc kim lớn vào khoang liên sườn
hai đường giữa đòn. Sau đó vận chuyển đến bệnh viện để dẫn lưu màng phổi và hút
dẫn lưu khí màng phổi.
- Tắc nghẽn đường thở cấp tính:
+ Dị vật đường thở: Làm thủ thuật Hemlich để đẩy dị vật ra ngoài.
+ Phản ứng phản vệ: (theo thông tư 51 bộ y tế)
- Co thắt phế quản nặng: Đặt ống nội khí quản kết hợp dùng thuốc
- Thuyên tắc phổi lớn: Đặt ống nội khí quản kết hợp dùng thuốc
- Phù phổi cấp: Đặt ống nội khí quản kết hợp dùng thuốc
- Chèn ép tim cấp: Đặt ống nội khí quản kết hợp dẫn lưu màng ngoài tim
5.2.2. Xử trí cấp cứu ban đầu và trong quá trình vận chuyển
- Khai thông đường thở: lấy dị vật, hút đờm dãi.
- Đẩy trán nâng cằm, nâng hàm để cổ ưỡn tối đa.
- Đặt Canuyn Grudel hoặc Mayo chống tụt lưỡi.
- Để tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có nguy cơ sặc.
- Bóp bóng mặt nạ có oxy để đảm bảo thông khí.
- Đặt nội khí quản bóp bóng có oxy (nếu được).
- Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên.
- Vận chuyển bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu và hồi sức.
5.3. Điều trị tại bệnh viện
5.3.1. Điều trị cấp cứu
- Nội soi phế quản lấy dị vật đường thở.
- Mở màng phổi bằng ống lớn để hút dẫn lưu khí màng phổi áp lực âm.
- Đặt nội khí quản
5.3.2. Ôxy liệu pháp
- Nguyên tắc: Phải đảm bảo O2 máu (SpO2> 90%).
- Các dụng cụ thở:
+ Canuyn mũi: là dụng cụ có dòng ô xy thấp 1 – 5 l/phút. Nồng độ ôxy dao động
từ 24%-48%. Thích hợp cho các bệnh nhân có mức độ suy hô hấp trung bình, bệnh
nhân COPD hoặc các nguyên nhân suy hô hấp không có shunt hoặc shunt trong phổi
thấp.
+ Mặt nạ ôxy: là dụng cụ tạo dòng thấp 5-10 l/phút. Nồng độ ôxy dao động 35%-
60%. Thích hợp cho các bệnh nhân suy hô hấp mức độ trung bình do tổn thương
màng phế nang mao mạch (ALI, ARDS). Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân nôn
do tăng nguy cơ hít chất nôn vào phổi.
+ Mặt nạ không thở lại: là dụng cụ tạo dòng ôxy thấp 8-15 l/phút. Nồng độ ôxy
cao dao động ở mức cao 60%-100% tùy thuộc vào nhu cầu dòng của bệnh nhân và
độ kín của mặt nạ. Thích hợp cho bệnh nhân suy hô hấp mức độ nặng do tổn
thương màng phế nang mao mạch (phù phổi, ALI/ARDS). Thận trọng khi dùng cho
bệnh nhân nôn do tăng nguy cơ hít chất nôn vào phổi.
+ Mặt nạ venturi: là dụng cụ tạo ôxy dòng cao, có thể đáp ứng được nhu cầu
dòng của bệnh nhân. Nồng độ ôxy từ 24%- 50%. Ưu điểm là dùng cho những bệnh
nhân cần nồng độ ôxy chính xác
5.3.3. Thông khí nhân tạo
- Thông khí nhân tạo không xâm nhập áp lực dương: hỗ trợ thông khí cho bệnh
nhân qua mặt nạ (mũi, mũi miệng)
+ Chỉ định: Suy hô hấp do phù phổi cấp huyết động, đợt cấp COPD và hen phế
quản. Suy hô hấp nặng có dấu hiệu mệt cơ: gắng sức và tần số thở trên 30/ph. Toan
hô hấp cấp (pH < 7,25-7,30). Tình trạng ôxy hoá máu kém (tỷ lệ PaO2/FiO2 <
200).
+ Chống chỉ định: bệnh nhân ngừng thở, huyết động không ổn định (tụt huyết áp
hay nhồi máu cơ tim không kiểm soát được), mất khả năng bảo vệ đường thở. Tình
trạng bệnh nhân không cho phép đặt mặt nạ hay không bảo đảm tình trạng kín khít
của mặt nạ.
- Thông khí nhân tạo xâm nhập: khi thông khí nhân tạo không xâm nhập có
chống chỉ định hoặc thất bại.
5.3.4. Điều trị nguyên nhân
- Nguyên nhân nội khoa
+ Dùng thuốc:
. Thuốc giãn phế quản (kích thích beta 2- adrenergic; thuốc kháng cholinergic):
chỉ định với suy hô hấp do có co thắt phế quản (COPD, hen phế quản), nên ưu tiên
dùng đường khí dung trước, nếu không đáp ứng thì chuyển sang truyền tĩnh mạch.
. Corticoid: chỉ định cho các đợt cấp của hen phế quản, COPD.
. Kháng sinh: khi có dấu hiệu của nhiễm trùng (viêm phổi, đợt cấp COPD có
bằng
chứng nhiễm khuẩn).
. Lợi tiểu: suy tim ứ huyết, phù phổi cấp huyết động, quá tải thể tích.
+ Can thiệp thủ thuật:
. Chọc dẫn lưu dịch và khí khi có tràn dịch và khí màng phổi.
. Thay huyết tương để loại bỏ kháng thể trong các bệnh tự miễn gây liệt hô hấp
như nhược cơ, hội chứng Guillain-Barre.
- Nguyên nhân ngoại khoa
+ Mảng sườn di động: cố định xương sườn bằng thở máy hoặc treo cố định.
+ Chèn ép tủy cổ: phẫu thuật giải chèn ép.
+ Chấn thương sọ não: phẫu thuật
6. Tiên lượng
- Tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy hô hấp cấp.
- Suy hô hấp cấp có thể dẫn đến tình trạng giảm oxy máu trơ hoặc tăng cac-bonic
không đáp ứng điều trị.
CÂU HỎI POST - TEST
Câu 1. Tỷ lệ thông khí / tưới máu bình thường là:
A) 0,7
B) 0,8
C) 0,9
D) 1,0
Câu 2. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp tăng CO2 máu, ngoại trừ
A) Ngộ độc thuốc phiện nặng
B) Cơn nhược cơ toàn thể
C) Liệt cơ hoành sau phẫu thuật tim
D) Thông liên thất
Câu 3. Các đặc điểm của khó thở trong suy hô hấp cấp điển hình, ngoại trừ
A) Thở nhanh > 25 lần/ phút hoặc chậm < 12 lần/ phút
B) Biên độ nông hoặc sâu, có chu kỳ hoặc thở hỗn loạn
C) Khó thở kèm theo ho khan
D) Khó thở khởi phát đột ngột hoặc từ từ
Câu 4. Ở bệnh nhân suy hô hấp cấp, không có dấu hiệu xanh tím khi:
A) Thiếu máu nặng
B) Tràn khí màng phổi
C) Phù phổi cấp
D) Ngộ độc khí CO
Câu 5. Các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở là
A) Tụt lưỡi
B) Dị vật đường thở
C) Ứ đọng đờm dãi
D) Tất cả ý trên đều đúng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Hồi sức cấp cứu (2020), “Chẩn đoán và điều trị suy hô hấp cấp”,
Học viện Quân y, Nhà xuất bản QĐND, Trang 25 - 36.
2. Vũ Văn Đính (2009), “Suy hô hấp cấp” Hồi sức cấp cứu nội khoa, Nhà xuất
bản y học, Trang 15 - 25.
3. Stone CK., Humphries RL, Respiratory Distress (2008). “Current diagnosis
& treatment of emergency medicine”. 6th edition 2008. Mc Graw Hill Lange,
Trang 181 – 190.
4. Randeep Guleria, Jaya Kumar, ICU Protocols, (2012) “Acute respiratory
failure”. Springer.
Ngày 19 tháng 5 năm 2022
Người biên soạn

Thiếu tá ThS. Lê Tiến Dũng

You might also like