You are on page 1of 4

Giuse Bùi Thanh Nhàn

Khoá X – Giáo xứ Biên Hoà

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

1) TỔNG QUAN CÁC BÀI ĐỌC

- Bài đọc 1 (Am 8,4-7): Trong một thị kiến, ngôn sứ Amos nghe thấy Đức Chúa nói rằng
Ngài chống lại những ai đàn áp người nghèo để thu lợi bất chính.

- Đáp ca (Tv 112,1-2.4-6.7-8): “Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu.”, Thiên
Chúa đứng về phía người nghèo, nếu họ một lòng trông cậy vào Ngài.

- Bài đọc 2 (1Tm 2,1-8): Thánh Phaolô khuyên Timôthê cầu nguyện cho tất cả mọi người để
mọi người đều nhận ra chân lý và nhờ đó mà được cứu rỗi.

- Tung hô Tin mừng (Ga 17,17b): Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá
chúng trong sự thật”.

- Bài Tin mừng (Lc 16,10-13): Qua dụ ngôn về người quan lý gian dối, Chúa Giêsu dạy các
môn đệ phải biết sử dụng của cải đời này để mưu cầu lợi ích đời sau.

SỢI CHỈ ĐỎ: Thiên Chúa ghét những kẻ tham lam của cải đến mức hãm hại người
khác hầu chiếm dụng của cải cho mình. Dù vậy, đối với Chúa, của cải vẫn có giá trị của nó:
để mua lấy bạn hữu đời này và mưu cầu sự sống đời sau.

ĐỐI TƯỢNG NGHE GIẢNG: trong thánh lễ chiều Chúa Nhật tại giáo xứ Biên Hoà,
thành phần chủ yếu là người trẻ với trình độ tương đối khá, nhưng không quan tâm lắm đến
chuyện đời sau.

MỤC ĐÍCH BÀI GIẢNG: giúp người giáo dân trẻ ý thức về của cải: đó không phải là
cùng đích của đời này, nhưng là phương tiện hữu hiệu để giúp chúng ta đạt đến hạnh phúc,
và hạnh phúc chân thật và tuyệt đối là được sống cùng Thiên Chúa trong Nước của Ngài.
2) BÀI GIẢNG

BỎ TIỀN CỦA MUA NƯỚC CHÚA


Kính thưa quý ông bà anh chị em rất thân mến,
Chúng ta công nhận rằng đồng tiền là một phát minh quan trọng của con người, nó là
phương tiện hữu hiệu và tiện lợi để trao đổi ngang giá giúp cho các giao dịch trong xã hội
diễn ra suôn sẻ và hợp lý (tức là đúng với giá trị của rất nhiều các loại hình lao động và tài
sản). Trong thế giới hiện đại này, chúng ta đều hiểu được vai trò có tính “không thể thay
thế” của tiền trong việc đảm bảo cho các nhu cầu của đời sống. Ngày nay, tiền không còn
xuất hiện dưới dạng một miếng kim loại vàng bạc, cũng không chỉ bằng giấy cotton hay
polyme, nhưng còn là một mã QR vuông vuông hoặc một đoạn code số tài khoản ngân
hàng… và có thể nói: tiền là một phương tiện thiết yếu của cuộc sống hiện đại.
Vì tính thiết yếu như thế, cho nên đồng tiền tuy nhỏ nhưng mang trong nó sức mạnh
ghê gớm đối với tư duy và hoạt động của con người: đến mức nhiều khi nó khiến con người
lầm tưởng rằng nó chính là mục đích của tất cả các hoạt động trong đời sống, thay vì chỉ là
một phương tiện được phát minh ra nhằm phục vụ con người.
Tiền là phương tiện để thoả mãn những nỗi khao khát tiêu dùng, mua sắm… - những
thứ vốn đang được xã hội này khéo léo khơi lên trong lòng chúng ta bằng những đoạn quảng
cáo vô cùng hấp dẫn đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông. Có tiền là có cái ăn, và có
nhiều tiền là có thể ăn những thứ ngon lành, quý hiếm. Có tiền là có chỗ ở, và có nhiều tiền
thì có thể ở trong nơi sang trọng. Có tiền là đảm bảo được cuộc sống, và có nhiều tiền thì có
thể sống hưởng thụ xa hoa… Tiền đồng nghĩa với cơ hội được hưởng thụ!
Quả thật, xã hội này đang khơi lên trong chúng ta lòng ham muốn, nhiều khi đến mức
mất đi cả lý trí. Qua những trang báo, chúng ta dễ dàng tìm được những thông tin về đồng
tiền mạnh đến mức khiến cho nhiều người mờ mắt, quên đi những giá trị thật, gạt sang bên
tình nghĩa anh em, đồng loại. Người ta cướp bóc, giết người, lừa gạt, giật hụi, lừa đảo, kiện
cáo nhau ra toà… tất cả cũng chỉ vì sức hấp dẫn và là những rắc rối gây ra bởi đồng tiền.
Đồng tiền tự nó không xấu và lao động kiếm tiền là chính đáng, nhưng tiền lại khiến cho
lòng người có thể gây ra đủ mọi thứ tham tàn tệ hại.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amos lên án những kẻ vì tham lam tiền của mà thẳng
tay đàn áp người nghèo khó. Trong thị kiến được kể lại, ngôn sứ Amos đã trông thấy một
cảnh tượng không quá xa lạ với chúng ta: đó là một xã hội mà những người khá giả chỉ quan
tâm tới lợi ích kinh tế, muốn sắp xếp sao cho việc sản xuất, buôn bán được diễn ra thuận lợi,
bất kể ngày lễ ngày nghỉ; họ muốn kiếm tiền nhiều hơn bằng cách cân điêu, tăng giá, bán cả
gạo hẩm thịt ôi… Nơi đó sức lao động của người nghèo bị áp bức với giá rẻ mạt trong
những điều kiện sống và làm việc nghèo nàn… Thật đáng buồn thay, vì những điều mà
trong thị kiến của vị ngôn sứ lại thật quen thuộc với chúng ta, những người đang sống trong
thời đại văn minh, tiến bộ, nhân quyền này; và hơn nữa, hoàn cảnh này còn là điều đáng sợ,
vì “Chúa không bao giờ quên lãng những việc đó cho đến cùng”!
“Thiên Chúa nâng cao kẻ túng thiếu” – lời đáp ca mà chúng ta đã cùng nhau cất lên là
lời nhắc nhở rằng sự túng thiếu tiền bạc của cải trong đời này không phải là số phận tuyệt
đối của người nghèo, nhưng đến thời đã định, Thiên Chúa sẽ cho họ được hưởng niềm an ủi
lớn lao. Thật vậy, Chúa là Đấng làm chủ cả trời đất và ngài hằng để mắt chăm nom mọi sự
mọi loài. Những đau khổ và thiếu thốn vẫn có đó, và nếu ở đời này chúng ta chưa thể hiểu
được nguyên do cũng như ý nghĩa, thì ở đời sau, ta sẽ được Chúa cho thấu hiểu và đền bù
bằng ân lộc vô biên trong nhà Ngài. Tuy thế, lời hứa ấy không phải để làm yên lòng những
ai lười biếng, nhưng nhằm an ủi và thêm sức mạnh, lòng kiên trì cho những ai cần cù lao
động với một lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa mà thôi.
Trong bài Tin mừng mà cộng đoàn vừa nghe, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn để giúp
chúng ta nhận ra giá trị đúng đắn của đồng tiền. Nhìn chung, trong Tân Ước, tiền của
thường được nhắc đến như là điều gì đó cản trở con người trong hành trình tìm về ơn cứu
độ. Chúng ta có thể kể đến như câu chuyện về số phận đối lập giữa người phú hộ và ông
Lazarô hay hình ảnh so sánh khả năng người giàu vào nước Thiên Đàng với việc con lạc đà
chui qua một lỗ kim… Thế nhưng trong dụ ngôn hôm nay, Chúa lại cho chúng ta thấy một
góc nhìn khác về đồng tiền: nó là phương tiện để mang con người vào nước trời!
Nghe đến đây, chúng ta có thể thắc mắc “Vậy chẳng phải là Nước Thiên Chúa hay sự
sống đời sau cũng như một món hàng mà tôi có thể mua bằng tiền, hoặc nhiều tiền, hoặc rất
nhiều tiền… sao?” “Vậy chẳng phải Thiên Chúa cũng cần tiền của tôi sao?”… Thưa không,
Thiên Chúa là Đấng toàn năng giàu có vô cùng, là chủ tể toàn vũ trụ này, vậy thì Ngài cần
gì tiền của chúng ta! Nhưng cái khoản tiền để “mua lấy” Nước Trời đó không phải được trả
cho Thiên Chúa, nhưng là “trao cho” chính những người anh chị em đang khó khăn, những
người thân cận của mỗi chúng ta. Nơi chính lời của Đức Giêsu, chúng ta được Chúa mời
gọi, hay nói đúng hơn là “cho phép” dùng tiền của, mà Chúa gọi là “gian dối”, để mua lấy
“chốn an nghỉ đời đời” từ những con người mà Chúa chỉ cho chúng ta biết rằng họ là “bạn
hữu”. Thật vậy, cái “chốn an nghỉ đời đời” kia được Thiên Chúa làm chủ, nhưng Ngài đã
nhượng lại quyền “buôn bán” nó cho những người nghèo khổ, để rồi nhiều người có thể
mua lấy một chỗ ở trong chốn ấy bằng việc giúp đỡ những người nghèo. Vậy phải chăng cứ
vung tiền ra cho kẻ khó là chắc được một chỗ trong Nước Trời? Chắc chắn là không phải
thế rồi! Nhưng khi một người dám từ bỏ tiền của mình, người đó đang dần tiến vào Nước
Trời! Cốt lõi của vấn đề không phải là cho số lượng nhiều hay cho ít, nhưng vẫn là khả năng
nhận biết và từ bỏ những gì hư nát để dấn thân cho những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu.
Quả thật, chính khi giúp đỡ người nghèo, mà chúng ta thoát khỏi ách nô lệ “êm ái” của
tiền bạc và khiến cho mình quy phục Thiên Chúa hơn. Như ông bà ta thường nói “Đồng tiền
đi liền khúc ruột”, thật khó để dứt ra “khúc ruột” của mình. Nhưng như Chúa đã khẳng định,
chúng ta buộc phải can đảm, phải chịu đau đớn khi dứt cái khúc ruột mình ra, để chia sẻ cho
người khác. Cơn “phẫu thuật” đó vừa làm cho chúng ta dần dần bớt tôn thờ đồng tiền cách
quá đáng, cũng như dần dần trở nên thanh thoát mà chui qua lỗ kim để vào Nước Trời.
Dụ ngôn về người quản lý bất lương có nội dung khá khó hiểu, nếu chúng ta xét đến
đồng thời tất cả các yếu tố trong câu chuyện: lấy tiền của chủ làm việc thiện cho bản thân,
sự gian dối của người quản gia, lời khen của Đức Giêsu… Nhưng hãy tập trung hơn vào cái
kết luận của Đức Giêsu cho câu truyện này: “Phần Thầy, Thầy bảo các con: hãy dùng tiền
của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào
chốn an nghỉ đời đời”. Tiền bạc rồi sẽ mất đi, điều này chúng ta đều đã biết: trước cái chết,
tiền bạc chẳng mang lại an ủi gì, nhưng tình thương mến sẽ là điều còn mãi, sẽ là cái đi theo
chúng ta đến sự sống đời sau. Tiền thì “bạc”, nhưng lại mua được tình thương mến; tiền là
thứ sẽ phải hư nát ở đời này, nhưng lại mua được sự sống vĩnh cửu không hư nát… đó
chẳng phải là một giá quá “hời” sao!
Trong dụ ngôn này, giả như người quản gia đã giải quyết tình cảnh của anh theo một
cách khác: anh ta ép những con nợ của chủ mình phải trả nợ sớm và biển thủ những món nợ
đó, khi đó, anh cũng tìm được đảm bảo cho tương lai mình, vẫn là tiền của ông chủ bị dùng
vào mục đích khác, nhưng anh chắc chắn sẽ bị mọi người ghét bỏ. Còn ở đây, ngay cả người
chủ bị anh quản gia làm cho thiệt hại cũng phải khen rằng anh khôn ngoan, và những người
được giảm nợ kia thì đương nhiên quý anh như là ân nhân cứu mạng. Thu tích cho bản thân,
hay ích kỷ luôn luôn là một nết xấu đáng ghét, còn hy sinh quảng đại cho người khác luôn là
một nhân đức đáng ngợi khen.
Cộng đoàn thân mến, tiền của rồi sẽ qua đi giống như cuộc sống đời này vậy. Hãy coi
trọng con người hơn là của cải và trọng tình bạn hơn là sự giàu sang phú quý cho bản thân
mình. Hãy tranh thủ tận dụng những ngày tháng và phương tiện của cuộc sống đời này để
mưu cầu một đời sau hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa trong Nước Trời. Amen. /.

You might also like