You are on page 1of 2

Đề: Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Tục ngữ là những lời vàng ý ngọc, là túi khôn của nhân loại,
chứa đựng bao kinh nghiệm về ứng xử, về đạo lí làm người. Có
nhiều câu tục ngữ trở thành phương châm sống, giáo dục nhân
cách cho chúng ta. Câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm” trở thành
bài học luân lí, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
   “Đói cho sạch, rách cho thơm” bao gồm hai vế, vừa đối lập vừa
bổ sung hỗ trợ cho nhau để có thể hoàn thiện điều khuyên răn mà
người xưa muốn nhắn nhủ. Về nghĩa đen, “đói cho sạch”, ý nói
dù đói khổ cũng phải ăn uống một cách lành mạnh để đảm bảo sức khỏe còn “rách cho
thơm”, ý nói dù quần áo không được lành lặn, đẹp đẽ nhưng vẫn giữ sạch sẽ, thơm tho. Về
nghĩa bóng, “Đói” nghĩa là nghèo đói, thiếu thốn về mặt vật chất, cơm áo, bạc tiền. “Cho”
nghĩa là phải giữ cho sạch. “Sạch” là trong sạch, không lèm nhèm, tắt mắt, tham lam,
không tơ hào của ai dù là một hạt thóc. Vế thứ nhất: “Đói cho sạch” nêu lên bài học đạo
đức, khuyên ta sống trong sạch trong cảnh nghèo đói nhưng tâm hồn lúc nào cũng thanh
thản, bình yên, không thấp thỏm, lo âu. Tương tự như thế, vế thứ hai “rách cho thơm”
cũng nhắc đến cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, thiếu ăn, thiếu mặc vẫn tươm tất, sạch sẽ, “giấy
rách phải giữ lấy lề”, vẫn phải giữ “cho thơm”, cho tâm hồn trong sáng, tốt đẹp, giữ trọn
danh dự, phẩm giá, nhân cách, đạo đức, vẫn được mọi người nể trọng, yêu mến, tin yêu.
Như vậy, ngoài việc nhắc nhở con cháu trong cách ăn, mặc, cha ông ta còn tinh tế gửi gắm
một lời khuyên quý báu về lối sống, về cách gìn giữ đạo đức, nhân cách của bản thân con
người thông qua lối nói ẩn dụ. Cặp hình ảnh “đói - rách” là nói về hoàn cảnh sinh sống
của con người còn rất khó khăn, thiếu thốn nhiều về mặt vật chất; còn “sạch - thơm” là
cặp hình ảnh nói về nhân cách, đạo đức và phẩm chất của con người. Dù đói rách, túng
quẫn hay gặp khó khăn cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay
thẳng và trong sạch.
Tóm lại, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” nêu lên bài học luân lí: đừng vì
nghèo đói, thiếu thốn, đừng vì hoàn cảnh khó khăn mà làm điều xấu, sa chân vào hố sâu
của tội lỗi, bán rẻ nhân phẩm, danh dự để đổi lấy tiền bạc, của cải, bởi “Ăn một miếng,
tiếng một đời”, liệu ánh mắt soi xét, đánh giá của người đời có khiến lòng ta yên ổn? Vì
thế, trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào, chúng ta cũng phải cố vượt qua, một lòng trong
sạch như hoa sen vươn lên giữa đầm lầy vẫn rực rỡ, kiêu hãnh khoe sắc, khoe hương, vẫn
lung linh tỏa sáng giữa đời thường. Nhân cách trong sáng, biết giữ lòng tự trọng, danh dự
của bản thân, luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống sẽ là điều kiện tốt nhất dẫn con
người đi đến hạnh phúc. Nhân cách là tài sản quý giá mà mỗi người phải trân trọng, gìn
giữ. Nhân cách chính là thước đo giá trị của mỗi con người, khẳng định vị trí của người đó
trong cộng đồng xã hội. Mặt khác, nhân cách trong bản thân mỗi người thường được biểu
hiện qua hành động và việc làm của họ. Trong thực tế, dù không nhiều nhưng vẫn có
những kẻ quen thói "Đói ăn vụng, túng làm liều". Nghĩa là, khi ở trong hoàn cảnh quá
khó khăn, đói khổ mà không tìm ra giải pháp và lối thoát cho mình, không cố gắng xoay
xở, phấn đấu mà lại sinh ra thói trộm cắp nhằm giải quyết cái đói, cái khát trước mắt nên vì
thế mà đánh mất nhân cách của bản thân. Nếu như con người chịu khuất phục trước sự
túng quẫn, đói rách mà làm điều sai trái sẽ dần khiến con người đánh mất nhân phẩm và
ngày càng lún sâu vào tăm tối, khó quay đầu lại. Nhiều người mượn cớ rơi vào hoàn cảnh
khốn cùng, vất vả để sống lầm lạc, buông thả, làm điều bất nhân cuối cùng cũng sẽ phải
nhận hậu quả xứng đáng. Trong thời covid có một câu chuyện hết sức hài hước về một
phụ nữ đi xe máy SH đến cây “ATM gạo” bấm mãi mà gạo không chảy ra. Ở những
nơi phát đồ ăn, thực phẩm miễn phí cho người nghèo thì những người giàu vô liêm sỉ này
còn có thể tranh cướp, vơ vét, nhưng với “ATM gạo” thì điều đó không thể xảy ra. Đơn
giản là người phát minh ra “ATM gạo” đã lắp “mắt thần” để phân biệt ai là người thực sự
cần đến sự trợ giúp, còn ai đang lợi dụng lòng tốt để trục lợi cho bản thân sẽ không thể có
cơ hội toan tính cho bản thân để thỏa mãn lòng ích kỉ, thói tham lam của mình.
Tuy nhiên, đừng bao giờ đồng nghĩa việc nghèo đi đôi với hèn. Không phải bao giờ
bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Xã hội hiện đại ngày nay có thể hơi xô bồ, cuộc sống có thể gấp
gáp, thực dụng hơn trước, nhưng điều đó không có nghĩa không còn những con người có
tấm lòng lương thiện, chân chính. Ta vẫn thấy báo chí thường đăng tải những bài viết về
những người có tấm lòng vàng như trường hợp của vợ chồng cô chú Nguyễn Minh Tuấn
và chị Lê Ngọc Giàu (huyện Hóc Môn, TP HCM) làm nghề nhặt rác nhưng đã gửi trả
lại cho khổ chủ 6 cây vàng và hơn 17 triệu đồng. Việc làm của cô chú không chỉ mang
đến niềm vui cho người đánh rơi tài sản, mà còn khiến dư luận xã hội hết sức cảm phục.
Tóm lại, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” mãi mãi là một lời khuyên đúng
đối với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Chúng ta cần sống một cách chân thật với
mình, với mọi người, sống trong sạch, lương thiện để bản thân ta là một người tốt. Điều đó
không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân ta mà còn góp phần đảm bảo cuộc sống tốt
đẹp chung cho tất cả mọi người. Hãy luôn tâm niệm câu tục ngữ:
“Mảng vui cơm tấm, ổ rơm
Tuy rằng cũ kỹ mà thơm sạch lòng
Hơn ai gạo tám, lầu hồng
Đem thân luồn cúi vào vòng lợi danh.”

You might also like