You are on page 1of 3

BÀI TẬP 1

Đọc đoạn trích:


CHÚNG TA THẤY GÌ KHI ERIKSEN GỤC ĐỔ XUỐNG SÂN?
Thời khắc đó tất cả như nín lặng, hồi hộp đan xen lo lắng, còn tôi nguyện cầu cho một người
mình chưa bao giờ gặp vượt qua được thần chết. Quan sát qua truyền hình mới thấy được ý
nghĩa thiêng liêng của sinh mệnh. Các cầu thủ Đan Mạch vây quanh không dám nhìn vào đồng
đội, giọt nước mắt đã rơi. Họ bảo vệ quyền hình ảnh cho đồng đội, các cầu thủ đối phương và
trên khán đài nín lặng, khoé mắt đỏ hoe liên tục chắp tay cầu nguyện.
Hầu như không có bất kỳ ai tò mò cầm điện thoại lên quay mà tất cả hướng tâm cầu mong
Eriksen qua cơn nguy kịch. Có lúc tất cả vỗ tay thật to để tạo “sức mạnh” tinh thần giúp
Eriksen thắng được lưỡi hái tử thần. Trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu, cầu thủ đi bên
cạnh cầm tấm màn che chắn cho đồng đội bằng tất cả trái tim yêu thương.
Khi quay trở lại sân, cầu thủ và ban huấn luyện Phần Lan đứng ra giữa sân vỗ tay khích lệ
tinh thần cho toàn đội Đan Mạch. Joel Pohjanpalo - cầu thủ Phần Lan lần đầu tiên ghi được
bàn thắng ở một kỳ Euro, đó là niềm sung sướng và hạnh phúc vô bờ bến của đời cầu thủ nhưng
chỉ chạy một đoạn và khi thấy đồng đội đến ăn mừng, Joel Pohjanpalo ra dấu hiệu không ăn
mừng. Ngoài những khoảnh khắc và hành động đó còn rất nhiều hình ảnh khác hướng đến
Eriksen, đội tuyển Đức chiếu hình ảnh đứng ngay ngắn hướng lòng về Eriksen, một cầu thủ
khác là Lukaku (Bỉ) truyền tình yêu qua ống kính gửi đến Eriksen.
Những hình ảnh ấy, những khoảnh khắc ấy thật đẹp, thật ý nghĩa. Dù đội tuyển và khán giả
của hai bên khi ra trận, họ sẵn sàng làm tất cả để quyết đấu vì màu cờ sắc áo nhưng cũng sẵn
sàng bỏ qua tất cả để trao trái tim cho đối thủ bằng hành xử văn minh, giáo dục và truyền đi
tình thương một cách thật tuyệt vời
(Theo NLĐ.com.vn/ngày 13/06/2021)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định hai phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2. Theo người viết, khi cầu thủ Eriksen (Đan Mạch) đổ gục xuống sân, đồng đội của anh,
khán giả trên khán đài theo dõi trận đấu đã làm gì để giúp anh vượt qua lưỡi hái tử thần?
Câu 3. Nêu nhận xét của anh/chị về hành động, cử chỉ của đội Phần Lan, nhất là của Joel
Pohjanpalo khi ra dấu cho đồng đội không ăn mừng chiến thắng trong khi lần đầu tiên anh ghi
được bàn thắng ở một kỳ Euro.
Câu 4: Bài học sâu sắc nhất mà anh/ chị rút ra được từ đoạn trích trên.

​BÀI TẬP 2

Đọc đoạn trích:


Ngày 19/4, Bộ thông tin và truyền thông đã khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng
Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7. Hội sách trực tuyến Quốc gia diễn ra tại địa chỉ book365.vn với
chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”. Đây là hội chợ sách trực tuyến
quốc gia đầu tiên ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến hàng đầu hiện nay, được tài trợ bởi
công ty Vitranet24, thương hiệu quản lý trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam như: Công nghệ tọa đàm
trực tuyến, công nghệ sàn sách trực tuyến, công nghệ cao chat giao tiếp mạng xã hội 4.0, với kỳ
vọng thu hút tối thiểu 10 triệu lượt truy cập và hàng trăm nghìn người cùng tham gia Hội sách.
Hội sách online nhằm mục đích góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong mùa
dịch COVID-19. Ngoài ra, mỗi cuốn sách được bán ra tại hội sách lần này sẽ đóng góp 3% giá trị
cho quỹ hỗ trợ phòng chống COVID-19. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của văn hóa
đọc, giúp các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành đưa được sách của mình đến bạn đọc. Những
thông điệp về việc nói không với sách lậu, sách giả sẽ được đưa ra, tạo điều kiện cho nhân dân cơ
hội tiếp cận kho sách chính thống, có giá trị.
(Theo Báo tin tức – 19/4/2020)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2: Theo tác giả, ngoài việc “mỗi cuốn sách được bán ra tại hội sách lần này sẽ đóng góp 3%
giá trị cho quỹ hỗ trợ phòng chống COVID-19” thì Hội sách online còn nhằm hướng tới những
mục đích gì?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn sau: “Công nghệ tọa đàm trực
tuyến, công nghệ sàn sách trực tuyến, công nghệ cao chat giao tiếp mạng xã hội 4.0, với kỳ vọng
thu hút tối thiểu 10 triệu lượt truy cập và hàng trăm nghìn người cùng tham gia Hội sách.”
Câu 4: Thông điệp nào mà anh/chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên? Vì sao?

BÀI TẬP 3
Đọc đoạn trích:
“Xúc cảm đầu tiên về người khác giới thật sự đáng trân trọng! Nó nhẹ nhàng tô vết son thắm tươi
đầu tiên lên bức tranh cảm xúc yêu thương mà tạo hóa đã khéo léo giấu kín trong góc sâu thẳm của con
tim. Từ đây, con biết rằng ngoài tình thương dành cho người thân còn có tình yêu dành cho người lạ.
Vậy nên chẳng có lý do gì mẹ lại gạt phăng, phủi bỏ cảm xúc tinh khôi ấy trong tim con, chỉ là lòng mẹ
vẫn trăn trở quá đỗi…
Con phải biết rằng tình cảm dành người đặc biệt đến sau bố mẹ, anh em, ông bà ấy có thể khiến
cuộc đời con tràn ngập hoa thơm hoặc là cuộc sống hóa héo rũ buồn thiu nếu chẳng may con chưa biết
cách yêu người và yêu mình. Dù chỉ là thoáng qua hay đậm sâu, mong rằng con vẫn sẽ để lý trí có cơ
hội siết chặt trái tim để dạt dào yêu thương mà vẫn đủ đầy tỉnh táo!
[…]. Hãy từ tốn, chậm rãi mà ghé thăm từng nấc thang của tình yêu con nhé! Không có lý do gì để
con phải đốt cháy giai đoạn khiến cây tình yêu mà các con vừa vun trồng chưa kịp đâm chồi tươi tốt đã
vội vàng ốm yếu, héo rũ. Sự “cả thèm chóng chán” trong tình yêu thật sự có thể giết chết bất kỳ mối
quan hệ nào, dù con có nỗ lực níu kéo đến đâu đi chăng nữa!
Con tim tuổi mười sáu biết rung động, chẳng thể gọi là sớm cũng không thể bảo là muộn. Chỉ là
tương lai của con còn ở phía trước, dài đằng đẵng và tươi đẹp lắm! Mẹ muốn nhắn nhủ con rằng: Yêu
nhưng đừng đánh mất chính mình con nhé! Ranh giới giữa cho và nhận mong manh lắm, phải biết yêu
thương bản thân mình, có như thế người con yêu mới biết tôn trọng và nâng niu con.
(Trang Hiếu, Gia đình dấu yêu: Thủ thỉ với con về tình yêu...,
Báo Thanh niên, ngày 3/1/2021)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định một phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Trong đoạn 1, người mẹ thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào trước rung động đầu
đời của con?
Câu 3: Xác định biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong câu được in đậm (thuộc đoạn 3)
và nêu tác dụng.
Câu 4: Anh/Chị tâm đắc với lời dặn dò, nhắn nhủ nào của người mẹ trong đoạn trích? Vì
sao?

BÀI TẬP 4
Đọc đoạn trích:
Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thấy thế. Em chắc vẫn còn nuôi
giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị
che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những
giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy.
Một chút thất bại cũng như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén u uất, bi quan. Ai
đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù
bằng giấc mơ phi công gìn giữ từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi
xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự
điềm đạm trưởng thành.
Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây
đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm
mai. Không phải ai cũng có thể trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ
tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng
mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi người.
(Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.98)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Xác định và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn in đậm.
Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao tác giả lại cho rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi
xuyên qua nó?
Câu 4. Điều anh/ chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì? Vì sao?​

You might also like