You are on page 1of 5

CHỊ EM THUÝ KIỀU (Nguyễn Du)

“Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì
Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước
ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ VN đã trải qua một cuộc thay đổi
về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc”. Thật vậy, “Truyện Kiều” là tác phẩm
tiêu biểu của vị đại thi hào dân tộc, một “Danh nhân văn hóa lớn của thế giới”. Ở đó, người đọc
vừa say mê trước vẻ đẹp toàn vẹn của người thiếu nữ vừa đau đớn, thương xót cho một phận đời
bạc bẽo. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu “Gặp gỡ và đính ước” của tác phẩm,
khắc họa cuộc sống, vẻ đẹp và dự báo tương lai của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều.

Ở những câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du giới thiệu với độc giả hai người con gái của viên ngoại họ
Vương:

Đầu lòng hai ả tố nga,


Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Hai câu đầu của đoạn trích “Đầu lòng hai ả tố nga/Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân” giới thiệu
thân phận của hai chị em là hai cô con gái lớn của gia đình Vương viên ngoại, trong đó Thúy
Kiều là chị cả, còn Thúy Vân là con thứ. Vẻ đẹp chung nhất của hai chị em được Nguyễn Du
tóm gọn bằng một câu “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, tiêu biểu cho phong cách ước lệ gợi tả của
tác giả. “Cốt cách” tức chỉ phẩm chất, tính cách của hai cô gái, được ví với cây hoa mai - một
trong Tứ quân tử, tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, phú quý, sự bền bỉ, kiên trì trong cuộc sống.
Lại lấy tuyết, một thứ vừa mỏng manh, vừa trong trẻo, nhẹ nhàng để chỉ “tinh thần” ngụ ý diễn tả
tâm hồn trong sáng, thanh khiết của Kiều và Vân, những cô gái mới ngấp nghé tuổi cập kê, hồng
trần chưa chạm. Tuy có những vẻ đẹp chung nhất như thế nhưng Kiều và Vân vẫn có riêng cho
mình những vẻ đẹp riêng đến từ ngoại hình, khí chất và tâm hồn được Nguyễn Du chỉ ra trong
câu thơ “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, muốn nói rằng khó có thể phân bì được tài sắc
của hai chị em, dẫu rằng Kiều là nhân vật chính nên có phần nổi trội hơn. Để làm nổi bật cái vẻ
đẹp của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã rất tinh tế và khéo léo khi chọn miêu tả cô em là Thúy Vân
trước. Điều này cũng khá tương tự với việc lựa chọn trong giới thời trang khi để vedette là người
catwalk cuối cùng, nổi bật hẳn so với những người diễn mở màn. Phân đoạn miêu tả Thúy Vân
ngắn gọn gồm 4 câu thơ:

“Vân xem trang trọng khác vời


Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Có thể nhận xét chung rằng vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp mang tính tiêu chuẩn trong xã
hội phong kiến, là tiêu biểu cho vẻ ngoài của những con người có phúc tướng, số phận an nhàn,
hiền hòa cuộc đời không chịu nhiều sóng gió. Có lẽ số phận Vân đã gắn với việc trở thành phu
nhân quyền quý, thế nên Nguyễn Du mới miêu tả thần thái của nàng bằng mấy chữ “trang trọng
khác vời” đó là vẻ kiêu sa, sang trọng mà không phải cô gái nào cũng có được. “Khuôn trăng đầy
đặn, nét ngài nở nang”, có lẽ rằng ngày nay người có khuôn mặt trong không phải là kiểu mặt
được ưa thích thế nhưng trong quan niệm thẩm mỹ cũ, người có khuôn mặt tròn đầy như Thúy
Vân lại là người có phúc khí, không chỉ vậy hình ảnh ước lệ “trăng” là ngụ ý chỉ sự thanh khiết,
hiền hòa và nhã nhặn của người con gái. Bên cạnh khuôn mặt tròn, phúc hậu, Thúy Vân còn may
mắn có được “nét ngài nở nang” là đôi chân mày đậm nét, rõ ràng và cách xa nhau, vốn là nét
đẹp và cũng thể hiện tướng phúc trên khuôn mặt, cho thấy rằng Vân là người hiểu lễ nghĩa, rộng
lượng và hiền hòa trong cuộc sống. Đó là về khuôn mặt và đôi mày, đối với nụ cười và giọng nói
của Thúy Vân Nguyễn Du cũng dành cho nàng những cụm từ rất mỹ miều và thanh nhã “Hoa
cười ngọc thốt đoan trang”. Nụ cười của nàng Vân tươi tựa như hoa nở, mang cảm giác vui
mừng, sáng sủa, và dịu dàng. Còn giọng nói thì trong sáng, vừa thanh vừa ấm như ngọc, bởi thế
có người nói rằng người con gái đẹp thì chắc chắn có giọng nói hay, nếu ứng với Thúy Vân thì
quả thực chẳng thể nào sai. Và tổng kết lại với điệu cười, giọng nói ấy dành cho Thúy Vân hai
chữ “đoan trang” quả thật là rất xứng. Vẻ đẹp của Thúy Vân tiếp tục được diễn tả bằng câu “Mây
thua nước tóc tuyết nhường màu da”, tóc tựa mây, là mái tóc dài, dài và đen nhánh, từ đó ta cũng
có thể phần nào suy ra được tính cách của nàng Vân mặc dù Nguyễn Du không đề cập đến. Đó là
biểu trưng cho người con gái hiền dịu, tính tình bình đạm, trọng tình nghĩa, và rất mực chung
thủy. Còn ý “tuyết nhường màu da” thì có lẽ không cần phải bàn cãi, lấy màu tuyết để chỉ màu
da, da trắng như tuyết, đó là vẻ đẹp tuyệt mỹ sánh ngang với thiên nhiên tạo hóa, là cái phúc của
nàng Vân. Chung quy qua bốn câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã dùng bút
pháp ước lệ tượng trưng thông qua các hình ảnh rất nhã nhặn, dịu dàng như trăng, hoa, ngọc,
mây, tuyết để gợi ra nét đẹp của một người con gái có vẻ đẹp quý phái, không quá sắc sảo,
nhưng khiến người ta dễ chịu và quý mến, điều này gợi ý cho người đọc, cũng như dự đoán trước
về cuộc đời bình đạm và êm ấm của nàng Vân.

Khác với Thúy Vân, khi tả Thúy Kiều Nguyễn Du dùng đến tám câu thơ mới diễn đạt được cái
vẻ đẹp của nàng, từ lượng câu thơ gấp đôi ta có thể thấy rằng vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp hiếm
thấy và tuyệt mĩ, bởi so với Thúy Vân người con gái vốn đã xinh đẹp nhưng chỉ bốn câu thơ là
đã khái quát gọn thì Thúy Kiều rõ ràng đã ở một tầm nhan sắc khác. Ta có thể thấy rõ được ngụ
ý này của Nguyễn Du qua hai câu thơ chuyển “Kiều càng sắc sảo mặn mà/So bề tài sắc lại là
phần hơn”.

“Làn thu thủy, nét xuân sơn


Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”
So với Thúy Vân, thì đến Thúy Kiều dường như Nguyễn Du lại càng vận dụng triệt để cải thủ
pháp ước lệ tượng trưng. Nếu như ở Vân tác giả còn chỉ rõ vẻ đẹp của từng bộ phận trên cơ thể,
rồi đem ví với thiên nhiên, thì ở Thúy Kiều, hầu như Nguyễn Du chỉ gợi nhẹ, dùng bút pháp
chấm phá để người đọc tự liên tưởng ra bức tranh Thúy Kiều. “Làn thu thủy” tức là nói đến đôi
mắt trong như nước mùa thu, với những rung động nhẹ nhàng, mà nói đến đôi mắt mang màu
nước, lại còn là mùa thu thì đó lại gợi cho ta một vẻ đẹp tuyệt trần, yếu đuối, và vô cùng lãng
mạn. Nhưng cũng đồng thời chỉ ra rằng người có đôi mắt ấy lại là người đa sầu, đa cảm và cũng
là người có số kiếp truân chuyên, vận mệnh đào hoa. Tương tự “nét xuân sơn”, tức là chỉ đôi
mày đẹp như núi mùa xuân, khiến người ta liên tưởng đến đôi mày liễu, gọn mảnh, cong, mang
đến vẻ đẹp xuân sắc cho cả khuôn mặt, đó cũng là một nét đẹp tuyệt hiếm có, biểu lộ tính cách
nhu thuận, dịu dàng của người phụ nữ. Thế nhưng Nguyễn Du tại sao không so với những sự vật
khác mà lại gợi ra đôi mày của Kiều bằng hình ảnh núi non, điều này cũng làm ta phải suy nghĩ.
Có thể giải thích rằng đó cũng lại là một ngụ ý nữa về cuộc đời của Kiều, cũng gập ghềnh trắc
trở y như dáng núi, hết lên lại xuống, khó có được ngày hiền hòa yên giấc. Đó là nói về đôi mắt,
để nói về vẻ đẹp của Kiều Nguyễn Du còn có câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, dẫu
chưa phân tích thế nhưng từ bề mặt chữ ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy Thúy Kiều là một cô
gái có vẻ đẹp rất sắc sảo, mặn mà khác hẳn với cái vẻ đẹp trang nhã, nhẹ nhàng của cô em Thúy
Vân. So với “Làn thu thủy, nét xuân sơn” thì câu thơ này lại càng mơ hồ không rõ là Nguyễn Du
muốn phiếm chỉ vẻ đẹp nào của Thúy Kiều. Thế nhưng từ chữ “thắm” có lẽ là tác giả muốn miêu
tả nét môi nàng Kiều, môi đỏ như son, đến loài hoa cũng phải ghen tị vì chẳng tươi được bằng
đôi môi của nàng. Một cách hiểu khác, có thể “thắm” ở đây là chỉ vẻ đẹp thiên tiên, tuyệt trần,
đằm thắm của Thúy Kiều mà không một loài hoa nào có thể sánh ngang được. Cách hiểu này
khiến ta liên tưởng đến một trong bốn tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại, nàng Dương Qúy
phi với vẻ đẹp “tu hoa”, đến hoa cũng phải xấu hổ vì không sánh bằng. Ý “liễu hờn kém xanh”
lại càng đặc sắc trong nghệ thuật gợi tả ước lệ của Nguyễn Du, ai cũng biết rằng loài liễu là loài
nức danh với bản tính mềm mại, dịu dàng, thế nhưng khi so với Kiều thì lại phải hờn vì “kém
xanh”. Ở đây xanh tức là chỉ sức sống, sự dẻo dai, cũng đồng nghĩa với việc gợi ra cái dáng hình
lả lướt, mềm mại, uyển chuyển tuyệt thế so với liễu chỉ có hơn chứ không kém của Thúy Kiều.
Như vậy so với Thúy Vân, thì vẻ đẹp của Thúy Kiều còn được gợi ra thông qua dáng hình mềm
mại, yếu đuối, mà có lẽ nghĩ sâu hơn ta có thể tưởng tượng được thân hình tuyệt thế của nàng.
Tuy không đặc tả Kiều một cách rõ nét như Thúy Vân nhưng Nguyễn Du đã dành hai câu thơ để
nhấn mạnh nhan sắc Kiều rằng “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một tài đành
họa hai”, ý chỉ vẻ đẹp của Kiều có lẽ cũng chẳng khác gì những Tây Thi, Điêu Thuyền thuở xưa,
hồng nhan thì họa thủy, nghiêng nước nghiêng thành là có thật. Và thực sự, Kiều cũng khiến một
nam nhân như Từ Hải rời bỏ một cõi, rồi cuối cùng rơi vào kết cục không thể vãn hồi.

Đặc biệt Thúy Kiều có vẻ đẹp nổi trội hơn không chỉ ở nhan sắc mà nó còn thể hiện ở tài năng
của nàng, thiết nghĩ Nguyễn Du tuy có tư tưởng tiến bộ, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc
của nền Nho học cho rằng phụ nữ không cần quá xuất sắc thì mới có thể hạnh phúc và tiêu biểu
cho hình mẫu này là Thúy Vân, còn ngược lại phụ nữ mà vừa có nhan sắc, lại còn có tài thì
thường bạc mệnh. Thế nên Nguyễn Du mới xây dựng hình tượng Kiều vừa có nhan sắc tuyệt
diễm, lại thêm là bậc kỳ tài trong thi, ca, nhạc, họa. Nàng là người con gái thông minh, học một
biết mười, đặc biệt với món đàn tỳ bà thì lại càng là tay nghề trác tuyệt. “cung thương làu bậc
ngũ âm”, nàng có thể tự phổ nhạc, sáng tác nên các khúc đàn hay, thế nhưng có lẽ như một điềm
báo về kiếp hồng nhan bạc mệnh, từ việc tinh thông tỳ bà - thứ đàn vốn hay xuất hiện ở chốn
phong trần, âm vực rộng rãi, cầm phổ chủ yếu là những nốt buồn bã thê lương. Cho đến việc bản
thân Kiều cũng viết bản “Bạc mệnh”, buồn thương, não nề đã phần nào thể hiện được cuộc đời
đầy sóng gió của một trang giai nhân tuyệt sắc.

“Phong lưu rất mực hồng quần


Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Những câu thơ cuối lại quay về miêu tả hoàn cảnh sống của hai chị em, cả hai nàng xuất thân con
viên ngoại nên cuộc sống cũng được xem là khá giả, “phong lưu”, sống trong lụa là gấm vóc.
Kiều và Vân đã sắp tới tuổi cập kê, gần tuổi xuất giá, trước khi sóng gió ập đến thì chị em “êm
đềm trướng rủ màn che”, cuộc đời trôi qua yên ả, vui vầy. Dẫu cũng đã trưởng thành, nhưng cả
hai nàng đều còn rất thanh thuần, tinh khiết, bao nhiêu thứ ái tình “ong bướm”, Kiều Vân cũng
chưa từng nếm trải, giữ gìn nền nếp gia phong một phép.

“Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”. Chẳng biết Nguyễn Du sở hữu bao nhiêu tài năng, dành
bao nhiêu tâm huyết để vẽ nên bức tranh có một không hai ở “Chị em Thúy Kiều”. Đoạn trích
Chị em Thúy Kiều là phân đoạn thể hiện rõ nét tài năng bậc thầy của Nguyễn Du trong việc miêu
tả người thông qua bút pháp ước lệ tượng trưng, chỉ gợi, vẽ vào một nét bút chấm phá, để người
đọc tự khai phá ra bức tranh nhân vật. Bức tranh tinh tế, sống động, chân thật và gần gũi, mà khi
nhìn ngắm người ta có thể cảm nhận được từng hơi thở của thi sĩ, giọt nước mắt thương cảm về
số phận phía trước chẳng mấy hoan hỉ của Thúy Kiều. Ngay bây giờ và đến mãi về sau, Truyện
Kiều luôn là áng văn chương bất hủ truyền tụng đời đời.

You might also like