You are on page 1of 4

“Nước Nam đẹp nhất nàng Kiều…”

Có lẽ, khi được hỏi, không ít những độc giả trung thành với kiệt tác của đại thi hào
Nguyễn Du sẽ đưa ra nhận định này. Và chính Nguyễn Du cũng chẳng từng ca ngợi
người thiếu nữ ấy “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một tài đành
họa hai” đó sao? Thế nhưng, đối với tôi, người con gái hồng nhan bạc mệnh này
không chỉ có sắc đẹp hay tài năng cầm kỳ thi họa, mà chính cái tình của nàng với
cuộc đời, với con người mới thật đáng trân trọng.
Đọc đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, chắc hẳn nhiều cô gái từng ao ước vẻ đẹp quý
phái, phúc hậu, sang trọng hơn người “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” của
Thúy Vân. Ấy vậy mà chỉ trong vài câu thơ sau, khi nàng Kiều xuất hiện ta sẽ phải
ngỡ ngàng: đây mới là một trang tuyệt thế giai nhân. Để khắc họa chân dung nàng,
ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã lựa chọn nghệ thuật điểm nhãn tài tình, họa lên
thần sắc của đôi mắt, nét mày người thiếu nữ:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Đôi mắt Kiều trong veo như làn nước mùa thu, như ẩn chứa trong đó một nỗi buồn
mênh mang, một tâm tư u hoài, đa sầu đa cảm, ẩn chứa một tâm hồn mặn mà sâu
thẳm đằng sau nét thơ ngây, trong sáng, gợi cho người đọc mong muốn được khám
phá, thấu hiểu. Tô điểm cho đôi mắt đẹp là đôi mày thanh thoát như nét núi mùa xuân,
không cần điểm trang cầu kỳ mà vẫn tươi trẻ, thanh thoát, diễm lệ. Nhan sắc vượt lên
trên mọi quy chuẩn của Thúy Kiều được thâu tóm qua hai chi tiết, hai nét vẽ sắc sảo
mà khéo léo của ngòi bút thi nhân, khiến ta có ấn tượng nàng cũng là một trang
nghiêng nước, nghiêng thành như những Tây Thi, Dương Quý Phi…nức tiếng
phương Bắc thuở nào. Nếu như vẻ đẹp của Thúy Vân là sự hòa hợp với thiên nhiên,
thì vẻ đẹp của Kiều thậm chí khiến hóa công phải hờn ghen, đố kỵ, tự thấy mình thua
kém, nhỏ bé so với người con gái họ Vương. Đã vậy, Kiều không chỉ xinh đẹp ở
ngoại hình, mà nàng còn đích thực là con người tài sắc vẹn toàn:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”.
Đại thi hào Nguyễn Du đã khắc họa chân dung nàng Kiều với trí tuệ và tài năng hoàn
toàn tương xứng với nhan sắc diễm lệ. Trí thông minh trời ban giúp nàng thông thạo
cầm, kỳ, thi, họa, là bốn món nghề tao nhã, phong lưu, không chỉ hết mực được coi
trọng trong xã hội xưa mà còn khẳng định tài hoa trọn vẹn của con người. Trong số
đó, ngón đàn của nàng là tài tình nhất, nằm ở một tầm cao khác so với người đời.
Kiều không chỉ am hiểu các cung bậc của âm giai cổ - “Cung thương làu bậc ngũ âm”
– mà tiếng đàn của nàng còn “ăn đứt” khúc hồ cầm ly biệt đã lưu danh sử sách của
Chiêu Quân với Hán đế trên đường đi cống rợ Hồ. Với Kiều, tài đàn là cái kỹ nghệ
riêng vô cùng đặc biệt, xuất chúng. Có thể nói, hình tượng Thúy Kiều trong kiệt tác
của Nguyễn Du đã đạt đến tầm cao của sự hoàn thiện, là sự kết hợp hài hòa giữa nhan
sắc lộng lẫy và tài năng hơn người, xứng đáng để ngợi ca, trân trọng.
Đôi mắt Thúy Kiều là đôi mắt tựa hồ ngây thơ trong trẻo nhưng lại hàm chứa cái tình
đậm đà, sâu sắc với cuộc đời như những đợt sóng ẩn hiện dưới mặt nước thu phẳng
lặng. Trước hết, cái tình ấy mang dáng dấp hồn nhiên, yêu đời, trẻ trung của người
con gái đang độ xuân thì trước thiên nhiên, đất trời đang thay da đổi thịt được thể hiện
qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lên trắng điểm một vài bông hoa”
Sức sống căng tràn trong từng nhành cây, ngọn cỏ, bắt rễ vào tâm hồn thiếu nữ của
hai chị em Vân, Kiều trên đường du xuân. Cảnh đẹp đẽ, tươi sáng cho thấy lòng người
cũng đang mang những nét vui hân hoan, rạo rực, cùng biết bao say sưa, ngây ngất
trước vẻ đẹp của đất trời và cuộc đời.
Với Thúy Kiều khi ấy, tâm hồn trong sáng, thơ ngây của nàng không chỉ gửi vào cảnh
sắc thiên nhiên, mà còn hòa chung trong cuộc vui của những nam thanh nữ tú mở đầu
cho một năm mới tốt lành, như ý:
“Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
Chỉ với vài nét miêu tả ngắn gọn, Nguyễn Du đã đưa người đọc ngược dòng thời gian,
trở về hít thở cái không khí náo nức, nhộn nhịp của lễ hội truyền thống cách đây ngót
mấy trăm năm. Những từ ghép như “gần xa”, “yến anh”, “tài tử - giai nhân”,… cùng
với các từ láy gợi tả “dập dìu”, “nô nức”, “ngổn ngang” được kết hợp đầy khéo léo,
tài tình trong những cặp tiểu đối, trong cách nói dựa trên ca dao, tục ngữ bình dị, thân
quen đã tái hiện thành công khung cảnh đông vui, rạo rực mà không kém phần phong
lưu, thanh lịch của ngày hội vui. Hai chị em Kiều cũng nhập cuộc trong tâm thế rộn
ràng, đầy háo hức, chờ mong, hòa trong không gian bao la với lòng người sôi nổi, trở
thành một phần của đất trời, của lễ hội. Ấy thế nhưng, cuộc vui ngắn chẳng tày gang,
chẳng mấy chốc mà hoàng hôn đã buông, báo hiệu ngày sắp tàn. Sự nhộn nhịp qua đi,
để lại trong tâm hồn Vân và Kiều là nỗi niềm bâng khuâng, khắc khoải, luyến tiếc,
đượm buồn theo hơi thở của cảnh vật trong cái khoảnh khắc “Tà tà bóng ngả về tây –
Chị em thơ thẩn dang tay ra về”. Các nàng vẫn còn “Bước lần theo ngọn tiểu khê”
xem phong cảnh, như muốn níu kéo chút gì còn sót lại của một ngày. Những từ
“thanh thanh”, “nao nao” không chỉ khắc họa được cái buồn vắng, ảm đạm của cảnh
vật, mà còn làm bật lên nỗi lòng thổn thức trong im lặng của con người.
Có thể nói rằng, với tâm hồn đa cảm và tinh tế, Thúy Kiều không chỉ yêu những
khoảnh khắc sôi nổi, rực rỡ mà còn tha thiết, chìm đắm trong nỗi u hoài, nhớ tiếc khi
chúng qua đi, chứng tỏ cái tình mặn mà, đằm thắm, sâu xa của nàng với cuộc đời. Vì
thế mà sống trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, người thiếu nữ đa đoan vẫn
nhận thức rất rõ bao đau khổ, ai oán mà người đời phải nếm trải như khi khóc trước
mộ Đạm Tiên:
“Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống thành ma không chồng”.
Cái tình với Đạm Tiên trong giây phút viếng mộ đã tô đậm cái tình của Kiều với con
người nói chung, cái tình luôn canh cánh, day dứt trong tâm hồn nàng. Không chỉ
đồng cảm với kiếp hồng nhan bạc mệnh, lòng Kiều còn luôn hướng về những người
thân ruột thịt mà cụ thể là cha mẹ nàng:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.
Bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích, càng đau đớn, tủi nhục cho phận mình bao nhiêu
thì Kiều càng xót xa, lo lắng cho cha mẹ già ở nhà bấy nhiêu. Nàng mường tượng ra
khung cảnh hai đấng sinh thành mỏi mòn ngóng chờ tin con trông vô vọng mà thấy
lòng đau như xé. Với tấm lòng hiếu thảo của người con cả, nàng băn khoăn, trăn trở
không yên khi nghĩ đến việc không ai chăm sóc cha mẹ chu đáo mỗi khi nắng mưa,
trái gió trở trời. Nghĩ đến quê nhà và ngày đoàn tụ hãy còn xa ngái, Kiều bần thần,
buồn bã nghĩ đến cảnh tuổi già ập đến với cha mẹ khi những gốc thị do người trồng
“đã vừa người ôm”, mà nàng còn chưa có cơ hội được báo hiếu, đáp đền công ơn sinh
thành, dưỡng dục. Tấm lòng hướng về gia đình của Kiều còn được tiếp tục khắc họa
trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”. Khi bước ra chào Mã Giám Sinh, Kiều
mang trong lòng bao nỗi đau chồng chất khi nghĩ đến cảnh nhà tan cửa nát, cha và em
bị hại, đến nỗi “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Vì gia đình, người con gái
vốn xinh đẹp, tài hoa, gia giáo ấy sẵn sàng bán mình làm vợ lẽ cho người, dẫu cho
trăm điều tủi nhục, bẽ bàng.
Là kiếp hồng nhan bị sóng đời vùi dập, Thúy Kiều vẫn luôn giữ trọn cho mình cốt
cách vị tha, luôn vì người khác trước khi vì mình. Sống trong cảnh cô đơn dày vò nơi
lầu Ngưng Bích, phải chịu cảnh làm kỹ nữ, nàng vẫn một lòng tưởng nhớ đến Kim
Trọng. Kiều không khi nào thôi tơ tưởng, vấn vương cái đêm hai người thề nguyền
“nhất dạ đồng tâm” dưới ánh trăng vằng vặc, trước khi cuộc đời trớ trêu nhẫn tâm
chia lìa đôi lứa. Nàng thương cảm biết bao cho mối tình vô vọng, cho chàng Kim
uổng công chờ đợi mà không hay biết nàng đã đi xa. Bên cạnh đó, lòng vị tha của
Kiều cũng được làm rõ trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán”. Trong tác phẩm
gốc của Thanh Tâm Tài Nhân, bị Hoạn Thư ghen tuông, đày đọa nên khi trở về báo
thù, Kiều đã ra lệnh cho thuộc hạ đánh đòn Hoạn Thư một trận kinh hồn đáng tởm.
Thế nhưng, Kiều của Nguyễn Du có cách hành xử hoàn toàn trái ngược, nàng nghĩ
đến thân phận đàn bà và kiếp chồng chung éo le mà tha cho thị. Hơn nữa, Kiều còn
nhớ ơn và trả ơn Thúc Sinh rất hậu: “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân/Tạ lòng dễ xứng
báo ân gọi là”. Dù sao Thúc Sinh cũng là người đã giải cứu nàng khỏi lầu xanh, đưa
nàng về làm vợ bé và cho nàng những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Vì thế, cho dù hắn
bạc nhược, yếu hèn, nhiều lần khiến Kiều đau khổ, tủi nhục với vợ cả Hoạn Thư,
nhưng nàng vẫn bỏ qua tất cả đề đền ơn đáp nghĩa. Cách đối xử thấu lý đạt tình đó
không chỉ thể hiện sự khác biệt giữa hình tượng Thúy Kiều mà hai tác giả xây dựng,
mà còn cho thấy Kiều vô cùng vị tha, thương người, chỉ trừng trị những thế lực xấu
xa, tàn nhẫn trong xã hội kim tiền như Tú Bà, Sở Khanh hay bọn tay sai Ưng Khuyển.
Cùng với tài năng và nhan sắc vượt trội, những đức tính tốt đẹp của Thúy Kiều đã góp
phần khắc họa nên chân dung nàng với vẻ đẹp hoàn mỹ, trọn vẹn. Nhờ vậy, hình
tượng Kiều mới trở nên kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam và bất tử trong
lòng độc giả bình dân, những con người chân chất, hiền lành dù không biết chữ vẫn
thuộc lòng Kiều, vẫn say mê bói Kiều, lẩy Kiều. Vị trí không thể thay thế của kiệt tác
này còn tôn vinh Nguyễn Du – người cha có công “tái sinh” “Truyện Kiều, lên tầm
vóc của bậc đại thi hào dân tộc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

You might also like