You are on page 1of 5

Xã hội già hóa và tỉ lệ sinh thấp vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề nổi bật và nan giải
của Nhật Bản trong 10 năm tới. Theo quan điểm quốc tế, khi tỉ lệ người già trên
65 tuổi vượt trên 7% dân số thì gọi là già hóa dân số. Con số này ở Nhật Bản từ
năm 1970 đã là 7,1%, năm 1980 là 9,1%, 1990 là 12,1%, 2010 là 26%, dự báo
đến năm 2020 sẽ là 27,8%. Theo tính toán của Viện nghiên cứu dân số và đảm
bảo xã hội, tổng chi phí cho đảm bảo xã hội chiếm 22,5% thu nhập quốc dân, và
nếu  tình hình già hóa dân số tiếp tục tiến triển như hiện nay, trong khi các điều
khoản về lợi ích cho người già không thay đổi, thì đến năm 2025 con số này sẽ
phình to, lên đến 32,5%. Tình trạng phụ nữ kết hôn muộn, không muốn có con
là những nguyên nhân hàng đầu của vấn đề tỉ lệ sinh giảm, một trong những yếu
tố góp phần làm già hóa dân số. Hiện nay, số con trung bình trong 1 gia đình chỉ
khoảng 0,4 người. Nhiều biện pháp khắc phục đã được đề ra như: tăng cường hệ
thống phúc lợi dành cho người có con nhỏ với nhiều ưu đãi, thực hiện các chính
sách khuyến khích sinh đẻ, hoàn thiện hơn nữa môi trường giáo dục nhà trẻ,
mẫu giáo để các bà mẹ có thể yên tâm gửi con đi làm, giảm bớt gánh nặng việc
nhà và chăm sóc con nhỏ cho người phụ nữ…  Nhưng căn nguyên của vấn đề
bắt nguồn từ lối sống độc thân, sự thu hẹp quy mô gia đình, tiếp tục gia tăng
kiểu gia đình một người… của xã hội hậu công nghiệp, vì vậy, sự thay đổi trong
tư duy, lối sống là yếu tố rất quan trọng để thay đổi tình trạng xã hội già hóa ở
Nhật Bản hiện nay.
- Manh nha xu hướng của một xã hội mới - người phụ nữ có thể cân bằng việc
gia đình với công việc xã hội. Đây là một xu hướng mang tính tích cực, có thể
góp phần từng bước giảm bớt hiện tượng kết hôn muộn, không kết hôn hoặc
không muốn có con. Ở phần trên, chúng ta đã xem xét sự thay đổi trong cách
suy nghĩ của nam, nữ Nhật Bản về “gia đình” và sự biến đối các giá trị quan liên
quan. Những biến đối này là hệ quả của sự đỗ vỡ chế độ “nhà” (ie) kiểu cũ ở
Nhật Bản trước chiến tranh và sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong xã hội,
đồng thời còn là kết quả của việc thực hiện Hiến pháp mới với tiêu chí “tôn
trọng cá nhân”, “bình đẳng nam nữ”… Tuy nhiên, trên thực tế, hiện thực xã hội
Nhật Bản vẫn còn chưa đuổi kịp sự tiến bộ của ý thức. Ví dụ, ý thức “coi trọng
cả việc nhà và việc làm nơi công sở” đã phát triển nhiều, nhưng trên thực tế tỉ lệ
phụ nữ đi làm trong thời gian nuôi con nhỏ là rất ít. Dân số trẻ em giảm ở Nhật
Bản là do tỉ lệ không kết hôn hoặc kết hôn muộn cao, số con của mỗi cặp vợ
chồng ít. Phải chăng nếu để phụ nữ được tự do lựa chọn “vừa nuôi con, vừa đi
làm” thì tỉ lệ bỏ việc sau khi sinh con sẽ ít đi, việc kết hôn và sinh con có lẽ
cũng không trở thành gánh nặng nữa, và có thể vì thế mà hiện tượng ít con ở
Nhật Bản sẽ được khắc phục. Điều này phụ thuộc vào ý thức tham gia việc nhà
của người đàn ông, giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, để cả vợ và chồng cùng đi làm, phải cần tới một cuộc cách mạng về
việc làm, giờ lao động, hình thức lao động… Mặt khác, nếu chế độ chăm sóc trẻ
em mẫu giáo, nhà trẻ không được cải thiện, thì người phụ nữ vẫn còn tiếp tục
phải ở nhà trông con. Có lẽ đối với mỗi gia đình cũng như đối với toàn xã hội
thì chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em đang là chính sách quan trọng bậc nhất.
Thời đại mà những bà mẹ phải gánh vác việc nhà và một mình chăm sóc con cái
vào thời kỳ tăng trưởng cao ở Nhật Bản có lẽ sắp chấm dứt, thay vào đó là thời
đại vợ chồng cùng làm việc, cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc gia đình, để
người phụ nữ vừa có thể làm việc nhà, vừa có thể đảm đương công việc xã hội.
- Xã hội bằng cấp cao vẫn tiếp tục phát triển, nhưng những vấn đề tiêu cực phát
sinh từ nó giảm đi, tiến tới xã hội học tập suốt đời. Hiện nay, mục đích học lên
cao của giới trẻ Nhật Bản không hoàn toàn giống với mục đích của những năm
70-80 (cạnh tranh gay gắt trong học tập, để khi ra trường có được việc làm tốt
tại công ty tốt…), mà còn mang những yếu tố của một xã hội phát triển như:
học để tự hoàn thiện bản thân, học để có được một việc làm phù hợp, học để
cống hiến cho xã hội,  hay đơn thuần vì thú vui, sở thích… Lấy trường hợp nữ
giới Nhật Bản làm ví dụ:  hiện nay, ngay cả trong các trường đại học nữ thục,
xu hướng học để làm việc xã hội cũng bắt đầu hiện rõ. Trước đây không lâu,
mục tiêu học lên đại học của giới nữ Nhật Bản chủ yếu là để trở thành người
con dâu có học thức, người mẹ hiểu biết. Chính vì thế, các chuyên ngành mà nữ
chọn thường là khoa văn học, nhân học, giáo dục học… Tuy nhiên, bước vào
thập kỷ 90, tỉ lệ nữ học trong các ngành này giảm, thay vào đó là các ngành
kinh tế học, xã hội học tăng lên, thậm chí tỉ lệ nữ nhập học vào các ngành khoa
học tự nhiên, kỹ thuật cũng tăng và gần đây, ngành chăm sóc sức khỏe tăng
mạnh. Tại một số trường nữ sinh, sinh viên có xu hướng chọn các ngành học
gắn với ý thức nghề nghiệp của họ sau này như ngành kinh doanh… Tóm lại, có
thể thấy rằng, khuynh hướng học cao của nữ giới hiện nay có liên quan đến sự
gia tăng quan niệm của xã hội về việc “nữ giới cũng nên có việc làm, tiếp tục
làm việc sau khi lấy chồng và sinh con” và sự tiến triển của ý thức bình đẳng
giới, mong muốn được tự khẳng định mình của bản thân giới nữ hiện nay. Do
mục tiêu học tập thay đổi như vậy, nên việc cạnh tranh gay gắt, dẫn đến nạn
trầm uất, tự tử vì căng thẳng trong học tập cũng giảm đi. Tình trạng tập trung
học tại các lò luyện thi cũng giảm, do các trường đại học mở ra nhiều, sinh viên
ít, chỉ tiêu tuyển sinh dễ dàng hơn, cộng với những cải cách trong quy chế thi
cử, xét tuyển… đã thay đổi tình trạng này. Những vấn đề khác trong trường học
như bạo lực, bắt nạt, bỏ học… vẫn còn tồn tại, nhưng xuất phát từ những
nguyên nhân xã hội là chính (ảnh hưởng từ lối sống hiện tại, internet, phim ảnh
bạo lực nước ngoài), lý do bất cập từ hệ thống giáo dục ít nhiều đã giảm. Công
cuộc cải cách giáo dục được thực hiện trong hơn 20 năm qua (từ năm 1984 đến
nay) đã bước đầu tạo ra được cơ chế vật chất và tinh thần của một xã hội học
tập suốt đời với hệ thống giáo dục mở, mỗi thành viên xã hội, già, trẻ, gái, trai,
nếu có nhu cầu, đều có thể học tập ở bất cứ đâu, trong bất cứ giai đoạn nào của
cuộc đời.
- Về vấn đề lao động, với tình hình khó khăn tiếp tục kéo dài của nền kinh tế
Nhật Bản, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng, xu hướng lao động bán thời
gian, lao động phi chính quy trong thanh niên tăng lên. Hiện nay, xu hướng
thanh niên chọn học các ngành khoa học xã hội, hoặc các ngành liên quan đến
dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, tư vấn xã hội đang tăng lên,
trong khi tỉ lệ học tại các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật rất ít, chỉ
chiếm 1/3. Một trong các nguyên nhân là do sự thay đổi cơ cấu các ngành sản
xuất ở Nhật Bản, mà trong đó ngành công nghiệp dịch vụ chiếm tới 70%, như
đã nói ở trên. Mười năm tiếp theo vẫn sẽ là thời đại của xã hội công nghệ thông
tin, tuy nhiên thanh niên Nhật theo học ngành này không nhiều, hiện nay Nhật
Bản đang phải nhập khẩu lao động trong lĩnh vực IT từ các nước Đông Nam Á
và Ấn Độ. Trong tương lai sẽ có sự chênh lệch đáng kể, khi nước này thiếu hụt
lao động kỹ thuật, nhưng lại dư thừa lao động trong ngành dịch vụ và lĩnh vực
khoa học xã hội, tỉ lệ thất nghiệp tăng là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác,
lực lượng lao động dư thừa trong một số ngành sẽ phải chuyển sang làm công
việc phi chính quy, bán thời gian theo các loại hợp đồng lao động ngắn hạn
hoặc lao động phái cử, khiến cho lao động này tiếp tục tăng. Tình hình kinh tế
khó khăn còn khiến cho các công ty phải hạn chế hợp đồng lao động chính quy
và dài hạn, vốn chiếm nhiều chi phí do các khoản phúc lợi đặc thù mà loại hợp
đồng này đòi hỏi. Kết cục là mô hình tuyển dụng và quản lý lao động truyền
thống ở Nhật Bản tiếp tục bị phá vỡ, sự hỗn tạp của cơ cấu lao động   tăng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải quay về với mô hình tuyển dụng lao
động suốt đời theo kiểu truyền thống vì nó phù hợp với Nhật Bản, hạn chế được
những vấn đề xã hội do sự phức tạp của mô hình lao động châu Âu và Mỹ mang
đến. Nhưng rõ ràng là sẽ rất khó khăn để quay về mô hình cũ, khi xã hội đã có
nhiều thay đổi, tình hình kinh tế khó khăn và ý thức về lao động, việc làm của
người dân Nhật Bản cũng đã thay đổi đáng kể. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự
cạnh tranh ngày càng quyết liệt, và có thể không lâu nữa, nước Nhật sẽ phải tính
đến một điều không mong muốn: nới lỏng chế độ cho người nhập cư, hoặc thực
hiện chế độ nhập khẩu chính thức lao động từ nước ngoài.
- Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển, xu hướng quốc tế hóa văn hóa Nhật Bản trở
nên rõ nét. Toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế trong 10 năm tới, và sẽ ảnh hưởng
sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có văn hóa. Mặc dù người Nhật
Bản luôn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, tránh mọi ảnh hưởng lai căng
như hạn chế người nhập cư…, giữ gìn sự “thuần chủng” của dân tộc và văn hóa.
Tuy vậy, xu thế hội nhập, quốc tế hóa vẫn sẽ là xu thế tất yếu cho sự phát triển
của Nhật Bản. Dự định xuất khẩu văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài trong chiến
lược tăng trưởng mới của chính phủ nước này là một minh chứng cho điều đó.
Nhờ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc giới thiệu văn hóa Nhật Bản ở
nước ngoài, và nhờ chính sự  hấp dẫn của văn hóa Nhật Bản, thời đại của món
ăn “sushi”, thời trang “kawaii”, thời trang “harajuku”, của những cuốn truyện
tranh “manga” và phim hoạt hình “anime” đã bùng nổ tại châu Á, châu Âu và
Mỹ suốt một thập kỷ qua. Nếu như trước đây nước Nhật nổi tiếng với các nhãn
hiệu Toyota, Honda, Sony… thì rất có thể trong vài thập kỷ tới, Thế giới sẽ biến
đến Manga, Anime, Sushi, Kawaii… với tư cách là những biểu tượng mới của
đất nước mặt trời mọc. Những cái tên Haruki Murakami, Banana Yoshimoto
cũng không còn xa lạ với đời sống văn học Thế giới. Tiểu thuyết Nhật Bản cổ
đại đã từng được đánh giá là ra đời sớm nhất và kinh điển cho dòng văn học tiểu
thuyết thế giới vào thế kỷ 10 với Genji Monogatari, thì có thể, trong tương lai
không xa tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản sẽ một lần nữa trở thành trào lưu trong
nền văn học và văn hóa thế giới đương đại.
- Xã hội thông tin với những tiện ích và vấn đề của nó đang ảnh hưởng ngày
càng sâu rộng tới bộ mặt xã hội và lối sống người Nhật Bản. Vào năm 1995,
nối mạng internet được phổ biến hầu hết trong ngành kinh doanh ở Nhật Bản,
và từ nửa sau của thập kỷ 90, công nghệ thông tin đã được phổ biến nhanh
chóng và rộng rãi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Nhật Bản.
Nếu như năm 1997 mới chỉ có khoảng chưa đầy 10% người dân dùng internet
thì sau 5 năm đã lên đến 50%, còn theo thống kê năm 2008 thì cứ 4 người dân
Nhật lại có 3 người dùng internet. Số người sở hữu điện thoại di động tại Nhật
Bản cũng tăng nhanh, từ khoảng 50% năm 2002 đã lên tới 75% vào năm 2008.
Công nghệ thông tin phổ biến nhanh chóng như vậy đã làm thay đổi bộ mặt xã
hội và lối sống ở Nhật Bản và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong thập kỷ tới. Một điều
dễ nhận thấy là văn hóa đọc đã có nhiều thay đổi: người Nhật nổi tiếng là một
dân tộc thích đọc sách, nhưng ngày nay, việc đọc tin tức, đọc giải trí bằng
internet đã thay thế cho việc đọc báo, đọc sách, tiểu thuyết. Tivi cũng là một
phương tiện góp phần làm thay đổi văn hóa đọc sách của người Nhật. Trên tàu
điện, cảnh mỗi người cầm một cuốn Manga hoặc tiểu thuyết in khổ nhỏ đã
không còn nữa, văn hóa điện thoại di động đã làm thay đổi nó. Người ta có thể
giải trí bằng cách chơi trò chơi điện tử, thậm chí là đọc, nhưng qua hệ thống
thông tin internet truy cập bằng điện thoại di động chứ không phải là những
trang sách. Sự phổ biến của internet cũng làm cho việc giao lưu giữa người và
người thay đổi. Ngày nay, người ta có thể ngồi nhà và kết bạn qua mạng
internet, những trao đổi trong học tập hay công việc đều có thể được giải quyết
bằng internet.  Việc sống độc thân, lại khép kín nhờ tiện ích của hệ thống mạng,
kết cục làm nảy sinh nhiều căn bệnh xã hội như: bệnh khó giao tiếp (hikikomori
- có nghĩa là khép kín), bệnh trầm cảm, hay sản sinh ra thế hệ thanh niên Nit,
sống thu mình, khép kín, không muốn học tập và lao động. Mạng lưới thông tin
phát triển rộng rãi, ngay cả các em học sinh cấp một cũng được bố mẹ mua cho
điện thoại di động, nhưng bên cạnh những tiện ích mà nó mang đến, mặt trái là
vấn đề giảm sút cơ hội gặp gỡ trực tiếp, và sự đồng cảm, sẻ chia chỉ có được khi
con người đối diện nhau, mắt nhìn vào mắt mà trò chuyện dường như đã bị đánh
mất.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO


Nguyễn Duy Dũng, Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản,

Ths.Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.


Trích đề tài nghiên cứu cấp Viện năm 2010 “Văn hóa - xã hôi Nhật Bản: Những vấn đề nổi bật, xu
hướng chủ yếu trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến 2020”.

You might also like