You are on page 1of 6

Bài giảng.

Chăm sóc NB Nội khoa 1

BỆNH HỌC VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH VIÊM PHỔI


-------------------------------------------------------
BỆNH HỌC VIÊM PHỔI

1. Định nghĩa viêm phổi


Viêm phổi là một bệnh cảnh thương tổn các tổ chức ở phổi (phế nang, các tiểu
phế quản tận cùng và các tổ chức liên kết).
2. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều tác nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm phổi, sau đây là một số tác nhân
thường gặp:
- Vi khuẩn: các loại vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất hiện nay là phế cầu
khuẩn, Hemophillus Influenzae, Legionella pneumophila, Mycoplasma
pneumoniae. Ngoài ra, còn có một số vi khuẩn khác phải kể đến như liên cầu, tụ
cầu vàng,… hoặc các vi khuẩn thương hàn, dịch hạch.
- Virus: virus Cúm, virus Sởi, virus đậu mùa… (viêm phổi do virus chiếm tỷ lệ cao
khoảng 73% các trường hợp nhiễm trùng hô hấp – trong đó 40% là do virus Cúm)
- Nấm, ký sinh trùng (amip, giun đũa, sán lá phổi...)
- Các loại hóa chất: xăng dầu, acide hay dịch dạ dày...
- Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm phổi: tắc phế quản do u, ứ đọng dịch
tiết hô hấp thường xuyên, tia bức xạ...
3. Dịch tễ học
- Bệnh thường gặp và dế diễn biến nặng dẫn đến tử vong trên đối tượng người có
sức khỏe kém hoặc chưa hoàn thiện về hệ miễn dịch. Đặc biệt là nhóm đối tượng
người già và trẻ em; người suy dinh dưỡng, người có bệnh mạn tính, suy giảm
miễn dịch hay nghiện rượu.
- Bệnh cũng gia tăng vào những thời điểm chuyển mùa, có sự thay đổi nhiều về
nhiệt độ và độ ẩm
- Tuy hiện nay đã có nhiều loại kháng sinh đặc trị cho bệnh viêm phổi nhưng tỷ lệ
tử vong khi mắc bệnh vẫn còn rất cao. Tỷ lệ này tại Châu Á khoảng 4.1 – 13.4%
khi đối tượng người già và trẻ em mắc viêm phổi, tại các nước phát triển là 10 –
15%, tại Châu Âu là 4.4%; Châu phi là 12.9%

Trang 1/6
Bài giảng. Chăm sóc NB Nội khoa 1

4. Triệu chứng lâm sàng của viêm phổi


4.1. Giai đoạn khởi phát
- Bệnh thường khởi đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao, kèm theo rét run. Sốt có
tính chất dao động trong ngày
- Người bệnh bị đau tức ở ngực, khó thở nhẹ, ho khan
- Mạch nhanh, toàn trạng mệt mỏi; gầy sút
- Các triệu chứng thực thể hầu như chưa ghi nhận được trong giai đoạn này.
4.2. Giai đoạn toàn phát
Thông thường, từ ngày thứ ba trở đi, các triệu chứng lâm sàng thực thể sẽ xuất hiện
rầm rộ hơn:
- Người bệnh mệt mỏi, biếng ăn, khát nước; sốt cao liên tục đi đôi với sự tiến triển
của tình trạng nhiễm trùng.
- Tình trạng khó thở nặng nề hơn, ho nhiều hơn và khạc đờm đặc có màu gỉ sét hay
có máu. Khám phổi sẽ phát hiện hội chứng đông đặc phổi điển hình: rung thanh
tăng – đau nhiều khi ấn vào các khoảng gian sườn, gõ đục, nghe âm rì rào phế
nang giảm; có thể có âm thổi ống và rale nổ chung quanh vùng đông đặc, nếu
thương tổn nhiều có thể gây suy hô hấp cấp.
- Đôi khi có gan to và đau, có vàng da và xuất huyết dưới da. Ở trẻ em còn có các
triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chướng bụng…
4.3.Giai đoạn lui bệnh
Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tương đối tốt, được chẩn đoán đúng – điều
trị sớm và hợp lý bệnh sẽ thoái lui sau 7 – 10 ngày.
- Thân nhiệt trở về bình thường, tổng trạng hồi phục, người bệnh ăn ngon miệng
hơn.
- Ho giảm dần, đờm dãi khạc ra trong và loãng dần. Đau ngực và khó thở cũng
giảm dần, các âm và rale bất thường biến mất.
- Bệnh có thể khỏi hẳn sau 10 – 15 ngày điều trị và chăm sóc.
5. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính
- Tốc độ lắng máu tăng
- Soi tươi hoặc cấy đờm có thể tìm thấy phế cầu

Trang 2/6
Bài giảng. Chăm sóc NB Nội khoa 1

- Chụp X – quang phổi: hình ảnh một vùng mờ chiếm một thùy hay phân thùy,
thường thấy ở thùy dưới phổi bên phải.

6. Các biến chứng có thể xảy ra


- Tình trạng gia tăng của sự nhiễm trùng và nhiễm độc
- Suy hô hấp
- Nhiễm trùng huyết
- Abces phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi – màng tim…

7. Điều trị
- Điều trị nguyên nhân: có nhiều tác nhân khác nhau có thể dẫn đến bệnh viêm
phổi. Tùy thuộc vào đặc tính của từng loại tác nhân, ta có nhiều cách thức để điều
trị giải quyết nguyên nhân của viêm phổi. Nhưng liệu pháp chủ yếu và hiệu quả
vẫn là dùng kháng sinh sớm, đúng loại và đủ liều dựa vào kháng sinh đồ.
o Nếu do phế cầu, liên cầu: sử dụng kháng sinh chính là Penicillin G hay
nhóm Macrolid (Erythromycin, Roxythromycin… )
o Nếu do tụ cầu vàng: Amikacine (thuộc nhóm Aminosid, liều chỉ định
15mg/kg/ngày) hay Cefalosporin thế hệ thứ III (Claforan, Cefomic…)
o Tác nhân là vi khuẩn kỵ khí, sử dụng: Penicilline G hay Metronidazol…
o Nếu là viêm phổi do hóa chất: kết hợp sử dụng Prednison và Penicillin G
- Điều trị triệu chứng:
o Thuốc hạ sốt
o Đảm bảo thông khí, nếu có suy hô hấp thì sử dụng liệu pháp Oxy
o Sử dụng các thuốc giúp dãn phế quản
o Giúp người bệnh tống xuất đờm dãi đường hô hấp với thuốc long đờm
- Điều trị hỗ trợ:
o Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn bệnh tiến triển
o Xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng thích hợp: thức ăn dễ tiêu hóa,
giàu đạm, cung cấp đủ calo và các loại vitamin B, C
o Bù nước và điện giải khi người bệnh sốt cao, ăn uống kém, nôn, tiêu
chảy…

Trang 3/6
Bài giảng. Chăm sóc NB Nội khoa 1

8. Dự phòng bệnh viêm phổi


- Để phòng bệnh và giảm các biến chứng khi mắc viêm phổi, mỗi người phải tự rèn
luyện để nâng cao sức khỏe sẵng có của bản thân, tránh các điều kiện thúc đẩy
bệnh như môi trường ô nhiễm. Đồng thời tránh bị nhiễm lạnh, không hút thuốc
lá…
- Phòng ngừa và điều trị sớm, triệt để các vấn đề nhiễm trùng ở đường hô hấp trên,
các bệnh lý phổi mạn tính,…
- Ngày nay, cũng đã có nhiều loại vaccine giúp phòng ngừa viêm phổi. Tuy nhiên
chỉ mới phòng được bệnh với một số tác nhân nhất định.

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH VIÊM PHỔI

1. Nhận định
- Hỏi các vấn đề liên quan đến triệu chứng hô hấp hiện có trên người bệnh: đau
ngực, khó thở, ho, khạc đờm, tính chất của đờm…
- Khai thác các yếu tố tiền sử bệnh về hô hấp: các bệnh phổi mạn tính, vấn đề hút
thuốc lá…
- Kiểm tra các trị số của dấu hiệu sinh tồn: thông thường người bệnh viêm phổi sẽ
có mạch và nhịp thở nhanh, kèm với sốt cao
- Thu thập các dữ kiện về cận lâm sàng: kết quả xét nghiệm đờm, máu, nước tiểu…
các phim X – quang phổi, kết quả đánh giá chức năng hô hấp…
2. Lập kế hoạch chăm sóc
- Chăm sóc người bệnh trong cơn viêm phổi
- Thực hiện các y lệnh
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn – kịp thời phát hiện các bất thường
- Chăm sóc dinh dưỡng
- Đảm bảo vệ sinh
- Thực hiện vận động trị liệu
- Phòng tránh lây lan
- Giáo dục sức khỏe

Trang 4/6
Bài giảng. Chăm sóc NB Nội khoa 1

3. Thực hiện kế hoạch chăm sóc


3.1. Chăm sóc người bệnh trong cơn viêm phổi
- Luôn cần theo dõi sát toàn trạng của người bệnh viêm phổi, đặc biệt là trong dạng
viêm phổi thể nặng. Nhất là ở trẻ em và người già, chú ý đánh giá tính chất của hô
hấp, tần số thở…
- Phát hiện kịp thời và báo ngay cho Bác sĩ xử lý với các triệu chứng nặng như tím
tái, khó thở nhiều và liên tục, vật vã – kích thích, rối loạn ý thức hay mê sảng…
- Phối hợp nhiều biện pháp cùng với việc dùng thuốc để giảm các triệu chứng nguy
hiểm: lau mát để giảm sốt, cho người bệnh thở Oxy ẩm theo y lệnh, các thuốc
giúp giảm cơn đau ở ngực, các thuốc làm loãng đờm…
3.2. Thực hiện các y lệnh: khẩn trương và chính xác thực hiện các y lệnh về dùng
thuốc, lấy bệnh phẩm đúng cách và gửi đi xét nghiệm nhanh chóng.
3.3. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn – kịp thời phát hiện các bất thường
- Tùy vào tình trạng của bệnh, tần suất và mức độ thực hiện theo dõi DHST cho
người bệnh có khác nhau.
- Kết hợp theo dõi DHST với đánh giá tổng trạng, phát hiện các bất thường về tri
giác, các rối loạn về tuần hoàn – hô hấp, các dấu hiệu nhiễm khuẩn toàn thân...
- Cố gắng phát hiện dấu hiệu biến chứng của viêm phổi: tràn dịch màng phổi, xẹp
phổi...
3.4. Chăm sóc dinh dưỡng
- Món cho người bệnh ăn phải được hợp vệ sinh và sao cho phù hợp với khẩu vị mà
vẫn đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường đạm, bổ sung các vitamin từ rau quả... Lưu
ý không kiêng cữ thái quá trong ăn uống.
- Chú ý theo dõi lượng dịch vào ra, làm cơ sở cho việc bù nước và điện giải qua
đường uống – đường truyền tĩnh mạch... Cần bổ sung nhiều nước ấm để giúp long
đờm, bù vào lượng nước mất qua mồ hôi – qua hơi thở khi có sốt...
3.5. Đảm bảo vệ sinh
- Động viên, hỗ trợ người bệnh thực hiện vệ sinh thân thể hằng ngày để tránh bội
nhiễm. Khuyên người bệnh súc miệng lại với nước muối loãng sau mỗi lần ho –
khạc đờm, vệ sinh răng miệng thường xuyên...
- Đảm bảo vệ sinh giường bệnh – phòng bệnh sạch sẽ, thông thoáng...

Trang 5/6
Bài giảng. Chăm sóc NB Nội khoa 1

3.6. Thực hiện vận động trị liệu


- Điều dưỡng thực hiện và đồng thời hướng dẫn cho thân nhân người bệnh các thao
tác vỗ rung lồng ngực để giúp người bệnh dễ dàng hơn khi ho tống đờm ra bên
ngoài.
- Phối hợp với tư thế trị liệu để dẫn lưu phổi.
3.7. Phòng tránh lây lan
- Xử lý đờm dãi – chất tiết hô hấp, dịch nôn – dịch tiêu hóa... của người bệnh đúng
cách
- Hạn chế hoạt động thăm nuôi tại viện
- Nhân viên y tế phải trang bị đủ các dụng cụ bảo hộ, rửa tay trước và sau mỗi lượt
chăm sóc người bệnh.
- Cố gắng tạo và duy trì sự thông thoáng cho buồng bệnh.
3.8. Giáo dục sức khỏe
- Giải thích cho người bệnh và thân nhân hiểu về bệnh trạng hiện tại trong giới hạn
cho phép để họ yên tâm hơn, hợp tác hơn trong quá trình điều trị và chăm sóc.
- Hướng dẫn và khuyến khích người bệnh tập hít thở sâu – tập ho đúng cách.
- Khuyên người bệnh che miệng bằng khăn riêng (tốt nhất nên sử dụng loại khăn
dùng 01 lần) khi ho để tránh lây lan mầm bệnh cho mọi người xung quanh.
- Khi người bệnh sắp được xuất viện: Điều dưỡng hướng dẫn họ về chế độ dùng
thuốc tại nhà, căn dặn về thời gian tái khám. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn họ về
chế độ làm việc, học tập, luyện tập nâng cao sức khỏe... để tránh các biến chứng
và ngăn ngừa tái phát.
4. Lượng giá kết quả chăm sóc
Công tác chăm sóc người bệnh viêm phổi được đánh giá tốt nếu:
- Sau khi được điều trị và chăm sóc tích cực, tổng trạng người bệnh ổn định dần:
các triệu chứng bệnh thuyên giảm, các chỉ số về DHST trở về bình thường, người
bệnh không bị hay không gặp nguy hiểm do các biến chứng...
- Người bệnh có kiến thức về bệnh viêm phổi, biết cách phòng ngừa lây lan bệnh,
nắm được cách tự chăm sóc cho bản thân để tránh tái phát về sau./.

Trang 6/6

You might also like