You are on page 1of 9

RÈN KĨ NĂNG SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT

Dành cho: Ngành Giáo dục Tiểu học - hệ Đại học


Năm học 2021 - 2022

CẤU TRÚC ĐỀ THI GỒM 3 CÂU (THỜI GIAN LÀM BÀI 90’):
Câu 1 (3đ): Lí thuyết.
Câu 2 (3đ):
a. Hướng dẫn HS viết chữ hoa.
b. Viết và trình bày văn bản theo cỡ chữ nhỏ/vừa.
Câu 3 (4đ): Viết văn.

GIỚI HẠN ÔN TẬP:


Câu 1:
1. Thế nào là đọc đúng? Cho ví dụ.
- Đọc rõ tiếng, rõ lời, đúng chính âm
Đọc đúng chính âm là phát âm đúng hệ thống âm chuẩn của tiếng Việt. Hệ thống
phụ âm đầu, hệ thống nguyên âm giữa vần, hệ thống âm cuối vần, hệ thống thanh
điệu.
Ví dụ:
+ Tránh nhầm âm đầu l/n, vần ưu/iu; ươu/iêu... (Học sinh Bắc Bộ)
+ Tránh nhầm âm cuối n/ng; t/c, âm đầu v/d, vần ươu/ưu… (Học sinh Nam Bộ)
+ Tránh nhầm thanh hỏi/ngã; hỏi/ nặng… (Học sinh Trung Bộ)
- Ngắt nghỉ hơi đúng chỗ theo dấu câu và ngữ nghĩa
Ngắt giọng (ngừng hơi, nghỉ hơi) dựa vào dấu câu gọi là ngắt giọng logic. Kí hiệu
nghỉ hơi ngắn (/), kí hiệu nghỉ hơi dài (//). Các dấu câu có vai trò rất lớn trong việc
mách bảo ta ngắt hơi ở chỗ nào, ngắt hơi dài hay ngắn.
Ở vị trí dấu phẩy, ý của câu chưa hoàn chỉnh, lời văn còn tiếp tục khi đọc ngắt hơi
ngắn.
Ở vị trí dấu chấm, lời nói đã trọn vẹn, khi đọc nghỉ hơi dài hơn so với dấu phẩy.
Dấu chấm hết đoạn nghỉ dài hơn so với dấu chấm hết câu.
Dấu chấm lửng, khi đọc nghỉ lâu hơn ngắt giọng dấu chấm một chút.
Ngắt hơi ở chỗ có dấu chấm phẩy thường lâu hơn ở chỗ có dấu phẩy nhưng ngắn
hơn ngắt hơi ở dấu chấm.
Ví dụ: Ở mảnh đất ấy, tháng giêng/ tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột; tháng tám nước lên,
tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười, đi móc con da dưới vệ
sông.
(Nguyễn Khải)
Trong khi đọc, nhiều khi không có dấu câu vẫn cần phải ngắt giọng. Vì ngắt giọng
mới làm rõ nghĩa của văn bản.
+ Giữa hai nhóm chủ ngữ và vị ngữ của một câu dài:
Ví dụ: Nhân dân Việt Nam anh hùng/ luôn yêu chuộng hòa bình.
+ Trước các liên từ làm nhiệm vụ nối các thành phần câu:
Ví dụ: Nó từ từ tỉnh dậy/ và mở cặp mắt sưng mọng nhìn ra xung
quanh.
+ Khi có thành phần phụ:
Ví dụ: Một lần/ đã lâu rồi/ tôi qua Hồ Gươm.
+ Câu văn dài, có nhiều tầng ý nghĩa. Ngắt hơi có tác dụng tách câu thành nhiều
phần có mối quan hệ ngữ nghĩa, ngữ pháp với nhau.
Ví dụ: Nhân dân các địa phương/ đều phấn khởi// vì rừng ngập mặn
phục hồi/ đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập /và bảo vệ vững chắc đê điều.
(Phan Nguyên Hồng)
+ Một số câu văn ngắn, ngắt giọng thích hợp góp phần thể hiện nội dung.
Ví dụ: Ăn cơm không/ được uống rượu.
Ăn cơm không được/ uống rượu.
Ăn cơm/ không được uống rượu.
Khi đọc các văn bản thơ ca, việc ngắt giọng không chỉ phụ thuộc dấu câu mà còn
căn cứ vào ý nghĩa, nhịp điệu của thơ ca. Đó là ngắt giọng thơ ca.
- Đọc đúng kiểu câu. Câu kể đọc xuống giọng cuối câu. Câu hỏi, câu cảm, câu
khiến thường đọc cao giọng cuối câu. Câu cảm thán thường đọc cao hơn so với
câu khiến, câu hỏi.
2. Thế nào là đọc hiểu? Cho ví dụ.
Đọc hiểu là hoạt động giao tiếp, người đọc lĩnh hội lời nói đã được viết
thành văn bản làm thay đổi những hiểu biết, tình cảm hoặc hành vi của mình. Đọc
hiểu là thông hiểu những gì mình đọc, là cách đọc phân tích.
- Kĩ năng tìm hiểu đề tài, tên của văn bản. Đề tài trả lời cho câu hỏi văn bản viết
về ai, về việc gì… Để xác định đề tài của văn bản cần dựa vào chủ điểm, tranh
minh họa, tên bài, tên người, tên vật được nói tới. Tên bài thường ngắn nhưng giúp
chúng ta xác định được đề tài và phần nào đoán được nội dung văn bản.
- Kĩ năng đọc hiểu từ ngữ. Đó là nhận diện các từ mới, phát hiện những từ quan
trọng (các từ chìa khóa) trong các loại văn bản khác nhau và làm rõ nghĩa các từ
này bằng ngữ cảnh, bằng trực quan, bằng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa… Những
từ quan trọng là những từ mang ý nghĩa cơ bản giúp ta hiểu nội dung văn bản
Ví dụ: Trong đoạn cuối bài “Hạt gạo làng ta” (Trần Đăng Khoa), người đọc cần
hiểu nghĩa của từ “hạt vàng” (Em vui em hát. Hạt vàng làng ta). Hạt gạo được ví
như hạt vàng không chỉ ở màu sắc bên ngoài mà bởi ý nghĩa lớn lao của hạt gạo.
Hạt gạo làng ta kết tinh trong đó sự ưu đãi của thiên nhiên, của con người quê
hương. Hạt gạo được làm ra từ mồ hôi công sức, sự hi sinh dũng cảm của người
lao động trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Kĩ năng đọc hiểu câu. Kĩ năng phát hiện câu hay, hình ảnh đẹp và làm rõ nội dung
của câu trong đoạn, trong bài. Câu quan trọng thường có nghĩa hoàn chỉnh, mang
tính độc lập cao. Những câu quan trọng thường bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác
phẩm.
Ví dụ: Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! (Nguyễn Thế Hội)
Câu trên là câu quan trọng trọng trong bài, thể hiện được sự thích thú, cách đánh
giá của người viết với đối tượng miêu tả.
- Kĩ năng đọc hiểu đoạn
Đoạn là yếu tố trực tiếp cấu tạo thành bài. Ý của đoạn có thể được thể hiện tường
minh ở câu chủ đề. Vì vậy xác định đúng cấu trúc của đoạn sẽ giúp ta tìm được
câu chủ đề. Xác định nghĩa của các câu chủ đề giúp ta nắm được ý nghĩa của
đoạn.
Ví dụ: Bài “Sầu riêng” (Mai Văn Tạo), các ý chính của đoạn được xác định như
sau: Đoạn 1: nói về hương vị đặc biệt của trái sầu riêng; đoạn 2: nói về hình dáng,
màu sắc của hoa, trái sầu riêng; đoạn 3: nói về dáng cây sầu riêng.
- Kĩ năng đọc hiểu bài (văn bản)
Mỗi văn bản viết ra đều có một mục đích nào đó. Để đạt được mục đích, người
viết sẽ lựa chọn nội dung, cách diễn đạt, cách kết cấu văn bản… Đích của văn bản
có thể được trình bày một cách tường minh, cũng có thể được trình bày một cách
hàm ẩn. Khi đọc hiểu văn bản, ngoài ý nghĩa tường minh là các thông tin được
biểu hiện bằng các từ ngữ trong văn bản và bằng cấu trúc ngữ pháp của cụm từ,
câu, đoạn văn, văn bản, người đọc còn phải biết phân tích, khái quát, suy ý để rút
ra thông tin hàm ẩn của văn bản.
Ví dụ: Bài “Tre Việt Nam” (Nguyễn Duy), bên cạnh nội dung nói về phẩm chất
của cây tre cần thấy được phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam siêng năng,
cần cù, sống ngay thẳng, trung thực, biết yêu thương đoàn kết, bất khuất kiên
cường trong đấu tranh.
Quá trình đọc hiểu một văn bản thường diễn ra theo hai cách. Tùy theo vốn sống,
trình độ văn hóa, kĩ thuật đọc, để lựa chọn cách đọc phù hợp. Có thể đi từ nghĩa
chung, nghĩa khái quát của văn bản đến nghĩa của từng bộ phận trong văn bản, sau
đó khái quát lên chủ đề, tư tưởng của văn bản. Cũng có thể đi từ nghĩa của bộ phận
(từ ngữ, câu, đoạn) đến nghĩa chung của văn bản.
- Kĩ năng hồi đáp văn bản
Kĩ năng hồi đáp văn bản là kĩ năng người đọc thể hiện sự đánh giá tính đúng đắn,
tính thuyết phục, hiệu quả của nội dung văn bản, tính hấp dẫn, hiệu quả giao tiếp
của hình thức văn bản, những bài học rút ra được sau khi đọc văn bản.

3. Trình bày cách đọc văn bản thơ. Cho ví dụ.


a. Khái niệm
Thơ là tiếng nói của cảm xúc trào dâng, của trí tưởng tượng bay bổng. Ngôn ngữ
của thơ hàm súc, giàu hình ảnh, âm thanh.
b. Đặc điểm:
Thơ có cấu trúc âm thanh, vần điệu tương đối chặt chẽ. Mỗi thể thơ có những
niêm luật riêng. Thơ ca phản ánh cuộc sống thông qua những cảm xúc chủ quan
của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ thơ có những nét riêng khác ngôn ngữ văn xuôi.
+ Dòng thơ có một khuôn khổ nhất định. Có dòng chỉ có 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng,
có dòng có 6 tiếng, 8 tiếng…Mỗi dòng thơ thường có một ý tương đối hoàn chỉnh.
Trong thơ vắt dòng, có thể vài dòng thơ mới tạo nên một ý thơ. Dòng thơ cũng là
đơn vị của nhịp điệu.
+ Nhịp thơ là sự láy lại một cách đều đặn và nhịp nhàng những đoạn tiết tấu của
câu thơ. Mỗi dòng thơ thường là một nhịp. Đồng thời mỗi dòng lại có cách ngắt
nhịp riêng phụ thuộc vào thể thơ, ý nghĩa của câu thơ. Thơ thất ngôn, nhịp chủ yếu
là nhịp 4/3; thơ lục bát chủ yếu là nhịp 2/2/2; 2/4; 4/4.
+ Vần thơ là bộ phận của tiếng, được coi như mắt xích nối những câu thơ với nhau
tạo nên âm hưởng trọn vẹn cho nhịp thơ, góp phần nâng cao cảm xúc thẩm mĩ.
+ Thơ thường sử dụng phép lặp từ ngữ nhấn mạnh ý thơ và tạo nên nhạc điệu cho
bài thơ. Biện pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… được sử dụng tạo ra cách diễn đạt
hàm súc, sinh động.
c. Cách đọc:
Khi đọc thơ cần tìm ra mạch cảm xúc để thể hiện rõ sắc thái giọng đọc. Cần ngắt
giọng dựa vào nhịp thơ ý thơ, nhấn giọng ở những tiếng mang vần, những từ ngữ,
hình ảnh quan trọng của bài.
Ví dụ: Đoạn thơ sau cần đọc với giọng nhẹ nhàng, tha thiết; ngắt nhịp 2/4; nhấn
giọng ở những từ ngữ gợi nên nét riêng độc đáo của cửa sông:
Là cửa/ nhưng không then khóa//
Cũng không khép lại bao giờ//
Mênh mông/ một vùng sông nước//
Mở ra/ bao nỗi đợi chờ//
4. Trình bày cách đọc văn bản miêu tả. Cho ví dụ.
a. Khái niệm
Văn miêu tả là loại văn dùng để gợi nên sự vật, hiện tượng, con người… một cách
sinh động cụ thể như đang hiện ra trước mắt người đọc.
b. Đặc điểm:
Bài văn miêu tả thường có bố cục ba phần: Mở bài, thân bài, kết luận. Thân bài
gồm một số đoạn văn để tả những bộ phận, các phương diện của đối tượng cần tả.
Văn miêu tả thường sử dụng các từ gợi tả, gợi cảm, các biện pháp so sánh, nhân
hóa… vẽ nên đường nét, màu sắc, âm thanh… của sự vật, hiện tượng được nói
đến. Từ loại được sử dụng nhiều là từ loại tính từ, động từ.
c. Cách đọc
Đọc văn miêu tả, cần sử dụng sắc thái giọng phù hợp với nội dung văn bản. Ngắt
giọng để làm rõ bố cục của bài, ngắt nghỉ theo dấu câu và theo nhịp cảm xúc.
Nhấn giọng vào những từ ngữ gợi tả, gợi cảm.
Đọc bài “Sầu riêng” cần đọc với tình cảm trong sáng, tha thiết; tốc độ chậm rãi;
nhấn giọng ở những từ ngữ ca ngợi vẻ đặc sắc của cây sầu riêng về hương, hoa,
quả, dáng cây; ngắt giọng làm rõ bố cục ba phần của bài, ngắt giọng ở một số câu
dài. Ví dụ: Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín/ quyện với hương bưởi, béo cái
béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn.
(Mai Văn Tạo)
5. Những điều kiện để nói có hiệu quả. Cho ví dụ.
- Người nói có những hiểu biết tốt về đối tượng giao tiếp.
- Hoàn cảnh giao tiếp thuận lợi.
- Người nói có những hiểu biết sâu rộng về nội dung nói.
- Người nói là người có uy tín.
- Chuẩn bị bài nói tốt:
Bài nói cần được chuẩn bị chu đáo. Có thể thảo sẵn bài nói chuyện ra giấy, hoặc
chí ít phải lập một đề cương chi tiết các ý cần trình bày, những dẫn chứng, những
số liệu minh họa cho mỗi ý. Nên tập dượt trước khi nói. Sự chuẩn bị tốt làm cho
người nói tự tin, chủ động trong quá trình trình bày.
+ Xác định mục đích và mục tiêu của bài nói: Cần xác định rõ bài nói có
mục đích cung cấp thông tin, thuyết phục, hay góp vui cho người nghe. Trên cơ sở
mục đích mà đề ra mục tiêu. Mục đích khác nhau sẽ làm cho cách lựa chọn nội
dung, cách trình bày khác nhau.
+ Xác định nội dung trình bày: Bất kì lời nói nào cũng phải có nội dung.
Nội dung lời nói cần phù hợp với đối tượng nghe. Nội dung càng mới mẻ, phong
phú càng hấp dẫn người nghe. Nội dung trình bày sẽ được triển khai thành đề
cương cụ thể. Đề cương càng được chuẩn bị cẩn thận bao nhiêu thì hiệu quả giao
tiếp càng lớn bấy nhiêu.
Mỗi bài nói thường có ba phần: mở đầu, khai triển (nội dung), kết luận. Phần mở
đầu có nhiệm vụ giới thiệu chủ đề, thu hút sự chú ý của người nghe. Phần khai
triển phải đưa ra được các ý chính, các số liệu, phân tích, chứng minh để làm rõ
vấn đề muốn trình bày. Phần kết chốt lại những điểm quan trong của bài nói, đề ra
những nhiệm vụ cho tương lai.
+ Dự kiến phương pháp và thời gian trình bày.
- Thực hiện giao tiếp:
+ Thể hiện đề cương thành lời nói mạch lạc, sinh động. Mở đầu bài nói
càng có sức hấp dẫn, lôi cuốn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Có thể mở đầu bài nói
bằng cách vào thẳng vấn đề, có thể nêu lí do, dẫn những tình tiết, mẩu chuyện lí
thú để tập trung sự chú ý của người nghe. Khi triển khai cần trình bày rõ ràng từng
vấn đề, từng tình tiết theo một trình tự hợp lí dễ theo dõi. Cần có hệ thống dẫn
chứng chính xác, toàn diện, phong phú, phân tích thấu đáo để thuyết phục người
nghe. Người nói cần xác định nội dung trọng tâm để dành thời gian trình bày cho
phù hợp. Trong khi nói, cần có những ý chuyển tiếp để bài nói mạch lạc, chặt chẽ.
Phần kết thúc bài nói cần ngắn gọn, rõ ràng. Có thể kết thúc mở hoặc kết thúc
khép. Kết thúc mở là từ những điều trình bày mở ra những điều mới hoặc nêu lên
những cảm nghĩ, đề xuất, kiến nghị. Kết thúc khép là cách kết thúc tóm tắt, khái
quát nội dung đã trình bày.
+ Khi nói cần theo dõi diễn biến tâm lí, hứng thú… của người nghe để
điều chỉnh nội dung, cách thể hiện cho phù hợp.
+ Khi nói cần bình tĩnh, tự tin. Trang phục, tác phong lịch sự. Cần khiêm
tốn trong giao tiếp, hết sức tôn trọng người nghe để tạo ra sự đồng cảm giữa người
nói, người nghe.
+ Ngôn ngữ nói cần chính xác, rõ ràng, biểu cảm, khúc chiết. Nói đều đều,
to quá hoặc nhỏ quá, nói đứt quãng không liền mạch… đều hạn chế kết quả của lời
nói.
6. Những điều kiện để nghe có hiệu quả. Cho ví dụ.
- Cần có mục đích nghe. Mục đích càng rõ ràng bao nhiêu hiệu quả nghe càng tốt
đẹp bấy nhiêu.
- Cần có những hiểu biết nhất định về nội dung sẽ được nghe. Sự hiểu biết càng
nhiều thì việc lĩnh hội nội dung càng trở nên dễ dàng, nội dung được nghe càng trở
nên sâu sắc. Tầm hiểu biết có ảnh hưởng tới chất lượng của việc nghe.
- Cần có hứng thú với vấn đề được nghe. Đây là điều giúp cho người nghe có khả
năng duy trì sự chú ý, có thể theo dõi cẩn thận và ghi chép tỉ mỉ những vấn đề
người nói thông báo.
- Cần có trí nhớ tốt. Trí nhớ tốt giúp cho việc lưu giữ nội dung đầy đủ, việc ghi
chép tránh được những sai sót nhầm lẫn.
- Cần có hoàn cảnh nghe thuận lợi. Hoàn cảnh bao gồm những yếu tố khách quan,
chủ quan như thời gian, không gian, tiếng ồn, sức khỏe của người nghe…
7. Ngữ điệu kể chuyện gồm những yếu tố nào? Cho ví dụ.
Ngữ điệu kể là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hài hòa các yếu tố của cảm xúc
với các yếu tố của âm thanh. Căn cứ vào nội dung của truyện để xác định ngữ điệu
kể sao cho phù hợp.
- Các yếu tố tạo nên ngữ điệu kể: Sắc thái giọng kể, tốc độ kể, sự ngắt giọng,
nhấn giọng, lên cao, hạ thấp của giọng, ngân giọng, âm lượng, cường độ của
giọng.
+ Sắc thái giọng kể là sự thể hiện, thay đổi của tình cảm trong khi kể. Có lúc kể
với giọng tươi vui, sôi nổi, có lúc kể với giọng nhẹ nhàng, tha thiết, có lúc giọng
diễu cợt, mỉa mai….
Ví dụ: Sắc thái giọng mệt mỏi:
Người mẹ nói với con: Con ơi, con đi tìm thày thuốc về đây. Mẹ thấy trong người
mệt mỏi lắm.
(Bông hoa cúc trắng)
Sắc thái giọng vui:
Cụ già tươi cười bước ra nói: Mẹ cháu đã khỏi bệnh rồi. Đó là phần thưởng cho
tấm lòng hiếu thảo của cháu đấy.
(Bông hoa cúc trắng)
+ Tốc độ kể là sự nhanh hay chậm của giọng trong khi kể. Khi kể không nên nói
nhanh quá làm người nghe khó theo dõi, cũng không nên kể chậm quá gây cảm
giác mệt mỏi. Cần kể với tốc độ vừa phải và thay đổi tốc độ kể cho phù hợp nội
dung.
+ Ngắt giọng là sự ngừng nghỉ hơi chốc lát trong khi kể, có tác dụng giúp người
đọc lấy hơi, người nghe có điều kiện hiểu thông tin, ý nghĩa của văn bản thêm
sáng tỏ, tạo sự chờ đợi ở người nghe. Ngắt giọng dựa vào dấu câu, các thành phần
câu, nhịp cảm xúc của người kể. Kí hiệu của ngắt giọng, nghỉ hơi ngắn (/), nghỉ
hơi dài (//)
Ví dụ: Gióng nói://
- Sứ giả/ hãy mau mau về tâu với nhà vua /đúc cho ta/ một con ngựa sắt, một chiếc
roi sắt, một áo giáp sắt, một nón sắt/ để ta đi đánh giặc.//

(Ông Gióng)
+ Nhấn giọng là luồng hơ i ra mạnh ở những từ ngữ, câu quan trọng trong văn
bản. Kí hiệu (─).
Cao giọng là nâng giọng cao hơn mức bình thường. Cao giọng ở những từ, những
câu bộc lộ cảm xúc, mệnh lệnh, nghi vấn. Kí hiệu (↑).
Thấp giọng là hạ giọng thấp hơn mức bình thường. Thấp giọng ở những từ, những
câu thể hiện suy nghĩ thầm, những tâm trạng mệt mỏi…hoặc kết thúc truyện. Kí
hiệu (↓)
Ví dụ: Từ khi gặp sứ giả, ↓ Gióng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không
no, áo may rộng bao nhiêu /cũng chỉ mặc vài ngày đã chật.
(Ông Gióng)
+ Ngân giọng là đưa giọng dài hơn mức bình thường, tạo ra nhịp điệu chậm rãi. Kí
hiệu ( ).
+ Âm lượng là độ to/nhỏ của giọng trong khi kể. Giọng kể nhỏ sẽ không truyền
đạt được nội dung câu chuyện, cảm xúc của người kể đến với người nghe. Giọng
kể to quá gây cảm giác mệt mỏi chói tai. Nên sử dụng giọng kể đủ nghe, phù hợp
với không gian.
+ Cường độ là độ mạnh hay nhẹ, vang hay không vang của giọng trong khi kể.
Ví dụ: Lời cụ già trong “Bông hoa cúc trắng”, sử dụng giọng vang, ngân để gợi ra
thế giới kì ảo của cổ tích:
- Mỗi cánh trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.
Câu 2:
Phần a: Hướng dẫn HS viết chữ hoa
1. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa A
2. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa C
3. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa D
4. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa H
5. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa B
6. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa N
7. Hướng dẫn HS lớp 2 viết chữ hoa M
Ví dụ chữ hoa C:
a. Hướng dẫn HS quan sát và nhận xét chữ cái viết hoa:
- GV giới thiệu mẫu chữ cái C hoa (trong khung chữ ô vuông)
- GV hướng dẫn phân tích mẫu và hỏi:
+ Chữ C cao mấy đơn vị?
+ Gồm mấy đường kẻ ngang?
+ Chữ cái C rộng mấy đơn vị?
- GV chỉ vào chữ và miêu tả: Chữ cái C hoa có cấu tạo gồm 01 nét viết được tạo nên bởi
02 nét cơ bản: Nét cong dưới và cong trái nối liền nhau, tạo vòng xoắn to ở đầu chữ.
- GV viết mẫu trong khung chữ ô vuông, vừa viết vừa trình bày cách viết: Từ điểm đặt
bút ở giao điểm đường kẻ ngang 6 và đường kẻ dọc 3, vòng theo mũi tên trong hình vẽ
xuống đến 2,5 ô vuông rồi vòng lên gặp đường kẻ ngang 6, tiếp tục lượn xuống giống nét
cong trái đến sát đường kẻ ngang 1, tiếp tục vòng lên đến đường kẻ ngang 3 và lượn
xuống. Điểm kết thúc nằm trên đường kẻ ngang 2 và khoảng giữa hai đường kẻ dọc 3, 4.
- GV viết lại mẫu trên bảng con.
b. Hướng dẫn HS tập viết trên bảng con chữ cái hoa
- Gọi 02 HS lên bảng viết, HS ở dưới viết bảng con.
- GV gọi HS nhận xét và uốn nắn.
- Hướng dẫn HS viết vào vở.

Phần b: Viết và trình bày văn bản theo cỡ chữ nhỏ/vừa (ko có giới hạn)
Có thể tham khảo:
Viết bằng bút chì, cỡ chữ 1 đơn vị là 2 li (cỡ vừa):
Mùa thu của em
Là vàng hoa cúc
Như nghìn con mắt
Mở nhìn trời đêm
(Quang Huy)
Mặt trời gác núi
Bóng tối lan dần
Anh đóm chuyên cần
Lên đèn đi gác
(Võ Quảng)
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
(Nguyễn Trãi)
Viết bằng bút mực, cỡ chữ 1 đơn vị là 1 li (cỡ nhỏ) theo hai kiểu: Chữ viết đứng nét đều;
chữ viết nghiêng, nét thanh, nét đậm
- Bài Việt Nam thân yêu (Nguyễn Đình Thi)
- Bài Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa)
- Bài Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)
- Bài Hoa học trò (Xuân Diệu)
- Bài Thư gửi các học sinh (Hồ Chí Minh)
Câu 3: Viết văn (ko có giới hạn)
Có thể tham khảo:
1. Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) kể về gia đình của anh (chị).
2. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) kể về một người hàng xóm.
3. Viết mở bài cho đề văn sau theo hai hướng: mở bài trực tiếp, mở bài gián tiếp.
Kể lại “Câu chuyện bó đũa”.
4. Bằng một đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) kể về một hoạt động tập thể của lớp, anh (chị)
ấn tượng nhất.
5. Lập dàn ý cho đề văn: Kể một câu chuyện về một tấm gương nghị lực trong cuộc
sống.
6. Bằng đoạn văn (từ 5 đến 7 câu), anh (chị) hãy kể về ước mơ của mình.
7. Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) tả một vật nuôi trong nhà.
8. Viết đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) tả ngoại hình nàng tiên Ốc (dựa vào bài
“Nàng tiên Ốc” - Tiếng Việt 4).
9. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả bìa một quyển vở Tập viết.
10. Viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả bìa một cuốn sách.
11. Lập dàn ý cho đề văn sau:
Tả một món quà anh (chị) được tặng.
12. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả chiếc cặp xách.
13. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả một chiếc lá.
14. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả hình dáng con vật anh (chị) yêu quý.
15. Viết đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả vẻ đẹp của một bông hoa.
16. Lập dàn ý cho đề văn sau: Tả một cây cho bóng mát.
17. Viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) tả diện mạo của một người.
18. Lập dàn ý cho đề văn sau: Tả một buổi tối sum họp, đầm ấm của gia đình.
19. Lập dàn ý cho đề văn sau: Hãy viết thư thăm hỏi thày (cô) giáo cũ của anh (chị)
20. Bằng một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu), anh (chị) hãy giới thiệu về tập thể lớp
anh (chị) đang học.

LƯU Ý: Khi đi thi nhớ mang theo bút chì, bút mực, thước kẻ, tẩy…

You might also like