You are on page 1of 8

Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm

Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ SỐ 05

CÂU I (2 điểm) Trình bày những đặc điểm cơ bản về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

“Thơ Tố Hữu là thơ của một chiến sĩ cách mạng, thơ của một nhà cách mạng làm thơ” (Xuân Diệu). Thơ của
ông tiếp nối được truyền thống thơ ca đầu thế kỉ và nâng cao thành dòng thơ trữ tình chính trị của thời đại mới. Do
đó, thơ Tố Hữu có một phong cách khá hấp dẫn.
1.Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị.
- Tố Hữu là nhà thơ đồng thời là một chiến sĩ cách mạng. Vì vậy, đối với ông, thơ trước hết phải là phương
tiện đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị được hình thành trong từng giai đoạn
lịch sử khác nhau. Với Tố Hữu, thơ chính trị đã trở thành thơ trữ tình sâu sắc. Những vấn đề mà nhà thơ đề cập đến
chủ yếu trên phương diện chính trị. Ông ca ngợi lý tưởng, ca ngợi những con người mang lý tưởng cộng sản, biểu
dương những tình cảm cách mạng, ca ngợi cách mạng, ca ngợi đất nước… Những vấn đề chính trị ấy trở thành nguồn
cảm hứng, nguồn cảm xúc chân thực, sâu xa và thành lẽ sống niềm tin và được diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm tình,
ngôn ngữ của tình yêu, tình mẹ con, tình bạn một cách tự nhiên không gượng gạo.
- Bao trùm lên thơ Tố Hữu là vấn đề lý tưởng, lẽ sống: lẽ sống cách mạng, lẽ sống cộng sản. Trước Cách
mạng, nhà thơ khẳng định lẽ sống của con người là con đường cách mạng. Đó là con đường duy nhất để giải thoát
mọi số phận cá nhân khỏi áp bức đau khổ. Từ Việt Bắc trở đi, Tố Hữu chủ yếu đặt vấn đề lẽ sống của dân tộc. Đi liền
với lẽ sống là những tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng như niềm say mê lý tưởng, tình đồng chí,
đồng bào, tình cảm với Đảng, với Bác Hồ.
2. Thơ Tố Hữu ở giai đoạn sau mang tính sử thi.
- Chủ yếu đề cập đến các vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.
a/ Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu từ buổi đầu là cái tôi chiến sĩ rồi đến cái tôi công dân, về sau là cái tôi
nhân dân, dân tộc.
b/ Nhân vật trữ tình của Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất dân tộc, thậm chí mang
tầm vóc lịch sử thời đại.
c/ Cảm hứng của Tố Hữu là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự đời tư. Nổi bật lên
trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc chứ không phải số phận cá nhân.
3. Thơ Tố Hữu dạt dào cảm hứng lãng mạn.
Thể hiện cảm hứng hướng về lý tưởng cộng sản và tương lai xã hội chủ nghĩa bằng cảm hứng lạc quan giàu
tình cảm lãng mạn, thế giới hình tượng trong thơ Tố Hữu là thế giới của cái cao cả, cái lý tưởng; của ánh sáng, gió
lộng, niềm tin.
4. Thơ Tố Hữu có giọng điệu rất dễ nhận ra đó là giọng điệu tâm tình, là tiếng nói của tình thương mến
ngọt ngào.

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 1 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

“Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng chứ không phải thơ tình yêu… nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân. Anh
nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm” (Chế Lan Viên). Còn Hoài Thanh thì nhận xét nhiều câu thơ Tố
Hữu chỉ cần thay đổi vài từ là thành thơ tình yêu muôn đời, biểu hiện rõ nhất qua cách xưng hô, tâm sự với đối
tượng: “Anh em ơi!”, “Đồng bào ơi!”, “Tổ quốc ta ơi: Hương Giang ơi!”… Lý do, điều này có liên quan đến chất
Huế của hồn thơ Tố Hữu, nhưng chủ yếu là do quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc; do quan niệm của Tố Hữu về thơ
“thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”.
5. Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc, cả nội dung và nghệ thuật.
a/ Về nội dung:
- Tính dân tộc thể hiện ở thế giới hình tượng, phong cảnh quê hương đất nước thân thuộc, ở hình ảnh con
người rất đỗi Việt Nam.
b/ Về nghệ thuật:
- Thể thơ: Tố Hữu sử dụng các thể thơ mang đậm tính truyền thống dân tộc như lục bát: Việt Bắc, Kính gửi
cụ Nguyễn Du.
- Kết hợp cả giọng cổ điển và dân gian để thể hiện nội dung, tình cảm cách mạng mang cội nguồn, truyền
thống dân tộc; thể thơ bảy chữ trang trọng với màu sắc cổ điển nhưng vẫn biến hoá linh hoạt diễn tả được nhiều trạng
thái cảm xúc giàu tính dân tộc: Theo chân Bác, Bác ơi, Mẹ Tơm, Quê mẹ…
c/ Về ngôn ngữ:
- Thơ Tố Hữu không mạnh ở việc sáng tạo từ ngữ mà thường sử dụng từ ngữ nói rất quen thuộc của dân tộc,
những so sánh ví von truyền thống, nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại cách mạng.
d/ Nhạc điệu:
- Thơ Tố Hữu rất giàu nhạc điệu, một biểu hiện tính dân tộc của nghệ thuật ở bề sâu.
- Tố Hữu có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, các vần và phối hợp các thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ
như thác tạo thành một nhịp điệu phong phú cho các câu thơ diễn tả được những trạng thái tâm tình mà chiều sâu của
nó là điệu cảm xúc của tâm hồn dân tộc.
Kết luận:
Với những nét phong cách vừa phong phú vừa đa dạng, vừa sâu sắc hấp dẫn nói trên, Tố Hữu rất xứng đáng
là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 2 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

CÂU II (3 điểm) Tai nạn giao thông đã và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với mỗi gia đình và toàn
xã hội. Anh/Chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề tai nạn giao thông trong một bài văn ngắn không quá 600
từ.
Mở bài:
“Nỗi đau này không riêng của ai, của chung đất nước nỗi đau này”. Đó là nỗi đau do tai nạn giao thông gây
ra. Vậy nguyên nhân của tai nạn nhức nhối này là vì đâu? Hậu quả của nó thế nào? Làm cách nào để ngăn chặn? Tuổi
trẻ chúng ta phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn đó?
Thân bài:
1.Vai trò của giao thông, vận tải
Giao thông vận tải có một vai trò vô cùng quan trọng đối với một con người nói riêng, đối với một đất nước
nói chung. Nó là nhu cầu đi lại giao lưu, làm việc,… rất thiết yếu của con người từ xưa tới nay, như cơm ăn, nước
uống vậy. Nhìn vào mạng lưới giao thông, trình độ các phương tiện giao thông hiện đại có thể đánh giá nền văn
minh, tình hình kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân ở một nước. Chẳng hạn các nước văn minh phương Tây
như : Pháp, Đức, Mỹ…giao thông vô cùng phát triển. Hiện nay giao thông ở nước ta đã và đang có sự phát triển, tiến
bộ vượt bậc. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt…đang mở ra chằng chịt như đường vẽ trên bàn
cờ- xe máy, ô tô, tàu hỏa, máy bay…đang thay dần cho đi bộ, xe đạp chậm chạp làm lãng phí thời gian, ảnh hưởng
đến chất lượng cuộc sống.
2.Tình hình tai nạn giao thông
Cũng nhờ các phương tiện xe máy được lưu thông, hàng chục bến cảng của hàng không, hàng trăm ga tàu, bến
ô tô xuất hiện khắp mọi miền đất nước mà bạn có thể đến địa điểm công tác, về địa chỉ trái tim chỉ trong một khoảng
thời gian tối ưu như bạn mong muốn. Nhưng cũng vì những phương tiện hiện đại có tốc độ như bay ấy mà bạn không
được trở thành cánh chim thanh thoát, trái lại lắm lúc có nguy cơ “gãy cánh giữa đường bay”. Bởi chính tai nạn giao
thông đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta với những con số làm nhức nhối trái tim hàng triệu người; cứ
trung bình mỗi ngày từ 30 đến 35 người bị tai nạn và chừng ấy người bị thương hoặc gãy tay, gãy chân, bất hạnh hơn
nữa là bị chấn thương sọ não.
3. Hậu quả
Như vậy tai nạn giao thông đã gây nên hậu quả khủng khiếp làm thiệt hại nặng nề về người về của cho đất
nước, xã hội. Biết bao kinh phí nhà nước phải bỏ ra để khắc phục hậu quả. Hàng năm Chính phủ mất hàng ngàn tỉ
cho công cuộc ngăn ngừa tai nạn, cho việc chữa trị những người bị tai nạn giao thông. Có những người vì tai nạn
giao thông mà chịu thương tật vĩnh viễn, sống trong tình trạng “bán thân bất toại”, gây đau khổ, thương tâm cho xã
hội, cho người thân. Biết bao người vợ phải mất chồng, người mẹ mất con, người anh mất em. "Tổn thất này thật lớn
lao", đau thương này không sao kể xiết. Bạn đã bao giờ đi dọc đường quốc lộ số 5, số 1, đường quốc lộ số 6…chứng
kiến bao cảnh tai nạn giao thông đau lòng chưa? Đúng là “những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp; tháng ngày qua
ám ảnh mãi không thôi, và từ đó lòng ta luôn tràn ngập, nỗi buồn thương cho biết bao người” vì quốc tai nạn giao
thông này.
Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 3 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

4. Nguyên nhân
Tai nạn giao thông gây nhức nhối cho toàn xã hội như đã trình bày ở trên, nguyên nhân vì đâu?
- Về phương tiện: Phương tiện giao thông đã quá hạn sử dụng (nhất là ô tô, xe máy) nhưng vẫn được lưu hành.
Thật không an toàn chút nào. Chúng dễ dàng trở thành tử thần cướp đi mạng sống con người chỉ trong tích tắc.
- Về cơ sở hạ tầng: chất lượng đường sá, cầu cống còn thấp, nhiều nơi lại còn bị đào bới liên tục, xuất hiện
nhiều ổ trâu, ổ voi tạo thành những cái bẫy chết người vô hình.
- Quan trọng hơn là nguyên nhân về phía con người, chủ thể tham gia giao thông: hoặc là hạn chế hiểu biết,
không nắm vững luật, hoặc là vì tham tiền, hám lợi mà phóng nhanh, vượt ẩu. Chưa kể có người lái xe trong trạng
thái say bia, say rượu. Thậm chí còn có kẻ ngông cuồng tham gia vào trò đùa tử thần: đua xe, đánh võng, lạng lách.
Đã có biết bao tai nạn thương tâm gây ra cho người lái và người đi đường.
5. Tuổi trẻ học đường phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông bi thương này?
Là tuổi trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường- mùa xuân tương lai của xã hội, chúng ta phải có ý thức tham gia
giao thông, có văn hóa giao thông. Trước hết nghiêm túc học tập nắm vững luật giao thông. Phải chấp hành nghiêm
chỉnh quy định an toàn giao thông; đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ, không lạng lách, đánh võng, đua xe trái
phép; không đi xe khi chưa đến tuổi và không có bằng chính hiệu. Cùng với mọi người tích cực tuyên truyền luật
giao thông trong toàn xã hội.
Kết luận
Những điều đã trình bày trên cho thấy, ở nước ta, tai nạn giao thông đã trở thành nỗi kinh hoàng chưa thể kiểm
soát nổi như con ngựa bất kham đang lao về phía vực. Nhưng ghìm cương ngựa bên bờ vực thẳm vẫn còn chưa
muộn. Tuổi trẻ chúng ta là tuổi “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”, hãy lên tiếng, hãy tích cực hành
động hơn nữa để góp phần giảm thiểu tai nạn này làm cho mọi người được sống trong nụ cười và hạnh phúc.

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 4 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

CÂU III.(5 điểm) So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản giữa hai tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn
Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Mở bài
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi xứng đáng được xem
là hai bông hoa đẹp bừng nở trên mảnh đất miền Nam cháy đỏ lửa căm thù quân xâm lược và xanh ngời một niềm tin
chiến thắng. Cùng viết về đề tài chiến tranh cách mạng, ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, một tác phẩm là
bông hoa rừng của Tây Nguyên hùng vĩ, một tác phẩm là bông hoa hồng của đồng bằng Nam bộ cho đến nay vẫn toả
ngát hương thơm trong tâm hồn hàng triệu độc giả chúng ta.

Thân bài
A. Những điểm giống nhau
1. Cả hai tác phẩm đều là những bản anh hùng ca hào hùng, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những con
người miền Nam "Kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ", miền Nam "anh dũng tuyệt vời", miền Nam "Trong lửa đạn
sáng ngời" (Tố Hữu). Đó là những con người kiên cường, bất khuất, căm thù giặc ngùn ngụt và yêu quê hương tha
thiết, giàu tình nghĩa, thủy chung son sắt với gia đình, với cách mạng và nguyện sống chết cho quê hương
2. Hai tác phẩm đều là truyện ngắn rất thành công của mỗi tác giả, được viết ra khi tài năng của họ đã đạt đến
độ chín muồi.
3. Bằng tài năng nghệ thuật đặc sắc, bằng vốn hiểu biết sâu rộng và tinh tế về con người Tây Nguyên, con
người Nam bộ kiên cường mà giàu tình nghĩa, Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã tạo dựng được những nhân
vật điển hình, những anh hùng tiêu biểu cho con người miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ sôi nổi, quyết liệt, đầy gian khổ hy sinh mà rất đỗi vui tươi hào hùng
B. Những điểm khác nhau cơ bản
Tuy nhiên do tài năng, cá tính, phong cách nghệ thuật khác nhau của mỗi tác giả, mà mỗi tác phẩm đã có
những nét khác nhau rất hấp dẫn.
1. Rừng xà nu giàu không khí Tây Nguyên và rất giàu chất sử thi hùng tráng, trang nghiêm
Trong nền văn học cách mạng Việt Nam hiện đại, nếu như Tô Hoài có công khai sơn phá thạch đề tài Tây
Bắc, thì Nguyên Ngọc (Sau này bút danh là Nguyễn Trung Thành) được xem là nhà văn đi tiên phong về đề tài Tây
Nguyên. Đây là sở trường, là niềm say mê của nhà văn và ông đã có những đóng góp tích cực cho văn học Việt Nam
về một đề tài hấp dẫn, có ý nghĩa xã hội học và thẩm mĩ sâu sắc. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyên
Ngọc đã viết tác phẩm Đất nước đứng lên với nhân vật chính là anh hùng Núp làm say mê hàng triệu trái tim độc giả.
Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, do gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, gần gũi hiểu biết sâu sắc cuộc
sống và tinh thần bất khuất, yêu tự do, gắn bó với cách mạng của nhân dân các dân tộc thiểu số trên mảnh đất này,
ông đã sáng tác nên thiên truyện nổi tiếng Rừng xà nu.

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 5 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

Với hình tượng cây xà nu độc đáo được tạo dựng trong sự đối sánh với con người, giữa cảnh huỷ diệt khủng
khiếp của bom đạn kẻ thù, tác phẩm của Nguyễn Trung Thành đã khắc hoạ được không khí Tây Nguyên, chất sử thi
hùng tráng, trang nghiêm từ những dòng đầu cho đến những trang cuối của tác phẩm.
2. Không khí sử thi ấy đã chi phối nhà văn trong việc xây dựng cốt truyện và khắc hoạ tính cách, phẩm chất
nhân vật phù hợp với chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Các nhân vật trong Rừng xà nu được cấu tạo theo nhiều lớp,
nhiều thế hệ. Các thế hệ này được biểu hiện bằng những thế hệ xà nu khác nhau trong rừng xà nu bạt ngàn tít tắp tận
chân trời. Thế hệ già làng (tiêu biểu là cụ Mết), thế hệ thanh niên tiêu biểu là Tnú, Mai, Dít. Truyện còn hé mở cho
người đọc thấy thế hệ thứ ba, thế hệ của những bé Heng để hoàn thành bức tranh chiến tranh nhân dân, già trẻ "lớp
cha trước, lớp con sau" mang đậm chất sử thi.
3. Các nhân vật của Rừng xà nu được khắc hoạ không phải trên phương diện đời tư, mà chủ yếu trên phương
diện cộng đồng, dân tộc. "Mối quan hệ của họ cơ bản được đặt trong quan hệ xã hội, dân làng, đất nước, với kẻ thù:
nhiệm vụ chủ yếu của họ chủ yếu là những trọng trách lịch sử giao phó". Tất cả cuộc đời và hành động của họ nhằm
viết lên một chân lý lớn của thời đại: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Nghĩa là vũ trang chiến đấu là
con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân. Vì vậy, vẻ đẹp sử thi là vẻ đẹp nổi bật nhất. Nó được lan toả trong
toàn bộ tác phẩm, in đậm dấu ấn lên từng nhân vật. Từ chân dung, hành động đến lời nói của các nhân vật, vừa mang
tính chất cá thể độc đáo, vừa mang tính chất tiêu biểu cho tinh thần, phẩm chất của con người Tây Nguyên trong thời
đại chống Mỹ. Họ là một tập thể mang những phẩm chất đại diện cho cộng đồng sống, chết vì buôn làng, vì dân tộc.
Đó là một tập thể anh hùng với tinh thần yêu nước sâu sắc, căm thù giặc cháy bỏng, giàu khát vọng tự do, tinh thần
đoàn kết, bất khuất hiên ngang, sức sống mãnh liệt. Số phận của họ gắn liền với số phận người dân Xô man,của dân
tộc Tây Nguyên nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy đau thương
gian khổ hy sinh mà cũng rất đỗi vui tươi hào hùng. Họ là một tập thể mang những phẩm chất tiêu biểu cho cộng
đồng, sống chết vì buôn làng, vì dân tộc. Đó là một tập thể anh hùng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước sâu sắc, căm
thù giặc cháy bỏng và khát vọng tự do, tinh thần đoàn kết, bất khuất hiên ngang, sức sống mãnh liệt...
4. Giọng điệu tác phẩm cũng mang đậm chất sử thi hùng tráng. Sự kết hợp giữa lời kể của nhân vật cụ Mết
hài hoà với giọng điệu người kể chuyện, Rừng xà nu mang âm hưởng sử thi. Đó là một giọng điệu say mê, trang
trọng giàu chất thơ dạt dào, hùng tráng. Câu chuyện của Tnú mà cụ Mết kể cho dân làng nghe là câu chuyện xảy ra
chưa lâu, nhưng vẫn được kể như câu chuyện lịch sử, với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng của sử thi. (Đây là một
thành công đặc sắc của Nguyễn Trung Thành ở truyện ngắn nổi tiếng này)

B. Về tác phẩm Những đứa con trong gia đình


1. Nguyễn Thi tuy được sinh ra từ Nam Định, nhưng đã gắn bó sâu nặng với nhân dân miền Nam và thực sự
xứng đáng với danh hiệu Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã
viết được nhiều tác phẩm rất có giá trị như: Người mẹ cầm súng, Ở xã trung nghĩa, Mẹ vắng nhà. Trong đó tiêu biểu
hơn cả vẫn là: Những đứa con trong gia đình.

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 6 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

Những tác phẩm ấy Có một đặc điểm chung nổi bật là đã tạo được một không khí rất Nam Bộ. Ở Những đứa
con trong gia đình, không khí ấy không chỉ được thể hiện trong hiện thực cuộc sống đời thường nhà văn phản ánh,
mà còn in đậm trong tính cách, hành động, đời sống nội tâm và ngôn ngữ của nhân vật.
2. Qua hệ thống hình tượng nhân vật của tác phẩm, Nguyễn Thi muốn nhằm giải thích về những phẩm chất
anh hùng của những đứa con trong gia đình. Chính cội nguồn truyền thống gia đình với cuốn sổ mà mỗi trang đều
được viết bằng máu và nước mắt đã hình thành nên tính cách và phẩm chất tuyệt vời cho những đứa con: vừa hồn
nhiên, bộc trực, trung hậu, vừa căm thù ngùn ngụt, gan góc, kiên cường, thuỷ chung, say mê chiến đấu và tự hào về
truyền thống cách mạng gia đình, quyết cầm súng tiêu diệt kẻ thù trả nợ cho những thế hệ cha, ông đã ngã xuống trên
mảnh đất này. Cha mẹ là dũng sĩ nên họ sinh ra như là để cầm súng đánh giặc và họ đều đã lập được nhiều chiến
công xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình. Đánh giặc đối với họ đã trở thành mệnh lệnh của
trái tim và họ đã lên đường ra trận như đi trẩy hội mùa xuân. Nghĩa là họ "Mang đậm cái chất Út Tịch trong tâm
hồn".
3. Các nhân vật trong Những đứa con trong gia đình được nhìn qua "một điểm nhìn trần thuật rất độc đáo".
Đó là qua sự hồi tưởng và nhớ lại khi đứt, khi nối của Việt - một nhân vật chính của tác phẩm, khi bị thương nằm
ngất đi giữa rừng. Khác với điểm nhìn trong Rừng xà nu, qua lời kể của cụ Mết, một già làng, người của hai thế hệ,
trong Những đứa con trong gia đình, lại qua điểm nhìn trần thuật của Việt, một thành viên trong gia đình đã gợi nhắc
được những kỷ niệm rất đỗi gần gũi thân quen rất đời thường. Từ chuyện bắt ếch đến chuyện chú Năm, chuyện ba
má quen nhau, đến việc giỗ má, khiêng bàn thờ, đến chuyện đồng đội của Việt...Tất cả đều hiện lên rất sinh động,
còn mang dấu vết tươi nguyên của mùi đất quê hương và có cả vị mồ hôi của má Việt, cả giọng hò tức như gà gáy
của chú Năm mà các nhân vật được hiện lên, điều đó đã tạo nên một không khí gia đình với những mối quan hệ gia
đình chằng chịt với rất nhiều chuyện "thỏn mỏn" khác, nhưng rất thi vị mang ý nghĩa thẩm mĩ và nhân sinh sâu sắc.
4. Là nhà văn có biệt tài phân tích tâm lý, Nguyễn Thi quan tâm nhiều đến việc miêu tả thế giới nội tâm của
nhân vật với cái nhìn của cuộc sống đời thường. Việt là một cậu con trai đồng quê, mới lớn tính tình hiếu động và
còn nhiều nét trẻ con: đánh giặc không sợ chết, nhưng lại sợ ma, rất yêu quý chị, nhưng cứ giấu tiệt, vì chỉ sợ mất
chị...Còn chị Chiến là một thiếu nữ 18, đã tỏ ra già giặn, khôn trước tuổi: những suy tư của chị trong đêm trước lúc
lên đường từ việc không khiêng bàn thờ sang gửi nhà chú Năm đến việc giỗ má... đã cho ta biết rõ điều đó. Tuy
nhiên, là con gái, Chiến đã sớm biết làm duyên một cách rất kín đáo và tế nhị. Chi tiết đi đánh trận, Chiến vẫn mang
theo chiếc kiếng (gương) để soi khi rảnh rỗi.
Đây cũng là điểm khác biệt trong phong cách bút pháp nghệ thuật của hai nhà văn. Nguyễn Trung Thành tập
trung nhiều hơn những hành động của nhân vật, những bước ngoặt trong số phận của nhân vật gắn liền với giờ phút
"Đồng khởi". Còn Nguyễn Thi nghiêng về những câu chuyện cụ thể trong gia đình, những tình tiết rất đời thường với
những suy nghĩ nội tâm của nhân vật.
5. Câu chuyện của Nguyễn Thi không dừng lại ở câu chuyện của một gia đình. Câu chuyện mà mỗi người sẽ
viết một khúc đó, sẽ nối dài thành những dòng sông và trăm sông sẽ đổ ra biển cả. Do đó, từ những nhân vật cụ thể
trong tác phẩm Nguyễn Thi đã khái quát được gương mặt cả một thế hệ trẻ miền Nam trưởng thành trong cuộc
Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 7 -
Khóa học Luyện thi Đại học đảm bảo môn Ngữ văn Hướng dẫn giải Đề kiểm tra định kì số 5

kháng chiến chống Mỹ đầy bản lĩnh, giàu khát vọng niềm tin chiến thắng bởi sức mạnh lòng căm thù, tình yêu nước
thiết tha và ý nghĩa thiêng liêng của cuộc kháng chiến thần thánh.
Kết luận. Tóm lại Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của
Nguyễn Thi đều là tác phẩm xuất sắc của văn học chống Mỹ ở miền Nam. Mỗi tác phẩm có vẻ đẹp riêng, không khí
riêng, cách nhìn riêng về hiện thực đấu tranh cách mạng và nghệ thuật xây dựng nhân vật. Sức mạnh chiến thắng
trong tác phẩm Nguyễn Trung Thành chủ yếu là sức mạnh đoàn kết của các thế hệ, của quá khứ và hiện tại. Sức
mạnh chiến thắng trong tác phẩm Nguyễn Thi là sức mạnh từ cội nguồn truyền thống yêu nước, cách mạng của gia
đình và đó cũng là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh những đứa con anh hùng, trung dũng của thế hệ trẻ trong những
ngày chống Mỹ và thắng Mỹ oanh liệt của dân tộc ta.

Giáo viên:Nguyễn Quang Ninh

Nguồn: Hocmai.vn

Hocmai.vn – Ngôi trường chung của học trò Việt Tổng đài tư vấn: 1900 58-58-12 - Trang | 8 -

You might also like