You are on page 1of 6

THẠCH LAM

I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP


- Thạch Lam sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910 tại Hà Nội. Lúc nhỏ ông có tên là Sáu.
Khi bắt đầu học tại trường huyện Cẩm Giàng, gia đình khai sinh là Nguyễn Tường Vinh.
Đến năm 15 tuổi vì cần khai tang thêm tuổi để đi học vượt cấp, ông đổi tên là Nguyễn
Tường Lân. Bút hiệu chính của ông là Thạch Lam, ngoài ra ông còn dùng bút hiệu Việt
Sinh cho một số bài phỏng vấn, phóng sự; Thiện Sĩ cho một số truyện sách hồng và tên
thật Nguyễn Tường Lân khi vẽ tranh.
- Thân phụ của Thạch Lam là Nguyễn Tường Nhu, quê ở Quảng Nam. Ông nội Thạch
Lam nguyên là tri huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Mẹ Thạch Làm là bà Lê Thị Sâm- con
gái của Lê Quang Thuật (đồng sự với ông nội Thạch Lam). Thân sinh Thạch Lam, cụ
Nguyễn Tường Nhu làm việc tại tòa Công sứ ở Lào và mất năm Thạch Lam lên 7 tuổi.
Cảnh nhà khó khăn, bà mẹ Thạch Lam phải tần tảo buôn bán để nuôi các con ăn học. Các
anh đi học ở Hà Nội thỉnh thoảng mới về. Thạch Lam và chị thế ở nhà trông coi cửa hàng
tạp hóa cho mẹ. Những kỉ niệm thời thơ ấu đã theo ông suốt cuộc đời sáng tác. Chính
những kỉ niệm êm đềm, trong sáng nơi phố huyện đã nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn của
Thạch Lam và in dấu đậm nét trong sáng tác của ông.
- Thạch Lam lấy vợ năm 25 tuổi. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Sáu người Ninh Bình.
Khác với những người anh của mình, lấy vợ theo sự sắp đặt của gia đình, Thạch Lam lấy
vợ hoàn toàn vì tình yêu. Bà vợ Thạch Lam là người hiền, đảm đang. Bà tạo điều kiện cho
thuận lợi cho công việc sáng tác của Thạch Lam.
- Năm 1932, Nhất Linh- anh trai Thạch Lam từ Pháp về đứng ra thành lập Tự lực văn
đoàn lấy tờ Phong hóa làm cơ quan ngôn luận. Cũng từ đó, Thạch Lam đi vào con đường
sáng tác văn chương. Ông viết bài cho Phong hóa, Ngày nay với đủ các thể loại như:
phóng sự, phỏng vấn, truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, tùy bút…
- Đương thời sách của Thạch Lam bán không chạy, có thể nói là ế nhất trong số các
nhà văn của Tự lực văn đoàn. Nhưng không vì thế mà ông chiều theo thị hiếu của độc giả.
Trước sau ông vẫn giữ phong cách của riêng mình, một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, thiên
về cảm giác. Những tác phẩm của Thạch Lam đương thời cho độc giả đương thời những
cảm nhận sâu sắc, thú vị về thiên nhiên và cuộc sống xã hội.
- Thạch Lam là người thông minh nhất nhà và cũng lãng mạn nhất nhà (Người bác-
Thế Uyên, cháu gọi Thạch Lam bằng cậu). Trong cuộc sống, Thạch Lam là người khiêm
nhường và bình dị. Ông không thích cuộc sống náo nhiệt và ồn ào ở đô thị, mà sống ở một
ngôi nhà tranh vách gỗ bên hồ Tây. Ngôi nhà của Thạch Lam nhỏ nhắn, đơn sơ nhưng
sạch sẽ, sáng sủa, với cây liễu rủ bóng bên cửa sổ và khóm tre xanh ngát bốn mùa đầu
cổng. Đây là nơi đi về của nhiều bạn bè văn chương, và cũng là nơi Thạch Lam đã sáng
tác những tác phẩm của mình.
- Cuộc đời sáng tác ngắn ngủi. Ông mắc bệnh lao và qua đời ngày 28 tháng 6 năm
1942. Tài năng đang ở độ chín. Khoảng 10 năm cầm bút, không kể một số bài báo chưa
được gom lại để in thành sách, ông đã để lại một số tác phẩm như: Gió lạnh đầu mùa (tập
truyện- 1937); Nắng trong vườn (tập truyện- 1938); Ngày mới (truyện dài- 1939); Theo
giòng (Tiểu luận phê bình văn học- 1941); Sợi tóc (tập truyện- 1942); Hà Nội băm sáu
phố phường (tùy bút- 1943). Ngoài ra ông có 4 quyển sách hồng viết cho Thiếu nhi với
bút danh Thiện Sĩ là: Quyển sách, Hạt ngọc, Hai chị em và Lên chùa.
- Thạch Lam là nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, ông yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp.
Thạch lam chắt chiu cái đẹp và sáng tác của ông chính là sự tìm kiếm cái đẹp đã đánh
mất. Thạch Lam cho rằng một nhà văn thực tài phải là người có thể cảm nhận được vẻ đẹp
man mác khắp vũ trụ. Ông viết: Công việc của nhà văn là phát biểu cái Đẹp chính là ở
chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái Đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một
bài học trông nhìn và thưởng thức (Theo dòng). Thạch Lam yêu cái đẹp nhưng với ông
văn chương không phải lấy cái đẹp làm cứu cánh, không phải ngợi ca cái đẹp mà xa rời
hiện thực. Người nghệ sĩ không được tìm đến văn chương như một sự thoát li hiện thực.
Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự
quên. Trái lại, văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố
cáo, vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm
trong sạch và phong phú hơn. (Tựa Gió lạnh đầu mùa)
Những phát biểu gần như tuyên ngôn nghệ thuật cho đến những sáng tác của Thạch
Lam cho người đọc thấy ông là nhà văn tiến bộ, thức sự đồng cảm và chia sẻ với cuộc
sống những người lao động nghèo khổ. Tác phẩm của ông vừa là con đẻ của sáng tác theo
khuynh hướng lãng mạn, lại đan xen những giá trị hiện thực. Ông là em ruột của Nhất
Linh và Hoàng Đạo là thành viên của Tự lực văn đoàn nên vừa chịu ảnh hưởng của nhóm
sáng tác này nhưng cũng vừa tác riêng một thế giới để tạo nên cái độc đáo của riêng mình.

II. THẾ GIỚI NHÂN VẬT CỦA THẠCH LAM


1. Hình tượng người tiểu tư sản.
- Viết về tầng lớp tiểu tư sản, Thạch Lam không rơi vào lối viết thơ mộng, lí tưởng
hóa như những nhà văn khác trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Những nhân vật tiểu tư sản
của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo là những nhân vật phi thường hoặc nhân vật lãng
mạn. Họ phần lớn xuất thân từ những gia đình quan lại hay tư sản giàu sang và có một
cuộc sống dư dật. Họ nếu không phải là khách tình si cả cuộc đời theo đuổi một cuộc tình
như Lộc trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng thì cũng là khách chinh phu mải mê một lí
tưởng cách mạng nào đó như Dũng trong Đôi bạn của Nhất Linh. Cuộc sống của họ được
các nhà văn thi vị hóa. Nếu như trong hiện thực cuộc sống của họ mệt mỏi, bế tắc thì các
nhân vật trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng lại có những chuyến đi nghỉ mát ở
Sầm Sơn, Đồ Sơn hay những trang trại ở thôn quê với phong cảnh tươi đẹp,…
- Nhân vật tiểu tư sản của Thạch Lam có nét chân thực gần với cuộc sống đời thường.
Các nhân vật của ông được đặt trong những hoàn cảnh khó khăn, trở ngại. Cái đói, cái
nghèo dường như lúc nào cũng đeo đẳng với số phận của nhân vật, xô đẩy họ vào những
tình huống đầy tuyệt vọng. (Bào trong Người bạn trẻ; Sinh trong truyện ngắn Đói, Trường
trong tiểu thuyết Ngày mới).
- Cũng giống như Nam Cao, tiểu thuyết Ngày mới, Thạch Lam cũng đề cập đến cuộc
sống quẩn quanh bế tắc của những người tiểu tư sản nghèo. Nhưng nhân vật của Thạch
Lam chưa có giây phút đấu tranh giằng co vật lộn để vươn lên, và cũng chưa bao giờ phê
phán mình một cách chân thành cả. Nhân vật tiểu tư sản của Thạch Lam cũng không có
quá trình dằn vặt nội tâm để rồi tự nhận thức như nhân vật của Nam Cao. Nhưng hình
tượng nhân vật tiểu tư sản của Thạch Lam cũng là sự tiếp cận đến gần chủ nghĩa hiện
thực.
2. Hình tượng người dân nghèo.
- Thạch Lam viết về những người nghèo khổ, những người nhà quê chân đất với lòng
cảm thông sâu sắc, chứ không phải là một hành động mang tính xu thời. Trong những
truyện ngắn của Thạch Lam, nhân vật người lao động nghèo chiếm một tỉ lệ khá lớn. Họ
là những nông dân lam lũ vất vả hay những người phải sống kiếp lầm than nơi thành phố.
Đó là bà mẹ nghèo ở xóm chợ Đoài Thôn (Nhà mẹ Lê), là gia đình người phu xe cùng khổ
ở ngoại ô Hà Nội (Một cơn giận), là cô gái nghèo phải đi ở để trừ món nợ truyền kiếp
(Đứa con), là những người nông dân suốt ngày lam lũ nơi ruộng đồng (Những ngày mới)

- Sự thành thực là một tiêu chí mà Thạch Lam luôn tâm niệm trong sáng tác của mình,
nhất là trong tác phẩm viết về người nông dân lao động nghèo. Nhận xét về con người
Thạch Lam, một nhà văn sống cùng thời với ông là Vũ Bằng đã viết: Trong nhóm Phong
hóa- Ngày nay, Hoàng Đạo là người lí thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng
là người đã phá nếp sống cũ để tiến đến một đời sống mới, tựu trung đều là thương người,
yêu người cả, nhưng muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người yêu
thương xót xa đồng bào từ tâm cam tỳ phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam
(Xem cuốn Hồi kí gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế).
- Khi sáng tác những tác phẩm phản ánh đời sống người dân quê, Thạch Lam rất chú
trọng đến những tình cảm chân thực. Ông muốn tác phẩm phải là những tiếng nói xuất
phát từ những tình cảm chân thực chứ không phải là biện minh cho một ý tưởng hay một
luận đề nào đó. Trong bài luận Người nhà quê trong văn chương, Thạch Lam phê phán
những tác phẩm viết về người dân nghèo nhưng mang tính xu thời: Ít lâu nay những tiểu
thuyết về người dân quê sản xuất cũng khá nhiều. Một số nhà văn theo thời hay vì một sở
thích văn chương đột ngột đã từ bỏ những nhân vật phi thường hay lãng mạn để quay đầu
về nhìn người nhà quê chân lấm tay bùn trên thửa ruộng. Hay Nhiều nhà văn xưa nay
không hề chú ý đến tình cảm sinh hoạt của dân quê, bỗng một sáng tỉnh dậy thấy mình là
văn sĩ bình dân. Thạch Lam cho rằng đã là nhà văn sáng tác về người dân quê thì phải biết
tự cày bừa lấy trang sách, nói về người nhà quê, vạch một luống cày thẳng thắn và mạnh
bạo trên mảnh đất màu và không chịu cho những ý tưởng bên ngoài ảnh hưởng…Phải
biết quan sát bề trong và đi sâu vào những bí mật của những tâm hồn ấy (Gió đầu mùa).
- Ngòi bút Thạch Lam tỏ ra trân trọng khi viết về những mặt tốt đẹp ở người dân lao
động. Trong tác phẩm của các nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Khái Hưng, dân quê hiện
ra là một đám người ngờ nghệch, dốt nát, bản năng. Thạch Lam không chấp nhận cái cách
gán cho nhân vật của mình những đức tính và tật xấu mà người dân quê thực không có.
Ông nhìn thấy những niềm vui bình dị, những mơ ước nho nhỏ, những đức tính đẹp tiềm
ẩn của họ. Cô hàng xén vất vả quanh năm ấy là hi sinh vì người khác. Trước cái chết của
mẹ lê, những người cùng khổ đã thể hiện lòng nhân ái. Mặc dù đều nghèo khổ, túng thiếu
cả, nhưng họ đã gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh
đồng (Gió đầu mùa). Người lính cũ của Thạch Lam lâm vào cảnh cùng quẫn, rơi xuống
tận đáy của sự bần cùng vẫn giữ được tính khí vốn có. Thái độ nâng niu, trân trọng người
lao động của Thạch Lam thật khác xa với các tác giả cùng văn phái với ông.
- Tuy nhiên, do chưa tìm được căn nguyên sâu xa nỗi khổ của người dân nghèo, chưa
đi sâu vào những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội nên Thạch Lam mới chỉ dừng lại ở chỗ
băn khoăn, cảm thương với số phận của họ. Ông có phần chủ quan và ảo tưởng khi cho
rằng: chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ để an ủi những người cùng khốn
ấy (Lời nói đầu Gió đầu mùa). Lòng trắc ẩn của ông tuy chân thành nhưng mới chỉ là thứ
nhân đạo trừu tượng. Do đó cuộc đời đáng thương của những người dân nghèo trong tác
phẩm của ông cứ lặng lẽ trôi đi trong sự an phận, chịu đựng, cái thế giới tĩnh tại ấy gần
như không thể thay đổi. Sự cam chịu ấy cũng là một đặc điểm thuộc về bản chất của một
loại hình tượng nhân vật khá phổ biến trong tác phẩm Thạch Lam: hình tượng người phụ
nữ.
3. Hình tượng người phụ nữ.
- Thạch Lam viết về người dân nghèo với một niềm cảm thương chân thành man mác.
Niềm cảm thương đó trở nên đặc biệt sâu sắc khi ông nói đến thân phận của những người
mẹ, người vợ Việt Nam đảm đang, tần tảo, giàu đức hi sinh.
- Trước Cách mạng, người phụ nữ không chỉ phải chịu nỗi khổ chung của người dân
nô lệ, mà còn là nạn nhân của chế độ phong kiến hẹp hòi, khắc nghiệt. Thạch Lam với cái
nhìn của người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp bao giờ cũng tìm thấy ở họ những đức tính tốt,
những tâm hồn trong sạch. Dù cuộc sống có nghèo khổ, cơ cực nhưng bao giờ tâm hồn họ
cũng sáng lên những vẻ đẹp bên trong. Như Tâm trong Cô hàng xén, Dung trong Hai lần
chết, Liên, Huệ trong Tối ba mươi, Liên trong Một đời người, chị Sen trong Đứa con, cô
Dần trong Hà Nội 36 phố phường…
- Hình tượng bà Nhì trong tiểu thuyết Ngày mới là người phụ nữ phải chịu đựng thua
thiệt trong cuộc đời. Chống mất sớm, một mình bà tần tảo sớm hôm nuôi dạy con cái nên
người. Cuộc đời bà luôn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh ấy, người ta
dễ trở nên trai sạn hoặc ít ra cũng có cái nhìn u uất đối với cuộc đời. Vậy mà người mẹ ấy
vẫn giữ cho mình bản chất đôn hậu, khoan dung, luôn quan tâm đến người khác. Nhà văn
Thế Uyên (cháu gọi Thạch Lam bằng cậu) trong cuốn Chân dung Nhất Linh có viết về bà
ngoại và cậu mình như sau: Bà buôn bán tần tảo nuôi bảy con ở cái phố huyện buồn
thiu…Bà tôi đi cân gạo…Nhân vật bà Nhì, mẹ Trinh…xuất nguyên từ thời này. Có thể nói
Thạch Lam đã xây dựng hình ảnh những bà mẹ Việt Nam chịu thương, chịu khó, nhân hậu
vị tha, giàu đức hi sinh từ chính nguyên mẫu là người mẹ mình và những kỉ niệm thơ ấu
để lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của ông.
- Trong chế độ cũ, phụ nữ và trẻ em là lớp người chịu đau khổ nhất. Cùng với việc lên
tiếng bày tỏ niềm đồng cảm với số phận người phụ nữ, Thạch Lam cũng quan tâm đến
những đứa trẻ nghèo. Nhiều tác phẩm của Thạch Lam ta bắt gặp khuôn mặt trẻ thơ.
Những đứa trẻ mang kiếp sống nghèo từ tấm bé, cuộc sống của chúng thiếu thốn cả vật
chất lẫn tinh thần. Đó là 11 đứa con trong Nhà mẹ Lê; đó là đứa trẻ phải chịu cái rét cứa
da, cứa thịt trong Gió lạnh đầu mùa hay những đứa trẻ con nhà nghèo trong Hai đứa trẻ.

III. NGHỆ THUẬT CỦA THẠCH LAM


- Theo nhà văn Khái Hưng trong truyện Gió đầu mùa: Nếu ta có thể chi ra hai hạng
nhà văn: nhà văn thiên về tư tưởng và nhà văn thiên về cảm giác thì tôi quả quyết đặt
Thạch Lam vào hạng dưới. Ở chỗ mà người khác dùng tư tưởng, dùng lời nói có khi rất
rậm để tả cảnh, tả tình, ông chỉ nói một cách giản dị cái cảm giác của ông.
- Những tác phẩm của Thạch Lam là một sự tìm vào nội tâm, tìm vào cảm giác nhân
vật. Nhà văn không chú ý nhiều đến cốt truyện hấp dẫn, đến tình huống li kì hay ướt át
nhằm thu hút sự chú ý của người đọc. Thạch Lam chỉ chú trọng đến miêu tả những rung
động thoáng qua, những cảm giác thành thực của nhân vật. Thế giới nội tâm của nhân vật
Thạch Lam bao gồm những gì rất tinh tế, nhẹ nhàng.
- Với lối viết truyện nhẹ nhàng, tinh tế, Thạch Lam đã tạo cho mình một bút pháp
riêng biệt. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: Nói đến nghệ thuật của Thạch Lam
phải nói đến nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam. Một số truyện của Thạch Lam
có thể coi là mẫu mực được.
- Nghệ thuật viết truyện của Thạch Lam đằm thắm mà tinh tế, tất cả như lắng sâu vào
bên trong. Điều này không chỉ thể hiện ở những trang viết miêu tả đời sống nội tâm nhận
vật mà cả khi tác giả miêu tả thiên nhiên. (Hai đứa trẻ; Dưới bóng hoàng lan).
- Nỗi buồn in đậm trên những trang viết của Thạch Lam, khắc khoải nơi này, bàng bạc
nơi khác, tựa hồ như lớp khí quyền bao phủ những cảnh đời mà nhà văn dẫn ta vào. Nỗi
buồn trong tác phẩm Thạch Lam tỏa ra từ không gian, thời gian, từ những cảnh ngộ đáng
thương của nhân vật. Đọc truyện Thạch Lam ta luôn bắt gặp một dư vị đằm thắm, xót xa.
Nếu như những tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng tạo nên
ở người đọc một tâm trạng phẫn nộ trước bất công, ngang trái của cuộc đời thì những
truyện của Thạch Lam lại gợi lên một tình thương man mác, những day dứt cảm thông
làm cho người đọc không khỏi bang khuâng, suy nghĩ (Đói, Nhà mẹ Lê, Một đời người,
Hai đứa trẻ…)
- Văn Thạch Lam cô đọng, hàm súc, lời ít mà có sức gợi tả lớn lao. Sức gọi trong văn
Thạch Lam được tạo nên từ lói viết luôn tác động vào trực giác và cảm giác của người
đọc. Ở nhiều trang viết của Thạch Lam, chúng ta nhận thấy đầy màu sắc, âm thanh của
mùi vị. Sự kết hợp, hòa đồng giữa các chất liệu đó đã góp phần tạo nên chất thơ, chất nhạc
trong văn Thạch Lam.

IV. ĐỀ BÀI LUYỆN TẬP.


Đề bài 1 : Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho
tâm hồn con người. (Nguyễn Đình Thi)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm Hai đứa trẻ của
Thạch Lam.
Đề bài 2:
Nhà văn I.X Tuocghenhev khẳng định: Cái quan trọng trong tài năng văn học là
tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ
họng của bất kì một người nào khác.
Anh/ chị hiểu quan niệm trên như thế nào?
Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam để làm sáng tỏ quan niệm đó.

Yêu cầu:
- Các em đọc tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Thạch Lam.
- Làm dàn ý 02 đề bài về truyện ngắn Hai đứa trẻ.

You might also like