You are on page 1of 12

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG PHIM TÀI LIỆU CHÂN DUNG

Tóm tắt: Điện ảnh tài liệu Việt Nam là một bộ phận tiêu biểu của nền điện ảnh dân
tộc. Trong số các thể loại phim tài liệu, phim tài liệu chân dung ra đời từ đòi hỏi
của thực tế khách quan, từ những nhu cầu sâu kín trong nhận thức của người sáng
tác và khán giả. Đó là được nhìn, được nghe những vấn đề thuộc về bản chất của
một con người cụ thể. Với cách thể hiện mang dấu ấn cá nhân của từng tác giả về
những con người cụ thể, phim tài liệu chân dung đã thể hiện được những vấn đề
nhạy cảm của đời sống xã hội đồng thời thỏa mãn được mong ước của quần chúng
khán giả.
Từ khóa: Phim tài liệu, chân dung, nhân vật…
Sự hình thành của phim tài liệu chân dung.
Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, điện ảnh là bộ môn ra đời sau cùng.
Không phủ nhận khi có những quan điểm cho rằng môn nghệ thuật thứ bảy là sự
tổng hòa những giá trị của các môn nghệ thuật trước đó. Sự kế thừa từ các loại
hình nghệ thuật thể hiện ở các yếu tố tạo hình cũng như ảnh hưởng tới việc hình
thành các thể loại phim trong điện ảnh, một trong số đó là phim tài liệu chân dung.
Trong từ điển Tiếng Việt, chân dung là hình ảnh, đại diện cho một người hoặc một
nhóm người. Chân dung (tác phẩm nghệ thuật) thể hiện diện mạo, hình dáng hoặc
bản sắc của một người nào đó1. Thể chân dung trong các loại hình nghệ thuật được
biết đến như: chân dung văn học, tranh chân dung (hội họa), ảnh chân dung (nhiếp
ảnh)… Đối với Điện ảnh, chân dung được thể hiện thông qua các yếu tố nghệ thuật
tạo hình nhằm khắc họa hình ảnh nhân vật (một người hay nhiều người có tên tuổi
cụ thể, tính cách riêng). 
1
GS Nguyễn Lân (2014), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn học tái bản; Hà
Nội.
Phim tài liệu chân dung là một thể loại khắc họa tính cá nhân, cá tính của
một con người cụ thể, các tác phẩm chân dung xuất hiện và phát triển khi lịch sử
loài người yển sang thời kỳ cận đại và hiện đại. Trong giai đoạn lịch sử này, ý thức
về cá nhân đã phát triển và con người được coi trọng trong đời sống xã hội. Con
người được đánh giá theo phẩm chất của bản thân họ chứ không phải dựa trên giá
trị đẳng cấp cao thấp trong phân chia xã hội. Ở Việt Nam, vai trò của cá nhân con
người luôn được nhìn nhận và đánh giá một cách đúng đắn trong lịch sử của dân
tộc. Tục ngữ có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Chỉ một câu tục ngữ cũng
cho thấy được ý thức coi trọng cá nhân trong cộng đồng người Việt. Nhưng cũng
có thể thấy bản sắc văn hóa đậm nét của dân tộc ta là tính cộng đồng nên sự nhận
diện cá nhân trong cộng đồng là ít được đề cao. Đó cũng là một hạn chế khi xây
dựng tác phẩm nghệ thuật. Trước thời kỳ đổi mới, trong hoạt động sáng tạo nghệ
thuật của điện ảnh Việt Nam cũng có một số bộ phim tài liệu thể hiện chân dung về
một con người hay một nhóm người cụ thể nhưng khắc họa mờ nhạt.
Kể từ sau năm 1986, cùng với sự chuyển mình đi lên của đất nước, quá trình
hội nhập giao lưu với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới cũng góp phần thay đổi
tới quan điểm sáng tác trong văn học nghệ thuật. Cái “tôi” cá nhân được xã hội thừa
nhận cả về vai trò lẫn đóng góp cho đời sống. Chính vì thế, giai đoạn sau đổi mới
cũng là lúc các tác phẩm nghệ thuật đề cao con người được quan tâm, phát triển mạnh
hơn. Do đó, sự ra đời và phát triển của phim tài liệu chân dung là một nhu cầu tất yếu.
Như lời của đạo diễn – NSND Trần Văn Thủy đã nói:
Trong điện ảnh và truyền hình có nhiều thể loại, phim tài liệu cũng có
nhiều thể loại, trong đó phim tài liệu chân dung là một loại hình quan
trọng. Tất nhiên là những thể loại khác như phim về lịch sử, phim chính
luận cũng có những vị thế riêng của mình, nhưng thường mà nói những
gì lay động con người thì đó là thân phận con người và dễ đi vào lòng
người
nhất thì đó chính là phim tài liệu chân dung.2
Cũng nhắc tới sự cần thiết của phim tài liệu chân dung, đạo diễn – NSƯT Chu Hòa cho
rằng:
Việc tồn tại thể phim tài liệu chân dung trong thể loại phim tài liệu là
đương nhiên và tất yếu, không có gì có thể phủ nhận được. Phim tài liệu
chân dung tồn tại với những giá trị riêng và có đời sống nội tại bên trong
và không bao giờ mất đi. Còn con người thì còn điện ảnh và còn điện
ảnh là còn phim tài liệu chân dung. Phim tài liệu chân dung là những
khám phá về con người mà con người là kết tinh của mọi sự tinh túy, là
sự hài hòa nhất trong mọi sự hài hòa. Phim tài liệu luôn hướng đến con
người mà đỉnh cao của phim tài liệu là phim tài liệu chân dung3.
Như vậy, có thể thấy được rằng, trong một thời kỳ đất nước hòa bình, có
nhiều đổi mới, xã hội dân chủ thì việc phát triển phim tài liệu chân dung được coi
như sự phản ánh một cách công bằng về vai trò và số phận của từng cá nhân. Khi
người làm phim tài liệu có sự trưởng thành trong nhận thức cùng bản lĩnh nghề
nghiệp khi thể hiện nhân vật trong tác phẩm thì cũng là lúc phim tài liệu chân dung
bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Phim tài liệu chân dung là tác phẩm khai thác chắt lọc về nhân vật với
những sự việc diễn ra xung quanh.
Vốn là một thể loại trong phim tài liệu nên phim tài liệu chân dung cũng
mang những thuộc tính giống phim tài liệu, tuân theo những nguyên tắc cơ bản của
phim tài liệu. Đó là lấy những con người có thực, cụ thể với những việc làm có
thực trong cuộc sống làm đối tượng chính để thể hiện. Nếu như phim tài liệu khoa
học, phim tài liệu chính luận thường chỉ khai thác nhân vật với mục đích làm “nền”
2
Hồ Chí Cường (1995), Phim tài liệu chân dung, Luận văn thạc sĩ; Chuyên ngành
Đạo diễn Điện ảnh; Hà Nội; 1995.
3
Hồ Chí Cường (1995), Phim tài liệu chân dung, Luận văn thạc sĩ; Chuyên ngành
Đạo diễn Điện ảnh; Hà Nội; 1995.
cho việc thể hiện một vấn đề, khía cạnh nào đó trong cuộc sống thì đối với phim tài
liệu chân dung, con người là trung tâm, là đối tượng miêu tả chính của tác phẩm.
Thể hiện nhân vật trong phim tài liệu chân dung cũng chính là thể hiện quan điểm,
tư tưởng của tác giả. Đặc điểm sáng tác của phim tài liệu chân dung là sự chọn lọc
tinh tế các chi tiết thông qua khai thác nhân vật. Đối với người làm phim tài liệu
chân dung, trong quá trình tiếp cận và khai thác nhân vật, không phải tất cả mọi sự
việc, hành động diễn ra hàng ngày xung quanh nhân vật đều đưa vào phim mà phải
được lựa chọn, cân nhắc. Trong bộ phim tài liệu “Một phần năm mươi giây cuộc
đời”, khắc họa chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, từng hình ảnh về những
chuyến đi, những bước chân người nghệ sĩ tới khoảnh khắc chờ bấm máy của “lão
nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh” đã được chọn lựa từ biết bao hình ảnh trong công
việc và cuộc sống của nhân vật mà đoàn phim đã ghi lại được. Hay với bộ phim
“Trở lại Ngư Thủy” của đạo diễn Lê Mạnh Thích, bên cạnh những hình ảnh quay
về nhân vật, tác giả lại chú ý tới chi tiết hòn gai lăn dài trên miền cát trắng tưởng
chừng như không chút liên quan để làm hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của những nữ
pháo binh Ngư Thủy. Khán giả nếu đã từng xem “Thang đá ngược ngàn” hẳn
không thể quên đi hình ảnh về bước chân của cô giáo Mùi ngày ngày leo từng bậc
đá để vào bản dạy học sinh, hay những chi tiết miêu tả những người bị bệnh phong
bị xã hội kì thị. Trong phim tài liệu chân dung, những chi tiết đã được chắt lọc cao
độ khi đưa vào phim đã nhấn mạnh được ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn thể hiện.
Bộ phim tài liệu chân dung về Bác Hồ với tên gọi “Hồ Chí Minh - chân dung một
con người” của đạo diễn Bùi Đình Hạc là một minh chứng cho việc thông qua chi
tiết về cuộc sống của nhân vật để khắc họa tính cách con người. Trong phim có sử
dụng cụm hình ảnh Bác Hồ sau khi tắm thì giặt giũ quần áo rồi treo lên một cành
cây, vừa đi vừa phơi. Việc tác giả mạnh dạn lựa chọn hình ảnh này đưa vào phim
đã tạo nên một sự xúc động lớn cho người xem và giúp họ hiểu hơn về con người
của Bác. Một vị Chủ tịch nước vĩ đại không chỉ bởi những cống hiến to lớn của
Người cho đất nước mà còn bởi trong cái vĩ đại ấy lại là sự giản dị, gần gũi với
nhân dân như bao con người bình thường khác.
Phim tài liệu chân dung không đơn thuần chỉ mang tính chất miêu tả đơn
giản, kể lại cho người xem về chân dung một con người trong cuộc sống mà ẩn
chứa trong nó là cả một cách thể hiện chắt lọc về những con người có thật trên cơ
cở những sự việc, sự kiện xảy ra quanh họ. Trong sáng tác phim tài liệu chân dung,
người làm phim rất cần đến sự sáng tạo, tưởng tượng, sự nhạy bén với nhân vật
trong việc phát hiện và khám phá. Từ ý tưởng đến kịch bản, từ quay phim tới dựng
phim là một quá trình đòi hỏi người làm phim phải dành cả tâm huyết lẫn trí óc vào
đó.
Phim tài liệu chân dung thông qua nhân vật mà phản ánh vấn đề trong
xã hội
Thiên chức của những người làm phim tài liệu là luôn luôn động vào những
vấn đề mà xã hội và con người quan tâm. Bất kì tác giả nào cũng muốn gửi gắm
thông điệp, phản ánh những điều mình muốn kể thông qua những cách khác nhau.
Trong phim tài liệu chân dung, cuộc sống của nhân vật, số phận của họ chính là
cầu nối để thực hiện sự phản ánh đó. Ai đã từng xem bộ phim tài liệu Trở lại Ngư
Thủy đều không thể quên những khó khăn, vất vả của những nữ pháo binh năm
xưa. Một cuộc sống không có điện, hòn đảo dường như bị lãng quên theo thời gian,
một que kem cũng trở thành món quà quý. Thông qua thể hiện cuộc sống của
những nhân vật với hoàn cảnh như vậy, bộ phim cũng là tiếng lòng than thở trách
móc xã hội đã bỏ quên đi những con người có công với đất nước. Đồng thời cũng
là lời nhắc nhở, kêu gọi chính quyền, cộng đồng chung tay giúp sức để giúp hòn
đảo Ngư Thủy có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Figure 1 Hình ảnh về những nữ pháo binh ở cuộc sống hiện tại trong bộ phim “Trở lại ngư Thủy”

Ngay sau khi bộ phim được công chiếu, nó đã tạo ra một tiếng vang lớn không chỉ
về mặt giá trị nghệ thuật mà còn lay động tới trái tim đồng cảm của cộng đồng xã
hội. NSND Nguyễn Thước – người quay bộ phim Trở lại Ngư thủy chia sẻ trên báo
mạng Việt Nam mới:
“Khi bộ phim Trở lại Ngư Thủy ra đời đã gây tranh cãi dữ dội vì nhiều lí
do. Điều tôi còn ấn tượng nhất là sau khi phim phát sóng, các nhà báo đã dấy lên
một đợt tuyên truyền, gây dựng một quỹ từ thiện dành cho chị em đại đội pháo
binh Ngư Thủy, ban tổ chức gồm đội báo chí và đoàn làm phim đã sử dụng quỹ đó
để đưa chị em ra thăm Hà Nội, đến Bảo tàng quân đội thăm lại khẩu pháo, đến
thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đài truyền hình Việt Nam mời chị em đến làm
khách mời của VTV3 do nhà báo Lại Văn Sâm chủ trì (năm 1998). Sau chương
trình đó hiệu ứng ngày càng lan tỏa, nhiều đơn vị từ thiện mang sắt thép xi măng
đến Ngư Thủy xây trường, bên điện lực dẫn một đường dây điện vào (bao nhiêu
năm trước đó không hề có điện), sau đó bên giao thông làm đường nhựa đến tận
nơi. Năm 2000, đoàn làm phim quay trở lại thì xã đã có một ngôi trường khang
trang, có điện, có đường. Cuộc sống ở Ngư Thủy đã thay đổi rất nhiều. Năm 2015,
tôi có thăm lại các chị em một lần nữa thì thấy cuộc sống bây giờ rất thay đổi, cả
xóm không còn nhà lá nữa, mọi nhà đều có nhà gạch, điện - đường - trường - trạm,
cuộc sống của đại đội pháo binh Ngư Thủy đã thực sự thay đổi nhờ hiệu ứng tích
cực từ bộ phim”. 4

4
https://vietnammoi.vn/hieu-ung-bat-ngo-tu-nhung-bo-phim-tai-lieu-18661.htm
Trong năm 2021, bộ phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khắc họa
chân dung những bác sĩ trong bệnh viện Hùng Vương đã tạo nên một hiệu ứng tích
cực trong xã hội về việc bảo vệ sức khỏe trước nguy hiểm từ dịch bệnh Covid 19.
Không có lời bình, chỉ có ngôn ngữ hình ảnh nhưng trong suốt 50 phút của bộ
phim, người xem khó rời màn hình. Bằng những thước phim chân thực, sống động,
những người làm phim đưa khán giả đến với một trong những nơi đặc biệt nhất của
tâm dịch tại TP. Hồ Chí Minh - Bệnh viện Hùng Vương , nơi điều trị hàng trăm sản
phụ nhiễm COVID-19. Sự căng thẳng bởi dịch bệnh, những khó khăn thiếu thốn cả
về vật chất lẫn nhân lực trong cuộc chiến chống COVID-19 dù đã được nói đến rất
nhiều, nhưng với “Ranh giới”, người xem cảm nhận được tận cùng những tàn
khốc, những nỗ lực và cả những bất lực, những mất mát, khổ đau do dịch bệnh gây
nên. Đó không chỉ là hình ảnh những y bác sĩ quay cuồng cùng công việc, thậm chí
có lúc cáu gắt, bất lực vì thiếu phương tiện, thiếu nhân lực, mệt nhoài vạ vật từ
hành lang đến nền mà còn sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự rung động, tha thiết tri ân
khó nói hết bằng lời đối với đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Như lời nói của chính nhân vật nữ bác sĩ đang điều trị cho các sản phụ trong phim
"Để thấy cuộc sống này quý giá, thấy mình cần sống dũng cảm hơn, tử tế hơn". Đó
cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi tới khán giả thông qua chân dung
của những nhân vật được thể hiện trong phim.

Figure 2 Hỉnh ảnh các bác sĩ trong phim tài liệu “Ranh giới” được thực hiện vào năm 2021

- Phim tài liệu chân dung mang đậm tính chất chủ quan của tác giả.
Sáng tác nghệ thuật là một hoạt động thể hiện rõ tính cá nhân, cái tôi của tác
giả. Bởi trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực nào cũng không
giống nhau, mỗi tác phẩm đều thể hiện quan điểm sáng tác riêng, cách nhìn nhận
dưới nhiều góc độ khác nhau của từng tác giả. Điều đó tạo nên sự đa dạng và sinh
động của nghệ thuật. Mỗi một tác giả làm phim tài liệu, khi nhìn nhận hay đánh giá
về một vấn đề xã hội, về một con người đều có những suy nghĩ chủ quan riêng của
mình. Đứng trên phương diện tuổi tác, kinh nghiệm sống, dựa trên các mối quan hệ
với nhân vật để có những quan điểm khai thác về họ. Trong phim tài liệu chân
dung, bản thân nhân vật trước khi được khai thác và thể hiện cũng đã được tác giả
nhìn nhận và đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau. Điều đó tạo nên tính chủ quan
của tác giả trong phim tài liệu chân dung. Mỗi một bộ phim tài liệu chân dung
được làm ra không hề giống nhau. Thậm chí là cùng về một nhân vật nhưng cách
thể hiện nhân vật và quan điểm đối với nhân vật đó cũng khác nhau. Minh chứng
có thể thấy rất rõ là trong những bộ phim tài liệu chân dung về chủ tịch Hồ Chí
Minh, cùng là một nhân vật Bác Hồ nhưng mỗi một tác giả khi làm phim về Bác
lại chọn một góc độ thể hiện khác nhau, kết cấu của phim cũng khác nhau. Tính
chất chủ quan của tác giả trong phim tài liệu chân dung thường được biểu hiện rõ
nhất ở việc lựa chọn cách thể hiện nhân vật. Thể hiện nhân vật thông qua chính lời
kể, lời tự sự của họ là cách mà nhiều tác giả lựa chọn. Đạo diễn Đào Trọng Khánh
làm bộ phim “Giọt nước giữa đại dương” xuất phát từ chính câu nói khiêm tốn của
đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông nói về công lao của mình với dân tộc: “Mình chỉ
là giọt nước giữa đại dương”. Cách khắc họa chân dung trong bộ phim này là dùng
lời kể của chính nhân vật thông qua hàng loạt cuộc phỏng vấn để nhân vật nói về
những năm tháng chiến đấu, những kí ức về lịch sử. Qua mỗi một cột mốc được tác
giả kể lại, tác giả lại khéo léo để nhân vật tự bộc lộ mình, từ đó thấy được cuộc đời
và sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đây ta thấy được vai trò của đạo
diễn khi ông đưa được cái nhìn chủ quan của mình vào việc hình thành cốt truyện
cùng nhân vật trong phim.
Bộ phim “Người thắp lửa” của đạo diễn Nguyễn Như Vũ nói về chân dung nhà
giáo Nguyễn Đức Thìn. Ý tưởng của bộ phim được hình thành từ cuốn sách do
chính nhân vật tặng tác giả... Và sau khi đọc xong cuốn sách ấy cũng chính là lúc
tác giả nảy sinh ra cách thể hiện để làm phim. Trong bộ phim “Người thắp lửa”,
nhân vật vừa là người kể chuyện, vừa là người dẫn dắt hình ảnh từ hiện tại trở về
quá khứ thông qua những địa điểm mà nhân vật đặt chân tới. Tại mỗi địa điểm ấy,
tác giả lại cho nhân vật bộc bạch câu chuyện của mình. Đạo diễn Nguyễn Như Vũ
còn sử dụng chính bài thơ mà nhân vật sáng tác để gửi tới thông điệp cho người
xem.
Cũng là phim chân dung nhưng có tác giả lại lựa chọn cách khai thác, thể hiện
nhân vật thông qua những nhân vật phụ. “Bác sĩ Trần Duy Hưng – một người Hà
Nội” của đạo diễn Trịnh Quang Tùng lại sử dụng cách thể hiện nhân vật thông qua
lời kể của các nhân vật khác về nhân vật chính. Xuất phát từ lý do nhân vật không
còn sống, đạo diễn đã quyết định thể hiện nhân vật trong phim thông qua những
thước phim tư liệu quay khi nhân vật còn sống kết hợp với lời kể của những nhân
vật khác – những người đã từng có mối quan hệ với với nhân vật chính.
Tóm lại, tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua chủ quan của tác giả trong phim
tài liệu chân dung là một đặc trưng của thể loại này. Nó có mặt ở tất cả các tác
phẩm phim tài liệu chân dung dù được thực hiện bởi tác giả nào hay trong một giai
đoạn nào của lịch sử. Tính chủ quan của người sáng tác càng sâu sắc, biểu hiện
một cách khéo léo, tự nhiên thì giá trị của tác phẩm nghệ thuật càng cao. Để trở
thành một tác phẩm phim tài liệu chân dung thực thụ, người làm phim cần phải
sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc, từ ý tưởng đến cách thể hiện phải nhất
quán mà không làm mất đi tính chân thực của nhân vật. Đạo diễn – NSND Đào
Trọng Khánh đã nói:
Phim tài liệu hay có hai cái: Thứ nhất là năng khiếu, thứ hai là cái phim
có chuyện… Nó hay và thú vị ở những chỗ chính bản thân người thể
hiện có những nhận xét lý thuyết của riêng mình cài vào đó, người kể
chuyện phải biết nhận xét, có cảm xúc của mình thì phim mới hay5.
Theo quan điểm của đạo diễn thì năng khiếu được đặt lên đầu tiên. Đó chính là cái
riêng của mỗi người sáng tác khi sử dụng các thủ pháp để khắc họa hình ảnh nhân
vật. Cái riêng ấy xuất phát từ trình độ kiến thức, sự hiểu biết cũng như kinh
nghiệm, tài năng của tác giả. Và vì mỗi người có cách thể hiện khác nhau mà mỗi
bộ phim lại có sức hấp dẫn khác nhau.
Mỗi tác giả làm phim có một cảm xúc riêng để kể lại câu chuyện về nhân vật cho
khán giả. Cảm xúc riêng ấy là những gì thuộc về cá nhân tác giả như sự nhận biết
về hiện thực, sự đồng cảm với nhân vật hay cách sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để thể
hiện nhân vật. Đó là cái riêng làm nên tên tuổi mỗi nghệ sĩ. Thực sự người làm
phim nào cũng như vậy, những thứ ở trong phim được thỏa mãn đầu tiên phải thỏa
mãn cái điều tôi muốn làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Cường (1995), Phim tài liệu chân dung, Luận văn thạc sĩ; Chuyên
ngành Đạo diễn Điện ảnh; Hà Nội; 1995.
2. Quảng Thị Thu Hà (2015), Nghệ thuật dẫn chuyện trong phim tài liệu của
Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật
điện ảnh truyền hình.
3. GS Nguyễn Lân (2014), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn học tái
bản; Hà Nội.

5
Quảng Thị Thu Hà (2015), Nghệ thuật dẫn chuyện trong phim tài liệu của Hãng
phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh truyền
hình
4. Khiu Bedli (2002), Kỹ thuật làm phim tài liệu, Viện nghiên cứu và lưu trữ
Điện ảnh xuất bản.
5. Nguồn Website: https://vietnammoi.vn/hieu-ung-bat-ngo-tu-nhung-bo-phim-
tai-lieu-18661.htm
6. Các bộ phim được sử dụng để làm ví dụ trong bài viết:
- Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội (2013)
- Giọt nước giữa đại dương (2015)
- Người thắp lửa (2009)
- Ranh giới (2021)
- Trở lại Ngư Thủy (1997)
- Thang đá ngược ngàn (2002)

You might also like