You are on page 1of 12

NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG THEO

PHÁP LUẬT DÂN SỰ HIỆN HÀNH VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

TS. Kiều Thị Thuỳ Linh1

Tóm tắt: Bài viết trọng tâm phân tích các nguyên tắc đang được pháp luật dân
sự ghi nhận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tập trung trong Bộ luật dân sự
hiện hành) và trên cơ sở đối chiếu, so sánh, luận giải các quy định này. Bài viết cũng
phân tích các điểm chưa phù hợp để kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về
nội dung này.
Từ khoá: Nguyên tắc bồi thường, pháp luật dân sự, kiến nghị hoàn thiện.
1. Một số khái quát về nguyên tắc bồi thường và yêu cầu đối với nguyên tắc
bồi thường
Nguyên tắc được hiểu là “hệ thống các quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ
hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân theo”2 hoặc được
lý giải “nguyên” là “gốc”, còn tắc là “phép tắc” nên nguyên tắc là “điều cơ bản đã
được quy định để dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội”3 hoặc “điều cơ bản định
ra, nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc sống, làm việc có nguyên tắc”4. Dù các khái
niệm có thể đưa ra với cách lý giải khác biệt về ngôn từ chính xác nhưng đều thống
nhất nguyên tắc là những phép tắc cơ bản, gốc nhằm điều chỉnh một quan hệ hoặc một
nhóm quan hệ nào đó mà buộc các chủ thể có liên quan tuân thủ.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được hiểu là các xử sự được coi là chuẩn mực
và được luật quy định để áp dụng chung cho các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi
thường thiệt hại khi đáp ứng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong BLDS Việt Nam hiện hành, các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được ghi nhận
tại Điều 585 BLDS năm 2015.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:
Một là, các nguyên tắc này phải được luật hoá và áp dụng cho các trường hợp
bồi thường thiệt hại xảy ra trong thực tiễn đời sống. Khi các nguyên tắc được luật hoá
sẽ đảm bảo cơ chế áp dụng các quy định của pháp luật. Khi không tuân thủ, các chủ
thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi.
Hai là, đảm bảo bảo vệ lợi ích đầy đủ, nhanh chóng cho những người bị thiệt
hại. Mục tiêu cuối cùng khi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhằm đảm

1
Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
2
Nguồn: https://hocluat.vn/wiki/nguyen-tac/ (truy cập ngày 2/9/2019).
3
Nguồn: www.vdict.com (truy cập ngày 2/9/2019).
4
Nguồn: tratu.soha.vn (truy cập ngày 2/9/2019).
23
bảo người bị thiệt hại phải được bù đắp những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do hành
vi hoặc tài sản của người khác gây ra.
Ba là, đảm bảo áp dụng nguyên tắc “cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách
nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự” (khoản 5
Điều 3 BLDS năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự). Khi có hành
vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hay tài sản của
người khác có nghĩa đã không thực hiện đúng nghĩa vụ tôn trọng sự tuyệt đối đối với
tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hay tài sản của người khác nên phải
phát sinh trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi tương ứng với hành vi vi phạm pháp
luật của mình.
Bốn là, đảm bảo sự công đồng, bảo vệ quyền lợi của mọi chủ thể trong xã hội.
Bất kỳ chủ thể nào trong xã hội bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người khác
hoặc do tài sản thuộc sở hữu của người khác gây ra với mình đều được pháp luật bảo
đảm bằng cách quy định quyền của họ cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện quyền được
bồi thường này.
2. Nguyên tắc bồi thường quy định trong pháp luật dân sự hiện hành
Điều 585 BLDS năm 2015 quy định về các nguyên tắc bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng và các nguyên tắc tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
2.1. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời
Đúng như mục đích của việc nhà làm luật phải ghi nhận và buộc chủ thể gây
thiệt hại phải bồi thường là nhằm đảm bảo cho người bị thiệt hại nhanh chóng được bù
đắp những thiệt hại mình phải gánh chịu, nên nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất
trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại là phải toàn bộ, kịp thời.
Trong BLDS năm 2005, nhà làm luật quy định “thiệt hại phải được bồi thường
toàn bộ và kịp thời” (Điều 605) nhưng trong BLDS năm 2015, quy định đã nhấn mạnh
là “thiệt hại thực tế”. Thiệt hại thực tế phải được hiểu là các thiệt hại có thực, không
được suy đoán ra thiệt hại thì mới là giá trị thiệt hại để bồi thường. Dù cách gọi là
“thiệt hại” hay “thiệt hại thực tế” thì đều để chỉ “bị mất mát về người, về của cải vật
chất hoặc tinh thần”5 hoặc “tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy
tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của
pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ”6 đưa ra quan niệm về thiệt hại
được quy định trong BLDS năm 2005 nhưng vẫn có giá trị tham khảo rất lớn vì BLDS
năm 2015 kế thừa phần lớn tinh thần của BLDS này. Thiệt hại thực tế này được bồi

5
Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, trang 943.
6
Viện khoa học pháp lý (2009), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (tập 2), NXB Chính trị quốc gia,
trang 713.
24
thường toàn bộ có thể hiểu là “thiệt hại xảy ra bao nhiêu thì phải được bồi thường bấy
nhiêu”7. Những thiệt hại này phải có đầy đủ căn cứ, minh chứng chứng minh thiệt hại
là có thật. Các thiệt hại được suy đoán “có thể bị thiệt hại” sẽ không được tính vào giá
trị thiệt hại và người bị thiệt hại phải bồi thường. Nên chính vì thế, nguyên tắc bồi
thường toàn bộ hầu như chỉ áp dụng được các trường hợp gây thiệt hại về tài sản. Các
trường hợp gây thiệt hại tới tính mạng, sức khoẻ, đặc biệt uy tín, danh dự, nhân phẩm
thì thường rất khó áp dụng nguyên tắc này vì thường khó xác định ngay lập tức giá trị
thiệt hại. Bên cạnh đó, trong bài viết của của Thạc sĩ, luật sư Lê Văn Sua có một ví dụ
để cho thấy việc xác định thiệt hại thực tế luôn là vấn đề vô cùng khó khăn. Ví dụ cụ
thể là: “Ngày 01/02/2017, Nguyễn Văn A mang cưa lốc số hiệu STIL 381 vào khoảnh 4
tiểu khu 706 thuộc thôn I, xã P là rừng đặc dụng, đã cưa hạ 10 cây gỗ rồi quay về, với
ý định chờ cây khô sẽ thuê người cưa xẻ kéo về làm nhà ở. Ngày 14/02/2017, trạm
kiểm lâm L kiểm tra phát hiện và báo cáo cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM. Qua
xác đinh, điều tra của cơ quan chức năng, số gỗ bị đốn hạ là loại gỗ thuộc nhóm III và
VII, có khối lượng 35m3 gỗ tròn, diện tích rừng bị thiệt hại không đáng kể, vì các cây
gỗ ngã nằm liền kề khu vực đất trống. Sau đó, Nguyễn Văn A có đơn báo cáo thừa
nhận hành vi trên của mình. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K
kết luận giá trị thiệt hại khối lượng gỗ do A khai thác trái phép là 60 triệu đồng và
thiệt hại về môi trường không đáng kể. Công an huyện K ra quyết định xử lý vật chứng
bằng hình thức chuyển giao cho hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM tổ chức thu gom số
gỗ tròn tận thu được là 25m3, số gỗ còn lại là 10m3 không tận thu được đã tiêu huỷ.
Sau khi hoàn tất thủ tục nghiệm thu, Hội đồng định giá bán đấu giá 25m3 gỗ, thu được
125 triệu đồng. Chi phí cho công tác bảo quản, xử lý bán tài sản là 85 triệu đồng” và
kết luận cuối cùng đặt ra vấn đề lớn “thiệt hại thực tế trong vụ này là 60 triệu đồng
theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự hay là 125 triệu
đồng theo Hội đồng bán đấu giá tài sản?”8. Như vậy, xác định thiệt hại thực tế luôn là
vấn đề không dễ dàng, ngay cả với các cơ quan có thẩm quyền hoặc có chuyên môn
trong lĩnh vực bị thiệt hại nên khi BLDS hiện hành quy định nguyên tắc này thì để đưa
nguyên tắc này vào cuộc sống được thực hiện nhất quán, thống nhất cũng không phải
là dễ dàng.
Nguyên tắc kịp thời thường được hiểu là “ngay khi thiệt hại xảy ra, người chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng khắc phục tổn thất mà người bị

7
Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của Nước cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Công an nhân dân, trang 875.
8
Lê Văn Sua (2018), Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật dân sự năm 2015, Tạp chí
luật sư điện tử, http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/phan-tich-nghien-cuu/nguyen-tac-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-
hop-dong-theo-bo-luat-dan-su-2015-29487.html, ngày truy cập 2/9/2019.
25
thiệt hại phải gánh chịu”9. Để xác định kịp thời bồi thường rất khó có một chuẩn nhất
định nhưng được hiểu trong từng tình huống cụ thể, bên bồi thường thiệt hại có những
chi trả nhanh chóng, nhất định một phần hoặc toàn bộ thiệt hại, tạo điều kiện cho
người bị thiệt hại có thể chữa trị hoặc hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại.
Mặc dù điểm vướng lớn nhất trong việc áp dụng nguyên tắc này chính là không
có một tiêu chuẩn cụ thể để xác định toàn bộ thiệt hại hay kịp thời bồi thường nhưng
với nguyên tắc này, bước đầu buộc người gây thiệt hại hoặc người phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ý thức được trách nhiệm của mình. Đồng thời, người bị
thiệt hại cũng ý thức mình có quyền trong việc yêu cầu bên gây thiệt hại cho mình
phải nhanh chóng bồi thường do hành vi gây thiệt hại của họ gây ra.
2.2. Nguyên tắc trong giảm mức bồi thường
Việc bồi thường không hẳn lúc nào cũng tuân thủ thiệt hại bao nhiêu được bồi
thường bấy nhiêu bởi trong nhiều trường hợp, việc bồi thường nằm ngoài khả năng
của người có trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm
2015 ghi nhận trường hợp “có thể” được giảm mức bồi thường. “Có thể” có nghĩa là
khi bồi thường thiệt hại thoả mãn các điều kiện thì sẽ được xem xét để giảm bớt mức
bồi thường chứ không đương nhiên được giảm. Các điều kiện mà nhà làm luật đặt ra
bao gồm:
Một là, người gây thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý. Lỗi là một trạng thái
tâm lý của người khi thực hiện hành vi nhất định khi họ biết về hành vi của mình có
thể gây nguy hiểm, thiệt hại cho bản thân hoặc cho người khác. Người thực hiện hành
vi không có bất kỳ sự nhận thức nào về hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm
hoặc do quá chủ quan hoặc quá tự tin rằng hành vi của mình không gây thiệt hại. Tuy
nhiên, thực tế hành vi của họ lại gây ra thiệt hại cho người khác, có thể thiệt hại vật
chất hoặc tinh thần.
Hai là, thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Nếu trong BLDS
năm 2005, nhà làm luật quy định “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt
cũng như lâu dài” của người gây thiệt hại nhưng thực tế việc xác định khả năng kinh tế
trước mắt thì còn có thể cơ sở xác định, việc xác định khả năng kinh tế lâu dài thì khó
xác định và không có cơ sở nào để suy đoán. Đặc biệt, một số trường hợp, khả năng
kinh tế có thể được thay đổi nhanh chóng do có các sự kiện phát sinh như: giá chứng
khoán tăng nhanh, được tặng cho tài sản, được thừa kế tài sản… Trong BLDS năm
2015 thì quy định so với khả năng kinh tế của mình như vậy, khả năng kinh tế này sẽ
được xác định vào lúc nào: thời điểm gây thiệt hại hay thời điểm bồi thường thiệt hại?
Thực tế, khả năng kinh tế sẽ được xem xét trong một khoảng thời gian nhất định mà
9
Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên) (2017), Sđd, trang 876.
26
thường kéo dài từ lúc gây thiệt hại cho đến lúc bồi thường. Khả năng kinh tế của người
bồi thường thiệt hại không thể chi trả được cho toàn bộ thiệt hại mà hành vi của họ gây
ra.
Với sự hội tụ đầy đủ hai điều kiện nêu trên thì người gây thiệt hại có thể được
xem xét để giảm mức bồi thường. Xem xét giảm mức bồi thường trước hết thuộc về
chính người bị thiệt hại. Nếu người bị thiệt hại đồng thuận giảm mức bồi thường thì
giá trị bồi thường được coi như các bên thống nhất với nhau. Trường hợp các bên
không đạt được sự thoả thuận thì Toà án sẽ có thẩm quyền xem xét giảm mức bồi
thường và tất nhiên, mức độ giảm sẽ được đưa ra dựa trên chính khả năng kinh tế của
người phải bồi thường. Điều đó đồng nghĩa, mỗi một vụ việc cụ thể thì mức giảm bồi
thường cũng sẽ khác nhau, không tuân theo một tỉ lệ hoặc một công thức cố định.
Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là sau khi có quyết định giảm mức bồi thường mà
khả năng kinh tế của người phải bồi thường thiệt hại được cải thiện đáng kể (tăng khả
năng kinh tế) thì Toà án có thẩm quyền thay đổi quyết định của mình không hay chỉ
được xem xét dựa trên yêu cầu của một trong hai bên đương sự (thông thường chỉ có
bên bị thiệt hại mới có yêu cầu thay đổi mức bồi thường) hay sẽ phải thực hiện theo
thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015.
2.3. Nguyên tắc giảm mức bồi thường
Pháp luật dân sự hiện hành cho phép giảm mức bồi thường và quy định tại
khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015 khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau:
Một là, mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Mức bồi thường là một
số tiền cụ thể được các bên thống nhất hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền. Việc không phù hợp với thực tế được hiểu theo hai trường hợp: mức bồi
thường cao hơn so với thực tế hoặc thấp hơn so với thực tế. Mức bồi thường cao hơn
so với thực tế có thể gặp trong trường hợp như: A gây tai nạn và phải bồi thường cho
B số tiền thuốc hàng tháng 5 triệu. Sau đó, sức khoẻ của B cải thiện và không cần
dùng thuốc nữa thì mức bồi thường 5 triệu hàng tháng cho mục đích mua thuốc men
đã không còn phù hợp. Những trường hợp hay gặp phải của mức bồi thường cao hơn
thực tế là sự hồi phục của bên bị thiệt hại tốt hơn hoặc khả năng kinh tế của bên bồi
thường thiệt hại giảm sút đáng kể. Trường hợp mức bồi thường thấp hơn với điều kiện
thực tế cũng có thể xảy ra, ví dụ như C phải cấp dưỡng cho D (6 tuổi) cho đến khi D
đủ 18 tuổi với mức bồi thường là 1 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm đưa ra mức bồi
thường thì chi phí 1 triệu đồng cấp dưỡng là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nói
chung. Tuy nhiên, sau đó vài năm, điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, nhu cầu cuộc
sống tăng lên thì mức 1 triệu đồng/ tháng không còn đáp ứng nên cần thay đổi mức
bồi thường. Điều kiện đầu tiên chính là mức bồi thường không còn phù hợp và sự phù
27
hợp phải được hiểu là cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so mới nhu cầu thực tiễn. Mặc
dù luật không ghi nhận chi tiết nhưng phải hiểu, sự không phù hợp của mức bồi
thường phải được xác định dựa trên các căn cứ, minh chứng cụ thể mà bên yêu cầu
thay đổi mức bồi thường chứng minh.
Hai là, quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường thuộc bên bồi thường thiệt hại
hoặc bên được bồi thường thiệt hại. Một yêu cầu đặt ra cho việc xem xét thay đổi mức
bồi thường chính là yêu cầu đến từ bên bồi thường thiệt hại hoặc bên được bồi thường
thiệt hại. Thông thường, bên bồi thường thiệt hại chỉ đưa ra yêu cầu nếu như mức bồi
thường quá cao, không còn phù hợp. Tất nhiên, bên bồi thường thiệt hại cũng có thể
yêu cầu nếu trường hợp thấy mức bồi thường mà mình phải thực hiện quá thấp, không
đảm bảo cho người bị thiệt hại. Tuy vậy, đây sẽ là trường hợp không phổ biến. Bên bị
thiệt hại sẽ thường đưa ra yêu cầu điều chỉnh mức bồi thường nếu nhận thấy mức bồi
thường mình được nhận thấp hơn đáng kể so với nhu cầu thực tế. Nên để đảm bảo
quyền, lợi ích hợp pháp cho cả bên bồi thường và bên được bồi thường, pháp luật đều
cho phép một trong hai bên có quyền đề nghị để thay đổi mức bồi thường. Bên yêu cầu
thay đổi mức bồi thường có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tất nhiên,
bên yêu cầu cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện
pháp cần thiết phù hợp.
Cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thay đổi mức bồi thường
thuộc về Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Toà án có thẩm quyền ra
quyết định mức bồi thường dựa trên yêu cầu bồi thường hoặc tranh chấp về việc bồi
thường thiệt hại. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường ra quyết định mức bồi
thường trong phạm vi thẩm quyền của mình và thường chỉ áp trong lĩnh vực hành
chính. Tóm lại, cơ quan ra quyết định về mức bồi thường thì cũng có thẩm quyền
trong việc thay đổi mức bồi thường nếu như thoả mãn các điều kiện luật định.
Điểm khó trong quy định này chính là các thủ tục, quy trình tố tụng còn nhiều
phức tạp nên nhiều khi yêu cầu đưa ra nhưng để có được quyết định của Toà án hoặc
cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức bồi thường nhiều khi khó đảm bảo tính kịp
thời, nhanh chóng. Chưa kể, trong bối cảnh cải cách hành chính, quyết định của một
cơ quan nhưng sau đó cơ quan đó không còn tồn tại thì việc kiểm tra lại hồ sơ, xem xét
lại giấy tờ cũng gặp nhiều khó khăn.
Thế nên, đối với nguyên tắc này, điểm khó khăn không lệ thuộc vào nhiều các
quy định pháp luật hiện hành bởi các quy định pháp luật hiện hành đã đưa ra được
những nguyên tắc chung, điều kiện chung áp dụng mà nằm ở cơ chế tổ chức thực thi,
áp dụng. Đồng thời, chính bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bên bị thiệt hại
cũng phải có nhận thức đầy đủ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình với

28
sự cân bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan thì mới có thể thực
hiện tốt được nguyên tắc này.

2.4. Nguyên tắc bồi thường khi bên bị thiệt hại cũng có lỗi
Trong nhiều trường hợp, bên bị thiệt hại cũng có lỗi nhất định với phần thiệt hại
xảy ra nên tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 quy định về trường hợp người bị
thiệt hại cũng có lỗi thì sẽ không được bồi thường phần giá trị thiệt hại do lỗi của mình
gây ra. Trong BLDS năm 2015 thì đưa nội dung vào thành nguyên tắc chung để áp
dụng cho mọi trường hợp bồi thường thiệt hại, khác với BLDS năm 2005 khi quy định
nó là một trường hợp cụ thể.
Trong Từ điển Tiếng Việt, lỗi được định nghĩa “là điều sai sót, không nên,
không phải trong cách xử sự, trong hành động”10. Bên cạnh đó, lỗi cũng thường được
quan niệm là trạng thái tâm lý phản ánh thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi
trái pháp luật của mình cũng như đối với hậu quả của hành vi đó. Trạng thái tâm lý
được xem xét khi kết hợp giữa yếu tố lý trí và ý chí khi thực hiện hành vi. Theo đó,
“yếu tố ý chí: thể hiện ở nhận thức thực tại khách quan (nhận thức được hoặc không
nhận thức được mặc dù có đủ điều kiện để nhận thức khả năng gây thiệt hại của hành
vi).
Yếu tố lý trí: thể hiện năng lực điều khiển hành vi (khả năng kiềm chế hành vi
gây thiệt hại hoặc có khả năng thực hiện hành vi khác phù hợp với pháp luật)”11. Như
vậy, khi xem xét để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để xác định chủ thể có
lỗi hay không cần phải xác định được cả yếu tố ý chí và lý trí. Nếu yếu tố ý chí là đề
cập để khả năng nhận thức nói chung thì yếu tố lý trí thể hiện khả năng làm chủ hành
vi của chính người thực hiện hành vi trái pháp luật này. Thông thường, pháp luật chỉ
đặt ra trách nhiệm của các chủ thể khi chủ thể đó thực hiện hành vi trái pháp luật và
nhận thức về hành vi của mình. Sự nhận thức đó có thể hoàn toàn cố ý, tức là biết về
hành vi trái pháp luật cũng như hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn nó xảy
ra hoặc cũng có thể là vô ý, tức là có thể do quá cẩu thả hoặc quá tự tin khi thực hiện
hành vi mà không cho rằng hậu quả có thể xảy ra. Đương nhiên, điều này sẽ đồng
nghĩa, nếu thực hiện hành vi mà hoàn toàn không có lỗi thì pháp luật sẽ không đặt ra
trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp này.

10
Viện ngôn ngữ học (2003), Sđd, trang 1413.
11
Vũ Thị Lan Hương (2018), Luận án Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác
gây ra theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 64.
29
Tại nguyên tắc này có thể hiểu tinh thần như sau: Nếu người bị thiệt hại không
có lỗi thì đương nhiên sẽ được bồi thường toàn bộ, kịp thời, tuân thủ theo nguyên tắc
được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015. Trường hợp người bị thiệt hại
cũng có lỗi và lỗi này làm ảnh hưởng trực tiếp tới thiệt hại mà họ phải gánh chịu thì
pháp luật cũng buộc người bị thiệt hại phải tự mình gánh chịu thiệt hại tương ứng mức
độ lỗi của mình.
Về mặt lý thuyết, xác định yếu tố lỗi của người bị thiệt hại không khó mà có thể
xác định được ví dụ như người đi bộ sang đường không đúng phần đường dành cho
người đi bộ và bị người điểu khiển phương tiện giao thông đâm vào dẫn đến thiệt hại.
Rõ ràng, người đi bộ cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nói chung.
Tuy vậy, thiệt hại nói chung thì dễ xác định hơn nhưng trong bản thân phần
tổng gía trị thiệt hại ấy, phần nào do lỗi của từng bên thì khó xác định hơn rất nhiều.
Do đó, nếu muốn xác định phần thiệt hại do lỗi bên nào sẽ trông chờ nhiều vào „sự
thoả thuận‟ của hai bên (bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại). Trường hợp hai bên chủ
thể không đạt được sự thoả thuận sẽ dẫn đến rất khó khăn trong áp dụng với cơ quan
nhà nước tiếp nhận được yêu cầu của một trong hai bên chủ thể. Thường thường, cơ
quan nhà nước sẽ phải trưng cầu các chuyên gia trong lĩnh vực để phân tích từng phần
thiệt hại và xác định theo mức độ lỗi từng bên. Trường hợp khó xác định một tỉ lệ
tương đối tương ứng với mức độ lỗi của từng bên thì có thể coi như lỗi hai bên như
nhau và tỉ lệ thiệt hại phải gánh chịu sẽ như nhau.ß
Điểm khó khăn thứ hai trong việc áp dụng nguyên tắc này khi kết hợp với
nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015. Nếu bên bị thiệt hại
không có lỗi hoặc có lỗi cố ý có thể là một trong các điều kiện để căn cứ xem xét giảm
mức bồi thường. Trong khi đó phần thiệt hại bị gây ra do lỗi của bên bị thiệt hại (có
thể cố ý hoặc vô ý) thì đều không được bồi thường nên giá trị bồi thường để xem xét
giảm phải là phần giá trị thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại gây ra do lỗi của bên bị
thiệt hại. Như vậy mới đảm bảo sự công bằng, hài hoà trong việc áp dụng.
2.5. Trường hợp không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Lần đầu tiên, BLDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc không được bồi thường khi
thoả mãn các điều kiện được quy định tại khoản 5 Điều 585, theo đó: “Bên có quyền,
lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các
biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 dẫn đến nhiều
quan điểm trái chiều về sự logic trong nội dung quy định tại Điều luật này. Quan điểm
thứ nhất cho rằng, việc ghi nhận tại Khoản 5 không phù hợp với đúng tiêu đề Điều 585
là “Nguyên tắc bồi thường thiệt hại” vì chỉ khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt
30
hại thì mới áp dụng nguyên tắc này. Nên chính vì thế, quy định tại khoản 5 khi ghi
nhận không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không phù hợp với đúng nội
dung của Điều luật và cần được đưa quy định này ra thành một quy định riêng. Quan
điểm thứ hai thì ngược chiều với quan điểm thứ nhất vì cho rằng, Điều 585 quy định
các nguyên tắc chung nhất áp dụng khi tiến hành xác định và cơ chế thực hiện bồi
thường thiệt hại trong mọi trường hợp. Thế nên, nếu đáp ứng các điều kiện được ghi
nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 thì cũng được thực hiện theo nguyên tắc
chung là không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xét ở giác độ là các
nguyên tắc chung thì quy định về không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng. Nhưng xét ở góc độ logic với tên điều luật thì quy định tại khoản 5
Điều luật này cần đưa ra thành một điều luật độc lập.
Luận bàn về việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn hoặc
hạn chế thiệt hại thì thấy, trên thực tế, nhiều trường hợp có thể thiệt hại sẽ giảm hoặc
thậm chí không có thiệt hại nếu áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên,
nhiều người bị thiệt hại với tâm lý anh gây thiệt hại cho tôi, mặc nhiên để thiệt hại cứ
xảy ra vì sẽ có người bồi thường cho mình nên không áp dụng các biện pháp cần thiết,
hợp lý dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hơn. Pháp luật quy định nguyên tắc này để buộc
những người bị thiệt hại phải ý thức nghĩa vụ của mình trong việc ngăn chặn, hạn chế
thiệt hại.
Việc xác định biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn thiệt hại mà người bị
thiệt hại áp dụng phải được xem xét trong khả năng của người bị thiệt hại. Khả năng
người bị thiệt hại được xem xét trong nhiều góc độ:
Khả năng nhận thức, chuyên môn của người bị thiệt hại về thiệt hại đang xảy
ra. Việc người bị thương là một bác sĩ, một người có chuyên môn y tế khi ứng phó với
thiệt hại sẽ khác với người không có chuyên môn về y tế. Một người có chuyên môn,
hiểu biết về phòng cháy chữa cháy sẽ được đòi hỏi cao hơn trong việc áp dụng các
biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế hoả hoạn.
Điều kiện vật chất của người bị thiệt hại ngay khi xảy ra thiệt hại. Khi xảy ra
hoả hoạn, nếu có sẵn nguồn nước hoặc sẵn bình chữa cháy thì việc chữa cháy sẽ hoàn
toàn khác khi không có sẵn bình chữa cháy hoặc nguồn để dập lửa.
Nên để xem xét đã áp dụng đúng các biện pháp phù hợp, hợp lý, cần thiết cho
việc ngăn chặn hoặc giảm mức bồi thường hay chưa cần phải xem xét rất nhiều yếu tố,
thậm chí đôi lúc phải cần đến đánh giá của cơ quan chuyên môn.
Khi quy định nguyên tắc tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015, nhà làm luật
tuân theo suy đoán logic là trong các thiệt hại xảy ra, phần thiệt hại do chính hành vi
không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn hoặc giảm mức bồi thường thì
31
không được phép bồi thường. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi không chỉ trong dân sự,
trong lĩnh vực hình sự, nếu một người có khả năng cứu người khác mà không thực
hiện cứu người thì cũng bị truy cứu về mặt hình sự. Như vậy, trong mọi trường hợp,
nếu bản thân anh (dù là người bị thiệt hại) mà không có ý thức trong việc bảo vệ bản
thân, hạn chế thiệt hại cho chính mình hoặc cho người khác thì anh cũng không được
bảo vệ từ pháp luật, không thể đòi người gây thiệt hại bồi thường toàn bộ thiệt hại mà
một phần thiệt hại xảy ra cũng do lỗi của chính mình.
Một vấn đề khác được đặt ra: làm sao có thể xác định được người bị thiệt hại
không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý trong việc ngăn chặn, hạn chế thiệt hại?
Nếu có đầy đủ minh chứng, bằng chứng chứng minh thì sẽ thuận lợi hơn trong việc áp
dụng nhưng trong nhiều trường hợp khi không có đủ bằng chứng thì rất khó để xác
định. Nên để đánh giá người bị thiệt hại có khả năng áp dụng biện pháp cần thiết, hợp
lý trong việc ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hay không đôi khi phải đòi hỏi những suy
đoán, lập luận logic và thậm chí đánh gía của cơ quan chuyên môn. Như vậy, chi phí
cho việc xác minh và thời gian để kiểm chứng cũng là một vấn đề.
Dù còn nhiều vấn đề còn đặt ra nhưng nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 5
Điều 585 BLDS năm 2015 bước đầu đặt ra nghĩa vụ về áp dụng các biện pháp cần
thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho những người bị thiệt hại. Như vậy,
mọi cá nhân bị thiệt hại đều phải có ý thức trong việc bảo vệ bản thân mình cũng như
bảo vệ những người khác.
3. Đánh giá và kiến nghị hoàn thiện các nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Những quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại đã cung cấp nền tảng pháp
lý để các chủ thể thực hiện việc bồi thường này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có
những điểm còn khó khăn cho việc áp dụng như sau:
Thứ nhất, tính toán tổng thiệt hại thực tế là một “thách thức” không chỉ cho
người bị thiệt hại mà cho cả người gây thiệt hại hoặc các chủ thể có liên quan. Những
điểm còn khó áp dụng bao gồm:
Những chi phí không dễ dàng có bằng chứng như chi phí đi lại bằng các
phương tiện không có hoá đơn hoặc các chi phí quá nhỏ nhưng cũng khó khăn cho
việc cộng gộp nên việc xác định chi phí dạng này mang tính tương đối, khó có thể tính
toán chính xác.
Sự chênh lệch trong xác định giá trị thiệt hại thực tế được đưa ra bởi các chuyên
gia trong lĩnh vực đó với giá trị thực của giao dịch khi xử lý tài sản hoặc khi bỏ ra chi
phí thực tế để thực hiện công việc. Như vậy, lúc này, giá trị thực tế nên căn cứ vào các
chi phí, con số thực tế cụ thể và đương nhiên cũng cần đáp ứng yêu cầu hợp lý.

32
Thứ hai, việc xem xét huỷ bỏ quyết định giảm mức bồi thường cần được ghi
nhận như một quyền của Toà án khi Toà án có đầy đủ căn cứ chứng minh khả năng
kinh tế của người bồi thường thiệt hại được cải thiện đáng kể. Vì nếu để xử lý theo
tình huống quy định tại Khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015 thì lại phải theo một quy
trình khác và hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bên bị thiệt hại hoặc bên bồi thường thiệt
hại. Chính vì lẽ đó, nhà làm luật nên bổ sung quyền cho Toà án được phép huỷ bỏ
quyết định giảm mức bồi thường khi thoả mãn các điều kiện: có đầy đủ căn cứ chứng
minh sự cải thiện khả năng kinh tế của bên bồi thường thiệt hại; bên được bồi thường
thiệt hại không có văn bản thể hiện ý chí về việc từ chối thay đổi mức bồi thường dù
bên phải bồi thường đã cải thiện khả năng kinh tế. Thời hạn để Toà án được phép huỷ
bỏ quyết định giảm mức bồi thường có thể theo một thời hạn nhất định như 03 tháng
hoặc 06 tháng. Hết khoảng thời gian này thì Toà án sẽ không có quyền huỷ bỏ quyết
định giảm mức bồi thường và xem xét ra quyết định mới về mức bồi thường.
Thứ ba, khi xem xét mức thiệt hại áp dụng cho nguyên tắc giảm mức bồi
thường được quy định tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015 và để tránh sự mâu
thuẫn khi áp dụng nguyên tắc tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 thì phải xác định,
mức bồi thường được xem xét giảm phải là giá trị bồi thường tính theo công thức: giá
trị thiệt hại thực tế trừ đi phần thiệt hại bị gây ra do lỗi của bên bị thiệt hại. Chỉ như
vậy các nguyên tắc khi áp dụng sẽ không bị chồng chéo.
Thứ tư, một nội dung đặt ra khi áp dụng nguyên tắc ghi nhận tại khoản 5 Điều
585 BLDS năm 2015 chính là nếu trường hợp người bị thiệt hại khi không áp dụng
biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại dẫn đến thiệt hại thì có làm
phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác không. Tại khoản 5 của
Điều luật này mới chỉ dừng lại phần giá trị thiệt hại của chính bản thân người này mà
do hành vi không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thì sẽ
không được bồi thường. Nhưng thực tế, phải xác định, phần thiệt hại người thứ ba
cũng do hành vi không áp dụng các biện pháp được nêu tại khoản 5 Điều 585 BLDS
năm 2015. Nên chính vì thế, cần phải xác định, người bị thiệt hại khi không áp dụng
biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế mà gây thiệt hại cho người thứ ba thì
cũng phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thứ ba.
Thứ năm, khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 cũng nên tách ra thành một điều
luật độc lập nhằm đảm bảo sự logic, phù hợp khi đưa vào Nguyên tắc bồi thường thiệt
hại được quy định tại điều này. Như vậy, nội dung điều luật mới vẫn đảm bảo là
nguyên tắc chung áp dụng trong trường hợp không phát sinh trách nhiệm bồi thường
thiệt hại khi không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt
hại.

33
Trên đây là một số kiến nghị về việc hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự với nền tảng là BLDS năm
2015 hiện hành./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân
sự năm 2015 của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Công an nhân dân.
2. Vũ Thị Lan Hương (2018), Luận án Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa,
công trình xây dựng khác gây ra theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện
hành, Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Lê Văn Sua (2018), Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật
dân sự năm 2015, Tạp chí luật sư điện tử, http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/phan-
tich-nghien-cuu/nguyen-tac-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-theo-bo-luat-dan-su-
2015-29487.html.
4. Viện khoa học pháp lý (2009), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (tập 2),
NXB Chính trị quốc gia.
5. Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
6. Một số trang thông tin điện tử trực tuyến gồm: https://hocluat.vn/wiki,
www.vdict.com, tratu.soha.vn.

34

You might also like