You are on page 1of 11

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1
NỘI DUNG.............................................................................................................. 1
1. Khái niệm kinh tế học pháp luật và đối tượng của kinh tế học pháp luật ........ 1

1.1. Khái niệm kinh tế học pháp luật ................................................................ 1

1.2. Đối tượng của kinh tế học pháp luật .......................................................... 3

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bi kịch sở hữu chung” và ví dụ thực tế ...... 4

KẾT LUẬN ............................................................................................................. 8


MỞ ĐẦU
Kinh tế học pháp luật là một lĩnh vực nghiên cứu hợp nhất giữa kinh tế học và luật pháp,
mang lại một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc khi nghiên cứu, xem xét, đánh giá, phân tích về sự
vật, hiện tượng tự nhiên trong xã hội. Thông qua việc áp dụng phương pháp kinh tế vào nghiên
cứu pháp luật, kinh tế học pháp luật không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về các tác động của
pháp luật đối với kinh tế mà qua đó còn giúp đưa ra các giải pháp tối ưu hóa các quy định đó
để đạt được lợi ích tốt nhất. Thêm vào đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu “bi kịch của sở hữu
chung” thông qua góc nhìn của kinh tế học pháp luật cũng rất cần thiết. “Bi kịch của sở hữu
chung” mô tả tình trạng mà ở đó mọi người đều có quyền khai thác các tài nguyên chung và
tối đa hóa lợi ích của mình dẫn đến tài nguyên cạn kiệt. Nhằm tìm hiểu khái niệm, đối tượng
của kinh tế học pháp luật, từ đó có thêm những hiểu biết về “bi kịch của sở hữu chung” để đưa
ra những lý giải tại sao lại có tình trạng này, em xin lựa chọn Đề 01 làm tiểu luận cuối kỳ.
NỘI DUNG
1. Khái niệm kinh tế học pháp luật và đối tượng của kinh tế học pháp luật
1.1. Khái niệm kinh tế học pháp luật
Kinh tế học hiện đại bắt nguồn từ những tư tưởng của kinh tế gia nổi tiếng Adam
Smith khi ông xuất bản cuốn sách kinh điển về kinh tế “Của cải của các dân tộc” (the
Wealth of Nations) vào đúng năm kết thúc cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 thuộc
địa Bắc Mỹ của đế quốc Anh và khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776). Cuốn
sách “Của cải của các dân tộc” của Adam Smith đã làm thức tỉnh nhận thức của biết
bao thế hệ nhà kinh tế về bản chất cuộc sống, bản chất hành vi của con người và cách
thức giải thích, dự đoán các hiện tượng kinh tế trong đời sống. Kinh tế học của thời
hiện đại, từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1932 đã khác xa so với những kiến
thức có phần còn đơn sơ của thời Adam Smith.
Từ đó, tới nay, với sự giúp sức của hàng ngàn nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó,
có hàng chục nhà khoa học đạt giải Nobel về kinh tế học, kinh tế học đã có thêm rất
nhiều bước tiến, tuy nhiên, những nguyên lý nền tảng của kinh tế học vẫn trụ vững với
thời gian, trong đó phải kể tới các nguyên lý cơ bản về cách ứng xử của con người (cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp) trong một thế giới khan hiếm nguồn lực.

1
Trong nửa cuối thế kỷ 20, kinh tế học được nhiều nhiều học giả sử dụng để giải thích,
dự đoán hành vi ứng xử của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh
vực pháp luật. Việc ứng dụng lý thuyết và mô hình kinh tế để nghiên cứu quá trình phát
sinh, phát triển và tác động thực tế của bản thân quy phạm pháp luật và các thiết chế thực
thi pháp luật đã hình thành nên một trường phái lý luận có tên là “Luật và Kinh tế học”
(Law and Economics) mà gọi một cách khái quát hơn là “Kinh tế học pháp luật”.1
Theo định nghĩa của Từ điển Black’s Law Dictionary, Kinh tế học pháp luật (law
and economics) là “một bộ môn khoa học chủ trương thực hiện phân tích pháp luật
dưới góc độ kinh tế, theo đó các quy tắc pháp lý được phân tích bằng cách đánh giá
chi phí/lợi ích để quyết định xem liệu một sự thay đổi pháp luật từ trạng thái hiện tại
có làm tăng hay giảm hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực trong xã hội hay không”2.
Có thể hiểu đơn giản về kinh tế học pháp luật là ngành khoa học sử dụng các nguyên
lý, quy luật của kinh tế học để phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật nhằm đưa
ra các giải pháp hiệu quả, hợp lý với chi phí tối ưu nhất.
Kinh tế học pháp luật còn sử dụng những mô hình kinh tế hay các lý thuyết kinh tế
để phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động và sự ảnh hưởng của pháp luật. Theo Robert
Cooter và Thomas Ulen (2000)3, kinh tế cung cấp một bộ quy chuẩn hữu ích để đánh
giá pháp luật và chính sách. Sở dĩ cần lấy kinh tế để phân tích, đánh giá pháp luật là vì
về bản chất, kinh tế luôn hướng đến hiệu quả thu được dựa trên chi phí thực tế bỏ ra,
hay là lợi nhuận thực tế thu được so với số vốn (chi phí) phải chi trả. Còn pháp luật
luôn hướng đến việc duy trì sự ổn định và công bằng trong mọi quan hệ xã hội. Như
vậy, đến khi tiếp cận cùng một vấn đề, kinh tế học pháp luật sẽ có quan điểm nhìn nhận
đa chiều, phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn so với việc chỉ sử dụng quan điểm đánh

1
Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Đức Ngọc, Vũ Ngọc Anh (2012), Kinh tế học pháp luật và khả năng đưa kinh tế học
pháp luật vào giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường – Trường Đại học Luật
Hà Nội, tr. 74-78
2
Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 9th ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 963.
3
Robert Cooter, Thomas Ulen (2000), Introduction to Law and Economics, University California, Berkely, p.3

2
giá, tiếp cận của từng ngành.4
1.2. Đối tượng của kinh tế học pháp luật
Theo một số nhà nghiên cứu về kinh tế học pháp luật, kinh tế học pháp luật tập
trung làm rõ 2 vấn đề chính: (1) Dự đoán, đo lường được tác động thực tế của mỗi quy
phạm pháp luật (2) Mối quan hệ giữa các quy phạm pháp luật và mức độ hiệu quả trong
việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực khan hiếm trong xã hội như thế nào?
Theo giáo sư D. Friedman (Đại học Santa Clara – Hoa Kỳ)5, kinh tế học pháp luật
quan tâm trả lời 3 vấn đề chính: (1) Đánh giá hệ quả tác động của các quy phạm pháp
luật lên hành vi ứng xử của các cá nhân, tổ chức; (2) Dự báo sự vận động của bản thân
các quy phạm pháp luật hoặc hệ thống quy phạm pháp luật; (3) Đánh giá tác động của
các quy phạm pháp luật hiện hành đối với hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội.
Trên cơ sở những nhận thức kể trên, có thể thấy rằng, kinh tế học pháp luật nghiên
cứu pháp luật (quy phạm hoặc nhóm quy phạm pháp luật) và thiết chế pháp luật trong
trạng thái động và tập trung vào các khía cạnh cơ bản sau6:
Thứ nhất, kinh tế học pháp luật nghiên cứu tương tác giữa pháp luật với hành vi của
con người trong xã hội: khi ban hành một quy phạm pháp luật mới, thiết lập một thiết
chế pháp luật mới, quy phạm ấy, thiết chế ấy sẽ tác động như thế nào đối với xã hội và
dự báo ứng xử của con người trước sự thay đổi đó (dự báo theo hướng nếu quy phạm
mang tính chất thưởng thì sẽ khuyến khích hành vi, và nếu quy phạm mang tính chất phạt
thì sẽ ngăn ngừa những hành vi được coi là không mong muốn như thế nào? Cách thức
mà các cá nhân, tổ chức trong xã hội đối phó với những biến động của pháp luật ra sao?).
Thêm vào đó, kinh tế học pháp luật không chỉ dự báo tác động đã được dự kiến của
quy phạm bởi nhà lập pháp khi ban hành mà còn dự báo cả những tác động ngoài mong

4
Nguyễn Vinh Hưng (2022), Trường phái kinh tế học pháp luật, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập 64
– số 4 – tháng 4 năm 2022, tr.46-49
5
http://www.daviddfriedman.com/Law_and_Econ_97/L_and_E_97_LS_Outline.html#RTFToC4
6
Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Đức Ngọc, Vũ Ngọc Anh (2012), Kinh tế học pháp luật và khả năng đưa kinh tế học
pháp luật vào giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường – Trường Đại học Luật
Hà Nội, tr. 74-78

3
muốn (tác dụng phụ), ngoài dự định của nhà lập pháp. Nói cách khác, kinh tế học pháp
luật nghiên cứu “hiệu lực tác động thực tế” của các quy phạm pháp luật.
Thứ hai, kinh tế học pháp luật cũng nghiên cứu quy luật hình thành, phát sinh, phát
triển của các quy phạm, nhóm quy phạm pháp luật nhưng được nhìn từ góc độ lôgíc
kinh tế của những sự thay đổi đó. Nói cách khác, kinh tế học pháp luật sẽ nghiên cứu
vấn đề quy phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội
như thế nào. Kinh tế học pháp luật cố gắng đưa ra những tiêu chí đánh giá thế nào là
một quy phạm tốt và thế nào là một quy phạm tồi nhìn từ góc độ đóng góp của chúng
đối với việc cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội.
Trong cách nhìn của kinh tế học pháp luật, pháp luật không chỉ điều chỉnh hành vi
của con người, mà thông qua việc điều chỉnh hành vi của con người, pháp luật để lại
những hệ quả, hậu quả, đó là pháp luật làm ảnh hưởng sự dịch chuyển nguồn lực trong
xã hội. Pháp luật có thể điều tiết dòng dịch chuyển nguồn lực trong xã hội (trong nền
kinh tế). Kinh tế học pháp luật nghiên cứu xem pháp luật có tác động như thế nào đối
với việc dịch chuyển các nguồn lực trong nền kinh tế và con người phản ứng như thế
nào trước sự thay đổi của pháp luật.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bi kịch sở hữu chung” và ví dụ thực tế
Khái niệm “bi kịch của tài sản chung” (Tradedy of the Commons) được Garrett
Hardin đưa ra trong bài viết nổi tiếng cùng tên xuất bản trên tạp chí Science ngày
13/12/1986. Phân tích sâu hơn hiện tượng “bi kịch của tài sản chung”, Harold Demsetz
– một trong những nhà lý luận hàng đầu về quyền sở hữu ở các nước phương Tây đã
đưa ra quan điểm trong bài viết “Toward a Theory of Property Rights" (Hướng tới một
lý thuyết về Quyền Sở hữu): “Khi mọi thành viên cộng đồng đều có khả năng chi phối
và sử dụng một loại tài nguyên chung của cộng đồng, các thành viên này sẽ ra sức lấy
phần cho bản thân, khiến tài nguyên chung đó bị khai thác kiệt quệ.”7
Theo đó, “bi kịch của tài sản chung” mô tả tình huống các tài nguyên bị khai thác

7
Harold Demsetz (1967), “Toward a Theory of Property Rights”, American Economic Review

4
quá mức bởi các cá nhân vì mỗi người đều cố gắng tối đa hóa lợi ích cá nhân của mình
mà không quan tâm đến tác động tiêu cực của nguồn tài nguyên chung hoặc lợi ích của
người khác. Hệ quả là nguồn tài nguyên chung cuối cùng bị cạn kiệt. Dưới đây là những
nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bi kịch của sở hữu chung”:
Thứ nhất, mỗi cá nhân thường không cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho việc
bảo vệ nguồn tài nguyên chung do đó họ khai thác triệt để nguồn tài nguyên này. Trong
suy nghĩ mỗi người đều cho rằng việc mình chỉ sử dụng thêm một chút nguồn tài nguyên
cũng sẽ không làm thay đổi tình trạng chung của nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, số
lượng người trên trái đất liên tục tăng lên và ai cũng có cùng suy nghĩ và hành động như
vậy, tổng hợp lại sẽ khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng. Khi tiếp cận với nguồn tài sản,
tài nguyên chung, tâm lý con người sẽ nghĩ rằng “nếu mình không sử dụng thì người khác
cũng sẽ sử dụng” và ra sức khai thác tài nguyên, lấy phần về mình. Thêm vào đó, con
người thường thiếu ý thức về tính khan hiếm của nguồn lực. Khi nhắc đến tài sản chung,
con người thường nghĩ đến nó như là thứ miễn phí hoặc vô hạn nên họ khai thác tài
nguyên đến mức tối đa thay vì suy nghĩ đến hậu quả đối với cộng đồng hay cân nhắc đến
việc tái tạo, bồi bổ tài nguyên.
- Thứ hai, một vấn đề khác của sở hữu tập thể dẫn đến bi kịch đó là trong một môi
trường làm việc khi mà tài nguyên và trách nhiệm được chia sẻ, không có những quy
định rõ ràng về quyền sở hữu cá nhân đối với kết quả lao động thì con người thường có
ít động lực để tăng cường hiệu suất và chất lượng công việc của mình. Khi mọi người
thấy rằng những nỗ lực của họ không được công nhận hay họ không nhận được thêm
lợi ích cá nhân nào, họ sẽ không muốn cải thiện kỹ năng của mình hay tìm kiếm cách
làm việc hiệu quả hơn. Như vậy sẽ dẫn đến việc nguồn lực lao động trong xã hội không
được sử dụng một cách tối ưu, năng suất lao động thấp. Con người trở nên thờ ơ và
không quan tâm đến việc cải thiện hay duy trì chất lượng công việc của mình, bởi họ
cảm thấy dù có làm việc chăm chỉ và hiệu quả cũng không nhận được lợi ích trực tiếp
nào, không thấy được giá trị công sức mà mình đã bỏ ra.
Thứ ba, việc thiếu một hệ thống quy tắc tôn trọng quyền tư hữu, con người ta sẽ có

5
xu hướng đi lấy của người khác làm của mình, và như vậy sẽ dẫn một xã hội luôn trong
tình trạng mâu thuẫn, ăn trộm, ăn cắp. Trong bối cảnh tài nguyên chung không được
quản lý hiệu quả, mọi người coi những tài nguyên này là vô chủ từ đó nghĩ rằng việc
khai thác, sử dụng chúng cho bản thân không gây hại cho ai. Tuy nhiên khi tất cả mọi
người đều hành động như vậy, nó không chỉ dẫn đến việc khai thác quá mức tài nguyên
mà còn tạo ra môi trường mà hành vi ăn cắp, ăn trộm trở nên phổ biến. Khi các cá nhân
lấy lợi ích từ tài nguyên chung mà không đóng góp công sức sẽ tạo ra sự bất bình đẳng
và mâu thuẫn trong xã hội. Những người đóng góp nhiều hơn cảm thấy bị thiệt thòi, họ
có thể ngừng đóng góp và dần dần xung đột sẽ tăng lên. Cuối cùng, sự phổ biến của
hành vi ăn cắp và ăn trộm không chỉ làm suy giảm niềm tin và sự đoàn kết trong cộng
đồng mà còn tạo ra tình trạng hỗn loạn và bất ổn xã hội.
Thứ tư, việc tài nguyên, tài sản thuộc sở hữu tập thể có thể dẫn đến tình trạng “cào
bằng” trong xã hội, một xã hội không có sự cạnh tranh lành mạnh hay ganh đua tích
cực. Sự “cào bằng” này có thể ngăn cản sự phát triển và đổi mới, sáng tạo bởi tất cả
mọi người đều nhận được phần thưởng như nhau bất kể họ đóng góp nhiều hay ít. Trong
bối cảnh không có sự phân biệt rõ ràng về đóng góp cá nhân, tâm lí con người sẽ cảm
thấy không cần thiết phải nỗ lực hết mình. Điều này là bởi vì lợi ích thu được từ việc
làm thêm không được phản ánh trực tiếp vào phần thưởng cá nhân họ nhận được. Mà
sự cạnh tranh, ganh đua lành mạnh lại giúp thúc đẩy các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
không ngừng tìm kiếm cách làm mới, cải tiến công nghệ, và tối ưu hóa quy trình để
tăng hiệu quả và chất lượng. Trong một xã hội không có sự cạnh tranh và ganh đua tích
cực, sự phát triển kinh tế và xã hội sẽ bị chậm lại.
Thứ năm, tình trạng sở hữu công cộng, sở hữu chung cũng sẽ dẫn đến tình trạng
quan liêu, khiến cho việc sử dụng và định đoạt tài sản trở nên kém hiệu quả và thường
bất hợp lí. Khi một cá nhân không trực tiếp sở hữu nguồn lực hay tài sản nào, họ không
thể nắm rõ hay hiểu biết rõ về các tài sản này, do đó việc quản lý, sử dụng, khai thác
các tài sản này sẽ không được hợp lý và hiệu quả. Ngược lại, khi công nhận sở hữu tư
nhân và cho phép chuyển nhượng tài sản tự do, tài sản trong xã hội sẽ được dịch chuyển

6
đến những nơi tài sản được trả giá cao nhất và thông thường đây cũng là nơi tài sản
được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Sau đây là một ví dụ thực tế có biểu hiện “bi kịch của sở hữu chung”:
Môi trường không khí không thuộc sự quản lý độc quyền của quốc gia hay tổ chức
nào và là tài nguyên chung của cả thế giới, được tất cả mọi người sử dụng. Do đó, việc
quản lý, bảo vệ nó càng khó khăn hơn và gặp nhiều thách thức dẫn đến sự ô nhiễm
không khí. Ô nhiễm môi trường không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần không
khí, do khói, bụi, hơi hay các khí lạ được đưa vào không khí gây nên các mùi lạ, làm
giảm tầm nhìn, biến đổi khí hậu.
Hiện nay, các cá nhân và doanh nghiệp thường không nhận thấy mình phải chịu
trách nhiệm cho việc phát thải khí gây ô nhiễm và khí nhà kính vào không khí. Các nhà
máy và các khu công nghiệp mọc lên nhiều khiến cho khói, bụi, khí thải độc hại như
CO, CO2, SO2,... từ quá trình sản xuất gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trên diện
rộng. Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển vật liệu khiến sản sinh lượng
khói bụi khổng lồ, hay việc rác thải được thải ra quá nhiều khiến cho các khu tập kết
rác không xử lý được hết khiến mùi hôi thối bốc ra. Chính các hoạt động sinh hoạt
thường ngày của mỗi cá nhân cũng trực tiếp làm ô nhiễm không khí như sử dụng các
phương tiện giao thông cá nhân, việc hút thuốc, nấu nướng, đốt vàng mã,... cũng làm ô
nhiễm môi trường không khí.
Tuy nhiên, ai cũng cần phải hít thở không khí, lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến chất
lượng cuộc sống mà đặc biệt là sức khỏe con người, dẫn đến các bệnh hô hấp, ung thư.
Động thực vật trao đổi không khí ô nhiễm cũng bị tắc nghẽn khí quản và giảm hệ miễn
dịch của động vật, cây trái rụng lá, lâu dần gây nên tình trạng chết cây. Một biểu hiện
khác của ô nhiễm không khí là sự tăng lên không ngừng của nồng độ các khí nhà kính
trong bầu khí quyển, như CO2 và metan, gây ra biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu thể
hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, và bão, gây hậu quả
nghiêm trọng đến lương thực, thực phẩm, sức khỏe con người.

7
Nguyên nhân chính là do ý thức trách nhiệm của con người trong hoạt động sinh
hoạt thường ngày và các hoạt động kinh tế. Do không khí được coi là tài nguyên miễn
phí và “vô hạn” nên nhiều người và thậm chí các tổ chức thấy rằng họ không cần phải
đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường và hạn chế ô nhiễm không khí. Đa
phần mọi người coi việc bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của chính phủ mà
không nhận ra mỗi hành động cá nhân đều có ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, các quốc gia và doanh nghiệp cạnh tranh để phát triển kinh tế và đặt lợi
ích kinh tế lên trước môi trường, vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà ít xem xét đến tác động
lâu dài đối với môi trường, dẫn đến việc phát thải lượng lớn khí ô nhiễm vào môi trường.
Trên đây là ví dụ thực tế về “bi kịch của sở hữu chung” khi môi trường không khí
thuộc sở hữu chung của tất cả mọi người trên thế giới, ai cũng đều hít thở và sử dụng
chung một bầu không khí nhưng lại không có ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ, bảo tồn
khiến nguồn tài nguyên này bị ô nhiễm, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
KẾT LUẬN
Qua những phân tích trên, có thể thấy kinh tế học pháp luật là một ngành khoa học
sáng tạo, tạo ra cầu nối giữa lý thuyết kinh tế và thực tiễn pháp luật. Kinh tế học pháp
luật không chỉ mở ra góc nhìn mới cho việc ứng dụng luật pháp trong việc điều chỉnh
hành vi kinh tế một cách hiệu quả, mà còn giúp nhận diện và giải quyết những vấn đề
xã hội phức tạp, trong đó có "bi kịch của sở hữu chung". Từ những phân tích về nguyên
nhân dẫn đến tình trạng “bi kịch của sở hữu chung” có thể thấy được việc đặt ra các
quy định về sở hữu tư nhân là cần thiết để tài sản của ai thì do người đó tự mình chiếm
giữ, sử dụng và định đoạt và nhờ đó con người sẽ khai thác, sử dụng một cách hiệu quả
hơn. Đây cũng chính là lý thuyết về sở hữu của Horald Demsetz , hiện nay đang được
các doanh nghiệp, nhà nước áp dụng, giúp thay đổi quan niệm về môi trường sinh thái
và bảo vệ môi trường.

8
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tham khảo tiếng Việt
1. Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Đức Ngọc, Vũ Ngọc Anh (2012), Kinh tế học pháp
luật và khả năng đưa kinh tế học pháp luật vào giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà
Nội, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường – Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 74-78;
2. Nguyễn Văn Cương, Trương Hồng Quang (2012), Trường phái kinh tế học pháp
luật và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5(213)/kỳ 1,
tháng 3/2012;
3. Nguyễn Vinh Hưng (2022), Trường phái kinh tế học pháp luật, Tạp chí Khoa học
và Công nghệ Việt Nam, tập 64 – số 4 – tháng 4 năm 2022, tr.46-49.
B. Tài liệu tham khảo tiếng Anh
1. Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 9th ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at
963;
2. Harold Demsetz (1967), “Toward a Theory of Property Rights”, American
Economic Review;
3. Robert Cooter, Thomas Ulen (2000), Introduction to Law and Economics,
University California, Berkely, p.3.

You might also like