You are on page 1of 2

Bàn về mạch lạc trong văn học, K.

Wales từng viết: “Để có một văn bản hay một diễn ngôn nào đó
mạch lạc, thì nó phải có nghĩa và cần có một chỉnh thể, và cũng cần được định hình tốt.” Một bài văn
có tính mạch lạc khi “nội dung chủ đề được duy trì, triển khai đầy đủ, chính xác và các tầng nghĩa
được sắp xếp theo một trình tự hợp lý tạo nên sự gắn kết rõ ràng, chặt chẽ trong một chỉnh thể”.
Hồi lớp 7, các em từng được học về tính mạch lạc trong một văn bản, hiểu được tầm quan trọng của
nó và chúng ta phải ghi nhớ, áp dụng nó cho đến lớp 12. Tính mạch lạc giữa các luận điểm, luận cứ
trong một bài văn Nghị luận văn học ở thời điểm hiện tại sẽ giúp các em làm tăng tính thuyết phục
cho bài văn, lập luận chặt chẽ và có chiều sâu hơn. Khi viết một bài văn Nghị luận văn học, các em
cần triển khai đầy đủ luận điểm, chia đoạn và viết luận cứ rõ ràng, chi tiết, tránh lan man và cảm tính
quá đà nhé các em.
𝟏. Mạch lạc trong một bài văn, một văn bản là gì?
Mạch lạc trong văn bản là các câu, các ý, các phần, các đoạn trong văn bản đều phải hướng về một sự
thống nhất, một ý hay một chủ đề nào đó. Hay nói một cách đơn giản thì mạch lạc là sợi dây vô hình
gắn kết các phần, các ý, các đoạn trong văn bản.
𝟐. Các điều kiện để bài văn, văn bản có tính mạch lạc.
- Các phần, các câu, các đoạn trong văn bản đều nói hoặc mô tả về một đề tài cụ thể, xuyên suốt
trong đoạn văn bản đó.
- Các đoạn, các câu, các ý phải được trình bày tiếp nối nhau theo một trình tự rõ ràng, hợp lý, logic,
trước sau hô ứng nhau làm cho chủ đề liền mạch và gây hứng thú cho người đọc, người nghe.
- Các trình tự này có thể là trình tự thời gian, không gian, diễn biến tâm lý hay các môi quan hệ
tương đồng, tương phản, quan hệ nhân quả…
Ví dụ: Khi các em triển khai về nhân vật Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, thì các em
không chỉ phân tích dựa vào thứ tự từng câu văn trong đoạn văn, mà các em sẽ cần nắm trước, khái
quát về nội dung chính được thể hiện trong đoạn trích. Nắm được mạch nguồn ý nghĩa chính, từ
mạch nguồn đó mới phân tích/cảm nhận các nội dung tiếp theo để làm sáng tỏ, chứng minh cho mạch
nguồn chính. Ở nhân vật này, các em cần nắm được ý nghĩa của nhân vật, những điều nhà văn muốn
gửi gắm qua câu chuyện, diễn biến tâm trạng của nhân vật. Trên cái nền tăm tối và đau thương của
nạn đói Ất Dậu năm 1945, nhà văn Kim Lân đã đặt vào đó hình ảnh của nhân vật Tràng: nghèo đói,
bất hạnh nhưng giàu tình người và khát vọng hạnh phúc. Những khát khao và chuyển biến mạnh mẽ,
tích cực trong Tràng được thể hiện rất rõ trong đoạn trích buổi sáng đầu tiên sau khi Tràng có vợ. Từ
việc hiểu được mạch nguồn ấy, các em sẽ tiếp tục khai thác các nhánh toả ra, từ việc Tràng thấy mình
đổi khác “trong người êm ái, lửng lơ như người từ giấc mơ đi ra.Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn
vẫn còn ngỡ như không phải”. Tràng “bỗng nhiên thấy thương yêu và gắn bó với căn nhà”; “Hắn đã
có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như tổ ấm che mưa che nắng… Bây
giờ hắn mới thấy hắn nên người, thấy hắn có bổn phận phải lo cho vợ con sau này…”; đến việc Niềm
vui của Tràng thật cảm động, lẫn lộn cả hiện thực lẫn ước mơ. “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn
muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. So với cái dáng “ngật ngưỡng” của Tràng ở
đầu tác phẩm, hành động “xăm xăm” này của Tràng là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi
thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ đau khổ sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ
ngây dại sang ý thức. Tràng đã thật sự “phục sinh tâm hồn”- đó chính là giá trị lớn lao của hạnh
phúc. Các em sẽ tự hỏi và hình dung cho mình những câu trả lời để triển khai từng luận điểm thật
mạch lạc: Nhân vật Tràng có ý nghĩa gì, nhà văn biểu thị, gửi gắm điều gì qua nhân vật trong giai
đoạn buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ? Tràng có những thay đổi gì? Đầu tiên, thay đổi về cảm giác
sau khi thức dậy - cảm giác êm ái đối lập với cảm giác mệt mỏi Tràng từng có; tiếp theo là cảm giác
bất ngờ, hạnh phúc với những đổi thay tích cực trong gia đình, hoàn cảnh sống; kế tiếp là đổi thay về
nhận thức, ý thức được bổn phận, trách nhiệm, không còn ngờ nghệch như trước kia... Từng chút
thay đổi đó, mỗi thay đổi là một đoạn văn được triển khai, nhưng đều quy tụ về một mạch nguồn là:
Tràng khao khát hạnh phúc, cảm nhận được hạnh phúc và trưởng thành, thay đổi trong nhận thức,
hành động để giữ gìn hạnh phúc. Ngay cả đến cuối thiên truyện, điều Tràng nghĩ đến trong lòng cũng
biểu trưng cho mơ ước về tương lai, hy vọng về hạnh phúc gia đình được mãi cạnh bên anh sau này:
Có một hiện thực tuy chưa rõ nét nhưng đã hiện ra ở cuối tác phẩm, trong suy nghĩ của Tràng “cảnh
những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”. Đoàn người
đi phá kho thóc của Nhật và lá cờ Việt Minh. Đây là hiện thực nhưng cũng là ước mơ về một tương
lai hướng về Đảng về cách mạng của tràng và những người như Tràng.
Từ đó, ta mới kết luận, rằng Kim Lân đã miêu tả tâm trạng nhân vật Tràng xoay quanh tình huống
nhặt vợ hết sức đặc biệt. Cũng từ đó, hình tượng nhân vật Tràng có vai trò lớn trong việc thể hiện tư
tưởng chủ đề của tác phẩm: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà luôn nghĩ đến sự sống.
Cũng qua Tràng và câu chuyện nhặt vợ của anh, nhà văn giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm
hồn của những người dân lao động nghèo: đó là vẻ đẹp tình người và niềm tin tưởng vào tương lai.
Qua nhân vật Tràng, Kim Lân đã bộc lộ được khả năng miêu tả tâm lý nhân vật và ngòi bút nhân đạo
sâu sắc của nhà văn.
Như vậy, theo tiến trình diễn biến tâm lý của nhân vật Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ,
các em có thể dựa vào những chuyển biến tích cực, đổi thay trong tâm lý, hành động của Tràng để
triển khai từng đoạn văn thật mạch lạc. Từ cảm nhận trong lòng chuyển sang hành động cụ thể, rồi từ
hành động cụ thể ấy lại dẫn đến mơ ước sâu xa hơn, to lớn hơn ở trong lòng Tràng (đoạn kết truyện),
nó là một trình tự rất logic mà nhà văn đã thể hiện qua nhân vật này.
Nếu xét về các giai đoạn chuyển biến của nhân vật Tràng, các em sẽ nhận thấy rõ là, ban đầu, anh
không dám cầu cạnh mình sẽ có được vợ và có ngay trong nạn đói như thế; đến khi anh được chạm
đến khát khao ấy, anh lại cảm nhận nhiều hơn, ý thức nhiều hơn về trách nhiệm với gia đình - anh
thật sự trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn hành động, chứ không còn chỉ dừng ở khao khát yêu thương
ban đầu. Cuối cùng, anh lại mong mỏi nhiều hơn, đó là việc giúp cho gia đình mình bình an, sống sót
vượt qua cơn đói kém, nghĩ đến Cách mạng, nghĩ đến con đường đổi đời. Cái anh nghĩ đến không chỉ
là một sự thay đổi bất chợt như cách anh nhặt vợ, mà là một con đường dài để giúp cho gia đình
mình, cho tương lai, con cái của mình sau này. Từ một khao khát ban đầu, anh đã dần chuyển hoá nó
thành mục tiêu, lý tưởng sống cho tương lai. Anh nghĩ về tương lai, không chỉ sống ngày qua ngày
nữa.
Đó là một quá trình nhận thức và chuyển biến trong tâm lý và hành động của nhân vật. Cho nên khi
học một tác phẩm, một nhân vật, để viết về nhân vật đó một cách mạch lạc, logic, không lộn xộn lan
man, các em cần hình dung từng giai đoạn mà nhân vật đã đi qua, hiểu được cột mốc suy nghĩ ban
đầu của nhân vật, nắm được cột mốc cuối cùng mà nhân vật đã tiến tới trong tâm trí và hành động cụ
thể. Trong 2 cột mốc đó, những phần ở giữa chính là diễn biến từng chặng thay đổi để từ cột mốc 1
tiến đến cột mốc thứ 2.
𝟑. Ví dụ về một mối quan hệ, trình tự trong một đoạn văn mạch lạc.
Quan hệ nguyên nhân – kết quả. Ví dụ như khi các em phân tích nhân vật thị, ở lần gặp thứ 2, các em
sẽ cần nắm được và triển khai được là: Vì sao thị lại thay đổi quá nhiều về nhân dạng, hình dáng bên
ngoài như vậy? Vì sao thị lại thay đổi thái độ, cách cư xử và sẵn sàng chua ngoa, đanh đá với anh
Tràng như vậy? Vì sao thị lại can đảm theo không anh Tràng về nhà khi chỉ mới 2 lần gặp, không hề
biết hoàn cảnh của anh, không hề tìm hiểu sâu xa hơn về anh như vậy? Sau đó chúng ta lí giải được
những kết quả về nhân vật này, tính cách biến đổi để tìm miếng ăn, đến việc theo không để tìm chiếc
phao bám lấy, muốn được sống. Khi muốn lập luận một đoạn văn mạch lạc và chặt chẽ hơn, các em
hãy chú ý đến mối quan hệ nguyên nhân - kết quả và luyện tập luận lập của mình nhé.

You might also like