You are on page 1of 3

Đề thi thử TN THPT cuối cùng

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)


Đọc văn bản sau:
Bao bài ca xáo trộn trong tôi
Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh
Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập
Tiếng con thuyền không về được bờ quen
Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm..
Nhưng đêm hội này, chỉ một lần tôi được hát
Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng
Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương
Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Tôi chọn bài ca của mùa hạ nắng
Tôi chọn bài ca của người gieo hạt
Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây
Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui
Là suối mát lòng tôi gửi bạn
Một cuộc đời- một bài ca duy nhất
Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi.
(Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn, Lưu Quang Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2014)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên.
Câu 2. Nhân vật tôi trong bài thơ bị xáo trộn bởi những bài ca nào?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ “Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây”?
Câu 4. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về những lựa chọn của nhân vật tôi trong bài thơ.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực.
Câu 2 (5,0 điểm)
Đế Thích: Ông Trương Ba... (đắn đo rất lâu rồi quyết định). Vì lòng quí mến ông, tôi sẽ làm cu Tị
sống lại, dù có bị phạt nặng... Nhưng còn ông... rốt cuộc ông muốn nhập vào thân thể ai?
Hồn Trương Ba: (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ... (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù
ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!
Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã
được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.
Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ
có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp
bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn...
Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào...
Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá,
không thể trả được... Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình
lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa...
Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không
được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng
không có được nữa.
Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ
hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì
tôi! Còn lấy lí lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này
có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng, chỉ bọn
khốn kiếp là lợi lộc.
(Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục - 2008, tr.151-
152)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét chiều sâu
triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ: Tự do.
Câu 2. Nhân vật tôi trong bài thơ bị xáo trộn bởi những bài ca:
- Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh.
- Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập.
- Tiếng con thuyền không về được bờ quen.
- Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm...
Câu 3. Câu thơ “Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây”có thể hiểu:
- Câu thơ nói về sự sinh trưởng, vận động, phát triển của sự vật trong tự nhiên.
- Thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng, tư duy tích cực, lạc quan của tác giả.
Câu 4. Suy nghĩ của anh/chị về những lựa chọn của nhân vật tôi trong bài thơ.
- Những lựa chọn của nhân vật tôi trong bài thơ: chọn bài ca của mùa hạ nắng, chọn bài ca của người
gieo hạt, chọn niềm vui.
- Đây là những lựa chọn mang ý nghĩa tích cực, thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng, hướng tới
niềm tin, sự sống và tương lai.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích ở phần Đọc hiểu, học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo
nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích: thái độ sống tích cực là tư duy, cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động theo chiều hướng
lạc quan, không dễ bỏ cuộc, tin tưởng vào mọi thứ.
- Bàn luận về ý nghĩa của thái độ sống tích cực:
+ Với cá nhân: có lợi ích to lớn đối với thể chất và tinh thần, giúp con người dễ dàng vượt qua căng
thẳng, stress; đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc; tin tưởng vào những điều tốt
đẹp ở phía trước từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình với công việc hiện tại và gặt hái
thành công; nhận được sự yêu quý từ mọi người…
+ Với xã hội: Những suy nghĩ tích cực sẽ giúp lan tỏa những điều tích cực tới mọi người và cộng
đồng; góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.
- Phê phán những người không có niềm tin vào bản thân, bi quan khi đứng trước khó khăn thử thách.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của thái độ sống tích cực nhất là trong xu thế hội nhập của
đất nước.
+ Cần học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân; tích cực phấn đấu rèn
luyện trong học tập, trong cuộc sống, xác định mục tiêu, ước mơ, dám phấn đấu cho ước mơ, hoài
bão dù phải đối diện với nhiều thử thách khó khăn.
Để dễ dàng hơn trong bài làm nghị luận xã hội này thì các em có thêm xem thêm các bài văn mẫu
hay trong nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Câu 2
* MB:
- Trong làng kịch nói Việt Nam có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của
sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết
truyện ngắn soạn kịch làm thơ vẽ tranh... nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài
năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại.
- Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ đáng chú ý nhất là vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Bằng
nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo cảnh VII đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn
đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.
TB:
- Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn
thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan.
Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba
được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương
Ba vào bi kịch hồn này xác nọ.
- Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay
thẳng của mình, bị người thân từ chối. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết
định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt, không chấp nhận để Đế Thích cho nhập vào xác cu Tị.
- Phần đầu đoạn trích là màn đối thoại, cuộc tranh luận về quan niệm sống của Trương Ba và Đế
Thích. Qua cuộc tranh luận ấy, tác giả gửi gắm quan điểm sống - “phải sống là chính mình”.
+ Trương Ba bày tỏ nguyện vọng với Đế Thích và nêu lên đòi hỏi chính đáng cũng như quan điểm
sống cao đẹp - sống phải là chính mình. Đây là khát vọng mãnh liệt của Trương Ba, khát vọng được
sống hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức, giữa thể xác và linh hồn. Phá
vỡ quan hệ nội tại này sẽ để lại hậu quả nặng nề, cũng như sống mà không được là chính mình thì đó
là một bi kịch nghiệt ngã.
+ Đế Thích lại lập luận và chỉ ra rằng không chỉ Trương Ba đang sống trong cảnh trong ngoài bất
nhất, mà mọi người đều như thế cả.
+ Trương Ba lên án Đế Thích: Sống nhờ, sống gửi, sống ký sinh vào thân xác của kẻ khác là điều xấu
hổ đáng lên án. Trương Ba thẳng thắn chỉ trích quan niệm sai lầm của Đế Thích bởi suy nghĩ đơn
giản về cuộc sống.
- Phần sau đoạn trích là màn đối thoại - đấu tranh toát lên nhân cách cao thượng và đức hi sinh của
Trương Ba. Qua đó tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết.
- Đánh giá:
+ Những lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ
trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn
và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật.
+ Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa
mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời đại chúng ta đang sống, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp
tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ
quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách.
* Nghệ thuật: Nhà văn LQV sáng tạo lại cốt truyện dân gian. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại,
độc thoại nội tâm. Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển
tình huống kịch. Có chiều sâu triết lý khách quan.
* Nhận xét nhận xét chiều sâu triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ:
- Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, được hoà hợp giữa xác và hồn,
trong và ngoài, nội dung và hình thức… trong một thể thống nhất toàn vẹn chứ không phải là cuộc
sống chắp vá, bất nhất, gượng ép.
- Trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch
cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Có như vậy chúng ta mới được là mình - được là chính
mình toàn vẹn. Tác giả một mặt phê phán những dục vọng tầm thường, sự dung tục của con người,
mặt khác ông vạch ra quan niệm phiến diện, xa rời thực tế khi coi thường giá trị vật chất và những
nhu cầu của thể xác.
- Con người cần có sự ý thức chiến thắng bản thân, chống lại những nghịch cảnh số phận, chống lại
sự giả tạo để bảo vệ quyền sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.
* KB:
- Qua Đoạn kết và Cảnh VII vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới
người đọc thông điệp: được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn
vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con
người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn biết đấu tranh
với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, để hoàn thiện nhân cách và vươn
tới những giá trị tinh thần cao quý.
- Đoạn trích có những đặc sắc về nghệ thuật: vở kịch được khai thác từ cốt truyện dân gian. Kịch tính
xoay quanh xung đột bên ngoài và bên trong nhân vật. Ngôn ngữ hành động và ngôn ngữ nội tâm
được diễn tả sống động, giàu triết lí nhân sinh.

You might also like