You are on page 1of 22

HƯỚNG DẪN TỰ HỌC MÔN NGỮ VĂN LỚP 12 LẦN 2

PHẦN I: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT (Lưu Quang Vũ)

(Trích)

A. Kiến thức cơ bản

I. Về tác giả

- Lưu Quang Vũ (1948-1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh tại Phú Thọ trong một gia
đình trí thức.

- Từ 1965-1970: Lưu Quang Vũ vào bộ đội và được biết đến với tư cách một nhà
thơ tài năng đầy hứa hẹn.

- Từ 1970-1978: Ông xuất ngũ, làm nhiều nghề để mưu sinh.

- Từ 1978-1988: biên tập viện Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch và trở thành
một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 với những vở đặc
sắc như: Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Lời thề thứ chín, Khoảnh khắc vô tận,
Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Hai ngàn ngày oan trái, Hồn trương Ba, da hàng thịt,…

-> Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, vẽ tranh, viết truyện, viết tiểu
luận,…nhưng thành công nhất là kịch. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài
năng nhất của nên Văn học Nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

- Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

II. Về tác phẩm

1. Xuất xứ

- Vở kịch được viết năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984

- Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt:

+ Từ một cốt truyện dân gian, tác giả đã xây dựng một vở kịch nói hiện đại, đặt ra
vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.
+ Truyện dân gian gây kịch tính sau khi Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng
thịt dẫn tới "vụ tranh chấp" chồng của hai bà vợ phải đưa ra xử, bà Trương Ba
thắng kiện được đưa chồng về. Lưu Quang Vũ khai thác tình huống kịch bắt đầu ở
chỗ kết thúc của tích truyện dân gian. Khi Hồn Trương Ba được sống "hợp pháp"
trong xác anh hàng thịt, mọi sự càng trở nên rắc rối, éo le để rồi cuối cùng đau khổ,
tuyệt vọng khiến Hồn Trương Ba không chịu nổi phải cầu xin Đế Thích cho mình
được chết hẳn.

Vị trí: Là phần lớn cảnh VII và đoạn kết của kịch.

2. Nội dung
2.1Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt:

+ Mở đầu đoạn trích là màn độc thoại của Hồn Trương Ba. Tác giả để Trương Ba
ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy tuôn ra một tràng độc thoại đầy đau khổ
“Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không
phải là của tôi này lắm rồi! Chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta
bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!”. Lời độc thoại cho thấy Trương
Ba đang ở trạng thái u uất, bế tắc, không lối thoát. Hồn Cảm thấy “chán”, thấy “sợ”
vì phải sống một cuộc sống không phải là mình. Hồn chỉ muốn “tách ra cái xác
này, dù chỉ một lát”. Và trong sự khát khao tách bạch ấy, hồn đã được tách ra khỏi
thể xác vốn không phải của hồn và màn đối thoại bắt đầu.

+ Trong màn đối thoại này ta thấy xác lấn át hồn cho nên lượt lời của Trương Ba
rất ít ỏi. Hồn lại dễ bị xác kích động. Khi xác nhạo báng hồn: “Hỡi cái linh hồn mờ
nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi. Ông không thể tách được khỏi tôi được
đâu. Dù tôi chỉ là thân xác”. Trước sự bỡn cợt của xác, hồn Trương Ba vừa ngạc
nhiên vừa giận dữ: “A, mày cũng có tiếng nói kia à ? Vô lí, mày không thể có tiếng
nói mà chỉ là xác thịt âm u, đui mù”. Lời mắng mỏ của hồn đầy mạnh mẽ, hồn
quyết không công nhận thể xác, chê bai thể xác chỉ là loại âm u, đui mù, đáng
khinh.

+ Thậm chí Trương Ba còn nặng lời hơn: “Nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém
mà bất kỳ một con thú nào cũng có được. Thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…”. Hồn
nặng lời khi đặt thể xác chỉ đáng hàng “con thú” loại dung tục, tầm thường chỉ biết
“thèm ăn ngon, thèm rượu thịt” – loại thấp kém. Tuy nhiên ta thấy, đằng sau những
lời mỉa mai của hồn thì hồn đã buộc phải công nhận sự có mặt của xác, đồng ý xác
có tiếng nói. Dường như hai lời thoại trên của Trương Ba trong màn đối thoại này
là dài nhất, mạnh mẽ nhất. Sau đó, hồn chỉ im lặng và đau đớn để nghe xác thắng
thế.

+ Xác hàng thịt đã có lí lẽ riêng của nó khi tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù ghê
gớm của mình “Có đấy, xác thịt có tiếng nói đấy. Chính vì âm u đui mù nên tôi
mới có sức mạnh ghê ghớm lắm khi lấn át được cái linh hồn cao khiết của ông”.

+ Xác đã chỉ ra sự lấn át của mình làm tha hoá hồn cứ khiến hồn. Hồn ít nhiều đã
bị vấy bẩn, tha hóa bởi dục vọng thấp hèn của thân xác: “Khi ông ở bên nhà tôi…
Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…
Đêm hôm đó, suýt nữa thì…”. Xác đã nhắc lại sinh động, tường tận dục vọng thấp
hèn của Trương Ba. Dục vọng tầm thường ấy trước đây Trương Ba nào có. Không
chỉ vậy, xác còn làm cho Trương Ba khi đứng trước những món ăn dung tục “tiết
canh, cổ hũ, khấu đuôi” thì hồn cũng “lâng lâng cảm xúc”. Xác còn làm cho
Trương Ba từ con người hiền lành trở thành con người thô lỗ, phũ phàng, khi
khuyên thằng con đi vào con đường ngay thẳng không được, ông đã nổi giận “tát
thằng con toé máu mồm, máu mũi”.

+ Xác đã không ngần ngại mỉa mai hồn và khẳng định vai trò của mình: “Khi ông
phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn,
trong sạch, thẳng thắn!”. Xác khẳng định, xác là “cái bình để chứa đựng linh hồn.
Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những
người thân… nhờ có tôi mà ông cảm nhận thế giới qua những giác quan của
tôi…”. Như vậy, đối với hồn, xác rất quan trọng bởi dù sao đi chăng nữa nếu không
có xác, hồn chẳng có chốn dung thân và ngược lại nếu không có hồn thì xác cũng
chỉ “âm u đui mù”. Vì thế cho nên “chúng ta tuy hai mà một”. Màn đối thoại kết
thúc, Trương Ba thua cuộc và buộc chấp nhận hoàn cảnh. Ông lại bần thần nhập lại
vào xác anh Hàng thịt.

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ.

Một bên đại điện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng
đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Nội dung
cuộc đối thoại xoay quanh một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai
dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng
thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân

Qua đó tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì sớm hay
muộn những phẩm chất tốt đẹp sẽ bị cái dung tục ngự trị, lấn át và tàn phá. Vì thế,
phải đấu tranh để loại bỏ sự dung tục, giả tạo để cuộc sống trở nên tươi sáng hơn,
đẹp đẽ và nhân văn hơn.

2.2. Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với người thân
Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của Hồn Trương Ba được đẩy lên cao khi đối thoại
với những người thân.

+ Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ đây nhất quyết đòi bỏ đi: “Đi biệt để
ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt” … “đi đâu cũng được… còn hơn là
thế này”, vì “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày
xưa”…

+ Cái Gái – cháu nội ông, mới mười tuổi. Nó một mực khước từ tình thân “tôi
không phải là cháu ông… Ông nội tôi chết rồi”. “Ông nội đời nào thô lỗ, phũ
phàng như vậy”. Nó xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể,
cút đi!”.

+ Hi vọng cuối cùng của Trương Ba có lẽ là chị con dâu bởi chị là người sâu sắc,
chín chắn, thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Nhưng cuối cùng chị con dâu
cũng phải đành lòng nói lên những nghĩ suy của mình : “Thầy bảo con: Cái bên
ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con
cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ
như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy
nữa…”.

Đối thoại với những người thân mới cho nhân vật nhận cảm thấm thía tình
trạng của bản thân, để đi đến hành động giải thoát quyết liệt.
Nhà biên kịch không đưa đối thoại với người con trai (lúc này đã bị đồng tiền cám
dỗ, sinh ra thói con buôn vụ lợi) vào mà để Hồn đối thoại với vợ, cháu gái, con dâu
– những người yêu thương, gắn bó với Trương Ba nhất để dẫn dắt Trương Ba đến
nhận thức sâu sắc về tình trạng tuyệt vọng không lối thoát của bản thân mình. Cuối
cùng Trương Ba quyết định châm hương gọi Đế Thích.
2.3. Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích
Hồn Trương Ba không chấp nhận cảnh sống “bên trong một dằng, bên ngoài
một nẻo”. Ông muốn được sống theo đúng với cuộc sống của mình: “Tôi
muốn được là tôi toàn vẹn”.

+ Đế Thích là tiên, sống cốt để “dân chúng họ thờ” nên quan niệm về cuộc sống rất
đơn giản: Sống có nghĩa là không chết, không chết nghĩa là tồn tại, còn tồn tại như
thế nào thì không cần biết: “Trên trời dưới đất đều thế cả”.

+ Còn Trương Ba thì cho rằng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một
nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Được sống là một hạnh phúc nhưng đã
sống như thế nào để có ý nghĩa, sống mà làm khổ bao người thì đó là một cuộc
sống vô nghĩa. Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái
cảnh phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nữa và muốn được là mình
một cách toàn vẹn. Qua lời thoại này của nhân vật Trương Ba. Lưu Quang Vũ
muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất giữa thể xác và
linh hồn. Nếu xác và hồn thiếu sự hài hòa, sống ngược với tạo hóa thì đó là một bi
kịch.

+ Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Sống nhờ vào đồ đạc, của
cải người khác đã là chuyện không nên, đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh
hàng thịt”. Lời thoại này cho thấy: Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ
dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì
cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Lòng tốt của Đế Thích là điều đáng quý, nhưng lòng
tốt thiếu thực tế thì vô tình lại đẩy người khác vào nghịch cảnh, vào bi kịch mà
Trương Ba là một ví dụ điển hình.

+ Trương Ba kêu gọi Đế Thích hay sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là trả lại
linh hồn cho cu Tị. Ông chấp nhận hi sinh để cứu cu Tị: “Có những cái sai không
thể sửa được, chắp vá chỉ càng làm sai thêm. Việc bây giờ cần làm là bằng một
việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để
tôi chết hẳn”. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật
đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau
khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, chứng tỏ quyết tâm giải
thoát. Đó là cuộc đấu tranh, lựa chọn quyết liệt: Thà chết để được là mình hơn là
sống mà sống nhờ, sống gửi, sống không được là mình. Đó cũng là bản chất nhân
hậu vốn có của Trương Ba.

Kết thúc màn đối thoại, hồn Trương Ba, chấp nhận cái chết, một cái chết làm
sáng bừng lên nhân cách đẹp đẽ của Trương Ba, thể hiện sự chiến thắng của
cái thiện, cái đẹp với cái tầm thường, thấp hèn.

+ Cuối cùng Trương Ba quyết định từ giã sự sống, ông trả xác anh hàng thịt về
đúng chỗ của nó. Để trở về với mình, với chính mình “nguyên vẹn, trong sạch,
thẳng thắn”. Bi kịch của Trương Ba được giải thoát – đây là một “bi kịch lạc
quan”. Ông phục sinh vào những hình ảnh quen thuộc trong vườn cây xanh tốt,
trong căn nhà của mình như một sự bất tử của linh hồn: “tôi vẫn ở đây, ở liền ngay
bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo
gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà dẫy cỏ… trong mỗi trái cây cái gái
nâng niu”. Lời văn thấm đẫm cảm xúc, giàu chất thơ, chất trữ tình trong kịch Lưu
Quang Vũ là ở đây.

+ Màn đối thoại của cái Gái và cu Tị đã khép lại vở kịch: “cây na này ông nội tớ
trồng đấy” qua hành động vùi hạt na xuống đất: “Cho nó mọc thành những cây
mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi”. Đây là
hình ảnh biểu tượng: đứa trẻ ngây thơ, trong trắng gieo trồng hạt giống mới biểu
trưng cho sự nối tiếp, sinh sôi bất tử của hồn Trương Ba, vẻ đẹp Trương Ba –
thanh khiết, vẹn nguyên. Cái chết hẳn về thể xác là sự hoàn nguyên kì diệu cho tâm
hồn. Trương Ba đang sống một cuộc sống khác: sự sống bất diệt trong trái tim
những người thân.

Ý nghĩa triết lý của màn đối thoại

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm: Thứ nhất, con người đang có nguy
cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi
trở nên phàm phu, thô thiển. Thứ hai, đừng lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh
thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn
đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Như vậy muốn có cuộc sống ý nghĩa, con người phải
sống hài hoà giữa thể xác và tâm hồn, phải luôn luôn đấu tranh với nghịch cảnh,
chống lại sự tầm thường, dung tục để hoàn thiện nhân cách.
3. Nghệ thuật

- Sáng tạo lại cốt truyện dân gian.

- Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm.

- Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển
tình huống truyện,…

B. Luyện tập

I. Câu hỏi và đề văn

Đề 1. Phân tích nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích “Hồn Trương Ba
da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Đề 2. Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, có một lời thoại quan trọng
“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là
tôi toàn vẹn”.
Anh/chị hãy phân tích tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong
xác anh hàng thịt để làm sáng tỏ lời thoại trên.

Đề 3. Kịch Lưu Quang Vũ giàu giá trị nhân văn. Anh/chị hãy phân tích đoạn
trích cảnh VII Hồn Trương Ba, da hàng thịt trong sách giáo khoa để làm rõ
điều đó.

Đề 4. Phân tích mối tương quan đối lập giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng
thịt trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Chỉ ra
những điểm khác nhau cơ bản của hai nhân vật này.
II. Gợi ý

Đề 1
1. Mở bài
– Lưu Quang Vũ là một trong những cây bút tài hoa để lại những dấu ấn trong
nhiều thể loại: thơ, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Ông là một trong những nhà soạn
kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
– Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, đánh
dấu sự vượt trội trong sáng tác của Lưu Quang Vũ.
– Nhân vật Trương Ba – một nhân vật bi kịch
2. Thân bài
a. Giới thiệu chung
– Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ
– Đây là một vở kịch mà Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện dân gian, tuy nhiên
chiều sâu của vở kịch chính là phần phát triển sau của tuyện dân gian.
b. Phân tích
– Hoàn cảnh éo le, bi đát của ông Trương Ba
+ Trương Ba là người làm vườn yêu cây cỏ, yêu thương mọi người, sống nhân hậu,
chân thực, chưa tới số chết, nhưng vì sự tắc trách của quan nhà trời mà Trương Ba
phải chết.
+ Hồn Trương Ba phải trú nhơ vào xác anh hàng thịt, một người thô lỗ,… Tính
cách Trương Ba ngày càng thay đổi. Bi kịch của sự oan trái
– Cuộc đối thoại giữa hồn và xác
+ Hồn là biểu tượng cho sự thanh nhã, cao khiết, trong sạch, đạo đức nhưng tất cả
hoàn toàn trái ngược qua phần đối thoại với xác. Hồn Trương Ba để lại trong mắt
xác hàng thịt là một kẻ phàm ăn, tục uống ; mê rượu và háo sắc ; cư xử thô bạo với
mọi người,…
+ Những biểu hiện ngay trong đối thoại khi Hồn Trương Ba không còn là chính
mình : cư chỉ, điệu bộ lúng túng, khổ sở ; giọng điệu có khi yếu ớt, lời thoại ngắn ;
khi đuối lý lại dùng lời lẽ thô bạo để trấn áp “Ta… Ta… đã bảo mày im đi” .Bi
kịch của sự tồn tại riêng rẽ : con người không thể chỉ sống bằng thân xác mà cũng
không thể sống bằng tinh thần.
– Nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba khi tìm về những người thân trong gia đình
+ Người vợ vừa hờn ghen vừa dằn dỗi chồng, có cảm giác ông là người sống xa lạ
với mọi người.

+ Đứa con trai cả quyết định bán khu vườn để đầu tư vào sạp thịt.
+ Cái Gái, đứa cháu nội mà ông yêu quý nhất, không thừa nhận ông là ông nội,
thậm chí nó còn cự tuyệt đến quyết liệt “Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội
tôi sẽ bóp cổ ông”. Trong mắt nó, Hồn Trương Ba chỉ là một tên đồ tể, tay chân
vụng về, luôn phá hoại.
+ Con dâu tỏ ra thông cảm, hiểu và đau cho nỗi đau sống nhờ và sự thay đổi của
Hồn Trương Ba. à Bi kịch bị người thân xa rời, khước từ cuộc sống.
– Khát vọng giải thoát khỏi thân xác người khác.
+ Trương Ba tự ý thức bi kịch của mình : “Không thể bên trong một đằng, bên
ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. à Bi kịch sống nhờ vào thân
xác người khác

– Trương Ba trước cái chết của cu Tị


+ Trước đề nghị đổi thân xác của Đế Thích, tính cách TB từ chỗ lưỡng lự, suy nghĩ
rồi quyết định dứt khoát.
+ Trương Ba muốn chết thật là để cho mình được sống mãi hoài nhớ của mọi
người. à Giải thoát bi kịch của một sự giả tạo trong con người Hồn Trương Ba.
c. Đánh giá
– Hồn Trương Ba là một nhân vật quá chú trọng đời sống tinh thần mà coi nhẹ thân
xác.
– Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba là bi kịch về nỗi đau của sự vênh lệch giữa
thể xác và tâm hồn trong một con người.
– Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, nghệ thuật tạo tình huống và diễn tiến
kịch kích độc đáo.
3. Kết luận
– Đánh giá chung về nhân vật.
– Khẳng định tài năng viết kịch của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.
Đề 2
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)
– Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)
– Tác phẩm có rất nhiều lời thoại mang tính triết lý, trong đó lời nói của Trương
Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi
trọn vẹn” đã gợi lên tình huống éo le của nhân vật.
2. Thân bài
a. Giới thiệu chung
– Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những truyện hay trong kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện này để viết thành
vở kịch nói cùng tên vào năm 1981 và được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1984.
– Vở kịch đặt ra vấn đề, đó là bi kịch sống nhờ của Hồn Trương Ba trong xác anh
hàng thịt.
– Lời thoại trên là lời của Hồn Trương Ba nói với Đế Thích, có ý nghĩa triết lý về
sự thống nhất, hài hòa giữa hồn và xác trong một con người.
b. Phân tích tình huống éo le của nhân vật Hồn Trương Ba trong xác anh
hàng thịt
+ Tình huống éo le, bi đát

– Nguyên nhân dẫn đến tình huống éo le: việc gạch tên chết người vô trách nhiệm
của quan nhà trời và “thiện ý sửa sai” của Đế Thích.

– Nỗi khổ của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt : vợ con
nghi ngờ, xa lánh ; do sự xui khiến của thân xác hàng thịt, Hồn Trương Ba có
những hành vi, cử chỉ thô lỗ, vụng về.
– Hồn Trương Ba cương quyết không sống trong xác anh hàng thịt. Khát vọng giải
thoát khỏi thân xác người khác khiến Hồn Trương Ba gọi Đế Thích lên để nói rõ bi
kịch sống nhờ, sống không đúng mình.
+ Ý nghĩa của lời thoại
– Lời thoại này thể hiện rõ quan niệm về hạnh phúc của nhà viết kịch. Hồn Trương
Ba đã có một thân xác để tồn tại, để tiếp tục sống, ngỡ đó là hạnh phúc. Nhưng hóa
ra hạnh phúc ở đời không phải là được sống mà sống như thế nào.
– Bức thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn nhắn gửi qua bi kịch của Trương Ba:
con người phải được sống như chính mình, sống hòa hợp giữa hồn và xác

– tâm hồn trong sạch như thân xác được khỏe mạnh. “Tôi muốn là tôi toàn vẹn”,
đấy mới là hạnh phúc.
c. Đánh giá
– Tình huống éo le của vở kịch là nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt giữa truyện dân
gian và vở kịch.
– Thông qua lời thoại của nhân vật, Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm sống
giàu giá trị nhân văn.
– Nhà văn đã dựng lên được những kịch tính thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt
là lời thoại của nhân vật sinh động có tầm khái quát cao.
3. Kết luận
– Lời thoại của Trương Ba “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo
được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” là một câu nói giàu tính triết lý, cũng lại là bi
kịch cho số phận của một con người.
– Khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ và sức sống của tác phẩm.
Đề 3
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)
– Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)
– Giới thiệu vấn đề nghị luận : giá trị nhân văn
2. Thân bài
a. Giới thiệu chung (Tham khảo một số đề trên)
b. Giải nghĩa giá trị nhân văn:
Giá trị nhân văn của một tác phẩm là sự lột tả mâu thuẫn tâm lý của các nhân vật
trong đời sống, hay chính mâu thuẫn trong từng con người, trong cái trong sáng có
sự sa ngạ, lầm lạc và trong ánh sáng có bóng tối. Nó là cuộc đấu tranh giữa thiện
và ác, giữa đẹp và xấu, giữa hy vọng và tuyệt vọng của con người.
c. Phân tích
– Hoàn cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt.
– Nỗi đau đớn giày vò của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ, sồng khác mình, qua
các chi tiết : + Lời dẫn kịch : ngồi ôm đầu một hồi lâu, bịt tai lại, như tuyệt vọng,
bần thần nhập lại xác anh hàng thịt,…
+ Lời của nhân vật : Ta… ta đã bão là mày im đi, Trời,…
+ Lời độc thoại nội tâm : Mày đã thắng thế rồi, cái thân xác không phải là của ta
ạ… à Ý nghĩa nhân văn của tác phẩm :
– Ý nghĩa nhân văn của vở kịch là ở chỗ Lưu Quang Vũ đã khẳng định, tôn trọng
cái cá thể, khẳng định vị trí, vai trò của cá nhân trong xã hội. Qua lời thoại đầy chất
triết lý, nhà văn gửi bức thông điệp kêu gọi con người như sống chính mình. “Tôi
muốn được là tôi toàn vẹn”, câu nói đơn giản của nhân vật Hồn Trương Ba chính
là chìa khóa mở ra giá trị nhân văn của tác phẩm.

– Ý nghĩa nhân văn của vở kịch còn là ở chỗ nhà văn đã đấu tranh cho sự hoàn
thiện vẻ đẹp nhân cách con người. Để cho nhân vật Hồn Trương Ba khước từ cuộc
sống vay mượn thân xác người khác, Lưu Quang Vũ đã mở hướng cho nhân vật
vươn tới một lẽ sống đích thực, dẫu thân xác có trở về hư vô.
d. Đánh giá
– Cảnh VII, của vở kịch giàu giá trị nhân văn :
+ Cần tạo cho con người có được sự hài hòa giữa hai mặt tinh thần và vật chất ;
không được kỳ thị những đòi hỏi vật chất của con người ; cần tôn trọng quyền tự
do cá nhân ; cần biết rút kinh nghiệm về những sai lầm để hướng tới tương lai. –
Giá trị nhân văn mà Lưu Quang Vũ đặt ra đến nay vẫn còn nguyên vẹn và vẫn còn
mang tính thời sự.
3. Kết luận
– Khẳng định giá trị của tác phẩm (nội dung, nghệ thuật).
– Khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ.
Đề 4.
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả (con người và phong cách)
– Giới thiệu tác phẩm (giá trị của tác phẩm)
– Giới thiệu về mối tương quan đối lập và sơ lược về Hồn Trương Ba và da hàng
thịt.
2. Thân bài
a. Giới thiệu chung
– Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ
– Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ. Dựa vào tích
xưa, Lưu Quang Vũ đã bộc lộ khả năng sáng tạo của mình khi xây dựng hai nhân
vật Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.
– Đây là hai nhân vật chính của tác phẩm, tư tưởng triết lý nhân sinh của vở kịch
bật lên mối tương quan đối lập giữa hai nhân vật này.
b. Phân tích mối tương quan đối lập giữa hai nhân vật Hồn Trương Ba và xác
anh hàng thịt
– Cuộc gặp gỡ giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
+ Sự sai lầm của thượng giới dẫn đến cuộc đối đầu đầy bi kịch.
+ Hồn Trương Ba đau khổ trong xác anh hàng thịt (dc)
– Những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
+ Hồn Trương Ba không thể sống chung trong cái xác vay mượn, tách ra khỏi để
tranh luận.
+ Cuộc tranh luận diễn ra căng thẳng quyết liệt, không có sự thỏa hiệp.
c. Những điểm khác nhau cơ bản giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
– Ông Trương Ba chất phác, hiền lành, nho nhã
– Anh hàng thịt thân xác vạm vỡ, kềnh càng, thô lỗ.
– Hồn Trương Ba thanh cao, sống theo những chuẩn mực đạo đức
– Xác anh hàng thịt hưởng thụ, sống thiên về bản năng, dễ dàng chạy theo những
ham muốn trần tục.
d. Đánh giá
– Hồn và xác là hai phần đối lập, nhưng luôn tồn tại trong một con người, không
thể tách rời nhau. – Đưa ra sự đối lập này, nhà văn muốn nhấn mạnh rằng : con
người không chỉ sống bằng thân xác mà cũng không chỉ sống bằng tinh thần.
– Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật kịch thông qua những lời thoại.
3. Kết luận

PHẦN II: MỘT SỐ ĐỀ ĐỌC HIỂU

VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI

Đề 1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

....Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời
mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn
được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói
thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao
Mị không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng
Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại...Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt
nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc
gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được
một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước
nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng chạy vụt ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ,
đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc,...

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Câu 1. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì?

Câu 2. Các từ láy được gạch chân: rón rén, hốt hoảng, thì thào đạt hiệu quả nghệ
thuật như thế nào khi diễn tả quá trình Mị cởi trói cho A Phủ?

Câu 3. Xác định ý nghĩa nghệ thuật hình ảnh cái cọc và dây mây trong đoạn văn
bản.

Câu 4. Tại sao câu văn: “Mị đứng lặng trong bóng tối.” lại được tách thành một
dòng riêng?
Đề 2. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

"Ở lâu trong cái khổ, Mỵ quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu
con ngựa"
“Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai
cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào công việc cả đêm cả ngày”
" Mỗi ngày Mị không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó xửa"
" Ngựa vẫn đứng yên gãi chân nhai cỏ, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con
ngựa"
( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn?
Câu 2. Những thủ pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng trong những câu văn trên?
Câu 3. Nêu hiệu quả, ý dụng của những thủ pháp nghệ thuật ấy?
Câu 4. Từ những câu trích trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn theo cách quy nạp
(khoảng 5-7 câu) nói về tình cảm, thái độ của nhà văn với đối tượng miêu tả?

Đề 3. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Mỗi đêm, nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa bùng lên,
cùng lúc ấy Mỵ cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng. Mới biết nó còn sống.
Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mỵ vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái
xác chết đứng chết đấy, cũng thế thôi. Mỵ vẫn trở dậy, vẫn sưởi. Mỵ chỉ biết, chỉ
còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về thấy Mỵ ngồi đấy, A Sử ngứa tay đánh
Mỵ ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mỵ vẫn ra sưởi như đêm trước.Lúc ấy đã
khuya. Trong nhà ngủ yên. Mỵ trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mỵ
trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống
hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mỵ chợt nhớ đêm năm trước, A Sử
trói Mỵ, Mỵ cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ,
không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình
chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này.
Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét,
phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ
xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ... Mỵ phảng phất nghĩ
như vậy.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Câu 1. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?


Câu 2. Xác định từ loại của từ bò trong câu văn một dòng nước mắt lấp lánh bò
xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ. Hiệu quả nghệ thuật của từ đó là
gì ?

Câu 3. Xác định tâm trạng đối lập giữa đêm nay và đêm sau diễn ra đối với nhân
vật Mị. Ý nghĩa của sự đối lập đó là gì?

Câu 4. Trong đoạn văn trên, câu văn nào diễn tả một cách sâu sắc sự tê dại trong
tâm hồn Mị trong khi A Phủ bị trói?

Đề 4. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

“Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị
em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt
được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi
bếp. A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang,
thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế.
Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy,
cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A
Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm
sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.”

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Câu 1. Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn văn?

Câu 3. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn văn và

nêu tác dụng?

Câu 4. Câu văn: “A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi” gợi cho anh chị
suy nghĩ gì về trạng thái tâm hồn của Mị?

VỢ NHẶT – KIM LÂN

Đề 1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam
Ðịnh, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những
bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi
sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm
còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của
xác người.

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)

Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?

Câu 3. Các từ láy: lũ lượt, dắt díu, xanh xám,ngổn ngang,rác rưởi đạt hiệu quả
nghệ thuật như thế nào khi diễn tả cái đói ở xóm ngụ cư ?

Câu 4. Xác định biện pháp tu từ về từ trong văn bản ? Ý nghĩa nghệ thuật của biện
pháp đó là gì ?

Đề 2. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong
xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu
được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên.
Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một
người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:

- Ai đấy nhỉ? ... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

- Quái nhỉ?

Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc:

- Hay là vợ anh cu Tràng? ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông


chị ta thèn thẹn hay đáo để.

- Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau
sống qua được cái thì này không?

Họ cùng nín lặng.

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)


Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?

Câu 3. Câu văn Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn
lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ
được sử dụng biện pháp tu từ gì? Ý nghĩa nghệ thuật biện pháp tu từ đó?

Câu 4. Từ văn bản, Hãy viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về tình làng
nghĩa xóm trong cuộc sống hôm nay ?

Đề 3. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng
ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước
mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên.
Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm
ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng.

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)

Câu 1. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?

Câu 2. Xác định phép điệp trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của phép
điệp đó ?

Câu 3. Các từ ngữ tình nghĩa, mới mẻ, lạ lắm,ôm ấp, mơn man có hiệu quả diễn
đạt như thế nào?

Câu 4. Từ văn bản, hãy viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về lối sống
tình nghĩa của con người.

Đề 4. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn
quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn
giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn
thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình.
Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng.
Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới
thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa
lại căn nhà.

Câu 1. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?

Câu 2. Xác định từ loại của các từ giẫy, quét và nêu hiệu quả nghệ thuật của các từ
đó ?

Câu 3. Ý nghĩa của từ nên người trong đoạn văn là gì?

Câu 4. Từ văn bản, hãy viết một đoạn văn (5- 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị
về hạnh phúc.

Đề 5. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau
chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành.
Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện
vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

-Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia
làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn
gà cho mà xem...

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn bản là gì ?

Câu 3. Các từ ngữ mẹt rách, lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo
trong đoạn văn đạt hiệu quả diễn đạt như thế nào?

Câu 4. Việc bà cụ Tứ khuyên con mua lấy đôi gà có ý nghĩa gì?

Đề 6. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

“Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

- Điêu! Người thế mà điêu!

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận
ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp

hẳn đi, trên cái gương mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt.

À hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẳn ngồi xuống ăn miếng giầu

đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đấy, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi.

- Rích bố cu (1), hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thi ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh

đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang

miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ, có về với tớ thì ra khuân

hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng

cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi

không lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái:
- Chậc, kệ!”

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân)

Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn văn?

Câu 2. Đặt tên cho đoạn văn trên?

Câu 3. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn văn và nêu tác
dụng?

Câu 4. Các từ: sưng sỉa, cong cớn, có tác dụng gì trong việc diễn tả tính cách, thái
độ của nhân vật thị lúc này?

- Tại sao trong hoàn cảnh đói khát lúc bấy giờ, thậm chí chính bản thân Tràng
cũng thừa biết rằng: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi
không lại còn đèo bòng.” Nhưng cuối cùng anh ta cũng “Chậc, kệ!” và quyết định
dẫn vợ về. Cái tặc lưỡi đó có ý nghĩa gì?

RỪNG XÀ NU - NGUYỄN TRUNG THÀNH

Đề 1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng
nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.

Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, nhìn trừng trừng.

Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa cháy ở mười đầu ngón tay
nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu
lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói:
“Người Cộng sản không thèm kêu van...” Tnú không thèm, không thèm kêu van.
Nhưng trời ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!

( Trích Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn trên?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?


Câu 3. Xác định biện pháp tu từ cú pháp trong câu văn : Một ngón tay Tnú bốc
cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh.
Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp
tu từ đó.

Câu 4. Em hiểu gì về ý nghĩa câu nói của Tnú: “Người Cộng sản không thèm kêu
van...”

Đề 2. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu
mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên
lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó
phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao
xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra.
Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi.
Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành
được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt
lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao
lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng
lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất
nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm
ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...

(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành)

Câu 1. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì ?

Câu 2. Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như
so sánh, nhân hoá, đối lập. Xác định biểu hiện các phép tu từ đó và nêu tác dụng
của hình thức nghệ thuật này là gì ?

Câu 3. Xác định từ loại của các từ được gạch chân : mọc, lao, phóng, ham, tiếp,
vượt, ưỡn trong văn bản ? Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các từ đó là gì ?

Câu 4. Từ văn bản trên, hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về
những cánh rừng bị tàn phá hiện nay.

........................................

You might also like