You are on page 1of 2

Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch tài năng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

“Hồn
Trương Ba, da hàng thịt" là một trong những tác phẩm tạo được tiếng vang lớn nhất
của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm đã tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc
đấu tranh với những cám dỗ, khát vọng được sống là chính mình. Ý nghĩa ấy được thể
hiện chân thực và sống động qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích.
Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông đã từng sáng tác thơ nhưng được biết đến
nhiều hơn với tư cách là nhà soạn kịch. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch
được viết từ năm 1981, đến năm 1984 thì ra mắt công chúng. Vở kịch này được viết
dựa trên một câu chuyện dân gian, song đã có những thay đổi, thêm những tình tiết
phát triển làm cho tầng ý nghĩa của câu chuyện càng sâu hơn. Cuộc đối thoại giữa hồn
Trương Ba và Đế Thích thuộc ảnh VII và Đoạn kết của vở kịch.
Khi gặp được Đế Thích, Trương Ba đã bày tỏ nguyện vọng: “Tôi không thể tiếp tục
mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!". Chữ “không thể” được lặp lại
hai lần thể hiện quyết tâm, ý chí sắt đá của Trương ba khi quyết định rời khỏi thân xác
của anh hàng thịt.
Trước thái độ ngạc nhiên, bất ngờ của Đế Thích, Trương Ba tiếp tục nói lên quan
điểm sống cao đẹp: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được". Câu
giải thích là sự thú nhận nghịch cảnh mà Trương Ba đã phải chịu đựng: trong ngoài
bất nhất. Bên trong là tâm hồn cao khiết, nhân cách cao đẹp; bên ngoài lại là xác thịt
thô tục, là những dục vọng, bản năng. Sự bất nhất là do linh hồn của Trương Ba đã
nhiều lần thỏa hiệp với bản năng. Đây chính là điều đã đè nặng lên tâm hồn Trương
Ba, khiến ông trăn trở, đau khổ và dằn vặt. Từ đó,Trương Ba đã nêu lên khát vọng
chính đáng của mình:“Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". “Toàn vẹn” là sự hài hòa của
bên trong và bên ngoài, giữa tâm hồn và thể xác. Trương Ba muốn hồn mình phải
được hợp nhất với xác của mình để được sống cho đúng nghĩa. Đối với Trương Ba,
sống không chỉ là tồn tại, mà sống phải là chính mình, làm những điều mình mong
muốn, trở lại là mình toàn vẹn khi xưa.
Trước những yêu cầu, lập luận của Trương Ba, Đế Thích vẫn tỏ thái độ ngạc nhiên,
cảm thấy khó hiểu trước suy nghĩ kì lạ ấy: “Có gì không ổn đâu!”, “Nhưng mà ông
muốn gì?". Đế Thích còn khuyên Trương Ba nên chấp nhận cuộc sống hiện tại bởi:
“Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? [...] Dưới đất, trên
trời đều thế cả, nữa là ông." Đế Thích cho rằng tấtbcả mọi người đều đang sống trong
hoàn cảnh trong ngoài bất nhất, nên hãy chấp nhận, học cách thỏa hiệp với hiện tại.
Những dẫn chứng mà Đế Thích đưa ra thể hiện một quan điểm: sống là tồn tại, còn
tồn tại như thế nào thì là do hoàn cảnh, điều kiện xung quanh; con người không thể
thay đổi hoàn cảnh mà chỉ có thể quy thuận dù là điều mình không mong muốn. Xét
vào thực tại cuộc sống, đây là quan điểm được nhiều người chia sẻ dù nó mang hơi
hướng tiêu cực.
Không chấp nhận lời giải thích, lập luận của Đế Thích,Trương Ba đã thẳng thừng lên
án thái độ sống ấy: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào
thì ông chẳng cần biết!". Lời thoại đã thẳng thừng lên án hành động và suy nghĩ sai
trái của Đế Thích.
Sống không chỉ là tồn tại đơn thuần, là thuận theo bản năng và hoàn cảnh mà đó phải
là cuộc sống có nghĩa, sống là mình, là sự vượt lên những vui thích tầm thường để bảo
vệ những giá trị cốt lõi của linh hồn cao đẹp.
Đoạn đối thoại phía sau là sự đấu tranh giữa “tồn tại hay không tồn tại”. Đáp trả lại
câu hỏi của Đế Thích, Trương Ba bày tỏ nguyện vọng: “Thân thể anh hàng thịt còn
lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống
lại với thân xác này". Đế Thích lại cho rằng như thế là không thích hợp: “Sao có thể
đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng
thịt?". Trương Ba lại bác bỏ: “Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta... chúng sinh ra
là để sống với nhau". Quyết tâm lên cao có thể đẩy lời nói thành những hành động
quyết liệt hơn: “Nếu ông không giúp, tôi sẽ nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao
vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất". Sự mạnh mẽ, lời
nói đầy táo bạo ấy không ai dễ gì mà nói ra được, nhưng với Trương Ba, khát vọng
“được sống là chính mình" đã thôi thúc tâm hồn cần một sự thay đổi để xóa bỏ nghịch
cảnh một cách triệt để: cái chết. Chỉ khi chết đi, Trương Ba mới có thể là Trương Ba,
tâm hồn cao khiết được bảo toàn trọn vẹn, chính mình được thanh thản và để đổi lấy
sự hồi sinh của một người chồng, một người cha, một người ông trong trái tim những
người ông yêu quý.
Xen vào giữa cuộc đối thoại là tiếng khóc của cái Gái và sự ra đi của thằng cu Tị. Đế
Thích muốn Trương Ba nhập hồn vào xác cu Tị: “Ông sống trong thân xác thằng bé
chắc sẽ ổn". Câu nói này lại một lần nữa thể hiện lối suy nghĩ hời hợt, thiếu chín chắn
của Đế Thích.
Thực chất, Đế Thích lại một lần nữa đồng hóa định nghĩa của “sống” và “tồn tại".
Trước đề nghị ấy, Trương Ba đã có một hồi phân vân. Với Trương Ba, sống vẫn đáng
quý, Trương Ba vẫn muốn được tiếp tục sống.
Nhưng những suy nghĩ quẩn quanh về những ngày sống dưới xác hàng thịt, những
mường tượng tương lai khi trú ngụ trong xác cu Tị, Trương Ba đã đi đến quyết
định:“Tôi không thể cướp cái thân thể non nớt của cu Tị”,“Ông hãy cứu nó! Ông phải
cứu nó!... vì con trẻ... Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng”. Quan niệm sống cao đẹp càng
sáng ngời thông qua lời đối thoại: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá
gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù
bằng một việc đúng khác". Đoạn đối thoại không chỉ làm sáng lên một tư tưởng sống
mang tính vĩnh hằng: “sống là chính mình” mà còn phê phán lối sống: “sống là tồn
tại” và lên án sự làm việc tắc trách của những bậc làm quan.
Đoạn đối thoại chính là phân đoạn phát triển thêm so với cốt truyện gốc. Bằng tài
năng dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm, Lưu Quang Vũ đã cho người đọc
những chân lý sống vô cùng quý giá. Chân lý sống ấy không chỉ đúng với thời đại đó,
với những con người trong hoàn cảnh đó mà nó có ý nghĩa với tất cả mọi người, ở
mọi thời đại, trên khắp nẻo đường ngõ xóm.Chính điều này đã nâng tầm giá trị cho
tác phẩm của Lưu Quang Vũ, để đến sau này, vở kịch vẫn sẽ được dựng lại như sự lưu
danh một nhà soạn kịch tài năng và là lời nhắn nhủ đến những thế hệ sau về một quan
niệm sống tốt đẹp.

You might also like