You are on page 1of 5

Đoạn 1: “Không! Không! Tôi không muốn […] trở nên tàn bạo”. (SGK tr.

143-145)

Hồn Trương Ba: (ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy) Không! Không! Tôi không
muốn sống như thế này mãi! (nhìn chân tay thân thể) Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi
này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn
rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái
xác này, dù chỉ là một lát!
(Trên sân khấu, hồn Trương Ba tách ra khỏi xác anh hàng thịt và hiện lờ mờ trong dáng
nhân vật Trương Ba thật. Thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ
còn là thân xác)
Xác hàng thịt: (bắt đầu) Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi,
ông không tách ra khỏi được tôi đâu, dù tôi chỉ là thân xác..
Hồn Trương Ba: A, mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có
tiếng nói, mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…
Xác hàng thịt: Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn
luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi
át cả linh hồn cao khiết của ông đấy!
Hồn Trương Ba: Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có
tư tưởng không có cảm xúc!
Xác hàng thịt: Có thật thế không?
Hồn Trương Ba: Hoặc nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém mà bất cứ con thú nào cũng
thèm được: Thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…
Xác hàng thịt: Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông ở bên nhà tôi…Khi ông
đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại.. Đêm hôm đó suýt
nữa thì…
Hồn Trương Ba: Im đi, đấy là mày chứ, chân tay mày hơi thở của mày…
Xác hàng thịt: Thì tôi có ghen đâu! Ai lại ghen với chính thân thể mình nhỉ? Tôi chỉ trách
là sao đêm hôm ấy, ông lại tự dưng bỏ chạy, hoài của… Này nhưng ta nên thành thật với
nhau một chút: Chẳng nhẽ ông không xao xuyến chút gì à? Hà hà, cái món tiết canh cổ hủ,
khấu đuôi và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc được sao? Để
thoả mãn tôi, chẳng nhẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào hãy thành thật trả lời đi!
Hồn Trương Ba: Ta...ta... đã bảo mày im đi!
Xác hàng thịt: Rõ là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tôi được! Hai ta đã
hoà với nhau làm một rồi!
Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng
thắn…
Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi
mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!
Hồn Trương Ba: (bịt tai lại)Ta không muốn nghe mày nữa!
Xác hàng thịt: (lắc đầu) Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu!
Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng
con ông toé máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi!
Ha ha..
Hồn Trương Ba: Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo.

I.Mở bài
MB1: "Những ngọn lửa vô hình chưa kịp có tên
Dòng nhựa trong cây, mùa xuân trong dòng nhựa
Cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả
Những nhịp cầu
Nối hạt cát với ngôi sao"
("Mây trắng của đời tôi"- Lưu Quang Vũ)
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) đã phác hoạ thế giới bằng vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ tênh như
tâm hồn phiêu lãng toả bóng yên bình xuống cuộc đời nhiều bão tố đầy cuốn hút như thế. Lưu
Quang Vũ sáng chói như sao băng rồi vụt tắt trên bầu trời nghệ thuật để lại sự ngỡ ngàng, tiếc
thương cho sự ra đi của một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ
thuật Việt Nam hiện đại. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm xuất
sắc nhất, đánh dấu sự vượt trội trong sáng tác của Lưu Quang Vũ. “Hồn Trương Ba, da hàng
thịt” là vở kịch được Lưu Quang Vũ hiện đại hoá dựa trên một cốt truyện dân gian nhấn mạnh
vào sự phản kháng của linh hồn nhân hậu, thanh cao chống lại sự lấn át và chế ngự - của thể
xác thô lỗ, phàm tục. Vở kịch được viết vào năm 1981 và đến 1984 được công diễn. Bằng nghệ
thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn
đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt. Được sống làm
người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mà mình
vốn có và theo đuổi lại càng quí giá hơn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được
sống theo lẽ tự nhiên, hài hoà giữa thể xác và tinh thần. Tư tưởng cao đẹp đó được thể hiện qua
đoạn trích:" Không! Không! Tôi không muốn...trở thành tàn bạo."

MB2: M.Gorki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”. Từ
câu chuyện cổ tích quen thuộc:“Hồn Trương Ba da hàng thịt”, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang
Vũ đã viết nên vở kịch nói cùng tên với chủ đề hiện đại để lại tiếng vang lớn trong nền sân
khấu kịch Việt Nam…Vở kịch gồm 7 cảnh, đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết. Lưu Quang
Vũ được coi là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật hiện
đại. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới được ra
mắt công chúng và được công diễn ở nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Vở kịch thể hiện
mâu thuẫn, xung đột kịch cơ bản: cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tâm hồn cao thượng và
bản năng thấp hèn bên trong một con người. Thông điệp mang tính triết lí đó được thể hiện qua
đoạn trích:" Không! Không! Tôi không muốn...trở thành tàn bạo."
II. Thân bài:
1. Tóm tắt, sơ lược:
Trương Ba là một người làm vườn hiền lành, chăm chỉ, nhân hậu, giỏi đánh cờ. Trương
Ba chết do sự nhầm lẫn, tắc trách của Nam Tào. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích
cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác hàng thịt. Trú nhờ linh hồn trong thân xác hàng thịt,
Trương Ba gặp nhiều phiền toái và có nguy cơ tha hóa. Trương Ba quyết định trả lại thân xác
cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.
2. Phân tích:
a/ Hoàn cảnh dẫn đến cuộc đối thoại:
Do phải sống nhờ trong thể xác hàng thịt nên Trương Ba phải chiều theo một số nhu cầu
hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn hiền lành, nhân hậu lệ thuộc hoàn toàn vào thân xác và nhiễm
một số thói quen tầm thường, dung tục. Linh hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ, quyết chống lại.
Nhà viết kịch đã tạo ra màn kịch vô cùng độc đáo, sáng tạo. Lưu Quang Vũ để hồn và xác tách
ra khỏi nhau, đối thoại. Trên sân khấu xuất hiện hai nhân vật trong vai hồn và xác, cùng hiện
diện và thể hiện cá tính. Thực chất đây là một hình thức ẩn dụ cho cuộc đấu tranh trong bản
thân mỗi con người. Mở đầu đoạn trích là màn độc thoại của Hồn Trương Ba.
-Tác giả để Trương Ba ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy tuôn ra một tràng độc thoại
đầy đau khổ, khẩn thiết: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái
chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi,
ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách khỏi
thân xác này, dù chỉ một lát”.
Lời độc thoại cho thấy con người đang ở trạng thái u uất, bế tắc, không lối thoát qua những
câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện đầy khắc khoải. Hồn đau khổ, dằn vặt, quẫn
bách đến cùng cực, không thể chịu đựng dày vò hơn được nữa vì không thể nào thoát ra khỏi
cái thân xác mà hồn ghê tởm. Không còn là chính mình nữa nênTrương Ba bây giờ trở nên
vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Và trong sự khát khao tách bạch ấy, hồn đã được tách ra khỏi
thể xác vốn không phải của hồn và màn đối thoại bắt đầu. Có lẽ chỉ nhìn dáng ngồi của nhân
vật trên sân khấu kịch thì người xem cũng hiểu được những suy nghĩ đang dày vò trong nội
tâm nhân vật. Mấy tháng trú ngụ linh hồn mình trong xác hàng thịt đã khiến Trương Ba đau
khổ. Tưởng rằng ông được sống là hạnh phúc, được sống an vui, làm những việc ý nghĩa mà
ông yêu thích. Thế mà sự thật hoàn toàn ngược lại. Ông đang sống cuộc đời của một người
khác.
-Trong đoạn độc thoại nhiều lần Trương Ba phủ định cuộc sống hiện tại: “Không! Không! Tôi
không muốn sống như thế này mãi”. Trương Ba cũng như bao người khác đều mong muốn
được sống giữa cuộc đời. Nhưng cuộc sống của Trương Ba hiện tại không hề đáng sống. Cuộc
sống của ông đang bị chi phối bởi thân xác của người khác, khiến ông đang dần thay đổi.
Chính vì thế Trương Ba tỏ ra căm ghét, sợ hãi thân xác. Nhân vật bày tỏ “ta bắt đầu sợ mi, ta
chỉ muốn rời xa mi ngay tức khắc”, “nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách
ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát". Lời thoại cho thấy Trương Ba đang trong bế tắc, không lối
thoát. Hồn đau khổ , dằn vặt, không thể chịu đựng dày vò hơn được nữa, chỉ mong muốn thoát
ra khỏi thân xác. Diễn biến tiếp theo của vở kịch chính là sự phân đôi hồn và xác.
b. Màn đối thoại giữa Hồn và Xác ở phần đầu là cuộc tranh luận sề sức mạnh của thể xác
hay của linh hồn?
-Sau khi tách ra khỏi thể xác, hồn và xác bắt đầu cho cuộc đối thoại. Xác xoáy vào hiện thực
bi kịch của Hồn, chê Hồn là cao khiết nhưng vô dụng: “Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông
Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác..”.
Giọng của xác là giọng đắc thắng, đầy ngạo mạn, trịch thượng và khiêu khích.
-Thấy xác có tiếng nói, Hồn rất ngạc nhiên và buông lời lẽ cay nghiệt, mắng mỏ xác: “A, mày
cũng có tiếng nói kia à. Vô lý, mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù”.
-Xác tự hào với sức mạnh đui mù của mình, đáp trả bằng lời khẳng định không nhân nhượng:
“Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói
ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn
cao khiết của ông đấy!”
-Hồn bị châm chọc nên vô cùng tức giận, lớn tiếng phủ định tiếng nói của Xác: “Nói láo, mày
chỉ là vỏ bề ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”.
-Xác hỏi lại đầy thách thức: “Có thật thế không?”.
-Hồn chùn và đuối lí, buộc phải dần đồng tình, xác nhận sự ảnh hưởng của Xác “nếu có, thì
chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu
thịt”.
 Đằng sau lời thoại này Hồn dường như câm lặng, mặc cho xác mắng mỏ, xúc phạm. Bắt đầu
từ đây, xác bắt đầu tấn công hồn một cách đầy khiêu khích, bỡn cợt. Những lí lẽ mà xác hàng
thịt đưa ra để tranh cãi với hồn Trương Ba là xác đáng: Xác hàng thịt dù có đui mù, âm u
nhưng có khả năng lấn át, sai khiến linh hồn cao khiết. Hồn Trương Ba dù cao khiết nhưng đã
bị nhiễm những thói xấu, bị tha hoá. Việc làm của Trương Ba có tham dự của xác hàng thịt.
-Xác dẫn dắt Hồn vào sự thật không thể phủ nhận: Hồn ít nhiều đã bị vấy bẩn, tha hóa bởi dục
vọng của thân xác: “Khi ông ở bên nhà tôi... Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy,
hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại... Đêm hôm đó, suýt nữa thì...”.
Xác đã nhắc lại sinh động, tường tận dục vọng vật chất thấp hèn, càng bồi thêm nỗi dằn vặt
vì sự thật nhỡn tiền, phũ phàng. Dục vọng tầm thường ấy trước đây Trương Ba nào có.
-Hồn phải xuôi theo những lời buộc tội của Xác, bị Xác sai khiến làm cho đứng trước món ăn
dung tục “tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi” cũng khiến cho Trương Ba “lâng lâng cảm xúc”.
Trong đoạn đối thoại người đọc có thể nhận thấy những câu thoại của hồn ít, chủ yếu là
những câu thoại ngắn, vụn vặt, lời thoại ngắt quãng cho thấy sự đuối lí của hồn trong cuộc
tranh luận với thân xác. Trong khi đó lời thoại của xác dài, lí lẽ sắc bén, có cả dẫn chứng,
giọng hào hứng có chút đắc thắng, hả hê.
-Có lẽ xác đã thấy được sự đuối lí, phụ thuộc của hồn. Ở những câu thoại đầu, hồn vẫn còn tự
tin cho rằng “Ta có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Hồn dù đau khổ
nhưng vẫn cương quyết tin vào sự tồn tại của mình, tin vào bản thân mình. Lời quả quyết
"Không!" đầy khảng khái và mạnh mẽ, thể hiện ý chí và niềm tin tưởng tuyệt đối của Hồn về
nhân cách, lối sống mà chính mình luôn gìn giữ. Trước mọi đổi thay bất ngờ và dồn nén, Hồn
vẫn tin vào "đời sống riêng" mà mình xây dựng, một đời sống của người làm vườn lương
thiện, nhã nhặn, trầm tĩnh và chưa bao giờ để những thứ dung tục hoà vào cuộc sống của mình.
-Nhưng đứng trước lời khẳng định chắc nịch ấy, xác anh hàng thịt cười nhạo, mỉa mai, chế
giễu vào cái lí lẽ yếu đuối ấy của tâm hồn và khẳng định vai trò của mình: “Nực cười thật! Khi
ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong
sạch, thẳng thắn!”.
Xác hàng thịt nhìn cuộc sống mình đang có bằng góc nhìn thực tế và có phần bàng quan với
mọi nỗ lực gìn giữ nhân cách của Hồn Trương Ba. Đối với Xác, sự tồn tại của Xác đã làm thay
đổi cuộc sống của linh hồn, dù cho Hồn Trương Ba có cố gắng phủ nhận đến mức nào, thì sự
thật vẫn là sự thật: Xác đã điều khiển, dẫn dắt Hồn chiều theo những ý muốn thô thiển, dung
tục của xác.
-Đáp lại, Xác đã chỉ rõ ra rằng, từ khi trú ngụ linh hồn trong xác hàng thịt thì Hồn hoàn toàn
phụ thuộc vào thân xác. Xác khẳng định “tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn
cao khiết của ông đấy”.
-Xác khẳng định sự thật phũ phàng: “Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ
ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông toé
máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi…”.
Từng lý lẽ được đưa ra vô cùng thuyết phục bởi cách dùng từ tự nhiên mà độc đáo, gãy gọn
nơi "Cây bút vàng" của sân khấu kịch Việt Nam. Xác dần chiếm thế và mạnh mẽ khẳng định:
"Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu!" để rồi dần dập tắt mọi hy vọng đang le lói trong
Hồn Trương Ba. Xác muốn dùng lời lẽ, sự thực để đè nén, chiến thắng mọi khát vọng mà Hồn
đang nung nấu. Xác hiểu rõ sự chính trực của Hồn, hiểu được Hồn không bao giờ chấp nhận và
thừa nhận về sự có mặt và điều khiển của Xác, vì thế, Xác đã chọn cách nói vừa giễu cợt, vừa
mỉa mai để xoáy một nhát dao cứa sâu vào tâm can của Hồn. Khi nhắc đến đứa con trai, Xác
cố tình nhấn mạnh cơn giận có đầy đủ sức mạnh của Xác để "tát thằng con ông toé máu mồm
máu mũi". Xác dùng chính hành động bạo tàn ấy để kéo Hồn về với sự thật đang hiện diện
trong chính gia đình Trương Ba, để Hồn chấp nhận sự tồn tại và có mặt hiển nhiên của Xác
vào lúc này. Đến đoạn đối thoại này, người đọc nhận thấy sự thất bại thảm hại của Hồn trong
cuộc tranh luận.
-Hành động bịt tai lại, từ chối “không muốn nghe mày nữa” cho thấy sự đau khổ, bế tắc của
Trương Ba. Sự thật phơi bày khiến ông đau đớn.
Hành động và câu thoại này cho thấy Trương Ba thừa nhận những lí lẽ của xác hoàn toàn
đúng. Từ khi sống trong thân xác hàng thịt, Trương Ba không còn là Trương Ba ngày xưa nữa.
Ông đã thay đổi từ thói quen trong sinh hoạt, nếp sống thậm chí thay đổi cả những mối quan hệ
thân thương với những người thân. Thân xác hàng thịt khiến ông ăn thịt, uống rượu, giết lợn.
Thân xác hàng thịt khiến ông tát thằng con trai một cách tàn bạo, đáng xấu hổ hơn khi ông có
cảm xúc thân xác khi đứng cạnh vợ hàng thịt.
-Tuy vậy Hồn Trương Ba vẫn cố gắng phủ nhận: “Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở nên
tàn bạo”. Thái độ của Hồn một mặt nhằm phỉ báng, nguyền rủa, phủ nhận tiếng nói của xác
hàng thịt; một mặt ngầm đề cao tiếng nói của linh hồn, xem linh hồn mới có quyền năng quyết
định mọi thứ. Lời thoại ngắn, đứt gãy và được diễn tả bằng nhiều câu cảm thán. Câu trả lời của
xác một lần nữa đẩy Trương Ba vào sự tuyệt vọng, không lối thoát khi xác chỉ ra vai trò quan
trọng của xác đối với hồn.
Hai hình tượng Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ. Một bên đại
điện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con
người (Hồn) và một bên là sự tầm thường, dung tục (Xác).
2. Giải quyết câu hỏi phụ:
a/Nhận xét vẻ đẹp của Hồn Trương Ba.
Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu
tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện
của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Qua đó ta thấy:
Trương Ba được sống nhưng là sống nhờ sống gửi, sống vay mượn đáng hổ thẹn vì phải chung
đụng với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hoá. Tác giả cảnh báo: “Gần mực thì đen, gần
đèn thì sáng”. Khi con người phải sống trong dung tục thì cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ dần thắng
thế, lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người. Cuộc sống thì
đáng quý, được sống là hạnh phúc nhưng được sống là mình là điều đáng quý hơn. Muốn vậy,
phải sống hài hòa giữa thể xác và linh hồn, hài hòa giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa
nội dung và hình thức. Sống hợp với lẽ tự nhiên. Không thể có một linh hồn thanh cao trong
một thân xác phàm tục, tội lỗi. Đừng bao giờ cho rằng tâm hồn là thứ đáng quý nên chỉ biết
chăm lo cho tâm hồn mà không chú ý đến những giá trị vật chất. Hay cũng đừng quan tâm đến
thể xác mà bỏ bê đời sống tâm hồn. Hồn và Xác cả hai đều đáng quý. Vì vậy, hãy dung hòa
phần con và phần người để trở thành con người đúng nghĩa. Có lẽ nhận thức được điều này
nên cuối vở kịch, Hồn Trương Ba đã quyết tâm trả xác cho anh hàng thịt để trở về với chính
mình “vẹn nguyên, trong sạch, thẳng thắn”. Có thể khẳng định đây là đoạn kịch hay nhất trong
tác phẩm.
b/Nhận xét giá trị tư tưởng, thông điệp:
Qua đoạn hội thoại giữa hồn và xác người đọc hiểu rõ những triết lí sâu sắc của tác
phẩm. Triết lí nhân sinh hay nhân sinh quan là vấn đề quan trọng đối với mỗi con người, là
toàn bộ những kinh nghiệm, cách nhìn nhận chung nhất về cuộc sống của con người và cũng là
tư tưởng chủ đạo xuyên suốt mục tiêu, hành động của con người. Bên cạnh đó nhân sinh quan
còn là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, hành vi và chi phối các hoạt động của con người trong đời
sống. Nói vắn tắt thì nó là cách người ta nhìn cuộc đời hay là cái đạo làm người của người ta.
Trong đoạn trích Lưu Quang Vũ đã thể hiện những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc. Được sống
trên đời là điều vô cùng quý giá, nhưng sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những phẩm chất
của mình, sống như thế nào lại quý giá hơn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được
sống tự nhiên với sự hài hòa thể xác và tâm hồn. Con người phải biết đấu tranh với chính
mình, với nghịch cảnh để hoàn thiện bản thân.
3.Đánh giá nghệ thuật :
Nếu trong tích truyện dân gian, được sống là niềm hạnh phúc lớn lao, nên mặc dù mang
thân anh hàng thịt nhưng Trương Ba vẫn sống cuộc sống vui vẻ, thì trong vở kịch của Lưu
Quang Vũ, việc phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt lại là một nghịch cảnh phi
lý, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, quy phục. Đây
chính là mấu chốt của tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Chính vì vậy cuộc đối
thoại giữa hồn và xác tuy căng thẳng, quyết liệt nhưng mang đến nhiều ý nghĩa và triết lí nhân
sinh sâu sắc. Lưu Quang Vũ đã tạo ra một tình huống nghệ thuật đặc sắc, giàu tính biểu tượng,
xây dựng những nhân vật có tính cách đa diện, phức tạp và sống động qua lời thoại giàu tính
cá thể và hành động kịch logic, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hành động bên ngoài và hành
động bên trong. Ngôn ngữ kịch sáng rõ vừa có màu sắc mỉa mai, dí dỏm, vừa mang tính chất
triết lí nghiêm trang, phù hợp với tính cách nhân vật.
III. Kết bài:
Qua hơn bốn thập kỷ, tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn là ngọn hải đăng bất biến trong
lòng độc giả, ánh sáng của nó không những không phai mờ mà còn rực rỡ qua từng thế hệ.
Mượn triết lý cổ xưa về sự gắn bó giữa thể xác và linh hồn, ông đã dệt nên một vở kịch không
chỉ cuốn hút mà còn thôi miên, khắc sâu một thông điệp về cuộc chiến không ngừng nghỉ để
tâm hồn và thể xác đồng điệu. Từng dòng từng chữ như hòa mình vào nhịp đập của thời đại,
nhắc nhở chúng ta rằng, để đạt tới sự hoàn thiện, con người phải vươn lên trên sự sống đơn
thuần của thể xác, tìm kiếm sự hài hòa, cao cả trong tâm hồn.

You might also like