You are on page 1of 3

So sánh Nguyễn Khuyến và những tác giả khác

Nếu như Hồ Xuân Hương nổi tiếng bởi sự gai góc với những động từ mạnh
như “chém cha, xiên ngang, đâm toạc” những lề thói mục nát của xã hội phong kiến;
Tú Xương với sự đay nghiến, sâu cay chửi đỏng chuyện khoa bảng mà ông dành phần
lớn cuộc đời theo đuổi nhưng đều hỏng thì Nguyễn Khuyến lại có một sự thâm trầm,
kín đáo hơn cả, Nguyễn Khuyến cũng có những bài rất sâu cay, châm biếm những
điều trái ngoáy xoay quanh cuộc sống của ông nhưng có lẽ sự thâm thúy đã phủ lên sự
sâu cay ấy, phải tinh tế lắm mới có thể hiểu được cái nội hàm mà Tam Nguyên Yên
Đổ gửi gắm vào.
Nội dung châm biếm của Nguyễn Khuyến và các tác gia khác có sự
tương đồng về đối tượng được được đề cập đến như cùng viết về đề tài là bỡn cợt, chê
cười những trò mua quan bán tước, những ông quan hữu danh vô thực nhưng cách
phơi bày sự thật của Tam Nguyên Yên Đổ và Tú Xương lại có sự khác biệt:
“Mày râu vẻ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng, mua danh, thây lũ trẻ,
Bảng vàng, bia đá, vẫn nghìn thu.”
(Vịnh tiến sĩ Khuyến I- Nguyễn Khuyến)
Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh “tiến sĩ giấy” để biếm họa những kẻ
mua quan bán tước, cứ nghĩ nếu như những kẻ bất tài, cường hào hay ác bá dùng tiền
để đổi lấy một vị trí cao trong quan trường thì người chịu khổ sẽ là “dân đen con đỏ”.
Mặc dù ta thấy những câu từ trong thơ ông có vẻ như đang nói về những con rối làm
bằng giấy được tô điểm bên ngoài hào nhoáng rồi gắn nhãn mác là tiến sĩ nhưng
chẳng có chức năng gì ngoài trang trí. Vì thế khi đọc “Vịnh tiến sĩ giấy 1” ẩn đằng sau
đó lại cho người đọc thấy được sự nhiễu nhương, mục nát khi những người vốn dĩ “tài
cao, học rộng”, là biểu tượng của nền Hán học lại rỗng tuếch, vô dụng.
Những từ như “mua, bán, hời” là những từ mang nét nghĩa về hoạt động của
con người, việc mua bán những tiến sĩ giấy là một điều hết sức bình thường. Tuy
nhiên, những động từ ấy lại đi chung với “danh, tiếng” mang nét nghĩa giá trị tinh thần
của con người, vậy ra “danh tiếng” là thứ có thể mua bán một cách tùy tiện và dễ dàng
đến như vậy sao? Mặt khác “bảng vàng, bia đá” là những biểu tượng vốn dĩ để vinh
danh những người đạt thành tích cao trong thi cử nhưng những sự gian lận, mua bán
trong thi cử đã làm cho giá trị của bảng vàng, bia đá trở nên rẻ rúng, vô giá trị. Từ đó
mà Tam Nguyên Yên Đổ phải thốt lên rằng:
“Tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi”
(Vịnh tiến sĩ giấy II- Nguyễn Khuyến)
Khác với Nguyễn Khuyến, Tú Xương châm chọc vào cái chức tri huyện được
mua bằng tiền ấy một cách thẳng thắn, có tiền thì chắc chắn sẽ mua cho bằng được
chứ không để quan điểm của mình lấp lửng sau một sự vật, hiện tượng nào đó:
“Tri huyện lâu nay giá rẻ mà,
Ví vào tay tớ quyết không tha.
An Sơn tông giống người keo thực,
Bồ Thuỷ xưa nay của kiết à?”
(Bỡn ông phó bảng- Trần Tế Xương)
Bên cạnh châm biếm đề tài khoa cử, Nguyễn Khuyến còn thể hiện sự khác biệt
của mình thông qua mảng “tự”. Đối với các tác gia khác như Hồ Xuân Hương hay Tú
Xương, thì mảng “tự” của họ mang một nét gì đó khá ngang tàng, ta đã từng bắt gặp
một khí phách hiên ngang, mạnh mẽ trong “tự tình II”:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
Sau khi Xuân Hương tự mình thổ lộ những tâm sự cất giấu trong lòng thì bà đã
dùng những “động từ mạnh” để trút giận lên những xiềng xích phong kiến trói buộc
thân phận người phụ nữ trong xã hội ngày xưa. Cũng tương tự Xuân Hương, Tế
Xương đã cũng đã “tự” tuôn trào những cảm xúc của mình về thân phận của ông nói
riêng và tầng lớp nho sĩ nói chung, tình trạng bế tắc và vai trò của nhà nho không
được đề cao trong lúc thời cuộc đang trong cuộc xoay vần, vì không biết vị thế mình
đang ở đâu mà ông đã biếm mình “ngơ ngơ ngẩn ngẩn” như kẻ đần:
“Chẳng phải quan mà chẳng phải dân,
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hoá ra đần

Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển vần!”
(Tự trào I- Trần Tế Xương)
Nguyễn Khuyến tuy buồn nhưng cái buồn ấy lại được ông giấu giếm một cách
kín đáo, thâm trầm:
“Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.”
Dùng hình ảnh ván cờ không còn nước để đi, chơi thua những ván bạc
không còn tiền nên không thể chơi tiếp. Nhưng không phải là Nguyễn Khuyến cờ
bạc mà ông mượn những hình ảnh này để phô bày “cuộc hí trường” hiện tại.
“Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,
Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.”
Hình ảnh “bia xanh, bảng vàng” là biểu tượng cao quý mà bất cứ một kẻ sĩ
nào cũng ao ước, Nguyễn Khuyến đã đỗ đạt và đứng đầu trong ba kì thi Hương,
Hội, Đình. Đó có thể xem là một địa vị rất đáng để mơ ước nhưng khi thời cuộc có
sự xoay vần thì chính Nguyễn Khuyến lại là người bất lực. Ông đã tự cười chính
mình, một người vốn dĩ “chức cao vọng trọng” nhưng cũng phải ngao ngán trước
thời cuộc. Tiếng cười ấy tuy nhẹ nhàng nhưng đó lại là giọt nước mắt nuốt ngược
vào trong.
Có thể thấy cùng nói về một đề tài châm biếm hay mảng “tự” nhưng
Nguyễn Khuyến lại có lối đi khác biệt so với các nhà thơ còn lại. Thơ Nôm Hồ
Xuân Hương và Tú Xương đều là những áng thơ bộc lộ trực tiếp được những uất
ức của mình, rất thẳng thắn và bộc trực nhưng còn Nguyễn Khuyến thì “có lúc
bông đùa, có khi cay độc, có khi chỉ trích nhẹ nhàng, có khi uất ức cao độ, nhưng
không ồn ào, dữ dội mà thâm trầm sâu sắc” [1, trang 264]. Nội dung châm biếm
trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến có sự tương đồng với các tác giả đương thời
về đề tài châm biếm nhưng có lẽ cái hay và đặc sắc của ông đó chính là biết giấu
cái điều mình muốn nói đằng sau những hình ảnh ẩn dụ, ám dụ bởi lẽ trước cơn
“bình địa ba đào”, sự thâm trầm, kín đáo đã giúp nội dung trong thơ Nôm của ông
“trong thật có giả, trong giả có thật”, tưởng chừng là nói về những sự vật, hiện
tượng liên quan đến đời thường nhưng sâu xa lại là những vấn đề lớn của xã hội,
của dân tộc đang đứng trước sự sự xoay vần có thể nói là “cười mát thối đá, ngọt
lọt tận xương”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Huy Quát (2001). Để hiểu thêm Đồ Chiểu, Yên Đổ, Tú Xương.
NXB Thanh Niên.
2. Mai Hương (2000). Nguyễn Khuyến- thơ, lời bình và giai thoại. NXB Văn Hóa
–Thông Tin

You might also like