You are on page 1of 19

`

MẶT VÀ DA ĐẦU

DA ĐẦU

Da đầu trải rộng từ chỗ cao nhất của trán ở phía trước tới đường gáy trên ở phía
sau. Về phía bên nó đi tới cung gò má và ống tai ngoài. Da đầu bao gồm năm lớp:
da, mô dưới da, cơ chẩm trán và cân của nó, mô lỏng lẻo dưới cân và ngoại cốt
mạc.

Da đầu mang tóc và và các tuyến da đầu. Có nhiều tuyến bã và da đầu là n ơi


hay gặp nang tuyến bã nhất. Mô liên kết dưới da dày đặc có sự cấp máu da dồi dào
nhất trong cơ thể. Lớp thứ ba chứa cơ chẩm trán. Các bụng chẩm (ở sau) và bụng
trán (ở trước) của cơ này được nối với nhau bằng một lá sợi dai gọi là cân trên sọ
(galea aponeurotica). Bên dưới cân trên sọ là một lớp mô liên kết lỏng lẻo; dựa trên
lớp này, ba lớp trên của da đầu có thể trượt dễ dàng. Lớp sâu nhất là ngoại cốt mạc
sọ. Dễ nâng một vạt da đầu trong mặt phẳng giữa cân và ngoại cốt mạc mà không
làm tổn hại đến các mạch và thần kinh của da đầu vì tất cả các cấu trúc này nằm
trong mô liên kết dưới da (mạc nông). Các vạt da đầu được dùng trong phẫu thuật
sọ mặt, chẳng hạn như để sửa chữa dị dạng bẩm sinh, để giải phóng tật khớp sọ
dính liền sớm (craniosynostoses) và để điều trị các gãy xương sọ mặt; vạt da đầu
cũng được dùng để sửa chữa các khuyết da đầu sau cắt bỏ các khối u da. Một vạt
da đầu có cuống ở phía trước có thể vươn tới để che phủ xương trán và các xương
vùng mặt trên, trong đó có ổ mắt, hố dưới thái dương và khớp thái dương hàm. Da
đầu có thể bị bứt tách ra do chấn thương thành những vạt, chẳng hạn như khi tóc bị
kẹt vào một cỗ máy đang chạy; những vạt này cũng được dùng một cách chọn lọc
trong phẫu thuật.

Sự cấp máu động mạch cho da đầu đặc biệt phong phú, và có những tiếp nối
tự do giữa những nhánh của các mạch chẩm và thái dương nông. Các rách da đầu
tiếp tục chảy máu nhiều vì các sợi trun của cân trên sọ ngăn cản sự co rút lại của
mạch: những vết thương này gây mất máu nhiều tới mức có thể dẫn đến sốc. Khi
khâu các rách da đầu, điều thiết yếu là phải kiểm soát tất cả các điểm chảy máu
trước khi sửa chữa da đầu. Thường cần phải thắt các tiểu động mạch cỡ lớn và
dùng dao điện nhiệt lưỡng cực để kiểm soát những tiểu động mạch nhỏ hơn và các
tĩnh mạch. Không kiểm soát chảy máu thành công như một bước riêng biệt có thể
dẫn đến các tụ máu, thường ở dưới cân trên sọ, mà đôi khi cần phải phẫu thuật dẫn
lưu. Khâu vết rách da đầu thường cần đến những nút khâu căng qua đủ các lớp vì
nếu không làm thế thì vết đứt cân trên sọ sẽ toác rộng khi các bụng của cơ chẩm
trán co. Tuy nhiên, vết thương sẽ không toác nếu không làm đứt cân trên sọ.

CÁC LỚP MẠC VÀ CÁC MẶT PHẲNG MÔ Ở MẶT

Trên cơ sở phẫu tích đại thể và các nghiên cứu mô học bổ sung, đã nhận ra được
bốn lớp mô riêng biệt nằm nông hơn mặt phẳng của thần kinh mặt và các nhánh
của nó. Từ nông tới sâu, những lớp này là da, lớp xơ-mỡ dưới da, hệ thống cân cơ
nông và mạc mang tai cắn.

Các đường căng da và các vạt da ở mặt

Hướng mà ở đó sự căng da mặt là lớn nhất biến đổi theo vùng. Các đường căng da
mà đi theo các nếp nhăn da được hình thành khi da giãn được gọi là « các đường
căng da giãn ». Ở mặt người sống, những đường này thường trùng khớp với những
nếp nhăn da và là chỉ dẫn tốt cho dự định các đường rạch da. Khi cắt bỏ những
thương tổn ở mặt như sẹo, các tổn thương sắc tố hay ung thư da nhỏ, kích thước
những tổn thương này thường cho phép cắt da theo hình elip và đóng da theo một
đường thẳng. Để sẹo đóng vết thương không lộ, cần để sao cho trục dọc của hình
elip song song với đường căng da.

Khi cắt bỏ những tổn thương lớn hơn, có thể phải tiến hoặc xoay những mô mềm
liền kề để lấp tổn khuyết. Khả năng nâng những vạt da này hoàn toàn phụ thuộc
vào sự cấp máu của khu vực lấy vạt và các vạt, cả ngẫu nhiên và trục, đã được sử
dụng trong ngoại khoa. Do được cấp máu bởi đám rối dưới bì phong phú, vạt ngẫu
nhiên ở mặt có tỷ lệ dài/rộng lớn hơn ở các vùng khác của cơ thể.

Có một số vạt trục có thể được dùng để che phủ các tổn khuyết của mặt và da đầu.
Các động mặt trên ổ mắt/trên ròng rọc nuôi dưỡng cho những vạt trán mà có thể
dùng để phục hồi mũi. Thường thì da trán đủ lỏng lẻo để có thể đóng trực tiếp hầu
hết nơi cho vạt. Nhánh trán của động mạch thái dương nông tiếp nối ở đường giữa
với nhánh bên đối diện và do đó có thể nâng toàn bộ da trán trên một cuống hẹp có
chứa nhánh trán động mạch thái dương nông. Những vạt này có thể được sử dụng
để đóng kín nhiều tổn khuyết ở mặt hoặc ở trong khoang miệng nhưng khuyết nơi
cho vạt khó có thể đóng trực tiếp mà phải ghép bằng da rời. Nhánh đỉnh động
mạch thái dương nông và động mạch chẩm có thể nuôi dưỡng tốt cho những vạt da
mang tóc dùng để che phủ các tổn khuyết da đầu. Vạt mũi môi (mũi má) sử dụng
vạt da chùng ở bên ngoài rãnh rãnh mũi môi (rãnh mũi má). Nó không được cấp
máu bởi một mạch trục có tên mà là nhiều tiểu động mạch từ động mạch mặt nằm
bên dưới; những tiểu động mạch này chạy thẳng góc với bề mặt da, tạo nên một
đám rối dưới bì phong phú. Cuống của vạt mũi môi có thể đăt ở trên hoặc ở dưới.

Mô xơ-mỡ dưới da

Lớp thuần nhất này hiện diện trên khắp mặt mặc dù mức độ mỡ biến đổi theo ở các
vùng mặt. Về phía trước, lớp này đi ngang qua nếp mũi môi vào môi, và về phía
trên nó bắt chéo cung gò má. Ở cả cả hai vị trí này thành phần sợi trội h ơn thành
phần mỡ. Thành phần mỡ của mô dưới da ở má khiến cho gò má béo phính: phần
mô mỡ dưới da là đệm mỡ gò má, một tập hợp mô mỡ ít nhiều riêng biệt nằm ở
phía dưới ngoài bờ ổ mắt.

Hệ thống cân cơ nông (superficial musculo-aponeurotic system – SMAS)

Hệ thống này được mô tả như một mặt phẳng mô riêng biệt ở mặt. Ở một số vùng,
nó được tạo nên bởi những sợi cơ, và ở nơi khác nó được tạo nên từ mô xơ hay xơ
cân; nó không gắn trực tiếp với xương. Ở dưới mức bờ dưới xương hàm dưới, nó
liên tiếp với lớp cơ bám da cổ ở cổ. Vi phẫu tích cho thấy rằng SMAS trở nên
không rõ ràng ở mặt bên của mặt ở khoảng 1 cm dưới mức cung gò má. Về phía
trước trong, SMAS trở nên liên tục với một số cơ biểu hiện nét mặt (mimetic) như
cơ gò má lớn, bụng trán cơ chẩm trán và các sợi quanh ổ mắt của cơ vòng mắt.

Ở hầu hết các vùng mặt, có thể xác định được một mặt phẳng dưới SMAS. Nó liên
tục với mặt phẳng ở giữa cơ bám da cổ và lá nông của mạc cổ sâu (lớp bọc) ở cổ.
Tuy nhiên, khi nó nằm trên tuyến mang tai, SMAS hoà chặt với lá nông của mạc
mang tai; điều này có nghĩa là khó xác định được một mặt phẳng dưới SMAS ở
vùng tuyến mang tai.

Mạc mang tai-cắn

Đây là một lớp xốp mịn phủ lên những nhánh nhỏ của thần kinh mặt và ống tuyến
mang tai khi những cấu trúc này nằm trên bề mặt cơ cắn. Ra trước hơn nữa, mạc
mang tai-cắn phủ lên thể mỡ má (nằm nông hơn cơ mút). Sau khi đã đi qua thể mỡ
má, mạc hoà lẫn với màng trên cơ trên bề mặt cơ mút. Dưới bờ dưới xương hàm
dưới, nó liên tục với lớp bọc (lá nông) của mạc cổ sâu.

Mạc mang tai

Tuyến mang tai được bao quanh bởi một bao sợi gọi là mạc hoặc bao tuyến mang
tai. Theo truyền thống, bao này được mô tả như là một sự liên tục lên trên của lớp
bọc của mạc cổ sâu ở cổ; lớp này tách ra để vây quanh tuyến trong một lá nông và
một lá sâu. Lá nông bám ở trên vào mỏm gò má xương thái dương, phần sụn của
ống tai ngoài và mỏm chũm. Lá sâu gắn vào xương hàm dưới, và vào mảnh xương
nhĩ, mỏm trâm và mỏm chũm của xương thái dương. Quan điểm hiện thời cho rằng
lá sâu của bao tuyến mang tai bắt nguồn từ mạc cổ sâu. Tuy nhiên, lá nông của bao
tuyến mang tai tỏ ra liên tục với mạc kết hợp với cơ bám da cổ và hiện nay nó
được xem như một phần hợp thành của SMAS. Nó biến đổi về độ dày, từ một lớp
sợi dày ở trước tới một màng mỏng trong mờ ở phía sau. Có thể lần theo nó ra
trước để thấy nó như một lớp tách biệt chạy trên mạc cắn (bản thân mạc cắn bắt
nguồn từ mạc cổ sâu), ngăn cách với mạc cắn bằng một lớp mô tế bào chứa các
nhánh của thần kinh mặt và ống tuyến mang tai. Về mô học, mạc mang tai không
điển hình ở chỗ nó chứa những sợi cơ song song với cơ bám da cổ, đặc biệt là ở
phần dưới của bao tuyến. Mặc dù có thể nhìn thấy một vách sợi mỏng ở lớp mô
dưới da ở mức mô học, về đại thể ít có bằng chứng về một lớp mạc nông rõ rệt.

Mạc sâu phủ những cơ mà tạo nên giường tuyến mang tai (cơ hai bụng và
nhóm các cơ trâm) chứa các dây chằng trâm-hàm dưới và hàm dưới-trâm- móng.
Dây chằng trâm hàm dưới đi từ mỏm trâm tới góc xương hàm dưới. Dây chằng
hàm dưới-trâm-móng rộng hơn (dải góc) chạy giữa góc xương hàm dưới và và dây
chằng trâm hàm dưới ở những khoảng cách biến đổi, thường là đạt tới xương
móng. Nó dày ở phía sau nhưng mỏng ở phía trước ở vùng góc hàm dưới. Có sự
tranh cãi về việc dây chằng hàm dưới-trâm-móng có là một phần của mạc cổ sâu,
hay nằm sâu dưới mạc cổ sâu. Các dây chằng trâm-hàm dưới và hàm dưới-trâm-
móng ngăn cách vùng tuyến mang tai với phần nông của tuyến dưới hàm, và như
vậy là những mốc cho phẫu thuật.

Mạc thái dương đỉnh và mạc thái dương

Ở trên mức cung gò má, tại mặt bên của đầu, mạc thái dương đỉnh (mạc thái dương
nông) tạo nên một lớp mạc nằm cùng mặt phẳng với SMAS nhưng không liên tiếp
với SMAS. Nó nằm ở nông hơn và tách biệt hẳn với mạc thái dương (mạc thái
dương sâu). Về phía trên, nó hoà lẫn với cân trên sọ. Mặt phẳng giữa mạc thái
dương đỉnh và mạc thái dương sâu bên dưới chứa mô liên kết lỏng lẻo và một
lượng mỡ nhỏ. Mặt phẳng mô này, đệm mỡ thái dương đỉnh, liên tiếp ở trên với
lớp mô liên kết lỏng lẻo dưới cân trên sọ của da đầu. Các mạch thái dương nông,
thần kinh tai thái dương và nhánh thái dương của thần kinh mặt chạy về phía trên ở
trong hoặc ngay sát dưới mạc thái dương đỉnh. Mạc thái dương (mạc thái dương
sâu) là một lớp cân dày đặc nằm sâu dưới đệm mỡ thái dương đỉnh và che phủ cơ
thái dương; mặt sâu của mạc là chỗ bám cho các sợi nông của cơ thái dương. Về
phía trên, nó là một lá đơn bám dọc chiều dài của đường gáy trên, nơi mà nó hoà
lẫn với ngoại cốt mạc. Ở dưới, ở xấp xỉ mức bờ trên ổ mắt, nó tách ra thành các lá
nông và sâu. Các lá này chạy xuống để bám lần lượt vào các bờ ngoài và trong của
mặt trên cung gò má. Mỡ nằm giữa hai lá này được gọi là đệm mỡ thái dương nông
và chứa nhánh gò má ổ mắt của động mạch thái dương nông và một thần kinh bì,
nhánh gò má thái dương của thần kinh hàm trên. Mạc thái dương bị gối lên bởi các
cơ tai trước và trên, cân trên sọ và một phần của cơ vòng mắt; các mạch thái dương
nông và thần kinh tai thái dương đi lên ở trên nó.

Mạc má hầu

Cơ mút được che phủ bởi một lá mạc mỏng, mạc má hầu; mạc này cũng che phủ
cơ khít hầu trên.

SỰ CẤP MÁU VÀ DẪN LƯU BẠCH HUYẾT

Sự cấp máu động mạch cho mặt

Sự cấp máu động mạch chính cho mặt đến từ các động mạch mặt và thái dương
nông. Mặt cũng được cấp máu bởi các nhánh của các động mạch hàm trên và mắt.
Phần sau của da đầu được cấp máu bởi các động mạch tai sau và chẩm. Có nhiều
tiếp nối giữa các nhánh này.

Động mạch mặt (facial artery)

Động mạch mặt tách ra từ động mạch cảnh ngoài ở cổ. Nó đi vào mặt tại đầu dưới
bờ trước cơ cắn (nơi có thể sờ thấy mạch đập khi nó bắt chéo xương hàm dưới).
Trên đường đi vào mặt lúc đầu nó nằm dưới cơ bám da cổ và, ở gần góc miệng, nó
được che phủ bởi cơ gò má lớn và cơ cười. Tiếp đó, nó chạy theo một con đường
ngoằn ngoèo (được cho là để nó có thể giãn dài ra trong lúc mở miệng) dọc bờ bên
của mũi về phía góc mắt trong. Ở đoạn này động mạch đi nông hơn cơ mút và cơ
nâng góc miệng; nó có thể đi trên hoặc chui qua cơ nâng môi trên. Tại chỗ tận
cùng, nó vùi trong cơ nâng môi trên cánh mũi. Đôi khi động mạch trở nên rất nhỏ
khi đi quá góc miệng. Ở những trường hợp như vậy vùng cấp máu bình thường của
nó ở quá mức này được đảm nhiệm bởi một động mạch ngang mặt (nhánh của
động mạch thái dương nông) to hơn bình thường và bởi các nhánh của động mạch
mặt bên đối diện. Tĩnh mạch mặt nằm ở sau động mạch, chạy theo một con đ ường
thẳng hơn khi đi qua mặt. Ở bờ trước cơ cắn, hai mạch đi sát nhau nhưng ở cổ tĩnh
mạch đi nông hơn. Động mạch mặt cung cấp các nhánh cho các cơ và da mặt liền
kề. Các nhánh có tên của nó ở mặt là động mạch trước cắn, động mạch môi trên,
động mạch môi dưới và động mạch mũi ngoài. Phần động mạch mặt ở sau nhánh
mũi ngoài (nhánh cuối cùng) là động mạch góc.

Động mạch trước cắn (premasseteric artery). Đây là một động mạch nhỏ không
hằng định đi lên dọc bờ trước cơ cắn và cấp máu cho mô liền kề.

Động mạch môi dưới (inferior labial artery). Động mạch môi dưới tách ra ở gần
góc miệng, chạy lên trên và ra trước ở dưới cơ hạ góc miệng, xuyên qua cơ vòng
miệng rồi chạy uốn khúc ở gần bờ môi dưới, giữa cơ và niêm mạc. Nó cấp máu
cho các tuyến môi dưới, niêm mạc và các cơ, và tiếp nối với động mạch bên đối
diện và với nhánh cằm của động mạch huyệt răng dưới.

Động mạch môi trên (superior labial artery). Lớn hơn và cong queo hơn động
mạch môi dưới, động mạch môi trên có một đường đường đi tương tự dọc theo bờ
môi trê, giữa niêm mạc và cơ vòng miệng. Nó tiếp nối với động mạch môi trên bên
đối diện và cấp máu cho môi trên. Nó tách ra môt nhánh vách mũi (phân nhánh vào
phần trước dưới của vách mũi) và một nhánh cánh mũi.

Động mạch mũi ngoài (lateral nasal artery). Động mạch này tách ra ở bờ bên của
mũi. Nó cấp máu cho sống mũi và cánh mũi, và tiếp nối với động mạch mũi ngoài
bên đối diện. Nó có thể được thay thế bằng một nhánh từ động mạch môi trên.

Động mạch thái dương nông (superficial temporal artery)


Đây là nhánh tận nhỏ hơn của động mạch cảnh ngoài. Nó tách ra ở trong tuyến
mang tai ở sau cổ xương hàm dưới, nơi nó bị bắt chéo bởi các nhánh thái dương và
gò má của thần kinh mặt. Lúc đầu nằm sâu trong tuyến mang tai, nó ở trên nằm
nông khi nó chạy trên rễ sau của mỏm gò má xương thái dương, nơi có thể sờ thấy
mạch đập của nó. Sau đó nó chạy lên vào da đầu khoảng 4 cm và chia thành các
nhánh trán (trước) và đỉnh (sau). Chạy kèm theo động mạch là các tĩnh mạch thái
dương nông và thần kinh tai thái dương nằm ngay sau nó. Động mạch thái dương
nông cấp máu cho da và cơ ở hai bên mặt và ở da đầu, tuyến mang tai và khớp thái
dương hàm dưới. Các nhánh có tên của nó là các động mạch ngang mặt, gò má ổ
mắt, loa tai, thái dương giữa, trán và đỉnh.

Động mạch ngang mặt (transverse facial artery). Động mạch ngang mặt tách ra
trước khi trước khi động mạch thái dương nông đi ra khỏi tuyến mang tai. Nó đi ra
trước, đầu tiên ở trong tuyến, sau đó bắt chéo cơ cắn ở giữa cung gò má và ống
tuyến mang tai (được đi kèm bởi một hay hai nhánh thần kinh mặt) và chia thành
nhiều nhánh cấp máu cho tuyến và ống tuyến mang tai, cơ cắn và da liền kề. Các
nhánh tiếp nối với với các động mạch mặt, cắn, má, lệ và dưới ổ mắt; các nhánh
của động mạch ngang mặt có thể tách trực tiếp từ động mạch cảnh ngoài.

Động mạch loa tai (auricular artery). Các nhánh của động mạch loa tai đi tới dái
tai, mặt ngoài loa tai và ống tai ngoài.

Động mạch gò má ổ mắt (zygomatico-orbital artery). Động mạch gò má ổ mắt có


thể tách ra từ động mạch thái dương nông hoặc từ nhánh thái dương giữa và nhánh
trán của động mạch thái dương nông. Nó chạy ra trước sát với bờ trên của cung gò
má, giữa hai lá của mạc thái dương, tới góc mắt ngoài. Nó cấp máu cho cơ vòng
mắt và tiếp nối với các nhánh lệ và mí của động mặt mắt. Một động mạch gò má ổ
mắt phát triển đi kèm với sự tận cùng muôn của động mạch thái dương nông thành
các nhánh trán và đỉnh.

Động mạch thái dương giữa (middle temporal artery). Động mạch thái dương
giữa tách ra ở ngay trên cung gò má và xuyên mạc thái dương để cấp máu cho cơ
thái dương. Nó tiếp nối với các nhánh thái dương sâu của động mạch hàm trên.

Nhánh trán (trước) (frontal branch). Nhánh trán chạy lên về phía ụ trán và cấp
máu cho các cơ liền kề, da và cốt mạc ngoại sọ ở vùng này. Nó tiếp nối với nhánh
trán bên đối diện và với các nhánh trên ổ mắt và trên ròng rọc của động mạch mắt.
Nhánh đỉnh (sau) (parietal branch). Nhánh đỉnh lớn hơn nhánh trán. Nó chạy lên
trên và ra sau theo một đường cong trên mặt nông của mach thái dương; nó tiếp nối
với nhánh đỉnh bên đối diện và với các động mạch tai sau và chẩm.

Các nhánh mặt của động mạch hàm trên

Động mạch hàm trên là nhánh lớn hơn trong hai nhánh tận của động mạch cảnh
ngoài. Nó có ba nhánh cấp máu cho mặt là các động mặt cằm, má và dưới ổ mắt.

Động mạch cằm (mental artery). Động mạch cằm tách ra từ động mạch huyệt răng
dưới, một động mạch tách ra từ đoạn hàm dưới của động mạch hàm trên. Nó rời
khỏi ống hàm dưới tại lỗ cằm và cấp máu cho cơ và da ở vùng cằm. Động mạch
cằm tiếp nối với các động mạch môi dưới và dưới cằm.

Động mạch má (buccal artery). Động mạch má tách ra từ đoạn chân bướm của
động mạch hàm trên. Từ hố dưới thái dương nó đi vào mặt và đi ngang qua cơ mút
để cấp máu cho má. Động mạch má tiếp nối với động mạch dưới ổ mắt và với các
nhánh của động mạch mặt.

Động mạch dưới ổ mắt (infraorbital artery). Động mạch dưới ổ mắt tách ra từ
đoạn chân bướm khẩu cái của động mạch hàm trên. Nó chạy qua lỗ dưới ổ mắt để
đi vào mặt, cấp máu cho mí dưới, mặt ngoài của mũi và môi trên. Động mạch dưới
ổ mắt có những tiếp nối rộng với động mạch ngang mặt, động mạch má và các
nhánh của các động mạch mắt và mặt.

Các nhánh mặt của động mạch mắt

Động mạch mắt là một nhánh của động mạch cảnh trong. Nó cấp máu cho mặt
bằng các nhánh trên ròng rọc, trên ổ mắt, lệ, mí trong, lưng mũi và mũi ngoài.

Động mạch trên ròng rọc (supratrochlear artery). Động mạch trên rọc rọc rời khỏi
ổ mắt để đi vào mặt tại khuyết trán. Nó cấp máu cho phần trong của mí trên, trán
và da đầu. Động mạch trên ròng rọc tiếp nối với động mạch trên ổ mắt và động
mạch trên ròng rọc bên đối diện.

Động mạch trên ổ mắt (supraorbital artery). Động mạch trên ổ mắt rời khỏi ổ mắt
qua khuyết (hoặc lỗ) trên ổ mắt. Nó chia thành các nhánh nông và sâu, cấp máu
cho da và cơ của mí trên, trán và da đầu. Nó tiếp nối với động mạc trên ròng rọc,
nhánh trán của động mạch thái dương nông và động mạch trên ổ mắt bên đối diện.
Tại bờ trên ổ mắt nó thường cho một nhánh tới lõi xốp của xương trán và có thể
cũng cấp máu cho niêm mạc-màng xương của xoang trán.

Động mạch lệ (lacrimal artery). Động mạch lệ đi vào mặt tại góc trên ngoài của ổ
mắt và cấp máu cho phần ngoài của các mí mắt. Ở trong ổ mắt, nó tách ra động
mạch gò má, rồi động mạch này chia thành các động mạch gò má thái dương và gò
má mặt. Động mạch gò má mặt đi qua thành ngoài của ổ mắt để đi vào mặt tại lỗ
gò má mặt và cấp máu cho vùng phủ trên gò má. Động mạch gò má thái d ương
cũng đi qua thành ngoài ổ mắt qua lỗ gò má thái dương để cấp máu cho phần
không mang tóc của thái dương. Động mạch lệ tiếp nối với nhánh thái dương sâu
của động mạch hàm trên và nhánh ngang mặt của động mạch thái dương nông.

Các động mạch mí trong (medial palpebral arteries). Các động mạch mí trong
trên và dưới tách ra từ động mạch mắt ở dưới ròng rọc. Chúng đi xuống ở sau túi lệ
để đi vào các mí; trong mí mắt, mỗi động mạch chia thành hai nhánh chạy ra ngoài
dọc theo bờ sụn mí để tạo nên các cung trên và dưới. Chúng tiếp nối với các nhánh
của các nhánh của các động mạch trên ổ mắt, gò má ổ mắt và lệ. Động mạch mí
dưới cũng tiếp nối với động mạch mặt.

Động mạch mũi ngoài (external nasal artery). Động mạch mũi ngoài là một nhánh
tận của động mạch sàng trước (một nhánh của động mạch mắt). Nó cấp máu cho da
của mũi ngoài và hiện ra tại chỗ nối giữa xương mũi và sụn mũi bên (ngoài).

Động mạch chẩm (occipital artery)

Động mạch chẩm chạy trong một rãnh trên xương thái dương, bên trong mỏm
chũm. Nó tách ra ở cổ từ động mạch cảnh ngoài và đi vào phần sau da đầu bằng
cách xuyên qua lớp bọc của mạc cổ sâu nối các chỗ bám vào sọ của các cơ thang
và ức đòn chũm. Động mạch được đi kèm bởi thần kinh chẩm lớn. Các nhánh của
động mạch chẩm chạy ngoăc ngoèo giữa da và bụng chẩm của cơ chẩm trán, tiếp
nối với động mạch chẩm bên đối diện, các động mạch tai sau và thái dương nông
cũng như nhánh ngang cổ của động mạch dưới đòn. Chúng cấp máu cho bụng
chẩm cơ chẩm trán, da đầu và kết mạc ngoại sọ xa ra trước đến tận đỉnh sọ. Có thể
có một nhánh màng não đi vào sọ qua lỗ đỉnh.

Động mạch (loa) tai sau (posterior auricular artery)


Động mạch tai sau tách ra ở cổ từ động mạch cảnh ngoài và đi lên giữa loa tai và
mỏm chũm. Nó tách ra một nhánh loa tai cấp máu cho mặt trong loa tai và một
nhánh chẩm cấp máu cho bụng chẩm cơ chẩm trán và da đầu ở sau và trên loa tai.
Động mạch tai sau tiếp nối với động mạch chẩm.

CÁC TĨNH MẠCH CỦA MẶT

Các tĩnh mạch của mặt có sự biến đổi đáng kể và do đó những mô tả sau đây về
chúng chỉ có mức hằng định tương đối.

Tĩnh mạch trên ròng rọc (supratrochlear vein)

Tĩnh mạch trên ròng rọc bắt đầu ở trán từ một mạng lưới tĩnh mạch mà tiếp nối với
các chi nhánh trán của tĩnh mạch thái dương nông. Các tĩnh mạch từ mạng lưới này
tạo nên một thân duy nhất; thân này đi xuống ở gần đường giữa song song với thân
bên đối diện tới cầu mũi. Mỗi tĩnh mạch được gia nhập bởi một cung mũi chạy
ngang qua mũi. Sau đó các tĩnh mạch chạy tách xa nhau, mỗi tĩnh mạch hợp với
một tĩnh mạch trên ổ mắt để tạo nên tĩnh mạch mặt ở gần góc mắt trong.

Tĩnh mạch trên ổ mắt (supraorbital vein)

Tĩnh mạch trên ổ mắt bắt đầu ở gần mỏm gò má của xương trán, nơi nó tiếp nối
với những nhánh của các tĩnh mạch thái dương nông và giữa. Nó chạy vào trong ở
trên lỗ ổ mắt, xuyên qua cơ vòng mắt và kết hợp với tĩnh mach trên ròng rọc ở gần
góc mắt trong để tạo nên tĩnh mạch mặt. Một nhánh chạy qua khuyết trên ổ mắt để
tiếp nối với tĩnh mạch mắt trên. Ở trong khuyết, nó tiếp nhận các tĩnh mạch từ
xoang trán và lõi xốp xương trán.

Tĩnh mạch mặt (facial vein)

Tĩnh mạch mặt là tĩnh mạch chính của mặt. Sau khi tiếp nhận các tĩnh mạch trên ổ
mắt và trên ròng rọc, nó đi chếch xuống dưới dọc bờ bên của mũi, chạy dưới cơ gò
má lớn, cơ cười và cơ bám da cổ, đi xuống tới bờ trước và sau đó chạy trên bề mặt
cơ cắn. Nó bắt chéo thân xương hàm dưới rồi tiếp tục đi xuống ở cổ để đổ vào tĩnh
mạch cảnh trong. Đoạn tĩnh mạch mặt từ chỗ đổ vào của tĩnh mạch môi trên trở
lên còn được gọi là tĩnh mạch góc. Tĩnh mạch mặt chạy ở sau động mạch mặt
nhưng bắt chéo động mạch tại bờ dưới xương hàm dưới. Việc tĩnh mạch không có
van và việc nó tiếp nối với xoang hang có ý nghĩa quan trọng về lâm sàng vì nhiễm
trùng từ mặt có thể lan vào xoang hang.

Các nhánh. Ở gần nguyên uỷ, tĩnh mạch mặt tiếp nối với tĩnh mạch mắt trên, cả
trực tiếp và qua đường tĩnh mạch trên ổ mắt, và như vậy nó thông với xoang hang.
Tĩnh mạch mặt tiếp nhận các nhánh từ mặt bên của mũi và, ở dưới mức này, một
tĩnh mạch mặt sâu quan trọng từ đám rối tĩnh mạch chân bướm. Nó cũng tiếp nhận
các tĩnh mạch mí dưới, môi trên, môi dưới, cơ mút, mang tai và cắn cùng các
nhánh khác đổ vào nó ở dưới xương hàm dưới.

Huyết khối xoang hang. Nhiễm trùng ở má, môi trên, lỗ mũi trước hoặc thậm chí
một răng cửa hoặc răng nanh hàm trên có thể dẫn tới huyết khối xoang hang.

Tĩnh mạch thái dương nông (superficial temporal vein)

Tĩnh mạch thái dương nông bắt đầu từ một mạng lưới rộng khắp tiếp nối với tĩnh
mạch bên đối diện và với các tĩnh mạch trên ròng rọc, trên ổ mắt, tai sau, và chẩm
ở cùng bên, tức từ mạng lưới chung của các tĩnh mạch da đầu. Các chi nhánh trước
và sau kết hợp lại ở trên cung gò má để tạo nên tĩnh mạch thái dương nông. Đi kèm
theo động mạch (ở sau động mạch ở khoảng 70% các trường hợp), tĩnh mạch bắt
chéo rễ sau của mỏm gò má và đi vào tuyến mang tai. Tại đây, tĩnh mạch thái
dương nông hợp với tĩnh mạch hàm trên để tạo nên tĩnh mạch sau hàm dưới.

Các nhánh. Các nhánh đổ về tĩnh mạch thái dương nông là các tĩnh mạch mang tai,
các nhánh dẫn lưu cho khớp thái dương hàm dưới, các tĩnh mạch loa tai trước và
tĩnh mạch ngang mặt. Tĩnh mạch thái dương giữa tiếp nhận tĩnh mạch ổ mắt (được
hình thành bởi các tĩnh mạch mí ngoài) và chạy ra sau ở giữa các lá của mạc thái
dương rồi xuyên qua mạc thái dương để đổ vào tĩnh mạch thái dương nông ở ngay
trên cung gò má.

Các tĩnh mạch má, cằm và dưới ổ mắt

Các tĩnh mạch má, cằm và dưới ổ mắt dẫn lưu cho các vùng má và cằm và đổ vào
đám rối tĩnh mạch chân bướm.

Các tĩnh mạch loa tai sau và chẩm

Tĩnh mạch tai sau xuất phát từ mang lưới đỉnh chẩm, mạng lưới mà cũng dẫn về
các nhánh hợp thành của các tĩnh mạch chẩm và thái dương. Nó đi xuống ở sau loa
tai để hợp với phần sau của tĩnh mạch sau hàm dưới ở trong hoặc ở ngay dưới
tuyến mang tai để tạo nên tĩnh mạch cảnh ngoài. Nó tiếp nhận tĩnh mạch trâm
chũm và các nhánh từ mặt trong của loa tai, dẫn lưu cho vùng da đầu ở sau tai và
đổ về tĩnh mạch cảnh ngoài. Tĩnh mạch chẩm bắt đầu từ mạng lưỡi tính mạch sau
của da đầu, xuyên qua chỗ bám vào sọ của cơ thang, hướng vào tam giác dưới
chẩm và đổ vào các tĩnh mạch cổ sâu và đốt sống. Nó có thể tiếp nhận một tĩnh
mạch dẫn lưu cho lõi xốp của xương chẩm và sau đó chạy tới hoặc là tĩnh mạch
cảnh trong, hoặc tĩnh mạch tai sau, hoặc tĩnh mạch cổ sâu hoặc tĩnh mạch đốt. Các
tĩnh mạch lien lạc nối tĩnh mạch chẩm với các xoang tĩnh mạch trong sọ qua đường
các lỗ chũm và đỉnh và qua ống lồi cầu sau và ụ chẩm.

SỰ DẪN LƯU BẠCH HUYẾT CỦA MẶT VÀ DA ĐẦU

Các mạch bạch huyết của vùng trán trên rễ mũi dẫn về các hạch dưới hàm. Các
mạch từ phần còn lại của trán, vùng thái dương, nửa trên của mặt ngoài loa tai và
thành trước của ống tai ngoài dẫn về các hạch mang tai nông, ở ngay trước bình tai,
ở trên hoặc sâu dưới mạc mang tai. Những hạch này cũng tiếp nhận những mạch từ
phần bên của các mí và từ da vùng gò má. Các mạch từ hạch đi chạy tới các hạch
cổ sâu trên. Một dải da đầu ở trên loa tai, nửa trên nửa trên của mặt trong và bờ của
loa tai, và thành sau của ống tai ngoài tất cả dẫn về các hạch cổ sâu trên và sau loa
tai. Các hạch sau loa tai, nằm nông hơn chỗ bám vào mỏm chũm của cơ ức đòn
chũm và sâu hơn cơ tai sau, dẫn về các hạch cổ sâu trên. Dái tai, sàn ống tai ngoài
và và da phủ trên góc hàm và vùng mang tai dưới dẫn lưu về các hạch cổ nông
hoặc cổ sâu trên. Các hạch cổ nông chạy dọc theo tĩnh mạch cảnh ngoài trên mặt
nông cơ ức đòn chũm. Một số mạch từ chuỗi này (mạch đi) chạy vòng quanh bờ
trước cơ ức đòn chũm tới các hạch cổ sâu trên; các mạch khác đi theo tĩnh mạch
cảnh ngoài tới các hạch cổ sâu dưới ở tam giác dưới đòn.

Vùng chẩm của da đầu được dẫn một phần về các hạch chẩm, và một phần
bởi một mạch chạy dọc theo bờ sau cơ ức đòn chũm tới các hạch cổ sâu dưới. Các
hạch chẩm thường nằm nông hơn chỗ bám trên của cơ thang nhưng đôi khi nằm ở
góc trên của tam giác cổ sau.

Thường có ba hạch dưới hàm, nằm ở trong (sâu hơn) mạc cổ sâu trong tam
giác dưới hàm. Có một hạch ở cực trước của tuyến dưới hàm, và hai hạch nằm kề
hai bên động mạch mặt khi động mạch chạy tới xương hàm dưới. Các hạch khác
thường nằm vùi trong tuyến hoặc sâu hơn tuyến. Các hạch dưới hàm dẫn lưu cho
một vùng rộng, bao gồm các mạch từ các nhóm hạch dưới cằm, má và lưỡi; các
mạch từ hạch dưới hàm đi chạy tới các hạch cổ sâu trên và dưới. Mũi ngoài, má,
môi trên và phần bên của môi dưới dẫn lưu thẳng tới các hạch dưới hàm; các mạch
đến (afferent) có thể có một vài hạch má dọc đường đi của chúng và ở gần tĩnh
mạch mặt. Niêm mạc môi và má dẫn về các hạch dưới hàm và phần bên của má
dẫn về các hạch mang tai.

Phần trung tâm của môi dưới, sàn miệng và đỉnh lưỡi dẫn tới các hạch dưới
cằm (nằm trên cơ hàm móng, giữa các bụng trước cơ hai bụng). Chúng tiếp nhận
các mạch đến từ cả hai bên, một số bắt chéo ngang qua cằm, và các mạch đi của
chúng chạy tới các hạch dưới hàm và cảnh-vai móng.

SỰ CHI PHỐI THẦN KINH CỦA MẶT VÀ DA ĐẦU

Nhiều cơ biểu hiện nét mặt được chi phối bởi thần kinh mặt, trong khi đó hai cơ
nhai liên quan đến mặt được chi phối bở thần kinh hàm dưới. Sự chi phối cảm giác
chủ yếu đến từ ba nhánh của thần kinh sinh ba, cùng với những phần đóng góp nhỏ
từ các thần kinh sống cổ.

THẦN KINH SINH BA (trigeminal nerve)

Ba nhánh của thần kinh sinh ba chi phối cho ba vùng rộng ở mặt và da đầu. Ba
vùng này không nằm ngang mà là những dải cong lên trên.

Thần kinh mắt (ophthalmic nerve)

Các nhánh bì của thần kinh mắt chi phối cho kết mạc, da phủ trán, mí trên và phần
lớn mặt ngoài của mũi.

Thần kinh trên ròng rọc (supratrochlear nerve)

Thần kinh trên ròng rọc là nhánh tận nhỏ hơn của thần kinh trán. Nó chạy về phía
trước trong ở trần ổ mắt, đi trên ròng rọc, và tách ra một nhánh nhỏ đi xuống tới
nhánh dưới ròng rọc của thần kinh mũi mi. Thần kinh đi vào mặt ở khuyết trán,
giữa ròng rọc và lỗ trên ổ mắt, chạy cong lên trán sát với xương cùng với động
mạch trên ổ mắt và chi phối cho kết mạc và da của mí trên. Sau đó nó đi lên bên
dưới cơ cau mày và bụng trán cơ chẩm trán trước khi chia thành những nhánh
xuyên qua những cơ này để chi phối cho da phần dưới trán gần đường giữa.
Thần kinh trên ổ mắt (supraorbital nerve)

Thần kinh trên ổ mắt là nhánh tận lớn hơn của thần kinh trán. Nó đi qua khuyết
hoặc lỗ trên ổ mắt và tách ra các nhánh tới mí và kết mạc mí trên. Nó chạy lên trán
cùng với động mạch trên ổ mắt và chia thành các nhánh giữa và bên; các nhánh
này chi phối cho da đầu xa về phía sau đến tận gần đường khớp lambda. Những
nhánh này lúc đầu nằm sâu dưới bụng trán cơ chẩm trán. Nhánh giữa xuyên qua cơ
để tới da, trong khi đó nhánh bên xuyên qua cân trên sọ.

Thần kinh lệ (lacrimal nerve)

Thần kinh lệ là nhánh nhỏ nhất trong các nhánh chính của thần kinh mắt và xuyên
qua vách ổ mắt để tận cùng ở vùng ngoài của mí trên, vùng mà nó chi phối. Nó nối
với các nhánh nhỏ của thần kinh mặt. Đôi khi nó vắng mặt và trong trường hợp đó
nó được thay thế bằng thần kinh gò má thái dương; khi thần kinh gò má thái dương
vắng mặt, nó được thay thế bằng một nhánh của thần kinh lệ.

Thần kinh dưới ròng rọc (infratrochlear nerve)

Thần kinh dưới ròng rọc tách ra từ thần kinh mũi mi. Nó rời khỏi ổ mắt ở dưới
ròng rọc và chi phối cho da của các mí mắt, kết mạc, túi lệ, cục lệ và phần mặt bên
của mũi trên góc mắt trong.

Thần kinh mũi ngoài (external nasal nerve)

Thần kinh mũi ngoài là nhánh tận của thần kinh sàng trước. Nó đi xuống qua thành
ngoài của mũi và chi phối cho da mũi bên dưới các xương mũi, trừ phần cánh
quanh lỗ mũi ngoài.

Thần kinh hàm trên (maxillary nerve)

Thần kinh hàm trên đi qua ổ mắt để đến chi phối cho da của mí dưới, gò má, phần
cánh của mũi, một phần của thái dương và môi trên. Nó có ba nhánh bì: các thần
kinh gò má thái dương, gò má mặt và dưới ổ mắt.

Thần kinh gò má thái dương (zygomaticotemporal nerve)

Thần kinh gò má thái dương là một nhánh tận của thần kinh gò má. Nó đi qua một
ống trong xương gò má để đi vào phần trước của hố thái dương, chạy lên ở giữa
xương và cơ thái dương và cuối cùng xuyên qua mạc thái dương ở khoảng 2 cm
trên cung gò má để chi phối cho da của thái dương. Nó tiếp nối với các thần kinh
mặt và tai thái dương. Khi nó xuyên qua lá sâu của mạc thái dương, nó tách một
nhánh hỏ chạy về phía góc mắt ngoài ở giữa hai lá của mạc thái dương. Nhánh này
(nhánh lệ) chuyển chuyển các sợi sau hạch đối giao cảm từ hạch chân bướm khẩu
cái tới tuyến lệ.

Thần kinh gò má mặt (zygomaticofacial nerve)

Thần kinh gò má mặt là một nhánh tận của thần kinh gò má. Nó đi qua góc dưới
ngoài của ổ mắt và đi vào mặt qua một lỗ ở xương gò má. Tiếp đó nó xuyên qua cơ
vòng mắt để chi phối cho da vùng gò má. Nó tạo nên một đám rối cùng với các
nhánh gò má của thần kinh mặt và các nhánh mí của thần kinh hàm trên. Đôi khi
thần kinh này vắng mặt.

Thần kinh dưới ổ mắt (infraorbital nerve)

Thần kinh dưới ổ mắt đi vào mặt tại lỗ dưới ổ mắt, nơi nó nằm giữa cơ nâng môi
trên và cơ nâng góc miệng. Nó chia thành ba nhóm nhánh. Các nhánh mí đi lên
dưới cơ vòng mắt và xuyên qua cơ để chi phối cho da ở mí dưới; chúng nối với các
thần kinh mặt và và gò má mặt ở gần góc mắt ngoài. Các nhánh mũi chi phối cho
da ở mặt bên mũi và phần đi động được của vách mũi; chúng tiếp nối với nhánh
mũi ngoài của thần kinh sang trước. Các nhánh môi trên, lớn hơn và nhiều hơn, đi
xuống ở sau cơ nâng môi trên, chi phối cho da ở phần trước của má và môi trên.
Chúng tiếp nối với các nhánh của thần kinh mặt để tạo nên đám rối dưới ổ mắt.

Thần kinh hàm dưới (mandibular nerve)

Thần kinh hàm dưới chi phối cho da trên xương hàm dưới, môi dưới, má, một phần
loa tai và một phần của thái dương qua các thần kinh má, cằm và tai thái dương.

Thần kinh má (buccal nerve)

Thần kinh má đi vào mặt từ sau ngành xương hàm dưới và chạy sang bên ở trước
cơ cắn để nối với các nhánh má của thần kinh mặt. Nó chi phối cho d phủ phần
trước cơ mút.

Thần kinh cằm (mental nerve)


Thần kinh cằm là nhánh tận của thần kinh hàm dưới. Nó đi vào mặt qua lỗ cằm,
nơi nó được hướng ra sau. Nó chi phối cho da của môi dưới.

Thần kinh tai thái dương (auriculotemporal nerve)

Thần kinh tai thái dương đi vào mặt ở sau khớp thái dương hàm dưới. Nó đi lên ở
sau các mạch thái dương nông, bắt chéo mặt nông rễ sau của mỏm gò má, và chia
thành các nhánh thái dương nông. Các nhánh bì của thần kinh tai thái dương chi
phối cho bình tai và phần loa tai liền kề và phần sau của thái dương. Nó tiếp nối
với thần kinh mặt, thường bởi hai nhánh chạy về phía trước bên ở sau cổ xương
hàm dưới. Các tiếp nối với phần thái dương mặt của thần kinh mặt giữ chặt thần
kinh mặt sát với mặt bên của mỏm lồi cầu xương hàm dưới, hạn chế sự chuyển
động của nó trong lúc phẫu thuật. Các tiếp nối với các nhánh thái dương và gò má
tạo nên những vòng quanh các mạch ngang mặt và thái dương nông.

Thần kinh mặt (facial nerve)

Thần kinh mặt đi ra khỏi nền sọ tại lỗ trâm chũm. Tại điểm này, thần kinh mặt nằm
cách bụng sau cơ hai bụng khoảng 9 mm và cách lỗ ống tai ngoài khoảng 11 mm.
Nó đi vào mặt sau khi đi qua mô tuyến mang tai. Mặc dù chủ yếu là thần kinh vận
động, có một số sợi cảm giác da từ thần kinh mặt mà đi kèm theo nhánh loa tai của
thần kinh lang thang và có lẽ là phân phối vào da ở cả hai mặt của loa tai, tại hõm
xoăn (conchal depression) và trên lồi của hõm này.

Ở gần lỗ trâm chũm, thần kinh mặt tách ra thần kinh tai sau, một nhánh chi
phối cho bụng chẩm cơ chẩm trán và một phần các cơ tai, và các thần kinh cho
bụng sau cơ hai bụng và cơ trâm móng. Sau đó, thần kinh đi vào tuyến mang tai ở
phần trên của mặt sau trong và chạy ra trước và xuống dưới ở sau ngành hàm. Ở
trong tuyến mang tai, thần kinh mặt chia thành các thân thái dương mặt và cổ mặt
ở ngay sau (trong vòng 5 mm) tĩnh mạch sau hàm dưới. Ở khoảng 90% số trường
hợp, hai thân nằm nông hơn tĩnh mạch, tiếp xúc mật thiết với tĩnh mạch. Đôi khi
các thân chạy dưới tĩnh mạch sau hàm dưới (thân thái dương mặt khoảng 9%, thân
cổ mặt khoảng 2%). Các thân lại tiếp tục phân nhánh để tạo nên một đám rối mang
tai ; đám rối này thể hiện các biến đổi về mẫu phân nhánh. Năm nhánh tận chính
tách ra từ đám rối và chạy tản ra xa nhau ở trong tuyến. Chúng rời khỏi tuyến
mang tai ở mặt trước trong của tuyến, ở trong bờ trước của tuyến, và chi phối cho
các cơ biểu hiện nét mặt.

Các nhánh thái dương bắt chéo cung gò má tới vùng thái dương để chi phối
các cơ nội tại trên loa tai và các cơ tai trước và trên. Chúng tiếp nối với nhánh gò
má thái dương của thần kinh hàm trên và nhánh tai thái dương của thần kinh hàm
dưới. Những nhánh ở trước hơn chi phối cho bụng trán của cơ chẩm trán, cơ vòng
mắt và cơ cau mày; chúng tiếp nối với các nhánh trên ổ mắt và lệ của thần kinh
mắt.

Các nhánh gò má chạy ngang qua xương gò má tới góc mắt ngoài để chi
phối cho cơ vòng mắt và tiếp nối với thần kinh lệ và nhánh gò má mặt của thần
kinh hàm trên. Các nhánh có thể cũng hỗ trợ chi phối các cơ do nhánh má của thần
kinh mặt chi phối.

Nhánh má có nguyên uỷ biến đổi và chạy ngang để phân phối vào vùng bên
dưới ổ mắt và quanh miệng. Nó thường là một nhánh đơn nhưng hai nhánh thần
kinh má gặp ở 15% trường hợp. Nhánh má có mối liên quan mật thiết với ống
tuyến mang tai và thường nằm bên dưới ống. Các nhánh nông chạy dưới lớp mỡ
dưới da và hệ thống cân cơ nông (SMAS). Một số nhánh chạy sâu dưới cơ mảnh
khảnh và tiếp nối với các thần kinh dưới ròng rọc và mũi ngoài. Các nhánh sâu trên
chạy dưới cơ gò má lớn và cơ nâng môi trên, chi phối cho chúng và tạo nên đám
rối dưới ổ mắt cùng với các nhánh môi trên của thần kinh dưới ổ mắt. Chúng cũng
chi phối cho cơ nâng góc miệng, cơ gò má nhỏ, cơ nâng môi trên cánh mũi và các
cơ nhỏ của mũi. Những nhánh này đôi khi được mô tả như những nhánh gò má
dưới. Những nhánh sâu dưới chi phối cho cơ mút và cơ vòng miệng, và tiếp nối với
nhánh má của thần kinh hàm dưới.

Các nhánh bờ hàm dưới, với số lượng thường là hai, chạy ra trước về phía
góc hàm ở dưới cơ bám da cổ, trước hết đi qua phần trên của tam giác hai bụng,
sau đó chạy lên trên và ra trước bắt chéo thân xương hàm dưới để chạy dưới cơ hạ
góc miệng. Các nhánh chi phối cho cơ cười và các cơ của môi dưới và cằm; chúng
tiếp nối với thần kinh cằm. Nhánh bờ hàm dưới có mối liên quan quan trọng về
ngoại khoa với bờ dưới xương hàm dưới, và có thể đi dưới bờ dưới với các tỷ lệ
được báo cáo biến đổi giữa 20% và 50%, với khoảng cách xa nhất là 1,2 cm.
Nhánh cổ đi ra khỏi phần dưới của tuyến mang tai và chạy về phía trước
dưới bên dưới cơ bám da cổ tới mặt trước của cổ để chi phối cơ bám da cổ; nó tiếp
nối với thần kinh ngang cổ. Ở 20% trường hợp có hai nhánh cổ.

Các nhánh ngoại vi của thần kinh mặt được nối với nhau bằng những cung
nối giữa những nhánh liền kề để tạo nên đám rối thần kinh mang tai với nhiều dạng
biến đổi. Những tiếp nối này quan trọng về mặt ngoại khoa vì nhờ những tiếp nối
này mà việc làm đứt tình cờ một nhánh nhỏ thường không dẫn tới liệt. Davis và
cộng sự (1956) đã phân loại thành sáu mẫu tiếp nối riêng biệt và những quan sát
này cũng được khẳng định bởi những người khác.

Phẫu thuật thần kinh mặt

Khi phẫu thuật ở mặt, việc nắm vững chi tiết giải phẫu thần kinh mặt để không làm
tổn thương đến nó là điều thiết yếu. Mặt phẳng ít chảy máu ngay trước ống tai
ngoài sụn có thể được mở ngay ra bằng phẫu tích cùn, và đường mở này dẫn phẫu
thuật viên đến được nền sọ ở ngay bên ngoài mỏm châm và lỗ trâm chũm. Sau đó,
mặt phẳng này có thể được mở nhẹ nhàng theo hướng xuống dưới bằng cách phẫu
tích thêm nữa cho tới khi gặp được thân thần kinh mặt. Cách thứ hai, thân thần
kinh mặt có thể được nhận ra bằng cách bộc lộ bờ trước cơ ức đòn chũm ở ngay
dưới chỗ bám của nó vào mỏm chũm, và kéo cơ ra sau để bộc lộ bụng sau cơ hai
bụng; sau đó, lần theo bụng sau cơ hai bụng theo hướng lên trên và ra sau tới mỏm
chũm. Điểm này nằm ngay dưới lỗ trâm chũm và thân thần kinh mặt. Cách thứ ba
là xác định một nhánh tận của thần kinh mặt - thường là nhánh bờ hàm dưới – và
lần theo nó ra sau cho tới khi nhận ra được thân thần kinh mặt.

Biến chứng của phẫu tích thần kinh mặt

Phẫu tích thần kinh mặt là một phần của phẫu thuật cắt bỏ thuỳ nông tuyến mang
tai để điều trị các khối u tuyến mang tai. Trong cắt bỏ u tuyến thì phần tuyến nằm
nông hơn thần kinh mặt bị cắt bỏ. Mặc dù tất cả các nhánh thần kinh mặt được bảo
tồn, thường có yếu cơ mặt sau phẫu thuật do sự trầy sước và thiếu máu cục bộ của
thần kinh dẫn đến sự loại bỏ tạm thời bao myelin của các sợi thần kinh. Mặc dù
điều này có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhánh của thần kinh mặt, yếu cơ thường
hạn chế ở vùng được chi phối bởi nhánh bờ hàm dưới và biểu hiện bằng yếu môi
dưới ở bên bị ảnh hưởng. Hiện tượng này là vì các cung tiếp nối giữa nhánh bờ
hàm dưới và các nhánh khác của thần kinh mặt tương đối hiếm trong khi đó lại có
nhiểu tiếp nối giữa các nhánh của phần thái dương mặt và nhánh má của phần cổ
mặt của thần kinh mặt.

Các tổn thương thần kinh mặt

Liệt thần kinh mặt có thể là do tổn thương nơron vận động trên (khi bụng trán cơ
chẩm trán không bị liệt do nhân vận động các cơ phần trên mặt nhận được các sợi
từ vỏ não cả hai bên), hoặc một tổn thương nơron vận động dưới (khi tất cả các
nhánh tới cơ mặt bị tổn thương). Liệt Bell và các khối u thần kinh thính giác có thể
gây ra liệt mặt hoàn toàn do tổn thương nơron vận động dưới do sự đè ép vào thân
thần kinh mặt khi nó đi qua tai giữa. Thường gặp hơn, các vết rách ở má hoặc các
khối u ác tính tuyến mang tai dẫn đến yếu ở một phần mặt tuỳ theo nhánh nào của
thần kinh bị tổn thương. Rất không may là sự xuất hiện của liệt mặt không phải là
một dấu hiệu chẩn đoán đáng tin cậy về một u ác tính. Không hiếm trường hợp
thần kinh mặt bị thâm nhiễm bởi một khối u ác tính vẫn hoạt động bình th ường.
Tuy nhiên, khi liệt đi kèm theo một khối u tuyến thì chắc chắn nó là một u ác tính.

You might also like