You are on page 1of 86

GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ TAI

Mục tiêu học tập:


1. Nắm được giải phẫu tai
2. Nắm được sinh lý của tai

I. GIẢI PHẪU TAI


Tai người gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa có thêm hai bộ phần phụ là vòi tai
(vòi eustache) và khối xương chũm. Về mặt phôi thai học, tai ngoài và tai giữa xuất phát từ khe
mang thứ nhất. Màng nhĩ hình thành do sự hàn dính của đáy rãnh trong và rãnh ngoài. Mê nhĩ
được phát triển từ túi thính giác, một bộ phận thoái vị của trục thần kinh phôi thai.
1.1. Tai ngoài
Tai ngoài gồm 2 phần: vành tai và ống tai.
Vành tai được tạo thành bởi khung sụn, trừ phần dưới chỉ có lớp mỡ và da gọi là dái tai.
Khung sụn có các nếp lồi lõm tạo nên các gờ tai gồm: gờ luân, gờ đối luân, đối bình tai, bình tai,
nắp tai và các hõm tai gồm: hố thuyền, hố tam giác, hố bình tai và lỗ ống tai ngoài.
Ống tai ngoài là phần liên tiếp với vành tai kể từ lỗ tai đến sát màng nhĩ. Gồm 2 phần là
ống tai sụn và ống tai xương. Hướng của ống tai ngoài ra trước và xuống dưới. Lớp da ống tai
ngoài có các tuyến tiết, lông ống tai.
Tai ngoài được cấp máu bởi động mạch thái dương nông và động mạch tai sau. Cảm giác
được chi phối bởi thần kinh nhĩ lớn và thần kinh chẩm bé.

Hình 1: Tai ngoài


Hình 2: Vành tai
1.2. Tai giữa
1.2.1. Hòm nhĩ
Tai giữa gồm hòm nhĩ, vòi nhĩ và khối tế bào xương chũm
Hòm nhĩ là phần nằm giữa ống tai ngoài và tai trong, được giới hạn bởi sáu mặt trong đó
mặt ngoài là màng nhĩ và năm mặt còn lại đều là mặt xương. Trong hòm nhĩ giữa gồm có chuỗi
xương con, các cơ, dây chằng treo các xương con, mạch máu, thần kinh phân bố các niêm mạc.
Hòm nhĩ được chia ra làm hai tầng: tầng trên gọi là thượng nhĩ chứa đựng các xương con và tầng
dưới gọi là trung nhĩ ăn thông với vòi nhĩ.
Mặt ngoài của hòm nhĩ gồm có hai phần, phần trên là xương gọi là tường thượng nhĩ, phần
dưới là màng nhĩ. Màng nhĩ hình bầu dục, lõm ở giữa, hơi ngả về phía trước và phía ngoài. Màng
này bịt kín đầu trong ống tai ngoài và bám dọc theo rãnh nhĩ Màng nhĩ gồm có hai phần: phần trên
là màng chùng (màng Shrapnell) quan hệ trực tiếp với túi Prussak, phần dưới là màng căng quan
hệ trực tiếp với hòm nhĩ. Phần căng của màng nhĩ gồm có ba lớp: lớp ngoài là biểu mô, lớp giữa
là tổ chức xơ và lớp trong là niêm mạc. Cán búa dính liền vào với tổ chức xơ của màng nhĩ.
Mặt trong có lồi ống thần kinh mặt (ống Fallope), gờ ống bán khuyên ngoài, cửa sổ bầu
dục, cửa sổ tròn. Mặt trước có lỗ vòi tai, lỗ ống cơ búa. Mặt sau có sào đạo, tường dây thần kinh
mặt. Mặt trên là sàn hố sọ giữa. Mặt dưới có lồi vịn cảnh, thần kinh Jacobson, nhánh của dây thần
kinh số IX.
Hình 3: Màng nhĩ

Hình 4: Hòm nhĩ


1.2.2. Các xương con, cơ và dây chằng
Trong hòm nhĩ có các xương con, các cơ, dây chằng treo. Các xươn con gồm có xương
búa, xương đe và xương bàn đạp. Cán xương búa thì dính vào màng nhĩ còn đầu xương búa khớp
với xương đe. Xương đe có hai ngành, ngành trên tì vào thành sào đạo, ngành dưới khớp với xương
bàn đạp thông qua mỏm đậu. Xương bàn đạp gồm có một cái đầu, hai cái gọng và cái đế. Đầu
xương bàn đạp khớp với xương đe, còn đế khớp với cửa sổ bầu dục. Chung quanh khớp đại tiền
đình có một dây chằng vòng giữ xương bàn đạp lại. Tất cả những xương con này đều được treo
hoặc đính vào thượng nhĩ bằng mạc dây treo và dây chằng.
Cơ búa xuất phát từ thành trước của thượng nhĩ và kéo cán búa về phía trong (căng màng
nhĩ) tức là đẩy xương bàn đạp vào cửa sổ bầu dục.
Cơ bàn đạp xuất phát từ thành sau, kéo xương bàn đạp ra phía ngoài và đẩy cán búa ra phía
ngoài (làm chùng màng nhĩ).

Hình 5: Chuỗi xương con

1.2.3. Mạch máu và thần kinh


Tai giữa được cấp máu bởi các nhánh đến từ động mạch màng nhĩ trước, động mạch trâm
chũm, động mạch màng não giữa, động mạch tai sau và động mạch chẩm.
Thần kinh cảm giác ở hòm nhĩ thuộc vào dây thần kinh Jacobson (dây IX). Sự phân bố
thần kinh giao cảm thuộc về dây thần kinh cảnh nhĩ (đám rối cảnh).
Thần kinh hàm dưới cho một nhánh vận động chi phối cơ xương búa. Dây thần kinh số VII
cho một nhánh chi phối cơ xương bàn đạp.
1.2.4. Vòi tai
Vòi tai hay còn gọi là vòi Eustachi, là một ống nhỏ nối liền hòm nhĩ với thành bên vòm
mũi họng. Vòi nhĩ dài khoảng 35mm gồm hai đoạn: đoạn sau bằng xương (1/3 chiều dài) và đoạn
trước bằng sụn (2/3 chiều dài). Hướng đi của vòi nhĩ là nghiêng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước
và từ trong ra ngoài. Vòi nhĩ tận cùng bằng loa vòi, thành bên vòm họng. Loa vòi có 2 gờ. Gờ
trước gọi là gờ vòi – khẩu cái, gờ sau là hố Rosenmuller. Lỗ dưới vòi tai luôn luôn đóng, chỉ mở
trong động tác nuốt. Quanh lỗ vòi tai phía vòm là gờ vòi tai và tổ chức lympho.
Hình 6: Vòi tai
1.2.5. Xương chũm
Xương chũm là khối xương nằm phía sau ống tai ngoài, sau hòm nhĩ. Xương chũm có hình
tam giác để ngược, đáy lên trên, đỉnh xuống dưới. Khối xương này có năm mặt: mặt trên liên hệ
nền sọ giữa; mặt trước liên hệ xương nhĩ; mặt trong nối tiếp với xương đá; mặt ngoài là vị trí tiếp
cận trong phẫu thuật mở xương chũm. Mặt ngoài có giới hạn phía trên là gờ thái dương, phía trước
là ống tai ngoài, phía dưới là bờ tự do của xương chũm và phía sau là đường nối đá chẩm. Mặt này
bị chia ra làm hai phần bởi đường khớp đá trai ngoài: phần trên trước có gai Henle (ở bờ sau trên
ống tai ngoài) có khu sàng Chi-pault) và phần sau dưới là mặt gồ ghề làm chỗ bám cho cơ ức đòn
chũm, cơ gối, cơ rối.
Trong khối tế bào xương chũm có nhiều hốc rỗng. Trong đó có một tế bào chũm lớn nhất
ở trung tâm gọi là hang chũm và các nhóm tế bào chũm xung quanh. Hang chũm thông với nhĩ bởi
ống ống thông hang (sào đạo). Tuỳ theo tế bào phát triển nhiều hay ít người ta chi xương chũm ra
làm ba loại:
Loại không thông bào: Xương bị đặc ngà hoặc đầy tổ chức xốp, sào bào nhỏ bằng hạt ngô.
Trong loại này màng não và tĩnh mạch bên thường hay bị sa.
Loại thông bào ít: có vài nhóm tế bào ở chung quanh sào bào.
Loại thông bào nhiều: các nhóm tế bào phát triển đầy đủ. Thành của tế bào mỏng. Xương
chũm rỗng như tổ ong.
Niêm mạc hòm nhĩ liên tiếp che phủ tất cả sào bào, sào đạo và các tế bào chũm. Do đó khi
hòm nhĩ bị viêm, niêm mạc trong xương chũm có phản ứng và đôi khi xương của xương chũm
cũng bị viêm.
Hình 7: Khối xương chũm
1.2.6. Dây thần kinh mặt
Đoạn dây thần kinh mặt đi trong xương thái dương được chia thành 2 phần: phần đi trong
ống tai trong và phần đi qua ống thần kinh mặt (ống Fallop).
Phần đi qua ống tai trong: Ra khỏi rãnh hành cầu, dây thần kinh mặt cùng với dây thần
kinh tiền đình ốc tai chui vào ống tai trong ở vị trí trước và dưới so với dây thần kinh tiền đình ốc
tai. Thần kinh mặt ra khỏi ống tai trong, tiếp tục đi trong phần đá xương thái dương đoạn mê đạo
hay còn gọi là đoạn I.
Phần đi trong ống thần kinh mặt: được chia thành 3 đoạn: đoạn mê đạo, đoạn nhĩ và
đoạn chũm bởi 2 khuỷu.
Đoạn mê đạo: dây thần kinh mặt đoạn mê đạo hay đoạn 1 là đoạn ngắn và nhỏ nhất. Sau
khi ra khỏi đáy ống tai trong, dây thần kinh mặt nằm trong ống xương nhỏ hẹp, được tạo bởi thành
trước là bờ trước ốc tai, thành sau là thành trên ống bán khuyên ngoài, thành dưới là tiền đình và
thành trên là bản xương mỏng ngăn cách với hố sọ giữa. Hướng của dây thần kinh mặt thẳng góc
với trục xương đá. Chiều dài đoạn mê đạo khoảng 3 -5 mm. Đến hạch gối thần kinh mặt gập góc
tiếp tục đi song với trục xương đá. Tại hạch gối, thần kinh mặt cho nhánh thần kinh đá nông lớn ở
mặt trước hạch. Thần kinh đá nông lớn hợp với thần kinh đá sâu thành thân chung và đi trong ống
xương bướm. Thần kinh đá nông lớn chi phối tiết dịch tuyến lệ, tuyến tiết ở họng mũi, mũi. Ngoài
ra nó còn cho các nhánh nhỏ cảm giác hòa lẫn với đám rối nhĩ.
Đoạn nhĩ: hay còn gọi là đoạn 2, từ vị trí hạch gối dây thần kinh mặt tiếp tục chạy trong
ống thần kinh mặt hướng ra sau và đi trong thành xương ngăn cách tiền đình và hòm nhĩ. Ống thần
kinh mặt lồi vào hòm nhĩ tạo nên lồi ống thần kinh mặt. Đoạn này nằm song song với trục xương
đá. Chiều dài đoạn nhĩ từ 8 – 11mm, được tính từ gối thần kinh mặt (khuỷu thứ nhất) đến khuỷu
thứ 2. Ngay phía sau dưới ống Fallop là lồi ống bán khuyên ngoài. Đây là mốc giải phẫu quan
trọng để xác định vị trí ống Fallop trong phẫu thuật.
Đoạn chũm: hay còn gọi là đoạn 3. Từ khuỷu thứ hai, dây thần kinh mặt hướng xuống dưới
và ra ngoài, chạy qua thành xương ngăn cách hang chũm và hòm nhĩ và thoát ra khỏi xương đá ở
lỗ châm chũm. Dây thần kinh mặt đoạn chũm là dài nhất so với 2 đoạn trên, cho nhánh thần kinh
vận động cơ bàn đạp và thần kinh thừng nhĩ. Thần kinh thừng nhĩ tách ra ngay trước khi dây thần
kinh mặt thoát ra ở lỗ châm chũm, chạy qua hòm nhĩ ra khỏi xương đá và chạy vào thần kinh lưỡi.
Thần kinh thừng nhĩ chứa các sợi cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi và các tuyến tiết dưới hàm, dưới
lưỡi. Nhánh thần kinh vận động cơ bàn đạp tách ra ở đoạn chũm, vận động làm chùng màng nhĩ
và tăng áp lực nội dịch.

Hình 8: Dây thần kinh mặt đoạn trong xương thái dương
1.2.7. Xoang tĩnh mạch bên
Xoang tĩnh mạch bên bắt đầu từ hội lưu sau, chảy về vịnh cảnh và gồm có ba đoạn: đoạn
nằm ngang, đoạn xuống và đoạn ngược lên. Xoang tĩnh mạch bên bắt đầu vào xương chũm ở đoạn
hai bằng một cái khuỷu cong lõm về phía sau. Tĩnh mạch đi từ trên xuống dưới và hơi nghiêng từ
sau ra trước trong một cái máng ở mặt trong của xương chũm. Vị trí của tĩnh mạch đối với mặt
ngoài của xương chũm thường không cố định. Có khi chúng ta gặp tĩnh mạch ở ngay dưới mặt
ngoài xương chũm và che lấp bờ sau của sào bào. Trái lại có khi tĩnh mạch ở trong sâu và cái
khuỷu giữa đoạn một và đoạn hai ở ngang tầm với thành trong của sào bào
1.3. Tai trong
Nằm trong xương đá, đi từ hòm nhĩ tới lỗ ống tai trong. Gồm 2 phần là mê nhĩ xương bao
bọc bên ngoài và mê nhĩ màng ở bên trong.
Mê nhĩ xương: gồm tiền đình và ốc tai.
• Tiền đình thông với tai giữa bởi cửa sổ bầu dục ở phía trước, có ống bán khuyên nằm theo
ba bình diện không gian.
• Ốc tai giống như hình con ốc có hai vòng xoắn rưỡi, được chia thành hai vịn: là vịn tiền
đình thông với tiền đình và vịn nhĩ thông với hòm nhĩ bởi cửa sổ tròn, nó đựơc bịt kín bởi
màng nhĩ phụ.
Mê nhĩ màng: ốc tai màng và hai túi cầu nang, soan nang, ống nội dịch và 3 ống bán khuyên màng.
• Trong cầu nang và soan nang có các bãi thạch nhĩ là vùng cảm giác thăng bằng. Trong ống
bán khuyên có mào bán khuyên là vùng chuyển nhận các kích thích chuyển động.
• Ốc tai màng: nằm trong vịn tiền đình có cơ quan Corti chứa đựng các tế bào lông và các tế
bào đệm, tế bào nâng đỡ.
• Dịch tai trong: giữa mê nhĩ xương và mê nhĩ màng có ngoại dịch, trong mê nhĩ màng có
nội dịch.
Thần kinh: các sợi thần kinh xuất phát từ tế bào lông của cơ quan Corti tập hợp thành bó thần kinh
ốc tai. Các sợi thần kinh xuất phát từ các mào bán khuyên và bãi thạch nhĩ tập hợp thành bó thần
kinh tiền đình. Hai bó này tập hợp thành dây thần kinh số VIII chạy trong ống tai trong để lên vỏ
não.

Hình 9: Tai trong


Hình 10: Ốc tai

Hình 11: Cơ quan Corti


2. SINH LÝ TAI
Tai người có các chức năng sinh lý sau
- Chức năng nghe: âm thanh được dẫn truyền bởi tai ngoài và tai giữa. Tín hiệu sóng âm
được chuyển thành tín hiệu xung thần kinh tại tai trong và được dẫn truyền lên não để phân tích
và xử lý.
- Chức năng tiền đình: giúp con người cảm nhận được tư thế, vị trí, thăng bằng trong không
gian.
- Chức năng thông khí, cân bằng áp lực tai giữa, dẫn lưu dịch tai giữa của vòi tai.
- Chức năng định hướng âm thanh.
2.1. Chức năng nghe
Tai ngoài: vành tai có tác dụng hứng lấy sóng âm. Ống tai có nhiệm vụ dẫn sóng âm đến
màng nhĩ. Tai ngoài còn có chức năng định hướng tiếng âm.
Tai giữa: dẫn truyền sóng âm từ môi trường không khí ở tai ngoài vào môi trường dịch ở
tai trong và làm khuếch đại cường độ âm thanh. Ngoài ra tai giữa còn có chức năng bảo vệ tai
trong nhờ các cơ của xương búa, xương bàn đạp và lớp đệm không khí trong hòm nhĩ. Vòi tai là
ống nối thông từ tai giữa xuống họng mũi, có chức năng chính là cân bằng áp lực tai giữa, dẫn lưu
dịch ở tai giữa.
Tai trong: các rung động cơ học được đưa vào tai trong bằng các xương con qua cửa số
bầu dục. Khi xương bàn đạp bị ấn vào cửa sổ bầu dục thì ngoại dịch ở vịn tiền đình bị đẩy dồn về
đỉnh ốc tai, rồi từ đỉnh ốc ta đi ngược xuống cửa sổ tròn dọc theo vịn nhĩ, làm cho màng cửa sổ
tròn phồng ra phía ngoài. Trái lại khi xương bàn đạp bị kéo ra phía ngoài thì ngoại dịch sẽ bị hút
ngược trở lại và màng cửa sổ tròn sẽ lõm vào. Ngoại dịch chỉ có thể rung động được nếu cửa sổ
tròn và cửa sổ bầu dục không bị tắc. Ở màng nền có sự phân vùng tiếp nhận những âm thanh tuỳ
theo tần số rung động: vùng đáy ốc tai là tần số cao và vùng đỉnh ốc tai là tần số trầm. Sự rung
động của màng nền làm cho cơ quản Corti cũng rung động cùng nhịp với màng nền. Khi cơ quan
Corti rung thì tế bào giác quan sẽ ma sát vào màng mái làm cho lông của các tế bào này bị uốn
cong, bị kéo căng, bị đè nén. Những thay đổi cơ học này sẽ tác động đến điện sinh học của tế bào
giác quan. Cùng với các điện sinh học của tế bào và các chất trung gian hoá học được giải phóng
ở synapse thần kinh, các xung thần kinh được tạo ra và dẫn truyền theo dây thần kinh ốc tai lên
não, trung khu thính giác.
2.2. Chức năng thăng bằng
Tai trong tham gia vào hệ thống đảm bảo thăng bằng chức năng tiền đình nhờ các ống bán
khuyên, soan nang và cầu nang. Các ống bán khuyên đảm bảo sự thăng bằng vận động. Soan nang
và cầu nang đảm bảo thăng bằng tĩnh tại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Ngô Ngọc Liễn (2006), Giản yếu Tai Mũi Họng, NXB Y học, Hà Nội
2. Nguyễn Quang Quyền (1999), Bài giảng giải phẫu học, NXB Y học
3. Nhan Trừng Sơn (2008), Tai Mũi Họng - quyển 1, NXB Y học, TP. Hồ Chí Minh
4. Võ Tấn (2003), Tai Mũi Họng thực hành - quyển 1, NXB Y học, Hà Nội,
5. Barry E. Hirsch, Robert K. Jackler (2014), "Section IX – Otology", Bailey's Head and Neck
Surgery – Otolaryngology, 5th Edition, Lippincott Williams & Wilkins, pp. 2238-2757
6. Flint P. W., Charles W. Cummings (2010), "Otology, Neuro-otology and skull base
surgery", Cummings Otolaryngology Head & Neck surgery - 6th Edition, Philadelphia, PA
: Mosby/Elsevier, pp. 1833-2446
GIẢI PHẪU, SINH LÝ HỌNG THANH QUẢN
1. GIẢI PHẪU HỌNG
Họng có tầm quan trọng đặc biệt trong bệnh học Tai mụi họng vì nó là ngã tư của đường ăn
uống và đường hô hấp. Họng là một cái hố bằng cơ và màng đi từ mỏm nền xuống tận ngang tầm đốt
sôngs cổ số VI. Nó lối liền mũi và miệng với thanh quản và thực quản.
Từ trong ra ngoài cấu trúc họng gồm: niêm mạc, cân hầu trong, lớp cơ, cân hầu ngoài.
Họng được chia ra ba phần: họng mủi - họng miệng - họng thanh quản. Xung quanh họng có nhiều
tổ chức lymphô tập trung thành những amidan, gọi là vòng Waldeyer, gồm có : amiđan vòm
Luschka, amiđan vòi Gerlach, amiđan khẩu cái, amiđan đáy lưỡi.
Sau họng là lớp cơ trước cột sống. Giữa thành họng là lớp cơ này có một lớp tổ chức tế bào
lỏng lẻo gọi là khoảng cách sau họng Hankê.

Hình 1: Thiết đồ cắt dọc đường hô hấp trên


Ở xung quanh họng: phía sau và bên, có những khoảng có thể bóc tách được gọi là những
khoảng quanh họng hay bên họng.
Khoảng I : Còn gọi là khoảng sau họng Hencké. Trong khoảng I có hạch Gilette. Hạch này
hình thành ngay sau khi trẻ sinh ra và bắt đầu thoái triển khi trẻ lên 2 tuổi. Khi hạch này bị viêm
và hóa mủ sẽ tạo thành áp xe thành sau họng.
Khoảng II: Còn gọi là khoảng dưới tuyến mang tai sau của Sébileau. Trong khoảng II có
các cơ quan chính sau: Động mạch cảnh trong, tĩnh mạch cảnh trong, các dây thần kinh IX, X, XI,
XII, hạch thần kinh giao cảm cổ, các hạch bạch huyết.
Khoảng III: Còn gọi là khoảng dưới tuyến mang tai trước của Sébileau. Trong khoảng III
có những cơ quan chủ yếu sau: Phần trên của tuyến nước bọt mang tai và động mạch cảnh ngoài.
2. GIẢI PHẪU THANH QUẢN:
Thanh quản là cơ quan phát âm và thở, nằm ở trước thanh hầu, từ đốt sống C3 đến C6, nối
hầu với khí quản vì vậy nó thông ở trên với hầu, ở dưới với khí quản.

Thanh quản di động ngay dưới da ở vùng cổ trước khi nuốt hoặc khi cúi xuống hoặc ngẩng
lên. Nó phát triển cùng với sự phát triển của bộ máy sinh dục, nên khi trưởng thành thì giọng nói
cũng thay đổi (vỡ giọng), ở nam giới phát triển mạnh hơn vì vậy giọng nói của nam, nữ khác
nhau, nam trầm đục, nữ trong cao.

Thanh quản được cấu tạo bởi các tổ chức sụn, sợi và cơ.

Khung sụn
Sụn thanh thiệt hay sụn nắp, nằm cao phía trước lỗ trên của thanh quản, khi hạ xuống nó
sẽ đậy thanh quản lại. Sụn giáp gồm 2 mảnh tạo thành một góc mở về phía sau, trong đó phía
trên có sụn nắp.

Sụn nhẫn là một vòng tròn như cái nhẫn nằm dưới tháp mà trên nó là sụn giáp. Hai sụn
phễu đứng thẳng, gối trên bờ sau của sụn nhẫn. Khi hai sụn phếu quay lên, thanh môn sẽ mở hay
khép lại.

Ngoài ra còn có có các sụn nhỏ không quan trọng như: sụn Santorini và sụn Wrisberg.

Cấu trúc trong của thanh quản


Tiền đình thanh quản là khoang mở về phía trên, tiếp đến là băng thanh thất. Dưới bang
thanh thất là buồng Morgagni. Thanh môn là khoang giữa hai dây thanh. Hạ thanh môn là
khoang mở về phía dưới vùng khí quản. Hai xoang lê ở phía ngoài mở lên trên vào vùng hạ
họng.
Hình 2: Giải phẫu thanh quản

3. SINH LÝ HỌNG:
Vai trò của họng có tầm quan trọng khác nhau trong vấn đề nuốt, thở, phát âm và nghe.
Nuốt.
Động tác nuốt gồm hai thì: thì thứ nhất là thì miệng (tực là lưỡi đẩy thức ăn vào eo họng) thì thứ
hai là thực ăn đi qua họng để vào thực quản. Thì thứ hai là đặc hiệu của họng. Trong khi thức ăn đi
quan ngã tư đường ăn và đường thở này thì các ngả đường không cần thiết đều được bịt lại như sau:
- Đường miệng bị đóng do lưỡi nhô lên đến tận hàm ếch.
- Đường mũi bị đóng vì màn hầu được kéo lên và hai trụ sau khép lại.
Thở
Đối với chức năng hô hấp, họng chỉ là một cái ống để cho không khí đi qua. Khi chúng ta hít vào
hoặc thở ra đằng mũi thì màn hầu sẽ buông thõng xuống và mở lỗi cho không khí đi lại. Khi chúng ta
há miệng to, thở mạnh thì màn hầu sẽ bị kéo lên và ngăn cách họng mũi, làm cho không khí đi đằng
miệng.
Phát âm
Họng đóng vai trò thùng cộng hưởng.Nó sẽ thay đổi hình dánh và kích thước tuỳ theo âm phát
ra.Cùng với miệng và mũi, họng có nhiệm vụ biến những âm thanh thô sơ doa thanh quản phát ra
thành những tiếng nói rõ ràng có cường độ, có chiều cao, có âm điệu.
Nghe.
Vòi Ơstat nối liền họng mũi với hòm nhĩ. Nhờ vậy lên không khi ngoài và bên trong hòm nhĩ có
một áp lực bằng nhau, sự thăng bằng này rất cần thiết cho sự rung động của màng nhĩ. Vòi Ơstat có
thể mở ra và đóng vào được là nhờ các cơ bao màn hầu (péristaphylin). Khi chúng ta ngủ cứ 5 phút thì
vòi sẽ tự mở ra một lần, khi chúng ta thức cư mỗi lẫn nuốt nước bọt hoặc ngáp thì vòi cũng sẽ mở ra.
Nhò vậy nên không khí trong hòm nhĩ vẫn giữa được áp lực bình thường làm cho tai nghe rõ.
Vòng Waldeyer
Amydan là nơi sản xuất bạch cầu đơn nhân.Những bạch cầu này được sinh ra ở tâm điểm mầm
của tân nang. Sau khi được hình thành dưới lớp một số tế bào đơn nhân rời khỏi lớp này để chui qua
kớp biểu bì và rơi vào trong các khe của amyđan (crypte amygdalienne).
4. SINH LÝ THANH QUẢN
Thở: Khi thở hai dây thanh âm được kéo xa khỏi đường giữa làm thanh môn được mở
rộng để không khí đi qua. Động tác trên được thực hiện bởi cơ mở (cơ nhẫn phễu).
Phát âm: Lời nói phát ra do luồng không khí thở ra từ phổi tác động lên các nếp thanh
âm. Sự căng và vị trí của nếp thanh âm ảnh hưởng đến tần số âm thanh.
Thổi: Nhờ có sự cử động của lồng ngực, tạo nên một luồng không khí đi từ phổi, khí, phế
quản lên, tạo ra luồng không khí có áp lực và trong khoảng thời gian nhất định.
Rung: Hai dây thanh được khép lại. Niêm mạc dây thanh rung động nhờ luồng khí thổi
tạo áp lực dưới thanh môn đã gây nên độ căng dây thanh. Độ căng dây thanh do các cơ căng
dây thanh mà chủ yếu là là cơ giáp-phễu.
Cộng hưởng: Nhờ vào các hốc trên thanh môn (thanh quản, họng, miệng, mũi).
CHẤN THƯƠNG TRONG TAI MŨI HỌNG
Mục tiêu:
1. Trình bày được các bệnh lý chấn thương mũi – xoang và cách xử trí
2. Trình bày được các bệnh lý chấn thương tai thông thường và cách xử trí
3. Trình bày được triệu chứng chấn thương vùng họng, thanh quản và cách xử trí

1. Đại cương
Do đặc điểm vị trí giải phẩu của Tai Mũi Họng (TMH) mà tháp mũi, vành tai, họng – thanh
quản là các bộ phận hay bị chấn thương nhất bởi gồ cao trơ trọi giữa vùng đầu mặt cổ. Trong phạm
vi bài này chúng tôi chỉ nêu một số chấn thương thường gặp và cần lưu ý một số điểm đặc biệt
như: chấn thương xương chính mũi rất mau liền, chấn thương vỡ xương đá không bao giờ liền,
chấn thương thủng màng nhĩ không xử trí sớm có thể gây viêm tai giữa và gây nghe kém, chấn
thương vùng họng thanh quản nếu không xử trí đúng có thể gây tử vong. Tuy vậy cũng cần biết
ưu tiên những chấn thương nặng phối hợp cần xử trí đầu tiên để cứu sống bệnh nhân.
1.1. Đặc điểm về giải phẫu
- Thành của cơ quan TMH dễ vỡ rạn, thủng hay xẹp, bật từng mảnh như: mảnh xương
xoang, mảnh sụn, cơ do vết thương rất phức tạp
- Niêm mạc: biểu mô trụ đơn có lông chuyển. Rất dễ bị bóc tách, viêm, hoại tử vì vậy khi
niêm mạc không sống được nên bóc bỏ đi
- Da: dễ bị dập nát, bóc thành từng mảng và da vùng TMH dễ bị co lại.
- Các hốc TMH thông với nhau nên khi bị thương dễ nhiễm khuẩn lan từ hốc này sang hốc
khác như: xoang trán dễ bị viêm khi bị viêm mũi…
- Vị trí TMH gần các cơ quan quan trọng: màng não, não, mê đạo, các dây thần kinh, mạch
máu lớn.
1.2. Đặc điểm sinh lý
- Dễ choáng vì gần sọ não. Phải cấp cứu khẩn trương do ngạt thở, chảy máu.
- Các cơ quan TMH có chức năng sinh lý tế nhị: nghe, ngửi, nói, vì vậy khi xử trí sơ cứu
hoặc phẫu thuật phải hết sức chú ý tới chức năng, cố phục hồi một cách tối đa.
- Vấn đề thẩm mỹ được hết sức chú trọng vì ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư tình cảm của
bệnh nhân sau này.
1.3. Hướng xử trí chấn thương TMH: phải giải quyết 3 mặt sau:
- Tính mạng
- Chức năng
- Thẩm mỹ
2. Chấn thương mũi
2.1. Nguyên nhân
- Tai nạn gây chấn thương mũi gặp nhiều trong tai nạn giao thông, lao động, thể thao, sinh
hoạt, chấn thương do hỏa khí trong chiến tranh.
- Bị đánh: với vật cứng như gậy, gạch, bị đấm vào mũi.
- Do hỏa khí: mảnh bom, mảnh đạn bắn vào. Đặc điểm cần chú ý là các xương mũi liền lại
rất nhanh, vì vậy phải điều trị sớm, tránh xương bị can liền trong tư thế xấu, sai lệch.
2.2. Giải phẩu bệnh lý
- Sang chấn đập vào chính diện tháp mũi gây vỡ xương chính mũi cả hai bên, sụn vách
ngăn vỡ theo gây sập tháp mũi, sống mũi võng xuống, niêm mạc rách nát...
- Sang chấn đập vào một bên, chỉ gãy xương chính mũi một bên, tháp mũi sẽ lệch bên đối
diện, nhìn sống mũi vẹo...
- Sang chấn phần mềm, sụn tứ giác vỡ, hẹp hốc mũi, sưng nề, tụ máu...[1]

Bình thường Một bên Hai bên Dạng bẹt

Gãy lún Gãy cành tươi Vỡ vụn


Hình 1: Một vài hình thái gãy xương chính mũi [10]
- Chấn thương hở: sụn và xương bị bóc trần, xương vỡ có thể bị lòi ra ngoài.
Ngoài tổn thương xương, sụn, niêm mạc còn tổn thương hệ thống mạch máu nuôi dưỡng
hốc mũi gây chảy máu: có thể chỉ tụ máu vách ngăn do tổn thương tiểu động mạch, nhưng khi đứt
những mạch máu lớn, sẽ chảy máu rất dữ dội nếu không cầm máu kịp thời sẽ mất máu nhiều có
khi ảnh hưởng tới tính mạng (ĐM sàng, ĐM bướm khẩu cái). Cần lưu ý rằng khi có tổn thương
mũi kèm tổn thương sọ não và các cơ quan khác phối hợp; phải xác định tổn thương nào trầm trọng
hơn có nguy cơ tới tính mạng hơn thì xử trí trước.

Hình 2: (A) Gãy xương chính mũi với sự di lệch tháp mũi sang Phải
(B) Gãy xương chính mũi sau khi hỉnh hình [17]

Hình 3: CTscan minh họa chấn thương gây thoát vị ổ mắt bên Phải [16]
2.3. Triệu chứng
- Chảy máu mũi bao giờ cũng gặp nặng hoặc nhẹ tùy theo tính chất tổn thương (chảy máu
ra mũi trước, chảy máu ra mũi sau xuống họng), chỉ vài giọt hoặc rất ồ ạt, đôi khi không chảy máu
ra ngoài, chỉ chảy dưới niêm mạc, làm tụ máu ở vách ngăn (gây biến chứng áp xe vách ngăn mũi
sau đó).
- Biến dạng tháp mũi: sập sống mũi, vẹo lệch sang một bên, sau chấn thương nhanh chóng
sưng nề, bầm tím.. che đậy dấu hiệu biến dạng tháp mũi nên rất khó đánh giá tình trạng tháp mũi.
- Đôi khi có tràn khí dưới da, do áp lực hô hấp trong hốc mũi tăng (ngạt mũi), niêm mạc
mũi lại bị tổn thương nên không khí thoát qua vết thương tràn ra dưới da.
- Ở trẻ em chấn thương làm vỡ mũi hay bị coi thường sẽ để lại những di chứng xấu về thẩm
mỹ và chức năng.
- Lực chạm thương từ phía bên có thể làm vẹo mũi. Lực chạm thương hướng trước sau làm
vỡ xương chính mũi vầ vách ngăn, làm tẹt và lệch mũi.
- Khám ấn dọc sống mũi, vào đúng chổ gãy sẽ có điểm đau nhói, sau khi đã lấy hết máu
đông, soi mũi trước thấy hốc mũi hẹp do vách ngăn phồng tụ máu hoặc bị vỡ đẩy dồn sang một
bên, có khi niêm mạc bị rách để lộ một phần sụn vách ngăn...
- Đau nhức vùng sống mũi, đau đầu, ngạt mũi, giảm hoặc mất khứu giác.
- X quang: tư thế bán diện, tia mềm, sẽ thấy rõ tổn thương của xương chính mũi, tư thế mặt
thẳng (Blondeau) thấy vỡ, vẹo vách ngăn hoặc tổn thương phối hợp với xoang, hốc mắt, xương gò
má...Tuy nhiên Ctscan nên được chỉ định nếu có nghi ngờ chấn thương liên quan đến xương gò
má và sàng ổ mắt.

Hình 4: Chụp X quang mũi nghiêng tia mềm gãy xương chính mũi [17]
2.4. Hướng xử trí
- Chảy máu mũi: cầm máu bằng đặt bấc mũi trước hoặc đặt bấc mũi sau. Nếu vẫn chảy
máu phải thắt động mạch cảnh ngoài.
- Nếu có gãy, sập xương phải dùng dụng cụ nâng xương từ trong hốc mũi ra ngoài và chỉnh
hình phục hồi sống mũi, nhét meche hốc mũi cố định và cầm máu, nếu có rách da phải khâu phục
hồi, điều trị kháng sinh.
Hình 5: Bộ dụng cụ nâng xương chính mũi thông thường: Boies elevator (trên), Joker
elevator (dưới), Asch forceps (bên phải) [10]
- Phương pháp vô cảm: gây mê hoặc gây tê, ở nước ngoài hầu như chỉ định gây mê bắt
buộc. Dùng dụng cụ (Spatule) luồn vào hốc mũi mặt lưng ngang tầm chổ mũi bị sập lõm, dùng sức
nâng xương gẫy lên cho phẳng đồng thời dùng ngón cái tay trái ấn mạnh vào chổ xương bị biến
dạng lồi lên phía đối diện. Khi làm thao tác này cần lắng nghe tiếng kêu “rắc” chứng tỏ xương đã
được đẩy về vị trí cũ, đồng thời quan sát hình dạng bên ngoài tháp mũi, thấy thẳng dễ coi là được,
sau đó nhét meche cố định và cầm máu như đã nói ở trên.
Kìm nâng xương
chính mũi Đặt dưới vị
trí gãy

Vị trí xương
biến dạng
Vách ngăn
gãy

Kềm Asch Kềm


Walsham

Hình 6: Các bước nâng xương chính mũi [10]

Hình 7: Nẹp mũi bên ngoài để bảo vệ và nâng đỡ phần thu gọn cánh mũi [10]
- Cần biết rằng xương chính mũi hàn lại rất nhanh, nên càng làm sớm càng tốt, (tốt nhất là
trong 24-48 giờ đầu, tuần thứ 2 tức ngày thứ 8-14 là giới hạn tối đa còn có thể chỉnh hình được mà
không phải đập phá làm vỡ xương lại). Chỉnh hình trễ xương sống mũi liền lại trong tư thế xấu.
Các biến chứng chấn thương mũi như: viêm, loét hoại tử phần mềm có thể xảy ra nên lúc này chỉnh
hình phải được Bác sỹ chuyên khoa cân nhắc phương pháp xử trí. Chú ý tiêm phòng uốn ván ở
những trường hợp gãy hở [6].
3. Chấn thương xoang
Các xoang mặt có liên quan nhiều đến sọ não, răng hàm mặt, mắt, vết thương nham nhở,
rộng, máu cục nhiều, mặt sưng to khó chẩn đoán thương tổn giải phẫu. Thường gặp nhất là xoang
hàm và xoang trán, đây là 2 hốc rỗng nằm trong xương hàm và xương trán. Các xoang này có
thành xương mỏng nằm ngay dưới da, hơi gồ cao ở vùng mặt, nên khi chấn thương dễ bị đụng dập,
gây vỡ thành xoang.
3.1. Vỡ xoang hàm
- Do dị vật đâm thủng hàm ếch, do nhổ răng, do hỏa khí...
- Do tai nạn giao thông, lao động, thể thao... từ vỡ xương gây vỡ vào xoang, có 2 loại vỡ
xoang hàm: vỡ đơn thuần và vỡ phối hợp, cách xử trí mỗi loại có khác nhau...

Hình 8: Chấn thương tụt kẹt nhãn cầu vào xoang hàm [12]

3.1.1. Vỡ xoang hàm đơn thuần


- Chấn thương hở: chấn thương gây thủng thành xoang, rách da, lộ xoang kèm theo có tràn
khí dưới da. Ấn vùng xoang hàm đau, bệnh nhân có thể xì ra máu.
- Chấn thương kín: vật cứng đập mạnh vào thành xoang hay ngã…có thể gây dập vỡ thành
xoang hàm.
+ Nửa mặt bên chấn thương sưng nề, da bầm tím, đau và ấn đau
+ Có lún hay gồ xương, tràn khí dưới da, nề tím môi trên, mí mắt, xuất huyết màng tiếp
hợp.
+ Chảy máu ở vết thương, từ trong xoang ra ngoài qua mũi, khám có máu đọng ở khe
giữa.
X quang: Chụp phim Blondeau và sọ nghiêng thấy xoang hàm bên chấn thương mờ đục,
có máu đọng, thành xoang rạn vỡ, có thể có dị vật hoặc mảnh xương bị đẩy lồi vào trong xoang.
Cần chụp thêm tư thế Ctscan coronal để thấy đầy đủ hơn.

Hình 9: Ctscan coronal chấn thương hở vở mặt trước xoang hàm Phải [15]
Xử trí:
- Nếu thủng nhỏ, chỉ rạn xương: lau rửa vết thương, cầm máu, nhỏ mũi thông thoáng, kháng
sinh theo dõi, vết thương có thể tự liền.
- Lỗ thủng rộng, thành xương bị vỡ có dị vật trong xoang, phải phẩu thuật xoang hàm, làm
lỗ dẫn lưu mũi xoang, loại bỏ dị vật... Với những mảnh xương vỡ rời nếu quá bé thì có thể vứt bỏ,
giử lại những mảnh xương bị nứt rạn, lệch, nhét meche trong xoang cố định, dẫn lưu, khâu phục
hồi phần mềm, tiêm phòng uốn ván...
3.1.2. Vỡ xoang hàm phối hợp: khi có chấn thương vỡ khối xương mặt, đường vỡ được phần
thành 3 kiểu (theo Lefort):
- Lefort I (chủ yếu liên quan tới răng hàm mặt): gãy thấp ngang qua xương hàm trên; đường
gãy bắt đầu từ bờ dưới của hố lê, chạy về phía sau đến hố chân bướm hàm, song song với gờ lợi
và cách gờ lợi độ 1,5cm , cả 2 bên mặt đều vỡ giống nhau, người ta còn gọi đây là đường vỡ Gerin
(Guẻrin) mảnh vỡ gồm gờ lợi và sàn mũi.

Hình 10: Ctscan gãy Lefort I bên Phải, Lefort I,III bên Trái [15]
- Lefort II: gãy hình tháp xương hàm, tổn thương xương hàm trên, phía dưới xương chính
mũi, ngành trán của xương hàm qua trung tâm trần ổ mắt và xương gò má. Đường vỡ đi từ xương
chính của mũi ra hố nanh, vòng xuống phía dưới xương gò má, chạy về phía sau và dưới của củ
xương hàm. Đường vỡ 2 bên cũng đều giống nhau. Luôn luôn kèm tổn thương xoang hàm.
- Lefort III (chủ yếu liên quan đến mắt): đường vỡ chạy theo trán gò má, trán xương hàm
và trán mũi, tổn thương vào xoang sàng, bướm, sâu vào sau hốc mắt. Thường đó là những chấn
thương rất nặng, như tai nạn ô tô, ngả từ trên cao xuống... Đường vỡ đi từ trán mũi qua ổ mắt ra
bờ ngoài ổ mắt, chạy về phía sau đến chân bướm, cả 2 bên đều vỡ như vậy, thương tổn này sẻ làm
cho khối xương mặt tách ra với nền sọ gây phân ly sọ mặt...[3]
Hình 11: Phân loại Lefort (A) Lefort I, (B) Lefort II, (C) Lefort III [15], [17]
- Triệu chứng: choáng, tụt lưỡi, khó thở, sặc máu. Sưng nề, bầm tím có thể rách da. Biến
dạng vùng mặt. Các triệu chứng ở mắt: nhìn đôi, phù nề, bầm tím ở mắt, màng tiếp hợp, chảy máu
ở mắt…Các triệu chứng ở răng miệng: không cử động được hàm trên, há mồm gây đau, thường
có kèm theo chấn thương sọ não.
- Hướng xử trí: cần loại trừ chấn thương sọ não (CTSN), nếu có CTSN phải ưu tiên xử lý
trước. Chống choáng, chống khó thở, hút máu trong họng, kéo lưỡi ra ngoài, cầm máu bằng nhét
meche mũi trước hoặc sau.
Phối hợp chuyên khoa Mắt và Răng Hàm Mặt cùng phẩu thuật giải quyết tổn thương và
phục hồi chức năng...
3.2. Vỡ xoang trán
Xoang trán dễ bị chấn thương, thành trước bị vỡ thường tự liền nhưng khi có máu đọng
trong xoang dễ bị nhiễm khuẩn sinh ra nhiều biến chứng, thành sau bị vỡ màng não dễ bị rách do
đó có thể chảy máu, sinh túi hơi, chảy nước não tủy ra mũi và viêm màng não mủ. Nguyên nhân
vỡ xoang trán có thể do tai nạn giao thông, lao động, thể thao, do hỏa khí chiến tranh... Có hai loại
chấn thương vỡ xoang trán kín và vỡ xoang trán hở.
3.2.1. Vỡ xoang trán kín
Thành xoang bị rạn, lún, da vùng trán không rách, không bộc lộ xoang. Da vùng xoang
trán sưng nề, bầm tím, có thể có tụ máu nên khó xác định biến dạng, cũng có thể có tràn khí dưới
da, ấn góc trong trên hốc mắt đau nhói, hay kèm chảy máu mũi, đôi khi còn có chảy nước não tủy
khi có rách màng não.

Hình 12: Vỡ xoang trán kín ở thành trước bên Trái [11]
3.2.2. Vỡ xoang trán hở
- Thành xoang bị vỡ, da vùng trán bị rách, thủng tới tận xoang.
- Da bị rách, sưng nề, bầm tím, tụ máu, chảy máu, thường có tràn khí dưới da.
- Qua vết rách có thể thấy thành xoang bị vỡ, có mảnh xương rời, trong xoang hay có máu
tụ.
- Mắt: phù nề mi trên, tụ máu, xuất huyết màng tiếp hợp, nhìn đôi.
- Có thể thấy chảy nước não tủy lẫn máu.
- X quang: phim sọ thẳng nghiêng, Blondeau, Hirtz, Ctscaner mũi xoang đánh giá: xoang
mờ, tổn thương thành trước hoặc thành sau xoang

Hình 13: Ctscan sagittal vỡ thành trước và sau xoang trán phối hợp sọ não [11]
- Xử trí: trước hết phải loại trừ chấn thương sọ não, xác định có rách màng não hay không?
Chọc dò nước não tủy. Không được súc rữa xoang, ngừa viêm màng não...
- Phẫu thuật xoang trán: loại bỏ niêm mạc xoang, mảnh xương vỡ, dẫn lưu trán-mũi tốt.
Nếu có rách màng não phải vá bằng mảnh cân cơ đùi hoặc thái dương, rạch da vào xoang có thể
khâu kín màng não rách, theo dõi viêm màng não, nhất là khi tổn thương thành sau xoang (20-
40%).
Hình 14: Cố định xương trán bằng nẹp vít [11]
- Tiên lượng lâu dài, thường có biến chứng u nhầy xoang trán sau chấn thương.
4. Chấn thương tai
Chấn thương tai bao gồm cả tai ngoài, tai giữa và tai trong. Nguyên nhân thường do chấn
thương đụng dập, hỏa khí, áp lực...(tai nạn giao thông, tai nạn lao động) đó là những chấn thương
cấp. Cũng có thể là những chấn thương kéo dài gây tổn thương vi thể gây điếc như tiếng ồn (chấn
thương mạn tính). Sau đây chúng tôi chỉ nêu vấn đề quan trọng: chấn thương vỡ xương đá và chấn
thương thủng màng nhĩ.
4.1. Vỡ xương đá
Vỡ xương đá là bệnh thường gặp trong chấn thương TMH. Đó là những chấn thương vùng
chẩm thái dương có thể vỡ hộp sọ. Nói chung là những chấn thương rất mạnh vì xương đá nằm
sâu trong hộp sọ, nên vỡ xương đá là loại vỡ kín, nhưng có thể thông với bên ngoài qua hòm nhĩ.
Chấn thương vỡ xương đá nguy hiểm vì các biến chứng của tai và có thể gây ra như: viêm màng
não sau nhiều năm vì đường vỡ xương chỉ có tổ chức xơ hàn gắn lại chứ không phải là can xương
vì xương đá không có tạo cốt bào. Xương đá có một đặc điểm cần nhớ là không bao giờ liền lại dù
có điều trị tích cực vì vậy dễ đưa tới di chứng và có biến chứng viêm màng não ngược dòng từ tai
hoặc mũi họng sau này. Trước một chấn thương vỡ xương đá, cần khám thần kinh sọ não để phát
hiện ở máu tụ ngoài màng cứng. Các di chứng vỡ xương đá và chấn thương sọ não đối với tai khá
phức tạp, không chỉ chức năng thính giác, thăng bằng mà cả về tâm lý, thần kinh giao cảm.
4.1.1. Tổn thương giải phẩu bệnh
Vỡ xương đá thường theo 3 đường chính (theo phân loại của Mac Hugh): đường vỡ dọc,
đường vỡ ngang và đường vỡ chéo. (Có tác giả xếp vỡ ngang và vỡ chéo là một.)
4.1.1.1 Đường vỡ dọc:
Rất hay gặp (80%), đi song song với trục xương đá do sang chấn đập vào vùng thái dương-
đỉnh. Nét vỡ chạy từ trai thái dương tới trần hòm nhĩ theo bờ trước xương đá tới lỗ rách trước.
Trong dạng gãy này tai trong và tai giữa thường bị tác hại. Loại gãy này thường ảnh hưởng đến
dây thần kinh VII trong khoảng 20% các trường hợp.

Hình 15: Ctscan vỡ dọc xương đá (mũi tên) [9]


4.1.1.2. Đường vỡ ngang:
Do chấn thương vùng thái dương-chẩm (chiếm từ 10 đến 30% các trường hợp). Đường vỡ
thẳng góc từ lỗ rách sau (lỗ chẩm) đi ngang qua xương đá theo đường thẳng góc với trục chính,
đến trần xương đá và đi thẳng vào cánh lớn xương bướm. Nếu đường vỡ phía trong sẽ cắt qua ống
tai hoặc ốc tai. Nếu ở phía ngoài sẽ làm vỡ tiền đình, ống Fallope. Như vậy tai trong tổn thương
cùng dây VII và VIII, tai giữa ít khi bị ảnh hưởng. Liệt dây VII khoảng 50%. Hiếm khi dẫn đến
dò dịch não tủy.
Hình 16: Ctscan chấn thương vỡ ngang xương đá (mũi tên) sau khi bị đạn bắn [9]
4.1.1.3. Đường vỡ chéo:
Tương đối ít gặp, chiếm khoảng 10% các trường hợp. Chấn thương vùng chẩm từ xương
chũm qua hòm nhĩ vào mê nhĩ, tổn thương cả tai ngoài, tai giữa và tai trong cũng như cả dây thần
kinh VII [4], [5].

Hình 17: Các đường vỡ xương đá: đường vỡ dọc, đường vỡ ngang [13]
4.1.1.4. Gãy giới hạn xương đá:
- Gãy ống tai ngoài đơn thuần: đường gãy thường đến tứ giác sau trên của ống tai ngoài.
- Gãy chóp xương đá: ảnh hưởng đến thần kinh vận nhãn ngoài, làm liệt cơ dạng mắt và
ảnh hưởng đến nhánh cảm giác của dây thần kinh tam thoa.
- Gãy xương chũm: đường gãy nằm trong vùng xương chũm. Triệu chứng thường thấy là
bầm tím ở vùng xương chũm (dấu hiệu Battle), xương chũm nề, có thể có đọng máu. Sờ vào rất
đau. Dấu hiệu này xuất hiện chậm từ 4 đến 5 ngày sau.
- Gãy đơn thuần mê nhĩ: đây là những loại gãy ngang của xương đá. Gãy này đến giữa cửa
sổ bầu dục và cửa sổ tròn. Nếu đường gãy này ra phía trước thì ụ nhô, ốc tai và đáy của ống tai
trong bị ảnh hưởng.
Các đường gãy này đi vào hòm nhĩ, mở mê nhĩ ở thành trong của hòm nhĩ và thường gây
chảy dịch quanh bạch mạch. Các điểm thủng ngoại dịch thường ngang tầm với cửa sổ bầu dục.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy các điểm chảy ngoại dịch ở ngang mức vùng ụ nhô, cửa sổ
tròn hay ống bán khuyên ngoài.
4.1.2. Triệu chứng lâm sàng
Thường kèm chấn thương sọ não (hôn mê có khoảng tỉnh). Tùy đường vỡ, triệu chứng
chính là:
- Chảy máu tai, thường kéo dài từ vài giờ tới vài ngày: máu rỉ hoặc đọng ở ống tai ngoài,
máu màu đỏ, đông thành cục gặp trong vỡ dọc.
- Chảy nước não tủy khi có rách màng não: dịch trong chảy nhiều, rỉ hay rỏ giọt từ trong
sâu ống tai có thể kéo dài trong 5-7 ngày, không tự cầm. Có thể chảy dịch não tủy lẫn máu, dịch
màu hồng sau nhạt màu dần. Gặp trong vỡ ngang và vỡ chéo. Nếu nghi ngờ đem dịch thử, nếu có
glucose là dịch não tủy.
- Các triệu chứng tai trong: nghe kém kiểu tiếp nhận, ù tai, chóng mặt, rung giật nhãn cầu,
tự phát, mất thăng bằng, liệt mặt ngoại biên. Nếu nghe kém hỗn hợp giảm dần là do chấn động mê
nhĩ: kèm theo nghe kém có ù tai.
- Chóng mặt: có thể dữ dội, kèm theo mất thăng băng có rung giật nhãn cầu.
- Khám tai và vùng chũm có thể thấy: vết bầm tím vùng chũm, xuất hiện vài ngày sau chấn
thương phải nghĩ tới có vỡ đường chéo. Ống tai bị rách da, chảy máu, màng nhĩ phồng, có màu
tím xanh do máu chảy đọng trong hòm nhĩ, nghĩ tới có đường vỡ dọc. Ống tai bị rách da, chảy máu
gặp trong vỡ chéo và vỡ dọc.
Hình 18: Xuất huyết màng nhĩ sau chấn thương dưới nội soi [9]
- Liệt mặt ngoại biên rõ rệt gặp trong vỡ ngang hoặc bán liệt gặp trong vỡ chéo
- Chọc dò dịch não tủy: nước não tủy màu hồng, soi có nhiều hồng cầu là do rách màng
não. Nếu áp lực tăng có thể có sự tắc nghẽn lưu thông nước não tủy.
- X quang: CT Scan, phim Stenvers hay Chaussé III có thể thấy được đường vỡ xương đá.
- Chẩn đoán xác định: dựa vào tiền sử lâm sàng: chảy máu tai, chảy nước não tủy, liệt mặt,
chóng mặt, nghe kém, dựa vào X quang...
Lưu ý: sau chấn thương xuất hiện các triệu chứng như: nghe kém hỗn hợp, chóng mặt mức
độ vừa, nhẹ rồi giảm dần, không có tổn thương thực thể ở tai, xương chũm, không chảy máu hoặc
chảy dịch não tủy, nghĩ tới chấn động mê nhĩ.
4.1.3. Hướng xử trí
- Trước hết xử trí chấn thương sọ não nếu có
- Chảy máu ra tai: lau sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh.
- Chảy nước não tủy ra tai (có khi ra mũi họng): lau sạch ống tai rồi đặt bấc kháng sinh,
băng kín vô khuẩn, tuyệt đối không được rửa tai hay làm thuốc tai ướt, tránh gây nhiễm khuẩn từ
ngoài vào.
- Dùng kháng sinh chống viêm màng não, theo dõi dịch não tủy.
- Viêm màng não nếu có viêm tai giữa phải chủ động phẫu thuật tai tiệt căn. Nếu có viêm
mê nhĩ cần khoan và dẫn lưu mê nhĩ.
- Điều trị di chứng: liệt mặt (50%), nghe kém,... theo dõi sát biến chứng viêm màng não.
4.1.4. Tiến triển và biến chứng
- Chấn động mê nhĩ: có thể khỏi sau khi nghỉ ngơi, chống viêm nhiễm
- Vỡ xương đá không chảy dịch não tủy: có thể tự khỏi. Nếu có rách, tổn thương màng nhĩ
dễ bị viêm tai giữa, viêm xương chũm.
- Vỡ xương đá có chảy dịch não tủy: dễ đưa đến viêm màng não mủ tỏa lan. Với đường võ
ngang qua ống tai trong, mê nhĩ gây nghe kém tiếp âm và liệt mặt thường không hồi phục.
4.2. Chấn thương thủng màng nhĩ
Ngoài thủng màng nhĩ còn có thể trật khớp tiểu cốt, chấn thương tai trong, chảy máu, chảy
ngoại dịch, tổn thương các màng, tổn thương thần kinh loa đạo...
4.2.1. Nguyên nhân
- Trực tiếp: bởi ngoáy tai bằng que bông, móc tai quá đà hoặc đang ngoáy tai có người
khác đụng vào (gây chấn thương ống tai). Chấn thương áp lực do tát tai, sức ép bom mìn, lặn sâu
dưới nước, do thợ cắt tóc cạo lông lấy ráy tai,…

Hình 19: Giải phẫu màng nhĩ bên Phải và chấn thương thủng màng nhĩ [2], [16]
- Gián tiếp: thủng màng nhĩ do chấn thương vỡ xương đá...
4.2.2. Triệu chứng lâm sàng
- Đau: nhói trong tai, ù tai tiếng trầm và nghe kém kiểu truyền âm.
- Chảy máu tai: có thể chảy rất nhiều trong chấn thương vỡ xương đá, không chảy hoặc
chảy rất ít trong các chấn thương trực tiếp khác.
- Khám màng nhĩ: lỗ thủng mới rớm máu bờ gọn hoặc nham nhở, các mép lỗ thủng có thể
bị quằn lại làm lỗ thủng càng rộng thêm. Vị trí lỗ thủng có thể trung tâm hoặc rìa nhưng không
bao giờ thủng toàn bộ màng nhĩ.
- Thính lực đồ: điếc dẫn truyền, nếu chấn thương nặng tổn thương tai trong thì không chỉ
đơn thuần điếc tai giữa mất 60 dB với tổn thương hệ xương con; 80-90 dB với tổn thương tai trong.
4.2.3. Xử trí
- Tùy mức độ tổn thương phối hợp: nếu có chấn thương sọ não phải cứu sống bệnh nhân
trước. Nếu chảy máu nhiều nhét meche cầm máu, hết chảy máu mới khám lại cẩn thận để đánh giá
mức độ thương tổn. Hướng xử trí:

Hình 20: Chấn thương trật khớp xương đe và xương bàn đạp [7]
- Nếu thủng nhỏ, bờ gọn sạch,... lau sạch máu và các chất bẩn trong ống tai làm thuốc tai
khô với bột kháng sinh hoặc mỡ kháng sinh, nhét meche, băng kín, thay băng làm thuốc hàng ngày.
Tuyệt đối không được dùng thuốc nước. Tiêm phòng uốn ván khi tổn thương màng nhĩ do vật
nhọn đâm vào tai.
- Nếu thủng lớn phải đưa bệnh nhân vào phòng mổ, đặt cố định lại màng nhĩ dưới kính
hiển vi, kháng sinh theo dõi điều trị như vá màng nhĩ.
- Nếu đến chậm, khi đã chảy mủ tai, phải làm thuốc tai tích cực, theo dõi tốt viêm tai xương
chũm cấp tính. Nếu tổn thương tai trong, cho Vitamine A kéo dài có thể giúp sự phục hồi thần
kinh nghe.
4.2.4. Tiến triển và tiên lượng
- Vết thương nhẹ, thủng nhỏ không có tổn thương phối hợp, điều trị đúng quy cách thì vết
thủng sẽ liền nhanh, nghe rõ dần và có thể nghe bình thường trở lại.
- Trường hợp tổn thương nặng, chấn thương phối hợp, hoặc điều trị không đúng quy cách,
sẽ bội nhiễm (50%), VTG dẫn tới viêm tai xương chũm.
5. Chấn thương vùng họng, thanh quản
5.1. Chấn thương thanh quản kín
5.1.1. Nguyên nhân
Sang chấn đập vào góc trước của sụn giáp như ngã đập vào ghi đông xe đạp, đập vào cạnh
bàn, bị đấm vào cổ hoặc sang chấn đập vào hai bên thanh quản, bị treo cổ, bóp cổ...

Hình 21: Cơ chế chấn thương thanh quản kín:


(A) Thanh quản vị trí bình thường, (B) Gãy đường giữa do hướng lực về phía sau lên cánh sụn
giáp đối ngược với cột sống cổ [14]
5.1.2. Giải phẫu bệnh lý
Sụn giáp: nét vỡ thường ở giữa dọc theo đường trung vị hoặc ở hai cánh.
Sụn nhẫn: nét vỡ ở vòng nhẫn.
Sụn phễu: trật khớp nhẫn - phễu.

Hình 22: Chấn thương vỡ cánh sụn giáp bên trái [8]
5.1.3. Triệu chứng
- Đau nhiều, nuốt đau, khàn tiếng và khó thở, khạc ra máu và ho cơn.
- Vùng trước cổ bị sưng, có điểm đau cố định, có tràn khí dưới da có di động bất thường
hai cánh sụn giáp.
- Soi gián tiếp qua gương, nội soi ống cứng thấy niêm mạc phù nề, bầm tím, hẹp thanh
môn, đa số trường hợp hai dây thanh vẫn di động, trường hợp trật khớp nhẫn - phễu dây thanh cố
định và nói đau.

Hình 23: Chụp Ctscan axial ở mức sụn giáp và sun nhẫn: di lệch khớp nhẫn phễu bên
phải [14]
- Tiên lượng: bệnh nhân có thể chết đột ngột do phản xạ ức chế hoặc phù nề thứ phát, nếu
có sẹo hẹp thanh quản do đến muộn có thể gây khó thở mãn tính.
5.1.4. Các thể lâm sàng
- Đứt cơ thanh quản: ở người sử dụng lời nói, nói to, nói nhiều khi thanh quản bị viêm.
Bệnh tích thường khu trú ở cơ giáp - phễu: đứt một số thớ cơ và chảy máu dưới niêm mạc. Bệnh
nhân khi đang nói đột ngột thấy đau nhói ở thanh quản kèm theo mất tiếng trong vài ngày. Sau đó
nói lại được nhưng tiếng nói trở nên rè. Soi thanh quản thấy xuất huyết dưới niêm mạc, đỏ, căng
phồng và di động. Sau một thời gian, u máu tan dần và dây thanh xuất hiện một vết khuyết ở phần
ba trước, chứng tỏ có thương tổn của cơ phễu thanh. Tiếng nói có thể phục hồi nhưng không được
hoàn toàn như cũ.
- Chấn động thanh quản: có thể làm cho nạn nhân chết tức khắc tuy rằng thanh quản không
có tổn thương đáng kể. Soi thanh quản ở những trường hợp chết đột ngột này thường thấy tím bầm
niêm mạc. Nguyên nhân tử vong là phản xạ ức chế làm ngừng tim và hô hấp.
5.1.5. Điều trị:
5.1.5.1. Thể nhẹ: bệnh nhân bị khàn tiếng, khó thở nhẹ, hoặc có tiếng rít. Soi thanh quản ống mềm
đánh giá thương tổn.
- Nếu niêm mạc thanh quản phù nề, có tụ máu nhưng thanh môn còn rộng trên 1mm dùng
kháng viêm uống hoặc tiêm tĩnh mạch chống phù nề.
- Nếu có trật khớp sụn phễu làm hẹp thanh môn thì phải cố định sụn phễu bằng cách đặt
ống Froin trong bảy ngày và mở khí quản nếu khó thở.
- Kiểm tra chức năng thở bằng tìm chỉ số Tiffeneau sau khi bỏ Canuyn
5.1.5.2. Thể nặng
Phẫu thuật gây mê: rạch da trước cổ dọc theo đường trung tuyến từ bờ trên sụn giáp đến
bờ dưới sụn nhẫn. Mở hai cánh sụn giáp. Chích và hút các ổ tụ máu. Đặt lại sụn phễu, khâu lại
những mãnh vụn vỡ bằng chỉ Prolen. Khâu phục hồi cơ và niêm mạc. Nếu thanh quản bị dập nát
không khâu được thì phải đặt ống nâng Froin bằng nhựa trong vài tháng. Khâu hai cánh sụn giáp
và sụn nhẫn. Khâu cơ ngoài của thanh quản. Khâu da. Băng ép. Dùng kháng sinh, kháng viêm dự
phòng bội nhiễm.

A B
C D

Hình 24: Các bước phẫu thuật tái tạo sụn giáp vỡ [8]
(A): Đường rạch ở mép trước sụn giáp
(B): Bộ lộ mép trước của dây thanh và vị trí rách niêm mạc
(C): Khâu phục hồi vị trí sụn, niêm mạc bị rách
(D): Đặt vật liệu tạo hình trong lòng thanh quản
5.1.5.3. Sẹo hẹp
Nếu bệnh nhân đến muộn sẹo hẹp đã hình thành chúng ta phải điều trị sẹo hẹp: xem bài
sẹo hẹp thanh khí quản.
5.2. Chấn thương hở thanh quản và khí quản
5.2.1. Nguyên nhân
- Cắt cổ tự tử, dao đâm, trâu húc, tai nạn săn bắn, tai nạn ô tô...
- Các loại hoả khí (bom, đạn, lựu đạn) hoặc bạch khí (lưỡi lê, gươm giáo),...
Hình 25: Ctscan trục axial tại vị trí sụn giáp và sụn nhẫn: vỡ cánh sụn giáp bên trái và
vỡ vụn phần sau của sụn nhẫn làm mất khoảng thông khí phía sau [14]
5.2.2. Triệu chứng
5.2.2.1. Nhẹ: vết thương từ bên này sang bên kia, lỗ vào và ra nhỏ. Ho khạc ra máu, khàn
tiếng, thở khò khè. Vùng thanh quản bị sưng nhẹ và đau, có thể tràn khí dưới da. Soi thanh quản
thấy có máu hoặc rách niêm mạc ở hạ họng - thanh quản.
5.2.2.2 Nặng: ngạt thở, tím tái toát mồ hôi, khạc máu liên tục, sùi bọt máu. Đôi khi bệnh
nhân ngất, ạch nhỏ, khó bắt. Sau một thời gian ngắn bệnh nhân chết vì choáng và ngạt thở.
5.2.2.3 Thông thường: ngất đi trong một thời gian ngắn, sau đó tỉnh dậy và ở trong tình
trạng choáng. Máu chảy nhiều làm cho bệnh nhân khạc ra đường miệng và ho. Mỗi lần ho thì máu,
nước bọt và không khí trào ra ở vết thương, nuốt đau khó thở, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở
tím do máu tràn vào đường hô hấp. Người bệnh nói không ra tiếng. Cổ bị sưng to do máu và tràn
khí.
Tuyến giáp trạng cũng có thể bị đứt làm cho chảy máu kéo dài.
Nếu nghi ngờ có mảnh đạn nằm trong thanh quản, gửi bệnh nhân chụp X quang theo tư thế
mặt và bán diện sau khi đã giải quyết vấn đề cấp cứu.
5.2.3. Biến diễn và tiên lượng
Vết thương đâm xuyên nhỏ, đi ngang, thường lành một cách nhanh chóng. Trái lại, những
vết thương rộng có mất chất hoặc nhỏ nhưng có giập nát kèm theo thương tổn các bộ phận kế cận
thường gây nguy hiểm tính mạng (chảy máu thứ phát do vỡ mạch máu lớn, vì choáng, vì viêm
nhiễm, tràn khí gây ra ngạt thở), chức năng nói (rách thanh đai, liệt cơ, cứng khớp nhẫn - phễu),
chức năng thở (sẹo hẹp).
5.2.4. Điều trị
5.2.4. 1. Điều trị cấp cứu:
- Chống ngạt thở: đưa ống nội khí quản vào thanh quản qua lỗ vết thương cho bệnh nhân
thở, mở khí quản cấp cứu, cầm máu, thở ôxy.

Hình 26: Thông khí qua lỗ vết thương đảm bảo thông khí [14]
- Chống choáng: hồi sức tích cực bằng thuốc trợ tim, dung dịch mặn đẳng trương, huyết
tương, truyền máu,…
- Chống nhiễm trùng: chích penixilin, gentamycine.
- Điều trị vết thương: sau khi xử trí cấp cứu, chống tràn khí, viêm nhiễm.
Hình 27: (A) Hướng phục hồi thanh quản bằng cách tách rời dây chằn dây thanh bên trái,
rách cơ giáp phễu bên phải và di chuyển vị trí sụn phễu hai bên, (B) Phục hồi thanh quản bằng
cách chống lại sự chồng mép sụn hai bên [14]

Hình 28: Nẹp vít nhỏ cố định ngang cánh sụn giáp bị vỡ [8], [14]
5.2.4.2. Điều trị sẹo hẹp thanh khí quản.
Nếu là sẹo nhỏ tiến hành nong, nếu là sẹo hẹp làm tắc thanh khí quản trên một khoảng rộng
giải quyết bằng phẫu thuật chỉnh hình.
5.3. Chấn thương họng
5.3.1. Nguyên nhân
Hay gặp là những vết thương xuyên thủng gây ra bởi vũ khí (gươm, dao…) hay bởi hoả
khí (mảnh bom đạn…), vết thương do cắt cổ tự tử, chiến tranh không có vị trí nhất định và thường
rất phức tạp do có kèm theo bệnh tích thanh quản, thực quản hoặc mạch máu. Tổn thương đơn
thuần hiếm gặp vì được bảo vệ bởi cột sống và khối xương mặt.
5.3.2. Triệu chứng
- Choáng hoặc ngất trong giai đoạn đầu sau đó tỉnh lại.
- Khó thở: do máu tràn vào khí quản, lưỡi tụt về phía sau, do phù nề, do tràn khí dưới da…
- Chảy máu nhiều thường là những mạch máu nhỏ, có khả năng cầm lại được. Trong trường
hợp đứt động mạch cảnh thì bệnh nhân chết ngay tại chỗ.
- Tràn khí dưới da được gặp trong trường hợp có thủng thanh quản hay khí quản, có thể
lan rộng lên mặt, xuống ngực, xuống bụng hoặc vào trung thất.
- Nuốt: chất lỏng trào ra lỗ thủng hoặc chảy vào thanh quản làm cho bệnh nhân ho sặc sụa.
- Ho: do nước bọt và máu rơi vào khí quản, ho có thể làm tăng tràn khí trong trường hợp
có thủng khí quản.
- Khó nói: còn nói được nhưng giọng có thay đổi (mất âm sắc), nếu thanh quản bị thương
tổn thì bệnh nhân sẽ khàn đặc hoặc mất tiếng.
- Chấn thương làm thủng họng nhất là vùng hạ họng sẽ đưa đến viêm tấy tổ chức liên kết
lỏng lẻo của cổ, viêm trung thất, viêm phổi…Đấy là những biến chứng rất nặng thường hay đưa
đến tử vong.
5.3.3. Điều trị
5.3.3.1. Đơn thuần ở họng: cầm máu sơ bộ, rửa sạch vết thương. Xén bỏ những tổ chức giập nát,
buộc mạch máu. Khâu niêm mạc họng và cơ họng qua đường miệng. Nếu có rách da chỉ nên thu
hẹp vết rách và đặt bấc dẫn lưu, không nên khâu kín da. Đặt sonde dạ dày thực quản để nuôi dưỡng.
Tiêm kháng sinh.
5.3.3.2. Bệnh tích họng và thanh quản.
- Mở khí quản thấp.
- Chống choáng: mocphin, long não, truyền dung dịch NaCl, truyền máu.
- Băng vết thương, tuyệt đối không nên khâu da mà phải để hở.
- Chống nhiễm trùng: tiêm pênixilin.
- Nếu rách màng giáp móng và thanh thiệt thì khâu thanh thiệt và màng giáp móng lại. Cần
khâu niêm mạc kỹ không cho nước bọt thấm vào vết thương, không nên để đường khâu da chồng
lên đường khâu niêm mạc.
Trong trường hợp sụn giáp trạng bị vỡ và có thương tổn như đứt dây thanh, rách thanh thất
thì nên bổ đôi sụn giáp rồi khâu lại. Sau đó dùng màng sụn và cơ dưới móng khâu bọc sụn giáp,
không nên khâu xuyên sụn. Cuối cùng khâu da và dẫn lưu vết mổ. Đặt ống sonde dạ dày thực quản
ăn qua đường mũi.
Nếu sụn giáp trạng bị vỡ làm nhiều mảnh vụn thì nên đặt một cái cốt ở trong lòng thanh
quản (ống nhựa rỗng đường kính 12mm hoặc bấc thấm vaselin và pênixilin) trong 10 ngày để giữ
các mảnh sụn khỏi di động.
Nếu có thương tổn ở sụn nhẫn, phải khâu lại cho nguyên vẹn. Trong trường hợp có mất
một mảnh sụn ở vòng nhẫn thì nên cắt ở cánh sụn giáp trạng một mảnh tương xứng rồi chèn vào
tuyệt đối không được khâu sát hai đầu sụn nhẫn và thu hẹp vòng nhẫn.
Ống dẫn lưu rút vào ngày thứ tư, sonde dạ dày cho ăn qua đường mũi được rút ra vào ngày
thứ tám.
Ống khí quản Krishaber sẽ bỏ vào ngày thứ mười lăm.
Trong tuần đầu phải để bệnh nhân nằm cúi đầu về phía trước.
Kháng sinh rất cần thiết để chống nhiễm trùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Thị Ngọc Dinh (2006), "Cấp cứu chấn thương Tai Mũi Họng", Bài giảng Tai Mũi
Họng thực hành, Học viện Quân Y, tr. 44-45.
2. H.Netter Frank (2007), "Tai ngoài và hòm nhĩ ", Atlas Giải Phẫu Người, Nhà xuất bản Y
học, tr. 93.
3. Lê Đình Sáng (2010), Tai Mũi Họng, Đại Học Y Khoa Hà Nội.
4. Nhan Trừng Sơn (2008), "Vỡ xương đá", Tai Mũi Họng, 1, tr. 535-550.
5. Võ Tấn (2020), "Các hội chứng lớn về tai", Tai Mũi Họng thực hành, 1.
6. Nguyễn Tư Thế (2006), Giáo Trình Tai Mũi Họng, Trường Đại Học Y Khoa Huế.
7. C.Toynton Stephen (2018), "Ear trauma", Scott-Brown’s Otorhinolaryngology Head and
Neck Surgery, Eighth edition, II, pp. 1099-1139.
8. Clark A.Rosen C. Blake Simpon (2008), "Repair of Laryngeal Fracture ", Operative
Techniques in Laryngolory, pp. 279-282.
9. Flint Paul W.Cummings Charles W. (Eds.) (2010), "Management of Temporal Bone
Trauma", Cummings otolaryngology head & neck surgery, II, pp. 2220-2234.
10. Flint Paul W.Cummings, Charles W. (Eds.) (2010), "Nasal Fractures", Cummings
otolaryngology head & neck surgery, I, pp. 493-505.
11. Jamess N. Palmer Alexander G. Chiu (2018), "Frontal Sinus Fractures", Atlat of
endoscopic sinus and skull base surgery, pp. 337-356.
12. PL Dhingra Shruti Dhingra (2017), "Trauma to the Face", Diseases of Ear, Nose and
Throat and Head and Neck Surgery, pp. 203-208.
13. Rudolf Probst M.D; Gerhard Grevers; H Iro; Frank Rosanowski; Ulrich Eysholdt (2006),
Basic otorhinolaryngology : a step-by-step learning guide, Stuttgart ; New York : Georg
Thieme Verlag.
14. Sataloff Robert T (2011), "Laryngotracheal Trauma", Atlat of endoscopic Laryngeal
Surgery, pp. 227-245.
15. Sataloff Robert T (2016), "Maxillary and Mandibular Fractures", Sataloff's Comprehensive
textbook of Otolaryngology Head and Neck Surgery: Facial Plastic and Reconstructive
Surgery, pp. 947-961.
16. Harold Ludman, Patrick J Bradley (2012), "Head and Neck Trauma", ABC of Ear, Nose
and Throat, pp. 120-125.
17. PL Dhingra, Shruti Dhingra (2017), "Acute and Chronic Pharyngitis", Diseases of Ear,
Nose and Throat and Head and Neck Surgery, pp. 287-289.
VIÊM HỌNG CẤP VÀ MẠN TÍNH
Mục tiêu:

1. Trình bày được giải phẫu và sinh lý của họng

2. Trình bày được về đặc điểm lâm sàng và cách điều trị viêm họng cấp tính và mạn tính

1. Đại cương
- Nói đến viêm họng chủ yếu là nói đến viêm ở họng miệng.

- Viêm họng cấp tính tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với
viêm amiđan (A) khẩu cái, một số ít trường hợp kết hợp với viêm amiđan đáy lưỡi. Do đó, hiện
nay người ta có xu hướng nhập lại thành viêm họng - viêm amiđan cấp. Trong lúc đó viêm họng
mạn tính và viêm amiđan mạn tính vẫn là hai vấn đề riêng biệt.

2. Giải phẫu và sinh lý của họng


2.1. Giải phẫu họng

Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, là nơi rất thuận lợi cho các yếu tố ngoại lai,
virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Họng là một ống cơ màng nối từ vòm họng xuống miệng thực quản, tiếp giáp ở dưới với
thanh quản (ở trước), thực quản (ở sau dưới) và được chia làm 3 phần: họng mũi, họng miệng và
hạ họng.

Niêm mạc họng thuộc loại tế bào gai với biểu bì nhiều tầng, trong lớp đệm có nhiều tuyến
nhầy và nang lympho. Trong lớp dưới niêm mạc của vùng họng mũi và họng miệng có những vùng
rất giàu các nang lympho có vai trò bảo vệ cơ thể; chúng tập trung thành những khối gọi là vòng
Waldeyer, bao gồm A vòm (còn gọi là VA), A vòi, A khẩu cái (thường gọi tắt là A) và A đáy lưỡi.

Họng miệng

- Họng miệng có ranh giới từ bờ dưới màn hầu đến bờ trên xương móng.

- Kích thước của họng miệng: cao 5 cm, ngang 5 cm và sâu 4 cm ở người lớn.

- Mặt trước là eo họng có màn hầu, amiđan khẩu cái và đáy lưỡi.

- Hai mặt bên có hốc amiđan gồm các trụ (trụ trước là cơ màn hầu - lưỡi, trụ sau là cơ màn
hầu - họng) và amiđan khẩu cái.
Tiếp giáp của họng miệng

- Với vùng hàm dưới: thành bên của họng miệng tiếp giáp với khoảng hàm họng và được
chia làm 2 khoảng nhỏ: khoảng trước trâm và khoảng sau trâm.

- Với vùng xương móng: thành bên của họng miệng liên hệ với động mạch cảnh ngoài, các
động mạch giáp, lưỡi, mặt; động mạch cảnh trong và tĩnh mạch cảnh trong.

2.2. Sinh lý họng

Họng có các chức năng: nuốt, thở, phát âm, nghe và bảo vệ. Chức năng bảo vệ của họng
có được nhờ vòng bạch huyết Waldeyer: tạo ra miễn dịch tế bào nhờ vào các lymphocyte T, tạo ra
miễn dịch thể dịch nhờ vào các lymphocyte B gây chuyển dạng tương bào sản xuất ra các globulin
miễn dịch G.A.M.D.E.

3. Phân loại các thể bệnh của viêm họng


3.1. Viêm họng cấp tính
3.1.1. Viêm họng đỏ cấp và viêm họng đỏ cấp có bựa trắng: chiếm 90% các viêm họng cấp.

3.1.1.1. Do vi khuẩn: chiếm 20 - 40% gồm:

- Liên cầu ( tan huyết nhóm A, B, C, G).

- Haemophilus influenzae.

- Tụ cầu vàng.

- Moraxella catarrhalis.

- Vi khuẩn kị khí.

3.1.1.2. Do virus: Chiếm 60 - 80% gồm:

- Adenovirus.

- Virus cúm.

- Virus para - influenzae.

- Virus Coxsakie nhóm A hoặc B trong đó nhóm A gây viêm họng có bóng nước
Herpangine.

- Virus Herpes gây viêm họng có bóng nước nhưng gây viêm miệng nhiều hơn ở họng.

- Virus Zona gây viêm họng có bóng nước Zona.


- Virus E.B.V gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn có thể cho bệnh cảnh lâm sàng
của mọi thể viêm họng.

3.1.2. Viêm họng loét

Chiếm 5% và thường bị 1 bên.

3.1.2.1. Một bên

- Viêm họng cấp Vincent.

- Săng giang mai.

- Cần phân biệt với ung thư biểu mô amiđan.

3.1.2.2. Hai bên

- Bệnh bạch cầu cấp.

- Bệnh mất bạch cầu hạt.

3.1.3. Viêm họng giả mạc

Chiếm 2 - 3% nhưng phải nghĩ đến viêm họng bạch hầu.

3.2. Viêm họng mạn tính


Gồm 4 thể như sau:

- Viêm họng mạn tính sung huyết đơn thuần.

- Viêm họng mạn tính xuất tiết.

- Viêm họng mạn tímh quá phát.

- Viêm họng teo.

4. Viêm họng cấp tính


Là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay
đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amiđan, viêm mũi, viêm
xoang, v.v... Viêm họng cấp có thể do nhiều tác nhân gây ra như virus, vi khuẩn, nấm,… mà trong
đó virus là nguyên nhân thường gặp nhất. Viêm họng cấp do vi khuẩn Streptococcal (do Liên cầu
tan huyết nhóm A) nhận được nhiều sự quan tâm do được xem là nguyên nhân gây bệnh viêm
khớp và gây viêm cầu thận.
Trong viêm họng cấp, chúng ta nghiên cứu chủ yếu là viêm họng đỏ cấp, viêm họng bạch
hầu do tính chất thường gặp và các biến chứng trầm trọng của của chúng.

4.1. Viêm họng đỏ cấp


Chiếm 90% viêm họng cấp.

4.1.1. Nguyên nhân

Do virus là chủ yếu, chiếm 60-80%, gồm Adénovirus, virus cúm, virus parainfluenzae,
virus Coxsakie nhóm A, sởi, thủy đậu, virus Herpes, virus Zona, EBV, bệnh bạch cầu đơn nhân
nhiễm khuẩn.

Do vi khuẩn chiếm 20-40%, gồm liên cầu (tan huyết nhóm A, còn các nhóm B, C, G ít
gặp), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella Catarrhalis, vi khuẩn kị khí. Các vi khuẩn
Neiseria, phế cầu, Mycoplasme rất hiếm gặp.

Nguyên nhân bệnh sinh của viêm họng như sau: do thời tiết thay đổi, nhất là về mùa lạnh.

Viêm họng đỏ cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virus. Sau đó do độc tố của virus, cấu
trúc giải phẫu của amiđan và sức đề kháng của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác,
thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu và đặc biệt nguy hiểm là
loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Bệnh lây lan bằng nước bọt, nước mũi.

4.1.2. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh thường xảy ra đột ngột.

4.1.2.1. Triệu chứng toàn thân

Sốt vừa 38-390 hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn.

4.1.2.2. Triệu chứng cơ năng

- Đau họng nhất là khi nuốt, kể cả chất lỏng. Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai.

- Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.

- Giọng nói mất trong và có thể khàn tiếng nhẹ.

- Thường có kèm theo chảy mũi nhầy và tắc mũi.

4.1.2.3. Triệu chứng thực thể


- Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng đỏ mọng và
có những mao mạch nổi rõ.

- Hai amiđan khẩu cái cũng sưng to đỏ, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng
(như bựa cháo trắng) phủ trên bề mặt A.

- Trụ trước và trụ sau cũng đỏ.

- Có hạch góc hàm sưng nhẹ và hơi đau.

- Khám mũi thấy niêm mạc sung huyết và hốc mũi đọng xuất tiết nhầy.

Hình 1. Viêm họng đỏ cấp: nhiều nốt sung huyết đỏ ở thành sau họng [4]

4.1.3. Tiến triển

Nếu là do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần. Nếu
là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự
điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng.

4.1.4. Biến chứng

- Tại chỗ: viêm tấy hoặc áp xe quanh A, viêm tấy hoặc áp xe các khoảng bên họng, áp xe
thành sau họng ở trẻ nhỏ 1-2 tuổi, viêm tấy hoại thư vùng cổ rất hiếm gặp nhưng tiên lượng rất
nặng.

- Lân cận: viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang
cấp.

- Xa: đặc biệt nếu là do liên cầu tan huyết có thể gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim,
choáng nhiễm độc liên cầu, cá biệt có thể nhiễm trùng huyết.
4.1.5. Hướng điều trị

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là nhiều tác giả đều thống nhất là mọi viêm họng đỏ cấp đơn
thuần hoặc có chấm mủ trắng hoặc bựa trắng trên bề mặt amiđan, xuất hiện ở bệnh nhân trên 3
tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng đỏ cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm định
loại virus hoặc vi khuẩn.

Do đó thái độ điều trị như sau:

4.1.5.1. Điều trị kháng sinh

a. Hoặc là điều trị bằng kháng sinh một cách hệ thống:

- Penicilline V uống: 50-100.000 UI/kg cho trẻ em và 3 triệu UI cho người lớn chia làm 3-
4 lần trong ngày, kéo dài 10 ngày.

- Hoặc tiêm bắp thịt một liều duy nhất của Penicilline chậm loại Benzathine - Penicilline
G với liều 600.000 UI cho trẻ < 30kg; 1,2 triệu UI cho trẻ >30 kg và 2,4 triệu UI cho người lớn.

- Hoặc Céphalosporine thế hệ I, hoặc Penicilline A (ví dụ Amoxicilline) trong 10 ngày.

- Trường hợp dị ứng với PNC, thì có thể thay thế bằng nhóm Macrolide như Josacine,
Dynabac hoặc Rulid trong 10 ngày, hoặc Zithromax trong 5 ngày.

b. Hoặc xét nghiệm vi khuẩn ở họng:

Khi thấy các triệu chứng của viêm họng còn nhẹ và chưa có biến chứng, chúng ta có thể
chưa dùng kháng sinh ngay, nhưng phải làm xét nghiệm vi khuẩn ở họng. Kết quả xét nghiệm định
loại vi khuẩn sẽ có trong 3-4 ngày sau, lúc đó chúng ta sẽ hiệu chỉnh điều trị.

4.1.5.2. Điều trị triệu chứng: bằng các thuốc hạ sốt, kháng viêm, giảm đau...

4.1.5.3. Điều trị tại chỗ: bằng súc họng và nhỏ mũi.

Chú ý: Khi viêm họng đỏ cấp thể nặng hoặc đã có biến chứng cần chuyển đến chuyên khoa
kịp thời.

4.2. Viêm họng có giả mạc


Chiếm 2-3% viêm họng cấp. Trước hết phải nghĩ đến viêm họng bạch hầu, là một bệnh
truyền nhiễm do vi khuẩn Klebs-Loefler gây nên, có đặc điểm là viêm họng cấp có giả mạc lan
rộng, có phản ứng hạch và toàn thân có hội chứng nhiễm độc. Bệnh hay gặp ở trẻ em từ 1-7 tuổi
và có thể gây tử vong.
Vi khuẩn bạch hầu có 2 độc tố: ngoại độc tố tạo giả mạc, nội độc tố gây nhiễm độc cơ tim.
Bệnh có các thể lâm sàng khác nhau, gồm thể thông thường, thể phối hợp và thể ác tính.

4.2.1. Triệu chứng

4.2.1.1. Triệu chứng toàn thân

Thường thể hiện bằng 2 hội chứng lớn là nhiễm độc và nhiễm khuẩn. Bệnh chủ yếu gặp ở
trẻ em, sốt vừa 38-3805, người mệt mỏi, da xanh, biếng ăn, biếng chơi, có khi mệt lã, mạch yếu có
khi không đều, đái ít, nước tiểu đỏ, có thể có Albumin niệu. Ở thể ác tính, trẻ sốt cao, vật vã, xanh
tái, dẫn tới mê sảng.

4.2.1.2. Triệu chứng cơ năng

Đau họng lúc đầu nhẹ sau tăng dần. Chảy nước mũi nhầy, có khi lẫn máu. Nếu giả mạc lan
xuống hạ họng hoặc thanh quản, em bé có ho, khàn tiếng, khó thở thanh quản nặng dần.

4.2.1.3. Triệu chứng thực thể

Khám họng thấy giả mạc mỏng hoặc dày, trắng hoặc xám, có khi xám đen phủ trên mặt
amiđan, lan đến các trụ, có khi đến tận lưỡi gà và thành sau họng. Giả mạc rất dính khó bóc, dễ
chảy máu và không tan trong nước, lấy đi giả mạc hình thành lại rất nhanh. Trước bệnh nhân có
giả mạc như vậy, nhất thiết phải quệt để soi tươi và nuôi cấy tìm vi khuẩn bạch hầu.

4.2.2. Tiến triển

Thường là nặng cần phải điều trị kịp thời. Ở thể nhẹ, nếu điều trị có thể khỏi nhanh chóng.
Ở thể nặng, có thể chết trong vài ngày do nhiễm độc. Dù được điều trị tích cực bạch hầu họng cũng
có thể lan xuống thanh quản làm bệnh nhân khó thở có thể tử vong.

4.2.3. Biến chứng

4.2.3.1. Biến chứng do lan rộng

- Bạch hầu thanh quản.

- Phế quản phế viêm.

- Bạch hầu mũi.

- Bạch hầu tai, hiếm gặp.

4.2.3.2. Biến chứng do nhiễm độc


- Viêm cơ tim.

- Viêm thượng thận.

4.2.3.3. Biến chứng thần kinh

Độc tố bạch hầu gây liệt các dây thần kinh (viêm đa dây thần kinh).

- Liệt màn hầu.

- Liệt họng.

- Liệt các dây thần kinh vận nhãn.

- Liệt các chi, thường liệt cơ duỗi bàn chân.

4.2.4. Điều trị

- Giải độc tố: tiêm ngay 1/10ml dưới da, 3 ngày sau tiêm 1/2ml, rồi cách 5 ngày lại tiêm
1ml, rồi 2ml, 3ml.

- Tiêm ngay SAD (huyết thanh chống bạch hầu) 10.000-20.000U cho trẻ em, 30.000 -
50.000U cho người lớn theo phương pháp Besredka: nửa liều tiêm dưới da, nửa liều tiêm bắp thịt.
Trước khi tiêm cần thử phản ứng với 0,1ml dung dịch pha loãng 1/1000 tiêm trong da..

- Tiêm ngay Penicilline liều cao (nếu dị ứng thì thay bằng nhóm Macrolide).

- Đồng thời phối hợp với tiêm Corticoide.

- Hồi sức tích cực bằng truyền dịch, điện giải, thở oxy.

- Nghỉ ngơi tuyệt đối, đề phòng biến chứng tim bằng cách dùng Spartein hoặc vitamin B1,
C. Ở thể nặng có suy tim loạn nhịp, cần tiêm Uabain, Strychnin.

- Nếu có biến chứng xuống thanh quản gây khó thở cần phải mở khí quản kịp thời. Chú ý:
Đối với viêm họng bạch hầu, cần chuyển ngay đến chuyên khoa để điều trị.

5. Viêm họng mạn tính


5.1. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi
- Do viêm mũi, viêm xoang gây tắc mũi phải thở miệng đồng thời mũi chảy xuống ở thành
sau họng gây viêm họng.

- Do môi trường không khí bụi hữu cơ, vô cơ, nóng khô, hơi hóa chất.

- Do thói quen: hút thuốc, uống rượu.


- Do bệnh dị ứng, bệnh goutte, trào ngược dạ dày thực quản, viêm đại tràng, viêm gan.

5.2. Triệu chứng


5.2.1. Triệu chứng toàn thân

Có thể rất nghèo nàn. Thường hay có những đợt tái phát viêm họng cấp khi bị lạnh, cảm
mạo, cúm... thì lại xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau rát họng.

5.2.2. Triệu chứng chức năng

Có cảm giác ngứa, vướng trong họng hoặc khô rát, nóng trong họng, thường phải khạc nhổ
luôn, ra ít đờm nhầy. Có khi có cảm giác như có dị vật ở trong họng, khi nuốt chạy lên, chạy xuống
hay như có khối u bất thường hoặc như thở hụt hơi khó chịu (thường gọi là loạn cảm họng).

5.2.3. Triệu chứng thực thể: chia làm 4 loại:

- Viêm họng mạn tính sung huyết đơn thuần: niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch
máu.

- Viêm họng mạn tính xuất tiết: niêm mạc họng đỏ bầm, nổi nhiều tia mao mạch máu.
Thành sau họng có tăng xuất tiết dịch nhầy bám vào niêm mạc.

- Viêm họng mạn tính quá phát: niêm mạc họng đỏ bầm và dày lên. Thành sau họng có tổ
chức bạch huyết phát triển mạnh làm cho niêm mạc họng gồ lên thành từng đám xơ hóa to nhỏ
không đều, màu hồng hoặc đỏ. Tổ chức bạch huyết quá phát có khi tập trung thành một dãi gồ lên
ở phía sau và dọc theo trụ sau của amiđan trông như một trụ sau thứ hai, gọi là “trụ giả”. Loại nầy
còn gọi là viêm họng hạt.

- Viêm họng teo: niêm mạc họng teo dần, những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi
làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẩm biến thành màu hồng rồi nhợt nhạt, khô và đọng những vảy
mỏng, vàng, khô bám vào từng chỗ. Niêm mạc họng trở thành mỏng, các trụ sau cũng teo nhỏ lại
làm cho họng trở nên rộng hơn. Viêm họng teo thường là viêm họng do nghề nghiệp, hoặc ở người
già hoặc ở những người bị trĩ mũi.

5.3. Điều trị


5.3.1. Điều trị nguyên nhân

Điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm A, viêm VA,... nếu có. Giảm bớt các kích thích hút
thuốc lá, uống rượu. Tổ chức phòng hộ lao động tốt.

5.3.2. Điều trị tại chỗ


Nhỏ mũi. Rửa mũi. Khí dung họng. Thể viêm họng xuất tiết có thể chấm Glycerine Iode.
Thể viêm họng quá phát: đốt các hạt quá phát bằng cautère điện hoặc bằng Nitrate bạc 10% hoặc
đốt lạnh bằng Nitơ lỏng. Thể viêm họng teo: bôi họng, súc họng bằng các thuốc kích thích (loại
có iốt loãng, thuốc dầu), hoặc bằng nước khoáng.

5.3.3. Điều trị toàn thân

- Thay đổi thể trạng: điều trị nước suối, thay đổi điều kiện khí hậu, môi trường sinh hoạt,
làm việc nếu có thể.

- Uống vitamine C, A, D.

5.3.4. Điều trị triệu chứng

Thuốc làm lỏng chất nhầy, kháng viêm, chống dị ứng, giảm ho...

6. Dự phòng viêm họng


- Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch. Phòng
hộ lao động tốt. Bỏ thuốc lá và rượu. Vệ sinh răng miệng tốt. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Điều
trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm amiđan,...

- Khi bị viêm họng, phải điều trị sớm và triệt để để tránh các biến chứng.

- Theo dõi tốt và hạn chế các di chứng do các biến chứng của viêm họng gây ra.
VIÊM MŨI XOANG CẤP TÍNH

1. ĐỊNH NGHĨA

Viêm mũi xoang được hiểu theo nghĩa rộng là viêm mũi và các xoang cạnh mũi,
gây ra một nhóm các rối loạn.

Phân loại viêm m ũi xoang theo thời gian bị viêm gồm có: cấp tính (t ừ 4 tuần trở
lại), bán cấp tính (4-12 tuần) và mạn tính (trên 12 tuần). Có thể phân chia thành viêm mũi
xoang cấp tính tái phát (lớn hơn hoặc bằng 4 đợt trong một n ăm mà không có triệu chứng
của viêm mũi xoang mạn tính) và viêm mũi xoang cấp tính kịch phát.

2. NGUYÊN NHÂN

Viêm mũi xoang do các nhóm nguyên nhân chính như sau:

2.1. Sau cảm cúm (viêm nhiễm virus đường hô hấp trên)

Viêm mũi xoang do nhiễm khuẩn cấp tính điển hình thườ ng bắt đầu với viêm nhiễm
virus đường hô h ấp trên kéo dài hơn 10 ngày. Trong m ột s ố trường hợp, viêm mũi xoang
nhiễm khuẩn cấp tính thứ phát do hậu quả của sự bít tắc lỗ thông mũi xoang (do phù nề
niêm mạc) và có thể do sự tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển. Kết quả cuối
cùng là ứ đọng chất nhầy trong xoang và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát
triển. Các tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm xoang cấp tính bao gồm
Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza, và Moraxella Catarrahalis.

2.2. Các nguyên nhân khác

Dị ứng.
Trào ngược dạ dày - thực quản .
Hít phải các chất kích thích (bụi, khói thuốc lá, hoá chất…).

Bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá
phát mỏm móc, bóng sàng).
VA quá phát.
Chấn thương mũi xoang.
Các khối u vòm mũi họng.

Bệnh toàn thân: suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng lông chuyển, bệnh xơ
nang (Cystic fibrosis)…
CHẨN ĐOÁN VIÊM MŨI XOANG CẤP TÍNH DO VI KHUẨN

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. Triệu chứng lâm sàng

Cần phải nghĩ t ới viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn khi viêm nhi ễm đường hô
hấp trên do virus sau 5-7 ngày triệu chứng ngày càng xấu đi hoặc kéo dài hơn 10 ngày
chưa khỏi bệnh.

Các triệu chứng giúp chẩn đoán viêm mũi xoang cấp tính gồm có:

Các triệu chứng chính:


Cảm giác đau và nhức ở vùng mặt
Sưng và nề vùng mặt
Tắc ngạt mũi
Chảy mũi, dịch đổi mầu hoặc mủ ra mũi sau.
Ngửi kém hoặc mất ngửi
Có mủ trong hốc mũi
Sốt

Các triệu chứng phụ:


Đau đầu
Thở hôi
Mệt mỏi
Đau răng
Ho
Đau nhức ở tai

Soi mũi trước: là cần thiết với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bị viêm mũi
xoang. Cần chú ý phát hiện chất nhầy mủ, sung huyết, dị hình vách ngăn…

Thăm khám nội soi: Phương pháp nội soi mũi là cần thiết để xác định viêm mũi
xoang. Những dấu hiệu có giá trị bao gồm: mủ nhầy tại phức hợp lỗ ngách và ngách sàng
bướm, sự phù nề, sung huyết… niêm mạc mũi. Đối với viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm
khuẩn, nội soi rất hữu ích cho chẩn đoán và lấy bệnh phẩm từ khe giữa.

3.1.2. Triệu chứng cận lâm sàng


Chẩn đoán hình ảnh:
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) là phương pháp đang được lựa chọn trong
chẩn đoán viêm mũi xoang. Tuy nhiên hình ảnh trong viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm
khuẩn sẽ không được rõ ràng trừ khi có biến chứng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) của xoang thường ít được thực hiện hơn CT
Scanner bởi vì phương pháp này không tạo được hình ảnh xương rõ ràng. Tuy nhiên, MRI
thường có thể giúp phân biệt được dịch nhầy còn đọng lại trong xoang với khối u của nhu
mô khác dựa trên những đặc điểm đậm độ tín hiệu, mà có thể không phân biệt được trên
phim CT Scanner; chính vì vậy, MRI có thể rất có giá trị để phân biệt xoang có khối u
với xoang có ứ đọng dịch. MRI cũng là một phương pháp hữu ích khi nghi ngờ có bệnh
tích xâm lấn ổ mắt - nội sọ.

Xét nghiệm:

Xét nghiệm không thực sự có giá trị trong việc đánh giá viêm mũi xoang cấp tính.
Tuy nhiên trong một số trường hợp viêm mũi xoang cấp tính cũng cần tiến hành một số
xét nghiệm để đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch, HIV, bệnh tự miễn…

3.2. Chẩn đoán phân biệt

Viêm mũi xoang cấp tính cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh khác gồm có:
viêm mũi do virus (cảm cúm), đau nhức khớp thái dương hàm, đau đầu (bao gồm cả hội
chứng đau nửa đầu - Migraine); đau răng, đau mũi, đau dây thần kinh V và khối u tân sinh
trong xoang. Triệu chứng đau nhức vùng mặt, chảy mũi mủ, sung huyết mũi, ngửi giảm,
đau răng và kém đáp ứng với thuốc co mạch có thể giúp phân biệt.

3.2.1. Viêm mũi do virus (cảm cúm)

Trong chẩn đoán viêm mũi xoang cấp, vấn đề khó khăn nhất là phân biệt nó với
viêm mũi do virus vì diễn biến của bệnh và sự giống nhau về triệu chứng. Tuy nhiên, khi
thăm khám thấy có mủ trong hốc mũi có thể nghĩ tới viêm mũi xoang cấp. Đặc biệt phải
nghĩ đến viêm xoang nếu các triệu chứng viêm mũi xấu đi sau 5 ngày hoặc kéo dài hơn
10 ngày. Triệu chứng cấp tính của một bên mặt cũng liên quan hơn tới viêm xoang.

3.2.2. Đau nhức khớp thái dương hàm

Đau nhức khớp thái dương hàm rất phổ biến và dễ bị nhầm lẫn với đau của viêm
xoang. Đau nhức khớp thái dương hàm thường gây ảnh hưởng đến trí nhớ, trí tuệ, tinh
thần và chất lượng cuộc sống.

3.2.3. Đau đầu và đau nửa đầu

Đau đầu và đau nửa đầu có thể rất dễ nhầm lẫn với đau do viêm xoang. Đau nửa
đầu có đặc điểm là đau ở một bên và kéo dài từ 4-72 giờ. Sự xuất hiện của những cơn này
thường ngắn và đáp ứng với thuốc chữa đau nửa đầu như là ergot alkaloids. Cảm giác
căng ở vùng trán như đeo đai cùng với đau đầu đặc thù sẽ giảm đi ở những ngày sau đó.

3.2.4. Đau răng và đau dây thần kinh số V

Đau răng có thể là do viêm xoang và có thể nhầm với đau do viêm xoang.

Đau dây thần kinh số V thường không phổ biến, nhưng có thể gây ra cơn đau nhói
kịch phát theo đường đi của dây thần kinh V. Cảm giác này trái với triệu chứng đau kéo
dài liên tục của viêm xoang.

3.2.5. U xoang

xoang thường không phổ biến, nhưng với tiền sử tắc mũi và chảy máu mũi một
bên cần chụp CT Scanner và nội soi mũi. X quang, u xoang được thể hiện ở một bên và
xương bị ăn mòn.

ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

Đối với viêm mũi xoang cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa. Phẫu thuật chỉ đặt ra
trong những trường hợp cần thiết.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Thuốc kháng sinh

Tỷ l ệ các vi khuẩn thường gặp trong viêm mũi xoang cấp tính kháng thuốc ngày
càng cao. Đối với S. Ppneumoniae có 25% kháng lại penicillin và kháng lại macrolides
cũng như trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) rất phổ biến. Có 30% H.
Influenzae và hầu hết nhóm M. Catarrhalis tạo ra β-Lactamase. Những h ướng dẫn gần
đây cho sự lựa chọn thuốc kháng sinh trong điều trị viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn cần
phụ thuộc vào m ức độ nặng của bệnh và cần cân nhắc bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng
sinh trong 4-6 tuần gần đây không.

Đối với thể nặng thời gian điều trị từ 10-14 ngày.

Với thể trung bình và gần đây không sử dụng thuốc kháng sinh, nên sử dụng
amoxicillin/clavulanate hoặc cefpodoxime, cefuroxime hoặc cefdinir. Nếu người lớn dị
ứng với β-Lactam thì nên dùng TMP/SMX, doxycycline hoặc macrolide và trẻ em dị ứng
β-Lactam nên sử dụng TMP/SMX hoặc macrolide. Tuy nhiên tỉ lệ thất bại với thuốc kháng
sinh không phải nhóm β-Lactam có thể tới 25%.
Đối với những người sử dụng thuốc kháng sinh gần đây hoặc bệnh ch ưa ở mức
nguy hiểm, việc lựa chọn thuốc uống ban đầu nên bao gồm thuốc quinolone đường hô
hấp, amoxicillin/clavulanate, ceftriaxone hoặc kết hợ p với kháng sinh phổ rộng đối với
người lớn và amoxicillin/clavulanate, ceftriaxone đối với trẻ em. Người lớn bị dị ứng β-
Lactam nên được điều trị với thuốc quinolone đường hô hấp hoặc clindamycin và
rifampin, trong khi, trẻ em dị ứng β-Lactam nên sử dụng TMP/SMX, macrolide hoặc
clindamycin. Nếu phương pháp chữa trị trong 72 giờ thất bại, nên đánh giá lại và thay đổi
phương pháp điều trị. Trong trường hợp này, CT Scanner, nội soi mũi và nuôi cấy vi
khuẩn nên được cân nhắc.

Hiệu quả của kháng sinh trong điều trị viêm xoang cấp tính được thể hiện trong
bảng dưới đây:

Tác nhân gây


bệnh

Kháng sinh đường uống Haemophilus Moraxella


S.
Pneumonia
SPP Catarrahalis

Penicillin/Amoxicillin + 0 0

Thế hệ thứ nhất ± 0 0

Cephalosporins Thế hệ thứ 2 + + +

Thế hệ thứ 3 ± + +

Amoxicillin/Clavulanate + + +

Macrolides ± ± ±

Clindamycin + 0 0

Imipenem/Meropenem + + +

Trimethoprim/Sulfamethoxazole - + +
Quiniolones (cũ) hoặc
Aminoglycosides ± + +

Quinolones
(mới) + + +

Không hoặc rất ít tác dụng


(<30%) ±: Tương đối tác dụng
(30 - 80%)
Tác dụng tốt (>80%)

Rửa mũi và xịt mũi:

Cùng với liệu pháp kháng sinh toàn thân, điều trị tại mũi là rất cần thiết:

Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương
có thể giúp giữ ẩm và làm sạch dịch trong hốc mũi.
Xịt trực tiếp corticoid vào mũi có thể làm giảm tiết dịch (ít gây ảnh hưởng đến
toàn thân).

Xịt oxymetazoline hydrochloride thời gian ngắn (ví dụ 3 ngày) để giảm các
triệu chứng của viêm mũi xoang cấp hoặc tránh viêm mũi xoang cấp chuyển thành mạn
tính. Ngược lại nếu xịt kéo dài có thể làm bệnh nặng hơn.

4.2.2. Liệu pháp corticoid toàn thân, thuốc làm thông mũi và những liệu pháp điều trị
khác

Sử dụng corticoid toàn thân có hiệu quả chống viêm cao tuy nhiên chỉ sử dụng giới
hạn và cần được kiểm soát cẩn thận.

Các thuốc làm thông mũi và tan nhầy theo đường toàn thân như là guaifenesin có
thể giúp giảm các triệu chứng.

Các thuốc đối kháng thụ thể Leukotriene (montelukast, zafirlukast) và thuốc kháng
sinh macrolide có hiệu quả chống viêm, có thể chữa trị có hiệu quả.

4.2.3. Điều trị dị ứng

Đối với bệnh nhân dễ bị dị ứng, kiểm soát dị ứng là cần thiết để ngăn chặn sự phát
triển của viêm mũi, chính vì vậy có thể ngăn chặn quá trình phát triển thành viêm xoang.

4.2.4. Phẫu thuật xoang

Tối đa sau 4-6 tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp, corticoid tại chỗ và liệu
pháp corticoid toàn thân không kết quả nên cân nhắc phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật có
thể cần thiết nếu có những bằng chứng về tổn thương niêm mạc hoặc tắc phức hợp lỗ
ngách (khi được xác định bằng CT Scanner hoặc khám nội soi) vẫn dai dẳng mặc dù đã
điều trị liên tục. Bệnh nhân chắc chắn có các bất thường về giải phẫu mũi xoang có thể
cũng phải phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang:


Chỉ định:

Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang dựa trên một số quan sát quan trọng:
Quan sát rõ ràng tại vị trí của lỗ thông mũi xoang không bình thường có thể
sẽ không đảm bảo cho dẫn lưu xoang trực tiếp của dòng niêm dịch.
Chít hẹp giải phẫu phức hợp lỗ ngách.
Niêm mạc mũi xoang bị tổn thương khó hồi phục và làm mất chức năng hệ
thống lông chuyển ảnh hưởng đến sự dẫn lưu dịch.

Phẫu thuật xoang mở:


Mặc dù phương pháp nội soi chức năng mũi xoang có nhiều ưu điểm, đôi khi vẫn
cần dùng tới phương pháp phẫu thuật xoang mở như phẫu thuật Caldwel -Luc. Phẫu thuật
này mở vào xoang, cho phép sinh thiết xoang và mở lỗ dẫn lưu vào hốc mũi.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Tiên lượng

Tiên lượng viêm xoang cấp tính là rất tốt, với ước tính khoảng 70% bệnh nhân mắc
bệnh sẽ tự khỏi mà không được chữa trị. Kháng sinh đường uống có thể giảm thời gian b
ệnh nhân có triệu chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp viêm xoang có thể gây ra
một số biến chứng.

5.2. Biến chứng

5.2.1. Viêm nhiễm ổ mắt

Hốc mắt được ngăn cách với xoang sàng bởi xương giấy vốn rất mỏng và dễ bị rạn
nứt. Mặt khác hệ thống tĩnh mạch mắt có liên hệ với mạch sàng, bởi vậy nhiễm khuẩn
hốc mắt là biến chứng phổ biến nhất của viêm xoang cấp. Tỷ lệ mắc biến chứng của hốc
mắt ở trẻ nhỏ th ường cao hơn so với ở người l ớn. Một số nhiễm khuẩn hốc mắt do bi ến
chứng của viêm xoang là: phù nề, viêm nhiễm ở mi mắt; viêm mô tế bào ổ mắt; viêm tắc
tĩnh mạch xoang hang.

5.2.2. Viêm màng não

Viêm màng não thườ ng xảy ra do nhiễm khuẩn từ xoang sàng và xoang bướm. Khi
thăm khám, bệnh nhân có biến chứng này có thể giảm hoặc không đáp ứng với các kích
thích. Có thể có các dấu hi ệu của viêm màng não như Kernig và Brudzinski (+). Nếu phát
hi ện viêm màng não do biến chứng của viêm xoang, cần phải chụp CT Scanner não, CT
Scanner xoang và chọc rò tủy sống giúp chẩn đoán.
5.2.3. Áp xe ngoài màng cứng

Áp xe ngoài màng c ứng là sự tích tụ mủ giữa xương s ọ và màng cứng, điển hình
liên quan đến viêm xoang trán. M ột mặt do viêm nhiễm trực tiếp từ xoang lan rộng, mặt
khác theo đường máu, có thể dẫn tới viêm mủ dưới màng cứng và cuối cũng dẫn tới áp
xe não.

5.2.4. Tắc tĩnh mạch xoang hang

Cục huyết khối nhiễm khuẩn từ mắt có thể chảy về phía sau thông qua hệ tĩnh mạch
mắt tới xoang hang, gây ra nhiễm khuẩn, viêm nhiễm và cuối cùng là nghẽn mạch xoang.
Bệnh nhân có những triệu chứng ở mắt như: phù kết mạc, đồng tử phản ứng chậm chạp,
liệt mắt và mù lòa.

5.2.5. Khối sưng phồng của Pott

Nếu viêm nhiễm trong xoang trán lan đến tuỷ xương trán, hiện tượng viêm xương
tuỷ khu trú kết hợp với phá huỷ xương có thể gây ra khối sưng mềm vùng trán được mô
tả kinh điển là khối sưng phồng của Pott.

PHÒNG BỆNH

Có chế độ điều trị, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý khi mắc cảm cúm.

Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích (bụi, khói thuốc lá, hoá chất…).

Quan tâm điều trị trào ngược dạ dày - thực quản.

Giải quyết các bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi
cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng).

Nạo VA quá phát.

Điều trị các khối u vòm mũi họng.

Quan tâm, điều trị các bệnh toàn thân.


VIÊM MŨI XOANG MẠN TÍNH

1. ĐỊNH NGHĨA

Viêm mũi xoang mạn tính là viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng: đau
nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa, đôi
khi cả khe trên có mủ. Người bệnh có thể bị sốt, kém tập trung, người mệt mỏi. Các triệu
chứng này kéo dài trên 12 tuần.

NGUYÊN NHÂN

Do viêm mũi xoang cấp không được điều trị đúng mức.

Do viêm mũi xoang dị ứng.

Do các yếu tố môi trường (thuốc lá, ô nhiễm, chất kích thích,…).

Do cấu trúc giải phẫu bất thường (Vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa,
V.A quá phát,…).

Do hội chứng trào ngược.

CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:


Ngạt tắc mũi thường xuyên.
Xì mũi hoặc khịt khạc mủ nhày hay mủ đặc thường xuyên.
Đau nhức vùng mặt.
Mất ngửi hoặc giảm ngửi.
Kèm theo bệnh nhân có thể bị đau đầu, ho, mệt mỏi, hơi thở hôi.

Triệu chứng thực thể: soi mũi thấy:


Dịch mủ nhầy hoặc mủ đặc ở khe giữa, đôi khi khe trên.
Niêm mạc hốc mũi viêm phù nề hoặc thoái hoái thành polyp.
Có thể thấy các cấu trúc giải phẫu bất thường như: vẹo lệch vách ngăn, bóng
hơi cuốn giữa, V.A quá phát,…

Các triệu chứng trên kéo dài trên 12 tuần.

3.1.2. Cận lâm sàng

Phim X quang thông thường (Blondeau, Hirtz) cho hình ảnh không rõ, ít sử dụng.
Hình mờ đều hoặc không đều các xoang.
Vách ngăn giữa các xoang sàng không rõ.
Hình ảnh dày niêm mạc xoang.

Phim CT Scan: cho hình ảnh:


Hình ảnh mờ các xoang, có thể mờ đều hoặc không đều.
Dày niêm mạc các xoang, mức dịch trong xoang, polyp mũi xoang.
Bệnh tích bịt lấp vùng phức hợp lỗ ngách.
Các cấu trúc giải phẫu bất thường như: Vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn
giữa, cuốn giữa đảo chiều,…

3.2. Chẩn đoán phân biệt

Với bệnh viêm mũi xoang dị ứng:


Hắt hơi, ngứa mũi, ngạt mũi và chảy nước mũi trong là chủ yếu.
Không có mủ ở khe giữa hay khe trên.
Cuốn mũi luôn phù nề, nhợt màu.
Test lẩy da, test kích thích mũi, phản ứng phân hủy mastocyte dương tính.

ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

Nghỉ ngơi, phòng tránh các tác nhân, nguyên nhân gây viêm mũi xoang.

Đảm bảo dẫn lưu tốt mũi xoang, chống phù nề niêm mạc.

Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân.


4.2. Phác đồ điều trị

Điều trị nội khoa

Điều trị ngoại khoa..

4.3. Điều trị cụ thể

4.3.1. Điều trị nội khoa

Điều trị toàn thân:


Thuốc kháng sinh: thường từ 2 đến 3 tuần.
Thuốc corticosteroid uống.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.


Điều trị tại chỗ:
Dùng thuốc co mạch.
Rửa mũi bằng nước mũi sinh lý.
Làm thuốc mũi, rửa mũi xoang.
Thuốc corticosteroid dạng xịt.

4.3.2. Điều trị phẫu thuật

Chỉ định:
Viêm mũi xoang mạn tính điều trị nội khoa tối đa mà không kết quả.
Viêm mũi xoang mạn tính có cản trở dẫn lưu phức hợp lỗ ngách do dị hình
giải phẫu như: lệch vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều,…
Viêm mũi xoang mạn tính có thoái hóa polyp mũi xoang.

Các phẫu thuật nội soi mũi xoang gồm:


Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang tối thiểu.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng - hàm - trán - bướm.

Chăm sóc và điều trị sau mổ:


Điều trị toàn thân:
Thuốc kháng sinh: thường từ 1 đến 2 tuần.
Thuốc corticosteroid uống.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể


trạng. + Điều trị tại chỗ:
Rút merocel mũi sau 24 giờ.
Dùng thuốc co mạch.
Rửa mũi bằng nước mũi sinh lý.
Làm thuốc mũi, rửa mũi xoang.
Thuốc corticosteroid dạng xịt.

TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Tiên lượng

Bệnh viêm mũi xoang mạn tính do nhiều nguyên nhân, điều trị thường dài ngày
nên để tránh tái phát nên đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác
sỹ.

5.2. Biến chứng

Biến chứng đường hô hấp:


Viêm tai giữa.
Viêm thanh quản.
Viêm giãn khí phế quản.

Biến chứng mắt:

Viêm phần trước ổ mắt.

Viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu.

Biến chứng nội sọ:


Viêm màng não.
Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não.
PHÒNG BỆNH

Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên.

Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc.

Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.

Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực.
MỘT SỐ THỦ THUẬT VỀ TAI

Mục tiêu:
1. Nắm được các chỉ định của thủ thuật về tai
2. Nắm được nguyên tắc, các bước tiến hành các thủ thuật tai.

I. LÀM THUỐC TAI


Làm thuốc tai là một trong những thủ thuật về tai được sử dụng nhiều tại phòng khám tai
mũi họng hoặc phòng điều trị nội trú.
Thủ thuật làm thuốc tai bao gồm làm thuốc tai ướt và làm thuốc tai khô.
1.1. Súc rửa tai
Mục đích: làm sạch ống tai ngoài, tai giữa hoặc hố mổ xương chũm.
Chỉ định:
- Ráy tai
- Dị vật tai
- Dịch mủ, nấm ống tai
- Viêm tai giữa mạn tính có thủng nhĩ
- Viêm tai giữa cấp vỡ mủ
- Trước khi làm thuốc tai
Phương pháp tiến hành:
- Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân lớn tuổi nghiêng đầu, hướng tai cần vệ sinh lên trên. Lưu ý
đối với trẻ em, cố định chặt trẻ.
- Dùng tay kéo nhẹ vành tai lên trên ra sau. Hút sạch mủ hoặc chất bẩn trong ống tai bằng
ống hút có kích thước phù hợp với ống tai. Tránh gây tổn thương thứ phát. Nếu dịch mủ đặc hoặc
dị vật nhỏ nằm sâu, có thể bơm nhẹ nước muối sinh lý được làm ấm vào ống tai, đợt một lát rồi
hút.
- Thông thường sau 2 – 3 lần hút thì ống tai sạch, có thể quan sát được toàn bộ ống tai. Có
thể nhỏ vào tai vài giọt oxy già, đợi tác dụng làm sạch bằng oxy già, hút lại ống tai bằng ống hút.
Có thể rửa sạch lại bằng nước muối sinh lý.
Hình 1: Súc rửa tai
1.2. Làm thuốc tai
Mục đích: đưa thuốc vào tai ngoài, tai giữa, hố mổ xương chũm sau phẫu thuật tiệt căn
xương chũm có tác dụng điều trị tại chỗ. Dạng thuốc hay sử dụng là dạng mỡ, dạng bột (làm thuốc
tai khô) hoặc dạng nước (làm thuốc tai ướt).
Chỉ định:
- Viêm vành tai
- Viêm ống tai ngoài do vi khuẩn, vi nấm
- Viêm tai giữa mạn tính
- Hậu phẫu khoét chũm tiệt căn
- Chấn thương tai có thủng nhĩ
Phương pháp tiến hành:
- Súc rửa tai, làm sạch ống tai.
- Dùng cồn iod hoặc dung dịch betadin hoà loãng làm sát khuẩn sạch ống tai một lần nữa trước khi
bôi thuốc.
- Tra thuốc dạng mỡ bằng que tăm bông trùng vào vị trí tổn thương. Nếu sử dụng thuốc dạng bột
thì bệnh nhân phải nghiêng đầu, hướng tai cần làm thuốc lên trên. Kéo nhẹ vành tai lên trên, ra
sau, đưa thuốc nhẹ nhàng vào ống tai từng lượng bột nhỏ, tránh tạo vón, cục gây tắc nghẽn.
Nếu dùng thuốc nước thì nhỏ thuốc 2 – 3 giọt vào thành ống tai, đợi thuốc chảy xuống vào sâu.
Tránh nhỏ thuốc trực tiếp vào ống tai, tạo bóng khí, thuốc không xuống được và có thể gây chóng
mặt.
Tai biến, biến chứng:
- Chảy máu:
+ Do xây xát trong quá trình làm sạch ống tai.
+ Xử trí: đặt đoạn bấc ngắn ép điểm chảy máu.
- Chóng mặt:
+ Có thể do lượng thuốc quá nhiều trong hòm nhĩ hoặc thuốc dạng mỡ tan tác động
lên cửa sổ tròn gây chóng mặt.
+ Triệu chứng thường thoáng qua, tự khỏi.
+ Xử trí: giải thích bệnh nhân biết, cho bệnh nhân nằm yên, đầu thấp và không quay
đầu. Nếu không cải thiện, hút giảm lượng thuốc trong ống tai.
II. LẤY DỊ VẬT TAI
- Dị vật tai là cấp cứu trong tai mũi họng, có thể gặp ở người lớn và trẻ em.
- Dị vật có thể là côn trùng (dị vật sống), dị vật vô cơ (đồ chơi, vật kim loại…), dị vật hữu
cơ (nút ráy tai…).
2.1. Mục đích:
Lấy bỏ dị vật ra khỏi ống tai.
2.2. Phương pháp tiến hành:
- Đối với dị vật sống: phải làm bất hoạt hoặc giết chết dị vật sống trước khi loại bỏ dị vật.
- Đối với dị vật trơn, tròn: dùng móc hoặc currete thìa hoặc vòng để khều dị vật ra ngoài.
- Đối với các dị vật nhỏ, mềm: dùng kẹp để gắp ra ngoài hoặc bơm nước và hút.
Làm chết dị vật sống: xịt thuốc tê Lidocain 10% hoặc nước muối sinh lý.
Lưu ý: không sử dụng các hoá chất gây tổn thương ống tai, màng nhĩ.
2.3. Tai biến:
- Chấn thương ống tai: do dị vật gây tổn thương hoặc thao tác lấy dị vật.
+ Hình thái tổn thương: rách da ống tai, phù nề ống tai, chảy máu.
+ Xử trí: điều trị nội khoa bằng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
- Thủng nhĩ:
+ Do dị vật nhọn, nằm sâu, thao tác lấy dị vật gây sang chấn hoặc do bệnh nhân
vùng vẫy khi lấy dị vật.
+ Xử trí: làm thuốc tai khô, nội khoa và theo dõi định kỳ.
Thông thường màng nhĩ tự đóng kín lại sau 1 tuần đến 10 ngày.
Hình 2: Một số cách lấy dị vật
III. THÔNG VÒI TAI

3.1. Chỉ định và chống chỉ định

- Chỉ định: hẹp hoặc tắc vòi nhĩ.

- Chống chỉ định: viêm mũi xoang cấp, viêm họng cấp tính, u vùng mũi, vòm.

3.2. Dụng cụ:

- Ống thông vòi Itard, ống nghe, quả bóng bóp có dây cao su nối giữa quả bóng và sonde
Itard.

- Que gây tê và thuốc tê.

3.4. Phương pháp tiến hành

- Bệnh nhân được đặt co mạch và gây tê niêm mạc mũi bằng Lidocain 10%.

- Bệnh nhân ngồi trước mặt thầy thuốc. Luồn ống thông vòi Itard dọc theo sàn mũi vào
thành sau họng. Sau đó kéo lùi ra khoảng 1cm. Quay đầu sonde 900 về phía loa vòi. Đồng thời bảo
bệnh nhân nuốt để loa vòi mở. Tay bệnh nhân giữ ống thông.

- Một tay thầy thuốc giữ ống nghe, 1 tay bóp bóng nhẹ, sau bóp mạnh dần đến khi nào thấy
tiếng ục ở tai là được.

- Sau đó bơm kháng sinh và hydrocortisol vào loa vòi. Khi rút ống thông làm ngược chiều
với lúc đầu.
Ngày nay, dưới sự hỗ trợ của nội soi mũi, thông vòi bằng ống thông Itard dễ dàng hơn
nhiều.
3.5. Tai biến
- Chảy máu:
+ Nguyên nhân: chủ yếu do tổn thương niêm mạc mũi, vòm khi đặt ống thông vòi.
+ Xử trí: thao tác nhẹ nhàng, co mạch tốt. Đặt meche mũi cầm máu tại chỗ.
- Tràn khí:
+ Do đặt ống thông gây tổn thương niêm mạc, bơm hơi áp lực lớn.
+ Xử trí: ngưng thủ thuật và theo dõi. Thông thường lượng tràn khí rất ít và cơ thể
hấp thu hết.

Hình 3: Thông vòi nhĩ


IV. CHÍCH RẠCH MÀNG NHĨ
Chích rạch màng nhĩ là thủ thuật tạo lỗ thông giữa hòm nhĩ và ống tai ngoài nhằm mục
đích dẫn lưu dịch từ tai giữa và giảm áp lực ở tai giữa.
4.1. Chỉ định
- Viêm tai giữa cấp ứ mủ
- Đặt ống thông khí màng nhĩ
- Lấy dịch hòm nhĩ làm xét nghiệm
4.2. Dụng cụ, chuẩn bị
- Dụng cụ bao gồm dao chích rạch màng nhĩ, ống soi tai, bông, oxy già…
- Chuẩn bị bệnh nhân: phương pháp vô cảm thường được áp dụng là gây tê tại chổ. Đối với trẻ em,
cần phải được giữ cố định chặt.
4.3. Phương pháp tiến hành
- Sát trùng ống tai, soi tai nhìn cho rõ màng nhĩ, dao chích rạch màng nhĩ đã được sát khuẩn.
- Vị trí thường chích ở 1/4 sau dưới hoặc trước dưới không sát khung nhĩ và cũng không xa quá 5
mm.
- Sau chích rạch có thể lấy mủ làm xét nghiệm hoặc hút sạch mủ. Thông thường không cần thiết
phải súc rửa ống tai. Có thể đặt một đoạn bấc vô khuẩn vào ống tai với mục đích thấm dịch, máu,
hạn chế nhiễm trùng ngược dòng.
- Nên kiểm tra lại tình trạng vết chích rạch màng nhĩ sau 24 giờ, Nếu triệu chứng không cải thiện,
màng nhĩ đóng kín, ứ mủ thì nên thực hiện lặp lại thủ thuật.
4.4. Tai biến
- Choáng, chóng mặt: do chích quá sâu vào mê nhĩ.
- Chảy máu: do chích sâu và rộng quá hoặc tổn thương ống tai.
- Nghe kém: do sang chấn, chích rạch sai vị trí gây trật khớp xương con.

Hình 4: Chích rạch màng nhĩ


X QUANG TRONG TAI MŨI HỌNG

Mục tiêu :
1. Nêu được chỉ định và cách đọc phim Schuller
2. Nêu được chỉ định và cách đọc phim X quang mũi xoang,
3. Nêu được chỉ định và cách đọc phim X quang cổ nghiêng

X quang là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong tai mũi họng. Ngày nay với sự
phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành chẩn đoán hình ảnh đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong
nâng cao chất lượng hình ảnh, khả năng chẩn đoán chính xác dựa vào hình ảnh học. Trong khuôn
khổ bài này, chúng tôi giới thiệu một số hình ảnh x quang thông thường và các bệnh lý hay gặp
trong tai mũi họng.
I. X QUANG TAI
Hình ảnh x quang tai giúp đánh giá khối xương chũm, các tổn thương tại xương chũm.
1.1. Phim Schüller (thái dương – nhĩ)
1.1.1. Tiêu chuẩn phim chụp đúng
- Ống tai trong và ống tai ngoài chồng lên nhau
- Phải thấy rõ khớp thái dương hàm
1.1.2. Trọng tâm nghiên cứu
- Xương chũm: là một hình tam giác ngược, đỉnh ở dưới, đáy ở trên, nằm sau ống tai. Trong tam
giác này có nhiều lổ sáng, đó là các tế bào chũm, giữa các tế bào chũm có các vách ngăn rõ rệt.
- Xoang tĩnh mạch bên: bờ trước xoang tĩnh mạch bên đi từ góc Citelli (được cấu tạo bởi bờ trước
tĩnh mạch bên và bờ trên xương đá) đến mỏm chũm.
- Xương đá: bóng xương đá được chiếu vào khớp thái dương-hàm ở bờ sau lồi cầu.
- Mê nhĩ: là một khối mờ ở sau và trên của ống tai. Mê nhĩ che lấp sào bào.
Hình 1: Phim Shüller tai PHẢI bình thường.

SA: góc Citteli M: thông bào chũm LS: bờ trước tĩnh mạch bên DP: màng não

IAC: ống tai trong EAC: ống tai ngoài, TMJ: khớp thái dương hàm

1.1.3. Chỉ định


- Viêm xương chũm cấp tính và mạn tính.
- Viêm tai nghi ngờ có hồi viêm, có cholesteatome, có biến chứng nội sọ
- Chấn thương xương chũm, đạn bắn vào tai, các khối u ở tai.
1.1.4. Hình ảnh bệnh lý
Phim Schüller bệnh lý có 3 hình ảnh sau:
- Mất hết cấu trúc thông bào
- Xương chũm lắng đọng chất vôi, tăng đậm bờ trên xương đá, bờ trước tĩnh mạch bên và góc
Citteli.
- Có ổ tiêu xương nằm trong tam giác xương chũm
Hình 2: Viêm tai xương chũm mạn tính có Hình 3 : Viêm tai xương chũm có
đặc ngà khối xương chũm. cholesteatome.

II. X QUANG MŨI XOANG


2.1. Phim Blodeau (cằm – mũi phim)
Phim Blondeau sử dụng để nghiên cứu xoang hàm và xoang trán là chính. Ngoài ra có thể
đánh giá thêm cung răng, hốc mũi, vách ngăn, cung tiếp gò má, xương hàm dưới.
2.1.1. Tiêu chuẩn phim đúng
- Bờ trên xương đá không rọi vào đáy xoang hàm
- Vách ngăn mũi là đường thẳng đi từ vách xoang trán đến giữa răng cửa hàm trên.
2.1.2. Trọng tâm nghiên cứu
- Xoang hàm: hình tam giác ở hai bên hốc mũi đỉnh ở dưới, đáy ở trên. Phía trong xoang hàm có
lỗ tròn to.
- Xoang trán: hình tam giác nằm góc trên trong của hốc mắt, 2 xoang thường không đối xứng.
Vách ngăn xoang không thẳng mà ngoằn ngoèo.
- Xoang sàng: không thấy rõ, bị che lấp bởi xương chính mũi.
- Ngoài ra có thể đánh giá được vách ngăn, bờ ổ mắt, cung tiếp gò má.
Hình 4: Phim Blondeau
Frontal sinuses: Xoang trán Maxially antrum: xoang hàm
Orbit: Ổ mắt, Nasal and ethmoid cell: hốc mũi và tế bào sàng
2.1.3. Chỉ định
- Viêm đa xoang cấp, mạn tính.
- Chấn thương hàm mặt
2.1.4. Hình ảnh bệnh lý
Phim Blondeau bệnh lý có thể có các hình ảnh sau: mờ xoang hoàn toàn hoặc không hoàn
toàn, kém phát xoang, tăng vôi hóa trong lòng xoang, tiêu vách xoang, mất liên tục cấu trúc xương.

Hình 5: Viêm xoang hàm PHẢI. Hình ảnh mờ Hình 6: Polyp xoang hàm PHẢI. Hình ảnh
xoang hàm một bên. “mặt trời mọc”.

2.2. Phim Hirtz (cẳm – đỉnh phim)


Phim Hirtz sử dụng để nghiên cứu hệ thống xoang sàng, xoang bướm
2.2.1. Tiêu chuẩn phim đúng
- Hai cung răng chồng lên nhau
- Vách ngăn là một đường thẳng đi từ phía trước cung răng đến phía trung tâm của phim và chia
cung răng hàm dưới làm 2 phần cân đối.
2.2.2. Trọng tâm nghiên cứu
- Xoang sàng: xoang sàng xếp dọc hai bên vách ngăn và cách vách ngăn bởi một khe sàng hẹp gọi
là khe khứu giác. Xoang sàng trước chiếm 2/3 trước, xoang sàng sau chiếm 1/3 sau.
- Xoang bướm: hình tam giác hay hình thang, 2 xoang bướm không đều nhau. Vách ngăn giữa hai
xoang bướm thường lệch nhau.

Hình 7: Phim Hirtz

2.2.3. Chỉ định


- Viêm đa xoang cấp, mạn tính
- Giảm thị lực đột ngột.
2.2.4. Hình ảnh bệnh lý
Phim Hitz bệnh lý có thể có các hình ảnh sau: mờ xoang hoàn toàn hoặc không hoàn toàn,
kém phát xoang, tăng vôi hóa trong lòng xoang, tiêu vách xoang.
2.3. Phim sọ nghiêng

Khảo sát chấn thương xương vùng sọ mặt.


2.3.1. Tiêu chuẩn phim đúng

- Hai lồi cầu xương hàm chồng lên nhau.


- Nửa cung răng trái chồng lên nửa cung răng phải
2.3.2. Trọng tâm nghiên cứu
- Xoang trán: nằm ngay trên ổ mắt, giữa lớp trong và lớp ngoài xương sọ.
- Xoang sàng: ở phía dưới và sau xoang trán.

- Xoang bướm: mặt trước giáp với mặt sau xoang sàng sau.
- Xoang hàm: hình chữ nhật nằm ngay trên xương khẩu cái.

- Xương chính mũi: xương chính mũi là xương mảnh, nhỏ do đó cần phải chụp với tia x mềm,
thông thường chỉ định được ghi rõ x quang mũi nghiêng tia mềm.

Hình 8: Phim sọ nghiêng


2.3.3. Chỉ định

- Chấn thương, viêm xoang trán, xoang bướm.


- Chấn thương hàm mặt, xương chính mũi, xương ổ mắt, mảnh sàng, xương hàm dưới

2.3.4. Hình ảnh bệnh lý

Hình 9: Gãy xương chính mũi


III. X QUANG HỌNG – THANH QUẢN

3.1. Phim cổ nghiêng

3.1.1. Tiêu chuẩn đúng


- 2 ngành bên của xương móng chồng vào nhau.

- Phía trên lấy đến hết đốt trục, phía dưới lấy đến hết đốt sống cổ C7.

Tia chụp đúng để phân biệt được thực quản, khí quản, phần mềm trước khí quản.

3.1.2. Trọng tâm nghiên cứu

- Độ cong của cột sống cổ: bình thường cột sống cổ cong về phía trước và tạo góc khoảng 15 – 30
độ.

- Phần mềm trước cột sống cổ: bao gồm phần mềm thành sau hạ họng ở trên cao và phần thực
quản đoạn cổ, thường bắt đầu từ đốt sống cổ C4. Thông thường chiều dày phần mềm chiếm khoảng
1/3 chiều ngang của cột sống cổ ở vị trí tương ứng.

- Trên phim cố nghiêng còn có thể khảo sát sụn thanh thiệt, buồng thanh thất morgagni, các điểm
vôi hóa sụn giáp, sụn phễu.

1: Ống tai ngoài 2: VA

3: Xương chũm 4: Dái tai

5: Khẩu cái cứng 6: Khẩu cái mềm

7: Họng 8: Đáy lưỡi

9: Sụn nắp

10: Rãnh lưỡi – thanh thiệt

11: Xương móng

12: Nẹp phễu thanh thiệt

13: Buồng thanh thất 14: Thực quản


Hình 10 : Phần mềm cổ bên
15: Khí quản

3.1.3. Chỉ định


- Dị vật đường ăn đoạn thực quản cổ
- Viêm, phù nề vùng cổ, abces thành sau họng, viêm phù nề sụn nắp,
- Lao cột sống cổ
3.1.4. Hình ảnh bệnh lý
- Cột sống cổ mất chiều cong sinh lý
- Dày phần mềm trước cột sống cổ
- Dị vật cản quang trước cột sống cổ
- Hình ảnh túi hơi, ổ abces có mức hơi dịch ở phần mềm trước cột sống cổ.

Hình 11: Dị vật thực quản (xương cá) Hình 12: Dị vật thực quản (đồng xu)

Hình 13: Viêm tấy thành sau họng Hình 14: Abces thực quản
ĐO THÍNH LỰC ĐƠN GIẢN

Mục tiêu:
1. Nắm được cách đo thính lực bằng tiếng nói
2. Nắm được cách đo thính lực bằng âm thoa

I. ĐẠI CƯƠNG
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (2019) có khoảng 460 triệu người có khiếm khuyết
về thính giác trong đó có khoảng 34 triệu trẻ em, xấp xỉ tỷ lệ 6/1000 trẻ em có giảm thính lực một
hoặc hai bên. Tại Việt Nam, chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ trẻ khiếm thính trên qui mô cả nước.
Các điều tra tầm soát tại một số bệnh viện ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ khiếm thính
dao động 0,2 – 0,4%. Tình trạng suy giảm thính lực gặp ở mọi lứa tuổi, nam và nữ, có liên quan
đến một số yếu tố như làm việc trong môi trường tiếng ồn, thói quen sử dụng tai nghe, tình trạng
lão thính, một số bệnh lý nội khoa và các bệnh lý tại tai.
Đánh giá tình trạng suy giảm thính lực đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác, có trang thiết bị phù hợp
và mất rất nhiều thời gian. Trong thực hành lâm sàng, đánh giá sức nghe đơn giản giúp xác định
sơ bộ tình trạng thính lực và kiểu nghe kém trên bệnh nhân. Đo thính lực đơn giản bao gồm đo
bằng tiếng nói và đo bằng âm thoa. Ưu điểm của phương pháp đo thính lực đơn giản là dễ thực
hiện, có thể thực hiện tại phòng khám yên tĩnh, phân biệt được kiểu nghe kém. Tuy nhiên phương
pháp này chỉ cho kết quả tương đối về mức độ giảm thính lực và không khảo sát được vùng tần số
bị tổn thương.
Phân loại nghe kém bao gồm:
- Nghe kém dẫn truyền: do tổn thương hệ thống dẫn truyền, vị trí tổn thương là tai ngoài và
tai giữa.
- Nghe kém tiếp nhận: do tổn thương bộ phận tiếp nhận, vị trí tổn thương là tai trong, dẫn
truyền thần kinh và não bộ.
- Nghe kém hỗn hợp: bao gồm nghe kém dẫn truyền và nghe kém tiếp nhận.
II. ĐO SỨC NGHE BẰNG TIẾNG NÓI
2.1. Quy tắc
- Khám trong phòng yên tĩnh.
- Để người bệnh đứng tai hướng về phía thầy thuốc, tuyệt đối không nhìn miệng thầy thuốc.
- Thầy thuốc đứng ở bên cạnh bệnh nhân để cho luồng rung động thanh âm dội thẳng góc và màng
nhĩ người bệnh.
- Tai đối diện phải được bịt kín lại.
- Nên bắt đầu bằng tai nghe rõ trước.
2.2. Cách tiến hành
2.2.1. Đo bằng tiếng nói thầm
Thầy thuốc đứng cách bệnh nhân > 5 mét và bảo bệnh nhân nhắc lại những lời mà họ nghe
được. Nên dùng hơi thừa trong phổi để phát âm tức là phải thở ra một cách bình thường rồi hãy
nói.
Nếu bệnh nhân không nghe thấy gì chúng ta bước tới 20cm và hỏi lại. Nếu bệnh nhân vẫn
chưa nghe thấy thì chúng ta tiếp tục đến gần bệnh nhân từng bước 20cm cho đến khi họ nghe được.
Chúng ta tính ra bằng centimet khoảng cách từ chân thầy thuốc đến chân bệnh nhân.
Tai bình thường có thể nghe tiếng nói thầm ở khoảng cách trên 5m. Nếu chỉ nghe có 50cm
là nghe kém nặng.
2.2.1. Đo bằng tiếng nói thường
Phương pháp này chỉ dùng cho những trường hợp nghe kém nặng. Tiếng nói thường tức là
nói với cường độ bình thường. Tai bình thường nghe tiếng nói thường cách 50 mét. Trên thực tế
chúng ta ít khi có được phòng rộng 50 mét để thử tai.
Nhưng nếu bệnh nhân bị điếc nhiều không nghe tiếng nói thầm được thì khoảng cách nói
to sẽ rút ngắn lại còn dưới10 mét và trong trường hợp này chúng ta có điều kiện để sử dụng tiếng
nói to. Cách khám bằng tiếng nói thường cũng giống như cách khám bằng tiếng nói thầm.

Khoảng cách nghe được (tính theo mét) % thiếu hụt sức nghe
Tiếng nói thầm Tiếng nói thường
> 0,5 m > 5m < 35%
0,5 – 0,1 m 5–1m 35% – 65%
0,1 – 0,05 m 1 – 0,5 m 66% – 85%
Sát vành tai Cách 1 gang tay sát vành tai 86 % - 100%
Hình 1: Đo thính lực bằng tiếng nói

Hình 2: Đo thính lực bằng tiếng nói thầm


III. ĐO SỨC NGHE BẰNG ÂM THOA
3.1. Quy tắc
- Sử dụng âm thoa 128 Hz hoặc 256 Hz.
- Đập âm thoa vào mô cái bàn tay.
- Nên thử trong phòng yên tĩnh.
- Đánh giá dẫn truyền theo đường khí (khí đạo) và dẫn truyền theo đường xương (cốt đạo).
3.2. Cách tiến hành
3.2.1. Nghiệm pháp Schwabach
Mục đích nghiệm pháp là đo thời gian cốt đạo. Làm rung âm thoa rồi đặt chân âm thoa vào
xương chũm bệnh nhân. Khi bệnh nhân nghe tiếng kêu thì đưa ngón tay lên, lúc hết thì bỏ xuống.
Bình thường thời gian cốt đạo là 20 giây.
- Nghe kém dẫn truyền: thời gian cốt đạo trên 20 giây.
- Nghe kém tiếp nhận: thời gian cốt đạo dưới 20 giây.
3.2.2. Nghiệm pháp Weber
Đặt một cái âm thoa đang kêu lên đỉnh đầu, hỏi bệnh nhân nghe tiếng vang về bên nào.
Nếu bên nào nghe rõ thì Weber lệch về bên đó. Bình thường, nghe đều cả hai bên, không phân biệt
được bên nào rõ hơn bên nào.
- Nghe kém dẫn truyền: Weber thiên về bên bệnh
- Nghe kém tiếp nhận: Weber sẽ thiên về bên lành.

Hình 3: Nghiệm pháp Weber


3.2.3. Nghiệm pháp Rinne
Nghiệm pháp Rinne so sánh thời gian khí đạo và cốt đạo. Đối với người bình thường thời
gian khí đạo là 30 giây, thời gian cốt đạo là 20 giây. Như vậy tỷ số thời gian khí đạo/cốt đạo > 1,
gọi là Rinne dương tính.
- Nghe kém dẫn truyền: Rinne âm tính. Khí đạo/cốt đạo < 1
- Nghe kém tiếp nhận: Rinner dương tính
Trong thực tế khi làm nghiệm pháp Rinne, chúng ta không cần đến đồng hồ để đếm giây, mà
chỉ cần so sánh khí đạo với cốt đạo bằng cách đặt âm thoa đang kêu vào xương chũm (cốt đạo),
sau khi bệnh nhân hết nghe kêu, chúng ta để âm thoa ở trước cửa tai (khí đạo). Nếu bệnh nhân
nghe kêu trở lại tức là khí đạo lớn hơn cốt đạo (Rinne dương tính) và có nghĩa là tai bình thường
hoặc điếc tai trong. Nếu bệnh nhân không nghe trở lại tức là khí đạo nhỏ hơn cốt đạo (âm tính) có
nghĩa là điếc tai giữa.
Trong trường hợp Nghe kém tiếp nhận một bên chúng ta có thể thấy cốt đạo bên bệnh dài hơn
khí đạo, đó là hiện tượng Rinne âm tính giả hiệu do có hiện tượng dẫn truyền theo đường xuyên
xương sọ sang tai lành đối bên. Chỉ cần loại tai tốt ra (bằng cách thổi không khí vào tai hoặc cho
đeo ống nghe có phát tiếng ù) thì Rinne sẽ dương tính.
Hình 4: Nghiệm pháp Rinne
3.2.4. Nghiệm pháp Bing
Nếu đặt một cái âm thoa đang kêu vào xương chũm của người bình thường, sau 20 giây
bệnh nhân không nghe tiếng kêu nữa, nhưng nếu bịt ngay ống tai cùng bên để loại trừ khí đạo thì
bệnh nhân sẽ nghe tiếng kêu của âm thoa trở lại. Lúc này nghiệm pháp Bing dương tính.
- Nghe kém dẫn truyền: Bing âm tính
- Nghe kém tiếp nhận: Bing dương tính
Bảng tổng hợp các nghiệm pháp theo các kiểu nghe kém
Weber Schwabach Rinne Bing
Bình thường 20” + +
Nghe kém dẫn truyền Tai bệnh > 20” - -
Nghe kém tiếp nhận Tai lành < 20” + +
Tam chứng Bezold: Weber thiên về tai bệnh, Rinne âm tính và Schwabach kéo dài trên 20 giây.
Đây là dấu chứng điển hình cho nghe kém dẫn truyền.
Hình 5: Đo thính lực bằng âm thoa

You might also like