You are on page 1of 12

Nguyễn Phùng Đức Tài

BÀI 7: HỢP ĐỒNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ

A. HỢP ĐỒNG TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ:


1. Những vấn đề lý luận chung về hợp đồng trong Tư pháp quốc tế:
1.1. Khái niệm của hợp đồng:
Nhìn chung, có thể chia thành 03 nhóm hợp đồng cơ bản:
Nhóm thứ nhất, hợp đồng thương mại quốc tế như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế, hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng
license, hợp đồng đầu tư… Các hợp đồng này không chịu sự điều chỉnh của Tư pháp quốc
tế, mà chịu sự điều chỉnh của luật thương mại quốc tế.
Nhóm thứ hai, hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài.
Nhóm thứ ba, hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài.
 Yếu tố nước ngoài được xác định chung theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 663 BLDS
2015.
➢ Lưu ý: Điều 27 Luật Thương mại 2005, sửa đổi, bổ sung 2017 và Công ước Viên
1980 (CISG) chỉ điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chứ không điều chỉnh
tất cả các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 663 BLDS 2015
Hợp đồng có yếu tố nước ngoài là hợp đồng mà trong đó:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện
hoặc chấm dứt hợp đồng đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của
hợp đồng đó ở nước ngoài.

1.2. Ý nghĩa của việc xác định hợp đồng có yếu tố nước ngoài:
Thứ nhất, giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng.
Thứ hai, xác định thẩm quyền của Toà án Việt Nam đối với các tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng.
Thứ ba, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài,
quyết định của Trọng tài nước ngoài về các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến
hợp đồng.

1.3. Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài:
Nguồn luật điều chỉnh trực tiếp: quy phạm thực chất trong điều ước quốc tế và pháp
luật quốc gia.
Nguồn luật điều chỉnh gián tiếp: quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế và pháp
luật quốc gia.

77
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

 Câu hỏi: Tại sao cần có một số quy phạm áp dụng bắt buộc đối với hợp đồng có yếu tố
nước ngoài?
Một trong những đặc điểm của hợp đồng có yếu tố nước ngoài là cho phép các bên lựa
chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng, nhưng chính việc cho các bên tự do xác định luật
điều chỉnh làm phát sinh một số bất cập.
Trong đó, bất cập thường được biết đến là các bên sẽ lựa chọn pháp luật không phải
là pháp luật có liên quan đến hợp đồng và tìm cách loại trừ các quy định bắt buộc trong
pháp luật của quốc gia có liên quan đến hợp đồng.
Xuất phát từ bất cập đó, các nhà làm luật đã đưa ra giới hạn cho các bên thông qua
khái niệm “quy phạm bắt buộc”.
o Ví dụ: khoản 5 Điều 683 BLDS 2015
“Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu
dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy
định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”
➢ Lưu ý: Quy định áp dụng bắt buộc vẫn là một loại nguồn luật điều chỉnh hợp đồng có
yếu tố nước ngoài, nhưng do có tính đặc thù riêng nên loại quy phạm này khó xác định
là thuộc loại nguồn trực tiếp hay gián tiếp.

2. Thẩm quyền của Toà án quốc gia đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài:
2.1. Thẩm quyền của Toà án quốc gia theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
Nhóm thứ nhất, căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hợp đồng (như Hiệp định tương trợ
tư pháp Việt Nam – Mông Cổ).
Nhóm thứ hai, căn cứ vào nơi bị đơn thường trú hay tạm trú.
o Ví dụ: khoản 2 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“Các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này (nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng) thuộc thẩm
quyền giải quyết của Toà án của Bên ký kết nơi bị đơn thường trú hoặc có trụ sở”.
Nhóm thứ ba, căn cứ vào nơi thường trú, tạm trú của nguyên đơn khi có thêm yếu tố
về nơi đối tượng tranh chấp hay bị đơn có tài sản.
o Ví dụ: khoản 1 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“Toà án của Bên ký kết nơi nguyên đơn thường trú hoặc có trụ sở cũng có thẩm quyền
giải quyết, nếu trên lãnh thổ của nước này có đối tượng tranh chấp hoặc tài sản của bị đơn”.

2.2. Thẩm quyền của Toà án Việt Nam theo pháp luật Việt Nam:
▪ Thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam: điểm a và điểm c khoản 1 Điều 470
BLTTDS 2015
“1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng
biệt của Toà án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh
thổ Việt Nam;

78
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Toà án Việt Nam để giải quyết theo
pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên và các bên đồng ý lựa chọn Toà án Việt Nam.”
Theo đó, nếu hợp đồng liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh
thổ Việt Nam thì tranh chấp về hợp đồng này thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt
Nam. Ngoài ra, đối với các tranh chấp về hợp đồng mà các bên được quyền lựa chọn Toà
án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt
Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Toà án Việt Nam thì cũng thuộc thẩm quyền
riêng biệt của Toà án Việt Nam.
 Câu hỏi: Trong tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nếu một bên có yêu cầu Toà
án nước ngoài, còn bên kia yêu cầu Toà án Việt Nam thì phải giải quyết như thế nào?
Thứ nhất, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 440 BLTTDS 2015 thì Toà án nước
ngoài đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó đang được xem xét để công nhận
và cho thi hành tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó trong trường hợp
vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam theo quy định tại Điều 469
BLTTDS 2015 và bị đơn tham gia tranh tụng mà không có ý kiến phản đối thẩm quyền
của Toà án nước ngoài đó. Theo đó, kể cả một bên có yêu cầu Toà án nước ngoài, nhưng
nếu tranh chấp đã thuộc thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam và phía bị đơn đã phản
đối thẩm quyền của Toà án nước ngoài thì tranh chấp vẫn thuộc thẩm quyền của Toà án
Việt Nam.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 440 BLTTDS 2015 thì nếu tranh chấp đã
thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam, kể cả khi có một bên yêu cầu Toà án
nước ngoài giải quyết, tranh chấp vẫn thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam.
 Câu hỏi: Đối với một tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền
riêng biệt của Toà án Việt Nam thì Trọng tài nước ngoài/Trọng tài Việt Nam có thẩm
quyền giải quyết hay không, nếu các bên trong tranh chấp có thỏa thuận chọn Trọng
tài để giải quyết?
Đối với Trọng tài nước ngoài:
Vì bản thân Trọng tài nước ngoài vẫn chịu sự tác động của pháp luật nước ngoài, Toà
án nước ngoài, mà về nguyên tắc, Toà án nước ngoài đã không có thẩm quyền đối với
những tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án
Việt Nam thì Trọng tài nước ngoài cũng không thể có thẩm quyền giải quyết.
Đối với Trọng tài Việt Nam:
Về cơ sở pháp lý, không có bất cứ quy định nào trong Luật Trọng tài thương mại
2010 hạn chế quyền của Trọng tài Việt Nam đối với các tranh chấp trong lĩnh vực hợp
đồng thương mại có yếu tố nước ngoài khi tranh chấp này thuộc thẩm quyền riêng biệt
của Toà án Việt Nam.
Về mặt lý luận, Trọng tài Việt Nam dù không nhân danh Nhà nước khi giải quyết tranh
chấp, nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng của pháp luật Việt Nam, của Toà án Việt Nam nên
thực chất cái “uy” của Nhà nước đối với các tranh chấp không bị mất.

79
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

Từ các lẽ trên, với tư duy “người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”,
Trọng tài thương mại Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp hợp
đồng thương mại thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam, nếu các bên có thỏa
thuận giải quyết bằng trọng tài. Điều này cũng góp phần làm giảm tải cho phương thức
giải quyết tranh chấp bằng Toà án.
➢ Ghi chú: Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010
“Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện
tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc
thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”.
➢ Lưu ý: Điều 19 Luật Trọng tài thương mại 2010
“Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ
hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của
thoả thuận trọng tài.”

▪ Thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam:


- Khi nơi thực hiện hợp đồng ở Việt Nam:
➢ Cơ sở pháp lý: điểm đ khoản 1 Điều 469 BLTTDS 2015
“1. Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
trong những trường hợp sau đây:
đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở
Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được
thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.”
Theo đó, nếu hợp đồng được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì là trường hợp công
việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nên Toà án Việt Nam có thẩm quyền.
➢ Lưu ý: Nếu hợp đồng được thực hiện một phần trên lãnh thổ Việt Nam và một phần ở
nước ngoài thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền để giải quyết cả đối với phần hợp đồng
được thực hiện ở nước ngoài.
- Khi nơi thực hiện hợp đồng không ở Việt Nam:
➢ Cơ sở pháp lý: điểm a, điểm b và điểm e khoản 1 Điều 469 BLTTDS 2015
“Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
trong những trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có
chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của
chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở
ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá
nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.”
Theo đó, việc hợp đồng không được thực hiện tại Việt Nam không loại trừ quyền tài
phán của Toà án Việt Nam, mà Toà án Việt Nam vẫn có thẩm quyền nếu tồn tại dấu hiệu
khác thừa nhận thẩm quyền của Toà án Việt Nam.
80
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

- Khả năng lựa chọn Toà án nước ngoài:


➢ Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015
“Toà án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ
việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án
Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy
định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn
Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó.”
Theo đó, việc thỏa thuận chọn cơ quan tài phán nước ngoài của các đương sự tuân
theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài.

3. Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài:
3.1. Giải quyết xung đột pháp luật về tư cách chủ thể của các bên hợp đồng.
Tư cách pháp lý của các bên ký kết hợp đồng được thể hiện ở 02 yếu tố cơ bản:
+ Năng lực hành vi dân sự của các bên ký kết hợp đồng, năng lực pháp luật dân sự
của pháp nhân; và
+ Thẩm quyền ký kết hợp đồng.
▪ Theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
➢ Cơ sở pháp lý: Điều 19 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“1. Năng lực hành vi của cá nhân được xác định theo pháp luật của Bên ký kết mà người
đó là công dân.
2. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân được xác định theo pháp luật
của Bên ký kết nơi thành lập pháp nhân đó”.

▪ Theo pháp luật Việt Nam:


Đối với năng lực hành vi dân sự của cá nhân:
➢ Cơ sở pháp lý: Điều 674 BLDS 2015
“1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà
người đó có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam,
năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức,
làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tại Việt Nam theo pháp luật Việt
Nam.”
Theo đó, vấn đề năng lực hành vi dân sự của cá nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh
của pháp luật điều chỉnh nội dung hợp đồng, mà chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật của
nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 674 BLDS 2015.
➢ Lưu ý: Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có
nhiều quốc tịch tuân theo quy định tại Điều 672 BLDS 2015.

81
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

Đối với năng lực pháp luật của pháp nhân:


➢ Cơ sở pháp lý: Điều 676 BLDS 2015
“1. Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành
lập.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp
luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân
với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối
với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có
quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam
thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật
Việt Nam.”

3.2. Giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng:
a. Trường hợp các bên chọn luật áp dụng:
▪ Theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang
Nga
“Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước do các bên lựa
chọn, nếu điều đó không trái với pháp luật của các Bên ký kết”.
▪ Theo pháp luật Việt Nam:
Quyền chọn luật:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 683 BLDS 2015
“Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với
hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.”
Về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam cho phép các bên chọn pháp luật áp dụng cho hợp
đồng. Trong đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 668 BLDS 2015 thì “pháp luật mà các
bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không
bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng”. Theo đó, pháp luật nước ngoài mà các
bên lựa chọn là những quy phạm thực chất nên không chấp nhận hiện tượng dẫn chiếu.
 Câu hỏi: Trình bày ưu điểm và nhược điểm của việc cho phép các bên có quyền chọn
luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng.
Về ưu điểm, việc cho phép các bên có quyền lựa chọn luật điều chỉnh giúp đưa ra được
một hệ thống pháp luật thống nhất trong điều chỉnh hợp đồng cũng như trong tranh chấp
hợp đồng khi chúng phát sinh, tránh cho cơ quan giải quyết tranh chấp và các bên tình
trạng phải áp dụng nhiều hệ thống pháp luật để giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Về hạn chế, việc cho phép chọn luật áp dụng có thể làm phá vỡ những nguyên tắc pháp
lý truyền thống, dẫn đến hiện tượng lẫn tránh pháp luật, khi mà các bên cố gắng khai thác
các quy tắc xung đột nhằm lẫn tránh khỏi hệ thống pháp luật lẽ ra được áp dụng để điều
chỉnh quan hệ giữa họ để hướng tới một hệ thống pháp luật khác có lợi hơn cho họ trong
điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa họ.

82
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

➢ Lưu ý:
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận lựa chọn pháp luật để áp dụng nhưng rơi vào
một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 670 BLDS 2015 thì áp dụng pháp luật Việt
Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 670 BLDS 2015, chứ không áp dụng pháp luật của
nước có mối quan hệ gắn bó với hợp đồng.
Quyền chọn luật điều chỉnh một phần của hợp đồng:
Không có bất cứ quy định nào trong pháp luật Việt Nam ngăn cản các bên chọn luật áp
dụng nhằm chỉ điều chỉnh một phần của hợp đồng. Thực tiễn tại Việt Nam, Toà án vẫn
chấp nhận việc các bên chọn luật áp dụng chỉ nhằm điều chỉnh một phần của hợp đồng.
Hạn chế quyền chọn luật:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 683 BLDS 2015
“4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với
việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động
sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước
nơi có bất động sản.
5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu
dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy
định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
6. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc
thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được
hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.”
Quyền thay đổi hệ thống pháp luật đã được lựa chọn:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 6 Điều 683 BLDS 2015
“Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay
đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng
trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.”
Phạm vi pháp luật điều chỉnh nội dung của hợp đồng:
Khái niệm “pháp luật áp dụng đối với hợp đồng” bao gồm điều kiện có hiệu lực của hợp
đồng, hậu quả của việc vi phạm điều kiện có hiệu lực, việc thực hiện, chấm dứt hợp đồng
hay giải thích hợp đồng…

b. Trường hợp các bên không chọn luật áp dụng:


▪ Theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang
Nga
“Nếu các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết
nơi bên phải thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng thường trú, được thành lập hoặc có trụ
sở”.

83
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

▪ Theo pháp luật Việt Nam:


➢ Cơ sở pháp lý: khoản 1 và khoản 2 Điều 683 BLDS 2015
“1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của
nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất
với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là
pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành
lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập
nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền
sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp
đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác
nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì
pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước
nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.”
➢ Ghi chú: khoản 3 Điều 683 BLDS 2015
“Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại
khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật
của nước đó.”
Quy định trên nhằm đảm bảo trong mọi tình huống, luật áp dụng cho hợp đồng trong
trường hợp các bên không có lựa chọn pháp luật áp dụng phải là hệ thống pháp luật có
mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.

3.3. Giải quyết xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng:
▪ Theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
➢ Cơ sở pháp lý: Điều 34 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“1. Hình thức hợp đồng tuân theo pháp luật của Bên ký kết được áp dụng cho chính hợp
đồng đó. Tuy nhiên, việc tuân theo pháp luật của Bên ký kết nơi giao kết hợp đồng cũng
được coi là hợp thức.
2. Hình thức hợp đồng về bất động sản tuân theo pháp luật của Bên ký kết nơi có bất
động sản đó”.
▪ Theo pháp luật Việt Nam:
Hợp đồng liên quan đến bất động sản:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 4 Điều 683 BLDS 2015
“Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc
chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản

84
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi
có bất động sản.”
Theo đó, hình thức của hợp đồng đối với bất động sản được điều chỉnh bởi pháp luật
của nước nơi có bất động sản.
Hợp đồng khác:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 7 Điều 683 BLDS 2015
“7. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó.
Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật
áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của
nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công
nhận tại Việt Nam.”
Theo đó, pháp luật Việt Nam cho phép áp dụng một trong ba hệ thống pháp luật nhằm
xác định hình thức của hợp đồng là pháp luật được áp dụng cho chính nội dung của hợp
đồng (bao gồm pháp luật do các bên lựa chọn); pháp luật nơi giao kết hợp đồng và pháp
luật Việt Nam. Quy định này nhằm hạn chế khả năng hợp đồng vô hiệu vì hình thức do các
bên không nắm vững quy định của pháp luật khi giao kết hợp đồng.
➢ Lưu ý:
Thứ nhất, quy định tại khoản 7 Điều 683 BLDS 2015 theo hướng có sự thống nhất
giữa pháp luật điều chỉnh nội dung của hợp đồng và pháp luật điều chỉnh hình thức của
hợp đồng. Nói cách khác, luật điều chỉnh hình thức của hợp đồng chính là luật điều chỉnh
nội dung của hợp đồng.
Trên cơ sở đó, khi hình thức của hợp đồng không phù hợp với luật điều chỉnh nội dung
của hợp đồng thì hậu quả của việc không tuân thủ hình thức của hợp đồng (thực hiện hình
thức bắt buộc, hợp đồng vô hiệu về hình thức hay bồi thường thiệt hại) sẽ chịu sự điều
chỉnh của pháp luật điều chỉnh nội dung của hợp đồng.
Thứ hai, quy định tại khoản 7 Điều 683 BLDS 2015 là một “quy phạm mệnh lệnh”
nên pháp luật Việt Nam theo hướng các bên không có quyền thỏa thuận lựa chọn hình
thức của hợp đồng bởi lẽ luật điều chỉnh hình thức bắt buộc phải tuân theo luật điều chỉnh
nội dung, tức khi các bên thỏa thuận chọn luật điều chỉnh nội dung hợp đồng thì luật được
chọn đó sẽ điều chỉnh luôn hình thức của hợp đồng.

B. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ:
1. Những vấn đề lý luận chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư
pháp quốc tế:
1.1. Khái niệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 663 BLDS 2015
Quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là quan hệ bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, một trong các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là
người nước ngoài, cơ quan, pháp nhân nước ngoài.

85
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

Thứ hai, quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa công dân, pháp nhân Việt
Nam nhưng hành vi gây thiệt hại hoặc hậu quả hành vi gây thiệt hại xảy ra ở nước ngoài.
Về nguyên tắc, pháp luật các quốc gia đều tuân theo nguyên tắc “người gây thiệt hại
phải bồi thường thiệt hại” và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh
trên cơ sở:
Một là, có hành vi vi phạm pháp luật;
Hai là, có thiệt hại xảy ra (có thể là thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp);
Ba là, có yếu tố lỗi (lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý)1;
Bốn là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả xảy ra.

1.2. Ý nghĩa của việc xác định quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố
nước ngoài:
Thứ nhất, xác định thẩm quyền của Toà án quốc gia đối với một vụ việc dân sự về trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Thứ ba, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài đối với
vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

1.3. Nguồn luật điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố
nước ngoài:
- Pháp luật quốc gia: loại nguồn cơ bản và quan trọng nhất.
- Điều ước quốc tế.
- Tập quán quốc tế: chỉ bao gồm các tập quán quốc tế về hàng hải quốc tế.

2. Thẩm quyền của Toà án quốc gia đối với vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng có yếu tố nước ngoài:
2.1. Thẩm quyền của Toà án quốc gia đối với vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng có yếu tố nước ngoài theo các hiệp định tương trợ tư pháp:
Nhìn chung, các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia xác định
thẩm quyền dựa trên những dấu hiệu sau đây:
Một là, dấu hiệu nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của
hành vi gây thiệt hại đó;
Hai là, dấu hiệu nơi cư trú của bị đơn;
Ba là, dấu hiệu nơi cư trú của nguyên đơn với điều kiện có sự hiện diện tài sản của bị
đơn trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.
o Ví dụ: khoản 2 Điều 37 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“Các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án của
Bên ký kết nơi xảy ra hoàn cảnh làm căn cứ để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, hoặc nơi bị
đơn thường trú hoặc có trụ sở. Toà án của Bên ký kết nơi nguyên đơn thường trú hoặc có
trụ sở cũng có thẩm quyền giải quyết, nếu trên lãnh thổ của nước này có tài sản của bị đơn”.

1 Pháp luật Việt Nam không quy định yếu tố lỗi là yếu tố bắt buộc

86
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

2.2. Thẩm quyền của Toà án quốc gia đối với vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam:
▪ Thẩm quyền chung: điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 469
BLTTDS 2015
Toà án Việt Nam có thẩm quyền chung đối với vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Thứ hai, bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ
chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt
động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam.
Thứ ba, bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ tư, vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà hành vi gây thiệt hại xảy ra
ở Việt Nam, thiệt hại là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ năm, vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà hành vi gây thiệt hại xảy
ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ
chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

▪ Thẩm quyền riêng biệt: điểm a và điểm c khoản 1 Điều 470 BLTTDS 2015
Toà án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài có liên
quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài mà các bên
được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

3. Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
3.1. Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo các
hiệp định tương trợ tư pháp:
Theo các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia thì xung đột pháp
luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết theo hai nguyên tắc cơ bản:
Một là, nguyên tắc luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại.
Hai là, nguyên tắc luật nơi cư trú hoặc luật quốc tịch của người gây thiệt hại và người
bị thiệt hại.
o Ví dụ: khoản 1 Điều 37 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga
“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do hành vi vi phạm pháp luật) được
xác định theo pháp luật của Bên ký kết nơi xảy ra hoàn cảnh làm căn cứ để yêu cầu bồi
thường thiệt hại. Nếu nguyên đơn và bị đơn đều là công dân của một Bên ký kết hoặc đều
được thành lập hoặc có trụ sở ở một Bên ký kết, thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết đó.”
➢ Ghi chú: Các hiệp định tương trợ tư pháp không cho phép các bên được thỏa thuận
chọn luật áp dụng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

87
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế
Nguyễn Phùng Đức Tài

3.2. Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp
luật Việt Nam:
Nguyên tắc chung:
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 687 BLDS 2015
“Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa
thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.”
Nguyên tắc chung là ưu tiên áp dụng pháp luật do các bên thỏa thuận lựa chọn, còn
trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật thì áp dụng pháp luật của nước nơi
phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại.
Các trường hợp ngoại lệ:
Thứ nhất, trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú đối với
cá nhân hoặc nơi thành lập đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước
mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại cùng cư trú đối với cá nhân hoặc pháp luật
của nước mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại cùng nơi thành lập đối với pháp
nhân sẽ được áp dụng.
➢ Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 687 BLDS 2015
“Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi
thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.”
Thứ hai, bồi thường thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra.
➢ Cơ sở pháp lý: Điều 3 Bộ luật Hàng hải 2015
“1. … các vụ việc xảy ra trên tàu biển khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp
luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch.
2. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật
nơi tàu biển kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó.
3. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va, tiền công cứu hộ, trục
vớt tài sản chìm đắm xảy ra tại nội thủy hoặc lãnh hải của quốc gia nào thì áp dụng pháp
luật của quốc gia đó.
Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va hoặc cứu hộ xảy ra ở vùng
biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà Trọng tài hoặc Tòa án của quốc gia đầu
tiên đã thụ lý giải quyết tranh chấp.
Trường hợp tai nạn đâm va xảy ra ở vùng biển quốc tế giữa các tàu biển có cùng quốc
tịch thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch”.
➢ Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật Hàng không dân dụng 2006, sửa đổi bổ sung 2014
“1. Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã
hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay.
4. Pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau,
do tàu bay đang bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được áp dụng đối với việc bồi
thường thiệt hại.”

88
Bài 7 – Hợp đồng & bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế

You might also like