You are on page 1of 11

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


***********

TIỂU LUẬN
MÔN TƯ PHÁP QUỐC TẾ

ĐỀ TÀI: PHÂN TÍCH CÁC QUY ĐỊNH CỦA


PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ XÁC ĐỊNH LUẬT ÁP
DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP
ĐỒNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Họ và tên sinh viên : Nguyễn Hồng Xuân Ngân


MSSV : 61132348
Lớp : 61.LKT-1

Nha Trang, ngày 26 tháng 6 năm 2022


MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ............................................................................................................... 3
MỤC 1: KHÁI QUÁT CHUNG.................................................................................3
1. Hợp đồng có yếu tố nước ngoài...........................................................................3
1.1. Khái niệm hợp đồng.......................................................................................3
1.2. Khái niệm yếu tố nước ngoài.........................................................................3
1.3. Khái niệm hợp đồng có yếu tố nước ngoài....................................................3
2. Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài.......................................................4
MỤC 2: CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ XÁC ĐỊNH
LUẬT ÁP DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CÓ YẾU TỐ
NƯỚC NGOÀI............................................................................................................. 4
1. Quy định về hình thức hợp đồng........................................................................4
2. Quy định về nội dung hợp đồng..........................................................................5
2.1. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng là bất động sản....................................6
2.2. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh
hưởng tiêu cực tới lợi ích của người lao động, người tiêu dùng.........................6
2.3. Pháp luật áp dụng đối với trường hợp các bên thỏa thuận thay đổi pháp
luật áp dụng đối với hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba. . .7
2.4. Các trường hợp xác định pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất
với hợp đồng..........................................................................................................8
3. Quy định về năng lực giao kết hợp đồng............................................................9
MỤC 3: NHỮNG BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CỦA PHÁP LUẬT
VIỆT NAM VỀ XÁC ĐỊNH LUẬT ÁP DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
HỢP ĐỒNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.............................................................10
1. Những bất cập của pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng để giải
quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài................................................10
2. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng để
giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài.........................................11
KẾT LUẬN................................................................................................................11
TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................11

BẢNG CHỮ VIẾT TẮT


BLDS Bộ luật Dân sự
YTNN Yếu tố nước ngoài
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có đạo luật Tư pháp quốc tế nên Bộ
luật Dân sự 2015 vẫn đóng vai trò là luật chung trong việc điều chỉnh các quan
hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tại Phần V “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài” của Bộ luật Dân sự 2015 đã giải quyết được những
vấn đề trọng tâm của Tư pháp quốc tế về vấn đề xác định luật áp dụng để giải
quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Bài tiểu luận này sẽ phân tích
các quy định của pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng để giải quyết
tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

MỤC 1: KHÁI QUÁT CHUNG


1. Hợp đồng có yếu tố nước ngoài
1.1. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng trong tư pháp quốc tế là hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng. Theo
quy định tại Điều 385, BLDS 2015 thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên
về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. 1

1.2. Khái niệm yếu tố nước ngoài


Yếu tố nước ngoài theo quy định tại Khoản 2, Điều 663, BLDS 2015 thì
các quan hệ dân sự có YTNN là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp:
Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; Các
bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác
lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; Các
bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng
của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

1.3. Khái niệm hợp đồng có yếu tố nước ngoài


Từ khái niệm 1.1 và 1.2 ta có thể hiểu hợp đồng có YTNN là hợp đồng
dân sự có chủ thể nước ngoài tham gia; căn cứ pháp lý làm phát sinh, thay đổi
1
Theo BLDS 2015 thì một số hợp đồng dân sự được quy định tại Chương XVI bao gồm: Hợp đồng mua bán tài
sản; hợp đồng trao đổi tài sản; hợp đồng tặng cho tài sản; hợp đồng vay tài sản; hợp đồng thuê tài sản; hợp đồng
mượn tài sản; hợp đồng về quyền sử dụng đất; hợp đồng hợp tác; hợp đồng dịch vụ;… Ngoài những loại hợp
đồng nêu trên còn có một số loại hợp đồng khác được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành cũng được gọi là
hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng.
hay chấm dứt hợp đồng xảy ra ở nước ngoài hoặc theo pháp luật nước ngoài; tài
sản liên quan đến hợp đồng nằm ở nước ngoài.

2. Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài


Tranh chấp hợp đồng có YTNN là những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng
giữa các bên. Tranh chấp hợp đồng có YTNN phát sinh khi các bên thực hiện
không đúng; không thực hiện; thực hiện không đủ các quyền và nghĩa vụ trong
quan hệ hợp đồng có YTNN và phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

Xác định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng có YTNN là
việc hợp đồng của các bên có hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước
khác cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng và vấn đề đặt ra
là áp dụng pháp luật nước nào để xác định được tính hợp pháp của hợp đồng
đó.2

MỤC 2: CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ XÁC ĐỊNH
LUẬT ÁP DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CÓ YẾU
TỐ NƯỚC NGOÀI
1. Quy định về hình thức hợp đồng
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 683, BLDS 2015 quy định về hình thức
hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường
hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp
luật áp dụng đối với hợp đồng đó 3, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo
pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức
hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.

Từ đó cho thấy hình thức của hợp đồng có YTNN theo pháp luật Việt
Nam sẽ được coi là hợp pháp nếu hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định
của pháp luật do các bên lựa chọn, trừ những trường hợp khác theo quy định của
pháp luật tại Khoản 1, 4, 5, Điều 683, BLDS 2015.

2
Hay còn gọi là “Xung đột pháp luật”.
3
Được hiểu là pháp luật điều chỉnh những vấn đề pháp lí của hợp đồng bao gồm nội dung, hình thức, các điều
kiện có hiệu lực của hợp đồng và những vấn đề pháp lí khác của hợp đồng. (Theo tr430 “Giáo trình Tư pháp
quốc tế” Trường Đại học Luật Hà Nội - 2020).
2. Quy định về nội dung hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa đôi bên, do đó nguyên tắc tự do của các
bên trong hợp đồng được ưu tiên hàng đầu và được pháp luật tôn trọng. Vì vậy,
pháp luật được áp dụng trong hợp đồng cũng được đôi bên thỏa thuận lựa chọn
đồng thời toàn bộ nội dung mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng đều phải tuân
thủ theo quy định pháp luật mà các bên đã lựa chọn. Căn cứ theo Khoản 1, Điều
683, BLDS 2015 quy định về việc áp dụng cho nội dung hợp đồng thì các bên
trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp
đồng, trừ trường hợp quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 683, BLDS 2015.4

2.1. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng là bất động sản
Được quy định tại Khoản 4, Điều 683, BLDS 2015: Trường hợp hợp đồng
có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao
quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc
việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước
nơi có bất động sản.

Bất động sản là một dạng tài sản đặc biệt, không thể di dời, đất đai và
những tài sản gắn liền với đất đai, gắn liền với lãnh thổ quốc gia được quy định
cụ thể tại Khoản 1, Điều 107, BLDS 2015. Vì vậy, quy chế pháp lý dành cho
dạng tài sản này ở hầu hết các nước đều có sự chặt chẽ hơn và phần lớn các
nước đều quy định các vấn đề liên quan đến bất động sản đều phải tuân thủ pháp
luật của nước nơi có bất động sản và pháp luật Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cụ thể, đối với các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài
sản là bất động sản, hợp đồng cho thuê bất động sản, hợp đồng sử dụng bất động
sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản,
nghĩa là bất động sản tồn tại ở đâu thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều
chỉnh các quan hệ trên. Quy định như vậy nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với
lãnh thổ các nước ngoài, đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với
chính sách pháp luật chung của quốc gia, bảo vệ lợi ích của nhà nước và của các
4
Các trường hợp như sau: Hợp đồng là bất động sản; Hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng tiêu
cực tới lợi ích của người lao động, người tiêu dùng; Các bên thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp
đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba.
bên trong quan hệ đồng thời còn giúp cho việc thực thi các phán quyết của cơ
quan có thẩm quyền cũng được thuận lợi, nhanh chóng.

2.2. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh
hưởng tiêu cực tới lợi ích của người lao động, người tiêu dùng
Được quy định tại Khoản 5, Điều 683, BLDS 2015: Trường hợp pháp luật
do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng
đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của
pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Trong quan hệ hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng pháp luật cho
phép các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Tuy nhiên sự lựa
chọn đó phải tuân thủ theo những quy định nhất định. Theo đó, để bảo vệ quyền
lợi cho người lao động và người người tiêu dùng là những người yếu thế hơn
trong quan hệ, pháp luật quy định nếu việc lựa chọn pháp luật áp dụng mà làm
ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động, người tiêu dùng thì pháp luật đó không
được áp dụng. Lúc này, pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam. Trên thực tế,
bên sử dụng lao động hoặc bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ có thể lợi dụng vị
thế của mình ép buộc người lao động và người tiêu dùng, lựa chọn pháp luật áp
dụng có lợi hơn cho mình. Do đó, quy định trên nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của người lao động, người tiêu dùng.

2.3. Pháp luật áp dụng đối với trường hợp các bên thỏa thuận thay đổi pháp
luật áp dụng đối với hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba
Được quy định tại Khoản 6, Điều 683, BLDS 2015: Các bên có thể thỏa
thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó
không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được
hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

Các bên trong hợp đồng không chỉ có quyền lựa chọn luật áp dụng mà còn
có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng. Về cơ bản việc thay đổi luật áp
dụng cũng chính là sự thống nhất ý chí của các bên trong việc lựa chọn luật áp
dụng, vì vậy pháp luật công nhận và tôn trọng ý kiến đó của họ. Hợp đồng được
xác lập nhằm mục đích đạt được lợi ích nhất định, tuy nhiên các bên không thể
vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người khác. Do đó,
nếu việc thay đổi pháp luật áp dụng mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ
ba, thì việc thay đổi đó không được công nhận. Các bên có thể thay đổi áp dụng
hệ thống pháp luật khác mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích người thứ ba. Mục
đích của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba thụ động trong
thỏa thuận thay đổi pháp luật của các bên, vậy nên nếu người thứ ba biết và
đồng ý với sự thay đổi đó thì pháp luật mới áp dụng là hợp hợp pháp.

2.4. Các trường hợp xác định pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất
với hợp đồng
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp
luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. 5 Khoản
2, Điều 683, BLDS 2015 quy định cụ thể các trường hợp pháp luật được xem là
có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng. 6
Quy định này nhằm dữ liệu cho
trường hợp các bên không thỏa thuận được việc chọn luật áp dụng.

Khoản 3, Điều 683, BLDS 2015 quy định về việc cho phép nếu chứng minh
được pháp luật của nước khác có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng so với
pháp luật của nước được quy định tại Khoản 2, thì sẽ áp dụng pháp luật của
nước đó. Quy định này mang tính mở, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các bên
và trong việc giải quyết các tình huống trên thực tế.

3. Quy định về năng lực giao kết hợp đồng


Điều 673, BLDS 2015 là khung pháp lý cơ bản về năng lực pháp luật của
cá nhân là người nước ngoài7. Quy định này khẳng định năng lực pháp luật của
5
Khoản 1, Điều 683, BLDS 2015.
6
Các trường hợp pháp luật được xem là có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng như sau: Pháp luật của nước
nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với
hợp đồng dịch vụ; Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp
nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ; Pháp luật của nước
nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường
xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên
thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của
nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân; Pháp luật của nước
nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng
7
“1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.
2. Người nước ngoài tại Việt Nam có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp
cá nhân người nước ngoài sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người
đó mang quốc tịch, hay nói cách khác là nước mà người đó là công dân. Quy
định này thể hiến sự gắn bó mật thiết giữa cá nhân với quốc gia mà họ mang
quốc tịch, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài
khi tham gia vào các quan hệ dân sự.

Trong viêc quy định năng lực hành vi của cá nhân pháp luật Việt Nam áp
dụng nguyên tắc Luật quốc tịch. Cụ thể tại Điều 674 BLDS 2015 năng lực hành
vi của cá nhân là người nước ngoài được xác lập theo pháp luật của nước mà
người đó là công dân. Đây là một quy định phù hợp với quy định của pháp luật
quốc tế vì do điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau mà mỗi cá nhân sẽ có những
khả năng bằng hành vi của mình xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự khác nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh việc xác định năng lực hành vi của người nước ngoài theo
luật quốc tịch, khoản 2 Điều này ghi nhận trường hợp không áp dụng nguyên tắc
Luật quốc tịch. Cụ thể là trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các
giao dịch dân sự trên lãnh thổ Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của người
nước ngoài đó sẽ được xác định theo pháp luật Việt Nam. Quy định giúp thuận
tiện cho các giao dịch dân sự mà người nước ngoài xác lập, thực hiện tại Việt
Nam.

Bên cạnh cá nhân, pháp nhân nước ngoài cũng là một chủ thể quan trọng
trong TPQT. Điều 80, BLDS 2015 quy định: “Pháp nhân được thành lập theo
pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam”. Phù hợp với quy định này, Điều
676 BLDS 2015 nêu rõ: “Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật
của nước nơi pháp nhân thành lập”. Điều này thể hiện rõ một trong các đặc điểm
đặc thù của pháp nhân đó là bao giờ cũng do một nhà nước thành lập và thừa
nhận.

MỤC 3: NHỮNG BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CỦA PHÁP
LUẬT VIỆT NAM VỀ XÁC ĐỊNH LUẬT ÁP DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

luật Việt Nam có quy định khác.” Điều 673, BLDS 2015.
1. Những bất cập của pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng để giải
quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Thứ nhất, tại Điều 683, BLDS 2015 chưa làm rõ luật do các bên thỏa
thuận lựa chọn có thể được hiểu là chính các điều khoản hợp đồng cụ thể do các
bên soạn thảo phù hợp với pháp luật hay không? Hay chỉ được chọn các quy
định do pháp luật nhà nước xây dựng hoặc thừa nhận? Đồng thời, chưa có quy
định đảm bảo và thực hiện quyền, chưa chỉ rõ phạm vi của luật do các bên lựa
chọn sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề gì.

Thứ hai, tại Khoản 5, Điều 683, BLDS 2015 có đề cập tới “quyền lợi tối
thiểu của người lao động” nhưng chưa có nêu rõ quyền lợi tối thiểu của người
lao động là như thế nào? Là tất cả các quyền của người lao động theo Bộ luật lao
động hiện hành và các văn bản hướng dẫn hiện hành là quyền lợi tối thiểu đúng
hay không? Hay quyền lợi tối thiểu như mức lương tối thiểu, cơ sở vật chất tối
thiểu để người lao động làm việc…?

Thứ ba, BLDS 2015 chưa quy định cụ thể về hình thức thỏa thuận lựa
chọn pháp luật được xác định như thế nào mà chỉ có quy định về pháp luật áp
dụng đối với hình thức của hợp đồng tại Khoản 7, Điều 683.

Thứ tư, BLDS 2015 chưa nêu được quy định về khả năng chọn nhiều hệ
thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng được hay không mà chỉ quy định về
nguyên tắc tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng.

2. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng
để giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Thứ nhất, thêm quy định đảm bảo và thực hiện quyền, chỉ rõ phạm vi của
luật do các bên lựa chọn sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề cụ thể nào. Làm
rõ luật do các bên thỏa thuận lựa chọn là như thế nào.

Thứ hai, cần làm rõ “quyền lợi tối thiểu của người lao động”.

Thứ ba, trong BLDS 2015 cần quy định rõ hình thức thỏa thuận lựa chọn
pháp luật được xác định như thế nào, được lập thành văn bản, bằng lời nói hay
bằng hành vi cụ thể và trong những trường hợp nào thì có những hình thức cụ
thể nào?

Thứ tư, các nhà làm Luật cần quy định rõ trong BLDS 2015 về việc có
được phép chọn hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng hay
không. Tuy nhiên, theo em khi các bên thỏa thuận lựa chọn tòa án để giải quyết
tranh chấp thì chỉ nên lựa chọn một hệ thống luật duy nhất để áp dụng cho hợp
đồng. Vì giúp cho việc tìm kiếm và chứng minh để giải quyết tranh chấp được
thuận tiện và nhanh hơn. Đồng thời, các hệ thống pháp luật khác nhau sẽ có thể
có những quy định pháp luật khác nhau sẽ khiến các nội dung của hợp đồng
không được thống nhất và liên quan.

KẾT LUẬN
Về các quy định thuộc lĩnh vực Tư pháp quốc tế còn nhiều phức tạp cho nên
pháp luật Việt Nam đến nay vẫn chưa ban hành đạo luật riêng về Tư pháp quốc
tế, nên những quy định của pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng để giải
quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong phần V của Bộ luật Dân
sự 2015 cần được tiếp tục hoàn thiện. Bài tiểu luận đã phân tích được các quy
định pháp luật Việt Nam hiện nay về xác định luật áp dụng để giải quyết tranh
chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, đưa ra được những điểm bất cập còn tồn
tại hiện nay đồng thời đề xuất ra giải pháp để các nhà làm Luật xem xét và hoàn
thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực Tư pháp quốc tế hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ luật Dân sự 2015.

2. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb. Tư pháp, 2020.

3. Trần Thị Nguyệt, Hoàn thiện Điều 683 BLDS 2015 trong bối cảnh Việt Nam
chưa có luật Tư pháp quốc tế, Đại học Luật, Đại học Huế, 2020.
4. Lê Huyền (2021), Quy định pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài?,
truy cập vào 20/06/2022 từ https://luathoanganh.vn/hoi-dap-luat-dan-su/quy-
dinh-phap-luat-ve-hop-dong-co-yeu-to-nuoc-ngoai-lha1555.html.
5. Ngô Quốc Chiến, Nguyễn Minh Hằng (2017), Pháp luật áp dụng cho hợp
đồng có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 VÀ
KHUYẾN NGHỊ CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM, truy cập vào
21/06/2022 từ https://phapluatdansu.edu.vn/2017/08/12/19/16/php-luat-p-dung-
cho-hop-dong-c-yeu-to-nuoc-ngoi-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dn-su-2015-v-
khuyen-nghi-cho-cc-doanh-nghiep-viet-nam/#:~:text=Theo%20kho%E1%BA
%A3n%204%2C%20%C4%91i%E1%BB%81u%20683,c%C3%B3%20b
%E1%BA%A5t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20s%E1%BA%A3n.
%E2%80%9D.
6. Lê Minh Trường (2022), Quy phạm xung đột, pháp luật áp dụng đối với quan
hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, truy cập vào 25/06/2022 từ
https://luatminhkhue.vn/quy-pham-xung-dot-phap-luat-ap-dung-doi-voi-quan-
he-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai.aspx.

You might also like