You are on page 1of 15

TÂY TIẾN

Quang Dũng

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN


I. Thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)
- Từ 1946 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bác Hồ, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến
trường kì kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp.
- Văn học đương thời đã phản ánh chân thực không khí hào hùng của thời đại chống Pháp. Họ
xây dựng và ngợi ca một hình tượng trung tâm: người lính cụ Hồ với tinh thần “quyết tử cho Tổ
quốc quyết sinh”.
- Đó là những người lính ra đi từ mái tranh nghèo “nước mặn đồng chua” ngời sáng tình đồng
chí đồng đội thiêng liêng trong “Đồng chí” của Chính Hữu:
“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăng thành đôi tri kỉ”
- Tình quân dân ấm áp như “Cá nước” trong thơ của Tố Hữu:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế”
( Cá nước )
“Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mớ về”
(Hoàng Trung Thông)
- Vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch lãng mạn và đa tình của những chàng lính Tây Tiến ra đi từ thủ đô
Hà Nội trong “Tây Tiến” của Quang Dũng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
- Hội tụ vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam thời chống Pháp là hình tượng của một người anh
hùng:
“Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những người anh hùng
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
( Đất nước - Nguyễn Đình Thi )
- Như vậy thành tựu tiểu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp là đã khắc họa thành công hình
tượng anh bộ đội cụ Hồ dưới nhiều góc nhìn, góc sáng tạo khác nhau.
II. Tác giả
- Hàn Mặc Tử nói: “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Vâng, thơ với người là một, Quang
Dũng là một người thi nhân đích thực.
- Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, làm thơ. Thơ của Quang
Dũng thể hiện một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, đa tình, nhất là khi Quang Dũng viết là
“xứ Đoài mây trắng” và người lính Tây Tiến
B. LUYỆN ĐỀ

Đề 1: Cảm nhận về đoạn thơ sau:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,


Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

Yêu cầu cần đạt:


- Nỗi nhớ Tây Tiến
- Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, khắc nghiệt

Mở bài
Sóng Hồng có câu: “Thơ là thơ. Thơ là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng”. Thật
vậy, từ xa xưa trong thơ đã có nhạc, có họa. Thơ của Quang Dũng là thế vì Quang Dũng là một nghệ
sĩ đa tài, ông viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc,… Thơ của Quang Dũng hấp dẫn bởi sự phóng
khoáng hồn hậu, lãng mạn và rất mực tài hoa được tỏa ra từ tâm hồn thi nhân. “Tây Tiến” in trong tập
“Mây đầu ô” là tác phẩm xuất sắc nhất của đời thơ Quang Dũng và cũng là thành tựu tiêu biểu của
thơ ca chống Pháp. Bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc với đoạn thơ sau:
“...”

Thân bài
I. Tổng
1) Hoàn cảnh sáng tác
“Tây Tiến” là tên một đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947 với thành viên chủ yếu là những
học sinh sinh viên thanh niên ra đi từ thủ đô Hà Nội. Dẫu phải chiến đấu trong điều kiện thiên nhiên
Tây Bắc dữ dội, khốc liệt, bệnh sốt rét rừng hoành hành dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, những
người lính Tây Tiến vẫn toát lên vẻ hào hùng, hào hoa hiếm có. Vẻ đẹp ấy của những người đồng đội
thân yêu trở thành niềm thương nỗi nhớ của Quang Dũng để rồi sau khi ra đơn vị 1 năm, trong nỗi
nhớ chơi vơi, “Tây Tiến” đã ra đời.
2) Vị trí, cảm nhận chung
Đoạn thơ trên thuộc phần đầu tác phẩm. Trên nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, Quang
Dũng đã có những nét phác thảo đầu tiên về chân dung những người đồng đội thân yêu có chung tên
gọi “Tây Tiến”.

II. Phân tích


1) 2 câu đầu
“Thơ là sự bùng nổ của cảm hứng, là những cảm xúc chân thành được bật ra từ trái tim
người nghệ sĩ”. “Tây Tiến” của Quang Dũng được bắt đầu từ nỗi nhớ.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Địa danh “sông Mã” xuất hiện ngay từ những dòng đầu của bài thơ gợi nhắc tới dòng sông Mã
anh hùng - dòng sông đã chứng kiến những bước chân hành quân của những người lính trẻ trong
sương rừng Tây Bắc xa xôi. Sông Mã như chứng nhân lịch sử, như một phần của cung đường hành
quân năm ấy, giờ đã “xa rồi”. Những hoài niệm về sông Mã anh hùng dồn nén và bộc thành một tiếng
gọi “Tây Tiến ơi”,
Cụm từ “Tây Tiến” lặp lại nguyên vẹn nhan đề bài thơ. Đó là tiếng gọi thiêng liêng hướng về Tây
Tiến của lòng mình, hướng về đồng đội gắn bó thân yêu vào sinh ra tử cho đoàn binh Tây Tiến năm
xưa của Quang Dũng. Cũng từ đây 2 tiếng gọi “Tây Tiến” trở thành điểm tựa trong cảm hứng sáng
tạo của nhà thơ.
→ Câu thơ thứ nhất vang lên như một tiếng gọi vỗ về những kỉ niệm, những nỗi nhớ khôn nguôi
của Quang Dũng hướng về Tây Tiến.
Điệp từ “nhớ” đứng đầu mỗi vế thơ chia tách câu thơ thành đôi với nhịp 4/3 quen thuộc của thơ
thất ngôn. Có một nỗi nhớ trào dâng hiện diện trong trái tim Quang Dũng. Nỗi nhớ này chưa kịp
nguôi, nỗi nhớ khác đã trào lên tha thiết. Từ láy “chơi vơi” kết hợp với gieo vần “ơi” diễn tả thật tài
tình một nỗi nhớ trập trùng ám ảnh cứ đầy vơi trong xúc cảm, trong hoài niệm của Quang Dũng. Nỗi
nhớ ấy hướng về “sông Mã”, về “Tây Tiến”, về “rừng núi”, về những nơi đã qua, những bản làng đã
đến của lính Tây Tiến.
→ Vậy là nỗi nhớ chơi vơi đã đan dệt thành những chuyến tàu hoài niệm đưa thi nhân Quang
Dũng trở về với một Tây Tiến hùng vĩ, khắc nghiệt mà dữ dội.

2) 2 câu 3,4
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Những địa danh "Sài Khao", "Mường Lát" đọc lên nghe thật lạ. Nó gợi ta liên tưởng tới những
vùng đất hoang sơ, xa ngái, hiểm trở nơi miền Tây Tổ quốc. Đó là những cung đường hành quân ma
thiêng nước độc mà người lính Tây Tiến đã đi qua, đã dừng chân và có người phải nằm lại. Thơ ca
kháng chiến chống Pháp thường nhắc tới các địa danh. Trong “Việt Bắc”, Tố Hữu gợi nhớ về những
địa danh của quê hương Việt Bắc đã gắn bó với người cán bộ kháng chiến đã về xuôi trong nỗi tự
hào:
“Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà”
Còn những địa danh trong “Tây Tiến” vang lên trong khắc khoải nhớ thương
"Sài Khao", "Mường Lát" là nơi neo đậu nỗi nhớ Tây Tiến, là những cung đường hành quân mà
lính Tây Tiến không bao giờ quên. Hình ảnh đậm chất hiện thực “sương lấp đoàn quân mỏi” khắc
họa sự hùng vĩ đến khắc nghiệt của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Sương rừng như che lấp dáng
người đi. Những đoàn binh hành quân mỏi mệt trong rừng sương sâu thẳm. Thanh trắc ở 2 từ “lấp”,
“mỏi” như kéo chùng câu thơ xuống, gợi cảm nhận về những cuộc hành quân mỏi mệt, nhiều bất trắc
hi sinh mà người lính Tây Tiến phải trải qua. Những “hành lộ nan” nối tiếp nhau đến bất tận trở thành
một phép thử đối với tinh thần của những người lính trẻ.
Nhưng ngay lập tức nhịp thơ như được cân bằng bởi một câu thơ nhiều thanh bằng “hoa về trong
đêm hơi”. “Hoa” là hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp lãng mạn, cho những giây phút thăng hoa đầy
nhạc, đầy hoa trong tâm hồn người chiến sĩ. Những phút giây lãng mạn ấy lại được đặt trong không
gian “đêm hơi” huyền ảo, nên thơ. Tất cả tạo nên những phút giây thư thái, thở phào nhẹ nhõm của
chàng lính Tây Tiến sau cuộc hành quân trong rừng thiêng nước độc. Thiên nhiên Tây Bắc không chỉ
dữ dội, khốc liệt mà còn lãng mạn, nên thơ. Sự hài hòa giữa một nét vẽ hiện thực với một nét vẽ lãng
mạn đã gợi tả bức tranh thiên nhiên miền Tây. Thiên nhiên ấy trở thành phông nền vĩ đại để tôn vinh
vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến. Đó là những chàng lính trẻ mang trong mình ý chí, tinh thần
“quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ là những người anh hùng chiến thắng cảnh ngộ, sẵn sàng xả
thân vì lí tưởng. Bên cạnh đó, những chàng lính ra đi từ thủ đô Hà Nội hào hoa, thanh lịch còn mang
đến chiến trường vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, tâm hồn nghệ sĩ đắm say trước vẻ đẹp của phương xa,
xứ lạ mê lòng.
3) Những câu thơ tả dốc đèo Tây Bắc
Thiên nhiên Tây Bắc thật sự dữ dội và khốc liệt qua những câu thơ tả dốc đèo của Quang Dũng
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Điệp từ “dốc” đứng đầu mỗi vế thơ tách câu thơ thất ngôn thành 2 vế với nhịp 4/3 quen thuộc.
Trước mắt người lính Tây Tiến là dốc nối dốc, đèo nối đèo. Dốc này chưa qua thì dốc khác đã vẽ ra
trước mắt, nối nhau đến vô tận, trùng trùng điệp điệp.
Các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” thật gợi hình, gợi cảm. Sự phối cộng tài hoa
của những từ láy trên gợi tả những con đường hành quân gồ ghề, khúc khuỷu, gập ghềnh, quanh co,
vắng lặng đến rợn ngợp. Từ láy “thăm thẳm” như gợi tả độ dài bất tận, đi mãi, đi mãi không bao giờ
hết của những con đường hành quân ấy. Những câu thơ của Quang Dũng gợi cảm nhận về một “hành
lộ nan”, “tuyệt lộ nan” trong thơ Lí Bạch thời Đường:
“Đường đi khó, đường đi khó
Nay ở đâu đường bao ngả”
Hình ảnh “súng ngửi trời” với nghệ thuật nhân hóa độc đáo đã tô đậm, đặc tả độ cao của núi
rừng, dốc đèo Tây Bắc. Người lính Tây Tiến khi hành quân lên đến những đỉnh núi cao sẽ có cảm
giác như mũi súng có thể chạm đến trời xanh. Thiên nhiên hùng vĩ nhưng khắc nghiệt đến dữ dội
những tưởng sẽ quật ngã tinh thần, ý chí của những chàng lính trẻ đến từ đô thị phồn hoa. Thế nhưng
cảm phục thay, không hề một tiếng thở dài, không một lời than vãn, không một hơi thở mệt nhọc.
Trên đỉnh núi cao là hình ảnh của những người lính Tây Tiến làm chủ đất trời. Họ không phải “ngả
mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành” mà là vui đùa, tếu táo, tinh nghịch qua cảm nhận “súng ngửi trời”.
Đây là chất lính tráng chỉ có ở người lính Tây Tiến.
Không chỉ có đèo cao, thiên nhiên Tây Bắc còn có vực thẳm, điệp “ngàn thước” đứng đầu các vế
thơ thật giàu ý nghĩa gợi tả. “Ngàn thước” là một số liệu phỏng ước chỉ độ cao rất cao. Trước mắt
người lính không chỉ là núi cao, đèo cả mà còn là vực thẳm. Những ngọn núi dựng đứng như những
bức tường “ngàn thước”. Các từ “lên cao”, “xuống” góp phần khắc họa rõ nét hơn những con đường
hành quân mịt mù thăm thẳm, heo hút, gập ghềnh ấy.
Thơ Quang Dũng là sự kết hợp hài hòa giữa chất họa, chất nhạc, chất thơ, vẻ đẹp ấy tỏa sáng
trong “Tây Tiến”. Những câu thơ tả dốc đèo được Quang Dũng vận dụng nhiều thanh trắc để gợi tả
độ gập ghềnh, khúc khuỷu, gian nan của đường đi khó. Cũng với đó là ý chí ngút trời, khí chất hào
hùng của những người lính cụ Hồ mang chung tên gọi “Tây Tiến”
Thế nhưng câu thơ cuối “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại toàn thanh bằng thật nhẹ nhõm và
thư thái. Trong màn mưa bụi mù trời nơi núi rừng miền Tây hoang dã, những chàng lính trẻ như thở
phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy phía trước là những đốm nhà nhỏ của bản làng Pha Luông. Đó sẽ là chỗ
dừng chân, là chốn nghỉ ngơi của người lính sau một chặng đường hành quân đầy khổ cực hi sinh.
Hơi ấm sự sống, hơi ấm của tình quân dân như xua tan cái lạnh lẽo âm u của mùa mưa đầy trời. Tất
cả chỉ còn đọng lại trong tâm hồn của người lính Tây Tiến.
→ Có thể nói đoạn thơ là những nét phác thảo đơn sơ và tài hoa về chân dung của những người
lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa trên nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội. Nếu như những người
lính cụ Hồ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu mang đến chiến trường vẻ đẹp chất phác, thật thà
của những người lính - nông dân thì người lính trong “Tây Tiến” lại làm đẹp chân dung người lính cụ
Hồ chống Pháp bằng chất men say lãng mạn, hào hoa của thanh niên Hà Nội. Quả thật, “một cuộc
thám hiểm thật sự không ở vùng đất mới mà ở đôi mắt mới” (Marcel Proust). Với sức sáng tạo
mãnh liệt, Quang Dũng đã tạt vào đất trời Tây Bắc chân dung người lính cụ Hồ Tây Tiến với vẻ đẹp
hào hùng, hào hoa, anh hùng mà rất nghệ sĩ.
Vẻ đẹp của những chàng lính Tây Tiến được thi nhân Quang Dũng dáng tạo bằng chất họa, chất
nhạc, chất thơ trở thành hình tượng độc đáo bậc nhất thơ ca kháng chiến chống Pháp. Vẻ đẹp của họ
là vẻ đẹp của lòng yêu quê hương, đất nước của lí tưởng sống cao đẹp “chiến trường đi chẳng tiếc
đời xanh”. Có lẽ chính vì vậy mà nhà thơ Giang Nam đã ngợi ca sức sống bất tử của Tây Tiến như
sau:
“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp đông cây rừng
Và bài thơ và con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”

III. Hợp
1) Nội dung
Đoạn thơ trên đã khắc họa thành công vẻ đẹp người lính Tây Tiến hào hùng - hào hoa, lãng mạn,
bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ. Vẻ đẹp ấy đã trở thành một bài
ca không bao giờ quên trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Qua đoạn thơ, người đọc cảm nhận được thanh xuân sôi nổi với nhiều cống hiến của thi nhân
Quang Dũng dành cho đất nước, thức dậy tình yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm với non sông trong
tuổi trẻ hôm nay.
2) Nghệ thuật
Thi sĩ Xuân Diệu phát biểu về thơ như sau: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác”. “Tây Tiến” không
chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đoàn binh Tây Tiến mà còn độc đáo bởi những sáng tạo nghệ thuật tài hoa
của Quang Dũng. Bút pháp lãng mạn ưa cực tả, nghệ thuật tương phản đối lập, ngôn ngữ vừa gân
guốc, vừa mềm mại, tài hoa với hệ thống các từ láy gợi hình, gợi cảm, nghệ thuật phối thanh bằng,
trắc đắc địa… Tất cả đã tạo nên một thi phẩm, nhạc phẩm “Tây Tiến” bất tử cùng thời gian.
Đề 2: Cảm nhận đoạn thơ sau:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Mở bài

Thân bài
I. Tổng
(Đề 1)
II. Phân
1) Sự hi sinh thầm lặng bi tráng của người lính Tây Tiến (2 câu đầu)
Chuyển ý: “Thơ là sự bùng nổ của cảm hứng, sự màu nhiệm của cảm xúc thăng hoa”. Với
nỗi nhớ chơi vơi, với dòng hoài niệm da diết, Quang Dũng đã trở về với Tây Tiến của lòng mình -
một Tây Tiến thật hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ, nên thơ:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Lính Tây Tiến là những học sinh sinh viên ra đi từ thủ đô Hà Nội. Họ đến với chiến trường Tây
Bắc, chiến đấu hành quân trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ
thù, bệnh tật hoành hành… Những mất mát, hi sinh là điều không tránh khỏi. Trong kí ức về Tây
Tiến, có những giây phút lòng Quang Dũng chùng xuống. Đó là khi nói về sự hi sinh của những
người đồng đội thân yêu.
Hai từ “anh bạn” gợi tình cảm gần gũi, thân thiết - là cách Quang Dũng gọi về đoàn binh Tây
Tiến năm xưa. Âm điệu nhẹ nhàng của 2 từ “anh bạn” dẫn ta vào những câu thơ thật lãng mạn và bi
tráng.
Hình ảnh những người lính “dãi dầu” sương gió nằm lại trên chiến tường dọc suốt những con
đường hành quân được Quang Dũng thể hiện thật bi tráng. Nghệ thuật nói giảm, nói tránh “không
bước nữa”, “bỏ quên đời” vừa giảm đi những mất mát đau thương, vừa thể hiện cái nhìn của người
lính về sự hi sinh trên chiến trường. Với họ, những hi sinh, mất mát trong chiến tranh là tất yếu nên
họ coi nó như một giấc ngủ “bỏ quên đời”. Tinh thần ấy phảng phất khí thế của những người tráng sĩ
ra trận năm xưa coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Nói về sự hi sinh trên chiến trường là một vẫn đề thuộc phạm trường của cái “bi” - buồn thương
nhưng trong “Tây Tiến” của Quang Dũng, bi mà không lụy, bi mà vẫn toát lên tinh thần tráng ca hào
hùng. Tinh thần ấy được biểu hiện trong tư thế “gục lên súng mũ” khi họ ra đi. Người lính Tây Tiến
hi sinh dọc con đường hành quân, dẫu mệt mỏi, dãi dầu nhưng họ đã chọn cách gục lên báng súng.
Họ dường như vẫn sẵn sàng cho những cuộc hành quân không ngừng nghỉ. Tinh thần ấy đã trở thành
sức mạnh Tây Tiến, là hào hùng Tây Tiến mà Quang Dũng không bao giờ quên.

2) Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, khắc nghiệt


Nếu như ở những câu thơ trước, thiên nhiên Tây Bắc hiện lên với những nét vẽ gân guốc, bạo
khỏe, thì đến đoạn thơ này, sự dữ dội, khắc nghiệt của mảnh đất miền Tây được khắc họa rõ nét hơn.
“Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi
Chiều chiều oai linh thác gầm thét”
Địa danh “Mường Hịch” là nơi đặt đại bản doanh của binh đoàn Tây Tiến năm xưa. Nếu như
những địa danh “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông” gợi cảm giác về những vùng đất hoang sơ,
sa ngái thì tên gọi “Mường Hịch” lại ẩn chứa một cái gì thâm u, bí hiểm của chốn rừng thiêng nước
độc. Thanh trắc ở dấu nặng trong từ “Hịch” như làm cho câu thơ chùng xuống, vắng lăng đến rợn
ngợp. Dường như đâu đây vẫn còn dấu hân của những ông 30 rình mồi đe dọa tính mạng của người
chiến sĩ. Vậy là đoàn binh Tây Tiến không những phải dối diện với sốt rét rừng hoành hành mà còn
phải vượt qua những đêm hành quân trong rừng già nơi “cọp trêu ngươi”.
Âm thanh “oai linh” của “thác gầm thét” tô đâm hơn sự dữ dội, khốc liệt của núi rừng Tây Bắc.
Điều đáng nói đó là những cung đường hành quân của người lính Tây Tiến, là nơi đồng đội của
Quang Dũng đã đi qua và có người mãi mãi nằm lại.
Các từ láy “chiều chiều”, “đêm đêm” đứng đầu hai câu thơ gợi tả về những cuộc hành quân ngày
nối ngày, dêm nói đêm, thần tốc không ngừng nghỉ, lội suối, băng rừng, vượt qua sương lấp của
người lính Tây Tiến cho nên câu thơ của Quang Dũng vừa vẽ nên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc, vừa
tạc nên chân dung người lính Tây Tiến - những người lính cụ Hồ với ý chí, nghị lực với tinh thần
“quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

3) Nỗi nhớ Mai Châu và vẻ đẹp lãng mạn, đa tình của người lính Tây Tiến
Mở đầu “Tây Tiến”, nỗi nhớ trào dâng trong lòng Quang Dũng đã bộc thành một tiếng gọi
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”
Nỗi nhớ chơi vơi hướng về Tây Tiến đã neo đậu ở “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Sa Luông”,…
Giờ đây đọng lại tha thiết ở mảnh đất Mai Châu.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Từ “nhớ” kết hợp với cảm từ “ôi” như một sự vỡ òa cảm xúc nỗi nhớ từ trong lòng thi nhân đã
được gọi thành tên, vẽ thành hình. Đó là nỗi nhớ “Tây Tiến”, 2 từ “Tây Tiến” lặp lại nguyên vẹn
nhan đề bài thơ, xuất hiện rải rác trong tác phẩm đã tạo nên một mạch ngầm cảm xúc, một cấu tứ
vững chãi cho tác phẩm “Tây Tiến” gợi nhắc về một thời binh lửa những chàng thanh niên hào hoa
của thủ đô Hà Nội tiến về miền Tây, chiến đấu hi sinh để thực hiện lí tưởng của tuổi trẻ là giành độc
lập cho Tổ quốc cho nên ẩn tàng trong 2 từ “Tây Tiến” là vẻ đẹp của của một thế hệ, của con người
và đất nước Việt nam. Nói như nhà văn Tô Hoài: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra
đời”.
Hình ảnh “cơm lên khói” gợi sự ấm áp của cuộc sống bình dị nơi những bản làng xa xôi. Đó là
những buổi chiều sum họp ấm mùi cơm lúa mới, thức dậy nỗi nhớ quê hương, gia đình nơi những
người lính xa nhà.
Địa danh “Mai Châu” lại một lần nữa là nơi neo đậu cả nỗi nhớ, nơi vấn vương của hoài niệm. Ở
đó tâm hồn người lính Tây Tiến như lưu luyến, nhớ thương khôn nguôi về một “mùa em thơm nếp
xôi”. Hai chữ “mùa em” là cách nói đa tình, lãng mạn của người lính Tây Tiến. Bóng dáng của những
nàng thơ Tây Bắc như vẫn còn lúng liếng đâu đây một ánh nhìn đắm say. “Mùi thơm nếp xôi”, mùi
thơm của ngày mùa lúa mới gợi cảm nhận về tình quân dân ấm áp, gắn bó keo sơn như cá với nước.
→ (Kết lại xem đề trước)

III. Hợp

Kết bài
Đề 3: Cảm nhận đoạn thơ sau:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
..
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Yêu cầu cần đạt:


Vẻ đẹp người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa, lãng mạn trong những đêm liên hoan lửa trại
Vẻ đẹp bức tranh Châu Mộc chiều sương

Mở bài

Thân bài
I. Tổng
1) Hoàn cảnh sáng tác
2) Vị trí, cảm nhân chung
Đoạn thơ trên thuộc phần giữa của bài thơ “Tây Tiến”. Ở những đoạn thơ đầu, nhà thơ Quang
Dũng đã phác thảo chân dung người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa trên cái nền là thiên nhiên Tây
Bắc hùng vĩ, dữ dội mà mĩ lệ. Đến đoạn thơ này, chân dung của những người đồng đội của Quang
Dũng như được hoàn thiện hơn qua hoài niệm về những đêm liên hoa lửa trại và cảnh Châu Mộc
chiều sương gợi nhớ, gợi thương.

II. Phân tích


1) Những đêm liên hoan lửa trại (khổ 1)
…. nhắc tới “Tây Tiến”, không thể không nhắc tới những đêm liên hoan lửa trại thấm đẫm tình
quân dân Việt - Lào:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”
2 từ “doanh trại” làm toát lên một không khí cổ kính, trang trọng gợi nhớ về nơi dừng chân, nơi
đóng quân của những binh đoàn năm xưa. Với người lính Tây Tiến, những binh đoàn ấy chính là
đoàn quân Tây Tiến hào hùng, hào hoa. Trong suốt dọc con đường hành quân, cũng có lúc đoàn binh
Tây Tiến dừng lại để giao lưu văn hóa với đồng bào địa phương vì vậy, kỉ niệm về những đêm liên
hoan lửa trại là một hoài niệm đẹp không bao giờ quên về cuộc đời lính tráng.
Động từ “bừng” đã làm cho câu thơ trở nên sống động như thổi bừng cái không khí hội hè đình
đám, tưng bừng, náo nức của những đêm liên hoan. Đó là sự bừng dậy của ánh sáng, sự bừng rộ của
thanh âm và hơn tất cả là sự bừng dậy náo nức, hân hoan, mê say trong lòng người. Một không khí lễ
hội rực rỡ ánh sáng náo nức âm thanh bao trùm cả doanh trại.
Hình ảnh ẩn dụ “hội đuốc hoa” thật độc đáo. Trong những đêm liên hoan, những bó đuốc được
thắp sáng không những xua tan đêm đen mây mù mà còn hiện lên rực rỡ như những bó hoa. Song
hình ảnh “hội đuốc hoa” còn tượng trưng cho những kỉ niệm đáng nhớ nhất, thiêng liêng nhất trong
dời người lính đó là những đêm hội người lính Tây Tiến được đắm mình trong không khí của nhạc,
của họa, của thơ và của tình quân dân gắn bó bỏ lại những mất mát hi sinh, gác lại những gian lao vất
vả của chiến tranh, tâm hồn người lính thăng hoa cùng với những đêm hội, đây là hững phút thư giãn,
nghỉ ngơi hiếm có giữa những trận đánh khốc liệt của chiến tranh.
Nhắc tới những đêm liên hoan ấy không thể không nhắc tới vẻ đẹp và văn hóa phương xa xứ lạ
làm người lính Tây Tiến say đắm khôn nguôi:
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Hai từ “kìa em” chính là tiếng reo vui đầy ngạc nhiên, ngỡ ngàng đầy phấn khích của người lính
Tây Tiến khi phát hiện “xiêm áo tự bao giờ”. “Xiêm áo” là những bộ xiêm y lộng lẫy, sắc màu rực rỡ,
lạ lẫm mang đậm bản sắc trang phục của người dân tộc thiểu số sinh sống ở miền Tây Bắc nước ta.
Đối với những chàng lính Tây Tiến đến từ thủ đô Hà Nội, “xiêm áo” ấy thật hấp dẫn biết bao. Nó
càng quyến rũ hơn khi những thiếu nữ Tây Bắc khoác xiêm áo lộng lẫy hòa mình trong điệu nhạc,
trong ánh đuốc bập bùng.
Tất cả đều đã được chuẩn bị tự bao giờ để sẵn sàng đón chào những người lính, để làm thỏa lòng
mong ước háo hức của anh bộ đội cụ Hồ đến từ miền xuôi. Thái độ trân trọng, tình quân dân ấm áp
được Quang Dũng kín đáo gửi gắm trong cụm từ “tự bao giờ”. Người dân địa phương đón chào các
anh bằng những đêm liên hoan đáng nhớ như thế. Có thể nói, tình quân dân là một chủ đề lớn trong
thơ ca kháng chiến chống Pháp. Trong bài thơ “Bộ đội về làng”, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết:
“Các anh về
Xôn xao làng bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở”
Còn nhà thơ Tố Hữu đã cụ thể hóa hình tượng ấy bằng hình ảnh “Cá nước”:
“Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế”
Một lần nữa, nhà thơ Quang Dũng đã ngợi ca tình cảm quân dân ấy bằng những ý thơ thật lãng
mạn, hào hoa. Cũng có ý kiến cho rằng hình ảnh “xiêm áo” gợi nhớ về những người lính Tây Tiến
hồn nhiên, tinh nghịch giả gái, khoác lên mình những bộ xiêm y lộng lẫy để hòa mình vào điệu nhảy
Lăm-vông cùng các thiếu nữ địa phương. Sự hồn nhiên, tinh nghịch đậm chất lính tráng ấy của những
người lính Tây Tiến đã thổi bùng không khí của đêm liên hoan.
Không chỉ đắm say bởi “xiêm áo”, lính Tây Tiến còn bị mê hoặc bởi “man điệu” và dáng vẻ
“nàng e ấp”. “Man điệu” là những điệu nhạc réo rắt mang đặc trưng của âm nhạc miền núi phía Tây
Bắc. “Khèn” là một nhạc cụ truyền thống của người dân tộc thiểu số nơi họ tấu lên những giai điệu
để thể hiện lòng mình. Âm thanh réo rắt của tiếng “khèn”, của “man điệu” thực sự là một vẻ đẹp lạ
lẫm, hoang sơ khiến người lính Tây Tiến say lòng. Đặc biệt, vẻ đẹp “e ấm” của những nàng thơ .
Vẻ đẹp đó trở thành niềm thương nỗi nhớ, thành kỉ niệm không bao giờ phai trong cuộc đời lính
tráng. Tất cả hòa nhạc, xây thơ trong tâm hồn những chàng lính trẻ.
Đoạn thơ kín đáo đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của những người lính Tây Tiến hồn nhiên, tinh
nghịch, lãng mạn và đa tình.

2) Vẻ đẹp bức tranh Châu Mộc chiều sương


Nếu ta ví “Tây Tiến” như một khúc ca hào hùng thì những khoảng lặng, nốt trầm của khúc ca ấy
chính là vẻ đẹp của cảnh Châu Mộc chiều sương:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
“Chiều sương” biên giới gợi tả một không gian lãng đãng sương rừng mơ hồ, huyền ảo, lãng mạn
nhưng đượm buồn. Những cuộc chia ly trong chiều sương biên giới vẫn hắt hiu, thê lương đến thế với
Quang Dũng, những chiều sương Châu Mộc chính là không gian gợi tả vẻ đẹp cổ điển, lãng mạn cho
bức tranh sông nước miền Tây. Thấp thoáng trong “Tây Tiến” là những câu thơ cổ thi tuyệt bút:
“Sương đầu núi buổi chiều như dội
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu”
(Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm)
Khung cảnh “chiều sương ấy” đã đánh thức tất cả những kỉ niệm của Quang Dũng về cảnh và
người Châu Mộc
Địa danh “Châu Mộc” một lần nữa lại là nơi neo đậu của nỗi nhớ. Cũng giống như “Sài Khao”,
“Mường Lát”, “Pha Luông”, “Mường Hịch”, “Châu Mộc” là nơi người lính Tây Tiến đã đi qua, đã
dừng chân, đã lưu lại một thời trai trẻ. Địa danh “Châu Mộc” với những chiều sương lãng đãng đã dệt
nên hồn thơ Quang Dũng.
“Những tên loàng, tên núi tên sông
Những cái tên đọc lên như muốn khóc”
Điệp “có thấy”, “có nhớ” khiến câu thơ mang dáng dấp như những câu hỏi tu từ, gợi thương, gợi
nhớ tha thiết về một Tây Tiến chưa xa, về những “chiều sương Châu Mộc”. Mỗi câu hỏi như những
đợt sóng cảm xúc dâng trào làm thăng hoa cảm hứng thơ của ngòi bút thi nhân.
Hình ảnh thơ sáng tạo “hồn lau nẻo bến bờ” làm cho đoạn thơ thật thi vị và lãng mạn. Những
bông lau nở trắng trời biên giới gợi một khung cảnh hoang sơ đượm buồn. Trong cái nhìn lãng mạn,
đa tình của người lính Tây Tiến, hoa lau như có hồn, biết thổn thức, biết buồn thương trước sự chia
ly. Hình ảnh nhân hóa “hòn lau” vừa làm cho thiên nhiên có hồn gợi lên vẻ đẹp quyến rũ, nồng nàn
của thu biên giới, vừa tô đậm vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ của những chàng lính Tây Tiến.
Nếu như ở đoạn thơ đầu, để làm nổi bật sự hùng vĩ, khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc, nhà thơ
Quang Dũng đã vẫn dụng những nét vẽ gân guốc, bạo khỏe thì đến đây, nhà thơ thay bằng những nét
vẽ mềm mại, nên thơ để khắc họa một Tây Tiến lãng mạn, trữ tình. Điểm nhấn của bức tranh chiều
sương Châu Mộc có lẽ là dáng hình của cô gái trèo đò trên độc mộc. Đó là nàng thơ trong nguồn cảm
hứng của những nghệ sĩ Tây Tiến. Giữa khói lửa chiến tranh, giữa chết chóc, hi sinh bủa vây, lính
Tây Tiến vẫn thả hồn theo những nàng thơ duyên dáng thật đáng yêu. Mới đây thôi, trong những đêm
liên hoan lửa trại là hình ảnh “nàng e ấp” khiến hồn người Tây Tiến xây nhạc, xây thơ. Còn trong bức
tranh chiều sương Châu Mộc, nỗi luyến lưu khôn nguội lại vấn vương mãi ở một dáng hình mềm
mại, thướt tha.
Hình ảnh “hoa đong đưa” là một hình ảnh nhân hóa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Thiên nhiên Tây
Bắc như có hồn, biết “đong đưa”, biết quyến rũ khiến người lính Tây Tiến thương nhớ mãi khôn
nguôi. Thật ra lòng người Tây Tiến bịn rịn không nỡ rời xa Tây Bắc. Mỗi bông hoa, mỗi dáng hình
đều là hoài niệm là niềm thương nỗi nhớ níu giữ bước chân người đi. Giữa “dòng nước lũ” dữ dội,
khắc nghiệt, giữa những cung đường “dốc nối dốc, đèo nối đèo”. Lạ thay, cái đẹp vẫn hiện hữu, tình
yêu vẫn đọng kết. Có một Tây Tiến như thế, lãng mạn, đa tình và tràn đầy tình yêu với thiên nhiên
con người Tây Bắc.
→ Đoạn thơ trên với những nét vẽ đậm chất họa, những giai điệu giàu âm thanh đã họa nên một
bức tranh “Tây Tiến” thật thơ mộng, lãng mạn, hào hoa.
→ (Đề 1)
III. Hợp
Đề 4: Cảm nhận về vẻ đẹp chân dung người lính trong đoạn thơ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Yêu cầu cần đạt


- Vẻ đẹp chân dung người lính:
Ngoại hình
Nội tâm
Sự hi sinh bi tráng
Lí tưởng cao đẹp

Mở bài

Thân bài
I. Tổng
1) Hoàn cảnh sáng tác
2) Vị trí, cảm nhận chung
Đoạn thơ trên thuộc phần cuối tác phẩm, hoàn thiện chân dung người lính Tây Tiến từ ngoại
hình, vẻ đẹp nội tâm, lí tưởng cao cả cho đến sự hi sinh bi tráng. Đoạn thơ kết tinh cảm hứng sáng tạo
của Quang Dũng về Tây Tiến.

II. Phân tích


1) Ngoại hình
Bức tượng đài Tây Tiến hiện lên trước hết với những nét đẹp về ngoại hình rất độc đáo.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Hai từ “Tây Tiến” đứng đầu đoạn thơ nhấn mạnh cảm xúc chủ đạo: vẻ đẹp Tây Tiến. “Tây Tiến”
là sự lặp lại nguyên vẹn nhan đề bài thơ gợi nhớ về đoàn binh Tây Tiến năm xưa, nơi núi rừng Tây
Bắc hoang sơ, dữ dội, diễm lệ. Hai tiếng “Tây Tiến” vang lên còn thức dậy những hoài niệm, những
kí ức về những chàng lính Tây Tiến ra đi từ thủ đô Hà Nội hào hoa. Có một điểm đặc biệt là xuyên
suốt bài thơ, gần như khổ nào Quang Dũng cũng lặp lại từ “Tây Tiến” như để tạo nên một cấu tứ
vững chãi, một mạch ngầm cảm xúc cho thi phẩm. Cuối cùng đọng lại trong “Tây Tiến” vẫn là vẻ
đẹp, bức chân dung của những người đồng đội sừng sững bất tử giữa núi rừng Tây Bắc.
Cụm từ “đoàn binh” gợi nên khí chất ngang tàng, anh dũng của đoàn quân Tây Tiến. Khí chất ấy
như được nối tiếp sức mạnh của những đoàn binh từng có trong sách vở. Với những học sinh sinh
viên ra đi từ thủ đô Hà Nội, đoàn binh Tây Tiến là nơi gửi gắm bao lí tưởng mộng ước tuổi trẻ mà họ
vun đắp từ trên ghế nhà trường.
Đoàn binh Tây Tiến xuất hiện với hình ảnh “không mọc tóc”. Đây là một nét vẽ đậm chất hiện
thực gợi lên những khốc liệt của chiến tranh. Sốt rét rừng hoành hành đã khiến những chiến sĩ Tây
Tiến trở thành đội quân “vệ trọc” bất đắc dĩ. Thế nhưng, phép đảo ngữ “không mọc tóc” đã tạo nên
khí khái ngang tàng, tâm thế chủ động của người lính lấn át mọi hiện thực. Họ vượt lên cảnh ngộ với
một tâm thế sẵn sàng. Dường như trong suy nghĩ của đoàn binh Tây Tiến. Tóc không thèm mọc chứ
không phải là tóc không thể mọc. Hơn nữa cũng có ý kiến cho rằng để sẻ chia đồng cam cộng khổ với
những đồng đội cũng như để tiện trong đánh giáp lá cà, nhiều lính Tây Tiến đã tự nguyện cạo trọc
đầu. Họ tạo nên một đội quân “vệ trọc” xuất quỷ nhập thần trong mỗi nhiệm vụ khiến kẻ thù kinh hãi.
Thật ra, viết về hiện thực những cơn sốt rét rừng mà người lính cụ Hồ phải trải qua, Quang Dũng
không phải là người đầu tiên. Trong bài “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu viết:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

Còn nhà thơ Tố Hữu trong bài “Cá nước” cũng viết:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế”
Có thể nói thơ ca chống Pháp đã khắc họa chân thực mà cảm động những gian khổ hi sinh mà
người lính cụ Hồ phải trải qua. Có điều cách nói của Quang Dũng trong hình ảnh “đoàn binh không
mọc tóc” khiến người đọc cảm nhận được tinh thần bi tráng, hào hùng, dũng liệt của con người Việt
Nam.
Chưa dừng lại ở đó, ngoại hình người lính Tây Tiến còn được khắc họa qua hình ảnh “quân xanh
màu lá”. Sắc xanh quân phục hòa với màu xanh của lá ngụy trang rừng tạo nên “quân xanh”. Song có
lẽ ý thơ của Quang Dũng còn gợi dáng hình có phần tiều tụy, xanh xao với làn da xanh như màu lá
của đồng đội. Nó là hậu quả của những trận sốt rét rừng, của điều kiện chiến đấu thiếu thốn lương
thực, thuốc thang. Tất cả như vắt kiệt sức lực của người lính khiến vẻ ngoài của họ xanh xao, vàng
vọt.
Song vẻ ngoài ấy lại không khiến cho lính Tây Tiến yếu đuối, bi lụy. Ngay lập tức, bút pháp lãng
mạn của Quang Dũng đã nâng đỡ hiện thực khốc liệt ấy bằng một ý thơ tương phản đối lập trong
hình ảnh phóng đại “dữ oai hùm”. Dẫu vẻ ngoài xanh xao, có phần tiều tụy nhưng lình Tây Tiến vẫn
toát lên vẻ dữ dội, “oai hùm”. Thủ pháp so sánh phóng đại đã tô đậm vẻ đẹp mang tầm vóc sử thi của
đoàn binh ấy. Nội lực mạnh mẽ khiến đoàn quân “vệ trọc” vẫn như những mãnh hổ rừng thiêng, vẫn
xuất quỷ nhập thần trong mỗi nhiệm vụ khiến kẻ thù bao phen khiếp sợ. Dường như ở người lính Tây
Tiến hội tụ sức mạnh tinh thần của hào khí Đông A một thuở:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão)
Vậy là sức mạnh nội tại của người lính trong hình ảnh “dữ oai hùm” là hiện thân của lòng yêu
nước, của tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù. Nhịp thơ 4/3 kết hợp với nghệ thuật tương phản
đối lập đã tô đậm sức mạnh của đoàn quân vệ trọc ấy. Từ đó, bằng cảm hứng ngợi ca, Quang Dũng
tiếp tục làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của những chàng lính trẻ.

2) Vẻ đẹp tâm hồn


“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
“Mắt trừng” là ánh mắt mở to đầy dũng khí. Đó là ánh mắt canh chừng, nêu cao nhiệm vụ chiến
đấu, bảo vệ biên giới Việt-Lào của binh đoàn Tây Tiến. Ánh mắt ấy ngầm chứa một sức mạnh nội
tâm.
Từ “mộng” ôm trọn trong nó giấc mộng tuổi dại của biết bao học sinh sinh viên thủ đô Hà Nội.
Họ xếp bút nghiêng, rời giảng đường vào chiến trường những mong giết giặc lập công, bảo vệ Tổ
quốc. Trong giấc mộng của những chàng lính trẻ, ta thấy cái tinh thần “nhất khứ bất phục phản” của
những tráng sĩ thuở xưa. Vẫn còn đó trên ba lô của người chiến sĩ là khát vọng của chinh phụ:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiêng theo việc đao cung”
(Chinh phụ ngâm-Đoàn Thị Điểm)
→ Chính giấc mộng tràn đầy nhiệt huyết này đã tạo nên vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính cho
chân dung người lính Tây Tiến. Ánh mắt trừng nêu cao nhiệm vụ chiến đấu cũng là ánh mắt khát
khao giết giặc lập công, thực hiện giấc mộng anh hùng.
Không chỉ vậy, người lính Tây Tiến còn mang theo dọc những con đường hành quân niềm
thương nỗi nhớ dành cho “Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng kiều thơm” là vẻ đẹp thanh lịch, đoan
trang của những cô gái đất Hà Thành: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Với người lính
Tây Tiến, mơ về “dáng kiều thơm” là mơ về một khung trời thanh xuân rực rỡ, tươi đẹp, nơi các
giảng đường góc phố có bóng hình người thương. Ý thơ hiện diện một nỗi nhớ khôn nguôi của người
lính gửi về hậu phương, gửi về Hà Nội mến yêu. Giấc mơ ấy mới đẹp làm sao vì nó tô đậm vẻ đẹp
tâm hồn người Tây Tiến. Họ không chỉ dũng cảm, chiến đấu quân mình để bảo vệ Tổ quốc, họ là
những con người có tâm hồn hào hoa, biết yêu cái đẹp, biết say đắm, nâng niu một dáng hình người
thương.
→ Nỗi nhớ về “Hà Nội dáng kiều thơm” đậm chất nhân văn, vừa khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người
lính Tây Tiến, vừa giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam giữa mưa bom đạn, máu
lửa chiến tranh. Họ yêu biết bao một vùng trời bình yên, một khoảnh khắc thanh bình bên người
thương. Họ nhớ biết bao, trân trọng đến nhường nào vẻ đẹp “dáng kiều thơm”. Tình yêu và nỗi nhớ
ấy trở thành sức mạnh, thành động lực để người lính chiến đấu và chiến thắng nơi chiến trường. Ấy
vậy mà những câu thơ đẹp đến nao lòng đó một thời bị quy là “mộng rớt”, “buồn rơi”, “ủy mị tiểu tư
sản không đáng có ở những người lính ra trận”. Thời gian càng dày càng trả lại những giá trị đích
thực cho “Tây Tiến”, để rồi người ta mới thấy rằng ‘mộng” là hào hùng Tây Tiến, “mơ” là hào hoa
Tây Tiến. Bút pháp lãng mạn khai thác triệt để sự tương phản đối lập đã giúp thi nhân Quang Dũng tô
đậm vẻ đẹp nội tâm của chân dung người lính cụ Hồ trong đoàn binh Tây Tiến.
Trong thơ ca kháng chiến, chúng ta không ít lần gặp những nỗi nhớ thiết tha như thế. Nhà thơ
Chế Lan Viên viết:
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, những anh bộ đội cụ Hồ ra đi từ “nước mặn đồng
chua” mong theo nỗi nhớ thiết tha:
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Hay như nỗi nhớ của Hồng Nguyên
“Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
(Nhớ)
Còn nỗi nhớ trong “Tây Tiến” thật hào hoa và lãng mạn. Xuyên suốt hành trình khắc họa chân
dung đồng đội, đã không ít lần ta thấy thấp thoáng không ít lần bóng hình của những nàng thơ, đó là
dáng vẻ “nàng e ấp” trong những đêm hân hoan lửa trại, là dáng người chèo đò trên độc mộc trong
bức tranh “Châu Mộc chiều sương ấy”. Và một lần nữa, dáng hình ấy hội tụ tỏa sáng ở hình ảnh
“đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Có thể nói đây là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng nhằm tô
đậm và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, đa tình chỉ có ở người lính Tây Tiến. Ta nghe trong
câu thơ của Quang Dũng cái tinh thần, cái nỗi nhớ:
“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”

3) Lí tưởng cao đẹp


Chuyển ý: Lev Tolstoy khẳng định: “Lý tưởng là ngọn đèn dẫn đường”. Thật vậy, lí tưởng cao
đẹp giống như ngọn đèn soi sáng những cung đường hành quân của người lính Tây Tiến. Viết về họ,
Quang Dũng không quên ngợi ca:
“Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh”
Cụm từ “đời xanh” gói gọn trong nó cả khung trời thanh xuân, tuổi trẻ với bao hoài bão, mộng
ước cảu người lính. “Đời xanh” ấy đáng quý biết bao, người lính Tây Tiến đã dành phần đời tươi đẹp
nhất của mình để dâng hiến cho Tổ quốc. Cách nói phủ định “chẳng tiếc” đầy ngang tàng, ngạo nghễ
đã thể hiện tinh thần tự nguyện dâng hiến, hi sinh tuổi trẻ để bảo vệ Tổ quốc của người lính trẻ.
Xuyên suốt “Tây Tiến”, nhiều lần Quang Dũng sử dụng cách nói phủ định ấy: “không bước nữa”,
“không mọc tóc”, “chẳng tiếc”, “chẳng về xuôi” khiến giọng thơ vang lên mạnh mẽ, thiêng liêng như
một lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có lẽ vì vậy mà “Tây Tiến” đã trở thành một khúc ca
tráng lệ, hào hùng của những năm kháng chiến chống Pháp. Ý thơ của Quang Dũng nói là “chẳng
tiếc” nhưng tuổi trẻ ai mà không trân quý. Nhà thơ Thanh Thảo từng viết:
“Chúng tôi đi không tiếc đời xanh
Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”
Vậy nên tuổi 20 ấy người lính Tây Tiến đã dâng hiến cho Tổ quốc. Đó là lí tưởng cao đẹp, là
ngọn đèn soi sáng chỉ đường để người lính chiến đấu và chiến thắng.

4) Sự hi sinh bi tráng
“Tây Tiến” như một khúc ca hào hùng tráng lệ, có những lúc âm vực của nó bỗng dưng lắng
xuống, trầm lại. Đó là khi Quang Dũng nói về sự hi sinh bi tráng của những người đồng đội thân yêu.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
Nói về sự hi sinh của người lính trong chiến trường là một chi tiết đậm màu sắc hiện thực trong
“Tây Tiến”. Vâng, chiến tranh là mất mát, là hi sinh đổ máu. Thơ ca đương thời né tránh điều đó, thế
nhưng trong “Tây Tiến”, hơn một lần Quang Dũng dũng cảm làm một người “thư kí trung thành của
thời đại” để phản ánh hiện thực khốc liệt của thời đại chiến tranh mà mình sống. Ở đoạn thơ trước,
người lính Tây Tiến đã nằm lại dọc con đường hành quân bình thản mà đầy kiêu hãnh:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Và đến đây, sự hi sinh thầm lặng của người lính một lần nữa được nhà thơ khắc họa trong những
câu thơ đầy bi tráng. Từ láy “rải rác” gợi hình ảnh những nấm mồ nằm lẻ loi rải rác nơi biên cương
hoang lạnh. Hình ảnh ấy chắc hẳn sẽ làm dấy lên không khí thê lương, buồn đau. Nhưng lạ thay trong
câu thơ của Quang Dũng, ta lại thấy “bi” mà không “lụy”, buồn thương mà không yếu đuối. Những
từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ” đã tạo nên một không khí trang trọng, thiêng liêng, cổ kính bao
trùm. Nó xua tan cái hoang lạnh, thê lương, đồng thời bất tử hóa, thiêng liêng hóa sự hi sinh thầm
lặng của người lính. Nghệ thuật đảo ngữ đã tô đậm khí khái ngang tàng, bất khuất, kiên cường của
đoàn quân ấy. Họ hi sinh trong tư thế ngẩng cao đầu.
Chưa dừng lại ở đó, thi nhân Quang Dũng còn bất tử hóa sự hi sinh của đồng đội bằng một hình
ảnh thơ thật độc đáo:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Có một hiện thực trong những năm kháng chiến chống Pháp mà người lính cụ Hồ phải trải qua
đó là khi hi sinh, họ chỉ có manh chiếu bó tạm hay là tấm quân phục đơn sơ ôm lấy thân gầy về với
đất mẹ. Bởi vậy, khi họ dừng chân ở những bản làng, nhân dân địa phương thường tặng chiếu như
một cách để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với sự hi sinh của các anh. Thế nhưng cái tài của thơ
Quang Dũng là hiện thực khốc liệt ấy đã được nâng đỡ bằng những hình ảnh thơ lãng mạn, hào hùng.
Một trong số đó là “Áo bào thay chiếu”. “Áo bào” là tấm áo sang trọng vua ban cho những tráng sĩ có
công lớn thuở xưa. Trong “Chinh phụ ngâm”, chinh phụ ra đi với tấm chiến bào sang trọng ấy:
“Giã nhà đeo bức chiến bào
Thép roi cầu vĩ ào ào gió thu”
“Áo bào” đã trở thành một hình ảnh ước lệ trong thơ ca cổ điển nhằm tạo nên vẻ đẹp lí tưởng cho
những trang anh hùng dũng liệt xả thân vì đất nước. Một lần nữa hình ảnh ấy đi vào “Tây Tiến” vừa
giảm đi độ khốc liệt của chiến tranh, vừa ngợi ca vẻ đẹp bi tráng, anh hùng của những chàng lính Tây
Tiến. Trong tình cảm của Quang Dũng, những người đồng đội thân yêu xứng đáng được ngợi ca là
những anh hùng. Cho nên tấm quân phục đơn sơ hay manh chiếu quấn tạm trong giây phút thiêng
liêng anh về với đất mẹ đều là “áo bào”.
Nghệ thuật nói giảm nói tránh “anh về đất” gợi tả một sự ra đi nhẹ nhàng, thanh thản của người
lính. Các anh hi sinh chính là trở về với đất mẹ bao dung. Từ “về” an ủi, ấm áp mà nhẹ nhàng, nó xua
tan những khốc liệt dữ dội của chiến tranh.
Cuối cùng “sông Mã”- dòng sông anh hùng - chứng nhân của lịch sử đã tấu lên khúc vĩnh quyết
trầm hùng tiễn đưa người lính. Nghệ thuật nhân hóa, động từ “gầm” kết hợp với từ Hán Việt “khúc
độc hành” đã tạo nên giây phút tiễn đưa thiêng liêng, trang trọng như bản hùng ca Tổ quốc ghi công
để tiễn đưa người lính về với vòng tay của mẹ Tổ quốc.
→ Đoạn thơ nhiều từ Hán Việt, nghệ thuật nói giảm nói tránh, khẩu khí ngang tàng đã dựng xây
nên một bức tượng đài bất tử có thể coi là “vô tiền khoáng hậu” về người lính cụ Hồ chống Pháp.
Bức tượng đài ấy sừng sững giữa đất trời Tây Bắc, bất tử với thời gian, ngợi ca vẻ đẹp anh hùng -
nghệ sĩ, hào hùng - hào hoa của những người lính vô danh có chung tên gọi “Tây Tiến”

III. Hợp

You might also like