You are on page 1of 18

1. Phân tích tính thống nhất & đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Liên hệ trách nhiệm


của sinh viên hiện nay
Với sự hình thành các nhóm cư dân cùng sinh sống từ khởi nguồn khởi thủy, trên lãnh thổ
Việt Nam ngày nay có nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, hình thành nên 54 dân tộc anh
em. Cùng với điều kiện tự nhiên sinh thái, xã hội nhân văn trong một không gian văn hóa
chung, các dân tộc Việt Nam đã xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
trong một thể thống nhất là bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trước hết, tính đa dạng của nền văn hoá Việt Nam được hình thành qua một quá trình
lịch sử và được tích luỹ qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, nhờ vào vị trí địa lý hết sức thuận lợi,
là chiếc cầu nối liền của Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, là “ngã tư đường
của các nền văn minh” nên văn hóa Việt dễ dàng giao lưu với các nền văn hoá khác nhau,
từ đó trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Tính đa dạng của nền văn hóa Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau
như: phong tục tập quán, kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc. Đây là những điểm
để phân biệt vùng này với vùng khác, mỗi vùng có những nét riêng biệt tùy thuộc vào
điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, sự tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài, tạo nên sự
đa dạng, phong phú của vùng. Mỗi người dân có vốn văn hóa riêng, tạo nên những vùng
địa - tộc người rất phong phú, đa dạng.
+ Không chỉ thể hiện trong các phong tục, mà đa dạng văn hoá còn phản ánh qua ngôn
ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật, tôn giáo và tín ngưỡng,... trong 54 dân tộc Việt
Nam. Ví dụ như dân tộc Kinh sử dụng tiếng Việt, trong khi dân tộc H'Mông có ngôn ngữ
Mông và dân tộc Tày có ngôn ngữ Tày. Mỗi ngôn ngữ thể hiện cách suy nghĩ, văn hóa và
truyền thống của dân tộc tương ứng. Mỗi dân tộc và vùng văn hóa có những nét đặc
trưng, sắc thái riêng mà các vùng khác không có hoặc có mà không điển hình, không tiêu
biểu đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.

Tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam
- Về không gian: Dù khác nhau về không gian sống, nhưng vẫn là sự thống nhất trên
lãnh thổ Việt Nam. Tương đương với 7 vùng kinh tế, lãnh thổ Việt Nam được chia thành
6 vùng văn hoá khác nhau. Mỗi vùng văn hoá có những đặc trưng riêng đem lại sự đa
dạng của nền văn hoá Việt Nam.
- Về thời gian: Sự đa dạng của văn hóa trong các thời kì, sự đa dạng về thời gian xuất
hiện các yếu tố văn hóa của văn hóa Việt Nam vẫn thống nhất rằng tiến trình lịch sử đem
đến một kết quả duy nhất là nền văn hóa hiện tại.
- Về các mặt văn hóa chủ yếu:
+ Minh triết và tư tưởng:
● Cách ứng xử rất trọng tình thương và nhớ về cội nguồn của con người Việt Nam:
ví như câu ca dao, tục ngữ: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống
nhưng chung một giàn” hay “Uống nước nhớ nguồn”. Cách ứng xử này là tiền đề
để tạo nên sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam, luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn
nhau.
● Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động luôn tồn tại trong mỗi con người Việt.
Việt Nam là nước có nền văn minh lúa nước, nhưng khí hậu lại vô cùng khắc
nghiệt, nên buộc người nông dân phải luôn cần mẫn để cho ra được sản phẩm tốt
nhất, họ ngày một sáng tạo cho vụ mùa được bội thu,... Cho thấy được dù văn hóa
có khác nhau, thì đức tính tốt đẹp ấy vẫn tồn tại trong mỗi con người Việt, tạo nên
một sự thống nhất mà chỉ có trong con người Việt Nam.
● Lòng yêu nước: Dân tộc Việt Nam chúng ta được hình thành từ rất sớm, trải qua
rất nhiều cuộc chiến tranh dựng nước, giữ nước. Từ đó, lòng yêu nước đã khắc sâu
và bao trùm trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì thế, lòng yêu nước nồng nàn trong
mỗi người dân Việt Nam vẫn đang tồn tại và tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Tuy có rất nhiều văn hóa khác nhau tồn tại trong 54 dân tộc anh em, nhưng trong
mỗi con người Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh
thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc,
lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong
lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống,... vẫn luôn luôn tồn
tại trong họ.
● Ngoài ra, tính thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam cũng có thể hiểu là sự
kết hợp và gắn kết giữa các yếu tố văn hoá khác nhau trong quần thể dân tộc Việt
Nam, tạo nên một tập hợp giá trị chung và nhận thức chung về văn hoá dân tộc
+ Văn hóa cộng đồng, làng xã (dựa trên nếp sống, ăn mặc, phong tục tập quán,…) vẫn
đang được phục hồi và phát huy. Góp phần làm cho văn hóa ngày càng phong phú hơn,
đa dạng hơn nhưng vẫn tồn tại theo một thể thống nhất.
+ Ngôn ngữ và văn hóa: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức và giao tiếp chung của người
Việt Nam. Ngôn ngữ này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất và duy trì đa
dạng văn hoá trong nền văn hoá Việt Nam.
+ Đạo đức và giá trị: Tính thống nhất trong đạo đức và giá trị là một yếu tố quan trọng.
Qua các giáo dục truyền thống, người Việt Nam hình thành một hệ thống các giá trị như
tôn trọng gia đình, kính trọng người già, lòng thành kính với người khác, lòng yêu nước
và tôn trọng truyền thống và văn hóa của dân tộc.
+ Nghệ thuật và âm nhạc: Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong các nghệ thuật
truyền thống như ca trù, hát chèo, tài tử, văn học Việt Nam cổ truyền, và cả nghệ thuật
hiện đại như nhạc quần chúng, phim ảnh, và văn học đương đại
+ Trang phục và phụ kiện: Mặc dù có nhiều sắc thái vùng miền, nhưng vẫn có sự thống
nhất trong trang phục và phụ kiện truyền thống của người Việt Nam như áo dài, nón lá,
khăn trùm đầu,... và hình ảnh các đồ vật truyền thống.
+ Năm lễ và ngày kỷ niệm: Dân tộc Việt Nam có sự thống nhất và tôn trọng các ngày lễ
quốc gia như Ngày Quốc Khánh, Tết Nguyên Đán,... và rất nhiều ngày kỷ niệm lịch sử
khác, đồng thời cũng có thể tổ chức các lễ hội địa phương riêng biệt.
Từ những phân tích trên, ta có thể liên hệ trách nhiệm của sinh viên:
Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế đã có những tác động nhất định, làm thay đổi
phương thức tư duy, lối sống của sinh viên theo hướng hiện đại và tích cực, chủ động
hơn. Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, sinh viên Việt Nam có điều kiện
khám phá, tiếp thu và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, tri thức mới để phát
huy vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sự đa dạng và
thống nhất của văn hóa Việt Nam:
- Nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc. Từ đó có thể phát triển ý thức giữ gìn ngôn ngữ Việt, xây dựng tiếng Việt
trong sáng, lành mạnh
- Tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện và dự án nhằm tôn vinh và bảo tồn văn hóa
của dân tộc
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để phát huy vai trò của sinh viên. Xây dựng
và tham gia vào các hoạt động văn hóa
- Tích cực hợp tác, trao đổi và giao lưu văn hóa để tăng cường sự hiểu biết và tình hữu
nghị giữa các cộng đồng
- Chia sẻ và lan truyền rộng rãi, góp phần tăng cường nhận thức và sự quan tâm của công
chúng đối với bảo tồn văn hóa
2. Phân tích mối quan hệ Nhà - Làng - Nước trong văn hóa Việt Nam. Giải pháp
phát huy ưu điểm của mối quan hệ này
Nền văn hóa Việt Nam được hình thành qua nhiều thời đại và chịu nhiều thử thách của
không gian và thời gian mà vẫn khẳng định tính bền vững của bản sắc văn hóa riêng. Có
được bản lĩnh và giữ giá được bản sắc văn hóa dân tộc để có thể truyền từ thế hệ này sang
thế hệ khác chúng ta không thể không nói đến vai trò quan trọng của làng xã, của gia đình
và nhà nước.
Nhà - Làng - Nước là ba thực thể xã hội với ba cấp độ khác nhau về không gian kinh tế -
xã hội nhưng lại có mối liên quan, liên kết chặt chẽ. Ở Việt Nam, mối quan hệ Nhà -
Làng - Nước là mối quan hệ hữu cơ, máu thịt. Có nhà mới có làng, có làng mới có nước.
Nước hình thành trên cơ sở làng. Mọi người đều gắn bó với làng, với nước. Xây dựng bảo
vệ làng là xây dựng bảo vệ nước. Chúng ta có thể thay thế liên kết cộng đồng Việt Nam
chủ yếu theo ba cấp cộng đồng theo trục dọc: Nhà - Làng - Nước. Nhà (hay gia đình) là
đơn vị xã hội gồm những người cùng huyết thống gắn bó mật thiết với nhau. Làng là một
đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, có địa vực, cơ sở hạ tầng,
cơ cấu tổ chức, phong tục, tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và thậm chí "thổ ngữ"
riêng. Nước là quốc gia dân tộc. Chúng ta sẽ xét mối quan hệ này trên các bình diện kinh
tế - văn hoá - xã hội:
- Mối quan hệ về kinh tế: Gia đình Việt Nam truyền thống chủ yếu lấy kinh tế nông
nghiệp trồng lúa nước làm nghề nghiệp chính. Do yêu cầu cần phải hợp tác nên đã dẫn
đến sự hình thành làng xã và ở mức độ cao hơn là sự hình thành nhà nước. Thực tế lịch sử
cho thấy khi kinh tế hộ gia đình phát triển, ổn định thì kinh tế làng xã hay kinh tế đất
nước phát triển. Mối liên hệ giữa gia đình tiểu nông với làng xã, nhà nước là mối liên kết
biện chứng có tác động qua lại với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Sức mạnh kinh tế của gia
đình sẽ tạo nên sức mạnh kinh tế của làng xã, và sức mạnh kinh tế làng xã lại tạo nên sức
mạnh kinh tế của cả nước.
Tóm lại, chính yêu cầu của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước dựa trên cơ sở hộ gia đình
là nguyên nhân quan trọng, chính yếu tạo nên mối liên kết Nhà - Làng - Nước về mặt
kinh tế. Kinh tế tiểu nông là nguyên nhân giải thích tại sao kinh tế đất nước ta mặc dù trải
qua nhiều khó khăn do giặc ngoại xâm, thiên tai phá hoại những nền kinh tế nước ta vẫn
không bị mục nát; nhân dân và nhà nước đã có những biện pháp hiệu quả khắc phục
những trở ngại, khó khăn để phục hồi và tiếp tục phát triển. Nói cách khác, nếu không
nhờ kinh tế tiểu nông và tái sản xuất nhỏ thì kinh tế Việt Nam không thể tồn tại và phát
triển sau những biến động và thăng trầm của lịch sử dân tộc.

- Mối quan hệ về mặt văn hóa - xã hội:


+ Về xã hội: Nhiều gia đình họp lại thành một làng và nhiều làng hợp lại thành nhà nước.
Làng Việt Nam mang tinh tự quản cao hay nói cách khác đó là tính tự trị, tính tự trị đặc
thù của mình thông qua việc lập hương ước, thành ngữ "Phép vua thua lệ làng" thường
được dùng để nói về làng Việt có sự độc lập với chính quyền Trung ương, làng được xem
có tính tự trị, khép kín, độc lập, là một vương quốc nhỏ trong vương quốc lớn. Tính tôn ti
trong trật tự của các dòng tộc đã dẫn đến mặt trái của nó là tâm lý gia trưởng, trọng nam
khinh nữ và đặc biệt là tâm lý địa phương, cục bộ. Hương ước của làng xã chính là hệ
thống giá trị, chuẩn mực của làng xã, nó quy định cung cách ứng xử, lối sống của cá nhân
trong làng, tạo nên sự đồng nhất, mà trước hết là trong dòng họ. Với hương ước sự cố kết
trong cộng đồng làng xã tăng lên nhưng có thể làm giảm tính liên kết giữa làng xã và nhà
nước.
Nói làng mang tính tự trị không có nghĩa là làng hoàn toàn độc lập với nhà nước. Thực ra
giữa làng xã và nhà nước truyền thống có mối liên kết vô cùng chặt chẽ, chính mối liên
kết này là nhân tố dẫn đến sự hình thành nhà nước Việt Nam trong lịch sử. Nhà nước Việt
Nam trong thời phong kiến có thể gọi là hình thức siêu làng. Hương ước tạo nên tính tự
trị của làng xã. Nhưng mặt khác chính nội dung hương ước cũng có các điều khoản quy
định nghĩa vụ của làng xã với nhà nước. Như vậy từ lệ làng ý thức cộng đồng làng xã đã
phát triển thành ý thức quốc gia dân tộc. Đối với con người Việt Nam trong lịch sử cũng
như hiện đại, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hết sức khăng khít trong một hệ thống
bền chặt Nhà - Làng - Nước. Điều này được biểu hiện rất rõ ở tính cộng đồng: "Bầu ơi!
Thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
+ Về văn hóa: Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một nền văn hóa mang đậm bản sắc văn
hóa dân tộc, là lịch sử của tình đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo luôn "chung
lưng đấu cật", đoàn kết yêu thương, mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ… trong một
cộng đồng lớn Nhà - Làng - Nước. Chính lịch sử đã hun đúc nên chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam và làm cho nó trở nên quyết liệt và bền vững theo thời gian. Với nền văn hóa lâu đời
của cộng đồng, là chủ nghĩa anh hùng, là tinh thần bất khuất trong đấu tranh về sự sống
còn của dân tộc. Làng là sự tràn ra của nhà, là sự tràn ra của thế ứng xử từ trong gia đình
con chị đi, con dì lớn.. giữa người làng với nhau. Nước là hình ảnh phóng to cả làng. Và
người đứng đầu cả nước cũng coi là gia trưởng, là cha mẹ. Nếu gia đình người Việt cổ
truyền được tổ chức tốt nhất để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sự thiết lập mối
quan hệ bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần giữa hai hằng số văn hóa nông nghiệp định cư -
định canh. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã tạo nên tín ngưỡng thờ các vua Hùng - tổ
tiên lớn nhất của dân tộc. Chính việc thờ các vua Hùng đã thắt chặt thêm mối liên kết Nhà
- Làng - Nước trong lịch sử dân tộc. Thật hiếm có dân tộc nào lại có ngày giỗ tổ chung
cho cả nước như người Việt Nam. Do điều kiện khách quan của sự phát triển nông nghiệp
lúa nước gắn liền với nhu cầu thuỷ lợi và nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm, sự liên kết cộng
đồng giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc. Do vậy sau
khi hình thành, Nhà nước phát triển theo xu hướng chủ yếu là quốc gia quân chủ tập
quyền, thống nhất. Việt Nam coi trọng "trung hiếu" nhưng gắn với với "nước", "dân",
đồng thời nên cao "nhân nghĩa". Khi quyền lợi của làng xã và nhà nước thống nhất với
nhau thì ý thức cộng động làng sẽ dẫn đến ý thức dân tộc. Điều này thể hiện rõ nét nhất
khi đất nước gặp nạn ngoại xâm. Khi đó sự sinh tồn của làng xã và nhà nước được đặt ra
một cách khẩn cấp thì ý thức cộng đồng làng và ý thức cộng đồng dân tộc hòn lại làm
một.

Ở Việt Nam, mối quan hệ Nhà - Làng - Nước là mối quan hệ đặc trưng, đóng vai trò
rường cột trong văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng. Hơn
đâu hết, Nhà - Làng - Nước là nơi giao thoa nhiều nhất giữa những cái được coi là “không
chính trị” và những “cái chính trị”, giữa nhà nước và tự quản cộng đồng. Chủ nghĩa cộng
đồng Việt Nam truyền thống giải quyết tất cả các vấn đề của cộng đồng trong mối quan
hệ nhà - làng - nước. Lúc có ngoại xâm, nước được đặt lên trước, ngày thường, phép vua
có thể thua lệ làng. Ở đây tồn tại một mối quan hệ vừa thống nhất, vừa đan cài, vừa mâu
thuẫn.

Vậy, từ những phân tích nêu trên, ta có thể thấy mối quan hệ Nhà - Làng - Nước có
những ưu điểm như sau:
- Sự đồng thuận và sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng
- Việc tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực và tài nguyên
- Mối quan hệ Nhà - Làng - Nước cũng tạo ra sự phân công công việc hiệu quả
- Tăng tính bền vững của môi trường - tài nguyên thiên nhiên:
Từ đó, đưa ra những giải pháp phát huy ưu điểm của mối quan hệ Nhà - Làng -
Nước:
- Xây dựng lòng tin của nhân dân đối với quốc gia, dân tộc, đặc biệt ở hiện tại là với
Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tiếp tục giữ gìn sự đồng thuận giữa Nhà - Làng - Nước
- Gắn kết và công bằng trong việc phân chia và sử dụng tài nguyên
- Chính phủ sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế với các tổ chức cộng đồng
- Tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa nhà, làng và nước về việc xem xét và quản lý tài
nguyên môi trường một cách bền vững
3. Tìm hiểu phong tục lễ tết và lễ hội Việt Nam. Hãy giới thiệu 01 lễ hội đặc trưng ở
quê hương anh chị
Trước hết, về khái niệm, “phong tục” là các thói quen và cách sống của dân tộc Việt
Nam, có sự đa dạng và tồn tại qua thời gian. Phong tục phát triển dưới tác động của tự
nhiên, kinh tế và quan hệ giữa con người. Chúng là các thói quen ổn định, được truyền từ
thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng tuân theo tự giác.Phong tục đa dạng và
độc đáo, tạo nên bản sắc Việt cũng như phong tục và tập quán lễ hội phong phú của cộng
đồng các dân tộc Việt Nam
- Trước hết là phong tục lễ tết: hằng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay
mùng 1) tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng
đồng người Việt sinh sống. Sắm cây đào và cây quất ở Bắc Bộ, hay cây mai ở Trung Bộ
và Nam Bộ được coi là sự chuẩn bị không thể thiếu trong những ngày giáp Tết. Sau đó,
trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành
những lời chúc mừng, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.
+ Những phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết điển hình thường là cúng ông
Công, ông Táo; gói bánh chưng, bánh tét; tảo mộ; cúng tất niên; hái lộc,...
- Nguồn gốc Tết xuất phát từ văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước –
do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí
khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thừa") trong đó tiết quan trọng
nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau
này được biết đến là Tết Nguyên Đán. Năm mới của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nền văn
minh lúa nước cổ đại.
- Ẩm thực trong lễ Tết cũng có sự khác biệt giữa ba miền.
+ Miền Bắc: chăm chút tỉ mỉ và bày biện đẹp mắt. Theo tục lệ sẽ có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8
bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát tài phát lộc. Các món đặc trưng: bánh chưng, xôi gấc, thịt
gà luộc, thịt đông, giò lụa, nem rán, dưa hành, chè kho…
+ Miền Trung: được chăm chút tỉ mĩ, hương vị đậm đà tròn vị. Các món đặc trưng: bánh
tét, thịt muối, dưa món, nem chua, canh khổ qua nhồi thịt,…
+ Miền Nam: ít chú trọng về hình thức và cách chế biến không quá cầu kì nhưng hương
vị rất thơm ngon, bình dị từ những sản vật dân dã của miền sông nước. Các món ăn đặc
trưng: bánh tét, thịt kho hột vịt nước dừa, lạp xưởng chiên, củ kiệu, dưa giá…
Tóm lại, Tết cổ truyền có giá trị nhân văn đặc biệt, gắn liền với lịch sử và tâm hồn của
người Việt. Nó thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đánh thức những kí ức đẹp
đẽ, thắt chặt tình thân và tình bạn, cũng như mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức
cộng đồng. Tết là thời điểm để mọi người thể hiện lòng biết ơn, mong ước cho một năm
mới thịnh vượng, và đóng góp cho quê hương và dân tộc
Tổng quan về lễ hội Việt Nam
Lễ hội truyền thống của Việt Nam, với hàng nghìn năm lịch sử, là một "tài nguyên tinh
thần" quý báu của dân tộc. Chúng tập hợp và kết nối mọi người, tạo ra cộng cảm chung
và se kết các mối quan hệ, góp phần làm giàu văn hóa dân tộc. Lễ hội là kho sử ký về lịch
sử văn hóa dân tộc và thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, phản ánh nhân phẩm và danh
tiếng của dân tộc trong mắt các cộng đồng khác. Tùy vào thời gian tổ chức, phong tục tập
quán và truyền thống văn hóa, mỗi vùng miền có mỗi lễ hội đặc trưng, mang đậm bản sắc
dân tộc. Những yếu tố làm nên sự đặc trưng đó chính là:
+ Thời gian: Lễ hội thường diễn ra vào 2 dịp xuân thu nhị kỳ, sinh hoạt lễ hội và tín
ngưỡng dân gian của các dân tộc Việt Nam đều bắt nguồn từ sự cầu mùa. Đa số lễ hội tổ
chức vào hai thời điểm mùa xuân và mùa thu, nhưng ở nhiều dân tộc thiểu số, thời điểm
tổ chức các lễ hội lại mở vào cuối hè (thường là tháng 6 hay tháng 7 âm lịch)
+ Không gian: Trong tâm thức người Việt, thuyết linh hồn chiếm địa vị chủ đạo. Do vậy
các lễ hội thường được tổ chức ở các địa điểm linh thiêng như một không gian hẹp, có thể
là không gian nhân tạo như đình, đền, miếu, chùa, cũng có thể là không gian tự nhiên như
gò, đống, bãi… Tại những địa điểm này, cái thiêng được hiện tồn, biểu trưng như: kiểu
kiến trúc, tượng, ngai thờ, nghi vật, nghi trượng và cả những ứng xử nghi lễ.
+ Nghi thức tổ chức: Quá trình chuẩn bị gồm hàng loạt công việc phải làm như: chọn địa
điểm, trang hoàng nơi thờ tự, chuẩn bị tổ chức các trò chơi và các hoạt động dịch vụ để
làm cho không khí hội trở nên sôi động và náo nhiệt hơn.

- Một số lễ hội tiêu biểu:


+ Lễ hội đền Hùng hay ngày Giỗ tổ Hùng Vương là nghi lễ truyền thống được tổ chức
hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Phú Thọ; nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn
công lao lập nước của các vua Hùng.
+ Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân
loại đã được UNESCO công nhận.

- Giới thiệu lễ hội đặc trưng ở quê hương: Hội Vật làng Sình
+ Thời gian: Hằng năm cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Phú
Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thừa Thiên lại giong trống mở cờ, đến hẹn lại lên tổ
chức Hội Vật làng Sình. Hội Vật làng Sình là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ
và phát huy suốt mấy trăm năm qua kể từ thời chúa Nguyễn.
+ Địa điểm: Hội vật được diễn ra tại Lại Ân hay còn gọi là làng Sình. Đây là một trong
những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu
ngã ba Sình (rước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài), nay là xã Phú Mẫu huyện
Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Sình cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam
còn lưu giữ truyền thống vật võ.
+ Lịch sử phát triển: Hội Vật làng Sình truyền thống đã có lịch sử hơn 200 năm và phát
triển liên tục cho đến nay. Thuở xa xưa, làng Sình chỉ là bãi đất bồi của 3 nhánh sông hợp
lại. Nơi đây địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên được các chúa Nguyễn trưng dụng làm nơi
luyện tập võ thuật của quân lính triều đình. Trải qua nhiều trận mạc, chiến tranh kết thúc,
làng được lập ra bởi các một trang thiếu niên đã bày ra hình thức đấu vật cho con cháu
trong nhà cùng luyện tập nâng cao sức khỏe. Người này sau này được làng tôn lên làm
ông tổ môn vật.
+ Nét đặc trưng: Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh truyền thống còn là một hoạt
động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ. Kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng
cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ. Hội vật cũng nhằm mục đích lưu giữ
truyền thống vật võ - Một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt với niềm mong ước
cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.
+ Hội vật làng Sình bao gồm: phần Lễ và phần Hội
● Phần lễ: Phần lễ được tổ chức tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ
cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng.
Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu.
● Phần Hội: Các đô vật dự đấu với nhau tại võ đài là sới vật bằng đất bột, mỗi bề
rộng khoảng bốn năm sải tay, cao hơn một mét, bốn bề có giăng dây bảo vệ.
Người điều khiển đô vật mặc áo dài khăn đen, điều khiển trận vật bằng cường độ
trống.
Trọng tài là người am hiểu luật, nhạy bén và kiên quyết. Các đô vật mặc quần và
quấn thêm một cán ngang lưng.
Chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn
khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… là hoàn toàn cấm. Tinh thần
đồng đội ở các địa phương cũng rất quan trọng, một đô của làng nào bị thua tức
khắc có đô khác lên tiếp sức.

Hiện nay, Làng Sình hôm nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng không gian văn hoá xưa vẫn
còn lưu lại những dấu ấn rất rõ nét về một vùng đất thượng võ. Đó như là những minh
chứng cho một giá trị văn hóa trường tồn của người dân làng Sình. Đây cũng chính là
điều ấn tượng còn lại trong lòng du khách khi đặt chân đến với mảnh đất thân thương này.
4. Phân tích những đặc điểm văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt
qua ẩm thực, trang phục & nhà ở. Theo các anh chị, để xây dựng Huế trở thành
“Kinh đô ẩm thực” cần thực hiện những giải pháp cơ bản nào.
Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt Nam nói đến ở đây là các sinh
hoạt về ăn, mặc, ở và đi lại. Đó là những hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu có tính vật
chất để đảm bảo sự sinh tồn của con người. Tuy đây là những nhu cầu có tính bản năng,
nhưng đối với con người, nó được giải quyết theo một cách thức “có văn hóa” và đối với
mỗi cộng đồng người nó được thể hiện thành những tập quán trong sinh hoạt đời sống vật
chất, trở thành lối sống riêng.
Trước hết, là văn hóa ứng xử trong việc tận dụng môi trường tự nhiên trong ẩm
thực: Người việt coi trọng việc ăn uống, mọi hành động đều lấy “ăn” làm đầu. Họ coi ăn
uống là văn hóa, thể hiện nghệ thuật sống và phẩm giá con người
- Cơ cấu của bữa ăn của người Việt là: Chuộng thực vật hơn động vật: cơm - rau - cá -
thịt. Kỹ thuật chế biến phong phú, sử dụng gia vị khéo léo, làm mắm, muối chua. Đồ
uống, hút có trầu cau, rượu gạo, nước chè, nước vối và thuốc lào.
- Từ đó có thể thấy bữa ăn của người Việt có những đặc trưng như sau:
+ Tính tổng hợp: Phối hợp nhiều món ăn, kết hợp nhiều gia vị, nguyên liệu trong một
món ăn
+ Tính cộng đồng & mực thước: Mọi người ăn chung một mâm, trước khi ăn cất tiếng
mời chào lễ độ
+ Tính linh hoạt, cân bằng, hài hòa: Ăn bằng đũa, phối hợp giữa nguyên liệu và gia vị

Tiếp theo là văn hóa ứng xử trong việc đối phó với môi trường tự nhiên trong trang
phục. Người Việt quan niệm ăn mặc để ứng phó với môi trường tự nhiên và khắc phục
nhược điểm của cơ thể, sau mới nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ và phù hợp với công
việc. Mỗi dân tộc có cách ăn mặc riêng, do đó trở thành thói quen được chấp nhận trong
từng cộng đồng dân tộc, và xa hơn, trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc.
- Chất liệu may mặc thường là chất liệu thực vật nhẹ thoáng như sợi gai, sợi đay, sợi
bông và tơ chuối. Hoặc như tơ tằm là loại đặc biệt nửa thực vật nửa động vật. Màu sắc
trang phục thường là màu âm tính, dịu nhẹ, mát. Có khi phối thêm một số đồ trang sức
khác (vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai,...) đơn giản, giản dị.
- Kiểu trang phục ở phụ nữ thường là váy, áo, yếm và chiếc khăn, thắt lưng linh hoạt khi
sử dụng, còn ở đàn ông thường đóng khố, quần đùi (xà lỏn). Ngày thường đơn sơ, gọn
nhẹ; lễ hội tươm tất, cầu kỳ. Nhìn chung, trang phục nữ giới giữ theo truyền thống lâu bền
hơn nam giới.
- Thêm vào đó là văn hóa ứng xử trong việc đối phó với môi trường tự nhiên trong
nhà ở: Nhà ở trước hết là nơi cư trú của con người để đối phó với nóng lạnh, nắng mưa,
gió bão, nhưng tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh mà mỗi cộng đồng người
có cách lựa chọn và thể hiện khác nhau tạo thành tập quán và đặc trưng văn hóa riêng.
Đối với cư dân nông nghiệp, ngôi nhà là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo
cho họ một cuộc sống định cư ổn định (an cư lạc nghiệp).
Ngôi nhà của người Việt có những đặc điểm riêng biệt:
+ Do khu vực cư trú là vùng sông nước nên ngôi nhà của người Việt Nam gắn với môi
trường sông nước, cộng thêm khí hậu nhiệt đới gió mùa và thế mạnh của môi trường tự
nhiên Việt Nam là có nhiều loại tre gỗ nên đây chính loại vật liệu được người Việt Nam
khai thác để làm nhà ở. Bộ sườn của ngôi nhà Việt Nam rất được chú ý, cùng với một hệ
thống cột phong phú, gồm cột cái, cột con, cột hiên.
+ Những người sống bằng nghề sông nước (chài lưới, chở đò...) thường lấy ngay thuyền,
bè là nhà ở: đó là các nhà thuyền, nhà bè; nhiều gia đình quần tụ lập nên các xóm chài,
làng chài. Để ứng phó với ngập lụt quanh năm, nhiều người đã làm nhà sàn trên mặt
nước. Nhà sàn lkhông chỉ có tác dụng ứng phó với môi trường ngập lụt quanh năm, mà
còn có tác dụng ứng phó với khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, hạn chế và ngăn cản côn
trùng, thú dữ...
+ Ngôi nhà của người Việt được làm với chiếc mái cong, mô phỏng hình chiếc thuyền.
Tuy nhiên về sau, để cho giản tiện, mái nhà của người bình dân đã được làm mái thẳng,
chỉ có những công trình kiến trúc lớn mới làm mái cong cầu kỳ (cung điện, đình chùa)
nhằm tạo dáng vẻ thanh thoát, gợi cảm giác bay bổng cho ngôi nhà vốn được trải rộng
trên bề mặt bằng để hòa mình vào thiên nhiên.
+ Về cấu trúc: Tiêu chuẩn của ngôi nhà việt Nam là nhà cao, cửa rộng. Kiến trúc Việt
Nam mở để tạo không gian thoáng mát, giao hòa với tự nhiên, khác với kiến trúc phương
Tây là đóng (nhà nhỏ, trần thấp, tường dày, ít cửa) để giữ hơi ấm.
+ Hướng nhà thường chọn hướng nam để vừa tránh được cái nóng từ phía tây, bão từ phía
đông, và gió lạnh thổi về vào mùa rét ở phía bắc, lại vừa tận dụng được gió mát thổi đến
từ phía nam vào mùa nóng (gió nam chưa nằm đã ngáy).
+ Hướng đất: còn gọi là phong thủy.
Đây là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định khí hậu cho ngôi nhà. Ngoài ra, trong việc
chọn nơi mà ở, người Việt với tính cộng đồng rất quan tâm đến việc chọn hàng xóm,
láng giềng, vị trí giao thông thuận tiện “nhất cận thị, nhị cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ,
ngũ cận điền”.
Theo em, để xây dựng Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực” cần thực hiện những giải
pháp cơ bản như sau:
- Từ kinh đô một thuở nay trở thành Cố đô, Huế đang thừa hưởng, lưu giữ nhiều giá trị
văn hóa quý giá của dân tộc, trong đó có ẩm thực. Ẩm thực Huế được xem là di sản văn
hóa phong phú, đa dạng và tinh tế bậc nhất của Việt Nam. Sự phong phú và khác lạ của
ẩm thực Huế bắt nguồn từ yếu tố văn hóa- lịch sử. Vậy nên, để phát triển và xây dựng
Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực”, có thể thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
- Sưu tập toàn bộ di sản ẩm thực Huế, tư liệu hóa và hệ thống hóa thành kho tư liệu để
bảo tồn
- Tăng cường tính thương mại cho ẩm thực Huế
- Nâng cao hiểu biết của người dân Huế về ẩm thực của vùng đất cố đô nói riêng và trong
nước nói chung
- Hợp tác quốc tế, để vừa thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài, vừa đưa món ăn Huế ra thế
giới; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa để làm đa dạng, phong phú hơn ẩm thực Huế
- Có chính sách hợp lí để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng
5. Phân tích hằng số mẫu (mẹ) trong văn hóa Việt Nam
Hằng số văn hóa là những yếu tố khách quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) cố
định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản
không thay đổi trong lịch sử (và trong tương lai). Hiện trạng văn hóa Việt Nam là kết quả
của một quá trình phát triển lịch sử lâu dài, bắt đầu từ khi hình thành những nền tảng văn
hóa thời Tiền sử và Sơ sử cho đến nay đã hình thành những hằng số văn hóa tạo nên bản
sắc văn hóa Việt Nam. Mà trong số đó, hằng số Mẫu là một trong những hằng số quan
trọng được biểu hiện trong ngôn ngữ, đời sống, tín ngưỡng cụ thể như sau:
+ Trong tiếng Việt, từ “cái” có nghĩa là mẹ. Người Việt có câu: “Con dại cái mang” hoặc
“Em về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Từ “cái” thường được
chuyển nghĩa sang nghĩa mới với các nét nghĩa: lớn (hoặc trưởng thành), có khả năng
sinh sản. Trong cách gọi biểu trưng của người Việt, cái gì, vật gì lớn, giữ vai trò chính
yếu thì người ta thường sử dụng từ “cái”. Ngón lớn nhất là ngón cái, đường chính gọi là
đường cái (thuở xưa gọi là đường cái quan). Cách gọi này trở thành quy luật định danh sự
vật hiện tượng trong tiếng Việt bởi cho đến thời điểm khi Internet phát triển, các máy chủ
(main server) vẫn thường được gọi là máy mẹ.
+ Trong đời sống gia đình, phụ nữ là “nội tướng”. Người vợ trong gia đình Việt là người
nắm giữ tay hòm chìa khoá: “Một trăm chìa khoá em đeo. Việc nông tang em gánh, nỗi
đói nghèo em lo”, đồng thời cũng là người giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục và
nuôi dạy con cái: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
+ Trong đời sống xã hội, quan niệm dân gian luôn coi trọng, đề cao nữ giới: “Ba đồng
một mớ đàn ông. Ta bỏ vào lồng ta gánh ta chơi. Ba trăm một mụ đàn bà. Đem về ta trải
chiếu hoa cho ngồi”. Vai trò của người phụ nữ còn được khẳng định trong sự nghiệp cứu
nước: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Các nữ tướng (Bà Trưng, Bà Triệu,...) trong lịch
sử chống ngoại xâm đều được xếp vào hàng danh tướng và đền thờ các vị ấy có một vị trí
quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt.
+ Trong tín ngưỡng dân gian, thế giới thần linh hầu như do nữ thần cai quản. Tín ngưỡng
Việt được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ. Tam Phủ (Bà Trời, Bà Đất, Bà
Nước), Tứ Pháp (Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp) là những “nữ thần cai quản các
hiện tượng tự nhiên quan trọng nhất, thiết thân nhất đối với cuộc sống của người làm
nông nghiệp lúa nước” (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, tr.131). Tín ngưỡng
thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa lâu đời, lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần
tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Liễu Hạnh trong Tứ
bất tử của văn hóa Việt được tôn là Liễu Mẫu. “Tục thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng
Việt Nam điển hình (Trần Ngọc Thêm, “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam”, tr.272)

Thông qua những biểu hiện trên, ta có thể phân tích cơ sở hình thành hằng số Mẫu
trong văn hóa Việt:
+ Về mặt kinh tế, cung cách sống bằng nghề nông dần dần chuyển người phụ nữ đến vị
trí nắm giữ và điều tiết “ngân sách” gia đình. Trong những gia đình sống bằng nghề nông,
người phụ nữ giữ vai trò quan trọng bởi do điều kiện làm việc, người đàn ông phải mặc
theo lối hở (để mình trần, vận khố, về sau mới có quần lá toạ, áo có tay, quần có ống) để
phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm; vì vậy, việc cất giữ tiền của đối với họ là
không an toàn. Trong khi đó, phụ nữ ít đi ra ngoài, ít làm công việc nặng, việc cất giữ tiền
của đối với họ vì vậy mà an toàn hơn. Họ may một cái túi để cất giữ tiền của và gọi nó là
cái ruột tượng. Mang ruột tượng, gánh nặng điều tiết kinh tế gia đình đặt lên vai người
phụ nữ: “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Nhìn ở khía cạnh thực tế, nếu xét trong bối cảnh
địa lí, khí hậu Bắc bộ, chiếc ruột tượng chính là cái “bình ổn áp” cho nhịp sống gia đình.
Tác giả Phan Ngọc trong “Bản sắc văn hóa Việt Nam” nhận xét: “Trong xã hội Việt Nam,
đàn bà quản lí kinh tế. Đàn bà đi chợ mua bán, đàn ông đi mua bán là bất đắc dĩ, còn ở
Trung Quốc đàn ông đi chợ…”
+ Về mặt văn hoá-giáo dục, phụ nữ Việt Nam giữ vai trò cực kì quan trọng trong việc
hình thành nhân cách cho các thế hệ nối tiếp. Nếu gia đình là hạt nhân văn hóa của xã hội
thì người mẹ là hạt nhân văn hóa của gia đình.
Trải qua nghìn năm Bắc thuộc “ta lại là ta” là nhờ công lao của người phụ nữ. Suốt
trường kì lịch sử gian khổ ấy, ngôn ngữ truyền miệng của những người bà, người mẹ,
người chị (thông qua câu hát, lời ru, câu chuyện kể) trở thành công cụ duy nhất dùng để
bảo lưu và chuyển giao văn hoá dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Dưới chính
sách đồng hoá quyết liệt của nhà Hán, phụ nữ Việt Nam còn đảm nhiệm một sứ mệnh lịch
sử cao cả là giữ gìn và bảo vệ giống nòi. Nếu hôn nhân do nhà Hán đặt ra là thứ hôn nhân
cưỡng bức thì những câu hát, lời ru của các mẹ, các chị luôn dìu dặt tình yêu tự do, trong
sáng. Kết quả, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, nền văn hoá Việt chỉ như một toà nhà thay
đổi bề ngoài mà không bị thay đổi cấu trúc bên trong - vẫn nói tiếng Việt, duy trì phong
tục, tập quán của riêng mình (nhuộm răng đen, xăm mình,...). Điều ấy đã thể hiện tầm vóc
của phụ nữ Việt trong sự nghiệp giáo dục các thế hệ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
+ Về mặt chính trị-xã hội, trong suốt thời gian bị phong kiến phương Bắc đô hộ và
nhiều lần đất nước bị ngoại xâm, gánh nặng gia đình và trách nhiệm dân tộc được đặt lên
vai người phụ nữ: “Em về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Không
cam chịu cảnh nhân dân bị áp bức bóc lột, Bà Trưng, Bà Triệu đã anh dũng đứng lên đánh
đuổi giặc thù, làm nên truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Nhiều thế hệ phụ nữ
nối tiếp đã làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp đó. Câu nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh” là sự khái quát khách quan hiện thực đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trong đó
vai trò nữ giới được đặt ngang hàng với nam giới. Ở Việt Nam, muốn biết một cuộc chiến
tranh nào đó là chính nghĩa hay phi nghĩa thì hãy xem thái độ của người vợ, người mẹ khi
đưa chồng, đưa con tham gia vào cuộc chiến ấy. Như vậy, phụ nữ trở thành thước đo tính
chất của những cuộc chiến tranh. Trong suốt hai cuộc chiến tranh thần thánh chống thực
dân và đế quốc của nhân dân Việt Nam, phụ nữ luôn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
+ Về tổ chức cộng đồng: Do phải sống định cư lâu dài đời này qua đời khác nên người
dân sống trọng tình: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”,... dẫn đến đặc tính trọng đức,
trọng văn, trọng phụ nữ. Thêm vào đó, văn hóa tàn dư mẫu hệ cũng hình thành nên hằng
số Mẫu trong văn hóa Việt. Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á là xứ sở của mẫu
hệ. Mặc dù có giai đoạn ảnh hưởng nho giáo nặng nề nhưng từ sâu xa, người Việt vẫn rất
tôn trọng phụ nữ: “Nhất vợ nhì trời”, “Phúc đức tại mẫu”,...
+ Về mặt đời sống tâm linh, từ chức năng sinh sản và vai trò nuôi dưỡng của người mẹ
trong đời thực, các nữ thần được trao gửi trách nhiệm nặng nề hơn các nam thần, đó là
bảo bọc, che chở cho nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Tam Phủ, Tứ Pháp là những nữ thần như
vậy. Liễu Hạnh trong Tứ bất tử là hiện thân của triết lí sống cao đẹp và triết lí về hạnh
phúc, dân gian gọi Bà một cách thân thiết là Liễu Mẫu. Các miếu thờ Liễu Mẫu luôn nghi
ngút khói hương. Phật giáo đến Việt Nam, ngoài Phật ông xuất hiện thêm hình ảnh Phật
bà. Phật bà Quan thế âm Bồ tát luôn gần gũi chúng sinh, sẵn sàng cứu nhân độ thế. Vì
vậy, câu niệm “Nam mô Quan thế âm Bồ tát” trở thành lời kinh cầu nơi cửa miệng dân
gian. Các chùa do dân chúng gom góp tạo dựng thường có tượng Phật bà Quan âm và
cũng luôn nghi ngút khói hương. Những viện dẫn trên đây giải thích vì sao từ xưa đến
nay, chùa bà, miếu bà bao giờ cũng linh thiêng hơn chùa ông, miếu ông. Số người đến
thăm viếng, cầu xin ở chùa bà, miếu bà bao giờ cũng đông hơn chùa ông, miếu ông.
+ Về mặt ngôn ngữ-văn hoá, nếu nói ngôn ngữ tự thân nó chứa đựng những lớp trầm
tích văn hoá dân tộc thì cặp từ vợ/chồng trong tiếng Việt là một ví dụ tiêu biểu. Nhà ngôn
ngữ học Nguyễn Đức Dân trong “Việt Nam những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa” (1993,
tr.47, 48) cho rằng: “Phương thức thứ tự đặc biệt quan trọng trong tiếng Việt. Nó phản
ánh một phần trong cách nhìn của người Việt về xã hội và thế giới tự nhiên. Phạm trù thứ
tự được thể hiện qua các quan hệ không gian, quan hệ thời gian và quan hệ xã hội của sự
vật. Đặc điểm căn bản của phạm trù thứ tự trong tâm thức người Việt là: Cái QUAN
TRỌNG đặt trước, cái THỨ YẾU đặt sau”. Xét với cặp từ “vợ chồng” và “ông bà”, bề
mặt có thể thấy sự mâu thuẫn khi một bên đề cao người phụ nữ và một bên đề cao người
đàn ông. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn với các “hệ quy chiếu”, “vợ/chồng” là cặp từ chỉ
một đôi trong quan hệ gia đình, “ông/bà” là cặp từ chỉ một đôi trong quan hệ xã hội. Nói
cách khác, trong “hệ quy chiếu” gia đình thì người vợ có vị thế cao hơn còn trong “hệ quy
chiếu” xã hội thì người đàn ông có vị thế cao hơn. Quan hệ xã hội có tính “đồng đại”
(nam giới và nữ giới có thể đổi vai nắm quyền lực qua các thời kì, nhưng phổ biến vẫn là
nam giới). Quan hệ gia đình có tính “lịch đại” (người vợ luôn giữ vai trò chính yếu). Vì
vậy, xét trong mối tương quan về trục thời gian, người vợ luôn ở thế “cầm quyền nội
tướng” là hợp logic.

Tóm lại, trong văn hoá Việt, vị thế của người phụ nữ được xác lập một cách rõ ràng. Vai
trò, vị thế đó phản ánh hằng số Mẫu của người Việt. Truyền thống đó là sản phẩm xã hội
vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hoá. Nó thể hiện một nét đẹp của văn hoá Việt. Và
không có gì khiên cưỡng khi xem đó là một nét đặc trưng của văn hoá Việt, một nguyên lí
vận hành của văn hoá Việt.
6. Nhận diện và phân tích những bản sắc của văn hóa Việt Nam
Nhận diện và phân tích những bản sắc của văn hóa Việt Nam
“Bản sắc văn hóa” về cơ bản là bản chất, màu sắc, sắc thái, nét đặc trưng nhất của sự vật,
hiện tượng nhất định. Bản sắc văn hóa chính là biểu hiện cho đặc trưng của một nền văn
hóa nào đó, thể hiện những nét riêng, từ đó so sánh, phân biệt với những bản sắc văn hóa
khác nhau trên toàn thế giới. Bản sắc văn hóa chính là nói đến những nét đẹp, những tinh
hoa mà chỉ có vùng, miền, dân tộc đó mới có cũng là những nét văn hóa đặc sắc nhất
trong nền văn hóa chung, giúp chúng ta gợinhớ về đất nước, địa điểm đó hoặc một nhóm
dân tộc đó. Bản sắc văn hóa Việt Nam đã có những dấu ấn đậm nét trong các hình thức
biểu hiện mang tính chất dân tộc cao. Xuất phát từ nghề nông trồng lúa nước và các hằng
số văn hóa, dẫn đến các giá trị văn hóa Việt chủ yếu sau:
- Tính cộng đồng, làng xã được thể hiện ở các phẩm chất: tính dân chủ, tính tập thể,
đoàn kết, trọng thể diện, yêu quê hương, làng xóm, lòng biết ơn,… Chính vì cùng chung
sống với nhau trong một làng xã, thậm chí ngày xưa có những người cả đờikhông bao giờ
bước ra khỏi lũy tre làng, vì vậy người Việt Nam có tính cộng đồng làng xã rất cao. Họ
thường xuyên “Tối lửa tắt đèn có nhau”, và hàng xóm đôi khi còn thân thiết hơn cả người
thân: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Tính cộng đồng là một trong số đặc trưng gốc rễ trong làng xã Việt Nam, được hình thành
từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tiền trình đấu
tranh chống quân xâm lược của dân tộc, cũng là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người
Việt, được con cháu gìn giữ và bảo tồn từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên nó cũng dẫn
đến thói tùy tiện như hay cao su giờ, thiếu tôn trọng pháp luật, tình trạng đi cửa sau…
Tính cộng đồng là một nét đặc trưng vô cùng tiêu biểu, là nguồn gốc sinh ra rất nhiều
những ưu điểm và nhược điểm trong tính cách của người Việt từ trước đến nay.
- Lối sống thiên về quân bình hài hòa âm dương, trọng tình cảm hơn lí trí, trọng
văn hơn võ, mềm dẻo hiếu hòa được thể hiện rõ nét nhất ở các phẩm chất: ưa ổn định,
tính hiền hòa, bao dung, trọng tình trọng nghĩa, đa cảm; thiên hướng thơ ca, sức chịu
đựng, nhẫn nhịn, có lòng hiếu khách. Người Việt chúng ta sống theo tình cảm, con người
luôn biết cách tôn trọng, cư xử, bình đẳng và dân chủ với nhau. Lối sống trọng tình nghĩa
và cư xử dân chủ lại dẫn đến tâm lý coi trọng cộng đồng, tập thể,làm gì cũng phải tính
đến tập thể, luôn có tập thể đứng sau hỗ trợ.
- Tính tự trị, tính dân chủ, ý thức độc lập dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn
Lịch sử đã chứng minh trong suốt chiều dài hàng nghìn năm các đế chế phương Bắc
không từ bỏ dã tâm thôn tính đất nước Việt Nam trở thành quận, huyện và mưu toan đồng
hóa người Việt. Trước thách thức của lịch sử, người Việt đã tự vệ cho dân tộc mình bằng
vũ khí văn hóa là đề cao, lan tỏa sâu rộng tinh thần yêu nước thường nòi, ý thức về quốc
gia - dân tộc. Họ sáng tạo những câu chuyện dân gian nói về cội nguồn và tài trí của dân
tộc: ví như truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, hay câu chuyện sứ thần và các trạng Việt
Nam trong giữ thể diện dân tộc, quốc gia khi đối đáp với vua, quan, sứ thần phương Bắc.
Chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang với tinh thần: "Giặc đến nhà, đàn bà
cũng đánh".
Các làng xã của người Việt dựng đình để thờ thần làng làm thành hoàng bảo trợ, phần lớn
các vị thần thờ là người có công chống xâm lược và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất
nước. Những câu ca kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy
rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong
một nước phải thương nhau cùng". Thời phong kiến quan niệm trung vua của người Việt
bao giờ cũng gắn ái quốc. Ý thức về lãnh thổ quốc gia đã ăn sâu vào tâm thức người Việt
qua câu chuyện truyền ngôn nước Văn Lang gồm 15 bộ tộc.
Các di tích lịch sử văn hóa tưởng niệm những người có công với nước và dòng văn nghệ
yêu nước chống xâm lược đã thể hiện rõ tâm hồn, cốt cách, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ
quốc và khát vọng yêu chuộng hòa bình, "không có gì quý hơn độc lập, tự do" của người
Việt, như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Lối tư duy tổng hợp và biện chứng:
+ Lối tư duy tổng hợp luôn lo lắng, đắn đo, cân nhắc cùng với nguyên tắc trọng tình dẫn
đến lối sống linh hoạt, luôn biến báo cho thích hợp với từng hòan cảnh: “Ở bầu thì tròn,
ở ống thì dài”, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
+ Lối tư duy biện chứng = dẫn đến sự cào bằng, dân chủ làng xã, coi trọng cộng đồng, tập
thể (dựa dẫm, giảm vai trò cá nhân).
Mặt hạn chế của nó là sự thiếu quyết đoán, so đo, tính tùy tiện, trọng tình chứ không
trọng lý nên coi nhẹ pháp luật.
- Lối ứng xử năng động, linh hoạt, khả năng thích nghi cao với mọi tình huống, biến
đổi; tinh thần dung hợp và xu hướng kết hợp, tích hợp nhiều nguồn văn hóa.
Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng phía tây Thái Bình Dương, phía đông bán đảo Đông
Nam Á, phía nam đại lục Trung Hoa, phía bắc của quần đảo Đông Nam Á, được ví là cầu
nối Đông - Tây của các nền văn hóa thế giới. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, Việt
Nam đã tiếp nhận bốn dòng văn hóa/văn minh của nhân loại. Đó là văn hóa Ấn Độ, Trung
Hoa, Trung Cận Đông, phương Tây. Nhìn vào biểu hiện của văn hóa làng xã, chúng ta
nghĩ rằng nền văn hóa Việt thiên về ngưng đọng, khép kín, tự trị.
Nhưng xét trên bình diện quốc gia - dân tộc trong ứng xử với các dòng văn hóa lớn của
nhân loại thì những dấu hiệu biểu hiện trong văn hóa Việt chứng tỏ đây là nền văn hóa
mở. Người Việt tiếp nhận các tôn giáo thế giới, một mặt thích nghi, mặt khác ứng phó với
những bất cập không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tiếp biến tôn giáo thế
giới theo phương châm giữ gìn văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tôn giáo thế giới. Ví dụ
như việc du nhập Phật giáo biến đổi tượng thờ Phật thành Phật Bà.
Một đặc điểm dễ thấy là người Việt tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại. Có ý
kiến cho rằng: Người Việt theo Phật không đậm như người Campuchia, theo Khổng giáo
không đậm như người Hàn Quốc, theo Kitô giáo không đậm như người Philippin, theo
Hồi giáo không đậm như Indonesia. Một nền văn hóa mở nhưng tinh tế, khéo léo, mềm
dẻo tiếp thu cái hay, phù hợp, không cực đoan, lấn át, thể hiện cách ứng xử của người
Việt: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Làm trai cứ nước hai mà nói". Cái triết lý hòa
đồng, vừa phải, có lý có tình, thận trọng, giữ gìn, đó là những đặc điểm tính cách của
người Việt khi tiếp xúc với các nền văn minh nhân loại.
Tóm lại, bản sắc văn hóa dân tộc là sự kết tinh toàn bộ giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc và tồn tại dưới dạng tinh thần (trong mỗi con người Việt Nam tiêu biểu). Bản sắc
văn hóa rất ổn định, bền vững, chậm thay đổi. Bản sắc ấy còn gọi là tính cách văn hóa -
cá tính văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng cả mặt trái, những nhược
điểm cố hữu. Chúng ta cần nhìn nhận nhược điểm ấy để có quyết tâm và biện pháp sửa
chữa để xây dựng nền văn hóa Việt tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

You might also like