You are on page 1of 20

STRESS

MỤC TIÊU HỌC TẬP


1. Trình bày được định nghĩa stress; các giai đoạn của phản ứng stress.
2. Trình bày được stress bệnh lý.
3. Phân tích được các mô hình ứng phó với stress, những lưu ý khi lựa chọn chiến lược ứng phó.
4. Phân tích được mối liên quan giữa stress và bệnh tật.
5. Phân tích được những ảnh hưởng của stress đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Lấy ví dụ.
NỘI DUNG HỌC TẬP

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Khái niệm stress


Có nhiều quan niệm khác nhau về tress và đồng thời cũng có nhiều định nghĩa khác nhau.
1.1.1. Mô hình “Chiến đấu hay chạy trốn”
Người đầu tiên nghiên cứu về stress là nhà sinh lý học người Mỹ, Walter Cannon. Năm 1915, trong một
tác phẩm của mình, ông đã đưa ra cụm từ Chiến đấu hay chạy trốn (Fight or Flight) để mô tả đáp ứng
của động vật trước những tác động de dọa từ phía bên ngoài: dùng mọi biện pháp để xua đuổi kẻ thù,
nếu thấy không thắng được thì phải nhanh chóng chạy trốn. Những năm sau đó, ông tiếp tục đi sâu
nghiên cứu sự cân bằng nội môi ở những động vật có vú khi chúng lâm vào các tình huống khó khăn,
như khi gặp phải sự thay đổi về nhiệt độ. Ông cũng mô tả các nhân tố cảm xúc trong quá trình phát sinh,
phát triển một số bệnh và xác định vai trò của hệ thần kinh khi cơ thể đối phó với các tình huống khẩn
cấp. Mô hình stress của Canon còn được gọi là mô hình “Chiến đấu hay Chạy trốn”.
1.1.2. Mô hình Hội chứng thích ứng chung
Hans Selye - nhà nội tiết học Canada, nhận thấy người bệnh truyền nhiễm ở thời kì đầu của bệnh đều có
những triệu chứng giống nhau:
• Vỏ tuyến thượng thận tăng trưởng mạnh và chứa một lượng không lớn các hạt lipit bài tiết.
• Tuyến ức, các hạch limpho và các cấu trúc chứa limpho bị teo nhỏ lại (involution).
• Thành dạ dày, tá tràng bị loét và chảy máu.
Những triệu chứng này đều giống nhau ở các bệnh truyền nhiễm khác nhau và giống như khi cơ thể
phản ứng với một chất độc.
Lúc đầu, những biến đổi này được gọi là “triệu chứng được gây ra bởi các tác nhân khác nhau”, về sau,
được đổi thành “các triệu chứng thích ứng chung”, hay còn gọi chung là “Hội chứng thích ứng chung”.
Ba biến đổi trên đã trở thành ba chỉ số quan trọng của stress và là cơ sở để Selye phát triển một khái
niệm đầy đủ về stress. Theo ông, để đáp lại kích thích đe dọa/tác nhân gây stress bất kì, phản ứng của
cơ thể trải qua 3 giai đoạn: báo động, chống đỡ và suy kiệt. Ba giai đoạn này giống như một qui luật
chung điều hòa hành vi của mọi sinh vật khi bị rơi vào những điều kiện đặc biệt căng thẳng và giống
như tiến trình của một phản ứng thích nghi không đặc hiệu của cơ thể đối với những tác động mạnh mẽ,
đột ngột khác nhau của môi trường.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng không phải bất kì một phản ứng stress cũng đều trải qua cả 3 giai
đoạn. Có rất nhiều phản ứng chỉ dừng ở giai đoạn hai, khi mà cơ thể đã dàn xếp và thích ứng được với
môi trường.
Theo H.Selye, không phải mọi stress đều có hại mà ngược lại, trong nhiều trường hợp, stress giúp cho
cá thể thích ứng với các tác nhân từ phía môi trường bên ngoài. Ông cũng phân chia ra thành stress có
lợi - eustress và stress có hại - distress.

Như vậy, H.Selye quan niệm: “Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể
trước những tình huống căng thẳng”. Ông nhấn mạnh: Stress có tính chất tổng hợp, chứ không phải
chỉ thể hiện trong một trạng thái bệnh lý. Stress thể hiện phản ứng sống, là phản ứng thích nghi không
đặc hiệu của cơ thể động vật với các tác động của môi trường.
1.1.3. Mô hình tương tác của Lazarus và Folkman
Nếu như Cannon và Selye xem stress như là trạng thái bên trong của cơ thể thì Holmes và Raha lại đề
cập stress từ các sự kiện bên ngoài cá nhân. Năm 1984, nhà tâm lý học Lazarus và cộng sự của mình
Folkman đưa ra mô hình:

Tình huống
stress

Chủ thể

Đánh giá tình huống

Tình huống đe Tình huống


dọa không đe dọa

Không thể đối


Có thể đối phó
phó

Phản ứng stress bệnh lý Phản ứng stress thích nghi

Mô hình stress của Lazarus và Folkman (1984)


- Richard Lazarus cho rằng stress là “trạng thái hay cảm xúc mà chủ thể trải nghiệm khi họ nhận
định rằng các yêu cầu và đòi hỏi từ bên ngoài và bên trong có tính chất đe dọa, có hại, vượt quá nguồn
lực cá nhân và xã hội mà họ có thể huy động được”.
Các tác giả cho rằng stress xuất hiện khi cá nhân phải đối mặt với tình huống, khó khăn, vượt quá khả
năng dàn xếp của chủ thể. Phản ứng stress được chủ thể “phóng” ra nếu như chủ thể đánh giá sự kiện
nào đó có khả năng trở thành sự kiện gây stress.
Dựa trên lý thuyết hành vi - nhận thức, mô hình của Lazarus và Folkman nhấn mạnh đến vai trò của
đánh giá. Con người ở đây được xem như là một chủ thể tích cực, có khả năng đánh giá các sự kiện,
tình huống và phản ứng stress là của chủ thể tạo ra nhằm đáp ứng với tác nhân gây stress/stressor chứ
không phải là một phản ứng thụ động trước những sự kiện tác động đe dọa từ phía môi trường.

1.1.4. Mô hình các biến cố cuộc sống


Không tán thành với mô hình của Cannon cũng như của Selye vì nhấn mạnh đến những thay đổi sinh
lý, mô hình các biến cố đời sống của Holmes và Rahe (1967) cho rằng stress là những thay đổi của cá
thể nhằm đáp lại những biến cố của cuộc sống. Có rất nhiều các biến cố khác nhau trong cuộc đời của
mỗi cá nhân. Có những biến cố gây ra stress mạnh như: cái chết của người bạn đời; cái chết của người
thân trong gia đình. Có những biến cố gây stress mức độ vừa như: con cái lớn lên và rời khỏi nhà; mang
thai và những biến cố gây stress mức độ nhẹ như: thay đổi thói quen ăn, ngủ. Mô hình này có tính ứng
dụng cao. Trên cơ sở của mô hình này, có nhiều thang đo stress đã được xây dựng.

T. H. Holmes vµ Rahe ®· x©y dùng nªn B¶ng liÖt kª c¸c sù kiÖn th-êng g©y stress, vµ gäi ®ã lµ
Thang §iÓm ThÝch Nghi X· Héi, ®-îc viÕt t¾t SRRS (the Social Readjustment Rating Scale). §iÓm SRRS
®-îc tÝnh b»ng c¸ch céng tÊt c¶ ®iÓm sè cña c¸c sù kiÖn mµ c¸ nh©n ®· tr·i qua trong n¨m tr-íc ®©y.

1.1.5. Một số các quan niệm khác:


- Theo từ điển y học Anh - Việt (2007), NXB Khoa học: Stress là “Bất cứ nhân tố nào đe dọa
đến sức khoẻ cơ thể hay có tác động phương hại đến các chức năng cơ thể như tổn thương, bệnh tật hay
tâm trạng lo lắng”.
- Dưới góc độ xã hội học, stress được xem như là một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân
phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường (Snynder, Coping with stress: Effective
people and processes, Oxford University, 2001). Hiểu một cách khác, stress là những biến động trong
xã hội, trong gia đình và trong đời sống cá nhân tác động lên con người, gây mất “thăng bằng” cho họ.
- Từ điển Tâm lý học Nga của V.P. Dintrenco và B.G. Mesiriakova (1996), đã đưa ra
định nghĩa: “Stress là trạng thái căng thẳng về tâm lý xuất hiện ở người trong quá trình hoạt
động ở những điều kiện phức tạp, khó khăn của đời sống thường ngày, cũng như trong những
điều kiện đặc biệt. Đây là một định nghĩa tương đối hoàn chỉnh, đã chỉ rõ bản chất của stress
dưới góc độ tâm lý học và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, trên thực tế, stress
không chỉ nảy sinh trong những tình huống khó khăn mà ngay cả trong những điều kiện đơn
điệu, tẻ nhạt hoặc quá mừng, quá vui cũng có thể gây ra stress.
Như vậy, stress có thể được xem như là những nguyên nhân, hậu quả hay có thể là đáp ứng của
chủ thể trước những yêu cầu nảy sinh trong cuộc sống, lao động.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất:


Stress là những phản ứng sinh học và đáp ứng về tâm lý (nhận thức, xúc cảm và hành vi)
xuất hiện ở chủ thể trong những tình huống khó khăn, phức tạp hoặc không phù hợp với khả
năng, nguồn lực của cá nhân.
• Tình huống/hoàn cảnh gây stress (Stressful situation): tình huống trong đó có sự hiện diện
của tác nhân gây stress/stressor dẫn đến xuất hiện trạng thái stress ở chủ thể.
• Tác nhân gây stress/stressor: một kích thích, sự kiện, biến cố nào đó từ phía môi trường,
bản thân … mang tính đe dọa, vượt quá khả năng đáp ứng của chủ thể dẫn đến xuất hiện
stress.

* Biểu hiện khi bị stress: Khi bị stress, con người có những biểu hiện (thay đổi) cả về
mặt thể chất và tâm lý (nhận thức, cảm xúc, hành vi).
+ Về mặt thể chất:
• Hơi thở dồn dập, tim đập nhanh
• Toát mồ hôi, run chân tay
• Đau nhói vùng ngực
• Ăn không ngon miệng, chán ăn
• Buồn nôn. Đau vùng dạ dày
• Đại/ tiểu tiện nhiều lần
• Mệt mỏi, uể oải, không muốn làm bất cứ việc gì
• Cơ bắp căng mỏi. Đau nhức xương khớp (bả vai, chân tay..) ….
+ Về tâm lý:
Về Nhận thức và Cảm xúc:
• Hay quên, hay nhầm lẫn
• Khó tập trung chú ý
• Suy nghĩ kém nhanh nhạy, linh hoạt
• Lo lắng, căng thẳng, bực bội, khó chịu
• Không còn thấy hứng thú trong công việc như trước
• Mất niềm tin
• Có cảm giác bị mọi người xa lánh, ác cảm với mình
• Dễ mất bình tĩnh, cáu gắt, nổi khùng với người khác
• Chán đời, có ý nghĩ tự sát ….
Về Hành vi, ứng xử:
• Ăn hoặc uống quá nhiều như một cách để giải khuây.
• Trầm tính, ít nói, suy nghĩ miên man.
• Nói nhiều, nói quá to, dễ cắt ngang lời người khác.
• Thu mình lại, né tránh, hạn chế gặp gỡ với người khác.
• Làm việc uể oải, không còn tích cực, nhiệt tình như trước.
• Uống rượu, bia…để có cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng.
• Uống thuốc an thần.
• Có nhiều sai sót hơn trong công việc.
• Có hành vi chống đối, phá hoại….

* Mức độ stress:
Có rất nhiều cách phân chia mức độ stress, thông thường người ta chia thành: mức độ ít
căng thẳng, mức độ căng thẳng, mức độ rất căng thẳng.
* Phân loại stress:
Có nhiều cách phân loại stress:
• H.Selye: có stress bình thường (Eustress), stress bệnh lý (Dystress)
• Lary K.Olsen, Kerry J Redican: có Stress sinh thái, Stress tâm lý - xã hội, Stress nhân
cách
• L.A.Kitaepxmux: có Stress cảm xúc - ứng xử, stress thực vật, stress nhận thức, stress tâm
lý - xã hội.
1.2. Các giai đoạn của phản ứng stress: Theo H.Selye, phản ứng stress gồm 3 giai đoạn.

Stressor

Báo động Chống đỡ Suy kiệt

1.2.1. Giai đoạn báo động


Xuất hiện phản ứng “Chiến đấu hay chạy trốn” như theo mô hình của Cannon. Trong giai đoạn này, hệ
thần kinh giao cảm được hoạt hóa; các hormon như: costisol, adrenalin được phóng thích vào máu; các
nguồn lực của cơ thể được huy động để đáp lại sự đe dọa. Các phản ứng sinh lý của cơ thể được triển
khai như tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và tăng trương lực cơ bắp...
Về mặt tâm lý, các hoạt động tâm lý được kích thích, đặc biệt là tăng cường quá trình tập trung chú ý,
ghi nhớ và tư duy...
Những thay đổi tâm lý - sinh lý - hành vi đã giúp con người đánh giá các tình huống stress và bước đầu
đề ra chiến lược đáp ứng trước các tình huống đó. Giai đoạn báo động có thể diễn ra rất nhanh (vài phút)
hoặc kéo dài vài giờ, vài ngày... Chủ thể có thể chết trong giai đoạn này, nếu yếu tố gây stress quá mạnh,
tình huống stress quá phức tạp. Nếu tồn tại được thì các phản ứng ban đầu chuyển sang giai đoạn ổn
định (hay còn gọi là giai đoạn thích nghi).
1.2.2. Giai đoạn chống đỡ (giai đoạn thích nghi)
Trong giai đoạn này, mọi cơ chế thích ứng được động viên để cơ thể chống đỡ và điều hòa các rối loạn
ban đầu. Sức đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ được tình huống stress, lập lại các
trạng thái cân bằng nội môi (homeostase) và tạo ra sự cân bằng mới với môi trường. Giai đoạn này còn
được gọi là giai đoạn thích nghi.
Trong một tình huống stress bình thường, chủ thể đáp ứng lại bằng hai giai đoạn báo động và chống đỡ.
Nếu giai đoạn chống đỡ tiến triển tốt thì các chức năng tâm, sinh lý cơ thể được phục hồi. Nếu khả năng
thích ứng của cơ thể mất dần, thì quá trình phục hồi không xảy ra và chuyển sang giai đoạn suy kiệt.
1.2.3. Giai đoạn suy kiệt
Phản ứng stress trở thành bệnh lý khi tình huống stress hoặc quá bất ngờ, dữ dội, hoặc ngược lại, quen
thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể.
Trong giai đoạn suy kiệt, các biến đổi tâm lý, sinh lý và hành vi của giai đoạn báo động xuất hiện trở
lại, hoặc là cấp tính và tạm thời, hoặc là nhẹ hơn nhưng kéo dài. Có thể chia stress bệnh lý thành hai
loại: stress bệnh lý cấp tính và stress bệnh lý kéo dài.
1.3. Stress bệnh lý
1.3.1. Stress bệnh lý cấp tính
Những tình huống gây ra stress bệnh lý cấp tính thường là không lường trước được, mang tính chất dữ
dội, như khi bị tấn công bất ngờ, khi gặp thảm họa... Trạng thái này được chia thành hai loại theo diễn
biến của các phản ứng cảm xúc cấp tính xảy ra tức thì hay chậm chạp.
Phản ứng cảm xúc cấp xảy ra nhanh:
Trong trạng thái này, chủ thể hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể:
• Tăng trương lực cơ: nét mặt căng thẳng, các cử chỉ cứng ngắc, kèm theo cảm giác đau bên trong
cơ thể.
• Rối loạn thần kinh thực vật: nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, cao huyết áp, khó thở,
ngất xỉu, chóng mặt giả, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là đau các cơ bắp.
• Tăng quá mức phản ứng của các giác quan, nhất là tai. Chủ thể có cảm giác khó chịu cả với những
tiếng động bình thường.
• Rối loạn trí tuệ: kém khả năng tập trung suy nghĩ do nhớ lại các tình huống stress; trí nhớ về các
sự kiện vẫn còn sâu sắc.
• Tính tình dễ nổi cáu, bất an, kích động nhẹ; có thể có rối loạn hành vi và chủ thể gặp khó khăn khi
giao tiếp với những người xung quanh.
• Trạng thái lo âu, kèm theo nỗi sợ hãi mơ hồ.
Loại phản ứng stress cấp tính này kéo dài từ vài phút đến vài giờ, rồi mờ nhạt dần tùy theo tính chất và
tiến triển của stress. Sự mờ nhạt càng rõ nét hơn khi có mặt người khác, làm chủ thể yên tâm và khuây
khỏa.
Phản ứng cảm xúc cấp xảy ra chậm:
Các rối loạn xuất hiện chậm. Chủ thể có vẻ như chịu đựng được và chống đỡ lại tình huống gây stress.
Chủ thể tự nhận thức được rằng, mình đã bị các tình huống stress xâm chiếm.
Cơ thể tiếp tục giai đoạn chống đỡ, nhưng chỉ tạo ra một cân bằng không bền vững, kéo dài trong vài
giờ hoặc vài ngày. Sau đó đột nhiên xuất hiện một phản ứng stress cấp tính. Biểu hiện và tiến triển của
nó cũng giống như phản ứng cảm xúc cấp tính, diễn ra tức thì.
Điều này chứng tỏ chủ thể không còn khả năng dàn xếp với tình huống stress về mặt tâm lý, bị suy sụp
và mất bù một cách chậm chạp.
1.3.2. Stress bệnh lý kéo dài
Stress bệnh lý kéo dài thường được hình thành từ các tình huống stress quen thuộc, lặp đi lặp lại như
trong trường hợp chủ thể có những xung đột hoặc gặp những phiền nhiễu, không toại nguyện trong đời
sống hàng ngày.
Đôi khi chúng được hình thành từ các tình huống stress bất ngờ và dữ dội (sau một phản ứng cấp, không
thoái lui hoặc sau một loạt các phản ứng cấp thoáng qua).
Biểu hiện của nó rất đa dạng và thay đổi tùy theo sự ưu thế về mặt tâm lý, cơ thể hay về mặt hành vi.
Các biểu hiện biến đổi tâm lý:
• Chủ thể phản ứng quá mức với hoàn cảnh: dễ nổi cáu, có cảm giác khó chịu, căng thẳng về tâm
lý, mệt mỏi về trí tuệ và không thư giãn được.
• Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, hay thức giấc và không có cảm giác hồi phục sau khi ngủ.
• Các rối loạn này tùy theo tính chất, hoàn cảnh và sự lặp lại của tình huống stress mà có thể tiến
triển thành các triệu chứng sau đây:
- Chủ thể chờ đợi stress một cách bi quan.
- Có sự cảnh tỉnh một cách cao độ và luôn ở trong tình trạng nghe ngóng, căng thẳng nội tâm, dễ
nổi cáu.
- Có biểu hiện lo âu - ám ảnh sợ. Những lo âu - ám ảnh sợ này hình thành trên nền một sự lo âu
dai dẳng và xuất hiện những cơn lo lắng về nơi đã xảy ra tình huống stress (ở nơi làm việc hay
ở gia đình). Các rối loạn có khi mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau như người bệnh sợ các
phương tiện giao thông công cộng, sợ xung đột với cấp trên, với người thân, ngại giao tiếp, sợ
bệnh tật...
Các biểu hiện về cơ thể:
Chủ thể thường có những rối loạn về thần kinh thực vật ở mức độ vừa. Những rối loạn này tăng lên khi
chủ thể hồi tưởng về các tình huống stress mà mình đã phải chịu đựng. Qua những lời than phiền của
chủ thể, chúng ta thấy các rối loạn về tâm thần và chức năng cơ thể của họ như sau:
• Người bệnh trong trạng thái suy nhược kéo dài.
• Căng cơ bắp (chuột rút), run tay chân, đổ mồ hôi.
• Nhức đầu, đau nửa đầu, đau cột sống kéo dài, dai dẳng.
• Đánh trống ngực, đau vùng trước tim và huyết áp tăng không ổn định.
• Có biểu hiện bệnh lý chức năng đại tràng và đau bàng quang (nước tiểu trong)...
Tất nhiên, không phải mọi stress bệnh lý kéo dài đều có tất cả những biểu hiện về cơ thể, tâm lý như đã
nêu ở trên. Song ngoài những triệu chứng trên, có khi chúng ta còn gặp những biểu hiện khác về cơ thể
có liên quan với trạng thái lo âu.
Các biểu hiện về hành vi:
Tình huống stress có thể ức chế hoặc kích thích hành vi của chủ thể. Những rối loạn chức năng thích
nghi của hành vi được biểu hiện trong các rối loạn hành vi.
Các rối loạn hành vi xảy ra do chủ thể có thái độ rút lui, tránh né các quan hệ xã hội; hoặc ngược lại, do
những xung động mất kiềm chế, dẫn đến sự khó khăn trong giao tiếp của người bệnh. Có người thay đổi
hẳn tính cách, làm cho người khác không nhận ra hoặc có những băn khoăn, suy nghĩ về nhân cách của
họ.
Các rối loạn hành vi lúc đầu chỉ gây ra sự khó chịu, nhưng về sau nó phát triển và gây ra những tổn thất,
làm trở ngại cho công việc của chủ thể.
Có người lúc đầu muốn dùng rượu, dùng thuốc để làm dịu những căng thẳng, lo âu, nhưng sau đó, do
bản thân rượu và thuốc lại là chất gây lo âu, nên bắt buộc họ phải tăng dần liều sử dụng. Hành vi cứ như
vậy lặp đi lặp lại và tăng dần, đưa chủ thể vào một vòng xoắn đáng sợ của sự nghiện rượu, nghiện thuốc.
Những rối loạn hành vi nghiện này không thể không ảnh hưởng xấu đến các quan hệ xã hội của chủ thể.
1.4. Ứng phó với stress
Ứng phó, đó là: “Những nỗ lực thay đổi hành vi và nhận thức nhằm kiểm soát đòi hỏi từ phía bên ngoài
hoặc bên trong, vượt quá khả năng của con người”. (Lazarus R., 1984).
Có nhiều cách phân loại ứng phó khác nhau, tuy nhiên cách chia ra làm hai dạng: ứng phó tập trung
(Problem-focused Coping) vào vấn đề và ứng phó tập trung vào cảm xúc (Emotion-focused Coping)
được nhiều người sử dụng hơn.

1.4.1. Ứng phó tập trung vào vấn đề


Ứng phó tập trung vào vấn đề là hướng đến tác nhân gây stress, nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng
gây hại của nó. Chiến lược ứng phó này thường được lựa chọn đầu tiên khi con người rơi vào tình
huống/hoàn cảnh gây stress.
Ứng phó tập trung vào vấn đề thường được bắt đầu bằng đánh giá xác định vấn đề, sau đó đưa ra các
cách thức, giải pháp để lựa chọn giải pháp tối ưu. Giải pháp thường gặp nhất là thay đổi chính tình
huống/hoàn cảnh hoặc loại bỏ tác nhân gây stress. Ví dụ, mâu thuẫn cá nhân kéo dài, chưa được giải
quyết làm cho chủ thể thấy mệt mỏi. Bằng cách bình tĩnh, khách quan, chủ thể phân tích, đánh giá để
tìm ra nguyên nhân chính và các cách tiếp cận có thể để giải quyết mâu thuẫn.
Ứng phó tập trung vào vấn đề không chỉ là thay đổi tình huống gây stress một cách khách quan mà còn
có cách thức nữa là làm thay đổi chính bản thân, ví dụ, học tập các kĩ năng đối phó để tăng cường khả
năng lựa chọn. Cách thức này thường gặp khi chủ thể gặp stress dưới áp lực của công việc và cuộc sống.
1.4.2. Ứng phó tập trung vào cảm xúc
Mục tiêu trước tiên của ứng phó tập trung vào cảm xúc là nhằm “hạ nhiệt” của các distress/stress có hại,
hoặc như trong cuộc sống thường ngày hiện nay, chúng ta hay gặp cụm từ “xả stress”.
Ứng phó tập trung vào cảm xúc cũng thường được lựa chọn khi mà chúng ta không thể thay đổi tình
huống/ hoàn cảnh. Để giảm thiểu sự đe dọa của tình huống, chúng ta thường sử dụng một số cách thức:
• Đánh giá lại ý nghĩa của tình huống. Hoàn cảnh là khách quan, chúng ta không thể thay đổi được,
song “ý nghĩa” của nó không nặng nề như lúc đầu chúng ta nghĩ.
• Sử dụng các hoạt động giải trí như xem phim, đọc sách hay làm công việc ưa thích như đi mua
sắm.
• Chơi thể thao.
• Thư giãn.
Cũng có không ít trường hợp ứng phó một cách tiêu cực như: uống rượu, bia, hút thuốc lá, thậm chí
dùng ma túy.
 Một số người sử dụng các cơ chế phòng vệ tâm lý, đó là những kế hoạch mà con người vận dụng
để có thể tránh được hay kiểm soát được một xung động không mong muốn (như làm giảm bớt
trạng thái lo âu …) bằng cách che đậy hay ngụy trang nguyên nhân đích thực của nó đối với
chính bản thân họ cũng như đối với người khác.
 Dồn nén: Quên đi những rắc rối, căng thẳng bằng cách chôn chặt những cảm xúc đau buồn, cất
giấu trong lòng hoặc những nơi bản thân không nhìn thấy để không có cơ hội nhớ lại …
 Phủ nhận: người ta chỉ đơn thuần không chấp nhận những gì đã xảy ra, hay phủ nhận những
thông tin nào đó đã gây ra tình trạng lo âu cho họ… VD: khi nhận được thông báo mình trượt
đại học, 1 sinh viên nào đó thoạt đầu phủ nhận điều này, anh ta có thể nghĩ rằng chắc là có gì
nhẫm lẫn trong khi lên điểm, bởi bài của anh ta làm tốt mà, rồi sau đó mới dần dần chấp nhận sự
thật. Tùy từng người mà tình trạng phủ nhận có thể kéo dài rất lâu hay kết thúc nhanh chóng.
 Hợp lý hóa diễn ra khi chúng ta bóp méo sự thật bằng cách biện minh tốt đẹp cho những gì xảy
đến với chúng ta. Chúng ta dựng lên những lối giải thích giúp bảo vệ lòng tự ái của mình. VD:
Tự nhủ “không yêu anh ấy lại là may”, “có lẽ chẳng làm được điều gì tốt hơn” , hoặc nếu bạn đã
từng nghe ai đó nói rằng y đã không phiền vì phải chờ đợi trong một cuộc hẹn bởi vì thật ra y có
nhiều việc phải làm vào buổi chiều hôm đó, có lẽ bạn sẽ hiểu được công dụng của biện pháp hợp
lý hóa.
 Phóng ngoại nội tâm: là 1 biện pháp tự vệ nhờ quy kết những xung động và tình cảm khó chịu
của mình cho người khác. VD: 1 người đàn ông bất lực trong sinh hoạt vợ chồng có thể oán trách
vợ mình rằng bà ta yếu sinh lý, không biết cách đáp ứng nhu cầu sinh lý của chồng.
 Thăng hoa: người ta hướng những xung động khó chịu vào các ý tưởng, tình cảm hay các hành
vi được xã hội cho phép. VD: 1 người có tính gây hấn rất mạnh có thể trở thành người bán thịt
– để có dịp dùng dao chém thật mạnh vào thịt súc vật thay vì vào người. Biện pháp này cho phép
bác hàng thịt ấy có cơ hội không những giải phóng tình trạng căng thảng tâm lý mà còn thực
hiện tính gây hấn theo cách thức được xã hội chấp nhận.
Trong cuộc sống, theo Freud tất cả chúng ta đều sử dụng các cơ chế phòng vệ đến 1 mức độ nào
đó. Tuy vậy, 1 số người đã lạm dụng chúng quá nhiều đến mức làm cho 1 phần khá lớn năng lực
tinh thần thường xuyên phải được sử dụng để che đậy và chuyển hướng các xung động không
thể chấp nhận được, khiến cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn, hậu quả có thể dẫn tới chứng
“loạn thần kinh” (đó là các rối loạn tâm trí được gây ra bởi tình trạng lo âu).

- Một số tác giả (Cooper, 2005) đưa ra chiến lược ứng phó thứ ba: chiến lược tập trung vào các mối
quan hệ (Relationship-focused Coping). Tuy nhiên trong tình huống stress, việc cá nhân chia sẻ, trao
đổi, hỏi ý kiến người khác cũng là nhằm lựa chọn chiến lược ứng phó được cho là phù hợp. Và như
chúng ta cũng thấy, để ứng phó với stress, con người có thể sử dụng cả 2 chiến lược một cách đồng thời
hoặc đan xen nhau.
1.4.3. Một số vấn đề liên quan đến ứng phó
Việc cá nhân lựa chọn chiến lược ứng phó nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau:
• Loại vấn đề. Khi gặp stress trong công việc, stress nghề nghiệp, con người thường lựa chọn chiến
lược ứng phó tập trung vào vấn đề. Trong khi đó, để ứng phó với stress gia đình, chiến lược tập
trung vào cảm xúc thường được lựa chọn nhiều hơn.
• Khả năng kiểm soát vấn đề. Nếu cá nhân có khả năng kiểm soát được tác nhân gây stress và tình
huống nói chung, chiến lược ứng phó tập trung vào vấn đề thường được ưu tiên lựa chọn. Còn nếu
không có khả năng kiểm soát được tình huống thì chiến lược tập trung vào cảm xúc được lựa chọn
nhiều hơn.
• Lứa tuổi. Tuổi trẻ thích lựa chọn chiến lược tập trung vào vấn đề, trong khi người trung niên và
người già thường lựa chọn chiến lược tập trung vào cảm xúc.
• Giới. Nữ giới thường thích lựa chọn chiến lược tập trung vào cảm xúc, còn nam giới thích theo
chiến lược tâp trung vào vấn đề.
• Ảnh hưởng bên ngoài. Học vấn của chủ thể, khả năng tài chính, nền giáo dục của gia đình cũng
có ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược và kết quả của ứng phó. Ngoài ra, sự hỗ trợ tâm lý từ
phía bên ngoài, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình hay bạn bè đều có ảnh hưởng đến
ứng phó của chủ thể.

2. CƠ SỞ SINH LÝ CỦA STRESS

Sự phát sinh, phát triển trạng thái stress và khả năng thích ứng trước tình huống stress của con người
liên quan chặt chẽ với hoạt động của hệ thống thần kinh - thể dịch, trước hết là hệ thống thần kinh trung
ương - dưới đồi - tuyến yên và tuyến thượng thận .
2.1. Hệ thần kinh trung ương
Từ những thông tin thu được qua hoạt động của các giác quan; từ hoạt động trí tuệ và cảm xúc, vỏ não
đã chủ động đánh giá tình huống stress. Những đáp ứng của cơ thể về mặt sinh lý, sinh lý bệnh đối với
tình huống stress phụ thuộc nhiều vào kết quả đánh giá này.
Các phản ứng hormon trước tình huống stress tuy không mang tính phản xạ, song nó phụ thuộc nhiều
vào tình trạng hiện tại, mức độ cảm ứng và sự tập nhiễm của chủ thể. Chính phản ứng thể dịch nay là
yếu tố giúp chủ thể đánh giá đầy đủ hơn tình huống stress và huy động được khả năng có thể có để đối
phó với nó.
Khi hệ thần kinh trung ương tham gia vào chức năng nhận thức và cảm xúc các phản ứng thích nghi
thần kinh - tập tính, thì vùng hải mã được xem là ngã tư chính của sự thích nghi này, vì đây là vùng có
các thụ thể chứa glucocorticoid. Căn cứ vào cảm ứng của cơ thể với glucocorticoid, có thể chia thành
hai nhóm người:
Nhóm I, gồm những người có cảm ứng với sự thay đổi vừa phải lượng glucocorticoid hàng ngày.
Nhóm II, gồm những người có cảm ứng với một số lượng lớn glucocorticoid bài tiết trong tình huống
stress.
Nếu giải định rằng, stress cấp tính gây ra sự tập nhiễm bằng cách hoạt hóa các thụ thể nhóm II, thì stress
kéo dài sẽ gây ra sự giảm cảm ứng thứ phát của các thụ thể nhóm I. Và như vậy, chủ thể bị rối loạn thích
nghi là bởi vì họ có những thiếu sót trong việc học tập, rèn luyện các tập tính.
2.2. Hệ thần kinh giao cảm và tuyến tủy thượng thận
2.2.1. Sự phóng thích catecholamin
Tủy thượng thận có chung nguồn gốc phôi thai với hệ thần kinh giao cảm. Ngay trong những phản ứng
khẩn cấp đầu tiên của quá trình đáp ứng tình huống stress (trong giai đoạn báo động), hệ thần kinh giao
cảm và tuyến tủy thượng thận đã được hoạt hóa. Catecholamin dự trữ (adrenalin trong các đầu mút của
thần kinh giao cảm; noradrenalin trong các tuyến tủy thượng thận) được giải phóng và kích thích cơ thể
hoạt động, tạo nên đáp ứng thích nghi sinh học tức thời (kéo dài trong vài phút).
2.2.2. Sự báo động về mặt tâm lý và cơ thể
Adrenalin và noradrenalin được phóng thích vào máu đã làm cho nhịp tim tăng lên (tăng lực co bóp tâm
thu) và nâng cao huyết áp động mạch, do đó xảy ra hiện tượng phân phối lại máu trong cơ thể theo
hướng có lợi cho cơ bắp và có hại cho nội tạng. Các catecholamin giải phóng còn gây co mạch ngoại vi,
tăng trao đổi khí, tăng chuyển hóa, tăng trương lực các cơ và làm hưng phấn hệ thần kinh... Cảm giác
sợ là một trong những đáp ứng quá mức của chủ thể đối với những thay đổi trên.
Rõ ràng là trong giai đoạn đầu của trạng thái stress, catecholamin tiết mạnh vào máu, làm tăng phản ứng
bảo vệ và nâng cao sức chống đỡ cho cơ thể.
Sự thủy phân ATP (adenotriphosphat) có sẵn trong cơ bắp đã tạo ra một năng lượng tức thì bù đắp cho
cơ thể hoạt động (trong vài giây). Nguồn năng lượng cần bổ sung tiếp theo được lấy từ sự thủy phân
glycogen và mỡ.
Canxi và magie tham gia tích cực vào cơ chế điều hòa quá trình giải phóng các chất trung gian hóa học
(như acetylcholin). Việc tổng hợp các chất trung gian hóa học và sự dẫn truyền xung động qua các tế
bào thần kinh rất cần đến vitamin nhóm B.
2.3. Hệ thống dưới đồi - tuyến yên - tuyến vỏ thượng thận
2.3.1. Những nét đặc trưng của hệ thống
Vùng dưới đồi thị (hypothalamus) qui tụ nhiều luồng cảm giác hướng tâm và có đường liên hệ với các
cấu trúc khác của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là hệ limbic. Nó không những tham gia điều hòa quá
trình sinh lý hệ thần kinh thực vật mà còn tham gia điều hòa các tập tính (như trạng thái thức - ngủ, no
- đói...) và các chức năng nội tiết của cơ thể. Hormon được tiết ra từ hypothalamus là các hormon giải
phóng (RH - releazing hormon) và hormon ức chế (IH - inhibiting hormon).
Trong tình huống stress, thông qua hoạt động trung gian của các nhân cạnh não thất, vùng dưới đồi tham
gia trước tiên vào việc giải phóng corticoliberine và gắn nó vào thụ thể tế bào hướng vỏ thượng thận của
tuyến yên để gây tiết ở đó những hormon tương ứng. Chỉ có hai hormon (vasopressin và oxytoxin) được
đổ thẳng vào máu và gây tác dụng trực tiếp lên các cơ quan.
Tuyến yên (hypophysis) có ba thùy, phát triển từ ba nguồn gốc phôi thai, trong đó thùy trước là quan
trọng hơn cả. Trong tình huống stress, dưới ảnh hưởng của các hormon thuộc hypothalamus, thùy trước
tiết ra hai nhóm hormon tác dụng trên các chức năng chuyển hóa và sinh dục. Ngoài ra, khi bị kích thích
mạnh, đặc biệt là kích thích đau, tuyến yên còn tiết ra các chất endorphin và encephalin...
Tuyến vỏ thượng thận, dưới ảnh hưởng của chất ACTH (adreno - cortico - tropin - hormon) thuộc tuyến
yên, đã tiết ra ba loại corticoit:
• Glucocorticoit, có tác dụng chuyển hóa đường, đạm, mỡ và chống viêm, chống dị ứng...
• Corticoit khoáng (mineralocorticoit), có tác dụng chuyển hóa nước và các chất điện giải.
• Các hormon sinh dục như androsteron, oestrogen và progesteron...
Trong tình huống stress, một lượng quan trọng glucocorticoit được vỏ thượng thận khẩn cấp tiết ra. Chất
này sử dụng một lượng lớn vitamin C để điều hòa sự tổng hợp cortisol (do đó nồng độ vitamin C trong
huyết tương bị giảm xuống khi bị stress). Những đáp ứng sau khi kích thích vỏ thượng thận diễn ra chậm
hơn vài phút so với việc phóng thích catecholamin, song lại kéo dài lâu hơn.
Song song với cơ chế tác động điều tiết thuận (từ vùng dưới đồi - tuyến yên đến các tuyến đích, như
tuyến thượng thận) là cơ chế điều tiết ngược (feed-back). Có cơ chế điều tiết ngược âm tính (kìm hãm)
và cơ chế điều tiết ngược dương tính (thúc đẩy tuyến trên sản xuất hormon). Sự điều tiết ngược có thể
đi theo đường dài hoặc theo đường ngắn và cực ngắn. Điều khiển ngược đường dài được thực hiện nhờ
trong hypothalamus và trong tuyến yên có các receptor tiếp nhận hormon từ tuyến đích. Điều khiển
ngược đường ngắn được thực hiện nhờ trong hypothalamus có các receptor tiếp nhận hormon do tuyến
yên tiết ra. Và điều khiển ngược cực ngắn được thực hiện nhờ trong hypothalamus có các receptor tiếp
nhận hormon do chính nó tiết ra. Những sự điều tiết thuận và ngược chiều này là cơ sở sinh học giúp
cho chủ thể đương đầu với các tình huống stress.
2.3.2. Các phản ứng khẩn cấp liên tục dưới tác dụng của cortisol
Hoạt động của hệ thống dưới đồi - tuyến yên - tuyến vỏ thượng thận đã giúp tạo ra các phản ứng chủ
yếu để cơ thể đương đầu với tình huống stress. Thông thường các phản ứng tồn tại không quá hai giờ.
Nếu tình huống stress quá kéo dài thì tình trạng báo động vẫn được duy trì, tác dụng kìm hãm của
glucocorticoid trong máu sẽ kém đi và do đó, phản ứng điều hòa cũng giảm dần.
Glucocorticoid được giải phóng đã tạo ra tác dụng kép:
• Giúp tạo ra năng lượng để chủ thể duy trì khả năng thích nghi. Trong phản ứng báo động, lượng
glycogen dự trữ bị giảm nhanh (do phải huy động để phóng thích adrenalin, tạo ra ATP và thực
hiện phản ứng enzym với sự tham gia của các vitamin nhóm B, nhóm C và magie). Nhờ có
glucocorticoid mà chất mỡ, chất đạm được phân hủy để tạo ra glycogen mới.
• Giúp kìm hãm các phản ứng quá mức của một số hệ thống trong tình huống stress (như phản ứng
tiết insulin, vasopressine; phản ứng gây viêm, gây miễn dịch), vì nếu để các phản ứng này vượt
quá mức bình thường thì chúng không còn chức năng bảo vệ mà trái lại, tấn công vào những nơi
chúng bảo vệ.
2.3.3. Tác động của một số chất khác của vùng dưới đồi, tuyến yên
ACTH là chất vốn liên quan đến corticoliberine, có nguồn gốc từ propiomelano - corticotrophine (một
tiền chất hormon, khi bị phân hủy sẽ tạo ra nhiều chất khác nhau như các peptit dạng thuốc phiện và đặc
biệt là betaendorphine, có tác dụng đối với ngưỡng cảm giác đau).
Các peptit khác của vùng dưới đồi tác dụng lên tuyến yên, điều hòa sinh học (như điều hoà huyết áp) là
arginine, vasopressin, angiotensin II...
Sự bài tiết hormon tăng trưởng (GH - growth hormon) phụ thuộc vào hai tiền chất là somatostatin kìm
hãm và somatostatin kích thích. Trong một số tình huống stress, khó có thể phân biệt được chúng tác
động lên tiền chất kìm hãm hay làm giảm tiền chất kích thích để giảm bài tiết hormon tăng trưởng. Một
số trẻ em do tình huống stress làm giảm tiết lượng hormon tăng trưởng nên bị hội chứng lùn tâm lý - xã
hội.
Các tình huống stress cũng tác động lên quá trình bài tiết hormon sinh dục. Nhiều phụ nữ do xung đột
tâm lý mà tắt kinh, mất kinh. Nhiều trẻ em, nhất là những trẻ em thiếu thốn tình cảm hoặc bị ngược đãi,
khi gặp tình huống stress, có thể xuất hiện chứng thiểu năng sinh dục (do nguyên nhân dưới đồi thị).
Ngoài ra, trong giai đoạn báo động, người ta còn thấy tuyến cận giáp trạng tăng tiết parahormon, làm
tăng canxi huyết, kích thích phân giải glucogen, lipit và tăng tổng hợp prôtit...
Gần đây, người ta còn thấy tuyến tùng cũng tăng cường hoạt động trong pha cơ thể thích nghi với stress.
Rõ ràng là có mối liên quan chặt chẽ giữa nhân tố tâm lý và sinh lý của chủ thể trong tình huống stress.
Hệ thần kinh trung ương có vai trò quan trọng trong việc điều hoà các hormon và duy trì mức độ đáp
ứng của hormon ngoại biên. Vì vậy, khi phải đương đầu với tình huống stress, không phải chủ thể chỉ
đáp ứng bằng phản xạ đơn thuần mà còn đáp ứng bằng ý chí, cảm xúc và trí tuệ...

3. STRESS VÀ BỆNH TẬT

3.1. Stress có gây ra bệnh?


Nhiều nghiên cứu cho thấy có những bằng chứng về sự liên quan giữa

Xơ vữa mạch
Stress kéo dài Cơn đau tim
máu

Stress cấp

Sơ đồ stress gây ra bệnh tim


(Nguồn: Ogden J., Health Psychology a Textbook, 3rd Ed., Open University Press, 2004, p.
252).
Stress và bệnh, ví dụ, tỷ lệ người bị bệnh huyết áp cao tăng mạnh ở nhóm người hoạt động trong các
lĩnh vực nghề nghiệp mang tính chất căng thẳng. Dưới tác động của stress kéo dài, xuất hiện các tổn
thương ở cơ thể, xơ vữa mạch máu là một trong số đó. Do xơ vữa mạch máu, các chức năng của tim
hoạt động kém hiệu quả. Đến một thời điểm nào đó, tim hoạt động không bình thường, có thể xuất hiện
cơn đau tim. Cơn đau tim xuất hiện nhanh hơn nếu có thêm sự thúc đẩy của các stress cấp.
Thực ra mối quan hệ giữa tress và bệnh phức tạp hơn nhiều. Stress không chỉ liên quan đến nhiều bệnh
cơ thể như: tim mạch, nhiễm khuẩn, viêm dạ dày…mà nó còn liên quan đến cả các rối loạn tâm thần
như: rối loạn khí sắc/cảm xúc, rối loạn lo âu... Trong Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) có
riêng một chương, chương F4 dành cho các rối loạn liên quan đến stress.
Stress có thể có mối quan hệ trực tiếp đến sự xuất hiện của bệnh. Điều này được thực hiện thông qua hệ
thần kinh và nội tiết hoặc thông qua hệ miễn dịch. Ví dụ, dưới ảnh hưởng của stress, HCl trong dạ dày
được tiết ra nhiều hơn. Nếu thường xuyên phải chịu stress, khả năng bị viêm loét dạ dày, tá tràng là rất
cao.
Stress có thể liên quan gián tiếp đến sự hình thành và phát triển bệnh. Do chịu nhiều stress, con người
thay đổi lối sống, hình thành một số thói quen có hại cho sức khỏe. Ví dụ điển hình, thường gặp là nhiều
người dùng rượu để “giảm căng thẳng” và việc uống rượu thường xuyên dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh
về đường tiêu hóa, tim mạch và thần kinh là rất cao.
3.2. Stress và hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn, vật kí sinh…hay
các kháng nguyên nói chung. Cơ quan sản xuất các tế bào miễn dịch nằm rải rác khắp cơ thể: tuỷ xương,
tuyến ức, hạch lymphô, lá lách, hạnh nhân và ruột thừa. Do nằm ở nhiều nơi như vậy nên không thể
đánh giá được trực tiếp ảnh hưởng của thần kinh trung ương đến hệ miễn dịch mà người ta phải đánh
giá một cách gián tiếp thông qua máu ngoại vi. Sự tuần hoàn giúp cho máu vận chuyển các thành tố
miễn dịch từ các cơ quan của hệ miễn dịch đến các khu vực bị viêm nhiễm. Các thành tố của hệ miễn
dịch tìm kiếm và chống lại, vô hiệu hoá các kháng nguyên ngoại lai. Chính vì vậy, máu ngoại vi đóng
vai trò quan trọng trong quá trình miễn dịch, chống viêm nhiễm.
Như đã biết, có 2 loại xét nghiệm miễn dịch chính: xét nghiệm định lượng và xét nghiệm chức năng.
Định lượng là nhằm xác định tỉ lệ các loại tế bào bạch cầu khác nhau ở máu ngoại vi. Các tế bào bạch
cầu được quan tâm nhiều hơn từ góc độ miễn dịch gồm: neutro, mono, limpho, trong đó có cả thực bào,
lympho T và B. Xét nghiệm định lượng có ý nghĩa quan trọng. Để có thể có được đáp ứng miễn dịch
với kháng nguyên, cơ thể cần có một số lượng tối thiểu các tế bào bạch cầu và có sự cân bằng phù hợp
giữa các loại tế bào bạch cầu. Sự tăng hay giảm số lượng tế bào là những chỉ báo về sự thay đổi trong
hệ thống miễn dịch. Miễn dịch còn có thể được chia làm 2 loại: miễn dịch tế bào và miễn dịch nội tiết.
Miễn dịch tế bào: các tế bào bạch cầu trực tiếp chống lại các kháng nguyên. Miễn dịch nội tiết: sản xuất
ra các tế bào miễn dịch.
Trong cuộc sống của con người có rất nhiều sự kiện/biến cố vượt quá khả năng giải quyết của cá nhân.
Khi đó xuất hiện stress, cụ thể đó là những trạng thái tiêu cực về cảm xúc, nhận thức. Stress làm thay
đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch và hệ quả của nó là làm thay đổi khả năng nhiễm bệnh theo hướng
cá nhân dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Một loạt những nghiên cứu của Glaser và CS. vào những năm 1980 cho thấy ảnh hưởng của các kì thi
đến chức năng miễn dịch ở các sinh viên y khoa, cụ thể như giảm hoạt động của thực bào, giảm sản xuất
tế bào lympho, giảm sản xuất gamma interferon…
Stone và CS. nghiên cứu vai trò tích cực/tiêu cực của các sự kiện đời sống đến miễn dịch nội tiết. Kết
quả cho thấy những sự kiện dễ chịu kéo theo tăng tiết IgA (Immunoglobulin A) và ngược lại, những sự
kiện khó chịu làm giảm tiết IgA. Việc tăng tiết IgA liên quan đến sự kiện dễ chịu kéo dài đến 2 ngày
sau sự kiện. Điều này cho thấy những sự kiện vui vẻ, dễ chịu cũng ảnh hưởng tốt đến sức khoẻ theo góc
độ miễn dịch.
Ngoài ra cũng còn rất nhiều nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa các yếu tố tâm lý đến miễn dịch, ví
dụ như ở những cư dân sống gần nơi vụ nổ nhà máy điện nguyên tử; những người chăm sóc bệnh nhân
Alzheimer (Kiecolt-Glaser và cs., 1987; Irwin và CS., 1991; Esterling và cs., 1994).
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy những người có hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh
(dễ tăng nhịp tim, huyết áp, các hormon giao cảm như epinephrine và norepinephrine) dễ có những thay
đổi mạnh trong đáp ứng miễn dịch khi phải đối mặt với các tác nhân gây stress và ngược lại. Tuy nhiên
sự liên quan giữa hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và miễn dịch vẫn chỉ là sự tương quan mà chưa
thể khẳng định được cái nào là nguyên nhân, cái nào là hệ quả.
Cũng có nhiều nghiên cứu đi theo hướng mối quan hệ giữa các yếu tố xã hội với miễn dịch. Những
người cô đơn, sống li thân hoặc li dị, đáp ứng miễn dịch kém hơn, hoạt tính của thực bào bị giảm sút (
Kiecolt-Glaser và CS., 1984, 1985).
Một trong những ví dụ điển hình về cơ chế stress có thể làm cho cơ thể dễ bị bệnh, như đã đề cập ở trên,
chính là mối quan hệ giữa stress và chức năng miễn dịch. Cả stress cấp và mạn tính đều ảnh hưởng đến
hoạt động của hệ miễn dịch. Sự ức chế hệ thống miễn dịch do stress làm suy giảm khả năng chống chọi
của cơ thể đối với những tác nhân gây bệnh hoặc phục hồi sau chấn thương. Các nhà nghiên cứu cũng
đã xác định được sự suy giảm khả năng gia tăng bạch cầu khi có tác nhân gây bệnh (Fisher và CS, 1987;
Bachen và CS, 1992; Zakowski và CS, 1994; Delahanty và CS, 1996). Suy giảm khả năng sản xuất bạch
cầu được ghi nhận trong cả trường hợp có stress cấp tính hoặc mạn tính.
Các nhà nghiên cứu cũng đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của stress đối với thực bào- những bạch cầu hạt
khổng lồ có chức năng tiêu diệt rất nhanh tế bào virut hoặc ung thư. Bằng các xét nghiệm cận lâm sàng
(invitro) người ta cũng đã phát hiện thấy ở những người có stress kéo dài, các thực bào tự nhiễm giảm
cả về số lượng và khả năng tiêu hủy tế bào ung thư (Schedlowski và CS, 1993; Delahanty và CS 1996).
Sự thay đổi trong hệ miễn dịch cũng liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (ví dụ như tăng
nhịp tim, tăng huyết áp, tăng tiết các catecholamine. Sự thay đổi các chỉ số của hệ miễn dịch, ví dụ như
số lượng bạch cầu và khả năng của chúng tiêu diệt các tế bào khác liên quan đến kích thích tim mạch
(đặc biệt là những thay đổi về huyết áp và nhịp tim). Ngược lại, những yếu tố tâm lý như khả năng kiểm
soát bản thân, tính bất ngờ của tác nhân gây stress, sự hỗ trợ của xã hội và khả năng phản ứng/ đáp ứng
của cá nhân cũng có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Nhìn chung các tác nhân gây stress bất ngờ hoặc
không kiểm soát được hoặc những hoàn cảnh ít có sự trợ giúp xã hội gây ức chế miễn dịch nhiều hơn
(Kennedy và CS, 1988; Barow và CS, 1990; Sieber và CS, 1992; Wiedenfeld và CS, 1990; Zakowski,
1995).
Bệnh truyền nhiễm được xem như là bệnh có tác nhân gây bệnh rõ rệt, ví dụ: virus, vi khuẩn… Bệnh có
khả năng truyền từ người này sang người khác. Cơ chế phòng vệ ban đầu chính là hệ thống miễn dịch.
Hệ thống này được huy động nhằm phá hủy, vô hiệu hoá các tác nhân gây bệnh. Do stress làm cho hệ
thống miễn dịch có những lúc hoạt động bị yếu đi do đó khả năng chống đỡ của nó (hệ miễn dịch) đối
với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cũng bị giảm đi. các nghiên cứu thực nghiệm và tự nhiên đều
cho thấy stress liên quan đến khả năng dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm (Cohen & Williamson, 1991;
McEwen &Stellar, 1993; Kiecolt và CS, 1995; Biodi và CS, 1997). Trong điều kiện tự nhiên, stress tăng
càng làm cho dễ phát bệnh (Stone và CS, 1987; Kasl và cs, 1979; Rahe, 1972). Stress cũng làm cho các
bệnh truyền nhiễm tiễm ẩn dễ phát bệnh hơn (Kiecolt và CS, 1987, 1988).
Các nghiên cứu tương quan cũng cho thấy những người có nhiều stress trong cuộc sống là những người
dễ bị cảm lạnh (Stone và CS, 1992; Cohen và CS, 1998).
3.3. Stress và bệnh ung thư
Mối quan hệ giữa stress với miễn dịch và ung thư phức tạp hơn nhiều so với mối quan hệ giữa stress và
nhiễm khuẩn. nếu bệnh nhiễm khuẩn thường khởi phát một cách cấp tính thì ngược lại ung thư mang
tính chất kéo dài. Người ta vẫn chưa xác định được rõ vai trò của hệ miễn dịch trong việc kiểm soát sự
đột biến trong quá trình khối u chuyển từ lành tính sang ác tính và sau đó sang di căn. Cũng có tác giả
cho rằng có sự liên quan giữa trầm cảm và ung thư song cũng có tác giả phủ định điều đó (Hahl và CS,
1988, Kaplan và Reynolds, 1988; Costa và Metrae, 1989). Nhìn chung mới chỉ có những cứ liệu cho
thấy tress liên quan đến tiến triển của ung thư và có khả năng liên quan đến cả cuộc sống cũng như yếu
tố nhạy cảm chung, nguy cơ và chất lượng cuộc sống.
3.4. Stress và bệnh tim mạch
Có nhiều tác giả đề cập đến sự ảnh hưởng của stress đối với bệnh động mạch vành. Sự ảnh hưởng này
chủ yếu diễn ra thông qua hệ thần kinh giao cảm. Stress làm tăng tiết epinephrine và norepinephrine dẫn
đến tăng hoạt hoá của các thụ thể beta và alpha (Kamarck và Jennings, 1991; Markovitz và Mathews,
1991). Tăng hoạt hoá beta dẫn đến tăng nhịp tim, do đó tim phải co bóp nhiều hơn và huyết áp cũng
tăng cao. Tăng hoạt hoá alpha làm co thành mạch (cả động mạch và tĩnh mạch) dẫn đến làm tăng cản
trở ngoại vi nói chung và lưu thông máu quay trở lại tĩnh mạch nói chung. Những điều này đều dẫn đến
một đích: tăng huyết áp (Guyton, 1991).
Stress cũng góp phần vào xơ vữa mạch máu và những quá trình khác thông qua cơ chế ảnh hưởng đến
hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.
Ngoài những liên quan đến động mạch vành, stress tâm lý cũng có thể góp phần làm giảm việc cung cấp
oxy cho tim, do đó góp phần hạ thấp ngưỡng thiếu máu cơ tim hoặc thúc đẩy loạn nhịp cấp thông qua
hoạt hoá hệ thần kinh thực vật, làm tăng các cơn nhồi máu cơ tim. Các kết quả nghiên cứu cũng cho
thấy những biến cố stress cấp tính, ví dụ như phát biểu ở chỗ đông người, các tình huống gây tức giận.
Có thể làm thay đổi điện tim và dẫn đến loạn nhịp hoặc nhồi máu cơ tim. Rối loạn loạn nhịp còn có thể
liên quan đến trạng thái tâm lý chủ đạo của cá nhân. Ví dụ: các rối loạn trầm cảm lo âu, nhân cách tip
A, rối loạn stress sau nhồi máu (Camerou, 1996; Frasure-Smith và CS, 1995; Moser và Dracup, 1996;
Rosenman, 1996; Tennant, 1987).
3.5. Stress và bệnh tiểu đường
Như trên đã đề cập, tất cả các hệ thống nội tiết, thần kinh đều đáp ứng với stress. Đối với người bị các
rối loạn nội tiết, việc kiểm soát hormon là rất cần thiết. Một khi stress làm rối loạn sự kiểm soát đó thì
các triệu chứng bệnh càng trở lên tội tệ hơn do mất cân bằng hormon. Bên cạnh việc ảnh hưởng trực
tiếp đến nồng độ hormon, stress cũng còn ảnh hưởng đén nhiều những yếu tố nguy cơ liên quan đến
khởi phát bệnh, hoặc làm bệnh trầm trọng thêm, ví dụ như ăn kiêng, dùng ma tuý, thực hiện chế độ điều
trị.
Một trong những rối loạn nội tiết thần kinh phổ biến là tiểu đường. Có 2 loại tiểu đường: tip I (phụ thuộc
insulin) và tip II (không phụ thuộc insulin). Cả 2 tip này đều do lượng đường trong máu tăng cao, đều
có các triệu chứng như mắt mờ, mệt mỏi không rõ nguyên nhân hay khát nước và đi tiểu nhiều.
Nguồn năng lượng ban đầu cho các tế bào cơ thể chính là glucoza. Tuy nhiên glucoza được dùng tại các
tế bào phải thông qua tác động của một loại hormon đó là insulin.
Ở tip I, hệ thống miễn dịch tấn công vào các tế bào sản xuất insulin nằm ở tuyến tụy, làm giảm mức độ
bài tiết insulin và giảm năng lượng glucoza được sử dụng ở các tế bào. Tiểu đường tip I thường khởi
phát trước tuổi 40, trong đó khoảng 50% khởi phát trước tuổi 20 (Tracey Avà CS, 2001).
Ngược lại, tiểu đường tip II khởi phát muộn. Tiểu đường typ II phát triển một cách từ từ do các tế bào
cơ thể kháng lại tác dụng của insulin dẫn đến giảm lượng glucoza thâm nhập vào tế bào.
Stress không trực tiếp gây tiểu đường, tuy nhiên nó có thể làm cho cá nhân dễ bị bệnh hơn. Ví dụ, trong
trạng thái stress, các tế bào cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Với tiểu đường tip I, đòi hỏi như vậy có
thể vượt quá khả năng của tuyến tuỵ, do vậy bệnh có thể khởi phát sớm hơn. Tương tự, đối với tiểu
đường tip II, các hormon stress có thể chi phối đến việc sử dụng insulin. Do đó có thể nhận thấy stress
đóng vai trò là một yếu tố nguy cơ đối với khởi phát tiểu đường cũng như có thể ảnh hưởng đến điều trị
thông qua sự ảnh hưởng đến kiểm soát glucoza.
Các hành vi liên quan đến stress, ví dụ như ăn uống, sử dụng rượu, hút thuốc lá, ít hoạt động trí tuệ,
quên uống thuốc… cũng ảnh hưởng đến việc tự chăm sóc và đây cũng là những nguy cơ gây tăng lượng
glucoza trong máu.
Stress có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản trị các triệu chứng bệnh. Như đã đề cập, stress có thể
làm tăng lượng glucoza trong máu. Với tiểu đường tip I, cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần
thiết để xử lý lượng glucoza cao trong máu, còn trong tip II, do các tế bào có thể từ chối insulin nên
lượng glucoza trong máu vẫn ở mức độ cao. Lượng glucoza cao trong máu dẫn đến nguy cơ nhiễm axit
xetonic và hôn mê (Guyton, 1991).
Như vậy có thể thấy stress đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ của con người. Nó ảnh hưởng
đến khởi bệnh cũng như diễn biến và kết thúc (tốt hoặc xấu). Stress chính là khâu quan trọng giữa cơ
thể/ cá nhân với môi trường; kích thích con người chống lại hoặc né tránh các tác nhân gây stress.

4. NGUYÊN NHÂN GÂY RA STRESS:


4.1. Những biến động của xã hội:
+ Khủng hoảng về chính trị, kinh tế, thất nghiệp.
+ Bùng nổ dân số, di cư, đô thị hóa.
+ Những biến cố gây thảm họa cho nhiều người.
+ Những vấn đề XH tồn tại dai dẳng: Ô nhiễm M/T, tệ nạnXH…
+ Những việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày: Tắc đường, tai nạn giao thông, cách
ứng xử của người khác gây ra sự khó chịu …
4.2. Công việc/học tập:
+ Công việc phức tạp, căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm cao tạo ra áp lực/ quá đơn điệu, tẻ
nhạt, đơn thuần làm với máy móc …
+ Môi trường lao động nhiều tiếng ồn, khói bụi, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật … lo lắng,
bất an.
+ Không hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ được phân công, không có cơ hội phát triển thiếu
tự tin, lo lắng, căng thẳng, chán nản.
+ Mâu thuẫn, xung đột với đồng nghiệp, với lãnh đạo … có thể dẫn đến sự mệt mỏi về
tinh thần, hiệu quả làm việc giảm ở người lao động.
+ Mâu thuẫn, xung đột giữa những vấn đề thuộc về gia đình và công việc, nghề nghiệp.

* Đối với học sinh, sinh viên, môi trường học tập cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến
sức khỏe tinh thần và cũng là nguyên nhân có thể gây ra những bệnh tật cho lứa tuổi này. Xã
hội ngày càng phát triển và cũng đặt ra cho thế hệ trẻ yêu cầu ngày càng cao về việc trau dồi tri
thức, chuyên môn nghề nghiệp. Và đối với nhiều học sinh, sinh viên điều đó đã tạo nên những
áp lực hết sức to lớn: Nội dung học tập nhiều và khó; phải vượt qua các kỳ thi để đạt thành tích
cao, nhất là trong các kỳ thi chuyển cấp và vào đại học; nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng quá
cao: con em phải thi được vào trường chuyên, lớp chọn; sự ganh đua, cạnh tranh thường xuyên
diễn ra trong môi trường học tập … Không ít học sinh, sinh viên đến kỳ thi lại có những biểu
hiện suy giảm trí nhớ, không tập trung chú ý, kết quả học tập giảm sút, thậm chí nhiều học sinh
không đạt được ước vọng của mình (thi trượt đại học ..) đã bị rối loạn tâm thần, trầm cảm và
phải vào bệnh viện điều trị.

 Nguyên nhân gây ra stress trong hoạt động nghề nghiệp ở CBYT
Như chúng ta đã biết, stress trong hoạt động NN nảy sinh do sự mất cân bằng giữa các
điều kiện, yêu cầu của công việc với khả năng đáp ứng của người lao động. Do vậy, có rất nhiều
nguyên nhân gây ra stress trong công việc ở người CBYT, nó có thể bắt nguồn từ các yếu tố
trong hoạt động nghề nghiệp hay từ bản thân họ.
a. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ điều kiện, môi trường làm việc
Môi trường, điều kiện làm việc đặc thù của người CBYT là một trong những yếu tố quan
trọng dẫn đến stress ở họ. Thực tế cho thấy, CBYT thường xuyên phải làm việc trong môi trường
đông người; không gian ở các khoa phòng chật chội, thiếu không khí, không đảm bảo đủ ánh
sáng, vệ sinh. Hàng ngày, họ phải chịu một sự quá tải về khối lượng công việc; Cường độ làm
việc lớn; Công việc đòi hỏi trách nhiệm rất cao (không cho phép sai sót); Phải đưa ra những
quyết định xử trí kịp thời trước những tình huống khẩn cấp và thường xuyên chịu áp lực từ phía
cấp trên, từ bệnh nhân và người nhà của họ. Các điều kiện lao động như vậy đã dẫn đến hậu quả
mệt mỏi về thể chất và căng thẳng về tinh thần ở người CBYT.
b. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ sự phát triển nghề nghiệp
Thường thì người CBYT cũng như bao người lao động khác mang nhiều ước vọng khi
đến với nghề. Họ mong muốn được học hỏi những điều mới mẻ và làm việc trong điều kiện tốt
nhất, được tự do trong NN và tăng khả năng thu nhập.Tuy nhiên, thực tế có thể không đạt được
như vậy. Có 4 yếu tố trong sự phát triển NN có thể gây nên stress ở người CBYT, đó là: kém
thúc đẩy NN, thúc đẩy quá mức, thiếu an toàn trong NN và những tham vọng bị hụt hẫng. Những
vấn đề này khiến cho họ giảm sút năng suất lao động và không mấy thiết tha với công việc.
c. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị cũng có thể tạo ra stress cho các nhân viên y tế trong
việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Điều này có thể nảy sinh từ: Các chính sách của tổ chức (các
quy định và thủ tục hành chính cứng nhắc, nhiều khi chưa hợp lý); Cấu trúc tổ chức (mâu thuẫn
giữa các phòng ban và nhân viên; quyết định được tập trung hóa, sự phân chia chức năng chuyên
môn hóa cao) hay từ quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động của đơn vị (thiếu thông tin; thông tin
không chính xác; mục tiêu đưa ra còn mơ hồ, không rõ ràng, cách thức tổ chức không khoa học,
không phù hợp với thực tế của đơn vị…). Quá trình thay đổi tổ chức cũng là một nguồn gây stress
cho các nhân viên, sự cấu trúc lại các bộ phận khiến người CBYT bị đặt trước nguy cơ thuyên
chuyển vị trí công tác và thu nhập không đảm bảo, gây nên cảm giác thiếu tự tin, lo lắng.
d. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ vai trò, nhiệm vụ công việc
Trong quá trình công tác, sự mơ hồ về nhiệm vụ, công việc phải thực hiện (do thiếu thông
tin để tiến hành hoặc không hiểu rõ mình phải làm gì); trình độ chuyên môn, tay nghề còn hạn
chế đặc biệt khi phải xử lý những tình huống phức tạp dẫn đến sự mất tự tin, mặc cảm và căng
thẳng ở người CBYT. Bên cạnh đó, phải đảm nhiệm quá nhiều việc trong một thời gian, thậm
chí phải làm cả những việc không phải trách nhiệm của mình cũng khiến cho họ thấy bực bội,
khó chịu, mệt mỏi, lo lắng vì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
e. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ giữa con người với con người trong công
việc
Có thể nói, trong môi trường công việc, mối quan hệ giữa các cá nhân như quan hệ với
cấp trên, đồng nghiệp, với bệnh nhân, cộng đồng cũng là những nguồn gây nên stress cho người
CBYT. Sự va chạm, xích mích, ganh đua hoặc ghen tỵ giữa các nhân viên về lợi ích vật chất hoặc chính
trị; Ít nhận được sự quan tâm, trợ giúp từ phía đồng nghiệp; Cấp trên không mấy quan tâm, hỗ
trợ cũng như độc đoán, bảo thủ trong điều hành công việc…là những tác nhân dễ đưa đến tình
trạng mệt mỏi, căng thẳng, không toại nguyện trong nghề nghiệp ở người CBYT.
g. Nhóm các nguyên nhân xuất phát từ bản thân người CBYT; Điểm giao nhau giữa gia đình và
nghề nghiệp
Các nghiên cứu về tâm lý học lao động cũng như về stress NN đã chỉ ra một trong những
nguồn gốc gây nên sự mệt mỏi, tăng thêm gánh nặng tinh thần trong công việc đó là các yếu tố
xuất phát từ điều kiện của bản thân người lao động, điểm giao nhau giữa gia đình và NN. Đối
với người CBYT, nhóm nguyên nhân này được thể hiện ở: Sự hiểu biết và kỹ năng ứng phó với
stress còn hạn chế; Điều kiện sức khỏe không tốt; Bản thân nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc; Ít
nhận được sự động viên, chia sẻ từ phía gia đình (vợ/chồng) khi gặp khó khăn trong công việc;
Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, con cái đau ốm. Tất cả những điều đó có thể làm tăng
thêm sự mệt mỏi, chán nản, giảm động cơ và năng suất lao động của họ.
* Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động NN của các CBYT hiện nay có rất nhiều yếu tố
bất lợi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và là những tác nhân gây nên stress ở họ. Có những
nguyên nhân bắt nguồn từ phía công việc, môi trường công tác, có những nguyên nhân nảy sinh
từ phía chủ quan của người CBYT. Tất cả những yếu tố này đối với nhiều người đã trở thành
thử thách và cùng với sự nỗ lực của bản thân họ sẽ vượt qua, nhưng không ít người cảm thấy bị
áp lực lớn, từ đó tạo nên trạng thái stress và có thể đưa đến những hậu quả không lường. Vì vậy,
việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra stress sẽ giúp cho người CBYT tìm ra được giải pháp thích
hợp để ứng phó, nhằm phòng ngừa hoặc giảm bớt những mệt mỏi, căng thẳng, giữ được sự cân
bằng về tinh thần trong công việc và cuộc sống.

4.3. Bị xã hội kỳ thị, cô lập (nhóm người nghèo, dân di cư, dân tộc thiểu số, những người dễ bị
tổn thương: HIV/nghiện ma túy, mại dâm, bị bệnh tâm thần, ra tù …).
4.4. Thiếu sự hỗ trợ xã hội (từ phía gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các tổ chức XH, cộng
đồng…).
4.5. Thay đổi của hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội (lối sống, hành vi sống thử, bạo lực
giới, quá coi trọng giá trị vật chất …).
4.6. Yếu tố thuộc về bản thân (yếu tố chủ quan của mỗi người)
- Trước hết phải kể đến sự nhận thức, đánh giá về các tác động, khả năng đáp ứng cũng
như khả năng làm chủ tình huống của chủ thể - đó cũng là tác nhân có thể gây ra stress. Khả
năng đáp ứng của chủ thể lại phụ thuộc phần lớn vào việc họ đánh giá tình huống như thế nào.
- Chủ thể có thể nhận thức và đánh giá khác nhau về cùng một sự kiện. Họ có thể cảm thấy
tình huống nguy hiểm và cho rằng không thể chống đỡ được, từ đó xuất hiện sự căng thẳng, lo
lắng. Ngược lại, nếu chủ thể nghĩ rằng có thể giải quyết được và tìm ra biện pháp giải quyết thì
phản ứng stress sẽ được thích nghi (nếu sự đánh giá đó tương ứng với khả năng hiện có).
- Trong thực tế, những phản ứng stress xuất hiện có thể do chủ thể đánh giá sai tình huống
và khả năng của mình. Có thể thấy điều này trong cuộc sống và công việc, đôi khi xảy ra sự
không tương xứng giữa đòi hỏi của nhiệm vụ với khả năng của con người, đưa đến sự quá tải
tâm lý, được xem như một nhân tố bên ngoài gây stress. Ngược lại, có những tình huống mà chủ
thể không có điều kiện thể hiện hết năng lực của mình. Họ phải thực hiện những nhiệm vụ thấp
hơn khả năng, điều đó gây ra tâm trạng chán nản, do có sự dưới tải tâm lý. Hiện tượng này cũng
được xem như một nhân tố bên trong gây stress do mất cân đối giữa nhu cầu, nguyện vọng và
sự thoả mãn của chủ thể.
- Cách suy nghĩ tiêu cực của mỗi cá nhân không chỉ là những suy nghĩ bất lợi cho mình
mà còn bất lợi cho người khác, cũng như việc không nhận thức được vấn đề, nhìn nhận sai lệch
quy luật cuộc sống hoặc không dám chấp nhận sự thật của cá nhân cũng là nguyên nhân gây ra
stress, “Stress chính là hậu quả điển hình của những suy nghĩ tiêu cực”.
- Bên cạnh đó, điều kiện sức khỏe thể chất, đời sống xúc cảm, tình cảm cũng như đặc điểm
về tính cách, khí chất, vốn kinh nghiệm sống và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là những yếu tố
chủ quan dẫn đến stress ở con người.
5.ẢNH HƯỞNG CỦA STRESS:
Stress có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cá nhân, gia đình và xã hội trên nhiều khía cạnh.
5.1. Đối với cá nhân:
- Tác động tích cực: Ở một mức độ nhất định, stress:
+ Kích thích con người phấn chấn, hăng hái, hoạt động tích cực hơn và đạt hiệu quả cao hơn,
nâng cao trạng thái sẵn sàng đối phó của cơ thể với mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc sống.
+ Là thử thách tôi luyện bản lĩnh, ý chí con người, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống và
hoàn thành tốt nhiệm vụ, thích ứng được với hoàn cảnh trong những điều kiện nhất định.
- Tuy nhiên, stress cũng ảnh hưởng tiêu cực đến con người:
+ Stress ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý:
. Cảm xúc là một yếu tố cần thiết đảm bảo năng suất lao động và tùy theo yêu cầu công việc, mà cần
phải có một mức độ căng thẳng cảm xúc (stress) nhất định. Trường hợp stress mạnh vượt quá khả năng
đáp ứng của chủ thể, sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với khả năng lao động. Mặt khác, trạng
thái nghèo nàn cảm xúc cũng bất lợi và không thể tạo ra năng suất cao như trong các tình huống mà tính
chất công việc đơn điệu, động tác máy móc, lặp đi lặp lại, ít được tiếp xúc với đồng nghiệp…
. Stress ảnh hưởng không tốt đến hoạt động nhận thức, làm tư duy kém linh hoạt, trí nhớ và sự tập trung
chú ý giảm bị sút.
. Stress làm giảm hứng thú hoạt động, gây nên trạng thái căng thẳng, lo âu, chán nản … dẫn đến những
hành vi tiêu cực (bỏ bê công việc, gây gổ với người khác, hạn chế giao tiếp, chống đối…).
+ Stress ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người:
. Stress tiêu cực khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, mất ngủ, giảm khả năng lao động trí óc và chân tay…
. Khi con người không tự điều chỉnh để lấy lại cân bằng tâm sinh lý, stress có thể gây ra bệnh tật: suy
giảm hệ thống miễn dịch, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư … thậm chí gây tử vong. Giáo sư
Meyer Friedman và giáo sư Ray Rosenman trong cuốn “Typ A Behaviour and Your Heart” đã chỉ ra
cùng với các yếu tố khác, stress là căn nguyên dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch. Stress mãn tính còn có
thể làm nặng thêm các bệnh lý cơ thể hoặc tâm thần sẵn có. Tuy nhiên stress có gây bệnh hay không còn
phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng là tính chất gây bệnh của stress và sức
chống đỡ của mỗi người.
5.2. Đối với gia đình:
Khi một thành viên trong gia đình bị stress thì các thành viên khác cũng bị ảnh hưởng, khiến cho:
- Các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ - con cái trở nên căng thẳng. Theo GS. Đặng Phương
Kiệt:“stress trong gia đình làm tăng tính nhạy cảm của các thành viên với sự đau khổ thể chất và tinh
thần”.
- Mọi sinh hoạt thường ngày trong gia đình có thể bị đảo lộn (ăn uống không đúng giờ giấc, công
việc gia đình không ai quan tâm…).
5.3. Stress ảnh hưởng đến xã hội
- Ở nhiều nước, thống kê cho thấy thiệt hại về kinh tế do stress gây ra là rất lớn. Trong cuốn Stress và
đời sống (1998), GS. Đặng Phương Kiệt đã tổng hợp và đưa ra những dẫn chứng như: Ở Na Uy, chi phí
cho những vấn đề liên quan đến stress chiếm 10% GDP. Ở Anh stress nghề nghiệp làm mất 1,8 tỷ ngày
công. Ở Mỹ, ước tính số giờ nghỉ việc của người lao động chiếm tới 3,5% tổng số giờ lao động và hàng
năm lĩnh vực kinh doanh đã thất thoát 32,8 tỷ đô la do giảm năng suất. Ở Việt Nam tuy chưa có một
thống kê nào về thiệt hại do stress đưa lại, song hàng năm, nhà nước phải chi ra những khoản tiền không
nhỏ để chữa trị nhiều căn bệnh có liên quan đến stress (tim mạch, huyết áp, dạ dày, trầm cảm…), cũng
như chữa trị những người bị tai nạn nghề nghiệp (mà nguyên nhân có thể do sự quá mệt mỏi, căng thẳng
trong công việc).
- Mặt khác, khi bị stress, con người lại dùng thêm các chất kích thích (bia, rượu…) có thể sẽ dẫn tới
những hành vi gây gổ, xung đột với người khác, làm mất an ninh trật tự xã hội.

You might also like