You are on page 1of 23

CHƯƠNG1.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DẠY HỌC GIẢI TOÁN


1. Mục đích và yêu cầu dạy - học giải toán tiểu học
1.1. Vị trí và mục đich của dạy- học giải toán
1.1.1. Vị trí:
Trong dạy học toán ở tiểu học, hoạt động giải toán của học sinh có
một vị trí rất quan trọng góp phần hình thành và phát triển các năng lực,
phẩm chất cần thiết cho người học. Trong giải toán học sinh phải tư duy một
cách tích cực và linh hoạt, phải suy nghĩ năng động sáng tạo. Vì vậy có thể
coi hoạt động giải toán là biểu hiện năng động nhất của hoạt động trí tuệ.
1.1.2. Mục đích:
Dạy học giải toán nhằm mục đích chủ yếu sau đây:
+ Giúp học sinh luyện tập, củng cố các kiến thức và thao tác thực hành đã
học; Rèn luyện kỹ năng tính toán, tập dượt vận dụng kiến thức vào thực tiễn,
thông qua giải toán GV nắm được sự nhận thức của học sinh.
+ Qua giải toán giúp học sinh từng bước phát triển năng lực tư duy, rèn
luyện phương pháp và kỹ năng suy luận, khêu gợi và tập dượt khả năng
quan sát, phỏng đoán, tìm tòi.
+ Qua giải toán giúp học sinh phát triển khả năng trình bày diễn đạt ngôn
ngữ nói và viết của mình. Tạo ra tính tự tin, dám nghĩ, dám làm.
+ Qua giải toán giúp học sinh hình thành những phong cách cần thiết của
người lao động trong thời đại công nghiệp phát triển. (cần cù, cẩn thận, làm
việc có kế hoạch khoa học, óc suy luận có căn cứ, khả năng suy nghĩ độc
lập, linh hoạt, sáng tạo).
Dạy học giải toán ở tiểu học cần có định hướng một cách khoa học
được xây dựng trên quan điểm đồng tâm, xoáy trôn ốc, qua từng bước dựa
trên mục tiêu của dạy toán ở tiểu học có tính đến trình độ phát triển tư duy
và khả năng ở từng lớp. Dạy học rèn luyện và phát triển kỹ năng giải toán
cho học sinh TH được thông qua chủ yếu giải các bài toán có lời văn trong
chương trình.
1.2. Yêu cầu
Trong Chương trình toán tiểu học cũ (2006) cấu trúc gồm 5 mạch kiến
thức, trong đó có mạch nội dung “Giải bài toán có lời văn”. Yêu cầu cơ bản
đối với mạch kiến thức và kỹ năng “Giải toán có lời văn” ở từng lớp Chương
trình cũ:
Lớp 1
Mục tiêu cần đạt là giúp cho học sinh:
+ Nhận biết bước đầu về cấu tạo của bài toán có lời văn. Biết trình bày bài
giải gồm: viết câu lời giải, ghi phép tính và đáp số.
+ Biết giải các bài toán đơn bằng một phép tính cộng, trừ chủ yếu là các bài
toán thêm, bớt một số đơn vị.

1
+ Bước đầu phát triển tư duy, phương pháp giải toán và khả năng diễn đạt
(Bằng nói và viết).
Lớp 2
Mục tiêu cần đạt là giúp cho học sinh:
+ Biết giải và trình bày bài giải các bài toán đơn về phép cộng và phép trừ
(trong đó có các bài toán về nhiều hoặc ít hơn một số đơn vị), về phép nhân
và phép chia (Phép tính trong bảng nhân, chia phạm vi 5).
+ Bước đầu làm quen với giải toán có nội dung hình học (các bài toán tính
độ dài đường gấp khúc, tính chu vi hình tam giác, tứ giác).
+ Rèn luyện phương pháp giải toán và khả năng diễn đạt (Phân tích, tóm tắt
đề, giải quyết vấn đề và trình bài giải bằng nói và viết).
Lớp 3
Mục tiêu cần đạt là giúp cho học sinh:
+ Nhận biết bước đầu về bài toán giải bằng hai phép tính, trong đó có các bài
toán liên quan đến rút về đơn vị và một số dạng bài toán khác.
+ Biết giải và trình bày bài giải bài toán có đến 2 bước tính (Bài toán hợp)
với các mối quan hệ trực tiếp và đơn giản. Trong đó có các dạng: Các bài
toán liên quan đến rút về đơn vị; Một số dạng bài toán có sử dụng các kiến
thức về quan hệ giữa hai đại lượng (so sánh hai số hơn kém nhau một số đơn
vị, so sánh số lớn gấp mấy lần số bé, số bé bằng một phần mấy số lớn, tìm
một trong các phần bằng nhau của đơn vị); Các bài toán có nội dung hình
học.
+ Phát triển được năng lực tư duy thông qua học phương pháp giải toán.
(Phân tích, tóm tắt đề, giải quyết vấn đề). Tăng cường khả năng diễn đạt (nói
và viết) thông qua trình bày bài giải (câu lời giải, phép tính, đáp số, ...)
Lớp 4
Mục tiêu cần đạt là giúp cho học sinh:
+ Biết giải bài toán có đến 2 hoặc 3 bước tính, có sử dụng phân số. trong đó
có các bài toán có liên quan đến: tìm hai số biết tổng hoặc hiệu và tỉ số của
chúng; tìm hai số biết tổng và hiệu của chúng; tìm số trung bình cộng; các
nội dung hình học đã học.

+ Biết tự tóm tắt bài toán bằng cách ghi ngắn gọn hoặc bằng sơ đồ, hình vẽ.
+ Phát triển được năng lực tư duy khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề,
phát triển năng lực diễn đạt ngôn ngữ nói và viết.
Lớp 5
Mục tiêu cần đạt là giúp cho học sinh giải các bài toán, chủ yếu là các
bài toán có đến 4 bước tính, trong đó có:

2
+ Một số dạng toán về quan hệ tỷ lệ (Khi giải các bài toán thuộc quan hệ “tỷ
lệ thuận”, “tỷ lệ nghịch” không dùng các thuật ngữ này để gọi tên. Có thể
giải bằng cách “rút về đơn vị” hoặc “tìm tỷ số”).
+ Các bài toán đơn giản về tỉ số phần trăm
- Tìm tỉ số phần trăm của hai số.
- Tìm giá trị tỉ số phần trăm của một số cho trước.
- Tìm một số biết giá trị tỉ số phần trăm của số đó.
+ Các bài toán đơn giản về chuyển động đều, chuyển động ngược chiều và
cùng chiều.
- Tìm vận tốc biết thời gian chuyển động và độ dài quãng đường đi.
- Tìm thời gian chuyển động và biết độ dài quãng đường và vận tốc chuyển
động.
- Tìm độ dài quãng đường biết vận tốc và thời gian chuyển động.
- Tìm thời gian gặp nhau của hai chuyển động cùng chiều hoặc ngược chiều.
+ Các bài toán có nội dung hình học
Đồng thời qua giải toán giúp cho học sinh phát triển được năng lực tư
duy, năng lực trình bày diễn đạt những suy nghĩ của mình bằng nói và viết.
Rèn luyện các đức tính: chăm chỉ, cẩn thận, tự tin, trung thực, có tinh thần
trách nhiệm, ...
Chương trình môn toán tiểu học mới (2018) được nhìn nhận gồm các
mạch kiến thức: Số và phép tính; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác
suất. Phần giải bài toán có lời văn không coi là một mạch kiến thức như
Chương trình cũ (2006) mà tích hợp trong các mạch kiến thức, kỹ năng trên
và trong thực hành, hoạt động trải nghiệm. Trong chương trình Toán tiểu
học mới phần Hoạt động thực hành và trải nghiệm có gợi ý nội dung tiến
hành các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng những kiến thức, kĩ năng,
thái độ đã được tích lũy từ giáo dục toán học và những kinh nghiệm của bản
thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo; phát triển cho học sinh năng
lực tổ chức và quản lí hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản
thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp; tạo dựng một số năng lực
cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm. Tỷ
lệ phần trăm về thời lượng dạy các mạch kiến thức và các hoạt động thực

3
hành, trải nghiệm trong dạy học môn toán tiểu học Chương trình GDPT mới
(2018) như sau:

Kiến thức Thống kê Thực hành và


Số và Hình học và
và Hoạt động trải
Lớp phép tính Đo lường
Xác suất nghiệm
1 80% 15% 0% 5%

2 75% 17% 3% 5%

3 70% 22% 3% 5%

4 75% 16% 4% 5%

5 50% 40% 5% 5%

Cả bậc 69% 23% 3% 5%

Yêu cầu cơ bản của hoạt động thực hành giải quyết vấn đề đối với
từng lớp của chương trinh mới (2018)
Lớp 1
Mục tiêu cần đạt:
- Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính cộng, trừ: Nhận
biết được ý nghĩa thực tiễn của phép tính (cộng, trừ) thông qua tranh ảnh,
hình vẽ hoặc tình huống thực tiễn. Nhận biết và viết được phép tính (cộng,
trừ) phù hợp với câu trả lời của bài toán có lời văn và tính được kết quả
đúng.
- Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến đo độ dài, đọc
giờ đúng và xem lịch (loại lịch tờ hằng ngày).
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung
các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.
Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng
hạn:
- Thực hành đếm, nhận biết số, thực hiện phép tính trong một số tình huống thực
tiễn hằng ngày (ví dụ: đếm số bàn học và số cửa sổ trong lớp học,...).
- Thực hành các hoạt động liên quan đến vị trí, định hướng không gian (ví dụ: xác
định được một vật ở trên hoặc dưới mặt bàn, một vật cao hơn hoặc thấp hơn vật
khác,...).

4
- Thực hành đo và ước lượng độ dài một số đồ vật trong thực tế gắn với đơn vị đo
cm; thực hành đọc giờ đúng trên đồng hồ, xem lịch loại lịch tờ hằng ngày.
Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: các trò chơi học
toán,...) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.

Lớp 2
Mục tiêu cần đạt:
- Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính đã học: Nhận
biết ý nghĩa thực tiễn của phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) thông qua tranh
ảnh, hình vẽ hoặc tình huống thực tiễn. Giải quyết được một số vấn đề gắn
với việc giải các bài toán có một bước tính (trong phạm vi các số và phép
tính đã học) liên quan đến ý nghĩa thực tế của phép tính (ví dụ: bài toán về
thêm, bớt một số đơn vị; bài toán về nhiều hơn, ít hơn một số đơn vị).
- Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến hình phẳng và
hình khối đã học.
- Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo lường các đại lượng đã
học
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung
các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.
Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng
hạn:
- Thực hành tính toán, đo lường và ước lượng độ dài, khối lượng, dung tích một số
đồ vật trong thực tiễn; thực hành đọc giờ trên đồng hồ, xem lịch; thực hành sắp
xếp thời gian biểu học tập và sinh hoạt của cá nhân hằng ngày, trong tuần,...
- Thực hành thu thập, phân loại, ghi chép, kiểm đếm một số đối tượng thống kê
trong trường, lớp.
Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi học
toán hoặc các hoạt động “Học vui - Vui học”,...) liên quan đến ôn tập, củng cố các
kiến thức cơ bản.

Lớp 3
Mục tiêu cần đạt:
- Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính đã học: Giải quyết được
một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán có đến hai bước tính (trong phạm vi các
số và phép tính đã học) liên quan đến ý nghĩa thực tế của phép tính; liên quan đến
thành phần và kết quả của phép tính; liên quan đến các mối quan hệ trực tiếp và đơn
giản (Như: gấp một số lên một số lần, giảm một số đi một số lần, so sánh số lớn gấp
mấy lần số bé).
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung
các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

5
Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn,
chẳng hạn:
- Thực hành các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước lượng
tính chu vi, diện tích các hình phẳng đã học trong thực tế. Thực hành đo, cân, ước
lượng độ dài, khối lượng, dung tích, nhiệt độ,…
- Thực hành thu thập, sắp xếp phân loại số liệu thống kê (theo các tiêu chí
cho trước) về một số đối tượng thống kê trong trường, lớp.
Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi
học Toán hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi liên quan đến mua
bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc,…) liên
quan đến ôn tập, củng cố các mạch kiến thức toán.
Lớp 4
Mục tiêu cần đạt:
- Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính về số tự nhiên đã
học gắn với việc giải các bài toán có đến hai, ba bước tính (trong phạm vi các số và
phép tính đã học) liên quan đến thành phần và kết quả của phép tính; liên quan đến
các mối quan hệ so sánh trực tiếp hoặc các mối quan hệ phụ thuộc trực tiếp và đơn
giản (Như: Tìm hai số khi biết tổng và hiệu, tìm số trung bình cộng của hai số, rút
về đơn vị); liên quan đến bốn phép tính phân số (Ví dụ bài toán liên quan đến tìm
phân số của một số).
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các
hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.
- Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và
các chủ đề liên môn, chẳng hạn:
+ Thực hành các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước lượng như:
đo lường và tính toán chu vi, diện tích, góc của các hình phẳng đã học trong thực
tế. Tính toán và ước lượng khối lượng, dung tích. Xác định năm, thế kỷ đánh dấu
sự ra đời (diễn ra) của một số phát minh khoa học, sự kiện văn hóa – xã hội, lịch
sử…
+ Thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số
tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội hoặc có tính
toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục, tài chính, chủ quyền
biển đảo, biên giới, giáo dục STEM, …).
+ Thực hành mua bán, trao đổi tiền tệ.
- Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi
học Toán hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi liên quan đến mua
bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc,…) liên
quan đến ôn tập, củng cố các mạch kiến thức toán hoặc giải quyết các vấn đề nảy
sinh liên quan đến thực tiễn.
- Hoạt động 3 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với

6
học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.
Lớp 5
Mục tiêu cần đạt:
- Giải quyết vấn đề gắn với việc giải các bài toán (có một hoặc một vài bước tính)
liên quan đến các phép tính với các số tự nhiên, phân số, số thậpphân.
- Giải quyết được một số vấn đề về đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình
phẳng và hình khối đã học, liên quan đến ứng dụng của hình học trong thực tiễn,
liên quan đến nội dung các môn học như Mĩ thuật, Công nghệ, Tin học.
- Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo thể tích, dung tích,
thời gian.
- Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán liên quan đến
chuyển động đều (tìm vận tốc, quãng đường, thời gian của một chuyển độngđều).
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các
hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.
Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ
đề liên môn, chẳng hạn:
- Thực hành tổng hợp các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước
lượng như: tính toán và ước lượng thể tích của một số hình khối trong thực tiễn
liên quan đến các hình đã học; tính toán và ước lượng về vận tốc, quãng đường,
thời gian trong chuyển động đều.
- Thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số
tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội hoặc có tính
toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính, chủ quyền
biên giới, biển đảo, giáo dục STEM,...).
- Thực hành mua bán, trao đổi, chi tiêu hợp lí; thực hành tính tiền lãi, lỗ trong
mua bán; tính lãi suất trong tiền gửi tiết kiệm và vay vốn.
Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi “Bảy
mảnh nghìn hình (tangram)” hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi
liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu,
xúc xắc,...) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán hoặc giải quyết vấn
đề nảy sinh trong tình huống thực tiễn.
Hoạt động 3 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh
có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

7
2. Quan niệm về bài toán và giải toán
2. 1. Bài toán
Theo quan niệm rộng, bài toán là bất cứ vấn đề của khoa học hay cuộc
sống cần giải quyết. Theo nghĩa hẹp hơn, bài toán là vấn đề nào đó của khoa
học hay cuộc sống cần được giải quyết bằng phương pháp của toán học.
Ở Tiểu học, bài toán được hiểu theo nghĩa hẹp này, thậm chí nhiều khi
còn được hiểu một cách đơn giản hơn nữa: bài toán là bài tập trong sách giáo
khoa.
2. 2. Đề bài
Nói đến bài toán, chúng ta nghĩ ngay đến đề bài và lời giải của nó.
Đề bài của một bài toán (Cấu tạo của bài toán) có hai thành phần chính:
- Phần đã cho
- Phần cần tìm.
Phần đã cho có thể là những con số, những số đo đại lượng (con số +
đơn vị đo), cũng có thể là những quan hệ (hay điều kiện) nào đó.
Phần cần tìm có thể là những con số, số đo đại lượng. Cũng có thể là
những quan hệ (nhiều hơn, ít hơn, ...) hoặc khẳng định (có, không)
2. 3. Lời giải
Quá trình giải một bài toán là quá trình đi tìm phần cần tìm của đề.
Quá trình giải được ghi lại thành lời giải, ở cuối phần lời giải thường ghi rõ
câu trả lời: phần cần tìm là gì. Câu trả lời này gọi là đáp số của bài toán.
2. 4. Giải toán
Trên đây đã nói giải một bài toán là đi tìm phần cần tìm của nó. Về
bản chất, quá trình giải toán là một suy luận hoặc một dãy những suy luận
liên tiếp nhằm rút ra phần cần tìm từ phần đã biết.
Chương trình môn Toán cũ “Giải toán” nói chung được hiểu là phần
kiến thức trong chương trình toán Tiểu học về giải các bài toán ở Tiểu học.
Chương trình môn Toán mới không có riêng mạch kiến thức “Giải bài toán
có lời văn”, nhưng nội dung này được đề cập đến trong phần thực hành giải
quyết vấn đề ở tất cả các mạch kiến thức
3. Phân loại các bài toán ở tiểu học.
3. 1. Bài toán có lời văn và bài toán thực hiện phép tính
Ví dụ:
Bài toán 1. Tính 5 x ( 2 + 4)
Bài toán 2. Một cửa hàng ngày thứ bảy bán được 6 xe đạp, ngày chủ nhật
bán được số xe đạp gấp đôi số xe đạp trên. Hỏi cả hai ngày cửa hàng đó bán
được bao nhiêu xe đạp?
Ở bài toán 1 là bài toán thực hiện phép tính, HS chỉ cần nhớ quy tắc
thực hiện các phép tính và thực hiện đúng các phép tính. Ở bài toán 2 là bài

8
toán có lời văn, HS phải suy nghĩ cần thực hiện những phép tính gì sau đó
mới áp dụng quy tắc thực hiện các phép tính.
3. 2. Bài toán đơn và bài toán hợp (Phân Bài toán có lời văn)
Trước đây phân loại cho bài toán có lời văn ở Tiểu học, người ta phân
loại theo số phép tính cần thực hiện khi giải bài toán. Bài toán chỉ cần một
phép tính để giải gọi là bài toán đơn, bài toán giải bằng hai phép tính trở lên
gọi là bài toán hợp. Tuy nhiên sự phân loại chỉ là tương đối, đôi khi khó xác
định rõ ranh giới giữa các khái niệm này.
Ví dụ: Một trường có 400 HS, trong đó HS nữ chiếm 60%. Hỏi
trường đó có bao nhiêu HS nữ?
Nếu dùng các phép tính đối với số thập phân thì chỉ cần một phép
tính, chẳng hạn:
400 x 0,6 = 240 (HS)
Đây là bài toán đơn.
Nếu dùng các phép tính đối với số tự nhiên thì cần hai phép tính
Một phần trăm số học sinh toàn trường là:
400 : 100 = 4 (HS)
Số học sinh nữ của toàn trường là:
4 x 60 = 240 (HS)
Đây là bài toán hợp.
Ta có thể quan niệm bài toán đơn và bài toán hợp như sau: "Bài toán
đơn" là bài toán giải bằng một bước tính, "Bài toán hợp" là bài toán giải
bằng hai bước tính trở lên. Vì trong thực tế giải toán có lời văn "phép tính
giải" không phải là một phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) theo nghĩa thông
thường mà lại là một biểu thức số (gồm hai hoặc hơn hai phép tính gộp lại).
Chẳng hạn, "phép tính giải" bài toán: "Tính chu vi hình chữ nhật biết
chiều dài 8 cm, chiều rộng 5 cm" là:
(8 + 5) x 2 = 26 (cm)
Đây được coi là một bước tính và bài toán này là bài toán đơn.
3. 3. Bài toán điển hình và bài toán không điển hình.
+ Bài toán điển hình là bài toán mà lời giải đã có mẫu cho trước, cứ áp dụng
mẫu là có lời giải.
Ví dụ: (Bài toán về tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó)
+ Bài toán không điển hình là bài toán mà lời giải chưa có mẫu, để giải
được học sinh phải tư duy một cách tích cực, linh hoạt, sáng tạo mới tìm ra
lời giải.
Ví dụ: Tuổi cháu hiện nay gấp 3 lần tuổi cháu khi cô bằng tuổi cháu
hiện nay. Khi tuổi cháu bằng tuổi cô hiện nay thì tổng số tuổi của hai cô
cháu là 96. Tìm tuổi hiện nay của mỗi người?

9
Đây là một bài toán tương đối khó. Ta tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng
biểu thị số tuổi của hai cô cháu ở các thời điểm như sau:
Trước đây:
Tuổi cháu:
Tuổi cô:
Hiện nay:
Tuổi cháu:
Tuổi cô:
Sau này:
Tuổi cháu:
96
Tuổi cô:

Để giải được bài toán học sinh cần thấy được những mối quan hệ giữa
các thời điểm được thể hiện trên sơ đồ.
Vì : "Tuổi cháu hiện nay gấp 3 lần tuổi cháu khi cô bằng tuổi cháu
hiện nay" tức là nếu tuổi cháu trước đây là một phần thì tuổi cháu hiện nay
là ba phần và tuổi cô trước đây cũng là ba phần bởi: "Tuổi cô trước đây bằng
tuổi cháu hiện nay".
Như thế tuổi cô trước đây sẽ hơn tuổi cháu trước đây là:
3 - 1 = 2 (phần)
Tuổi cháu hiện nay là ba phần nên tuổi cô hiện nay là:
3 + 2 = 5 (phần)
Theo đề bài: "Khi tuổi cháu bằng tuổi cô hiện nay thì tổng số tuổi của
hai cô cháu là 96" . Mà như trên tuổi cô hiện nay là 5 phần nên tuổi cháu sau
này cũng là 5 phần. Tuổi cô sau này là.
5 + 2 = 7 (phần)
Như vậy: Tuổi cháu sau này (5 phần) cộng tuổi cô sau này (7 phần) sẽ
bằng 96.
5 + 7 = 12 (phần)
Mỗi phần sẽ biểu thị số tuổi là:
96 : 12 = 8 (tuổi)
Nhìn vào sơ đồ ta có:
Tuổi cháu hiện nay là (3 phần).
8 x 3 = 24 (tuổi)
Tuổi cô hiện nay là (5 phần)
8 x 5 = 40 (tuổi)
Đáp số: Cô: 40 tuổi, Cháu: 24 tuổi.

Sự phân định giữa bài toán điển hình và không điển hình chỉ là tương
đối.

10
Ví dụ: Bài toán "Tìm hai số tự nhiên liên tiếp biết tổng của hai số đó là 99".
Để giải baì toán này HS cần sử dụng điều kiện hai số tự nhiên liên tiếp
hơn kém nhau 1 đơn vị. Như thế bài toán này có thể giải ngay như mẫu giải
bài toán về tìm hai số khi biết tổng và hiệu. Tuy nhiên HS sinh cũng có một
bước suy luận để có được điều kiện ẩn trong bài là hiệu hai số tự nhiên liên
tiếp bằng 1.
3. 4. Bài toán ngược của bài toán đã cho
Trong một bài toán nếu ta thay một trong những dữ kiện bằng đáp số
của bài toán và đặt câu hỏi vào dữ kiện ấy thì ta được một bài toán ngược.
Ví dụ 1: Bài toán "Lan có 5 cái kẹo. Minh có nhiều hơn Lan 3 cái kẹo. Hỏi
cả hai bạn có bao nhiêu cái kẹo?"
Ta dễ dàng tìm thấy đáp số là 13 cái kẹo.
Như vậy những dữ kiện là:
(a) Lan có 5 cái kẹo
(b) Minh có nhiều hơn Lan 3 cái kẹo
Ẩn số của bài toán là:
(c) Số kẹo của hai bạn? (13 cái kẹo)
Từ đây nếu thay (a) bằng (c) ta có:
Bài toán ngược 1: " Cả hai bạn Lan và Minh có 13 cái kẹo. Minh có nhiều
hơn Lan 3 cái. Hãy tính số kẹo của Lan".
Tuy nhiên nếu thay (a) bằng (b) ta có:
Bài toán ngược 2: " Lan có 5 cái kẹo, cả Lan và Minh có 13 cái kẹo. Hỏi
Minh có nhiều hơn Lan mấy cái kẹo?"
Trong bài toán ngược 1, nếu ta thêm vào câu hỏi ý: "Tính số kẹo của Minh";
thì được bài toán: "Cả hai bạn Lan và Minh có 13 cái kẹo. Minh có nhiều
hơn Lan 3 cái. Tính số kẹo của mỗi bạn".
Ví dụ 2: Xét bài toán dân gian nổi tiếng Gà và Chó:
"Vừa gà vừa chó
Bó lại cho tròn
Ba mươi sáu con
Một trăm chân chẵn
Hỏi có bao nhiêu gà, bao nhiêu chó?"
Ở đây các dữ kiện là:
(a) Tổng số gà và chó là 36.
(b) Tổng số chân gà và chân chó là 100.
Các ẩn số là:
(c) số gà? (22 con)
(d) số chó ? (14 con)
Nếu đổi chỗ (a) cho (c) ta có:

11
Bài toán ngược 1: "Có 22 con gà và một số chó. Biết rằng tất cả gà và chó có
100 chân. Hỏi có bao nhiêu con chó và tổng số gà và chó là bao nhiêu?"
Nếu đổi chỗ (a) cho (d) ta có:
Bài toán ngược 2: "Có 14 con chó và một số gà. Biết rằng tất cả gà và chó có
100 chân. Hỏi có bao nhiêu con gà và tỏng số gà và chó?" ( Bài toán ngược
này hoàn toàn tương tự bài toán ngược 1)
Nếu đổi chỗ (b) và (c) ta có:
Bài toán ngược 3: "Tổng số gà và chó là 36, trong đó có 22 con gà. Tính số
chó và tổng số chân gà và chó".
Nếu đổi chỗ (b) và (d) ta có:
Bài toán ngược 4:
"Tổng số gà và chó là 36, trong đó có 14 con chó. Tính số gà và tổng số
chân gà và chó" (Bài toán ngược này hoàn toàn tương tự bài toán ngược 3).
Bây giờ nếu đổi chỗ cả (a) lẫn (b) cho (c) và (d) ta có:
Bài toán ngược 5: " có 22 con gà và 14 con chó. Hãy tính tổng số gà và chó;
tính tổng số chân gà và chân chó"
Nếu ta để ý nhận xét thì sẽ thấy rất nhiều ví dụ về bài toán ngược trong SGK
Tiểu học chẳng hạn:
- Bài toán điển hình "Tìm hai số biết tổng và hiệu" ở lớp 4 là toán ngược của
bài toán hợp giải bằng hai phép tính cộng ở lớp 3 .
- Ba bài toán đơn về chuyển động đều tìm vận tốc, tìm quãng đường, tìm
thời gian là đôi một ngược nhau.
- Ba bài toán đơn về tỷ số phần trăm: tìm tỷ số phần trăm của hai số, tìm
một số phần trăm của một số, tìm một số biết giá trị của một số phần trăm
của
nó; cũng đôi một ngược nhau. v.v...
Những hiểu biết về bài toán ngược sẽ giúp chúng ta nhiều trong việc:
- So sánh và tìm mối liên quan giữa các bài toán,
- Sáng tác đề toán,
- Suy nghĩ tìm cách giải một bài toán
- Rèn luyện tư duy thuận - nghịch
4. Qui trình giải một bài toán
Khi giải một bài toán hợp cụ thể, nhất là các bài toán bồi dưỡng học
sinh giỏi, thường là phải phối hợp nhiều phương pháp. Như vậy để giải toán
tốt, ngoài việc nắm chắc từng phương pháp giải toán đơn lẻ còn phải rèn
luyện năng lực phối hợp các phương pháp. Nghiên cưú qui trình giải toán ở
bài này, chúng ta sẽ nhận rõ hơn bản chất của sự phối hợp nói trên. chắc
chắn sự hiểu biết đó sẽ giúp ích nhiều cho nhiều người dạy toán ở tiểu học.
Trong lí luận về giải toán, tuỳ theo mục đích nghiên cứu, người ta đã
đề ra những qui trình giải toán khác nhau. Một trong những qui trình đó

12
được giới thiệu dưới đây. Qui trình này gắn với qui trình mà Pôlya, một nhà
lí luận dạy học toán nổi tiếng đã đề xuất. Cần nói ngay rằng qui trình chung
giải toán có ích trước hết cho lí luận về phương pháp dạy học toán. Trong
thực tế, nhiều học sinh cũng tự tìm cho mình qui trình thích hợp.
Bốn bước (Đường lối chung) trong qui trình giải toán nói trên là:
- Tìm hiểu bài toán
- Lập kế hoạch giải
- Thực hiện kế hoạch giải
- Nhìn lại bài toán
Nội dung cụ thể của bốn bước đó là:
4.1. Tìm hiểu bài toán
Tìm hiểu bài toán là làm rõ phần đã cho và phần cần tìm của đề bài.
Nếu trong các phần đó có những cái khó hiểu thì có thể làm rõ chúng nhờ
diễn đạt lại bằng cách khác. Để làm rõ mối liên hệ giữa phần đã cho và phần
cần tìm có thể tóm tắt bằng ký hiệu, bằng công thức và đặc biệt ở tiểu học,
bằng sơ đồ đoạn thẳng. (Xem chuyên đề Các cách tóm tắt bài toán)
Ví dụ 1. Tuổi chị và tuổi em cộng lại được 32 tuổi. Em kém chị 8 tuổi. Hỏi
chị bao nhiêu tuổi, em bao nhiêu tuổi?
Phần đã cho: Tổng và hiệu của tuổi chị và tuổi em.
Phần cần tìm: Tuổi chị, tuổi em.
Để nhận ra mối liên hệ giữa hai phần ta tóm tắt đề bài bằng sơ đồ đoạn
thẳng:
Tuổi em:
32
8
Tuổi chi:

Ví dụ 2. Một chiếc cầu dài 400 m có biển cấm ôtô chạy qúa 10km một giờ.
Một người lái xe đã cho ôtô chạy qua cầu đó hết 4 phút. Hỏi người đó có tôn
trọng luật giao thông hay không?
Phần đã cho gồm có:
(1) Chiếc cầu dài 400m.
(2) Có biển cấm ôtô chạy quá 10km một giờ.
(3) Thời gian ôtô chạy qua cầu là 4 phút.
Phần cần tìm là câu trả lời (có, không) cho câu hỏi:
(4) Người lái xe có tôn trọng luật hay không?
Hai ý(1), (3) đã rõ ràng. Ta diễn đạt lại hai ý(2), (4) bằng cách khác để hiểu
hơn về chúng:
ý (2): Nếu ôtô chạy qua cầu với vận tốc lớn hơn 10km /giờ thì người lái xe
không tôn trọng luật giao thông.

13
ý (4): Ô tô chạy qua cầu với vận tốc lớn hơn 10km /giờ hay với vận tốc
không lớn hơn 10km/giờ?
4. 2. Lập kế hoạch giải
Nói dễ hiểu, lập kế hoạch giải là đi tìm hướng giải cho bài toán. Ở tiểu học
con đường đi tìm hướng giải thường như sau:
- Đầu tiên xét xem bài toán cần giải có thuộc loại điển hình hay không?
- Nếu không thì xét xem bài toán cần giải có tương tự với bài toán nào mà
người giải toán đã biết cách giải hay không?
- Nếu không, thì tìm cách phân tích bài toán cần giải thành các bài toán
thành phần mà người giải đã biết cách giải (sự phân tích tận cùng của mọi
bài toán hợp đều dẫn đến các bài toán đơn. Tuy nhiên không cần đi đến sự
phân tích tận cùng này mà chỉ cần phân tích bài toán cần giải thành những
bài toán đơn giản hơn mà ta đã biết cách giải). Sự phân tích có thể tiến hành
theo nhiều cấp: phân tích bài toán ban đầu thành một số bài toán đơn giản
hơn, sau đó lại phân tích mỗi bài này thành các bài toán đơn giản hơn nữa....
Để giải mỗi bài toán thành phần chúng ta áp dụng một phương pháp giải, các
bài toán thành phần khác nhau có thể giải bằng các phương pháp khác nhau.
Như vậy để giải một bài toán chúng ta phải phối hợp nhiều phương pháp
giải. Điều đó có nghĩa là năng lực lập kế hoạch giải các bài toán cũng chính
là năng lực phối hợp các phương pháp giải trong giải toán.
Ví dụ 3. Trong SGK Toán3 đã giải bài toán điển hình sau làm mẫu: "Bể thứ
nhất có 4 con cá, bể thứ hai có nhiều hơn bể thứ nhất 3 con cá. Hỏi cả hai bể
có bao nhiêu con cá?"
Trong phần luyện tập phải giải toán: "Thùng thứ nhất đựng 18l dầu,
thùng thứ hai đựng nhiều hơn thùng thứ nhất 6l dầu. Hỏi cả hai thùng đựng
bao nhiêu lít dầu?"
Rõ ràng cách giải bài toán này hoàn toàn tương tự cách giải bài toán
mẫu nêu trên. Vì vậy bước lập kế hoạch giải cho nó coi như đã biết.
Ví dụ 4. Trong phần tìm số trung bình cộng, SGK Toán 4 đã giải mẫu bài
toán: Một đội công nhân đặt ống dẫn nước.Ngày thứ nhất đặt được 18m ống.
Ngày thứ hai đặt được 26m ống. Ngày thứ ba đặt được 28m ống. Hỏi trung
bình mỗi ngày đặt được bao nhiêu mét ống nước?
Rõ ràng khi gặp bài toán sau đây, nếu nhớ lại cách giải bài toán mẫu trên thì
coi như ta đã biết hướng giải.
Bài toán. Một tổ sản xuất muối thu hoạch trong 5 đợt như sau: 45 tạ, 60 tạ,
75 tạ, 72 tạ, 98 tạ. Hỏi trung bình mỗi đợt thu hoạch bao nhiêu tạ muối?
Ví dụ 5. Một cửa hàng chuyển máy bằng ôtô. Lần đầu có 36 ôtô, mỗi ôtô
chuyển được 16 máy. Lần sau có 5 ôtô, mỗi ôtô chuyển được 24 máy. Hỏi
trung bình mỗi ôtô chuyển được bao nhiêu máy?

14
Phân tích bài toán thành 3 bài toán đơn giản hơn (nói cách khác là chia quá
trình giải thành 3 bước).
- Tìm số máy mà hai lần đã chuyển được;
- Tìm tổng số ôtô;
- Tìm số trung bình cộng.
Ta đã biết cách giải mỗi bài toán này. Điều đó có nghĩa là ta đã lập xong kế
hoạch giải cho bài toán ban đầu.
Ví dụ 6. Cỏ tươi chứa 55% nước, cỏ khô chứa 10% nước. Hỏi phơi 20 kg cỏ
tươi ta được bao nhiêu kilôgam cỏ khô?
Đầu tiên phân tích bài toấn thành hai bài toán đơn giản hơn:
(1) Tìm lượng cỏ trong 20 kg cỏ tươi.
(2) Tìm số kilôgam cỏ khô chứa lượng cỏ tính được ở bài toán (1). Đây là
bài toán tìm số thứ hai khi biết tỷ số phần trăm và số thứ nhất).
Bài toán (1) lại được phân tích thành hai bài toán đơn giản hơn nữa:
- Tìm tỷ số phần trăm của lượng cỏ trong cỏ tươi. ( đây là bài toán đơn giản
giải bằng một phép tính trừ)
- Tìm lượng cỏ trong 20 kg cỏ tươi. ( đây là bài toán cơ bản về tỷ số phần
trăm: biết tỷ số phần trăm và số thứ hai, tìm số thứ nhất).
Bài toán (2) cũng được phân tích thành hai bài toán:
- Tìm tỷ số phần trăm của lượng cỏ trong cỏ tươi. ( đây là bài toán đơn giản
giải bằng một phép tính trừ)
- Tìm lượng cỏ trong 20 kg cỏ tươi. (đây là bài toán tìm số thứ nhất, khi biết
tỷ số phần trăm và số thứ hai).
4. 3. Thực hiện kế hoạch giải
Đối với bậc tiểu học thì thực hiện kế hoạch giải có nghĩa là thực hiện
các phép tính theo trình tự mà bước lập kế hoạch giải đã xác định, sau đó
viết lời giải.
Ví dụ 7. (Toán 3) Bể thứ nhất có 4 con cá, bể thứ hai có nhiều hơn bể thứ
nhất 3 con cá. Hỏi cả hai bể có bao nhiêu con cá?
Bước lập kế hoạch giải phác thảo ra hướng giải:
- Tìm số cá ở bể thứ hai.
- Tìm số cá ở cả hai bể.
Ở bước thực hiện giải cần thực hai phép tính tương ứng:
4 + 3 = 7 (Con)
4 + 7 = 11 (Con)
Sau đó viết lời giải:
Số số cá bể thứ hai là:
3 + 2 = 5 (Con)
Số số cá ở cả hai bể là:
3 + 5 = 8 (Con)

15
Đáp số : 8 con cá.
(Học sinh thường làm xen kẽ công việc viết lời giải và thực hiện phép tính).
4. 4. Nhìn lại bài toán
Bước nhìn lại bài toán về nguyên tắc không phải là bước bắt buộc đối với
quá trình giải toán, nhưng lại là bước không thể thiếu trong dạy học toán.
Bước nhìn lại bài toán có các mục đích:
- Kiểm tra, rà soát lại công việc giải.
- Tìm cách giải khác và so sánh các cách giải.
- Suy nghĩ khai thác thêm đề bài.
Trong các mục đích trên, ở tiểu học mục đích cơ bản của bước nhìn
lại bài toán là kiểm tra, rà soát lại công việc giải. Cần rèn luyện cho tất cả
học sinh tiểu học thói quen kiểm lại cả ba bước: tìm hiểu bài toán, lập kế
hoạch giải và thực hiện kế hoạch giải.
Đối với học sinh giỏi cần rèn luyện thêm thói quen tìm hiểu cách giải
khác, so sánh các cách giải và suy nghĩ khai thác thêm về bài toán.
Ví dụ 8. Tính trung bình cộng của 3 số: 56, 60, 64.
Giáo viên cho tất cả học sinh tính trung bình cộng bằng phương pháp cơ
bản:
TBC = (56 + 60 + 64) : 3 = 60.
Sau đó luôn khuyến khích học sinh giỏi suy nghĩ tìm cách giải khác.
Chẳng hạn: Chuyển 4 đơn vị từ số 64 sang số 56. Sau khi chuyển, cả ba số
đều bằng 60. Vậy trung bình cộng của 3 số là 60.
- Trung bình cộng của hai số 56 và 64 là (56 + 64) : 2 = 60. Trung bình cộng
của số trung bình cộng này với 60 là ( 60 + 60 ) : 2 = 60. Vậy trung bình
cộng của ba số là 60.
So sánh 3 cách giải, ta thấy cách thứ nhất là cách áp dụng trực tiếp qui tắc,
hai cách sau giúp ta tính toán nhanh.
Ví dụ 9. Dùng chữ số 4 và chữ số 7 để viết 4 số khác nhau có hai chữ số.
Yêu cầu đối với tất cả học sinh là viết được 4 số: 44, 47, 74, 77.
Giáo viên có thể đặt ra cho học sinh giỏi những câu hỏi khai thác thêm về đề
bài như:
- Ngoài 4 số trên, có thể viết thêm số nào nữa không?
- Nếu thay 2 chữ số 4 và 7 bằng 2 chữ số 4 và 0 thì kết quả thế nào?
- Nếu cần viết tất cả các số có 3 chữ số bằng chữ số 4 và 7 thì kết quả thế
nào?
Cũng cần lưu ý rằng có thể khai thác rất nhiều từ một bài toán, do đó gióa
viên cần chủ động giới hạn mức độ khai thác bài toán, tránh sự sa đà không
cần thiết.
Ví dụ 10. Tuổi mẹ gấp hai lần tuổi con và tổng số tuổi của hai mẹ con bằng
27. Tìm tuổi mẹ và tuổi con.

16
Đây là bài toán dạng điển hình: Tìm hai số biết tổng của chúng bằng
27 và tỷ số của chúng bằng 2:1. Vì vậy dễ dàng tìm được tuổi mẹ là 18 và
tuổi con là 9. Nhưng khi nhận xét đáp số tìm được ta thấy ngay một điều mà
thông thường coi là phi lí: Mẹ hơn con có 9 tuổi. Kiểm tra lại việc giải, ta
thấy là đã giải đúng. Điều đó khiến ta phải suy nghĩ thêm về đề bài: phải
chữa lại các con số để đáp số phù hợp với thực tế.
BÀI TÂP CHƯƠNG 1
1. Đường lối chung để giải một bài toán gồm mấy bước? là những bước
nào? Phân tích từng bước trong quá trình vận dụng dạy học giải toán ở Tiểu
học.
2. Hướng dẫn HS thực hiện bước tìm hiểu đề khi giải các bài toán:
Bài toán 1: Lan và chú Cún con đứng ở cửa nhà. Thấy bà đi chợ về đến ngõ,
Lan chạy ra đón bà. Chú Cún con cũng mừng rỡ chạy ra đón bà. Chú Cún
con chạy đến chỗ bà, chạy lại gặp Lan, rồi lại chạy đến chỗ bà ... và cứ chạy
đi chạy lại như thế đến khi Lan và bà gặp nhau. Hỏi chú Cún con đã chạy
bao nhiêu mét? Cho biết: mỗi giây Lan chạy được 2 m, bà đi được 1,5 m và
chú Cún chạy được 4,5 m, quãng đường từ nhà ra ngõ dài 140 m.
Bài toán 2: Một con cò đang bay trên trời gặp một đàn vịt bay ngược chiều
liền cất tiếng chào: "Chào 100 bạn". Con vịt đầu đàn đáp: "Chào bạn! Nhưng
chúng tôi không phải là 100 bạn đâu. Mà cả chúng tôi, thêm chúng tôi, thêm
nửa chúng tôi, thêm một phần tư chúng tôi và cả bạn nữa mới đủ 100". Hỏi
đàn vịt có bao nhiêu con.
3. Hãy phân tích các bài toán sau thành các bài toán đơn giản hơn khi thực
hiện bước lập kế hoạch để giải các bài toán:
Bài toán 1: Thái và Nguyên có tất cả 50 viên bi. Hai bạn chơi bi với nhau:
lần thứ nhất Thái thắng được của Nguyên 7 viên bi, lần thứ hai Nguyên
thắng lại được của Thái 5 viên bi. Khi đó hai bạn có số bi như nhau. Hỏi lúc
đầu mỗi bạn có bao nhiêu viên bi?
Bài Toán 2: Thái và Nguyên có tất cả 50 viên bi. Hai bạn chơi bi với nhau:
lần thứ nhất Thái thắng được của Nguyên 7 viên bi, lần thứ hai Nguyên
thắng lại được của Thái 5 viên bi. Khi đó Thái có số bi bằng 2/3 số bi của
Nguyên. Hỏi lúc đầu mỗi bạn có bao nhiêu viên bi?
Bài toán 3: Có 6 hình vuông bằng nhau xếp ghép thành một hình chữ nhật,
sao cho hình chữ nhật có chu vi nhỏ nhất. Biết chu vi hình chữ nhật xếp
được là 30 cm. Hãy tính diện tích hình chữ nhật đó.
CHƯƠNG 2. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIẢI CÁC BÀI TOÁN ĐIỂN
HÌNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH TOÁN Ở TIỂU HỌC
2.1. Các bài toán áp dụng quy tắc

17
Các bài toán áp dụng quy tắc gắn bó với việc hình thành kiến thức
mới và thường không gây khó khăn gì trong dạy và học. Có thể liệt kê thành
một số dạng như sau:
2.1.1. Thực hiên phép tính công, trừ, nhân, chia.
Thực hiện thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trên các tập
số đã học là yêu cầu cơ bản nhất của chương trình toán tiểu học. Để học sinh
thực hiện tốt các phép tính cần rèn các kỹ năng:
+ Thuộc các bảng tính cộng, trừ, nhân, chia.
+ Đặt tính đúng.
+ Thuộc các quy tắc khi thực hiện tính.
2.12.. So sánh hai số.
Đối với trường hợp số thập phân và số tự nhiên học sinh nắm quy tắc
không khó khăn. Đối với việc so sánh hai phân số cần chú ý rèn kỹ năng quy
đồng mẫu số.
2.1.3. Tính giá trị biểu thức.
Tính giá trị của một biểu thức số cũng có nghĩa là thực hiện một dãy
phép tính. Ngoài việc thực hiện thành thạo các phép tính cần nắm chắc thứ
tự thực hiện các phép tính trong một biểu thức.
2.1.4. Tính giá trị thường dùng trong thống kê.
2.1.5. Tính chu vi, diện tích, diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể
tích của các hình.
2.1.6. Tính vận tốc, quãng đường, thời gian trong chuyển động đều.
2.2. Các bài toán về ý nghĩa phép tính.
Muốn lý giải vì sao ta lại giải một bài toán bằng một phép tính nào đó
thì đương nhiên phải nắm được định nghĩa của phép tính đó. Song ở tiểu học
các phép tính lại chưa được định nghĩa, hơn nữa lại đang cần được hình
thành thông qua giải toán. Để khắc phục điều nan giải này, giải pháp sư
phạm được áp dụng là dạy giải các bài toán đơn dựa trên phép tương tự: đầu
tiên cung cấp cho học sinhcách giải một vài bài toán mẫu, sau đó để các em
giải các bài toán cùng loại một cách tương tự Sau khi giải một loạt các bài
toán như thế, học sinh sẽ hiểu dần về ý nghĩa của các phép tính, sau này dễ
dàng tiếp thu định nghĩa chặt chẽ ở bậc học trên.
Đối với giáo viên thì không thể dừng lại ở chỗ biết giải thành thạo các
bài toán đó mà còn phải biết rõ định nghĩa các phép tính để nhìn nhận các
bài toán đơn đúng với bản chất toán học của chúng.
2.2.1. Các bài toán về ý nghĩa của phép cộng
1) Các bài toán về ý nghĩa của phép cộng số tự nhiên.
+ Bài toán về "gộp"
+ Bài toán về "thêm"
+ Bài toán về "nhiều hơn"

18
2) Các bài toán về ý nghĩa của phép cộng phân số và số thập phân.
Phân số và số thập phân chỉ là hai cách khác nhau của cùng một loại
số: số hữu tỷ. Mỗi số hữu tỷ là một lớp tương đương các cặp số nguyên.
Khái niệm số hữu tỷ như thế là quá trừu tượng so với sự phát triển trí tuệ của
học sinh tiểu học, nhưng số hữu tỷ rất cần thiết cho hoạt động trong cuộc
sống hàng ngày nên chương trình toán tiểu học bắt buộc phải đưa vào dạy
cho học sinh.
Chương trình toán tiểu học chỉ giới hạn đến phân số không âm và số
thập phân hữu hạn. Phép cộng hai phân số gắn với thao tác gộp các phần lấy
ra được chia thành các phần bằng nhau từ cái “toàn thể”. Vì số phần lấy ra là
số tự nhiên nên phép cộng hai phân số vẫn có ý nghĩa giống như phép cộng
hai số tự nhiên. Nghĩa là đối với phân số cũng có các bài toán về: “gộp”,
“thêm”, “nhiều hơn”.
2.2.2. Các bài toán về ý nghĩa của phép trừ
Trong toán học, hiệu m – n của hai số tự nhiên m và n có thể định
nghĩa nhiều cách. Cách định nghĩa gắn với thao tác “bớt” như sau:
Giả sử tập hợp A có m phần tử, B là tập con của A có n phần tử (n
nhỏ hơn hoặc bằng m). Khi đó m – n là số phần tử của phần bù của B trong
A.
Trong ngôn ngữ thông thường, hiệu m – n có thể hiểu như sau: Nếu
một nhón có m phần tử (người, vật, đồ vật ) và ta lấy bớt đi n phần tử thì còn
lại m – n phần tử.
Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép trừ số tự nhiên có một số dạng
như sau:
+ Bài toán về "bớt"
+ Bài toán về "tách"
+ Bài toán về "ít hơn"
+ Bài toán về "so sánh nhiều hơn, ít hơn"
Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép trừ phân số và số thập phân
cũng có các dạng tương tự như các bài toán giải bằng một phép trừ số tự
nhiện.
2.2.3. Các bài toán về ý nghĩa của phép nhân
* Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép nhân số tự nhiên
+ Bài toán về "gộp các nhóm bằng nhau"
+ Bài toán về "tăng một số lần"
+ Bài toán về "gấp một số lần".
+ Bài toán về "ghép cặp".
* Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép nhân phân số và số thập phân.
2.2.4. Các bài toán về ý nghĩa của phép chia
* Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép chia số tự nhiên

19
+ Bài toán về "chia đều thành các phần bằng nhau"
+ Bài toán về "chia theo nhóm".
+ Bài toán về "giảm một số lần".
+ Bài toán về "kém một số lần"
+ Bài toán về "so sánh số lớn gấp mấy lần số bé và số bé bằng một phần mấy
số lớn"
* Các bài toán đơn về ý nghĩa của phép chia phân số và số thập phân.
2.3. Các bài toán về quan hệ giữa thành phần và kết quả trong phép
tính
2.3.1. Tìm thành phần chưa biết trong phép cộng
Số hạng = Tổng - Số hạng kia
2.3.2. Tìm thành phần chưa biết trong phép trừ
Số bị trừ = Hiệu + Số trừ
Số trừ = Số bị trừ - Hiệu
2.3.3. Tìm thành phần chưa biết trong phép nhân
Thừa số = Tích : Thừa số kia
2.3.4. Tìm thành phần chưa biết trong phép chia
Số bị chia = Thương Số chia
Số chia = Số bị chia : Thương
2.4. Các bài toán hợp giải bằng hai phép tính
Bằng việc “ghép” các bài toán đơn (giải bằng 1 phép tính) đã biết,
trong Toán 3 đã xây dựng nhiều bài toán hợp (giải bằng 2 phép tính) bởi vậy
các bài toán hợp rất phong phú, đa dạng, nhưng cách giải rõ ràng, đơn giản
thường quy về các bài toán đơn để giải. Có một số dạng:
2.4.1. Bài toán về nhiều hơn, ít hơn liên quan đến phép cộng, phép trừ.
2.4.2. Bài toán liên quan đến các phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
4. 3. Bài toán liên quan đến rút về đơn vị
2.5. Các bài toán về tỷ số và tỷ số phần trăm
2.5.1. Các bài toán về tỷ số
2.5.2. Các bài toán về tỷ số phần trăm.
Các bài toán về tỷ số phần trăm được đưa vào lớp 5 có ba bài toán đơn
điển hình:
1) Bài toán 1: Cho biết số thứ nhất a, số thứ hai b. Tìm số phần trăm x%
Cách tính: x = a : b 100 (Tìm tỷ số phần trăm của hai số).
2) Bài toán 2: Cho biết số thứ hai b, tỷ số phần trăm x%. Tìm số nhất a.
Cách tính: a = x b : 100 (Tìm giá trị tỷ số phần trăm của một số cho trước)
3) Bài toán 3: Cho biết số thứ nhất a, tỷ số phần trăm x%. Tìm số thứ hai b.
Cách tính: b = a : x 100. (Tìm một số biết giá trị tỷ số phần trăm của số đó).
2.6. Các bài toán về tìm hai số khi biết kết quả hai phép tính
2.6.1. Bài toán về tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó.

20
2.6.2. Bài toán về tìm hai số khi biết tổng và tỷ số của hai số đó.
2.6.3. Bài toán về tìm hai số khi biết hiệu và tỷ số của hai số đó.
2.7. Các bài toán liên quan đến tỷ lệ
Trong môn toán CTTH hiện hành các khái niệm về đại lượng tỷ lệ
thuận, tỷ lệ nghịch không được dạy mà chỉ đưa ra hai bài toán liên quan đến
tỷ lệ (tỷ lệ thuận, tỷ lệ nghịch) trong Toán 5. Khi giải các bài toán dạng này
không dùng đến các thuật ngữ "tỷ lệ thuận", "tỷ lệ nghịch" nhưng biết cách
tóm tắt bài toán, giải bài toán bằng cách "rút về đơn vị" hoặc bằng cách "tìm
tỷ số" (Tùy theo các số nêu trong đề toán).
2.7.1. Bài toán về đại lượng tỷ lệ thuận
HS được làm quen với khái niệm đại lượng tỷ lệ thuận qua quan sát
bảng chỉ sự tương ứng giữa quãng đường và thời gian của một người đi bộ
trung bình mỗi giờ đi được 4 km:
Thời gian đi được: 1 giờ 2 giờ 3 giờ 4 giờ
Quãng đường đi được: 4 km 8 km 12 km 16 km
Từ đó có nhận xét: Thời gian tăng lên bao nhiêu lần thì quãng đường tăng
lên bấy nhiêu lần. Nhưng không nói thời gian và quãng đường là hai đại
lượng tỷ lệ thuận.
Sau đó SGK đưa ra hai bài toán về đại lượng tỷ lệ thuận và giải bằng
cách "rút về đơn vị" hoặc bằng cách "tìm tỷ số".
Ví dụ (SGK - trang 19, 20- Toán 5)
BT: Một ô tô 2 giờ đi được 90 km. Hỏi trong 4 giờ ô tô đó đi được bao nhiêu
ki lô mét? (hai cách: Rút về đơn vị và Tìm tỉ số)
2.7.2. Bài toán về đại lượng tỷ lệ nghịch
HS được làm quen với khái niệm đại lượng tỷ lệ nghịch qua quan sát
bảng chỉ sự tương ứng giữa số kg gạo và bao gạo để đựng hết 100 kg gạo:
Số kilôgam gạo ở mỗi bao gạo: 5kg 10kg 20 kg
Số bao gạo: 20 bao 10 bao 5 bao
Từ đó có nhận xét: Số kg gạo ở mỗi bao gạo tăng lên bao nhiêu lần
thì số bao gạo có được lại giảm đi bấy nhiêu lần. Nhưng không nói số kg gạo
và bao gạo là hai đại lượng tỷ lệ nghịch.
Sau đó SGK đưa ra hai bài toán về đại lượng tỷ lệ nghịch và giải bằng
cách "rút về đơn vị" hoặc bằng cách "tìm tỷ số".
Ví dụ (SGK - trang 21, 22 - Toán 5)
BT: Muốn đắp xong nền nhà trong 2 ngày cần 12 người. Hỏi muốn
đắp xong nền nhà trong 4 ngày cần bảo nhiêu người? (Mức làm mỗi người
như nhau).
2.8. Các bài toán về chuyển động ngược chiều và chuyển động cùng chiều,
chuyển động trên dòng nước chảy.
8.1. Bài toán chuyển động ngược chiều.

21
Ví dụ 1. (Toán 5 – trang 144) Quãng đườnng AB dài 180 km. Một ô tô đi A
đến B với vận tốc 54 km/giờ, cùng lúc đó một xe máy đi B đến A với vận
tốc 36km/giờ. Hỏi sau mấy giờ ô tô gặp xe máy?
Bài giải.
Sau mỗi giờ cả ô tô và xe máy đi được quãng đường là:
54 + 36 = 90 (km)
Thời gian để ô tô gặp xe máy là:
180 : 90 = 2 (giờ)
8.2. Bài toán chuyển động cùng chiều.
Ví dụ 2. (Toán 5 – trang 145) Một người đi xe đạp từ B đến C với vận tốc 12
km/giờ, cùng lúc một người đi xe máy từ A cách B là 48 km với vận tốc 36
km/giờ và đuổi theo người đi xe đạp. Hỏi kể từ lúc bắt đầu đi, sau mấy giờ
xe máy đuổi kịp xe đạp?
Bài giải
Sau mỗi giờ xe máy gần xe đạp là:
36 – 12 = 24 (km)
Thời gianđi để xe máy đuổi kịp xe đạp là:
48 : 24 = 2 (giờ)
8.3. Bài toán chuyển động trên dòng nước chảy
Ví dụ 3 (Toán 5 – trang 162) Một thuyền máy đi xuôi dòng từ bến A đến bến
B. Vận tốc của thuyền máy khi nước lặng là 22,6 km/giờ và vận tốc dòng
nước là 2,2 km/giờ. Sau 1 giờ 15 phút thì thuyền máy đến B. Tính độ dài
quãng sông AB.
Hướng dẫn:
Vận tốc xuôi dòng = Vận tốc thuyền khi nước lặng + Vận tốc dòng nước.
Bài tập (Toán 5 – trang 177) Một con thuyền đi với vận tốc 7,2 km/giờ khi
nước lặng, vận tốc dòng nước 1,6 km/giờ.
a) Nếu thuyền đi xuôi dòng thì sau 3,5 giờ sẽ đi được bao nhiêu ki lô mét?
b) Nếu thuyền đi ngược dòng thì cần bao nhiêu thời gian để đi được quãng
đường như khi xuôi dòng trong 3,5 giờ?
2.9. Toán trồng cây
Trên một quãng đường có độ dài s, người ta trồng cây cách đều nhau.
Biết khoảng cách hai cây liền nhau là a. Hỏi phải trồng bao nhiêu cây?
Có ba trường hợp:
+ Nếu trồng cây cả hai đầu thì số cây là: s: a + 1
+ Nếu trồng cây một đầu thì số cây là: s : a
+ Nếu không trồng cây hai đầu thì số cây là: s : a – 1
Vận dụng toán trồng cây có thể giải những bài toán về đếm số các số
tự nhiên cách đều nhau trên một đoạn nào đó.
Ví dụ 1. Có bao nhiêu số chẵn có hai chữ số?

22
Ví dụ 2. Một học sinh đếm: “Năm, mười, mười lăm, hai mươi, ...”. Biết số
cuối cùng là 250. Hỏi học sinh đó đã đếm bao nhiêu số?
Bài tập
1. Có bao nhiêu số có ba chữ số chia hết cho 3? Hãy tính tổng các số đó.
2. Một người thợ phải cắt một cây gỗ dài 9 m thành các khúc gỗ dài 15 dm.
Để cắt được một khúc gỗ hết 10 phút, sau mỗi lần cắt được một khúc người
thợ đó nghỉ 3 phút. Hỏi để hoàn thành công việc người thợ đó cần bao nhiêu
thời gian?
BÀI TÂP CHƯƠNG 2
Lấy ví dụ các bài toán điển hình trong SGK toán tiểu học.
Chú ý: Lấy ở SGK toán tiểu học và ghi rõ Toán lớp mấy? trang bao nhiêu?
thuộc dạng nào? Không cần trình bài bài giải

23

You might also like