You are on page 1of 7

NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI MÔN PLTHMHHVDV.

 Đề thi lớp CLC 40A:


1. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại VN được phép giao kết hợp
đòng thương mại tại VN và tự mình chịu trách nhiệm với khách hàng về việc
thực hiện HĐ đã giao kết.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 7 Điều 3, Khoản 3 Điều 16, Khoản 3 Điều 19
LTM 2005.
Theo quy định “Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị
phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại
tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Do đó căn cứ quy định về
quyền của chi nhánh tại Khoản 3 Điều 19: “Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù
hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và
theo quy định của Luật này.” Tuy nhiên, do chỉ là đơn vị phụ thuộc của thương
nhân nước ngoài, chưa có tư cách pháp nhân độc lập nên theo quy định tại Khoản 3
Điều 16 LTM 2005: “Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài
tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn
bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.” Vì vậy,
chủ thể chịu trách nhiệm với khách hàng trong việc thực hiện HĐ sẽ là thương
nhân nước ngoài chứ không phải là chi nhánh của TN nước ngoài tại VN.
2. Mua bán hàng hóa quốc tế luôn có sự dịch chuyển hàng hóa qua biên giới
lãnh thổ quốc gia hoặc vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ VN được coi là
khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 1 Điều 27; Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 30 LTM
2005.
Giải thích: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 “hoạt động mua bán hàng hóa quốc
tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất,
tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Về nguyên tắc thì hoạt động mua bán hàng
hóa quốc tế đều có sự dịch chuyển hàng hóa qua biên giới lãnh thổ quốc gia hoặc
vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ VN được coi là khu vực hải quan riêng theo
quy định của pháp luật, trừ trường hợp chuyển khẩu hàng hóa. Cụ thể, theo điểm a
Khoản 2 Điều 30 LTM 2005 thì có việc chuyển khẩu dưới hình thức “hàng hóa
được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa
khẩu Việt Nam”
3. Thời hạn khiếu nại quy định tại Điều 318 LTM 2005 chỉ áp dụng đối với các
bên trong HĐ mua bán hàng hóa.
Nhận định sai. CSPL: Điều 318, Khoản 1 Điều 3 LTM 2005
Giải thích: Thời hạn khiếu nại được quy định tại Điều 318 LTM 2005 là thời hạn
dành cho các bên thực hiện quyền khiếu nại đối với bên còn lại khi có căn cứ cho
rằng bên kia thực hiện không đúng như thỏa thuận trong HĐ. Là cơ sở để các bên
tiến hành giải quyết tranh chấp trong thương mại. Mặt khác, Khoản 1 Điều 3 LTM
2005 về phần giải thích từ ngữ quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động
nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc
tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” Như vậy, thời hạn
khiếu nại trên được áp dụng chung cho tất cả các hoạt động thương mại theo quy
định của pháp luật chứ không phải chỉ dành cho hoạt động mua bán hàng hóa.
4. Hình thức khuyến mại quy định tại Khoản 2 Điều 92 LTM 2005 yêu cầu
hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại đồng thời phải là hàng hóa dịch vụ
được khuyến mại.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2 Điều 92; Điều 93; Khoản 1 Điều 94 LTM 2005.
Giải thích: Hình thức khuyến mại được quy định tại Khoản 2 Điều 92 LTM là tặng
hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền. Đối với hình thức
khuyến mại này thì hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ
được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng
chứ không phải là hàng hóa dịch vụ được khuyến mại. Còn hàng hóa, dịch vụ được
khuyến mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 LTM 2005:“Hàng hóa, dịch vụ
được khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức
khuyến mại để xúc tiến việc bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó.”
Ví dụ:Trong một hội chợ về đồ vật gia dụng, khi khách hàng mua một chiếc TV thì
được tặng cho một ấm đun nước siêu tốc. Như vậy, chiếc ấm đun siêu tốc trong
trường hợp này là hàng hóa dùng để khuyến mại, còn chiếc TV trên chính là hàng
hóa được khuyến mại.
5. Trong mọi trường hợp, bên vi phạm nghĩa vụ HĐ phải bồi thường toàn bộ
tổn thất thực tế, trực tiếp và các khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ
được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Nhận định sai. CSPL: Điều 294 và Điều 305 LTM 2005
Giải thích: Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu
chứng minh được hành vi vi phạm của mình được miễn trách nhiệm theo quy định
tại Điều 294 LTM 2005: “Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa
thuận; Xảy ra sự kiện bất khả kháng; Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do
lỗi của bên kia; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm
giao kết hợp đồng.” Ngoài ra trong trường hợp thiệt hại xảy ra do bên bị thiệt hại
không áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất theo quy định tại Điều 305 LTM:
“…nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi
phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức
tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.” Trường hợp này, bên vi phạm sẽ không phải
bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế mà sẽ được miễn phần thiệt hại do bên bị thiệt
hại không áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với
khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
6. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu bên bán giao hàng hóa không
đúng với thời gian đã thỏa thuận trong Hợp đồng.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2 Điều 39 LTM 2005.
Giải thích: Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng đối với các trường hợp hàng
hóa không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 LTM 2005.
Đối với việc giao hàng không đúng với thời hạn hai bên đã thảo thuận việc xử lý
hậu quả sẽ căn cứ vào thỏa thuận nếu có trong HĐ hoặc bên mua có thể áp dụng
các chế tài thương mại để giải quyết.
 Đề thi lớp Quản trị luật K37:
1. Bên đại lý có toàn quyền quyết định giá bán đối với hàng hóa mà mình
làm đại lý.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 1 Điều 171; Khoản 4 Điều 174 LTM 2005.
Giải thích: Về nguyên tắc giá đại lý do bên giao đại lý quyết định căn cứ vào
Khoản 1 Điều 171 LTM, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên,
căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 174 LTM 2005: “Quyết định giá bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu”. Như vậy, đối
với hình thức đại lý bao tiêu thì bên giao đại lý chỉ ấn định giá giao hàng hay
cung ứng dịch vụ cho bên đại lý và bên đại lý có quyền tự quyết định giá bán
hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ cho khác hàng.
2. Bên bị vi phạm trong hợp đồng thương mại chỉ có quyền phạt vi phạm
tối đa 8% giá trị hợp đồng.
Nhận định sai. CSPL: Điều 301 LTM 2005.
Giải thích: theo quy định tại Điều 301 LTM 2005: “Mức phạt đối với vi
phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên
thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp
đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.” Như
vậy, mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
chứ không phải 8% giá trị HĐ. Ngoài ra, trong trường hợp đối với HĐ cung
ứng dịch vụ giám định quy định tại Khoản 1 Điều 266 LTM thì trong “trường
hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết
quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do
các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám
định.” Chứ không phải là 8% giá trị phần nghĩa vụ HĐ bị vi phạm.
3. Trong hợp đồng quyền chọn, bên mua quyền có nghĩa vụ thực hiện hợp
đồng trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng quyền chọn.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 3 Điều 64 LTM.
Giải thích: Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 66 LTM
2005, vì bên mua quyền chọn phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành
bên giữ quyền chọn nên về nguyên tắc thì bên giữ quyền chọn mua hoặc quyền
chọn bán có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện HĐ. Nếu bên giữ
quyền chọn không thực hiện HĐ như đã thỏa thuận thì họ cũng không phải bất
kỳ chịu trách nhiệm nào vì họ đã bỏ tiền để mua quyền chọn đó. Tại Khoản 4
Điều 66 LTM 2005 cũng quy định: “Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc
giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp
đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.”
4. Hợp đồng vay vốn giữa công ty A với ngân hàng B tại VN là HĐ thương
mại chịu sự điều chỉnh của luật thương mại hiện hành.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 1 Điều 3 LTM 2005.
Giải thích: Căn cứ quy định tại Khoanr1 Điều 3 LTM 2005: “Hoạt động
thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích
sinh lợi khác.” Như vậy, hoạt động vay vốn cảu công ty A đối với ngân hàng B
không phải là hoạt động thương mại nên không chịu sự điều chỉnh của LTM mà
chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng.
 Đề thi lớp Hành chính K35:
1. Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được thỏa thuận áp
dụng pháp luật nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài đó không trái với các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2 Điều 5 LTM 2005.
Giải thích: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 LTM 2005: “các bên
trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng
pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài,
tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp
luật Việt Nam.” Như vậy, không phải các bên trong hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế được quyền thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài mà
điều này chỉ được đặt ra cho các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước
ngoài.
Vd: Hơp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty A và B là thương nhân VN,
có sự chuyển dịch hàng hóa từ bên trong khu vực hải quan riêng ra ngoài khu
vực đó (nhưng vẫn trong lãnh thổ VN) thì được xem là một hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế theo quy định tại Điều 29 LTM 2005 chứ không phải là giao
dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, và vì vậy luật điều chỉnh trong trường
hợp này là pháp luật VN (LTM) chứ các bên không thể thỏa thuận áp dụng PL
nước ngoài.
2. Thương nhân cung ứng dịch vụ quá cảnh có quyền cầm giữ và định đoạt
hàng hóa quá cảnh để thanh toán thù lao quá cảnh.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 1 Điều 248 LTM 2005.
Giải thích: Khoản 1 Điều 248 LTM 2005 quy định: “Thanh toán thù lao quá
cảnh bằng hàng hóa quá cảnh” là một trong những hành vi bị cấm trong quá
cảnh. Nguyên nhân của việc cấm trên xuất phát từ bản chất việc quá cảnh hàng
hóa là “việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước
ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia
tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực
hiện trong thời gian quá cảnh” là việc mượn đường để vận chuyển chứ không
được tiêu thụ. Do đó nếu thương nhân cung ứng dịch vụ quá cảnh có quyền
cầm giữ và định đoạt hàng hóa quá cảnh để thanh toán thù lao quá cảnh sẽ vi
phạm bản chất của hoạt động quá cảnh và bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.
3. Theo quy định của pháp luật thương mại hiện hành, chỉ có chủ sở hữu
hàng hóa mới được quyền định đoạt hàng hóa.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2 , Khoản 3 Điều 239 LTM 2005
Giải thích: Không phải chỉ có chủ sở huwx hàng hóa mới có quyền định đoạt
hàng hóa mà trong một hoàn cảnh khi đáp ứng các điều kiện nhất định thì
thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics cũng có quyền định đoạt hàng hóa.
Cụ thể Khoản 2 Điều 239 LTM 2005 quy định: “Sau thời hạn bốn mươi lăm
ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hóa hoặc chứng từ liên quan đến
hàng hóa, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì thương nhân kinh doanh dịch
vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa hoặc chứng từ đó theo quy định của
pháp luật; trong trường hợp hàng hóa có dấu hiệu bị hư hỏng thì thương nhân
kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa ngay khi có bất kỳ
khoản nợ đến hạn nào của khách hàng.” Ngoài ra pháp luật quy định trước khi
định đoạt hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo
ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hóa đó. Quy định như vậy
tỏng một số trường hợp có thể bảo vệ lợi ích của TNKĐV logistics.
4. Bên thuê có quyền trả lại hàng hóa vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát
hiện hàng hóa cho thuê không phù hợp với HĐ.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2 Điều 278 LTM 2005.
Giải thích: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 278 LTM 2005: “Trường hợp
bên thuê phát hiện ra sự không phù hợp với hợp đồng của hàng hóa sau khi đã
chấp nhận hàng hóa mà sự không phù hợp đó có thể được xác định thông qua
việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa thì bên thuê không
được dựa vào sự không phù hợp đó để trả lại hàng.” Như vậy, khi kiểm tra
hàng hóa mà phát hiện hàng hóa không phù hợp với HĐ thì bên thuê có quyền
từ chối nhận hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 276 LTM 2005. Nếu sau đã
kiểm tra và chấp nhận hàng hóa mà phát hiện hàng hóa không phù hợp với HĐ
nhưng phát hiện này có thể biết được khi các bên tiến hành kiểm tra trước đó thì
bên thuê không có quyền dựa vào lý do này để trả lại hàng.
 Đề thi lớp Dân sự k37:
1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa không được hưởng
quyền giới hạn trách nhiệm như thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Nhận định sai. CSPL:
2. Sở giao dịch hàng hóa là nơi giao dịch của tất cả các hàng hóa được phép
lưu thông.
Nhận định sai. CSPL: Điều 68 LTM 2005; Điều 32 Nghị định số 51/2018/NĐ-
CP; Quyết định 4361/QĐ/BCT.
Giải thích: Không phải tất cả các hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường
đều được được phép giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa. Điều 68 LTM 2005
quy định: “Danh mục hàng hóa giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa do Bộ
trưởng Bộ Thương mại quy định.” Theo quyết định số 4361 cảu Bộ Công
thương thì các loại hàng hóa được phép giao dịch trên các Sở giao dịch hàng
hóa Việt Nam bao gồm 8 nhóm: cà phê nhân; mủ cao su tự nhiên; các sản
phẩm thép không hợp kim…
3. Đại lý bán hàng là bên chịu rủi ro đối với hàng hóa do bên giao đại lý
giao tỏng thời gian hàng hóa chịu sự quản lý của mình.
Nhận định sai. CSPL: Khoản 2, Khoản 5 Điều 173; Khoản 5 Điều 175 LTM
2005.
Giải thích: Đối với đại lý bán hàng, bên đại lý không phải là chủ sở hữu đối với
hàng hóa đã nhận từ bên giao đại lý để bán, nhưng khi hàng hóa nằm trong sự
quản lý, kiểm soát của bên đại lý thì bên đại lý phải chịu trách nhiệm về hanhg
hóa này theo quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý. Cụ thể, bên đại lý cũng
có nghĩa vụ theo Khoản 5 Điều 175: “Bảo quản hàng hóa sau khi nhận đối với
đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về
chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại
lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra” Nhưng nếu bên
đại lý không có lỗi trong việc quản lý, kiểm soát hàng hóa thì trách nhiệm này
thuộc về bên giao đại lý. Cụ thể bên giao đại lý có các nghĩa vụ theo Khoản 2,
Khoản 5 Điều 173 như sau:“…Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của
đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ; Liên
đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên
nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra…”
Như vậy, tùy thuộc vào yếu tố lỗi của các bên để xem xét chủ thể nào phải chịu
trách nhiệm, rủi ro đối với hàng hóa.
4. Mọi thương nhân đều được phép kinh doanh dịch vụ giám định thương
mại.
Nhận định sai. CSPL: Điều 256, Điều 257 LTM 2005.
Giải thích: Theo quy định của pháp luật thương mại thì “chỉ các thương nhân
có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ
giám định và cấp chứng thư giám định.” Hơn nữa, Khoản 1 Điều 257 LTM
2005 quy định thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải là
doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật. Như vậy nếu các
thương nhân mà không tổ chức hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp (vd: Hộ
kinh doanh) thì không đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ giám định thương
mại.

You might also like