You are on page 1of 11

Phần 1:Lòng biết ơn

Bài số 1
Trong cuộc sống, lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và
phát triển nhân cách con người. Lòng biết ơn là tấm lòng tri ân, luôn ghi nhớ công ơn nuôi
dạy, giúp đỡ của người khác với mình. Lòng biết ơn được biểu hiện ở cả trong suy nghĩ lẫn
những hành động từ cụ thể đến lớn lao. Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến, là hành
động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình. Cụ thể, đất nước
Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng những ngày lễ mang tính chất kỉ niệm,
tưởng nhớ, ví dụ như ngày 20/11 là ngày để tất cả thế hệ học sinh cả nước tri ân đối với công
lao dạy dỗ của thầy cô giáo, ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công lao của thương binh liệt sĩ –
những người đã hy sinh máu xương, cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc… Lòng biết ơn có
ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và là sợi dây để gắn bó tình cảm giữa người với người. Tuy
nhiên, trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người đi ngược lại với truyền thống đạo lý “Uống
nước nhớ nguồn”, có thái độ và hành động vô ơn, “ăn cháo đá bát”. Những hành vi này đều
đáng bị lên án để họ có thể nhận thấy lỗi sai, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ một cách tích
cực nhất.
Bài số 2
“Sống, trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn
đi…” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ra những lời hát vô cùng ý nghĩa để khuyên nhủ mỗi
con người sống có ích hơn. Bên cạnh việc sống có ích, mỗi chúng ta cần sống với lòng biết
ơn, uống nước nhớ nguồn.Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp của con
người Việt Nam ta và được răn dạy, thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác
nhau. Lòng biết ơn là sự cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành
động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Lòng biết ơn được thể
hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: người sau nhớ ơn công lao của thế hệ đi trước, con cái
biết ơn cha mẹ, người được giúp đỡ mang ơn những mạnh thường quân,… lòng biết ơn luôn
tồn tại trong cuộc sống này và lan tỏa vô cùng tốt đẹp.Lòng biết ơn được biểu hiện bằng hành
động thiết thực của con người. Chúng ta biết nói “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ, trân
trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn. Bên cạnh đó,
việc chúng ta giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so
đo, đố kị với bất kì ai cũng là một cách lan tỏa thông điệp lòng biết ơn. Việc sống với lòng
biết ơn mang lại những lợi ích và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Việc nhận ơn
nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được
những khó khăn trước mắt, hướng đến tương lai, giá trị bền vững, lâu dài. Mỗi con người
sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau
nhiều hơn. Bên cạnh đó, lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác,
truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn
có nhiều người lạnh lùng vô ơn, nhận được sự giúp đỡ, ơn nghĩa của người khác nhưng
ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đứng nhìn người khác gặp hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ.
Lại có những người tuy có điều kiện nhưng lại khoanh tay đứng nhìn, không giúp đỡ người
có hoàn cảnh khó khăn… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.Mỗi người chỉ
được sống một lần, chúng ta hãy sống với lòng biết ơn, yêu thương và trân trọng mọi người
1
để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống
là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Phần 2:Lòng hiếu thảo
Bài số 1
Con người chúng ta muốn hoàn thiện bản thân và trở nên tốt đẹp thì cần rèn luyện
nhiều đức tính tốt đẹp khác nhau. Một trong những phẩm chất mà chúng ta cần có chính là
lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo là tấm lòng yêu thương, biết ơn, kính trọng của con cháu dành
cho ông bà cha mẹ; ngoài ra còn là sự đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu, giúp đỡ ông bà, cha mẹ
những công việc từ nhỏ đến lớn trên tinh thần tự nguyện. Lòng hiếu thảo là một truyền thống,
một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam ta mà mỗi người chúng ta cần biết bảo vệ, giữ
gìn và phát huy tích cực hơn nữa. Ai sinh ra cũng có ông bà, cha mẹ, để có được chúng ta
trên cõi đời này đã là một đặc ân mà mẹ đã phải trải qua chín tháng mười ngày mang nặng đẻ
đau. Hành trình chúng ta khôn lớn là bao công sức chăm sóc, dạy dỗ, uốn nắn của cha mẹ,
ông bà. Chính vì thế, sống có lòng hiếu thảo không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của
mỗi người con để đền đáp những công ơn to lớn của họ. Sống với lòng hiếu thảo sẽ làm con
người ta tốt hơn từng ngày, người sống có lòng hiếu thảo là người hiểu được trách nhiệm của
bản thân mình với cuộc sống, với những người xung quanh. Bên cạnh đó, sống hiếu thảo giúp
con người làm được nhiều việc tốt, có ích hơn cho mọi người, cho xã hội. Để rèn luyện lòng
hiếu thảo, ngay từ hôm nay, mỗi người hãy học cách yêu thương nhiều hơn nữa ông bà, cha
mẹ, những người xung quanh mình; giúp đỡ họ những việc làm không khả năng của mình
một cách tự giác. Ngoài ra chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, phê phán những người
sống vô trách nhiệm, không có lòng hiếu thảo, thờ ơ, dửng dưng với những người thân xung
quanh. Cuộc sống đã vốn ngắn ngủi, người thân lại không thể theo ta đến suốt cuộc đời, ngay
từ hôm nay, mỗi chúng ta hãy sống trọn vẹn với đạo làm con, với tấm lòng hiếu thảo để gia
đình mình thêm hạnh phúc hơn cũng như đóng góp nhiều hơn nữa những giá trị tốt đẹp cho
xã hội.
Bài số 2
Cuộc sống của con người được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, để ngày càng
hoàn thiện mình hơn cũng như để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn thì trước hết mỗi người
cần rèn luyện cho chính mình lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý
trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh
thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm. Giá trị của một người con
được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể hiện qua tấm lòng hiếu
thảo. Đối với công đức sinh thành to lớn của cha mẹ thì bổn phận làm con phải ghi lòng, tạc
dạ: Hiếu nghĩa với cha mẹ không chỉ là cách trả ơn những bậc sinh thành mà bản thân con cái
cũng được góp phần rất lớn trong hình thành những phẩm chất đạo đức và trí tuệ. Có hiếu với
cha mẹ được thể hiện qua thái độ, lời nói và việc làm cụ thể: ừ lời nói lễ phép đúng mực đến
sự quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình, những việc nhỏ giúp cha mẹ trong gia đình, sự bảo
ban gương mẫu với các em nhỏ. Chữ hiếu ngày nay phải được hiểu rộng hơn: hiếu với cha
mẹ nhưng phải là người công dân tốt "trung với nước, hiếu với dân", sống với lòng biết ơn
những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước đã dũng cảm hi sinh để ta có được cuộc
sống ngày hôm nay. Có như vậy, lòng hiếu thảo mới được mở rộng và trọn vẹn ý nghĩa tốt
2
đẹp của nó. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn những người con vô ơn, bất hiếu, ngược đãi
mẹ cha, không nghe lời cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, gây đau lòng, bất hạnh
cho cha mẹ. Những người con đó, dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, đều đáng để xã hội lên án,
phẫn nộ bởi đó là những biểu hiện của người vô đạo đức, vô ơn, bạc nghĩa, không có lương
tâm. Cuộc sống vốn ngắn ngủi, cha mẹ lại chẳng theo ta đi đến cuối đời, hãy sống với lòng
hiếu thảo mỗi ngày để cuộc sống gia đình thêm yên ấm, hạnh phúc hơn cũng như giúp cho xã
hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.
Bài số 3
Chúng ta trước khi làm cha, làm mẹ thì đều là những người con được sinh ra, được yêu
thương, được chăm sóc, được nuôi dưỡng để nên người. Chính vì thế, chúng ta cần sống với
lòng hiếu thảo đối với những người có công lao to lớn đối với mình. Lòng hiếu thảo là tình
cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia
đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa, thờ cúng tổ tiên, phụng
dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già. Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết hiếu thảo, biết yêu
thương, trân trọng những người thân trong gia đình thì không chỉ tạo ra niềm vui, niềm hạnh
phúc mà còn góp phần làm cho xã hội văn minh hơn. Khi chúng ta sống với lòng hiếu thảo,
không chỉ khiến gia đình ta hạnh phúc mà nó còn là tiền đề quan trọng để tạo dựng tinh thần
đoàn kết, lan tỏa thông điệp đạo đức tốt đẹp, tích cực ra xã hội. Lòng hiếu thảo cũng giúp con
người xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ cá nhân và lối sống thờ ơ, vô cảm. Lòng hiếu thảo là tiền đề xây
dựng một gia đình hạnh phúc, khi gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp, bền
vững, giàu tình cảm hơn. Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách
nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi
họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho
người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để
không mất thời gian chăm sóc. Muốn trở thành người công dân tốt thì trước hết ta phải là
người con ngoan ngoãn, sống hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, yêu thương anh chị em. Một gia
đình hạnh phúc hay không là do chính ta gây dựng và vun đắp. Hãy sống theo đạo lí hiếu
nghĩa vốn có của dân tộc và trở thành người công dân tốt giúp cho đất nước ngày càng văn
minh hơn.
Bài số 4
Một thực trạng đáng buồn đang tiếp diễn ngày càng nhiều trong cuộc sống của chúng
ta hiện nay chính là việc con cháu không hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Thực trạng ấy đối lập
với những đức tính tốt đẹp mà chúng ta được học đó là lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo có
nghĩa là biết ơn, ghi nhớ những công lao to lớn của ông bà, cha mẹ đã làm cho mình; đối xử
tốt với họ và có hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu.
Hiếu thảo là một đức tính quý báu trong truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mà chúng
ta cần học tập theo. Ông bà cha mẹ là những người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn,
luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này mà họ có. Lòng hiếu thảo giúp gắn
kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng
lòng biết ơn. Lòng hiếu thảo xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ cá nhân và lối sống thờ ơ, vô cảm. Người
có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho cha
mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn. Họ luôn biết sống đúng chuẩn mực, thực hiện lễ nghi
hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành. Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, lòng hiếu
3
thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm và người có lòng hiếu thảo luôn được mọi
người yêu mến, trân trọng. Lòng hiếu thảo luôn luôn được tôn vinh, ngưỡng mộ trong bất cứ
thời đại, hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người sống bất
hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một
nhân cách kém cỏi, những người như thế thật đáng chê trách. Là mọt người con, chúng ta cần
biết kính trọng ông bà, cha mẹ; chăm sóc, phụng dưỡng họ khi tuổi già sức yếu. Bên cạnh đó,
chúng ta cũng cần trau dồi nhân cách tốt đẹp trở thành niềm tự hào của gia đình và sống hòa
thuận với anh chị em trong gia đình để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyền thống
hiếu thảo luôn là niền tự hào của con người Việt Nam, hãy tiếp bước truyền thống này và
ngày càng làm nó vẻ vang hơn.
Phần 3:Lòng yêu nước
Bài số 1
Nhắc đến các vẻ đẹp truyền thống của những người con đất Việt, ta không thể không
kể đến lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước không phải một khái niệm xa xôi, trừu tượng. Đó
là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu
mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.Biểu
hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta.
Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên
sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình
yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước
mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy,
lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá,
thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những
chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước
đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng
lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn,
để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S
thân thương Việt Nam.
Bài số 2
Em ơi em
Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời
Khi bàn về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm. Lòng yêu nước là một trong những
truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Yêu nước luôn gắn với tinh thần trách nhiệm,
yêu nước là cùng gánh vác nhiệm vụ của non sông, đất nước, yêu nước là hành động vì Tổ
quốc, đất nước ấy. Trong thời chiến, biểu hiện của lòng yêu nước chính là sự dũng cảm, hi
sinh, xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì bờ cõi lãnh thổ.Thời đại hiện nay, chúng ta
được sống trong hoà bình và ấm no thì yêu nước và trách nhiệm chính là việc tham gia xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước cường thịnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu bốn
bể. Để phát huy được tinh thần trách nhiệm với đất nước, chúng ta cần học tập và rèn luyện
4
tốt để cống hiến trí tuệ và sức lực, có lối sống lành mạnh sẵn sàng ra đi khi Tổ quốc cần.
Lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm là cần thiết cho mọi thời đại chứ không phải một thời
điểm hay khoảnh khắc, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần trácnhiệm là phát huy
văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bài số 3
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Đó là lời khẳng định đầy tự hào của chủ tịch
Hồ Chí Minh khi nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.Lòng yêu nước được hiểu là
tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước
của con người. Cao hơn cả đấng sinh thành, đất nước như một mái nhà chung của tất cả
những người dân đang chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng. Chính vì vậy, lòng yêu nước
tồn tại trong tất cả con người Việt Nam như một lẽ dĩ nhiên, thể hiện sự tự tôn, tự hào dân
tộc, biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng dựng xây và bảo vệ đất nước.
Biểu hiện của lòng yêu nước là những hành động cụ thể, được minh chứng qua từng giai đoạn
lịch sử. Trang sử vàng của dân tộc ta đã ghi danh biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là
nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì đất nước. Hình ảnh chị Võ Thị Sáu gan dạ trước
nòng súng quân giặc, anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót,… và hàng ngàn con người Việt
Nam đã khiến cả thế giới phải nể phục vì lòng yêu nước, dũng cảm, cứng rắn “như gang như
thép”.Có thể thấy, lòng yêu nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công
của đất nước ta trong cả kháng chiến lẫn công cuộc dựng xây xã hội chủ nghĩa. Thế hệ thanh
thiếu niên cần không ngừng cố gắng học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cần
ngăn chặn triệt để các hành vi tuyên truyền phản động, biểu tình gây ảnh hưởng đến trật tự,
an ninh đất nước.
Phần 1
Dàn ý chi tiết số 1
I. Mở bài:
*Giới thiệu vấn đề cần bàn luận
-Từ xa xưa, ông bà ta có câu “uống nước nhớ nguồn”, một câu nói dạy bao thế hệ về lòng biết
ơn. Lòng biết ơn là một đức tính cao quý và đẹp của con người. Truyền thống về lòng biết ơn
đã được bao đời thế hệ cha ông gìn giữ và phát huy. Để tiếp nối ông cha thì thế hệ trẻ cũng đã
gìn giữ nét đẹp để hiểu thêm về lòng biết ơn, chúng ta cùng đi tìm hiểu về “Lòng biết ơn”.
II. Thân bài:
* Giải thích thế nào là “lòng biết ơn”?
-Lòng biết ơn là sự ghi nhớ công ơn, tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Những
hành động, việc làm mà họ hi sinh để mang lại niềm hay hạnh phúc hay niềm vui cho mình.
* Biểu hiện của lòng biết ơn
-Luôn ghi nhớ công ơn của họ trong lòng
-Có những hành động thể hiện sự biết ơn
-Luôn mong muốn đền đáp công ơn của những người đã giúp đỡ mình
* Tại sao phải có lòng biết ơn?
-Vì đó là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời xưa.
-Lòng biết ơn là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.
5
-Mỗi công việc chúng ta thành công không phải tự nhiên mà có, dù lớn hay nhỏ cũng có sự
giúp đỡ của ai đó, vậy nên ta cần phải có lòng biết ơn.
* Mở rộng vấn đề
-Có một số người hiện nay không có lòng biết ơn.
VD: Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, …
III. Kết bài:
-Nêu cảm nghĩ về lòng biết ơn
-Nêu những công việc và thể hiện lòng biết ơn.
Dàn ý chi tiết số 2
I. Mở bài
Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam.
Vậy lòng biết ơn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
II. Thân bài
1. Giải thích:
Lòng biết ơn là gì? => Đó là tình cảm biết trân trọng, ghi nhớ công ơn của người khác dành
cho mình, đã giúp đỡ mình.
2. Đưa ra các biểu hiện:
- Tại sao chúng ta phải có lòng biết ơn?
Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.
Biết ơn sẽ khiến cho con người trở nên tốt đẹp hon.
Là cơ sở cho những tình cảm tốt đẹp khác.
Khi chúng ta thừa hưởng những thành quả tốt đẹp, ta cần phải nhớ ơn đến người đã tạo ra
thành quả cho ta hưởng thụ.
Lòng biết ơn đã trở thành truyền thống quý báu của con người Việt Nam.
- Dẫn chứng, biểu hiện: Trong cuộc sống, chúng ta mang ơn ba mẹ đã sinh thành, dưỡng
dục, nuôi dạy ta nên người. Học sinh biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ cho mình biết bao kiến
thức và bài học quý báu. Ngoài ra ta còn phải biết ơn các anh chiến sĩ bộ đội đã hi sinh thân
mình để mang lại nền độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho chúng ta hưởng thụ.
- Những câu tục ngữ, ca dao nói về lòng biết ơn:
*Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Uống nước nhớ nguồn.
*Con ơi ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên.
*Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
*Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
- Phê phán những con người có hành động vô ơn, bạc nghĩa.
- Dẫn chứng:
Những con người quên đi nguồn cội, gốc gác của mình.
Những câu tục ngữ nói về vong ơn bạc nghĩa: Qua cầu rút ván, Có trăng quên đèn, Có mới
nới cũ, Được cá quên nơm, Ăn cháo đá bát, ...
6
III. Kết bài
Lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức cao quý của con người.
Biết ơn, đền đáp công ơn mà người khác dành cho mình là điều nên làm.
Cần có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể.

Phần 2
Dàn ý chi tiết số 1
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lòng hiếu thảo.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp phù hợp với năng lực
của bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
Hiếu thảo: là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những
người thân trong gia đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa,
thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già.
→ Đây là một đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của con người Việt Nam ta mà ai cũng
cần có.
b. Phân tích
Cha mẹ là những người sinh thành, nuôi dưỡng giáo dục chúng ta nên việc hiếu nghĩa là việc
chúng ta phải làm để báo đáp công ơn đó.Cách thể hiện chữ hiếu của con người đánh giá
nhân phẩm của người đó, người hiếu thỏa với cha mẹ là những con người đáng được tôn
trọng và học tập.Những hành động thể hiện sự hiếu thảo giúp các thành viên trong gia đình
thêm đoàn kết hơn, gắn bó hơn đồng thời để thế hệ đi sau học tập và noi theo.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng là những con người, những hành động sống với lòng hiếu thảo.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người con chưa có hiếu, không hiểu, không coi trọng công
lao của bố mẹ dành cho mình, lại có những người ruồng bỏ cha mẹ khi họ về già, quên đi
công ơn nuôi dưỡng, anh em tranh giành nhau tài sản cha mẹ để lại… → những người này
đáng bị phê phán.
3. Kết bài: Khẳng định lại vai trò, tầm quan trọng của lòng hiếu thảo và rút ra bài học cho
bản thân.
Dàn ý chi tiết số 2
1. Mở bài
Mẫu: Hiếu thảo với ông bà cha mẹ vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người.
2. Thân bài
a. Khái niệm lòng hiếu thảo
Lòng hiếu thảo có nghĩa là đối xử tốt với cha mẹ của mình; chăm sóc cha mẹ của mình. Hiếu
thảo còn là hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ
phụng sau khi họ qua đời.
7
b. Biểu hiện lòng hiếu thảo
Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm
cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn. Họ luôn biết sống đúng chuẩn mực, thực hiện
lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành.
Trong cuộc sống, lòng hiếu thảo là hành vi cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ mà còn ở bên
ngoài nhà để mang lại danh tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên.
c. Nhận thức: (Vì sao sống phải có lòng hiếu thảo?)
Ông bà cha mẹ là những người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn, luôn dành cho ta
những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này.
Hiếu thảo còn là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt
Nam. “Nhị thập tứ hiếu” luôn là bài học giáo dục đạo đức ngàn đời còn mãi, mãi mãi ngợi ca.
Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha
mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao
dung, sống có trách nhiệm.
Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến, trân trọng.
Hiếu thảo với cha mẹ khiến con cái trưởng thành hơn. Lòng hiếu thảo trở thành bài học giáo
dục sâu sắc cho mọi thế hệ.
Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể
hiện qua chữ Hiếu. Ðối với công đức sinh thành thì bổn phận làm con phải ghi lòng, tạc dạ:
Hiếu nghĩa với cha mẹ không chỉ là cách trả ơn những bậc sinh thành mà bản thân con cái
cũng được góp phần rất lớn trong hình thành những phẩm chất đạo đức và trí tuệ của một bậc
thánh nhân.
Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập lòng
yêu thương, sự kính trọng lòng biết ơn. Lòng hiếu thảo xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ cá nhân và lối
sống thờ ơ, vô cảm.
Lòng hiếu thảo luôn luôn được tôn vinh, ngưỡng mộ, ta coi đó là tiêu chuẩn luân lý đạo đức
là nét đẹp văn hóa dân tộc sáng ngời.
Hiếu thảo cha mẹ ngày nay thì ngày sau ta mới nhận được lòng hiếu thảo từ còn cái bởi đó là
quy luật nhân quả trong cuộc sống.
d. Hành động: (Cần phải làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo?)
Biết kính trọng ông bà, cha mẹ.
Biết chăm sóc, phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi tuổi già sức yếu.
Biết cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ mà còn ở bên ngoài nhà để mang lại danh tiếng tốt
cho cha mẹ và tổ tiên. Trau dồi nhân cách tốt đẹp trở thành niềm tự hào của gia đình.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ và công việc làm để có thể bảo đảm vật chất hỗ trợ các bậc cha
mẹ cũng như để thờ phụng tổ tiên.
Thể hiện tình yêu, sự tôn trọng và hỗ trợ; thể hiện phong cách lễ độ, anh em thuận hòa hiếu
nghĩa.
e. Phê phán
Trong xã hội có nhiều người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ
già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. những người như thế thật đáng
chê trách.
f. Bài học
8
Sống phải có lòng hiếu thảo.
Phải thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ ngay từ hôm nay.
3. Kết bài
Mẫu: Tấm lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, mãi mãi là một nét đẹp cao
quý trong nền văn hóa Việt Nam.
Phần 3
Dàn ý chi tiết số 1
I. Mở bài:
Dẫn dắt từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ
Đặt ra câu hỏi: Liệu tinh thần yêu nước xưa và nay có thay đổi, có khác biệt hay không.
II. Thân bài:
1. Giải thích về lòng yêu nước
Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước, là hành động, là không ngừng nỗ lực
để xây dựng và phát triển đất nước.
Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi người dành cho đất nước mình.
2. Biểu hiện của lòng yêu nước
* Thời kỳ chiến tranh
Đứng lên, cầm súng ra chiến trường để chiến đấu chống lại kẻ thù. Không ngại khó khăn,
gian khổ mà xông lên giành độc lập cho dân tộc.
Ở hậu phương thì không ngừng tăng gia sản xuất, chắt chiu lương thực, thực phẩm để chi
viện cho chiến trường
Lòng yêu nước ở giai đoạn này là một tình cảm quyết liệt mà mạnh mẽ
Lấy ví dụ, lòng yêu nước thể hiện qua một số câu nói nổi tiếng như: “Giặc đến nhà thì đàn bà
cũng đánh” hay “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Các tấm gương hy sinh anh dũng cho độc lập dân tộc: Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Nguyễn Văn
Thạc…
Sức mạnh của lòng yêu nước vô cùng lớn, như Bác Hồ đã nói: “Lòng yêu nước có thể nhấn
chìm bè lũ bán nước và cướp nước”
* Thời kỳ hòa bình
Thể hiện ở nhưng hoạt động nhằm hướng tới con đường Xã hội chủ nghĩa . Với mong muốn
mang lại cuộc sống no đủ, đầm ấm cho nhân dân và sự phát triển bền vững.
Thể hiện trong công việc và trong cuộc sống. Là không ngừng nỗ lực để góp phần đưa đất
nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Ngoài ra, lòng yêu nước còn thể hiện qua những tình cảm giản dị, gần gũi: tình yêu gia đình,
tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương giữa con người với con người…
Lòng yêu nước còn là niềm trăn trở trước những vấn đề của đất nước, dùng hành động thực tế
để giải quyết những vấn đề đó.
Lòng yêu nước còn được thể hiện ở lòng tự hào dân tộc: biểu hiện cụ thể qua các áng thơ văn
ngợi ca tinh thần ngoan cường của dân tộc; các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến
công của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
3. Vai trò của lòng yêu nước

9
Là bệ đỡ tinh thần cho con người: là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ; giúp đồng bào
luôn vững tâm tiến bước (Kiều bào luôn hướng về tổ quốc; Con người khi về già đều muốn
trở về nơi chôn rau cắt rốn). Chính lòng yêu nước đã bồi dưỡng tâm hồn những con người
nước Việt trở nên vững vàng, mạnh mẽ trong hành trình sống khắc nghiệt.
Là động lực giúp con người sống có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước, cộng
đồng hay đơn giản nhất là đối với chính bản thân mình.
4. Trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với Đất nước
Lòng yêu nước không phải là lời nói suông mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể:
Không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành con người đủ sức, đủ
tài.
Nghiêm túc, tự giác thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định
của nhà trường, cơ quan công tác…
Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu một cách chính đáng
Bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật…
Dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
III. Kết bài:
Khẳng định lòng yêu nước của mỗi công dân Việt Nam
Kêu gọi mọi người hãy quên đi sự ích kỷ bản thân, “cái tôi” cá nhân để cùng hướng về tổ
quốc.
Dàn ý chi tiết số 2
1. Mở bài: giới thiệu lòng yêu nước
Lòng yêu nước là một trong những phẩm chất cao quý của con người đối với đất nước mà
chúng ta đang sinh sống.
Vậy lòng yêu nước đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
2. Thân bài
Luận điểm 1: Giải thích thế nào là lòng yêu nước?
Lòng yêu nước là gì? => Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, tôn thờ, ghi khắc
trong tim đối với đất nước mà mình đang sinh sống.
Luận điểm 2: Biểu hiện của lòng yêu nước
- Giai đoạn chiến tranh, giành độc lập:
Thời phong kiến, bao cuộc khởi nghĩa nổ ra nhằm thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trường kì của dân tộc, tinh
thần yêu nước cũng thể hiện bằng bao sự hi sinh của đồng bào không phân biệt địa vị, giới
tính, vùng miền,…
Tình yêu nước giai đoạn này hết sức mạnh mẽ, bằng một con đường chung nhất: đấu tranh
giải phóng dân tộc.
Dẫn chứng: Những lần ngoại xâm sang xâm lược nước ta (trong lịch sử – 3 lần kháng chiến
chống quân Mông – Nguyên, Thanh, Minh,…), kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mĩ,…
- Giai đoạn hòa bình, phát triển đất nước:
Khi mới giành được độc lập, lòng yêu nước biểu hiện thành tinh thần xây dựng, kiến thiết đất
nước buổi đầu.

10
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì đó là sự vươn tầm thế giới khẳng
định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tình yêu nước thời kì mới được tiến hành đa dạng và bằng nhiều cách thức hơn, có thể là một
người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu, là anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài
biển khơi, là doanh nhân đưa thương hiệu Việt tới bạn bè năm châu.
Dẫn chứng: Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, thiếu tá Vi Văn Nhất hi sinh khi đánh án ma túy
hay các học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc tế,…
Luận điểm 3: Vai trò của lòng yêu nước
Là chìa khóa vạn năng có thể đưa đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách.
Là dòng sữa ngọt mát nuôi dưỡng bao tâm hồn những người con đất Việt.
Là bệ đỡ vững chắc cho mọi thành công sau này của thế hệ người Việt Nam.
Là nguồn cảm hứng bất tận đi vào biết bao trang văn trang thơ, nói chí tỏ lòng, diễn tả bất tận
mọi cung bậc tình cảm của lòng yêu nước.
Khiến con người ta sống có trách nhiệm hơn với gia đình quê hương đất nước.
Luận điểm 4: Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: giúp đỡ mọi người, tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân
tộc, nỗ lực tiếp thu tri thức nhân loại,…
Lòng yêu nước còn thể hiện ở việc bản thân mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành mục tiêu tốt đẹp
của bản thân. Khi mỗi cá nhân phát triển, tức là cả cộng đồng cùng phát triển,…
Yêu cảnh sắc quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu thương giúp đỡ bạn bè,…
Không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành con người đủ sức, đủ
tài.
Nghiêm túc, tự giác thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định
của nhà trường, cơ quan công tác…
Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu một cách chính đáng
Dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
* Bàn bạc, mở rộng vấn đề
Phê phán những con người có hành động bán rẻ linh hồn của mình cho bọn phản động, hại
nước. Đó là những người rất đáng chê trách và bị xã hội tẩy chay.
3. Kết bài
Lòng yêu nước là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người.
Là học sinh, em sẽ luôn trau dồi học tập thật tốt để trong tương lai xây dựng nước nhà ngày
càng đẹp đẽ và giàu mạnh hơn.

11

You might also like