You are on page 1of 12

TRIỆU CHỨNG GÃY XƯƠNG

1. Trình bày được 5 nhóm nguyên nhân gãy xương


2. Hiểu được tổn thương giải phẫu bệnh của gãy xương
3. Trình bày được triệu chứng lâm sàng gãy xương
4. Chẩn đoán được gãy xương
5. Trình bày được nguyên tắc điều trị gãy xương
1. ĐỊNH NGHĨA GÃY XƯƠNG
Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương do nguyên nhân cơ
học hoặc do quá trình bệnh lý, gây ra sự gián đoạn về truyền lực qua xương.
2. NGUYÊN NHÂN GÃY XƯƠNG
Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương, có thể kể đến một số nhóm nguyên nhân sau đây:
2.1. Nguyên nhân chấn thương
Đây là nhóm nguyên nhân chính, gãy xương ở nhóm này thường là do lực chấn thương
mạnh. Đó là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Nguyên nhân chấn
thương khác: chơi thể thao, bị đánh,...
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
Gãy xương do bệnh lý tại xương như u xương hoặc viêm xương. Đối với những tổn
thương dạng này, lực chấn thương không đáng kể cũng có thể gây gãy xương.
2.3. Gãy xương do mỏi
Thông thường kiểu gãy này do một lực chấn thương nhẹ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần
gây ra sự quá sức đến xương liên quan. Dạng tổn thương này thường gặp ở các công nhân
đào đất phải cúi ưỡn lưng liên tục thường dẫn đến bệnh lý gãy gai sống do mỏi. Các vận
động viên chạy marathon dễ bị gãy xương bàn chân,...
3. TỔN THƯƠNG GIẢI PHẪU BỆNH TRONG GÃY XƯƠNG
Tùy vào kiểu gãy xương mà chúng ta có thể ghi nhận các kiểu tổn thương giải phẫu khác
nhau:
3.1. Tổn thương xương
3.1.1. Gãy xương không hoàn toàn
Gãy cành tươi ở trẻ em: đây là loại gãy dưới màng xương, hai đầu xương gãy không di
lệch hoặc di lệch rất ít. Kiểu gãy này hay gặp ở trẻ em, do màng xương ở xương trẻ em
rất dày, như vỏ cây. Loại gãy này xương rất dễ liền.
Gãy rạn (nứt xương): đây là loại gãy ít di lệch, nên tổn thương phần mềm xung
quanh ít và thường là gãy kín.

Gãy lún: kiểu gãy này thường gặp ở các xương xốp, có tình trạng loãng xương. Thường
gặp trong gãy mâm chày, gãy lún đốt sống.
hình ảnh gãy lún mâm chày
3.1.2. Gãy xương hoàn toàn
Đường gãy: tùy vào vị trí, cơ chế chấn thương, chất lượng xương gãy, mà có các kiểu
đường gãy khác nhau.
Kiểu gãy:
Gãy đơn giản
Gãy có mảnh rời

Gãy có đoạn trung gian


- Các kiểu di lệch
Di lệch trong gãy xương có thể do nhiều nguyên nhân như lực chấn thương, sự co cơ,
trọng lực chi thể. Các kiểu di lệch có thể gặp trong gãy xương:
Di lệch sang bên: có thể di lệch vào trong, ra ngoài, ra trước hoặc ra sau. Di lệch sang bên
được tính bằng vỏ xương, thân xương (so với chính xương đó).

Di lệch chồng ngắn (trên lâm sàng có dấu hiệu ngắn chi): Hai đầu xương gãy chồng lên
nhau làm cho chi ngắn lại. Di lệch chồng ngắn được tính bằng mm.
Di lệch xa: Ngược lại với di lệch chồng ngắn, di lệch xa làm hai đoạn xương gãy xa nhau.
Kiểu di lệch này ít gặp hơn, chỉ gặp trong một số gãy xương đặc thù như gãy xương bánh
chè, gãy mỏm khuỷu…

Di lệch gập góc: Trục của hai đoạn gãy tạo thành một góc. Góc này có thể mở vào trong
hoặc ra ngoài, ra trước hoặc ra sau. Góc này được tính bằng độ.
Di lệch xoay: Hai đoạn gãy xoay trục với nhau. Thí dụ như trường hợp bàn chân ngoài
sát giường hay gặp trong gãy xương ở chi dưới.

- Vị trí gãy
Có thể gặp gãy thân xương, gãy đầu xương, đường gãy có thể ở ngoài bao khớp hoặc
trong bao khớp, có thể phạm khớp hoặc không phạm khớp.
Có thể gãy giữa đầu xương và thân xương: thân xương cứng thường đâm vào đầu xương
xốp.
Gãy bong sụn tiếp hợp: gặp ở trẻ em.
3.2. Tổn thương phần mềm và bộ phận khác
Gãy xương kín: ổ gãy không thông với bên ngoài, có 4 phân độ:
- Độ 0: tổn thương nhẹ (gãy gián tiếp, không hoặc ít di lệch)
- Độ I: xây xát da nông (gãy đơn giản, mức độ trung bình)
- Độ II: xây xát da sâu, chạm thương da và cơ khu trú do chấn thương trực tiếp và đe dọa
chèn ép khoang
- Độ III: xây xát da lan rộng, lóc da kín, dập nát cơ và gây ra chèn ép khoang, tổn thương
mạch máu chính

Nguyên nhân có thể do lực chấn thương hoặc do đầu xương gãy gây ra. Ngoài ra lực chấn
thương có thể làm chấn thương các cơ quan liên quan.
Tổn thương gân cơ: gân cơ có thể bị chèn vào ổ gãy gây chậm liền xương, khớp giả. Gân
cơ có thể bị đứt, rách gây chảy máu, phù nề dẫn đến chèn ép khoang hoặc ảnh hưởng đến
quá trình phục hồi chức năng sau này.
Tổn thương mạch máu-thần kinh: tùy theo đặc điểm giải phẫu, gãy xương có thể kèm ,
tổn thương mạch máu-thần kinh như gãy thân xương cánh tay dễ gây tổn thương thần
kinh quay, gãy 1/3 dưới xương đùi có thể tổn thương động mạch khoeo, gãy đầu trên g
mác có thể tổn thương thần kinh hông khoeo ngoài.
Rách da: làm ô gãy thông với môi trường bên ngoài (gãy xương hở). Nguyên nhân có thể
do xương gãy đâm thủng da hoặc do tác nhân chấn thương gây ra.
Có thể làm rách bao khớp, đứt dây chằng trong trường hợp gãy xương gân khớp.
4. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG GÃY XƯƠNG
4.1. Khai thác bệnh sử
Hỏi bệnh nhân về nguyên nhân, cơ chế chấn thương và triệu chứng lâm sàng.
4.2. Khám
Bộc lộ vùng khám và quan sát bệnh nhân. Chú ý tìm các dấu hiệu chắc chắn và không
chắc chắn của gãy xương.
4.2.1. Dấu hiệu chắc chắn
Dấu hiệu biến dạng bao gồm lệch trục gập góc, bàn chân xoay ngoài sát giường; đo chiều
dài chi để phát hiện dấu hiệu ngắn chi; thay đổi các mốc giải phẫu như tam giác Hueter,
đường thẳng Roser-Nelaton thay đổi...
Cử động bất thường: khi chúng ta di chuyển bệnh nhân hoặc chúng ta bất động bệnh nhân
sẽ thấy có cử động bất thường ngay nơi gãy. Bình thường nơi này không có cử động đó.
Không nên cố tình cầm chi lắc lư để tìm cử động bất thường vì gây đau đớn cho bệnh
nhân và làm tổn thương thêm.
Lạo xạo xương: thường do các mảnh xương vụn hoặc hai đầu xương gãy chạm vào nhau.
Khi ấn vào ổ gãy hoặc khi cố định chi, ta có thể cảm nhận được tiếng lạo xạo xương qua
bàn tay.
4.2.2. Dấu hiệu không chắc chắn
Đau: bệnh nhân thường đau chói nơi gãy xương. Trong những trường hợp điểm đau
không rõ ràng, các dấu hiệu chắc chắn không có thì có thể tìm điểm đau cố định bằng
cách sờ nắn theo trục xương, ép bửa (khung chậu), gõ dồn chi...
Sưng nề bầm tím: sưng nề thường do chảy máu, cơ bầm giập, đầu xương gãy chồng nhau.
Bầm tím do máu chảy và lan vào mô kẽ xung quanh. Những vùng mô kẽ lỏng lẻo sẽ dễ
xuất hiện dấu hiệu bầm tím và thường xuất hiện muộn sau chấn thương. Thí dụ bầm tím
vùng bẹn và tầng sinh môn trong gãy liên mấu chuyển, gãy xương chậu, bầm tím vùng
nách trong gãy cổ xương cánh tay, gãy cổ xương bả vai...
Mất cơ năng: thường là do đau hoặc do tổn thương. Nếu chúng ta đề nghị bệnh nhân cố
vận động chi hoặc vận động thụ động cho bệnh nhân sẽ thấy dấu hiệu cử động bất
thường.
4.2.3. Triệu chứng gãy xương hở:
Gãy xương hở: ổ gãy thông ra bên ngoài qua vết thương phần mềm, có 3 phân độ:
- Độ I: vết thương da < 1cm, tổn thương phần mềm nhẹ
- Độ II: vết thương da > 1cm, tổn thương phần mềm không lan rộng
- Độ IIIA: vết thương da > 1cm, tổn thương phần mềm lan rộng, chưa lộ xương
- Độ IIIB: độ IIIA + có lộ xương
- Độ IIIC: độ IIIB + tổn thương ĐM cần khâu nối.

Ngoài triệu chứng của gãy xương cần chú ý khám dấu hiệu lâm sàng của vết thương phần
mềm. Khi khám cần mô tả vị trí, đường kính và tính chất vết thương. Đánh giá tính chất
vết thương như sau nhìn thấy xương gãy, vết thương sạch hay bẩn, mép vết thương sắc
gọn hay nham nhở, máu chảy có váng mỡ hay không, các tổn thương trong vết thương.
Khi khám cần chú ý các dấu hiệu chắc chắn của gãy xương hở như thấy đầu gãy, máu
chảy có váng tủy mỡ.
4.2.4. Triệu chứng lâm sàng của tổn thương và biến chứng kèm theo
Ngoài các triệu chứng của gãy xương cần chú ý triệu chứng của các biến chứng kèm theo
như:
● Tổn thương mạch máu: mất mạch phần xa của chi.
● Tổn thương thần kinh: tùy theo loại thần kinh (cảm giác, vận động hay hỗn hợp)
và chi phối của thần kinh mà khám tìm các dấu hiệu lâm sàng như: yếu liệt, dị
cảm, giảm hoặc mất cảm giác.
● Triệu chứng của sốc chấn thương.
● Triệu chứng của chèn ép khoang.
5. TRIỆU CHỨNG HÌNH ẢNH
5.1. Xquang
Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh kinh điển. Nên chụp cả hai tư thế thẳng và
nghiêng. Một số gãy xương đặc biệt cần chụp thêm một số tư thế đặc biệt. Chụp Xquang
nhằm giúp chẩn đoán chính xác: vị trí gãy, đường gãy, kiểu gãy, các di lệch.
5.2. CT Scan
Chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt mà XQ thông thường không rõ như gãy xương
vùng khớp, gãy xương vùng có nhiều xương chồng lên nhau.
hình ảnh CT scan gãy đầu dưới cẳng chân
5.3. MRI (Chụp cộng hưởng từ)
Chỉ định trong một số trường hợp có tổn thương gân, dây chằng.
6. BIẾN CHỨNG
6.1. Biến chứng sớm
6.1.1. Toàn thân
Sốc chấn thương.
Tắc mạch máu do mỡ
6.1.2. Tại chỗ
Chèn ép khoang.
Tổn thương mạch máu.
Tổn thương thần kinh.
Gãy hở và nhiễm trùng.
6.2. Biến chứng muộn
Viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét tì đè chủ yếu do nằm lâu, bất động kéo dài. Viêm
xương: gặp trong gãy hở, sau phẫu thuật.
Can lệch, chậm liền xương, khớp giả do biến chứng hoặc sai sót điều trị. Rối loạn dinh
dưỡng do bất động kéo dài, không tập vận động.
7. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán gãy xương dựa vào:
Tuổi, giới.
Cơ chế chấn thương.
Khám lâm sàng.
X-quang, CT scan, MRI.
8. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
Nắn chỉnh: có thể nắn gián tiếp hoặc trực tiếp. Nắn hết di lệch hoặc di lệch còn nhưng có
thể chấp nhận được.
Bất động: vững chắc, liên tục, đủ thời gian. Trong điều trị bảo tồn, cần phải bất động hai
khớp. Đối với phẫu thuật chỉ cần bất động ổ gãy. Có hai kiểu bất động ổ gãy, đó là bất
động vững chắc tương đối và tuyệt đối. Bất động vững chắc tương đối áp dụng cho gãy
vùng thân xương. Kiểu bất động này cho kết quả liền xương kỳ hai. Bất động vững chắc
tuyệt đối áp dụng cho gãy vùng đầu xương. Kiểu bất động này cho ra liền xương kỳ đầu.
Tập vận động sớm. Mục tiêu tập vận động là giúp tăng tuần hoàn ổ gãy, chống teo cơ và
giúp phục hồi chức năng.

You might also like