You are on page 1of 4

I.

ĐỌC HIỂU
Cho đoạn trích sau:
Zorba liếm khô nước mắt của Lucky và bỗng nhiên nhận ra mình đang giảng giải cho con
hải âu nhỏ, điều mà nó chưa từng làm trước đây:
“Con là một con hải âu. Gã đười ươi đúng ở điểm đó, nhưng chỉ điểm đó thôi. Tất
cả chúng ta đều yêu con, Lucky. Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một
con hải âu xinh đẹp. chúng ta chưa từng phủ nhận khi nghe con nói con là mèo, bởi điều
đó an ủi chúng ta rằng con muốn giống chúng ta, nhưng con khác với chúng ta và chúng
ta vui với sự khác biệt đó. Chúng ta đã không cứu được mẹ con, nhưng chúng ta có thể
giúp con. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. chúng
ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo.
Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như
vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con,
chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: chúng ta học được cách trân trọng, quý mến
và yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương
một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn,
và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc
đời của một con hải âu. Con phải bay. Khi con đã học hành tử tế, Lucky, ta hứa với con
rằng con sẽ thấy hạnh phúc lắm, và sau đó tình cảm của chúng ta dành cho nhau thậm
chí còn sâu sắc và đẹp đẽ hơn, bởi đó là tấm chân tình giữ hai loài vật hoàn toàn khác
nhau.”
(Trích Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Luis Sepulveda, Nhà xuất bản Hội nhà văn,
2009)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2: Theo đoạn trích, mèo Zorba thể hiện thái độ như thế nào với hải âu Lucky?
Câu 3: Anh chị hiểu thế nào về ý kiến “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ
nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”?
Câu 4: Thông điệp nào anh chị rút ra được thông qua đoạn trích trên?
II.LÀM VĂN
Câu 1: Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng
200 chữ, trình bày suy nghĩ của anh chị về việc tôn trọng những điều khác biệt.
Câu 2:
Chọn 1 trong 2 đề sau
Đề 1: Cho đoạn trích:
“...Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to
mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là
khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu
mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng
lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng...”
“ ...Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện
trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi
Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã
xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mấy
mùa thu mà nhìn xuống dàng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước
Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông
Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở
một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...”
(Nguyễn Tuân – Người lái đò Sông Đà– SGK 12 NXBGDVN tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp sông Đà trong hai đoạn trích trên. Từ đó nhận xét
về cảm hứng của Nguyễn Tuân khi sáng tác tùy bút Người lái đò sông Đà.
Đề 2: Cho đoạn trích:
“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng
lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ
ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè
sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và
bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà
cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần
áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong.
Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn
tung hoành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét
lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình
thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương
yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh
con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn
chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn
có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng
muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.”
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét
về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân.
ĐÁP ÁN
I.ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,75đ): Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là tự sự
Câu 2 (0,75đ): Theo đoạn trích trên, mèo Zorba thể hiện thái độ yêu thương và không
màng đến sự khác biệt của hải âu Lucky.
Câu 3 (1đ):
Bước làm: Giải thích – Bàn luận – Đưa ra bài học
Có thể hiểu những người “khác” mình ở đây là những người so với ta có sự khác biệt về
ngoài hình, lối sống, cách nghĩ... Có thể nói ý kiến trên gợi ra hành trình yêu thương của
mỗi người, đặc biệt là với những người khác biệt với chúng ta. Đó là một hành trình
không hề dễ dàng, cần có sự bao dung và thậm chí là bản lĩnh. Những nếu ta làm được
điều đó, ta sẽ hiểu được yêu thương đích thực Vậy nên mỗi chúng ta đều cần phải học
cách chấp nhận, bao dung và tôn trọng những sự khác biệt của người khác để biết cách
yêu thương đúng nghĩa.
Câu 4 (0,5đ):
Bước làm: Đưa ra thông điệp – Bài học hành động
Gợi ý thông điệp: Tôn trọng, chấp nhận và bao dung với những sự khác biệt của người
khác giúp ta yêu thương một cách đúng nghĩa. Vậy nên mỗi người đều cần gạt bỏ những
định kiến cá nhân, sẵn sàng cảm thông, bao dung và chia sẻ với những người có hoàn
cảnh, sở thích, lối sống không giống mình.
II.LÀM VĂN
Câu 1:
1 .Giải thích: “Điều khác biệt” là những gì không giống với chuẩn mực của số
đông, những thứ "lạ" hơn so với nhận thức chung của mọi người hoặc so với chính
bản thân chúng ta.
2 Quan điểm: Tôn trọng những điều khác biệt
3 Bàn luận: Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt bởi
- LĐ 1: Sự khác biệt có thể là bước đệm để đi đến chân lý – Cuộc sống luôn
thay đổi, những thứ mà ta cho là chân lý có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Và những
thay đổi đó luôn có thể bắt đầu từ những sự khác biệt
+ Dẫn chứng: Tại thời điểm mọi người đều cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ
trụ và mặt trời cũng như các vì sao quay quanh Trái đất, chỉ có hai nhà khoa học
Copernicus và Galilei dám đi ngược lại ý kiến của số đông và giữ quan điểm Trái
đất quay quanh mặt trời. Ngày nay, quan điểm của họ đã trở thành chân lý mà mọi
người đều công nhận.
- LĐ 2: Tôn trọng những điều khác biệt là cách ta yêu thương đúng nghĩa –
Biết chấp nhận, bao dung những điều khác biệt của người khác là điều mà không
phải ai cũng làm được, nó cần có bản lĩnh và lòng vị tha. Vậy nên làm được điều
đó nghĩa là ta thật sự yêu thương ai đó vì chính bản thân họ.
4 Mở rộng: Tôn trọng sự khác biệt không đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả
những sai lệch về mặt tư tưởng. Chúng ta cần phân biệt giữa sự lệch lạc và sự khác
biệt để không bị lung lay bởi những giá trị quan sai trái/ Tôn trọng sự khác biệt
của người khác nhưng ta cũng đồng thời cần giữ được bản sắc cá nhân của mình.
Mỗi người là một cá thể riêng lẻ và có bản sắc riêng góp phần vào bức tranh
phong phú của cuộc sống
5 Bài học: Để có thể tôn trọng sự khác biệt, ta cần học cách bao dung, sẵn sàng lắng
nghe những ý kiến và chia sẻ của người khác, ngoài ra cũng cần học hỏi để mở
mang tầm nhìn của bản thân, để có được nhiều góc nhìn khác nhau và dễ dàng
thấu hiểu được người khác
Câu 2:
Đề 1:
Định hướng vấn đề: Con sông Đà trong cảm nhận của Nguyễn Tuân mang hai vẻ
đẹp trái ngược: hung bạo trên thượng nguồn và mềm mại, trữ tình dưới hạ nguồn. Qua
hình tượng sông Đà đặc sắc, ta thấy được cảm hứng của Nguyễn Tuân không chỉ có sự
khác biệt với giai đoạn sáng tác trước mà đối chiếu còn có sự đồng nhất trong suốt hành
trình cầm bút của ông.
Gợi ý cách chia luận điểm:
- LĐ 1: Con sông Đà hung bạo
- LĐ 2: Con sông Đà trữ tình
Yêu cầu phụ: Cảm hứng của Nguyễn Tuân với tùy bút Người lái đò sông Đà
- Cảm hứng về đề tài thiên nhiên, đất nước con người (so sánh với mảng đề tài
của Nguyễn Tuân trước 1945 để thấy sự khác biệt)
- Cảm hứng “xê dịch” xuyên suốt hành trình sáng tác của Nguyễn Tuân:
Không vừa ý với những cái gì chung, những gì sẵn có, Nguyễn Tuân luôn tìm
kiếm những điều khác biệt, những cái “lạ” chưa từng có trong văn chương (phân
tích những nét đặc sắc riêng của sông Đà, cảm hứng xê dịch thể hiện ở những
điểm nhìn liên tục thay đổi của Nguyễn Tuân đối với con sông Đà…)

Đề 2:
Định hướng vấn đề: Thông qua đoạn trích tái hiện diễn biến tâm trạng của nhân
vật Tràng trong buổi sáng hôm sau, anh cu Tràng từ một người ngờ nghệch, vô tư trở
thành một người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm. Từ đó, nhà văn Kim Lân thể hiện
tư tưởng nhân đạo về khát vọng hạnh phúc của con người.
Gợi ý cách chia luận điểm
- Tràng là một người khao khát hạnh phúc gia đình (phân tích sự trân trọng của
Tràng với cuộc sống gia đình: cảm thấy không dám tin, cảm thấy gắn bó với ngôi
nhà…)
- Tràng là một người có trách nhiệm
Yêu cầu phụ: GTNĐ

You might also like