You are on page 1of 14

ĐẶC TRƯNG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT TRONG THIẾT KẾ MỸ THUẬT*

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng**

Tóm tắt
Thiết kế mỹ thuật về bản chất có thể được xem là một loại hình nghệ thuật đặc
thù. Mặc dù đã được một số công trình, bài viết quan tâm đề cập tới nhưng quá trình
sáng tạo nghệ thuật trong Nghệ thuật nói chung, trong Thiết kế mỹ thuật nói riêng đến
nay vẫn còn là một vấn đề có nhiều “ẩn số” phải tiếp tục lý giải. Qua liên hệ hoạt
động thiết kết của một số loại hình tiêu biểu trong lĩnh vực Mỹ thuật tạo hình/ứng
dụng, bài viết từ góc độ Mỹ thuật học kết hợp Nghệ thuật học, Mỹ học, Văn hóa học
và một số khoa học chuyên ngành khác nhằm làm rõ nét đặc thù về khía cạnh sáng tạo
nghệ thuật của các hoạt động này qua đó có thể góp phần làm sáng tỏ hơn những quy
luật chi phối giá trị tác phẩm nghệ thuật và tài năng nghệ sĩ mỹ thuật trong thực tế.
Từ khóa: Sáng tạo nghệ thuật, Thiết kế mỹ thuật, Mỹ thuật ứng dụng
FEATURES OF ARTISTIC CREATION IN FINE ART DESIGN
Abstract
Fine art design can be considered a specific art form. Although there have been a
number of projects and articles of interest to mention but the process of artistic creation
in Art in general, in Fine art design in particular there is still a problem of many
"unknowns" to continue explained. Through contacting the design activities of a number
of typical types in the fields of Plastic/Applied art, articles from the perspective of Fine
arts studies learned with Artistic studies, Esthetics, Cultural studies and some science
other majors to clarify the peculiarity of the artistic creative side of these activities can
thereby contribute to shedding light on the rules governing the value of art works and
talent of fine art artists in reality.
Keywords: Artistic creation, Fine art design, Applied arts
1. Nhận thức chung – Một số Khái niệm
Nghệ thuật và Sáng tạo nghệ thuật
Ngay từ thời cổ đại cho đến hiện nay, Nghệ thuật (Arts) được hiểu theo nghĩa
rộng bao gồm những gì thuộc về tài năng khéo léo do con người tạo nên liên quan nhiều
lĩnh vực đời sống xã hội, gồm cả trong khoa học, lao động sản xuất…Qua nhiều giai
đoạn, với nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt là thông qua kiến thức Mỹ học và Nghệ
thuật học, khái niệm Nghệ thuật ngày càng được khu biệt hẹp lại và rõ ràng hơn trong các
lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau. Đến nay, bằng cái nhìn vừa cụ thể vừa khái quát và
bản chất nhất, Nghệ thuật được xem là “hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng
sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm”1.

*
Bài đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Social design”, Đại học Văn Lang – Nxb Văn hóa –Văn nghệ, 2019, trang
43 – 55.
**
Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGTPHCM; Giảng viên cộng
tác Đại học Mỹ thuật TPHCM (Khoa Sau Đại học), Đại học Văn Lang (Cử nhân - Khoa Mỹ thuật CN), Đại học Tôn
Đức Thắng (Cao học - Mỹ thuật CN)…
1
Viện Ngôn ngữ học (2005): Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Đẵng – Trung tâm Từ điển học, trang 676.
1
Cũng xét về bản chất, sự phản ánh trong nghệ thuật luôn là hoạt động sáng tạo thông qua
sự kết hợp giữa trí tưởng tượng với cảm xúc thẩm mỹ của nghệ sĩ để dùng ngôn ngữ/kỹ
thuật của một loại hình nghệ thuật cụ thể nào đó để tạo ra hình tượng (image, icon) mang
nét riêng nhất định. Từ đó, Sáng tạo nghệ thuật (Artistic creation) là một khâu quan trọng
trong các yếu tố cấu thành (gọi tắt là thành tố) của hoạt động nghệ thuật đồng thời có mối
quan hệ chặt chẽ với các thành tố khác nhau, trực tiếp là Nghệ sĩ - Tác phẩm - Công
chúng, gián tiếp là Môi trường xã hội - Thiết chế nghệ thuật - Cơ quan quản lý và xa hơn
là Đào tạo - Nghiên cứu - Lý luận phê bình về nghệ thuật…
Mỹ thuật và Thiết kế mỹ thuật
Khái niệm Mỹ thuật (Fine art) hay Nghệ thuật tạo hình (Plastic arts) là một bộ
phận có liên quan Nghệ thuật thị giác (Visual arts), là những khái niệm trực tiếp nói về
Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc, Mỹ thuật ứng dụng...là những loại hình nghệ thuật tạo nên
hình tượng nghệ thuật thông qua đặc trưng ngôn ngữ chủ yếu bằng đường nét, hình khối,
màu sắc...Đôi khi, khái niệm Nghệ thuật thị giác có thể mang nghĩa rộng hơn, bao gồm
Nghệ thuật tạo hình cùng với những loại hình nghệ thuật trực tiếp tác động vào mắt
người khác nữa như Nghệ thuật sắp đặt (Installer art), Nghệ thuật trình diễn
(Performance art), Nghệ thuật hình thể (Body art), Nghệ thuật đa phương tiện
(Multimedia art)…Đặc biệt, trong điều kiện khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày càng
phát triển, khái niệm Mỹ thuật (Nghệ thuật tạo hình) và Nghệ thuật thị giác ngày càng mở
rộng nội hàm để dung nạp các loại hình, loại thể Mỹ thuật ngày càng phát triển cả về bề
rộng lẫn về chiều sâu. Về bề rộng, từ các loại hình Hội họa (sử dụng cọ), Vẽ (chì, phấn,
mực), Đồ họa (in ấn) trong mối quan hệ kết hợp nhiều chiều với nhau để từng bước tạo ra
các loại thể như Hội họa kỹ thuật số (Digital painting), Thiết kế đồ họa (Graphic
design)…; hoặc, từ Điêu khắc (nặn tượng, đổ khuôn tạo hình) đến Nghệ thuật chuyển
động ánh sáng (Kinetic art) gồm cả Chuyển động ánh sáng tự nhiên (Naturally kinetic)
và Chuyển động ánh sáng tự động (Autonormous art)...Về chiều sâu, đó là sự kết hợp qua
lại giữa các loại hình, loại thể nói trên để tạo ra thêm các thể loại mới khác nữa như Tạo
hình kỹ thuật số (Digital Modeling), Kết xuất đồ họa (Computer rendering)…; hoặc, từ
Công nghệ mô phỏng ảnh đến Nghệ thuật liên hợp mạng lưới (Network - based art),
Nghệ thuật tương tác (Interactive art) gồm cả Tương tác trực tiếp, Tương tác gián tiếp và
Thiết kế đồ chơi…Tương tự nhưng đáng chú ý hơn nữa, người ta thường nói đến sự phát
triển mạnh mẽ của các lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng (Applied art) với các nhóm như: Thủ
công mỹ nghệ (Craft art, Handicraft arts) gồm nhiều thể loại (Đồ gia dụng, Tranh tượng
trang trí, Quà lưu niệm du lịch...) bằng nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau (Đá, Mộc,
Đồng, Gốm, Kim hoàn, Sơn mài, Mây, Tre, Thêu, Đan…); Mỹ thuật công nghiệp
(Industral art) gồm Tạo dáng công nghiệp (Industrial design), Đồ họa ứng dụng (Applied
graphic)…; Trang trí (Decoration) gồm Trang trí kiến trúc (Nội thất, Ngoại thất), Trang
trí ấn loát và Trang trí sân khấu, Trang trí điện ảnh .v.v…
Trong toàn cảnh như trên, Thiết kế mỹ thuật (Fine art design) (TKMT) được xác
định là một hình thức sáng tạo nghệ thuật bao gồm toàn bộ hoạt động sáng tác mỹ thuật
(đặc biệt là trong lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng) bắt đầu từ vẽ phác thảo (to sketch out) ý
tưởng, xây dựng mô hình (hình mẫu) cho đến triển khai thực hiện ý tưởng nhằm cuối
cùng tạo ra những tác phẩm/sản phẩm có thể đem lại hiệu quả giá trị thẩm mỹ về thị giác
2
đồng thời với những giá trị/công năng đáp ứng được các yêu cầu khác nhau về văn hóa -
kinh tế - xã hội. Có thể nói, có bao nhiêu loại hình, loại thể mỹ thuật (ứng dụng) như đã
đề cập thì có bấy nhiêu thứ TKMT, ví dụ như: Thiết kế thời trang (Fashion design), Thiết
kế quảng cáo (Advertising design), Thiết kế báo, tạp chí (Magazine design), Thiết kế
sách (Book design), Thiết kế bao bì (Package design), Thiết kế chữ viết (Type design)…;
hoặc Thiết kế môi trường (Environmental design), Thiết kế tương tác (Interactive design),
Thiết kế web (Web design)…; và, Thiết kế đồ họa (Graphic design) gồm cả Đồ họa thông
tin (Information graphic), Đồ họa truyền hình (TV graphic), Đồ họa hình động (Motion
graphics).v.v…Thông qua các hoạt động như vậy, các thể loại TKMT vừa có thể kế thừa
những thành tựu Mỹ thuật/Nghệ thuật Tạo hình truyền thống vừa không ngừng tái tạo và
sáng tạo ra những kỹ thuật, mẫu mã, loại hình mới với các giá trị mới để không chỉ đáp
ứng nhu cầu văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của con người trong đời sống hiện tại mà còn
hướng đến những yêu cầu của cuộc sống tương lai trong bối cảnh kinh tế thị trường, công
nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng …
2. Thiết kế Mỹ thuật với Yếu tố Kỹ thuật - Nghệ thuật, Phong cách Sáng tạo
và Tài năng Nghệ sĩ Thiết kế
Nhìn trên tổng thể, như đã nói người ta có thể khái quát rằng hoạt động TKMT là
“sự sáng tạo ra mẫu sản phẩm từ khởi thảo cho đến lúc hình thành kết thúc sản phẩm.
Thiết kế phải đảm bảo các yếu tố kĩ thuật, nghệ thuật và hợp lý…Thiết kế tạo ra hình
mẫu sản phẩm để ứng dụng vào sản xuất hay cuộc sống hằng ngày, trong đó, cái đẹp của
sản phẩm luôn gắn liền với công năng sử dụng của nó” [Đặng Thị Bích Ngân (cb):
tr.133]. Có thể xem đó là một sự xác định chung nhất về đặc điểm, bản chất của TKMT
với tư cách như là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật mang những nét đặc thù nhất định.
Về yếu tố kỹ thuật - nghệ thuật trong Thiết kế mỹ thuật
Khái niệm kỹ thuật (technic) thường được hiểu theo nghĩa hẹp là “những công cụ
và tư liệu lao động” và nghĩa rộng là “những biện pháp chuyên môn” gồm cả những “kỹ
năng, kỹ xảo”để xử lý một công việc cụ thể. Trong TKMT, khái niệm kỹ thuật có thể
được hiểu đó chính là yếu tố quyết định của “thủ pháp sáng tạo cái Đẹp” hoặc “điều kiện
để cái Đẹp được sản xuất hàng loạt”. Chẳng hạn, từ điều kiện sản xuất bằng tay trong Thủ
công mỹ nghệ truyền thống trước đây cho đến sản xuất bằng máy móc hiện đại của Mỹ
thuật công nghiệp hiện nay thì yếu tố kỹ thuật như vậy vẫn luôn có vai trò, vị trí quan
trọng. Tất nhiên trong TKMT, quá trình phát triển của kỹ thuật càng về sau có thể có trình
độ, quy mô ngày càng nâng cao hơn. Điều cần nhấn mạnh ở đây là tất cả quá trình đó lúc
nào cũng cần phải có yếu tố nghệ thuật (tính chất thẩm mỹ) đi liền bên cạnh. Do vậy,
nghệ thuật là yếu tố bắt buộc phải có mang tính tất yếu, thậm chí mang tính quyết định
cuối cùng của chất lượng tác phẩm/sản phẩm, hay nói cách khác đó chính là mục tiêu cao
nhất của TKMT. Thực tế có thể cho thấy rõ về nguyên lý này. Loại hình Đồ họa (Graphic
art) từ trong kỹ thuật thủ công truyền thống của Tranh dân gian ngoài yếu tố kỹ thuật
khắc gỗ và kỹ thuật in ấn (bằng tay), thì nghệ thuật thể hiện chủ đề, bố cục và hình tượng,
đường nét, màu sắc…vẫn có ý nghĩa quyết định. Sau này trong điều kiện kỹ thuật công
nghiệp cùng với chất liệu mới ngày càng phong phú, các thể loại Đồ họa tạo hình, Đồ
họa ứng dụng cũng trở nên phong phú hơn, bên cạnh phương pháp và kỹ thuật in nổi, in
lõm, in phẳng, in tổng hợp hoặc kết hợp với thành tựu công nghệ phần mềm máy tính để

3
tạo ra các thể loại in ấn khác nữa…, thì yếu tố mỹ thuật (nghệ thuật đồ họa) trước sau vẫn
phải là nhân tố có ý nghĩa quyết định…
Nhận thức trên là cơ sở gốc có thể đưa đến một luận điểm quan trọng: Trong nghệ
thuật, máy móc không thể thay người !
Dù rằng, trên thực tế quả thực sự phát triển mau lẹ của Đồ họa máy tính
(Computer graphic) cùng với các kỹ thuật thông tin hiện đại đã tạo điều kiện cho việc
Thiết kế kỹ - mỹ thuật phát triển ngày càng năng động và hiện đại hơn. Chẳng hạn khái
niệm CAD/CAM (Computer aided design/ Computer aided manufacturing) đã và đang
chiếm vị trí quan trọng đến nỗi có ý kiến cho rằng nó “đã trở thành những từ ngữ mang
tính thần diệu đối với những khả năng mới trong khâu lập kế hoạch và sản xuất, đặc biệt
là phác phảo, tạo dáng thiết kế ra những sản phẩm công nghệ cao” [Đặng Thị Bích Ngân
(cb): tr. 67]…Tuy nhiên, một mặt người ta vẫn thường nói “vẽ tay là nhất thời vẽ máy là
cả đời” nhưng ở mặt khác giới thiết kế chuyên nghiệp không ai là không thấy tầm quan
trọng của “vẽ tay”. Bởi, đó “như là một thứ ngôn ngữ gốc để xác định khả năng diễn đạt
tư tưởng của người thiết kế ở mức cơ bản sơ khai nhất” [Hà Thanh, 2014: tr.152]. Qua
thực tế cho thấy những họa sĩ thiết kế hàng đầu đều là những người có kỹ năng “vẽ tay”
rất tốt trước khi nói đến rất giỏi vẽ bằng máy tính ! Nói đầy đủ hơn, trong các xu hướng
TKMT thì “thiết kế thủ công” theo nghĩa yếu tố trực tiếp sáng tạo (nghệ thuật) của người
thiết kế trước sau vẫn là điều có ý nghĩa quyết định !...
Từ bản chất vấn đề như vậy, mối quan hệ kỹ thuật - nghệ thuật trong TKMT có
thể được xác lập lại rõ ràng hơn như sau: “Giá trị nghệ thuật ở đây không phải được tạo
ra bởi bản thân kỹ thuật và không bị kỹ thuật giết chết, mà xuất hiện trong quan hệ biện
chứng với việc giải quyết những nhiệm vụ vụ lợi - kỹ thuật…là nơi chúng ta bắt gặp cũng
sự kết hợp như vậy giữa chức năng vụ lợi và chức năng nghệ thuật, cũng như mối tương
quan giữa tính cấu trúc kỹ thuật và sức biểu hiện mỹ học…” [M. Cagan, 2004: tr. 347].
Điều đó cũng có nghĩa rằng Nghệ sĩ thiết kế chính là nhân tố “nối liền khoảng cách giữa
nghệ thuật và kỹ thuật” thông qua những thao tác kỹ thuật - nghệ thuật cụ thể, chẳng hạn
như:
+ Nhằm tạo ra một ý tưởng (concept) cho kế hoạch thiết kế đồ họa (graphic
design project) thì những bước đi đầu tiên trong thiết kế ở giai đoạn chuẩn bị (trước khi
bắt tay vào thiết kế) có thể gồm : Xác định nhu cầu (Needs), Tóm tắt yêu cầu thiết kế
(Design brief), Hoạch định công việc thiết kế (Direction), Xác định đối tượng (Audience),
Phác thảo ý tưởng (Sketching out the idea), Xác định hình ảnh (Thumbnail)… [Nguyễn
Đắc Thái, 2014: tr. 71].
+ Các mức độ của “Vẽ phác thảo” (sketching) trong “sketchbook” của nhà thiết
kế có thể là: Bản phác thảo cá nhân/phác thảo thô (Personal communication sketches/the
Doodle), Bản phác thảo suy tưởng (The thinking sketch), Bản phác thảo kỹ thuật (The
technical sketch), Bản phác thảo trình bày (The presentation sketch), Bản phác thảo xúc
cảm (The emotive sketch). Theo đó, các bước “Diễn họa thời trang” (Fashion
illustration) tức những “bước quan trọng đầu tiên để người họa sĩ thiết kế phác họa ra
những nét ban đầu của trang phục hay khởi đầu cho một bộ sưu tập” sẽ có thể gồm có :
Tìm kiếm cảm hứng (Finding inspiration) và Minh họa thời trang (Illustrating
fashion)…[Võ Cao Thiên Ân, 2014: tr.46]…

4
Phong cách sáng tạo với chất lượng Thiết kế mỹ thuật
Khái niệm phong cách (style) thường được dùng để nói về những yếu tố thuộc về
tâm lý bên trong nhưng được thể hiện ra thành tính cách bên ngoài tạo nên nét riêng
mang tính ổn định nhất định trong cách sống, ứng xử và các hoạt động tinh thần khác của
con người. Nói đến Phong cách sáng tạo (Style of creation) ở đây là nói đến những nét
đặc thù mang dấu ấn cá nhân không thể không có trong mọi thành tố, mọi loại hình văn
hóa nghệ thuật với tư cách như là những hoạt động sáng tạo đặc trưng cao nhất của ý thức
con người. Nó là vấn đề mấu chốt của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, bởi như nhà văn
Victor Hugo đã từng nói “Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách” ! Vì
sao như vậy ? Vì như có nhà nghiên cứu đã phân tích: “Nói đến phong cách là nói đến cái
gì thuộc bản chất sáng tạo của con người, cái bản chất vốn gắn bó với “cuộc sống”, “tâm
hồn”, “trí tuệ” và “trái tim” người nghệ sĩ”, cụ thể hơn đó là “sự thống nhất cao độ những
nét chủ yếu nhất thuộc bản chất sáng tạo của tác giả để tạo ra cái hương, cái vị đặc sắc
riêng biệt, có một không hai, nhờ nó mà tác phẩm nghệ thuật có sức chịu đựng sự thử
thách của thời gian và quy luật đào thải của nghệ thuật” [Triệu thúc Đan, 1985: tr. 53]
Trong các thể loại nghệ thuật tạo hình và TKMT, Phong cách sáng tạo chính là
những nét đặc thù tập trung thành “phong cách sáng tác” độc đáo theo từng công trình,
từng tác phẩm/sản phẩm với một chủ đề, nội dung, hình thức cụ thể. Có thể liên hệ thực
tế để thấy rõ thêm về điều này: “Bản thân cụm từ thiết kế, trang trí nội thất đã nói lên 2
phần rõ rệt, một thể hiện tư duy sáng tạo, một thể hiện con mắt thẩm mỹ, hai phạm trù
này không thể tách rời mà luôn song hành cùng nhau…Một không gian nội thất ngày nay
không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện nghi, thoải mái mà còn phải đẹp và toát lên tinh
thần cá nhân” [Nguyễn Đức Quỳnh Giao, 2014: tr. 33]. Cái “tinh thần cá nhân” đó chính
là yếu tố cốt lõi của Phong cách sáng tạo mà chúng ta đang đề cập !…
Nhìn sâu và rộng hơn, Phong cách sáng tạo còn có thể liên quan cả những yếu tố
quyết định “bút pháp”(manner), những yếu tố riêng và chung về kỹ thuật sáng tác của
nghệ sĩ chi phối, ảnh hưởng đến thị hiếu cá nhân và tập thể liên quan một loại hình nghệ
thuật hay một trường phái nghệ thuật trong một thời đại cụ thể. Chẳng hạn phong cách
Nghệ thuật (Mỹ thuật)mới (New art) ở Tây Âu và Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
được áp dụng chủ yếu trong các ngành Mỹ thuật ứng dụng như Trang trí, Mỹ nghệ, Đồ
họa…gồm những họa sĩ tên tuổi với những nét “bút pháp” đặc thù chung như Siegfried
Bing (Pháp), Beardsley (Anh), Tiffani (Mỹ), Mucha (Tiệp), Velde (Bỉ)…Phong trào này
bắt đầu bằng việc cổ xúy cho “Phong cách thiết kế hiện đại” nhằm chống lại Chủ nghĩa
lịch sử kinh điển của nghệ thuật (mỹ thuật) thế kỷ XIX…
Như vậy, khi người ta nói Phong cách sáng tạo bao gồm cả “bút pháp” thì đồng
nghĩa với việc xem thực hành sáng tác nghệ thuật, ở đây cụ thể là tạo ra một tác phẩm/sản
phẩm TKMT với những dấu hiệu thể hiện rõ một phong cách riêng nhất định nhưng đó
không phải là sự “cầu kỳ, kiểu cách” (mannerism) theo cách chỉ là sự “lập dị” hoặc ham
chuộng “cái mới lạ” (exotic) mang tính hình thức !...Ngược lại, nội dung Phong cách
sáng tạo trong sáng tác nghệ thuật nói chung, trong TKMT nói riêng được xác định đầy
đủ hơn phải là:
“Ngoài bút pháp ra, nội dung của phong cách còn bao gồm những nhân tố quan trọng
khác nữa – như chủ đề tư tưởng và hệ thống hình tượng (do tư tưởng, kinh nghiệm sống, cá
tính sở trường, thị hiếu thẩm mỹ…của mỗi tác giả quyết định việc lựa chọn, khai thác hình
5
tượng và khám phá những nội dung mới mẻ từ hiện thực đời sống) – như tính điêu luyện
nghệ thuật biểu thị ở việc vận dụng thành thạo, độc đáo, táo bạo những phương tiện biểu hiện
(đề tài, mô típ, bố cục thể loại, chất liệu…) và ở phương thức cấu tạo hình tượng để đạt tới
tính thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm, cái cơ sở chủ yếu của chất lượng
nghệ thuật. Thiếu tính thống nhất ấy thì khó có thể nói gì đến phong cách nghệ thuật” [Triệu
thúc Đan (1985 ): tr. 41].
Ở đây, đặc điểm hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật và TKMT với yêu cầu tất
yếu về phong cách là vấn đề cần phải được làm rõ hơn:
“Nhìn bên ngoài đó là mối là mối quan hệ giữa “cái riêng của cộng đồng/dân tộc” (bản sắc)
với “cái riêng của cá nhân nghệ sĩ” (phong cách). Nhưng về thực chất bên trong đó là mối
quan hệ hữu cơ mang tính tất yếu giữa “cái chung” (cộng đồng/dân tộc) với “cái riêng” (cá
nhân nghệ sĩ). Xét về khách quan, bản thân mỗi nghệ sĩ (gồm cả hoạt động sáng tạo của nghệ
sĩ) không thể khác là một thành tố phải chịu sự chi phối nhất định bởi điều kiện lịch sử - văn
hóa dân tộc (trong quá khứ) và văn hóa - xã hội cộng đồng (trong hiện tại) với tư cách vừa là
môi trường tác động, vừa là nguồn cảm hứng, là đối tượng sáng tác…” [Huỳnh Quốc Thắng,
2016: tr.136].
Điều đó có nghĩa rằng nhìn từ góc độ cá nhân cũng như ở góc độ cộng đồng,
“phong cách” (style) của cá nhân nghệ sĩ TKMT có thể được xem là nhân tố đồng nghĩa
(không mâu thuẫn) với “bản sắc” (identity) của văn hóa dân tộc. Cũng chính vì thế, tính
“dân tộc - hiện đại” không thể khác phải là một thành tố nhất thiết phải có của TKMT.
Hơn nữa, nếu “phong cách” và “bản sắc” luôn mang những “hằng số” (constance) với
nghĩa là những yếu tố “nhất thành bất biến” trong mọi quá trình phát triển của nó, thì
sáng tạo nghệ thuật (trong TKMT) trước sau không thể thiếu một phong cách vừa thể
hiện được “cái riêng của nghệ sĩ” vừa mang tính “dân tộc” và tính “hiện đại”. Từ đó
người ta có thể nêu lên kết luận “phong cách của một nghệ sĩ, một trường phái, một dân
tộc một khi đã định hình, dẫu có trải qua quá trình biến hóa (những nhân tố mới có thể
nảy sinh, được bổ sung thêm vào) thì những dấu vết riêng biệt không thể lẫn lộn với bất
cứ phong cách nào khác vẫn tồn tại như những hằng số” [Triệu thúc Đan,1985: tr. 46]…
Về tài năng của Nghệ sĩ thiết kế
Trong nhận thức lý luận, trước nay người ta vẫn đề cao tính chất “Mỹ thuật kinh
viện” (Academic art) để nói về những “chuẩn chất” mang tính đỉnh cao của nghệ thuật
tạo hình nói chung, đồng thời cũng có người cho rằng Mỹ thuật ứng dụng là một loại hình
“Nghệ thuật thứ yếu” (Mineur art) với nghĩa có thể không theo “chuẩn chất” như
vậy!...Tuy nhiên, TKMT trực tiếp liên quan Nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là với Mỹ thuật
ứng dụng thì nó vẫn phải được xem là một loại hình hoạt động chuyên nghiệp, cụ thể hơn
đó là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, bởi “Cuộc chơi thì vô tận, nó sẽ
khơi gợi tính sáng tạo và tạo ra nhiều tác phẩm mà mỗi tác phẩm đều thể hiện hơi thở
riêng của nó, hơi thở của không gian, của những cuộc đời mà nó chứa bên trong…Sáng
tạo không có giới hạn, những nguyên tắc đặt ra đôi khi bị phá vỡ bởi những người tạo ra
nó…”[Nguyễn Đức Quỳnh Giao, 2014: tr. 34]. Có thể mối liên hệ giữa Nghệ thuật tạo
hình và họa sĩ nói chung, giữa TKMT và Nghệ sĩ thiết kế nói riêng, từ suy nghĩ cảm tính
trong đời thường cho đến trong nhận thức khoa học hình như vẫn còn nhiều khoảng cách,
nhưng điều hiển nhiên ai cũng phải thừa nhận rằng nếu TKMT góp phần sáng tạo ra cái
đẹp thông qua tác phẩm/sản phẩm cụ thể (phải chịu sự sàng lọc quyết liệt của thị trường)

6
thì chủ thể quyết định việc sáng tạo như vậy chính là người Nghệ sĩ thiết kế càng mang
tính chuyên nghiệp càng tốt. Và không thể khác, TKMT trên thực tế là một hoạt động
sáng tạo nghệ thuật đặc thù phải do những Nghệ sĩ thiết kế có tài năng và một trình độ
chuyên nghiệp nhất định. Đó cũng chính là điều hiển nhiên của TKMT nói riêng, một bộ
phận của Nghệ thuật tạo hình/Mỹ thuật nói chung:
“Từ mối quan hệ hữu cơ của nghệ thuật tạo hình với sự thụ cảm trực tiếp thế giới vật
thể ấy, hàng loạt tính chất thẩm mỹ đã đẻ ra và tồn tại, như khả năng diễn tả vật thể ấy gây
được cảm giá như thực. Khả năng này đòi hỏi người nghệ sĩ chẳng những phải nắm vững kỹ
thuật, thông thạo các chất liệu tạo hình, mà còn phải có tài năng […].Tài năng của nghệ sĩ
được thể hiện ở chỗ gợi mở, khám phá những ý tưởng mới lạ, làm cho công chúng thấy
được những cái đẹp ẩn ý giấu kín trong hình tượng nghệ thuật, những hàm ẩn sâu xa, rộng
lớn của tác phẩm và làm cho tâm hồn của con người, ý thức của xã hội được nâng lên”
[Nguyễn Xuân Tiên, 2017: tr. 175 & 204]
Tất nhiên, tài năng của Nghệ sĩ thiết kế không phải và không thể chỉ là một “thế
giới ốc đảo” biệt lập mà ngược lại phải gắn liền/thông qua tác phẩm/sản phẩm cụ thể
đóng vai trò làm gạch nối cho quan hệ giữa công chúng và bản thân nghệ sĩ ấy. Bởi, xét
về bản chất, tài năng (nghệ thuật) của Nghệ sĩ TKMT chính là sự sáng tạo độc đáo với
các giá trị cao về văn hóa nghệ thuật và về xã hội, được công chúng, xã hội và thị trường
thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật Thiết kế tương tác (Interactive design)
từng được xem là một xu hướng tương lai. Bởi người ta cho rằng thông qua nghệ thuật
này các hình thức tiếp thị sẽ được tổ chức một cách hấp dẫn và mang tính giải trí cao hơn,
sẽ dẫn dụ người xem tự mình khám phá mọi thông tin cần chuyển tải bằng cách ẩn đi
những chi tiết nhỏ, chỉ giữ lại những yếu tố lôi cuốn và gây tò mò nhất mà thôi. Thực tế
bước đầu cho thấy những TKMT kèm theo/liên quan QR code, game online, sách pop -
up, truyền hình thực tế, màn hình chạm ở nhà chờ xe buýt, thư quảng cáo gửi tận nhà, các
ứng dụng trên thiết bị di động, phương tiện sử dụng mạng không dây…đã và đang ngày
càng phát huy, phát triển mạnh mẽ. Điều này hoàn toàn có cơ sở khách quan xuất phát từ
nhận định: “Khi xã hội tiêu dùng phát triển, áp lực làm thế nào để một thương hiệu thâm
nhập vào tâm trí của công chúng ngày càng thử thách các nhà thiết kế…Nhìn chung, thiết
kế tương tác chính là công cụ kết nối người dùng với sản phẩm hay cách khác là xóa
nhòa ranh giới giữa người thiết kế và người tiêu dùng: người tiêu dùng có thể thay đổi
thiết kế để sử dụng theo nhu cầu riêng và nhà thiết kế phải suy nghĩ tạo ra sản phẩm đáp
ứng nhu cầu này” [Nguyễn Trọng Thái, 2014: tr.73].
Từ những nhận thức nêu trên, mối quan hệ hữu cơ giữa Tài năng - Phong cách
sáng tạo - Công chúng (xã hội) như vậy là điều cần phải được khẳng định trong hoạt
động Sáng tạo nghệ thuật cũng như trong TKMT ! Trên cơ sở đó người ta cũng có thể
nói tài năng trong Sáng tạo nghệ thuật trong TKMT đó là “nhân cách độc đáo rất riêng
của người nghệ sĩ” [Nguyễn Xuân Tiên (2017): tr.190], một “cái rất riêng” nhưng đồng
thời cũng vừa là “cái rất chung” ! Cái “riêng” và “chung” trong Phong cách sáng tạo là
một điều kiện của tài năng thể hiện qua các tác phẩm/sản phẩm TKMT, cụ thể qua: Đề tài
và chất liệu (ngôn ngữ) nghệ thuật thiết kế, Phương pháp và trình độ thiết kế, Mối quan
hệ hình thức và nội dung tác phẩm/sản phẩm TKMT…Theo đó tài năng của Nghệ sĩ
TKMT không thể tồn tại trong thực tế chỉ bằng những khái niệm trừu tượng chung chung
mà nó chính là/phải là một thực thể văn hóa - xã hội với các điều kiện cụ thể như: Cơ chế
7
tâm - sinh lý cá nhân (những tố chất, năng khiếu riêng về trí tuệ, óc tưởng tượng, cảm
xúc…) mang tính chất “tiềm năng”, Trình độ kỹ thuật và tay nghề (thông qua quá trình
rèn luyện, học tập về phương pháp để có năng lực tạo ra những tác phẩm/sản phẩm độc
đáo, có giá trị…). [Huỳnh Quốc Thắng, 2016: tr. 136 - 137]. Chúng ta có thể khái quát
các nội dung vừa nêu bằng sơ đồ như sau:

Sơ đồ 1. Sơ đồ về cấu trúc và thành tố của tài năng nghệ thuật (trong TKMT)

3. Thiết kế Mỹ thuật với Nhu cầu Văn hóa Thị giác, Trình độ Thị hiếu Thẩm
mỹ của Công chúng và các Yêu cầu về Kinh tế - Xã hội
Hoạt động TKMT với tư cách là một hoạt động sáng tạo Nghệ thuật tạo hình, đặc
biệt liên quan các lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng trực tiếp góp phần đáp ứng những nhu cầu
tinh thần liên quan văn hóa thị giác của con người, đồng thời vừa tác động vừa chịu sự
chi phối của trình độ thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, thông qua đó góp phần đáp ứng
các yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội nói chung. Có thể xem đó là nội dung khái quát
chung nhất để nói về vị trí, chức năng xã hội xuất phát từ đặc điểm TKMT với tư cách là
một hoạt động sáng tạo nghệ thuật đặc thù.
Thiết kế mỹ thuật với Nhu cầu văn hóa thị giác
Nói tới Văn hóa thị giác là nói tới những giá trị văn hóa (nhận thức - nhân bản -
thẩm mỹ) được đem lại cho mắt người thông qua những hình thức tác động trực quan,
trong đó TKMT có vai trò, vị trí tích cực. Trên thực tế, Nhu cầu văn hóa thị giác là một
nhu cầu tinh thần có thật của xã hội, là một trong những mục tiêu cao nhất mà TKMT
phải hướng tới nhằm “tạo một thế giới đồ vật thật và đẹp, là xây dựng thị hiếu thẩm mỹ
lành mạnh cho nhân dân, để mọi người được hưởng thụ văn hóa một cách đích thực” và

8
“tạo dần một nếp sống chân – thiện – mỹ, để nền văn minh vật chất cũng là một nền văn
hóa cao” [Chu Quang Trứ, 2002 (tập II): tr.361].
Như vậy vấn đề đáp ứng Nhu cầu văn hóa thị giác thực chất là vấn đề liên
quan/thuộc về chức năng xã hội của TKMT với tư cách là một hoạt động sáng tạo văn
hóa nghệ thuật đích thực. Bởi, như có nhà nghiên cứu đã xác định: “Lịch sử design, đó
không chỉ là lịch sử của đồ vật và hình dáng của chúng, lịch sử design là lịch sử của các
hình thức sống, là mối quan tâm và phong cách ứng xử trong quan hệ giữa con người và
đồ vật được phản ánh phần lớn trong lịch sử văn hóa” [Lê Huy Văn, 2000: tr. 24]. Trong
các lĩnh vực TKMT khác nhau, việc xác lập nhận thức đối với vấn đề như vậy có ý nghĩa
tích cực, đặc biệt là về tính định hướng cho mọi ý tưởng sáng tạo, vừa định vị rõ hơn vai
trò công việc thiết kế vừa xác lập được những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả
cho bản thân công việc đó. Tác giả Nguyễn Thị Hợp qua công trình “Nghệ thuật đồ họa
bao bì” rất có lý khi cho rằng: “Việc thiết kế bao bì không phải là phép tính cộng đơn
thuần của logic toán học, mà là việc ứng dụng những qui tắc của các nguyên lý thiết kế.
Nhà thiết kế luôn phải thấm nhuần những nguyên lý thị giác, nguyên lý tạo hình, nguyên
lý đồ họa…cùng hòa lẫn, cộng hưởng với xúc cảm, để tiếp cận và đạt được giá trị mỹ
thuật ở bao bì” [12: tr. 7] và, không phải ngẫu nhiên mà “các nhà chính sách đã xác lập
mục tiêu mỹ thuật, văn hóa, nằm trong chiến lược chung của phát triển ngành bao bì, mà
thiết kế là yếu tố quan trọng hàng đầu” [12: tr. 139]…Liên hệ mở rộng ra các lĩnh vực
TKMT khác nhau, đặc biệt liên quan Mỹ thuật ứng dụng như trong Thiết kế quảng cáo
chẳng hạn, người ta có thể thấy rõ hơn về điều đó. Từ tuyên truyền miệng, cổ động trực
quan (panô, áp - phích, triển lãm, bảng hiệu…), truyền thông (báo chí, truyền thanh,
truyền hình, mạng internet…), ấn phẩm (nhãn hiệu, bao bì, catalogue…) cho đến nghệ
thuật và lễ hội (hội thi, hội diễn, ca múa nhạc, kịch, điện ảnh, trình diễn thời trang)...tất cả
tuy có liên quan kinh tế nhưng về bản chất hoạt động Thiết kế quảng cáo vẫn có nhiều
yếu tố thuộc về văn hóa hoặc hướng về những giá trị thuộc về Nhu cầu văn hóa thị giác
có thực liên quan các sản phẩm Quảng cáo, cụ thể như:
+ Giá trị thẩm mỹ : Hệ thống ngôn ngữ quảng cáo (khái niệm hoặc hình tượng nghệ
thuật) mang tính biểu cảm (cụ thể, cảm tính), có tính hấp dẫn cao và sức thuyết phục mạnh
để tạo được sự chú ý (attention) trước khi khơi gợi ý thích (interest) và thúc đẩy quyết định
(decide) của khách hàng đối với một sản phẩm (hàng hoá) nhất định…
+ Giá trị khoa học: Lượng thông tin về thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ đang
được ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Qua đó góp phần
nâng cao tư duy công nghiệp, khoa học cải tiến sản phẩm đã có và phát triển mặt hàng
mới…
+ Giá trị nhân bản: Tổng hòa và biểu hiện các mối quan hệ và mức độ phát triển của
xã hội góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm cả về lượng và chất theo định hướng vì con
người và sự phát triển của xã hội. Chuẩn mực đạo đức cao nhất của người quảng cáo
(doanh nghiệp quảng cáo thông qua các sản phẩm quảng cáo) cũng như người sản xuất và
người bán hàng là không vì đồng tiền mà tạo nên những sản phẩm quảng cáo thiếu trung
thực hay cổ vũ cho hàng kém chất lượng, hàng giả gây nên tác hại cho khách hàng nói
riêng và cho xã hội nói chung…” [Huỳnh Quốc Thắng, 1996: tr. 165 – 166]

9
Thiết kế mỹ thuật với trình độ thẩm mỹ của công chúng
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào, kể cả trong TKMT, như đã nói từ bắt đầu cho đến
cuối cùng tất cả đều phải tính đến sự tương quan giữa Nghệ sĩ thiết kế (cá nhân) trong
mối quan hệ với Công chúng (xã hội). Có thể có nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau,
nhưng về bản chất mối tương quan Nghệ sĩ - Công chúng trong TKMT không thể khác
chắc chắn phải theo cách như L.X. Vưgốtxki đã từng nói rằng “nghệ thuật thoạt đầu là
mang tính chất cá nhân, song thông qua tác phẩm nghệ thuật nó trở thành mang tính chất
xã hội”, hoặc “nghệ thuật chẳng khác nào một cảm xúc xã hội “được nối dài” hay một
thứ “kĩ thuật của các cảm xúc”, theo cách “cảm xúc không trở thành mang tính chất xã
hội, mà ngược lại, nó trở thành mang tính chất cá nhân, khi mỗi người trong chúng ta
rung động một tác phẩm nghệ thuật, nó trở thành cái cá nhân song đồng thời vẫn cứ là cái
xã hội” [18, 1981: tr. 314 – 315 & 326]. Cái “rung động” gặp nhau giữa “cá nhân” (Nghệ
sĩ thiết kế) và “xã hội” (Công chúng) như vậy thực chất đó chính là những “cảm xúc
thẩm mỹ” (về cái Đẹp) có thực diễn ra ngay trong thực tế. Rõ ràng qua kết quả một cuộc
điều tra xã hội học gần đây, người ta thấy rằng “Dù chưa hiểu gì về công việc thiết kế
mẫu mã sản phẩm tiêu dùng nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, nhưng
đa số người được hỏi thích sản phẩm đẹp rồi đến tốt, bền, rẻ và cuối cùng là luôn thay đổi
mẫu mã” [Lê Thị Hoài Linh, 2004: tr.66]. Qua đó cho thấy, giữa cái “cá nhân” và cái “xã
hội” như đã nói, TKMT chính là sự nối kết giữa Nghệ sĩ thiết kế với các hoạt động Sáng
tạo nghệ thuật thông qua tác phẩm/sản phẩm cụ thể tác động vào ý thức thẩm mỹ của
công chúng, nhằm “hướng con người và xã hội tới giá trị thẩm mỹ cao hơn và đạt tới giá
trị chân - thiện - mỹ” ngày càng cao, trong đó “Cái đẹp chính là bản chất, đất sống của
nghệ thuật, bởi cái đẹp chính là thành quả của lao động sinh tồn, của khát vọng, tâm linh,
của cội nguồn dân tộc đã vun đắp gây dựng lên qua bao thăng trầm lịch sử”[Nguyễn
Xuân Tiên, 2017: tr. 13 – 14].
Theo cách nhìn nhận như trên, từ góc độ Triết học và Mỹ học kết hợp Nghệ thuật
học, mối quan hệ Nghệ sĩ và Công chúng liên quan hai thực thể có quan hệ tương tác
nhau theo cách như là hai mặt vừa “đối lập” vừa “thống nhất” để tạo ra quy luật vận động
và phát triển mang tính phổ quát của Nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình (gồm cả TKMT
trong đó). Nghệ sĩ thiết kế bằng tài năng sáng tạo độc đáo của mình tạo ra tác phẩm/sản
phẩm có chất lượng/giá trị cao nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh tế - xã hội thông qua thỏa
mãn/nâng cao nhu cầu và trình độ thẩm mỹ của công chúng và ngược lại…Điều đó cũng
đồng nghĩa rằng khi trình độ và nhu cầu thẩm mỹ của công chúng ngày càng được nâng
cao thì yêu cầu đối với các Nghệ sĩ thiết kế chắc chắn sẽ ngày càng cao hơn nữa. Mối
quan hệ ấy mang tính biện chứng và tạo nên những động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát
triển tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng cho hai phía, bắt đầu bằng việc tạo ra tính
định hướng chiều sâu đối với mục tiêu, nội dung cho sự phát triển ấy theo cách: “Do chất
liệu và kỹ thuật ngày càng đổi mới, đặc biệt là kỹ thuật từ làm tay chuyển sang làm bằng
máy móc dây chuyền”, “Do sản phẩm làm ra hàng loạt phải đạt số lượng nhiều”, “Do đối
tượng tiêu thụ rộng rãi là đông đảo nhân dân”: “Đó là những điều kiện chủ yếu làm cho
những sản phẩm công nghiệp phải có một vẻ đẹp riêng của nó, một vẻ đẹp phù hợp với
kỹ thuật mới, phù hợp với hoàn cảnh sử dụng mới” [Nguyễn Văn Y, tr.43].

10
Tuy nhiên, cũng từ mối quan hệ nói trên, chúng ta cần phải chú ý đến tính độc lập
tương đối của ý thức thẩm mỹ. Bởi vì khi chúng ta nói đến TKMT là nói đến yếu tố thẩm
mỹ được thể hiện bằng cái đẹp tiêu biểu, cô đọng thông qua ngôn ngữ tạo hình đặc trưng
tác động trực tiếp thông qua thị giác. Công chúng tiếp xúc với giá trị các tác phẩm/sản
phẩm TKMT và chịu sự tác động, ảnh hưởng của các giá trị ấy đối với mọi mặt đời sống
vật chất và tinh thần thông qua thẩm định, đánh giá nó bằng một trình độ văn hóa thẩm
mỹ nhất định của mình. Chính vì vậy mối quan hệ Nghệ sĩ - Công chúng trong hoạt động
TKMT chỉ có ý nghĩa thực sự khi “Yếu tố thẩm mỹ có mặt trong quá trình nhận thức lẫn
trong sự giáo dục bằng phương thức thẩm mỹ”[Nguyễn Xuân Tiên, 2017: tr. 175]. Theo
đó, không thể khác, một mục tiêu, nội dung quan trọng không thể không đề cập đến khi
nói về chức năng, nhiệm vụ của TKMT, đặc biệt là về vai trò của Nghệ sĩ thiết kế trong
quan hệ với Công chúng đó là: “Thị hiếu thẩm mỹ được coi là yếu tố biểu hiện thực trạng
và xu thế của lối sống, phong cách sống. Thực tế cho thấy, bên cạnh những chuẩn, vẫn
còn các “tầng thấp” của thị hiếu, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của văn hóa thị giác.
Cho nên, việc định hướng thẩm mỹ đối với người tiêu dùng có vai trò rất quan
trọng…Nhà thiết kế có khả năng dẫn dụ công chúng tiêu dùng sản phẩm…, qua đó thực
hiện nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ”. [Nguyễn Thị Hợp (2016): tr. 149].
Nhìn từ khía cạnh chức năng xã hội và đặc trưng ngôn ngữ loại hình, mối quan hệ
Nghệ thuật và Công chúng như đã nói ở trên là một trong những vấn đề có ý nghĩa lớn
trong hoạt động Sáng tạo Nghệ thuật, đặc biệt khi liên hệ thực tế hoạt động TKMT.
Chúng ta có thể khái quát hóa mối quan hệ đó bằng sơ đồ như sau:

Sơ đồ 2. Về mối quan hệ Nghệ thuật – Công chúng (trong TKMT)

11
Thiết kế mỹ thuật với các yêu cầu về kinh tế - xã hội
Thời gian qua người ta thường đề cập đến “Nền kinh tế tri thức” và gần đây đã có
ý kiến nói về“Nền kinh tế thiết kế”. Trong chừng mực nào đó, ý kiến ấy có ý nghĩa nhất
định. Bởi vì trên thực tế TKMT rõ ràng có liên quan và làm gia tăng giá trị các sản phẩm
hàng hóa qua đó góp phần kích cầu mạnh mẽ nền kinh tế thị trường theo cách “tác động
lan tỏa rộng lớn, mang đến từng cá nhân – “tế bào của cơ thể kinh tế” sự kích thích tiêu
dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, làm
cho hiệu quả của việc kinh doanh tăng lên tới mức “cộng hưởng”…; góp phần tác động
trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế” [Nguyễn Thị Hợp (2016): tr. 131]. Để làm rõ điều
đó, người ta có thể liên hệ đến Thiết kế bao bì (Package design), một thể loại quan trọng
của Mỹ thuật công nghiệp thuộc lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt là về mối quan hệ,
sự tác động qua lại giữa hai thành tố “Thiết kế” và “Tạo dáng” với nhau và với những
chức năng xã hội đặc biệt của bao bì, một sản phẩm công nghiệp vừa có liên quan tới
kinh tế (sản phẩm hàng hóa) vừa có liên quan trực tiếp tới nghệ thuật (Mỹ thuật ứng dụng
– Đồ họa). Trong đó, chức năng tiếp thị (marketing) và cả xúc tiến (promotion) của Bao
bì được thực hiện bởi một hình thức, nội dung thiết kế nào đó xét cho cùng là nhằm góp
phần khẳng định thương hiệu sản phẩm hàng hóa của một doanh nghiệp nhất định. Bản
thân bao bì thông qua TKMT đã trở thành là một bộ phận có giá trị cao hơn trong hệ
thống nhận diện thương hiệu của sản phẩm hàng hóa (và của cả doanh nghiệp tạo ra sản
phẩm hàng hóa ấy) chính là vì lý lẽ ấy. Trong điều kiện kinh tế thị trường, rõ ràng TKMT
đã góp phần quan trọng làm cho bao bì ngày càng phát huy hết các chức năng và vai trò
đặc biệt của nó đối với các hoạt động kinh doanh sản xuất theo cách:
“coi bao bì giống như một thực thể cừa có tính ẩn giấu tự thân, vừa có tính cách như khuôn
mặt của thương hiệu khi giao tiếp với người tiêu dùng, nhưng đồng thời nó cũng tách biệt
với tính cách thật sự của thương hiệu đó…Như vậy, muốn phát triển không chỉ đơn thuần
là kinh tế, mà còn phát triển văn hóa, cần phải thông qua một trong những giải pháp gọi
chung là phát triển thẩm mỹ công nghiệp, thẩm mỹ hàng hóa, bao bì. Có thể nói, giá trị
thẩm mỹ của bao bì trong toàn bộ hệ thống sản xuất công nghiệp và mỹ thuật ứng dụng là
một nguồn lực phi vật thể không thể thay thế đối với sự phát triển mọi mặt của một đất
nước” [Nguyễn Thị Hợp (2016): tr. 4 – 5]
Từ những nhận thức trên nhìn rộng ra, từ lâu những hoạt động TKMT liên quan
các lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng ngày càng phát triển đa dạng đã và đang là lĩnh vực văn
hóa nghệ thuật quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội với những quy luật đặc thù nhất
định. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và toàn
cầu hóa ngày rộng mở, những quy luật đó càng là một đề tài lớn cần phải được quan tâm
nghiên cứu nhiều hơn. Trong công trình “Nghiên cứu văn hóa: Lý thuyết và thực hành”
(Cultural study: Theory and practice), nhà nghiên cứu Văn hóa học (Cultural Studies)
Chris Barker đã dành hẳn 1 chương (trong tổng số 14 chương) để viết về “Nền văn hóa
phương tiện truyền thông kỹ thuật số” trong đó có những nội dung nói về “Không gian ảo
viễn tưởng”, “Hoạt động trong không gian ảo” và “Cuộc chạy đua trong không gian
ảo”…Đặc biệt là phần cuối của chương này tập trung nói về “Nền kinh tế toàn cầu của
không gian ảo” với luận điểm chính “Sự lớn mạnh của nền kinh tế thế giới giờ đây phụ
thuộc vào công nghệ kỹ thuật số và thổi bùng sự mở rộng của nó”, cụ thể đó là: (1) Vai
trò quan trọng ngày càng tăng lên của thông tin và tri thức ứng dụng trong nền kinh tế
12
hiện đại; (2) Sự chuyển dịch từ sản xuất vật chất sang các hoạt động xử lý thông tin; (3)
Sự thay đổi sâu sắc trong tổ chức sản xuất chuyển từ sản xuất hàng loạt được chuẩn hóa
sang sản xuất linh hoạt tùy biến”; (4) Nền kinh tế mới có quy mô toàn cầu; (5) Sự biến
đổi của nền kinh tế thế giới đang diễn ra thông qua cuộc cách mạng công nghệ…[1,
2008: tr. 477 – 512]…
Về thực tiễn, từ kết quả khai thác các thành tựu công nghệ văn hóa (cultural
technology), nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã tiến tới hình
thành các ngành Công nghiệp Văn hóa (Cultural Industry), còn được gọi là Công nghiệp
sáng tạo (Creative industry) mà theo UNESCO và tổ chức GATT (Hiệp ước về Thuế
quan và Mậu dịch) xác định “Bao gồm sự sáng tạo, quá trình sản xuất, phân phối hàng
hóa, dịch vụ tiêu dùng các sản phẩm về văn hóa và được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Theo tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
ngày 8-9-2016 đã ra Quyết định số 1755/QÐ-TTg ban hành “Chiến lược phát triển các
ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” gồm những nhóm
ngành tồn tại độc lập hoặc liên ngành, trong đó có: Kiến trúc, Mỹ thuật, Quảng cáo, Thủ
công mỹ nghệ, Thiết kế thời trang, Phần mềm và trò chơi giải trí, Xuất bản, Truyền hình
và phát thanh…Rõ ràng cùng với sự ra đời và phát triển của các ngành Công nghiệp văn
hóa như vậy kết hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát huy
tác dụng mặt tích cực của nó, tương lai của Mỹ thuật ứng dụng và TKMT chắc chắn sẽ
ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng nhiều hơn nữa trong đời sống kinh tế - xã hội…
Kết luận
Nhìn trên tổng thể, TKMT là một hoạt động văn hóa - xã hội vừa có nét chung
của hoạt động Sáng tạo nghệ thuật vừa mang nét đặc thù nhất định về đối tượng, phương
thức, nội dung, hình thức hoạt động của nó. Người làm TKMT nhất thiết phải có tố chất
nghệ sĩ, phải có kỹ thuật tay nghề và khả năng sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật, đặc
biệt là năng lực sáng tạo nghệ thuật với một phong cách độc đáo để có thể tạo ra những
tác phẩm/sản phẩm vừa đáp ứng và nâng cao nhu cầu văn hóa thị giác, trực tiếp là trình
độ thẩm mỹ của công chúng vừa phục vụ tốt các yêu cầu về kinh tế - xã hội. Nâng cao
chất lượng Sáng tạo nghệ thuật trong TKMT thực chất là nâng cao trình độ khoa học kỹ
thuật và nghệ thuật để góp phần xây dựng một đội ngũ Nghệ sĩ thiết kế đông đảo và có
trình độ, có tài năng và tâm huyết thực sự. Đây là nhân tố chủ đạo để tiến tới xây dựng một
Nền thiết kế mỹ thuật phát triển theo mô hình sản xuất lớn trong bối cảnh công nghiệp hóa -
hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa hiện nay. Tất cả sự nghiệp đó đòi hỏi không những
phải phát triển mạnh về vật chất, kỹ thuật và công nghệ mà còn phải đầu tư sâu vào việc
phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn tay nghề, tư duy khoa học của đội ngũ thiết kế,
sáng tác, lý luận phê bình và quản lý liên quan, tạo mọi cơ hội tiếp thu những thành tựu,
tinh hoa văn hóa thiết kế của thế giới để vừa không bị “tụt hậu” vừa không lai căng, tiếp
thu thụ động những thị hiếu xấu và chỉ vì mục tiêu lợi nhuận đơn thuần. Tóm lại, mọi nỗ
lực phát huy những yếu tố nội sinh làm thành nội lực vững chắc trong quá trình giao lưu,
tiếp biến những yếu tố ngoại sinh nhằm nâng cao trình độ Sáng tạo nghệ thuật cùng với
các yếu tố liên quan của nó vẫn là vấn đề mấu chốt, là mũi đột phá trung tâm để góp phần
phát triển bền vững Nền thiết kế mỹ thuật trong Nền văn hóa nghệ thuật mới của chúng
ta./.

13
Tài liệu tham khảo

1. C. Barker (2008), Cultural Studies: Theory and Practice. SAGE Publications,


California: Thousand Oaks.
2. M. Cagan (Phan Ngọc dịch) (2004): Hình thái học của nghệ thuật, Nxb Hội Nhà
văn, Hà Nội.
3. Chu Quang Trứ (2002), Văn hóa Việt Nam – nhìn từ mỹ thuật (tập I và II), Viện
Mỹ thuật – NXb Mỹ thuật, Hà Nội.
4. Đặng Thị Bích Ngân (cb), Trần Việt Sơn, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Trọng Cát,
Từ điển thuật ngữ mĩ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục.
5. Hà Thanh (2014), Diễn họa màu trong quá trình học thiết kế kiến trúc và nội thất,
Tạp chí Thiết kế & Mỹ thuật – Đại học Văn Lang, số 06/2014, trang 152 – 155.
6. Huỳnh Quốc Thắng (1996), Tính văn hóa trong quảng cáo, Tạp chí Khoa học Xã
hội, số 27, tr.164-168.
7. Huỳnh Quốc Thắng (2016), Dân tộc học văn hóa nghệ thuật, Nxb Đại học Sư
phạm TP. Hồ Chí Minh.
8. Lê Huy Văn (2000), Lịch sử mỹ thuật công nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ
Chí Minh.
9. Lê Thị Hoài Linh (2004): Người tiêu dung với mẫu mã sản phẩm mỹ thuật ứng
dụng qua điều tra xã hội học”, Tạo chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4, trang 60 – 67.
10. Nguyễn Đắc Thái (2014), Những bước đi đầu tiên trong thiết kế, Tạp chí Thiết kế
& Mỹ thuật – Đại học Văn Lang, số 06/2014, trang 70 – 72.
11. Nguyễn Đức Quỳnh Giao (2014), Décor trong nội thất cuộc chơi bất tận, Tạp chí
Thiết kế & Mỹ thuật – Đại học Văn Lang, số 06/2014, trang 32 – 35.
12. Nguyễn Trọng Thái (2014), Thiết kế của tương lai, Tạp chí Thiết kế & Mỹ thuật –
Đại học Văn Lang, số 06/2014, trang 73 – 75.
13. Nguyễn Thị Hợp (2016), Nghệ thuật đồ họa bao bì, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
14. Nguyễn Văn Y, Tính chất dân tộc trong mỹ thuật thục dụng, Trong: Tính dân tộc
của ghệ thuật tạo hình, Nxb Văn hóa, Hà Nội, trang 37 – 44.
15. Nguyễn Xuân Tiên (2017), Giáo trình Mỹ thuật học (dùng cho học viên Sau đại
học), Nxb Thông tin và Truyền thông, TP. Hồ Chí Minh.
16. Triệu thúc Đan (1985 ), Về phong cách nghệ thuật, Trong: Một số vấn đề mỹ
thuật, Nxb Văn hóa, trang 36 – 56.
17. Võ Cao Thiên Ân (2014), Diễn họa thời trang, Tạp chí Thiết kế & Mỹ thuật – Đại
học Văn Lang, số 06/2014, trang 46 – 49.
18. L.X.Vưgốtxki (Hoài Lam dịch), (1981), Tâm lý học nghệ thuật, Nxb Khoa học Xã
hội, Hà Nội.

14

You might also like