You are on page 1of 27

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HOÁ, THỂTHAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Ngô Anh Cơ

TRUYỀN THÔNG THỊ GIÁC TỪ GÓC NHÌN


THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật


Mã số: 9210101

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

Hà Nội - 2018


Công trình được hoàn thành tại:
Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng


Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS Lê Văn Sửu

Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Viện họp tại:
Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
32 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội
Vào hồi..........giờ.........ngày...........tháng.........năm 2018

Có thể tìm hiểu luận án tại:


- Thư viện Quốc gia Việt Nam;
- Thư viện Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Phần lớn, phần nhiều thông tin mà chúng ta có được mỗi ngày là
thông qua "con đường" thị giác. Trong nhiều phương thức truyền
thông qua giác quan của con người, truyền thông thị giác (TTTG)
được cho là quan trọng nhất, thậm chí có thể thay thế hoặc hỗ trợ cho
các phương thức truyền thông khác. Về sức mạnh của TTTG, Paul
Martin Leter, tác giả cuốn Truyền thông thị giác: thông điệp với hình
ảnh, đã đưa ra một thống kê về khả năng ghi nhớ thông tin: chỉ có
10% thông tin được nhớ khi nghe, 20% nhớ khi đọc và 80% nhớ khi
quan sát và thực hành. TTTG quan trọng như vậy, nhưng đến thời
điểm hiện tại ở Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng công trình nghiên cứu
hay bài viết có liên quan đến TTTG, ở cả hai khía cạnh Mỹ thuật và
truyền thông.
TTTG là hình thức truyền tải một thông điệp hay cảm xúc nhất
định nào đó thông qua ngôn ngữ thị giác. Nói một cách cụ thể hơn,
chúng ta không sử dụng lời để nói chuyện với người xem, mà dùng
những hình ảnh, minh hoạ, màu sắc và bố cục...để diễn tả cảm xúc và
thông điệp. Thực tế hoạt động Mỹ thuật ứng dụng hay Mỹ thuật công
nghiệp ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đều liên quan đến
truyền thông - giao tiếp. Trong nhiều loại hình nghệ thuật thị giác,
TKĐH thể hiện rõ nhất chức năng truyền thông - giao tiếp, chức năng
truyền thông - giao tiếp đã trở thành yếu tố sống còn của TKĐH hiện
đại. Nghiên cứu TTTG từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại qua tạo
hình sẽ mang đến cái nhìn khái quát về TTTG Việt Nam ở mọi khía
cạnh, quá trình nghiên cứu đồng thời chỉ ra những thành tựu và hạn
chế của TKĐH Việt Nam ở góc độ TTTG, từ đó rút ra kinh nghiệm để
TKĐH Việt Nam hiện đại phát triển vững chắc hơn trong hiện tại và
mạnh mẽ trong tương lai.
2

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới, trong bối cảnh kinh tế, văn
hoá - xã hội có nhiều thuận lợi đã tạo động lực cho TKĐH phát triển.
TKĐH Việt Nam ở giai đoạn này đã hình thành một số thể loại mới
mà trước 1986 chưa hề xuất hiện như TKĐH: nhận diện tổ chức, cá
nhân, thương hiệu, sản phẩm... các hình thức đồ hoạ giao diện người
dùng. TKĐH, ngoài thiết kế phẳng và tĩnh như trước đây đã kết hợp
với thiết kế trong không gian và môi trường động. Bên cạnh những
thuận lợi nêu trên, TKĐH Việt Nam từ 1986 đến nay còn được hỗ trợ
tích cực từ khoa học công nghệ hiện đại và thành tựu của kỷ nguyên
Số hoá. Có thể khẳng định, bắt đầu từ 1986 TKĐH Việt Nam đã phát
triển theo hướng hiện đại, thể hiện rõ chức năng truyền thông - giao
tiếp, biểu hiện sinh động của TTTG. TKĐH Việt Nam hiện đại trở
thành bộ phận quan trọng của TTTG Việt Nam.
Nghiên cứu TTTG từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại là
hướng tiếp cận nghiên cứu mới, kết quả nghiên cứu phần nào bù đắp
sự thiếu hụt những công trình nghiên cứu TTTG hiện nay. Nhận thức
được ý nghĩa, vai trò quan trọng của TKĐH Việt Nam hiện đại trong
mối quan hệ với TTTG là động lực để nghiên cứu sinh (NCS) thực
hiện luận án tiến sĩ Truyền thông thị giác từ góc nhìn thiết kế đồ hoạ
Việt Nam hiện đại.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu để làm rõ ý nghĩa truyền thông thị giác qua tạo hình
của thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại đồng thời chỉ ra những thành
tựu, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án là: yếu tố truyền thông thị
giác được biểu đạt qua tạo hình của thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại.
3.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu tập trung chủ yếu vào những
TKĐH Việt Nam hiện đại xuất hiện từ năm 1986 đến nay. Nghiên cứu
3

tiến hành khảo sát một số thể loại điển hình như: logo, áp phích, bao
bì và web.
4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý thuyết: Trong trường hợp nghiên cứu TTTG từ góc
nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại liên quan đến hai lý thuyết: lý thuyết
Gestalt và lý thuyết Ký hiệu học.
4.2. Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương
pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu thứ cấp;
Phương pháp thống kê, phân loại; Phương pháp nghiên cứu liên
ngành.
5. Câu hỏi nghiên cứu
- Câu hỏi 1: Tại sao thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại được cho
là biểu hiện sinh động của truyền thông thị giác Việ Nam.
- Câu hỏi 2: Truyền thông thị giác được thể hiện thông qua
những yếu tố nào của thiết kế đồ hoạ.
- Câu hỏi 3: Nghiên cứu truyền thông thị giác từ góc nhìn thiết kế
đồ hoạ Việt Nam hiện đại cần làm rõ những nội dung gì.
6. Giả thuyết nghiên cứu
- Giả thuyết 1: Mối quan hệ giữa thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện
đại và truyền thông thị giác được thể hiện thông qua ngôn ngữ biểu
đạt và chức năng truyền thông - giao tiếp.
- Giả thuyết 2: Chỉ thông qua ngôn ngữ tạo hình và hình thức
biểu đạt của thiết kế đồ hoạ người xem cảm nhận được dấu hiệu
truyền thông thị giác.
- Giả thuyết 3: Ý nghĩa của dấu hiệu hoặc tập hợp các dấu hiệu
thị giác trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại mang ý nghĩa truyền
thông thị giác.
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
4

7.1. Ý nghĩa khoa học: Nghiên cứu khẳng định TKĐH Việt Nam
hiện đại là bộ phận quan trọng của TTTG Việt Nam. Nghiên cứu chỉ
ra hình thức biểu đạt của TKĐH Việt Nam hiện đại mang ý nghĩa
TTTG. Nghiên cứu xác định cơ sở lý luận liên quan đến nghiên cứu
TTTG nói chung trong đó có TTTG Việt Nam.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn: Công trình đầu tiên nghiên cứu liên quan
đến TTTG từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại. Kết quả nghiên cứu
có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong đào tạo và nghiên cứu
TTTG nói chung. Thông qua nghiên cứu đã chỉ ra những mặt mạnh và
hạn chế của TTTG Việt Nam từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại.
8. Cấu trúc của luận án
Luận án chia thành hai phần: chính văn 161 trang và phụ lục 29
trang. Ngoài phần mở đầu 8 trang, kết luận 6 trang, danh mục tài liệu
tham khảo 8 trang, nội dung của luận án gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận của
đề tài (44 trang).
Chương 2. Truyền thông thị giác qua tạo hình của thiết kế đồ hoạ
Việt Nam hiện đại (38 trang).
Chương 3. Truyền thông thị giác qua biểu đạt và tiếp nhận tín
hiệu thị giác trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại (46 trang).
Chương 4. Luận bàn những điểm mạnh và hạn chế của truyền
thông thị giác từ góc nhìn thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại (33 trang)
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Những công trình nghiên cứu của tác giả nước ngoài
- Công trình nghiên cứu liên quan đến truyền thông thị giác:
Cuốn Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu biên dịch, 2008), tập hợp
5

các bài viết từ năm 1954 đến 1956 của Roland Barthes liên quan đến
mã ký hiệu. Ông cùng với Ferdinad de Saussure và Charles Sanders
Peirce góp công hình thành lý thuyết ký hiệu học đương đại. Cuốn
Visual communication: Images With Massages (Truyền thông thị giác:
Hình ảnh với thông điệp, (2013) của Paul Martin Lester, một nghiên
cứu tổng hợp trên diện rộng những vấn đề liên quan đến TTTG. Nội
dung cuốn sách đã gợi mở hướng tiếp cận nghiên cứu TTTG ở góc
nhìn TKĐH. Cuốn, A History of Visual Communication Design
(Truyền thông thị giác một lịch sử), (2013) của hai tác giả Josef -
Muller Brockmann là công trình nghiên cứu tương đối toàn diện về
lịch sử TTTG. Cuốn Visual Thinking: Methods for making images
memorable (Tư duy thị giác: Nguyên tắc làm cho hình ảnh được ghi
nhớ), (1988) của Henry Wolf, nội dung cuốn sách xoay quanh vấn đề
tư duy và kỹ năng tạo dựng hình ảnh hấp dẫn về thị giác.
- Công trình nghiên cứu liên quan đến thiết kế đồ hoạ: Cuốn
Graphic Design A History (Lịch sử thiết kế đồ hoạ), (2012) của
Stephen J. Eskilson, một nghiên cứu chuyên sâu và đầy đủ nhất về
Lịch sử TKĐH. Kết hợp nội dung cuốn sách này với cuốn A History of
Visual Communication Design để nhận ra mối quan hệ giữa TKĐH và
TTTG. Cuốn Graphic Design Basics (Thiết kế đồ hoạ cơ bản), (2004)
của Amy e. Arntson là cuốn giáo khoa về TKĐH, lần đầu tiên đề cập
đến cảm nhận và nhận thức trong TKĐH. Tác giả nêu ra nhận định
quan trọng: “Giao tiếp là yếu tố sống còn của thiết kế đồ họa hiện
đại”. Richard Moore là một chuyên gia về TKĐH ở góc độ tiếp thị và
thiết kế, sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông đã xuất bản một số
cuốn sách liên quan đến thương hiệu: Marketting & Thiết kế (1995),
Thương hiệu dành cho Lãnh đạo (2004), Đầu tư cho Chiến lược Hình
ảnh Thương hiệu (2009).
1.1.2. Những công trình nghiên cứu của tác giả trong nước
6

- Công trình nghiên cứu liên quan đến truyền thông thị giác: Gồm
có một số công trình như cuốn sách 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hoá
(2008), (Bùi Quang Thắng chủ biên), trong đó có hai thuật ngữ liên
quan đến truyền thông được tác giả Bùi Hoài Sơn biên soạn: Truyền
thông đại chúng, Truyền thông (các mô hình). Nghiên cứu biểu tượng -
Một số hướng tiếp cận lý thuyết (2014) của Đinh Hồng Hải, phần viết
về Cấu trúc luận với nghiên cứu biểu tượng, tác giả chỉ ra lý thuyết
quan trọng là cấu trúc luận do nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure
đề xuất trong cuốn Ngôn ngữ học đại cương được mô hình hoá là Ký
hiệu = Cái biểu đạt và Cái được biểu đạt. Phần viết Nghiên cứu biểu
tượng từ góc nhìn ký hiệu học, đề cập sâu hơn về ký hiệu học trong việc
sử dụng cấu trúc luận và ký hiệu học nghiên cứu biểu tượng. Bài viết Sự
bất tiện nghi của hình ảnh (2016) của Trần Trọng Vũ đăng trên tạp chí
Mỹ thuật & Nhiếp ảnh (số 10, 2016), viết về triển lãm ảnh của nghệ sĩ
Laurent Branavon tại L'Espace - Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội.
Tác giả bài viết chỉ ra sự đặc biệt trong cách tiếp cận thị giác hình ảnh
của nghệ sĩ Laurent Branavon: là sự biến hoá - tồn tại và không tồn tại,
mặc dù nó hiện hữu.
- Công trình nghiên cứu liên quan đến thiết kế đồ hoạ: Luận án
tiến sĩ Thiết kế đồ hoạ Việt Nam trong mối liên hệ với Mỹ thuật truyền
thống (2016), của tác giả Nguyễn Hồng Ngọc và luận án tiến sĩ Giá trị
mỹ thuật của bao bì hàng hoá công nghiệp (2011) của tác giả Nguyễn
Thị Hợp, là hai công trình nghiên cứu liên quan đến những vấn đề
thuộc TKĐH. Cuốn sách Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa
Thăng Long – Hà Nội (2011) của hai tác giả Trần Lâm Biền và Trịnh
Sinh. Việc giới hạn những di sản văn hoá truyền thống trong khuôn
khổ của biểu tượng để nghiên cứu giá trị là cách tiếp cận hoàn toàn
mới của hai tác giả. Cuốn Tranh dân gian Việt Nam (1984) của
Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ. Mặc dù không đề cập đến yếu tố
7

TTTG, nhưng qua phân tích nội dung và ý nghĩa của các hình tượng,
gián tiếp các tác giả đã chỉ ra ý nghĩa TTTG trong tranh dân gian.
Cuốn sách Đồ họa cổ Việt Nam (2011), của Phan Cẩm Thượng, Lê
Quốc Việt và Cung Khắc Lược là cuốn sách đầu tiên tập hợp đầy đủ
các loại hình Đồ họa cổ và những vấn đề có liên quan đến đồ họa Việt
Nam. Với cách tiếp cận nghiên cứu các hiện vật là hướng đi mới, nhìn
nhận sự tồn tại của hiện vật để “truyền đi” một nội dung “giao tiếp”
chứ không đơn thuần để làm đẹp.
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Một số thuật ngữ và khái niệm liên quan
- Thuật ngữ Truyền thông: Truyền thông là quá trình trao đổi
thông điệp giữa các nhóm thành viên hay nhóm người trong xã hội
nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau. Trong trường hợp nghiên cứu đề
tài luận án, cách hiểu về thuật ngữ truyền thông: Truyền thông là hành
vi truyền đạt ý nghĩa từ một cá thể hay tập thể đến một cá thể hay tập
thể khác thông qua việc hiểu và sử dụng lẫn nhau dấu hiệu và quy tắc
ký hiệu học.
- Thuật ngữ Thị giác: Thị giác là khả năng nhìn được một đối
tượng hay sự vật trong môi trường ánh sáng, thông qua thị giác con
người cảm nhận các dấu hiệu như màu sắc, hình, không gian và
chuyển động của đối tượng, đó là các ý tưởng và thông tin trong các
hình thức có thể được đọc hoặc nhìn".
- Khái niệm Truyền thông thị giác: Truyền thông thị giác là một
khái niệm ghép từ hai thuạt ngữ: truyền thông và thị giác, trong tiếng
Anh gọi là Visual communication. Khi chuyển sang tiếng Việt, có một
sso cách gọi: Truyền thông thị giác, Giao tiếp thị giác, Truyền thông
hình ảnh hay Truyền thông trực quan. Trong nghiên cứu đề tài luận án
sẽ sử dụng visual communication là truyền thông thị giác.
8

Tham khảo một số định nghĩa, NCS nêu ra định nghĩa truyền
thông thị giác phù hợp với nội dung đề tài luận án: Truyền thông thị
giác là hình thức truyền tải một thông điệp hay cảm xúc nhất định nào
đó thông qua thị giác. Không sử dụng lời nói để nói chuyện với người
xem, mà dùng những hình ảnh, minh họa, màu sắc, bố cục...để diễn tả
cảm xúc và thông điệp. Trong truyền thông thị giác, một thông điệp
hình ảnh kết hợp với văn bản sẽ tạo nên một sức mạnh lớn hơn để
thông tin, giao tiếp, giáo dục hoặc thuyết phục một đối tượng hoặc
nhóm đối tượng nhận tin.
- Khái niệm Thiết kế đồ hoạ: Thiết kế đồ hoạ là những giải pháp
trên mặt phẳng hai chiều. Những lĩnh vực mới của thiết kế web và đồ
hoạ chuyển động mở rộng ra lĩnh vực 3 chiều (3D) và những ứng dụng
theo thời điểm 4 chiều (4D). Nền tảng quan trọng của TKĐH bao gồm
các yếu tố cơ bản của đồ hoạ và nguyên lý thiết kế. Một TKĐH được
cho là "tốt" phải có sự kết hợp hài hoà và chia sẻ lẫn nhau giữa các
nguyên lý thiết kế như: sự tương phản, sự cân bằng, nhịp điệu, và sự
thống nhất.
- Khái niệm Thiết kế đồ hoạ hiện đại: TKĐH hiện đại phản ánh
được sự tác động của công nghệ mới, sự kết hợp với máy tính, mối
quan hệ giữa phương tiện và thông điệp giao tiếp, tạo ra một hoặc một
nhóm sản phẩm có khả năng liên kết - kết nối với một đối tượng khác.
TKĐH hiện đại là giao tiếp bằng hình ảnh được phát triển trên nền
tảng TKĐH truyền thống hai chiều (2D) mở rộng ra lĩnh vực ba chiều
(3D) và những ứng dụng theo thời điểm bốn chiều (4D), trình bày
trong cả hai môi trường thực và ảo.
- Khái niệm Nhận thức thị giác: Nhận thức thị giác là một dạng
của nhận thức cảm tính, đi từ cảm nhận dấu hiệu thị giác đến lựa chọn
và thông qua một số hoạt động tinh thần để nhận thức ý nghĩa. Nhận
9

thức thị giác là sự nhận thức thực tại khách quan một cách cụ thể, trực
tiếp bằng giác quan thị giác.
1.2.2. Khái quát về thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại từ 1986
đến nay
TKĐH Việt Nam hiện đại ở giai đoạn này được ghi nhận thành
công ở thể loại thiết kế logo, trong rất nhiều thiết kế logo được sử
dụng rộng rãi phải kể đến logo Petrorimex (1989) của Vũ Hiền. Sự ra
đời logo Petrorimex, đồng thời hình thành một loạt của hàng bán lẻ
Xăng dầu trên cả nước được quy chuẩn về bảng hiệu, màu sắc, kiểu
chữ, thiết kế nội thất, trang phục và thẻ nhân viên... đó là lý do để
đánh giá logo Petrorimex mang tính thương mại đầu tiên ở Việt Nam -
biểu hiện sinh động TKĐH hiện đại. Ngoài thiết kế logo, các hình
thức TKĐH quảng cáo như áp phích giới thiệu và quảng cáo sản
phẩm, bao bì, tờ rơi, tờ gấp...cũng phát triển mạnh mẽ. TKĐH ở giai
đoạn này chuyển dần theo hướng truyền thông - giao tiếp. Bắt đầu từ
năm 1986, máy tính hỗ trợ TKĐH xuất hiện ở Việt Nam, đã tạo nên
một cuộc "cách mạng" thực sự trong việc sử dụng chữ và hình ảnh
trong TKĐH nó rút ngắn thời gian tổng hợp, trình bày và liên kết các
thành phần của một sản phẩm TKĐH. Sự tham gia của máy tính và số
hoá vào quá trình TKĐH đã thúc đẩy các loại hình TKĐH quảng cáo
tấm lớn phát triển, bao gồm cả quảng cáo động. Đồng thời trong
TKĐH xuất hiện thuật ngữ thiết kế đồ hoạ đồng bộ và thiết kế đồ hoạ
hệ thống nhận diện để tạo dựng hình ảnh đại diện cho tổ chức, cá
nhân, sản phẩm... Hai dạng thức thiết kế này xuất hiện cho thấy
TKĐH đã quan tâm đến liên kết các thành phần đơn lẻ thành một hệ
thống nhất quán về hình thức và nội dung, thể hiện rõ chức năng
truyền thông - giao tiếp. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, TKĐH Việt
Nam đã tham gia thiết kế một số thể loại mới như: TKĐH giao diện
người dùng, thiết kế web, thiết kế game, đồ hoạ chuyển động, TKĐH
10

thông tin, được thể hiện trong cả môi trường tĩnh và động, là những
thể loại trước đây chưa từng xuất hiện ở Việt Nam.
1.2.3. Mối quan hệ giữa thiết kế đồ hoạ và truyền thông thị giác
- Mối quan hệ trong ngôn ngữ biểu đạt: Từ những dấu hiệu: màu
sắc, hình, không gian và chuyển động trong tạo hình của TKĐH người
xem cảm nhận dấu hiệu TTTG. Ý nghĩa TTTG trong TKĐH được
hình thành trong tâm trí người xem bắt đầu từ những dấu hiệu cảm
nhận đầu tiên.
- Mối quan hệ trong chức năng truyền thông - giao tiếp: TKĐH
đang phát triển theo định hướng truyền thông và giao tiếp, chức năng
truyền thông và giao tiếp của TKĐH thể hiện ở khả năng trao đổi
thông tin qua hình ảnh - là dạng thức một thông điệp truyền thông.
1.2.4. Lý thuyết áp dụng
- Lý thuyết Gestalt đề cập đến nội dung: mắt con người ghi nhận
tất cả các kích thích thị giác, trong khi não sắp xếp các cảm giác đó
thành một hình ảnh nhất quán. Nếu không có một bộ não liên kết các
yếu tố cảm giác bộ phận, hiện tượng toàn bộ sẽ không diễn ra. Quan
điểm này được cụ thể bằng bốn nguyên tắc hay còn gọi là luật Gestalt
đó là: giống nhau, tiệm cận, liên tục, và số phận chung.
- Ký hiệu học là lý thuyết nhận thức của nhận thức thị giác, nó được
coi là lý thuyết định hướng trong nghiên cứu TTTG, ký hiệu học là
nghiên cứu khoa học của dấu hiệu. Nghiên cứu về ký hiệu học trong
TKĐH chỉ ra mỗi tín hiệu đều chứa ý nghĩa thông điệp truyền thông, cho
dù là chữ hay hình ảnh. Thông qua ký hiệu học để thấy được tính chất của
tín hiệu thị giác và vai trò của các mã tín hiệu thị giác trong chức năng
truyền thông - giao tiếp từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại.

Tiểu kết
11

Mặc dù TKĐH Việt Nam đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ
khác nhau. Tuy nhiên, hoàn toàn thiếu vắng những nghiên cứu để cập
đến TTTG trong TKĐH, trong khi đó TKĐH Việt Nam đã và đang
phát triển theo hướng truyền thông và giao tiếp, là biểu hiện sinh động
về TTTG. Nghiên cứu TTTG từ góc nhìn TKĐH, nguồn tài liệu hỗ trợ
chủ yếu là gián tiếp hoặc có nội dung gần.
Việc xác định một số thuật ngữ, khái niệm có liên quan là cơ sở
để xác định hướng tiếp cận nghiên cứu và lý thuyết áp dụng. Trong
nhiều lý thuyết liên quan đến nghiên cứu truyền thông, có hai lý thuyết
liên quan trực tiếp đến nghiên cứu TTTG là: lý thuyết Gestalt và lý
thuyết Ký hiệu học. TKĐH Việt Nam hiện đại là đối tượng nghiên cứu
của TTTG trong nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, việc khái quát về
TKĐH Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay và xác định mối quan hệ
giữa TKĐH với TTTG là cần thiết.
Chương 2
TRUYỀN THÔNG THỊ GIÁC QUA TẠO HÌNH
CỦA THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
2.1. Dấu hiệu truyền thông thị giác thông qua ngôn ngữ tạo
hình trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại.
2.1.1. Dấu hiệu truyền thông thị giác từ yếu tố màu sắc trong
thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
Dấu hiệu TTTG từ yếu tố màu sắc trong TKĐH được hình thành
từ ba phương pháp mô tả màu sắc: Phương pháp khoa học, phương
pháp so sánh và phương pháp chủ quan.
2.1.2. Dấu hiệu truyền thông thị giác từ yếu tố hình trong thiết
kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
Trong cảm nhận TTTG, ngoài dấu hiệu màu sắc bộ não phản ứng
với những thuộc tính phổ biến của hình, gồm ba hình thức: điểm,
đường, và hình dạng.
12

2.1.3. Dấu hiệu truyền thông thị giác từ yếu tố không gian trong
thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
Yếu tố không gian trong tạo hình của TKĐH nhìn ở góc độ TTTG
không đơn thuần mang ý nghĩa không gian "cơ học", không gian còn
hàm chứa chiều sâu ý nghĩa TTTG. Yếu tố không gian trong tạo hình
của TKĐH giúp người xem phân biệt đối tượng được cho là quan trọng.
Không gian hỗ trợ nhận thức ý nghĩa TTTG qua tạo hình trong TKĐH
bao gồm: không gian, kích thước, màu sắc, ánh sáng, kết cấu, can thiệp,
thời gian, và phối cảnh.
2.1.4. Dấu hiệu truyền thông thị giác từ yếu tố chuyển động
trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
Các dấu hiệu màu sắc, hình và không gian tham gia vào sự
chuyển động để tạo nên những phẩm chất cơ bản của hình ảnh, làm
cho các tế bào trong vỏ não đáp ứng thị giác một cách nhanh chóng
với một kích thích. Nghiên cứu TTTG từ góc nhìn TKĐH liên quan
đến hai loại chuyển động: chuyển động đồ hoạ và chuyển động ngụ ý.
Chuyển động đồ hoạ do người làm TKĐH chủ động thiết lập, để buộc
mắt người xem phải di chuyển theo. Chuyển động ngụ ý hay còn là
chuyển động ngầm được hình thành bởi người xem tự cảm nhận một
hình ảnh duy nhất trong sự yên tĩnh của mắt.
2.2. Truyền thông thị giác từ các tập hợp dấu hiệu thị giác
qua tạo hình của thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
2.2.1. Truyền thông thị giác từ các tập hợp dấu hiệu thị giác
giống nhau và không giống nhau trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam
hiện đại
Luật - giống nhau trong lý thuyết Gestalt cho rằng những dấu
hiệu tương tự sẽ được tự động nhóm lại bởi bộ não. Sự giống nhau
hoặc khác nhau của các dấu hiệu thị giác đến từ màu sắc, hình dạng,
kích thước, cấu trúc, giá trị, và hướng.
13

2.2.2. Truyền thông thị giác từ các tập hợp dấu hiệu thị giác
tiệm cận và không tiệm cận trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam hiện đại
Sự tiệm cận trong cảm nhận dấu hiệu TTTG là người xem liên
kết chặt chẽ hơn với những đối tượng ở gần nhau hơn là những đối
tượng xa. Tương tự như vậy, trong TKĐH hai yếu tố đứng gần nhau
sẽ được xem là liên quan gần gũi hơn so với một yếu tố ở cách đó rất
xa. Tiệm cận cũng là một yếu tố thị giác phản ánh về không gian do
người xem tưởng tượng.
2.2.3. Truyền thông thị giác từ các tập hợp dấu hiệu thị giác kết
nối liên tục và không kết nối liên tục trong thiết kế đồ hoạ Việt Nam
hiện đại
Bộ não không thích sự thay đổi đột ngột hoặc bất thường trong
một dòng chuyển động của mắt. Nói cách khác, não tìm càng nhiều
càng tốt sự tiếp nối trơn tru của một chuyển động đồ hoạ hay ngụ ý
trong TKĐH để hình dung về ý nghĩa. Các dòng chuyển động hình
thành có thể là một hình minh hoạ, hoặc một số đối tượng được sắp
xếp cùng nhau theo một đường tưởng tượng. Người xem quan tâm đến
những đối tượng thuộc về một dòng liên tục và tách ra về mặt tinh
thần với những đối tượng không thuộc dòng đó.
2.2.4. Truyền thông thị giác từ các tập hợp dấu hiệu thị giác có
chung đặc điểm và không có chung đặc điểm trong thiết kế đồ hoạ
Việt Nam hiện đại
Trong TKĐH, nhà thiết kế sử dụng các yếu tố đồ hoạ có chung
đặc điểm về màu sắc, hình, không gian và chuyển động để hướng tâm
trí người xem đến nội dung chính của thông điệp truyền thông. Tuy
nhiên, một trong số những yếu tố đó không có cùng đặc điểm sẽ tạo
nên sự căng thẳng cho người xem, bởi họ không nhìn thấy nó như là
một phần của toàn bộ đang phát triển theo một định hướng.
Tiểu kết
14

Chương 2, trình bày hai nội dung quan trọng là tiền đề để người
xem hiểu được ý nghĩa TTTG trong TKĐH nói chung và TKĐH Việt
Nam hiện đại nói riêng, đó là vai trò của dấu hiệu và tập hợp dấu hiệu
thị giác liên quan đến yếu tố TTTG qua tạo hình của TKĐH Việt Nam
hiện đại. Dấu hiệu TTTG trong TKĐH được người xem tiếp nhận
thông qua phản ứng thị giác vỏ não với bốn thuộc tính căn bản là: màu
sắc, hình, không gian và chuyển động Dấu hiệu đầu tiên mới chỉ là
những ám hiệu có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau. Lý thuyết Gestalt
chỉ ra bốn luật thị giác trong việc liên kết các dấu hiệu thị giác đơn lẻ
thành những tập hợp dấu hiệu thị giác có sự giống nhau, sự tiệm cận,
sự liên tục, và đặc điểm chung. Sự liên kết các dấu hiệu thị giác theo
nguyên tắc Gestalt thực chất diễn ra một cách bản năng và tự động.
Các nhà TKĐH thường hay sử dụng hiệu ứng "bẻ cong" những luật
này, để tạo nên những hình ảnh đặc biệt và đáng nhớ. Bốn luật Gestalt
là quan trọng với người xem để hiểu ý nghĩa một thông điệp TTTG
trong TKĐH - hiểu ý nghĩa của yếu tố thành phần sẽ giúp người xem
hiểu rõ hơn toàn bộ ý nghĩa của thông điệp TTTG.
Chương 3
TRUYỀN THÔNG THỊ GIÁC QUA BIỂU ĐẠT VÀ TIẾP NHẬN
TÍN HIỆU THỊ GIÁC TRONG THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ VIỆT NAM
HIỆN ĐẠI
3.1. Truyền thông thị giác qua tính chất của tín hiệu thị giác
3.1.1. Truyền thông thị giác qua tính hình tượng của tín hiệu
thị giác
Tín hiệu mang tính hình tượng, đơn giản là để giải thích cho tất
cả những điều có ý nghĩa mà nó đại diện. Ví dụ, hình mũi tên là gần
giống với ý nghĩa chỉ "phương hướng" mà hình mũi tên làm đại diện.
Trong xã hội tiêu dùng hiện đại, TKĐH đang hướng đến sự tối giản
15

bằng cách sử dụng nhiều hơn những tín hiệu mang tính hình tượng để
giao tiếp với người xem.
3.1.2. Truyền thông thị giác qua tính chỉ dẫn của tín hiệu thị
giác
Tính chất của tín hiệu mang tính chỉ dẫn là sự kết nối thông
thường và hợp lý với những ý nghĩa hay ý tưởng mà nó đại diện, nó
không phải là sự tương đồng trực tiếp với đối tượng. Do đó việc giải
thích ý nghĩa một tín hiệu thị giác mang tính chỉ dẫn thường là khó và
mất nhiều thời gian hơn so với dấu hiệu mang tính hình tượng. Dấu
hiệu thị giác mang tính chỉ dẫn trong TKĐH để người xem chuyển đổi
tín hiệu nhìn thấy sang ý nghĩa khác.
3.1.3. Truyền thông thị giác qua tính biểu tượng của tín hiệu
thị giác
Loại thứ ba của tín hiệu thị giác là trừu tượng nhất. Các tín hiệu
không có sự kết nối hợp lý hoặc cùng cách biểu đạt cho những ý nghĩa
mà nó đại diện. Vì lý do đó, các yếu tố văn hoá, xã hội ảnh hưởng
nhiều đến ý nghĩa tín hiệu mang tính biểu tượng. Từ ngữ, con số, màu
sắc, cử chỉ, cờ, trang phục, âm nhạc và các hình ảnh tôn giáo tất cả
đều được coi là biểu tượng. Bởi vì những biểu tượng thường có gốc rễ
sâu xa trong văn hoá của một nhóm đối tượng cụ thể, với ý nghĩa được
truyền từ đời này qua đời khác. Tín hiệu mang tính biểu tượng có ý
nghĩa hơn tín hiệu mang tính hình tượng và chỉ dẫn.
3.2. Truyền thông thị giác qua các mã tín hiệu thị giác
Tất cả các yếu tố tạo nên một thông điệp hình ảnh trong TKĐH
Việt Nam, cho dù là dẫn dắt chính hay chỉ hỗ trợ đều được diễn ra cùng
một thời điểm trong mắt người xem, họ tự do xem xét chúng trong bất
kỳ thứ tự nào. Mỗi bộ phận là một liên kết tạo thành một chuỗi các ý
nghĩa, sự liên kết đó được gọi là mã, mỗi mã là sự pha trộn của nhiều ý
tưởng và yếu tố. Vai trò của mã trong TKĐH nói chung là để biểu đạt
16

và giải thích ý nghĩa của các tín hiệu thị giác, sự tổng hoà ý nghĩa các
tín hiệu thị giác truyền tải ý nghĩa một thông điệp truyền thông hay nói
cách khác đó chính là cái được biểu đạt thông qua tạo hình của TKĐH.
Lý thuyết ký hiệu học chỉ ra bốn loại mã: mã hoán dụ, mã tương tự, mã
hoán vị và mã súc tích. Trong TKĐH, vai trò của các mã tín hiệu thị
giác trong biểu đạt ý nghĩa TTTG rất ít khi xuất hiện đơn lẻ mà thường
kết hợp cùng nhau hoặc tự thân trong mỗi hình thức mã đã ẩn chứa vai
trò của các mã tín hiệu khác. Mã hoán dụ là một nhóm tín hiệu thị giác
cho người xem giả định về ý nghĩa về những gì họ nhìn thấy. Bằng cách
đó mã hoán dụ liên quan nhiều đến tính chất chỉ dẫn của tín hiệu thị
giác. Mã tương tự là một nhóm tín hiệu thị giác để người xem so sánh
trong tâm trí, nó hỗ trợ đến ký ức và liên tưởng. Mã hoán vị, bất cứ khi
nào có một chuyển đổi ý nghĩa từ các nhóm tín hiệu thị giác, một mã
hoán vị được sử dụng. Mã súc tích, trong nhiều khía cạnh là loại mã thú
vị nhất. Mã súc tích, là một nhóm tín hiệu thị giác kết hợp lại để tạo
thành một thông điệp hỗn hợp mới.
3.3. Tiếp nhận truyền thông thị giác và các yếu tố tác động
Người xem nhìn được và hiểu ý nghĩa đúng của đối tượng là
thông qua một số hoạt động tinh thần như: ký ức, đối chiếu, kỳ vọng,
chọn lọc, quen thuộc, sự nổi bật, sự hoà hợp, văn hoá, và ngôn ngữ.
3.3.1. Ký ức trong tiếp nhận truyền thông thị giác
Ký ức là hoạt động tinh thần quan trọng nhất liên quan đến tiếp
nhận chính xác ý nghĩa TTTG trong TKĐH, ký ức tạo sự liên kết thực
tại với tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ bao gồm cả hình ảnh
của đối tượng. Ký ức là hoạt động tinh thần đầu tiên diễn ra trong quá
trình nhận thức ý nghĩa TTTG. Trong một TKĐH, nếu ở đó không có
những tín hiệu thị giác làm cho người xem liên hệ với quá khứ hoặc
những gì đã từng trải nghiệm, họ sẽ nhanh chóng bỏ qua.
3.3.2. Sự so sánh trong tiếp nhận truyền thông thị giác
17

Con người thường hình thành những đặc điểm, tính cách của đối
tượng nhìn thấy thông qua các hình dạng kỳ quặc do cảm nhận hay
nghĩ đến từ đó trạng thái tinh thần so sánh với ký ức hình thành tổng
quát về đối tượng đó.
3.3.3. Sự kỳ vọng trong tiếp nhận truyền thông thị giác
Sự kỳ vọng là hoạt động tinh thần của người xem xảy ra trước khi
họ nhìn thấy một sản phẩm TKĐH hoặc một đối tượng trong thực tế.
Người xem thường kỳ vọng quá nhiều vào một hình ảnh hoặc tên gọi
của sản phẩm... trước khi nó xuất hiện, do vậy thường dẫn đến nhận
thức sai hoặc bỏ qua ý nghĩa đích thực của thiết kế.
3.3.4. Sự lựa chọn trong tiếp nhận truyền thông thị giác
Hầu hết những gì mọi người nhìn thấy từ một thông điệp hình
ảnh là một trải nghiệm thị giác phức tạp, nó không phải là một phần
của phản ứng có ý thức, nó hoàn toàn vô thức và tự động, do đó một
số lượng lớn các tín hiệu thị giác nhập vào và rời khỏi tâm trí người
xem mà không được xử lý. Người xem thường chỉ tập trung vào
những chi tiết quan trọng trong hình ảnh. Khi mắt tìm thấy đối tượng
được cho là quan trọng hoặc được kỳ vọng, tâm trí người xem đột
nhiên bị gắn chặt vào đối tượng đó và thường bỏ qua những đối tượng
khác cũng góp phần làm nên ý nghĩa của thông điệp TTTG.
3.3.5. Yếu tố văn hoá và ngôn ngữ trong tiếp nhận truyền thông
thị giác
Văn hoá có liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống con người
thông qua các hoạt động như nói chuyện, trang phục, ẩm thực, ứng sử
xã hội, thực hành tôn giáo, các biểu tượng tôn giáo, quốc huy và quốc
kỳ, một kiểu tóc, trang phục...tất cả đều có ý nghĩa riêng và hàm chứa
yếu tố văn hoá. Yếu tố văn hoá - văn hoá truyền thống sử dụng trong
TKĐH cho mục đích truyền thông giao tiếp là nhân tố tác động mạnh
đến hoạt động tinh thần, làm cho đối tượng tiếp nhận thông điệp thuận
18

lợi trong việc liên hệ với ký ức. Tín hiệu mang yếu tố văn hoá thường
là tín hiệu nổi bật nên được lựa chọn đầu tiên bởi sự quen thuộc và dễ
hoà hợp để từ đó liên tưởng với những gì đã biết. Yếu tố văn hoá, giúp
cho nhà thiết kế mã hoá thông điệp thuận lợi, người nhận thông điệp
có khả năng giải mã nhanh hơn để nhận thức ý nghĩa sâu sắc và ghi
nhớ lâu hơn thông điệp truyền thông. Mặc dù mọi thứ người xem nhìn
thấy bằng đôi mắt, những hầu hết mọi người suy nghĩ bắt đầu từ ngôn
từ, chữ viết và ngôn ngữ là bước đầu tiên để con người hình dung về
hình ảnh. Do đó, ngôn ngữ giống như bộ nhớ và văn hoá tác động đến
hiểu biết sâu sắc của con người và ghi nhận giá trị tiếp theo của hình
ảnh. Một trong những hình thức mạnh nhất để biểu đạt TTTG trong
TKĐH là ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh.
Tiểu kết
Chương 3. nghiên cứu yếu tố TTTG qua biểu đạt và tiếp nhận tín
hiệu thị giác trong TKĐH Việt Nam hiện đại. Nội dung nghiên cứu
xoay quanh những vấn đề liên quan tín hiệu thị giác, là nhân tố quan
trọng tạo nên ý nghĩa TTTG. Một dấu hiệu thị giác chỉ trở thành tín
hiệu thị giác khi trong đó mỗi dấu hiệu có hàm chứa cái biểu đạt + cái
được biểu đạt hay nói đơn giản hơn đó là hình thức + nội dung của tín
hiệu thị giác. Nội dung đầu tiên của chương 3, nghiên cứu về cái biểu
đạt TTTG ở hai khía cạnh là tính chất của các tín hiệu thị giác và vai
trò của các mã tín hiệu thị giác. Lý thuyết ký hiệu học chỉ ra ba loại
khác nhau của tín hiệu thị giác mang tính chất: tín hiệu thị giác biểu
đạt tính chất hình tượng, tín hiệu thị giác biểu đạt tính chỉ dẫn, tín hiệu
thị giác biểu đạt tính hình tượng. Thông qua tính chất của tín hiệu thị
giác để đối tượng tiếp nhận thông điệp TTTG giả định về ý nghĩa của
các tín hiệu thị giác nhìn thấy - chưa phải ý nghĩa đúng. Nội dung thứ
hai, nghiên cứu đề cập đến TTTG biểu hiện qua các mã tín hiệu trong
TKĐH Việt Nam hiện đại. Mỗi cá nhân thường hình thành ý nghĩa của
19

các tín hiệu rất khác nhau, và thường liên kết ý nghĩa đơn lẻ của tín
hiệu cho toàn thể ý nghĩa của thông điệp TTTG, trong khi đó mỗi tín
hiệu là một chuỗi các ý nghĩa. Chính vì vậy, ký hiệu học chỉ ra khái
niệm mã bao gồm: mã tương tự, mã hoán vị, và mã súc tích để lý giải
những hình thái khác nhau của tín hiệu trong việc biểu đạt ý nghĩa
TTTG để xác định ý nghĩa đúng. Nội dung thứ ba, nghiên cứu đề cập
đến quá trình tiếp nhận TTTG và các yếu tố tác động. Thông qua tính
chất của tín hiệu và vai trò của các mã tín hiệu người xem dần hình
thành ý nghĩa TTTG, quá trình hình thành và nhận thức ý nghĩa TTTG
ở người xem phải thông qua một số hoạt động tinh thần có liên quan
đến vai trò của: ký ức, sự so sánh, sự kỳ vọng, sự lựa chọn, yếu tố văn
hoá và ngôn ngữ.
Chương 4
LUẬN BÀN NHỮNG ĐIỂM MẠNH VÀ HẠN CHẾ
CỦA TRUYỀN THÔNG THỊ GIÁC TỪ GÓC NHÌN
THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Nghiên cứu cho thấy TKĐH Việt Nam hiện đại đã và đang phát
triển theo định hướng truyền thông - giao tiếp. Điểm mạnh chung nhất
của TKĐH Việt Nam trong mấy chục năm qua là sự đóng góp to lớn
của TKĐH vào quá trình phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội. Điểm
hạn chế lớn nhất của TKĐH, đến từ chính thế mạnh của nó là truyền
thông - giao tiếp, lý do hạn chế có nguyên nhân chủ quan và khách
quan. Từ góc nhìn cá nhân, lịch sử, kỹ thuật, đạo đức và văn hoá để
chỉ ra những thành tựu, hạn chế và kinh nghiệm rút ra.

4.1. Điểm mạnh và hạn chế từ góc nhìn cá nhân


Lần đầu tiên khi tiếp cận với một sản phẩm TKĐH hầu hết người
xem đều đưa ra một kết luận nhanh chóng về hình ảnh mà họ cảm
nhận, nó hoàn toàn dựa trên một phản ứng cá nhân. Tuy nhiên, quan
20

điểm mang tính cá nhân đó hết sức quan trọng, bởi nó "tiết lộ" nhiều
vấn đề về người đưa ra ý kiến và đối tượng được hỏi ý kiến. Thông
qua góc nhìn cá nhân, cho thấy một TKĐH cho mục đích TTTG đạt
hiệu quả phụ thuộc nhiều vào khả năng giải mã thông điệp của người
xem và kỹ năng mã hoá thông điệp của nhà thiết kế, tương ứng với bối
cảnh kinh tế - văn hoá, xã hội nơi thông điệp TTTG đó được trình bày.
4.2. Điểm mạnh và hạn chế từ góc nhìn lịch sử
Mỗi TKĐH được trình bày, từ kiểu chữ đến hình ảnh đều có một
hoàn cảnh lịch sử độc đáo được thiết lập trong sự nỗ lực và sáng tạo
không ngừng của nhà thiết kế để thúc đẩy một phương tiện truyền
thông. TKĐH cho mục đích TTTG, ở khía cạnh lịch sử luôn cho thấy
xu hướng kỹ thuật được áp dụng, quan điểm đạo đức, quan điểm nghệ
thuật của nhà thiết kế và người xem trong quá khứ.
4.3. Điểm mạnh và hạn chế từ góc nhìn kỹ thuật
Với sự hiểu biết về các kỹ thuật liên quan đến việc trình bày một
TKĐH cho mục đích truyền thông, là cơ sở để các nhà thiết kế xác
định mức độ cần thiết về kỹ thuật áp dụng, phương pháp tiếp cận hay
vấn đề tài chính phù hợp với nội dung và mục đích của công việc
truyền thông. Việc xác định một TKĐH “đẹp” sẽ luôn là vấn đề khó
khăn, sự quyết đoán thường mang tính chủ quan. Đôi khi giá trị của
một TKĐH cho mục đích TTTG sẽ thay đổi theo thời gian và thường
khác nhau giữa các nền văn hoá. Trong tổng hòa các yếu tố tạo nên
một TKĐH, hầu hết các nhà thiết kế đều dựa trên bốn gợi ý phổ quát
để hướng đến một thiết kế “tốt” đó là: tương phản, cân bằng, nhịp
điệu, và thống nhất. Mỗi một sản phẩm TKĐH Việt Nam hiện đại luôn
có một lý do rõ ràng và nhất quán để sử dụng một trong bốn gợi ý này.
4.4. Điểm mạnh và hạn chế từ góc nhìn đạo đức
Đánh giá ý nghĩa tích cực về đạo đức từ một thông điệp TTTG
trong TKĐH Việt Nam hiện đại để chỉ ra những gì có liên quan đến
21

đạo đức chuẩn mực, là phù hợp với môi trường văn hoá - xã hội của
người xem. Một TKĐH cho mục đích TTTG phải cân bằng ba cách
tiếp cận khác nhau: chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa khoái lạc, và chiết
trung. Triết lý của chủ nghĩa vị lợi nhấn mạnh những lợi ích giáo dục,
với thông điệp hình ảnh đó là dễ xem, rõ ràng và hữu ích với số đông.
Tập trung quá vào triết lý khoái lạc có thể dẫn đến các thiết kế thu hút
sự chú ý chỉ vì mục đích thỏa mãn các lợi ích thương mại, gây sốc cho
người xem hoặc trình bày một quan điểm mang tính cá nhân. Giữa hai
thái cực này là phương pháp tiếp cận chiết trung, ủng hộ quyết định
thiết kế dựa trên một “trung gian” giữa hai kiểu trình bày cực đoan.
4.5. Điểm mạnh và hạn chế từ góc nhìn văn hoá
Nhận thức ý nghĩa TTTG trong TKĐH Việt Nam hiện đại ở góc
nhìn văn hoá có liên quan đến việc nhận dạng đối tượng được biểu
tượng hoá và tính ẩn dụ, tính ẩn dụ của biểu tượng hoá sử dụng trong
một hình ảnh mang tính thông điệp để xác định ý nghĩa của nó đối với
xã hội. Những tín hiệu thị giác được cho là biểu tượng hoá được sử
dụng phổ biến trong TKĐH thường là những anh hùng, người nổi
tiếng, hình mẫu văn hoá, thái độ văn hoá, phong cách nghệ thuật, cách
sử dụng ngôn từ... Những điểm mạnh và hạn chế của yếu tố TTTG
trong TKĐH Việt Nam hiện đại từ góc nhìn văn hoá còn được xem xét
trong sự ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, đặc biệt
là các trào lưu nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại và sau này là thời
kỳ số hoá (1984 đến nay).

Tiểu kết
Nội dung chương 4 tập trung phân tích những điểm mạnh, hạn
chế của TTTG từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại và kinh nghiệm
rút ra. Mỗi cá nhân có thể có quan điểm khác nhau về ý nghĩa thông
điệp TTTG, phải vượt qua những quan điểm mang tính cá nhân để rút
22

ra kết luận chung về môi trường, văn hoá, bối cảnh lịch sử mà từ đó
thông điệp TTTG được hình thành. Lĩnh vực TTTG có liên quan đến
lịch sử phát triển các phương tiện truyền thông, thực tế cho thấy hoạt
động TTTG đã thay đổi rất nhanh bằng việc áp dụng phương tiện
truyền thông mới. Từ góc nhìn lịch sử để hình dung về quá khứ và
nhận thấy biểu hiệu TTTG trong TKĐH ngày nay đều có sự tiếp nối từ
trong quá khứ. Ở góc độ kỹ thuật, một TKĐH được đánh giá "tốt" hay
"không tốt" ở khía cạnh TTTG có liên quan đến các yếu tố căn bản
như: tương phản, cân đối, nhịp điệu và thống nhất. Quan điểm đạo đức
ảnh hưởng đến nhận thức TTTG, cách cư sử của người xem cũng như
nhà thiết kế dựa trên những quy phạm đạo đức để từ đó rút ra những
kinh nghiệm.
Yếu tố văn hoá tác động đến quá trình tiếp nhận TTTG trong
TKĐH có liên quan đến việc sử dụng hình thức tín hiệu được biểu
tượng hoá và tính ẩn dụ của nó. Trong thời đại toàn cầu hoá, sự tiếp
biến văn hoá là xu hướng tất yếu của cả nhân loại, và Việt Nam không
phải là ngoại lệ. Các trào lưu nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại và thời
ký Số hoá tác động nhiều đến TKĐH Việt nam hiện đại, mang đến cho
TKĐH Việt Nam sự "khởi sắc", tạo ra nhiều sản phẩm vượt lên những
quan niệm xưa cũ. Bên cạnh những thành tựu đạt được, TKĐH Việt
Nam ở góc nhìn văn hoá cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục
như việc quá "dễ dãi" trong sử dụng hình thức biểu tượng hoá, sử
dụng "ngôn ngữ" bao gồm cả hình thức nghệ thuật và ngôn từ xa lạ
với đại đa số nhân dân hay những vi phạm pháp lý về bản quyền,
quyền tác giả…
KẾT LUẬN
TKĐH, một loại hình nghệ thuật thị giác tạo nên những hình ảnh
giao tiếp phức tạp về hình thức và nội dung, hình ảnh trong TKĐH
luôn chứa đựng nhiều tín hiệu thị giác. Mọi hoạt động TKĐH Việt
Nam hiện tại đều liên quan đến TTTG, đã có nhiều nghiên cứu về
23

TKĐH ở các khía cạnh khác nhau nhưng hoàn toàn thiếu vắng công
trình nghiên cứu TKĐH ở khía cạnh TTTG. Nghiên cứu TTTG từ góc
nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại sẽ mang đến cái nhìn bao quát nhất về
TTTG Việt Nam.
Chương 1, luận án trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ
sở lý luận. Đến thời điểm hiện tại, không có công trình nghiên cứu hay
bài viết liên quan trực tiếp đến nội dung đề tài luận án mà chủ yếu là
những công trình nghiên cứu liên quan gián tiếp. Cơ sở lý luận đã xác
định một số thuật ngữ, khái niệm có liên quan đến quá trình nghiên
cứu, như thuật ngữ: truyền thông, thị giác và một số khái niệm như:
truyền thông thị giác, thiết kế đồ hoạ, thiết kế đồ hoạ hiện đại và nhận
thức thị giác. Ngoài ra, trong phần cơ sở lý luận còn trình bày một số
nội dung khác như: khái quát về TKĐH Việt Nam hiện đại từ 1986
đến nay; mối quan hệ giữa TKĐH và TTTG; lý thuyết Gestalt và lý
thuyết Ký hiệu học áp dụng trong trường hợp nghiên cứu.
Chương 2, nghiên cứu về TTTG qua tạo hình của TKĐH Việt
Nam hiện đại. Người xem phản ứng nhanh và dễ dàng nhất với bốn
thuộc tính: màu sắc, hình, chuyển động và không gian. Từ những tín
hiệu cảm nhận được người xem tự động liên kết thành một chuỗi
những tín hiệu thị giác có biểu hiện: giống nhau, tiệm cận, liên tục và
đặc điểm chung, lý thuyết Gestalt gọi đó là luật. Lý thuyết Gestalt cho
thấy mắt chỉ tham gia trong tất cả những kích thích thị giác, trong khi
não phân loại và sắp xếp các tín hiệu cảm nhận được thành một hình
ảnh nhất quán. Ý nghĩa biểu đạt từ các liên kết tín hiệu thị giác do tâm
trí người xem nhóm lại mang ý nghĩa của thông điệp hình ảnh trong
TKĐH. Một kết luận quan trọng của lý thuyết Gestalt: Toàn bộ là
khác so với tổng các bộ phận hay nói cách khác: Ý nghĩa toàn bộ lớn
hơn tổng ý nghĩa các bộ phận.
24

Chương 3, nghiên cứu TTTG qua biểu đạt và tiếp nhận tín hiệu
thị giác trong TKĐH Việt Nam hiện đại. Ý nghĩa mà người xem nhận
thức được từ các liên kết tín hiệu thị giác phải thông qua một số hoạt
động tinh thần nhất định như: ký ức, so sánh, lựa chọn, sự kỳ vọng...
Hoạt động tinh thần được kích hoạt thông qua tín hiệu thị giác, mỗi tín
hiệu thị giác lại thể hiện một tính chất và vai trò khác nhau. Ký hiệu
học chỉ ra tính chất của tín hiệu thị giác như: tính hình tượng, tính chỉ
dẫn, tính biểu tượng. Tính chất của tín hiệu thị giác là cơ sở đầu tiên
để người xem đưa ra ý nghĩa giả định. Một tín hiệu thị giác trong
thông điệp truyền thông bằng hình ảnh thường hàm chứa nhiều ý
nghĩa và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người xem có thói quen
liên kết các thành phần đơn lẻ vào toàn bộ nội dung thông điệp, ký
hiệu học nêu khái niệm mã để người xem hiểu vai trò của tín hiệu thị
giác như: mã hoán dụ, mã tương tự, mã hoán và mã súc tích.
Chương 4, luận bàn về những thành công và hạn chế của TTTG
từ góc nhìn TKĐH Việt Nam hiện đại từ đó rút ra kinh nghiệm. Quá
trình phận tích thông qua góc nhìn cá nhân, lịch sử, kỹ thuật , đạo đức,
văn hoá. Góc nhìn cá nhân cho thấy, người xem thường đưa ra nhận
định "đẹp" hay "xấu" hoặc "tốt" hay "chưa tốt" ở lần nhìn đầu tiên.
Góc nhìn lịch sử, cho thấy tất cả TKĐH Việt Nam hiện đại đều ẩn
chứa trong đó dấu vết của lịch sử, từ kiểu chữ cho đến minh hoạ,
phương tiện truyền tải. Góc nhìn kỹ thuật, một TKĐH được cho là
"tốt" có sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố: tương phản, cân bằng,
nhịp điệu, thống nhất. Từ góc nhìn văn hoá, cho thấy TKĐH thường
sử dụng các hình thức biểu tượng hoá và tính ẩn dụ của nó, ngoài ra
TKĐH luôn là tấm gương phản ảnh những giá trị mới từ các trào lưu
nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại. Trong giai
đoạn từ 1986 đến nay TKĐH Việt Nam chịu tác động tích cực từ việc
Số hoá.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1. Ngô Anh Cơ, "Về cách sử dụng thuật ngữ mỹ thuật công
nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, và design hiện nay", Tạp chí Văn hoá
Nghệ thuật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, số 402, 12/2017, tr. 68
- 71.
2. Ngô Anh Cơ, "Năm giai đoạn phát triển quan trọng của truyền
thông thị giác", Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật - Trường
đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 3 (15), 9 - 2017, tr. 57 - 67.

You might also like