You are on page 1of 39

BỘ Y TẾ

HỌC VIỆN Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

BÀI TIỂU LUẬN


CHỨNG TÝ

Học phần : Nội YHCT


Học viên : Nguyễn Thành Hoàng Linh
Lớp : Cao học K13
MSHV : 20CHY049
STT : 16

Hà Nội - 2022
MỤC LỤC

A. Nội dung Chứng tý.................................................................................1

I. Đại cương...............................................................................................1

II. Nguyên nhân.........................................................................................2

III. Biện chứng luận trị..............................................................................2

IV. Thể bệnh..............................................................................................4

1. Hành tý..............................................................................................4

2. Thống tý............................................................................................5

3. Trước tý.............................................................................................6

4. Phong thấp nhiệt tý............................................................................7

V. Kết luận..............................................................................................10

B. Kinh nghiệm dân gian và các vị thuốc nam điều trị Chứng tý.........11

I. Vị thuốc có nguồn gốc động vật..........................................................11

II. Vị thuốc có nguồn gốc thực vật..........................................................11

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1

A. Nội dung Chứng tý


I. Đại cương
"Tý: Là tên bệnh. Trương Cảnh Nhạc nói: Tý là đóng lại, nghĩa là bế tắc".
Chứng tý là một loại bệnh do tà khí (Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt) ở ngoài xâm
nhập vào cơ thể, gây ngăn trở kinh lạc, khí huyết vận hành không thông lợi mà
gây nên.
Những ghi chép từ các sách kinh điển làm cơ sở cho nhận thức và nghiên
cứu của các thế hệ sau về Chứng tý. Chứng trạng biểu hiện của bệnh là cơ nhục,
gân xương, các khớp đau nhức tê dại, co duỗi khó khăn, nặng thì các khớp sưng
to, nóng đỏ. Khi Chứng tý mới phát, chính khí chưa suy, thuộc về thực chứng.
Nếu bệnh lâu ngày, khí huyết hư suy, dinh vệ hao tổn, da thịt không được nuôi
dưỡng nên gầy mòn, chân tay vô lực hoặc do Can Thận đều hư mà gân xương
khô ráo, sinh ra tay chân co quắp, vận động khó khăn, nặng hơn thì biến dạng
xương khớp là thuộc về hư chứng, trong thực có hư.
Nguyên nhân phát bệnh có quan hệ mật thiết với sự thay đổi khí hậu, hoàn
cảnh sinh hoạt và thể chất con người.
Về phương diện điều trị, nguyên tắc điều trị bệnh là khu trừ ngoại tà và lưu
thông mạch lạc. Chứng tý do phong hàn thấp thì dùng phương pháp kết hợp cả
khu phong tán hàn trừ thấp và xét tà khí phong, hàn, thấp cái nào thắng hơn mà
phân biệt chủ yếu, thứ yếu để chữa. Đối với bệnh đã lâu, thể trạng hư yếu thì lại
nên chú ý bồi bổ khí huyết, tư dưỡng can thận, bệnh đã lâu không khỏi, luôn
luôn đau nhức thì nên hóa đờm trệ, phá ứ huyết, nặng thì dùng thuốc loại
phương hương để thấu suốt đường lạc. Đối với chứng nhiệt tý, nên phân biệt thể
trạng bệnh nặng nhẹ để dùng thuốc, nhẹ thì dùng các phương pháp sơ phong,
thanh nhệt và giải độc, nếu nhiệt quá làm hư tổn tân dịch thì thêm pháp sinh tân
dịch để dưỡng âm.
Phạm vi của Chứng tý rất rộng, ngày nay y học hiện đại gồm nhiều bệnh
danh khác nhau như đau lưng, đau vai gáy, đau dây thần kinh tọa, viêm đa khớp
2

dạng thấp, viêm cơ, bệnh gout, đợt cấp của viêm xương khớp mạn tính... đều
quy vào phạm vi Chứng tý của y học cổ truyền.
II. Nguyên nhân
Chứng tý phát sinh chủ yếu là vì chính khí không đủ, rồi bị cảm phong,
hàn, thấp, nhiệt mà gây nên, trong đó nội nhân là cơ sở phát sinh của chứng tý
"tà chi sở tấu, kỳ chính khí tất hư", đó là vốn người hư yếu, chính khí không đủ,
tấu lý không kín, sức bảo vệ ở ngoài không kiên cố, là nhân tố nội tại gây nên
chứng tý. Vì là dã bị ngoại tà nhập và sau khi bị cảm tà khí phong, hàn, thấp,
nhiệt làm cho tắc trở ở cơ nhục, các khớp, kinh lạc mà hình thành chứng tý.
Sách Linh Khu nói: "Người thớ thưa, thịt không rắn hay bị bệnh tý".
Sách Tế sinh phương nói: "Đều vì thân thể hư, tấu lý thưa hở, bị khí phong,
hàn, thấp xâm nhập vào mà thành chứng tý". Có 2 cách phân biệt:
1. Tà khí phong hàn thấp xâm nhập
Do ở chỗ ướt át, lội nước, dầm mưa, khí hậu biến đổi đột ngột, nóng lạnh
thay nhau, làm cho phong hàn thấp nhân chỗ hư xâm nhập vào cơ thể, dồn vào
kinh lạc, đọng ở các khớp, làm cho khí huyết trở tắc mà thành chứng tý.
Phong khí thắng thành hành tý, hàn khí thắng thành thống tý, thấp khí
thắng thành trước tý. Vì phong khí vận hành và biến đổi luôn nên đau khi chạy
chỗ này, chỗ khác mới thành hành tý; hàn khí thì ngưng kết, sáp trệ lại, làm cho
khí huyết ngưng trệ không thông gây đau dữ đội, gọi là thống tý; thấp có tính
đính bám nặng trệ, cho nên làm cho da thịt các khớp tê lại, đính bám, nặng đau,
có chỗ nhất định mà gọi là trước tý.
2. Bị cảm nhiệt tà hoặc uất lâu hoá nhiệt cùng hợp với thấp, làm cho phong
thấp nhiệt tà kết hợp lại gây bệnh.
Người vốn dương thịnh hoặc âm hư mà có nhiệt, sau khi bị cảm ngoại tà,
dễ hóa theo nhiệt hoặc vì phong hàn thấp tý lâu ngày không khỏi, tà lưu lại ở
kinh lạc, các khớp, uất lại hóa nhiệt làm cho các khớp sưng, nóng, đỏ, đau, phát
sốt mà thành chứng nhiệt tý. Thiên Nhiệt tý sách Kim quỹ nói: "Nhiệt tý là bế
nhiệt ở bên trong tạng phủ kinh lạc, trước có chứa nhiệt, rồi lại bi hong hàn thấp
3

xâm nhập vào, bị hàn uất; khi không được thông, lầu ngày rồi hàn cũng hoá
nhiệt, quấn lại ngưng tắc nóng lên mà khó chịu".
III. Biện chứng luận trị
Chứng tý lâu ngày có thể xuất hiện ba cách biến hóa bệnh lý:
1. Phong hàn thấp tý hoặc nhiệt tý lâu ngày không khỏi, khí huyết vận hành
càng ngày càng không lưu lợi, ứ huyết, đờm trọc trở tắc kinh lạc, có thể xuất
hiện các chứng: da có ban ứ huyết, xung quanh khớp kết sưng, khớp sưng to, co
duỗi khó khăn.
2. Bệnh lâu làm cho khí huyết bị hao tổn, nhân đó mà xuất hiện triệu chứng
khí huyết suy thiếu ở mức độ khác nhau.
3. Chứng tý lâu ngày không khỏi, lại bị cảm tà, bệnh tà từ kinh lạc liên
quan đến tạng phủ mà xuất hiện triệu chứng của các tạng phủ. Trong đó chứng
tâm tý thường thấy hơn cả.
Thiên Tý luận sách Nội kinh nói: "Ngũ tạng đều có hợp, bệnh lâu mà
không hết thì tà kết hợp với chỗ hợp, chứng tâm tý, mạch không thông từ dưới
tâm căng trướng làm khi bốc lên mà suyễn. Khi chữa chứng tý cần so sánh với
chứng nuy. Chứng tý là khác với chứng nuy; tuy triệu chứng chủ yếu của hai
chứng này đều ở chân tay, thân mình, các khớp; nhưng đặc điểm của chứng tý
thì chủ yếu là gân xương, cơ nhục, các khốp đau nhức, co duỗi khó khăn, có khi
còn tê hoặc sưng trướng mà không có biểu hiện liệt; chứng nuy thì chân tay
mình mẩy liệt như: không cử động được, da thịt gầy róc dần, tay chân mình mẩy
và các khớp nói chung là không đau. Đó là sự khác nhau giữa hai chứng này,
Biện chứng về chứng tý, trước hết cần biện luận rõ sự khác nhau giữa
phong, hàn, thấp tý và nhiệt tý; nhiệt tý có đặc điểm là khớp sưng nóng đỏ đau;
phong hàn thấp tý tuy các khớp cũng đau nhức, nhưng không sưng nóng đỏ;
trong đó thì các khớp đau, chạy chỗ này sang chỗ khác không cố định gọi là lãnh
tý; đau có chỗ nhất định, đau nhiều dữ đội gọi thống tý; chân tay đau nhức mỏi
nặng, da thịt tê dại gọi là trước tý. Bệnh tình kéo dài thì cần nhận xét xem có
triệu chứng khí huyết suy tổn và tạng phủ hư suy hay không.
4

Chứng tý nói chung đều vì cảm phong, hàn, thấp, nhiệt mà gây ra cho nên
nguyên tắc cơ bản chữa bệnh này là: khu phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt và
thông lợi kinh lạc là chính; thời kỳ sau nên phối hợp với thuốc bổ ích chính khí.
Về cách chữa chứng phong hàn thấp tý, thầy thuốc xưa căn cứ bị cảm tà khí
gì là chính và đặc điểm bệnh lý mà có sự nhận định khái quát. Sách Y học tâm
ngộ nói: "Chứng hành tý thì tán phong là chính, trừ hàn, trừ thấp là hỗ trợ và còn
thêm vào thuốc bổ huyết, như thế nói: ''trị phong tiên trị huyết; chữa chứng
thống tý thì tán hàn là chính, thêm thuốc sơ phong, táo thấp và kết hợp thuốc bổ
hoả (tức là nhiệt thì lưu thông, hàn thì ngưng tắc, thông thì không đau, đau thì
không thông); chữa chứng trước tý thì táo thấp là chính, thêm thuốc trừ phong,
tán -hàn, thêm "vào thuốc kiện tỳ thì thổ vượng mới thắng được thấp, mà khí đủ
thì hết chứng tê dại".
IV. Thể bệnh
1. Hành tý
1.1. Triệu chứng
Chân tay mình mẩy các khớp đau nhức, di chuyển không cố định một chỗ,
khớp co duỗi khó khắn, có khi có chứng sợ gió, phát sốt, rêu lưỡi trắng mỏng,
mạch phù.
1.2. Biện chứng
- Khớp đau khó co duỗi không lưu lợi là triệu chứng chung của chứng
phong hàn thấp tý.
- Vì tà khí phong, hàn, thấp lưu trệ ở kinh lạc, tắc trở khí huyết mà gây ra.
- Hành tý là phong tà thịnh hơn, tính phong lưu hành và biến động, di
chuyênt, cho nên các khớp đau không cố định mà di chuyển, có khi chạy lên trên
tay, khi lại chạy xuống dưới chân.
- Ngoại tà bó lại ở phần biểu làm cho vinh vệ bất hòa gây nên biểu hiện sợ
rét, sợ gió, phát sốt.
- Rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù là hiện tượng tà khí ở biểu.
1.3. Pháp điều trị
Khu phong tán hàn, trừ thấp thông lạc.
5

1.4. Phương
Dùng bài Phòng phong thang gia giảm:

Phòng phong 10g Tần giao 10g Sinh khương 4g


Ma hoàng 10g Cát căn 12g Cam thảo 4g
Đương quy 12g Phục linh 12g Đại táo 12g
Nhục quế 4g
Gia giảm:
- Đau nhiều khuỷu tay đến vai thì gia thêm uy linh tiên, khương hoạt, bạch
chỉ, xuyên khung, khương hoàng để trừ phong, thông lạc, chỉ thống.
- Nếu đau ở các khớp chân đến đầu gối trở xuóng thì gia thêm độc hoạt,
phòng phong, ngưu tất, tỳ giải để thông kinh lạc, trừ thấp.
- Nếu đau ở các khớp eo lưng và lưng là chính, phần nhiều có liên quan đến
thận khí suy kém thì gia thêm đỗ trọng, dâm dương hoắc, tục đoạn, tang ký sinh,
ba kích để ôn bổ thận khí.
- Nếu thấp khớp sưng to, rêu lưỡi trắng mỏng vàng là hiện tuọng tà đã hóa
nhiệt thì dùng bài Quế chi tri mẫu thược dược thang.
2. Thống tý
2.1. Triệu chứng
Các khớp chân tay mình mẩy đau nhiều, đau có chỗ nhất định, được chườm
ấm nóng thì đỡ đau, gặp lạnh đau tăng lên, khớp không co duỗi được, sờ vào
không sưng nóng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền khẩn.
2.2. Biện chứng
- Phong hàn thấp tà gây bế trở kinh lạc mà hàn tà thịnh hơn; hàn là âm tà,
có tính ngưng kết gây đau cố định tại một chỗ, đau dữ dội.
- Được nhiệt khí huyết có phần được thông lợi nên đỡ đau, gặp lạnh làm
cho huyết càng ngưng sáp gây đau dữ dội hơn.
- Hàn là âm tà nên cục bộ không đỏ, sờ không sưng nóng. Rêu lưỡi trắng
thuộc hàn, mạch huyền khẩn là đau do hàn.
2.3. Pháp điều trị
6

Ôn kinh tán hàn, trừ phong thấp.


2.4. Phương
Dùng bài Ô đầu thang gia giảm
Ô đầu chế 4g Bạch thược 12g Hoàng kỳ 12g
Ma hoàng 10g Cam thảo 4g
- Có thể dùng bài Ô phụ ma tân quế khương thang gia giảm
Chế xuyên ô 4g Ma hoàng 10g Tế tân 4g
Can khương 4g Quế chi 8g Cam thảo 4g
Phụ tử 6g
- Hoặc sử dụng một dược, hổ cốt điều trị các khớp mình đau nhức
Một dược 2 lạng nghiền
Hổ cốt 1 lạng tẩm dấm sao tán bột
Mỗi lần uống 8g với rượu.
Có thể gia nhũ hương.
3. Trước tý
3.1. Triệu chứng
Các khớp chân tay, mình mẩy đau nhức hoặc có sưng đau, đau có chỗ nhất
định, chân tay mỏi nặng, cử động khó khăn, da thịt tê dại, rêu lưỡi trắng nhờn,
mạch nhu hoạt.
3.2. Biện chứng
- Bị cảm phong hàn thấp mà thấp tà thịnh hơn vì vậy có tình trạng trọc dính
trệ sinh đau có chỗ nhất định, tê dại.
- Chứng thấp trọc ở cơ nhục, trở trệ các khớp làm cho tay chân nặng nề, cử
động không thoải mái.
- Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt là biểu hiện của thấp.
3.3. Pháp điều trị
Trừ thấp, thông lạc, khu phong, tán hàn.
3.4. Phương
Dùng bài Ý dĩ nhân thang gia giảm
Ý dĩ 16g Độc hooạt 8g Đương quy 12g
7

Thương truật 12g Xuyên ô 4g Sinh khương 4g


Khương hoạt 8g Quế chi 6g Xuyên khung 6g
Phòng phong 8g Ma hoàng 8g Cam thảo 4g
Gia giảm:
- Nếu sưng nhiều thì gia thêm tỳ giải, khương hoàng, mộc thông để thông
lạc.
- Nếu da thịt tê dại gia thêm hải đồng bì, hy thiêm để trừ phong, thông lạc.
- Nếu chứng phong hàn thấp không rõ tà khí nào thịnh có thể dùng bài
Quyên tý thang là phương thông dụng điều trị phong hàn thấp tý.
Khương hoạt 8g Tần giao 10g Xuyên khung 6g
Độc hoạt 10g Đương quy 12g Tang chi 12g
Quế chi 8g Nhũ hương 6g Cam thảo 4g
Hải phong đằng 10g Mộc thông 12g
(Vỏ cây vông)
Gia giảm:
- Nếu phong thắng thì gia thêm phòng phong, bạch chỉ.
- Nếu hàn thắng thì gia thêm phụ tử, xuyên ô, tế tân.
- Nếu thấp thắng thì gia thêm phòng kỷ, ý dĩ, tỳ giải.
4. Phong thấp nhiệt tý
4.1. Triệu chứng
Khớp sưng, nóng, đỏ, đau, đau không cho đụng vào, được mát, lạnh thì dễ
chịu, đỡ đau, bệnh có thể ở một khớp hoặc lan ra nhiều khớp, phần nhiều kiêm
có chứng trạng toàn thân phát sốt, sợ gió, phiền nóng, không yên, rêu lưỡi vàng
khô, mạch hoạt sác.
4.2. Biện chứng
- Tà nhiệt ứ trệ ở kinh lạc, khí huyết uất trệ không thông làm cho cục bộ
sưng nóng đỏ, khớp đau không co duỗi được.
- Nhiệt thịnh hại tân, phát nóng, sợ gió, khát nước, phiền muộn không yên.
- Rêu lưỡi vàng khô, mạch hooạt sác là nhiệt thịnh, chứng phong thấp nhiệt
tý gọi tắt là nhiệt tý.
8

So với phong hàn thấp tý thì nhiệt tý phát bệnh gấp hơn, chứng trạng toàn
thân rõ và tà khí dễ hãm vào trong làm cho bệnh tình có nhiều cách diễn biến.
4.3. Phương
Thanh nhiệt, thông lạc, khu phong, trừ thấp
4.4. Phương
Dùng bài Bạch hổ thang hợp Quế chi thang gia giảm
Thạch cao 40g Quế chi 12g
Tri mẫu 12g Bạch thược 12g
Cam thảo 4g Sinh khương 12g
Gạo tẻ 20g Đại táo 40g
Gia giảm:
Có thể gia thêm kim ngân hoa, hoàng bá, liên kiều để thanh nhiệt giải độc;
hải đồng bì, uy linh tiên, khương hoàng, phòng kỷ để hoạt huyết thông lạc, khu
phong trừ thấp.
Có ban đỏ thì gia thêm đan bì, địa phu tử, xích thược để lương huyết, tán
phong.
Cũng có thể dùng bài Tuyên tý thang
Phòng kỷ 12g Ý dĩ 12g Chi tử 10g
Tầm sa 12g Liên kiều 10g
Xích tiêu 12g Hoạt thạch 12g
đậu
- Nếu nhiệt tý hóa hỏa hại tân, xuất hiện khớp đỏ, sưng, đau dữ dội; đêm
đến càng nặng hơn, sốt cao, phiền khát, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền sác thì cần
thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ thống có thể dùng bài Tê giác tán
Tê giác 4g Thăng ma 10g Nhân trần 12g
Hoàng liên 8g Chi tử 10g
Có thể gia thêm sinh địa, huyền sâm, mạch môn để dưỡng âm lương huyết;
phòng kỷ, tần giao, khương hoàng, hải đồng bì để thanh nhiệt trừ thấp, chỉ
thống.
9

- Chứng tý càng kéo dài không khỏi, chính khí hư, tà còn ứ trở đường lạc,
tân ngưng thành đàm, đàm ứ tắc trở, xuất hiện khi đau nhiều đau ít, khớp sưng
to, thậm chí cứng thẳng, biến dạng khó co duỗi, chất lưỡi tím, rêu lưỡi trắng
nhờn, mạch tế sáp thì phải hóa đàm trừ ứ, trục phong thông lạc, dùng bài Đào
hồng ẩm
Đào nhân 8g Xuyên khung 8g Uy linh tiên 12g
Hồng hoa 6g Quy vĩ 12g
Có thể gia thêm xuyên sơn giáp, địa long để dưỡng huyết, hoạt huyết, hóa ứ
thông lạc; bạch giới tử, nam tinh để trừ đàm tán kết; toàn yết, ô tiêu xà để trừ
phong thông lạc.
- Chứng tý lâu ngày ngoài triệu chứng do phong hàn thấp bế trở kinh lạc và
các khớp ra, còn thường xuất hiện triệu chứng của khí huyết suy thiếu và can
thận hư tổn, lúc bấy giờ vừa công vừa bổ, trừ tà phù chính, đồng thời với việc sơ
phong, tán hàn, trừ thấp gia thêm bổ ích khí huyết, tư dưỡng can thận, thường
dùng bài Độc hoạt ký sinh thang gia giảm
Độc hoạt 12g Nhân sâm 12g Bạch thược 12g
Phòng phong 8g Xuyên khung 6g Đương quy 12g
Tần giao 10g Bạch linh 12g Đỗ trọng 8g
Tế tân 6g Thục địa 12g Ngưu tất 12g
Nhục quế 4g Cam thảo 4g Tang ký sinh 12g
- Tý lâu ngày chạy vào tâm, xuất hiện tâm quý, đoản khí, lao động khó
nhọc thì tăng thêm, sắc mặt không tươi, chất lưỡi nhợt, mạch hư sác hoặc đại thì
nên ích khí dưỡng tâm, ôn dương phục mạch, dùng bài Chích cam thảo thang
gia giảm
Cam thảo 4g Nhân sâm 12g Mạch môn 12g
Đại táo 12g Sinh khương 4g Quế chi 8g
A giao 10g Sinh địa 12g Ma nhân 12g
- Trong khi chữa bệnh phong hàn thấp tý, nếu đau dữ dội thường sử dụng
phụ tử chế, xuyên ô để khu phong, ôn kinh chỉ thống. Khi sử dụng vị thuốc này
lúc đầu nên dùng liều ít rồi dần sẽ tăng liều, sắc cho kỹ, sắc lâu hoặc sắc cùng
10

cam thảo để hòa hoãn bớt độc tính. Sau khi uống xong nếu có biểu hiện trúng
độc nhẹ, môi lưỡi tê dại, hoảng hốt, lợm giọng, mạch trì, thì nên giảm bớt liều
lượng hoặc ngưng thuốc mà tìm cách giải độc cho kịp thời.
- Bệnh tý kéo dài đau nhức, co kéo, chân tay thân mình co lại, thường kết
hợp với những thuốc bằng động vật như địa long, toàn yết, ngô công, xuyên sơn
giáp, bạch hoa xà, ô tiêu xà, nọc ong để thông lạc, chỉ thống, trừ phong thấp.
Những vị thuốc này phần nhiều có tính ôn, tác dụng mạnh và có độc tính nhất
định, vì vậy lượng không nên nhiều và không được uống thời gian dài, trúng
bệnh rồi thì ngưng; trong đó toàn yết, ngô công có thể chế biến nghiền thành bột
mà nuốt vừa bớt liều dùng vừa tác dụng hơn.
- Chữa bệnh tý còn cần kết hợp xoa bóp, bấm nắn, xông rửa thì hiệu quả tốt
hơn, cũng nên kết hợp những thuốc kinh nghiệm trong nhân dân, vì trong nhân
dân ta có những kinh nghiệm hay. Bệnh tý nói chung là dễ chữa, nhưng khi bệnh
đã kéo dài thì đàm ứ, huyết tắc trở mà sinh biến dạng khớp hoặc tà xâm phạm
vào tạng phủ, tà xâm vào tâm thì khó chữa.
V. Kết luận
Chứng tý là thứ bệnh thường thấy trên lâm sàng, chính khí không đủ là
nhân tố nội tại để phát bệnh, kết hợp bị cảm phong hàn thấp nhiệt gây ra, trong
đó ba thứ khí ngoại tà (phong, hàn, thấp) kết hợp với nhau gây ra bệnh là nhiều
hơn; bệnh cơ chủ yếu là kinh lạc trở trệ, khí huyết vận hành không thông lợi.
Trên lâm sàng chia thành hai loại: phong hàn thấp tý và nhiệt tý. Trong phong
hàn thấp tý thì phong thắng là hành tý, hàn thắng là thống tý, thấp thắng là trước
tý. Nguyên tắc cơ bản chữa bệnh này là khu phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt
và sơ thông kinh lạc; căn cứ sự thiên thắng của bệnh tà rồi tùy tình hình bệnh mà
dùng thuốc thích hợp; hành tý thì trừ phong là chính, kiêm tán hàn, trừ thấp,
dưỡng huyết; thống tý thì ôn kinh tán hàn, khu phong, trừ thấp, bổ hỏa; trước tý
thì trừ thấp là chính kiêm tán hàn, kiện tỳ; nhiệt tý thì thanh nhiệt là chính kiêm
khu phong, trừ thấp, thanh tâm.
11

Chứng tý lâu ngày nên căn cứ chính khí suy tổn ở mức độ khác nhau mà
dùng những thuốc ích khí, dưỡng huyết, bổ dưỡng can thận, phù chính, trừ tà mà
chữa cả tiêu lẫn bản.
12

B. Kinh nghiệm dân gian và các vị thuốc nam điều trị Chứng tý
I. Vị thuốc có nguồn gốc động vật
Trong dân gian thường dùng một số loại rắn điều trị Chứng tý.
1. Ô tiêu xà
- Mô tả: rắn lưng đen giữa có một đường vân đen, bụng sắc vàng nhợt, có
mùi tanh khó chịu.
- Bào chế: tẩm rượu mà dùng hoặc nghiền bột uống.
- Vị ngọt, tính bình, không độc quy vào can kinh.
- Tác dụng: thông phong trừ thấp, định kinh giản; điều trị tý ngoan cố, tê
dai không biết đau ngứa, bệnh lở lâu ngày.
- Liều lượng: 1,5 - 3 đồng cân (phải là người khỏe).
2. Bạch hoa xà
- Mô tả: loại rắn độc, mình to mà khoẻ dài 2 - 4 m, đầu có hình tam giác,
đầu nhọn, mũi hướng lên, phía lưng có hình ban, sắc trắng xếp thành "hàng dọc,
bụng sắc trắng xen vào những điểm ban đen, cuối đuôi hình tròn mà dẹt.
- Bào chế: bỏ đầu và đuôi, tẩm rượu 3 ngày vớt ra sấy khô, tẩm rượu mà
dùng hoặc nghiền bột mà dùng.
- Tác dụng: Bạch hoa xà quy vào kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, liệt,
động kinh, các khớp xương đau, bán thân bất toại, miệng mắt méo xệch, gân
mạch co quắp và trẻ em kinh phong.
II. Vị thuốc có nguồn gốc thực vật
Việc điều trị Chứng tý bằng các vị thuốc nam có nguồn gốc thảo dược đã
được ghi chép lại và sử dụng từ rất lâu trong nền y học cổ truyền nước ta. Ngoài
các bài thuốc kinh điển được ghi chép lại trong các sách cổ thì trong dân gian
còn lưu truyền nhiều các kinh nghiệm khác. Do nội hàm mặt bệnh Chứng tý rất
rộng nên các vị thuốc nam dùng điều trị từng mặt bệnh cũng rất đa dạng, phong
phú. Sau đây em xin trình bày một số các vị thuốc thường được sử dụng trong
các bài thuốc và kinh nghiệm dân gian trong điều trị các bệnh thường gặp trong
phạm vi Chứng tý.
13

1. Độc hoạt

Vị thuốc Độc hooạt


- Tên khoa học: Radix Angelicae pubescentis.
- Mô tả: Cây hương độc hoạt hay mao đương quy còn được gọi là đương
quy có lông, một loại cây sống lâu năm với chiều cao khoảng 0,5 - 1m, có màu
hơi tím, thân cây mọc thẳng đứng có rãnh dọc và nhẵn không có lông. Lá hương
độc hoạt kép 2 - 3 lần lông chim, lá chét nguyên hoặc lại chia thùy, mép lá có
răng cưa tù không nhọn, cuống lá nhỏ và phía dưới nở rộng thành hình bẹ có dìa
mỏng. Trên gân lá có lông thưa và ngắn. Cụm hoa độc hoạt tán kép gồm có từ
10 - 20 cuống tán. Hoa độc hoạt có kích thước nhỏ, màu trắng, quả độc hoạt bế
đôi và có hình thoi dẹt trên lưng có sống và hai bên phát triển thành dìa.
- Tính vị: Vị cay, tính ôn. Quy kinh Can, Thận.
- Công dụng: Trừ phong thấp giảm đau. Chủ trị chứng đau sưng xương
khớp, tê cứng, co quắp. Có tác dụng mạnh ở các khớp xương phía thân dưới.
Khi bị đau ở các khớp phía trên như vai, cánh tay, thường dùng vị thuốc có công
dụng tương tự là Khương hoạt.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Trị đau nhức xương khớp, sưng đau, tê cứng
+ Độc hoạt 5g, đương quy 3g, phòng phong 3g, phục linh 3g, nhân sâm 2g,
cam thảo 1g, can khương 1g, phụ tử 1g, đậu đen 5g, nước 600 ml. Tất cả đem
sắc đến khi còn 200 ml thì chia thành 3 lần uống trong ngày.
+ Độc hoạt, Tần giao, Phòng phong đều 10 g, Tế tân 3 g sắc uống. Trị viêm
khớp kèm tê cứng, co quắp các khớp xương.
- Các nghiên cứu khoa học:
14

+ Thành phần bao gồm coumarin, polyene-alkynes, axit phenolic, steroid,


các nguyên tố nucleoside và các chất khác đã được phân lập và xác định từ A.
biserrata và A. pubescens . Trong số này, Coumarin là chất có đặc tính sinh học
quan trọng. Ngoài ra, gần 100 hợp chất dầu dễ bay hơi, bao gồm terpenoid, hợp
chất thơm và hợp chất phân tử nhỏ, đã được phân tích.
+ Chiết xuất nước thô của rễ A. biserrata được coi là một tác nhân thảo
dược chọn lọc và hiệu quả trong việc làm giảm viêm chân sau dai dẳng và
hyperalgesia (tăng cảm đau) ở chuột.
Các thành phần chống viêm và giảm đau từ A. pubescens dường như có
liên quan đến sự ức chế ngoại biên của các chất gây viêm và có ảnh hưởng đến
hệ thần kinh trung ương.
+ Tác dụng khác: tác động lên hệ thần kinh trung ương, tác động lên hệ tim
mạch, hoạt động tẩy giun.
2. Hy thiêm

Vị thuốc Hy thiêm
- Tên khoa học: Herba Siegesbeckiae
- Mô tả:
Hy thiêm là cây thân cỏ sống hàng năm, cao chừng 30 - 1m, có nhiều cành.
Thân cây rỗng ở giữa, đường kính 0,2 - 0,5 cm. Mặt ngoài thân màu nâu sẫm
đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn sít nhau. Lá mọc
đối, phiến nhăn nheo và thường cuộn lại. Lá nguyên có phiến hình mác rộng,
mép khía răng cưa tù, có ba gân chính. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu
lục nhạt, hai mặt đều có lông. Cụm hoa hình đầu nhỏ, gồm hoa màu vàng hình
ống ở giữa, 5 hoa hình lưỡi nhỏ ở phía ngoài. Lá bắc có lông dính.
15

- Tính vị: Vị đắng, tính hàn. Quy kinh Can, Thận.


- Công dụng: Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc. Chữa đau lưng, gối, xương
khớp, chân tay tê buốt.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Điều trị viêm khớp do phong thấp, tê tay, tê chân, đau nhức gân cốt
+ Hy thiêm 3 chỉ, Bạch mao đằng 3 chỉ, Xú ngô đồng hoặc Ngưu tất 5 chỉ.
Sắc uống hằng ngày.
+ Cao Hy thiêm: Hy thiêm 1.000 g, Thiên niên kiện 50 g, Gia đường, cồn,
tá dược vừa đủ 1.000 ml. Mỗi lần uống 30 ml, ngày 3 lần.
* Chữa tê mỏi, đau nhức xương
+ Bột Hy thiêm 10 lượng, bột Thiên niên kiện 3 lượng, bột Xuyên khung 2
lượng. Trộn lại làm thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4-5 viên, uống cách xa
bữa ăn.
* Dùng trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp, phong thấp
+ Lấy 4 lượng Hy thiêm, sắc lấy nước cốt, thêm đường đen, cô lại thành
cao. Chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần 1 chén trà nhỏ.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Thành phần gồm các chất đã biết như darutoside, darutigenol, alkaloid.
+ Trong thực nghiệm, chiết xuất cồn thô của cây hy thiêm cho thấy khả
năng chống lại sự tăng axit uric máu. Thành phần hóa học mang lại tác dụng này
được cho là các hợp chất phenolic, đồng thời phát hiện này cho thấy tác dụng
của cây hy thiêm trong điều trị bệnh gút. Một nghiên cứu khác chứng minh chiết
xuất cồn của cây hy thiêm còn mang lại khả năng ngăn ngừa viêm, kể cả viêm
cấp và viêm mạn tính.
3. Ngưu tất nam
16

Vị thuốc Ngưu tất


- Tên khoa học: Radix Achyranthes bidentata
- Mô tả: Đây là loại cỏ xước hai răng nên người ta thường nhầm với cỏ
xước Achyranthes aspera L. (tức là ngưu tất nam). Cây có thân mảnh, hơi
vuông, thông thường cao 1m, nhưng đôi khi có thể cao đến 2m. Lá mọc đối có
cuống, dài từ 5 đến 12 cm, rộng từ 2 đến 4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn,
mép nguyên. Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá.
- Tính vị: Vị chua, đắng, tính bình, không độc. Quy kinh Can, Thận.
- Công năng: Bổ can thận, mạnh gân cốt (dạng chế biến chín). dùng trong
đau xương khớp, đặc biệt các khớp từ thắt lưng trở xuống.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa tê thấp, đau lưng, gối
+ Ngưu tất 12g, tỳ giải 12g , độc lực (đơn châu chấu) 16g, thiên niên kiện
8g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, ngâm rượu. Ngày uống hai lần, mỗi lần một
chén nhỏ 10ml.
+ Ngưu tất 250g, địa hoàng 250g, ngâm với rượu trắng 1000ml. Uống ngày
2 lần, mỗi lần 20ml.
+ Ngưu tất 20g, hoàng kỳ 20g, nhục quế 15g, nhân sâm 20g, xuyên khung
20g, sinh địa 15g, nhục thung dung 25g, ba kích thiên 20g, ngũ vị tử 20g, hải
phong đằng 10g, ngũ gia bì 25g, phụ tử chế 20g, xuyên tiêu 15g, phòng phong
25g, gừng tươi 30g. Tất cả giã nhỏ ngâm với 15 lít rượu trắng, ngày 1 - 2 lần,
mỗi lần uống 10 - 20ml.
17

+ Ngưu tất 95g, sinh địa hoàng 95g, đậu đen 95g. Đậu đen rang chín, ngưu
tất, sinh địa nghiền nát, trộn đều với đậu đen, hấp chín, lấy vải bọc lại, ngâm với
1,5 lít rượu. Ngày uống 2 lần, trước bữa ăn, mỗi lần 10 - 20ml.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Trong rễ ngưu tất người ta chiết xuất được các thành phần hóa học như
saponin, rhamnose, ecdysterone, inokosteron, muối kali.
+ Cây giúp bảo vệ các chức năng của tế bào chondrocytes thông qua điều
chỉnh các chu trình hoạt động của tế bào. Từ đó, bảo vệ sụn khớp, cải thiện và
làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
+ Tác dụng khác: hạ cholesterol máu và hạ huyết áp.
4. Lá lốt

Vị thuốc Lá lốt
- Tên khoa học: Folium Piper lolot C.D.C.
- Mô tả: Lá đơn,nguyên, mọc so le, dài khoảng 13cm, rộng 8 - 10cm, gốc
hình tim, đầu nhọn, mặt dưới có ít lông ở các đường gân, gân lá chằng chịt hình
mạng lưới, cuống lá dài khoảng 2,5cm.
- Tính vị: Vị cay, mùi thơm, tính ấm.
- Công dụng: Điều trị phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau khớp, đau
nhức xương, tay chân lạnh tê bại...
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa phong thấp, đau nhức xương
+ Lá lốt 16g, tầm gửi cây dâu 12g, tục đoạn 12g. Sắc với 250ml nước còn
150ml, chia 2 lần uống sáng tối trước khi đi ngủ.
18

+ Lá lốt 20g, vòi voi 40g, ké đầu ngựa 220g, ngưu tất 10g. Làm thành
thuốc viên, mỗi lần uống 10-15g.
+ Lá lốt, cỏ xước, cành dâu, cà gai mỗi vị 20g, ngưu tất 10g. Sao qua, sắc
uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 - 5 ngày. Có thể củng cố kết quả bằng cách ăn lá
lốt nấu với lạc trong 7 ngày liền.
+ Lá lốt, cỏ xước, cẩu tích, hy thiêm mỗi vị 20g, rễ sy 16g, rễ quýt rừng
16g, cà gai leo 12g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
* Chữa đau lưng, sưng khớp gối, chân tay tê dại
+ Lá lốt, ngải cứu đều bằng nhau. Giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp
hoặc chườm tại chỗ.
+ Lá lốt tươi 40g, ngải cứu tươi 40g, lá sả tươi 40g, nghệ 10g. Tất cả sao
vàng, sắc với 900ml nước, còn lại 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Thành phần hóa học của rễ và thân lá cây đều giống nhau, gồm thành
phần sau: alcaloid, tinh dầu, flavonoid, antranoid, tanin, đường khử, acid amin,
hàm lượng flavonoid toàn phần 1,14%, trên sắc ký khí mỏng flavonoid cho 8
vết, alcaloid cho 5 vết.
+ Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất nước từ cây lá lôt
có tác dụng giảm đau và kháng viêm - hai công dụng này vốn đã được áp dụng
từ lâu trong y học cổ truyền Việt Nam và thế giới.
+ Nghiên cứu nấu một số loại cao thảo dược điều trị Gout tại Quảng Bình.
5. Ngải cứu

Vị thuốc Ngải cứu


- Tên khoa học: Hebra Artemisia vulgaris L.
19

- Mô tả: Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,4 - 1m. Thân cành mọc sum sê, có
rãnh và lông nhỏ. Lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận
gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác mặt trên màu xanh lục sẫm,
nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới dưới phủ đầy lông nhung màu trắng, những lá ở
ngọn có hoa không chẻ.
- Tính vị: Vị đắng, mùi thơm, tính ấm.
- Công dụng: Điều trị đau vai gáy, đau lưng, đau gối, đau tại các khớp...
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa đau lưng cấp
+ Lá ngải cứu sao rượu đắp ấm tại chỗ.
* Thuốc xoa bóp chữa phong thấp
+ Ngải cứu và phèn chua 2 vị cùng sao lẫn rồi đắp và bóp vào chỗ đau.
* Chữa viêm khớp, đau khớp
+ Ngải cứu tươi rang với muối, rang nhỏ lửa tới khi lá ngải và muối chuyển
màu. Bọc vào vải rồi chườm tại chỗ.
+ Dùng cùng lá lốt như mục 1 nêu trên.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Thành phần chứa nhiều flavonoid khác nhau, trong đó Eriodictyol có đặc
tính chống viêm, Luteolin sở hữu một loạt các hoạt động sinh học bao gồm
chống ung thư, kháng khuẩn và chống oxy hóa.
+ Các hoạt chất α-thujone, 1,8-cineole và camphene có tác dụng kháng
khuẩn. Các diterpene lactone chính được tìm thấy trong nhóm cho thấy đặc tính
chống vi khuẩn và chống viêm.
+ Kết hợp cùng châm cứu để giảm đau.
+ Tác dụng khác: Artemisinin trong ngải cứu có tác dụng chống sốt rét.
Các đặc tính diệt côn trùng của tinh dầu ngải cứu là do sự hiện diện của
camphene, chloro và α-Thujone.
6. Dây đau xương
20

Vị thuốc Dây đau xương


- Tên khoa học: Hebra Tinospora sinensis (L.) Merr.
- Mô tả: Dây leo bằng thân cuốn, dài 8-10m. Thân hình trụ, màu xám, có
nốt sần và có lông. Lá mọc so le, hình tim, đầu tù hay nhọn, dài 10-12cm, rộng
8-10cm, gân lá 5 hình chân vịt, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ, đôi khi trắng
nhạt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá chùm đơn độc hoặc nhiều chùm, có lông tơ trắng
nhạt, hoa màu vàng lục, đài có 2 vòng, vòng ngoài gồm 3 răng hình mác, 3 răng
vòng trong rộng và dài hơn, tràng có 6 cánh đối diện với lá dài trong, có lông
tuyến ở gốc, nhị 6, bao phấn hình vuông. Quả bầu dục hoặc tròn, chín màu đỏ,
chứa chất nhầy.
- Tính vị: Vị đắng, tính mát.
- Công dụng: Chữa thấp khớp, tê bại, các khớp xương đau nhức, đau mình
mẩy, bong gân, sai khớp...
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa sai khớp, bong gân
+ Lá dây đau xương, quế, hồi hương, đinh hương, vỏ sồi, vỏ núc nác, gừng
tươi, lá canh chầu, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá
mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây
khế. Giã nát các vị, sao nóng rồi chườm tại chỗ.
* Chữa đau lưng, mỏi gối
+ Dây đau xương 12g, cẩu tích 20g, củ mài 20g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g,
bổ cốt toái 16g, thỏ ty tử 12g, rễ cỏ xước 12g, củ mài 12g. Sắc hoặc ngâm rượu
uống.
- Các nghiên cứu khoa học:
21

+ Trong cây chứa nhiều hoạt chất alkaloid. Ngoài ra, người ta đã tách và
xác định cấu trúc một glucosid phenolic là tinosinen.
+ Chống oxy hóa.
+ Chiết suất methanol của cây cho thấy hiệu quả kháng viêm, giảm đau hơn
so với nhóm chứng.
+ Tác dụng khác: Các hoạt chất chứa trong dây đau xương có thể ức chế
hoạt động của α-amylase and α-glucosidase. Việc ức chế 2 chất này giúp làm
giảm lượng đường trong máu vì làm chậm sự phân giải đồ ăn thành glucose hỗ
trợ điều trị đái tháo đường.
7. Trinh nữ

Vị thuốc Trinh nữ (Cây xấu hổ)


- Tên khoa học: Radix Mimosa pudica L.
- Mô tả: Lá cây xấu hổ hai lần kép lông chim, cuốn phụ xếp hình như chân
vịt, chạm nhẹ vào sẽ tự động khép lại. Mỗi lá thường có 15 đến 20 đôi lá chét và
không có cuống. Cuống chung của lá cây xấu hổ thường dài 4cm, có nhiều lông.
Mỗi bông hoa sẽ được mọc ra từ nách lá với cuống dài, hoa có hình cầu, màu
tím đỏ. Cây càng lớn sẽ ra hoa càng nhiều và được thụ phấn nhờ gió và côn
trùng. Quả cây dài khoảng 2mm, rộng chừng 3mm tụ lại thành từng chùm, ở
phần giữa các hạt quả hẹp lại, có lông cứng ở mép.
- Tính vị: Vị ngọt, hơi se,tính hơi hàn.
- Công dụng: Chữa phong thấp tê bại, gout, dùng ngoài trị chấn thương.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa thấp khớp, đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại
22

+ Rễ trinh nữ đã thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm (20 - 30g) sắc với
400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Nếu dược liệu nhiều có thể
nấu thành cao lỏng, rồi pha rượu để dùng dần.
+ Rễ trinh nữ, rễ bưởi bung, rễ cúc tần mỗi thứ 20g; rễ đinh lăng, rễ cam
thảo dây mỗi thứ 10g. Sắc uống trong ngày, có thể ngâm rượu.
+ Rễ trinh nữ, cả cây xoan leo (tầm phỏng) mỗi thứ 20g; rễ cỏ xước 15g;
củ sả 10g. Tất cả sao vàng, sắc uống ngày một thang.
+ Rễ trinh nữ 10g; lá cối xay, rau muống biển, lạc tiên, rễ cỏ xước, lá lốt
mỗi thứ 3g. Hãm với nước sôi hoặc sắc uống.
+ Rễ trinh nữ, hy thiêm, gai tầm xoọng, dây đau xương, thiên niên kiện, thổ
phục linh, tục đoạn, dây gắm, kê huyết đằng mỗi thứ 12g. Sắc uống hoặc ngâm
rượu uống.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Có nhiều thành phần hóa học: Alcaloid, Minosin, Crocetin, Flavonoid,
acid amin, acid hữu cơ, các loại alcol,…Hạt chứa 17% chất nhầy gồm: 8,7%
acid palmitic, 8,9% stearic, oleic 31%, linoleic 51%. Lá có chứa Adrenalin và
Selen.
+ Giảm đau hiệu quả đã được thử nghiệm theo các phương pháp gây đau
bằng axetylcolin và kích điện.
+ Tác dụng khác: Chống nọc độc rắn, chống co giật, ức chế thần kinh trung
ương, giải độc axit asen, bảo vệ gan, lợi mật.
8. Đinh lăng

Vị thuốc Đinh lăng


- Tên khoa học: Hebra Polyscias Fruticosa L.
23

- Mô tả: Đinh lăng là một loài cây nhỏ, có độ cao từ 1 - 2m. Thân cây nhẵn,
không lông, không có gai. Lá kép của cây có độ dài khoảng 20 - 40cm, xẻ lông
chim, có mùi thơm. Hoa cây Đinh lăng mọc thành cụm, hình khuy ngắn, gồm
nhiều tán có nhiều hoa nhỏ mang màu trắng xám hoặc lục nhạt. Quả hình dẹt,
dài 3 - 4mm, dày 1mm, màu trắng bạc.
- Tính vị: Rễ vị ngọt, tính bình. Lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình.
- Công dụng: Chữa phong thấp, thấp khớp, tê mỏi, đau nhức xương khớp.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa sưng đau cơ khớp, lành vết thương
+ Lấy 40g lá tươi giã nhuyễn, đắp trực tiếp vào vết thương hoặc những vị
trí đang bị sưng đau. Đắp nhiều lần trong ngày cho đến khi tình trạng đau nhức
được cải thiện.
* Trị bệnh chân tay sưng đau
+ 20 - 30g thân và cành Đinh lăng. Sắc lấy nước uống, chia làm 3 lần trong

ngày, có thể phối hợp thêm với rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
* Chữa đau nhức do thấp khớp
+ Rễ Đinh lăng rửa sạch, để ráo nước, sau đó phơi khô trong bóng râm
hoặc chỗ thoáng mát. Khi bắt đầu ngâm rượu thì nên đặt rễ Đinh lăng vào trong
bình trước, sắp xếp theo hình ngay ngắn, có trật tự, rồi mới đổ ngập rượu theo tỷ
lệ 8 - 10l rượu và 1kg rễ Đinh lăng. Mỗi ngày dùng từ 2 - 3 lần, mỗi lần từ 20 -
30ml rượu.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Vỏ rễ và lá đinh lăng chứa saponin, alcoloid, các vitamin B1, B2,
B6, vitamin C, 20 acid amin, glycocid, alcaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ,
tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin
triterpen (1,65%), một genin đã xác định được là acid oleanolic.
+ Trong rễ đinh lăng cũng tìm thấy 5 hợp chất, nhưng chỉ có 3 hợp chất là
trùng hợp với các chất trong lá. Ba chất này có tác dụng kháng khuẩn mạnh và
chống một số dạng ung thư.
9. Cỏ xước
24

Vị thuốc Cỏ xước
- Tên khoa học: Radix Achyranthes aspera L.
- Mô tả: Cây cỏ xước là một loài thực vật thân thảo, mảnh, hơi vuông, sống
nhiều năm. Cây có chiều cao dao động từ 1 - 2 mét, có lông mềm bao phủ quanh
thân. Rễ màu vàng, hình trụ dài, khá nhỏ, bé dần từ cổ rễ đến chóp rễ, đường
kính chừng 2 - 5mm, dài 20cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, nhẵn đôi khi hơi nhăn,
có vết sần của rễ con. Lá mọc đối, nhọn ở đầu, kích thước khoảng 2 - 4 cm bề
ngang và 5 - 12 cm chiều dài. Trên lá có phiến hình trứng, mọc đối, mép nguyên
lượn sóng, có cuống nhỏ. Hoa mọc thành cụm, chiều dài cả chùm bông khoảng
20 - 30cm. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5, không có cánh hoa, có 1 lá bắc và 2
lá bắc con. Lá bắc rải rác có lông dài màu trắng, một gân dọc nổi rõ ở giữa.
Bông hoa có thể phát triển từ kẽ lá hoặc ngay đầu cành. Lá đài 5, hơi không đều,
rời, hình bầu dục thuôn nhọn. Nhị 5, nhị lép có nhiều tua viền ở đầu. Bầu hình
trụ. Quả dạng quả nang, dài 2 - 3 mm, màu nâu, có thành mỏng dính vào hạt. Lá
bắc nhọn giống gai, dễ bám vào vật khác như quần áo. Hạt hình trứng nhỏ và
dài, dày 1 mm
- Tính vị: Vị đắng, chua, tính bình, không độc. Quy kinh: Can, Thận.
- Công dụng: Lưu thông khí huyết, giảm đau các khớp.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa thấp khớp
+ Rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 20g, Cỏ nhọ nồi 16g, Ngải
cứu 12g, Thương nhĩ tử 12g. Sao vàng sắc đặc ngày uống 1 thang, uống 7-10
ngày liền.
25

+ Hoặc Rễ cỏ xước, Vòi voi, Kim ngân hoa, Thổ phục linh, Hy thiêm, Ké
đầu ngựa, Thiên niên kiện, cây Xấu hổ, dây Đau xương, cây Cà gai. Chế thành
cao và rượu thuốc.
+ Hoặc Rễ cỏ xước 16g, Hoàng bá 12g, Thương truật 12g. Sắc chia 2 lần
uống trong ngày.
+ Dùng rễ cỏ xước ngâm rượu làm thuốc điều trị đau nhức xương khớp. Tỷ
lệ ngâm 1kg rễ khô ngâm với khoảng 5 lít rượu, ngâm 1 tháng là dùng được.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Rễ cỏ xước chứa hoạt chất saponin. Ngoài ra còn có ecdysteron,
achiranthin, glucose, galactose và muối kali.
+ Chống viêm, giảm đau, cường sức đề kháng của hệ miễn dịch và đóng
vai trò như một chất chống oxy hóa.
10. Dền gai

Vị thuốc Dền gai


- Tên khoa học: Hebra Amaranthus spinosus L.
- Mô tả: Dền gai thuộc loại thân thảo đứng, cao 0,3 - 0,7 m. Thân cành
cứng nhẵn, phân thành nhiều cành, đôi khi màu đỏ, có 2 gai ở mỗi mẫu. Sở dĩ
người ta gọi cây Dền gai là vì trên phần thân cây có nhiều cột gai nhỏ, mềm chứ
không hề cứng. Cây có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất nên khả năng chịu hạn, chịu
nước tốt. Lá mọc so le, hình mác hoặc bầu dục có cuống dài, gốc thuôn hoặc đầu
tù hoặc hơi nhọn dài 3 - 5 cm, rộng 1,5 - 3 cm. Mép nguyên, hai mặt nhẵn. Ở
gốc cây có gai dài khoảng 3 - 15 mm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành,
thành bông dày hoặc đặc dài 10 - 15 cm, thẳng đứng, lá bắc có mào. Bao hoa
đực dài 2,5 - 3 mm. Có 5 phiến trứng nhọn, nhị 5. Bao hoa cái dài 1,5 mm, có
26

phiến thuôn tù. Quả có dạng túi, hình trứng nhọn một đầu. Hạt có màu đen óng
ánh.
- Tính vị: Vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh.
- Công dụng: Chữa đau lưng, gai cột sống.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa gai cột sống nhẹ
+ Cây rau dền gai còn tươi tốt, rửa sạch, đem cắt thành từng khúc nhỏ rồi
cho vào nấu với một lít nước. Khi nước sôi thì để nguội và chắt ra uống hằng
ngày.
* Chữa gai cột sống nặng
+ Cây dền gai: 30g, Cây chìa vôi: 50g, Lá lốt: 30g, Cỏ xước: 30g, Tầm gửi
30g. Rửa sạch, nấu cùng với 2 lít nước, đun đến khi nước sôi thì để thêm tầm 5 -
7 phút hãy tắt bếp. Dùng nước nấu này để uống hằng ngày.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Toàn thân Dền gai chứa: Lượng nitrat kali nhất định. Nhiều sắt, đây là
một trong loại rau ở Việt Nam về thành phần sắt bên trong giúp bổ máu. Ngoài
ra còn có nhiều các vitamin B2, C, A, hàm lượng canxi nhiều, Giàu nước, chất
xơ, đạm thực vật, glucid các axit amin như lysin, axit nicotic…Rễ chứa
spinasterol. Toàn cây chứa sterol. Phần trên mặt đất chứa rutin 1,9%.
11. Chìa vôi

Vị thuốc Chìa vôi


- Tên khoa học: Hebra Cissus modeccoides Planch.
- Mô tả: Thuộc dạng dây leo, dài 2 - 4m hay hơn, không phân nhánh. Thân
màu lục, hơi có khía, thường pha lơ nhạt hoặc màu tía, phủ phấn trắng, tiết diện
27

tròn, láng. Tua cuốn đơn, mọc đối diện với lá. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá có 3
dạng: thường phiến xẻ thùy chân vịt từ 3 - 5 thùy sâu hay cạn, gốc hình tim, đôi
khi hình mũi giáo. Phiến nhẵn ở cả hai mặt, mặt trên màu xanh lục sậm, mặt
dưới nhạt hơn. Mép lá có răng cưa rất mịn giống như sợi lông nhỏ màu nâu. Gân
lá hình lông chim, có 3 - 5 gân gốc và 5 - 10 đôi gân bên nổi rõ ở mặt dưới, gân
gốc và gân bên đều cong hướng về ngọn lá. Cuống lá dài 5 - 8 cm, hình trụ, màu
xanh, gốc hơi to và thường bị vặn. Lá kèm rụng sớm, là 2 phiến hình bầu dục,
rời, khi non màu xanh lục, về sau chuyển màu nâu. Cụm hoa mọc thành ngù, đối
diện với lá, ngắn hơn lá. Cuống hoa màu xanh, hình trụ nhẵn, dài 3 - 5 mm. Hoa
màu vàng nhạt, đều, lưỡng tính. Cánh hoa 4, dễ rụng, đều, rời tạo thành chóp
nhọn. Mỗi hoa có 1 là bắc và 2 lá bắc con dạng vảy nhỏ, màu xanh nhạt. Lá bắc
thuôn, rụng sớm. Đài hình đấu hay hình chén, nhẵn, 4 răng nhỏ. Tràng 4 cánh,
nhị 4, bao phấn bầu dục, màu vàng. Bầu hình trụ nhẵn, bầu trên 2 ô, mỗi ô 2
noãn, đính noãn trung trụ. Quả ít gặp, có hình nang tròn, to khoảng 5 - 6 mm,
khi chín sẽ có màu đen
- Tính vị: Vị đắng nhẹ, chua, hơi the, tính mát.
- Công dụng: Chữa đau lưng, đau xương, tê mỏi,
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa phong thấp, cơ xương đau nhức
+ Chìa vôi 20g, dây đau xương 15g, cây lá lốt (nhổ liền cả rễ) 15g. Sao
vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.
+ Chìa vôi 40g, lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cây tầm gửi 20g, cây dền gai 20g
sắc với 1,5 lit nước. Chia làm 3 lần uống trong ngày sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Nên uống khi thuốc còn ấm và duy trì liên tục trong ít nhất 1 tháng.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Chìa vôi có các thành phần hóa học chính: Ngọn và lá có nước 91,3%,
glucid 5,4%, protid 1,4%, xơ 1,1%, caroten 1,5 mg%, vitamin C 45mg%, tro
0,8%. (Võ Văn Chi: Từ điển cây thuốc Việt Nam 1999). Thân dây chìa vôi chứa
hợp chất phenolic, acid amin. saponin, acid hữu cơ (Trung dược từ hải quyển II.
28

1728). Ngoài ra còn có acid hữu cơ, hợp chất phenolic, saponin và các acid
amin.
12. Gấc

Vị thuốc Hạt gấc


- Tên khoa học: Semen Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.
- Mô tả: Cây gấc là loài thân thảo dây leo lâu năm, chiều dài khoảng từ 10-
15 m. Mỗi năm héo 1 lần, nhưng mùa xuân năm sau từ gốc lại mọc ra nhiều thân
mới. Mỗi gốc nhiều dây, mỗi dây nhiều đốt, mỗi đốt có lá. Lá mọc so le, thùy
khía sâu. Phiến lá có đường kính 12 - 20 cm, đáy lá hình tim, mặt trên xanh lục
xám, sờ ráp. Trái gấc hình bầu dục dài 15 cm, đuôi nhọn, nhiều gai mềm đỏ đẹp
phủ bên ngoài. Khi chín, gấc dần thay đổi màu sắc từ xanh, vàng, cam, đỏ. Quả
chứa nhiều hạt, xếp hàng dọc, quanh hạt có mảng đỏ máu, bóc hết lớp màng đỏ
có một lớp vỏ cứng đen. Quanh mép vỏ có răng cưa tù và rộng. Hạt dài 24 - 35
mm, rộng khoảng 19 - 31 mm. Trong hạt có nhân và chứa nhiều dầu. Hạt gấc có
hình hơi dẹt, màu đen, mép có răng cưa, nhiều đường vân lõm, vỏ cứng
- Tính vị: Nhân hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc. Quy kinh
Can, Tỳ, Vị.
- Công dụng: Chữa đau khớp, vết sưng tây, tụ máu.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa đau khớp, bầm tím
+ Hạt gấc chín rửa thật sạch, để ráo, nướng trên than, đốt cho vỏ ngoài cháy
thành than. Dùng dao tách vỏ, lấy ruột, giã nát, ngâm xâm xấp đều với rượu dạo
45 - 50 độ. Thời gian ngâm trên 15 ngày. Ngâm càng lâu, càng tăng tác dụng
29

của hạt. Dùng miếng bông gạc tẩm rượu gấc cho ướt rồi đắp lên chỗ đau băng
lại trong khoảng 30 phút.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Hạt và mảng vỏ gấc chứa một lượng lớn acid béo. Đặc biệt là acid oleic,
acid palmitic, acid stearic và acid linoleic.
+ Các saponin và chất ức chế chymotrypsin (MCoCI) được chiết xuất từ
hạt gấc có tác dụng kháng viêm. Ngoài ra MCoCI còn có tác dụng tăng cường
miễn dịch trên các tế bào lách, tế bào lympho, bạch cầu trung tính, tế bào tủy
xương và đại thực bào. Màng hạt và vỏ gấc chứa hàm lượng carotenoid cao,
gồm xanthophylls, lutein, lycopene và βcarotene. Xanthophyll được sử dụng
trong các bệnh lý về mắt. Do giữ được lượng carotenoid tốt nên có khả năng
chống oxy hóa tốt hơn. Ngoài ra hoạt chất chống oxy hóa của các carotenoid có
thể ngừa được ung thư.
13. Đỗ trọng

Vị thuốc Đỗ trọng
- Tên khoa học: Cortex Eucommia ulmoides Oliv
- Mô tả: Cây được trồng ở Trung Quốc và ở Liên Xô cũ (miền Nam). Cây
mọc được cả ở những nơi lạnh như Sapa (Lào Cai). Gần đây ở Việt Nam đã
trồng nhiều hơn. Tuy nhiên số lượng chưa đủ nên hiện nay vị Đỗ trọng chính
thức vẫn phải nhập.
Vào mùa hạ, bóc vỏ ở những cây có đường kính to, ép cho phẳng. Xếp
thành đống, chờ 6 - 7 ngày cho đổ mồ hôi, mặt trong có màu đen nâu. Bấy giờ
mới đem phơi khô. Vỏ mỏng, mặt ngoài màu xám, mặt trong đen nâu nhạt. Khi
bẻ có các sợi trắng như tơ giống như mành mành
30

- Tính vị: Vị ngọt, tính ấm. Quy kinh Can, Thận.


- Công dụng: Can thận bất túc, đau nhức lưng gối, xương khớp, gân cốt vô
lực.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm:
* Hải thượng Lãn Ông
+ Đau vùng thắt lưng: Đỗ trọng, hạt Quýt mỗi vị đều 80g, sao, tán nhỏ
uống dần với thang nước muối và rượu. Hoặc dùng Tỳ giải, Địa cốt bì sắc cách
thuỷ với rượu, uống thường ngày.
* Lương y Lê Trần Đức
+ Thận yếu, đau lưng, mỏi gối, liệt dương: Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn,
Đương quy, Thục địa, Ba kích, Cẩu tích, Cốt toái bổ, Mạch môn, Hoài sơn, mỗi
vị đều 12g, sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong, mỗi ngày dùng 15 -
20g, chia làm 2 lần. Hoặc dùng Đỗ trọng 16g, Tỳ giải 16g, Cẩu tích 20g, Dây
đau xương 12g, rễ Gốc hạc 12g, Thỏ ty từ 12g, rễ Cỏ xước 12g, Cốt toái bổ 16g,
Củ mài 25g, Sắc uống.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Trong vỏ cây có 3 - 7% chất có tính chất của gutta pecka. Trong lá có
2%, trong quả có 27,34%. Ở nhiệt độ 45 - 70 °C, chất gutta pecka có tính chất
dẻo rất cao. Ngoài ra còn chất anbumin, chất béo, tinh dầu và muối vô cơ.
+ Chiết xuất từ dược liệu này có thể ức chế sự tiến triển của viêm xương
khớp.
+ Khả năng bảo vệ thần kinh mạnh mẽ, có khả năng có thể được áp dụng
trong phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như
bệnh Alzheimer.
+ Đỗ trọng đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ sụn ở chuột bị viêm
xương khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
14. Thiên niên kiện
31

Vị thuốc Thiên niên kiện


- Tên khoa học: Rhizoma Homalomena accubta.
- Mô tả:
Thiên niên kiện là cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh. Lá cây
mọc so le, có cuống dài, màu xanh, mềm, nhẵn, phía dưới cuống nở rộng thành
bẹ có màu vàng nhạt. Phiến lá hình đầu mũi tên, đầu nhọn, mép nguyên. Mặt
trên của lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía
đỉnh lá. Cây mọc hoang rất nhiều ờ các miền rừng núi của nước ta. Loài cây này
ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối. Khai thác quanh năm.
- Tính vị:
- Các bài thuốc kinh nghiệm:
* Chữa thấp khớp, đau nhức xương
+ Thiên niên kiện 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 20g, cỏ
nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng rồi sắc, uống ngày một
thang.
+ Thiên niên kiện 12g, bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Đem tất cả thái
mỏng phơi khô, ngâm với rượu uống.
- Các nghiên cứu khoa học:
+ Từ rễ của Thiên niên kiện người ta chiết xuất được rất nhiều hợp chất
sesquiterpenoid.
Một nghiên cứu về thành phần hoá học trong tinh dầu ở vườn quốc gia Pù
Mát, Nghệ An cho thấy:
Từ tinh dầu rễ đã xác định được 54 hợp chất, chiếm 88,8% tổng lượng tinh
dầu.
32

Trong tinh dầu, các hợp chất monotecpen có hàm lượng 25,1% (16,1% là
monotecpen hydrocacbon và 9,0% là monotecpen chứa oxy), các sesquitecpen
(47,1%) với sesquitecpen chứa oxy chiếm 34,3% và sesquitecpen hydrocacbon
là 12,8%. Các chất thơm chiếm 16,3%, các hợp chất khác có hàm lượng không
đáng kể.
Ngoài ra, mùi thơm tinh dầu rễ được đặc trưng bởi các hợp chất thơm có
hàm lượng tương đối cao (16,3%), trong đó benzyl benzoat là chất thơm chính
chiếm tới 11,4%. Hơn thế nữa, thành phần chính của tinh dầu là α-bisabolol
(22,8%), benzyl benzoat (11,4%), linalool (8,6%). Đây là các hợp chất chứa oxy
tạo mùi thơm cho tinh dầu.
+ 3 chất mới thuộc nhóm eudesmane sesquiterpenoid, và 8 chất đã biết
trước.
+ Nhóm nghiên cứu trường đại học Y Dược Hà Nội tiến hành nghiên cứu
đề tài: “Đánh giá tác dụng của chế phẩm Cốt Thoái Vương trong hỗ trợ điều trị
bệnh nhân gây đau thần kinh tọa” do thoái hóa cột sống. Kết quả cho thấy các
bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi những cơn đau, chống viêm, tăng cường lưu
thông máu, nuôi dưỡng đến các đốt sống đĩa đệm.
+ Tác dụng khác: Các chất trong nhóm sesquiterpenoid có khả năng làm
tăng sinh và biệt hóa các tế bào tạo xương trong ống nghiệm. Chiết xuất của
Thiên niện kiên ức chế sự phát triển của vi khuẩn Pseudomonas stutzer, chống
lại hoạt động của enzyme phá hủy chất trung gian dẫn truyền thần kinh.
Tóm lại "Nam dược trị Nam nhân" là quan điểm cốt lõi, có giá trị đặc biệt
quan trọng trong ứng dụng chữa bệnh, được lưu truyền trong y văn mà đại danh
y Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế cách đây hơn 700 năm, đó là: Dùng thuốc Việt
Nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Việc lưu truyền và hướng dẫn sử dụng
những bài thuốc nam đến với nhân dân là một chủ trương không chỉ của Tuệ
Tĩnh mà còn là trách nhiệm của các thế hệ sau này. Việt Nam là quốc gia nằm
trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thường xuyên, tiết khí
phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm), nhiệt (nóng) phức tạp, khó lường bởi vậy
Chứng Tý trong nhân dân rất phổ biến. Với nguồn thuốc Nam đa dạng và phong
33

phú, cộng thêm với việc khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, các phương thức
truyền thông nhanh chóng, rộng khắp; tác dụng của các vị thuốc nam ngày càng
được làm sáng tỏ. Chúng cần được lưu trữ, nghiên cứu và đưa vào thực tiễn điều
trị rộng rãi hơn nữa để phát huy hết vai trò điều trị bệnh, lấy người bệnh làm
trung tâm đúng như Bác Hồ đã căn dặn "Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh
nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các
chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc
Đông và thuốc Tây. Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy
thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ
nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt".
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thúy, Vũ Nam (2006). Chuyên đề Nội khoa y học cổ truyền. Nhà xuất
bản Y học, Hà Nội.
2. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2006). Nội khoa Y học
cổ truyền (Dùng cho đối tượng sau đại học). Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 373-
378.
3. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại Học Y Hà Nội (2005). Bài giảng y học
cổ truyền, tập 1. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 457-460.
4. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại Học Y Hà Nội (2005). Bài giảng y học
cổ truyền, tập 2. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội,160-165.
5. Hoàng Duy Tân (2008). Sổ tay chẩn trị Đông y. Nhà xuất bản Thuận Hóa,
289-293.
6. Đỗ Tất Lợi (2015). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y
học, Hà Nội.
7. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập II.
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
8. Vũ Văn Điền, Đào Thị Vui, Huỳnh Tính (2004). Góp phần nghiên cứu về
hóa học và tác dụng sinh học của vị thuốc Lá lốt (Herba Piperis Lolot). Tạp chí
Dược học, số 10/2004, 8-10.
9. Viện Dược liệu (2009). Tác dụng chống Oxy hóa và lợi mật của vị
thuốc. Tạp chí Dược liệu, tập 14, số 4/2009.
10. Nguyễn Đức Vượng, Phạm Nam Giang, Lê Nhật Linh, Nguyễn Thị Thu
(2017). Nghiên cứu nấu một số loại cao thảo dược: Cây nở ngày đất, Lá lốt, Lá
vối dùng để điều trị bệnh Gout tại tỉnh Quảng Bình. Tạp chí thông tin Khoa học
& Công nghệ Quảng Bình, Số 2/2017.
11. Abad M. J. et al. (2012), "The artemisia L. Genus: a review of bioactive
essential oils", Molecules. 17 (3), 2542-2566.
12. Abiri R. et al. (2018), "Towards a better understanding of Artemisia
vulgaris: Botany, phytochemistry, pharmacological and biotechnological
potential", Food Res Int. 109,403-415.
13. Klonis N. et al. (2013), "Iron and heme metabolism in Plasmodium
falciparum and the mechanism of action of artemisinins", Curr Opin Microbiol.
16 (6), 722-727.
14. Sunday O. Oyedemi Roger M. Coopoosamy (2015), "Preliminary Studies
on the Antibacterial and Antioxidative Potentials of Hydroalcoholic Extract
from the Whole Parts of Artemisia vulgaris L.", International Journal of
Pharmacology. 11 (561-569).
15. Banerjee A et al (2019). Protective efficacy of Tinospora sinensis against
streptozotocin induced pancreatic islet cell injuries of diabetic rats and its
correlation to its phytochemical profiles. Journal of Ethnopharmacology. 248:
112356.
16. Badavenkatappa SG et al (2019). In vitro antitubercular, anticancer
activities and IL-10 expression in HCT-116 cells of Tinospora sinensis (Lour.)
Merr. leaves extract. Natural Product Research. 24: 1-6.
17. Banerjee A et al (2017). In Vitro Antidiabetic and Anti-oxidant Activities
of Methanol Extract of Tinospora Sinensis. Journal of Applied Biology &
Biotechnology. 5(03): 61-67.
18. Hafsa Ahmad, Sakshi Sehgal, Anurag Mishra, and Rajiv Gupta (2012).
Mimosa pudica L. (Laajvanti): An overview. Pharmacogn Rev. 2012 Jul-Dec;
6(12): 115-124.
19. Tôn Nữ Liên Hương, Nguyễn Minh Hiền và Trần Đình Luận (2012). Kết
quả nghiên cứu thành phần hóa học của thân cây cỏ xước. Tạp chí Khoa học,
21a, 114-118.
20. R.Vijayaraj, R.Vidhya (2016). Biological activity of Achyranthes aspera L.
Asian Journal of Biochemical and Pharmaceutical Research Issue 1(Vol. 6).
21. Hoàng Sĩ Hùng (2018). Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học
và độc tính cấp của dây chìa vôi. Luận văn thạc sĩ dược học. Trường Đại học
Dược Hà Nội.
22. Bài thuốc từ hạt gấc
https://soyte.hanoi.gov.vn/chuong-trinh-y-te/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/
content/bai-thuoc-tu-hat-gac. Ngày tham khảo: 08/05/2021.
23. Tra cứu dược liệu. http://tracuuduoclieu.vn/hat-gac.html
Ngày tham khảo: 08/05/2021.
24. Phytochemistry, Pharmacological Activities, Toxicity and Clinical
Application of Momordica cochinchinensis
https://www.researchgate.net/publication/332135472_Phytochemistry_Pharmac
ological_Activities_Toxicity_and_Clinical_Application_of_Momordica_cochin
chinensis. Ngày tham khảo: 08/05/2021.
25. Dược điển Việt Nam (2017). Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
26. Effects of an aqueous extract of Eucommia on articular cartilage in a rat
model of osteoarthritis of the knee. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24137247/.
Ngày tham khảo: 24/04/2020.
28. Eucommia ulmoides Oliv. Bark. protects against hydrogen peroxide-induced
neuronal cell death in SH-SY5Y cells.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22735663
29. Eucommia ulmoides Oliver: A Potential Feedstock for Bioactive Products
https://pubs.acs.org/doi/10.1021/acs.jafc.8b01312. Ngày tham khảo: 24/04/2020.
30. Zhao J, Wu J, Yan FL (2014). A new sesquiterpenoid from the rhizomes of
Homalomena occulta. Nat Prod Res.
31. Lê Thị Hương, Đào Thị Minh Châu, Nguyễn Viết Hùng, Nguyễn Công
Trường, Đỗ Ngọc Đài (2017). Thành phần hóa học tinh dầu Thiên niên kiện
(Homalomena occulata (Lour.) Schott ở vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Hội
nghị Khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ 7.
32. Ma D, Li Y, Xiao W, et al (2020). Achyranthes bidentata extract protects
chondrocytes functions through suppressing glycolysis and apoptosis via
MAPK/AKT signaling axis. Am J Transl Res. 2020;12(1):142-152
33. Nguyễn Công Đức (2017). Thuốc Nam. Nhà xuất bàn Thanh niên, Hà Nội.
34. Nguyễn Đức Đoàn (2018). Nam Y Nghiệm Phương. Nhà xuất bản Y học, Hà
Nội.
35. Nguyễn Bá Tĩnh (2004). Nam dược thần hiệu. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
36. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2016). Hải thượng Y tông tâm lĩnh.
Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
37. Trần Nam Chuân (2020). Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Y và
đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam hiện nay. https://www.qdnd.vn/chinh-
tri/cac-van-de/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-nganh-y-va-dao-duc-cua-
nguoi-thay-thuoc-viet-nam-hien-nay. Ngày tham khảo: 18/06/2022.

You might also like