You are on page 1of 4

Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân.

Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng
ngời những phẩm chất: yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa..Đọc vợ
nhặt của kim lân ng đọc không khỏi ngạc nhiên tò mò trước một tình huống lạ
tình huống nhặt vợ của a cu tràng.được thể hiện qua tình huống ‘’ít’’ kim lân vừa
tái hiện được cảnh ngộ đói khổ đáng thương của tràng và vợ tràng vừa trân
trọng ngợi ca khát vọng sống khát vọng hạnh phúc và vẻ đẹp ấm áp của tình ng
ngay trong tình cảnh thê lương thảm khốc nhất
Kim Lân - người thư kí trung thành của thời đại mình chỉ bằng vài nét phác họa,
đã gợi ra sức mạnh hủy diệt của nạn đói năm 1945: "Cái đói đã tràn đến" như
một cơn thác lũ có thể cuốn phăng mọi cuộc đời, mọi số phận đến bờ vực thẳm
của cái chết. Cái đói hiện hình trong những bóng dáng vật vờ của từng đoàn
người trên cả nước "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng
ma". Cái đói đi đến giới hạn cuối cùng là cái chết: Ngày nào cũng thế, những
nười đi chợ hay đi làm đồng đều gặp "ba bốn cái thây nằm còng queo bên
đường", "không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác
người", "tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết", lẫn trong "mùi đốt đống rấm khét lẹt"
ở những nhà có người chết.
Không gian năm đói đã tạo thành khung cảnh nền để Kim Lân kể lại câu chuyện
nhặt vợ cười ra nước mắt của Tràng. Câu chuyện bi hài được miêu tả trong đoạn
văn trên vừa góp phần hoàn chỉnh bức tranh chân thực về tình cảnh thảm khốc
của người nông dân trong nạn đói, vừa góp phần thể hiện cái nhìn đầy nhân văn
của Kim Lân về vẻ đẹp của tình người, của những khát vọng giản đơn mà cao
cả.
Người vợ nhặt của Tràng tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn
đói 1945: Nghèo đói, bị rẻ rúng. Chị là người đàn bà không rõ lai lịch, không có
gia đình, không có nhà cửa. Cô ta thậm chí không có tên và khi xuất hiện lúc
được gọi là thị, là cô ả, lúc là người đàn bà. Chỉ có bà cụ Tứ xem vợ Tràng là
nàng dâu, con dâu, là con và được Tràng gọi là nhà tôi mà thôi. Tên gọi vốn là
dấu hiệu để phân biệt người này với người kia, xóa đi tên riêng của nhân vật,
Kim Lân muốn làm bật lên ý nghĩa phổ biến của thân phận người phụ nữ trong
cảnh đói khổ. Đâu phải vợ Tràng mới là người không tên, không tuổi, còn biết
bao người đàn bà như thế.
Xuất hiện trong đoạn trích, người vợ nhặt cùng với mấy chị con gái ngồi "vêu"
ra ở cửa nhà kho thóc Liên đoàn chờ nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì
gọi đến thì làm. Cái đói thảm khốc đã khiến cho người vợ nhặt mang bộ dạng
thảm hại của một "con ma đói" với đôi mắt trũng hoáy, khuôn mặt lưỡi cày xám
xịt, quần áo rách như tổ đỉa, cái ngực gầy lép nhô lên.. · Những nét ngoại hình
ấy phản ánh một bi kịch: Con người bị cái đói đẩy đến bước đường cùng tơi tả
đến mức chỉ cách mấy hôm mà Tràng không nhận ra thị, trông thị gầy sọp đi.
Hình ảnh thảm thương của người vợ nhặt cũng là một phần bức tranh chân thực
về nạn đói năm 1945.
Không chỉ bị xấu đi về ngoại hình, cái đói còn làm mất đi ở thị bản tính dịu
dàng, kín đáo vốn có ở người phụ nữ.
Lần thứ nhất gặp Tràng, thị là người chủ động, táo bạo tới mức trở nên vô
duyên. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng
mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi
vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, cười tít mắt với Tràng. "Cơm
trắng mấy giò" trong câu nói của Tràng đã khiến thị xốn xao, thèm muốn chăng?
Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị đâu sầm sập chạy đến. Thị
đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: "Điêu! Người thế mà điêu!" - thị trách Tràng lỡ
lừa thị cả miếng ăn. Khi thấy anh Tràng có vẻ dễ bắt chẹt, thị tiếp tục cong cớn,
gạ gẫm miếng ăn một cách lộ liễu: "có ăn gì thì ăn chả ăn giầu" . Thấy có miếng
ăn, hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống, ăn thật.
Thị "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì". Ăn xong,
thị "cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà thở" . Thật quá vô duyên! Như vậy,
cái đói đã khiến cho chị không còn giữ được sự dịu dàng mà trở nên cong cớn,
sưng sỉa, chủ động làm quen với Tràng, chủ động gặp Tràng ở cổng chợ. Người
phụ nữ khốn khổ ấy có thể đánh mất cả lòng tự trọng, gợi ý chuyện ăn uống một
cách lộ liễu.
Chính sự dồn đẩy của cái đói khiến thị liều lĩnh ngay cả trong việc hệ trọng nhất
của đời mình, sẵn sàng theo Tràng – người đàn ông vừa gặp hai lần - chấp nhận
thân phận tai tiếng làm người "vợ nhặt". Nhưng thị còn con đường nào khác hơn
giữa những ngày đói quay, đói quắt này. Tất cả những hành động, quyết định của
thị rút cuộc lại, chính là để chạy trốn cái đói. Thế mới biết tình cảnh của thị là vô
cùng khốn khổ, cấp bách.
Không phải Kim Lân lạnh lùng hay rẻ rúng gì người đàn bà ấy, ngược lại ông
vẫn nói về người vợ nhặt với tất cả sự cảm thông, thương xót. Những nét vẽ
chân thực trên đây chính là cách giúp chúng ta hiểu hơn số phận cùng cực của
người lao động đang bị cái đói dồn đến bước đường cùng mà nhân vật vợ nhặt là
hình ảnh tiêu biểu.
Còn Tràng, người đàn ông ga lăng sẵn sàng đãi thị bốn bát bánh đúc, khiến thị
ngỡ là "rích bố cu" để rồi gấp gáp trao cuộc đời mình cho anh – cũng chẳng
khấm khá hơn là bao. Bởi lẽ, dù rất tốt bụng, hào phóng nhưng lúc đầu, Tràng
cũng tỏ ra phân vân, do dự, lo sợ khi quyết định đưa người vợ nhặt về "Mới đầu
anh chàng cũng chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có
nuôi nổi không, lại còn đèo bòng" . Anh cũng nghèo, cũng đói, cũng phải đang
từng ngày gò lưng kéo thóc, mà còn chẳng chắc chắn "có nuôi nổi mình không"
thì sao lại không phân vân, lo lắng cho được. Một anh chàng nghèo khổ, xấu xí,
thô kệch chẳng chắc lấy nổi vợ, bây giờ bỗng dưng có người theo không, chẳng
phải lễ nghi, cưới hỏi gì, lẽ ra anh phải mừng vui chứ. Nhưng cái đói đã khiến
anh lúc này chưa thể mừng vui nổi.
Kể lại tình huống nhặt vợ cười ra nước mắt của Tràng trong đoạn văn trên nói
riêng, trong tác phẩm nói chung, Kim Lân đã phản ánh một cách ám ảnh bi kịch
khủng khiếp không chỉ của các nhân vật mà còn là bi kịch của những người lao
động nghèo trong nạn đói năm Ất Dậu.
Đoạn trích không dừng lại ở việc phản ánh bức tranh hiện thực đói khổ, mà quan
trọng hơn, với việc dựng tình huống nhặt vợ, nhà văn đã trân trọng ngợi ca khát
vọng sống, khát vọng hạnh phúc và vẻ đẹp của tình người ngay cả khi họ bị đẩy
vào vòng tử địa.
Kim Lân từng tâm sự về truyện ngắn "Vợ nhặt" của mình rằng "Những người
đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống". Ta nhận thấy trong câu
nói của Kim Lân tinh thần lạc quan của con người, cốt lõi khát vọng cháy bỏng
về cuộc sống tốt đẹp của con người trong bất chứ hoàn cảnh nào ngay cả khi cận
kề với cái chết, cái đói. Và nhà văn đã gửi gắm khát vọng sống mãnh liệt ấy vào
nhân vật người vợ nhặt.
Kim Lân không hề khinh bạc, chế nhạo những hành động của người đàn bà
trong hai lần đầu gặp Tràng ở tỉnh. Trái lại, nhà văn đã nhận thấy động lực thôi
thúc những hành động của thị chính là khát vọng sống cháy bỏng, mãnh liệt. Bởi
lẽ, đặt trong hoàn cảnh bình thường, thì sự cong cớn, sưng sỉa đến mất cả lòng tự
trọng của người vợ nhặt để được ăn, để theo không Tràng.. là không thể chấp
nhận, thì trong năm đói Ất Dậu – một hoàn cảnh bất thường thì những hành
động không bình thường của người phụ nữ đói khát lại cần được cảm thông chia
sẻ. Khao khát sống mãnh liệt đã thôi thúc thị hành động như thế, để bám lấy sự
sống, bám lấy Tràng như cố víu vào chiếc phao cứu sinh duy nhất. Có thể nói,
khát vọng cấp thiết nhất của thị là khát vọng sống, nên dù chỉ là người vợ nhặt
thì đối với thị cũng là một may mắn quá lớn. Thế mới biết, lòng ham sống của
thị mãnh liệt đến chừng nào.
Cảm thông với điều đó, nên Kim Lân đã đứng về phía người phụ nữ để bênh vực
khát vọng sống chính đáng ấy, để rồi sau đó, ông đã trả lại bản tính tốt đẹp của
người phụ nữ cho người vợ nhặt kể từ khi thị theo Tràng về xóm ngụ cư. Đó
chính là chiều sâu tấm lòng nhân đạo của nhà văn dành cho nhân vật của mình.
Nếu người vợ là hiện thân của khát vọng sống mãnh liệt, thì Tràng lại là hiện
thân của khát vọng hạnh phúc và vẻ đẹp của tình người ấm áp, vị tha.
Với một người mà hạnh phúc gia đình chỉ là điều không tưởng như Tràng thì dĩ
nhiên khao khát cháy bỏng nhất phải là khát vọng hạnh phúc. Với khát vọng ấy,
Tràng đã đánh cược cùng cái đói để mạo hiểm nhặt vợ. Vào lúc người chết đói
đầy đường, cảnh nhà lại túng quẫn thì việc rước thêm một người về nhà quả là
một hành động dại dột, không thể nào hiểu nổi.
Nhưng trong hoàn cảnh bình thường thì anh lại không có khả năng lấy vợ.
Chuyện có vợ với anh cứ xa vời như chân trời phía trước. Chỉ vào lúc bị cái đói
xô đẩy đến bờ vực thẳm của cái chết, mới có người đàn bà mạo hiểm theo không
anh. Vậy thì Tràng không thể nào bỏ lỡ hạnh phúc mà cái đói đã đem đến cho
mình, dù hành động này có thể đẩy gia đình anh đến tột cùng của túng quẫn. Sau
giây phút hoảng hốt ban đầu khi thấy người đàn bà biến đùa làm thật, Tràng đã
chậc lưỡi đánh cược cùng cái đói để nhặt vợ. Phải có khát vọng hạnh phúc, khát
vọng gia đình lớn đến thế nào, Tràng mới có được cái quyết định dũng cảm ấy.
Và chính quyết định dũng cảm ấy đã nói lên rất nhiều vẻ đẹp của tình yêu
thương ở nhân vật này. Quyết định có vẻ giản đơn nhưng đằng sau cái "Chậc,
kệ" ấy là tình thương, lòng nhân hậu của anh cu Tràng ngờ nghệch mà đáng quý.
Anh sẵn sàng chia sẻ miếng ăn của mình với thị dù mình cũng không dư dả gì.
Anh sẵn sàng cưu mang người đàn bà tội nghiệp dù điều đó có thể khiến anh đến
gần hơn với thảm họa chết đói. Vào lúc miếng ăn là chuyện sinh tử của con
người mà anh có thể hành động như thế, ta nhận thấy động lực lớn lao trong
quyết định của anh không đơn giản là khát vọng hạnh phúc, mà sâu xa hơn
chính là tình người. Như vậy tình huống Tràng nhặt vợ trong đoạn văn trên là cơ
hội vô song để Kim Lân ca ngợi tình người ấm áp, bao dung. Chính vẻ đẹp ấy đã
vút lên như một luồng ánh sáng rực rỡ giữa không gian tăm tối, ảm đạm của
những ngày đói thê lương, thảm khốc.
Đoạn trích nói riêng, tác phẩm nói chung không chỉ giàu giá trị hiện thực mà
còn giàu giá trị nhân đạo. Xây dựng tình huống nhặt vợ của Tràng, đoạn văn nói
lên tình cảnh thê thảm của người nông dân trong cảnh đói, gián tiếp tố cáo tội ác
của bọn thực dân phong kiến đã đẩy con người đến tình cảnh phải bán rẻ cả
nhân phẩm để được sống. Đồng thời, nhà văn cũng thể hiện sự trân trọng, ngợi
ca vẻ đẹp của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc cũng như vẻ đẹp của tình
người trong nạn đói. Dưới sự thể hiện của ngòi bút giàu lòng nhân ái Kim Lân,
ta thấy sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không làm con người từ bỏ
lòng yêu thương, nhân hậu, không ngăn cản được con người hy vọng vào cuộc
sống, hy vọng vào hạnh phúc ngày mai. Họ vẫn vượt lên trên cái chết, cái thảm
đạm để sống với nhau bằng tình người đẹp đẽ, để hướng đến sự sống, hạnh phúc
và ngày mai tươi sáng hơn.
Vợ nhặt của Kim Lân là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học
hiện thực. Tác phẩm vừa cho thấy hiện thực cuộc sống nghèo khổ của nhân dân,
đồng thời ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm thể hiện sự trân trọng, nâng
niu những ước mơ đổi đời của con người. Không chỉ vậy, tác phẩm cũng cho
thấy nghệ thuật phân tích tâm lí và miêu tả bậc thầy của nhà văn Kim Lân.

You might also like