You are on page 1of 12

VỢ NHẶT

Kim Lân

CÁC ĐỀ PHÂN TÍCH CƠ BẢN

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG


MB
Nếu Chí Phèo đi vào trong tác phẩm của Nam Cao với dáng ngật ngưỡng của kẻ
say và tiếng chửi đời đầy chua chát. Thì nhân vật Tràng cũng bước vào trang văn của
Kim Lân với cái lưng to như lưng gấu và dáng đi lững thững đầy mỏi mệt, cái mắt nhỏ tí
gà gà đắm vào bóng chiều. Nhưng trước cách mạng, Nam Cao đã bất lực nhìn Chí Phèo
chết mà không thể đưa tay cứu vì hạn chế của lịch sử. Còn Kim Lân viết về anh cu Tràng
sau cách mạng thành công nên nhân vật đã được dắt tay đến ánh sáng của cách mạng, tìm
đường tới tự do. Con đường ấy chông gai, và thách thức như thế nào trong thiên truyện
ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã vẽ lại con đường ấy bằng ngòi bút chân thực, sống động khi
miêu tả nhân vật Tràng, một nhân vật chính của truyện với sự cảm thông và lòng nhân
đạo sâu sắc.
2. TB.
2.1.Lai lịch, ngoại hình:
a, Lai lịch: 
Dân ta ngày xưa sống trong thuần hậu của làng quê mà lúc đó là “phép vua còn
thua lệ làng”. Văn hóa làng xã phát triển đến ăn sâu trog tiềm thức của con. Vậy mà
Tràng lại là dân ngụ cư, một gã trai nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già.
Dân ngụ cư là nhưng người vốn từ nơi khác đến. Vì thế, họ không có ruộng đất, những
thứ vô cùng quan trọng đối với người nông dân thời xưa. Đã vậy, họ còn bị phân biệt đối
xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là
“nhà” thì luôn vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại.
Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ
hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.
b, Ngoại hình. 
Tràng xấu xí, thô kệch. Mỗi buổi chiều về, hắn bước ngật ngưỡng trên con đuờng
khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào bên trong bến. Hắn vừa
đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm
bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những
ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn... Còn đầu của Tràng thì cạo trọc nhẵn, cái lưng to rộng như
lưng gấu, ngay cả cái cuời cũng lạ, cứ phải ngửa mặt lên cười hềnh hệch. 
Với lai lịch là dân ngụ cư nghèo, lại có ngoại hình xấu trai như vậy cũng đủ anh
Tràng khó lấy được vợ nếu không muốn nói là ế vợ. Nhưng ẩn chứa bên trong nét ngoại
hình xấu xí ấy là tâm hồn của một con người luôn vươn tới những khao khát sống đẹp.
Và điều này một phần được thể hiện thông qua tính cách của nhân vật. 
2.2.Tính cách:
a, Con người vô tư, nông cạn nhưng đầy tình thương
Tràng hầu như không tính toán, không ý thức hết hoàn cảnh của mình, không
vướng bận những lo toan của cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Anh ta thích chơi với trẻ con
và chẳng khác chúng là mấy. Mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm cứ thấy cái thân
hình to lớn, vập vạp của hắn từ dốc chợ đi xuống là ùa ra vây lấy hắn, reo cười váng lên.
Rồi chúng, đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không
cho đi. Khi ấy, Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch. Anh với lũ trẻ con như anh em,
bè bạn và cái xóm ngụ cư ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một chút.
Ngay cả chuyện quan trọng cả một đời như lấy vợ, bất cứ ai cũng phải lựa chọn,
cân nhắc kĩ càng nhưng Tràng thì ngược lại. Tràng cũng chỉ đưa ra quyết định trong chốc
lát, nhanh chóng đến bản thân anh ta còn không tin nổi. Thật ra, ban đầu Tràng không
chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng thừa biết, người như hắn thì không thể có vợ. Đó là lần gò
lưng kéo cái xe thóc vào dốc tỉnh, Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Chủ tâm của anh
ta là vui đùa chứ đâu có chòng ghẹo cô nào. 
Muốn ăm cơm trắng với giò!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!
Nhưng không hiểu sao những cô kia lại đẩy Thị ra với hắn. Thế rồi, một người đàn
bà đang đói bám lấy để được ăn, Tràng cũng vui vẻ chấp nhận, cười tít mắt và cùng đẩy
xe bò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp được cái "cười tít mắt của thị"
bởi "từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu". Cái cười của
Tràng làm ta nhớ đến giây phút mà Chí Phèo không quên và đầy xúc cảm trào dâng như
khi nhận bát cháo hành từ trên tay Thị Nở, vì từ xưa đến nay có ai cho hắn cái gì, muốn
có ăn thì phải cướp, giật, dọa nạt. Một sự bố thí nhỏ nhoi của số phận cũng làm cho con
người trào dâng niếm hạnh phúc. Ấy chính là tinh thần nhân đạo của nhà văn. 
Vì đùa nên Tràng quên ngay nhưng thị thì nhớ như in và tới ăn vạ. Lơ ngơ giây lát
nhưng khi nhận ra Tràng nhanh chóng gật đầu. Lần thứ hai gặp lại là Khi Tràng đang
ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng
sỉa với hắn "Điêu, người thế mà điêu. Bữa trước hẹn thế mà mất mặt". Tràng không nhận
ra người đàn bà hôm trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm
hại đã bị cái đói tàn phá cả nhân hình lẫn phẩm cách. Thị gầy sọp hẳn đi, quần áo rách
như tổ đỉa, ngực gầy lép, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Thấy
người đàn bà đói, rách rưới, thảm hại. Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng
trong con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả đến thế bởi chính
Tràng lúc này cũng bị cái đói bủa vây, cũng thảm hại đáng thương như người phụ nữ kia.
Thế nhưng Tràng đã quên đi cái nghèo khổ của mình, chỉ còn lòng thương, một lòng
thương người đầy đủ giành cho người đàn bà. Tràng cho thị ăn, ăn rất nhiều " bốn bát
bánh đúc" - bởi giữa lúc tao đoạn ấy thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Miếng
ăn ấy có thể cứu sống một con người. Đó chính là lòng thương một con người đói khát
hơn mình chứ Tràng không hề có ý định lợi dụng hoặc chòng ghẹo. Một phẩm chất cao
cả, một tâm hồn đẹp ẩn bên trong một ngoại hình thô kệch, xấu xí. Một lòng thương
người bao la giữa cái đói cái chết đang cận kề. Đó là phẩm chất tốt đẹp trong con người
lao động nghèo khổ Việt Nam mà Kim Lân đã dày công kiếm tìm và ca ngợi.
b, Khát khao hạnh phúc gia đình.
Vốn tính hay đùa, khi thị lo lắng hụt tiền bị vợ mắng, Tràng lại tầm phơ tầm phào
"Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ lên xe rồi về". Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về
thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết. Mới đầu anh cũng chợn,
nghĩ: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo
bòng". Đó là nỗi sợ hãi có thật, nhất lại là thời điểm đói kém như thế. Một thoáng trong
óc Tràng, nỗi ám ảnh của cái đói, cái chết hiện về đầy đủ và chân thật nhất. Nó là hiện
thực khắc nghiệt mà không một lí trí nào đủ mạnh mẽ để làm ngơ. Nhưng có lẽ tình
thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi
"Chậc kệ!" 
Chỉ một từ "chậc kệ" thôi, Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi
lo nghĩ để vun vén cho cái hạnh phúc của mình. Tràng và người đàn bà kia như hai cành
củi khô nhưng họ đã chụm vào nhau để nhen lên ngọn lửa sự sống. Tội nghiệp thay,
người này thì cần hạnh phúc còn người kia thì lại cần chỗ dựa. Một người vì khát khao
hạnh phúc gia đình, người kia vì miếng ăn. Nói tóm lại là họ đánh liều với số phận, với
sự sống, nhưng cái liều của họ làm người ta bật khóc. Bởi sống giữa cuộc đời mà ngay
khi cái đói, cái chết cận kề, họ không nghĩ đến cái đói, cái chết mà lại hướng tới sự sống,
khát khao hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp, nghị lực sống phi thường của người nông dân nghèo.
Bấy giờ thì họ là người dũng cảm, dũng cảm bởi vì họ dám nắm tay nhau để bước qua
ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Họ làm ta khâm phục và kính trọng, phải
chăng hai con người khốn khổ ấy là niềm tin của Kim Lân về một giống nòi sẽ tiếp nối sẽ
sinh sôi khi mà cả dân tộc đang đứng trước sự diệt vong của nạn đói? Tất cả dồn tụ, lắng
đọng lại trong chi tiết nhặt vợ thật nhanh chóng của Tràng!
c, Tràng là người đàn ông nhân hậu phóng khoáng.
Khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc: hắn đưa thị vào
chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh
một bữa no nê... Anh còn mua 2 hào dầu để thắp sáng, để vợ mới vợ miếc cũng phải cho
nó sáng sủa một tí. Đó có vẻ như là sự chi tiêu phóng khoáng thậm chí là cố gắng quá
mức của Tràng trong lúc đói khát, thóc cao gạo kém này. Nhưng cũng rất dễ hiểu vì
Tràng sắp được làm chồng.
Không phải vì vợ nhặt mà Tràng coi thường, không trân trọng mà ngược lại, hắn
yêu thương và nâng niu chút hạnh phúc lớn lao bỗng nhiên hắn có được. Trên đường về,
khác với anh Tràng hôm qua buồn bã, cúi mặt lo âu nghĩ ngợi, hôm nay Tràng có niềm
vui lạ, một niềm hạnh phúc tràn ngập khiến mặt Tràng cứ "phớn phở khác thường".
Thỉnh thoảng lại còn cười nụ một mình. Lúc thì hắn đi sát người đàn bà, lúc lại lùi ra sau
một tí, hai tay cứ xoa vào vai nọ vai kia, muốn nói đùa một câu, lại cứ thấy ngường
ngượng. Kim Lân đã làm người đọc thấy được sự thay đổi về tâm lí của Tràng. Tràng
thật sự đã đổi khác. Trong lòng Tràng tràn ngập niềm vui sướng miên man khiến "Trong
một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái
đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn
bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm,
chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng,
tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng". Thế là rõ rồi: Tình yêu, hạnh phúc gia
đình luôn đủ sức mạnh khiến con người ta thay đổi. 
d, Biết đến những lo âu chính đáng.
  Khi về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy "ngượng nghịu" rồi cứ thế "đứng tây ngây ra
giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ". Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc
lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm
cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: "hắn
vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?". Đó là sự ngạc nhiên
trong sung sướng. Không chỉ có bản thân Tràng thấy bất ngờ về việc mình bỗng nhiên có
vợ, mà tất cả những người dân trong xóm ngụ cư đều không tin được. Bởi đây là một
việc như từ trên trời rơi xuống. Cái đói cướp đi cả mạng sống của con người thì có hạnh
phúc nào nó có thể ban cho con người? Vậy mà Tràng lại nhặt được hạnh phúc ngay lúc
sự sống chênh vênh nhất, không biết nên mừng hay tủi, vui hay buồn, hạnh phúc hay âu
lo? Nhưng đã vượt qua tất cả hiện thực khắc nghiệt, Tràng đón nhận niềm vui của hạnh
phúc nhỏ nhoi, bất ngờ của mình. 
  Lúc chờ đợi Mẹ về: Tràng nóng ruột, đi đi lại lại. Chưa bao giờ người ta thấy hắn
nôn nóng như thế- hắn biết lo toan, như mốc đánh dấu sự trưởng thành của một con
người. Vì sao? Bởi hắn lo mẹ không đồng ý, và nếu như vậy thì niềm hạnh phúc hắn
đang có sẽ bị mất đi. Khi mẹ về, hắn mừng rỡ, rối rít như trẻ con vì dù sao Tràng vẫn còn
có mẹ - đó là đấng tối cao của Tràng vì chỉ có mẹ mới quyết định được hạnh phúc của
hắn. Tràng nóng lòng thưa chuyện với mẹ. Bắt mẹ ngồi lên giường để thưa chuyện, như
thế ta mới thấy hết Tràng cũng ý thức được mình lấy vợ là một việc vô cùng hệ trọng. Có
gì đó như sự đổi thay ghê gớm. Trên chợ tỉnh mới trước đó ít phút, lời rủ thị về đích thực
là một câu đùa thì với hành động mời mẹ ngồi lên ghế chĩnh chện để thưa chuyện thì đó
lại là việc hệ trọng cả một đời. Một chàng trai đã lớn, đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà khi
thưa chuyện vợ con với mẹ Tràng vẫn còn ngượng nghịu, chút ngượng ngịu đầy trân
trọng của chàng trai nghèo trước hạnh phúc bất ngờ. Niềm vui, sự ngượng nghịu hoàn
toàn đối lập với sự ủ rũ của cậu con trai Lão Hạc khi bị phụ tình, vì nghèo mà mất đi tình
yêu đầy chua xót. Hai phận nghèo nhưng lại là hai kết thúc khác nhau trước hạnh phúc
gia đình. Nên người đọc hoàn toàn có thể hiểu và cảm thông cho niềm vui của Tràng.
Khi được mẹ đồng ý, Tràng thở đánh phào một cái nhẹ cả người. Thế là Tràng đã có gia
đình, có vợ, không tốn tiền cưới hỏi, Tràng lấy được vợ thật hiển hách.
Lo lắng của Tràng hoàn toàn có cơ sở, lo cho hạnh phúc mong manh kia có thể bị
mất đi bất cứ lúc nào. Lo cái đói sẽ hủy hoại tất cả, lo sợ mẹ không đồng ý…Tất cả đều
chính đáng bởi hạnh phúc gia đình là khao khát, là mưu cầu của mỗi con người. Chân lí
ấy Nam Cao đã nói trong truyện ngắn Chí Phèo: người ta không sợ đói rét, ốm đau, bệnh
tật bằng sợ sự cô đơn. Phải chăng cũng khi nhận ra hạnh phúc của mình đang hiện hữu
cũng là lúc Tràng lo sợ nhất mất đi hạnh phúc ấy, và rồi Tràng lại cô đơn một mình với
cái đói, cái nghèo. Có lẽ lúc này cô đơn cũng là điều Tràng lo sợ nhất. Một lo âu, trăn trở
mang đầy tính nhân bản, nhân văn trong nhân vật. 
e,  Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm.
Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ chín
chắn. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới cho Tràng sau đêm tân hôn.
Tràng thức dậy, đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu "Trong người êm ái lửng lơ như
người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Đó là tâm trạng lâng lâng trong hạnh phúc. Việc Tràng
có vợ thì có khác gì một giấc mơ. Tràng nhận thấy xung quanh mình có thứ gì vừa thay
đổi, mới mẻ, khác lạ: Nhà cửa, sân bãi được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng, quần
áo được thu dọn, hai cái ang đã được đổ đầy nước… Tràng cảm động khi thấy mẹ và vợ
dọn dẹp lại nhà cửa nhất là khi nghe tiếng chổi tre quét từng nhát sàn sạt trên sân. Một
nỗi lòng yêu thương, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng
"Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có
một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che
nắng". Không hiểu sao khi đọc những câu văn, những dòng trải lòng của nhân vật hay
cũng chính là của tác giả cứ làm tôi nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Đợi” của Vũ
Quần Phương:
Anh đứng trên cầu đợi em 
Đứng một ngày đất lạ thành quen 
Đứng một đời đất quen thành lạ 
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.
Ngôi nhà của Tràng đã sống bao ngày, hôm nay khi Tràng nhìn nó qua lăng kính
tình yêu hắn bỗng nhiên thấy nó vừa lạ lẫm, vừa thân quen như Chế Lan Viên từng nói:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Tình yêu chính là chất keo gắn kết của các thành
viên trong gia đình để Tràng thêm yêu thương và gắn bó với cái nhà của hắn. Để rồi
Tràng khẳng định một điều hoàn toàn mới mẻ: Hắn đã có một gia đình. Hai từ gia đình ở
đây cần được hiểu theo nghĩa trọn vẹn và đầy đủ nhất. Trước đây Tràng và mẹ vẫn sống
trong ngôi nhà này nhưng từ sáng đến tối không hề gặp mặt. Ngôi nhà như một chỗ trú
chân, không ai quan tâm ai. Nhưng giờ đây khi Tràng đã có vợ thì có sợi dây vô hình gắn
kết các thành viên trong gia đình. Và đó mới là gia đình thật sự. Gia đình ai cũng có,
nhưng gia đình như tổ ấm thì không nên nhà văn để cho Tràng khẳng định lại: Cái nhà
như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là tổ ấm của hạnh phúc chứ không phải cái tổ lạnh
băng không tình cảm. Vì thế nên Tràng ý thức được trách nhiệm của mình khi nhìn về
tương lai: Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Điều đó sẽ càng làm tăng thêm không
khí ấm cúng của một gia đình. Gia đình đấy cần một trụ cột, và Tràng sẽ làm trụ cột, làm
chỗ dựa và có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này. Từ ý thức, trách nhiệm dâng cao đã
thôi thúc Tràng bắt tay vào hành động: xăm xăm chạy ra sân, muốn làm một việc gì để
dự phần tu sửa lại căn nhà. Vậy là Tràng đã trưởng thành, một người đàn ông với vai trò
trụ cột gia đình. Có ý thức, trách nhiệm. Luôn muốn làm tròn bổn phận của mình.
Từ một anh phu xe cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã quan
tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi thay. Cái ao đời bằng phẳng của
Tràng và mẹ vẫn sống cho qua ngày, nay bỗng thị bước vào như ném một viên sỏi, sóng
sánh, đổi thay thấu đáy. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập,
Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay bởi trước kia
Tràng sống rất nông cạn và hời hợt, không nghĩ sâu sắc một điều gì, ngay cả việc lấy vợ.
Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê
Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng
ân hận, tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới... Phải chăng
Tràng đã thức tỉnh, đã hiểu được chân giá trị của sự sống: Khi cái đói, cái chết còn kề
cận thì hạnh phúc là thứ mong manh, khó nắm giữ, nên để hạnh phúc ấy trọn vẹn thì đầu
tiên phải tìm về được với sự sống chân chính. Và chỉ có cách mạng, đến với cách mạng
thì con người mới tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình. Giá trị nhân đạo là khi tác giả mở
ra con đường sống cho những con người đang đứng bên bờ vực của cái chết. Tràng đã
mở đầu cho câu chuyện Vợ nhặt bằng những bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng
khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào buổi chiều chạng vạng mặt
người và cũng chính anh đã kết thúc câu chuyện ấy vào buổi sớm mai với một hình ảnh
mới lạ về đoàn người nghèo đói vùng lên dưới lá cờ đỏ đang phấp phới tung bay.
3.Số phận:
Tràng tiêu biểu cho số phận của người dân nghèo trước cách mạng tháng Tám. Khi
thì nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ như con trai lão Hạc, phẫn chí mà bỏ đi làm mộ phu.
Còn như Tràng, trong nạn đói lại nhặt được vợ nhưng niềm hạnh phúc đan xen với lo âu,
sự sống lại cần kề với cái chết. Cuộc đời của những người như Tràng nếu không có một
sự thay đổi mang tính đột biến của cả xã hội sẽ sống mãi trong sự tăm tối, đói khát. Ở
Tràng, tuy chưa có được sự thay đổi đó, nhưng cuộc sống đã hé mở cho anh một hướng
đi. Đó là con đường đến với cách mạng tự nhiên và tất yếu mà những người như Tràng sẽ
đi. Họ sẽ đến với chân trời tự do làm chủ cuộc đời và nắm giữ được hạnh phúc. 
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn
Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật Tràng với đầy đủ diện mạo, ngôn ngữ, hành động,
đặc biệt là diễn biến tâm trạng của Tràng bằng ngòi bút sắc sảo. Anh chàng phu xe cục
mịch nhưng có một đời sống tâm lý sống động, khi hãnh diện cái mặt vênh vênh tự đắc
với mình bởi vừa mới nhặt được vợ, lúc lật đật chạy theo người đàn bà, như người xấu
hổ chạy trốn, hay lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia, cũng có khi lòng quên hết những
cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, chỉ còn tình nghĩa. Anh thô kệch nhưng không sỗ
sàng, trái lại biết ngượng nghiụ, biết sợ, nhất là biết lo nghĩ cho cuộc sống về sau.
3.Kết bài.
Có lẽ đọc xong tác phẩm, khi gấp lại trang truyện ta vẫn hình dung cái lưng to bè
như lưng gấu, nhưng không phải với bước chân nặng nề của anh cu Tràng như đầu thiên
truyện. Sức ám ảnh của nhân vật này chính là khát khao sự sống, khao khát đổi thay.
Tràng sẽ hòa vào dòng người theo cách mạng đi tìm ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của
chính mình. Hình ảnh ấy cứ gieo vào lòng người đọc một niềm tin, niềm vui bất tận.

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ


1. MB. Nói đến văn học là nói đến một phạm trù không giới hạn của nghệ thuật, có
khả năng gợi mở mọi chiều kích của các giác quan và trường liên tưởng, thì với tác phẩm
Vợ nhặt của Kim Lân ta không chỉ biết đến một anh Tràng thô nhám, cục mịch đến
ngượng nghịu, ngẩn ngơ như một đứa trẻ lớn hiền lành, một chị vợ "chao chát, chỏng
lỏn" mà "hiền hậu, đúng mực", ta còn biết đến một nhân vật giữ cho câu chuyện "Vợ
nhặt" có chiều sâu, mang lại cho tác phẩm sự mặn mà, đằm thắm. Đó là bà cụ Tứ. Càng
đọc, càng ngẫm nghĩ, ta càng cảm nhận sâu sắc tấm lòng của người mẹ nông dân trong
cơn đói thảm họa này. 
2. TB. 
* Vai trò của nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm.
Bà cụ Tứ là một nhân vật phụ xuất hiện ở phần giữa thân truyện "Vợ nhặt". Nhưng
nếu không có nhân vật này, chắc chắn tác phẩm sẽ không còn hấp dẫn, hoặc sẽ hấp dẫn
theo một cách khác… Bà cụ Tứ đã giữ cho câu chuyện “Vợ nhặt" có chiều sâu, mang lại
cho tác phẩm sự mặn mà, đằm thắm. Viết "Vợ nhặt" với tình huống anh cu Tràng nhặt
được vợ, Kim Lân muốn thể hiện số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng
tháng Tám và lòng khao khát tới hạnh phúc của họ. Xây dựng nhân vật bà lão, dường
như nhà văn muốn hướng người đọc nhìn việc lấy vợ của Tràng từ một góc độ khác,
trong một tâm trạng khác. Nhưng đọc tác phẩm, càng ngẫm nghĩ ta càng cảm nhận sâu
sắc hơn tấm lòng người mẹ nông dân nghèo trước cách mạng. Điều này có lẽ nằm ngoài
ý đồ sáng tạo ban đầu của tác giả. Sự kì diệu của nghệ thuật chính là ở đó. Lòng kính
trọng người mẹ, kính trọng người già và nỗi đau khổ suốt đời đè nặng lên con người đã
tạo nên tầm bao quát và sức sống của nhân vật bà cụ Tứ.
* Cách giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ.
Bà cụ Tứ trước hết là người mẹ nghèo khổ đã già yếu với cái lưng “lòng khòng”,
khẽ mắt “lèm nhèm”,”khuôn mặt bủng beo, u ám”. Những hành động cử chỉ của bà
“nhấp nháy hai con mắt”,”chậm chạp hỏi”, “lập cập bước đi”, “lật đật:, “lễ mễ” đều
toát lên tất cả các nét của bà là một người đã già, không còn khỏe mạnh. Hơn nữa người
phụ nữ ấy còn bị đặt trong hoàn cảnh nghèo nàn, đói khổ mà bà nói “cuộc đời cực khổ
dài đằng đẵng”.
Chân thật là "điểm đi" và cũng là "điểm đến" của nghệ thuật chân chính. Sức sống
của nhân vật cũng do yếu tố này quyết định. Bởi khi sống với nhân vật, ta như được sống
với thế giới tâm hồn "thật hơn cả con người thật". Đến với nhân vật bà cụ Tứ, nhiều lúc
ta có cảm giác như bà "hấp háy cặp mắt" bước từ căn nhà rúm ró, tồi tàn của mình mà
bước vào trang truyện chứ không hề do dụng công xây dựng của tác giả, một nhân vật
không hề có nét nào của việc “tô son đánh phấn”. Vâng, làm sao có thể nghi ngờ được
điều đó khi ta chứng kiến những diễn biến tâm lí đầy tinh tế, khi ta lắng nghe những lời
nói tưởng dớ dẩn, lẩm cẩm mà xiết bao ân tình của người mẹ nông dân nghèo…
* Diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ - bà mẹ nghèo khổ nhưng nhân hậu
vô cùng.
Nếu diễn biến tâm trạng của Tràng và vợ Tràng được nhà văn miêu tả theo một
đường thẳng thoáng lo âu buồn tủi rồi đi ngay đến niềm vui bất tận, thì bà cụ Tứ được
Kim Lân miêu tả tâm trạng gấp khúc, đan xen nhiều tâm trạng từ quá khứ đến hiện tại và
hướng tới tương lai. Bà cụ Tứ được đặt trong hoàn cảnh là con trai mình đột ngột có vợ.
Tình huống này khiến bà vừa vui vừa buồn, vừa lo lắng lại vừa hy vọng. Và tinh tế,
người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy hai mặt trong tâm trạng của bà mẹ nghèo khổ ấy: Bề nổi
mẹ luôn nói những chuyện vui, mong ước về tương lai tươi sáng để gieo lên niềm tin cho
các con, nhưng bề chìm, chiều sâu của tâm trạng là nỗi lo lắng, tủi hờn và những giọt
nước mắt chảy ngược vào trong mẹ đã giữ lại để riêng cho mình. Lòng bao dung và đức
hi sinh của bà mẹ ấy cũng giống như bao người mẹ Việt Nam. Nhân vật duy nhất trong
thiên truyện này có ý che lấp hiện thực phũ phàng chính là bà cụ Tứ. Nó đau đớn vụng về
như chính lúc bà quay đi che dòng nước mắt của mình cho các con khỏi nhìn thấy. 
@Khi mới về đến nhà.
Chân thật trong hình ảnh và chân thật trong từng chi tiết, Kim Lân dường như
không kể mà dắt ta đến với bà cụ Tứ. Bắt đầu là cái dáng "lọng khọng đi vào ngõ vừa đi
vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng". Có biết bao nhiêu là thân thương, trìu mến. Phải
chăng sau một ngày đi làm thuê kiếm sống chưa đủ mưu sinh, còn bao lo toan cho gánh
nặng cơm áo để đầu óc người mẹ ấy không một phút thảnh thơi. Ta gặp lại dáng hình gầy
còng vì sương gió cuộc đời của người mẹ nghèo thân thuộc. Từ "lọng khọng" đầy sáng
tạo và giàu sức tạo hình, một dáng vẻ gầy guộc, còm cõi, lưng còng, bóng ngả. Cái bóng
còng của bà cụ Tứ càng ngả hơn khi xuất hiện trong buổi chiều hôm đầy chạng vạng. Cái
xế chiều của một đời người gặp cái xế chiều của một ngày tàn như gợi lên sự chua xót
hơn cho những thân phận nghèo khổ trọn vẹn cả kiếp người. Cái lẩm cẩm, chậm chạp
theo nỗi "phấp phỏng" trước sự đón tiếp khác thường của ông "con giai”, bà bước vào
trong nhà. Khi thấy một người đàn bà lạ đứng ngay ở đầu giường con mình, bà hết sức
ngạc nhiên. Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu óc già nua của bà. “Nguời đàn bà nào lại
đứng ở đầu giường thằng con mình thế kia? Không phải cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Sao lại
chào mình bằng u?". Phải, bà làm sao ngờ được giữa năm đói, nhà lại nghèo mà con bà
lại dẫn không về nhà một người vợ! Nỗi băn khoăn bởi trong hoàn cảnh ấy, với anh con
trai thô kệch và gia cảnh của mình là hoàn toàn hợp lí. Đúng ra, khi con cái trong nhà đến
tuổi dựng vợ gả chồng, người mẹ nào cũng đủ tinh tế để nhận ra và hiểu chuyện khi thấy
con dắt một cô bạn gái về. Nhưng chính cái đói, cái nghèo đã làm người mẹ này mất đi
khả năng nhạy cảm thiên phú ấy. Bởi hơn ai hết bà hiểu gia cảnh của mình. Con mình
nghèo làm sao lấy nổi vợ. Thật chua xót cho những kiếp lầm than, đến cả hạnh phúc nhỏ
nhoi, bình thường họ cũng đánh rơi mất. 
@Khi đã hiểu ra cơ sự.
>Thương mình, rồi thương con trai.
Băn khoăn mãi, khi đã hiểu, "bà lão cúi đầu nín lặng", cái cúi đầu của con người
bởi nỗi khổ đeo bám suốt cuộc đời, giờ đến khi gần đất xa trời mà cũng không lo được
cho con một mái ấm. Sự xót thương, tủi hờn cho mình, cho con trai và cho cả con dâu.
Bà vừa "ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình". Thương con để rồi tủi phận mình.
"Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là trong lúc nhà ăn nên làm nổi, còn mình
thì…”. Đọc những dòng này, ta có cảm giác như trái tim người mẹ trong cái thân hình
còm cõi đang rung lên đau đớn, xót xa. "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai
dòng nước mắt", lý trí đã không ngăn nổi tình cảm. Kim Lân như một nhà quay phim tài
ba đầy cảm xúc lia ống kính máy quay của mình chớp lấy thần cảnh, thước phim từ cận
cảnh làm hiện lên đôi mắt hằn dấu chân chim một đời vất vả của người mẹ già, và trên
cái khoé mắt nứt nẻ theo thời gian ấy rạn ra hai dòng nước mắt khô héo. Nước mắt của
người già, mà như Nguyễn Khuyến xưa đã từng viết:
"Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan"
Thời gian là kẻ khách quan và quá đỗi vô tình, nó đã mang đi tuổi thanh xuân của
mẹ cùng bao lo toan, nhọc nhằn, vất vả đã vắt kiệt sức mẹ. Mẹ khó có thể khóc được
nữa, bởi "nước mắt người già chảy ngược vào tim". Khi mẹ khóc tức là mẹ đang đau
lắm. Việc trọng đại trong đời con, bà cũng ý thức lẽ ra "làm được dăm ba mâm mới
phải", nhưng "nhà mình nghèo quá", nên điều đó chỉ nằm trong suy nghĩ, không thực
hiện được và bà đau, bà tủi. 
>Thương và thông cảm cho con dâu.
Quên làm sao được cử chỉ ân cần mà xiết bao thương mến của mẹ với con dâu, ta
tưởng như có cái vẫy tay đầy thân thương sau câu nói này: "con ngồi xuống đây. Ngồi
xuống đây cho đỡ mỏi chân". Quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong mỗi gia đình không mấy
khi được hòa hợp, huống chi đây lại là cô con dâu không được hỏi cưới đàng hoàng. Cứ
ngỡ tưởng bà mẹ ấy sẽ coi thường, hắt hủi người dâu nhặt. Nhưng chúng ta đã thật sự
ngỡ ngàng trước những lời nói, cử chỉ ôn tồn của bà mẹ nghèo này. Còn đâu là ranh giới
giữa mẹ chồng - nàng dâu? Hay tình yêu thương đã xoá nhoà đi tất cả. Tình yêu ấy dâng
lên nghẹn ngào khi bà cụ Tứ nói trong nước mắt: "kể có ra làm được dăm ba mâm thì
phải đấy, nhưng nhà mình nghèo... lấy nhau lúc này u thương quá....". "Lúc này" ở đây
chính là thời điểm năm 1945 - cái mốc in dấu một nạn đói khủng khiếp đã đi vào lịch sử:
"hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói" (Tuyên ngôn độc lập), câu nói ấy vẫn còn vang lên
như một chứng tích tội ác của giặc, không khí quê hương "vẩn lên một mùi ẩm thối của
rác rưởi và mùi gây của xác người", "dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những
người đói dật dờ đi lại như những bóng ma". Ấy vậy mà, "như bèo gặp nước", vợ chồng
Tràng đã đến với nhau đánh cược cùng cuộc đời, cùng cái đói, cái chết. Thử hỏi sao lòng
người mẹ không đau. Bà chỉ biết khuyên vợ chồng Tràng thương yêu nhau, ăn ở hoà
thuận để cùng vượt qua cơn bĩ cực này. Đó là nỗi cảm thông của người mẹ từng trải, hiểu
đời có tấm lòng yêu con sâu thẳm... 
Bà cụ thương con, tủi phận rồi lại thương dâu. "Người ta có gặp bước khó khăn đói
khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…” bằng sự cảm
thông sâu sắc. Bà hiểu ra căn nguyên, ngọn nguồn của mọi vấn đề chính là cái đói. Nó
hủy hoại con người bằng cách cướp đi mạng sống nhưng đồng thời trước sự hủy diệt ghê
gớm của nó đã tạo ra một sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau để sống và sống
thật ý nghĩa: Tràng có hạnh phúc gia đình, thị có chỗ bấu víu để hi vọng có sự sống dù là
mong manh, bà cụ Tứ có con dâu mới. Tất cả đang mở ra một tương lai phía trước dù
tương lai ấy đang mờ mịt, bế tắc bởi sự đe dọa bởi cái chết luôn rình rập. 
>Lo lắng cho cuộc sống và tương lai của các con.
Vừa mừng tủi, vừa lo lắng, bà lo nỗi lo rất chính đáng của con người đã trải một
đời cực nhọc, đớn đau: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói
khát này không?”. Nếu qua được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề
nó. Và bà cũng nghĩ đến trường hợp xấu nhất nếu xảy ra là ông trời bắt chết thì cũng phải
chịu chứ biết thế nào mà lo hết cho được. Không hiểu trong đầu của bà mẹ nghèo kia đã
trải qua bao suy nghĩ trong những mảng sáng tối để rồi dừng lại ở một suy nghĩ bị đeo
đẳng bởi hiện thực khắc nghiệt. Cái đói, cái chết không phải lởn vởn mà nó luôn hiện
hữu ở mọi ngõ ngách trong suy nghĩ của con người. 
Bởi nỗi lo trong lòng, bà cụ động viên con tin tưởng vào tương lai. "Vợ chồng
chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con,
ai giàu ba họ, ai khó ba đời?…". Nhưng không phải ngẫu nhiên Kim Lân lại để ngay khi
nghĩ về viễn cảnh tương lai tươi sáng lại là ánh mắt đăm đăm của bà khi nhìn ra ngoài để
bao trùm lấy hai con mắt là cánh đồng mênh mông bóng tối. Là mùi đống rấm khét lẹt
của những nhà có người chết thoảng vào. Lại là gánh nặng của hiện thực không thể phủ
nhận và chạy trốn. Không lẫn đi đâu được cách nói, cách nghĩ vừa lẩn thẩn, vừa hồn hậu
của người mẹ già nông thôn. Tác giả vừa hóa thân vào nhân vật để phân tích diễn biến
tâm lí vừa khách quan ghi lại. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh không gian, thời gian nhất
định, Kim Lân đã diễn tả sâu sắc tâm trạng nhân vật. Bà cụ Tứ ngửi "mùi đốt đống rấm ở
những nhà có người chết thoảng vào khét lẹt" mà "nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con
gái út", đến "cuộc đời cực khổ dằng dặc” của mình để rồi phấp phỏng lo lắng cho tương
lai của con: "Liệu chúng nó có hơn bố mẹ chúng nó trước kia không?". Nghệ thuật "biện
chứng tâm hồn” đã thể hiện nhuần nhị trong từng biến thái tinh tế, phong phú của tâm lí
người mẹ nghèo. Tác giả phải có sự thấu hiểu, trân trọng đặc biệt, phải có vốn sống
phong phú đến mức nào mới có thể diễn tả một cách chân thực, tài tình đến vậy. "Vợ
nhặt" không còn là trang văn, đó là những trang đời – những trang đời thấm đẫm những
giọt nước mắt tụi cực, xót xa, phấp phỏng nỗi lo cho tương lai và rạng rỡ lạc quan thắp
lên trong trái tim người mẹ nghèo. Chân thực mà cũng thật cảm động, hình ảnh bà cụ Tứ
không chỉ giúp ta chứng kiến diễn biến tinh tế của tâm lí mà còn rung cảm sâu sắc trước
tâm tình tha thiết của người mẹ,
Bà nói với con dâu bằng lời của một người từng trải – vừa lo lắng, vừa thương xót:
"… Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương  quá…". "Bà cụ
nghẹn lời không nói được nữa…". Nhưng ta hiểu, người con dâu bà lúc này sẽ rất hiểu
bà, thấy thân thiết gắn bó với bà, thực sự coi bà là mẹ. Và nghĩa là "đám cưới" đã xong.
Chẳng lễ nghi, không đưa đón, tấm lòng chân thật, nhân hậu của người mẹ nghèo đã thay
thế tất cả. Đến đây, ta cứ liên tưởng tới mẹ chồng Dần trong "Một đám cưới" (Nam Cao).
Người me ấy mở "tài ăn nói", nói rất nhiều, rất "ngọt ngào” để khỏa lấp cái sự "không
có nhiều tiền", làm "mát lòng mát ruột" cha Dần. Chao ôi, những người mẹ nông dân
nghèo trước cách mạng là thế ư? Tình yêu thương con, ý thức trách nhiệm của người làm
mẹ khiến họ cưới vợ cho con bằng tất cả những khả năng mình có thể, dẫu chỉ là lời
nói… Nhưng nếu mẹ chồng Dần nói rất nhiều thì bà cụ Tứ lúc này lại nói rất ít. Bà khóc.
"Nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng". Những giọt nước mắt đã nói lên tất cả tấm lòng
chân thật. 
Đọc truyện, có lẽ không ai quên được cái cách giấu diếm đầy ngượng ngập, vụng
về những dòng nuớc mắt xót thương con của bà lão: "Có đèn đấy à? Ừ thắp lên một tí
cho sáng sủa… Dầu bây giờ đắt gớm lên mày ạ…". Bà đã cố nén sự xúc động của mình,
đã cố nuốt những giọt nước mắt chát đắng xót xa vào trong trái tim vốn đã chát đắng của
một đời tủi cực. Và khi ấy, trước đôi mắt nhòa lệ của người đọc, dòng "nước mắt cứ
chảy ròng ròng" sau lời bộc bạch tâm tình với con dâu của bà lão lại hiện lên rõ nét hơn
bao giờ hết. Những giọt nước mắt trong suốt từ đôi mắt đục mờ. Những giọt nước mắt
lấp lánh tấm lòng cao quí của người mẹ. Những giọt nước mắt mặn mòi như muối của
trái tim yêu thương dạt dào như biển cả. Người mẹ già như cố nuốt nước mắt vào trong,
cố nén nỗi đau trong lòng để tình thương của mình an ủi các con. Nỗi lo sợ ngày mai mãi
chỉ là một niềm riêng không chia sẻ. Bởi trái tim người mẹ ấy hiền hậu nhân từ lắm.
Chẳng muốn con buồn, chẳng muốn con đau, chỉ mong con hãy tận hưởng trọn vẹn cái
hạnh phúc lứa đôi. Đến đây, ta càng thấm thía hơn một câu danh ngôn: "tình yêu thương
của người mẹ dành cho con luôn âm thầm, lặng lẽ như mạch nước ngầm trong lành đi
theo con suốt cuộc đời". Suối nguồn của tình mẹ và những giọt nước mắt, giọt mồ hôi
thật thiêng liêng và đáng quý vô cùng. Rồi có ai đã từng ví trong câu hát "tình mẹ bao la
như biển Thái Bình dạt dào", thì đây, những giọt nước mắt buồn thương vẫn mặn mà,
nồng ấm, vẫn âm vang nhịp đập thuỷ triều. Kim Lân đã tâm sự khi viết tác phẩm này,
phải đến tận khi tất cả niềm tin của ba con người nghèo khổ trong ngôi nhà lụp sụp, tăm
tối kia gần như lụi tắt thì cũng là lúc bà cụ Tứ thắp lên ánh sáng ngọn đèn dầu. Mẹ kêu
con thắp đèn lên "cho sáng sủa" hay chính tình yêu bao la của mẹ đang toả sáng cho
hạnh phúc của các con…Bà dành lời cho bữa cơm mừng con dâu ngày hôm sau – "toàn
chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này", bà say sưa bàn với các con những dự
định cho tương lai… Để ý ta sẽ thấy chính bà lão "gần đất xa trời" này lại là người nói
đến tương lai nhiều hơn tất cả. Không đơn thuần chỉ là tâm lí lạc quan khỏe khoắn của
người lao động, đó là cả niềm ao ước thiết tha về một ngày mai sáng sủa hơn cho con của
người mẹ nghèo. Có thể bà chẳng còn sống được mấy nữa. Nhưng bà sống vì con, tìm
thấy ý nghĩa đời mình trong sự chăm lo vun vén cho con. Bởi những ước muốn, hi vọng
đâu chỉ dành cho tuổi trẻ – nó trở nên đậm sâu, nồng thắm hơn trong tấm lòng của những
người mẹ nghèo như bà cụ Tứ. Ai dám bảo bà lão lẩm cẩm, dớ dẩn? Ai dám cười những
ước mong, dự định của bà? Cái gốc lạc quan, yêu thương không những không tàn héo đi
mà ngược lại càng xanh tươi hơn trong mưa nắng cuộc đời tâm tình ấy làm ta xúc động,
thấm thía bao điều…
@Bà cụ Tứ trong buổi sáng hôm sau.
Niềm tin của bà mẹ ấy đã chuyển hoá thành niềm vui. Bà vui trong công việc "sửa
sang nhà cửa vườn tược". Nó khiến bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, "cái mặt
bủng beo, u ám của bà bỗng rạng rỡ hẳn lên". Bà đã chủ động tạo nên niềm vui đó trong
ngày đầu tiên gia đình đón chào một nàng dâu mới: bà dậy từ rất sớm, bà "xăm xắn thu
dọn, quét tước nhà cửa, giẫy những búi cỏ mọc nham nhở trong vườn". Bởi bà hiểu rằng,
bắt đầu từ hôm nay đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời các con mình, chúng nó
đã nên vợ nên chồng và bà cảm thấy mình phải vun vén cho hạnh phúc của các con. 
Buổi sáng hôm nay, bà đã đon đả lo chu tất, chuẩn bị bữa cơm đón dâu, nhưng
"bữa cơm ngày đói thật thảm hại" lại chỉ là một bữa "tiệc" với món cháo loãng và món
"chè khoán" đắng chát, nhưng bà vẫn cố tạo ra không khí ấm cúng, vui vẻ để động viên,
làm giảm bớt nỗi thất vọng cho các con. Dù cuộc sống này có khắc nghiệt, ngặt nghèo
đến tàn bạo, đầy đoạ mẹ con bà, bà vẫn nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này,
chuyện nuôi đôi gà cho nó sinh sôi nảy nở thành đàn gà con... Người mẹ già ấy vẫn nghĩ
đến cái sống, nghĩ đến ánh sáng của ngày mai ngay bên bờ vực thẳm của cái chết. Hình
ảnh đàn gà sinh sôi trong bữa cơm ngày đói đã nói lên sức sống kì diệu của người lao
động. Nhưng xúc động nhất là nồi cháo cám mà bà đã cố tình giấu con trai, con dâu cho
đến phút cuối cùng. Người đọc cười ra nước mắt trước sự hào hứng vui vẻ khi bà "lễ mễ
bưng nồi cháo cám nghi ngút khói" lên nhà, tươi cười đon đả múc cho các con rồi mời
mọc: "cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ ăn thử mà xem". Nhưng ta biết, bên trong cái
vẻ tươi tỉnh niềm nở ấy, lòng mẹ đang quặn thắt. Cái món mà bà cụ Tứ gọi là "chè
khoán" ấy hoá ra lại là cám, gọi như vậy để cho các con bớt tủi thân, lời mời mọc của bà
là lời động viên, an ủi. Bà muốn con được no đủ, hạnh phúc trong một việc làm mà bà cố
gắng tạo nên dẫu biết rằng đó chỉ là ảo giác, sau đó thực tại sẽ lại trở về nguyên bản, bẽ
bàng và chua chát. Dường như bà có ý xua tan đi không khí ảm đạm, cố che đậy, vùi đi
thực cảnh thê lương. Có một chi tiết trong thế tương phản mà Kim Lân đã miêu tả trong
tác phẩm này để ta hiểu hết được tấm lòng sâu kín của người mẹ. Bát cháo cám là tâm
điểm thu hút ánh nhìn của ba nhân vật trong tác phẩm. Mỗi nhân vật đón nhận theo một
cách khác nhau. Từ đó lóe sáng lên tư tưởng chủ đạo nhà văn gửi gắm. Thị nhìn nồi cháo
cám mà hai mắt thị tối sầm lại. Còn Tràng thì chun ngay mặt lại, miếng cám đắng chát
và nghẹn bứ trong cổ. Còn bà mẹ già vẫn khen ngon đáo để - ăn một cách ngon lành. Hai
con người trẻ khỏe, mà còn không muốn nuốt mà bà mẹ già gần đất xa trời lại ăn ngon
lành. Phải chăng đó là một việc làm vượt trên cả một tình yêu thương, mà chiều sâu của
nó là nghị lực sống của bà mẹ nghèo, đang cố bùng cháy sáng dù chỉ là trong khoảnh
khắc để nhen lên niềm tin, hi vọng cho những đứa con thân yêu của mình để chúng có đủ
sức mạnh vượt qua những khó khăn đang ngập đầy trước mắt. Nhưng thật tội nghiệp cho
bà lão, tội nghiệp thay cho cái niềm vui bé nhỏ chới với giữa một bể bi thương, khi mà
màu sắc của hiện tại phải được trả về đúng nghĩa của nó. "Bà không dám để con dâu
nhìn thấy bà khóc". Một lần nữa, người mẹ lại nuốt đắng cay vào trong để hi vọng mong
manh còn đủ sức soi đường con bước. Những giọt nước mắt lại rơi, giọt nước mắt đầy
ám ảnh...Có thể, người đàn bà ấy chẳng còn sống, còn gần các con được lâu nữa. Nhưng
bà sống trọn một đời vì các con, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình trong sự chăm lo, vun
vén cho con, mơ ước cho con. Bằng tất cả sự nâng niu trân trọng, Kim Lân đã để trái tim
đập cùng một nhịp đập với trái tim người mẹ nông dân. Viết về bà cụ Tứ, nhà văn thực
sự đã trở thành "người nhân đạo đến tận xương tuỷ" - (Sê khôp)
KB: Kim Lân đã dựng lên “hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân
nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945". Một người mẹ hết lòng yêu thương
con, hi sinh tất cả vì con. Nhà văn không cố ý xây dựng bà cụ Tứ thành một nhân vật điển
hình nhưng bằng tài năng, bằng vốn sống, bằng tình cảm thiết tha, trìu mến đối với tấm
lòng người mẹ đã khiến hình ảnh bà cụ Tứ trở nên chân thật và cảm động hơn bao giờ
hết. Chính người mẹ già ấy là ánh sáng của thiên truyện ngắn, đằng sau cái bóng tối bi
thảm của những kiếp đời nghèo khổ? Ánh sáng ấy làm câu truyện trở nên thấm thía, cảm
động hơn, nâng truyện ngắn "Vợ nhặt" lên tầm cao, mang chiều sâu của một truyện ngắn
hiện thực – nhân bản.

You might also like