You are on page 1of 3

ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

***
Đề tài: Chào hỏi trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Nhật

1. Lý do chọn đề tài
Vài thập kỷ trở lại đây, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã
phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, kéo theo đó là con số các cuộc giao
tiếp liên văn hóa giữa người Việt Nam và người Nhật Bản không ngừng tăng
lên. Tuy nhiên, trong giao tiếp liên văn hóa, những va chạm, hiểu lầm, thậm chí
xung đột là điều không thể tránh khỏi do những khác biệt về văn hóa. Chính vì
vậy, việc tìm hiểu đặc điểm giao tiếp của người Việt Nam và người Nhật Bản,
so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra những điểm tương đồng, khác biệt, từ đó
khuyến cáo những người tham gia giao tiếp trên cơ sở “biết người, biết ta”, tự
hào về văn hóa dân tộc mình nhưng tôn trọng sự khác biệt của nền văn hóa
khác.

Nhật Bản là một đất nước nổi tiếng với những nét văn hóa đặc sắc, con người
thân thiện và khung cảnh thiên nhiên ấn tượng. Người Nhật được đánh giá khá
cẩn thận, tỉ mỉ và họ rất coi trọng những hoạt động giao tiếp hàng ngày. Trong
giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người
đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng
người tham gia giao tiếp. Những biểu hiện đầu tiên trong quá trình giao tiếp của
người Nhật là thực hiện những nghi thức chào hỏi. Chào hỏi là nghi thức xã hội
thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và thiện chí. Đây là ấn tượng đầu tiên trong giao
tiếp, ảnh hưởng đến sự thành công của buổi gặp gỡ bởi người Nhật xem hành
động chào hỏi nhau hàng ngày là một nét văn hóa đặc trưng của họ. Khác biệt
so với nhiều quốc gia, người Nhật cúi chào thay vì bắt tay. Có nhiều kiểu cúi
chào khác nhau thể hiện mức độ tôn kính và lời chào hỏi cũng thay đổi theo đối
tượng, thời điểm và ngữ cảnh.

Có thể nói, Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống các phương thức và
quy tắc chào hỏi cầu kỳ nhất. Bản thân một bộ phận người dân xứ sở Phù Tang
cũng đánh giá một số nghi thức này là rườm rà và có chút phiền toái, nhất là
đối với đời sống hiện đại yêu cầu tác phong nhanh nhẹn như hiện nay. Bất chấp
những ý kiến đó, văn hóa chào hỏi đặc biệt này không hề có dấu hiệu bị mai
một hay biến chất mà trái lại, vẫn tiếp tục được truyền giáo qua biết bao thế hệ
người Nhật từ đời này sang đời khác. Đây không phải một điều khó hiểu, bởi
các nghi lễ này đều bắt nguồn từ tấm lòng tôn trọng bản thân cũng như mọi
người xung quanh của người Nhật. Chính chúng là một phần không thể thiếu,
đóng góp vào nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Nhật Bản và là một
trong những điều thể hiện rõ nét nhất giá trị tinh thần cao quý của những người
dân xứ này.

2. Mục tiêu nghiên cứu


Khi quyết định nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hướng tới giúp người đọc hiểu
rõ về văn hóa chào hỏi đặc trưng của người Nhật và nâng cao nhận thức của
người Việt Nam chúng ta về tầm quan trọng của việc chào hỏi trong giao tiếp
ứng xử. Vậy nên mục tiêu của đề tài là cung cấp kiến thức và kỹ năng thực
hành chào hỏi phù hợp với văn hóa Nhật Bản qua việc phân tích, làm rõ ý nghĩa
và cách sử dụng của từng hình thức chào hỏi phổ biến trong nền văn hóa này.
Đưa ra lời khuyên thực tế để giao tiếp hiệu quả khi chào hỏi người Nhật vì tìm
hiểu về cách chào của người Nhật rất cần thiết khi bạn đến thăm đất nước này
hoặc trò chuyện, làm việc với người bản xứ. Chào hỏi đúng cách thể hiện sự
tôn trọng và quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa của Nhật Bản, nơi mà việc tuân
thủ các nghi thức giao tiếp phù hợp được đặt lên hàng đầu.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để đi sâu nghiên cứu vào chủ đề này, chúng tôi nghiên cứu qua các phương
tiện như: sách báo, internet, video, tài liệu nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản.
Sau khi có được nội dung đã được thu thập trước đó, chúng tôi kết hợp phân
tích nội dung tài liệu, tổng hợp thông tin về cách chào hỏi của người Nhật. Khi
nghiên cứu một nền văn hóa của một nước thì việc so sánh, đối chiếu thông tin
thu thập được là điều không thể thiếu, mang đến cho người đọc một cái nhìn đa
chiều về đề tài.
4. Phạm vi nghiên cứu
Về phạm vi không gian, nhóm tập trung vào nghiên cứu ở đất nước Nhật Bản,
về văn hóa chào hỏi trong các vùng miền khác nhau của Nhật Bản và từ đó tiến
hành so sánh đối chiếu chào hỏi trong nền văn hóa giao tiếp ứng xử Việt Nam.

Về phạm vi thời gian, nhóm tiến hành nghiên cứu đề tài với phạm vi kéo dài từ
lịch sử đến hiện đại để phản ánh sự thay đổi trong văn hóa chào hỏi cũng như
ảnh hưởng của các biến động xã hội, kinh tế, và chính trị đến văn hóa chào hỏi.
5. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các phương thức chào hỏi trong văn hóa
giao tiếp ứng xử truyền thống và hiện đại của người Nhật, bao gồm cả ngữ
cảnh sử dụng và ý nghĩa văn hóa của chúng. Cụ thể:
- Các hình thức chào hỏi phổ biến
- Ý nghĩa văn hóa và cách sử dụng từng hình thức chào hỏi trong nhiều
tình huống đời sống khác nhau
- So sánh cách chào hỏi của người Nhật với các nền văn hóa khác
- Những lưu ý khi sử dụng các hình thức chào hỏi của người Nhật
6. Bố cục đề tài
Công trình nghiên cứu: “Chào hỏi trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người
Nhật” cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về các kiểu chào hỏi phổ
biến cũng như những hiểu biết sâu sắc về một khía cạnh quan trọng trong văn
hóa Nhật Bản.

Ngoài Lời mở đầu, Danh mục bảng biểu, Mục lục, Kết luận, Danh mục tài liệu
tham khảo đề tài được phân chia thành 3 chương chính như sau:

Chương 1: Khái quát văn hóa chào hỏi của người Nhật
Chương 2: Các hình thức chào hỏi phổ biến - Ý nghĩa và cách sử dụng của từng
hình thức
Chương 3: So sánh cách chào hỏi của Nhật Bản với Việt Nam

You might also like